logo-vuot

logo-ConNguoi

Cảm tính, Vô cảm & Tha hóa

acrobat  📂  🏠   

Tâm linh - 1 - Hoà thượng Thích Tuệ Sỹ

Hoà thượng Thích Tuệ Sỹ

Ngài Thích Tuệ Sỹ

Cuộc khổ nạn của thầy Tuệ Sỹ

Bức thư vận động hủy bỏ án tử hình cho hai nhà sư

Hoà thượng Thích Tuệ Sỹ là một hình mẫu lý tưởng về người trí thức hiện đại

Thầy Thích Tuệ Sỹ viên tịch ở chùa Phật Ân Đồng Nai

Ghi chép từ tang lễ của Hoà thượng Thích Tuệ Sỹ

Suy tư về một sự kiện văn hoá

Tưởng niệm Thích Tuệ Sỹ: Khi cái chết trở nên điều huyền thoại

Hoà thượng Thích Tuệ Sỹ

Capture à partir de :baotiengdan

Kim Văn Chính

25-11-2023

Chân dung Hoà thượng Thích Tuệ Sỹ. Ảnh trên mạng

Ông là người tài của Việt Nam. Ông đã viên tịch ngày hôm qua, hưởng thọ 80 tuổi.

Hãy xem và nhìn các hình ảnh của ông, ta thấy toát lên một con người tu hành, một hòa thượng đích thực, một tấm gương về hoạt động tôn giáo, một linh hồn bất tử luôn đau đáu nỗi đau của chúng sinh…

Ông là hòa thượng uyên bác về học thuật (Phật giáo) bậc nhất Việt Nam. Ông còn là người lãnh đạo cao nhất Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (tổ chức không được Nhà nước Việt Nam công nhận và luôn đối xử rất tệ hại các lãnh đạo của Giáo hội này).

Hinh ảnh ông khác biệt hẳn, có thể nói là đối lập với các hình ảnh nhiều lãnh đạo rất béo tốt bên Giáo hội Phật giáo Việt Nam (Giáo hội được Nhà nước Việt Nam thành lập năm 1981 và cho là Tổ chức Phật giáo duy nhất ở Việt Nam) …

Năm 1975, ông đã là giáo sư trẻ tài năng, lãnh đạo Học viện Phật giáo Sài Gòn. Ông bị bắt đưa đi cải tạo cùng với các sỹ quan quân đội và viên chức cao cấp chính quyền VNCH tại Trại Ba Sao, Hà Nam nổi tiếng…

Năm 1981, ông được ra trại.

Năm 1984, bị bắt lại vì tội mà Chính quyền kết án là chống phá chính quyền.

Năm 1988, ông bị kết án tử hình.

Do sự can thiệp, đấu tranh rất mạnh của các tổ chức Phật giáo và nhân quyền trong nước và quốc tế, ông được trả tự do. Nhưng do ông không chịu viết đơn ân xá, mãi đến 1998 ông mới được trả tự do.

Ông nhanh chóng được suy tôn lên hàng lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và làm việc Phật cho đến lúc viên tịch…

Ông mất đi là sự đau buồn và mất mát không gì bù đắp của cộng đồng Phật giáo Việt Nam và của dân tộc Việt Nam nói chung.

Di sản của ông là khối sách Phật giáo, cả sách ông viết và sách dịch Kinh Tam Tạng ông đã kịp để lại cho chúng sinh, cũng như tinh thần bất diệt của ông về một nền Phật giáo độc lập, thống nhất, phi thế tục.

KÍNH CẨN NGHIÊNG MÌNH TRƯỚC ANH LINH VỊ HÒA THƯỢNG ĐÁNG KÍNH.

 

 

Chân dung Hoà thượng Thích Tuệ Sỹ mà tác giả sưu tập

🔝

Ngài Thích Tuệ Sỹ

Capture à partir de :baotiengdan

Đỗ Duy Ngọc

25-11-2023

Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ. Nguồn: GĐPT Cam Ranh

Có một vị chân tu với thân hình gầy gò, khắc khổ nhưng đôi mắt sáng tinh anh. Đôi mắt của ngài như nhìn thấu suốt những điều sâu xa nhất, sâu thẳm nhất của Triết học Phật Giáo. Học giả Đào Duy Anh đã từng cho rằng ngài là viên ngọc quý của Phật Giáo Việt Nam. Ngài là vị Thiền sư thông tuệ Phật học. Ngài còn là người thấu hiểu tận cùng Triết học Đông Tây. Ngài lại là một thi sĩ, một nghệ sĩ đích thực. Những vần thơ của ngài vang lên trong cõi tịch mịch của đất trời, trong nhiễu nhương ly loạn.

Thi sĩ khinh bạc Bùi Giáng, từng thốt lên: “Nhưng ai có ngờ đâu nhà sư kín đáo e dè kia, không hề bao giờ có vướng lụy, lại còn mang một nguồn thơ Việt phi phàm? Một bài thơ ‘Không đề’ của ông đủ khiến ta khiếp vía mất ăn mất ngủ:

Đôi mắt ướt tuổi vàng khung trời hội cũ

Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang

Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ

Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn

Mới nghe bốn câu thôi, tôi đã cảm thấy lạnh buốt linh hồn, tê cóng cả cõi dạ.

Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở

Đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan

Cười với nắng một ngày sao chóng thế

Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng

Đếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ

Bụi đường dài gót mỏi đi quanh

Giờ ngó lại bốn vách tường ủ rũ

Suối nguồn xa ngược nước xuôi ngàn”.

Ngài là một người Việt Nam với đầy đủ tính cách tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, những tính cách đã bị mai một trong thế hệ này vì những biến thiên của lịch sử.

Ngài cũng là một anh hùng trải qua những thăng trầm của thời thế, mang bản án tử hình, là một chiến binh quả cảm bền gan chiến đấu với bệnh tật suốt tám năm ròng khi mang trong người bạo bệnh như cư sĩ Quảng Diệu Trần Bảo Toàn đã viết.

Phạm Công Thiện, kẻ kiêu ngạo với tất cả đã cho rằng ngài là “Thiền sư lỗi lạc nhất, thông minh nhất, uyên bác nhất, trong sạch nhất của Việt nam hiện nay”.

Những năm học ở Đại học Vạn Hạnh, tuy không thường xuyên được gặp ngài, nhưng tri thức bát ngát của ngài luôn là niềm kính nể và tự hào của những sinh viên Vạn Hạnh. Sau này đọc Tô Đông Pha, những phương trời viễn mộng do ngài viết, bắt gặp câu :”Đó là tình thơ trong cuộc thơ và cõi thơ; không quyết là của Đông Pha hay không là của Đông Pha. Nhưng người chơi thơ, mở cuộc giao tình với cuộc thơ, ban đầu chỉ như đi tìm một cõi mộng đơn sơ; rồi đột ngột, và sững sờ, cảm khái như một mối sầu cô lữ, thấy mình lưu lạc ở một phương trời đọa đày viễn mộng“.

Lại thêm: “Thơ không là ẩn ngữ. Trong cuộc giao tình vừa khởi sự, cuộc thơ cũng phơi bày lồ lộ những nét thanh kỳ tú lệ; cũng lãng đãng như màn trăng trong những giọt sương lóng lánh; cũng tươi như nụ hồng vừa chớm nở; cũng trong ngọc trắng ngà như băng tuyết; và cũng trơ vơ như chiếc sao Hôm trong buổi hoàng hôn, tư lự như sao Mai giữa trời khuya ngất tạnh. Vậy, những cái đó không là ẩn ước hay ẩn mật; mà chính là những tâm tình được thổ lộ phơi trần, hoặc bằng lân la nay khóm trúc mai chồi lan; hoặc đột ngột như gió dục mây Tần. Tâm tình đã thổ lộ, thì cuộc giao tình thắm thiết mở ra. Bấy giờ mới là lúc:

Vén thanh sắc đổ mù khơi về đối diện

Cuộc ân tình lơi lả vội chia phôi

Trăng nằm xuống ruỗi dài hai bến hẹn

Một dòng sông vồn vã động chân trời”

Bỗng rùng mình mà đốn ngộ về thơ.

Ngài là Đại lão Hoà thượng Thích Tuệ Sỹ với những tác phẩm sâu sắc về Triết học, những vần thơ của người thi sĩ với nguồn thơ lai láng, phi phàm và những gian truân mà ngài đã phải trải qua trong cõi trầm luân của lịch sử.

Ngài vừa viên tịch sau 81 năm trụ thế. Một ngôi sao sáng vừa tắt, một Thiền sư đã bay về cùng mây, một nhà thơ đã cuốn theo cơn gió. Nhưng ngài vẫn còn đây, bên bờ lau trắng của buổi hoàng hôn nhiều khổ nạn. Đôi mắt tinh anh của ngài vừa khép lại nhưng vẫn cho ta vẫn thấy được những tư tưởng của ngài để lại cho chúng ta. Xin chắp tay bái vọng ngài.

🔝

Cuộc khổ nạn của thầy Tuệ Sỹ

Capture à partir de :baotiengdan

Nguyễn Đức Thành

25-11-2023

Ảnh: Từ trái qua, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, thiền sư Lê Mạnh Thát và Hoà thượng Thích Quảng Độ. Ảnh trên mạng

Ghi chú cá nhân: Tôi không nhớ chính xác, có lẽ khoảng đầu những năm 2000, lần đầu tôi đọc một cuốn cổ sử Việt Nam do một nhà sư viết. Tác giả là Thích Trí Siêu, tục danh Lê Mạnh Thát. Vì cuốn sách viết theo một lối dân tộc chủ nghĩa lạ lùng, với một số khám phá mới theo cách rất đặc biệt, nên tôi thử tìm hiểu xem tác giả này là ai.

Hồi ấy đã có internet. Khi tra tên của ông, tôi biết đó là một tu sĩ, nhưng rất ngạc nhiên là ông từng bị án tử hình của chế độ, và rất mới thôi, ông vẫn ngồi tù. Đây là một cú sốc lớn vì hồi ấy tôi không bao giờ nghĩ là sư mà lại bị đi tù – không như thời nay bắt sư đi tù thì hết người coi chùa – và nghiêm trọng hơn lại còn bị kết án tử hình! Nhất là với một vị trí thức uyên thâm như tác giả cuốn sách.

Thế là từ đó tôi mới bắt đầu tìm hiểu và biết về cái gọi là Vụ án Già Lam. Qua đây, ngoài biết tới và hâm mộ cư sĩ – học giả Lê Mạnh Thát, tôi biết thêm một tu sĩ là Tuệ Sỹ, và cùng với đó là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất cùng các vấn đề liên quan. Kể từ ấy, tôi tìm mua tất cả những gì được các vị này viết ra, và tôi hiểu đó là những long tượng của không chỉ Phật giáo Việt Nam hiện đại, mà là của cả nền văn hoá và học thuật Việt Nam. Tất nhiên cái án tử hình đối với họ luôn ám ảnh tôi. Tôi không thể hiểu vì sao chính quyền lại sợ hãi và nhẫn tâm với họ như vậy. Sau này rồi thì hiểu dần ra, tất nhiên, theo một cách không quá khó.

Vụ án Già Lam, tức cuộc khổ nạn thời hiện đại (rất gần) của Trí Siêu, Tuệ Sỹ và các vị sư cùng pháp hữu, không bao giờ được phổ biến ở truyền thông trong nước. Nên ở đây tôi cứ cóp nhặt từ nguồn có trên mạng để cho ai chưa biết thì tìm hiểu dần thêm – và tất nhiên bây giờ ai muốn tự tìm hiểu thì đều rất dễ rồi.

Tìm hiểu để biết các vị ấy, đặc biệt là Tuệ Sỹ, đã hành động như những thánh tử đạo như thế nào, và qua đó, biết thêm về công phu và hành trạng của họ, như kim cương bất hoại vẫn được nhắc tới trong kinh điển Phật giáo. Và chẳng ở đâu xa, không phải trong Thiền Uyển Tập Anh hay Cao Tăng Truyện của hàng trăm năm trước, mà vừa mới đây thôi, ngay cạnh chúng ta.

***

Năm 1978, ngài Thích Tuệ Sỹ bị công an ập vào chùa Già Lam, Sài Gòn, bắt mang đi cải tạo – với lý do như hàng trăm ngàn trí thức, công chức, cựu binh… của miền Nam, mà đường về nhà thì tùy theo vui buồn của các nhà lãnh đạo cộng sản, gọi là khoan hồng. Những tháng năm giam hãm “cải tạo” không tên gọi chính thức đó, kéo dài đến năm 1981.

Năm 1984, ngài bị bắt cùng 17 người nữa, trong đó có giáo sư Trí Siêu – Lê Mạnh Thát. Lý do bắt giữ, mà công an khép tội, nghe cũng rất quen thuộc là “âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân”. Nhưng thực chất, cuộc bắt giữ nhằm chặn đứng phong trào phục hưng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, sau khi nhà cầm quyền đã tìm cách phế bỏ tổ chức này, bằng cách lập ra một giáo hội Phật giáo của Nhà nước kiểm soát vào năm 1981, và tổ chức này vẫn hoạt động với sự yểm trợ chính trị của nhà nước Việt Nam cho đến nay.

Lúc bị bắt, công trình “âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân” lớn nhất của hai vị Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát, hai bậc học giả Phật giáo hàng đầu của Việt Nam, là việc soạn cuốn Bách Khoa Phật học Ðại Tự Ðiển.

Vào những ngày tháng không có mạng xã hội, không có thư tín tự do và cũng không cơ quan truyền thông quốc tế nào được đi lại, dự khán tòa án, án tử hình đã được áp cho ngài Tuệ Sỹ trong tháng 9/1988. Với các phiên xử đấu tố theo kiểu miền Bắc trước năm 1975, có lẽ không có gì là quá bất thường trong xã hội Việt Nam khép kín bấy giờ, nhưng tin tức về bậc trí giả Phật giáo Việt Nam bị án tử hình đã làm cả thế giới chấn động. Nhiều quốc gia lên tiếng phản đối, các tổ chức quốc tế và cơ quan Liên Hợp Quốc đã liên tục chất vấn và làm áp lực với Hà Nội khiến hai tháng sau, án tử hình được chuyển thành án tù chung thân.

Khi ấy, tòa án không có luật sư, và ngài Tuệ Sỹ cũng không làm đơn xin kháng án hay phúc thẩm. Án chung thân đưa ngài đi xa cả ngàn cây số khỏi miền Nam, và giam ở trại Ba Sao, Hà Nam, nhằm cắt đứt mọi liên lạc với giới tăng ni và tín đồ đang đau đớn dõi theo.

Nhưng khi Việt Nam bắt đầu nối kết với thế giới, đặc biệt là khi Hoa Kỳ bỏ cấm vận vào năm 1994. Một phái đoàn đặc biệt được cử đến trại giam gặp ngài, và đề nghị ngài viết đơn xin ân xá, để được nhà nước khoan hồng. Thậm chí đơn được đánh máy sẵn, đề sẵn tên người gửi là chủ tịch Trần Đức Lương. Đơn chỉ cần ngài ký tên là xong.

Nhưng ngài Tuệ Sỹ đã từ chối lá đơn xin ân xá đó, và trả lời rằng: “Không ai có quyền xét xử tôi, không ai có quyền ân xá tôi”. Việc ép buộc diễn ra với những kiểu khác nhau, và để chống lại, ngài đã tuyệt thực để phản đối.

Những năm anh đi

(Trích trường ca Trường Sơn của Tuệ Sỹ)

Ngọn gió đưa anh đi mười năm phiêu lãng,

Nhìn Quê hương qua chứng tích điêu tàn.

Triều Đông hải vẫn thì thầm cát trắng:

Truyện Tình người và nhịp thở của Trường Sơn.

Mười năm nữa anh vẫn lầm lì phố thị,

Yêu rừng sâu nên khóe mắt rưng rưng.

Tay anh với Trời cao chim chiều rủ rỉ,

Đời lênh đênh thu cánh nhỏ bên đường.

Mười năm sau anh băng rừng vượt suối,

Tìm Quê hương trên vết máu giữa đồng hoang:

Chiều khói nhạt như hồn ai còn hận tủi,

Từng con sông từng huyết lệ lan tràn.

Mười năm đó anh quên mình sậy yếu,

Trên vai gầy từ thuở dựng Quê hương;

Anh cúi xuống nghe núi rừng hợp tấu,

Bản tình ca vô tận của Đông phương.

Và ngày ấy anh trở về phố cũ,

Giữa con đường còn rợp khói tang thương;

Trong mắt biếc mang nỗi hờn thiên cổ.

Vẫn chân tình như mưa lũ biên cương.

🔝

Bức thư vận động hủy bỏ án tử hình cho hai nhà sư

Capture à partir de :baotiengdan

BTV Tiếng Dân

25-11-2023

LGT: Nhân sự kiện Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ viên tịch hôm qua, chúng tôi xin được đăng lại bài viết “Bức thư vận động cho tù nhân lương tâm gần 33 năm trước“, đã được giới thiệu trên Tiếng Dân ngày 27-5-2021. Bài viết giới thiệu nội dung bức thư kêu gọi hủy bỏ án tử hình cho hai vị hòa thượng Thích Tuệ Sỹ và thượng tọa Thích Trí Siêu, tức thiền sư Lê Mạnh Thát.

Bức thư ghi ngày 28-10-1988, của The Indochina Resource Action Center (do ông Lê Xuân Khoa làm chủ tịch lúc đó), gửi cho ông Đỗ Mười (Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, tức Thủ tướng lúc bấy giờ), sau khi hai nhà sư nói trên bị tuyên án tử hình.

Thư được gửi bằng dịch vụ Mailgram của Western Union, là tài liệu chưa từng được công bố, mà chúng tôi có dịp chụp lại từ số tài liệu của ông Lê Xuân Khoa. Bức thư ghi lại giai đoạn lịch sử tranh đấu nhân quyền cho Việt Nam thời trước khi có mạng internet.

Hai nhà sư Thích Tuệ Sỹ và Thích Trí Siêu bị nhà cầm quyền CSVN bắt hồi tháng 4-1984, do hai vị là thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN). Hơn bốn năm sau, tháng 9-1988, cả hai vị đều bị tuyên án tử hình, tội “hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân”.

Sau cuộc vận động của các tổ chức nhân quyền, cùng với sự can thiệp của chính quyền Mỹ và các nước châu Âu, tháng 11-1988, cả hai nhà sư được giảm án xuống còn chung thân. Họ bị giam cầm thêm 10 năm nữa, đến đầu tháng 9/1998, cả hai vị được phóng thích.

Được biết, trước khi phóng thích, nhà cầm quyền CSVN yêu cầu hòa thượng Thích Tuệ Sỹ ký tên vào “đơn xin khoan hồng” để gửi cho ông Trần Đức Lương, Chủ tịch nước lúc đó. Nhưng hòa thượng Thích Tuệ Sỹ trả lời: “Không ai có quyền xét xử tôi, không ai có quyền ân xá tôi”.

Công an trại giam nói rằng, họ sẽ không thả ông nếu ông không ký tên vào “đơn xin khoan hồng”. Vị hòa thượng tuyệt thực, cuối cùng, ông cũng được phóng thích sau 10 ngày tuyệt thực.

Sau đây là nội dung bức điện thư ngày 28-10-1988:

Trung Tâm Tác Vụ Đông Dương

1628 16th street Northwest, Washington DC, 20009

Gửi ông Đỗ Mười

Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng

Hà Nội, Việt Nam

Thưa ông,

Chúng tôi vô cùng đau buồn trước bản án tử hình gần đây đối với các nhà sư Thích Tuệ Sỹ và Thích Trí Siêu. Việc áp đặt bản án tử hình là sự vi phạm tàn nhẫn nhất đối với những điều cơ bản nhất về quyền con người. Ngoài ra, việc bỏ tù quá lâu hai học giả tôn giáo có uy tín quốc tế này, cho thấy sự đàn áp nghiêm trọng đối với quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam.

Chúng tôi biết rằng, không có bằng chứng nào cho thấy những vị này đã gây ra bất kỳ mối đe dọa bạo lực nào đối với trật tự công cộng, an ninh quốc gia, cũng như không thấy họ có bất kỳ hành vi sai trái nào.

Chúng tôi kêu gọi giảm hình phạt cho hai vị tôn giáo này và trả tự do cho họ ngay lập tức, hơn nữa chúng tôi kêu gọi mọi người thuộc mọi tín ngưỡng ở Việt Nam, được phép tự do thực hiện tín ngưỡng tôn giáo của họ mà không sợ bị sách nhiễu, bị bỏ tù hoặc bị giết chết, như Hiến pháp của quý vị bảo đảm.

Chúng tôi kêu gọi tất cả những tù nhân lương tâm bị giam cầm được trả tự do vô điều kiện, các hành động có suy nghĩ của quý vị trong những vấn đề này sẽ chứng tỏ rõ ràng với cộng đồng quốc tế, trong đó có 1,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, về mức độ nghiêm túc của nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trong công cuộc mở cửa, đổi mới và hòa giải dân tộc.

Trân trọng,

Trung Tâm Tác Vụ Đông Dương

1628 16th street Northwest

Washington DC, 20009

Bản tiếng Anh:

We are deeply distressed by the recent sentencing to death of Buddhist monks Thích Tuệ Sỹ and Thich Trí Siêu. The imposition of the death sentence is the cruelest violation of the most fundamental of human rights. Additionally, the lengthy imprisonment of these two internationally respected religious scholars is suggestive of severe repression of the freedom of religion in Vietnam.

We are aware of no evidence that these persons have posed any violent threat to public order of national security, nor that they are guilt of any wrongdoing.

We urge that the sentence of these two religists be commuted, and that they be released immediately, further we make our appeal that persons of all faiths in Vietnam be allowed free exercise of their religious beliefs without fear of harassment, imprisonment, or death, as guaranteed by your constitution.

We urge that all persons imprisoned for reasons of conscience be released without condition, your thoughtful actions in these matters will demonstrate clearly to the international community, including 1.5 million overseas Vietnamese, the extent to which the socialist republic of Vietnam is serious about openness, renovation, and national reconciliation.

Most respectfully,

The Indochina Resource Action Center

1628 16th street Northwest

Washington DC, 20009

🔝

Hoà thượng Thích Tuệ Sỹ là một hình mẫu lý tưởng về người trí thức hiện đại

Capture à partir de :baotiengdan

Thái Hạo

26-11-2023

Qua một số comment, thấy có những người mới chỉ lần đầu tiên nghe đến cái tên Tuệ Sỹ. Nhân đây, xin được gạch vài đầu dòng, theo sự hiểu biết hạn hẹp của bản thân [dành riêng cho các bạn này, ai đã biết đến thầy Tuệ Sỹ thì xin bỏ qua].

– Ở Việt Nam hiện có hai “giáo hội” là Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) và Giáo hội Phật giáo Việt Nam THỐNG NHẤT. Giáo hội thứ hai không được chính quyền thừa nhận chính thức và luôn chịu nhiều áp lực suốt từ sau 1975 đến nay. Thầy Tuệ Sỹ là người thuộc Giáo hội này.

– Thầy là một tu sĩ Phật giáo, người có kiến văn quảng bác cả về tư tưởng Đông phương lẫn triết học và văn hóa Tây phương. Là một trí tuệ lớn đã nối tiếp hòa thượng Thích Quảng Độ lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cho đến khi viên tịch vào ngày 24.11.2023.

– Trước 1975, lúc mới 25 tuổi, Thầy đã là giáo sư đại học Vạn Hạnh lừng lẫy ở miền Nam, và là một trong những tên tuổi có ảnh hưởng lớn bậc nhất ở Tạp chí Tư Tưởng – một ấn phẩm đã đóng góp to lớn cho nền văn hóa Việt Nam hiện đại.

– Năm 1988 Thầy bị kết án tử hình với cáo buộc “âm mưu lật đổ chính quyền”. Với sự đấu tranh của tăng ni, Phật tử, trí thức và các tổ chức nhân quyền quốc tế, án được giảm xuống 20 năm tù giam. Sau 14 năm bị giam cầm, Thầy được thả trong tư thế bất khuất, tuyệt thực và không xin ân xá như đề nghị.

– Thầy để lại một sự nghiệp văn hóa đồ sộ về thơ ca, triết học, Phật học và những lớp học trò trực tiếp và gián tiếp chịu ảnh hưởng sâu sắc của mình. Nhân cách và trí tuệ của Thầy là một tấm gương sáng chói về tinh thần tự học phi thường, thông thạo 12 ngôn ngữ, tinh tường cả hai nền văn hóa Đông – Tây, sống một đời giản dị thanh bần nhưng là một biểu tượng cao đẹp của tinh thần “uy vũ bất năng khuất”.

***

Với tôi, thầy Tuệ Sỹ trước hết và quan trọng nhất, là một hình mẫu lý tưởng về người trí thức hiện đại. Nếu chỉ biết đến Thầy như một nhà tu hành thì có lẽ sẽ là điều khiếm khuyết. Bằng tài năng, trí tuệ, nhân cách và thái độ dấn thân “ngã nguyện vô cùng”, thầy đã thị hiện một chân dung toàn vẹn của người tu sĩ Phật giáo chân chính bên cạnh hình ảnh trí thức và thái độ của một công dân nặng trĩu trách nhiệm với xã hội, đất nước và dân tộc. Hình ảnh của thầy trái ngược hẳn với những kẻ đang “ôm giữ chùa tháp”, liên minh và quỳ sụp dưới chân quyền lực thế tục để mưu lợi tầm thường và đáng hổ thẹn đang nhan nhản trong thời buổi này.

Thầy cũng là một tiếng nói xa lạ với những người luôn rao giảng về “buông bỏ”, về “tỉnh thức”, về “lánh đục”; xa lạ với những lời ngụy tín của “năng lượng tích cực”, của “việc của mình là xanh”, của “tròn ngay tự trong tâm”…, để đứng sừng sững như một ngọn núi lớn giữa bão táp mưa sa của quyền lực đen tối và những thế lực đang phá hoại chánh pháp, hủy hoại nền văn hóa dân tộc.

Sống chết là lẽ tự nhiên của đời người. Với một bậc chân tu như thầy Tuệ Sỹ, cái chết có lẽ chỉ như việc thả mình vào một giấc ngủ bình yên, đến đi như hơi thở. Tuy nhiên, có lẽ đối với Phật giáo và văn hóa, tinh thần Việt Nam, sự ra đi của Thầy là một mất mát sẽ để lại khoảng trống lớn không gì bù đắp được.

Điều khiến cá nhân tôi bất an nhất chính là một sự đứt gãy khó hàn gắn trong dòng chảy vốn đã mỏng manh và đầy bất trắc này. Nguyện cho điều lo lắng ấy sẽ chỉ là thừa thãi, bởi những thế hệ nối tiếp của Thầy đã được chuẩn bị đến nhuần thấm nhân cách và có đầy đủ trí tuệ như thầy mình…

Việc ngưỡng mộ Thầy có lẽ quan trọng và chỉ thực sự có ý nghĩa khi mỗi người gắng học và sống như công hạnh của Thầy, được chút nào hay chút ấy…

Có thể tìm hiểu về thầy Tuệ Sỹ ở đây: https://tuesy.net/

🔝

Thầy Thích Tuệ Sỹ viên tịch ở chùa Phật Ân Đồng Nai

Bài bình luận của blogger Tuấn Khanh

24-11-2023

Capture à partir de :RFA

Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ - Chánh Thư Ký - Xử lý thường vụ Viện Tăng Thống. Hoằng Pháp

Vậy là người thầy lớn của Phật giáo đã ra đi, lúc 16 giờ, ngày 24 tháng 11, 2023.

Ngày hôm qua, thầy được đưa về chùa Phật Ân, Đồng Nai từ bệnh viện, sau những lúc tưởng đã thôi không còn có thể chống chọi đến giờ phút cuối những căn bệnh trầm kha, vốn theo đuổi biết bao lâu nay.

Thầy Lê Mạnh Thát quyết để thầy Tuệ Sỹ - người bạn đường thân thiết của mình - ra đi theo cách tự nhiên ở chùa. Các bác sĩ đến theo dõi bệnh tình của thầy ngay khi được đưa về chùa, đã hết sức ngạc nhiên khi thấy các chỉ số sức khỏe lại ổn định, sinh hiệu đầy lạc quan. “Có thể mọi sự kéo dài thêm hơn tuần nữa”, thầy Hạnh Viên, thị giả của thầy Tuệ Sỹ nhắn tin trong đêm cho biết. Niềm hy vọng mong manh chợt bùng lên ở nhiều chúng đệ tử, lòng không muốn chia lìa với người thầy của mình trước hiện thực trần trụi.

Nhưng từ hôm qua 23 tháng 11, giới đệ tử và các thầy thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ở các tỉnh xa đã bắt đầu tập họp ở chùa Phật Ân, chờ đón chuyện cuối của đời người theo lẽ tự nhiên, hầu như ai cũng bình lặng nhưng đầy xót xa vào lúc Phật giáo Việt Nam mất đi người thầy lớn cầm ngọn đèn soi đường, giữa đêm tối của niềm tin hôm nay.

Chiều 24, tin dữ lan nhanh, mọi người vẫn theo dõi sát sao tin tức của thầy Tuệ Sĩ, lại vẫn hụt hẫng dù không còn bất ngờ. Điều gì phải đến, đã đến.

Hơn ai hết, thầy Tuệ Sỹ như đã bước vào chuẩn bị những giây phút này của mình kể từ khi nhận trọng trách với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Giờ thì những người gần gũi với thầy mới hiểu vì sao thầy cố tận lực dành những ngày tháng cuối đời của mình, để làm việc không ngừng, ghi chép, để lại những kinh văn quan trọng cho đời sau. Bởi một điều đơn giản và sâu thẳm: con người thì hữu hạn nhưng chánh Pháp nguyên khôi thì vô hạn, và đó chính là ngọn đuốc trí tuệ mà thầy muốn trao lại cho thế hệ Việt Nam ngày sau, để tiếp tục đi trên con đường dài thăm thẳm phía trước, giữa mây mù, không còn người chỉ lối bên cạnh.

Là bậc đại sư im lặng và kiên tâm với con đường của mình đi, dù trải qua miên trường sóng gió của thời thế, của những khúc quanh số phận, và kể cả những sự chia rẽ trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Đáp lại những thách đố thù địch, thầy mỉm cười đối diện với an nhiên. Với tăng chúng, bằng hành động chứ không bằng lời nói, thầy đã chứng minh tâm nguyện đời cho những thế hệ hôm nay, mai sau, như thầy đã từng cam kết “Nơi nào hiểm nạn, tôi nguyện sẽ là cầu đò. Nơi nào tối tăm, tôi nguyện sẽ ngọn đuốc sáng”.

Vào những ngày tháng hoang mang khi thầy Tuệ Sĩ phải liên tục ra vào bệnh viện, sức khỏe yếu dần. Những người bạn phật tử của tôi đã từng đăm chiêu và hỏi rằng liệu không còn thầy thì mai chúng ta sẽ ra sao? Trong thế giới Phật giáo hôm nay rầm rộ tượng đài, đền chùa vô hồn, quả thật là hoang mang khi mất lối.

Ngày mai chúng ta sẽ ra sao? Đó là câu hỏi lớn khi tin về sự ra đi của thầy Tuệ Sỹ ập đến. May thay, Phật giáo Việt Nam vẫn còn những điều để soi lại, noi theo. Người Việt đã có nửa thế kỷ lịch sử Phật giáo trắc trở và bi hùng, và những người thầy vĩ đại đã nguyện hy sinh đời mình để giữ lại những áng kinh, lời soi sáng con đường phía trước.

Không chỉ có thầy Tuệ sỹ, ở phía trước đã có nhiều những bậc thầy khai mở Phật giáo Việt Nam qua những thăng trầm như thầy Thích Đôn Hậu, Thích Thiện Minh, Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ… Là người Phật tử nhận thức đủ và đúng, không có thầy, thì với chánh pháp, lời Phật cần ghi nhớ: "Chúng sanh là kẻ thừa tự những hành vi mà nó đã làm", và điều thầy Tuệ Sỹ mượn lời Phật dặn dò để "Hãy là kẻ thừa tự Chánh pháp của Như lai; chớ đừng là kẻ thừa tự tài vật".

Không ngã nghiêng theo mê đồ, không để bị thao túng của kẻ giả tăng, không quỵ luỵ với quyền thế. Sống như một Phật tử Việt Nam, biết đau với nỗi đau của con người và thế giới của mình. “Đi với Chánh pháp - đó chính là mặt đất kim cang để trên đó tuổi trẻ tự vạch hướng đi cho mình, tự quy định những giá trị sống thực cho chính đời mình”, thầy viết trong lời dạy về “Giáo dục Phật giáo cho tuổi trẻ”. (Tháng 5-2004)

🔝

Ghi chép từ tang lễ của Hoà thượng Thích Tuệ Sỹ

Bài bình luận của blogger Tuấn Khanh

25-11-2023

Capture à partir de :RFA

Tang lễ Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ. Hình chụp từ video tang lễ do tác giả cung cấp

Buổi tối 24 Tháng Mười Một, không khí trong chùa đã bắt đầu xôn xao đón những người khách đầu tiên đến chờ viếng. Những người thân quen của hoà thượng Thích Tuệ Sỹ tề tựu chung quanh ngài, thảo luận về công việc cho ngày mai: Lễ nhập kim quan, lễ giác linh an vị, thọ tang… Nhiều Gia đình Phật tử từ Bình Thuận, Huế, Nha Trang, Đồng Nai… bắt đầu tập họp nhận công việc từ các huynh trưởng Gia Đình Phật tử Khánh Ân, tức nhóm sinh hoạt ngay tại chùa Phật Ân.

Ở ngoài cổng và trong chùa, đã xuất hiện các an ninh mặc thường phục tới lui, nhin ngó và thỉnh thoảng lấy máy ra chụp hình, quay phim. Trước nay thì những chuyện như vậy thường gây khó chịu và căng thẳng nhưng giờ thì mọi thứ đã trở nên bình thường và mọi người cũng học cách đi lại và không quan tâm những người như vậy, ngoại trừ như trường hợp bất thường cần phải can thiệp.

Sáng 25 Tháng Mười Một, Con đường bên ngoài chùa Phật Ân đã đầy các xe hơi 4,7,16 chỗ từ các nơi đổ về. Con đường Khu 14, An Phước, Long Thành, Đồng Nai trước chùa vốn xưa nay vắng lặng, nay chợt đông đúc bất thường, nhiều người qua lại.

Sáng sớm, gần 7 giờ, phái đoàn đầu tiên trịnh trọng xuất hiện là của hoà thượng Thích Chân Quang, nhân vật nổi tiếng của Phật giáo nhà nước. Một vị sư trẻ kể lại, phái đoàn xin gặp thầy Trụ trì Thích Minh Tâm nhưng bị từ chối vì đang lo chuẩn bị lễ. Nhưng theo mô tả, các tang lễ hay các dịp trọng đại của Giáo hội Phật giáo Thống Nhất, các tăng ni hay phái đoàn của Phật giáo nhà nước vẫn hay xuất hiện, đòi đứng chung ban tổ chức… mục đích là tạo hình ảnh lẫn lộn khó phân biệt đâu là giáo hội nhà nước, đâu là giáo hội độc lập. Nhưng với các vị cao tăng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) thì cách thức này quá dễ đối phó. Dù mặc áo gì, danh thế nào, họ được tiếp đón như khách.

Sự kiện hoà thượng Thích Tuệ Sỹ viên tịch, trở thành tin tức lớn nhất của những ngày cuối tháng Mười Một của cả nước, nhưng là chỉ có báo Tuổi Trẻ, Một Thế Giới và báo Giác Ngộ của Giáo hội nhà nước đưa tin. Đáng chú ý, Trong cách đưa tin của báo Giác Ngộ là kiểu ăn theo hết sức trơ trẽn và cố ý chỉ đưa tên của hoà thượng Thích Phước Trí, nguyên Phó Trưởng ban Nghi lễ Trung Ương Giáo hội nhà nước - Một cách lập lờ với đại chúng như kiểu hòa thượng Thích Tuệ sỹ là người của Giáo hội nhà nước. Trên thực tế là ngay khi đau yếu, hòa thượng Thích Tuệ Sỹ đã tính toàn việc đám tang có thể bị gây khó, nên chọn hòa thượng Thích Phước Trí làm chủ nghi lễ để nhằm hoá giải mọi chuyện. Bài viết trên báo Giác Ngộ ký tên nặc danh là “nhóm phóng viên” đã không dám nhắc gì đến các vị cao tăng khác có mặt, vốn là người của GHPGVNTN, và cũng lờ đi thời gian tù tội, và cả án tử hình đã áp vào thầy Tuệ Sỹ.

Ăn theo, thao túng và mưu tính đồng hoá GHPGVNTN vào hệ thống tăng ni nhà nước đã là vệt đáng xấu hổ của những người mặc áo cà sa, xưng là học Phật. Còn nhớ đám tang của Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ vào năm 2020, hoà thượng Thích Thanh Phong, trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm, Sài Gòn, cùng với số đệ tử trà trộn vào chùa Từ Hiếu, mưu tính cướp tro cốt đem đi về thờ trong hệ thống chùa nhà nước, nhằm đồng hoá hình ảnh GHPGVNTN. Chuyện diễn ra gay gắt với sự phản đối của hoà thượng Thích Nguyên Lý (trụ trì chùa Từ Hiếu) và chúng tăng, nên âm mưu bất thành.

Gần 8 giờ sáng ngày 25 Tháng Mười Một, một phái đoàn của bên an ninh, ban tôn giáo, chính quyền địa phương đến tìm thầy Thích Minh Tâm, trụ trì chùa Phật Ân, đòi tháo tấm biểu ngữ trong điện thờ và tất cả những gì có ghi danh tính của hoà thượng Thích Tuệ Sỹ với hàng chữ Chánh thư ký, kiêm xử lý thường vụ, Viện Tăng Thống Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất. Tên của một giáo hội hình thành từ năm 1964, nay bỗng trở thành nhạy cảm ghê gớm. Báo Giáo Ngộ với nhóm phóng viên viết bài, quay hình, theo dõi sự kiện đến 4-5 người, cũng hoàn toàn như không biết gì về chuyện này. Dĩ nhiên, việc đòi hỏi đó không được đáp ứng. Một tăng sĩ kể lại là khi phái đoàn của nhà nước bị đặt câu hỏi “tại sao?”, đã có người nói GHPGVNTN là một tổ chức không được công nhận. Câu trả lời dứt khoát của các thầy ở chùa Phật Ân là “khi nào GHPGVNTN có văn bản đặt ra ngoài vòng pháp luật, chúng tôi sẽ bàn thảo về chuyện này”.

Vào lúc 12g, đúng ngọ, lễ nhập kim quan bắt đầu. Mọi chuyện diễn ra trang nghiêm và không ồn ào, bởi đã loại bỏ các hình thức phóng thanh. Sân chùa Phật Ân đầy người đến dự lễ. Nhìn quy cũ và hàng hàng lớp lớp tăng ni, các Gia đình Phật tử, tín đồ lẫn giới mộ tín, khó ai tưởng được đây là một nghi lễ của GHPGVNTN đang trải qua vô cùng những khó khăn, kể từ khi nhà nước dựng lên giáo hội mới, nằm trong Mặt Trận Tổ Quốc, từ năm 1981. Sự có mặt đông đảo các thành phần tham dự, các lứa tuổi, từ những cụ già cho đến những thiếu nhi, thật sự đem lại một cảm giác lạ lùng và xúc động.

Đây là lúc các nhân viên an ninh xuất hiện dày đặc hơn, ngoài cửa đã có thêm xe cảnh sát giao thông và dân quân địa phương. Những chiếc máy quay liên tục chĩa và người và sự kiện. Một thành viên nữ, thuộc ban truyền thông của gia đình Phật tử kể, cô bị một nhân viên an ninh đến, yêu cầu giao nộp những gì cô đã quay, chụp. “Tại sao?”, cô này kể đã hỏi dứt khoát, và bỏ đi quay nhìn lại.

Thầy Thích Nguyên Lý chưa khoẻ lại sau một vụ đụng xe lạ lùng, sau lễ ngài phải về sớm để làm lễ ở chùa quận 8, Sài Gòn. Thầy kể khi ra cửa, gặp ngay một sĩ quan an ninh của TP.HCM đang đi vào.

Hoá ra, theo nhận định của thầy Thích Thiện Minh, phía công an căng thẳng là vì dự đoán có thể trong tang lễ của hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, các thầy lớn trong GHPGVNTN tụ về, sẽ có việc tiến hành bầu Đệ Lục Tăng Thống, người lãnh đạo mới của GHPGVNTN. Nhưng ngay cả việc này, cũng không nằm ngoài dự đoán của hoà thượng Thích Tuệ Sỹ lúc sinh thời.

🔝

Suy tư về một sự kiện văn hoá

Capture à partir de :baotiengdan

Mạc Văn Trang

27-11-2023

Trước khi Hoà thượng Thích Tuệ Sỹ mất, tôi không biết tiểu sử của ông, không hiểu ông có vai trò gì trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN); tôi chỉ đọc mấy bài thơ của ông và bài nhà thơ Bùi Giáng bình thơ Tuệ Sỹ… và cảm thấy mến mộ cả hai người.

Nhưng khi Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ viên tịch, trên mạng xã hội trong và ngoài nước tràn ngập những bài viết về Ngài, tôi bỏ công tìm hiểu, và thấy Nhân cách của Ngài, sự nghiệp của Ngài đã hoàn toàn chinh phục trái tim và khối óc của tôi: Đây đích thực là một vị Chân tu, một Trí thức lớn, một nhà Phật học uyên thâm, một Nhân cách văn hoá không chỉ của Phật giáo mà của Dân tộc.

Điều ngạc nhiên là sau khi Ngài mất ba ngày, đến sáng nay tôi gõ cụm từ “HT Thích Tuệ Sỹ viên tịch” trên Google xuất hiện Khoảng 178.000 kết quả (0,29 giây), mà trên toàn bộ hệ thống báo chí Nhà nước chỉ có báo Tuổi trẻ đưa tin về sự kiện này.

Vậy là từ trước đến nay và cả khi Ngài mất, toàn hệ thống truyền thông nhà nước không được giới thiệu về Thích Tuệ Sỹ, ém nhẹm mọi thông tin về Ngài, cố tình vùi lấp đi một Nhân cách Văn hoá, một sự kiện Văn hóa đáng được tôn vinh.

Trong Tiểu sử của ông, viết:

“Ông thông thạo tiếng Trung Quốc, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Pali, tiếng Phạn và tiếng Nhật, đọc hiểu tiếng Đức. Ông được giới học giả Việt Nam đánh giá cao vì đã công bố nhiều tiểu luận, chuyên khảo, thơ và nhiều công trình dịch thuật Phật giáo từ tiếng Phạn, tiếng Trung Hoa và tiếng Nhật [1]. Lúc bị bắt năm 1984, ông và Thích Trí Siêu, được coi là 2 nhà sư uyên bác nhất của Phật giáo Việt Nam, đang soạn thảo quyển Bách Khoa Phật Học Đại Tự Điển [2]”.

Như vậy nhân vật Thích Tuệ Sỹ gắn liền với cộng đồng GHPGVNTN tạo nên một thực thể văn hoá trong lòng dân tộc. Văn hoá là cái được hình thành tự nhiên trong lịch sử, nó gắn liền với những con người, những cộng đồng sản sinh ra văn hoá; trải qua bao nhiêu biến động của lịch sử nó vẫn tồn tại và tích tụ, toả sáng giá trị trường tồn. Có những thế lực muốn xóa nó đi, nhưng nó vẫn tồn tại dưới nhiều dạng thức và khi có cơ hội sẽ lại phục hưng…

Đảng Cộng sản từ khi cầm quyền đã tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng: Cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng văn hoá tư tưởng, cách mạng khoa học kỹ thuật, nhằm xóa cái Cũ, xây dựng cái Mới, nhưng nhìn lại tất cả ba cuộc cách mạng đó đều sai lầm và thất bại. Xóa cái CŨ nhưng cuối cùng lại phục hồi cái CŨ mà chẳng ra sao, còn cái MỚI tạo ra nhiều cái phản giá trị!

Ở đây chỉ nói về “Cách mạng Văn hoá tư tưởng” tiến hành bằng cách phá đình chùa, đốt sách cũ, bài trừ “hủ tục, văn hoá phong kiến, thực dân đồi truỵ”…; vùi dập các trí thức, văn nghệ sĩ, các nhà tu hành chân chính… Còn xây dựng “nền văn hoá mới”, đến nay được những gì?

Bao nhiêu Nghị quyết, bao nhiêu cuộc vận động “chống và xây”, bao nhiêu phong trào thi đua “xây dựng văn hoá mới”… suốt từ 1954 rồi 1975 đến nay, mấy mươi năm, để lại những GIÁ TRỊ VĂN HOÁ GÌ đáng được tôn vinh?

– Ta có 5 DI TÍCH VĂN HÓA VẬT THỂ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới cần bảo tồn là: Quần thể di tích Cung đình Huế, phố cổ Hội An, Thánh địa MỸ Sơn, di tích Hoàng thành Thăng Long, thành nhà Hồ. Đó đều là những di sản của chế độ phong kiến để lại, may bị cách mạng phá mà chưa hết!

 Có 15 DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ đã được UNESCO công nhận là di sản của nhân loại cần được bảo tồn: Nhã nhạc Cung đình Huế, Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, Dân ca quan họ Kinh Bắc, Ca Trù, Hội Gióng, Hát Xoan, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Đờn ca Tài tử Nam bộ. Dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh, Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, Đờn ca tài tử Nam Bộ, Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ, Thực hành Then của người Tày- Nùng- Thái, Nghệ thuật Xòe Thái, Nghệ thuật làm gốm của người Chăm.

Tất cả những di sản này đều gắn với những nhân vật, những cộng đồng tạo ra, gìn giữ không gian văn hoá, phát triển nó một cách tự nhiên trong đời sống, trong dòng chảy của lịch sử, trải bao thăng trầm, nhưng vẫn tồn tại.

Hãy xem, Thiền sư Thích Nhất Hạnh với pháp môn “Phật giáo Làng Mai”, đã trở thành cộng đồng Phật giáo Làng Mai quốc tế, có ở hơn một chục cơ sở ở các nước là sự kiện văn hoá rất lớn. Vậy mà năm 2007 Phật Giáo Làng Mai mới được hoạt động ở Việt Nam; nhưng chưa bao lâu đã bị đánh đuổi tơi bời, phải chạy sang Thái Lan lập ra Phật giáo Làng Mai tại đất nước Thái và phát triển mạnh mẽ.

“Một bài viết trên Tạp chí Phật giáo Tricycle vào năm 2008 đã chỉ trích rằng nếu bạn thực hành Bát Chánh Đạo tại Việt Nam, trong đó có chánh ngữ (nói lời đúng đắn, công bình, ngay thẳng), chánh mệnh (sống chân chính bằng khả năng của mình, không luồn cúi, không ăn bám kẻ khác), và chánh nghiệp (hành động theo lẽ phải), thì bạn có thể sẽ ngồi tù vì “tội tuyên truyền chống nhà nước”.

“Nhận xét vừa nêu cũng trùng hợp với nhận định của thiền sư Nhất Hạnh sau vụ việc Bát Nhã vào 2009, khi các tu sinh Làng Mai bị đuổi ra khỏi một ngôi chùa của GHPGVN tại tỉnh Lâm Đồng: “Trong thời Thực dân, trong thời ông Diệm và ông Thiệu, tuy hành đạo có khó khăn thật đấy, nhưng người tu cũng không bị kiểm soát gắt gao quá đáng như trong hiện tại. Người ta chỉ muốn có một đạo Phật của tín mộ, của thờ cúng, người ta không muốn có một đạo Phật có khả năng lãnh đạo tinh thần và văn hóa đạo đức cho quốc dân”.

Nhìn vào Phật giáo nước nhà thấy rõ GHPGVNTN và Phật Giáo Làng Mai có những nhân vật văn hóa lỗi lạc gắn liền với sinh hoạt của các cộng đồng này, tạo ra những giá trị văn hoá dẫn dắt phật tử tu tập theo Chính đạo, đem lại nhiều lợi ích cho cá nhân và xã hội bền vững.

Vì vậy tôi nghĩ, đừng nhân danh cái gì mà xoá bỏ GHPGVNTN và Phật giáo Làng Mai. Xoá đi là tội lỗi với dân tộc, với Phật giáo nước nhà. Mà xóa cũng không được vì nó gắn liền với những con người, những nhân cách văn hoá lớn tạo dựng nên cộng đồng văn hoá đó; nó sẽ tồn tại lâu dài.

Theo thiển nghĩ, GHPGVNTN và Phật giáo Làng Mai cũng là tiếp nối, phát triển Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. “Thiền phái Trúc Lâm (zh. 竹林禪派) là một tông phái của Thiền tông Việt Nam, hình thành từ thời nhà Trần, do Vua Trần Nhân Tông sáng lập. Trúc Lâm vốn là hiệu của Trần Nhân Tông từ khi xuất gia ở động Vũ Lâm (Ninh Bình), đồng thời cũng là hiệu của Thiền sư Đạo Viên, tiền bối của Trần Nhân Tông, Tổ thứ hai của dòng Thiền này. Thiền phái Trúc Lâm có ba Thiền sư kiệt xuất là Nhân Tông (Trúc Lâm Đầu Đà), Pháp Loa và Huyền Quang (gọi chung là Trúc Lâm Tam tổ).

Đây là cội nguồn văn hoá dân tộc đáng tự hào, cần được bảo tồn, chấn hưng, phát triển, vì các giá trị văn hoá ấy gắn liền với tên tuổi những nhân cách văn hoá lớn và những di sản văn hoá phi vật thể đồ sộ, vô cùng phong phú.

Còn Nhà nước muốn “chỉ đạo xây dựng” GHPGVN thành nền văn hoá Phật giáo XHCN với các hoạt động “Dâng sao giải hạn”, “trục vong”, “phóng sinh”, “cúng lễ, cầu xin”… thì cứ chỉ đạo; nhà nước tôn vinh mấy ông sư nói: Dâng sao giải hạn mỗi người đóng 200 ngàn, nhà chùa lỗ chổng vó ra; càng nghèo càng phải cúng dường để thoát nghèo… thì cứ tôn vinh. Những đừng vì muốn tôn vinh “cái của mình” mà đi xoá bỏ cái tốt đẹp thuộc về nhân dân, thuộc về dân tộc. Thời đại này rồi, hãy để văn hoá “trăm hoa đua nở”, cạnh tranh với nhau thì chỉ thêm phong phú và cái tốt đẹp sẽ được cuộc sống nuôi dưỡng, cái xấu hại sẽ bị loại bỏ.

Bộ Văn hoá có đem hết 3.500 tỷ đồng đầu tư chấn hưng Văn hóa GHPGVN cũng không sao tạo ra được những nhà sư như Thích Nhất Hạnh, Thích Tuệ Sỹ, Thích Trí Siêu và cộng đồng phật tử tu theo những vị Chân tu này.

Văn hoá nảy sinh từ cuộc sống, các nhà văn hóa lỗi lạc như Trời Đất sinh ra để dẫn dắt những cộng đồng văn hoá đó; nó hình thành tự nhiên, chẳng có Nghị quyết hay ai chỉ đạo xây dựng nên được! Cho nên đường lối quản lý văn hoá là phát hiện ra những sự kiện văn hoá, nhân vật văn hoá, cộng đồng văn hoá có giá trị Chân, Thiện, Mỹ đích thực thì bảo tồn, tạo điều kiện cho nó phát triển bình thường trong đời sống xã hội và có thể trở thành những di sản văn hoá của dân tộc và nhân loại.

🔝

Tưởng niệm Thích Tuệ Sỹ: Khi cái chết trở nên điều huyền thoại

27.11,.2023

Capture à partir de :BBC

Nguồn hình ảnh, THƯ VIỆN PHẬT VIỆT

Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ (1925-2023)

Một trong số ít tu sĩ mang tầm ảnh hưởng lớn trong cộng đồng Phật giáo miền Nam Việt, nhất là trong khối Phật tử thuộc Giáo Hội Thống Nhất trước 1975, là Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ.

Thầy Tuệ Sỹ (từ đây Tuệ Sỹ) là một hình ảnh biểu hiện những đức hạnh của một tăng sĩ đạo Phật - từ vóc dáng thân thể đến lập trường, quan điểm trên bình diện thế gian.

Chuẩn mực cho lãng mạn và tưởng tượng

Điều rõ ràng nhất là Tuệ Sỹ đã từng đáp ứng được trí tưởng tượng cho số đông quần chúng nhà Phật, nhất là giới trí thức, văn nghệ. Là một thi sỹ dù Thầy là một học giả ưu việt về Phật học, trước tác và dịch thuật nhiều công trình cao sâu. Chính những tác phẩm cao sâu khó hiểu, khó lãnh hội đó đã làm cho trí tưởng tượng của trí thức Phật giáo về Thầy càng gia tăng cao độ.

Thêm nữa, bản án tử hình mà Thầy đã nhận lãnh ở thế kỷ trước ở miền Nam sau 1975 (đổi thành án chung thân) cho những hoạt động chính trị - cùng với Thầy Lê Mạnh Thát - đã trở nên một minh chứng cho ý lực nơi chữ Dũng của nhà Phật. Tức là Phật pháp không tách lìa khỏi thế gian. Tinh thần vô úy - không sợ hãi - của Thầy với bản án đó lại càng gia tăng cường độ ám ảnh cho giới Phật Tử về lòng can đảm trước những thử thách hiện sinh mà đã từ lâu cảm họ thấy bất lực trước thế cuộc. Thầy là một điểm tận cho ý chí dấn thân mà giới tri thức đã từ mấy chục năm qua hầu như mất hết mọi khung tham chiếu cho giá trị tôn giáo mà nhiều người khao khát.

Nhưng từ khi Thầy Nhất Hạnh qua đời, và nay với sự ra đi của Thầy, thì ý chí và con đường dấn thân, nhập thế của Phật giáo Việt Nam xem như chấm dứt. Người đồng hành với Tuệ Sỹ, Lê Mạnh Thát, tức Thích Trí Siêu, thì nay chỉ còn chú tâm vào cổ sử học với ít nhiều sinh hoạt Phật giáo giới hạn. Con đường của tăng lữ nhà Phật đã đi vào ngõ hẹp hơn, và sợi dây liên kết giữa đạo Phật và dân tộc hình như đã bị tách rời và đứt đoạn. Chúng ta hãy chờ xem một thế hệ tăng sĩ và Phật tử có nối lại mối tương thông giữa đạo và đời nhằm đi tiếp con đường mà thế hệ Phật giáo Tiếp hiện - Engaged Buddhism - đã khơi nguồn.

Khởi đi từ văn hóa miền Nam trước 1975, Tuệ Sỹ xuất hiện theo cao trào Phật giáo lãng mạn mang hương vị hiện sinh trong một giai thời hỗn loạn. Trong khi ở miền Bắc nơi chủ nghĩa quốc gia lãng mạn đã hóa thành ý chí chiến tranh, thì trí thức Phật giáo miền Nam thăng hoa chữ nghĩa lên tầm mức lãng mạn hương thiền như là một phương cách vươn thoát khỏi vũng lầy hiện hữu.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết thư pháp trong chuyến đi thăm Thái Lan hồi tháng 04/2013

Nếu phía Bắc có Tố Hữu, Chế Lan Viên thì phía Nam có Nhất Hạnh, Bùi Giáng, Phạm Thiên Thư, Trịnh Công Sơn và Tuệ Sỹ. Hai vế đối nghịch giữa hai văn hóa - chiến tranh và hòa bình - đã tạo nên một giòng sinh động âm dương phủ quyết nhau. Thầy Tuệ Sỹ nằm trong văn hóa giòng âm ở phía Nam.

Đối với chiến tranh thì trí thức văn nghệ miền Nam chỉ muốn hòa bình, trong khi miền Bắc quyết tâm chiến thắng. Từ đó, và cũng vì thế, thi ca cũng như cuộc đời Tuệ Sỹ là cả một bài thơ dài nhiều cung điệu bi tráng. Phật học đối với Thầy cần hương vị văn thơ để cho tư duy được chuyển động. Đạo lý đối với Thầy cũng giống như thi văn, triết học. Những lý luận về tánh không, hư vô, hay thiền học đều ít nhiều mang nội dung thi ca. Cái khó lãnh hội thành ra một hố đen tư tưởng xuất hiện như những niềm cám dỗ cho cuộc đời đầy khổ nạn. Đạo Phật, do đó, là một con lộ vô cùng và sâu thẳm mà Thầy qua học thuật nghiêm chỉnh không muốn giáo lý cao siêu biến thành ảo vọng.

Niềm án trọng nơi cơ thân

Từ góc độ cá thể, khi nhìn hình dong nhỏ nhắn, nho nhã, ốm yếu, khuôn mặt thông tuệ và khiêm cam của Thầy đã làm cho nhiều người vốn đang bất mãn với tình hình Phật giáo trong nước có một tiêu chuẩn thân xác cho lý tưởng và ý niệm về giá trị nhà Phật. Ý chí khổ hạnh trong hoài bão chân lý đã từ lâu là nỗi ám ảnh lớn khi hầu hết giới tăng lữ nhà Phật đã không còn theo đuổi ý hướng và ý chí pháp thân. Một trong những khó khăn của các tu sĩ nhà Phật là họ phải đáp ứng được trí tưởng tượng về một pháp thân tượng trưng cho con đường lao khổ trên đường đạo - đã là tu sĩ thì phải gầy gò, ốm yếu. Tinh thần cứu độ thế gian phải đi đôi với ý chí chiến thắng ái dục xác thân. Thầy mang hình ảnh lý tưởng đó.

Tuệ Sỹ đã như là một chiếc bè mong manh giữa biển sóng mạt pháp của nhà Phật. Khi tính ưu việt nơi giáo lý vô ngã của nhà Phật đã từ lâu trở nên một chiếc bẫy ngầm phủ định cho ý chí và tri thức, Tuệ Sỹ minh xác một năng lực ngã thức cho thế gian. Bài học tôn giáo cần phải chiêm nghiệm rằng, trong khi tu sĩ nhà Chúa hiến dâng cái ta cho Chúa, tức là hoán vị ngã thức cho ngoại thể, thì ngược lại, tu sĩ nhà Phật ôm lấy cái ngã của ta để cố gắng phủ nhận nó. Vì thế, nếu ai để tâm thì sẽ thấy tu sĩ nhà Chúa có vẻ như khiêm tốn, ít ngã mạn hơn là giới tu sĩ nhà Phật. Khi Tuệ Sỹ dâng cái ta cho trần thế, Thầy đã đạt đến cái hạnh của người con Phật.

Trí thức Phật giáo ít nhiều thường hay nhầm lẫn bình diện bản thể (ontology) của ngã thức với tính năng động tâm lý cá nhân. Biện minh vô ngã, từ đó, đối với họ đã trở nên một biện minh cáo từ cho sự bất lực, lười biếng, yếu hèn. Giới tu Phật hiểu điều đó một cách mơ hồ - để rồi xây đắp cho họ những hình ảnh siêu nhân trong những huyền thoại tự cao. Nhiều Phật tử Việt trong và ngoài nước - vốn từ lâu bất mãn với tình trạng Phật giáo đầy nghi thức dài dòng, luộm thuộm, và những sinh hoạt mang mầu sắc kinh tế nơi các cơ sở, chùa chiền - đã xem Thầy Tuệ Sỹ như là một hình nhân cứu vớt cho nỗi niềm bất mãn ấy.

Hãy cứ là huyền thoại

Người Tây Âu có nói, nếu không muốn đánh mất niềm tin tôn giáo mình thì đừng tìm biết rõ giới tu sĩ. Khi tôn giáo - bất cứ tôn giáo nào - đã xây cho quần chúng những ngọn núi tưởng tượng đầy huyền hoặc, giới tu sĩ vô tình đã trở thành tù nhân trong con mắt thế gian. Vòng biên chế giới hạn của giới luật tu hành thay vì là một điều kiện thiết yếu cho ý chí giải thoát thì nay trở nên một năng lực phủ quyết.

Nhìn vào cuộc đời và hành trạng cũng như con người của Tuệ Sỹ thì cho những ai yêu trọng Phật giáo cảm nhận được một niềm an ủi lớn cho những nỗi băn khoăn về thế cuộc hiện nay. Có thể rằng, Thầy là một tu sĩ rất hiếm trong thời gian qua đã không mang khuyết điểm cá nhân - dù rằng ít nhiều thì giới Phật tử đã huyền thoại hóa Thầy để thỏa mãn niềm u uất trong tình huống bất lực của họ. Hy vọng là Thầy đã vượt qua chướng ngại huyền thoại mà thế gian đem đến cho Thầy - vì đối với rất đông Phật tử miền Nam thì Tuệ Sỹ nay đã là một huyền thoại.

Trong niềm suy niệm về Tuệ Sỹ khi Thầy vừa tạ thế, chúng ta hãy cùng thắp nén hương cầu nguyện cho linh thức của Người được siêu thoát.

🔝