logo-vuot

logo-DanChu

Thuận theo thời mà phát triển

Chính trị là nghệ thuật của khả năng

acrobat  📂  🏠   

Nguyễn Chí Tuyến - Nguyễn Vũ Bình

CPJ lên tiếng việc bắt giam ông Nguyễn Chí Tuyến và Nguyễn Vũ Bình

Anh Chí trong mắt tôi

Vì sao lại bắt blogger Nguyễn Chí Tuyến lúc này?

Chuyện Về Nhà Báo Nguyễn Vũ Bình

Phong trào Dân chủ Việt Nam: có nên thất vọng?

Những khía cạnh tích cực của Phong trào Dân chủ giai đoạn khó khăn, trầm lắng

CPJ lên tiếng việc bắt giam ông Nguyễn Chí Tuyến và Nguyễn Vũ Bình

08/03/2024

VOA Tiếng Việt

Nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến và Nguyễn Vũ Bình.

Hôm 7/3, Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho hai blogger độc lập Nguyễn Chí Tuyến và Nguyễn Vũ Bình, hủy bỏ mọi cáo buộc đối với hai nhà báo này và chấm dứt quấy rối tự do báo chí.

Ông Shawn Crispin, đại diện cấp cao khu vực Đông Nam Á của CPJ cho biết trong một thông cáo: “Việt Nam phải trả tự do cho các blogger Nguyễn Chí Tuyến, Nguyễn Vũ Bình và chấm dứt hành vi quấy rối không ngừng đối với các nhà báo độc lập”.

“Đã đến lúc Việt Nam ngừng đánh đồng báo chí với hành vi tội phạm”, ông Crispin nhấn mạnh.

Các thành viên gia đình của hai ông Tuyến và Bình cho VOA biết rằng hai ông bị công an Hà Nội bắt giam từ hôm 29/2.

Mãi đến ngày 7/3, truyền thông Việt Nam mới chính thức công bố về bắt giam hai ông.

“Tôi biết chồng mình, anh Chí Tuyến là một người ham hiểu biết, có chính kiến”, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, vợ ông Tuyến, cho VOA biết qua tin nhắn. “Trước mỗi vấn đề của xã hội, anh đều tìm hiểu rất kỹ và thích trao đổi những ý kiến, đánh giá, nhận định của mình với mọi người để hiểu vấn đề sâu hơn chứ không có mục đích “ tuyên truyền hay chống phá nhà nước” như cáo buộc.

Trong trường hợp của ông Bình, ông đã bị công an bắt giam sau khi bị triệu tập vào ngày hôm trước, bà Nguyễn Thị Phòng, chị của ông, cho VOA biết.

Ngày 7/3, Thông tấn xã Việt Nam dẫn nguồn tin từ Công an thành phố Hà Nội cho biết Cơ quan An ninh Điều tra, Công an thành phố đã thi hành lệnh bắt đối với ông Tuyến và ông Bình theo cáo buộc “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam,” theo Điều 117, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Bộ Công an Việt Nam không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận qua email của CPJ về vụ bắt giữ ông Tuyến và Bình. Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng không phản hồi yêu cầu bình luận của VOA.

Hôm 5/3, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) lên tiếng nói rằng các nhà hoạt động này “không có tội tình gì mà chỉ thực hành quyền tự do ngôn luận căn bản của mình”.

Việt Nam là quốc gia đứng thứ năm trên thế giới về số lượng các nhà báo bị bỏ tù, với ít nhất 19 nhà báo bị tống giam tính đến ngày 1/12/2023, theo thống kê toàn cầu hàng năm mới nhất của CPJ.

🔝

Anh Chí trong mắt tôi

RFA

Thứ Năm, 02/29/2024 - 15:48 — nguyenanhtuan

Những ai từng tham gia các cuộc biểu tình dậy lửa Hà Nội, khởi đầu vào năm 2011 nhân sự kiện Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh cho đến 2018 lúc chính quyền dự định ban hành Luật Đặc khu, hẳn sẽ không quên được hình ảnh blogger Nguyễn Chí Tuyến, tên thường gọi là Anh Chí.

Dễ nhận ra với bộ râu đậm đến nỗi còn được đặt thêm biệt danh là Anh Chí Râu Đen, blogger Nguyễn Chí Tuyến luôn là một trong những người xông xáo, lăn xả và tích cực nhất của mỗi lần xuống đường.

Hẳn nhiều người còn nhớ đúng 10 năm trước, tháng 2 năm 2014, vào dịp 35 năm kỷ niệm chiến tranh chống Trung Quốc 1979, Anh Chí đã đại diện những người biểu tình Hà Nội đọc văn tế tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trước họng súng xâm lược của Bắc Kinh.

Dưới chân tượng đài vua Lý, giọng đọc sang sảng của anh khi đó át cả tiếng loa phát nhạc khiêu vũ của một chính quyền vô lễ đang muốn phá rối cuộc tưởng niệm, giúp giữ được sự tôn nghiêm cho buổi lễ của những người dân yêu nước.

Ngày đó, chưa nói đến chuyện tuần hành tưởng niệm mà nhắc đến chiến tranh chống Trung Quốc xâm lược 1979 đã là điều cấm kỵ.

Nhưng cũng chính nhờ những người như Anh Chí, dám bước qua nỗi sợ của những điều cấm kỵ như vậy, để xuống đường tỏ bày lòng yêu nước theo sự thôi thúc của lương tâm mình, thì ngày hôm nay, thông tin về cuộc chiến mới được báo chí nhà nước đăng tải rộng rãi và công lao của những tử sĩ vị quốc vong thân miền biên ải phía Bắc mới được ghi nhận.

Nhưng Anh Chí, cũng như những người từng xuống đường trước đây, hiếm khi muốn được nhìn nhận những đóng góp như vậy. Với anh, những việc đã làm không phải là thứ gì đó đem ra cân đo đong đếm là to tát hay nhỏ nhoi, mà đơn giản chỉ là cách một người đối diện với bản thân mình và để trả lời cho những câu hỏi mà lương tâm mình cật vấn, như những gì anh từng tâm sự trước phiên tòa xử người anh em cùng chí hướng Nguyễn Lân Thắng:

“Tất cả những việc chúng ta làm, tuỳ vào góc nhìn và quan điểm mà người đời gọi chúng ta là những kẻ ngu ngơ, ngốc nghếch, ngang ngược hay ngạo nghễ. Mặc kệ đời, cái quan trọng là chúng ta được sống như chính con người của chúng ta. Người đời đặt câu hỏi: Làm vậy để làm gì? Danh tiếng? Tiền bạc? Lợi ích? Thật khó trả lời trọn vẹn, người anh em nhỉ. Chỉ biết rằng chúng ta làm vậy chỉ vì chúng ta sống đúng với lương tâm, trách nhiệm và nhận thức của mình để cảm thấy trong lòng thanh thản. Cái khó nhất chẳng phải là chiến thắng chính bản thân mình, là đối diện với chính bản thân mình, phải vậy không?”

Trong suốt một năm kể từ khi vụ việc nhắm tới anh được khởi động, không phải không có những lúc anh có thể ra đi. Một số nhà ngoại giao phương Tây ở Hà Nội thân thiết với anh và lo lắng cho sự an toàn của anh cũng không ít lần đưa ra lời gợi ý. Song Anh Chí đã quyết định ở lại để đối diện với bản thân mình - một quyết định mà không ai, cả gia đình lẫn anh em bạn bè, có thể lay chuyển được, chỉ còn có thể tôn trọng.

Anh Chí mà tôi biết là một người như vậy.

🔝

Vì sao lại bắt blogger Nguyễn Chí Tuyến lúc này?

RFA

Thứ Năm, 02/29/2024 - 13:18 — nguyenanhtuan

Sáng ngày 29 tháng 2 năm 2024, một nhóm công an mặc sắc phục lẫn thường phục có mặt trong nhà của blogger Nguyễn Chí Tuyến, tên thường gọi là Anh Chí, ở quận Long Biên, Hà Nội để tiến hành lệnh khám xét.

Theo gia đình blogger, sau khi tiến hành khám nhà, nhóm công an đã đọc lệnh bắt và đưa người đi mà không để lại bất kỳ văn bản hay quyết định nào. Lệnh bắt cũng được đọc vội vàng, theo một cách không rõ ràng, khiến cho gia đình cũng không rõ Anh Chí đã bị khởi tố theo điều khoản nào, chỉ biết là sẽ bị tạm giam 4 tháng ở Trại tạm giam số 2 của Công an Hà Nội.

Trên mạng xã hội, không ít người cảm thấy bất ngờ trước việc bắt giữ, một phần bởi vì blogger Anh Chí đã không còn xuất hiện hay viết lách gì trong một khoảng thời gian dài.

Từ đó một câu hỏi đặt ra là vì sao cơ quan điều tra lại bắt Anh Chí vào lúc này.

Một năm trước

Thực ra vụ việc của Anh Chí đã bắt đầu từ khoảng một năm trước đây, với văn bản cung cấp tin báo tội phạm của Phòng An ninh mạng thuộc Công an Hà Nội (PA05) nhắm vào blogger với tố giác vi phạm Điều 117 (Tuyên truyền chống nhà nước) và Điều 331 (Lợi dụng các quyền tự do, dân chủ).

Tin báo này được gửi tới Cơ quan An ninh Điều tra thuộc Công an Hà Nội, như một thủ tục để bắt đầu tiến trình điều tra trong các vụ án chính trị có liên quan đến môi trường Internet.

Thời điểm đó, Anh Chí đã phải làm việc nhiều lần với cơ quan điều tra theo yêu cầu triệu tập của cơ quan này.

Bẵng đi một thời gian những tưởng vụ việc đã lắng xuống nhưng bất ngờ vào tháng trước, tức là 1 năm sau tin báo tội phạm của PA05, cơ quan điều tra lại khôi phục vụ việc và tiến hành các động thái gấp rút như gửi thông báo kết quả giải quyết tin báo và quyết định tạm hoãn xuất cảnh phục vụ điều tra đến Anh Chí.

Sáng 29 tháng 2 năm 2024 là thời điểm Anh Chí được yêu cầu đến làm việc theo giấy triệu tập của cơ quan điều tra. Không được khỏe, và không muốn bị phiền nhiễu thêm, Anh Chí quyết định không đến, chuẩn bị tinh thần cho việc có thể bị bắt giữ.

Bắt, bắt nữa, bàn tay không ngừng nghỉ

Ai đó đã nói trong xã hội cộng sản toàn trị, tất cả người dân đều là tù nhân dự khuyết. Điều này đúng không phải chỉ vì quyền công dân và quyền con người trong những xã hội này không được coi trọng, mà còn một lý do khác quan trọng không kém:

Đó là bộ máy an ninh ở những xã hội này quá lớn.

Bộ máy an ninh ở những quốc gia cộng sản không ngừng phình to theo thời gian, và cả ngân sách của họ cũng vậy.

Để chứng tỏ tầm quan trọng và khẳng định vị thế chính trị của lực lượng mình, Bộ Công an sẽ không dừng lại việc bắt bớ, nếu không muốn nói sẽ thường xuyên mở rộng đối tượng bắt giữ.

Qua nhãn quan an ninh chế độ, Bộ Công an nghi ngờ tất cả mọi người và sẵn sàng bắt bớ bất kỳ một ai, vừa nhằm chứng tỏ quyền lực của mình nhưng cũng là để biện minh cho việc phải thường xuyên tăng cường quân số và ngân sách.

Anh Chí là một nhà hoạt động dày dặn kinh nghiệm và đã từng được bộ máy an ninh nhắm đến vì tiếng nói phản biện trước đây của mình.

Trong tình cảnh chính trị hiện tại của Việt Nam, với bề dày hoạt động của mình, Anh Chí chắc hẳn là một trong những người nằm đầu bảng trong danh sách chờ bắt của Bộ Công an. Việc chưa bắt anh trước đây chỉ là vì những tính toán ngắn hạn nào đó của những người nắm quyền trong Bộ, chứ khó có thể họ sẽ từ bỏ việc bắt giữ.

Điều đặc biệt ở đây là Anh Chí biết hết tất cả điều này, nhưng chấp nhận đối diện với nó với sự hiên ngang của một người chưa từng biết cúi đầu, như những gì mà những người xung quanh anh biết về anh: một người khảng khái, cương trực.

Như chính những gì anh từng nói với một nhà báo ngoại quốc cách đây 7 năm trên Mekong Review: “Tôi sẵn lòng hy sinh đời mình cho tự do.”

Anh Chí đã và đang sống đúng như vậy.

🔝

Chuyện Về Nhà Báo Nguyễn Vũ Bình

Le Anh Hung

5-3-2024

Thường thì ở đời, những người tiên phong dấn thân là những người hay phải đối mặt với nhiều nguy hiểm, mất mát, thiệt thòi. Nhà báo Nguyễn Vũ Bình, người mới bị bắt hôm 29/2 vừa qua, là một trong số đó.

Anh thuộc vào thế hệ những người đấu tranh thứ hai ở Việt Nam, sau thế hệ thứ nhất với những bậc tiền bối như Giáo sư Hoàng Minh Chính (nguyên Viện trưởng Viện Triết học), Đại tá Lê Hồng Hà (nguyên Chánh Văn phòng Bộ Công an), TS Nguyễn Thanh Giang hay nhà văn Hoàng Tiến.

Giai đoạn anh bắt đầu dấn thân, anh là một biên tập viên trẻ đầy triển vọng của Tạp chí Cộng sản. Lúc bấy giờ (những năm cuối thập niên 1990 đầu thập niên 2000), số người lên tiếng đấu tranh ở Hà Nội mới chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Mặc dù đã được giới thiệu đề bạt vào vị trí vụ phó, một vị trí mà bao người thèm muốn, nhưng anh vẫn không màng tới đường công danh đầy vinh hoa phú quý đó, mà quyết dấn thân vào con đường chông gai mà mình đã lựa chọn. Ngày 02/9/2000, anh làm đơn xin thành lập Đảng Tự do - Dân chủ. Đó là một sự kiện động trời ngay cả ở thời điểm hiện nay, chứ đừng nói là trong bối cảnh Việt Nam hơn 20 năm trước. Đồng thời anh cũng làm đơn xin nghỉ việc tại Tạp chí Cộng sản.

Nhà báo Quốc Phong, nguyên Phó TBT Báo Thanh Niên, từng kể cho tôi câu chuyện sau. Thời gian anh Vũ Bình mới bị bắt (25/9/2002), nhân một lần tiếp chuyện các nhà báo, cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã tâm tình với họ: “Việt Nam bây giờ cần nhiều nhà báo như Nguyễn Vũ Bình.”

Tôi nghĩ chỉ chừng đó thôi là đã đủ nói lên tầm vóc của anh, nhà báo Nguyễn Vũ Bình. Anh đã góp phần làm thay đổi nhận thức xã hội, không chỉ ở những người dân bình thường, mà cả những cấp lãnh đạo trong bộ máy./.

🔝

Phong trào Dân chủ Việt Nam: có nên thất vọng?

RFA

Thứ Ba, 02/20/2024 - 13:05 — nguyenvubinh

Trong khoảng thời gian từ cuối năm 2015 đến nay, Phong trào Dân chủ Việt Nam (PTDC) đã trải qua một giai đoạn đàn áp nặng nề nhất, kể từ đợt đàn áp 2001-2002. Có thể tính từ khi Nguyễn Văn Đài, sau đó một chút là Trần Anh Kim và Lê Thanh Tùng bị bắt. Trước đó, khoảng 2011-2015 là giai đoạn phát triển mạnh của PTDC. PTDC Việt Nam đã thiệt hại trên các phương diện sau.

Số người bị bắt, kết án quá lớn và quá nặng nề. Theo thống chưa đầy đủ của Quỹ 50K trước đây khi chị Nguyễn Thúy Hạnh chưa bị bắt, đã có hơn 200 người bị bắt và kết án. Tính từ khi chị Hạnh bị bắt đến nay thì số người cũng tăng thêm 50-70 người nữa. Mức án so với các đợt đàn áp trước thì cũng tăng gấp đôi, gấp ba. Trước đây án cho những người gọi là đầu vụ thường chỉ từ 4-6 năm, đợt này mức án cao nhất là 20 năm, còn 15 đến 17 năm cũng không ít. Những người bình thường là 5-7 năm, thậm chí một số người không ai nghĩ sẽ bị bắt, mà mức án cũng 4-5 năm. Sự thiệt hại về con người của PTDC là không thể bù đắp và là biểu hiện rõ nhất sự khốc liệt mà PTDC gặp phải.

Các tổ chức, nhóm xã hội dân sự đã bị phá tan, gần như hoàn toàn. Giai đoạn 2011 đến 2015, PTDC đã thăng hoa và xây dựng được 20-30 tổ chức xã hội dân sự. Có những tổ chức quy mô, bài bản, số lượng đăng ký hàng ngàn người (số lượng nhân sự hoạt động mấy chục người), nhóm ít thì cũng 5-7 người đã tạo ra những hoạt động vô cùng sôi nổi và hiệu quả. Nhưng bắt đầu từ năm 2015, cùng với quá trình bắt bớ các nhân sự chủ chốt của các hội nhóm, và sự khủng bố tinh thần những thành viên, các tổ chức xã hội dân sự đã dần dần tan rã hoặc không còn hoạt động nữa. Đến nay thì chỉ còn vài ba tổ chức nhỏ, được vài ba người đang còn hoạt động xướng tên. Có một vài tổ chức đã chuyển hoạt động ra nước ngoài, ý nghĩa của hoạt động cũng không còn được như trước đây. Một số cơ sở tôn giáo hậu thuẫn cho các cuộc đấu tranh cũng đã bị nhà cầm quyền vô hiệu hóa như Dòng Chúa Cứu thế Sài Gòn, Dòng Chúa Cứu thế Hà Nội, thậm chí tấn công ngược lại Phong trào Dân chủ như Giáo phận Vinh…

Các hoạt động chung như biểu tình, tưởng niệm, giao lưu ngày càng giảm và dần dần không còn nữa. Đỉnh điểm của các cuộc biểu tình dưới chế độ cộng sản là cuộc Tổng biểu tình chống Luật đặc khu và Luật an ninh mạng diễn ra vào ngày 10/6/2018 và mấy ngày tiếp theo. Sau cuộc tổng biểu tình đó, sự đàn áp của nhà cầm quyền càng khốc liệt hơn. Đến nay, hầu như không còn hoạt động nào được duy trì. Có chăng là một số buổi tưởng niệm các liệt sỹ chết trong cuộc chiến biên giới Việt - Trung.

Các bài viết với tinh thần đấu tranh, phản biện cũng ngày càng giảm bớt về số lượng và cường độ, mức độ tranh đấu, phê phán. Việc livestream trên Youtube kết hợp với Facebook của những người phản biện đã giảm dần khi những người này lần lượt bị bắt hết, hoặc tự dừng lại khi sự nguy hiểm đã cận kề. Đến nay không còn ai livestream đấu tranh hoặc nói ra sự thật nữa. Thậm chí một số người livestream ở nước ngoài cũng bị nhà cầm quyền thông qua kênh Youtube và Facebook để vô hiệu hóa.

Số lượng người đi tỵ nạn chính trị tăng vọt trong khoảng 5 năm trở lại đây, người đi tỵ nạn nhiều đồng nghĩa với việc số người đấu tranh giảm và mỏng đi rất nhiều.

Trước hiện trạng của Phong trào Dân chủ như vậy, đã có nhiều người im lặng từ bỏ, hoặc thất vọng không còn thiết tha với Phong trào Dân chủ, với những người còn bám trụ sau giai đoạn khủng bố khốc liệt nhất của nhà cầm quyền. Vậy chúng ta cần có thái độ như thế nào với khó khăn, khốc liệt của PTDC hiện nay?

Nếu như chúng ta đã có suy nghĩ rằng, PTDC Việt Nam có khả năng đấu tranh để thay đổi chế độ, PTDC là một chủ thể đấu tranh ép buộc được nhà cầm quyền nhượng bộ, từ đó làm cơ sở cho việc thay đổi chế độ thì chúng ta sẽ thất vọng! mặt khác, nhìn vào thực tế Việt Nam, không thấy một lực lượng nào có thể làm thay đổi chế độ thì chế độ này sẽ tồn tại mãi mãi, do đó sẽ có sự thất vọng, và thất vọng rất lớn.

Người viết có một tâm sự, khi mới tham gia vào PTDC (năm 2000-2001), trong các cuộc đàm luận về tương lai PTDC và tương lai đất nước, người viết có quan điểm PTDC sẽ tự mình thay đổi được chế độ. Người viết gặp cụ Lê Hồng Hà (là đại tá công an về hưu, cựu Chánh văn phòng bộ Công An những năm 1960), khi đó đưa ra quan điểm, không phải PTDC kết liễu được chế độ này, mà là nó tự vỡ (nguyên văn câu cụ Lê Hồng Hà). Khi đó người viết rất khó chịu, vì cụ Lê Hồng Hà cũng không đưa ra lời giải thích nào, chỉ có một kết luận như vậy. Có lẽ Cụ Hà chỉ cảm nhận được, do ở trong guồng máy toàn trị khủng khiếp của nó. Đến khoảng năm 2010, người viết phải công nhận kết luận của cụ Lê Hồng Hà là đúng. Không những vậy, người viết có thể giải thích được lý do của kết luận này.

Như vậy, nếu chúng ta quan niệm, PTDC chỉ góp phần thúc đẩy quá trình tự sụp đổ (hay tự vỡ) của chế độ cộng sản ở Việt Nam thì chắc chắn chúng ta sẽ không thất vọng với hiện trạng của PTDC hiện nay. Chúng ta vẫn sẽ làm những gì cần thiết để góp phần vào vào công cuộc dân chủ hóa đất nước. Nhưng với hiện trạng của PTDC Việt Nam, ai đó nói rằng không buồn thì đó là nói dối, rất buồn nhưng không thất vọng. Một vấn đề lớn nữa, tuy không nhìn thấy một lực lượng nào có khả năng đánh đổ, kết liễu và thay đổi chế độ ở Việt Nam, nhưng chúng ta cũng tuyệt đối không bi quan. Bởi vì quy luật của tất cả các chế độ toàn trị cộng sản là nó sẽ tự sụp đổ trước sức nặng của chính nó. Riêng vấn đề này, tôi vẫn là người lạc quan, luôn cho rằng nó sẽ xảy ra trong tương lai rất gần./.

Hà Nội, ngày 21/02/2024

N.V.B

🔝

Những khía cạnh tích cực của Phong trào Dân chủ giai đoạn khó khăn, trầm lắng

Thứ Năm, 02/22/2024 - 12:02 — nguyenvubinh

RFA

Giai đoạn Phong trào Dân chủ Việt Nam gặp những khó khăn, trầm lắng kể từ cuối năm 2015 đến nay mọi người đều biết và cảm nhận được. Khi mà chỉ có một cộng đồng người dùng nhận thức, tinh thần yêu nước, nói lên nguyện vọng tự do, dân chủ và sự thật cho người dân đã bị cả một thể chế với đầy đủ các thiết chế nhà nước đàn áp và khủng bố. Hàng đoàn người nối đuôi nhau vào tù, ra tòa và nhận những bản án nặng nề, kéo theo là sự trầm lắng của cả PTDC. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn đó của PTDC, chúng ta vẫn có thể nhận thấy những tia sáng, những khía cạnh tích cực và những sự lạc quan nhất định của các cá nhân và PTDC.

Trước hết, với sự càn quét truy cùng, diệt tận của nhà cầm quyền, số lượng những người hoạt động tích cực trong phong trào đã bị bắt là rất lớn, cùng với một số người đi tỵ nạn chính trị (với nhiều cách thức), PTDC vẫn còn lại một số người giữ vững lý tưởng hoạt động cầm chừng, duy trì sự tồn tại. Một số anh em trong lao tù, có điều kiện đi tỵ nạn nhưng đã không ra đi, vẫn tiếp tục ở lại trong cảnh tù đày. Điều này đã tiếp thêm ý chí, tinh thần cho nhiều người trong PTDC. Một số người bên ngoài nhà tù, gặp phải những áp lực không hề nhỏ, có thể vào vòng lao lý bất kỳ lúc nào, vẫn không đào thoát để tránh tù đày. Một số khác thì chịu áp lực về mưu sinh, vẫn cắn răng làm việc trong cảnh trái ngành trái nghề và sự rình rập của nhà cầm quyền Việt Nam. Những con người này đã giữ lại những đốm lửa trong đêm trường đàn áp không biết khi nào dừng lại.

Phong trào Dân chủ vẫn duy trì được sự liên hệ giữa các cá nhân, giữa những người đấu tranh trong nước và ở hải ngoại, và quan trọng nhất, vẫn duy trì được mối liên hệ với cộng đồng những người quan tâm tới vận mệnh đất nước. Những người quan tâm tới vận mệnh đất nước ngoài những người trực tiếp đấu tranh dân chủ, còn có những người có cảm tình và ủng hộ phong trào dân chủ, những người lên tiếng với những bất công, lên tiếng vì sự thật, và những người lên tiếng vì bị xâm phạm lợi ích, những dân oan… Việc duy trì những mối liên hệ này là vô cùng cần thiết, để những người đấu tranh không có cảm giác bị bỏ rơi, để họ còn cảm nhận được họ vẫn còn những đồng đội, và sự quan tâm của mọi người. Duy trì những mối quan hệ này cũng đồng nghĩa với việc Phong trào Dân chủ dù bị khủng bố trắng vẫn đang tồn tại, vẫn đi về phía trước.

Không chỉ duy trì các mối quan hệ, những cá nhân của Phong trào Dân chủ còn hỗ trợ nhau, tương thân tương ái trong rất nhiều hoạt động và sinh hoạt. Những cựu tù chính trị giúp đỡ các gia đình tù nhân lương tâm trong việc hướng dẫn việc làm thủ tục, thăm nuôi, thuê luật sư, hỗ trợ gia đình trong việc thăm nuôi thân nhân họ. Những gia đình tù nhân lương tâm lâu năm giúp đỡ gia đình tù nhân lương tâm mới bị bắt. Đặc biệt nhất là Quỹ 50K của chị Nguyễn Thúy hạnh, đã giúp đỡ được hàng trăm gia đình tù nhân Lương tâm. Những cá nhân cả ba miền Bắc, Trung, Nam đã hỗ trợ gia đình tù nhân Lương tâm Cấn Thị Thêu tiêu thụ bưởi Diễn, cộng đồng chung tay mua bưởi gia đình chị Cấn Thị Thêu, và những sản phẩm của các gia đình Tù nhân Lương tâm hoặc các cá nhân hoạt động khác. Hình ảnh các anh chị em thăm chị Nguyễn Thúy Hạnh trong bệnh viện Tâm thần Pháp y Trung ương, và bệnh viện K khi chị đi điều trị ung thư làm ấm lòng nhiều người quan tâm tới vận mệnh đất nước. Những hình ảnh đó cũng chứng tỏ sức sống của PTDC trong giai đoạn khốc liệt này.

Trong một cái nhìn lạc quan, về khía cạnh nâng cao nhận thức nhân dân của PTDC, thời gian qua, PTDC đã được  nhà cầm quyền Việt Nam giúp đỡ rất nhiều. Có thể nói, các vụ việc liên tục xảy ra trong 4-5 năm qua, đã giúp cho nhân dân nhìn thấu suốt bản chất chế độ, không còn một ai còn mơ hồ hoặc lăn tăn nữa. Vụ Đồng Tâm, vụ Chuyến bay giải cứu, vụ Việt Á … và giai đoạn chống dịch COVID-19… tất cả đã làm cho tất cả những người còn băn khoăn, do dự và bảo vệ chế độ dưới bất cứ hình thức và mức độ nào, đều không thể còn gì để nói. Các vụ việc trên đã tước đi niềm tin nhỏ nhoi cuối cùng về sự cứu vãn chế độ trong lòng người dân.

Một khía cạnh tích cực nữa, là hệ quả của những chuyện không vui. Phong trào Dân chủ từ khi bắt đầu cho đến hiện nay, là tập hợp của nhiều người đấu tranh có cá tính. Một phần nữa là việc cài cắm của an ninh cũng rất ghê gớm. Đã xảy ra rất nhiều những chuyện này chuyện nọ, mâu thuẫn từ nhỏ tới lớn, đôi khi bùng phát nặng nề. Có rất nhiều những chuyện, dù không muốn nhưng đã xảy ra. Thậm chí hiện nay vẫn còn nhiều chuyện xảy ra mâu thuẫn trong nội bộ anh em của PTDC. Chúng ta cũng nhìn nhận rằng, PTDC cũng là một cộng đồng người, cộng đồng người trong môi trường Xã hội Chủ nghĩa như của Việt Nam, xã hội hỗn loạn dẫn tới nhận thức hỗn loạn, không mâu thuẫn xung đột mới là bất bình thường. Chuyện không vui, không hay thì ai cũng biết được. Nhưng còn mặt tích cực, đó là qua tất cả những chuyện không hay này, chúng ta cũng hiểu rõ về nhau hơn. Đó là hiểu về tổ chức, các nhóm, về các cá nhân. Hiểu nhau hơn thì việc ứng xử sẽ tránh được những mâu thuẫn, nhưng quan trọng hơn, đó còn là sự kết hợp trong tương lai không cộng sản sau này. Một vấn đề cũng rất quan trọng./.

Hà Nội, ngày 23/02/2024

N.V.B

🔝