logo-vuot

logo-ConNguoi

Cảm tính, Vô cảm & Tha hóa

acrobat  📂  🏠   

Tâm linh - 4 - chùa Ba Vàng

Tin nhắn từ một cựu tín đồ chùa Ba Vàng

Thời chùa Ba Vàng vắng lặng

Ba Vàng mùa lễ hội…

Ba Vàng, sáng ngày 10 tháng Giêng

Chùa và Chợ

Những ai đi chùa? (Kỳ 1)

Những ai đi chùa? (Kỳ 2)

Tin nhắn từ một cựu tín đồ chùa Ba Vàng

Thái Hạo

19-2-2024

Một cựu tín đồ chùa Ba Vàng nhắn cho tôi (tôi đã sửa một số chỗ viết tắt và lỗi văn bản):

"Chào Thái Hạo, tôi luôn theo dõi các bài viết của Thầy, rất thời sự, rất đúng và rất có tâm, có tầm.

Xin giới thiệu, tôi là Phật tử chùa Ba Vàng 2 năm về trước, cách đây 2 năm tôi đã bỏ vì thấy lối tu không đúng, đụng đâu cũng hô hào cúng dường.

Không bao giờ giải tán được đám u mê đó đâu, vì tất cả họ đã được quy y miễn phí và được kết nạp vào CLB Cúc Vàng do Cô Yến lãnh đạo, có chỉ đạo hàng ngày từ trên xuống dưới, hàng tháng có họp định kỳ trực tuyến.

Có đến 600 đạo tràng trong cả nước trực thuộc CLB Cúc Vàng, cô gọi đến Chùa là đến, cô bảo đi đâu là đi và tất nhiên, người chỉ đạo Cô là Thầy Minh rồi. Các Đạo tràng trưởng được tẩy não để về tẩy não lại cho các Phật tử và QT [quyến thuộc?] là họp hàng tháng qua Zoom có đầy đủ các Phật tử, cô Yến giảng và nhồi nhét các loại kiến thức âm phủ của cô ấy.

Nguy hiểm nhất là con cháu các Phật tử đó cũng tham gia CLB La Hầu La cũng do Cô Yến phụ trách và cũng sinh hoạt hàng tháng qua Zoom, các cháu cũng ngồi nghe cô Yến giảng đạo lý, lồng cả sự mê muội vào.

Không biết ở các đạo tràng khác thì sao, đạo tràng nơi tôi sinh hoạt trước đây thì đạo tràng trưởng mới học hết lớp 4, các thành phần toàn người ít học, người già, người có hoàn cảnh ốm đau, bệnh tật....mong được hết bệnh hoặc được giải thoát.

CLB Cúc Vàng do bà Yến cầm đầu hoạt động rất mạnh và có các cấp, từ Chùa đến các tỉnh, đến các huyện, các xã và thị trấn, cô Yến bảo ngày mai có mặt ở Chùa thì đố ai dám vắng mặt trừ trường hợp bất khả kháng thôi.

Tôi chỉ muốn thêm tư liệu cho Thầy viết bài, cần gì Thầy cứ nhắn tôi cung cấp thông tin cho.

Tôi có nhiều bạn tốt đang theo cô Yến, nói không được, nên tôi không muốn lộ diện, mất tình bạn, Thầy đừng đưa tôi lên nhé.

Chỉ có giải tán CLB Cúc vàng hay Thầy Minh chuyển đi Chùa khác thì may ra dân mới hết u mê.

Hôm mùng 8 đúng là đông thật, vì họ huy động 100% các đạo tràng của CLB Cúc Vàng về Chùa để tu Bát Quan Trai và phô trương thanh thế, tôi thấy ở đây các Phật tử đi hết Thầy ah. Mang theo cả con cháu, thành phần CLB La Hầu La".

*

Xin gửi đến những người và cơ quan có có chức phận quản lý, đề nghị làm rõ tất cả các tổ chức và hoạt động của chùa này, từ đó có những hành động cần thiết, không thể để cho tình trạng lừa dối và trục lợi tiếp tục diễn ra (nếu có) - Thái Hạo.

🔝

Thời chùa Ba Vàng vắng lặng

Tuấn Khanh

19-2-2024

baotiengdan

Bức ảnh mới, đang lan truyền từ trang facebook của nhà văn Phạm Lưu Vũ ở Hà Nội, cho thấy sân Chùa Ba Vàng vắng lặng khác thường trong những ngày đầu năm mới Giáp Thìn. Điều chưa bao giờ thấy trước đây, cho đến khi ngọn cỏ Pili ngọ nguậy và được bái lạy.

Hệ thống công nghiệp cúng dường với những nhà lãnh đạo quốc doanh Phật được đắp tô, có lẽ ắt đã vấp phải sự tức giận và từ chối của người dân, đặc biệt là các tín đồ phía Bắc, vốn hồn nhiên và dễ tin đã quy tụ về đây suốt một thời gian dài. Sự trống trải, lạnh tanh khác thường lệ như loạt hình cho thấy, là một lời đáp trả im lặng nhưng có sức mạnh gấp ngàn lần những bài hoằng pháp ồn ào giả tạo, hối thúc con tin tín ngưỡng dâng nộp tiền.

Một người bạn ở miền Bắc kể rằng trước đây, bà của cô ta thức dậy là chỉ muốn lên chùa ngay, rồi có bao nhiêu tiền gom góp được cũng để dành đem cúng dường.

Cô nói, cả nhà rất khổ tâm nhưng không thể nào cản được, vì bà cứ khư khư nói, thầy dạy rằng cúng dường là có phúc cho cả nhà.

Sau sự kiện chuyện lừa siêu cấp quốc dân về ngọn cỏ Pili – mặc dù có đánh tiếng là sẽ điều tra đến tận gốc, và Giáo hội Quốc Doanh Phật cũng nói lu loa mơ hồ để giúp chạy chữa trong văn bản kỷ luật ông Thích Trúc Thái Minh – người bà của cô đã không còn đến chùa Ba Vàng như thường lệ, mà bắt đầu tìm đến những ngôi chùa nhỏ, như một cách để chữa vết thương của lòng tin bị xúc phạm.

Trên các trang mạng cũng có những bài hùng hồn, như seeding quảng cáo phim Việt Nam, đăng lại hình ảnh huy hoàng của chùa Ba Vàng vào năm 2023 với sân chùa ngập kín người, mập mờ mô tả sự nô nức của tín hữu với chùa Ba Vàng năm 2024 luôn vẫn như ngày nào.

Những hình ảnh vắng lặng của chùa Ba Vàng xuất hiện trên các trang mạng năm nay, kể cả lối đi dài dằng dặc vào chùa không có bóng người, được nói là hình ảnh từ trước mùng 8 Tết, nhưng đây cũng là một điều chưa có tiền lệ, theo nhận định trên trang facebook của nhà văn Phạm Lưu Vũ, “hỏi chuyện các hàng quán, thì họ cho biết sự thật hoàn toàn ngược lại. Không có chuyện “biển người”, không có việc “chen chúc”…”

Nhưng riêng câu chuyện mùng 8 Tết Giáp Thìn, mà báo Tuổi Trẻ chạy bài “biển người” phải sử dụng ảnh cũ năm 2023, là câu hỏi được nhiều người đặt ra. Ảnh chụp màn hình

Có khó gì cho một bức ảnh đông đúc người dự hội ngày mùng 8, như chùa Ba Vàng cho phát livestream, mà báo phải làm ảnh giả? Phân tích về điều này, cũng dễ nhận ra: Đây chính là bài ca ngợi được đặt hàng viết trước, để quảng bá cho Ba Vàng trước giờ G. Nhưng có thể vì đỏ mắt không kiếm được hình ảnh “biển người” nào khả dĩ để minh hoạ, nên đành phải dùng ảnh cũ.

Trên trang facebook có tên Nghiêm Sỹ Cường, anh ghé qua chùa Ba Vàng vào ngày mùng 10 Tết, mọi thứ im ỉm. Anh hỏi những người bàn hàng ven đường vào chùa: “Thế hôm mồng 8 Tết, mọi người đến có đông không các bác?”, những quán hàng quanh chùa đều trả lời “hôm đó thứ Bảy, chỉ hơn thế này chút thôi. Mấy năm trước, vào những ngày này còn tắc cả đường, năm nay giảm 80, 90%”.

Lễ hội mùng 8 ở chùa Ba Vàng với quy mô tín đồ được hẹn trước để livestream, là chuyện cứu nguy danh dự vào phút 89 cho tờ báo, nhưng cũng để lộ rằng những khoảng trống trong sân Ba Vàng trước đó, là điều có thật cần phải được che đi, nhường chỗ cho phông màn đỏ rực về sau.

Ảnh chụp đường vào chùa Ba Vàng và sân chùa vắng lặng. Nguồn: Phạm Lưu Vũ

Sự vĩ đại không có thật nó sẽ sớm trở thành trò hề. Giá trị giả chỉ bán thêm được đôi ba lá sớ, dăm bảy lời cầu siêu. Nhưng hãy cùng nghĩ xem, nếu không có “chỉ đạo” nào đó để cứu khổ cứu nạn truyền thông cho chùa Ba Vàng, ắt đã không có những bài báo giả tạo về sự rầm rộ lễ hội ở chùa Ba Vàng năm nay.

Hoang tin cứu chùa Ba Vàng như các trang báo điện tử lúc này, không hề để cứu ông Bụt hay nhà sư nào ở đó, mà rõ là cưỡng tín để cứu dòng tiền của ngành công nghiệp cúng dường đang vào ngày tắc mạch.

🔝

Ba Vàng mùa lễ hội…

Phạm Lưu Vũ

19-2-2024

Báo Tuổi Trẻ đã lộ mặt là công cụ truyền thông của Ba Vàng khi đăng ảnh “biển người” chen chúc đi chùa Ba Vàng vào ngày mồng Tám tháng Giêng vừa qua. Lấy ảnh chụp năm Quý Mão (2023), quảng cáo cho năm Giáp Thìn (2024) để đánh lừa dư luận, khiến không ít người buồn cho căn bệnh u mê của đám đông, đã không tỉnh ngộ trước sự lừa bịp trắng trợn của tên trọc Thích Trúc Thái Minh trong vụ “Xá lợi tóc”, và những bài “thuyết pháp” sặc mùi quảng cáo, con buôn… để đánh lừa phật tử của gã.

Sự thật hoàn toàn không phải như thế. Rất nhiều người đã tỉnh ngộ. Một bạn vừa gửi cho tôi mấy clip, quay sáng hôm nay, mồng Mười tháng Giêng năm Giáp Thìn, vẫn đang mùa lễ hội, mà những con đường dẫn vào Ba Vàng, bãi xe Ba Vàng vắng như chùa… Bà Đanh.

Hỏi chuyện những bảo vệ, và những người làm trong chùa về sự thật ngày mồng Tám vừa qua, họ đều e ngại không dám nói. Mới hay Ba Vàng là lãnh địa riêng của tên trọc giả chúa tể kia. Nhưng hỏi chuyện các hàng quán, thì họ cho biết sự thật hoàn toàn ngược lại. Không có chuyện “biển người”, không có việc “chen chúc”…

Nhân đây, có người khuyên, rằng không nên bêu xấu các ma tăng, vì họ làm thì họ chịu, mình nói ra, không những sẽ gây cái nhìn xấu về đạo Phật, mà còn tạo… “khẩu nghiệp”.

Đây chính là luận điệu của lũ ma tăng, của những tên trọc như Thích Trúc Thái Minh, Thích Chân Quang… Họ luôn lôi “khẩu nghiệp” ra để dọa người khác. Thế còn chính họ, thuyết những bài “pháp” hủy báng đạo Phật, khiến phật tử ngày càng u mê… thì họ không sợ “khẩu nghiệp” chăng?

Vạch mặt lũ ma tăng không hề “gây cái nhìn xấu” về đạo Phật. Bởi vì đạo Phật là con đường tiến hóa của mọi trí tuệ tới Vô Thượng Bồ Đề, vốn bất sinh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm. Dẫu lũ ma tăng phá Pháp kia có nhiều như cát sông Hằng, thì đạo Phật cũng không hề suy suyển mảy may.

Tu sĩ không thể đứng ngoài luật pháp thế gian, nhiều “đại đức” đã ra tòa, vào lò… thì cũng không thể đứng ngoài dư luận. Không có “vùng cấm” dư luận cho các tu sĩ. Vùng cấm ấy là do chính họ tự đặt ra, và ảo tưởng về nó, cho nên họ mới ngày càng càn rỡ như thế. Vạch mặt tà sư là công việc Hộ Pháp, là công đức vô lượng, là hạnh Bồ Tát, vì giúp cho nhiều người không bị tà sư lừa bịp... Và không chỉ có vậy, mà còn “độ” cho chính các tà sư, giúp cho họ cơ hội để tỉnh ngộ, đỡ nghiệp nặng cho chính họ.

Những người tin Phật, theo Phật chớ e ngại điều này. Phải coi việc “độ” cho chính các tu sĩ là việc cần thiết, là hạnh Bồ Tát của mình. Người phát tâm Bồ Đề, dẫu mình chưa thành đạo, thì cũng phải phát nguyện độ cho tất cả mọi chúng sinh, Kinh đã nói rõ ràng như thế. Người có hạnh kiểm cỡ trung bình khá ở thế tục còn biết: “lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ”… huống hồ người theo hạnh Bồ Tát? Tất cả mọi chúng sinh ở đây là bao gồm cả tam giới, trong đó có cả… Trời. Nghĩa là đối với hạnh Bồ Tát, thì đến Trời cũng còn không ra ngoài đối tượng cần phải “độ”, huống hồ mấy tên trọc phàm tục không lo chuyện tu hành, mà chỉ lo xây chùa to, lo làm rõ nhiều “phật sự”, lo kiếm càng nhiều càng ít tiền của “cúng dường” kia.

🔝

Ba Vàng, sáng ngày 10 tháng Giêng

FB Nghiêm Sỹ Cường

Mình xuống Quảng Ninh từ hôm mồng 8 Tết. Sau khi xong việc, 10h sáng nay, ngày 10 Tết(19/02/2024), lần đầu tiên, cũng là lần cuối cùng, thử ghé qua Ba Vàng xem dân tình có kéo đến lễ chùa "đông nghịt" như đồn thổi hay không ?

À, xem ra có thể giăng lưới bẫy chim sẻ ngay giữa sân chùa !

Hỏi chuyện nhiều cư dân quanh vùng với đủ cả nam, phụ, lão...đều gặp những nụ cười bí hiểm và những cái xua tay, lắc đầu..

Hỏi những quán hàng quanh chùa "thế hôm mồng 8 Tết, mọi người đến có đông không các bác ?", câu trả lời của họ na ná nhau "hôm đó thứ Bảy, chỉ hơn thế này chút thôi. Mấy năm trước, vào những ngày này còn tắc cả đường, năm nay giảm 80, 90 %".

Chuyện về Ba Vàng, qua lời chia sẻ của cư dân quanh đó thì vô thiên lủng, dành cả tuyển tập có khi không đủ.

Xin gửi tới anh, em một số hình ảnh trên đường vào và tại bãi xe của chùa Ba Vàng lúc 10h, ngày 10 Tết.

Video ▶️

Video ▶️

🔝

Chùa và Chợ

Thái Hạo

18-2-2024

Nhìn biển người tại sân chùa Ba Vàng ngày mùng 8 Tết, tôi lại nhớ vụ việc thu phí dã man như cướp ở [các] chợ những ngày qua mà mình đã phản ánh.

Có một trường hợp, gần như duy nhất, vào nhắn tin cho tôi, chia sẻ về nạn "cướp chợ" nơi anh ta buôn bán. Nhưng 1 dòng thông tin là 3, 4 dòng dặn dò "Anh đừng đưa lên nhé". Tôi nói, yên tâm, tôi không bao giờ đưa thông tin của ai lên khi người ấy chưa đồng ý (mà thực ra tôi cũng không rảnh đến thế đâu). Nhưng sau đó anh ta đã thu hồi luôn tin nhắn. Anh ta sợ, sợ đủ điều.

Hầu hết bà con tiểu thương khi đọc được những bài viết ấy của tôi, chắc cũng có chút mừng thầm, nhưng tuyệt nhiên im lặng. Họ chờ ai đó sẽ làm thay cho mình, hoặc đợi mọi việc tự thay đổi. Họ sợ phiền phức, rắc rối, sợ trả thù, sợ bóng sợ gió, đủ kiểu. Họ sẽ than thở hay chửi cho vợ cho chồng nghe trong nhà, nhưng ra chợ thì nín thinh và cứ thế đưa tiền, dù trong bụng tức tối.

Điều này đã khiến tôi buồn bã và cả giận dữ, khi nhìn một tình trạng dân chúng gần như tê liệt trước bất công, sai trái. Nỗi sợ hãi đến hoang tưởng dần khiến họ đánh mất đi những phẩm chất làm người vốn dĩ là tự nhiên nhất. Và cứ thế sống đời nô lệ trong huyết quản.

Thế nhưng, họ hăng hái đi chùa. Xa mấy cũng đi, đi để cầu, để xin, để mong được thánh thần chiếu cố. Họ sẵn sàng quỳ sụp xuống trước những pho tượng đất sét, quỳ sụp xuống trước những kẻ giả sư với một niềm tin và ý chí không gì lay chuyển. Họ đổ về các chùa, đền, phủ, họ tranh nhau nhét tiền vào tay tượng Phật, họ giành nhau dâng tiền cho các giáo chủ "phái cúng dường"... Họ quỳ xuống để mong công bằng sẽ đến với mình, họ chắp tay để cầu lẽ phải và bình an; nhưng khi bị chà đạp và bóc lột, họ tuyệt đối im lặng.

Họ thuê xe rủ nhau đi chùa cách xa hàng trăm km để lạy, nhưng không ai lên UB xã ngay sát nhà để kêu đòi quyền lợi và phản ánh bất công. Phật nào cứu nổi những người bạc nhược, đớn hèn và chỉ biết hối lộ thần thánh như vậy?

Đôi khi tôi đành thở dài, cũng chẳng biết trách ai được, vì sống như thế, chúng ta xứng đáng bị giẫm đạp?

Thái Hạo

🔝

Những ai đi chùa? (Kỳ 1)

Nguyễn Huy Cường

19-2-2024

baotiengdan

Nhiều người ngạc nhiên khi thấy ngày mùng 8 tháng giêng vừa rồi, dòng người đông như kiến cỏ đổ về chùa Ba Vàng, mặc dù trước đó, câu chuyện “Ba Vàng” đã bộc lộ đủ các chiều kích trên mạng xã hội, báo chí, cả truyền hình quốc gia.

Riêng tôi thì không ngạc nhiên vì chỉ cần mười phút tĩnh tâm, nhìn nhận từ cốt lõi của nó sẽ thấy, câu chuyện “chùa Ba Vàng” sẽ còn diễn ra dài dài, nhiều năm nữa.

Để có một tư duy mạch lạc, ta xem xét tạm 5 điểm sau:

Thứ nhất, số người “biết đến” internet, đến mạng xã hội ở Việt Nam thì nhiều nhưng số người biết sử dụng thành thục các mạng xã hội thì không nhiều.

Ngày 21/7/2023 vừa rồi, chúng tôi kỷ niệm 50 năm ngày nhập ngũ, tôi phụ trách khâu truyền thông cho đơn vị và tôi đọc chậm số Zalo, điện thoại, địa chỉ Facebook, YouTube cho hơn bảy chục bạn có mặt nghe, tôi thông báo cho họ là sau 12 giờ sẽ có một phim ngắn về ngày hội này, mời họ ghé xem. Họ rất hào hứng.

Sau lễ, tôi biên tập thành một YouTube 12 phút, nội dung khá cô đọng, dễ xem, đầy kỷ niệm của 50 năm trời và có vài thế hệ đồng đội có mặt ở đó. Trong clip có điểm cả gần 100 bạn đã ra đi.

Sau một tuần tôi gọi điện hỏi lại thì biết, chưa mấy ai biết xem cả, dù tôi đã gửi đường dẫn đến Zalo từng người. Sau đó tôi phải “cầm tay chỉ việc” cho những cựu binh lừng lẫy một thời kia vào xem và nhờ họ chỉ cho người khác. Về sau được biết họ rất khoái, xem đi xem lại và rủ người khác cùng xem nhưng trước đó họ không biết cách.

Câu chuyện nhỏ này cho thấy nguyên lý “khắp rừng không khắp bụi” thể hiện rất rõ. Dẫu trong 100 triệu dân có ba chục triệu dân mạng biết tường tận câu chuyện “Ba Vàng” nhưng còn hai chục triệu người giống như bạn tôi nói trên, không biết, không cần biết về Ba Vàng thì nay một phần mười số này cũng vẫn có hai triệu người cày đầu vào những “lễ” hội đủ kiểu ngày xuân.

Thứ hai, đi mua bảo hiểm. Hồi làm báo Giadinh.online tôi có dịp theo dăm “tín chủ” đến cúng tế đền Mẫu Âu Cơ ở Hạ Hoà, Phú Thọ. Năm bảy “đối tượng” tôi theo có một điểm chung là đốt hàng chục ký vàng mã, tiền và họ bỏ hòm công đức cũng khá dày, có nhà bỏ mươi triệu hoặc hơn.

Sau đó tôi “cày” tiếp vào diện này thì thấy họ có thêm một điểm chung nữa là họ … tham nhũng, vơ vét khá thành thạo.

Có nhà, bảy thành viên đi ba cái xe hơi, cái nào cũng trên tỉ bạc, kể cả cậu con có vẻ chưa … lấy vợ. Thì ra, họ tới đây và hy vọng hối lộ… Mẹ Âu Cơ thương tình bao che cho nhà họ sau khi chia bớt cho thần thánh một số … đồ mã và tiền cúng dường như vừa nói.

Thứ ba, có một diện tạm gọi là “vô sư vô sách”, thấy có chỗ đi, có chỗ “xõa” là đi thôi. Đi chùa này xong có thể đi chùa khác, tiện thể có thể ghé nhà thờ tôn giáo khác xem lễ cho … vui. Họ coi đi chùa cũng như đi bar, đi bảo tàng hay sở thú, cho rộn rã, bớt đi những bí bách tâm lý đời thường.

Thứ tư, đi … đầu tư. Nếu năm ngoái ta đi đâu đó cúng bái, khấn nguyện rồi thấy năm nay xuôn xuôn, làm ăn khá phát đạt, lấy được chồng, được vợ hoặc mới được lên chức phó phòng… Nếu thấy bạn bè, hàng xóm nói rằng đâu đó có ngôi chùa linh linh là … dù chưa chắc đã tin chùa nhưng dễ tin bạn ta, người yêu ta, thì đi… Có mất gì đâu, vài trăm đóng góp, vài ngày vui vẻ, có khi … lãi to nếu năm nay được như nhà kia.

Đi! Nếu năm nay trúng, sẽ hình thành một tín điều, nếu trật, sang năm đi chùa khác!

Thứ năm: Cái không gian u u minh minh này kéo dài cả ngàn năm từ thời Bắc thuộc, nay cái “độ u minh” còn đậm đà hơn, đến nỗi có người suýt chết khi đi cướp … ấn đền Trần thì không thể khác. Nó phải ngọ ngoạy, phải thế, vẫn thế, sẽ phát triển hơn thế.

Chuyện ầm ĩ này cũng không có gì đáng ầm ĩ mà cứ phải ầm ĩ cả. Nếu mai mốt ngành … chùa thu mỗi năm bằng một phần mười GDP rồi trả lại cho bốn diện nói trên chút gì đó, như là cho chị kia sự hy vọng thì cũng bình thường.

Xem như một sự ổn định chính … chị ấy!

🔝

Những ai đi chùa? (Kỳ 2)

Nguyễn Huy Cường

20-2-2024

Tiếp theo kỳ 1

baotiengdan

Hôm qua, sau khi đăng bài ‘Những ai đi chùa” với 5 dấu nhấn xác đáng được nhiều bạn đồng tình, chia sẻ.

Sau khi đăng 2 giờ thì tôi tiếp nhận được tư liệu của một chiến hữu chụp từ chùa Ba Vàng với khung cảnh giống như chùa Bà Đanh hay bà Banh gì đó. Vắng lặng, lạnh lẽo như chốn không người.

Tôi đã có lần đến chùa này nên xác nhận clip, ảnh của nguồn này là thật 100%. Từ sự thật này nhiều người dấy lên hoài nghi bài trên báo Tuổi trẻ, Tiền Phong về hàng vạn nguời đổ về Ba Vàng, làm tắc đường là loại bài giống như “cò mồi”, mục đích là để quảng bá cho Ba Vàng.

Tôi mở ngay một kênh tìm hiểu tới gần chục người bạn sinh sống sát địa chỉ này, trong đó có hai người là người thân; một người làm việc giữ xe sát cổng chùa; một người là doanh nghiệp, cách chùa 1,5 km, thì được họ xác nhận 4 sự thật:

– Nội dung stt của tôi là sự thật.

– Bài và ảnh trong stt nội dung “Vắng như chùa Bà Đanh” cũng là thật, thật với buổi sáng mùng 10, cùng thời gian tôi đăng bài số 1.

– Bài trên báo Tuổi Trẻ thật về sự kiện nhưng nội dung không theo sát để biết được sự thật dưới đây.

Sự thật là sáng mùng 8 âm rất đông, kín không gian lớn của chùa và cả lối đi bên ngoài. Đó là ngày “Mở đàn Dược sư” như ảnh kèm theo chụp từ màn hình buổi lễ.

Thưa các bạn, trong bài hôm qua tôi nêu 5 đối tượng tham gia cuộc u mê vĩ đại này, thực ra là còn lực lượng thứ 6 mà báo chí chưa theo sát.

Đó là: Trong nhiều năm qua, cánh quân của bà Phạm Thị Yến đi gần như khắp miền bắc (ngay Thanh Ba, Hạ hòa, Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ quê tôi) cũng phát triển đầy những tổ chức “Ba Vàng thứ cấp”, gọi là “đạo tràng”.

Công việc của các “cơ sở cách mạng” này là thu gom hàng vạn những người ở diện yếm thế, yếu thế, bệnh tật, cuộc sống có những bức bách, theo các đạo tràng, phần để được làm lính của Ba Vàng, phần để được “oan gia trái chủ” giải “nghiệp”, giải “hạn”.

Từ cơ sở này, ngày 8 tháng giêng vừa qua, những “sư đoàn mạnh” này xua lính tràn về Ba Vàng, nên ở đây đông đúc là chuyện thường, là thực tế. Nếu huy động đủ “quân xanh” thì chùa này không đủ chỗ chứa.

Điều này phóng viên Tuổi Trẻ và vài báo khác chưa kịp tìm hiểu kỹ, nắm bắt tốt, nên nguồn tin trên báo còn rất … vô tư.

Thưa quý bạn, tôi đang tìm lại loạt bài về đề tài này của tôi đã đăng trên báo Tamnhin.net từ mười ba năm trước, đăng lại, để quý bạn biết tôi đã “nhìn vào hậu trường sân khấu môn ảo thuật” này kỹ lắm. Để thấy xã hội ta có thực một lượng người đông đúc vô cùng được mô tả trong một câu thơ:

Ra đường thấy vịt cũng lùa

Thấy đá cũng lạy thấy chùa cũng tu.

Chúc bà con, anh chị em thanh tịnh tâm, mừng xuân mới.

🔝