Thuận theo thời mà phát triển
Chính trị là nghệ thuật của khả năng
Ân xá Quốc tế mở chiến dịch viết thư kêu gọi nhà nước Việt Nam trả tự do cho bà Nguyễn Thuý Hạnh
Nhà hoạt động Nguyễn Thuý Hạnh mắc ung thư giai đoạn hai khi đang điều trị tâm thần bắt buộc
Hơn 200 người ký kiến nghị thư đề nghị miễn trách nhiệm hình sự cho nhà hoạt động Nguyễn Thuý Hạnh
RSF, HRW kêu gọi Việt Nam trả tự do cho ông Lê Hữu Minh Tuấn
RSF kêu gọi trả tự do cho nhà báo Lê Hữu Minh Tuấn đang suy kiệt trong tù
Mỹ tiếp tục liệt Việt Nam vào danh sách Theo dõi Đặc biệt về tự do tôn giáo
HRW: 2023 là năm u ám về nhân quyền tại Việt Nam
RFA
2021.06.18
Capture à partir de :RFA
Bà Nguyễn Thuý Hạnh. FB Nguyễn Thuý Hạnh
Tổ chức nhân quyền Ân xá Quốc tế hôm 17 tháng 6 công bố lời kêu gọi hành động khẩn cấp đến với 10 triệu thành viên của tổ chức này trên toàn cầu, phát động chiến dịch viết thư nhằm yêu cầu chính quyền Việt Nam trả tự do cho nhà hoạt động Nguyễn Thuý Hạnh.
Theo Ân xá Quốc tế, bà Nguyễn Thuý Hạnh là một tù nhân lương tâm, bị cầm tù chỉ vì thực hành các quyền con người của mình một cách ôn hoà và làm các công việc thiện nguyện, và cần phải được trả tự do ngày lập tức và vô điều kiện.
Trong thông cáo báo chí của tổ chức này đưa ra một ngày sau khi bà Nguyễn Thuý Hạnh bị bắt, bà Ming Yu Hah, Phó giám đốc Khu vực phụ trách chiến dịch, tuyên bố:
“Vụ bắt giữ bà Nguyễn Thuý Hạnh có tính chất trơ trẽn và mang động cơ chính trị nhằm bịt miệng một trong những nhà hoạt động nhân quyền tiêu biểu nhất ở Việt Nam.”
Bà Nguyễn Thuý Hạnh là người sáng lập Quỹ 50k, một quỹ tài chính nhằm giúp đỡ gia đình của các tù nhân chính trị ở Việt Nam. Bà cũng từng tham gia tự ưng cử trong kỳ bầu cử quốc hội khoá XIV năm 2016 nhưng không thành công.
Chính quyền Việt Nam bắt giữ bà Nguyễn Thuý Hạnh ngày 7 tháng 4 năm 2021 với cáo buộc tội danh “làm, tàng trữ, phát tát hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117 của Bộ Luật Hình sự năm 2015.
Điều 117 của Bộ Luật Hình sự 2015 đã bị nhiều tổ chức nhân quyền trên thế giới chỉ trích là công cụ để Nhà nước trấn áp và trừng phạt những người bất đồng chính kiến và nhà hoạt động trong nước. Từ đầu năm đến nay thì đã có ít nhất năm người bị bắt và khởi tố bởi điều luật này.
Tổ chức Ân xá Quốc tế được thành lập năm 1961 ở thủ đô London, nước Anh, tổ chức này có phạm vi hoạt động trên toàn thế giới, với sứ mệnh bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền khắp nơi và cho tất cả mọi người.
2024.01.25
Capture à partir de :RFA
Bà Nguyễn Thuý Hạnh. Facebook/ Nguyễn Thuý Hạnh
Nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng Nguyễn Thuý Hạnh, người từng ra tự ứng cử Đại biểu Quốc hội năm 2016, phát hiện bị mắc ung thư cổ tử cung giai đoạn hai, trong khi đang bị bắt buộc điều trị tâm thần.
Cơ quan An ninh Hà Nội bắt tạm giam bà Hạnh đầu tháng 4/2021 với cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước.” Một năm sau đó, công an buộc bà phải đi điều trị bệnh trầm cảm tại Viện Pháp Y Tâm thần Trung ương.
Nhà báo kỳ cựu Huỳnh Ngọc Chênh, chồng bà Hạnh, thông báo trên Facebook cá nhân thông tin về bệnh ung thư của bà, gọi đây là “tai hoạ nặng nề khủng khiếp” đối với bà và là “hậu quả của hơn một năm bị đày đoạ khốc liệt trong Trại tạm giam số 2 của Công an Hà Nội.”
Ông viết “nơi tạm giam những người bị nghi là vi phạm pháp luật để phục vụ điều tra” đã bị biến thành “nơi trả thù, nơi khủng bố tinh thần và thể xác các nghi can qua điều kiện giam giữ sinh hoạt ăn uống vô cùng tệ hại. Người bị tạm giam phải uống nước bẩn, ăn thức ăn dơ bẩn mà bên ngoài đến heo chó cũng không muốn ăn.”
Trong trại tạm giam từ khi bị bắt đến khi bị chuyển đi điều trị bắt buộc ở Viện Pháp Y Tâm thần Trung ương, bà Hạnh hoàn toàn không được gặp người nhà hay luật sư, không được nhận thức ăn gia đình gửi vào.
Trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng nổ ở Việt Nam, trại tạm giam chỉ cho thân nhân duy nhất là ông Chênh mua ký gởi đồ thăm nuôi hàng tháng thông qua căng-tin của trại với giá bán rất cao so với bên ngoài, nhưng chất lượng thực phẩm thì tệ hại không khác gì khẩu phần ăn hàng ngày mà trại phát cho người bị tạm giam.
Chỉ có nước lọc đóng chai và sữa tươi mua của căng-tin thì bà Hạnh sử dụng được nhưng trại giam chỉ cho phép thân nhân gửi mỗi tháng không quá năm chai nước lọc và năm hộp sữa. Chính vì vậy bà Hạnh buộc phải uống nước bẩn trong bể nước tắm của phòng giam.
“Sống hơn một năm trong trại tạm giam, đưa vào người những thức ăn và nước uống dơ bẩn, độc hại, đã đưa đến hậu quả nặng nề mà ngày nay Hạnh phải nhận lãnh,” ông viết.
Hiện nay, Viện Pháp y Tâm thần hàng ngày đưa bà Hạnh đến Viện K để khám và xạ trị, nhưng đã hơn một tuần trôi qua mà bà Hạnh vẫn chưa được xạ trị vì bệnh viện quá tải và phải chờ.
Cựu tù nhân lương tâm Lê Anh Hùng, người từng có thời gian bị buộc chữa trị ở Viện Pháp y Tâm thần Trung ương và tiếp xúc với bà Hạnh ở trong đó, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 25/1:
“Nhà hoạt động Nguyễn Thị Hạnh bị bắt trong một hoàn cảnh cũng rất đáng lên án bởi vì chị là người hoạt động ôn hoà điển hình. Việc bắt chị bỏ tù chị trong lúc chị bị bệnh trầm cảm làm cộng đồng rất bất bình.
Giờ chị bị bệnh ung thư nữa thì quả thực là trường hợp Nguyễn Thuý Hạnh đánh động lương tri của rất nhiều người và tôi cũng rất mong là cộng đồng trong và ngoài nước cũng quan tâm đến trường hợp của chị, vận động và yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do cho chị để chị có thể chữa bệnh ở trong hoặc ngoài nước.”
Bà Hạnh không cho gia đình công bố thông tin bà bị mắc ung thư vì muốn dư luận chú ý đến các tù nhân lương tâm khác. Tuy nhiên, vì tình trạng bệnh tật diễn biến nghiêm trọng nên ông Huỳnh Ngọc Chênh quyết định lên tiếng để đánh động sự quan tâm của các tổ chức trong và ngoài nước để bà Hạnh có thể được chữa trị kịp thời.
Phóng viên gọi điện thoại cho Viện Pháp y Tâm thần Trung ương vào trưa 25/1 để hỏi về trường hợp của bà Hạnh, tuy nhiên người trực máy yêu cầu phóng viên lên trực tiếp cơ quan để làm việc.
Nhà hoạt động Nguyễn Thuý Hạnh (Fb)
Điều 62 của Bộ luật hình sự 2015 quy định, người mắc bệnh hiểm nghèo được miễn chấp hành án phạt tù, hay Điều 67 quy định người bị bệnh nặng thì "được hoãn thi hành án cho đến khi sức khỏe được hồi phục," tuy nhiên lại không định nghĩa "bệnh hiểm nghèo" hay "bệnh nặng" là bệnh cụ thể gì.
Chỉ có Nghị quyết số 02 năm 2018 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo, định nghĩa mắc bệnh hiểm nghèo là "trường hợp mà bệnh viện cấp tỉnh, bệnh viện quân đội cấp quân khu trở lên có kết luận là người được hưởng án treo đang bị bệnh nguy hiểm đến tính mạng, khó có phương thức chữa trị, như: Ung thư giai đoạn cuối, xơ gan cổ trướng, lao nặng độ 4 kháng thuốc, v.v..."
Phóng viên hôm 25/1 đề nghị tổ chức Liên minh xã hội dân sự toàn cầu (CIVICUS) bình luận về thông tin bà Nguyễn Thuý Hạnh mắc ung thư nhưng chưa được chữa trị, thì ông Josef Benedict, chuyên gia vận động cho không gian dân sự khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của tổ chức này bày tỏ vô cùng quan ngại về tình cảnh của bà.
Ông Benedict cho rằng, việc bà Hạnh phải đối mặt với sự ngược đãi về tâm lý khi bị giam giữ và bị giam trong điều kiện vô nhân đạo không có thức ăn phù hợp và nước uống sạch theo như báo cáo là vi phạm rõ ràng Công ước chống tra tấn của Liên Hiệp quốc mà Việt Nam đã phê chuẩn.
"Điều đáng lo ngại hơn nữa là có thông tin cho rằng bà hiện đang mắc bệnh ung thư cổ tử cung. Chúng tôi kêu gọi chính quyền trả tự do cho bà để bà có thể được tiếp cận đầy đủ và ngay lập tức với dịch vụ chăm sóc y tế phù hợp.
Nhà chức trách cũng phải hủy bỏ cáo buộc ngay lập tức và vô điều kiện đối với bà cũng như thực hiện các biện pháp để đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn tối thiểu về sức khỏe, thực phẩm, nước uống, chỗ ở và vệ sinh trong các nhà tù ở Việt Nam," ông Benedict viết trong tin nhắn gửi RFA.
Bà Nguyễn Thúy Hạnh trong một lần biểu tình trước Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội (Fb)
Chia sẻ với RFA, cựu tù nhân lương tâm Huỳnh Thị Tố Nga, người từng nhiều năm là chuyên viên xét nghiệm tế bào ung thư của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, thông thường ô nhiễm môi trường và tiếp xúc với hoá chất độc hại được cho là nguyên nhân gây ung thư nhiều nhất.
Thức ăn độc hại và nguồn nước ô nhiễm cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh ung thư, nhưng tùy thuộc vào thời gian tiêu thụ các sản phẩm độc hại đó, vì đa phần bệnh ung thư phát triển trong thời gian dài. Ung thư cổ tử cung thường có nguyên nhân do virus HPV gây ra.
Theo bà Nga, khả năng chữa khỏi căn bệnh này ở giai đoạn hai không cao, phụ thuộc vào khả năng tiếp nhận hóa trị, xạ trị của cơ thể, nó cũng phụ thuộc vào cơ địa mỗi người chịu đựng được tốt hay không, và phẫu thuật có tốt hay không, đã giải quyết khối u thế nào,..
Nếu phẫu thuật không tốt, tế bào di căn sẽ nhanh chóng lan sang các cơ quan khác gần đó. Nếu phát hiện bệnh sớm ở giai đoạn một và cắt toàn bộ tử cung thì có thể ngăn ngừa được hiện tượng di căn. Tuy nhiên, bệnh ở giai đoạn hai thì khó có thể chống di căn.
Bà Nguyễn Thúy Hạnh là người sáng lập và điều hành Quỹ 50k chuyên giúp đỡ gia đình các tù nhân lương tâm và người hoạt động gặp khó khăn, bị Công an Hà Nội bắt tạm giam ngày 07/4/2021 với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước.”
Một năm sau, nhà chức trách Hà Nội ra quyết định tạm đình chỉ việc tạm giam đối với bà Hạnh và buộc bà đi chữa bệnh tại Viện Pháp y Tâm thần Trung ương. Nhà hoạt động này đã mắc bệnh trầm cảm nặng nhiều năm trước và phải trải qua quá trình điều trị bệnh này từ trước khi bị bắt.
Bà Hạnh từng là một người phụ nữ thành đạt trước khi dấn thân vào con đường hoạt động nhân quyền.
Hồi năm 2016, người phụ nữ sinh năm 1963 này đứng ra tranh cử trong kỳ Bầu cử Quốc hội với cương lĩnh tập trung vào việc bảo vệ chủ quyền và bảo vệ quyền phụ nữ
Trong vụ việc hàng ngàn cảnh sát cơ động tấn công vào xã Đồng Tâm đầu năm 2020 và bắn chết ông Lê Đình Kình, bà Hạnh kêu gọi quyên góp được hơn 500 triệu đồng từ các cá nhân trong và ngoài nước để phúng điếu ông, nhưng bị nhà chức trách đóng băng tài khoản ngân hàng.
RFA
2024.01.29
Capture à partir de :RFA
Nhà hoạt động Nguyễn Thuý Hạnh trước khi bị bắt. FBNV/ RFA Edited
Nói việc "điều trị bệnh trầm cảm và bệnh ung thư cần có sự kết hợp giữa phác đồ điều trị của cơ sở y tế và liệu pháp tâm lý, trong đó liệu pháp tâm lý tốt nhất chính là tình yêu thương, sự chăm sóc của gia đình," hàng trămcá nhân trong và ngoài nước đề nghị các cơ quan chức năng của Hà Nội miễn trách nhiệm hình sự đối với nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Thuý Hạnh.
Bà Hạnh, người sáng lập Quỹ 50K chuyên hỗ trợ cho những người hoạt động bị kiểm nguy, bị bắt tạm giam ngày 07/4/2021 để điều tra với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.
Một năm sau, bà bị đưa đến Viện Pháp y Tâm thần Trung ương để buộc chữa bệnh trầm cảm mà bà đã mắc phải trước khi bị bắt. Đầu tháng này, bà lại bị phát hiện mắc bệnh ung thư cổ tử cung và đang được điều trị.
Ngày 27/1, cựu tù nhân lương tâm Đặng Thị Huệ đăng tải kiến nghị thư gửi Viện Kiểm sát Nhân dân và Cơ quan An ninh Điều tra Công an thành phố Hà Nội, đồng thời thu thập chữ ký trực tuyến.
Đến chiều ngày 29/1, thống kê trên tài khoản Facebook Huệ Như đã có hơn 200 người trong và ngoài nước đồng ý ký vào bản kiến nghị này.
Bà Huệ nói với RFA về lý do nhóm của bà viết thư:
“Việt Nam đang lên tiếng rất mạnh trong việc bảo đảm nhân quyền cho công dân cũng như là tham gia vào các diễn đàn của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền, tôi nghĩ rằng Việt Nam cần khẩn cấp đình chỉ điều tra đối với chị Nguyễn Thuý Hạnh để chị chữa trị bệnh.”
Bà Huệ cho biết, việc thu thập chữ ký trực tuyến sẽ kéo dài đến ngày 2/2/2024 và sau đó sẽ gửi kiến nghị qua đường bưu điện kèm các chữ ký đến các cơ quan chức năng liên quan.
Chồng của bà Hạnh là ông Huỳnh Ngọc Chênh cho hay, hôm 25/1, bà đã được xạ trị bữa đầu tiên tại bệnh viện K Hà Nội, việc chữa trị kết hợp giữa hoá trị và xạ trị sẽ kéo dài trong ba tháng theo diện ngoại trú.
Bình thường vẫn tiếp tục ở tại khoa chữa bệnh bắt buộc của Viện Pháp y Tâm thần Trung ương, mỗi lần điều trị sẽ được xe của viện đưa qua bệnh viện K Hà Nội, xong rồi quay lại.
Một kiến nghị khác của Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, tập hợp những nhân sĩ - trí thức tên tuổi, "đề nghị nhà cầm quyền Việt Nam với tinh thần tôn trọng Nhân quyền và chính sách Nhân đạo, hãy giao trả bà Nguyễn Thúy Hạnh về gia đình để có điều kiện chăm sóc và điều trị tốt hơn."
Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Thị Kim Chi thay mặt câu lạc bộ này khẳng định nếu nhà cầm quyền làm như vậy "sẽ được đông đảo dư luận trong nước và quốc tế ủng hộ, hoan nghênh."
Căn cứ để miễn trách nhiệm hình sự
Văn phòng Luật sư Hưng Đạo Thăng Long ở Hà Nội hôm 25/1 gửi một kiến nghị độc lập tới các cơ quan tiến hành tố tụng đề nghị miễn trách nhiệm hình sự đối với bà Thuý Hạnh (61 tuổi), trong đó có dẫn quy định tại Điều 2 của Luật người cao tuổi năm 2009, bên cạnh các điều khoản nhân đạo khác của pháp luật Việt Nam.
Kiến nghị nói:
“Đối với bà Nguyễn Thuý Hạnh, chúng tôi có mong muốn các cơ quan tiến hành tố tụng cần cân nhắc, xem xét về trường hợp một phụ nữ cao tuổi đang mang trong mình nhiều bệnh tật (bao gồm cả bệnh hiểm nghèo) như trên thì rõ ràng là không còn và không thể có ‘… khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa…’ và cần được áp dụng các quy định nhân đạo nhất đã được quy định tại Bộ luật Hình sự.”
Kiến nghị được đăng trên trang Facebook cá nhân của luật sư Nguyễn Hà Luân, người đứng đầu
Văn phòng Luật sư Hưng Đạo Thăng Long ngày 25/1, nhận được hàng trăm lượt Thích và hàng chục lượt Chia sẻ. Văn phòng này cũng đã ký hợp đồng trợ giúp pháp lý cho bà Hạnh.
Kiến nghị căn cứ vào Điều 31 của Hiến pháp hiện hành của Việt Nam quy định "Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, trong khi theo luật sư Luân "bà Hạnh mới chỉ bị xác định là nghi can chứ chưa bị kết tội bằng một bản án có hiệu lực pháp luật nên bà được coi là không có tội."
Một luật sư nhân quyền ở Hà Nội, người muốn ẩn danh vì lý do an ninh, cho RFA biết bà Hạnh hoàn toàn thuộc trường hợp được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự chiếu theo các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam, ở cả khía cạnh pháp lý và nhân đạo.
Tuy nhiên, ông không lạc quan về khả năng nhà chức trách thủ đô sẽ áp dụng tinh thần nhân đạo trong trường hợp bà Hạnh và đánh giá “hầu như có ít cơ hội, ” tuy nhiên, theo luật sư này các nhà hoạt động nhân quyền và cộng đồng vẫn phải lên tiếng cho bà Hạnh.
Theo điểm b, khoản 2, Điều 29 của Bộ luật hình sự 2015, căn cứ để miễn trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội đó là "Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa," do đó việc phóng thích bà Hạnh vì lý do nhân đạo là hoàn toàn hợp lý, theo kiến nghị thư.
Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự lại không định nghĩa "bệnh hiểm nghèo" hay "bệnh nặng" là bệnh cụ thể gì.
Nghị quyết số 02 năm 2018 của Hội đồng thẩm phán Toà án Nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo, định nghĩa mắc bệnh hiểm nghèo là "trường hợp mà bệnh viện cấp tỉnh, bệnh viện quân đội cấp quân khu trở lên có kết luận là người được hưởng án treo đang bị bệnh nguy hiểm đến tính mạng, khó có phương thức chữa trị, như: Ung thư giai đoạn cuối..."
Trong khi đó, khoản 4 Điều 3 của Nghị định 140 năm 2021 của Chính phủ quy định "chế độ áp dụng biện pháp xử hình hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc,"
xem ung thư giai đoạn cuối là một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng.
Ung thư cũng là một trong 42 loại bệnh hiểm nghèo quy định trong Phụ lục 4 Danh mục bệnh hiểm nghèo ban hành kèm theo Nghị định 134 năm 2016 của Chính phủ.
Bà Hạnh là một trong những người hoạt động nhân quyền nổi tiếng ở Việt Nam. Quỹ 50K của bà được nhiều người trong và ngoài nước ủng hộ, trợ giúp cho hàng trăm nhà hoạt động.
Bà từng tham gia ứng cử đại biểu quốc hội trong kỳ bầu cử năm 2021 với lời hứa sẽ vận động cho việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và quyền của người phụ nữ.
02/01/2024
VOA Tiếng Việt
Capture à partir de :voatiengviet
Gia đình tù nhân Lê Hữu Minh Tuấn cầu cứu Bộ Ngoại giao Mỹ
Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) và Human Rights Watch (HRW) hôm 30/12 cùng lên tiếng kêu gọi Việt Nam trả tự do cho ký giả độc lập Lê Hữu Minh Tuấn, hiện đang thụ án 11 năm tù tại trại giam Xuyên Mộc ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, vì sức khỏe của ông “suy giảm nghiêm trọng”.
RSF dẫn lời một người thân của ông Tuấn cho biết rằng trong chuyến thăm ông hôm 26/12/2023, ông Tuấn chỉ còn “da bọc xương”, trông “nhợt nhạt” và ông nói “không chịu nổi nữa”.
Trước đó, trả lời VOA tiếng Việt hồi tháng 8 năm ngoái, bà Lê Thị Hoài Tâm, chị ông nói rằng tình trạng của ký giá độc lập này “rất là cấp bách” nhưng trại giam “không có cho Tuấn đi bệnh viện”.
Sau đó, hôm 24/8/2023, VOA đã liên lạc trại giam Xuyên Mộc, Bộ Công an, qua email để hỏi phản hồi về cáo buộc của gia đình ông Tuấn, nhưng cho tới ngày 2/1/2024 vẫn chưa nhận được hồi đáp.
Tối 2/1 (giờ Việt Nam), phóng viên VOA tiếng Việt nhiều lần gọi điện cho trại giam Xuyên Mộc nhưng không kết nối được.
Ngoài việc thúc giục Việt Nam phóng thích ông Tuấn, ông Cédric Alviani, Giám đốc Văn phòng RSF Châu Á-Thái Bình Dương còn “kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường gây áp lực” để Hà Nội thả ông Tuấn vì lý do sức khỏe và “trước khi quá muộn”.
Cùng ngày RFS lên tiếng, trên nền tảng X, trước đây là Twitter, trang tin về dân chủ ở châu Á có tên Asia Democracy Chronicles dẫn lời ông Phil Robertson, Phó Giám đốc HRW khu vực châu Á, cũng kêu gọi Việt Nam “thả ngay lập tức và vô điều kiện” ông Tuấn vì sức khỏe của ông “suy giảm nghiêm trọng”.
Như VOA tiếng Việt đã đưa tin, hồi giữa tháng 6/2022, gia đình ông Tuấn cho hay sức khỏe của ông đang trong tình trạng “nguy cấp” và đã “cầu cứu” Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Hiện chưa rõ Bộ Ngoại giao Mỹ phản ứng ra sao.
Ông Tuấn hiện đang thụ án 11 năm tù và sau đó sẽ tiếp tục bị quản chế 3 năm vì tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự.
Ông Tuấn là thành viên của Hội Nhà báo Độc Lập Việt Nam. Các thành viên khác của hội này như ông Phạm Chí Dũng, một blogger hay gửi bài đăng trên VOA Tiếng Việt; và ông Nguyễn Tường Thuỵ, Phó Chủ tịch của hội, cũng bị bắt với cùng cáo buộc. Chính quyền Việt Nam cho rằng các nhà báo này “sử dụng nhiều bút danh để đăng tải nhiều bài viết có nội dung xuyên tạc chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước”.
30-12-2023
Capture à partir de :RFA
Nhà báo Lê Hữu Minh Tuấn. Việt Nam Thời Báo
Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) ra thông cáo ngày 30/12 kêu gọi Việt Nam trả tự do cho nhà báo độc lập Lê Hữu Minh Tuấn, người đang trong tình trạng nguy kịch theo như lời người thân cho RFA biết gần đây.
Giám đốc Văn phòng Châu Á- Thái Bình Dương của RSF, ông Cédric Alviani, nêu rõ trong thông cáo báo chí “Lê Hữu Minh Tuấn là một nhà báo độc lập đã can đảm liều mình thông tin cho công chúng các nỗ lực dân chủ hóa do tổ chức xã hội dân sự Việt Nam này đi đầu; lẽ ra ông Tuấn không hề phải chịu giam giữ chứ chưa nói đến việc phải nhận bản án tù nặng nề như thế. Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường áp lực đối với chính phủ Hà Nội cho ông Tuấn được tạm tha vì lý do y tế cũng như bảo đảm ông này được trả tự do trước khi quá muộn.”
Như tin RFA loan, một người thân của ông Tuấn cho biết, trong buổi thăm gặp ngày 26/12 vừa qua tại Trại giam ở huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, gia đình nhận thấy ông Tuần chỉ còn da bọc xương, xanh xao. Ông Tuấn cho biết không thể căn bất cứ gì, chỉ có thể uống sữa với cháo loãng để cầm cự; vì ăn gì vào cũng không thể tiêu hóa.
Ông Tuấn tự đi ra gặp người thân được nhưng chậm chạp và gắng gượng, đồng thời nhắn lại rằng bản thân "chịu hết nổi rồi, không thể cầm cự được nữa.”
Ông Phil Robertson, Phó giám đốc Phân ban châu Á của HRW khi biết tin này đã kêu gọi Việt Nam trả tự do cho ông Tuấn ngay lập tức. Ông nói trong tin nhắn gửi RFA ngày 28/12:
“Vì các nhà tù ở Việt Nam hầu như không cung cấp dịch vụ y tế, Lê Hữu Minh Tuấn cần được trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện để ông có thể nhận được sự hỗ trợ và chăm sóc y tế mà ông đang rất cần từ gia đình. Không nên có lời bào chữa nào cả, cuộc sống của ông rõ ràng phụ thuộc vào đó.”
Chuyên gia của HRW về nhân quyền Việt Nam cho rằng Hà Nội phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu chuyện không hay xảy ra với ông Tuấn:
“Việc Lê Hữu Minh Tuấn thực hiện quyền của mình lẽ ra không nên bị coi là tội phạm. Do vậy, nếu ông chết trong tù thì chính quyền Việt Nam phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc hủy hoại tính mạng của ông và những thiệt hại sau đó đối với gia đình ông.”
Ông Lê Hữu Minh Tuấn, 34 tuổi, là biên tập viên của trang Việt Nam Thời Báo thuộc Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, một tổ chức đấu tranh cho tự do báo chí ở trong nước nhưng không được Nhà nước công nhận.
Ông đang thụ án tù 11 năm về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” trong cùng vụ án với Chủ tịch Phạm Chí Dũng và Phó Chủ tịch Nguyễn Tường Thuỵ- người cũng là blogger của Đài Á Châu Tự Do (RFA).
Thông cáo ngày 30/12 của RSF nêu rằng tại Việt Nam những nhà báo bị cầm tù hầu như phải chịu sự đối xử tồi tệ một cách có hệ thống và bị từ chối cho chăm sóc y tế. Vào tháng 8/2022, ông Đỗ Công Đương chết trong trại giam ở tuổi 58 do bị ngược đãi. Gần đây, tù nhân Lê Trọng Hùng sụt 11 kilogram sau một tháng tuyệt thực kể từ tháng chín nhằm phản đối điều kiện giam giữ đối với ông.
Việt Nam xếp thứ 178 trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng hàng cuối bảng Chỉ số Tự do báo chí của RSF năm 2023; và thuộc nhóm giam tù nhà báo nhiều nhất trên thế giới.
05/01/2024
VOA Tiếng Việt
Capture à partir de :voatiengviet
Ngoại trưởng Mỹ hôm 4/1 tuyên bố tiếp tục liệt Việt Nam vào danh sách Theo dõi Đặc biệt (SWL) do các vi phạm “nghiêm trọng” về tự do tôn giáo, dù chính quyền Việt Nam trong hai năm qua cố gắng vận động để thoát khỏi danh sách này.
Tuyên bố trên của Ngoại trưởng Anthony Blinken có thể khiến Việt Nam tiến gần hơn đến một danh sách đen khác nghiêm trọng hơn là Quốc gia Quan tâm Đặc biệt (CPC), dù hai nước vừa thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn vào tháng 9. Ngoài ra, tuyên bố này cũng đánh dấu sự thất bại của Hà Nội trong việc vận động ngoại giao tại Washington.
VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và Ban Tôn giáo Chính phủ, đề nghị họ cho ý kiến về tuyên bố trên của Ngoại trưởng Hoa Kỳ, nhưng chưa được phản hồi.
Hồi tháng 10/2023, đích thân Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng, người phụ trách Ban Tôn giáo Chính phủ, đã dẫn đầu phái đoàn sang Hoa Kỳ làm việc 9 ngày, trong đó có gặp gỡ quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nhằm vận động để bộ này đưa Việt Nam ra khỏi “danh sách theo dõi đặc biệt – SWL”, theo Cổng thông tin Bộ Nội vụ.
Khi trao đổi với Đại sứ Hòa Kỳ tại Việt Nam Mar Knapper hồi đầu tháng 12/2023, Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng cho biết ông đã “đề nghị” Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ sớm đưa Việt Nam ra khỏi “Danh sách theo dõi đặc biệt” về tự do tôn giáo và nói rằng ông có chuyến đi “thành công” đến Mỹ.
Chuyến đi vận động của ông Thắng diễn ra sau khi Hoa Kỳ và Việt Nam nâng cấp quan hệ lên tầm Đối tác Chiến lược Toàn diện vào tháng 9/2023, khi ấy hai bên ra tuyên bố chung, “khẳng định tầm quan trọng của việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, phù hợp với hiến pháp của mỗi nước và các cam kết quốc tế”.
Khi bị Washington đưa vào danh sách SWL vào tháng 12/2022, Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng việc Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách này là “thiếu khách quan”, nói thêm rằng “chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền con người cũng như quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân”.
Ngay hôm 4/1, Ủy hội Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF), cơ quan do Quốc Hội Hoa Kỳ thành lập năm 1998 có nhiệm vụ tham vấn độc lập cho cả Hành pháp lẫn Lập pháp, bày tỏ thất vọng vì Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ vẫn đưa Việt Nam vào danh sách Theo dõi Đặc biệt - SWL, mà không đưa Việt Nam vào Danh sách Quốc gia Quan tâm Đặc biệt - CPC.
Chủ tịch USCIRF Abraham Cooper và Phó Chủ tịch Frederick Davie cho biết trong một thông cáo: “Mặc dù Việt Nam bị đưa vào Danh sách Theo dõi Đặc biệt, nhưng USCIRF tin chắc rằng Việt Nam nên bị chỉ định là CPC dựa trên báo cáo của chính Bộ Ngoại giao về các hành vi vi phạm quyền tự do tôn giáo của chính phủ”.
“USCIRF chính thức yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra lời giải trình chi tiết về lý do tại sao các khuyến nghị chính sách của chúng tôi không được thực hiện đầy đủ”.
Danh sách SWL dành cho các quốc gia mà chính phủ tham gia hoặc dung túng cho các hành vi vi phạm tự do tôn giáo nghiêm trọng nhưng chưa đến ngưỡng CPC, theo Đạo Luật Tự do Tôn giáo Quốc tế Frank Wolf, được Quốc Hội thông qua và Tổng Thống ký ban hành ngày 16/12/2016. Còn danh sách CPC dành cho các quốc gia có vi phạm “có hệ thống, liên tục và nghiêm trọng”.
Trong Báo cáo thường niên năm 2023, USCIRF đề nghị Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách Quốc gia Cần quan tâm Đặc biệt (CPC) theo Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế (IRFA). Trong suốt hơn 15 năm qua, USCIRF liên tục đề nghị đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC. Hoa Kỳ đưa Việt Nam khỏi danh sách CPC vào năm 2007.
Phản ứng của giới tranh đấu
Các nhà hoạt động cho tự do tôn giáo Việt Nam bày tỏ sự đồng tình với việc Bộ Ngoại giao Mỹ tiếp tục chỉ định Việt Nam vào danh sách SWL.
Từ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, thượng tọa Thích Vĩnh Phước, nêu ý kiến cá nhân:
“Điều này tôi rất hoan nghênh khi chính phủ Hoa Kỳ vẫn giữ Việt Nam trong hạng Cần Theo dõi Đặc biệt về tự do tôn giáo, vì những tổ chức tôn giáo độc lập luôn bị gây khó khăn”.
“Với Việt Nam khi tham gia sân chơi quốc tế với bộ mặt bị Hoa Kỳ chỉ định như vậy thì không sáng sủa, không có chi đẹp, vì sĩ diện nên cũng phải lo, nên họ phải vận động để sửa soạn bộ mặt của mình cho sáng sủa tí. Xưa nay, bản chất của họ là như vậy, bên ngoài thì tỏ ra lo lắng nhưng bên trong vẫn luôn tìm cách này cách khác để trấn áp”.
Từ Thái Lan, ông Y Quynh Bdap, đồng sáng lập nhóm Người Thượng Vì Công lý (MSFJ), nêu ý kiến:
“Nhà nước Việt Nam vẫn bị liệt vào danh sách SWL của Hoa Kỳ do nhà nước Việt Nam đã sách nhiễu, đàn áp các hội thánh độc lập, đã xóa sổ “thành công” những Hội thánh Tin lành Đấng Christ cũng như các hội thánh tư gia độc lập tại Việt Nam. Nhà nước Việt Nam bị liệt vào danh sách đó là rất chính xác và rất đúng”.
Trong thông cáo hôm 4/1, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đã chỉ định Myanmar, Trung Quốc, Cuba, Triều Tiên, Eritrea, Iran, Nicaragua, Pakistan, Nga, Ả Rập Saudi, Tajikistan và Turkmenistan vào danh sách CPC vì “đã tham gia hoặc dung túng cho những hành vi vi phạm tự do tôn giáo đặc biệt nghiêm trọng”.
Trong khi đó danh sách SWL của bộ này gồm Algeria, Azerbaijan, Cộng hòa Trung Phi, Comoros và Việt Nam vì “đã tham gia hoặc dung túng cho những hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo”.
12/01/2024
VOA Tiếng Việt
Capture à partir de :voatiengviet
Ông Trần Bang và ông Bùi Tuấn Lâm
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) hôm 11/1 nói rằng chính phủ Việt Nam trong năm 2023 đã đàn áp trên diện rộng các quyền dân sự và chính trị căn bản, đồng thời trừng phạt khắc nghiệt những người thách thức sự độc tôn quyền lực của Đảng Cộng sản Việt Nam.
HRW đưa ra đánh giá trên trong báo cáo tổng kết toàn cầu 2024 về tình hình nhân quyền trên thế giới, trong đó có phần tổng kết tình hình tại Việt Nam.
Chính quyền Việt Nam tiếp tục nghiêm cấm việc thành lập các nghiệp đoàn độc lập và tổ chức nhân quyền độc lập, đồng thời xóa bỏ các nhóm tôn giáo độc lập, HRW nói thêm.
“Chính phủ Việt Nam đã cố gắng biện hộ rằng mối quan hệ được cải thiện với Hoa Kỳ và các chính phủ khác như là một giải pháp thay thế cho việc giải quyết tình hình nhân quyền đang xấu đi trong nước”, ông Phil Robertson, Phó giám đốc khu vực châu Á của HRW nói trong một thông cáo.“Các đối tác thương mại quốc tế và các nhà tài trợ cho Việt Nam chớ mở đường cho các các tiêu chuẩn kép trắng trợn vì các tiêu chuẩn kép này làm suy yếu áp lực buộc Hà Nội thực hiện nghĩa vụ nhân quyền của mình”.
Việt Nam hiện đang giam giữ hơn 160 người vì họ thực hiện các quyền dân sự và chính trị căn bản một cách ôn hòa, vẫn theo HRW.
Trong 10 tháng đầu năm 2023, các tòa án Việt Nam kết án ít nhất 28 nhà tranh đấu nhân quyền với mức án tù dài hạn, HRW cho biết, đồng thời dẫn ra các bản án đối với các nhà hoạt động Trương Văn Dũng, Nguyễn Lân Thắng, Trần Văn Bang, Bùi Tuấn Lâm và Đặng Đăng Phước.
Ngoài ra, HRW nói rằng công an đã tạm giam ít nhất 19 người khác với cáo buộc “có động cơ chính trị”, trong đó có cựu tù nhân chính trị Nguyễn Hoàng Nam và Lê Minh Thể.
Năm 2023 cũng chứng kiến việc Việt Nam mở rộng đàn áp các nhà hoạt động xã hội dân sự, với việc kết án 3 năm tù đối với nhà hoạt động môi trường Hoàng Thị Minh Hồng về tội “trốn thuế”, hay trường hợp ông Đặng Đình Bách được cho là bị giám thị trại giam đánh đập sau khi ông thuật chuyện ông bị sách nhiễu trong tù với gia đình, vẫn theo tổ chức nhân quyền có trụ sở tại New York, Mỹ.
VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ cho ý kiến về thông cáo của HRW, nhưng chưa được phản hồi.
HRW bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về việc Việt Nam đàn áp quyền tự do tiếp cận thông tin bằng cách gây áp lực buộc các nhà mạng xã hội phải gỡ bỏ nội dung.
Bà Lê Thị Bình ở Cần Thơ, cựu tù nhân chính trị Việt Nam, đồng thời là em của nhà hoạt động Lê Minh Thể đang thụ án 2 năm 6 tháng tù về cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự, nhận xét với VOA về tình hình vi phạm quyền tự do phát biểu tại Việt Nam:
“Tự do ngôn luận và tự do phát biểu tại Việt Nam là không có. Rất rất nhiều người, trong đó có anh Lê Minh Thể, và tôi, bị đi tù vì những án ‘mơ hồ’ như Điều 331 hay Điều 117, đề cập đến điều luật ‘Truyên truyền chống nhà nước’ của Bộ Luật Hình sự”.
Các chuyên gia nhân quyền Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế thường lên án các điều luật trên của Việt Nam, cho rằng chúng được sử dụng như công cụ để bịt miệng các tiếng nói bất đồng ôn hòa. Tuy nhiên, chính quyền Việt Nam bác bỏ các cáo buộc này, nói rằng họ chỉ bắt giam và xét xử những ai “vi phạm pháp luật”.
Trong đánh giá mới nhất về tình hình tự do tôn giáo, HRW nêu ý kiến: “Chính quyền Việt Nam giám sát, sách nhiễu và trấn áp các nhóm tôn giáo độc lập. Các thành viên của các nhóm này bị đấu tố trước công chúng, bị buộc phải từ bỏ đức tin của mình, bị bắt giữ một cách tùy tiện, bị thẩm vấn một cách ngược đãi và bị bỏ tù sau những phiên tòa xét xử bất công”.
Tuần trước, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington vẫn tiếp tục chỉ định Việt Nam vào Danh sách Theo dõi Đặc biệt (SWL) vì các vi phạm “nghiêm trọng” về tự do tôn giáo, nhưng hôm 11/1, Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng phản đối. Phía Việt Nam yêu cầu Mỹ không đưa Việt Nam vào danh sách này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng “chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền con người, cũng như quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của người dân”.