Thử thách thời đại !
Francis Fukuyama: Chủ nghĩa dân túy là gì?
Vì sao chủ nghĩa dân tộc dân túy trỗi dậy vào lúc này?
Chế độ dân chủ chết như thế nào?
Bản cáo trạng của Trump làm cho nước Mỹ và thế giới an toàn hơn
Từ lúc nào đảng Cộng hòa trở thành quá cực đoan?
Slovakia: Đảng thân Nga giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc Hội
Chiến tranh Ukraina phủ bóng cuộc bầu cử Quốc Hội Slovakia
Slovakia: Thủ tướng tương lai tái khẳng định chủ trương không cấp vũ khí cho Ukraina
Cơn sốc Hà Lan: ông Geert Wilders theo chủ nghĩa dân túy, bài Hồi giáo thắng cử
Bầu cử Quốc Hội Hà Lan : Lãnh đạo cực hữu cố thành lập liên minh cầm quyền
Achentina : Ứng cử viên cực hữu “chống chính quyền” Javier Milei đắc cử tổng thống
Tân tổng thống Achentina: Tình hình đất nước sẽ “tồi tệ hơn” trong ngắn hạn
Có phải Thủ tướng Hungary Viktor Orban đang ‘tống tiền’ EU?
Hungary dọa chặn đường Bulgarie gia nhập không gian Schengen
Capture à partir de :nghiencuuquocte
01/12/2017
Nguồn: Francis Fukuyama, “What Is Populism?”, American Interest, 28/11/2017
Biên dịch: Huỳnh Hoa
Thuật ngữ “chủ nghĩa dân túy” (populism) đã được sử dụng rất lỏng lẻo trong thời gian gần đây. Chúng ta cần xác định rõ hơn.
Những năm gần đây đã trỗi dậy những hình thức mới của chủ nghĩa dân tộc dân túy (populist nationalism) mà ngày nay đã trở thành mối đe dọa chính đối với trật tự tự do quốc tế từng là nền tảng của hòa bình và thịnh vượng trên toàn cầu từ sau năm 1945. Chế độ dân chủ tự do đã liên tiếp bị các chế độ chuyên chế đe dọa trong suốt thế kỷ qua, ngoại trừ giai đoạn 1991-2008 khi quyền lực của Hoa Kỳ giữ vị trí gần như bá chủ.
Ngày nay, một kiểu đe dọa khác đã nổi lên, các nền dân chủ ổn định đã tự thúc thủ trước các thế lực chính trị phi tự do được dẫn dắt bởi các niềm đam mê của người dân. Tuy vậy, thuật ngữ “chủ nghĩa dân túy” [nghĩa đen: làm cho người dân say sưa] đã được sử dụng rất lỏng lẻo nhằm mô tả một loạt các hiện tượng không nhất thiết dung hợp được với nhau. Do đó, chúng ta cần vạch ra những ranh giới cho khái niệm này.
Không có một sự đồng thuận chắc chắn nào giữa các nhà khoa học chính trị khi định nghĩa chủ nghĩa dân túy là gì, nhưng có ít nhất ba đặc điểm, mà theo quan niệm của tôi, có thể gắn liền với khái niệm này.
Thứ nhất, đây là một chế độ chính trị theo đuổi những chính sách được dân chúng ủng hộ trong đoản kỳ nhưng không bền vững trong trường kỳ; thường là những chính sách xã hội. Có thể lấy ví dụ là những chính sách trợ giá hàng hóa, trả tiền hưu bổng hậu hĩ hoặc miễn phí chăm sóc y tế.
Đặc điểm thứ hai có liên quan tới định nghĩa “nhân dân” làm căn bản cho tính chính danh của chế độ: nhiều chế độ dân túy không coi “nhân dân” là toàn bộ dân số mà thay vì vậy chỉ có một số nhóm sắc tộc hoặc chủng tộc được coi là nhân dân “thực thụ”. Ông thủ tướng Viktor Orban ở Hungary chẳng hạn, định nghĩa bản sắc dân tộc (national identity) của Hungary dựa trên người sắc tộc Hungary, loại trừ những người sinh sống ở Hungary nhưng không thuộc sắc tộc Hungary và bao gồm nhiều người Hungary sinh sống ở các quốc gia láng giềng như Slovakia hoặc Romania. Thủ tướng Narendra Modi của Ấn Độ cũng có nỗ lực tương tự khi cố gắng thay đổi định nghĩa bản sắc dân tộc Ấn Độ từ một bản sắc có nội dung tự do và bao hàm đã được Gandhi và Nehru thiết lập trước kia thành một bản sắc dựa trên Ấn Độ giáo. Đảng Luật pháp và Công lý Ba Lan thì nhấn mạnh vào các giá trị Ba Lan truyền thống và Thiên chúa giáo, kích thích sự trỗi dậy của các nhóm phân biệt chủng tộc công khai, chẳng hạn như nhóm kêu gọi một “châu Âu da trắng” hồi tháng 11-2017.
Một định nghĩa thứ ba về chủ nghĩa dân túy có liên quan tới phong thái của nhà lãnh đạo. Các nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân túy có khuynh hướng phát triển chung quanh họ hiện tượng sùng bái cá nhân; tuyên bố họ được giao sứ mệnh nắm giữ quyền lực, không phụ thuộc vào các thiết chế như đảng phái chính trị. Họ cố gắng phát triển một mối quan hệ trực tiếp, không qua trung gian, với “nhân dân” mà họ tự xưng là người đại diện, hướng những niềm hy vọng và nỗi sợ hãi của người dân vào một hành động tức thời. Chủ nghĩa dân túy kiểu này thường đi đôi với việc lên án toàn bộ giới tinh hoa hiện tồn – những người đã đầu tư vào các thiết chế hiện hữu.
Cách tiếp cận mang tính cá nhân đối với quyền lãnh đạo chính là cái đã làm cho những người dân túy trở thành mối đe dọa đối với các thiết chế dân chủ. Các nền dân chủ tự do hiện đại được xây dựng chung quanh sự chia sẻ quyền lực, trong đó tòa án, liên bang, lập pháp và truyền thông tự do giữ vai trò kiểm soát quyền lực hành pháp. Tất cả những thiết chế này đều có tiềm năng trở thành vật cản trở khả năng của nhà lãnh đạo dân túy đạt tới các mục tiêu của ông ta/bà ta; và do đó chúng trở thành những mục tiêu tấn công trực tiếp. Bản chất cá nhân của chủ nghĩa dân túy do vậy làm cho nó trở thành mối đe dọa đối với các thiết chế tự do.
Ba định nghĩa nêu trên cho phép chúng ta phân biệt các phong trào khác nhau mà trong quá khứ đã từng được dán nhãn “chủ nghĩa dân túy”. Các lãnh đạo theo chủ nghĩa dân túy ở châu Mỹ Latin như Hugo Chavez ở Venezuela, Nestor và Cristina Kirchner ở Argentina nhấn mạnh vào các chương trình phúc lợi xã hội được dân chúng ủng hộ nhưng không bền vững; và cố gắng xây dựng sự sùng bái cá nhân chung quanh họ. Cặp đôi lãnh đạo Argentina vừa nói tự cho mình là hiện thân của một cặp đôi quyền lực theo chủ nghĩa dân túy cổ điển, Juan và Eva Peron. Nhưng mặt khác, họ không ủng hộ một định nghĩa hạn chế về bản sắc dân tộc. Cũng có thể nói như thế này về cựu thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra và em gái Yingluck của ông ta: họ khuyến khích các chương trình tái phân phối lợi tức cho những người Thái ở vùng nông thôn nghèo hơn nhưng không có cái nhìn hạn hẹp về bản sắc dân tộc Thái Lan như những đối thủ áo vàng của họ.
Những người lãnh đạo phong trào Brexit [nước Anh ra khỏi Liên minh châu Âu, EU] trái lại, hoàn toàn không nhấn mạnh vào một chương trình kinh tế mở rộng nào, cũng không có một nhà lãnh đạo hiển nhiên nào. Nhưng họ kêu gọi hướng tới bản sắc dân tộc Anh truyền thống, khơi dậy nỗi sợ văn hóa chống lại người nhập cư, cũng như nỗi tức giận của người dân Anh về sự phân bổ sai lầm các lợi ích kinh tế.
Ông Viktor Orban phù hợp với cả ba định nghĩa này: ông cố gắng bảo vệ những người gởi tiền tiết kiệm ở Hungary khỏi sự “cướp bóc” của các ngân hàng châu Âu; ông đưa ra một định nghĩa hạn hẹp về “nhân dân” và ông chắc chắn muốn được tôn sùng như một nhà lãnh đạo hiển nhiên. Chưa rõ liệu ông tổng thống Vladimir Putin của Nga có phù hợp với định nghĩa nào ngoài định nghĩa cuối cùng trong ba định nghĩa nói trên: ông ta rất cẩn trọng trong việc mở rộng các chương trình phúc lợi xã hội; trong khi ông nhấn mạnh vào bản sắc và truyền thống Nga thì truyền thống đó không nhất thiết bị bó hẹp trong những điều kiện về sắc tộc. Ông Putin chắc chắn đã xây dựng sự sùng bái cá nhân chung quanh ông ta, dù rất khó nói rằng ông ta là kẻ ngoại cuộc đang tìm cách lật đổ giới thượng lưu Nga sau khi ông ta đã thăng tiến lần lượt qua các tầng nấc của các tổ chức tình báo Liên xô KGB và FSB Nga. Cũng có thể nói như vậy về ông Narendra Modi, và ngay cả về ông Tập Cận Bình (Xi Jinping): cả hai nhà lãnh đạo này đều được ủng hộ nhờ tấn công vào giới thượng lưu hiện hữu, dù bản thân các ông này đều là thành phần của giới thượng lưu ấy.
Cần chú ý rằng ông Donald Trump phù hợp với cả ba định nghĩa nói trên. Trong thời kỳ tranh cử, ông ta nhấn mạnh vào chủ nghĩa dân túy kinh tế, đòi rút Mỹ ra khỏi hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đe dọa xé bỏ hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) ngay sau khi nhậm chức. Ông hứa hẹn bảo vệ các chương trình phúc lợi quốc gia như Medicare [trợ cấp y tế cho người cao tuổi] và an sinh xã hội (Social Security) – dù từ ngày trở thành tổng thống, ông ta lại điều hành đất nước giống y một người đảng Cộng hòa bảo thủ truyền thống; ví dụ ông ta tìm cách cắt giảm phúc lợi xã hội bằng cách hủy bỏ Luật Chăm sóc sức khỏe vừa túi tiền (ACA) của tổng thống tiền nhiệm Obama. Và trong khi ông Trump chưa bao giờ công khai công nhận chủ nghĩa dân tộc da trắng, ông ta rất hài lòng tiếp nhận sự ủng hộ của những người theo chủ nghĩa ấy; ông còn đi ra khỏi lề lối khi từ chối lên án những kẻ theo tân phát xít (neo-Nazi) và những kẻ phân biệt chủng tộc công khai tại cuộc tuần hành của chúng ở thành phố Charlottesville. Ông ta có một mối quan hệ rất trắc trở với các cộng đồng Mỹ gốc Phi châu, Mỹ gốc Tây Ban Nha (Hispanic) và các nhóm dân tộc thiểu số khác; các ngôi sao thể thao và âm nhạc người da đen đã trở thành mục tiêu công kích thường xuyên của ông trên các dòng tin Twitter. Và ông cũng hành động như một lãnh tụ trời sinh cổ điển trong các cuộc tuần hành với những ủng hộ viên trung thành của ông; khi tiếp nhận lời đề cử của đảng Cộng hòa năm 2016, ông nói rằng, “chỉ có tôi mới hiểu được những vấn đề của các bạn”, và “chỉ có tôi mới sửa chữa được những vấn đề ấy”.
Như vậy, trong hàng loạt các phong trào được coi là dân túy chủ nghĩa, chúng ta có thể khu biệt được ít nhất là hai tập hợp rộng. Ở châu Mỹ Latin và Nam Âu, các nhà dân túy có xu hướng đứng về cánh Tả, được sự ủng hộ của người nghèo và theo đuổi các chương trình xã hội có mục tiêu tái phân phối lợi ích nhằm tìm cách khắc phục tình trạng bất bình đẳng về kinh tế. Tuy vậy, họ không nhấn mạnh vào căn cước sắc tộc hoặc có lập trường chống nhập cư quyết liệt. Nhóm này bao gồm phong trào Boliviarian của ông Chavez ở Venezuela; Kircherismo ở Argentina cũng như các đảng chính trị Podemos của Tây Ban Nha và Syriza của Hy Lạp.
Ở Bắc Âu, các nhà dân túy ít dựa vào tầng lớp lao động trung lưu đang suy thoái hơn là vào người nghèo; họ theo lập trường thiên về cánh Hữu, nhấn mạnh yếu tố sắc tộc và chống người nhập cư. Họ muốn bảo vệ các nhà nước phúc lợi hiện hữu nhưng không coi trọng việc mở rộng nhanh chóng các dịch vụ hoặc trợ cấp xã hội. Các nhóm trong tập hợp này bao gồm phong trào ủng hộ Brexit, Mặt trận Quốc gia ở Pháp, đảng Tự do ở Hà Lan, đảng Nhân dân của Đan Mạch, còn ở Hoa Kỳ là những người thuộc tầng lớp lao động ủng hộ nhiệt thành ông Donald Trump.
Cũng có những nhóm và phong trào không thực sự phù hợp với tập hợp nào trong hai tập hợp kể trên. Cũng như mọi phong trào dân túy chủ nghĩa khác, phong trào Năm Sao ở Ý kiên quyết chống lại các thiết chế đã định hình và phản đối tầng lớp tinh hoa của Ý nói chung. Nhưng nó khác với các đồng sự ở cả Nam Âu và Bắc Âu ở chỗ nó dựa chủ yếu vào giai cấp trung lưu lớp giữa và lớp trên ở đô thị hơn là đặt nền tảng trên giai cấp lao động đang suy thoái.
Hình: Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Nguồn: The Amercian Interest.
Nguồn: Viet-studies
06/12/2017
Nguồn: Francis Fukuyama, “Why Populist Nationalism Now?”, The American Interest, 30/11/2017
Biên dịch: Huỳnh Hoa
Có ba lý do tại sao chúng ta đang chứng kiến sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc dân túy vào nửa sau của thập niên 2010: kinh tế, chính trị và văn hóa.
Những nguồn gốc kinh tế của chủ nghĩa dân túy đã được chú ý và bàn luận rộng rãi. Lý thuyết thương mại nói với chúng ta rằng, tính gộp lại tất cả các quốc gia tham gia vào cơ chế thương mại tự do đều giàu có lên; nhưng cũng chính lý thuyết ấy nói với chúng ta rằng không phải mọi cá nhân ở mỗi quốc gia đó đều khá giả lên: những người lao động kỹ năng thấp ở các nước giàu sẽ thua thiệt trước những công nhân cũng có kỹ năng thấp nhưng được trả công thấp hơn ở các nước nghèo.
Trong thực tế, đó là chuyện đang xảy ra ở nhiều nước công nghiệp phát triển cùng với sự trỗi dậy của Trung Quốc, Mexico và nhiều nước tương tự. Theo một nghiên cứu gần đây của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) khoảng 50% người dân Mỹ đã không giàu có hơn so với năm 2000, xét về mức thu nhập thực; một tỷ lệ nhiều hơn nữa những người ở điểm giữa của sự phân phối thu nhập đã bị tụt xuống hơn là chuyển lên nấc cao hơn trên bậc thang kinh tế. Ở Hoa Kỳ, cuộc suy thoái tương đối này của tầng lớp trung lưu và người lao động đã diễn ra cùng với một số tệ nạn xã hội, chẳng hạn như mức gia tăng số gia đình tan vỡ, nạn nghiện thuốc kích thích mà riêng trong năm 2015 đã cướp đi sinh mạng của hơn 60.000 người. Cũng trong thời gian này, những lợi lộc của toàn cầu hóa lại tập trung chủ yếu vào giới tinh hoa được học hành bài bản và nhạy bén, những người có chiều hướng đặt ra những khuynh hướng văn hóa rộng rãi hơn.
Nguồn gốc thứ hai của chủ nghĩa dân túy là chính trị. Lời than phiền truyền thống chống lại chế độ dân chủ tự do, vốn có vô số cơ chế kiểm tra và cân bằng, là chế độ này có khuynh hướng sản sinh ra các chính phủ yếu kém. Khi những hệ thống chính trị như vậy kết hợp với khối cử tri bị phân cực, hoặc bị chia rẽ nghiêm trọng, thì kết quả thường là sự tê liệt chính trị khiến cho công cuộc quản trị bình thường cũng trở nên rất khó khăn. Ấn Độ dưới sự lãnh đạo của chính phủ đảng Quốc đại trước đây là một ví dụ tiêu biểu cho tình trạng này, các dự án xây dựng hạ tầng và các cuộc cải cách kinh tế cần thiết đều nằm ngoài khả năng thực hiện của chính phủ. Hiện tượng tương tự cũng xảy ra tại Nhật Bản và Ý, nơi chính phủ thường đối mặt với tình trạng tắc nghẽn trong bối cảnh kinh tế trì trệ kéo dài. Một trong những trường hợp nổi bật nhất là Hoa Kỳ, nơi một hệ thống rộng lớn các thiết chế kiểm tra và cân bằng được hiến pháp ủy quyền đã sản sinh ra cái mà tôi có lần đặt tên là “chế độ phủ quyết” (vetocracy): nghĩa là một nhóm nhỏ có khả năng phủ quyết hành động của một đa số lớn hơn. Chính điều này đã gây ra cuộc khủng hoảng mỗi năm một lần ở quốc hội Mỹ khi thông qua ngân sách quốc gia – một việc không thể nào hoàn tất được dưới cái gọi là “trật tự quy củ” trong ít nhất một thế hệ, và đã ngăn cản những cuộc cải cách nhạy cảm trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, nhập cư và quản lý hệ thống tài chính.
Sự yếu kém cảm nhận được về khả năng của các chính phủ dân chủ trong việc đưa ra quyết định và hoàn thành công việc là một trong nhiều yếu tố đã tạo bệ phóng cho sự trỗi dậy của những người có khả năng trở thành “người hùng” (strong men), người có thể phá hủy luồng chướng khí bao trùm nền chính trị bình thường để đi tới kết quả. Đây là một trong những lý do mà Ấn Độ bầu ông Narendra Modi, và tại sao ông Shinzo Abe lại trở thành một trong các thủ tướng Nhật Bản cầm quyền lâu nhất. Sự trỗi dậy của ông Vladimir Putin như một người hùng xảy ra trong bối cảnh những năm tháng loạn lạc dưới thời ông Boris Yeltsin. Và cuối cùng, một trong những luận điểm vận động của ông Donald Trump là, với tư cách một doanh nhân thành đạt, ông ta sẽ có thể làm cho chính phủ Mỹ trở lại hoạt động đúng chức năng.
Hơn thế nữa, có những thất bại chính trị nghiêm trọng mà giới tinh hoa ở Mỹ và châu Âu đã phạm phải. Trong thập niên 2000, Hoa Kỳ đã can dự vào hai cuộc chiến tranh không thành công ở Trung Đông, rồi lại trải qua một cuộc suy thoái tệ hại nhất kể từ cuộc Đại suy thoái năm 1930. Cả hai sự kiện này đều có gốc rễ từ những quyết định của giới tinh hoa nhưng mang lại hậu quả thảm khốc cho mọi công dân bình thường. Liên minh châu Âu đã tạo ra một liên minh tiền tệ chung quanh đồng euro mà không có phương cách tương ứng để thống nhất chính sách tài khóa, dẫn tới cuộc khủng hoảng nợ công của Hy Lạp. Và châu Âu lập ra khu vực Schengen và hàng loạt những luật lệ khác để tự do hóa việc di chuyển của người dân bên trong châu Âu mà không thiết lập ra một cơ chế tin cậy được để kiểm soát các đường biên giới giữa châu Âu với bên ngoài. Nhìn từ quan điểm kinh tế và đạo đức, đây là những chính sách đáng hoan nghênh, nhưng khi thiếu vắng một cơ chế kiểm soát như vậy, tự do đi lại trong nội bộ châu Âu lại trở thành vấn đề. Và điều này đã dẫn tới cuộc khủng hoảng về tính chính danh sau khi xảy ra những làn sóng nhập cư đông đảo, bị kích hoạt bởi cuộc nội chiến ở Syria năm 2014.
Động lực cuối cùng của chủ nghĩa dân tộc dân túy là văn hóa và có liên quan với vấn đề bản sắc. Nhiều năm về trước, Samuel Huntington đã chỉ ra rằng giai cấp nguy hiểm nhất về kinh tế chính trị không phải là người nghèo và người thất cơ lỡ vận đứng bên ngoài tiến trình phát triển xã hội – những người thường thiếu thời gian và nguồn lực để huy động, mà thay vào đó là tầng lớp trung lưu – những người cảm thấy họ bị sa sút về kinh tế và không được hệ thống chính trị nhìn nhận một cách tương xứng. Những con người như vậy có thể tạo ra các yêu cầu kinh tế, nhưng họ cũng có xu hướng diễn dịch sự mất mát vị thế của mình cả về phương diện văn hóa: họ đã từng là các tập thể xác định nên bản sắc dân tộc, nhưng giờ đây họ bị thay thế bởi những kẻ mới đến, lại là những người được hưởng lợi thế không công bằng so với họ. Thế rồi họ bị thôi thúc bởi quan điểm chính trị căm ghét giới tinh hoa được hưởng nhiều lợi lộc từ hệ thống, và họ có xu hướng đưa người nhập cư thành vật tế thần và coi người ngoại quốc như là những tác nhân gây ra tình trạng thất thế của họ.
Ở khía cạnh này, động cơ kinh tế trùng lắp một cách căn bản với mối quan tâm về văn hóa và về nhiều phương diện không thể tách bạch hai thứ đó với nhau. Nó cũng giúp phân biệt chủ nghĩa dân túy Bắc Âu hoặc Hoa Kỳ với chủ nghĩa dân túy ở Nam Âu và châu Mỹ Latin. Nền tảng xã hội của các cử tri bỏ phiếu cho Brexit, Trump và bà Le Pen nằm ở sự suy thoái của tầng lớp trung lưu và nhân dân lao động, trong khi phong trào Podemos ở Tây Ban Nha, Syriza ở Hy Lạp, Chavez ở Venezuela hoặc Kirchners ở Argentina là những đảng chính trị cánh tả truyền thống hơn, vốn là đại diện cho người nghèo trong xã hội.
Đây cũng chính là cái đã làm cho vấn đề nhập cư trở nên quan trọng, thôi thúc chủ nghĩa dân tộc dân túy ở các nước bắc và đông châu Âu và cả ở Hoa Kỳ. Trong thực tế, tỷ lệ người di dân và tị nạn đã lên rất cao ở châu Âu và Hoa Kỳ; các mối lo ngại về sự thay đổi văn hóa nhanh chóng đã thôi thúc nhiều cử tri ủng hộ các đảng dân túy, các nhà lãnh đạo dân túy cho dù người dân có phải gánh chịu mối đe dọa kinh tế trực tiếp. Xu hướng này được phản ánh trong mục tiêu thường được các đảng dân túy tuyên bố công khai: “giành lại đất nước mình”. Ở nhiều phương diện, các câu hỏi về bản sắc – như ngôn ngữ, sắc tộc, tôn giáo và truyền thống lịch sử – đã xuất hiện để thay thế các giai cấp kinh tế như là những đặc điểm xác định quan điểm chính trị hiện thời. Điều này có thể giải thích sự suy tàn của các đảng chính trị trung tả và trung hữu truyền thống ở châu Âu – các đảng đang dần dần thất thế trước các đảng và phong trào mới thành lập dựa trên các vấn đề về bản sắc.
Đây là phần thứ hai của bài về chủ nghĩa dân túy. Phần đầu ở đây. Phiên bản truyền hình trên internet (podcast) cũng có ở đây.
Nguồn: Viet-studies
17-11-2023
Capture à partir de :baotiengdan
Ảnh chụp màn hình bài báo Tuổi Trẻ
Dân túy, hiểu một cách nôm na, đó là dùng lời nói hoa mỹ để vuốt ve quần chúng, nhưng không thể thực hiện được bởi nguồn lực đang có, hoặc đưa ra những lợi ích ngắn hạn để lấy lòng đám đông nhưng bỏ qua lợi ích dài hạn, bền vững. Dân túy nhằm mục đích để lấy lòng đám đông, để có lợi cho cá nhân, phe nhóm đang áp dụng chính sách dân túy đó hoặc đơn giản chỉ là thủ pháp tuyên truyền.
Các nền dân chủ mới phổ biến kiểu chính trị dân túy, bởi vì nó dựa trên nguyên lý vận hành cơ bản nhất của nền dân chủ, đó là muốn cầm quyền, muốn chính sách được áp dụng… thì phải được đám đông ủng hộ. Các nước độc tài, toàn trị nguyên bản khi đã có quyền lực vững vàng đều hiếm khi cần dân túy vì quyền lực họ đang nắm chắc chắn rồi mà đâu cần lá phiếu của quần chúng. Khi đó, khái niệm dân túy được chuyển sang tuyên truyền, để dân tin yêu chứ không cần để dân bầu.
Ví dụ về dân túy điển hình là phong trào đập hè đường của anh Hải cẩu. Nó được lòng dân, nhưng phi thực tế, nên hiệu quả chỉ tức thời như bắt cóc bỏ đĩa. Không thể thành 1 chính sách bền vững để kiểm soát việc lấn chiếm vỉa hè.
Hay như việc ông Thaksin thủ tướng Thái bị kết án do mua giá cao thóc của nông dân, để mua phiếu của nông dân (chiếm đa số), nhưng làm hại cho quốc gia vì làm tăng giá gạo, mất sức cạnh tranh quốc tế. Mấy hôm trước cũng có đại biểu QH Việt Nam hò hét phải tăng lương, giảm giờ làm. Cũng là dân túy, bởi CP chỉ có thể áp đặt mức lương tối thiểu và thời gian làm tối đa, chứ không thể áp đặt như trên, đó là thỏa thuận giữa chủ và thợ. Các ví dụ trên là dân túy cánh tả, đôi khi là thủ đoạn chính trị, đôi khi là do nhận thức kém.
Nhưng dân túy chính trị kinh điển nhất phải là phổ thông đầu phiếu khi 95% dân không biết chữ! Và cải cách ruộng đất, tiêu diệt địa chủ, để lấy lòng nông dân, nhưng phá hủy mối quan hệ kinh tế cơ bản, làm rối loạn xã hội, phá hủy luân thường đạo lý (con tố bố mẹ, người làm tố ân nhân…).
Ông Trump cũng là trùm về dân túy cánh hữu hiện nay, khi chém gió lấy lòng dân, kiểu xây tường ngăn dân Mễ vượt biên, lại còn bảo bắt Mexico bỏ tiền ra xây. Nhìn Tàu làm hàng rào biên giới Việt Nam đó, lặng lặng làm và tự bỏ tiền! Hiện tại ông đang đe sẽ trục xuất dân nhập cư lậu nữa.
Tóm lại, dân túy là việc cơm bữa mỗi ngày ở các chế độ chính trị, nó diễn ra thường xuyên liên tục, nếu không đủ khả năng nhận thức là bị chăn ngay.
***
Quay về chuyện ông Lưu Bình Nhưỡng. Nhiều người bảo ông ấy là dân túy. Không sai đâu. Nhưng cũng không trách ông ấy được. Vì ĐB QH Việt Nam vốn dĩ ít có vai trò gì, nên coi như 100% tiếng nói trái chiều đều không gắn liền với việc thực thi, tức là dân túy hết.
Đó là do có tới hơn 95% số ĐB QH là đảng viên. BCT kiểm soát QH thông qua đảng đoàn QH. Đảng đoàn kiểm soát UB thường vụ QH. Mỗi đợt cần bỏ phiếu vấn đề gì thì đảng quán triệt trước, anh em đại biểu cứ dựa vào đó mà bỏ phiếu, lộn lề là liệu hồn. Thế nên yên tâm là đồng thuận ý đảng lòng dân (thông qua đại biểu).
Vậy muốn trách thì đi trách QH có vai trò thấp, trách gì mấy ông ĐB chém lộn lề là dân túy? Muốn chính sách hay đề xuất của mấy ông ấy hết dân túy thì những người như thế phải chiếm đa số ở QH nhé. ĐB QH vốn dĩ cũng chỉ biết chém gió, còn làm là bên hành pháp, tư pháp. Họ không làm thì ĐB QH cũng chả làm gì được, vì chỉ là cánh én nhỏ.
Quay sang Hạ viện Mỹ để so sánh. Hạ viện hiện tại do đảng CH chiếm đa số, nhưng lệch đâu đó 10 ghế thôi, là rất mong manh. Nên chủ tịch Hạ viện (của CH) có thể chém rất oách, đi ngược lại quan điểm của tổng thống và thượng viện (phe DC) nhưng khi bỏ phiếu có thể vẫn xịt, vì chỉ cần 10 ông dân biểu CH quay xe. Mà dân biểu Tây nó quay xe là thường, vì không phải đảng viên luôn đồng thuận tuyệt đối với chủ tịch đảng hay chính sách chung của đảng. Vẫn có this và that.
Hiểu được rủi ro đó, nên đảng ta chốt cmn 95% đảng viên ở QH, phòng nhỡ 1 số anh em quay xe, thì vẫn còn ít nhất ăn được 70% phiếu! Chứ về lý thuyết, đảng chỉ cần nắm 60% ghế là đã ăn chắc, nếu không có quay xe. QH khóa 1, 2 đảng đối lập là Việt Quốc, Việt Cách chiếm 21% ghế đó (70/333).
Từ khi khai thiên lập địa, thời Lenin, nhà nước CS đã không chấp nhận có đối lập đấu tranh nghị trường. Nhà nước CS đầu tiên bị sụp đổ do đấu tranh nghị trường, rất êm ái, là Công đoàn đoàn kết ở Ba Lan (CS) thắng cử. Đương nhiên đảng ta và đảng Tàu phải nhận thức sâu sắc được các bài học kể trên. Nên 100% các đại biểu kiểu ông Nhưỡng đều là dân túy hết.
Nếu hiểu sâu sắc về chính trị và bản chất thể chế thì nhìn hiện tượng ông Nhưỡng, ông Đam, ông Hải cẩu, ông Thăng…thì cũng không nên xúc động quá đà. Hãy cứ bình thản mà theo dõi như quan sát một cánh én nhỏ. Bao giờ tứ trụ chém như các ông ấy thì hãy xúc động nhé.
25/01/2018
Nguồn: Steven Levitsky & Daniel Ziblatt, “This is how democracies die”, Guardian, 21/01/2018.
Biên dịch: Huỳnh Hoa
Chế độ độc tài trần trụi – dưới hình thức chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa cộng sản hoặc chế độ quân quản – đã biến mất gần như khắp thế giới. Những vụ đảo chính quân sự hoặc cướp chính quyền bằng bạo lực ít khi xảy ra. Đa số các quốc gia đều tổ chức tuyển cử định kỳ. Các nền dân chủ chết nhưng theo những cách thức khác.
Từ cuối cuộc Chiến tranh Lạnh, phần lớn những vụ sụp đổ của các chế độ dân chủ đều không do các tướng lãnh và binh lính gây ra mà do chính các chính phủ được bầu lên. Giống như ông Hugo Chávez ở Venezuela, các nhà lãnh đạo được bầu lên đã làm băng hoại các thiết chế dân chủ (democratic institutions)ở Gruzia, Hungary, Nicaragua, Peru, Philippines, Ba Lan, Nga, Sri Lanka, Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine.
Cuộc thoái trào của chế độ dân chủ hôm nay bắt đầu từ thùng phiếu. Con đường bầu cử (electoral route)dẫn tới sự sụp đổ của chế độ dân chủ có tính lừa dối một cách nguy hiểm. Trong một cuộc đảo chính kiểu cổ điển, ví dụ như cuộc đảo chính của Pinochet ở Chile, cái chết của nền dân chủ xảy ra tức thì và rõ ràng, ai cũng nhìn thấy. Dinh tổng thống bị đốt cháy. Tổng thống bị hạ sát, bị cầm tù hoặc bị lưu đày biệt xứ. Hiến pháp bị đình chỉ thi hành hoặc bị hủy bỏ.
Những chuyện này không hề xảy ra trên con đường bầu cử. Không có xe tăng trên đường phố. Hiến pháp và các thiết chế dân chủ về danh nghĩa vẫn còn nguyên vẹn. Người dân vẫn đi bỏ phiếu. Các lãnh đạo chuyên chế được bầu lên vẫn duy trì một lớp sơn dân chủ bề ngoài trong khi rút bỏ hết những gì thực chất bên trong của chế độ dân chủ.
Nhiều nỗ lực của chính phủ nhằm làm băng hoại nền dân chủ là “hợp pháp”, theo nghĩa là chúng được cơ quan lập pháp phê chuẩn hoặc được tòa án chấp nhận. Thậm chí chúng còn được tô vẽ như là những nỗ lực nhằm cải thiện chế độ dân chủ, làm cho hệ thống tư pháp hoạt động hiệu quả hơn, đấu tranh chống nạn tham nhũng hoặc làm trong sạch tiến trình bầu cử.
Báo chí vẫn tiếp tục xuất bản, nhưng hoặc đã bị mua chuộc, hoặc bị đe dọa phải thực hiện tự kiểm duyệt. Công dân tiếp tục phê bình chính phủ để rồi nhận ra mình phải đối mặt với cáo buộc trốn thuế hoặc những rắc rối pháp lý khác. Tình trạng này gieo rắc nỗi hoang mang trong công chúng. Người dân không nhận ra ngay được điều gì đang diễn ra. Nhiều người tin rằng mình vẫn đang sống trong một chế độ dân chủ.
Bởi vì không có một khoảnh khắc duy nhất nào cho thấy rõ ràng chế độ đương quyền đã “bước qua lằn ranh” để trở thành chế độ độc tài – không đảo chính, không ban bố lệnh giới nghiêm, không đình chỉ hiến pháp – nên không có gì kích hoạt những chiếc chuông báo động của xã hội. Những người tố cáo chính phủ lạm dụng quyền lực có thể bị bỏ qua như là những kẻ gây hấn hoặc những người hay la lối om sòm. Đối với nhiều người, sự xói mòn nền dân chủ hầu như không thể hình dung được!
**
Chế độ dân chủ của Hoa Kỳ dễ tổn thương tới mức nào với hình thức thoái trào này? Những nền tảng của chế độ dân chủ Hoa Kỳ chắc chắn là vững mạnh hơn so với Venezuela, Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Hungary. Nhưng chúng có đủ vững chắc hay không?
Để trả lời một câu hỏi như vậy, chúng ta phải lùi ra khỏi những bản tin thời sự hàng ngày, những cảnh báo tin sốt dẻo để mở rộng tầm nhìn, để rút ra bài học từ trải nghiệm của các nền dân chủ khác trên khắp thế giới trong suốt chiều dài lịch sử.
Một lối tiếp cận so sánh sẽ cho thấy bằng cách nào mà các chính trị gia chuyên chế được bầu lên ở nhiều khu vực khác nhau của thế giới đã sử dụng những chiến lược giống nhau một cách đáng chú ý để làm biến chất các thiết chế dân chủ. Khi những khuôn mẫu này trở nên dễ thấy, những bước đi tới sự sụp đổ cũng trở nên rõ ràng hơn – và dễ chống lại chúng hơn. Hiểu biết những cách thức mà công dân các nền dân chủ khác đã phản kháng thành công các chính trị gia chuyên chế được bầu lên, hoặc hiểu được vì sao họ đã thất bại bi thảm trong công cuộc phản kháng của mình, là điều thiết yếu cho những người đang tìm cách bảo vệ chế độ dân chủ của Hoa Kỳ hôm nay.
Chúng ta biết rằng những chính trị gia mị dân (demagogue) cực đoan thì thời nào cũng có ở mọi xã hội, ngay cả trong những nền dân chủ lành mạnh. Hoa Kỳ cũng có những kẻ như vậy, chẳng hạn như Henry Ford, Huey Long, Joseph McCarthy và George Wallace.
Phép thử quyết định cho các nền dân chủ không nằm ở chỗ những kẻ mị dân cực đoan như vậy có nổi lên hay không mà trước tiên là các nhà lãnh đạo chính trị, đặc biệt là các đảng phái lớn, có ngăn chặn những kẻ đó thâu tóm quyền lực hay không – bằng cách loại chúng ra khỏi các đảng chính trị dòng chính, từ chối phê chuẩn hoặc đứng cùng phe với chúng và khi cần thiết thì sẵn sàng chia sẻ lý tưởng với các đối thủ trong công cuộc hỗ trợ các ứng cử viên dân chủ.
Để cô lập những kẻ cực đoan mị dân cần có lòng dũng cảm chính trị. Nhưng khi nỗi sợ hãi, chủ nghĩa cơ hội hoặc tính toán sai lầm dẫn dắt các đảng chính trị tới chỗ đưa những kẻ cực đoan vào dòng chính thì nền dân chủ sẽ lâm vào tình trạng nguy hiểm.
Khi một người có khả năng biến thành nhà chính trị chuyên chế giành được quyền lực, các nền dân chủ đối mặt với phép thử quyết định thứ hai: liệu nhà lãnh đạo chuyên chế kia sẽ làm biến chất các thiết chế dân chủ hay là ông ta sẽ bị các thiết chế ấy kiềm chế?
Chỉ riêng các thiết chế là không đủ để kiềm chế các lãnh đạo chuyên chế được bầu lên. Hiến pháp phải được bảo vệ – bởi các đảng chính trị, các tổ chức công dân, nhưng cũng bởi những quy tắc dân chủ. Không có những quy tắc vững mạnh, cơ chế kiểm tra và cân bằng hiến định sẽ không thể trở thành thành trì bảo vệ chế độ dân chủ như chúng ta hình dung. Các thiết chế sẽ bị biến thành vũ khí chính trị mà những kẻ kiểm soát chúng sử dụng một cách quyết liệt để chống lại những ai không kiểm soát được chúng.
Đây là cách mà các nhà lãnh đạo chuyên chế làm băng hoại chế độ dân chủ – cử người vào và “vũ khí hóa” hệ thống tòa án và những cơ quan trung lập khác, mua chuộc báo chí truyền thông và khu vực kinh tế tư nhân (hoặc đe dọa buộc họ phải im lặng) và viết lại những luật lệ chính trị để làm cho sân chơi nghiêng về phía chống lại những người đối lập. Nghịch lý bi thảm của con đường bầu cử tới chủ nghĩa độc tài chuyên chế là ở chỗ, những kẻ ám sát nền dân chủ sử dụng chính những thiết chế dân chủ để giết chết nó – dần dần, khéo léo và thậm chí hợp pháp nữa.
**
Nước Mỹ đã thất bại trong phép thử thứ nhất vào tháng 11 năm 2016 khi bầu làm tổng thống một người mà lòng trung thành với các quy tắc dân chủ là rất đáng ngờ.
Chiến thắng bất ngờ của ông Donald Trump sở dĩ xảy ra được không chỉ vì nỗi bất mãn của công chúng mà còn bởi thất bại của đảng Cộng hòa trong việc ngăn chặn một kẻ mị dân cực đoan trong hàng ngũ của mình giành được sự đề cử [làm ứng cử viên tổng thống của đảng].
Giờ đây mối đe dọa này đã nghiêm trọng tới mức nào? Nhiều quan sát viên thấy niềm an ủi ở hiến pháp Hoa Kỳ, vốn được thiết kế để ngăn chặn và kiềm chế những kẻ mị dân như Trump. Hệ thống kiểm tra và cân bằng kiểu Madison[i] đã bền bỉ trải qua hơn hai thế kỷ. Nó đã sống sót qua thời nội chiến, thời đại suy thoái, Chiến tranh Lạnh và vụ bê bối Watergate.[ii] Thế thì chắc chắn nó sẽ có khả năng sống sót lâu hơn Trump.
Không nên chắc chắn như vậy. Về mặt lịch sử, hệ thống kiểm tra và cân bằng đã hoạt động tương đối tốt – nhưng không, hoặc không hoàn toàn nhờ vào hệ thống hiến định được những nhà lập quốc thiết kế ra. Các nền dân chủ hoạt động tốt nhất – và sống lâu hơn – khi hiến pháp được tăng cường bởi những quy tắc dân chủ bất thành văn.
Hai quy tắc căn bản đã duy trì hệ thống kiểm tra và cân bằng của Hoa Kỳ theo những cách thức mà chúng ta thường coi là hiển nhiên: sự dung nạp lẫn nhau, hoặc hiểu biết rằng các đảng chính trị cạnh tranh phải chấp nhận lẫn nhau như là những đối thủ hợp pháp và chính đáng; và sự độ lượng, hoặc ý tưởng rằng các chính trị gia nên thực hành sự kiềm chế khi sử dụng những đặc quyền mà thể chế ban cho họ.
Hai quy tắc này đã nâng đỡ nền dân chủ Hoa Kỳ trong phần lớn thế kỷ 20. Các nhà lãnh đạo của hai đảng chính trị lớn chấp nhận lẫn nhau như là những đối thủ chính danh và chống lại nỗi cám dỗ muốn sử dụng quyền kiểm soát tạm thời những thiết chế hành pháp, lập pháp và tư pháp để khuếch đại lợi thế của đảng mình. Những quy tắc về dung nạp và kiềm chế đã hoạt động như những rào chắn mềm của nền dân chủ Hoa Kỳ, giúp nó tránh được tình trạng các đảng phái đánh nhau chí chết từng hủy diệt các nền dân chủ khắp nơi trên thế giới, kể cả ở châu Âu trong thập niên 1930 và ở Nam Mỹ trong các thập niên 1960 và 1970.
Tuy vậy ngày nay những rào chắn của nền dân chủ Hoa Kỳ đang bị yếu đi. Sự xói mòn các quy tắc dân chủ đã bắt đầu từ các thập niên 1980, 1990 và tăng tốc trong thập niên 2000. Vào thời ông Barack Obama làm tổng thống, nhiều người Cộng hòa đặc biệt đặt nghi vấn về tính chính danh của các đối thủ đảng Dân chủ và đã từ bỏ sự độ lượng để theo đuổi chiến lược giành chiến thắng bằng mọi phương tiện cần thiết.
Có lẽ ông Trump đã đẩy nhanh tiến trình này, nhưng ông không phải là người tạo ra nó. Những thách thức mà nền dân chủ Hoa Kỳ phải đương đầu thì sâu xa hơn nhiều. Sự yếu đi của các quy tắc dân chủ bắt rễ trong sự phân cực đảng phái (partisan polarisation) hết sức cực đoan – một sự chia rẽ vượt rất xa những khác biệt về chính sách để trở thành mâu thuẫn sống còn về các vấn đề văn hóa và chủng tộc.
Những nỗ lực của Hoa Kỳ để đạt tới sự bình đẳng về sắc tộc khi xã hội trưởng thành và ngày càng đa dạng đã thôi thúc một phản ứng quỷ quyệt và làm gia tăng sự phân cực. Và từ việc nghiên cứu những cuộc sụp đổ trong lịch sử, có một điều hết sức rõ ràng là chính sự phân cực cùng cực có thể giết chết các nền dân chủ.
Vì vậy, có nhiều lý do để báo động. Không chỉ người Mỹ vào năm 2016 đã bầu lên một kẻ mị dân mà còn làm việc đó khi những quy tắc đã có thời bảo vệ nền dân chủ đã không còn được bảo đảm nữa.
Nhưng nếu những trải nghiệm của các quốc gia khác có thể dạy chúng ta rằng sự phân cực có thể giết chết các nền dân chủ thì chúng cũng dạy chúng ta rằng sụp đổ không phải là tất yếu, không phải là không đảo ngược được.
Nhiều người Mỹ đã lo sợ một cách chính đáng với những gì đang xảy ra trên đất nước mình. Nhưng bảo vệ nền dân chủ đòi hỏi nhiều hơn là nỗi sợ hãi hoặc cơn giận dữ. Chúng ta phải khiêm tốn và dũng cảm. Chúng ta phải học từ những quốc gia khác để thấy những dấu hiệu cảnh báo – và phải nhận ra những hồi chuông báo động sai. Chúng ta phải biết tới những bước đi sai lầm mang tính định mệnh đã làm triệt tiêu nhiều nền dân chủ. Và chúng ta phải thấy bằng cách nào các công dân đã đứng lên đối mặt với những cuộc khủng hoảng lớn của chế độ dân chủ trong quá khứ, vượt qua những sự chia rẽ thâm căn cố đế của chính họ để tránh sụp đổ.
Lịch sử không tự lặp lại chính nó. Nhưng lịch sử có nhịp điệu. Lời hứa hẹn của lịch sử là ở chỗ chúng ta phải tìm thấy nhịp điệu của nó trước khi quá trễ.
Đây là trích đoạn từ sách “How Democracies Die” của Steven Levitsky và Daniel Ziblatt, giáo sư về chính quyền, trường Đại học Harvard, NXB Penguin Book.
—————-
[i] James Madison (1751-1836): Quốc phụ và tổng thống thứ tư của Hoa Kỳ, cầm quyền hai nhiệm kỳ, từ 1809 đến 1817, kế nhiệm tổng thống Thomas Jefferson. Ông Madison là người viết bản dự thảo đầu tiên của Hiến pháp Hoa Kỳ và Tuyên ngôn Nhân quyền, từ đó ông có biệt danh “Cha đẻ của hiến pháp”. Hiến pháp Hoa Kỳ xác lập các nguyên tắc nhà nước pháp quyền, tam quyền phân lập – tạo nên cơ chế kiểm tra và cân bằng để giám sát quyền lực nhà nước. Ông cùng với tổng thống T. Jefferson lập ra đảng Dân chủ – đảng chính trị đối lập đầu tiên của Hoa Kỳ – năm 1792.
[ii] Vụ bê bối Watergate xảy ra ngày 17/06/1972 đã buộc tổng thống Richard Nixon phải từ chức năm 1974 và làm thay đổi vĩnh viễn nền chính trị Hoa Kỳ, từ đó người dân Mỹ luôn đặt nghi vấn về các nhà lãnh đạo chính trị của họ.
June 13, 2023
Capture à partir de :baocalitoday
Tôi tin là hầu hết người Mỹ đều nghe đến câu tuyên bố lịch sử của Donald Trump khi ông ta nói trong một lần biểu tình chính trị ở Iowa, vào tháng 1 năm 2016, Trump đã vỗ ngực nói rằng: “Tôi có thể đứng giữa Đại lộ số 5 và bắn ai đó và tôi sẽ không mất một cử tri nào.”
Lúc đó thì với tôi, tôi không tin như vậy, vì tôi còn tin vào một hệ thống luật pháp hoạt động tại Hoa Kỳ, rằng chẳng lẽ một người làm như vậy lại có thể được pháp luật để yên, không đụng đến hay sao? Trump rõ ràng chỉ bốc phét, nổ chơi cho vui thôi.
Mời xem video bài bình luận qua Youtube
Nhưng sau hơn 6 năm, thì tôi tin, điều Trump nói là ông ta sẽ không bị hề hấn gì. Vì rõ ràng, qua vụ truy tố hình sự tiểu bang ở Manhattan, mức ủng hộ Trump thậm chí còn tăng cao hơn, giờ đến vụ truy tố hình sự liên bang, con số đó vẫn tăng, điều này nói lên nhận thức của nhiều người Mỹ rất khác với hàng chục năm trước đây, khi họ còn xét nét các ứng cử viên Tổng thống từng chút một từ chuyện đời tư, chuyện quân dịch, chuyện tình cảm trai gái, chuyện làm ăn gian lận, chuyện thuế má, chuyện nhà cửa, chuyện tài sản, chuyện chứng khoán…
Còn bây giờ, những chuyện đó là chuyện nhỏ, chuyện một ứng viên Tổng thống đang là một tên tội phạm bị truy tố hình sự đó đây, vẫn được xem là chuyện nhỏ thì những chuyện khác có sá gì. Người Mỹ không quan tâm, nên tôi tin, thời điểm này Trump nếu đưa ra một câu tuyên bố tương tự như năm 2016, chỉ có khác đi một chút, đó là dù Trump có bị bao nhiêu bản cáo trạng hình sự tiểu bang, liên bang thì ông ta vẫn không mất đi một người ủng hộ nào.
Các tiêu đề của bản cáo trạng liên bang là những điều chưa từng xảy ra trong lịch sử Hoa Kỳ, được giới chuyên môn về luật pháp, hiến pháp đánh giá là một cáo trạng nguy hiểm, rất nguy hiểm cho an ninh quốc gia, cả đối nội lẫn đối ngoại. Về mặt cá nhân và nhận thức sai trái nguy hiểm thì đó là sự coi thường dân chủ và pháp quyền của ông ta. Từ khi Trump lên nhậm chức, ông ta đã luôn coi thường nguyên tắc của pháp luật. Donald Trump chỉ yêu hai thứ duy nhất, đó là: “quyền lực và tiền”.
Theo tôi, nếu nói thẳng, một cử tri Mỹ nếu bỏ phiếu cho một người coi thường nguyên tắc luật pháp và lạm dụng quyền lực một cách điên cuồng theo cách mà Trump vẫn luôn làm, thì tôi cho đó là một hành động phản bội đất nước. Nhưng điều đáng buồn và đáng sợ, là con số này không ít, có hơn 74 triệu lá phiếu đã dồn cho ông ta, điều đó có nghĩa là có một con số rất lớn những người Mỹ đã và đang hành động phản bội đất nước Hoa Kỳ. Những người Mỹ này đã coi thường luật pháp, chà đạp lên các quyền hợp pháp và đạo đức của con người cũng như xem thường sự an nguy của đất nước nơi họ đang sống.
Ngay cả với những tòa án khắp đất nước, đối với Trump, chỉ là một phương tiện để lạm dụng quyền lực của ông ta, là nơi mà ông ta có thể dùng tiền để chiến đấu với luật pháp và đè bẹp những kẻ chống đối ông ta.
Một câu hỏi thật đơn giản, rằng khi một số người Mỹ bỏ phiếu cho một người như Trump, người công khai coi thường nguyên tắc luật pháp, muốn giành lấy quyền lực bằng mọi cách kể cả đảo chính và nổi loạn thì trên thực tế, một cuộc bỏ phiếu như vậy có gì khác nếu tôi cho đó là một cuộc bỏ phiếu để lật đổ nền dân chủ.
Dân chủ và pháp quyền không thể dung hòa với tham vọng quyền lực và tham nhũng. Chính xác là như vậy!
Đó là lý do tại sao Donald Trump luôn coi thường nguyên tắc cơ bản của nền dân chủ về luật pháp. Luật dân chủ áp đặt các biện pháp kiểm tra và cân bằng nhằm bảo đảm rằng quyền lực của một cá nhân hoặc một nhóm các cá nhân không bao giờ mạnh hơn lá phiếu của đa số các cá nhân khi họ thực thi quyền lực chính trị của mình để thúc đẩy lợi ích tốt nhất cho phúc lợi chung của toàn xã hội.
Bỏ phiếu cho một người xem thường luật pháp và đam mê với quyền lực như Trump, cho một đảng chính trị như đảng Cộng hòa chỉ bảo vệ cho những người giàu có, luôn muốn tước đoạt của những người nghèo thì đó chính xác là một cuộc bỏ phiếu chống lại phúc lợi chung của tất cả xã hội và chống lại nền tảng mà xã hội của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ hiện đang được xây dựng. Với tôi, nói năng bình dân hơn, dễ hiểu hơn thì tôi cho đó là một cuộc bỏ phiếu của những người TA KHÔNG THỂ NGỦ, của những người tự phá bỏ hàng rào chung quanh nhà, tự tháo gỡ cửa cái, cửa sổ để rước cướp vào nhà, cho chúng cướp đi mọi thứ trong nhà và bắt cóc tương lai của những đứa trẻ.
Điều đó cũng có nghĩa là, một cuộc bỏ phiếu như vậy là phản bội lại đất nước mà họ đang là một thành viên. Cho dù những cử tri như vậy có hiểu điều này hay không, bỏ phiếu cho một người đàn ông coi thường nguyên tắc luật pháp và lạm dụng quyền lực một cách hèn hạ như cách mà Trump vẫn luôn làm, là một hành động phản bội đất nước. Và vào ngày 6 tháng 1 năm 2021, tất cả chúng ta đã chứng kiến rằng sự phản bội đó đã đơm hoa kết trái không thể tránh khỏi.
Tôi muốn nói ra những điều này là vì các tiêu đề mô tả nhiều cáo trạng của Donald Trump là chưa từng có và tạo ra một tình huống hiểu lầm nguy hiểm cho quốc gia.
Và điều nguy hiểm chưa từng có là đã có rất nhiều công dân Mỹ đã bỏ phiếu cho một kẻ đại diện cho sự coi thường nguyên tắc luật pháp.
Những người khác coi các bản cáo trạng có khả năng làm nảy sinh phản ứng dữ dội từ những người ủng hộ Trump, nhưng những lập luận như vậy đã chấp nhận một cách thiếu khôn ngoan về sự sai lầm của những người ủng hộ Trump, những người tự coi họ là nạn nhân của chính quyền tư pháp hợp pháp và đúng đắn.
Bất kỳ hành vi bạo lực nào của những người ủng hộ Trump đều không liên quan gì đến việc buộc tội Trump, không tăng thêm án tù hay làm giảm án tù, chẳng ảnh hưởng gì cả, vì luật pháp và các tòa án sẽ không bị áp lực bởi những tiếng la ó, chửi thề, xuống đường, biểu tình của những người ủng hộ Trump.
Cơ quan thực thi luật pháp nếu làm đúng thủ tục với bằng chứng không thể chối cãi thì không ai được phép nói rằng những bản cáo trạng là sự lạm dụng vũ khí hóa tòa án vì các mục đích chính trị, đảng phái.
Vì vậy, chúng ta cần đẩy lùi những tuyên bố từ những người ủng hộ Trump, bảo vệ Trump khi họ rêu rao rằng bản cáo trạng của Trump tạo ra một tình huống nguy hiểm cho quốc gia. Trên thực tế, chính bản cáo trạng của Trump đang làm cho nước Mỹ và thế giới trở nên an toàn hơn.
Lời kết:
Điều chưa từng có tiền lệ là có quá nhiều công dân thiếu hiểu biết dù cam kết với nền dân chủ nhưng họ lại bầu phiếu cho một kẻ muốn phá hủy nền dân chủ. Đây mới chính là vấn đề, khi nói nôm na, người Mỹ muốn những ngôi nhà của họ an toàn và họ mở toang cửa mời những tên cướp với vũ khí vào nhà vì họ tin rằng những tên cướp này sẽ bảo vệ sự an toàn cho ngôi nhà của họ.
Tình huống đang xảy ra hiện nay cho thấy là còn có thêm nhiều cáo trạng từ tiểu bang, liên bang sẽ đến. Đó là tất cả những gì cần phải xảy ra để ổn định một nền dân chủ của luật pháp và trật tự. Không ai, kể cả tổng thống hay cựu tổng thống, được đứng trên luật pháp, bất kể là con người tệ hại này đang có 74 triệu lá phiếu trong tay.
Việt Linh, 13.06.2023
September 1, 2023
Capture à partir de :baocalitoday
Written by ST, Edited by LK
Trong quá khứ, và gần đây, các nhà phân tích chính trị Mỹ cũng như thế giới đã cảnh báo đảng Cộng hòa Mỹ có thể trở thành một đảng chính trị rất cực đoan và dự đoán này đã hiện ra ngày càng rõ rệt hơn.
Những nhà nghiên cứu và theo dõi hệ thống lưỡng viện Hoa Kỳ như Thomas Mann và Norman Ornstein đã từng phát biểu rằng: “Đảng Cộng hòa đã trở thành những kẻ “nổi loạn lai căng” (outliers insurrection), những người sẵn sàng chối bỏ mọi bằng chứng, sự thật và thể chế hợp hiến của quốc gia.”
Mời xem video bài bình luận qua Youtube
Hãy trở lại qua chuyện Donald Trump chối bỏ sự thất cử của mình.
Ngay cả trước khi họ phê chuẩn chọn Donald Trump làm ứng viên cho cuộc tổng tuyển cử năm 2016. Khi đó, Thượng nghị sĩ Cộng hòa, Marco Rubio thường xuyên gọi đảng Dân chủ là đám người có tiêu chuẩn của social democrat, là Marxism, nhưng trên thực tế, những loại chủ nghĩa này lại đang được đảng Cộng hòa đi theo hướng này với cường độ ngày càng nhanh như chúng ta đã thấy.
Và có một vấn đề khác khi so sánh với sự trỗi dậy của chủ nghĩa phát xít. Chủ nghĩa cực đoan cánh hữu ở châu Âu giữa hai cuộc thế chiến nảy sinh từ đống đổ nát của những thảm họa quốc gia: thất bại trong Thế chiến thứ nhất (hoặc, trong trường hợp của Ý, chiến thắng kiểu Pyrros giống như thất bại), siêu lạm phát, suy thoái kinh tế.
Những điều đó chưa xảy ra tại Mỹ nhưng nước Mỹ đã chứng kiến một giai đoạn suy thoái tài chính trầm trọng năm 2008 và sự phục hồi thật vất vả để lại những hậu quả khác biệt về kinh tế và chính trị nhân văn theo kiểu da beo, tùy theo khu vực, nước Mỹ đã chứng kiến tệ nạn hút sách và ngay cả tỷ lệ tự tử ngày càng gia tăng và thêm vào đó, tệ nạn súng cũng không có khuynh hướng giảm thiểu.
Nước Mỹ đã trải qua những điều tồi tệ hơn nhiều trong quá khứ nhưng chúng ta không hề chứng kiến một trong những đảng chính trị lớn của đất nước đang quay lưng lại với nền tảng dân chủ.
Tưởng cũng nên nhắc lại những sự điên rồ chính trị trong những năm Clinton – những cuộc săn lùng phù thủy và những thuyết âm mưu hoang đường như câu chuyện thần thoại Hillary Clinton đã sát hại Vince Foster, những nỗ lực tống tiền (black mail) Bill Clinton để nhượng bộ chính sách bằng cách sẵn sàng đóng cửa chính phủ và nhiều hơn thế nữa. Tất cả những điều này đã xảy ra và người Mỹ trong những năm đó vẫn coi là những năm tốt đẹp, và hầu hết tin rằng đất nước đã đi đúng hướng.
Năm 2019, một cuộc khảo sát quốc tế gồm các chuyên gia đã đánh giá các đảng phái trên khắp thế giới về cam kết của họ đối với các nguyên tắc dân chủ cơ bản và quyền của người thiểu số. Kết quả là, G.O.P. của Mỹ trông không giống các đảng trung hữu ở các nước phương Tây khác. Thay vào đó, nó đang có khuynh hướng giống như các đảng độc tài như Fidesz của Hungary hay AKP của Thổ Nhĩ Kỳ. (The AKP: Adelet ve Kalkinma Partisi)
Những phân tích như vậy thường xuyên bị coi là quá đáng và đáng báo động. Ngay cả bây giờ, khi các đảng viên Cộng hòa bày tỏ sự ngưỡng mộ công khai đối với chế độ cai trị độc đảng của Viktor Orbán của Hungary, chúng ta vẫn gặp phải những người khăng khăng từ chối rằng G.O.P. không thể so sánh được với Fidesz. (Tại sao không? Trong khi đảng Cộng hòa đã vận động các cơ quan lập pháp của các tiểu bang đỏ hãy tìm mọi cách để nắm được quyền kiểm soát, bất kể họ thua số phiếu phổ thông nặng nề đến mức nào, điều này nằm ngoài sách vở của Viktor Orbán.)
Sau khi Trump thất cử và đảng Cộng hòa vẫn chưa thể thoát khỏi sự thống trị của Donald Trump, họ đã và đang phải chấp nhận chính sách cực đoan của Trump, bất kể giá trị căn bản của nền tảng văn minh lâu đời của chính trị nước Mỹ.
Donald Trump không phải là một Adolf Hitler thứ hai hay một Benito Mussolini tái sinh nhưng Trump sẽ là một phiên bản mới, có khi hoàn hảo hơn cả hai người nói trên, vì sao? Vì nước Mỹ đang trong thời bình và đối với những kẻ cực đoan trong đảng Cộng hòa, họ nhìn ra một phương hướng mới để theo đuổi, họ học lóm được những âm mưu của tên thủ lĩnh và họ biết Donald Trump sẽ không bao giờ trở thành một vị tổng thống kế tiếp nhưng trong cái nhơ nhuốc của Donald Trump đã sinh ra những con vi khuẩn MAGA, Trump có cái hào nhoáng bên ngoài của một tên cowboy thời khai phóng tìm vàng miền viễn Tây và muốn đi theo hướng đó, nhóm American Caucus trong lưỡng viện phải chấp nhận chủ nghĩa cực đoan.
Nhìn vào những phán quyết cấm phá thai và bảo vệ quyền sử dụng súng của Tối cao Pháp viện, hai quả bom nổ chậm đang nằm ngay trong xã hội Hoa Kỳ, hai quả bom thật sự là do những chuyên viên thuốc nổ Cộng hòa cài đặt, và còn những quả bom nào khác, người Mỹ rồi sẽ có dịp chứng kiến, đảng Cộng hòa sẽ phải chiến thắng bằng mọi cách, bất kể đó là chiến thắng như “Pyrrhic victory” (Pyrrhic victory là một loại chiến thắng gây ra những tổn thất khủng khiếp cho bên thắng cuộc, mà nó tương đương với thất bại, và không xứng đáng cho một sự “hy sinh đúng nghĩa“.)
Written by ST, Edited by LK
Đăng ngày: 01/10/2023 - 13:48
Sửa đổi ngày: 01/10/2023 - 14:44
Capture à partir de :RFI
Theo kết quả kiểm phiếu gần như là đầy đủ, đảng dân túy Slovakia Smer-SD, phản đối viện trợ cho Ukraina, đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lập pháp vào hôm qua 30/09/2023 ở Slovakia. Lãnh đạo đảng này cựu thủ tướng Robert Fico có nhiều triển vọng trở lại nắm quyền.
Cựu thủ tướng Slovakia Robert Fico (thứ hai từ trái qua) mừng chiến thắng của đảng Smer-SD trong cuộc bầu cử lập pháp hôm 01/10/2023, tại Bratislava.AFP - TOMAS BENEDIKOVIC
Theo hãng tin Anh Reuters, kết quả của 99,98% phiếu đã kiểm cho thấy là đảng Smer-SD của ông Robert Fico đã giành được 22,94% phiếu bầu, dẫn trước đảng Tiến Bộ Slovakia thuộc cánh trung, chỉ được 17,96% cử tri ủng hộ. Về thứ ba là đảng trung tả Hlas, được 14,70% số phiếu.
Cựu thủ tướng cánh tả Robert Fico, người được tổng thống Nga Vladimir Putin ủng hộ, nhờ đó đã giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử lập pháp này. Nhưng không có đa số tuyệt đối, ông sẽ phải tìm đồng minh để thành công trong việc thành lập chính phủ.
Cuộc bỏ phiếu ở đất nước 5,4 triệu dân này, một thành viên của Liên Hiệp Châu Âu và khối NATO, được coi là mang tính quyết định, để biết liệu Slovakia có thể tiếp tục con đường thân phương Tây hay hướng nhiều hơn về phía Nga.
Vào lúc Slovakia cho đến nay là một trong những nước ủng hộ chính của Ukraina thì đảng Smer-SD theo chủ nghĩa dân túy, có thiện cảm nhiều hơn với nước Nga của Vladimir Putin và không giấu giếm ý định hủy bỏ các khoản viện trợ cho nước láng giềng đã bị Nga xâm lược từ tháng 2 năm 2022.
Theo thông tín viên RFI Alexis Rosenzweig, phụ trách khu vực, thì ông Robert Fico, người có nhiều triển vọng nhất để trở lại nắm quyền tại Slovakia, bị coi là một “Viktor Orban thứ hai”, thân thiện với Matxcơva và phản đối mọi viện trợ cho Kiev. Từ Praha, Thông tín viên RFI tường trình:
“Vào sáng hôm nay, Chủ Nhật, đài truyền hình Slovakia rốt cuộc đã công bố kết quả chung cuộc của cuộc bầu cử. Bất chấp nhiều vụ tham nhũng khác nhau và tiếng tăm không mất tôt, ông Robert Fico vẫn là người chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu.
Đây là một sự trở lại nắm quyền rất rõ nét đối với người đã lãnh đạo chính phủ Slovakia trong mười năm và đã khẳng định trong chiến dịch tranh cử rằng ông sẽ đình chỉ mọi viện trợ quân sự cho láng giềng Ukraina, một nước bị ông tố cáo là đã kích động chiến tranh vào năm 2014 và không muốn thấy gia nhập NATO.
Để thành lập một liên minh chính phủ, ông Robert Fico và đảng Smer-SD có thể đặc biệt tin tưởng vào đảng cực hữu, đảng từng liên minh với ông trong quá khứ, điều đã khiến ông tạm thời bị loại ra khỏi Đảng Xã Hội Châu Âu.
Đối với nhiều nhà phân tích, ông Fico là một “Viktor Orban thứ hai”. Giống như thủ tướng Hungary, ông có lập trường còn hơn là thân thiện với Matxcơva.”
Đăng ngày: 30/09/2023 - 12:57
Capture à partir de :RFI
Cử tri Slovakia vào hôm nay 30/09/2023 được mời đến phòng phiếu bầu lại 150 dân biểu cho một nhiệm kỳ 4 năm. Câu hỏi đặt ra là ứng cử viên xuất thân từ hàng ngũ cộng sản, Robert Fico, với lập trường thân Nga hay Michal Simecka với chủ trương thân phương Tây và NATO sẽ trở thành thủ tướng Slovakia.
Một phòng phiếu tại Bratislava (Slovakia) ngày 30/09/2023.AP - Darko Bandic
Cử tri Slovakia bỏ phiếu bầu lại Quốc Hội trong bối cảnh Nga đang xâm chiếm Ukraina ở sát cạnh biên giới phía đông và nỗi ám ảnh năm 1968 Hồng Quân Liên Xô xâm chiếm Praha, khi đó là thủ đô của Tiệp Khắc. Năm 1991 khối xã hội chủ nghĩa sụp đổ, Tiệp Khắc tách ra thành hai nước Cộng Hòa Séc và Slovakia.
Slovakia là thành viên Liên Hiệp Châu Âu và của liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương NATO. Các phòng phiếu đóng cửa vào 20 giờ quốc tế, tối nay và kết quả chính thức sẽ được công bố vào ngày mai. Theo các thăm dò, đảng cánh tả của cựu thủ tướng Robert Fico và cánh trung với lập trường thân phương Tây của nghị sĩ châu Âu Michal Simecka đang dẫn đầu cuộc đua. Mỗi bên có triển vọng được 20% cử tri ủng hộ nhưng không bên nào hội đủ đa số tuyệt đối để thành lập chính phủ.
Có tổng cộng 11 đảng phái chính trị tại Slovakia sẽ tham gia Quốc Hội trong nhiệm kỳ 4 năm sắp tới.
Từ Bratislava, thông tín viên RFI Rosenzweig phác họa thêm về chân dung hai ứng viên có triển vọng trở thành thủ tướng Slovakia sau cuộc bầu cử hôm nay :
“Cách nhau đến 20 tuổi và với tầm nhìn về chính trị và địa chính trì trái ngược hẳn. Robert Fico, 59 tuổi, xuất thân từ hàng ngũ đảng Cộng Sản trước khi chế độ sụp đổ, thế rồi ông đi theo khuynh hướng xã hội dân chủ, để rồi chọn đi theo con đường dân túy. Thí dụ như Fico vừa đổi tên đảng ông đang lãnh đạo, thêm vào một chữ S trong tên gọi SMER-SSD; chữ S của Slovakia.
Ở phía bên kia là dân biểu châu Âu, Michal Simecka, 39 tuổi, tốt nghiệp đại học Oxford của Anh, có cha và ông nội là những nhà ly khai chống lại chế độ Cộng Sản. Ông điều hành đảng Slovakia Cấp Tiến và thực sự có chủ trương ủng hộ châu Âu, ủng hộ NATO.
Vào lúc Robert Fico có lập trường thân Nga và bài Ukraina thì trái lại, đảng của Michal Simecka quan niệm chiến tranh đang diễn ra ngay sát cạnh Slovakia cũng là một cuộc chiến mà Cộng Hòa Slovakia còn non trẻ đã từng trải khi bị quân đội của Matxcơva xâm chiếm năm 1968.
Về mặt xã hội, Michal Simecka chủ trương cởi mở và vị tha, thì đảng SMER cho công bố những đoạn video với nội dung chống cộng đồng LGBT với đầy những thuyết âm mưu đi kèm. Đảng này thường quy trách nhiệm cho nhà tỷ phú George Soros hay là cho sứ quán của Mỹ.
Theo các cuộc thăm dò gần đây, không một phe nào đủ sức một mình thành lập chính phủ. Trong trường hợp về đầu, Robert Fico có khả năng liên kết với đảng cực hữu. Về phía Michal Simecka, ông này trông đợi được các đảng tự do ủng hộ, với điều kiện là các đảng này phải vượt qua được ngưỡng cuộc bầu cử hôm nay để hiện diện tại Quốc Hội”.
Đăng ngày: 02/10/2023 - 14:17
Capture à partir de :RFI
Tại Slovakia, sau chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc Hội của đảng Smer-SD, vào hôm nay 02/10/2023, lãnh đạo đảng này là cựu thủ tướng Robert Fico đã được tổng thống Zuzana Caputova trao quyền thành lập chính phủ mới. Là người nổi tiếng thân Matxcơva và chống lại việc chi viện quân sự cho láng giềng Ukraina đang bị Nga xâm lược, ngay từ hôm qua, Robert Fico, người gần như chắc chắn sẽ trở lại làm thủ tướng Slovakia, đã không ngần ngại tái khẳng định các chủ trương được cho là thân Nga.
Lãnh đạo đảng Smer-SSD Robert Fico (G) phát biểu trong cuộc họp báo tại Bratislava sau cuộc bầu cử Quốc Hội Slovakia, ngày 01/10/2023.REUTERS - RADOVAN STOKLASA
Theo hãng tin Pháp AFP, phát biểu với các nhà báo vào hôm qua sau khi có kết quả rõ rệt về chiến thắng của đảng Smer-SD, ông Robert Fico đã khẳng định ngay : « Đất nước và người dân Slovakia có những vấn đề quan trọng hơn là quan hệ với Ukraina ».
Là người đã vận động tranh cử với những lời kêu gọi cải thiện quan hệ với Nga, đồng thời cam kết đình chỉ viện trợ quân sự cho Ukraina, với khẩu hiệu gây sốc - « không một viên đạn nào cho Ukraina », nhân vật này cho biết quan điểm của ông « không thay đổi ».
Theo ông Fico, lập trường của đảng Smer-SD là « sẵn sàng giúp đỡ Ukraina về mặt nhân đạo… sẵn sàng giúp đỡ việc tái thiết Nhà nước », nhưng không sẵn sàng trang bị vũ khí cho Ukraina.
Theo nhật báo Anh The Guardian, lập trường thân Matxcơva của người được chỉ định lập chính phủ Slovakia, đã làm dấy lên lo ngại là ông sẽ cùng với thủ tướng Hungary Viktor Orban, môt lãnh đạo thân Nga khác, thách thức sự đồng thuận của Liên Hiệp Châu Âu trong việc hỗ trợ Ukraina.
Theo hãng tin Pháp AFP, trong cuộc bầu cử Quốc Hội ngày 30/09 vừa qua, đảng cánh tả Smer-SD đã về đầu, giành được tổng cộng 42 trên tổng số 150 ghế dân biểu. Để thành lập chính phủ, đảng này có thể liên minh với đảng trung tả Hlas-SD, có 27 ghế trong Quốc Hội mới, và đảng cực hữu SNS có 10 ghế. Liên minh của ba đảng này như vậy sẽ chiếm được 79 ghế, đủ đa số để cầm quyền.
Chính quyền Kiev dĩ nhiên rất lo ngại trước việc một người thân Matxcơva lên cầm quyền tại một nước cho đến nay đã tích cực hỗ trợ cho cuộc chiến chống Nga. Slovakia thuộc diện các nước tài trợ nhiều nhất cho Ukraina, tính theo tỷ lệ với GDP.
Phản ứng sau chiến thắng của đảng thân Nga Smer SD trong cuộc bầu cử Quốc Hội Slovakia, ngoại trưởng Ukraina vào hôm nay đã tỏ thái độ rất thận trọng, tuyên bố « tôn trọng sự lựa chọn của người dân Slovakia », đồng thời cho rằng hiện vẫn còn quá sớm để dự đoán về tương lại quan hệ giữa hai nước.
Capture à partir de :BBC
23 tháng 11 2023
Nguồn hình ảnh, Reuters
Geert Wilders, nhà lãnh đạo kỳ cựu theo chủ nghĩa dân túy, bài Hồi giáo vừa giành chiến thắng kịch tính trong cuộc tổng tuyển cử ở Hà Lan, với gần như toàn bộ số phiếu đã được kiểm.
Sau 25 năm có mặt trong Quốc hội, đảng Tự do (PVV) của ông dự kiến sẽ giành được 37 ghế, bỏ xa đối thủ gần nhất là liên minh cánh tả.
“PVV nay không thể bị phớt lờ nữa," ông nói. “Chúng tôi sẽ nắm quyền.”
Chiến thắng của ông đã làm rung chuyển nền chính trị Hà Lan, và kết quả này cũng sẽ gây chấn động toàn châu Âu.
Nhưng để thực hiện cam kết trở thành "thủ tướng của mọi người", ông sẽ phải thuyết phục các đảng khác tham gia liên minh với mình. Mục tiêu của ông là giành được 76 trong tổng số 150 ghế ở Quốc hội.
Tại một cuộc họp của đảng hôm thứ Năm, ông Wilders, 60 tuổi, đã được các đảng viên cổ vũ và nâng cốc chúc mừng trong một căn phòng chật kín máy quay TV.
Ông nói với BBC rằng "tất nhiên" ông sẵn sàng đàm phán và nhượng bộ với các đảng khác để trở thành thủ tướng.
Lãnh đạo PVV đã giành chiến thắng sau khi khai thác sự thất vọng lan rộng về vấn đề di cư, hứa hẹn "đóng cửa biên giới" và giữ lời hứa cấm kinh Koran.
Ông say sưa tâm trạng chiến đấu trong bài phát biểu chiến thắng: "Chúng tôi muốn cầm quyền và... chúng tôi sẽ cầm quyền. [Số ghế] là một lời khen ngợi to lớn nhưng cũng là một trách nhiệm to lớn."
Trước kỳ bỏ phiếu, ba đảng lớn khác đã từ chối tham gia vào chính phủ do Wilders lãnh đạo vì các chính sách cực hữu của ông. Nhưng nay, điều đó có thể thay đổi bởi mức thắng lớn mà ông đã giành được.
Liên minh cánh tả dưới sự lãnh đạo của cựu ủy viên EU Frans Timmermans về vị trí thứ hai với khoảng cách bị bỏ xa, chỉ giành được 25 ghế, theo kết quả dự đoán dựa trên 94% phiếu bầu đã được kiểm.
Ông nói rõ rằng ông sẽ không dính dáng gì đến chính phủ do ông Wilders lãnh đạo, hứa sẽ bảo vệ nền dân chủ và pháp quyền của Hà Lan. “Chúng tôi sẽ không để bất kỳ ai ở Hà Lan phải ra đi. Ở Hà Lan mọi người đều bình đẳng,” ông nói với những người ủng hộ.
Điều này mở cơ hội cho đảng VVD theo đường lối tự do trung hữu đứng thứ ba do tân lãnh đạo Dilan Yesilgöz dẫn dắt, và một đảng hoàn toàn mới do nghị sĩ Pieter Omtzigt thành lập về vị trí thứ tư - cả hai đều chúc mừng ông về kết quả bầu cử.
Mặc dù bà Yesilgöz nghi ngờ về việc ông Wilders có thể tìm kiếm được đủ số ghế mà ông cần, nhưng bà nói rằng việc đảng của bà sẽ có thái độ thế này nay tùy thuộc vào các đồng nghiệp trong đảng. Trước cuộc bầu cử, bà khẳng định sẽ không phục vụ trong nội các do Wilders lãnh đạo, nhưng không loại trừ việc hợp tác với ông nếu bà thắng.
Ông Omtzigt cho biết ban đầu đảng Tân Khế ước Xã hội của ông sẽ không hợp tác với ông Wilders, nhưng bây giờ nói rằng họ "sẵn sàng biến niềm tin này [của cử tri] thành hành động".
Nguồn hình ảnh, Reuters
Dilan Yesilgöz từng được cho là có khả năng trở thành thủ tướng, nhưng các kết quả thăm dò ngoài phòng phiếu cho thấy bà không giành được đủ tỷ lệ ủng hộ
Chiến thắng của Wilders sẽ gây chấn động khắp châu Âu, vì Hà Lan là một trong những thành viên sáng lập của Liên minh châu Âu.
Các nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc và cực hữu trên khắp châu Âu đã ca ngợi thành tích của ông. Tại Pháp, ông Marine Le Pen cho biết điều đó "khẳng định sự gắn bó ngày càng tăng với việc bảo vệ bản sắc dân tộc".
Ông Wilders muốn tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý "Nexit" để rời khỏi EU, mặc dù ông thừa nhận rằng cả nước không có tâm lý thực hiện điều đó. Ông sẽ gặp khó khăn trong việc thuyết phục bất kỳ đối tác liên minh tiềm năng lớn nào ủng hộ ý tưởng đó.
Ông đã giảm bớt luận điệu chống Hồi giáo của mình trước cuộc bỏ phiếu, nói rằng hiện tại có nhiều vấn đề cấp bách hơn và ông đã sẵn sàng "cấp đông" các chính sách cấm nhà thờ Hồi giáo và trường học Hồi giáo.
Chiến lược này đã thành công, làm tăng gấp đôi số ghế mà đảng PVV của ông giành được trong Quốc hội.
Dự đoán của ANP về kết quả bầu cử Hà Lan tại thời điểm có 93% phiếu bầu đã được kiểm
Di dân đã trở thành một trong những chủ đề chính và ông Wilders hôm thứ Tư đã nói rõ rằng ông dự định giải quyết “cơn sóng thần tị nạn và nhập cư”.
Năm ngoái, số lượng người di cư ròng vào Hà Lan đã tăng hơn gấp đôi, lên tới 220.000 người, một phần là do những người tị nạn chạy trốn khỏi cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Nhưng vấn đề càng trở nên trầm trọng hơn do Hà Lan rơi vào tình trạng thiếu khoảng 390.000 căn nhà ở.
Tại trụ sở ở Hague của đảng VVD, những người ủng hộ bà Yesilgöz đã chuẩn bị nâng ly trước viễn cảnh bà trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Hà Lan.
Nguồn hình ảnh, Reuters
Những người ủng hộ VVD đã tràn trề hy vọng, nhưng kết quả cho thấy đảng Tự do mới là đảng giành chiến thắng
Nhưng mọi người đã đều thấy ngạc nhiên khi kết quả các cuộc thăm dò ý kiến ngoài phòng phiếu xuất hiện trên màn hình và họ cúi đầu xem điện thoại để cố gắng tìm hiểu xem chuyện gì đã xảy ra.
Bà Yesilgöz đảm nhận vị trí lãnh đạo trung hữu khi thủ tướng tại vị lâu nhất đất nước, Mark Rutte, rút lui khỏi chính trường vào tháng 7. Là người tị nạn từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Hà Lan từ năm bảy tuổi nhưng bà có quan điểm cứng rắn về vấn đề nhập cư.
Một số chính trị gia và các gương mặt Hồi giáo có tiếng cáo buộc nữ chính trị gia 46 tuổi này, người giữ chức bộ trưởng tư pháp trong chính phủ Rutte, đã mở cửa cho phe cực hữu khi không chịu loại trừ việc hợp tác với ông Geert Wilders.
Đăng ngày: 24/11/2023 - 10:34
Capture à partir de :RFI
Sau chiến thắng bất ngờ trong cuộc bầu cử Quốc Hội Hà Lan, ngay từ hôm qua, 23/11/2023, lãnh đạo Đảng Tự Do PVV cực hữu, ông Geert Wilders, đã bắt đầu nỗ lực thuyết phục các đối thủ để thành lập một chính phủ liên minh.
Lãnh đạo đảng cực hữu Hà Lan, Geert Wilders tại La Haye, Hà Lan, ngày 22/11/2023. AP - Peter Dejong
Hôm 23/11/2023, phát biểu với những người ủng hộ tại La Haye, ông Geert Wilders, lãnh đạo Đảng Tự Do PVV, về nhất với 37 ghế trên 150 ghế trong Quốc Hội mới, đã nhắc lại chủ trương chống người nhập cư, khẳng định rằng cử tri Hà Lan đã bầu cho ông vì muốn ngăn chận “cơn sóng thần” những người tị nạn. Sau đó, khi ngỏ lời với giới báo chí, Geert Wilders tuyên bố sẽ là “ thủ tướng của toàn bộ người dân Hà Lan” và sẽ “nỗ lực làm việc với các đảng khác” để thành lập liên minh cầm quyền.
Nhưng không chắc là chính khách 60 tuổi, được mệnh danh là “Trump Hà Lan”, có tư tưởng chống Hồi Giáo, sẽ giành được chiếc ghế thủ tướng. Liên minh cánh tả-môi sinh của ông Francs Timmermans, về nhì với 25 ghế, dứt khoát sẽ không tham gia bất cứ liên minh nào với Geert Wilders. Còn lãnh đạo đảng cánh trung VVD của thủ tướng mãn nhiệm Mark Rutte, về hạng ba với 24 ghế, thì muốn chờ xem ông Wilders có lập được một liên minh cầm quyền không.
Là người mới bước vào sân khấu chính trị Hà Lan, Pieter Omtzigt, lãnh đạo đảng chống tham nhũng Khế ước Xã hội mới (NSC), giành được 20 ghế, thì tuyên bố sẵn sàng thương lượng với đảng cực hữu, tuy nhìn nhận là tiến trình thành lập chính phủ liên minh sẽ không dễ dàng.
Hãng tin AFP cho biết tối qua, hưởng ứng kêu gọi của các đảng cánh tả, khoảng một ngàn người đã biểu tình ở thành phố Utrecht để phản đối chiến thắng bất ngờ của Đảng Tự Do. Một cuộc biểu tình chống đảng cực hữu cũng đã diễn ra ở Amsterdam.
Chiến thắng của một nhân vật chống hợp nhất châu Âu, chủ trương Hà Lan ra khỏi Liên Âu (Nexit) dĩ nhiên gây lo ngại cho nhiều nước trong khối này. Trong khi đó, các lãnh đạo phe cực hữu ở châu Âu, như thủ tướng Hungary Viktor Orban hay lãnh đạo khối dân biểu đảng Tập Hợp Dân Tộc Marine Le Pen đã hoan nghênh chiến thắng của Geert Wilders.
Đăng ngày: 20/11/2023 - 14:32
Capture à partir de :RFI
Theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ ngày hôm nay 20/11/2023, ứng cử viên theo đảng cực hữu Javier Milei đã chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Achentina với 55,95% phiếu bầu. Trong chiến dịch tranh cử, ông Milei đã khẳng định phải cải tổ Achentina trong bối cảnh nước này đang phải trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có trong vòng 20 năm trở lại đây.
Javier Milei phát biểu tại một cuộc mít tinh trong chiến dịch tranh cử ở Buenos Aires, Achentina, ngày 22/10/2023. AP - Natacha Pisarenko
Tối qua, 19/11, trong bài phát biểu mừng chiến thắng, tổng thống đắc cử Achentina Javier Milei khẳng định đây là “đêm lịch sử của Achentina” và từ nay sẽ chấm dứt tình trạng kinh tế sa sút tại quốc gia Nam Mỹ này. Ông cũng nhấn mạnh sẽ xây dựng một đường lối chính trị mới, “đường lối tự do kinh tế” để đưa đất nước trở lại vị trí cường quốc thế giới.
“Chúng ta hiện đang phải đối mặt với những thách thức lớn : lạm phát, trì trệ, thiếu việc làm, mất an ninh, nghèo đói và khổ đau […] và những vấn đề này chỉ có thể được giải quyết khi chúng ta áp dụng những đường lối tư duy tự do.”
Ông Javier Milei vốn là một kinh tế gia theo chủ trương “tư bản chủ nghĩa vô chính phủ” luôn mong muốn chống lại “giai cấp ký sinh” với quyết tâm loại bỏ vai trò của Nhà nước và chủ trương đô la hoá nền kinh tế. Ông cũng từng đưa ra nhiều ý tưởng gây tranh cãi như “giải pháp thị trường” cho việc hiến tạng hay phản đối luật phá thai. Về vấn đề môi trường, ông cho rằng biến đổi khí hậu chỉ là một “chu trình” chứ không thuộc về trách nhiệm của con người.
Achentina hiện đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát kéo dài, từ lâu đã luôn ở mức ba số (143%/năm) cùng với đó là sụt giảm kinh tế nghiêm trọng khi cứ 10 người dân Achentina thì lại có 4 người sống dưới ngưỡng nghèo khó. Chính phủ cũng phải đương đầu với các khoản nợ và đồng tiền suy yếu.
Đăng ngày: 11/12/2023 - 12:56
Sửa đổi ngày: 11/12/2023 - 13:16
Ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức, hôm qua, 10/12/2023, tổng thống Achentina Javier Milei tuyên bố trước những người ủng hộ tập trung trước Quốc Hội rằng tình hình kinh tế quốc gia sẽ “trở nên tồi tệ hơn” trong ngắn hạn, trước khi có thể hồi phục.
Tân tổng thống Javier Milei phát biểu tại Quốc Hội Achentina, Buenos Aires, Achentina, ngày 10/12/2023. REUTERS - AGUSTIN MARCARIAN
Từ thủ đô Buenos Aires, thông tín viên Théo Conscience cho biết thêm thông tin :
Vừa tuyên thệ nhậm chức xong, tân tổng thống Javier Milei bước ra cửa Quốc Hội, trước đám đông đang chào đón ông bằng khẩu hiệu “Libertad, Liberty!” (Tự do).
bằng giọng khàn khàn, ông phát biểu trước những người ủng hộ và đưa ra những lời báo động về tình hình kinh tế của đất nước:
“Chưa một chính phủ nào tiếp nhận một di sản tồi tệ hơn chính phủ của chúng ta hiện nay. Vì vậy, không có giải pháp thay thế nào khác cho việc điều chỉnh ngân sách”
Tân tổng thống tuyên bố mọi người sẽ phải trải qua 18 đến 24 tháng thắt lưng buộc bụng, lạm phát, thất nghiệp và nghèo đói, nhưng giai đoạn đó sẽ kết thúc với tương lai khả quan.
"Sẽ có ánh sáng cuối đường hầm !" Một lời hứa như vậy là đủ đối với bà Liliana, 35 tuổi, ủng hộ ông Javier Milei ngay từ những ngày đầu.
Bà nói : “Tôi đã chuẩn bị để nghe tất cả những điều này. Có lẽ nhiều người sẽ ngạc nhiên vì chúng ta đã quen với những lời hứa hão huyền. Nhưng chính chúng tôi đã tự làm mất từng giọt máu. Chúng tôi sẽ phải cắt đi một phần nào đó, nhưng ít nhất chúng tôi sẽ sống sót.”
Bắt đầu từ tuần này, tổng thống Javier Milei sẽ áp dụng "liệu pháp cú sốc" nhằm ổn định nền kinh tế Achentina. Cụ thể, ông sẽ ban hành nhiều cải cách nhằm chữa trị nền kinh tế Achentina theo hướng tự do hóa hoàn toàn.
Dù là nền kinh tế lớn thứ ba ở châu Mỹ Latinh, Achentina lại đang gặp tình trạng lạm phát phi mã, nợ nần chồng chất và tỷ lệ nghèo đói ở mức cao. Tân tổng thống Milei đã hứa sẽ “thi hành tất cả các biện pháp cần thiết để giải quyết các vấn đề do hệ thống chính trị gây ra trong suốt 100 năm qua”.
Capture à partir de :BBC
16 tháng 12 2023
Nguồn hình ảnh, EPA
Thủ tướng Hungary Viktor Orban cáo buộc Brussels nắm giữ quá nhiều quyền lực
Những diễn biến đầy kịch tính ở hội nghị thượng đỉnh châu Âu tại Brussels, Bỉ tuần này đã gây sốc đối với cả những nhà quan sát kì cựu nhất.
Khi các nhà lãnh đạo EU gặp nhau lần cuối trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh, mọi ánh mắt đều đổ dồn vào một người: Thủ tướng Hungary, Viktor Orban.
Ông được coi là đồng minh thân cận nhất của Điện Kremlin ở châu Âu và là nhà lãnh đạo EU duy nhất gặp mặt trực tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong năm nay.
Khi tiếng nói của ông Orban ngày càng lớn hơn với những lời đe dọa rằng ông sẽ ngăn chặn hai quyết định quan trọng về Ukraine, thì ở Brussels đã xuất hiện nhiều đồn đoán về việc các cuộc đàm phán sẽ đi đến đâu. Liệu ông Orban có làm tan vỡ thượng đỉnh không?
Có thông tin rằng các cuộc đàm phán có thể kéo dài nhiều ngày và có thể kéo dài đến cuối tuần.
EU đàm phán về tư cách thành viên với Ukraine và Moldova
Cuộc chiến Nga-Ukraine: Ông Putin nói các mục tiêu của ông không thay đổi
Ông Putin nói các cuộc xâm lăng Hungary năm 1956 và Tiệp Khắc năm 1968 của Liên Xô là 'sai lầm'
Trên đường đến Bỉ, Thủ tướng Phần Lan Petteri Orpo tỏ ra lạnh lùng: "Mối đe dọa từ Nga là có thật. Tôi sẵn sàng đàm phán và tôi đã mang thêm rất nhiều áo sơ mi."
Bên lề thượng đỉnh, các nhà lãnh đạo EU thưởng thức bữa trưa với không khí lễ hội bao gồm món Breton, cá phi lê với các loại rau củ và bánh panettone.
Sau đó là lúc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đưa ra lời kêu gọi cuối cùng thông qua một đoạn video.
Nguồn hình ảnh, SHUTTERSTOCK
Tổng thống Emmanuel Macron của Pháp lên tiếng khó chịu với lập trường của ông Orban
“Mười năm trước ở Ukraine, người dân đã nổi dậy dưới lá cờ của Liên minh châu Âu… Hôm nay tôi xin nói với các bạn một điều: đừng phản bội người dân của chúng tôi và niềm tin của họ vào châu Âu.”
Nhiều giờ trôi qua. Thủ tướng Đức Olaf Scholz khoác thêm áo len bên ngoài bộ vest. Một nhà ngoại giao EU nói với tôi: “một dấu hiệu cho thấy ông ấy sẽ ở trong phòng họp lâu dài”.
Sau đó, các cuộc họp về việc mở các cuộc đàm phán thành viên với Ukraine đã gặp phải trở ngại. Tình thế rơi vào bế tắc: 26 thuận 1 chống.
Đó là lúc thủ tướng Đức dẫn ông Orban vào góc phòng và đề nghị ông nên ra ngoài đi uống cà phê.
“Không ai có thể nghe thấy họ đang nói gì”, một quan chức EU nói với tôi. "Nhưng không có vẻ như ông Scholz đang ra lệnh cho ông Orban. Thủ tướng Hungary tự nguyện rời đi. Ông đi vào phòng phái đoàn của mình ở cùng tầng."
Với việc ông Orban ra ngoài theo đúng nghĩa đen, 26 nhà lãnh đạo còn lại đã tiếp tục thảo luận và cuộc bỏ phiếu không gặp phản đối. Vì quyết định mở đàm phán tư cách thành viên cho Ukraine cần có sự ủng hộ nhất trí nên nếu có sự hiện diện của thủ tướng Hungary sẽ khiến điều đó sẽ không thể được thực hiện.
Sau đó, hóa ra ý tưởng để ông Orban rời phòng họp nhằm giúp cứu nỗ lực gia nhập EU của Ukraine đã được lên kế hoạch từ trước. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết ý tưởng này là nỗ lực tập thể.
Thủ tướng Estonia, Kaja Kallas gọi chiến lược này là "sự kiện thú vị trong sử sách". Bà nói đùa rằng một ngày nào đó bà sẽ mô tả những gì diễn ra trong hồi ký của mình.
Khi tin tức về việc đàm phán về tư cách thành viên EU của Ukraine được đưa ra, không khí trong phòng họp báo - nơi hàng trăm phóng viên quốc tế đang đưa tin về thượng đỉnh EU - đã chuyển từ tỉnh táo sang hưng phấn chỉ trong vài giây.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Charles Michel, người chủ trì cuộc họp, đã đến nói chuyện với các nhà báo - chủ yếu là để tự chúc mừng mình về "thời điểm lịch sử thể hiện sức mạnh của Liên minh châu Âu".
Nguồn hình ảnh, Reuters
Ông Charles Michel chủ trì hội nghị thượng đỉnh của Hội đồng châu Âu về việc Ukraine xin gia nhập EU
Ngay sau đó, ông Orban đăng một video lên mạng xã hội, mô tả quyết định này là "hoàn toàn vô nghĩa, phi lý và sai lầm".
Vậy tại sao ông lại để điều đó xảy ra?
Thủ tướng Hungary biện minh cho quyết định bỏ phiếu trắng của mình bằng cách nói rằng ông đã "dành 8 giờ để thuyết phục họ không làm điều này". Ông cho biết các nhà lãnh đạo EU khác muốn đạt được điều đó một cách "điên cuồng", vì vậy ông đồng ý với họ rằng ông sẽ mặc kệ mối nguy hiểm và để họ tự lo liệu.
Trên thực tế, các cuộc đàm phán về tư cách thành viên EU là một loạt các vấn đề cần cân nhắc thận trọng và mang tính kỹ thuật. Sẽ mất nhiều năm trước khi Ukraine sẵn sàng gia nhập khối. Và ông Orban biết rằng ông vẫn còn nhiều cơ hội để ngăn chặn quá trình này.
Nhưng nếu các nhà lãnh đạo EU cho rằng Thủ tướng Hungary bất ngờ rơi vào tình thế khó khăn thì họ lại phải thất vọng.
Các cuộc đàm phán đã đổ vỡ vào khoảng 02:30 sáng, sau khi ông Orban sử dụng quyền phủ quyết của mình để ngăn chặn quyết định cụ thể hơn và cấp bách hơn nhiều là gửi gói viện trợ trị giá 50 tỷ euro (55 tỷ USD) cho Kyiv.
Đây không phải là lần đầu tiên ông sử dụng quyền phủ quyết để giành được những nhượng bộ cho Budapest - chẳng hạn như miễn trừ nhập khẩu dầu của Nga. Nhưng ông chưa bao giờ ngăn cản một thỏa thuận của EU.
Hành động của ông Orban không mấy suôn sẻ với Tổng thống Pháp Macron.
"Hungary được tôn trọng trong cuộc họp này của Hội đồng Châu Âu. [Orban] đã được lắng nghe. Sự tôn trọng này bao hàm trách nhiệm và vì vậy tôi mong đợi ở Viktor Orban trong những tháng tới rằng… ông ấy sẽ cư xử như một người châu Âu và không bắt tiến bộ chính trị của chúng ta làm con tin," ông Macron nói.
Nhưng Balazs Orban, giám đốc chính trị của ông Viktor Orban (hai người không phải họ hàng), cho biết Hungary không tống tiền EU, và trên thực tế thì ngược lại.
Nguồn hình ảnh, GRIGORY SYSOYEV/POOL/AFP
Viktor Orban được coi là đồng minh của tổng thống Nga Putin và đã gặp ông ở Bắc Kinh vào tháng 10/2023
Ông ngụ ý rằng Thủ tướng Hungary sẽ chỉ bắt đầu hợp tác nếu EU giải ngân khoản tiền 20 tỷ euro cho Hungary, vốn bị đóng băng vì lo ngại về nhân quyền và tham nhũng ở nước này.
“Chúng tôi không hiểu tại sao chúng tôi không thể tiếp cận 100% nguồn vốn tài chính”, ông nói thêm.
Hungary muốn có số tiền đó trước khi đồng ý chi thêm cho Ukraine.
Bất chấp kịch tính ngoại giao đằng sau hậu trường, các nhà lãnh đạo khẳng định rằng giải pháp về tiền mặt cho Ukraine có thể được giải quyết vào đầu năm tới, bằng cách đưa ông Orban vào cuộc hoặc buộc gói viện trợ cho Kyiv phải được thông qua mà không có sự ủng hộ của ông.
EU đã chuẩn bị giải quyết vấn đề phủ quyết của Hungary nếu cần thiết, chẳng hạn bằng cách cho phép tất cả các nước EU ngoại trừ Hungary cung cấp tài trợ song phương cho Ukraine ngoài ngân sách EU vào năm 2024.
Việc một quốc gia châu Âu trì hoãn quyết định về tiền của EU không phải là chưa từng có: Các nhà ngoại giao ở Brussels đã quen với việc hỗ trợ các thỏa thuận và thỏa hiệp. Và khi nói đến Ukraine - một quốc gia bị lôi kéo vào cuộc chiến ngay trước cửa EU - khối này rất muốn chứng tỏ rằng họ sẽ sát cánh cùng Kyiv, bao lâu cũng được.
Khi được hỏi làm thế nào để thuyết phục ông Orban thay đổi lập trường về Ukraine, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cười và nói rằng ông sẵn sàng đón nhận các đề xuất.
Đăng ngày: 17/12/2023 - 12:52
Capture à partir de :RFI
Bộ Ngoại Giao Hungary ngày 16/12/2023 tuyên bố Hungary sẽ phủ quyết việc Bulgarie gia nhập không gian tự do lưu thông Schengen, trừ phi nước này hủy bỏ một khoản thuế trung chuyển khí đốt Nga.
Ảnh minh họa : Thủ tướng Hungary Viktor Orban ngày 29/09/2023.AP - Darko Vojinovic
Hãng tin Anh Reuters dẫn lời ngoại trưởng Hungary Peter Szijjártó dọa rằng « nếu Bulgari tiếp tục duy trì mức thuế này trong dài hạn, nếu họ gây nguy hiểm cho an ninh nguồn cung năng lượng của Hungary trong lâu dài, Hungary sẽ dùng quyền phủ quyết chống nước này gia nhập khối Schengen ».
Ngoại trưởng Hungary tuyên bố thêm rằng chính phủ của ông chỉ dỡ bỏ quyền phủ quyết một khi Sofia hủy bỏ loại thuế này.
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh các nước Tây Âu nỗ lực từ bỏ dần khí đốt của Nga, thì Hungary vẫn tiếp tục nhận mỗi năm 4,5 tỷ mét khối khí đốt từ Nga trong khuôn khổ thỏa thuận được ký kết năm 2021, chủ yếu thông qua ngả Bulgarie và Serbia.
Ngoại trưởng Hungary chỉ trích quyết định của Bulgarie là đi ngược với những quy định của Liên Hiệp Châu Âu, đe dọa an ninh năng lượng không chỉ cho Hungary mà cả Serbia và Bắc Macedonia.