Cảm tính, Vô cảm & Tha hóa
Tỉnh Quảng Ninh nói triển lãm “xá lợi tóc của Đức Phật” là vi phạm pháp luật, chùa Ba Vàng phản bác
Đại đức Thích Trúc Thái Minh bị kỷ luật và phải sám hối sau vụ trưng bày tóc của Phật
Bộ Ngoại giao xác minh nguồn gốc “xá lợi tóc của Đức Phật” ở chùa Ba Vàng
Bộ Nội vụ yêu cầu xử lý dứt điểm vụ chùa Ba Vàng, tránh để tiền lệ
Tâm thư của Đại đức Thích Trúc Thái Minh nhân sự kiện xá lợi tóc Phật 2.500 năm tuổi
Vài điều liên quan chùa Ba Vàng
2024.01.03
Capture à partir de :RFA
Xá lợi tóc của Đức Phật được chùa Ba Vàng triển lãm. Chùa Ba Vàng
Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh vào tối ngày 2/1 khẳng định việc chùa Ba Vàng tổ chức triển lãm “xá lợi tóc Phật” những ngày qua là hoạt động vi phạm quy định của pháp luật về hoạt động triển lãm, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn, gây hoang mang trong dư luận. Tuy nhiên, trụ trì chùa Ba Vàng là Đại đức Thích Trúc Thái Minh hôm 3/1 khẳng định với báo chí là không lừa dối Phật tử và những thông tin trái chiều trên mạng xã hội về “xá lợi tóc Đức Phật” nhằm bôi nhọ chùa Ba Vàng.
Từ ngày 23 đến 27/12/2023, chùa Ba Vàng tổ chức rước, trưng bày và chiêm bái “xá lợi tóc Đức Phật” thu hút hàng vạn Phật tử đến chiêm bái. Vụ việc đã gây xôn xao dư luận với nhiều ý kiến trên mạng xã hội phản đối hành động này, bày tỏ nghi ngờ về cái gọi là sợi tóc Đức Phật có từ hàng nghìn năm và cho rằng chùa Ba Vàng đã thu hàng chục tỷ đồng trong vụ này.
Trong thông báo mới nhất, tỉnh Quảng Ninh yêu cầu chùa Ba Vàng không biên soạn, sản xuất các video, hình ảnh, tài liệu… và gỡ bỏ toàn bộ các thông tin giới thiệu về vật thể được cho là “xá lợi tóc Phật” đã đưa trên các trang thông tin của chùa và của đại đức Thích trúc Thái Minh cũng như các trang mạng xã hội có liên quan đến sự việc trên, gây dư luận phức tạp, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự và các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng bình thường trên địa bàn.
Ngay sau khi có những phản đối rầm rộ trên mạng xã hội, Ban Tôn giáo Chính phủ đã đề nghị Giáo hội Phật giáo Việt Nam thẩm định nguồn gốc "xá lợi tóc Đức Phật" trưng bày tại chùa Ba Vàng; yêu cầu xử lý nghiêm nếu các tổ chức, cá nhân chức sắc Phật giáo liên quan đến sự việc có sai phạm.
Vào ngày 29/12/2023, Đại đức Thích Trúc Thái Minh đã có văn bản báo cáo vụ việc, khẳng định đây là sợi tóc của Đức Phật được tu viện Parami và bảo tàng xá lợi Phật Quốc tế Parami ở Mynamar bảo quản và cung rước đến chùa Ba Vàng cho Phật tử Việt Nam chiêm bái, đồng thời khẳng định dư luận cho rằng đây là cỏ Pili chứ không phải tóc của Phật là vu khống, cần phải bị xử lý.
Vào ngày 3/1, trang tin VietNamNet dẫn lời của Đại đức Thích Trúc Thái Minh khẳng định “"Trên mạng xã hội tung tin, bôi nhọ, nói xấu chùa và tôi đi mua cỏ pili về lừa đảo Phật tử. Mỗi Phật tử lên chùa phải đóng 1 triệu. 6 vạn Phật tử thì tôi đã cầm 60 tỷ rồi mang theo xá lợi tóc Đức Phật trốn đi nước ngoài. Chùa Ba Vàng mua sẵn hoa và mỗi người phải nộp 100 nghìn đồng. Đó là thông tin không đúng và vu khống. Tôi rất buồn".
Đại đức Thích Trúc Thái Minh cũng cho biết ông đã có buổi làm việc với Ban Tôn giáo tỉnh Quảng Ninh và chính quyền TP Uông Bí để làm rõ thông tin vào sáng ngày 3/1.
2024.01.04
Capture à partir de :RFA
Đại đức Thích Trúc Thái Minh (bên trái). Chùa Ba Vàng via Báo Giác Ngộ
Trụ trì chùa Ba Vàng là Đại đức Thích Trúc Thái Minh vừa bị kỷ luật và phải sám hối sau khi trưng bày “xá lợi tóc của Đức Phật” tại chùa này gây tranh cãi hồi cuối năm ngoái.
Báo Giác Ngộ - cơ quan ngôn luận của Giáo hội Phật giáo Việt Nam – hôm 4/1 cho biết Ban thường trực Hội đồng Trị sự khu vực miền Bắc của Giáo hội vừa có phiên họp tại chùa Quán Sứ (Hà Nội) để xem xét việc kỷ luật đối với Đại đức Thích Trúc Thái Minh về vụ việc trưng bày “xá lợi tóc của Đức Phật”.
Báo Giác Ngộ trích lời Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự GHPGVN – cho biết Đại đức Thích Trúc Thái Minh và chùa Ba Vàng sẽ không được tổ chức các sự kiện giao lưu quốc tế tại chùa trong một năm. Ban Trị sự tỉnh Quảng Ninh sẽ giám sát chặt hoạt động tôn giáo và truyền thông của chùa Ba Vàng.
Từ ngày 23 đến 27/12/2023, chùa Ba Vàng tổ chức rước, trưng bày và chiêm bái “xá lợi tóc Đức Phật” thu hút hàng vạn Phật tử đến chiêm bái. Vụ việc đã gây xôn xao dư luận với nhiều ý kiến trên mạng xã hội phản đối hành động này, bày tỏ nghi ngờ về cái gọi là sợi tóc Đức Phật có từ hàng nghìn năm và cho rằng chùa Ba Vàng đã thu hàng chục tỷ đồng trong vụ này.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh vào tối ngày 2/1 khẳng định việc chùa Ba Vàng tổ chức triển lãm “xá lợi tóc Phật” những ngày qua là hoạt động vi phạm quy định của pháp luật về hoạt động triển lãm, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn, gây hoang mang trong dư luận.
Trong một công văn gửi ra trước đó giải trình về vụ việc, Đại đức Thích Trúc Thái Minh cho biết sợi tóc được trưng bày được tu viện Parami và bảo tàng xá lợi Phật Quốc tế Parami ở Mynamar bảo quản và cung rước đến chùa Ba Vàng cho Phật tử Việt Nam chiêm bái và không có việc lừa dối dư luận.
Theo thông tin được báo Giác Ngộ đăng tải, sự việc trưng bày “xá lợi tóc của Đức Phật” tại chùa Ba Vàng đã “bị dư luận lên tiếng, nghi ngờ về nguồn gốc và tính chân thực của vật thể được chùa Ba Vàng gọi là “xá-lợi tóc Đức Phật”, “bảo vật quốc gia thiêng liêng” của Myanmar.”
“Dư luận hết sức xôn xao, liên tục trong nhiều ngày qua, không chỉ trên mạng xã hội mà một số cơ quan báo chí chính thống cũng đã quan tâm phản ánh” – theo báo Giác Ngộ.
Đây là lần thứ hai trụ trì chùa Ba Vàng bị kỷ luật. Lần đầu tiên ông bị kỷ luật đình chỉ mọi chức vụ trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam và phải sám hối là vào năm 2019 sau khi thực hiện hoạt động "thỉnh vong, cúng oan gia trái chủ" thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm bị báo chí trong nước phát giác.
Bài Báo Người Đại biểu Nhân dân
Trang mạng Phật Giáo Quảng Ninh
Bài Báo Đại Đoàn Kết
Bài báo Việt Nam net
2024.01.05
Capture à partir de :RFA
Xá lợi tóc của Đức Phật trưng bày tại chùa Ba Vàng, Quảng Ninh. Chùa Ba Vàng
Hơn hai tuần sau khi chùa Ba Vàng ở Quảng Ninh trưng bày “xá lợi tóc của Đức Phật” gây nhiều tranh cãi, Bộ Ngoại giao Việt Nam vào ngày 4/1 cho biết Bộ này đã gửi văn bản tới Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar để xác định nguồn gốc hiện vật của sợi tóc này. Truyền thông Nhà nước cho biết đại diện Vụ Đông Nam Á - Nam Á - Thái Bình Dương (Bộ Ngoại giao) cho biết thông tin nêu trên tại cuộc họp ngày 4/1.
Từ ngày 23 đến 27/12/2023, chùa Ba Vàng tổ chức rước, trưng bày và chiêm bái “xá lợi tóc Đức Phật” thu hút hàng vạn Phật tử đến chiêm bái. Vụ việc đã gây xôn xao dư luận với nhiều ý kiến trên mạng xã hội phản đối hành động này, bày tỏ nghi ngờ về cái gọi là sợi tóc Đức Phật có từ hàng nghìn năm và cho rằng chùa Ba Vàng đã thu hàng chục tỷ đồng trong vụ này.
Theo thông tin từ họp báo, Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar sẽ xác minh nguồn gốc "xá lợi tóc Đức Phật" được cho là do trụ trì tu viện Parami và Bảo tàng Xá lợi Phật quốc tế Parami mang tới trưng bày tại chùa Ba Vàng. Ngoài ra, Đại sứ quán Việt Nam cũng sẽ xác minh thông tin về công tác quản lý nhà nước và Phật giáo Myanmar đối với “xá lợi tóc Đức Phật”.
Theo thông tin từ trụ trì chùa Ba Vàng - Đại đức Thích Trúc Thái Minh - vào tháng 12/2023, đoàn chư tăng của chùa Ba Vàng đã đến chiêm bái "xá lợi tóc Đức Phật" tại tu viện Parami và Bảo tàng Xá lợi Phật quốc tế Parami. Sau đó, phía chùa Ba Vàng đã mời trụ trì chùa Parami cùng các cao tăng Myanmar tham dự Đại lễ kỷ niệm 765 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông đản sinh và đưa "xá lợi tóc" về Việt Nam.
Tuy nhiên, dư luận xã hội nhiều ngày qua bày tỏ nghi ngờ về nguồn gốc của sợi tóc và cho rằng đây là cỏ Pili làm giả sợi tóc.
Hôm 4/1 vừa qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã quyết định kỷ luật Đại đức Thích Trúc Thái Minh vì việc trưng bày “xá lợi tóc Đức Phật”. Ông Thích Trúc Thái Minh cũng đã sám hối trước chư tôn đức Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN và được chấp nhận.
2024.01.05
Capture à partir de :RFA
Người dân chiêm bái "xá lợi tóc Đức Phật" tại chùa Ba Vàng, Quảng Ninh. Chùa Ba Vàng
Bộ Nội vụ có các cuộc họp với các cơ quan chính phủ, tỉnh Quảng Ninh và Giáo hội Phật giáo Việt Nam để xử lý vụ việc chùa Ba Vàng trưng bày "xá lợi tóc Phật" tự chuyển động gây xôn xao dư luận.
Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng ghi nhận và thống nhất với các ý kiến phát biểu tại cuộc họp về việc cần phải xem xét để xử lý nghiêm vụ việc theo quy định của pháp luật và Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Hoạt động của chùa Ba Vàng bị cho là đã vi phạm Điều 43, Điều 48, Điều 50 của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và pháp luật về xuất nhập cảnh, hoạt động triển lãm, quy định của Nhà nước về tập trung đông người ở nơi công cộng.
Theo báo điện tử Vietnamnet, thứ trưởng Vũ Chiến Thắng chỉ đạo Ban Tôn giáo Chính phủ và các cơ quan có liên quan phối hợp trao đổi thông tin, căn cứ theo quy định pháp luật và Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thống nhất quan điểm cần xử lý sớm, dứt điểm, không để tạo tiền lệ, không để ảnh hưởng tới chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, giữ gìn sự ổn định xã hội.
Lãnh đạo Bộ Nội vụ cho rằng, cần xem xét những hoạt động thời gian qua của chùa Ba Vàng và Đại đức Thích Trúc Thái Minh, không để ảnh hưởng tới sự ổn định xã hội và uy tín của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Ông Thắng cũng đề nghị Giáo hội Phật giáo Việt Nam tăng cường công tác quản lý chức sắc, chức việc, nhà tu hành; kịp thời có biện pháp chấn chỉnh hoạt động trong toàn Giáo hội, đảm bảo đúng chính pháp của Đức Phật, Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và pháp luật của Nhà nước.
Hôm 4/1, Đại đức trụ trì chùa Ba Vàng đã nhận lỗi trước Giáo hội, Tăng Ni và Phật tử về vụ việc đáng tiếc để dư luận chỉ trích, ảnh hưởng đến uy tín của Giáo hội, khiến dư luận hoang mang. Ông Thích Trúc Thái Minh cũng đã sám hối trước chư tôn đức Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN và được chấp nhận.
Châm biếm của blogger Nguyễn Nhơn
2024.01.04
Capture à partir de :RFA
Đại đức Thích Trúc Thái Minh (trái) đón nhận xá lợi tóc Đức Phật từ thượng tọa Sayadaw U Wepulla, trụ trì tu viện Parami, Myanmar. Chùa Ba Vàng
Kính bạch với đại chúng
Vừa qua, lại một lần nữa chùa Ba Vàng chiếm hầu hết sự quan tâm của dư luận trong nước và quốc tế, với sự kiện cung nghênh, chiêm ngưỡng xá lợi tóc chuyển động của Đức Phật. Trước khi bàn sâu về xá lợi tóc chuyển động của Đức Phật, bản chùa và bản đại đức vô cùng hoan hỉ cảm ơn quý Phật tử khắp nơi đã không mệt mỏi trong việc truyền bá và quảng cáo miễn phí cho chùa Ba Vàng suốt nhiều năm nay. Điều này đã trực tiếp và gián tiếp mang lại nguồn thu dồi dào trăm tỷ, ngàn tỷ mỗi năm cho chùa Ba Vàng, thật là công đức vô lượng! Kính mong trong năm mới quý Phật tử tiếp tục giữ vững tinh thần vốn có, bản chùa và bản đại đức cúi đầu ghi ơn.
Quay trở lại sự kiện xá lợi tóc Đức Phật chuyển động.
Huyền vi trong một sợi…
Dư luận trong nhiều ngày qua nói bản chùa dùng hạt cỏ Pili nhúng vào nước, lừa phật tử rằng đó là chính là xá lợi tóc Phật.
Vậy bản đại đức nhắc lại những gì báo chí nói về cỏ Pili một chút.
Cỏ Pili còn có tên gọi là dị thảo văn hay cỏ khác râu. Chúng phân bố rộng khắp thế giới, từ Nam Phi cho đến Bắc Úc, quần đảo Hawaii và cả Việt Nam ta. Tên khoa học của cỏ Pili là Heteropogon contortus, bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp, trong đó heteros nghĩa là “khác biệt”, “pogon” nghĩa là râu. “contortus” nghĩa là “xoắn”, “rối”.
Cái tên này khẳng định hình dáng sợi cỏ khi khô thì có màu nâu đen, cứng, hơi xoăn, giống hệt sợi tóc hay sợi râu.
Khi gặp độ ẩm cao, hạt cỏ sẽ tự vặn vẹo uốn éo để đưa phần đầu nhọn xuống đất, chờ điều kiện thích hợp để nảy mầm.
Đấy là nguyên nhân vì sao sợi cỏ nhúc nhích chuyển động được.
Tiếp đến, đại chúng còn có những câu hỏi khác như:
-Một sợi tóc thật có thể tồn tại suốt 2.500 năm hay không?
- Chùa Schwedagon và Chùa Botahtaung ở Yangon, Myanmar đang bảo quản hai sợi tóc Phật. Lưu ý: sợi tóc chứ không phải xá lợi tóc. Xá lợi là những gì còn lại của nhục thân sau khi đã gia trì qua lửa (tức hỏa táng). Những sợi tóc này được đặt trong một những chiếc hộp vàng và châu báu nhiều tầng kiên cố, thiết kế một hình tháp chùa bên trên. Hộp được giữ trong phòng bảo vệ nghiêm ngặt. Phật tử chỉ có thể chiêm bái sợi tóc qua hộp.
Vào năm 2018, khi phòng bảo vệ hộp chứa xá lợi tóc Phật bị rỉ nước do được xây dựng đã lâu năm nên cần phải tu sửa, dư luận Myanmar đã tranh luận về biện pháp di chuyển hộp xá lợi đến một ngôi chùa khác cách đó 5 km. Họ đều lo sợ việc di chuyển hộp có thể gây rung lắc, dằn xóc sẽ gây ra các nguy cơ khiến sợi tóc bị gãy vụn. Cuối cùng, biện pháp di chuyển an toàn nhất đã được Cơ quan các vấn đề tôn giáo khu vực Yangon lên kế hoạch kỹ lưỡng để bảo vệ. Trong đó, hộp đựng tóc Phật được đưa đến phòng cầu nguyện khác tại chùa để trưng bày cho công chúng trước khi di chuyển. Hộp tuyệt đối không được mở ra.
Do vậy, nếu thật sự cái sợi ngắn ngắn cong queo màu đen được đưa ra cho Phật tử chiêm bái ở chùa Ba Vàng là xá lợi tóc Phật được cung nghênh về từ Myanmar thì những vị cao tăng của họ có thể đồng ý để sư Thích Trúc Thái Minh lấy riêng trân bảo ấy ra khỏi hộp bảo vệ, còn cắm vào một đĩa có chất giữ ẩm, đặt trần trụi bên ngoài không khí, tiếp xúc trực tiếp với khói hương và hơi thở của nghìn vạn Phật tử, hay không?
Bản đại đức phải nói rằng: Hai câu hỏi thật hay. Bản đại đức cũng không nhịn được mà xin đại chúng cho phép bản đại đức tự khen mình một câu. Chỉ đưa ra một sợi cong queo mà khuấy động dư luận, cõi Phật cõi người đều rúng động. Bản đại đức ta thật giỏi.
Xá lợi tóc của Đức Phật trưng bày tại chùa Ba Vàng, Quảng Ninh. Hình: Chùa Ba Vàng
Tính Phật sắc sắc không không
Kính bạch quý Phật tử
Bất cứ Phật tử nào bắt đầu đến với đạo Phật đều nghe câu tính Phật sắc tức thị không, không tức thị sắc. Bản đại đức đã vận dụng nhuần nhuyễn triết lý cao siêu này trong sự kiện xá lợi tóc Phật. Tóc Phật mà không phải tóc Phật, mà chính là tóc Phật. Sợi cỏ Pili mà không phải cỏ Pili, mà chính là cỏ Pili. Ngoằn ngoèo ấy chính là bản chất sắc sắc không không cao siêu tột độ. Phật tử nào muốn tin thì trong mắt họ sợi cỏ Pili chính là tóc Phật hiện hữu. Niềm tin ấy xuất phát từ trong tâm Phật tử. Phật tử quỳ lạy là do Phật tử muốn chứ bản chùa không cử tăng ni nào ra ấn vào đầu gối Phật tử cho quỵ xuống cả.
Đức Phật dạy “ngón tay chỉ mặt trăng”, nhưng Phật tử thích nhìn ngón tay hay nhìn mặt trăng, hay nhìn người có ngón tay ấy, thì đấy là hoàn toàn phụ thuộc nơi Phật tử. Chỉ có tự trải qua, tự chiêm nghiệm mới thấu suốt!
Chỉ qua sự kiện rất nhỏ bé này mà quý Phật tử được thấy rõ bản chất sắc sắc không không của tính Phật, ấy là bản chùa đã đạt thành chính quả trong gieo duyên Phật pháp, chính là công đức vô lượng.
Cho nên hai câu hỏi ở bên trên thực sự là câu hỏi tu từ, đại chúng hoàn toàn có thể tự trả lời cho mình mà không cần đến bản đại đức giảng giải.
Bản đại đức muốn nói đến một việc sâu xa hơn nữa.
Gánh nặng giáo hóa
Bấy nay trên dư luận, đại chúng khắp nơi cũng lên án nhiều Phật tử u mê, chắp tay quỳ lạy một sợi cỏ.
Bản chùa hết sức đồng tình với nhận định này.
Việc chắp tay quỳ lạy một sợi cỏ khô và gán tên Phật vào đó, chính là u mê không có gì tả nổi.
Đại chúng chắc hẳn đồng ý với bản chùa rằng, những Phật tử u mê trì độn như thế cần được giáo hóa. Nhưng vì họ trì độn nên không thể giáo hóa bằng lý lẽ và lý thuyết mà phải bằng thực tế trông thấy được, sờ thấy được, nghĩa là có những cách riêng phù hợp với trí tuệ, sự xét đoán và mức độ phản tỉnh của từng người để giáo hóa họ, giác ngộ họ cho hiệu quả nhất.
Nhưng làm cách nào để phân loại? Chẳng lẽ bản đại đức ra ngồi trước bảo điện hỏi: đại chúng ở đây người nào thấy mình u mê trì độn thì giơ tay lên cho mọi người rõ.
Chắc hẳn không người nào giơ tay.
Trong vô số Phật tử đến chùa Ba Vàng, có nhiều người đã tốt nghiệp đại học, có nhiều người là thạc sĩ, tiến sĩ, bác sĩ… Với trình độ văn hóa và chuyên môn như vậy, mà bảo họ là u mê, thì bản thân họ có đồng ý hay không? Nếu họ đã không đồng ý mà còn cho là bản thân đã thực sự giác ngộ, hiểu lẽ huyền vi của cuộc sống thì không chiếc chìa khóa nào có thể mở chiếc hộp không có ổ khóa như vậy.
Vậy thì bản chùa phải lao tâm khổ tứ để suy nghĩ ra những phương pháp đặc biệt, hết sức đặc biệt, vô cùng đặc biệt để có thể tưới nhuần cho những tâm trí đặc biệt.
Các Phật tử u mê cần được nghe những câu chuyện hết sức vô lý về các phép nhiệm màu. Cần được trông thấy những hiện tượng hết sức vô lý phản khoa học và thực tế. Để chi? Để khi họ quay trở lại cuộc sống ngoài đời thì trong tâm trí u mê của họ mới có thể bật nảy ra những so sánh. Tại sao một cái mụn bọc trên trán lại có thể nói ra tiếng người? Tại sao một người bị bệnh lại là do trong muôn vàn kiếp trước người ấy đã đánh chết một con chuột hôi thối? Tại sao phật tử chỉ nên cúng tiền và càng nhiều tiền cho chùa Ba Vàng thì mới được giải nghiệp oan trái v.v
Những ví dụ như vậy có rất nhiều. Nếu người nào đó thật sự tin một cái mụn bọc mọc trên trán lại có thể mở miệng nói chuyện về nhiều oan khiên nghiệp chướng kiếp trước của thân chủ, thì họ cũng sẽ tin hiện tại đang có những cái mụn bọc biết nói như vậy ở trên đời. Nó ở đâu?
Cho đến khi họ không tìm ra được một cái mụn bọc nào như vậy, hoặc cho đến khi họ đã cúng hết sạch tiền của, gia sản, thời gian của mình cho chùa Ba Vàng để “giải nghiệp”, thì họ sẽ bắt đầu nghi ngờ và quay lại tìm hiểu sự thật trong những lời giảng pháp của các tăng ni chùa Ba Vàng.
Đó chính là thời điểm hạt giống giác ngộ thật sự thức tỉnh.
Để giác ngộ những người mê muội, nhất thiết phải chờ đến khi họ tự cảm thấy đã đến lúc phải thức tỉnh, giống như con chim non phải tự mổ vỏ trứng để chui ra ngoài, chứ không thể tác động bên ngoài mà đạt kết quả.
Để đạt được mục đích cao cả như vậy, bản chùa phải chịu đựng nhiều sự hiểu lầm, cho rằng bản chùa cao tay lừa gạt tiền bạc của Phật tử và đại chúng. Oan khuất biết bao, nhưng bản chùa và bản sư hiểu rằng tiền bạc chỉ là vật ngoài thân, hơn nữa là nguồn gốc đem lại sự tranh giành, đau khổ, không hạnh phúc cho đại chúng. Bản sư không muốn Phật tử và đại chúng phải chịu đựng điều đó. Phật dạy thân tâm phải nhẹ nhàng. Nếu đại chúng cứ giữ của cải vật chất bên cạnh mình thì làm sao thân có thể nhẹ nhàng được?
Bản sư một lòng một dạ, đến chết không sờn, tìm mọi cách mang vác gánh nặng tiền bạc vật chất ấy giúp cho đại chúng và Phật tử. Vì ý nguyện ấy, dẫu có bị đè chết dưới đống tiền nhơ bẩn, bản sư cũng vinh hạnh mỉm cười.
Đến đây mong rằng đại chúng đã hiểu được nỗi khổ tâm nhiều năm qua của bản sư và tiếp tục hoan hỉ ủng hộ những sự kiện tương tự sắp tới của bản chùa. Kính chúc đại chúng thân tâm nhẹ nhàng, vô cùng nhẹ nhàng, hết sức nhẹ nhàng, càng ngày càng nhẹ.
Đại đức Thích Trúc Thái Minh
(Nguyễn Nhơn thừa bút)
_________________________
Tham khảo:
* Tác phẩm châm biếm của blogger Nguyễn Nhơn.
* Nguyễn Nhơn là nhà báo Việt Nam hiện đang sống ở Thái Lan. Nhà báo Nguyễn Nhơn quan tâm đến tình hình đất nước và viết nhiều bài về các vấn đề chính trị và xã hội trong nước.
Capture à partir de :baotiengdan
5-1-2024
Tôi cho rằng việc xử lý ông [Vũ Minh] Hiếu, trụ trì chùa Ba Vàng, là việc riêng nội bộ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (PGVN), một tổ chức tôn giáo được nhà nước công nhận.
Tuy vậy, Phật giáo lại là một tín ngưỡng truyền thống của dân tộc, mọi liên quan đến uy tín của Phật giáo đều đụng chạm đến bất cứ ai có tín ngưỡng này.
Vì vậy, mọi hành xử của Giáo hội nhà nước với ông Hiếu không còn là chuyện nội bộ của Giáo hội nữa.
Trên báo Giác Ngộ, cơ quan ngôn luận của Giáo hội PGVN TP.HCM, vừa đăng tin Giáo hội PGVN kỷ luật ông sư trụ trì chùa Ba Vàng (Tôi không dùng từ “đại đức” vì đó là chức vụ nội bộ Giáo hội, tôi không thừa nhận danh xưng đại đức – đức to lớn này đối với ông sư trụ trì Ba Vàng). Điều đặc biệt là kèm với tin thời sự vô cùng nóng hổi ấy là phát biểu mới nhất của Đức Pháp chủ Giáo hội PGVN Thích Trí Quảng về những tiêu cực trong đội ngũ tu hành.
Đức pháp chủ khẳng định: “Khi một vị tăng hay ni có suy nghĩ, lời nói và hành vi làm tổn thất niềm tin của tín đồ đối với Phật giáo thì đó là hành vi phá hoại Đạo pháp“. Trong trường hợp như vậy, theo Đức pháp chủ, Ban Giám luật thuộc Hội đồng Chứng minh sẽ phải xử lý.
Với cách đưa tin như vậy, có thể hiểu rằng Giáo hội PGVN TP.HCM mà báo Giác Ngộ là cơ quan phát ngôn, đã tỏ thái độ phản ứng với kỷ luật mà GHPGVN đưa ra cho ông sư trụ trì chùa Ba Vàng là quá nhẹ và không thể hiện được sự đồng lòng của dư luận, cũng như của các tín đồ, phật tử.
Báo Thanh niên đưa tin: “Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho Thanh Niên biết: ‘Đại đức Thích Trúc Thái Minh đã đến, đã có thư thỉnh nguyện về những việc vừa qua không xuất phát từ gian dối gì cả. Nhưng vì đã ảnh hưởng tới giáo hội nên Đại đức cũng xin các hòa thượng đại xá’. Giáo hội cũng đã chấp nhận lời sám hối liên quan đến vụ xá lợi tóc Đức Phật này”.
Một khi sư trụ trì chùa Ba Vàng không công nhận có sự lừa đảo, dối trá, tức là xá lợi tóc của Phật là đúng của Phật, thì việc gì ông phải xin lỗi Giáo hội và sám hối?
“Sám hối” là một động từ rất nặng, chỉ khi có tội lỗi rất nặng mới dùng đến động từ này. Chẳng lẽ ông Hiếu, một người học cao, tài rộng, uyên thâm Phật pháp, lại không hiểu động từ “sám hối” mà mình dùng ư? Hay phải chăng ông không hể dùng từ này mà ngài thượng toạ Thích Đức Thiện đã tự áp đặt vào miệng ông?
Theo báo Thanh Niên và báo Giác Ngộ, thì trước khi có vụ “xá lợi tóc Đức Phật”, năm 2019, ông Hiếu cũng từng bị Giáo hội bãi nhiệm các chức vụ được giao.
“Theo kết luận của Giáo hội Phật giáo Việt Nam khi đó, tại chùa Ba Vàng có việc tổ chức lễ thỉnh vong, giải oan gia trái chủ, trong đó có việc gọi vong, trả nợ cho vong bằng tiền hoặc lao động không công là không đúng với nghi lễ Phật giáo truyền thống. Đại đức Thích Trúc Thái Minh và chùa Ba Vàng đã vi phạm Hiến chương Giáo hội, làm tổn thương đến thanh danh Giáo hội, Tăng đoàn”.
Với tội trên, ông Hiếu cũng nhận xin “sám hối” là rất chính xác. Lần này lại nhận “sám hối” nhưng tội không có gì ghê gớm nếu như ông khẳng định “xá lợi tóc của Phật” là không dối trá. Vậy thì ông sám hối vì cái gì đây?
Lần đầu mắc tội, phải “sám hối”, trụ trì chùa Ba Vàng bị cách tất cả các chức danh giá trong Giáo hội PGVN, chỉ còn chức “trụ trì chùa Ba Vàng” nơi ông luôn được các tín đồ của mình tôn vinh như Phật sống.
Trong khi đó, lần “sám hối” thứ hai này ai ai cũng nghĩ ông sẽ bị cách luôn chức “trụ trì chùa Ba Vàng”, thì kết quả kỷ luật của Giáo hội PGVN nhẹ hều, cứ như đùa: Không được tổ chức sự kiện quốc tế trong một năm.
Tại sao cái chức “trụ trì chùa Ba Vàng” lại khó bị đụng đến vậy? Vậy kỷ luật vừa nêu trên đã là kỷ luật cuối cùng chưa khi Ban Giám luật thuộc Hội đồng Chứng minh mà Đức Pháp chủ Thích Trí Quảng – người ở cương vị cao nhất Giáo hội PGVN coi là cơ quan quyền lực nhất trong việc xét xử kỷ luật chưa ra tay.
Nhưng vấn đề chùa Ba Vàng không còn là chuyện riêng của Giáo hội nữa nếu nó có khuất tất liên quan đến pháp luật. Mà cái gì liên quan đến pháp luật thì quyền lực lớn nhất thuộc về bác Cả và Ban phòng chống Tham nhũng Trung ương.
Chắc chỉ khi “bác Cả” chủ lò để ý tới thì sự thật mới ra ngô ra khoai thôi. Vì chỉ cần điều tra dòng tiền nào xây chùa, dòng tiền bao năm nay chùa thu được vào tay ai, là sẽ rõ như ban ngày.
Điều tra này là cấp thiết trước nhiều lời đồn chưa rõ thực hư, làm xáo trộn niềm tin của dân với tôn giáo. Nếu chùa Ba Vàng là nơi chân tu, thì sự thật đồng tiền minh bạch sáng tỏ được chứng minh sẽ chỉ có lợi cho họ.
Tôi nhớ chùa Thiên Hưng, Bình Định một thời là “trung tâm tôn giáo” rất uy quyền, nhiều quan ngài có máu mặt đến chắp tay cầu nguyện, quỳ lạy trước xá lợi Phật, nhưng khi ông trùm Bắc Hà bị bác Cả bắt giam, thì chẳng ai còn quan tâm đến đó nữa.
Capture à partir de :baotiengdan
7-1-2024
Câu được đặt thành tít nói trên không phải của tôi mà là một câu thơ trong bài thơ dòng chính thống nổi tiếng của thi sĩ Vũ Cao, bài “Núi đôi”. Tiện đây nói luôn, tên gọi của cuốn sách, tác phẩm văn nghệ, bài báo… phải dùng từ “tít” (title) mới chuẩn, chứ không như bây giờ người ta dùng tùm lum tà la là “tựa”, “tựa đề”, đọc rất khó chịu. Nói không ngoa, cứ 100 phóng viên chuyên viết về văn hóa văn nghệ thì có tới 99 vị rưỡi sai trong vụ này, hoặc cẩu thả, hoặc dốt.
Đạo Phật, chùa, cửa thiền, nhà sư, người tu hành, tiếng chuông chùa, cổng “tam quan”, tượng phật, kinh phật, chùa làng… từ xa xưa đã in vào tiềm thức, ký ức dân chúng kể cả người tu lẫn không tu, như niềm kính trọng, ngưỡng mộ, yêu thương. “Chùa xưa ở lẫn cùng cây đá/ Sư cụ nằm chung với khói mây”, cụ Tam Nguyên Yên Đổ đã vẽ nên thật đẹp, dễ thương. Làng tôi cũng có ngôi chùa nhỏ, chùa bà Đanh – Thiên Phúc Tự, có từ thời nhà Lý, được triều Mạc xây lại hoàn chỉnh, tới cuối triều Nguyễn lại được đại trùng tu, là niềm tự hào của bất kỳ người dân nào nơi đây. Chùa, Phật, sư… có một thời thật gần gũi, dễ thương, được tôn kính.
Giờ thì không còn nữa, không chỉ ở quê tôi mà cả nước này. Những Bái Đính, Tam Chúc, Ba Vàng…, thậm chí cả Quán Sứ nữa, sặc mùi tiền, tính thô tục, đã làm đạo Phật xuống dốc không phanh. Chủ trương “Đạo pháp, dân tộc và chủ nghĩa xã hội” với những sư quốc doanh đã biến một tôn giáo cao đẹp thành món hổ lốn tầm thường. Chẳng cần đợi đến cuối mùa chiêm, cũng chả cần quân giặc tới, những thân cau cứ cháy đỏ rừng rực hết cả chùa chứ đâu chỉ dừng ở cổng.
Tôi vốn không định viết gì về đạo Phật bởi tôi vô thần, vả lại, như đã kể, chùa và sư đối với tôi đã nhiều năm đọng hình ảnh đẹp. Nhưng sau vụ nhơ nhuốc “xá lị tóc” thì kẻ vô thần đành phải “xé rào”, bày tỏ đôi lời.
Vụ chùa Ba Vàng (ngôi chùa đầy tai tiếng) trưng bày “tóc phật” đã thể hiện sự xuống đáy của hệ thống Phật giáo xứ này. Không chỉ những kẻ giả danh sư như Thích Trúc Thái Minh hư hỏng mà còn phơi bày cả hệ thống đã bất lực trước cái xấu cái ác, trước sự giả dối, lừa mị, u mê. Trong hệ thống ấy, phải kể ra Giáo hội Phật giáo Việt Nam quốc doanh với đủ ban này bệ nọ, ông này ông kia; cả chính quyền với hệ thống chính trị đủ tầng lớp, mà cụ thể là Ban Tôn giáo chính phủ; là rất đông dân chúng mê muội u mê…
Xứ này luôn có cái kiểu “mất bò mới lo làm chuồng”. Không một ai trong bộ máy quản chùa quản sư ngay từ đầu nhìn ra sự lố lăng của sư Minh và chùa Ba Vàng, để tới khi thiên hạ vạch vòi thì nhảy cẫng lên. Ban Tôn giáo chính phủ, Giáo hội Phật giáo, chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã gần như không làm gì suốt thời gian dài, cứ để một kẻ thầy chùa giả danh dẫn dắt.
Nói đâu xa, hãy hỏi xem đứa nào chế ra cụm từ, món “xá lị tóc”, “xá lợi tóc” rồi cả đám đua nhau nói theo nó. Ngay cả giáo hội, cụ thể là Trung ương hội với đầy đủ ông nọ bà kia phẩm trật, chức tước hoành tráng, như pháp chủ, đại lão hòa thượng, hòa thượng, thượng tọa chứ có phải sư chú sư bác tầm thường đâu, mà vẫn ủng hộ, chấp nhận cái khái niệm “xá lị tóc” bố láo ấy, không hé răng lên tiếng một nhời phản đối, đủ biết trình độ thế nào.
Thiên hạ xưa nay ai cũng biết, cũng hiểu “xá lị” để chỉ những thứ còn lại sau cuộc hỏa thiêu thân xác. Làm quái gì có xá lị tóc. Tóc có bằng inox cũng tan chảy trong cuộc thiêu đốt, thế mà nó nói vẫn có người tin. Còn nếu bảo rằng đó là tóc do phật để lại lúc còn sống (cứ cho là thế đi) thì xin thưa, phải gọi nó là di vật (vật được để lại). Đứa núp bóng cửa phật chế ra từ “xá lị tóc”, vậy mà cả đám u mê, kể cả chính quyền, giáo hội, báo chí, cứ nhao nhao theo nó, để nó dẫn dắt, thật chả ra làm sao.
Khi trước, tôi rất yêu mến cảnh chùa, kính trọng các nhà sư, luôn nhìn bằng tấm lòng ngưỡng mộ, thậm chí thần phục. Nay thì đám sư kim tiền, mượn Phật để làm điều dị đoan khiến tôi rất nghi ngờ trình độ và tâm tu của họ.
Đã đến lúc cần trùng tu đạo Phật ở xứ này, chứ không chỉ xây chùa, tu bổ chùa. Hạng chùa to tượng lớn như Bái Đính, Ba Vàng, Tam Chúc cần bị tước chữ “chùa” bởi nó chỉ là trung tâm thương mại. Giáo hội cần đi về chính đạo, rũ bỏ cái áo quốc doanh đã mặc lâu nay. Còn không thì nên giải tán.
Phật tại tâm. Ai muốn đi trên nẻo phật, cứ đi, không cần phải được giáo hội quốc doanh chấp nhận. Tu hành mà cũng chia bè kéo phái sao gọi là tu. Dẫn lôi dân vào cõi u mê, đó là tội ác.
Capture à partir de :baotiengdan
Mạc Văn Trang
7-1-2023
1. Hiểu Phật pháp đơn giản
Sau khi Đức Phật chết, các đồ đệ mới họp nhau ghi chép lại những lời Phật giảng dạy thành Kinh Phật, rồi Luận bàn đủ thứ. Ngày nay mỗi phái hệ, mỗi sư lại viết ra vô số sách, kể ra hàng núi sách về Phật giáo. Cái đó dành cho người xuất gia tu hành hay người nghiên cứu Phật học. Còn Phật tử hay người thường muốn tu chỉ cần hiểu rất đơn giản, như tôi hiểu và tu là tạm đủ. Tôi không là Phật tử, không đi chùa, không tụng kinh, không ăn chay, không cúng dường, nhưng mà tu theo Phật dạy, thấy thân tâm an lạc, thanh tịnh, sống hòa vui.
Khoảng từ năm 2000, khi về hưu tôi chú ý đọc một số sách về Phật học, cũng mung lung lắm, nhưng rồi phải hiểu lấy những điều cốt yếu cho mình: Người ta ai cũng có Phật tính (có khả năng thành Phật) nhưng vì VÔ MINH che lấp Phật tính, nên suy nghĩ, nói năng, hành động sai lầm dẫn đến làm hại mình, hại người. Từ đó sinh ra xung đột nội tâm, tự mình làm khổ mình, khổ người triền miên.
VÔ MINH là do:
– THAM (tham tiền bạc, của cải, tình ái, chức quyền, danh vọng…)
– SÂN (tính nóng nảy, thô bạo, lòng thù oán, đố kỵ, ác độc…);
– Si (mê đắm ma tuý, rượu chè, cờ bạc, ái tình, mê tín, u mê …)
– NGÃ CHẤP (cá nhân chủ nghĩa) coi mình là nhất. Ngã chấp sinh ra Ngã mạn, Ngã ái, Ngã kiến, Ngã si, Ngã tướng… Ngã chấp thành bảo thủ, ngoan cố, ưa xu nịnh, ghét người trái ý, phá vỡ các mối quan hệ gia đình, xã hội.
– VỌNG TƯỞNG: Không biết sống tử tế, sống hạnh phúc trong hiện tại với bản thân, gia đình, xã hội, giải quyết công việc hiện thời sao cho hiệu quả mà cứ nuối tiếc quá khứ, ăn mày dĩ vãng, mơ tưởng tương lai hão huyền. Vấn đề hiện tại không lo làm cho tốt, cứ vọng tưởng sẽ thế này, sẽ thế kia, đến 2045, đến cuối thế kỷ.
Chính Tham, Sân, Si, Ngã chấp, Vọng tưởng làm cho người ta VÔ MINH khiến suy nghĩ, nói năng, hành động sai lầm, gây nên NGHIỆP ÁC. Người bình thường đến vua chúa, “đại đế” như Putin cũng có thể cực kỳ vô minh, khiến gây ra ĐẠI ÁC NGHIỆP.
– Ý NGHIỆP là do Tham, Sân, Si, những Vọng tưởng, Ngã chấp, những suy nghĩ xấu, ác, dùng mưu hèn kế bẩn để lợi mình, hại người.
– KHẨU NGHIỆP là do những lời nói dối trá, hung bạo, bịa đặt, vu khống, hăm dọa, nói nhảm nhí vô nghĩa… (Các quan chức của ta rất hay nói những điều vô nghĩa, nhảm nhí là do cái Ý mê lầm nó sai khiến).
– THÂN NGHIỆP là những hành động mình gây ra làm đau đớn, nhục mạ người khác; là hành động “diễn” để lừa người; là những hành động phá hoại tài sản của người khác, đặc biệt là giết người.
Tóm lại, Ý, Khẩu, Thân liên quan mật thiết với nhau; Ý là chủ đạo, tạo ra những điều ác và tích tụ lại thành NGHIỆP ÁC; nếu Ý, Khẩu, Thân làm những điều thiện lành thì sẽ tích lũy thành NGHIỆP LÀNH.
VÔ MINH là tập hợp những nguyên nhân cơ bản làm khổ mình, khổ người. Cần phải TU TẬP (tức là tự sửa mình) để tự GIẢI THOÁT những cái làm mình vô minh; làm cho TÂM mình thanh sạch, trí tuệ sáng láng, hiểu được luật Nhân – Quả, lẽ Vô thường, để sống Từ bi và Trí tuệ, cảm nhận được niềm hạnh phúc ngay trong cuộc sống hàng ngày. Tu là bản thân mình “tự diễn biến” từ Tâm Vô minh sang Giác ngộ Phật pháp, không cầu xin trông cậy vào ngoại lực nào được, kể cả Trời, Phật.
2. Tu cũng đơn giản thôi
Tôi TU chỉ bằng cách thực hiện chuyển 10 cái ÁC thành 10 điều THIỆN:
2.1. THAM: Bớt tham lam đi, năng lực mình làm được đến đâu, hưởng đến đó; biết đủ, biết dừng; cốt sao cuộc sống giản dị, êm ấm, tinh thần thảnh thơi; sống thanh bần mà hài hoà, hạnh phúc, chứ không ham làm giàu bằng mọi thủ đoạn để có “hạnh phúc”…
2.2. SÂN: buông bỏ hận thù, ghen tức, đố kỵ, nóng giận, thô bạo… vì những cái đó chỉ làm hại mình, hại người. Buông bỏ được, thấy tâm thanh tịnh, an nhiên; biết nói năng, hành xử khoan dung, đứng đắn, thân thiện. Các Dư luận viên bịa đặt, chửi rủa tôi đủ chuyện, tôi không chấp; công an đôi khi ngăn chặn, cản trở tự do đi lại, tôi cũng bỏ qua, chỉ thương họ phải làm những việc việc xấu, ác sẽ nhận nghiệp ác. Sự thật là, cuộc sống luôn có những cái vui, buồn, bực tức, lo âu. Nhưng nó vừa khởi ra thì mình hiểu là cần giải thoát nó ngay, để tâm về “Không”, cho an định. Nhờ vậy, nên có lần 10 giờ đêm, có kẻ gọi điện đe dọa giết, vì “thằng già” ngăn cản dân tiêm Vắc Xin Trung Quốc. Tôi nói với bà xã, Công an không làm thế đâu. Đây chắc là tay sai của Vạn Thịnh Phát, do mình viết thư cho lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh, yêu cầu không được nhận 10 triệu liều vắc xin của Trung Quốc do vạn Thịnh Phát tặng để tiêm cho 10 triệu dân thành phố. Tôi bảo vợ, nó đã dọa thì không dám giết đâu. Vợ chồng tôi đều mau chóng giải thoát nỗi ám ảnh đó ra khỏi tâm trí và ngủ ngon lành cho đến sáng.
2.3. SI: Không sa vào nghiện rượu, nghiện thuốc, mê đắm cái gì đó làm mình u mê. Cái này tuyệt đối không. Rượu, bia uống tí chút khi vui bạn bè thôi.
2.4. Không SÁT SINH: Không làm hại người, hại muôn loài. Tôi không ăn chay, nhưng bớt ăn thịt hơn và không trực tiếp giết các sinh vật làm thức ăn.
2.5. Không TRỘM, CƯỚP, lừa đảo. Tuyệt đối không.
2.6. Không TÀ DÂM (chính dâm thì rất tốt). Hồi trẻ có léng phéng tí chút, sau khi hiểu tu rồi thì nghiêm chỉnh.
2.7. Không nói DỐI: Sống chân thành, nói thật, không nói dối. Nói thật sẽ không phải lo sợ, giấu giếm, vì lúc nào cũng nói vậy thôi. Công an nhiều lần nói chuyện với vợ chồng tôi. Lúc nào chúng tôi cũng nói thẳng nói thật, vì những việc mình làm là chính đáng, chả có gì phải giấu diếm.
2.8. Không nói VU KHỐNG, bịa đặt hại người. Tuyệt đối không!
2.9. Không nói HUNG BẠO, thô lỗ, cục cằn làm tổn thương người khác. Trái lại chúng tôi luôn dùng những lời ái ngữ để giao tiếp, chia sẻ, gây nên thiện cảm, hoà ái.
2.10. Không nói những lời ba hoa VÔ NGHĨA. Nói càm ràm suốt ngày; nói những điều “biết rồi, khổ lắm nói mãi”, phát ngôn những câu vô nghĩa làm trò cười cũng gây khẩu nghiệp. Điều này mình tránh được, chỉ nói, viết những điều chân thành, đơn giản.
Thực hiện 10 điều đơn giản vậy thôi. Bà xã tôi là Phật tử, quy y Tam bảo từ lâu. Trước đây, sáng dậy, làm vệ sinh xong, bả mặc bộ đồ của Phật tử, lễ Phật rồi đọc hết bài Kinh “Đại Phúc Đức”, sáng nào cũng vậy. Tôi khuyên nên bỏ lệ ấy đi, vì mất thì giờ. Mình Tu bằng hành Pháp và Phật tại tâm, không cần những thứ lễ nghi phiền phức. Đức Phật nói, Kinh pháp chẳng qua như cái bè để qua sông, qua rồi vứt bè đi! Mình nhớ Kinh Phúc Đức và thực hành đúng rồi, còn tụng làm gì? Để thì giờ đó học tiếng Anh. Bà xã tôi nghe theo và chúng tôi sống rất thoải mái, bình an.
Bà xã tôi thỉnh thoảng có rủ tôi thăm mấy chùa “nghèo” hay tịnh xá ở vùng sâu, xa, miền núi, Pháp thoại với các Thầy một cách vui vẻ, thoải mái, công đức chút ít và xin thuốc Nam của mấy Thầy.
Dù kinh tế eo hẹp, nhưng chúng tôi cũng sẵn lòng chia sẻ ít nhiều với những hoàn cảnh khốn khó, nhất là lúc dịch covid-19 hoành hành ở TP.HCM. Chúng tôi làm những việc đó thầm lặng và thấy tâm hoan hỉ.
Nhận thức được lẽ Vô thường, coi cái chết là tất yếu, đón nhận nó bình tĩnh, chuẩn bị sao cho nhẹ nhàng. Vì vậy chúng tôi đã đăng ký Hiến xác cho Trường Đại học Y dược tp HCM. Như vậy cái thân xác chết rồi còn có ích cho khoa học, sau đó hỏa thiêu, thân tứ đại hoà vào cát bụi. Khi biết tin chúng tôi chết, các con cháu, bạn bè ở đâu cứ ở đấy, tụ họp ít người thân với nhau, treo tấm hình lên, Tưởng niệm. Vậy là xong. Mình sống tử tế thiện lành, chắc hẳn linh hồn sẽ vãng sanh về Cõi Lành. Khỏi lo!
Tóm lại, TU là TỰ SỬA mình từ ý nghĩ, nói năng, hành động, sao cho 10 điều nêu trên đều chuyển sang THIỆN LÀNH. Thế là dần dần mình GIÁC NGỘ ra rằng, GIẢI THOÁT khỏi Tham, Sân, Si, Ngã chấp, Vọng tưởng… là tự thấy mình trở nên thanh thoát, an lạc, khỏe khoắn Thân – Tâm, nhìn nhận sự đời sáng tỏ hơn; thấy mình ung dung tự tại, an nhiên; thấy mình đường hoàng, lớn lên trong cõi đời này, sống TỪ BI và TRÍ TUỆ hơn; kết bạn được với nhiều người thiện lành và tự nhiên tránh xa kẻ xấu ác.
Khi mình TU đúng CHÁNH PHÁP của Đức Phật thì thấy đơn giản và hiệu quả; đồng thời khi tâm sáng ra thì dễ dàng nhìn rõ những luận điệu TÀ PHÁP, những trò ma giáo, mê hoặc “đại chúng” của các Ma tăng.
3. Thương những người “tu” mê lầm
Đức Đạt Lai lạt Ma nói: “Tín ngưỡng của tôi rất đơn giản, không cần đền thờ, không cần triết lý phức tạp. Bộ não của chúng ta, trái tim của chúng ta chính là đền thờ. Triết lý sống là lòng tốt”. (Nguyên Phong, Muôn kiếp nhân sinh, tr. 21, Phụ lục, quyển 2, NXBTH TP.HCM, 2022).
Tu đơn giản vậy thôi. Nhưng chưa bao giờ xã hội ta lại đông đảo người “tu” mê lầm như ngày nay. Đó là do có nhiều Ma tăng được bảo kê tuyên truyền xuyên tạc Phật pháp, dẫn dụ chúng sinh vào con đường tăm tối, u mê để hù doạ, lừa bịp, dụ dỗ chúng sinh CÚNG DƯỜNG cho thật nhiều. Mở mồm ra là Ma tăng kêu gọi CÚNG DƯỜNG. Mọi trò đều nhằm đến CÚNG DƯỜNG!
Thích Trúc Thái MInh từng nói: Càng nghèo càng phải cúng dường để thoát nghèo; cúng dường như gieo hạt giống, phải chọn đất màu mỡ để gieo, tức chọn chùa GIÀU để cúng dường, ai mà đi cúng chùa nghèo, như gieo hạt giống vào đất cằn… (Đại chúng hoan hô!)
Thích Chân Quang dạy: Đau đầu là do từng đập đầu cá; mổ ruột thừa do trước đây mổ heo; mổ cổ do trước đây cắt cổ gà. Cúng dường một chỉ vàng thì sẽ thoát hay ít ra lúc chết cũng toàn thây (Đại chúng vỗ tay).
Thích Thanh Quyết nói, dâng sao giải hạn, mỗi suất thu 150 nghìn đồng, thầy lỗ chổng vó rồi, vân vân. (Những lời nói sai quấy của các sư này đầy trên mạng xã hội).
Bị những Ma tăng dẫn dụ nên nhiều người mê lầm, thương nhất là lớp trẻ cứ u mê quỳ lạy, van xin, cầu khẩn, nhìn không chịu nổi!
Những mê lầm thường thấy là:
3.1. Tưởng Đức Phật (tượng Phật) có phép màu, cầu xin là được, nên dâng lễ, quỳ lạy, nhét tiền vào tay Phật để “hối lộ” cầu phúc, cầu lộc, cầu tài, cầu an, giải hạn. Có vậy chùa Ba vàng mới mượn “xá lợi”, một sợi “tóc” ngọ ngoạy để lôi kéo 50.000 chúng sinh trong ba ngày, đến chiêm bái, cúng dường, cầu “phúc lộc vô lượng, vô biên” (?).
Họ không biết rằng Đức Phật Là người thực, một Thái tử, nhờ lòng đồng cảm, thương dân mê lầm, khổ ải, nên Ngài tìm cách cứu khổ, cứu nạn. Ngài khổ luyện tu tập mà thông tuệ, giác ngộ, nhận thức được quy luật của vũ trụ, của nhân sinh và lý giải nguyên nhân dẫn đến khổ đau của đời người, chỉ ra cách tu tập, giải thoát khỏi vô minh để sống tỉnh thức, thiện lành, an vui, đường hoàng ngay hiện tại trong điều kiện hiện có của mỗi người… Đức Phật chỉ dạy ta cách tự tu tập để tự thay đổi bản thân, từ Vô minh sang Giác ngộ, khiến ta sống tỉnh thức, tử tế, an vui, hạnh phúc. Ngài không có quyền năng gì để ban phúc, lộc, giải thoát, giải hạn thay cho ta được. Tu mà quỳ lạy, cầu xin, cúng lễ, hối lộ để Đức Phật cứu giúp mình là phỉ báng xúc phạm Ngài!
3.2. Tưởng các Sư có phép lạ, có thể giúp mình giải nghiệp, giúp mình cầu được phúc, lộc, tài, giải hạn … bằng cách van xin, quỳ lạy, cúng dường nhiều nhiều… Thực ra Sư chỉ là các Thầy chùa, như thầy giáo, giảng kinh phật, giúp chúng sinh tu tập để giải thoát, giác ngộ, sống an vui, thiện lành. Vậy thôi. Sư không phải thầy pháp, thầy cúng, siêu nhân! Hãy nhìn vào đời thật của mỗi Sư xem họ đã tu đúng chưa, hay Tham, Sân, Si đủ thứ; phải nhìn rõ bản chất của Sư để tỉnh táo nhận ra ai là Sư Thật có thể tin, ai là Sư Giả cần tránh xa. Tôi thấy lạ, khi nghe Ma tăng nói nhảm nhí mà hàng nghìn “đại chúng” chăm chú nghe và vỗ tay rầm rầm (!).
3.3. Cứ tưởng chùa to, tượng lớn, đến chùa đông vui như hội mới “thiêng”! Cho nên các nhóm lợi ích đầu tư xây chùa nguy nga, hoành tráng để thu hút “đại chúng”. “Tu” mà đông như lễ hội, chen vai thích cánh, xô đẩy nhau thì Tu gì? Thật ra càng đông người khi bị dẫn dắt mê lầm càng nguy hiểm vì tạo ra tâm lý đua theo bầy đàn một cách vô thức, như bị thôi miên, càng mê mẩn tâm thần, mất hết lý trí.
“Tu” mà cứ đua theo bầy đàn quỳ lạy, cầu xin, đem hết tiền nhà đi cúng dường, làm cho thân – tâm bị huỷ hoại, tiền của mất đi vô ích, bản thân ngu hèn đi, gia đình lục đục, rơi vào mê tín thì Tu làm gì?
Tôi đã có lần thấy bà hàng xóm đang gõ mõ tụng kinh, bỗng dừng lại chửi: Mấy đứa ranh kia, định hái trộm khế nhà bà hả? Bà thả chó ra nó cắn lòi ruột chúng bay bây giờ! Thế thì tu gì?
Tôi đã thấy một Sư đăng lên Facebook: Nhà chùa tổ chức lễ phóng sinh vào ngày… Rất mong các phật tử cùng hoan hỉ hùn phước… gửi vào Tài khoản… Thế rồi đến hôm Lễ phóng sinh, một bà đại diện nhà chùa đọc danh sách phật tử đã “hoan hỉ hùn phước”… Bỗng một nữ phật tử nhảy sổ vào quát lên om sòm: Làm ăn thế à, tôi góp một triệu đồng sao không có tên. Rồi cãi nhau như vỡ chợ. Tu thế thì tu gì?
Tóm lại, Tu theo Chánh pháp của Đức Phật giúp mình giải thoát khỏi những mê lầm, vô minh để sống khỏe mạnh, giản dị, làm việc hiệu quả hơn; nhận thức được luật Nhân – Quả, lẽ Vô thường để sống an nhiên, tự tại, Từ bi và Trí tuệ. Như vậy là tạo ra hạnh phúc ngay từng phút giây hiện tại của cuộc sống, chẳng cần cầu xin, vọng tưởng về Cõi Phật A di đà hay kiếp sau sẽ là gì, về đâu. Cứ sống tử tế, lương thiện theo những lời Phật dạy, chắc hẳn sẽ vãng sanh về cõi Lành.