Vượt qua Việt

Thuận theo thời mà phát triển

Chính trị là nghệ thuật của khả năng

acrobat  📂  🏠   

Vận động dân chủ - 5

Trần Huỳnh Duy Thức thông báo: “Ngày mai” anh tuyệt thực!

Uỷ ban Nhân quyền Hạ viện Mỹ kêu gọi Việt Nam trả tự do cho Trần Huỳnh Duy Thức

Ông Ngọc Chênh: Điều kiện giam giữ rất tệ, nhà hoạt động Thúy Hạnh mắc bệnh hiểm nghèo

Tổng thống Đức nêu vấn đề nhân quyền với lãnh đạo Việt Nam

Tin tức mà truyền thông Việt Nam không muốn, hay không được phép loan tải

TNLT Nguyễn Như Phương tố bị cán bộ Trại tạm giam công an tỉnh BR-VT đánh đến "ho ra máu"

TNLT Nguyễn Văn Hóa mãn án bảy năm tù

Vụ bắt theo cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” đầu năm 2024

Nhân quyền Việt Nam: ‘Một năm u ám’

Văn bút Mỹ (Pen America) lên tiếng về trường hợp nhà báo Lê Hữu Minh Tuấn

Mạng lưới Nhân quyền VN: Chính phủ ngược đãi người thiểu số Tây Nguyên một cách có hệ thống!

Luật sư Võ An Đôn kêu gọi thành lập “Phiên toà Nhân dân” để xét xử quan chức cộng sản

Trần Huỳnh Duy Thức thông báo: “Ngày mai” anh tuyệt thực!

Capture à partir de :baotiengdan

Trần Huỳnh Duy Thức

27-1-2024

Anh Thức điện thoại về 26/01/2024: Nói “Ngày mai” anh tuyệt thực!

NHỜ CỘNG ĐỒNG CẦU NGUYỆN TIẾP SỨC CHO ANH THỨC!

Chiều hôm qua anh Thức gọi điện thoại về. Gia đình xin đăng nội dung cuộc gọi vào nửa phút cuối trước vì cần tiếp sức cho anh.

Anh nói với người chị qua điện thoại “Mấy hôm nay rất lạnh và đói, em đói run luôn nha. Đặt đồ căn-tin là dứt khoát không bán nên là ngày mai là em tuyệt thực nha chị. Nhưng mà nói với ở nhà đừng lo có Bề Trên che chở cho em. Có nghe nói gì thì cũng Mùng 3 Tết mới ra nha. Dứt khoát không phải lo gì hết nhưng mà em sẽ tuyệt thực em phản đối Trại này không có tôn trọng pháp luật, xem thường pháp luật lắm. Rồi. Mọi chuyện thì cứ bình tĩnh hết sức bình tĩnh cho em nha”. Kết thúc cuộc gọi anh bye bye cả nhà.

Dù hôm qua chưa tuyệt thực nhưng anh Thức cũng đã bị “đói run” từ nhiều ngày trước vì căn-tin không bán đồ ăn cho anh. Dù mấy tháng trước có bị thiếu đói nhiều ngày nhưng anh còn lay lắt thêm 10, 11 ngày mua thức ăn căn-tin bán với số tiền là 1,7 triệu đồng. Nhưng tháng này số ngày chịu đói của anh tăng lên gấp bội, căn-tin không bán dù anh có tiền. Vậy là anh phải chịu thêm 10, 11 ngày bị bỏ đói so với mấy tháng trước!

Vậy là tháng này Anh chỉ sống được trong phạm vi 10 ngày nhờ vào nguồn thức ăn gia đình gửi theo tiêu chuẩn cho anh thôi. Anh Thức không còn chọn lựa nào khác nên phải tuyệt thực để phản đối việc bỏ đói tù nhân theo cách này!

Gần 8 năm tù ở trại giam số 6 Nghệ An, anh Thức chưa lần nào than lạnh dù vào những lúc trời lạnh nhất, rét đậm rét hại nhất. Có phải vì sự chịu đựng của anh giảm đi, sức khỏe yếu đi hay vì tình trạng thiếu thốn mọi thứ ngày càng khắc nghiệt mà anh phải nói lên trong tình trạng vô cùng căng thẳng, bức xúc, và sức khỏe không được bảo vệ an toàn, máy đo đường huyết, đèn pin nhỏ, quạt nhỏ, kim chỉ, bật lửa, đồ cạo râu đều bị thu giữ từ tháng 7/2013 đến nay (1*).

Suốt nửa năm nay anh sống trong tình trạng tối tăm khi Trại giam thường xuyên cúp điện, nóng bức trong cái nắng rực lửa của 4 bức tường giam, ăn mì gói với nước lạnh vì không có nước sôi, thiếu thốn mọi vật dụng cá nhân dù nhỏ nhất!

Như từ lúc gia đình thăm gặp hôm 3/10/2023 (2*) anh đã nói: Tình hình đã rất căng thẳng rồi, nếu như vậy nữa sẽ có khả năng anh tuyệt thực đến chí mạng để phản đối. Và để tiếp tục kêu cứu Chủ Tịch nước như lần anh gọi điện thoại về nhà hôm nay 30/10/23 (3*) nhờ “Đăng lên hỏi ông Võ Văn Thưởng rằng nếu người ta dám bảo vệ lẽ phải, dũng cảm và tỉnh táo chống lại những điều xấu cái ác mà bị cắt đường sống thì phải làm gì? Kêu luật sư phải làm thế nào đi, chứ như vầy thì sống không nổi!”.

Hôm nay 27/01/2024 anh Thức bắt đầu tuyệt thực để phản đối Trại giam tăng gia sự khắc nghiệt, tăng thêm nhiều ngày bỏ đói anh, căn tin không bán đồ ăn cho anh. Hiện giờ anh chỉ nhờ vào nguồn thức ăn gia đình gửi theo tiêu chuẩn hàng tháng để anh có thể tạm bợ mươi ngày.

Gia đình mong được nhiều hưởng ứng tiếp sức cho anh Thức bằng nhiều cách của mọi người, bằng cách cầu nguyện, bằng những cái like, những chia sẻ hay những comment chúc sức khỏe… để hỗ trợ cho anh Thức vượt qua thời gian tuyệt thực đòi hỏi sự sống bằng nguồn thức ăn căn-tin trong trại giam bán cho anh đầy đủ mỗi ngày.

Mong nhận được nhiều năng lượng hỗ trợ từ mọi người tiếp sức cho anh Thức. Gia đình rất trân trọng và biết ơn!

🔝

Uỷ ban Nhân quyền Hạ viện Mỹ kêu gọi Việt Nam trả tự do cho Trần Huỳnh Duy Thức

2024.01.26

Capture à partir de :RFA

Ông Trần Huỳnh Duy Thức tại phiên toà ở TP HCM hôm 20/1/2010. AFP

Uỷ ban Nhân quyền Tom Lantos thuộc Hạ viện Mỹ hôm 20/1 lên tiếng thúc giục Hà Nội trả tự do cho tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức, người đang thụ án tù 16 năm về tội ‘Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’.

Lời kêu gọi này được Uỷ ban đưa ra trên tài khoản mạng xã hội X (Twitter) nhân dịp 14 năm ông Thức bị toà án tại Việt Nam đưa ra xét xử và tuyên án. Dòng trạng thái trên X của Uỷ ban viết: “Việt Nam cần trả tự do cho ông ấy ngay lập tức và vô điều kiện”.

Ông Trần Huỳnh Duy Thức (sinh năm 1966) là một doanh nhân thành đạt về lĩnh vực viễn thông. Năm 2009, ông bị bắt cùng với các ông Lê Thăng Long, Nguyễn Tiến Trung và Lê Công Định với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự 1999.

Cáo trạng nói ông có các hành vi “thành lập tổ chức chống Nhà nước có tên gọi ‘Nhóm nghiên cứu Chấn’ và tham gia các hoạt động của tổ chức phản động có tên gọi ‘Đảng Dân chủ Việt Nam.’”

Nhiều tổ chức quốc tế trong các năm qua đã kêu gọi Việt Nam phải trả tự do cho ông Thức.

Uỷ ban Tom Lantos cũng đã đưa trường hợp của ông Thức vào Dự án Bảo vệ Tự do (Defending Freedoms Project – DFP). Đây là dự án hỗ trợ các tù nhân lương tâm trên toàn thế giới, khuyến khích các thành viên Quốc hội Mỹ vận động thay mặt cho các tù nhân lương tâm để họ được trả tự do.

Dân biểu Hoa Kỳ Zoe Lofgren thuộc Uỷ ban Tom Lantos là người bảo trợ ông Trần Huỳnh Duy Thức.

🔝

Ông Ngọc Chênh: Điều kiện giam giữ rất tệ, nhà hoạt động Thúy Hạnh mắc bệnh hiểm nghèo

26/01/2024

VOA Tiếng Việt

Capture à partir de :voatiengviet

Bà Nguyễn Thúy Hạnh và ông Huỳnh Ngọc Chênh biểu tình phản đối đường "lưỡi bò" của Trung Quốc trong một cuộc biểu tình năm 2018. Photo Facebook Nguyễn Thúy Hạnh.

Cựu nhà báo, blogger tranh đấu cho tự do, dân chủ Huỳnh Ngọc Chênh lên tiếng trên mạng xã hội cho hay vợ ông, nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh phải chịu điều kiện giam giữ rất tệ hại và mới đây phát hiện ra bị mắc ung thư giai đoạn giữa.

Bà Hạnh, 61 tuổi, bị công an Việt Nam bắt hồi đầu tháng 4/2021 với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” sau nhiều năm bà đấu tranh cho tự do, dân chủ, đồng thời là người sáng lập và điều hành Quỹ 50k chuyên giúp đỡ gia đình của các tù nhân lương tâm.

Gần 3 năm trôi qua, bà Hạnh vẫn thuộc diện bị tạm giam và chưa thấy chính quyền thông báo khi nào sẽ đưa bà ra xét xử.

Ông Huỳnh Ngọc Chênh cho VOA biết hôm 24/1 rằng trong một lần khám bệnh hồi đầu tháng này, Bệnh viện K Hà Nội, tức Bệnh viện Ung bướu Trung ương, phát hiện bà Nguyễn Thúy Hạnh bị ung thư cổ tử cung giai đoạn giữa.

Ông nhận định rằng điều kiện giam giữ tồi tệ tại Trại tạm giam số 2 của công an Hà Nội, nơi bà Hạnh bị giam sau khi bị bắt, là một phần lớn nguyên nhân.

Về mặt pháp luật, ông Chênh lập luận, những người ở trong trại tạm giam mới chỉ là những nghi can chưa bị toà án kết tội nên vẫn còn quyền công dân và cao hơn thế là quyền con người.

Nhưng trên thực tế, dưới góc nhìn của ông, trại tạm giam đã biến thành nơi trả thù, nơi khủng bố tinh thần và thể xác các nghi can qua điều kiện giam giữ sinh hoạt ăn uống vô cùng tệ hại.

“Người bị tạm giam phải uống nước bẩn, ăn thức ăn dơ bẩn mà bên ngoài đến heo chó cũng không muốn ăn”, ông đưa ra nhận xét cá nhân, dựa trên những điều được vợ ông chia sẻ lại.

Nói về trường hợp cụ thể là vợ mình, ông Chênh thuật lại với VOA rằng 1 năm trong trại tạm giam cũng là lúc trùng với cao điểm của đại dịch COVID-19, bà Hạnh hoàn toàn không được gặp người nhà, không được gặp luật sư, chỉ được nhận áo quần, tuyệt đối không được nhận thức ăn người nhà gửi vào.

“Lợi dụng chính sách phòng ngừa COVID, trại tạm giam chỉ cho thân nhân duy nhất là tôi mua ký gửi đồ thăm nuôi hàng tháng qua căng tin của trại, giá bán rất cao nhưng chất lượng thực phẩm thì rất tệ hại”, vẫn theo lời kể của ông Chênh.

Sau này, khi được gặp ông Chênh, bà Hạnh kể lại là bà hầu như không ăn được mọi thứ đồ ký gửi đó, chỉ có nước lọc đóng chai và sữa tươi là dùng được. Nhưng mỗi tháng ông chỉ được gửi cho bà không quá 5 chai nước và 5 hộp sữa. Do thiếu nước uống, bà Hạnh “đành phải uống nước bẩn trong bể nước tắm của phòng giam”, ông Chênh cho VOA biết.

“Sống hơn 1 năm trong trại, đưa vào người những thức ăn và nước uống dơ bẩn, độc hại, đã đưa đến hậu quả nặng nề mà ngày nay Hạnh phải nhận lãnh. Hạnh đã bị ung thư giai đoạn giữa”, ông suy luận.

Ông cho biết thêm khi còn ở trong trại tạm giam, bà Hạnh đã 2 lần bị nhiễm COVID, ngoài ra, bệnh trầm cảm có từ trước của bà tăng nặng dần đến mức có lúc bà tự tử bất thành.

Qua báo chí và mạng xã hội, ông Chênh bày tỏ rằng ông mong các tổ chức nhân đạo trong và ngoài nước quan tâm đến bà Hạnh để có cách giúp đỡ hữu hiệu hoặc lên tiếng thúc đẩy cho bà được chữa trị nhanh chóng và tốt nhất có thể.

Ông cập nhật với VOA rằng vào sáng ngày 25/1, bà Hạnh đã được các bác sĩ ở Bệnh viện K Hà Nội hội chẩn và buổi chiều cùng ngày đã bắt đầu được xạ trị cuộc đầu tiên.

“Việc chữa trị sẽ kéo dài trong 3 tháng theo diện ngoại trú. Có nghĩa là Hạnh vẫn tiếp tục ở tại khoa chữa bệnh bắt buộc của Viện Pháp y Tâm thần Trung ương, ở huyện Thường Tín, Hà Nội, mỗi lần xạ trị được xe của viện đưa qua Bệnh viện K ở Tân Triều, xong rồi trở về”, ông cho hay.

VOA cố gắng liên lạc với Trại tạm giam số 2 để tìm hiểu phản ứng của họ đối với những nhận định, suy luận của ông Huỳnh Ngọc Chênh, nhưng không kết nối được.

🔝

Tổng thống Đức nêu vấn đề nhân quyền với lãnh đạo Việt Nam

25/01/2024

VOA Tiếng Việt

Capture à partir de :voatiengviet

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tiếp Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier, Hà Nội, ngày 23/1/2024.

Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier hôm 24/1 cho biết ông đã nêu vấn đề nhân quyền với giới lãnh đạo Việt Nam, nói rằng những vấn đề liên quan đến tự do báo chí và tự do ngôn luận “có những quan ngại” cần phải được giải quyết.

Phát biểu trước sinh viên và giảng viên của trường Đại học Việt-Đức (VGU) ở tỉnh Bình Dương hôm 24/1, ông Steinmeier nói rằng Đức xem việc Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc từ năm 2023 đến năm 2025 là “sự thể hiện cam kết phát triển xã hội dân sự và tôn trọng nhân quyền”, Cổng thông tin của Phủ Tổng thống Đức đăng bài phát biểu của ông có đoạn viết.

Tổng thống Đức Steinmeier phát biểu như trên trước khi kết thúc chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam từ ngày 23-24/1/2024.

“Tất nhiên, hệ thống chính trị và xã hội của chúng ta không giống nhau, và bên cạnh những điều gắn kết Việt Nam và Đức, cũng có một số điều khác biệt, vẫn cản trở sự hợp tác hoặc khiến chúng tôi phải quan ngại, chẳng hạn như liên quan đến vấn đề tự do báo chí và tự do ngôn luận”, vẫn lời Tổng thống Đức.

“Tất cả những vấn đề này được đề cập trong cuộc nói chuyện của tôi tại Hà Nội ngày hôm qua, và tôi tin rằng việc chúng ta có thể giải quyết những vấn đề này với sự tôn trọng lẫn nhau cho thấy mối quan hệ đối tác của chúng ta vững chắc đến mức nào”, nhà lãnh đạo Đức chia sẻ.

Truyền thông Việt Nam đưa tin về chuyến thăm Việt Nam của nhà lãnh đạo Đức với chương trình nghị gồm cuộc hội đàm với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, hội kiến với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, trong đó tập trung vào hợp tác song phương ở các lĩnh vực thương mại-đầu tư, chuyển đổi năng lượng, lao động và dạy nghề, hợp tác phát triển, cũng như phối hợp chặt chẽ đóng góp cho hòa bình và các vấn đề hợp tác khu vực, toàn cầu.

Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa phản hồi ngay khi VOA đề nghị họ bình luận về bài phát biểu của nhà lãnh đạo Đức đề cập đến nhân quyền.

Chính quyền Việt Nam vào các dịp khác nhau nói rằng họ đảm bảo các quyền căn bản của người dân, bao gồm cả quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận, đồng thời bác bỏ cáo buộc của các nước phương Tây cho rằng Hà Nội vi phạm nhân quyền.

Ông Nguyễn Tiến Trung, một nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền Việt Nam vừa sang Đức tị nạn chính trị, nêu nhận định với VOA rằng ông không ngạc nhiên với việc nhà lãnh đạo Đức nêu vấn đề nhân quyền tại Hà Nội hôm 23/1.

“Là một người hợp tác với các đoàn ngoại giao các nước dân chủ ở Việt Nam từ nhiều năm nay về vấn đề nhân quyền, gồm cả Đức, tôi không ngạc nhiên khi thấy Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đề cập tới vấn đề nhân quyền trong bài phát biểu của ông ở Việt Nam”, ông Nguyễn Tiến Trung, người được chính phủ Đức chấp thuận cho tị nạn chính trị vào tháng 12/2023, chia sẻ.

“Chính phủ Đức đã liên tục làm việc trên tinh thần xây dựng với chính phủ Việt Nam từ nhiều năm nay để cải thiện tình trạng nhân quyền ở Việt Nam theo đúng những gì mà chính phủ Việt Nam đã cam kết trong các Công ước Quốc tế về Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc”, vẫn lời ông Trung.

Từ năm 2011, Đức và Việt Nam đã thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược với các dự án hợp tác ở các cấp và trên nhiều lĩnh vực chính sách.

Trong một thông cáo hồi tháng 12/2023, Bộ Ngoại giao Đức viết về các ưu tiên của Berlin trong quan hệ với Hà Nội: “Đức và Việt Nam là đối tác của nhau trong nỗ lực duy trì trật tự dựa trên thượng tôn pháp luật, tôn trọng luật pháp quốc tế, chủ nghĩa đa phương, thương mại và đầu tư tự do toàn cầu cũng như bảo vệ môi trường và khí hậu”.

‘Đoàn tàu Thống Nhất’

Mở đầu bài phát biểu tại ngôi trường được thành lập trên cơ sở hợp tác giữa hai chính phủ Việt Nam và Đức, ông Steinmeier nhắc đến đoàn tàu Thống Nhất, gọi đó là “đoàn tàu hòa giải” chạy dài 1.700 km từ Bắc vào Nam, “nối liền đất nước gần nửa thế kỷ”. Ông nói: “Nó là biểu tượng của lịch sử Việt Nam”.

Trước khi kết thúc bài phát biểu, ông một lần nữa nói rằng đoàn tàu Thống Nhất từng được mệnh danh là “xương sống của đất nước” và “cũng bởi vì nó đã kết nối hai miền đất nước Việt Nam thống nhất” như ngày nay.

Nhưng cuối cùng ông nhấn mạnh: “Tôi cho rằng ngày nay người dân là “xương sống của đất nước”. Đặc biệt là những người trẻ như các bạn. Tương lai, đất nước thuộc về các bạn!”.

Ông Trung nhận định rằng xuyên suốt bài phát biểu trước sinh viên VGU, Tổng thống Đức nhắc nhiều lần tới đoàn tàu Thống Nhất với hàm ý sâu xa.

“Đông Đức cộng sản và Tây Đức dân chủ đã thống nhất trên cơ sở tôn trọng quyền con người, không giống như Việt Nam thống nhất trên căn bản bạo lực và áp bức con người. Chính phủ Việt Nam coi cơ sở vật chất như đoàn tàu Bắc Nam, sắp tới có thể là đường sắt cao tốc Bắc Nam, là ‘xương sống của quốc gia”, ông Trung nói.

“Nhưng với tư duy của người Đức, con người mới là xương sống của quốc gia. Ở đầu và cuối bài phát biểu, hàm ý của Tổng thống Đức gửi tới thanh niên Việt Nam, theo tôi, thanh niên Việt Nam đam mê với những gì tiến bộ, sáng tạo, đổi mới mới chính là tương lai của đất nước”.

“Họ sẽ ‘tái tạo’ lại quốc gia trên nền tảng nhân bản, tiến bộ, và tôn trọng nhân quyền, bỏ lại những chủ nghĩa, tư duy lạc hậu lỗi thời mà nước Đức đã rũ bỏ vào năm 1989”, ông Trung đề cập đến việc thống nhất nước Đức khi bức tường Berlin sụp đổ.

🔝

Tin tức mà truyền thông Việt Nam không muốn, hay không được phép loan tải

Capture à partir de :baotiengdan

Thục Quyên

25-1-2024

Cuộc viếng thăm của Tổng thống Đức Steinmeier

Cuộc viếng thăm của Tổng thống Đức Steinmeier ngày 23 và 24-1-2024 đã được truyền thông Việt Nam đồng loạt hân hoan đưa tin kết quả mỹ mãn, tuy nhiên có những nhắn nhủ quan trọng của ông đã bị bỏ quên, không được thuật lại.

Thí dụ như trong bài nói chuyện tại Đại học Việt Đức (Bình Dương), Tổng thống Steinmeier nhắc đến nhiều chủ đề mà ông cho biết, rằng đó là các chủ đề đóng vai trò quan trọng trong cuộc thảo luận ngày hôm trước của ông ở Hà Nội với giới lãnh đạo chính trị Việt Nam (1). Xin trích dịch vài đoạn sau đây:

“Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong cộng đồng ASEAN. Việt Nam cũng rất tích cực tại Liên Hiệp quốc và có cam kết rõ ràng với chủ nghĩa đa phương cũng như trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Nước Đức chúng tôi ủng hộ những cam kết quốc tế này của Việt Nam.

Chúng tôi chờ đợi thấy việc Việt Nam là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc từ năm 2023 đến năm 2025, là một cam kết đối với sự phát triển của xã hội dân sự và tuân thủ nhân quyền.

Lẽ dĩ nhiên hệ thống chính trị và xã hội của chúng ta không giống nhau, và ngoài những gì kết nối Việt Nam với Đức, còn có một số điều khác biệt cản trở sự hợp tác của chúng ta hoặc gây nhiều lo ngại cho chúng ta, thí dụ như liên quan đến vấn đề tự do báo chí, tự do ngôn luận …

Trong lĩnh vực hợp tác kinh tế, chúng ta có nhiều mối quan tâm giống nhau: Hợp tác trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, chẳng hạn như trong việc chuyển đổi từ một quốc gia nông nghiệp sang một quốc gia công nghiệp, hỗ trợ tái cơ cấu sinh thái nguồn cung năng lượng của Việt Nam. Ngoài quan hệ đối tác quốc tế Chuyển đổi năng lượng công bằng JETP, chúng tôi cũng sẽ hỗ trợ song phương Việt Nam trong việc giải quyết nhiệm vụ khó khăn này…”

Chuyển đổi năng lượng công bằng JETP và 15,5 tỷ USD hỗ trợ

Vấn đề JETP Chuyển đổi năng lượng công bằng mà Tổng thống Steinmeimer nhắc tới, chính là đề tài quan trọng cho Việt Nam trong Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu quốc tế COP28 ở Dubai, từ ngày 30-11 đến ngày 13-12-2023, với khoảng 85.000 người tham gia, trong đó có hơn 150 nguyên thủ quốc gia và chính phủ, cùng các nhóm xã hội dân sự, doanh nghiệp, dân bản địa, thanh niên, các tổ chức từ thiện và các tổ chức quốc tế.

Trong một cuộc họp bên lề Hội nghị, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã công bố kế hoạch huy động nguồn lực để thực hiện Tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (Just Energy Transition Partnerships JETP ) giữa Việt Nam và Nhóm các Đối tác quốc tế (International Partners Group) (2).

Ông Chính tuyên bố, Việt Nam đã lập kế hoạch với các chính phủ và các đối tác cho vay thuộc G7, về cách sử dụng khoản tiền đã được thống nhất để cắt giảm việc sử dụng than.

Theo thỏa thuận đạt được hồi năm ngoái với các nhà đầu tư nước ngoài, chủ yếu là từ các thành viên G7, Việt Nam sẽ nhận được 15,5 tỷ USD, phần lớn là các khoản vay thương mại theo lãi suất thị trường, trong vòng 3 đến 5 năm, để tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo và cắt giảm sự phụ thuộc vào than đá.

Năm 2020, than chiếm 31% công suất ở Việt Nam; kế hoạch của Việt Nam sẽ giảm tỷ lệ đó xuống còn 20% vào năm 2030.

Theo tin từ truyền thông Việt Nam, đứng đầu là “Báo Điện tử chính phủ“ (3) lãnh đạo cấp cao các nước thành viên IPG đánh giá cao việc Việt Nam ban hành Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP, khẳng định sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về tài chính, kỹ thuật và nâng cao năng lực quản trị, đặc biệt nhấn mạnh Kế hoạch do Việt Nam xây dựng và làm chủ, phù hợp với yêu cầu và hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam.

Tuy nhiên, trong tuyên bố chung của Nhóm Đối tác Quốc tế (IPG) do Vương quốc Anh và EU đồng lãnh đạo, gồm Canada, Đan Mạch, Pháp, Đức, Ý, Nhật, Na Uy và Hoa Kỳ, bên cạnh lời hoan nghênh và ủng hộ kế hoạch của Việt Nam như truyền thông Việt Nam đăng tải, IPG còn khẳng định (4):

Xã hội dân sự cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy và chấp nhận các biện pháp, cũng như các tác động liên quan đến quá trình chuyển đổi năng lượng. Như đã nêu trong Tuyên bố Chính trị, điều quan trọng là xã hội dân sự phải được tích cực tham gia một cách minh bạch ở tất cả các giai đoạn của JETP, để bảo đảm quá trình chuyển đổi cần thiết sẽ diễn ra công bằng và toàn diện“.

Thủ tướng Đức còn nhấn mạnh: Chúng tôi mong muốn hợp tác chặt chẽ với chính phủ, xã hội dân sự và lĩnh vực tư nhân để bảo đảm một quy trình minh bạch và công bằng nhằm đạt được các mục tiêu chung của chúng ta.

Việt Nam thích ứng ra sao với lời đòi hỏi của IPG về sự tích cực tham gia của các nhóm xã hội dân sự?

Thủ tướng Phạm minh Chính phải đối diện với các tổ chức xã hội dân sự tham gia các sự kiện tại COP28 bao gồm: 350.org, Global Witness, International Rivers và CEED International. Các tổ chức này đã đồng loạt lên tiếng đòi hỏi nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho những người bảo vệ khí hậu đang bị cầm tù ở Việt Nam.

LS Đặng Đình Bách, nhà hoạt động môi trường đang lãnh án năm năm tù tại một phiên tòa diễn ra hồi tháng 8-2022. Nguồn: VOA

Trong thông cáo báo chí chung, Liên minh bảo vệ khí hậu viết (5): “Có một xu hướng đáng lo ngại liên quan đến việc hình sự hóa những người bảo vệ khí hậu trên khắp thế giới, đòi hỏi những người này phải được sự hỗ trợ tối đa của phong trào bảo vệ khí hậu. Bà Hoàng Thị Minh Hồng và LS Đặng Đình Bách là hai trong số những nhà hoạt động khí hậu nổi tiếng của Việt Nam hiện đang thụ án ở Việt Nam. Bà Hồng, cựu thành viên 350.org, chính thức bị kết án ba năm tù vì tội trốn thuế vào ngày 28-9-2023. Hôm nay, tại COP28, Việt Nam được đề cử cho giải thưởng “Ngày Hóa thạch” của Mạng lưới Hành động Khí hậu (CAN International) do vấn đề giam giữ tùy tiện các nhà hoạt động môi trường đang diễn ra”.

“Các thỏa thuận như JETP không thể được xem xét khi những người đấu tranh hết mình để bảo đảm một tương lai tốt đẹp hơn cho đất nước của họ lại bị bỏ tù. Chúng tôi kêu gọi trả tự do khẩn cấp cho bà Hồng và những người bảo vệ môi trường đang đấu tranh cho một hành tinh có thể sống được”.

“Trên khắp thế giới, không gian dân sự đang bị thu hẹp lại. Việc mọi người công khai chỉ trích chính sách của chính phủ, phản đối hoặc vận động hành lang cho công lý khí hậu, ngày càng mang nhiều rủi ro. Vì lên tiếng, nhiều người bị bức hại hoặc thậm chí bị bỏ tù. Kết quả cuối cùng của việc này là ở nhiều nơi, chúng ta không có sự tham gia dân chủ vào việc xây dựng những chính sách có ích lợi; chúng ta cũng không có sức mạnh của tiếng nói tập thể buộc những người ra quyết định phải chịu trách nhiệm, điều mà chúng ta vô cùng cần trong cuộc đấu tranh vì công lý khí hậu.

Chúng tôi đoàn kết với các đồng nghiệp Việt Nam trong việc kêu gọi chuyển đổi công bằng, đầy đủ và nhanh chóng sang năng lượng tái tạo, bảo vệ nhân quyền và cung cấp tài nguyên cho các quốc gia dễ bị tổn thương về khí hậu như Việt Nam”.

Cũng nhân hội nghị COP28, để đánh dấu tình trạng những người bảo vệ môi trường ở Việt Nam bị giam giữ tùy tiện, làm nổi bật khoảng cách giữa các cam kết của chính phủ và hành động thực tế, Mạng lưới Hành động Khí hậu (Clim ate Action Network International, CAN) đã chọn ngày 9-12-2023 để trao giải châm biếm “Hoá thạch của ngày” (6) cho Việt Nam, đáp lại bài công bố Kế hoạch huy động nguồn lực để thực hiện Tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng giữa Việt Nam và Nhóm các Đối tác quốc tế của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính.

Hiện tượng thông tin nửa vời của truyền thông Việt Nam có thể thành công với người Việt, nhưng không thể bịt mắt quốc tế.

Tóm lại, vụ bỏ tù LS môi trường Đặng đình Bách, báo hiệu con đường đi đến việc nhận 15,5 tỷ USD hỗ trợ để chuyển đổi năng lượng công bằng, sẽ khó xảy ra.

_________

Chú thích:

(1)bundespraesident

(2)reuters

(3)baochinhphu

(4)gov.uk

(5)internationalrivers

(6)climatenetwork

🔝

TNLT Nguyễn Như Phương tố bị cán bộ Trại tạm giam công an tỉnh BR-VT đánh đến "ho ra máu"

RFA

2024.01.22

Capture à partir de :RFA

TNLT Nguyễn Như Phương. Fb Nguyễn Phương

Giám thị Trại tạm giam công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (BR-VT) xin lỗi gia đình Nguyễn Như Phương vì quản giáo đã đánh ông, đề nghị không làm lớn chuyện.

Tù nhân lương tâm (TNLT) Nguyễn Như Phương (hay còn gọi là Nguyễn Phương, Phương Hàng Nhật), người bị kết án vềtội danh "tuyên truyền chống nhà nước,” nói với gia đình ông bị cán bộ quản giáo của Trại tạm giam công an tỉnh nằm ở huyện Long Điền dùng vũ lực.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, mẹ của ông Phương, cho biết gia đình có đến trại tạm giam thăm và gửi hai áo sơ mi vào ngày 20/11/2023.

Tuy nhiên, ông không nhận được hai cái áo này cho dù trong sổ ghi chép nhận quà có thể hiện. Ông Phương sau đó đi gặp quản giáo để chất vấn với mong muốn nhận lại quà của người thân nhưng lại bị chửi bới và đánh đập.

Ngày 3/1/2024, ông Phương bị chuyển đi Trại giam Xuyên Mộc để thi hành hai bản án "tuyên truyền chống nhà nước" và "tàng trữ, sử dụng ma tuý."

Hai ngày sau, bà Hà đến thăm con trai thì được kể lại vụ việc xảy ra ở trại tạm giam vào cuối tháng 11 năm ngoái. Bà Hà ngày 22/1 nói qua điện thoại với Đài Á Châu Tự Do (RFA) thuật lại lời con trai về việc bị quản giáo tên Nhật hành hung:

Ông đánh nó, ổng lấy cái chai nước khoáng chọi thẳng vào mặt của nó. Hai ba người (cán bộ trại giam- PV) ùa vô đánh nó rồi đưa nó nhốt vào phòng riêng.

Chiều hôm đó (không rõ ngày-PV), cán bộ quản giáo đưa Phương lên phòng làm việc và yêu cầu phải viết tường trình với nội dung gia đình không gửi áo. Ông Phương từ chối yêu cầu này thì bị nhóm công an tiếp tục xông vào đánh.

Bà Hà cho biết khi trở về buồng giam con trai bà bị ho ra máu, và cho đến nay vẫn còn đau ở bả vai và một số nơi khác trên cơ thể.

Ông Phương cũng bị quản giáo kỷ luật bằng hình thức không cho gặp gia đình trong tháng 12/2023, bà Hà cho biết thêm.

Bà Hà sau đó gọi điện cho cán bộ quản giáo tên Nhật để chất vấn việc đánh đập con bà thì người này thừa nhận có xảy ra vụ việc đó, nhưng cho rằng do ông Phương “ăn nói xấc xược,” và xin bà bỏ qua vụ việc.

Đến ngày 08/1, bà Hà lên trực tiếp Trại tạm giam Công an tỉnh để làm việc thì giám thị cơ sở giam giữ tên Luận đại diện xin lỗi gia đình và đề nghị bà không làm lớn vụ này.

Phóng viên gọi cho ông Nhật theo số di động gia đình cung cấp nhưng không thể kết nối. Phóng viên cũng gửi email tới Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu với đề nghị kiểm chứng thông tin, nhưng chưa nhận được ngay phản hồi.

Ông Nguyễn Như Phương, sinh năm 1991, tham gia nhóm No-U Sài Gòn, một nhóm ở thành phố Hồ Chí Minh có chủ trương chống "đường lưỡi bò" mà Trung Quốc tự ý vẽ ra nhằmtuyên bố chủ quyền bao trùm Biển Đông.

Ông sau đó đi làm việc kỹ sư ở Nhật, kinh doanh hàng hoá từ Nhật về Việt Nam và ngược lại.  Bên cạnh đó, ông nhiều lần tham gia các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc, phản đối dự thảo Luật Đặc khu và An ninh mạng... cùng với những người Việt đang sinh sống và học tập ở Nhật Bản.

Ông về nước để giải quyết một số chuyện cá nhân nhưng đến ngày 30/8/2022 thì bị bắt tạm giam với cáo buộc ban đầu là “tàng trữ và sử dụng ma tuý.” Sau đó, lại bị điều tra thêm về cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự vì trước đó đã đăng tải lên Facebook đoạn ghi âm cuộc nói chuyện của Giám đốc Công an tỉnh An Giang Đại tá Đinh Văn Nơi, trong đó ông này từ chối đưa lực lượng công an đàn áp người dân về quê trốn lệnh phong tỏa.

Trong phiên toà ngày 26/12/2022, ông Phương bị toà án tỉnh An Giang kết án năm năm tù giam và ba năm quản chế về tội danh thuộc chương An ninh quốc gia của BLHS.

Vào cuối tháng ba năm ngoái, ông lại bị toà án ở tỉnh Vũng Tàu kết án 15 tháng tù giam về tội danh liên quan đến ma túy mà gia đình ông cho là “nguỵ tạo” và “gài bẫy.” Trong phiên phúc thẩm sau đó, ông Phương nói hồ sơ vụ án có những bản khai nguỵ tạo chữ ký của ông, tuy nhiên, hội đồng xét xử vẫn giữ nguyên mức án.

🔝

TNLT Nguyễn Văn Hóa mãn án bảy năm tù

RFA

11/1/2024

Capture à partir de :RFA

Anh Nguyễn Văn Hóa. File photo

Tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hóa vào ngày 11/1/2024 mãn án bảy năm tù theo cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước” của cơ quan tố tụng Việt Nam. Anh về nhà tại xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh; nhưng còn phải chịu ba năm quản chế.

Thân nhân người vừa mãn án tù công khai thông tin trên tài khoản cá nhân mạng xã hội Facebook với lời cảm ơn “những bó hoa tươi đẹp đến từ những người bạn bè, người thân, người ở xa đã tặng em ấy ngày trở về; vui mừng trong tiếng cười và có những người rơi nước mắt vì hạnh phúc”.

Đài Á Châu tự do ngày 11/1 ra thông cáo về việc tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hóa mãn án tù về nhà với lời của Chủ tịch Bay Fang “RFA hoan nghênh việc Nguyễn Văn Hóa được trả tự do; anh bị bỏ tù một cách bất công tại Việt Nam suốt bảy năm và phải chịu quản giáo lạm quyền ngược đãi. Chúng tôi dù thấy nhẹ lòng khi anh Nguyễn Văn Hóa không còn trong nhà tù nữa; nhưng sự an nguy của anh vẫn là mối quan tâm của chúng tôi. Do đó, chúng tôi hy vọng anh Nguyễn Văn Hóa sẽ nhận được sự đối xử công bằng , đúng đắn khi chuyển sang một cuộc sống mới.”

Nguyễn Văn Hóa sinh năm 1995. Trước khi bị bắt vào tháng 1/2017, anh từng cộng tác với RFA, cung cấp các video về những vụ biểu tình của người dân miền Trung phản đối Nhà máy Hưng Nghiệp Formosa ở Vũng Áng, Hà Tĩnh xả thải trực tiếp ra biển gây ô nhiễm, làm hải sản chết hàng loạt từ năm 2016.

Vào ngày 17/11/2017, Tòa án Hà Tĩnh tuyên án Nguyễn Văn Hóa bảy năm tù và ba năm quản chế với cáo buộc tội ‘tuyên truyền chống Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”.

Tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hóa phải thi hành án tại Trại giam An Điềm ở tỉnh Quảng Nam.

Thông tin mà thân nhân nhận được từ chính Nguyễn Văn Hóa trong các cuộc thăm gặp cho biết anh từng bị phó Giám thị Trại giam Công an tỉnh Nghệ An đánh đập tại phòng cách ly của tòa khi ra làm chứng tại phiên xử một nhà hoạt động môi trường khác là ông Lê Đình Lượng hôi 16/8/2019. Lý do vì Nguyễn Văn Hóa phản cung.

Nguyễn Văn Hóa cũng cho gia đình biết từ ngày 22/2/2019 đến 6/3/2019 anh đã tuyệt thực để phản đối biện pháp đối xử của Trại giam.

Sau đó, vào ngày 12/5/2019, Hoá cho biết anh bị đánh trong Trại giam An Điềm và bị cùm chân 10 ngày, sau đó tiếp tục bị biệt giam sáu tháng.

Sau khi Nguyễn Văn Hóa bị bắt, vào ngày Tự do Báo chí Quốc tế 3/5/2017, hơn 20 tổ chức nhân quyền và an ninh mạng quốc tế ký tên vào bản kiến nghị thúc giục Việt Nam trả tự do ngay cho anh.

🔝

Vụ bắt theo cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” đầu năm 2024

2024.01.12

Capture à partir de :RFA

Ông Dương Mạnh Tiến bị công an bắt giữ. Công an Bình Định

Ông Dương Mạnh Tiến, 42 tuổi ở xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, vào ngày 10/1 bị bắt với cáo buộc tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, cá nhân.”

Cơ quan An ninh Điều tra (ANĐT) thuộc Công an tỉnh Bình Định tiến hành biện pháp vừa nêu đối với ông Dương Mạnh Tiến. Lực lượng chức năng đồng thời tiến hành khám xét nơi ở của ông này.

Cơ quan ANĐT khi bắt ông này thông tin rằng trong năm 2019 ông Dương Mạnh Tiến đã chiếm đất rồi xây dựng tại khu quy hoạch dân cư thuộc thôn Tân Phú, xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định.

Lực lượng chức năng tiến hành các biện pháp cưỡng chế; nhưng ông Dương Mạnh Tiến không chấp nhận và phản ứng. Những lời lẽ của ông này bị cơ quan chức năng cho là gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự xã hội, cũng như xâm phạm đến uy tín của cơ quan, tổ chức, xúc phạm danh dự của một số cá nhân.

Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Định cho biết, vào ngày 21/7/2023, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định ra thông báo việc chấm dứt tiếp nhận đơn và giải quyết vụ việc của ông Dương Mạnh Tiến.

Bản thân ông này khiếu nại cho rằng diện tích ông sử dụng do Nhà nước giao cho cha mẹ ông theo diện Di giãn dân kinh tế mới năm 1995. Vào năm 2003, ông dựng lều nhưng sau đó bị sập vì bão; đến năm 2006, ông xây móng nhà và đến tháng 3/2020 mới xây được nhà thế nhưng địa phương lập biên bản cho là trái phép.

Ông Dương Mạnh Tiến không chấp nhận và khiếu kiện.

Vụ án đối với ông này được khởi tố vào ngày 22/12/2023 và đến ngày 10/1 ông bị bắt giam.

Vụ bắt giữ ông Dương Mạnh Tiến như vừa nêu có thể được xem là vụ đầu tiên năm 2024 bắt theo cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, cá nhân” theo điều 331 Bộ Luật hình sự Việt Nam.

Điều luật này bị các tổ chức nhân quyền quốc tế cho là mơ hồ và cơ quan chức năng lạm dụng để dập tắt các tiếng nói bất đồng quan điểm với Nhà nước.

🔝

Nhân quyền Việt Nam: ‘Một năm u ám’

13 tháng 1 2024

Capture à partir de :BBC

Nguồn hình ảnh, HRW

Sáu nhà hoạt động và blogger đang bị giam giữ vì thực thi các quyền cơ bản của mình. Từ trái qua: Hoàng Thị Minh Hồng, Bùi Tuấn Lâm, Nguyễn Lân Thắng. Hàng dưới: Đặng Đăng Phước, Trần Văn Bang, Trương Văn Dũng.

Việt Nam vẫn chưa cải thiện được vị trí trong các bảng xếp hạng về nhân quyền của quốc tế.

Báo cáo toàn cầu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) 2024 công bố tại Bangkok hôm 12/1 tóm tắt tình hình nhân quyền của Việt Nam năm 2023 bằng từ ‘u ám’.

Trước đó, hôm 4/1, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng Việt Nam sẽ bị đưa vào danh sách Quan ngại Đặc biệt về tự do tôn giáo.

Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc khu vực châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết: “Chính phủ Việt Nam đã cố gắng mô tả mối quan hệ được cải thiện với Hoa Kỳ và các chính phủ khác như một giải pháp thay thế cho tình hình nhân quyền đang xấu đi trong nước. Các đối tác thương mại quốc tế và các nhà tài trợ của Việt Nam nên ngừng cho phép các tiêu chuẩn kép trắng trợn làm suy yếu áp lực buộc Hà Nội phải thực hiện nghĩa vụ nhân quyền của mình.”

Về quyền tự do biểu đạt: Việt Nam hiện đang giam giữ 160 người chỉ vì họ thực hiện các quyền dân sự và chính trị của mình một cách ôn hòa, báo cáo của HRW cho hay.

Trong 10 tháng đầu năm 2023, tòa án ở Việt Nam đã kết tội ít nhất 28 nhà hoạt động và tuyên họ các án tù dài hạn. Những người này gồm Trương Văn Dũng, Nguyễn Lân Thắng, Trần Văn Bang, Bùi Tuấn Lâm, Đặng Đăng Phước.

Cảnh sát đã giam giữ ít nhất 19 người trước khi xét xử với các cáo buộc có động cơ chính trị, trong đó có các cựu tù chính trị Nguyễn Hoàng Nam và Lê Minh Thể.

Năm 2023 là năm Việt Nam được ghi nhận đã mở rộng đối tượng đàn áp sang các nhà hoạt động xã hội dân sự.

Tháng 5/2023, Việt Nam bắt nhà hoạt động môi trường Hoàng Thị Minh Hồng với cáo buộc ‘không có thật’ về trốn thuế. Tháng 9/2023, bà Hồng – người từng được cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama khen ngợi là một lãnh đạo môi trường nhiệt huyết – bị tuyên án ba năm tù.

Về quyền tự do báo chí và quyền tiếp cận thông tin: Chính phủ Việt Nam cấm báo chí độc lập và đặt ra các quy định kiểm soát chặt chẽ các đài phát thanh, truyền hình và cơ quan xuất bản.

HRW tiếp tục bày tỏ quan ngại sâu sắc về sự đàn áp của Việt Nam đối với quyền tự do tiếp cận thông tin bằng cách gây áp lực với các nhà cung cấp mạng xã hội như Meta (Facebook và Instagram), Google, TikTok… để buộc họ gỡ bỏ nội dung chỉ trích chính phủ hoặc các lãnh đạo ĐCSVN.

Trong ba tháng đầu năm 2023, Meta đã ‘khóa và gỡ hơn 1.000 bài đăng có ‘nội dung xấu’, đạt 93% yêu cầu của chính phủ; “Google gỡ gần 1.700 video trên YouTube”. TikTok gỡ hơn 300 link và 47 tài khoản và kênh các nội dung xấu, theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Một bài báo trên Washington Post hồi tháng 6/2023 cho hay hai nhân viên của Meta tiết lộ rằng chính phủ Việt Nam ‘bóp nghẹt’ tự do báo chí. Theo đó, Meta “có một danh sách nội bộ các quan chức chính phủ Việt Nam không được để bị chỉ trích trên Facebook” và danh sách này “là thông tin nội bộ của công ty và chưa từng được công bố công khai”.

Về tự do tôn giáo: Chính quyền Việt Nam theo dõi, gây khó dễ và đàn áp các nhóm tôn giáo độc lập. Thành viên của các nhóm này bị sỉ nhục nơi công cộng, bị ép từ bỏ đạo, bị bắt giữ tùy tiện, bị tra khảo và bị bỏ tù sau các phiên tòa không công bằng.

Tính đến tháng 9/2021, chính phủ Việt Nam cho hay đã chính thức không thừa nhận 140 nhóm tôn giáo với khoảng một triệu tín đồ.

Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 11/1 đã yêu cầu Mỹ không đưa Việt Nam vào danh sách Theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo và thay vì thế cần ‘đánh giá vấn đề một cách khách quan’.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Phạm Thu Hằng, nói: “Việt Nam lấy là tiếc và đề nghị Mỹ ngưng việc đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi đặc biệt liên quan đến tự do tôn giáo”, và nói thêm rằng việc này cần được “đánh giá một cách khách quan dựa trên các thông tin chính xác và toàn diện về tự do tôn giáo ở Việt Nam”.

“Việt Nam sẵn sàng thảo luận với Mỹ về các vấn đề quan tâm chung trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở và tôn trọng lẫn nhau để góp phần phát triển quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện vì hoà bình, hợp tác và phát triển.”

🔝

Văn bút Mỹ (Pen America) lên tiếng về trường hợp nhà báo Lê Hữu Minh Tuấn

2024.01.03

Capture à partir de :RFA

Tù nhân lương tâm Lê Hữu Minh Tuấn. RFA edited

Tổ chức Văn bút Mỹ (PEN America) hôm 2/1/2024 bày tỏ quan ngại sâu sắc về sức khoẻ của nhà báo Lê Hữu Minh Tuấn, biên tập viên và là thành viên Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam (IJAVN), đang sa sút nghiêm trọng kể từ khi bị bắt vào tháng 1/2021, đồng thời kêu gọi Chính phủ Việt Nam hãy ngay lập tức phóng thích, hủy bỏ mọi cáo buộc, và chăm sóc y tế thiết yếu cho Lê Hữu Minh Tuấn.

Bà Anh-Thu Vo, Điều phối viên Nghiên cứu và Vận động của Văn bút Mỹ trong thông cáo báo chí khẳng định:

“Tình trạng sức khỏe suy giảm nhanh chóng của Lê Hữu Minh Tuấn, càng trầm trọng hơn do bị lơ là trong việc chăm sóc y tế và bị giam giữ vô cớ, là một lời nhắc nhở kinh hoàng về sự nguy hiểm của việc đấu tranh cho quyền tự do biểu đạt ở Việt Nam."

Cho rằng, "các xã hội lành mạnh, hưng thịnh phụ thuộc vào quyền tự do ngôn luận để thông tin có thể được chia sẻ, trao đổi suy nghĩ và phát triển ý tưởng," đại diện Văn bút Mỹ cho rằng, Chính phủ Việt Nam "rất cần được lắng nghe ý kiến từ những người như Tuấn, người khuyến khích sự phê phán và thường đóng vai trò là người dẫn dắt dư luận. Chính phủ Việt Nam phải đảm bảo an toàn cho Lê Hữu Minh Tuấn bằng cách trả tự do ngay lập tức cho ông.”

Ông Tuấn, 34 tuổi, bị kết án 11 năm tù theo Điều 117 Bộ luật Hình sự về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước”. Ông bị bắt cùng với hai lãnh đạo khác của IJAVN, trong đó có ông Nguyễn Tường Thuỵ - một blogger của Đài Á Châu Tự Do.

Theo thông tin gia đình cung cấp cho RFA, trong buổi thăm gặp ngày 26/12 vừa qua tại Trại giam ở huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, gia đình nhận thấy ông Tuấn chỉ còn da bọc xương, xanh xao. Ông Tuấn cho biết không thể ăn bất cứ gì, chỉ có thể uống sữa với cháo loãng để cầm cự; vì ăn gì vào cũng không thể tiêu hóa.

Ông Tuấn tự đi ra gặp người thân được nhưng chậm chạp và gắng gượng, đồng thời nhắn lại rằng bản thân "chịu hết nổi rồi, không thể cầm cự được nữa.”

Các tổ chức quốc tế như Phóng viên Không biên Giới, Theo dõi Nhân quyền sau khi biết tin này đã có phản ứng, kêu gọi Chính phủ Việt Nam huỷ bỏ cáo buộc và trả tự do cũng như cung cấp chăm sóc y tế cần thiết cho ông Tuấn.

Trong Chỉ số Tự do Viết lách năm 2022 của PEN America, Việt Nam đứng ở vị trí thứ tư sau Trung Quốc, Iran và Ả Rập Saudi vì bỏ tù số lượng nhà văn nhiều nhất trên toàn cầu.

Vào tháng 10 năm 2023, Văn bút Mỹ đã đệ trình một báo cáo chung cho kỳ Kiểm Định Định Kỳ Phổ Quát (UPR) về Việt Nam, nêu rõ những lo ngại về các mối đe dọa đối với quyền tự do ngôn luận và các vi phạm nhân quyền khác.

Bản đệ trình này gửi lên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhấn mạnh việc bỏ tù bất công đối với quyền tự do ngôn luận thông qua việc chính phủ vũ khí hóa Bộ luật Hình sự.

🔝

Mạng lưới Nhân quyền VN: Chính phủ ngược đãi người thiểu số Tây Nguyên một cách có hệ thống!

RFA

2023.11.20

Capture à partir de :RFA

Ngày 20-2-2023, người dân tộc thiểu số K’Ho ở thôn K’Ren, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng biểu tình đòi đất bị cảnh sát cơ động đàn áp. Người Thượng Vì Công lý

Chính quyền Cộng sản Việt Nam tiếp tục kỳ thị và ngược đãi người Thượng ở Tây Nguyên một cách có hệ thống, theo Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam việc này "bắt nguồn từ sự nghi ngờ lòng trung thành của họ đối với chế độ hiện hành."

Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam (VNHRN), tổ chức phi chính phủ có trụ sở ở Hoa Kỳ hôm 18/11 công bố Báo cáo Nhân quyền tại Việt Nam 2022-2023 (gọi tắt là Báo cáo) qua đó nêu bật sự đàn áp của nhà nước độc đảng đối với những sắc dân bản địa ở Tây Nguyên.

Tiến sỹ Nguyễn Bá Tùng, Trưởng Ban điều hành của VNHRN cho hay, chính quyền do đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo từ sau 1975 ngược đãi các sắc dân thiểu số ở Tây Nguyên một cách có hệ thống như lấy đất đai để cho các công ty lớn khai thác và di dân ồ ạt từ các tỉnh thành dẫn đến một số vụ nổi dậy của người dân bản địa, đặc biệt là vụ tháng 6 vừa qua ở Đắk Lắk.

Theo ông, bên cạnh việc cướp đất đai của người bản địa, Hà Nội cũng không cho họ quyền tự do tôn giáo. Ông Tùng giải thích với RFA trong ngày 18/11:

Chính quyền cho rằng chính các tổ chức tôn giáo trong cộng đồng người sắc tộc là đầu mối của tình trạng bất an đó và họ thẳng tay đàn áp bằng nhiều hình thức như: bắt bớ những lãnh đạo tôn giáo người sắc tộc với những tội danh như ‘phá hoại chính sách đoàn kết dân tội’ hoặc ‘tuyên truyền chống nhà nước’ như đối với ông Y Wo Niê, người mà chúng tôi trao giải Nhân quyền năm nay.”

Ông cho biết trong nhiều thập niên qua, rất nhiều người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên theo đạo Tin Lành nhưng trong nhiều năm gần đây, nhà nước còn bắt ép họ bỏ đạo nhất là đối với những người trong các tổ chức tôn giáo chưa đăng ký.

Theo Báo cáo, Hà Nội chỉ công nhận 10 tổ chức thuộc Tin Lành và coi khoảng 70 tổ chức còn lại là bất hợp pháp. Về quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng nói chung, Tiến sỹ Nguyễn Bá Tùng nhận định:

Chính quyền đã xâm nhập sâu hơn các tổ chức tôn giáo. Giáo hội Phật giáo Việt Nam bây giờ chỉ là công cụ của nhà nước biến chất thành hủ tục mê tín dị đoan. Nhà nước tìm cách xoá xổ các nhóm tôn giáo không được thừa nhận.”

Báo cáo cho rằng, hành động của các cơ quan chức năng Việt Nam bắt nguồn từ sự nghi ngờ lòng trung thành của các sắc dân thiểu số ở Tây Nguyên đối với chế độ.

Trong thời gian trước 1975, những nhóm sắc dân nầy đã có nhiều liên hệ với chính quyền Miền Nam cũng như quân đội Hoa Kỳ, và sau 1975 chính quyền cộng sản luôn coi việc theo đạo Tin Lành của dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên như là một mối đe dọa chính trị đối với chế độ.

Cũng theo Báo cáo, đối với sắc dân thiểu số Khmer ở một số tỉnh thuộc Đồng bằng Sông Cửu Long, chính quyền còn đi xa hơn nữa khi nhân danh “sự thống nhất quốc gia” để phủ nhận quyền của người Khmer Krom.

Trong năm 2022-2023, ít nhất có sáu người Khmer Krom bị câu lưu, tra hỏi và cáo buộc vi phạm luật hình sự, trong lúc họ chỉ tìm cách phổ biến các tài liệu của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền trong đó có Tuyên bố về quyền của người bản địa (DRIP).

Luật sư cũng phải trốn chạy

Tiến sỹ Nguyễn Bá Tùng cho biết vi phạm các quyền trong lĩnh vực tư pháp ở Việt Nam rất trầm trọng và bản thân luật sư cũng không thể tự bảo vệ mình. Ông nói với RFA:

Việc vi phạm thủ tục tố tụng rồi nạn chạy án gia tăng, các luật sư cũng phải trốn chạy, như các luật sư của Thiền am bên bờ vũ trụ phải chạy sang Mỹ tị nạn là một bằng chứng.”

Ba luật sư bào chữa cho những người tu tại gia của Tịnh thất Bồng Lai (Thiền am bên bờ vũ trụ) gồm các ông Đặng Đình Mạnh, Nguyễn Văn Miếng, Đào Kim Lân đến Mỹ tị nạn hồi tháng 6 sau thông báo truy tìm của Công an tỉnh Long An.

Một luật sư bảo vệ cho các thân chủ trong các vụ án chính trị là ông Võ An Đôn hồi tháng rồi cũng đến tị nạn chính trị tại tiểu bang Arkansas, Hoa Kỳ sau một năm bị Bộ Công an cấm xuất cảnh, ngăn chặn ông đi định cư.

Trong khi đó, hầu hết các luật sư còn lại cũng bị các cơ quan tố tụng như công an điều tra, Viện Kiểm sát, và ngay cả Hội đồng Xét xử chèn ép, và nhiệm vụ của họ trong hầu hết các vụ án chỉ là xin khoan hồng cho thân chủ.

Báo cáo khẳng định,  “Nền tư pháp Việt Nam què quặt không những ở số lượng luật sư ít ỏi, trình độ nhận thức nghề nghiệp và kỹ năng chuyên môn của đa số luật sư còn thấp, mà nhất là vì sự lệ thuộc của tổ chức những người hành nghề luật sư vào Đảng CSVN.

Người hoạt động môi trường bị tống giam

Trong thời gian từ giữa năm 2021 đến nay, có năm (05) nhà hoạt động môi trường và lãnh đạo xã hội dân sự bị tống giam về tội danh “trốn thuế” trong khi chuyên gia về năng lượng sạch Ngô Thị Tố Nhiên bị bắt với cáo buộc “chiếm đoạt tài liệu.”

Các ông Đặng Đình Bách, Mai Phan Lợi, Bạch Hồng Dương và các bà Nguỵ Thị Khanh, Hoàng Thị Minh Hồng bị kết án đến năm năm tù giam. Hiện luật sư Đặng Đình Bách đang bị chèn ép bởi quản giáo trong Trại giam số 6 (tỉnh Nghệ An).

Tiến sỹ Nguyễn Bá Tùng nói:

Về quyền được hưởng môi sinh lành mạnh, Nhà nước hô hào và được viện trợ hàng chục tỷ đô la để cải thiện môi trường sống nhưng họ lại tống giam những người hoạt động môi sinh có khả năng nhất và những tội danh vu khống như là tội trốn thuế chẳng hạn.”

Ông tổng kết về tình hình nhân quyền Việt Nam trong năm qua:

Báo cáo năm nay cho thấy mức vi phạm của Nhà nước Việt Nam đối với các cái quyền căn bản của người dân trầm trọng hơn, từ quyền an ninh thân thể, quyền được xét xử bởi tòa án độc lập, quyền được tham gia đời sống chính trị, quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo an sinh…”

Phóng viên gửi email cho Bộ Ngoại giao Việt Nam với đề nghị bình luận về Báo cáo Nhân quyền tại Việt Nam 2022-2023 nhưng chưa nhận được ngay phản hồi.

Trong những năm trước, Bộ Ngoại giao Việt Nam thường im lặng về báo cáo của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam.

Chỉ có một số tờ báo dưới sự quản lý chặt chẽ của Ban Tuyên giáo Trung ương thường viết bài với nội dung coi các báo cáo này “xuyên tạc phản ánh một cách phiến diện, thiếu khách quan, minh bạch về thực tiễn tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam.”

🔝

Luật sư Võ An Đôn kêu gọi thành lập “Phiên toà Nhân dân” để xét xử quan chức cộng sản

RFA

2023.11.09

Capture à partir de :RFA

Luật sư Võ An Đôn kêu gọi thành lập “Phiên toà Nhân dân” để xét xử quan chức cộng sản

Luật sư Võ An Đôn khi còn ở Việt Nam. Photo: RFA

Luật sư Võ An Đôn, người cùng gia đình rời Việt Nam sang tị nạn chính trị tại Hoa Kỳ vào cuối tháng trước cho rằng, một phiên tòa có bồi thẩm đoàn là người dân trong và ngoài nước có tác dụng răn đe các quan chức cộng sản vi phạm nhân quyền.

Ông Võ An Đôn, 46 tuổi, được nhiều người biết đến sau khi tham gia bảo vệ quyền và lợi ích của bị hại trong vụ án năm công an dùng nhục hình khiến nạn nhân Ngô Thanh Kiều tử vong ở Phú Yên.

Ông bị rút thẻ hành nghề luật sư sau khi thường xuyên trả lời phỏng vấn các báo đài tiếng Việt về các vấn đề của đất nước, bảo vệ cho nhiều thân chủ là người hoạt động nhân quyền... và có các phát ngôn về nghề luật sư ở trong nước.

Hôm 3/11, ông viết trên trang Facebook cá nhân kêu gọi các luật sư đang tị nạn Mỹ thành lập “Đoàn Luật sư Việt Nam Hải ngoại” và “Phiên toà Nhân dân” nhằm trợ giúp người dân trong nước và răn đe quan chức nhúng chàm. Ý tưởng này được nhiều người đón nhận và chia sẻ, bên cạnh ý kiến cho rằng điều này là "ngây ngô."

Theo ông Đôn, việc tập hợp các luật sư có lòng với đất nước chỉ với mục đích dùng kiến thức pháp luật để tư vấn pháp lý miễn phí cho người dân cũng như các vấn đề bức xúc trong nhân dân, và khai dân trí, phổ biến kiến thức cho người dân để xã hội văn minh hơn.

Ông chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 08/11:

Nhu cầu trợ giúp pháp lý trong nước rất là lớn bởi vì người dân rất cần luật sư trợ giúp, đặc biệt trong những vụ án bị cưỡng chế đất đai, tranh chấp đất đai, các quan chức nhà nước thu hồi đất đai… tranh chấp, khiếu nại, tố cáo rất là nhiều.”

Bên cạnh đó, các thành viên của “Đoàn Luật sư Việt Nam Hải ngoại” có thể bình luận hoặc có bài viết phân tích để người dân xem về những vụ án hoặc những hành vi mà dư luận trong nước quan tâm.

Ông cho rằng hệ thống toà án ở Việt Nam là công cụ của Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền để xét xử người dân trong khi các quan chức được bao che nên họ thường được bỏ qua tội trạng hoặc chỉ phải chịu những mức án nhẹ không tương xứng với hành vi phạm tội mà họ đã thực hiện.

Một ví dụ điển hình ông nêu ra là vụ án "Chuyến bay giải cứu," trong đó nhiều quan chức của Bộ Ngoại giao, Bộ Công an cấu kết với một số doanh nghiệp và chính quyền một số địa phương để hồi hương người Việt từ nước ngoài với giá vé máy bay cao ngất ngưởng, sau đó họ bị nhét vào các khu cách ly với chi phí ăn ở rất đắt.

Trong vụ án Chuyến bay giải cứu, thiệt hại của người dân rất là lớn nhưng (quan chức bị- PV) xử rất nhẹ. Luật pháp quy định rõ ràng các chế tài rất nặng nhưng trong thực tế bản án rất nhẹ và thiệt hại của người dân không được bồi thường theo luật pháp khiến người dân rất bức xúc.”

Ngoài ra, Phiên toà Nhân dân cũng sẽ có thể được thành lập dùng để xét xử các quan chức công bằng và nghiêm khắc hơn.

Tôi có ý tưởng cùng các luật sư khác thành lập phiên toà nhân dân, một phiên toà đúng nghĩa là của nhân dân, chứ không phải như các phiên toà nhân dân trong nước dùng luật pháp Việt Nam để xét xử quan chức Việt Nam giống như toà án quốc tế xử Putin (đương kim Tổng thống Liên bang Nga- PV) vừa rồi.

Hội đồng xét xử là các luật sư còn bồi thẩm đoàn là người dân trong nước và ngoài nước.”

Theo ông, hồ sơ và các chứng cứ của phiên toà này dựa vào kết quả điều tra của cơ quan công an, cáo trạng của Viện Kiểm sát, và thông tin bổ sung từ báo chí, điều tra trực tiếp từ những người liên quan trong vụ án.

Để tránh oan sai, Phiên toà Nhân dân chỉ hoạt động khi có chứng cứ rõ ràng.

Ông nói về tác dụng răn đe của phiên toà dạng này:

Chúng tôi không có nhà nước, không có quân đội, không có cảnh sát, không có nhà tù nên việc cưỡng chế thi hành bản án rất là khó. Nhưng bản án này thể hiện đúng luật pháp, dùng luật pháp Việt Nam và ý chí nguyện vọng của nhân dân Việt Nam cho nên nó có tác dụng răn đe rất là lớn.

Bản án này mà khi tuyên một ai đó vi phạm pháp luật hình sự Việt Nam thì tôi nghĩ rằng dù người đó có chức quyền lớn bao nhiêu cũng phải khiếp sợ về ý chí của người dân trong bản án này.”

Theo luật sư Võ An Đôn, các luật sư mới từ Việt Nam sang tị nạn tại Mỹ có thể tham gia, rồi sau đó mạng lưới có thể được mở rộng với sự tham dự của các luật sư khác ở Mỹ và trên thế giới.

Ông nói giới luật sư ở Việt Nam có thể không thể tham gia ngay nhưng họ có thể âm thầm đóng góp cho công việc chung. Ông cho biết đã chia sẻ ý tưởng với nhiều luật sư và nhận được sự đồng tình và khích lệ từ họ.

Ông cũng cho rằng đây mới chỉ là ý tưởng ban đầu, và cần sự bàn bạc, thống nhất với các luật sư khác để xây dựng chi tiết dự án để biến thành khả thi.

Giới luật sư nói gì?

Luật sư Đặng Đình Mạnh, người tham gia bào chữa cho các thành viên tu tại gia của Tịnh thất Bồng Lai nhưng bị buộc đi tị nạn ở Hoa Kỳ từ giữa năm nay, cho biết “Phiên tòa Nhân dân” như đề nghị của đồng nghiệp Võ An Đôn là một cách thức đấu tranh mới, đầy sáng tạo và cũng là cách “chia lửa” với những người đang dấn thân tranh đấu vì những giá trị tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam.

Ông nói với RFA trong tin nhắn:

Khi nghe luật sư Đôn chia sẻ ý tưởng này, tôi đã hết sức tán thưởng và đồng tình ngay. Trong hoàn cảnh chưa thể chính thức thiết lập tòa án để xét xử tội ác chế độ Cộng sản, thì những ‘Phiên tòa Nhân dân’  xét xử theo đúng các tiêu chuẩn luật pháp văn minh sẽ đều mang ý nghĩa tích cực cả.

Một mặt giúp công chúng có cái nhìn về tội ác của chế độ cộng Sản dưới góc độ pháp lý, chứ không phải chỉ là sự phê phán chung chung, đầy chất cảm tính. Mặt khác, không chỉ tích cực đối với công chúng, mà ngay cả những bị cáo, những tên tội phạm trong nước bị đưa ra xét xử trong ‘Phiên tòa Nhân dân’  cũng sẽ phải biết đối diện với những tội trạng như thế nào và hình phạt đối với chúng ra sao để mà chuẩn bị hung hăng hơn hoặc chùn tay trước tội ác.”

Theo ông, phán quyết từ những phiên tòa như thế này cũng sẽ là cách thức khẳng định tính không chính danh của chế độ Cộng sản trong việc cướp chính quyền, nắm giữ quyền lực quốc gia và tham tàn, thu vén tài nguyên quốc gia làm của riêng.

Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng không chỉ các luật sư phải lưu vong ra hải ngoại, mà hầu hết đồng bào quốc nội, những người đang là nạn nhân trực tiếp của chế độ cộng sản và đồng bào người Việt phải tị nạn tại hải ngoại để tìm kiếm tự do sẽ đều đồng tình với ý tưởng thiết lập “Phiên tòa Nhân dân” của luật sư Võ An Đôn.

Tôi đã đề nghị luật sư Võ An Đôn, với tư cách tác giả, nên phác thảo ý tưởng thành phương án để có cơ sở đưa góp ý chung với các đồng nghiệp, kể cả tham khảo ý kiến các vị đã hoặc đang từng làm việc trong ngành tư pháp Việt Nam trước đây hoặc tại hải ngoại. Đến khi có phương án khả thi thì công bố chính thức ra công chúng.”

Luật sư Ngô Anh Tuấn, người từng tham gia bào chữa cho nhiều nhà hoạt động và đang sinh sống ở Hà Nội cho rằng, ý tưởng của luật sư Võ An Đôn “rất ngây thơ về mặt pháp lý, cả về pháp luật Việt Nam cũng như luật pháp quốc tế” và “khả năng thực hiện được là khó vì nó không nhận được sự đồng thuận của những người am hiểu về pháp lý.”

Về sự tham gia của luật sư trong nước, ông nói trong tin nhắn gửi RFA trong ngày 08/11:

Luật sư đang hành nghề hợp pháp ở Việt Nam gần như chắc chắn 100% không có ai tham gia, nếu họ không muốn bị chấm dứt hành nghề, thậm chí bị bắt ngay lập tức.

Ngay cả tôi, tôi là người ngay thẳng, ngang tàng nhưng tôi không hành xử kiểu lấy trứng chọi đá một cách bất chấp và ngây ngô như vậy.”

Từ Canada, luật sư Vũ Đức Khanh cho rằng đề nghị của ông Đôn khá thú vị nhưng còn quá sớm để nhận định về tính khả thi.

🔝