logo-vuot
acrobat  📂  🏠   

NamViet - 1

Chết trong từng giờ

Thứ Năm, 04/25/2024 - 05:19 — namviet

Cuộc chiến của Tô Lâm và Vương Đình Huệ diễn ra thật nhanh, chỉ trong có mấy ngày, nhưng người tung đòn quyết liệt vẫn là ông Bộ trưởng Công an, nhà lãnh đạo tối cao của nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam tương lai.

Đòn quyết định, như đã biết, Tô Lâm tung con bài tập đoàn Thuận An bị phát hiện sai phạm vào cuộc, đi bắt thủ hạ thân tín của Huệ là Phạm Thái Hà công khai trước bàn dân thiên hạ, nhưng những ngày khảo tra kín, là những ngày Huệ lên ruột vì biết các ngón đòn tàn ác của Lâm lâu nay, chưa có ai thể đi qua mà không ói ra nhiều điều mà Lâm cần biết.

Tin từ trong nội bộ nói, Huệ suốt ngày 17 và 18 Tháng Tư chạy nhờ những mối quen biết, xem Phạm Thái Hà thế nào, nhưng thực chất là dò la xem Hà đã khai ra những gì rồi, trong khi chạy đôn chạy đáo tìm những thế lực phe phái khác để đỡ cho mình đòn cuối.

Nhưng muộn, ngày 19 Tháng Tư, Tô Lâm tung hồ sơ ra, và ép phải thành lập đoàn kiểm tra, đúng theo quy trình của ông Nguyễn Phú Trọng đã đặt ra từ hồi chọn cắt đứt quan lộ của Nguyễn Tấn Dũng. Cuối cùng Ban chấp hành Trung ương Đảng đã phải ra công văn tuyệt mật, số 163, có tiêu đề “Quyết định kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm của đồng chí Vương Đình Huệ”.

Đoàn kiểm tra có 9 người, đứng đầu danh sách là ông Trần Văn Rón, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Thường trực Uỷ ban kiểm tra trung ương làm trưởng đoàn. Kèm theo Quyết định kiểm tra này có cả một kế hoạch tuần tự để cô lập và điều tra Vương Đình Huệ nhằm tìm ra kết quả cuối cùng để báo lên Bộ Chính trị và Ban bí thư. Quyết định được Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra Trung ương Đảng Trần Cẩm Tú đóng dấu, ký.

Nhìn cái tên Trần Văn Rón đứng đầu đoàn kiểm tra, ai nấy đều mỉm cười và biết rằng số của Vương Đình Huệ đã đến lúc tận. Rón sinh năm 1961, Người tỉnh Vĩnh Long, và có một đặc tính mà những ai quen biết điều rõ, đó là Rón ghét cay ghét đắng thành phần cộng sản Bắc Kỳ. Suốt 10 năm nay, cảnh các quan chức cấp cao Bắc kỳ chia nhau món lợi và làm giàu một cách công khai, khiến Rón vẫn có lúc chửi trên bàn nhậu. Cũng có thể Rón không phải là người thanh liêm gì, nhưng đối với cánh cộng sản miền Nam, có được lợi thế chia chác như vậy hoàn toàn không dễ.

Đòn chí mạng, là vào đêm 20 Tháng Tư, một nguồn tin nặc danh được bắn đi qua tin nhắn điện thoại số rác đến một số nhà báo ở Việt Nam có liên hệ với truyền thông quốc tế, tiết lộ thêm một chi tiết mà mới chỉ có Ủy ban kiểm tra Trung ương Đảng biết, rằng Nguyễn Duy Hưng, chủ tịch tập đoàn Thuận An đang bị điều tra là cháu của Vương Đình Huệ. Chi tiết động trời này được các hãng tin, báo chí quốc tế thận trọng kiểm tra. Cuối cùng, tờ Asia Sentinel tung ra bài viết đầu tiên với người viết cũng được giấu tên, xác nhận chi tiết này, cũng là tiếng kéo màn của sân khấu kịch tính mà Vương Đình Huệ đang trải qua.

Trang web Quốc hội, sân nhà của Huệ tê liệt và đóng cửa việc đưa tin hàng ngày, với lý do bảo trì.

Đúng là Tô Lâm, người có cặp mắt của rắn và nụ cười của đười ươi, là hai loại dã thú luôn chọn quan sát thận trọng đối phương, thị uy, rồi sau đó mới tấn công đòn quyết định.

Tô Lâm chọn phương án tấn công vô định Huệ cuối cùng, vì đây là đối thủ giảo hoạt và kết nối với nhiều băng nhóm, cần tổ chức tấn công cả hai mặt: Chứng cứ sai phạm đối với nội bộ Đảng và đưa ra những tin tức chợ trời, để hủy diệt danh dự của Huệ với công chúng.

Tin tức chợ trời, tức trang web vuonghamy.com, mượn tên con gái của Huệ vưa tốt nghiệp ở Mỹ, hớn hở đeo cà-vạt đỏ có ngôi sao vàng, nhưng đưa hết chuyện ăn chơi, gái gú và nội bộ gia đình Huệ tan nát thế nào. Thậm chí trang này còn lôi tên Nguyễn Đắc Vinh, ủy viên ban chấp hành Trung Ương Đảng, chủ nhiệm ủy ban Văn Hóa, Giáo Dục của Quốc Hội, kẻ chuyên dắt gái cho Huệ. Công an Việt Nam giỏi bắt người như vậy, nhưng trang vuonghamy.com lại sừng sững không ai chạm vào được, cứ vài ngày lại rót một tin như điện giật.

Cả hai đường tấn công, Huệ đều chết nhanh và cả chết từ từ ở nội bộ đảng, lẫn cả chợ đời, chết trong từng giờ. Nói đến đây thì hết thảy quan chức cộng sản đều rùng mình nghĩ đến phận mình. Tin nội bộ giờ cuối, nghe rằng Ba Đình đang họp kín chuẩn bị bạn nhân sự mới ngồi vào ghế của Huệ. Nụ cười trên Huệ đã tắt.

🔝

Phần cuối án tử hình Trương Mỹ Lan, sẽ lộ mặt Lê Thanh Hải?

Thứ Ba, 04/16/2024 - 22:00 — namviet

Ngay trước khi kết thúc phiên xử sơ thẩm, người nhà bà Lan đã nói với hãng tin Reuters rằng luật sư sẽ nộp đơn kháng cáo. Có nghĩa là trước khi có kết quả phán quyết, bà Lan và luật sư đã chuẩn bị nội dung sẳn để kháng cáo, như một nước cờ được tính trong cuộc chơi với luật pháp Việt Nam, mà bà Lan lúc này phải một mình gánh tội thay cho những bóng đen đứng sau cánh màn nhung sự nghiệp của bà.

Có rất nhiều nhà bình luận thời sự đã nhấn mạnh rằng, trong một nền kinh tế chỉ huy của nhà nước cộng sản, những kẻ hở trục lợi chỉ có thể được tạo ra bởi các quan chức, và phối hợp bên ngoài để làm giàu. Một mình bà Trương Mỹ Lan có tài thánh đến đâu cũng không thể tự mình mở lối đi từ địa phương đến Trung Ương thành tập đoàn như hôm nay, và cuối cùng, là người kinh tài cho nhóm cộng sản miền Nam.

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, Nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS – Yusof Ishak Institute), Singapore, ít nhất một lần đã nhắc đến khái niệm “bảo trợ chính trị” cho sự hình thành quy mô làm ăn của bà Lan. Còn nói toẹt ra, tiến sĩ Nguyễn Quang A khẳng định “trong cơ chế nhà nước này, một mình bà Lan không thể nào làm nên chuyện như vậy được.”

Sự có mặt không quá nổi bật của tập đoàn Vạn Thịnh Phát nhiều năm trước, nhưng luôn hiện diện bên cạnh các quan chức miền Nam, cũng tạo nên lời xì xầm về một hệ thống kinh tài, nối dài đến Hồng Kông, Trung Quốc, nuôi lớn những con cá mập gian tham, đứng đầu là Lê Thanh Hải, cựu bí thư TP.HCM trong suốt nhiều năm.

Lê Thanh Hải có nụ cười hiền lành nhưng nham hiểm tột cùng. Trong chiến dịch đốt lò của Trọng, Hải liên tục đẩy đàn em ra chịu đòn, còn mình vẫn an toàn sau những cú đánh chí tử. Lê Thanh Hải từng làm Ủy viên Trung ương Đảng 3 khoá, trong đó có 2 khóa là Ủy viên Bộ Chính trị, nên ông Hải hiểu rõ mọi chuyện, và có đủ hồ sơ 'đen' của những kẻ muốn hại mình để tung ra khi cần thiết, vào ván cờ cuối.

Cụ thể một trong những chuyện bê bối năm 2006, vẫn được dân Hà Nội thì thào nói với nhau chuyện bí thư Hà Nội Nguyễn Phú Trọng là làm biến mất 3000 tỷ đồng ngân sách, và món quà căn nhà trị giá cả triệu đô từ tập đoàn Ciputra, mà sau đó đã bán gấp để xóa dấu vết. Ông Trọng cũng không phải sạch sẽ gì khi nắm toàn quyền, nên hiểu rõ ai là người nhìn thấy vết của mình, và thận trọng trong từng bước đi. Dĩ nhiên, Hải biết rõ và có lẽ cũng tạo điều kiện cho Trọng biết là mình có đủ hồ sơ. Chính vì vậy, trong cuộc chinh phạt 'đốt lò' vinh quang của mình, Trọng đã không dám nhắc gì đến Hải. Nhưng cay thì chắc là rất cay.

Thói thường của hậu trường chính trị, khi biết ai nắm thóp của mình, tức kẻ đó phải bị tiêu diệt. Trọng không muốn để yên cho Hải, và cũng muốn có một cước phá đảo, chiếm lấy lực lượng kinh tài cho phe cộng sản miền Nam, mà rành rành là Trương Mỹ Lan cùng tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Chính vì vậy, vụ cướp đất Thủ Thiêm được Trọng cho mở lại, siết chặt Lê Thanh Hải vào những sai phạm mà người dân ở vùng đất này bị màn trời chiếu đất mấy mươi năm, nguyền rủa và quyết đòi cho bằng được. Đòn quyết định của Trọng đưa ra vào Tháng Ba 2020, là lúc cho Bộ Chính trị khóa 12 xem xét kỷ luật đối với ông Lê Thanh Hải, mức cao nhất mà ông Hải nhận được chỉ là 'cách chức Bí thư Thành ủy' đã kinh qua. Chính ông Trọng cũng bất ngờ vì nghĩ rằng mình đã hạ được con cáo già này, nhưng Hải đã khéo léo lobby đủ từ trên xuống dưới, khiến cả hội nghị lúc đó, không ai đồng ý mức án cao hơn, mà vốn ông Trọng từ đầu nhắm tới là khai trừ Đảng và khởi tố.

Để bảo đảm sự an toàn cho mình, Hải chạy kiếm cái vé vinh danh 55 tuổi Đảng vào năm 2023, để ràng chặt sự nghiệp đen tối của mình với hình ảnh đảng cầm quyền. Đồng thời lúc đó, Hải quyết định bán người bạn – thân thiết như chị em – là bà Trương Mỹ Lan cho cuộc gồm thâu của Trọng để có thể an tâm rút về làm người ‘tử tế’, theo sách lược từng thỏa thuận của Nguyễn Tấn Dũng với Trọng.

Chuyện bán Trương Mỹ Lan cho Nguyễn Phú Trọng là phương án phòng thân của Lê Thanh Hải. Phía tay chân của bà Lan cũng báo động những giả định sự gian ác của Hải nên gia đình bà Lan từ năm 2014 đã vài lần định thôi quốc tịch Việt Nam, nhằm chuẩn bị mọi bước rút nhanh khi Hải trở mặt.

Người trong cuộc giấu tên nói “Hải đã nói với bà Lan là: tui còn ở đây, chị không phải lo gì cả, bộ chị không tin tui sao”? Nghe thuyết phục nhiều lần, bà Lan cũng chần chừ cho đến khi ý định bí mật rời khỏi Việt Nam bị lộ, Hải là người báo cho Tô Lâm bắt trước, chận lại mọi thứ. Việc chận bắt diễn ra ngay trên đường đi, chứ không phải tại nhà, và cũng bắt trước 2 ngày theo tin công an đưa ra cho báo chí.

Giờ đây, khi án tử hình gọi tên bà Trương Mỹ Lan, mà không thấy bất kỳ sự vận động hay ra mặt nào của Hải, có thể phần kháng cáo của bà Lan sẽ vô cùng hấp dẫn với những tin tức mới mà chính Đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng cũng muốn nghe, là cơ hội để làm bàn đạp quét sạch Lê Thanh Hải và đám cộng sản Miền Nam.

Còn chưa biết phiên phúc thẩm của bà Trương Mỹ Lan sẽ ra sao, nhưng chắc chắn nếu bà Lan chết, sẽ không chọn chết một mình. Và những giờ phút này, Lê Thanh Hải đang toát mồ hôi lạnh từng ngày, chạy đôn chạy đáo để tìm một sự đảm bảo cho số phận của mình, cũng như có thể đang lên kế hoạch bịt miệng bà Lan, chẳng hạn như một cái chết bất ngờ trong trại?

🔝

Tô Lâm đánh phủ đầu ngay khi Vương Đình Huệ quay về từ Bắc Kinh

Thứ Tư, 04/17/2024 - 21:10 — namviet

Chuyến đi cầu viện Tập Cận Bình từ ngày 7 đến 12-4 của Vương Đình Huệ, do đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng tổ chức, có vẻ không ăn thua với đòn phép của Tô Lâm. Cuộc chiến của Tô Lâm nổ ra, dường như đã tính luôn cả bước Huệ sẽ tiếp cận Tập Cận Bình để xin đảm báo cho chiếc ghế kế thừa Tổng Bí Thư của Huệ. Ngay khi về nước, đòn tấn công mới của Lâm nhắm vào Huệ lại tiếp tục nổ ra làm chấn động hậu trường Ba Đình.

Cái đích của Tô Lâm đã rõ: đường đến Đại Hội 14 của CSVN phải bằng phẳng và không còn kẻ nào đối đầu với ông ta. Và những gì vừa xảy ra, cho thấy còn nhiều phát súng nữa vẫn đang hờm vào Huệ.

Ngay khi hể hả bắt tay với các quan chức cao cấp của Bắc Kinh và ra về, mặt Vương Đình Huệ đã tái mét khi thấy dưới chân máy bay đã có mấy chiếc xe bảng số 80 đang chờ để áp giải Phạm Thái Hà về cơ quan điều tra. Hà là cánh tay phải lâu năm của Huệ để bàn tính trong các nước cờ đối phó chính trị lẫn leo cao, và Phạm Thái Hà hiện cũng nắm giữ chức Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, kiêm trợ lý cho Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Mặc dù sự vụ được giấu kín, nhưng tin tức ở trong nước đến chiểu tối ngày 17-4 đã lan nhanh qua các tin nhắn riêng. Có tin nói Phạm Thái Hà bị khởi tố bắt giam tội danh “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại khoản 3, Điều 356 Bộ luật Hình sự. Nhưng cũng có tin nói tay này bị buộc tội “nhận hối lộ”, quy định tại khoản 4, Điều 354 Bộ luật Hình sự.

Nhưng dù là tội gì, rõ ràng sợi dây liên đới dẫn đến Huệ đã hiện ra. Lịch sử đảng CSVN đương đại vẫn rành rành chuyện vào Tháng Một 2023, hai ông Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam đã phải từ chức vì các trợ lý mắc sai phạm. Để biểu quyết xác định sai phạm của hai nhân vật này, 486 đại biểu Quốc hội đã được họp mật theo từng tổ, nghe đọc chi tiết các vấn đề sai phạm của từng người, văn bản có đóng dấu mật, không phổ biến bên ngoài, có chữ ký xác nhận của Tô Lâm và cả chữ ký xác nhận có xem qua của Nguyễn Phú Trọng. Dĩ nhiên, lối thoát cuối cùng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam là phải làm đơn xin từ chức, và cuối cùng được 96,99% số nghị gật bỏ phiếu lúc đó, tán thành.

Vụ bắt Phạm Thái Hà, chỉ là bước hai của tổng kế hoạch loại bỏ Vương Đình Huệ. Bước một, trong những ngày Vương Đình Huệ cầu viện Bắc Kinh, thậm chí đem chuyện các mỏ đất hiếm của Việt Nam ra để nhử mồi cầu thân, thì ở quê nhà, Tô Lâm mở đại án liên quan để Tập đoàn Thuận An.

Thuận An là cái tên ít ai để ý, nhưng người cầm đầu là Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng đã luôn lót tiền khéo và đậm cho Phạm Thái Hà. Nhờ vậy, tập đoàn Thuận An luôn vượt qua các nhà thầu khác để nhận ngân sách xây dựng hàng trăm ngàn tỷ từ nhiều năm nay. Các tuyến đường cao tốc khắp đất nước đều có bàn tay vận động hậu trường của Tập đoàn Thuận An để giành lấy.

Dĩ nhiên, mọi chuyện đều có cái gật đầu của Huệ thì Hà mới dám ký và vận động hành lang cho tập đoàn Thuận An. Tổng kết quá trình, tiền hối lộ cũng đã lên đến con số ngàn tỷ, mà chắc chắn không thể nào Hà dám ôm hết một mình.

Qua sự bảo trợ chính trị của liên minh Huệ - Hà, ông chủ tập đoàn Thuận An còn thao túng đến mức bán lại các gói thầu giành được cho các công ty xây dựng khác, đem riêng về cho mình những số tiền hoa hồng khổng lồ. Và từ đó, các vụ thu tiền phí cao tốc bất minh và ngang ngược đã diễn ra trên suốt cả nước mà không ai hiểu nổi. Những người lên tiếng phản đối và vạch trần sự việc này lần lượt vào tù hay phải bỏ đi tỵ nạn chính trị.

Nhiều nguồn tin vội, cho rằng Huệ đã phải im lặng từ chức. Thế nhưng nhằm dập tắt các tin đồn bất lợi, ngày 17-4, Vương Đình Huệ đã ra mặt trong cuộc họp mở màn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV vào ngay ngày đầu, vốn không cần Chủ tịch Quốc Hội có mặt, mà chỉ cần đại diện là Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường. Dĩ nhiên, Huệ muốn bắn đi thông điệp rằng mình là người không dễ gục ngã.

Nhưng đường dài mới biết sức ngựa. Giờ đây Phạm Thái Hà, đàn em thân tín đã gắn bó với Huệ suốt gần 20 năm, là người đã đi cùng với Huệ qua nhiều nấc thang quyền lực, hiểu và nắm rõ những phần ăn của mình và ông chủ, đang đối diện với những thủ thuật tra vấn kinh sợ của đàn em Tô Lâm, từng đêm trong ngục tối, liệu Hà sẽ bảo vệ ông chủ của mình đến mức nào?

Còn ông Trọng ắt cũng đang bứt tóc nghĩ đến cách giải vây cho Huệ. Nhưng câu chuyện “đốt lò không có vùng cấm” mà ông ta vẽ ra, nhằm triệt tiêu các đối thủ chính trị của mình, giờ đây trở thành chuyện há miệng mắc quai, và phải nhượng bộ cho Tô Lâm diễn trò “trong sách hoá nội bộ”. Điều này khiến Trọng có thể không còn dám nghĩ đến chuyện về hưu trước đại hội CSVN năm 2026, vì bàn cờ quyền lực của Ba Đình có thể bị Tô Lâm hất tung vào bất cứ lúc nào.

🔝

Chương trình tri ân TPB -VNCH ở Sài Gòn ngừng hoạt động

Thứ Hai, 04/08/2024 - 23:07 — namviet

Bản tin ngắn của những người đã tận lực cho chương trình Tri Ân Thương Phế Binh VNCH ở Việt Nam, đã làm không ít người nhói lòng: Từ tháng này, hoạt động ý nghĩa và đầy tình chia sẻ này sẽ ngừng lại.

Món quà xuân 2024 khiêm tốn cho hơn 5000 quý ông thương phế binh VNCH (TPB), kéo dài từ tháng Mười Hai 2023 đến lúc này mới phát xong. Một phần vì những người thực hiện chương trình phải vừa phát vừa tìm kiếm nguồn quỹ tiếp tục, đủ cho các ông, vừa phải di chuyển và khéo léo không bị chính quyền cản trở, sách nhiễu.

Chưa năm nào như năm nay, quỹ quà xuân TPB vô cùng khó khăn dù chỉ dự tính 3 triệu đồng một người (khoảng $120), lời kêu gọi yểm trợ được phát đi liên tục hàng tháng. Kể cả những thiện nguyện viên tham gia chương trình cũng đối diện với nhiều tình huống nguy hiểm suốt từ Quảng Trị cho đến Cà Mau. Có thiện nguyện viên đi phát quà bị chính quyền địa phương bắt về thẩm tra vô cớ, vô pháp, giam lỏng cả ngày.

Trong lời chia tay đầy buồn bã của các quý linh mục Dòng Chúa Cứu Thế phát đi, có đoạn “Nay chúng tôi xin tạm ngưng công việc này để tập trung cho sứ vụ mới. Vì vậy chúng tôi sẽ không tiếp nhận hồ sơ mới mà quý Ông TPB gửi về theo địa chỉ: Nhà thờ Cần Giờ 182/3 Đào Cử, TT. Cần Thạnh, H. Cần Giờ, TP.HCM nữa. Và xin các nhà hảo tâm cũng không gửi tiền về cho chúng tôi (linh mục Trương Hoàng Vũ) theo địa chỉ trên”.

Tên của chương trình trợ giúp cho các quý ông TPB, có tên là “Bên nhau đi nốt cuộc đời”, do linh mục Phạm Trung Thành đề xướng, đã là một sự kiện độc đáo, cảm động và đầy nghĩa khí của những người muốn vinh danh và cám ơn những con người đã để lại một phần thân thể của mình trên đất nước, chống lại sự xâm lăng của Bắc Cộng sản cho tới 1975.

“Hứa là đi cùng các ông đi nốt cuộc đời này, nhưng rồi không làm trọn vẹn được, thiệt buồn quá”, một thiện nguyện viên của chương trình nói trong sự tiếc nuối.

Một người trên trang nhà của chương trình TPB-VNCH, để lại tin nhắn bùi ngùi “Năm nào ba mình cũng nhờ tiền quà xuân này để ăn tết, tết năm nay không có cha (linh mục) cho tiền quà xuân nữa, sau này ba mình sẽ không có tiền ăn tết nữa rồi”.

Từ khi bị ngăn trở bởi chính các linh mục thỏa hiệp với chính quyền ở nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, Quận 3, Kỳ Đồng, chương trình thiện nguyện lừng danh chính thức có lệnh chấm dứt từ tháng Năm 2019. Các linh mục tận tâm với chương trình, và được yêu mến như Lê Ngọc Thanh, Đinh Hữu Thoại, Trương Hoàng Vũ, Lê Xuân Lộc… bị điều chuyển đi tứ tán mọi nơi. Phòng Công Lý và Hòa Bình, chỗ dựa của dân oan mọi miền ở Việt Nam, bị đổi thành "Phòng Phát triển con người toàn diện".

Thời gian sau, khi nhà thờ Cần Giờ tái hoạt, nhưng đầy khó khăn do, phải cam kết với chính quyền là chỉ được hoạt động như một hoạt động từ thiện kín đáo, và nhỏ lẻ chứ không được tổ chức tập trung, linh mục Trương Hoàng Vũ đã hết sức cố gắng để duy trì nhưng mọi thứ không còn được như ý muốn.

Không chỉ riêng các thương phế binh VNCH bàng hoàng, mà chính những người tham gia phục vụ chương trình này cũng không nói nên lời. Với nhiều người, phục vụ cho những con người khốn khó này là niềm vui và ước nguyện chân thành của họ. Đặc biệt, trong bối cảnh của một nước Việt Nam với vết thương nội chiến vẫn chưa lành, sự kỳ thị với những cựu quân nhân VNCH vẫn là một chủ trương thấy rõ.

Từ năm 2022, đã có tin rò rỉ từ nội bộ chính quyền, rằng sẽ phải bằng mọi cách chấm dứt chương trình Tri Ân TPB-VNCH, trước 2025, tức nhân dịp 50 năm CSVN cưỡng chiếm miền Nam tự do.

🔝

Chuyến đi sống còn vào Trung Nam Hải của Vương Đình Huệ

Thứ Sáu, 04/05/2024 - 16:36 — namviet

Có vẻ như chuyến đi của Vương Đình Huệ đến Trung Quốc dù là để thắt chặt các mối quan hệ giữa hai đảng cộng sản nhưng thực sự số phận của ông Huệ đang nằm trong cuộc đối thoại ngoại giao này.

Báo chí nhà nước cho biết, ông Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 7 đến 12/4, theo lời mời của Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc Triệu Lạc Tế, Ủy ban Đối ngoại Việt Nam cho biết hôm 4/4.

Nhìn vào lời mời của phía Trung Quốc và sự đáp lời nhanh nhẩu của phía Việt Nam, người ta nhìn thấy rằng đây như là một cuộc hẹn được sắp đặt trước, gấp rút, và được ngoại giao hóa bề mặt bằng một lời mời của Ủy ban thường vụ đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc.

Mặc dù Thông Tấn Xã Việt Nam đề cao chuyến đi của ông Huệ là cực kỳ quan trọng nhăm “định hướng chiến lược cho quan hệ song phương”, nhưng thật ra còn có cái gì để “định hướng nữa” khi mà ông đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng đã nắm chặt tay, cam kết với Tập Cận Bình trong chuyến thăm cấp vào tháng 12/2023, rằng hai quốc gia quyết nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện và xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc”?

Bất kỳ ai đang quan sát tình hình chiến trường Việt Nam cũng có thể hiểu rằng ông Vương Đình Huệ, con cờ cuối cùng của ông Nguyễn Phú Trọng, đang đứng trước những nguy cơ bị loại bỏ bởi Tô Lâm, Bộ trưởng công an kiêm lãnh chúa toàn phần Việt Nam. Chuyến đi này chắc chắn là có lời cậy nhờ của ông Nguyễn Phú Trọng, cùng sự bày tỏ trung thành của ông Vương Đình Huệ với họ Tập, để xin bảo đảm cho chiếc ghế tổng bí thư sắp đến không bị lung lay.

Nếu có tiếng nói của Tập ủng hộ cho việc Huệ thế Trọng, ít nhất thì Bộ trưởng Công an Tô Lâm sẽ không thể manh động cho đến khi quy định Huệ ngồi được vào ghế bí thư. Chuyện lật đổ hay loại bỏ ứng cử viên bí thư nhiều sai lầm về đời tư này chỉ có thể hành động sau đó. Nhưng khi Huệ nắm quyền sinh sát rồi, thì chưa biết lúc đó ai sẽ loại ai để giữ mạng cho mình.

Điều thú vị là trước chuyến đi của Huệ trên báo chí bắt đầu lại dấy lên câu chuyện về người tình ca sĩ của Huệ đang nương nhờ ở nước Mỹ thù địch.

Trên báo Ngôi Sao, ngày 4/4, đột nhiên có một bài viết điểm lại cuộc đời của ca sĩ Hương Tràm một cách vô thưởng vô phạt. Nhưng rõ ràng nó là lưỡi gươm được cố ý treo lơ lửng, đối với ông Huệ. Bài viết có tựa đề Cuộc sống của Hương Tràm sau 5 năm sang Mỹ, trong đó mô tả úp mở rằng cô chọn cuộc sống xa nhà không rõ lý do, và nói “cô có cuộc sống như một sinh viên xa nhà, biết trân quý sức khỏe và suy nghĩ tích cực”.

Thời gian gần đây, mạng xã hội rò rỉ hình ảnh ca sĩ Hương Tràm bế hai đứa bé được cho là sinh đôi, với tin đồn cô này là người tình, và đẻ hai đứa con cho ông Huệ tại Mỹ. Tờ VnExpress dẫn lời của Hương Trà nói rằng cô không có con giống như lời đồn đại. Tuy nhiên cô không đính chính hay giải thích gì về tấm ảnh cô đang ôm hai đứa bé.

Tin lan nhanh, và thực tế từ đó đến giờ tất cả những câu chuyện bê bối của giới quan chức lộ ra ngoài phần lớn đều là trong nội bộ đưa ra trong mục đích đánh phá, loại bỏ nhau.

Hương Tràm tuyên bố đột ngột từ bỏ sự nghiệp khi đang được chú ý, và nói đi Mỹ học. Nhưng tờ Ngôi Sao lại tiết lộ cô không làm gì ngoài thú vui làm việc ở nhà, hát để phát online trên kênh YouTube riêng. “Theo giọng ca sinh năm 1995, cô muốn thỏa thích thể hiện chất nghệ sĩ, làm mới các bản hit của mình hoặc cover các nhạc phẩm nổi tiếng”, báo này viết.

Cũng úp mở, báo Ngôi sao viết “Ngay cả cô cũng không muốn đánh mất hình tượng vốn đã được mọi người yêu quý, công nhận. 'Tuy nhiên, cuộc sống luôn phải có điều bất ngờ mới thú vị. Hiện tôi sống trong niềm vui thật sự, được là chính mình', cô nói.” (hết trích)

Trên con đường đi phó hội và nài xin Tập Cận Bình một vé để bảo đảm cho chức Bí thư, chắc chắn Vương Đình Huệ cũng sẽ luôn toát mồ hôi hột về đêm, khi nằm nghĩ đến câu chuyện đang cứ úp mở như vậy. Bằng mọi cách để bảo vệ cho mạng sống của mình và cho chức vụ quan trọng mà mình phải nắm bằng được, liệu Vương Đình Huệ có hy sinh thêm phần nào của đất nước, dân tộc, để nhượng bộ Tập Cận Bình cho chiếc miễn tử bài, đem về Việt Nam, trong bối cảnh Việt Nam gay cấn với Trung Quốc về tuyên bố những xâm lấn trên biển?

🔝