logo-vuot

logo-ConNguoi

Cảm tính, Vô cảm & Tha hóa
acrobat  📂  🏠   

Con người - Sắc tộc - 1

Việt Nam mở phiên xử vụ tấn công ‘‘khủng bố’’ ở Tây Nguyên

Việt Nam xét xử 98 người trong vụ tấn công hai trụ sở ủy ban ở Dak Lak

100 bị cáo trong vụ bạo động Đắc Lắc bị đưa ra xét xử

Thấy gì từ phiên tòa xét xử 100 người vụ tấn công trụ sở xã ở Đắk Lắk?

Về Phiên rà soát nhà nước Việt Nam tại LHQ về vấn đề kỳ thị chủng tộc

Lễ Tạ Ơn ở Mỹ, nghĩ về truyền thống và quyền của người sắc tộc ở Việt Nam

Việt Nam không thừa nhận người bản địa; giới quan sát bất bình

Ông Y Quynh Bdap: Tôi bị vu khống tội ‘khủng bố’

Việt Nam mở phiên xử vụ tấn công ‘‘khủng bố’’ ở Tây Nguyên

Đăng ngày: 16/01/2024 - 13:54

Sửa đổi ngày: 16/01/2024 - 14:00

Capture à partir de :RFI

Hôm nay, 16/01/2024, tại miền trung Việt Nam khai mạc phiên tòa xét xử khoảng 100 bị cáo, bị cáo buộc tham gia vào cuộc ‘‘tấn công khủng bố’’ nhắm vào trụ sở chính quyền xã ở tỉnh Đắk Lắk, Tây Nguyên hồi tháng 6/2023, khiến 9 người chết.

Ảnh do Thông tấn xã Việt Nam cung cấp ngày 16/01/2024: Các bị cáo trong phiên xử vụ tấn công "khủng bố" tại Dak Lak, Việt Nam. AFP - STR

Vụ việc xảy ra ngày 11/06/2023. Nhóm tấn công, di chuyển bằng xe máy, đã dùng súng tấn công vào hai trụ sở chính quyền, thuộc hai xã Ea Ktur và Ea Tiêu thuộc huyện Cư Kuin tỉnh Đắk Lắk. Bốn công an, hai viên chức địa phương và ba thường dân đã thiệt mạng trong vụ này. Hầu hết những người tham gia vụ tấn công đã bị bắt giữ sau đó. Công an Việt Nam thu được tổng cộng 23 súng, hai lựu đạn, hơn 1.000 viên đạn.

Theo truyền thông nhà nước, 98 người trong vụ án này bị cáo buộc ‘‘khủng bố’’, hai người khác bị cáo buộc ‘‘che giấu tội phạm’’. Sáu người khác hiện đang bị truy nã.

Một số báo chính thức trong nước nói đến một vụ tấn công nhằm ‘‘lật đổ chính quyền’’. Tuy nhiên, hiện tại chưa có thông tin chi tiết về động cơ và mục tiêu thực sự của những người tiến hành các cuộc tấn công ở Đắk Lắk. Theo AFP, ‘‘từ lâu nay, Tây Nguyên vốn là nơi diễn ra nhiều hành động phản kháng chính quyền, đặc biệt là chống chính sách trưng dụng đất đai.’’

🔝

Việt Nam xét xử 98 người trong vụ tấn công hai trụ sở ủy ban ở Dak Lak

16 tháng 1 2024

Capture à partir de :BBC

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Các bị cáo bị buộc tội tấn công đồn cảnh sát ở Dak Lak (hình tư liệu)

Gần 100 người bị đưa ra xét xử ở Việt Nam với cáo buộc liên quan đến các vụ tấn công phối hợp bằng súng gây chết người nhắm vào các trụ sở chính quyền địa phương.

Các vụ tấn công ở Tây Nguyên năm ngoái khiến chín người thiệt mạng, trong đó có bốn nhân viên cảnh sát.

Các vụ tấn công diễn ra tại khu vực nơi người dân tộc thiểu số nói rằng họ bị chính quyền đàn áp.

Cơ quan công tố lập luận rằng những kẻ tấn công muốn thành lập một nhà nước độc lập.

Vào sáng hôm 11/6, một nhóm đi xe máy dùng súng và các loại vũ khí khác tấn công trụ sở ủy ban và đồn công an địa phương ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đăk Lăk, cách TP.HCM khoảng 300 km về phía bắc.

Chín người thiệt mạng, trong đó có bốn nhân viên cảnh sát, hai cán bộ địa phương và ba dân thường.

Tại phiên tòa - bắt đầu vào thứ Ba và dự kiến ​​kéo dài 10 ngày - 98 người bị buộc tội khủng bố, một người tội che giấu tội phạm và một người khác tội tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép, báo Tuổi Trẻ đưa tin.

Hình phạt cho tội khủng bố ở Việt Nam có thể bao gồm hình phạt tử hình. Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết họ tin rằng có "nhiều" vụ hành quyết được thực hiện ở nước này mỗi năm.

Có sáu bị cáo bị xét xử vắng mặt và đang bị lệnh bắt giữ quốc tế.

Tại Việt Nam, việc thường dân sở hữu súng bị coi là bất hợp pháp, và bạo lực súng đạn là điều rất hiếm xảy ra.

"Vụ việc đặc biệt nghiêm trọng... những kẻ khủng bố muốn lật đổ nhà nước, thành lập cái gọi là nhà nước Dega," Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Lắc H'Yim Kdoh được dẫn lời, nói.

Người Dega là một sắc tộc thiểu số theo Thiên chúa giáo, sống chủ yếu ở khu vực Tây Nguyên; một số người muốn có quyền tự trị, tách khỏi nhà nước.

Bà H'Yim cho biết trong quá trình điều tra, các bị cáo đã thừa nhận hành vi phạm tội nhưng nói họ bị ép phải tham gia vào cuộc tấn công.

Cảnh sát đã tịch thu 23 khẩu súng và súng trường, 2 lựu đạn, 1.199 viên đạn và các thiết bị nổ khác sau các vụ tấn công mà họ mô tả là "man rợ và vô nhân đạo".

Nhiều nhóm sắc tộc và tôn giáo thiểu số ở Việt Nam từ lâu đã phàn nàn về việc họ bị đàn áp bởi Đảng Cộng sản, vốn nắm quyền thống trị hệ thống chính trị độc đảng ở Việt Nam.

🔝

100 bị cáo trong vụ bạo động Đắc Lắc bị đưa ra xét xử

16/01/2024

VOA Tiếng Việt

Capture à partir de :voatiengviet

Các bị cáo vụ tấn công Đắc Lắc đối mặt mức án lên đến tử hình (Ảnh chụp màn hình TTXVN)

Tòa án tỉnh Đắc Lắc hôm 16/1 đã đưa ra xét xử vụ tấn công đẫm máu vào các trụ sở chính quyền xã cách nay hơn 7 tháng mà họ gọi là ‘khủng bố’ với số bị cáo lên đến 100 người, báo chí trong nước đưa tin.

Các bị cáo này bị truy tố về các tội: ‘Khủng bố chống chính quyền nhân dân’ với 53 bị cáo; ‘Khủng bố’ với 45 bị cáo; ‘Che giấu tội phạm’ với 1 bị cáo trong khi bị cáo còn lại bị xét xử về tội ‘Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép’.

Trong số này, có 6 bị cáo ở nước ngoài được xét xử vắng mặt về tội ‘Khủng bố’, theo cổng thông tin điện tử Chính phủ. Những người này, vốn đang bị chính quyền truy nã, bao gồm các ông Y Mút Mlô, Y Bút Êban, Y Niên Êya, Y Cik Niê, Y Chanh Byă và Y Quynh Bdap.

Khung hình phạt dành cho các tội danh này lên đến 20 năm tù, tù chung thân, hoặc tử hình, theo quy định tại Điều 76 Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Các bị cáo chủ yếu là người dân các sắc tộc thiểu số trong độ tuổi từ 18 đến 56 tuổi. Các nghi phạm này dù vẫn chưa bị tòa án kết tội nhưng họ đều bị báo chí trong nước đồng loạt gọi là ‘khủng bố’.

Mặc dù số lượng bị cáo đông đảo và trao đổi tại tòa phải thông qua phiên dịch nhưng phiên tòa sơ thẩm dự kiến sẽ diễn ra trong vòng 10 ngày, theo VnExpress. Chỉ riêng phần thủ tục phiên tòa cho 100 bị cáo đã kéo dài 3 tiếng đồng hồ.

Số luật sư và trợ giúp viên pháp lý giúp bào chữa cho các bị cáo là 19 người. Có 15 bị hại được xác định, trong đó có cơ quan công quyền và công an các xã Ea Tiêu và xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin.

Phiên tòa theo dạng lưu động, tức là không diễn ra tại tòa án mà tại tổ dân phố 11, phường Ea Tam, thành phố Buôn Ba Thuột, cổng thông tin điện tử Chính phủ cho biết. Công tác an ninh cho phiên tòa được đảm bảo nghiêm ngặt.

VnExpress dẫn kết quả điều tra cho biết nhóm bị cáo đang bị truy nã hiện đang sống ở Mỹ là những người đã ‘dụ dỗ, kích động, lôi kéo, chỉ đạo’ những bị cáo trong nước thành lập nhóm vũ trang lấy tên là ‘Lính Đề Ga’ và thực hiện cuộc tấn công ngày 11/6 nhằm lật đổ chính quyền nhân dân để thành lập ‘Nhà nước Đề Ga’.

Trong quá trình điều tra, các bị cáo được cho là đã nhận tội và nói lý do họ phạm tội là do ‘thiếu hiếu biết hoặc do bị đe dọa’. Họ cũng bày tỏ ăn năn và xin khoan hồng, VnExpress cho biết.

Đối với 6 người ở Mỹ đang được xét xử vắng mặt, Tòa án Đắc Lắc sẽ phối hợp với các giới chức trong nước và ở Mỹ để đưa họ về Việt Nam quy án sau khi có bản án, cũng theo trang mạng này.

Trong cuộc tiếp xúc báo chí tại Hà Nội hôm 24/7, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper đã nói Mỹ ‘lên án bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất với việc sử dụng bạo lực để đạt mục đích’ và hứa sẽ phối hợp với Việt Nam để ‘làm rõ những kẻ đứng sau ở Mỹ’.

Vụ tấn công bằng súng và dao vào rạng sáng ngày 11/6 năm 2023 tại trụ sở Ủy ban Nhân dân và công an hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur đã khiến 9 người chết, trong đó 2 cán bộ xã, 4 công an viên và 3 dân thường.

Công an Việt Nam đánh giá vụ tấn công này là ‘đặc biệt nghiêm trọng’ do nó xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của cán bộ, người dân, phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức và cá nhân.

🔝

Thấy gì từ phiên tòa xét xử 100 người vụ tấn công trụ sở xã ở Đắk Lắk?

Capture à partir de :BBC

Nguồn hình ảnh, Thông tấn xã Việt Nam/AFP/Getty Images

Gần 100 bị cáo trong phiên xét xử lưu động tại tỉnh Đăk Lăk, Việt Nam, với cáo buộc "khủng bố" sau vụ xả súng khiến chín người thiệt mạng ở Tây Nguyên

Phiên tòa xét xử vụ án nổ súng tấn công trụ sở chính quyền xã tại tỉnh Đắk Lắk một lần nữa khơi lại những mâu thuẫn tích tụ lâu nay ở Tây Nguyên. Áp dụng hình thức xét xử lưu động đối với phiên tòa này cũng là điều đáng nói.

Ngày 16/01/2024, chính quyền tỉnh Đắk Lắk đã đưa vụ án nổ súng của đồng bào người Thượng tấn công vào trụ sở chính quyền xã vào trung tuần tháng 6/2023 ra xét xử lưu động theo thủ tục hình sự sơ thẩm. Dự kiến phiên tòa sẽ diễn ra trong 10 ngày.

Báo chí trong nước khi đưa tin phiên tòa đều gọi các bị cáo là "khủng bố", tạo ra cái nhãn "có tội" cho tất cả những người này dù chưa hề có bản án có hiệu lực của tòa.

Theo dõi qua quá trình chính quyền trong nước tổ chức đàn áp người Thượng một cách có hệ thống kéo dài suốt nhiều thập kỷ qua, dù không tán thành việc dùng bạo lực của một số bị cáo, nhưng tôi thấy rõ ràng hành vi tấn công của người Thượng là phản ứng từ sự dồn nén, phẫn uất quá lâu của họ, mà sự kiện ngày 11/06/2023 tựa như một sự tức nước vỡ bờ.

Sự đàn áp của chính quyền với đồng bào người Thượng thể hiện rõ nét nhất qua hai lĩnh vực: tôn giáo và đất đai.

Luật sư nói về các vụ tranh chấp đất đai âm ỉ ở Tây Nguyên

Vụ nổ súng ở Đắk Lắk: Có phải người Tây Nguyên thành bộ phận dân số nghèo nhất?

Chụp lại video - ▶️

Người Thượng từ Việt Nam sang Thái tị nạn bị truy quét

Về tôn giáo và đất đai

Hiến pháp Việt Nam long trọng thừa nhận quyền tự do tôn giáo, nhưng qua nhiều vụ án đàn áp tôn giáo mà người viết đã từng bào chữa với tư cách là luật sư, liên quan đến: Phật giáo, Phật giáo Hòa Hảo, Công giáo, Tin lành, Pháp Luân Công… nhất là sau những chuyến đi lên Tây Nguyên tham gia bào chữa trong nhiều vụ án, bao gồm cả vụ án sát hại linh mục Trần Văn Thanh, người viết càng có cơ sở để khẳng định rằng quyền tự do tôn giáo chưa bao giờ tồn tại ở Việt Nam.

Có thể thấy chính quyền có chủ trương đàn áp tôn giáo một cách có hệ thống, rộng khắp trên toàn lãnh thổ và khốc liệt nhất là trên cao nguyên với đồng bào người Thượng. Nhiều linh mục Công giáo và mục sư Tin lành truyền giáo tại khu vực Tây Nguyên là nhân chứng của chuyện này.

Về đất đai, trước nay, vùng Tây Nguyên vẫn là nơi sinh sống truyền thống từ tổ tiên bao đời của người Thượng. Đến thời điểm sau năm 1975, chính quyền trong nước dần dần đưa dân từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh vào xâm chiếm đất đai của người Thượng.

Việt Nam xét xử 98 người trong vụ tấn công hai trụ sở ủy ban ở Dak Lak

45 người bị bắt: Thêm tin và ý kiến về vụ hai đồn công an ở Đắk Lắk bị tấn công

Vụ hai đồn công an ở Đắk Lắk bị tấn công: 'Tức nước vỡ bờ vì mâu thuẫn đất đai và tôn giáo'?

Đó là chưa kể chính quyền cũng ra tay cướp đoạt đất đai của họ.

Gần đây nhất là việc cưỡng chiếm đất đai, nhà cửa của hàng chục hộ dân ở 2 xã Ea Ktur và Ea Tieu mà không hề bồi thường trong dự án mở rộng đường Hồ Chí Minh và đoạn tránh phía đông thành phố Buôn Ma Thuột. Việc thứ hai là chính quyền đã huy động cảnh sát cơ động đến để đàn áp, đánh đập, gây thương tích cho đồng bào người Thượng đang phản đối chính quyền cho xây dựng, xả thải vào hồ Ea M’tá.

Trước đó, đồng bào người Thượng đã từng xuống đường vào các năm 2001, 2004 và 2008 để phản đối một cách ôn hòa các chính sách chèn ép, đối xử bất bình đẳng với người dân tộc. Đổi lại, chính quyền đều tổ chức đàn áp đối với họ.

Cho nên, sự kiện một số đồng bào người Thượng phải sử dụng súng bắn vào trụ sở chính quyền vào tháng 6/2023 có thể là tiếng nói phản kháng, uất ức, tức nước vỡ bờ của họ đối với chính quyền mà thôi.

Về việc xét xử lưu động

Việc chính quyền đưa ra xét xử hình sự lưu động đối với 100 người Thượng tại Đắk Lắk vào ngày 16/1/2023 là một sự kiện hết sức đáng lên án, gây ngạc nhiên với công chúng hiểu biết về các hoạt động tư pháp nước nhà, nhất là trong bối cảnh hình thức xét xử này đã được ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TANDTC, đề nghị dừng thực thi từ năm 2018 vì mặt hạn chế của nó.

Vì lẽ, xét xử lưu động là tàn tích xét xử man rợ, vô nhân đạo từ xa xưa để lại mà khi đó, việc xét xử không phải bằng một hội đồng xét xử mà hầu như bằng cả cộng đồng như bộ tộc cùng tham gia xét xử. Thậm chí, việc thi hành án được thực hiện ngay tại chỗ bằng cách đám đông ném đá trừng trị người bị xét xử.

Tuy luật về tố tụng hình sự Việt Nam chưa từng quy định thủ tục xét xử lưu động, nhưng nhiều tòa án đã tùy tiện quyết định việc xét xử lưu động các vụ án hình sự. Thậm chí, đã từng có bị cáo tự tử vì xấu hổ khi biết vụ án mình sẽ bị đưa ra xét xử theo thủ tục lưu động trước công chúng tại địa phương nơi người này sinh sống.

Hơn nữa, thủ tục này cũng không bảo đảm một loạt nguyên tắc hình sự căn bản như "Suy đoán vô tội", hoặc “Một người chỉ được xem là tội phạm khi có bản án kết tội họ có hiệu lực pháp luật”, hay “Nguyên tắc thẩm phán độc lập xét xử” và “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”... Vì lẽ, khi đưa ra xét xử, thì bị cáo vẫn chưa phải là tội phạm, do đó, trình bày hành vi của họ như một hành vi tội phạm ra trước mặt công chúng là bất hợp pháp và không chính đáng. Chưa kể rằng thái độ xét xử của hội đồng xét xử và phản ứng của công chúng qua diễn biến trong phiên tòa cũng sẽ tạo sự tác động qua lại, làm ảnh hưởng đến sự độc lập xét xử của thẩm phán, cũng như yêu cầu xét xử khách quan của hội đồng xét xử.

Nền báo chí cách mạng VN có bị kiểm soát khi đưa tin vụ tấn công ở Đắk Lắk?

Hai đồn công an xã ở Dak Lak bị tấn công, nhiều người thiệt mạng

Ngoài ra, việc xét xử lưu động còn gây hậu quả kéo dài cho đến khi người bị xét xử đã thụ án xong, trở về địa phương, thì sự hòa nhập của họ với xã hội sẽ càng khó khăn với những định kiến trước đó của công chúng địa phương đối với họ qua phiên tòa lưu động.

Thế nên, đánh giá tổng quát, quyết định xét xử lưu động của chính quyền tỉnh Đắk Lắk không chỉ không chính đáng, mà còn vi phạm một loạt nguyên tắc hình sự cơ bản, trong đó có cả vấn đề phân biệt sắc tộc và là sự vi phạm nhân quyền một cách nghiêm trọng.

Tôi nghĩ rằng, thế giới văn minh cần lên án loại hình này của nền tư pháp trong nước.

---

Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả Đặng Đình Mạnh, một luật sư nhân quyền, từng tham gia Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh trong gần 28 năm. Tháng 6/2023, luật sư Mạnh sang Mỹ tị nạn.

🔝

Về Phiên rà soát nhà nước Việt Nam tại LHQ về vấn đề kỳ thị chủng tộc

15/12/2023

Capture à partir de :voatiengviet

Ông Y Thông, trưởng phái đoàn nhà nước Việt Nam (chụp màn hình từ trang web của Liên Hiệp Quốc).

Hải Di Nguyễn (*)

Ngày 29-30/11/2023 vừa qua, phiên rà soát nhà nước Việt Nam về việc thực thi Công ước Quốc tế Xóa bỏ Mọi Hình thức Kỳ thị Chủng tộc (International Convention on the Elimination of All Forms of Racial Discrimination) đã diễn ra tại Liên Hiệp Quốc (LHQ).

Là một trong những người đến Geneva tham dự phiên rà soát này, trong phái đoàn của tổ chức Boat People SOS và nhóm kết nghĩa, tôi sẽ chia sẻ lại một số suy nghĩ, nhận định cá nhân về sự kiện này.

Phái đoàn NGO tại buổi rà soát (từ trái qua): Mục sư Vàng Chí Mình (người H’mông), Hải Di Nguyễn (tác giả bài viết), Loan Võ, H Biap Krong (người Êđê), Putheany Kim (người Khmer Krom), Dược sĩ Trần Bĩnh.

Vấn đề kỳ thị chủng tộc/sắc tộc ở Việt Nam: Các tổ chức nhân quyền nói gì?

Trước phiên rà soát, các tổ chức phi chính phủ có thể gửi cho CERD (Committee on the Elimination of Racial Discrimination - Ủy ban Xóa bỏ Kỳ thị Chủng tộc, thuộc LHQ) báo cáo về vấn đề kỳ thị sắc tộc ở Việt Nam.

Hai tổ chức Vietnam Human Rights Network và Defend the Defenders gửi báo cáo chung về vấn đề kỳ thị sắc tộc nói chung ở Việt Nam: Chênh lệch về kinh tế và điều kiện giáo dục giữa người Kinh và các sắc tộc khác: Chính sách không công bằng với các sắc tộc thiểu số, đặc biệt là đất đai (nguồn sống chính của họ); đàn áp tôn giáo, v.v.

BPSOS gửi ba tài liệu về sự phân biệt của nhà nước Việt Nam với người Thượng và người H’mông: Đàn áp một cách hệ thống về ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo, và đất đai; cưỡng ép bỏ đạo hoặc đuổi khỏi làng; tước đi hoặc không cung cấp giấy tờ tùy thân để “trả thù” người Thượng hoặc người H’mông theo đạo Tin lành, đẩy họ vào tình trạng vô quốc tịch trên chính quê hương mình; cưỡng đoạt đất; đàn áp biểu tình, bắt bỏ tù và tra tấn các nhà hoạt động nhân quyền, v.v.

Khmers Kampuchea-Krom Federation gửi báo cáo nói nhà nước Việt Nam kỳ thị và không công nhận người Khmer Krom là người bản địa; ép buộc người Khmer Krom phải đặt tên con bằng tên Việt khi làm giấy khai sinh; kiểm soát và đàn áp người theo đạo Phật, cưỡng ép bỏ đạo; không cho họ in sách báo độc lập bằng tiếng Khmer; theo dõi, bắt giữ, tra khảo các nhà hoạt động nhân quyền, v.v.

Ngoài ra, tổ chức Korea Centre for United Nations Human Rights Policy cũng nộp một báo cáo về con cái những phụ nữ Việt sang lấy chồng Hàn Quốc, sinh con, và quay về Việt Nam: không được quốc tịch Việt Nam, nhiều trẻ không được hưởng một số quyền lợi, như bảo hiểm y tế.

Rà soát phần 1 (29/11/2023)

Nhà nước Việt Nam gửi một phái đoàn 26 người đến phiên rà soát.

Trong phát biểu khai mạc, ông Y Thông, trưởng phái đoàn, gần như đọc lại nguyên văn bản báo cáo nhà nước đã gửi cho CERD tháng 12/2021.

Trong phần một của phiên rà soát, phái đoàn nhà nước Việt Nam gần như không nhắc tới những cáo buộc kỳ thị người Thượng, người H’mông, hay người Khmer Krom trong các báo cáo độc lập.

Nhìn chung, họ nói chung chung, như nói mọi người ở Việt Nam đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ, không có sự phân biệt; các dân tộc sống đan xen và được giữ tiếng nói riêng; tất cả đều đoàn kết, bình đẳng, tương trợ nhau… hoặc nói Việt Nam đã ký nhiều công ước quốc tế, và nhắc tới hàng loạt luật này luật nọ như quyền con người được ghi nhận trong Hiến pháp; luật chống kỳ thị sắc tộc; luật chống tra tấn…

Phản ứng từ Liên Hiệp Quốc

Một trong những khoảnh khắc đáng chú ý trong buổi rà soát là khi ông Gun Kut, một trong các thành viên của CERD, thẳng thắn khiển trách nhà nước Việt Nam.

Ông nói, các vị không cần đọc lại báo cáo, chúng tôi đã đọc rồi; các vị nhắc rất nhiều đến Hiến pháp, đến luật này luật nọ, nhưng không cho thấy các điều luật đó được áp dụng như thế nào; đây cũng không phải là lần đầu tiên nhà nước Việt Nam bị rà soát về vấn đề nhân quyền, và họ chẳng nói được gì mới.

Ông cũng nói điều luật trừng phạt những hành vi “phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc” là mâu thuẫn và có vấn đề, tạo chỗ để trừng phạt bất kỳ ai khiếu nại là họ bị kỳ thị.

Đối đáp từ phái đoàn nhà nước Việt Nam

Trước ủy ban của LHQ, họ nói Hội Cờ đỏ là do người dân yêu nước tự phát, không liên quan đến nhà nước; khẳng định Việt Nam không có cưỡng bức mất tích hay bắt người tùy tiện, mọi thứ đều đúng trình tự; nói ở Việt Nam không ai bị phân biệt; nói Việt Nam bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, không cản trở người dân trên mạng, không đàn áp, chỉ xử phạt những “thông tin sai sự thật” và “chia rẽ khối đại đoàn kết” hoặc “tuyên truyền, kích động”; không cản trở tự do đi lại, chỉ xử phạt những người đi hoặc ở lại nước ngoài “nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”; chỉ thu hồi đất cho mục tiêu y tế, công cộng, có đền bù thỏa đáng, và không phân biệt, v.v.

Rà soát phần 2 (30/11/2023)

Trong phần hai của phiên rà soát, CERD đặt câu hỏi cụ thể về vấn đề phân biệt, kỳ thị với người Thượng, người H’mông, người Khmer Krom; nhắc đến vấn đề chiếm đất, tước đi hoặc không cung cấp giấy tờ tùy thân; hỏi về vấn đề tôn giáo và nạn buôn người, đặc biệt với các sắc tộc thiểu số…

Cách trả lời của phái đoàn nhà nước

Nói chung, phái đoàn nhà nước Việt Nam né tránh câu hỏi, nói sang chuyện không liên quan, hoặc trả lời lấp liếm.

Chẳng hạn, khi bà Chinsung Chung hỏi tại sao không công nhận người bản địa, họ nói khái niệm “người bản địa” có từ thời Pháp thuộc — với người Pháp, tất cả người Việt đều là người bản địa — nên Việt Nam chỉ có khái niệm “dân tộc thiểu số” và “dân tộc thiểu số rất ít người”.

Khi được hỏi về vấn đề quốc tịch, vì con cái của phụ nữ Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc không được quốc tịch Việt Nam và không được hưởng các quyền lợi của công dân, họ nói Việt Nam thông thường công nhận một quốc tịch nhưng có một số trường hợp cho phép song tịch, chẳng hạn như trẻ em Việt Nam trở thành con nuôi của người nước ngoài.

Còn về tình trạng trẻ con H’mông không có giấy khai sinh, họ nói đó là do “một số hộ dân di cư tự phát” và “sống bất hợp pháp ở rừng phòng hộ” rồi “tự sinh con” nên không có giấy khai sinh.

Khi bà Sheikha Abdulla Ali Al-Misnad hỏi tại sao phải có hệ thống đăng ký, công nhận tôn giáo và cố ép người theo đạo vào các hội Thánh được nhà nước công nhận khi mỗi nhánh, mỗi giáo phái mỗi khác. Phái đoàn nhà nước lại nói đó là để chống tà giáo hoặc chống những hội Thánh vi phạm “thuần phong mỹ tục” Việt Nam.

Phái đoàn cũng nói người dân có quyền phản biện và tiếp cận công lý, được trợ giúp pháp lý, có các chính sách, chương trình nâng đỡ, hỗ trợ cho người thiểu số, Việt Nam không có hiện tượng ép bỏ đạo, không có xung đột tôn giáo, không xử lý ai vì lý do tôn giáo, chỉ xử lý người vi phạm pháp luật; khẳng định Việt Nam không có nhục hình, tra tấn, và có tập huấn nhân quyền cho cán bộ, và rằng Việt Nam có nhiều giải pháp hỗ trợ nạn nhân buôn người, v.v.

Thiếu số liệu

CERD và bất kỳ ai lắng nghe buổi rà soát đều có thể thấy phái đoàn nhà nước Việt Nam nói nhiều về luật và chính sách nhưng thiếu số liệu.

Chẳng hạn, họ nói không thể có 20.000 hộ người H’mông không có hộ khẩu — con số đó quá cao — nhưng không thể trả lời con số họ có là bao nhiêu.

Họ nói Việt Nam làm việc chặt chẽ với chính phủ Campuchia để giải cứu nạn nhân buôn người, nhưng không có dữ liệu về nạn nhân buôn người từ Việt Nam ở Campuchia.

Họ cũng không có câu trả lời khi được hỏi về con số người nhập cư hoặc du học sinh từ Châu Phi.

Kết

Có thể nói, gửi báo cáo cho LHQ cho các phiên rà soát là cách người dân có thể, thông qua LHQ, bắt buộc nhà nước Việt Nam phải trả lời các khiếu nại, cáo buộc về vi phạm nhân quyền — và lần này, về kỳ thị sắc tộc một cách có hệ thống.

Trong cách nhìn của tôi, phái đoàn nhà nước né tránh câu hỏi, lấp thì giờ bằng cách nói nhiều về luật hoặc các chi tiết không liên quan, trả lời lấp liếm, hoặc thẳng thừng dối trá tại LHQ.

Mọi người đều có thể xem phiên rà soát và có kết luận của riêng mình, tại đây:

🔝

Lễ Tạ Ơn ở Mỹ, nghĩ về truyền thống và quyền của người sắc tộc ở Việt Nam

04/12/2023

Capture à partir de :voatiengviet

Chương trình văn nghệ Chăm do Dorohiêm tổ chức ở Mỹ trong buổi ra mắt sách Bangsa Champa với các vũ điệu Chàm trước hình một Tháp Chàm cổ kính và uy nghi. Hình minh hoạ. [tư liệu Phạm Gia Cổn]

Nước Mỹ non trẻ không có nhiều lễ hội xa xưa như những quốc gia khác, nhưng người Mỹ biết gìn giữ, đề cao giá trị nhân văn để làm đầy truyền thống non trẻ.

Võ Ngọc Ánh

Và Lễ Tạ ơn là một ngày như thế. Một ngày lễ chưa bị tính thương mại hóa chi phối.

Cúng cơm mới của gia đình tôi và lễ tạ ơn của người Mỹ

Vào những năm 1980 thế kỷ trước, đội 10, Khánh Lộc, xã Tam Thành, thị xã Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng quê tôi vẫn phải phụ thuộc vào nước mưa để trồng lúa. Sau những cơn mưa giông đầu mùa hè cho đất đủ ẩm, người dân cày lên, làm cho đất tơi ra, sau đó vãi hạt lúa xuống. Hạt giống nằm trong đất, chờ cơn mưa giông tiếp theo để nảy mầm, cây lúa èo uột chống chọi với cái nắng suốt mùa hè.

Rồi những cơn báo hiệu mùa mưa bắt đầu cho cây lúa gieo lớn nhanh như bước vào tuổi dậy thì, làm đòng, trổ bông…

“Lúa chiêm lấp ló đầu bờ

Hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên” là vậy.

Sau gặt, lúa nằm trong bồ, rơm ngay ngắn trên cọc, là lúc cúng cơm mới. Đó là bữa cơm đầu tiên của lúa mới của vụ mùa vừa được gặt xong, với cá kho, rau xào, xị rượu được bày ngay ngắn trên cái bàn trang trọng nhất của gia đình trước bàn thờ.

Gia đình tôi theo đạo Công giáo, tinh thần của công đồng Vaticano 2 chưa thực sự thấm vào người Công giáo Việt Nam thì việc gọi “cúng” như thế dễ bị xem lạc giáo. Có lẽ vì thế ba má tôi gọi tránh đi bữa cúng cơm mới là cúng giỗ ông vườn Quạ. Vườn Quạ cái rẫy đất tốt nhất của nhà tôi, nơi có vạt tranh được cắt vào mùa xuân để làm tấm lợp cho mái nhà phải thay hằng năm.

Câu chuyện cúng cơm mới của gia đình tôi là một phần của văn hóa Việt, cũng như nhiều sắc tộc ở Việt Nam có cách tạ ơn như thế sau một vụ mùa.

Rồi khi nước thủy lợi từ hồ Phú Ninh phủ đến đồng ở quê, trồng lúa không còn phụ thuộc vào nước trời, thì bữa cúng cơm mới cũng dần mất đi sau mỗi mùa gặt.

Nhưng người Mỹ thì không thế, ngày Lễ Tạ ơn được ghi nhận đầu tiên vào tháng 11 năm 1621. Đó là ngày những người di dân từ châu Âu có được vụ mùa đầu tiên.

Trước cái lạnh, cái đói của những di dân người Mỹ bản địa đã cho họ thực phẩm để sinh tồn trong mùa đông, cung cấp hạt giống và dạy cho những vị khách xa lạ cách trồng trên vùng đất mới.

Sau vụ mùa đầu tiên, những người di dân đã làm buổi lễ để tạ ơn thượng đế, cũng như người Mỹ bản địa đã dạy cách sống trên vùng đất mới.

Ngày Lễ Tạ ơn được bắt đầu và giữ gìn, làm đầy trong sự nhân văn như thế.

Quyền của người bản địa được công nhận

Ngày lễ Độc lập ở Mỹ hồi tháng 7 vừa rồi, trên đường lái xe đưa gia đình đi nghỉ qua vùng đất có tên Muckleshoot, tôi như lạc vào lễ hội của thổ dân.

Từ bãi đất trống, garage để xe, lều dựng ở sân trước trên con đường tôi đi qua đâu đâu cũng quảng cáo bán pháo bông với họa tiết, biểu tượng của người bản địa. Pháo bông, mặt hàng những người kinh doanh các sắc dân không được phép bán.

Lãnh địa Muckleshoot, cách Tacoma chừng 30 phút lái xe. Đây là vùng đất này rộng gần 16 nghìn km2, với hơn 3000 người thuộc bộ lạc nói tiếng Lushootseed, một phần của các dân tộc Coast Salish ở Tây Bắc Thái Bình Dương. Họ là hậu duệ của các dân tộc Duwamish.

Tại nhiều tiểu bang, chỉ có người bản địa mới được phép mở sòng bài, bán thuốc lá không phải đóng thuế. Họ cũng được phép săn bắt nhiều loại thú, hải sản không có hạn mức cố định. Họ được quyền làm những điều này tự nhiên như tổ tiên họ từ hàng ngàn năm trước.

Trong khi đó, với việc săn, bắt không phải người da đỏ phải mua giấy phép và săn bắt trong mức cho phép. Mức cho phép này không thể tạo ra hàng hóa để buôn bán.

Quyền cho người Mỹ bản địa được tiếp tục làm đầy thêm. Mới nhất, hồi đầu tháng 8 năm nay, ông Joe Biden, Tổng thống Mỹ đã ký lệnh thành lập khu bảo tồn thiên nhiên ở Grand Canyon, thuộc bang Arizona. Với khu bảo tồn, việc khai thác tài nguyên trong khu vực bị hạn chế. Đây là điều mà người Mỹ bản địa đang sinh sống ở khu vực này yêu cầu từ nhiều năm qua.

Trước đó hồi tháng 3, ông Joe Biden cũng đã công nhận sa mạc Avi Kwa Ame, ở Nevada, một địa điểm linh thiêng của người Mỹ bản địa là di tích quốc gia.

Một nước Mỹ hiện đại quyền của người Mỹ bản địa được công nhận và bảo tồn như hàng ngàn năm trước cha ông họ sống.

Cũng tại châu Mỹ, hồi tháng 9, Tối cao Pháp viện của Brazil đã công nhận thổ dân ở quốc gia này có quyền sinh sống, gìn giữ vùng đất của cha ông họ sinh sống. Và chỉ có họ mới được quyền sử dụng, khai thác tài nguyên thiên nhiên tại đây.

Việt Nam thì sao?

Việt Nam có 54 dân tộc, trong đó có nhiều sắc dân bản địa đang sinh từ bao đời trên vùng đất cha ông họ từ núi rừng ở phía Bắc, dọc theo dãy Trường Sơn, trên Tây Nguyên, dưới Ninh Thuận, Bình Thuận, đến đồng bằng sông Cửu Long.

Vùng đất các dân tộc bản địa sinh sống đều đậm dấu ấn từ tập tục, tôn giáo, kiến trúc, cách sản xuất… nhưng các sắc dân này không thực sự có được đặc quyền trên chính mảnh đất của cha ông họ đã khai phá, sinh sống từ xa xưa. Bởi mọi sự do đảng định đoạt.

Dự án hồ nước Ka Pét tại tỉnh Bình Thuận ồn ào trên các phương tiện truyền thông hồi tháng 9/2023 vừa rồi là minh chứng mới nhất về sự không thực sự tôn trọng sắc dân thiểu số trong con mắt của chính quyền.

Trên các phương tiện báo chí do nhà nước kiểm duyệt, có nhiều thông tin việc xây dựng hồ nước khiến hơn 600 ha như rừng bị phá, tính hiệu quả, khả thi của dự án… Nhưng, tuyệt nhiên thông tin về hai di tích được xem như thánh tích của người Chăm tại các huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, và Tánh Linh lại vắng bóng trên các phương tiện báo chí trong nước.

Đó là khu lăng một của Pô Cei Khar Mâh Bingu và Pô Haniim Per. Đây là nơi linh thiêng để cộng đồng Chăm tại ba huyện kể trên hành hương nhớ về cội nguồn, tổ tiên của họ.

Khu rừng trong dự án hồ Ka Pét còn giữ được nhờ người Chăm và Raglai xem như rừng thiêng, nên bảo vệ, không được phép xâm phạm.

Chính quyền không ngại phá đi di tích ít ỏi còn sót lại của người Chăm trên mảnh đất cha ông họ, nhưng cũng thể chế ấy lại gia tăng xây dựng tượng đài ở bất cứ nơi đâu họ từng đánh nhau để dành được chính quyền.

Cũng phải nhìn nhận chính quyền có cố gắng tổ chức các lễ hội văn hóa cho các dân tộc. Tuy nhiên, trong ý đồ chính trị luôn chi phối khiến các lễ hội này thường không mang lại giá trị cho văn hóa, truyền thống thực sự như mong đợi.

Ngay cả việc buôn bán trong những vùng các sắc dân bản địa thường do người Kinh chi phối, kiểm soát, quyết định giá cả. Người bản địa ở Việt Nam bị lạc lõng trước các nhu cầu thiết yếu ngay trong vùng đất của tổ tiên.

Thể chế chính trị của Việt Nam càng không cho phép những người vận động, đấu tranh cho quyền của người bản địa được phép tồn tại, do đó quyền của người bản địa vẫn không thể vượt qua quyền lực của đảng.

🔝

Việt Nam không thừa nhận người bản địa; giới quan sát bất bình

06/12/2023

VOA Tiếng Việt

Capture à partir de :voatiengviet

Ông Y Thông, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phát biểu tại LHQ hôm 29/11/2023. Photo UN Web TV.

Giới quan sát bày tỏ sự bất bình việc chính quyền Việt Nam không thừa nhận người bản địa, bênh vực cho Hội Cờ Đỏ, và cách trả lời “cho có” trước những câu hỏi của chuyên gia Liên Hiệp Quốc trong phiên đối thoại với Uỷ ban Công ước Xóa Phân biệt Chủng tộc (CERD).

Thứ trưởng Y Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, trưởng phái đoàn của chính phủ Việt Nam, phát biểu trong phiên đối thoại với Uỷ ban CERD ngày 30/11 tại Geneva, Thụy Sĩ qua lời của một phiên dịch viên:

“Chúng tôi không sử dụng từ ‘người bản địa’ mà chúng tôi dùng từ ‘người dân tộc thiểu số’… Vì do yếu tố lịch sử từ năm 1930 khi Việt Nam còn bị thực dân Pháp đô hộ, lúc đó người dân ở Tây Nguyên đã trở thành một bộ phận người dân sống trong chế độ thuộc địa, họ đã trở thành một phần của dân chúng. Lúc đó, người dân tộc thiểu số trở thành người bản địa khi họ làm việc cho các chủ đồn điền cao su của người Pháp… Chúng tôi không còn dùng từ ‘người bản địa’, mà dùng từ ‘người dân tộc thiểu số’”.

Ông Thông trả lời như trên khi được bà Chinsung Chung, nữ chuyên gia của Ủy ban CERD và Đồng báo cáo viên LHQ về Việt Nam, chất vấn về lý do chính phủ Việt Nam không công nhận bất kỳ nhóm nào trong số 53 dân tộc thiểu số là người bản địa và không muốn tham gia vào các cuộc thảo luận cởi mở và toàn diện về việc công nhận người dân bản địa và các quyền cụ thể của họ, và rằng liệu Việt Nam có chấp nhận sự tồn tại của người dân bản địa và các quyền của họ ở Việt Nam? Liệu rằng nước này có kế hoạch phê chuẩn Công ước 169 của Tổ chức Lao động Quốc tế về người bản địa và bộ lạc không?

Bà Chung cũng yêu cầu Việt Nam làm rõ việc Uỷ ban của bà nhận được nhiều báo cáo cho rằng chính phủ trung ương hoặc chính quyền địa phương tịch thu đất đai của người dân bản địa đã sinh sống ở đó qua nhiều thế hệ.

Tại phiên đối thoại được trang UN Web TV tường thuật trực tiếp, ông Thông không trả lời chi tiết các câu hỏi của bà Chung và sau đó ông nhường lời các các thành viên khác trong phái đoàn Việt Nam, những người được giới quan sát nhận đình rằng họ chỉ “nói chung chung” về các văn bản pháp luật và sự hỗ trợ pháp lý đối với người thiểu số.

Từ Thụy Điển, ông Thành Thanh Dải, một chuyên gia quan sát các hoạt động bảo vệ người thiểu số Việt Nam tại diễn đàn LHQ, nêu nhận định cá nhân của ông với VOA về phát biểu trên của ông Y Thông:

“Tôi hoàn toàn phản đối quan điểm của Việt Nam. Phái đoàn Việt Nam giải trình với LHQ rằng cụm từ ‘người bản địa’ chính là cụm từ ‘dân thuộc địa’, mà hai khái niệm này lại khác nhau hoàn toàn về thành phần, về bản chất”.

“Trong văn bản của LHQ, hai khái niệm ‘người bản địa’ và ‘dân thuộc địa’ là hai khái niệm khác nhau, và đã được định nghĩa rõ ràng và được sử dụng trong mấy chục năm qua”.

“Đến bây giờ tại Việt Nam, chính phủ Việt Nam lại hoàn toàn phủ nhận khái niệm dân tộc bản địa, như vậy là trái với quan điểm của LHQ và trái với thực tiễn của đất nước Việt Nam”, ông Dải nói thêm.

Ông Dải cho rằng khái niệm người bản địa tồn tại một cách khách quan, không lệ thuộc vào thời gian. “Theo LHQ, người bản địa là quần thể cư dân định cư tập trung tại một không gian lãnh thổ tổ tiên của họ, có nền văn hóa, ngôn ngữ lâu đời. Tại Việt Nam, theo tôi, ít ra phải có ba dân tộc bản địa, bao gồm người Kinh, Chămpa, Khmer Krom, họ đã tồn tại trước khi nhà nước Việt Nam được hình thành”, ông nói.

Từ Vĩnh Long ở đồng bằng sông Cửu Long, nhà sư Dương Khải, thuộc chùa Khmer Đại Thọ, bày tỏ quan điểm cá nhân của ông về phát biểu của phái đoàn Việt Nam:

“Chính quyền, nhà nước Việt Nam thường xuyên chối bỏ sự thật. Người Khmer Krom của chúng tôi là người bản địa từ mấy ngàn năm qua, từ thời Phù Nam… Việc họ tuyên bố không có người bản địa là tuyên bố dối trá, không đúng sự thật”.

Trong một thông cáo tóm tắt nội dung cuộc đối thoại này, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ (OHCHR) cho hay bà Chung đã chất vấn phái đoàn Việt Nam về sự tồn tại của Hội Cờ Đỏ, được cho rằng đã tích cực chống lại những người bảo vệ nhân quyền, thúc đẩy “sự chia rẽ giữa các dân tộc thiểu số và người Thượng”.

Nữ cán bộ của Bộ Công an nói rằng Hội Cờ Đỏ ở Nghệ An là "hội của những người yêu nước" nhằm phản bác lại những người phỉ báng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại phiên chất vấn ở Geneva, Thụy sĩ, ngày 29/11/2023. Photo: UN Web TV.

Đáp lại, một nữ thành viên trong phái đoàn Việt Nam, một quan chức từ Bộ Công an, nói rằng “Hội Cờ Đỏ” là một hội của “những người yêu nước”, theo trang UN Web TV. “Hoạt động của hội này không hề vi phạm pháp luật”.

Phái đoàn Việt Nam nói thêm rằng nhà nước “đang hợp tác với các hội để đảm bảo rằng hành động của họ không kích động hận thù và chia rẽ”.

Một giáo dân ở miền trung Việt Nam, đề nghị không nêu tên vì lý do an toàn, lên án các hoạt độn của Hội Cờ Đỏ:

“Hội Cờ Đỏ được lập ra như một hình thức để chống phá người Công giáo do những người Cộng sản thành lập nên. Hội này đa phần tấn công những người Công giáo như chúng tôi, các nhà thờ và các linh mục, trà trộn vào để gây chia rẻ…”.

Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa phản hồi ngay khi VOA đưa ra yêu cầu bình luận về thông cáo báo chí trên của OHCHR.

Năm 2018, lần đầu tiên báo cáo tự do tôn giáo hàng năm của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, đề cập đến “Hội Cờ Đỏ”, nói rằng hội này được chính quyền hậu thuẫn để công kích các giáo dân, linh mục, cụ thể tại huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

Trong báo cáo tương tự vào năm 2022, Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng “Hội Cờ Đỏ” cùng với các tổ chức khác như “Đấu trường Dân chủ”, “Tiếng nói Trẻ” gán cho các nhà lãnh đạo tôn giáo có tiếng nói là “cực đoan” và khẳng định những lời chỉ trích của họ là “bịa đặt” hoặc dựa trên những thông tin “xuyên tạc” nhằm bôi nhọ Đảng Cộng sản và cáo buộc rằng các chức sắc tôn giáo đó “gieo mầm mống chia rẽ,” hoặc “phá vỡ trật tự xã hội”.

Nhận định về hai phiên chất vấn phái đoàn Việt Nam trong hai ngày 29 và 30/11, ông Dải nói rằng các thành viên của phái từ Hà Nội, đáp lại rất “chung chung”, và trả lời “cho có” trước các câu hỏi rất chi tiết của các chuyên gia Uỷ ban CERD.

Phái đoàn Việt Nam nói rằng từ năm 2013 đến nay, hệ thống pháp luật Việt Nam liên tục được xây dựng và hoàn thiện tương đối đồng bộ, đáp ứng về cơ bản quyền con người trong đó có việc bảo đảm các quyền và lợi ích chính đáng của đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Y Thông cũng phát biểu rằng trong giai đoạn báo cáo quốc gia (2013-2019), các quyền dân sự chính trị của người dân tộc thiểu số “được bảo đảm và thúc đẩy”.

Tường thuật về phiên chất vấn đối với phái đoàn Việt Nam tại kỳ đối thoại này, báo Nhân Dân của Đảng Cộng sản viết: “Việt Nam nỗ lực thực thi Công ước CERD, bảo đảm quyền cho người dân tộc thiểu số”, cho rằng phái đoàn Việt Nam do ông Y Thông dẫn đầu, đã “bảo vệ thành công” phiên báo cáo CERD lần thứ 5 của Việt Nam.

Ủy ban Xóa bỏ Phân biệt Chủng tộc (CERD) là cơ quan gồm các chuyên gia độc lập giám sát việc thực hiện Công ước về Xóa bỏ Mọi Hình thức Phân biệt Chủng tộc của các Quốc gia thành viên, trong đó Việt Nam, tham gia từ năm 1982.

Ra đời từ năm 1965, Công ước CERD lên án nạn phân biệt chủng tộc và xác lập nghĩa vụ cho các quốc gia thành viên phải áp dụng mọi biện pháp cần thiết và không trì hoãn các chính sách nhằm loại trừ các hình thức phân biệt dựa trên chủng tộc, màu da, dòng dõi, dân tộc hoặc gốc người thiểu số.

🔝

Ông Y Quynh Bdap: Tôi bị vu khống tội ‘khủng bố’

01/12/2023

VOA Tiếng Việt

Capture à partir de :voatiengviet

Ông Y Quynh Bdap, đồng sáng lập nhóm Người Thượng Vì Công lý (MSFJ), ngày 30/11/2023. Photo YouTube Dak Lak News.

Ông Y Quynh Bdap, người đang bị chính quyền Việt Nam truy nã đặc biệt trong vụ bạo động ở Đắk Lắk, bác bỏ những cáo buộc của chính quyền Việt Nam, nói rằng ông bị “vu khống” và bị gán tội “khủng bố”.

Truyền thông nhà nước loan báo hôm 30/11 rằng Công an tỉnh Đắk Lắk ra quyết định truy nã đặc biệt đối với 6 người với cáo buộc “tham gia vụ khủng bố, giết người” ở trụ sở 2 xã thuộc huyện Cư Kuin trong tỉnh ngày 11/6/2023, trong đó có ông Y Quynh Bdap.

Ông Y Quynh Bdap, 31 tuổi, người sang Thái Lan tị nạn từ năm 2018, đồng sáng lập nhóm Người Thượng Vì Công lý (MSFJ), nói với VOA sau khi hay tin ông bị phát bệnh truy nã đặc biệt với cáo buộc “Khủng bố” theo Điều 299 Bộ Luật Hình sự:

“Những hoạt động của tôi là về lĩnh vực tôn giáo và đòi nhân quyền cho người Thượng bản địa tại Việt Nam. Mọi hoạt động của Nhóm Người Thượng Vì Công lý với mục đích là đấu tranh cho công lý và đấu tranh ôn hòa.

“Tôi biết rằng nhà nước Việt Nam đã lợi dụng vụ này và vu khống cho Nhóm Người Thượng Vì Công lý của chúng tôi”.

“Chúng ta vô cùng lo ngại trước những cáo buộc thiếu cơ sở mới đây của chính phủ Việt Nam nhắm vào Y Quynh Bdap, người đồng sáng lập MSFJ, một nhà hoạt động nhân quyền tận tâm. Những cáo buộc rõ ràng là nỗ lực làm mờ danh tiếng ông ấy và dập tắt tiếng nói nhân quyền mạnh mẽ của ông. Đáng nói là, họ đã điều tra ông mặc dù không có bằng chứng nào liên quan ông với bạo lực hay khủng bố”, ông Y Phic Hdok, đồng sáng MSFJ, người hiện nay đang sống ở California, Mỹ, viết trên Facebook.

VOA đã liên lạc Bộ Công an Việt Nam và đề nghị họ cho ý kiến về các phát biểu trên, nhưng chưa được phản hồi.

Như VOA đã đưa tin, hàng chục người đã tấn công, đốt phá hai trụ sở chính quyền xã ở Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin, vào rạng sáng 11/6, giết chết 9 người, gồm 4 viên công an và 2 lãnh đạo xã và 3 người dân.

Đến nay, cơ quan chức năng đã khởi tố và bắt giữ tổng cộng hơn 100 người tham gia hoặc dính líu vào vụ án này, theo Báo Điện tử Chính phủ.

Mặc dù đã rời Việt Nam, nhưng ông Y Quynh Bdap cảm thấy bất an:

“Ở Thái Lan chưa phải là một đất nước an toàn, vả lại đây là nước không ký bảo vệ người tị nạn, cho nên việc an toàn tại Thái Lan là không có, nhất là sau các vụ việc Trương Duy Nhất, Thái Văn Đường bị mật vụ Việt Nam bắt cóc và đưa về Việt Nam xử án. Và bản thân tôi cũng không ngoài phạm vi của họ vì họ đã ra lệnh truy nã và bản thân tôi cũng không an toàn”.

Truyền thông Việt Nam cho biết 6 người hiện bị truy nã vì họ đã bỏ trốn sau khi công an khởi tố họ về hành vi “khủng bố” vào tháng 8/2023.

Năm người khác bị truy nã gồm ông Y Chik Niê, 55 tuổi, từng sống ở huyện Krông Pắk, Đắk Lắk; Y Mut Mlô, 63 tuổi, từng cư trú ở huyện Krông Búk, Đắk Lắk; Y Chanh Byă, 40 tuổi, Y Bút Êban, 39 tuổi, và Y Niên Êya, 45 tuổi, là 3 người cùng cư trú ở xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông.

Ông Y Quynh Bdap nói với VOA hôm 1/12 rằng ông không biết gì về 5 người này.

Chính quyền Việt Nam nói rằng vụ 2 trụ sở xã ở Đắk Lắk bị tấn công vào ngày 11/6 là “hoạt động khủng bố có tổ chức” và cáo buộc một số người sinh sống ở Hoa Kỳ có liên can trong vụ án này.

Ngay sau vụ bạo động, Nhóm Người Thượng vì Công lý phát thông cáo báo chí, tuyên bố họ “không liên quan đến bất kỳ nhóm hoặc cá nhân nào xúi giục, thúc đẩy, âm mưu hoặc tiếp tay cho việc sử dụng bạo lực vì bất kỳ mục đích gì”.

Nhóm này cũng tái khẳng định chủ trương hoạt động là “ôn hòa qua việc vận động cho tự do tôn giáo bằng cách hợp tác chặt chẽ với cộng đồng quốc tế, bao gồm LHQ và các chính phủ của những nước dân chủ”.

Theo Trang Công an Đắk Lắk, nhóm MSFJ được thành lập vào năm 2019, thông qua trang mạng xã hội “liên lạc, kích động những người thiếu hiểu biết trong nước vi phạm pháp luật”, đồng thời cáo buộc rằng nhóm này “sử dụng các thông tin sai sự thật và xuyên tạc” nhằm vu cáo Việt Nam phân biệt đối xử, đàn áp người dân tộc với “mục đích vụ lợi, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.

🔝