11/04/2024 Reuters - VOA
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps ở Brussels, 15/2/2024.
Bộ Quốc phòng Anh nói hôm thứ Tư 10/4 rằng Vương quốc Anh sẽ tổ chức các cuộc tập trận chung thường kỳ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương với Mỹ và Nhật Bản từ năm 2025 nhằm tăng cường an ninh trong khu vực.
Bộ trưởng Quốc phòng Grant Shapps nói trong một bản tuyên bố: “Tiến hành các cuộc tập trận chung sẽ gửi thông điệp mạnh mẽ tới bất kỳ ai tìm cách phá vỡ trật tự quốc tế dựa trên luật pháp - mối quan hệ quốc phòng của chúng tôi không bị giới hạn bởi khoảng cách và chúng tôi sẵn sàng đáp trả bất kỳ mối đe dọa nào trên toàn cầu”.
Bộ Quốc phòng Anh cho hay tàu sân bay HMS Prince of Wales của Hải quân Hoàng gia Anh sẽ được triển khai tới khu vực trong khuôn khổ một nhóm thực hiện các hoạt động và tập trận với các đồng minh, bao gồm cả một cuộc ghé thăm cảng ở Nhật Bản.
Trước đó trong cùng ngày 10/4, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã hứa hẹn về một “kỷ nguyên mới” trong hợp tác chiến lược Mỹ-Nhật.
Trong tuyên bố chung sau cuộc gặp thượng đỉnh ở Washington, hai bên cho biết mục tiêu của họ là xây dựng mối quan hệ đối tác an ninh toàn cầu “phù hợp với mục đích” nhằm giải quyết những thách thức phức tạp và có liên kết với nhau.
Ông Biden nhấn mạnh cam kết vững chắc của Hoa Kỳ trong việc bảo vệ Nhật Bản bằng cách sử dụng đầy đủ các khả năng bao gồm cả năng lực hạt nhân.
Hoa Kỳ và các đồng minh, bao gồm cả Nhật Bản, đã và đang tăng cường quân đội để chống lại những gì họ coi là mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc tại các khu vực bao gồm Biển Đông và xung quanh Đài Loan.
Hai ông Biden và Kishida cũng công bố kế hoạch nâng cấp mạng lưới liên lạc quốc phòng và kết nối năng lực phòng không giữa Mỹ, Australia và Nhật Bản để chống lại các mối đe dọa trên không và phi đạn.
Hôm 8/4, Australia, Anh và Mỹ nói rằng họ xem xét việc hợp tác với Nhật Bản thông qua Hiệp ước an ninh AUKUS.
2024.04.11 - RFA
Phó phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt tại một họp báo ở Hà Nội năm 2023 - Báo Tổ Quốc
Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 11/4 lên tiếng yêu cầu các nước tuân thủ luật quốc tế ở Biển Đông vào khi nhiều nước đang đồng loạt thực hiện các cuộc tập trận tại vùng nước đang có tranh chấp này.
Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ ở Hà Nội rằng: "Việt Nam đề nghị hoạt động của các nước liên quan cần phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, đồng thời đóng góp tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu trên”.
Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc duy trì an ninh, an toàn, tự do hàng không hàng hải trong khu vực phù hợp luật pháp quốc tế.
Trước đó, vào ngày 7/4, Bộ tư lệnh Chiến khu miền Nam quân đội Trung Quốc thông báo tổ chức tuần tra chiến đấu không quân và hải quân hiệp đồng ở Biển Đông. Thông báo này được đưa ra một ngày sau khi bộ trưởng quốc phòng các nước Mỹ, Nhật, Úc và Philippines thông báo sẽ tổ chức tập trận chung vào ngày 7/4 ở khu vực đặc quyền kinh tế của Philippines ở Biển Đông.
Đây là cuộc tập trận chung đầu tiên của cả bốn nước ở khu vực. Tuyên bố chung nhấn mạnh hoạt dộng này nhằm mục đích tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế "để ủng hộ một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.
Các cuộc tập trận diễn ra vào khi có những căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông liên quan đến Bãi Cỏ Mây, Scarborough và bãi Sandy Cay.
Trung Quốc là nước đòi chủ quyền phần lớn diện tích Biển Đông, nơi các nước trong khu vực cũng có tuyên bố chủ quyền bao gồm: Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan.
Cuộc họp thượng đỉnh ba bên Mỹ-Nhật-Philippines diễn ra tại Nhà Trắng hôm nay 11/04/2024. Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. cho biết lãnh đạo ba nước sẽ thông qua một thỏa thuận bao gồm việc bảo đảm an ninh và tự do hàng hải trên Biển Đông. Trước cuộc họp thượng đỉnh, tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã tiếp riêng tổng thống Philippines.
Đăng ngày: 11/04/2024 - 13:11
Ảnh ghép.Từ trái sang phải : Tổng thống Mỹ Joe Biden, thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. AP
Hôm nay, tổng thống Joe Biden gặp lại thủ tướng Fumio Kishida và sẽ cùng tiếp tổng thống Philippines, Ferdinand Marcos Jr. tại Nhà Trắng. Theo một quan chức cao cấp trong chính quyền Mỹ, được AFP trích dẫn, sự hiện diện của tổng thống Philippines là « tín hiệu mạnh mẽ và cứng rắn mà Washington và Tokyo gửi đến Bắc Kinh » vào lúc mà Manila liên tục bị Trung Quốc uy hiếp ở Biển Đông.
Theo các nguồn tin thông thạo, nhân cuộc họp hôm nay, ông Biden một lần nữa sẽ nhắc lại lập trường kiên định, đó là « hiệp định phòng thủ hỗ tương giữa Hoa Kỳ và Philippines sẽ được áp dụng trong mọi trường hợp xảy ra xung đột vũ trang ở Biển Đông, bao gồm cả việc bảo vệ các tàu tuần duyên của Philippines ». Ngoài ra, hãng tin Mỹ AP cho biết tổng thống Hoa Kỳ chính thức thông báo huy động quân đội Mỹ hỗ trợ Philippines nâng cao khả năng phòng thủ trên biển.
Về phía Manila, trả lời báo chí trước khi lên đường đến Washington, tổng thống Ferdinand Marcos Jr. hôm 10/04/2024 cho biết « chủ đích của hiệp ước ba bên là Mỹ-Nhật-Philippines có thể tiếp tục phát triển để đem lại thịnh vượng, hỗ trợ lẫn nhau và đương nhiên là nhằm duy trì hòa bình ở Biển Đông cũng như là bảo đảm tự do hảng hải trong vùng biển này ». Thượng đỉnh Washington là cơ hội để các bên « đi sâu thêm vào chi tiết về các chương trình hợp tác ba bên, bao gồm cả việc thực hiện các dự án chung ở Biển Đông », nơi mà trong thời gian gần đây, căng thẳng giữa Manila và Bắc Kinh đã gia tăng cường độ.
Trước cuộc họp hôm nay, thủ tướng Fumio Kishida từng quan niệm hợp tác « chặt chẽ hơn giữa Nhật Bản, Hoa Kỳ và Philippines là một yếu tố then chốt trong khu vực ». Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản hôm đầu tuần nêu đích danh Trung Quốc « không ngừng gây áp lực, hà hiếp » các nước láng giềng, kể cả Nhật và Philippines. Đại sứ Nhật tại Washington đã xác định tham vọng của « Bắc Kinh trong vùng biển này sẽ là một trong những chủ đề được thảo luận » tại thượng đỉnh ba bên hôm nay.
Hôm qua, hai thượng nghị sĩ Mỹ thuộc đảng Dân Chủ và Cộng Hòa đề xuất một dự luật cấp 2,5 tỷ đô la viện trợ quân sự cho Philippines, giúp Manila chống lại các áp lực của Trung Quốc.
Ngoài hồ sơ Biển Đông, kinh tế cũng là một ưu tiên của Manila. Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. muốn nhân dịp này kêu gọi đầu tư của Mỹ và Nhật vào một số lĩnh vực thiết yếu như « cơ sở hạ tầng, công nghệ bán dẫn, an ninh mạng, năng lượng tái tạo và nhất là hợp tác ba bên về quốc phòng và hàng hải ».
AFP ghi nhận đương nhiên Trung Quốc đặc biệt theo dõi thượng đỉnh Mỹ-Nhật-Philippines tại Washington hôm nay, do Bắc Kinh quan niệm đây là một nỗ lực của các bên nhằm hạn chế ảnh hưởng về địa chính trị ngày càng lớn của Trung Quốc ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
11/04/2024 - Ngô Nhân Dụng - VOA
Ông Tập Cận Bình sẽ phải chọn, nếu ủng hộ Nga, một đồng minh thất thế, thì sẽ lãnh các hậu quả do lệnh cấm vận của Mỹ. Hình minh hoạ.
Các chính phủ Mỹ sau này đã rút kinh nghiệm của “Đường Phòng thủ Acheson” cho nên đã ký các hiệp ước bảo vệ Nhật Bản, Nam Hàn, Philippines và Australia.
Ngày Thứ Ba 9 tháng 4, chủ tịch Tập Cận Bình tiếp Ngoại trưởng Nga Sergey V. Lavrov, chuẩn bị cho Tổng thống Vladimir V. Putin sẽ đến Bắc Kinh cầu viện. Tuần trước, bộ trưởng Tài chánh Mỹ Janet L. Yellen đã nhắc nhở các công ty Trung Quốc sẽ bị chế tài nếu giúp mua vũ khí cho cuộc chiến của Nga. Ông Tập Cận Bình sẽ phải chọn, nếu ủng hộ Nga, một đồng minh thất thế, thì sẽ lãnh các hậu quả do lệnh cấm vận của Mỹ. Trong khi đó, lãnh tụ hai nước đồng minh ở Á Đông cùng qua Mỹ để thúc đẩy hợp tác mật thiết với nhau hơn.
Ngày Thứ Năm, Tổng thống Joe Biden sẽ tiếp Thủ tướng Nhật Fumio Kishida và Tổng thống Ferdinand “Bongbong” Marcos Jr. nước Philippines. Đây là cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên giữa ba người, và họ nói trước sẽ không nhằm chống lại nước nào khác. Nhưng ai cũng hiểu, họ sẽ bàn chuyện đối phó với ông Tập Cận Bình. Tổng thống Marcos chủ động thúc đẩy việc này, vì trên mặt biển, Philippines đang trực tiếp đối đầu với Trung Cộng.
Hải quân hai nước mới đụng độ tại khu Thomas Shoal số 2, 194 km cách đảo Palawan của Philippines và 32 km cách căn cứ quân sự trên đảo Đá Vành Khăn (Mischief Reef) trong vùng đảo Trường Sa mà Trung Cộng đã chiếm đóng. Trong vùng các bãi cạn Thomas 2, hải quân Phi đã tự đánh đắm một tàu đổ bộ, Sierra Madre, vào năm 1999, để dùng làm chỗ đóng quân! Trung Cộng đã nhiều lần cản trở các tàu tiếp tế cho binh sĩ Philippines đồn trú tại đó, với các tàu hải giám phun nước, máy bay trực thăng. Gần đây, một chiếc tàu Trung Cộng đã đâm ngang sườn một thuyền tiếp tế của Philippines.
Tổng thống Marcos Jr. đã phản ứng mạnh mẽ. Ông tuyên bố Philippines sẽ không “hèn nhát cúi đầu ngậm miệng, chịu khuất phục hay quy hàng.” Phát ngôn viên của Hội Đồng An ninh Quốc gia ở Manila tuyên bố: “Chúng ta cam kết duy trì và bảo vệ binh sĩ đóng trên tàu Sierra Madre; bất cứ hành động ngăn cản nào của Trung Quốc sẽ bị quân đội Phi chống cự.” Thái độ cứng rắn này trái ngược hẳn với sự kiện Gạc Ma năm 1988 khi quân Trung Cộng tấn công đảo, hải quân Việt Nam được lệnh không chống cự. Sierra Madre chỉ là một chiếc tàu mắc cạn, quá nhỏ bé so với Gạc Ma với nhiều hòn đảo thuộc Quần đảo Trường Sa của nước ta.
Tập Cận Bình đã thi hành một chương trình bành trướng và củng cố sức mạnh trong vùng biển Đông Nam Á, sau khi đã thành công chiếm đóng các hòn đảo của Việt Nam, thế nào cũng phải đụng tới Philippines. Cựu Tổng thống Rodrigo Duterte đã nuôi ảo tưởng kết thân với Trung Cộng, hy vọng sẽ đổi lấy các dự án đầu tư; nhưng cuối cùng không được gì cả. Ông Marcos bắt buộc phải đổi ngược chiều chính sách của người tiền nhiệm.
Philippines nắm thế mạnh về pháp lý. Năm 2016, chính phủ Phi đã kiện Trung Cộng tại Tòa án Quốc Tế ở Den Haag (The Hague, Hòa Lan) và toàn thắng. Tòa tuyên bố tất cả các hành động của Trung Quốc trong vùng biển này là “bất hợp pháp,” kể cả bản đồ “đường chín đoạn,” việc đắp bồi các hòn đảo nhân tạo, xây dựng các phi trường và căn cứ quân sự.
Một mình Philippines không đủ sức đối phó với Cộng sản Trung Quốc. Nhưng vùng Biển Đông nước ta là con đường hàng hải quan trọng nhất ở Á châu; hàng ngàn tỷ đô la hàng hóa, dầu lửa và nguyên liệu đi qua thường xuyên. Chủ trương đe dọa để bành trướng của Tập Cận Bình, là động cơ thúc đẩy các nước khác phải đoàn kết chống lại. Chính phủ Philippines đã liên kết với các nước trong vùng và các nước Âu Mỹ để cùng bảo vệ quy tắc “hàng hải tự do.” Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar, đang qua thăm Manila, cũng lên tiếng ủng hộ Philippines trong việc bảo vệ chủ quyền theo Công ước Luật Biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS).
Năm ngoái, lãnh đạo các nước Nhật và Nam Hàn đã gặp tổng thống Mỹ ở Camp David; năm nay Philippines thay chỗ của Nam Hàn. Nhật Bản đã viện trợ cho Philippines nhiều tàu thủy, máy radar và các kỹ thuật tuần tiễu duyên hải. Trong tuần sau, hải quân Mỹ, Nhật Bản, Philippines và Australia sẽ tập trận chung trong vùng biển Đông Nam Á.
Các chính phủ Mỹ, qua nhiều đời tổng thống thuộc cả hai đảng, đã xây dựng các liên minh nhắm mục đích đề phòng Trung Cộng: AUKUS (Australia, Anh Quốc UK và Mỹ, US); Quad (Bốn nước Mỹ, Nhật, Australia và Ấn Độ). Nhiều người Mỹ đặt câu hỏi tại sao nước họ phải lo bảo vệ các nước khác, ở những vùng xa xôi như vậy. Một lý do giản dị nhất, là nhiều nước mạnh sẽ lấn áp các nước nhỏ chung quanh nếu họ không được Mỹ cam kết bảo vệ. Nếu Nga chiếm được Ukraine và các nước thuộc Liên Xô cũ thì họ sẽ đe dọa nền kinh tế các nước Âu châu và sẽ liên can đến kinh tế Mỹ. Nếu Trung Cộng chiếm thế “một mình một chợ” ở vùng Á Đông thì nhiều nước sẽ bị áp lực không tiếp tục giao thương tự do với các nước Âu, Mỹ; sau cùng sẽ gây thiệt hại cho quyền lợi người Mỹ. Nói chung, ở khắp thế giới, nơi nào vắng mặt nước Mỹ thì sẽ có các quốc gia khác nhảy vào chiếm chỗ.
Điều này đã diễn ra trong quá khứ, để lại một bài học dài gần hai phần ba thế kỷ. Đầu thập niên 1950, Mao Trạch Đông đã chiếm được chính quyền ở Trung Quốc; Stalin bắt đầu củng cố quyền kiểm soát trên các nước cộng sản Đông Âu. Ngoài việc đóng quân ở Nhật Bản và Tây Đức, hậu quả của Đại chiến Thứ Hai; giới lãnh đạo Mỹ có khuynh hướng rút về lo chuyện nội bộ, tránh gặp rắc rối ở các vùng xa xôi. Ngày 12 tháng Giêng năm 1950, tại Câu Lạc Bộ Báo chí Toàn quốc (National Press Club), ngoại trưởng Mỹ Dean Acheson đã tuyên bố chủ trương ngoại giao của chính phủ Mỹ. Các ý kiến của ông đã ảnh hưởng đến cục diện cả thế giới, đến nay vẫn còn hệ quả.
Bài diễn văn đã vẽ ra một “Đường Chu vi Phòng thủ” của nước Mỹ; trong đó chính phủ Mỹ chủ trương bảo vệ các vùng phía Tây của Thái Bình Dương – từ các quần đảo Ryukyu, Kurile của Nhật Bản xuống phía Nam, gồm cả Philippines. Nhưng ông Dean Acheson không nhắc đến Đài Loan và bán đảo Cao Ly đã chia đôi.
Đối với Stalin, Mao Trạch Đông và lãnh tụ Bắc Hàn Kim Nhật Thành, đây là một tín hiệu quan trọng. Dean Acheson cho thấy chế độ Cộng sản có thể bành trướng tới những nơi nào Mỹ sẽ bỏ rơi. Sáu tháng sau khi ông Dean Acheson nói, Stalin đã đồng ý cho Kim Nhật Thành tấn công Nam Hàn, mà trước đó chính ông ta ngăn cản. Mao Trạch Đông cũng thấy viện trợ vũ khí và gửi cố vấn qua chỉ đạo cuộc chiến chống Pháp ở Việt Nam, Lào và Campuchia là một vụ đầu tư có lợi lâu dài cho quyền lợi Trung Quốc.
Chính phủ Mỹ chỉ gửi quân qua bảo vệ Nam Hàn khi thấy rằng một Đại Quốc thống nhất dưới chế độ cộng sản sẽ đe dọa Nhật Bản cùng quân đội Mỹ đang trú đóng ở đó. Chứng kiến cảnh quân Trung Cộng xung phong chết lớp này đến lớp khác trong chiến thuật biển người ở Cao Ly, chính phủ Mỹ cũng bắt đầu viện trợ cho chính phủ Quốc Dân Đảng ở Đài Loan để tự vệ.
Các chính phủ Mỹ sau này đã rút kinh nghiệm của “Đường Phòng thủ Acheson” cho nên đã ký các hiệp ước bảo vệ Nhật Bản, Nam Hàn, Philippines và Australia. Những cuộc gặp gỡ giữa các người lãnh đạo các nước này ở thủ đô là một cách để dân chúng Mỹ công nhận và đồng ý những liên minh cần thiết này. Trong tương lai, chính phủ Mỹ có thể thay đổi nhưng chiến lược trong vùng Á Đông vẫn cần thiết. Nếu các nước Á Đông không tin tưởng vào những cam kết lâu dài của chính phủ Mỹ thì họ sẽ phải tìm cách thân thiện với Cộng sản Trung Quốc.
Trọng trách bảo đảm an ninh cho cả vùng Châu Á - Thái Bình Dương phải chăng đang dịch chuyển dần từ Washington sang Tokyo ? Đây là câu hỏi đang được đặt ra từ việc Hoa Kỳ và Nhật Bản ký kết hơn 70 thỏa thuận hợp tác quốc phòng trong chuyến công du của thủ tướng Fumio Kishida đến Mỹ hôm 10/04/2024.
Đăng ngày: 11/04/2024 - 16:21
Tiếp thủ tướng Nhật Bản với những nghi thức trọng thể nhất, tổng thống Biden tuyên bố « hai nước chúng ta đang xây dựng mối quan hệ đối tác quốc phòng và an ninh mạnh mẽ hơn và một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương mạnh mẽ hơn bao giờ hết ». Tiếp theo đó là hàng chục thỏa thuận về hợp tác quốc phòng, bao gồm cả các thỏa thuận « nâng cấp cơ chế chỉ huy quân sự của Mỹ tại Nhật để đối phó tốt hơn trong trường hợp xảy ra khủng hoảng về an ninh », như báo tài chính Nikkei Asia ghi nhận. Ngoài ra, Hoa Kỳ và Nhật Bản mở rộng danh sách các chương trình cùng phát triển thiết bị quốc phòng.
Theo giới quan sát những thỏa thuận « chưa từng có từ khi kết thúc chiến tranh lạnh » giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản cho thấy vai trò ngày càng lớn của Tokyo về an ninh và quốc phòng. Nhật Bản đang trở thành mắt xích chính của Washington trong liên minh để đối phó với các quốc gia phi dân chủ, từ Trung Quốc đến Nga và Bắc Triều Tiên cũng như Iran.
Mỹ đang trông thấy ở Nhật Bản rất nhiều lợi thế. Thứ nhất về đối nội, hai thủ tướng liên tiếp Shinzo Abe và Fumio Kishida liên tục vận động sửa đổi bản Hiến Pháp chủ hòa để « tăng cường mức tự chủ về an ninh và quốc phòng » của Nhật Bản. Với sức mạnh công nghiệp và công nghệ cao, Tokyo cũng đã nới lỏng các quy định về xuất khẩu vũ khí mở đường cho việc tham gia tích cực hơn vào thị trường màu mỡ này trong bối cảnh hai cuộc chiến ở Trung Đông và Ukraina tiếp diễn, mối đe dọa Bắc Triều Tiên ngày càng lớn và tham vọng chiếm đất, chiếm biển vô tận của Trung Quốc. Nhật Bản cũng là một quốc gia không ngần ngại tăng ngân sách quốc phòng đề phòng hai hiểm họa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.
Lợi thế thứ hai của Nhật Bản là sức mạnh của cỗ máy công nghiệp và một phần công nghệ tương lai đang được đặt ở Nhật Bản. Do vậy, lôi kéo được Nhật Bản về phía mình là một lá chủ bài trong cuộc đọ sức công nghệ cao với Trung Quốc. Lợi thế công nghệ đó cho phép Nhật Bản đang « lột xác từ một nước chủ hòa hóa thân thành một cường quốc quân sự trong tương lai ». Điều đó sẽ làm thay đổi tương quan lực lượng trên bàn cờ quốc tế, như Yann Messager, một nhà báo độc lập hoạt động tại Tokyo ghi nhận trong bài viết đăng trên báo The Diplomat hôm 11/04/2024.
Ưu điểm thứ ba của Tokyo là uy tín của xứ hoa anh đào đối với các đối tác Đông Nam Á và cả ở Châu Đại Dương. Nhật Bản là một nhà tài trợ hào phóng, là một nguồn đầu tư quý giá giúp nhiều quốc gia Đông Nam Á phát triển. Theo thăm dò gần đây do viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS Singapore thực hiện, Tokyo được xem là một « đối tác đáng tin cậy » và trong 6 năm liên tiếp uy tín của Nhật trong vùng lớn hơn so với của Hoa Kỳ hay Trung Quốc.
Nhật Bản liên tục mở rộng quan hệ từ ngoại giao đến kinh tế, quân sự với Ấn Độ, Úc, và đương nhiên là với nhiều nước Đông Nam Á như Philippines, Malaysia, hay Indonesia… Chẳng vậy mà Nhật Bản là một trong những chặng dừng của tổng thống tân cử Indonesia Prabowo.
Cũng dưới chính quyền Kishida, Nhật Bản đã san bằng những hiềm khích quá khứ lịch sử với Hàn Quốc vì mục tiêu « an ninh chung trong khu vực ».
Trước ngần ấy lợi thế của Nhật Bản, việc Mỹ trông cậy nhiều hơn vào đối tác chiến lược này là điều dễ hiểu, nhất là trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang ở eo biển Đài Loan hay tại Biển Đông, Nhật sẽ trong thế « tiền đồn » : 54.000 lính Mỹ đang trú đóng trên xứ hoa anh đào.
Cuối cùng, trong tính toán của tổng thống Biden, tăng cường hợp tác quân sự và quốc phòng với chính quyền Kishida cũng là cách để trấn an phần nào các đồng minh của Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương trước khả năng Nhà Trắng đổi chủ sau bầu cử tổng tổng thống vào tháng 11 tới đây.
Thế còn đối với các nước trong vùng châu Á-Thái Bình Dương, từ Ấn Độ đến Úc và kể cả Hàn Quốc hay Đông Nam Á, đúng là trong bối cảnh hiện nay, trước những tham vọng chủ quyền của Trung Quốc trên biển, trên bộ ngày càng lớn, tất cả chỉ còn biết trông chờ vào Mỹ. Vấn đề là ẩn số trên chính trường Mỹ và mọi người còn nhớ, kể cả Nhật Bản, rằng ông Donald Trump khi lên cầm quyền từng xé bỏ những hiệp định quan trọng nhất về an ninh, kinh tế của người tiền nhiệm. Do vậy, việc tổng thống Biden ký hàng loạt thỏa thuận hợp tác quân sự với thủ tướng Kishida có thể được hiểu là chính quyền hiện tại ủy thác cho Tokyo một phần trách nhiệm bảo đảm an ninh cho khu vực. Mỹ cũng biết rằng Nhật Bản có nhiều lá chủ bài trong tay để là « một đối tác đáng tin cậy ».
By Viet Linh - April 11, 2024 - baocalitoday
Việc Donald Trump có thể trở lại Tòa Bạch Ốc đã gây ra cảm giác bất an sâu sắc trong giới tinh hoa chính trị và kinh doanh Nhật Bản.
Đây là tin tốt từ Nhật Bản. Hoa anh đào đang nở rộ, thị trường chứng khoán bùng nổ và sân bay Haneda của Tokyo chật cứng khách du lịch nước ngoài.
Và tin xấu là cảm giác bất an lan tràn trong giới tinh hoa chính trị và kinh doanh Nhật Bản. Nhật Bản đang bị bao vây bởi ba nước láng giềng có vũ khí hạt nhân đe dọa, đó là Trung Quốc, Nga và Triều Tiên, điều này được xem là đủ nguy hiểm, nhưng chưa hết, điều nguy hiểm hơn cả vẫn đang đến, đó là viễn cảnh Donald Trump chiếm lại Tòa Bạch Ốc.
Các học giả Nhật Bản từ lâu đã nhận ra một xu hướng thuyết định mệnh xuyên suốt nền văn hóa của họ – một xu hướng mà ngày nay coi sự trở lại của Trump gần giống như những trận động đất đã tàn phá quần đảo này trong nhiều thế kỷ, mang tính hủy diệt và có lẽ là không thể tránh khỏi. Giống như ở châu Âu, các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản quyết tâm không để bị bất ngờ lần thứ hai. Một doanh nhân hàng đầu giải thích rằng: “Hy vọng điều tốt nhất nhưng hãy chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất”.
Sự thật là chúng ta đang sống trong thế giới “Trump 1.5”. Bất chấp nhiều cáo buộc dân sự và hình sự, cựu tổng thống 45 đang có ảnh hưởng đặc biệt đến chính sách hiện tại của Hoa Kỳ. Sau khi giành được đề cử tổng thống của Đảng Cộng hòa, ông ta đang chỉ huy Đồi Capitol về các vấn đề khác nhau, từ gói viện trợ quân sự cho Ukraine bị đình trệ đến dự luật biên giới Mexico bị phong tỏa.
Sự hiểu biết thông thường là châu Âu sẽ phải chịu gánh nặng từ chính sách đối ngoại 2.0 của Trump. Sự chán ghét của ông ta đối với khối thương mại EU đã được chứng minh rõ ràng. Ông ta tin rằng, với một số lý do chính đáng, rằng châu Âu, đặc biệt là nước Đức từ lâu đã được hưởng quyền lợi miễn phí – hưởng lợi từ chiếc ô an ninh của NATO mà không phải trả phí. Nhưng rõ ràng, quan điểm này của Trump là hoàn toàn sai.
Một số lời lẽ chống NATO của ông ta có thể chỉ đơn giản là một cách để làm rung chuyển các đồng minh đang bế tắc. Nhưng bất kỳ sự dao động nào về cam kết của Mỹ đối với điều khoản phòng thủ chung theo Điều 5 của NATO sẽ gây ảnh hưởng tới toàn bộ châu Á. Nhật Bản không phải là thành viên của NATO, nhưng với tư cách là đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở châu Á, bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Nhật Bản không còn có thể dựa vào hiệp ước an ninh song phương đã 72 năm tuổi của mình sẽ có sức tàn phá rất lớn.
Không chỉ Kiev của Ukraine, London của Anh hay Paris của Pháp lo lắng về một thỏa thuận bẩn thỉu của Trump nhằm chấm dứt chiến tranh Ukraine. Trong mắt Nhật Bản, bất kỳ thỏa thuận nào có vẻ nhằm khuyến khích sự xâm lược của Nga sẽ khuyến khích Trung Quốc thực hiện tham vọng lãnh thổ của chính mình. Và Đài Loan là mục tiêu rõ ràng, với một số chuyên gia quân sự Nhật Bản cảnh báo riêng rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể sẽ “làm điều gì đó” trước khi nhiệm kỳ thứ ba của ông kết thúc vào năm 2027. (Một cuộc phong tỏa kinh tế hoặc chiếm đóng một phần quần đảo Kinmen bên cạnh Đài Loan được xem là như những lựa chọn thay thế đáng tin cậy cho một cuộc xâm lược đổ bộ có nguy cơ cao vào hòn đảo chính của Đài Loan.
Nỗi sợ hãi tồi tệ nhất của Nhật Bản là bị cuốn vào một cuộc xung đột ở Đài Loan, mặc dù nước này sẵn sàng tự vệ với sự hỗ trợ của Mỹ nếu lãnh thổ của nước này bị tấn công. Mối lo ngại lớn hơn là việc chinh phục Đài Loan sẽ chỉ là bước đầu tiên hướng tới việc Trung Quốc đẩy Mỹ ra khỏi Tây Thái Bình Dương. Người Nhật biết quân đội Mỹ nghĩ gì về viễn cảnh đó, nhưng họ biết rất ít về những gì đang diễn ra trong đầu Trump.
Khi căng thẳng khu vực gia tăng, Nhật Bản đã phản ứng bằng cách cam kết tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng trong 5 năm tới. Nước này đang tiến gần hơn đến Hàn Quốc, vượt qua hàng thập niên thù địch lẫn nhau kể từ Thế chiến thứ hai. Và nước này đang hướng tới khả năng răn đe mạnh mẽ hơn, đặc biệt là thông qua việc phát triển máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo với Anh và Ý cũng như khả năng “phản công” bằng loại hỏa tiễn mới. Việc gia nhập nhóm AUKUS với Australia, Mỹ và Anh cũng có mặt trên bàn đàm phán.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều câu hỏi về việc liệu chính phủ liên minh do Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản lãnh đạo có thể đáp ứng các cam kết chi tiêu hay không. Tỷ lệ tín nhiệm đối với Thủ tướng Fumio Kishida đã giảm do vụ bê bối tài trợ cho đảng và ông có thể phải tổ chức một cuộc bầu cử vào mùa thu này. Kishida cũng bị cản trở bởi đối tác liên minh hòa bình Komeito của mình, đối tác này sẽ thách thức mọi nỗ lực nhằm giải thích một cách tự do hơn điều khoản “tự vệ” được quy định trong hiến pháp áp dụng cho các lực lượng vũ trang của Nhật Bản.
Về mặt kinh tế, Trump 2.0 cũng gây nản lòng không kém đến giới doanh nghiệp Nhật Bản. Tokyo vẫn chưa thể chấp nhận việc Washington từ chối tham gia hiệp định thương mại khu vực Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP. Tấm vé đó đã được bà Hillary Clinton bán trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 và được chính ông Trump nhiệt tình tán thành. Kể từ đó, TPP đã chuyển thành Hiệp định kinh tế toàn diện khu vực, bao gồm cả Trung Quốc và không có đối trọng từ Mỹ. Thay vào đó, chủ thuyết America First đã được đưa vào chính sách thương mại và công nghiệp của Hoa Kỳ, sau đó thông qua Đạo luật Giảm lạm phát của Tổng thống Joe Biden, đạo luật này đã trợ cấp cho các công ty Hoa Kỳ hàng tỷ đô la. Biden đã giữ nguyên phần lớn thuế quan của Trump đối với hàng hóa Trung Quốc, nhưng ông đã loại bỏ thuế quan của Trump đối với thép Nhật Bản. Mặt khác, Trump đã hứa rằng chính sách thương mại trong nhiệm kỳ thứ hai của ông ta sẽ thậm chí còn mạnh mẽ hơn chính sách đầu tiên.
Trong vài năm qua, Washington và Bắc Kinh đã cắt đứt quan hệ kinh tế. Trump 2.0 sẽ tiếp tục xu hướng “tách rời có ý thức”, buộc các đồng minh châu Âu và châu Á phải lựa chọn giữa hai cường quốc. Các công ty Nhật Bản, vốn đã đầu tư mạnh vào Trung Quốc trong hơn hai thập niên để tận dụng chi phí lao động rẻ, sẽ phải điều chỉnh cho phù hợp. Nhiều công ty đã làm như vậy, chuyển hoạt động sang các cơ sở có chi phí thấp hơn ở Thái Lan và Việt Nam.
Năm 1929, Rockefeller đến thăm Tokyo với tư cách thành viên phái đoàn Hoa Kỳ gặp gỡ những người đồng cấp Nhật Bản để thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Mãn Châu, tỉnh giàu khoáng sản của Trung Quốc mà Đế quốc Nhật Bản thèm muốn từ lâu. Cuối cùng, các cuộc đàm phán không đi đến đâu và Đế quốc Nhật Bản đã chiếm được Mãn Châu, khúc dạo đầu cho một cuộc bành trướng quân sự man rợ trên khắp Đông Nam Á, dẫn đến trận đánh Trân Châu Cảng và thảm họa của Thế chiến thứ hai.
Liệu người Nhật có thực sự đang quay ngược lịch sử về những năm 1930 hay không, như Robert Kagan đã cảnh báo gần đây trên tờ The Washington Post . Sự quay trở lại với mức thuế cao, chủ nghĩa bài ngoại chống người nhập cư, chủ nghĩa dân tộc tràn lan và chủ nghĩa biệt lập của Mỹ – tất cả những điều đó đã chuẩn bị nền tảng cho sự bùng nổ chiến tranh.
Ở một khía cạnh khác lạc quan hơn, liệu có cơ hội xảy ra “Biden 2.0” hay không? Khi một tổng thống già nua có thể giành chiến thắng trước Trump và trở lại trung tâm trong nhiệm kỳ thứ hai, mang đến niềm hy vọng và sự lạc quan cho cả thế giới.
Lời kết:
Qua câu chuyện hôm nay, tôi chợt nhớ đến một số email của những người Việt cuồng Trump gởi đến mailbox của tôi thường xuyên mỗi ngày, họ nói rằng tổng thống Biden đi đâu cũng bị tẩy chay, còn ông Trump được cả thế giới yêu mến, kính trọng?
Họ khẳng định như vậy, chỉ một quan điểm như vậy thôi thì quý vị cũng thấy rằng, họ đã bị tẩy não rất nặng, họ không xem truyền hình, không đọc tin tức mà chỉ xem và đọc từ Newsmax, OANN, Epoch Times và từ sự sùng bái, thần thánh hóa nhân vật đã đem đến cho họ quan điểm như vậy, rằng Trump đi đến đâu cũng được đón tiếp thân tình, quý trọng.
Họ không hề đọc tin nên họ không biết rằng, Trump như một người mang căn bệnh thế kỷ và con virus độc hại trong con người ông ta dễ lây lan, luôn đem đến sự chia rẽ và thù hận, họ không đọc tin nên không hề biết rằng các quốc gia Châu Âu đang có những phương cách độc lập hơn để đối phó với một Trump 2.0, họ không biết rằng các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Philippines đang ngày đêm lo sợ sự trở lại của một kẻ tệ hại luôn xem thường Đồng Minh, tánh khí bất thường sẽ sẵn sàng đem con bỏ chợ và đưa nước Mỹ quay trở lại một chủ nghĩa biệt lập, điều đó dẫn đến một thế giới bất ổn hơn, chiến tranh khu vực sẽ bùng nổ và người Mỹ sẽ dẹp hết các căn cứ quân sự trên thế giới, đưa hết lính Mỹ quay về Mỹ, bế quan tỏa cảng, sống biệt lập, không màng chuyện thế tục.
Thế giới nào, quốc gia nào tôn trọng và yêu mến Donald Trump? Chẳng có quốc gia nào cả ngoại trừ Hungary, Trung Quốc, Nga. Chẳng có ai tôn trọng Trump cả ngoại trừ những người cuồng Trump đang tiếp tay với kẻ tệ hại để tàn phá đất nước đã cưu mang họ và đem đến tương lai tốt đẹp cho họ và đám con cháu.
Việt Linh
11/04/2024 - Kim Phụng
Nguồn: Gideon Rachman, “Japan doubles down on the US alliance as China looms,” Financial Times, 08/04/2024
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Tokyo và Washington đều quyết tâm ngăn chặn Bắc Kinh thống trị Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Fumio Kishida vốn thiếu sức hút và không được yêu thích ở quê nhà, nhưng khi Thủ tướng Nhật tới thăm Washington trong tuần này, ông sẽ được chào đón như một người hùng.
Sự ủng hộ mà chính quyền Biden dành cho Kishida vượt xa những hỗ trợ thông thường đối với một đồng minh thân cận. Dưới thời Kishida, Nhật Bản đã thực hiện một số thay đổi quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại và an ninh kể từ Thế chiến II. Những thay đổi này được thúc đẩy bởi quyết tâm của người Nhật trong việc ngăn chặn một Trung Quốc chuyên chế thống trị Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Sự gần gũi ngày càng tăng giữa Washington và Tokyo sẽ được thể hiện khi Kishida phát biểu trước Quốc hội Mỹ vào thứ Năm. Kế hoạch để các chỉ huy quân sự Mỹ và Nhật hợp tác cùng nhau ở Tokyo cũng sẽ được công bố trong tuần này. Trong tương lai, một số kế hoạch quân sự mà Mỹ hiện đang triển khai từ Hawaii sẽ được thực hiện từ Nhật Bản. Cũng có khả năng Nhật Bản sẽ tăng cường hợp tác công nghệ với AUKUS – hiệp ước an ninh Australia-Anh-Mỹ.
Phần cuối cùng trong chuyến thăm Washington của Kishida sẽ là hội nghị thượng đỉnh ba bên giữa Nhật Bản, Mỹ, và Philippines, nhấn mạnh quyết tâm chung của Washington và Tokyo trong việc hỗ trợ Philippines, khi họ chịu áp lực ngày càng tăng từ Bắc Kinh ở Biển Đông.
Tất cả những sáng kiến này được xây dựng dựa trên những thay đổi lớn đã được thực hiện trong chính sách an ninh quốc gia của Nhật Bản. Dưới sự lãnh đạo của Kishida, Nhật Bản đã cam kết chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng và đạt mục tiêu chi 2% tổng sản phẩm quốc nội vào năm 2027. Để thoát khỏi chủ nghĩa hòa bình thời hậu Thế chiến II, chính phủ Kishida cũng đã dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí truyền thống của nước này. Giờ đây, Nhật Bản sẽ cho phép bán ra nước ngoài loại máy bay chiến đấu mới mà nước này đang cùng phát triển với Anh và Ý. Chính phủ nước này cũng đã củng cố quan hệ với Hàn Quốc, hàn gắn rạn nứt giữa hai đồng minh quan trọng của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Trong chừng mực nào đó, điều đáng ngạc nhiên là tất cả những thay đổi này lại xảy ra dưới thời Kishida, một người có phong cách ôn hòa, chứ không phải dưới thời Shinzo Abe, vị thủ tướng theo chủ nghĩa dân tộc cứng rắn. Nhưng cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine vào năm 2022 về cơ bản đã thay đổi tư duy địa chính trị ở Nhật Bản, cho phép Kishida thúc đẩy những thay đổi mà Abe từng ủng hộ.
Một số nước châu Á quan trọng – chẳng hạn như Ấn Độ và Indonesia – tin rằng cuộc tấn công của Nga vào Ukraine không có tác động gì đến an ninh quốc gia của chính họ. Nhưng Nhật Bản lại có cái nhìn rất khác. Kishida đã nhiều lần nói rằng “Ukraine hôm nay có thể là Đông Á ngày mai” – nhắc đến hành vi bắt nạt trên biển của Trung Quốc, cũng như các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, như bằng chứng về mối đe dọa chiến tranh đang gia tăng.
Lịch sử và địa lý đều đóng một vai trò nhất định trong việc Nhật Bản cảnh giác với Nga, nước láng giềng của họ. Tokyo gần Vladivostok hơn Bắc Kinh. Và sự cạnh tranh giữa hai nước đã bắt nguồn từ chiến tranh Nga-Nhật năm 1904-1905.
Tuy nhiên, chính những tác động của cuộc chiến ở Ukraine đối với cách hành xử trong tương lai của Trung Quốc và Triều Tiên mới thực sự khiến Nhật Bản phải cảnh giác. Chính phủ Kishida cho rằng cuộc xung đột đã đẩy Bắc Kinh và Moscow xích lại gần nhau hơn. Nga và Trung Quốc đã tiến hành một cuộc tuần tra chung với máy bay ném bom trên Biển Nhật Bản vào tháng 12. Trung Quốc cũng đang giúp duy trì nền kinh tế Nga, trong khi quan hệ quân sự của Nga với Triều Tiên ngày càng trở nên thân thiết hơn. Từ góc nhìn của Tokyo, những diễn biến này ngày càng giống như những mối đe dọa có liên quan với nhau.
Niềm tin ở đây là người Nhật đang sống trong một thời kỳ nguy hiểm, trong một khu vực nguy hiểm, và để đáp trả, họ cần phải xích lại gần hơn với Mỹ, vượt ra ngoài giới tinh hoa hoạch định chính sách của Tokyo. Nếu là trong những thời đại trước, những động thái diều hâu của Kishida có thể đã bị công chúng phản đối dữ dội – nhưng không phải bây giờ. Yasushi Watanabe, giáo sư tại Đại học Keio, nói rằng khi ông bắt đầu giảng dạy cách đây 25 năm, chỉ 50% các sinh viên của ông có quan điểm ủng hộ liên minh an ninh Mỹ-Nhật. Ngày nay, tỷ lệ ủng hộ là 90%.
Dù vậy, Nhật Bản, giống như các đồng minh của Mỹ ở châu Âu, rất lo lắng về chủ nghĩa biệt lập, chủ nghĩa bảo hộ, và những điều không thể đoán trước có thể xuất phát từ chính quyền Trump thứ hai. Đội ngũ của Kishida biết rằng họ không còn có thể dựa vào sự đồng thuận lưỡng đảng làm nền tảng cho chính sách đối ngoại Mỹ, khiến việc đưa ra một thông điệp làm hài lòng cả hai phe ở Washington trở nên phức tạp hơn nhiều.
Vì vậy, nhà lãnh đạo Nhật Bản sẽ sử dụng bài phát biểu của mình trước Quốc hội Mỹ để kêu gọi các lợi ích cũng như giá trị Mỹ. Kishida sẽ lập luận rằng Nhật Bản hiện là đối tác toàn cầu quan trọng của Mỹ trong việc bảo vệ thế giới dân chủ. Nhưng chính quyền Nhật Bản hiểu rằng nước Mỹ rất khó đoán – và ngày càng trở nên khó đoán. Kết quả là Tokyo đã kín đáo thực hiện một số biện pháp phòng bị nước đôi. Quyết định của Nhật Bản về việc phát triển máy bay chiến đấu mới với Anh và Ý là một ví dụ về việc nước này tiếp cận với các cường quốc dân chủ tầm trung khác.
Đối với chính quyền Biden, vốn đang bị bao vây bởi các cuộc khủng hoảng ở Trung Đông và Ukraine, quan hệ Mỹ-Nhật là một điểm sáng hiếm hoi và rõ ràng trong một thế giới ngày càng nhiều rắc rối.
Joe Biden và nhóm của ông coi việc chống lại sức mạnh của Trung Quốc là “thách thức ngày càng cấp bách” đối với chính sách đối ngoại Mỹ. Các nhà sử học tương lai có thể sẽ đánh giá những nỗ lực này – trong đó Nhật Bản đóng vai trò trung tâm – là thành công. Nhưng liệu cử tri Mỹ có chú ý hay quan tâm đến điều đó hay không lại là một vấn đề hoàn toàn khác.