Sự vĩ đại và suy tàn của nước Mỹ
Donald Trump và sự suy tàn về quyền lực mềm của Hoa Kỳ
Bảy nhược điểm của Mỹ nếu phải đối đầu với Trung Quốc
Mỹ không còn là một siêu cường
Hoài nghi về sức mạnh kinh tế của Mỹ
Chính sách đón nhận người nước ngoài, khung pháp luật đáng tin cậy
Trung Quốc đang bắt kịp Hoa Kỳ
Người Mỹ thờ ơ với quyền lực mềm của nước Mỹ
Mỹ nên chờ Trung Quốc tự sụp đổ từ bên trong ?
Hoa Kỳ : Thỏa thuận dự luật viện trợ cho Ukraina thông qua tại Thượng Viện vẫn bị chặn ở Hạ Viện
Nếu Trump tái đắc cử: Những hệ quả đối với xung đột ở Gaza và Ukraina
Chiến sự ở Gaza : Cuộc chiến sinh tồn cho thủ tướng Israel ?
Liên Hiệp Châu Âu : Bên thiệt thòi nhiều nhất ?
Donald Trump trở lại: Thắng lợi cho tổng thống Nga !
Nguy cơ nước Mỹ trở lại với chủ nghĩa biệt lập ?
Februar 3, 2024
Joseph S. Nye, Jr.
Đỗ Kim Thêm dịch
Nếu Donald Trump giành lại được Nhà Trắng vào tháng 11, năm nay có thể đánh dấu một bước ngoặt đối với quyền lực của Mỹ. Cuối cùng, nỗi sợ hãi về tình trạng suy tàn đã khiến cho người Mỹ bận tâm kể từ thời thuộc địa sẽ được biện minh.
Hầu hết người Mỹ tin rằng, Hoa Kỳ trong tình trạng suy tàn, Donald Trump tuyên bố rằng ông có thể “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Nhưng tiền đề của Trump đơn giản là sai, và các biện pháp trị liệu được ông đề xuất đặt ra mối đe dọa lớn nhất đối với nước Mỹ.
Người Mỹ có một lịch sử lâu dài lo lắng về sự suy tàn. Ngay sau khi thành lập thuộc địa tại vịnh Massachusetts vào thế kỷ 17, một số người theo Thanh giáo than van về việc mất đi đức tính ban sơ. Vào thế kỷ 18, các bậc quốc phụ đã nghiên cứu về lịch sử La Mã khi xem làm thế nào để duy trì một nước cộng hòa mới của Mỹ.
Hồi thế kỷ 19, Charles Dickens nhận thấy rằng, nếu người Mỹ đáng tin cậy thì đất nước của họ “luôn bị suy thoái, luôn bị trì trệ và luôn ở trong tình trạng khủng hoảng đáng báo động, và chưa bao giờ ở trong trường hợp ngược lại”. Trên bìa tạp chí năm 1979 nói về sự suy tàn của quốc gia, Tượng Nữ thần Tự do có một giọt nước mắt lăn dài trên má.
Nhưng trong khi người Mỹ từ lâu đã bị thu hút bởi điều mà tôi gọi là “ánh sáng vàng son của quá khứ”, Hoa Kỳ chưa bao giờ có được sức mạnh như nhiều người tưởng. Ngay cả với các nguồn lực vượt trội, Mỹ thường không đạt được những gì họ muốn. Những người nghĩ rằng thế giới ngày nay phức tạp và hỗn loạn hơn so với trước đây, nên nhớ một năm như 1956, khi Hoa Kỳ không thể ngăn chặn sự đàn áp của Liên Xô đối với một cuộc nổi dậy ở Hungary; và khi các đồng minh của chúng ta là Anh, Pháp và Israel xâm chiếm kênh đào Suez. Diễn giải lời của danh hài Will Rogers, “quyền bá chủ không giống như trước đây và chưa bao giờ có”. Thời kỳ của “trào lưu suy thoái” cho chúng ta biết nhiều hơn về tâm lý phổ biến hơn là về địa chính trị.
Tuy nhiên, ý tưởng về tình trạng suy tàn rõ ràng chạm đến một dây thần kinh thô trong nền chính trị Mỹ, khiến nó trở thành thức ăn đáng tin cậy cho nền chính trị theo đảng phái. Đôi khi nỗi lo về sự suy tàn dẫn đến các chính sách bảo hộ gây hại nhiều hơn lợi. Và đôi khi, những giai đoạn kiêu ngạo dẫn đến các chính sách vượt quá giới hạn, thí dụ như chiến tranh Iraq. Không có đức tính nào trong việc đánh giá thấp hoặc cao về sức mạnh của Mỹ.
Khi nói đến địa chính trị, điều quan trọng là phân biệt giữa tình trạng suy tàn tuyệt đối và tương đối. Theo nghĩa tương đối, nước Mỹ đã suy tàn kể từ khi kết thúc Thế chiến II. Không bao giờ Mỹ chiếm được một nửa nền kinh tế thế giới và giữ độc quyền về vũ khí hạt nhân (mà Liên Xô tạo được vào năm 1949). Cuộc chiến đã củng cố nền kinh tế Mỹ và làm suy yếu nền kinh tế của tất cả các nước khác. Nhưng khi các nơi khác trên thế giới phục hồi, GDP của Mỹ so với toàn cầu đã giảm xuống còn 1/3 vào năm 1970 (gần bằng tỷ lệ của Mỹ trước Thế chiến II).
Tổng thống Richard Nixon coi đó là dấu hiệu của sự suy tàn và đưa đồng đô la ra khỏi chế độ kim bản vị. Nhưng đồng đô la xanh vẫn vượt trội trong nửa thế kỷ sau và GDP của Mỹ so với toàn cầu còn khoảng 1/4. Sự “suy tàn” của Mỹ cũng không ngăn cản nước này chiếm ưu thế trong Chiến tranh Lạnh.
Ngày nay, sự trỗi dậy của Trung Quốc thường được trích dẫn như là bằng chứng về sự suy tàn của Mỹ. Nhìn một cách nghiêm túc về mối quan hệ quyền lực Mỹ. – Trung, thực sự đã có một sự thay đổi có lợi cho Trung Quốc, có thể được miêu tả là sự suy tàn của Mỹ, theo nghĩa tương đối. Nhưng về mặt tuyệt đối, Mỹ vẫn mạnh hơn và có khả năng duy trì như vậy. Trung Quốc là một đối thủ ngang hàng đầy ấn tượng, nhưng có những điểm yếu đáng kể. Khi nói đến cán cân quyền lực trong tổng thể, Mỹ có ít nhất sáu lợi thế trong dài hạn.
Thứ nhất là về mặt địa lý. Hoa Kỳ được bao quanh bởi hai đại dương và hai nước láng giềng thân thiện, trong khi Trung Quốc có chung biên giới với 14 quốc gia và đang có tranh chấp về lãnh thổ với một số quốc gia, gồm có Ấn Độ.
Thứ hai là tình trạng độc lập tương đối về năng lượng, trong khi Trung Quốc phụ thuộc vào nhập khẩu.
Thứ ba, Mỹ có được sức mạnh từ các định chế tài chính xuyên quốc gia quan trọng và vai trò quốc tế của đồng đô la. Một loại tiền tệ dự trữ đáng tin cậy phải được tự do chuyển đổi và tạo gốc rễ trong các thị trường vốn vững chắc và tinh thần trọng pháp – tất cả những gì mà Trung Quốc còn thiếu.
Thứ tư, Hoa Kỳ có lợi thế tương đối về dân số là quốc gia phát triển chủ yếu duy nhất mà hiện nay nó được dự đoán là sẽ giữ vị trí (thứ ba) trong bảng xếp hạng về dân số trên toàn cầu. Bảy trong số 15 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ có lực lượng lao động đang thu hẹp trong thập niên tới; nhưng lực lượng lao động Mỹ dự kiến sẽ gia tăng, trong khi lực lượng lao động của Trung Quốc đạt đỉnh vào năm 2014.
Thứ năm, Mỹ từ lâu đã đi đầu trong các nền công nghệ then chốt (sinh học, nano, thông tin). Trung Quốc đang đầu tư dồi dào vào trong các công trình nghiên cứu và phát triển, hiện nay đạt đến cao điểm về bằng sáng chế, nhưng theo số liệu riêng của họ, các trường đại học nghiên cứu vẫn xếp đứng sau Mỹ. Cuối cùng, các cuộc thăm dò quốc tế cho thấy, Mỹ vượt qua Trung Quốc về sức thu hút quyền lực mềm.
Tất cả các điều trên cho thấy, Hoa Kỳ đang nắm thế thượng phong trong cuộc cạnh tranh giữa các đại cường của thế kỷ 21. Nhưng nếu người Mỹ không chống cự nổi sự cuồng loạn về sự trỗi dậy của Trung Quốc hoặc sự tự mãn về “đỉnh cao” của nó, Mỹ có thể chơi lá bài kém thế. Loại bỏ các cây bài cao giá – bao gồm các liên minh mạnh mẽ và ảnh hưởng trong các định chế quốc tế – sẽ là một sai lầm nghiêm trọng. Khác xa với việc làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại, nó có thể làm suy yếu nước Mỹ rất nhiều.
Người Mỹ có nhiều điều để lo sợ từ sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc mang màu sắc dân túy ở trong nước hơn là từ sự trỗi dậy của Trung Quốc. Các chính sách nhuốn màu dân túy, chẳng hạn như từ chối hỗ trợ cho Ukraine hoặc rút ra khỏi khối NATO, sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho quyền lực mềm của Mỹ. Nếu ông Trump đắc cử tổng thống vào tháng 11 tới, năm nay có thể là một bước ngoặt đối với sức mạnh Mỹ. Cuối cùng, cảm giác về việc suy tàn có thể được biện minh.
Ngay cả khi quyền lực ngoại tại của nó vẫn còn chiếm ưu thế, một quốc gia có thể mất đi đức tính nội tại và sự hấp dẫn đối với các quốc gia khác. Đế chế La Mã tồn tại rất lâu sau khi mất hình thức chính phủ cộng hòa. Như Benjamin Franklin đã nhận xét về hình thức chính phủ Mỹ được tạo ra bởi các bậc quốc phụ: “Một nền cộng hòa nếu bạn có thể giữ gìn nó”. Trong chừng mực mà nền dân chủ Mỹ đang trở nên phân hoá và mong manh hơn, chính sự phát triển đó có thể gây ra sự suy tàn của nước Mỹ.
______
Joseph S. Nye, Jr. là giáo sư hồi hưu trường Harvard Kennedy và là cựu Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ. Ông là tác giả của sách “Do Morals Matter? Presidents and Foreign Policy from FDR to Trump” (NXB Oxford University Press ấn hành năm 2020) và Hồi ký vừa ra mắt “A Life in the American Century” (NXB Polity Press, tháng 1-2024).
Oktober 4, 2020
Joseph S. Nye
Đỗ Kim Thêm dịch
Bằng chứng là hiển nhiên. Nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump đã xói mòn quyền lực mềm của Hoa Kỳ. Trong cuộc thăm dò gần đây của Viện Gallup ở 134 quốc gia, chỉ 30% số người đã có một cái nhìn thuận lợi cho Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo của ông Trump, giảm gần 20 điểm kể từ nhiệm kỳ của tổng thống Barack Obama. Trung tâm Nghiên cứu Pew phát hiện rằng với mức tỷ lệ 30% là đồng tình, Trung Quốc đã đạt đến mức tương đương với Mỹ. Bảng chỉ số của nước Anh về Sức mạnh mềm 30 cho thấy là nước Mỹ đã trượt từ vị trí hàng đầu vào năm 2016 xuống thứ ba trong năm ngoái.
Những người ủng hộ cho ông Trump trả lời rằng, sức mạnh mềm không thành vấn đề. Ông Mick Mulvaney, Giám đốc Ngân sách của ông Trump, đã tuyên bố “ngân sách về quyền lực cứng” khi ông cắt giảm 30% ngân quỹ của Bộ Ngoại giao và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ. Đối với những người quảng bá cho chính sách “nước Mỹ trên hết”, thì những nơi khác còn lại của thế giới nghĩ gì, đó là chuyện thứ yếu. Họ có đúng không?
Sức mạnh mềm dựa vào sự thu hút hơn là ép buộc hoặc mua chuộc. Nó kết chọn con người thay vì cưỡng chế họ. Trên bình diện cá nhân, các bậc cha mẹ khôn ngoan biết là quyền lực sẽ lớn lao và lâu bền hơn khi họ đưa ra những tấm gương về giá trị đạo đức vững chắc cho con mình, thay vì họ dùng roi vọt, tặng tiền quà hay ngăn cản.
Cũng tương tự như vậy, các nhà lãnh đạo chính trị đã hiểu từ lâu là quyền lực đến từ khả năng lập ra nghị trình và quyết định khuôn khổ cho việc thảo luận. Nếu tôi có thể khiến cho bạn làm những gì mà tôi muốn, thì tôi không phải buộc bạn làm những gì mà bạn không muốn. Nếu Hoa Kỳ biểu hiện được các giá trị mà nước khác muốn theo đuổi, Hoa Kỳ có thể bớt đi chính sách dùng gậy và cà rốt. Thêm vào sức mạnh cứng, sự thu hút có thể là một tác lực của cấp số nhân.
Sức mạnh mềm của một quốc gia xuất phát chủ yếu từ ba nguồn lực: nền văn hóa (khi nó hấp dẫn nền văn hoá khác), các giá trị chính trị như dân chủ và nhân quyền (khi nước này sống phù hợp với các giá trị này) và các chính sách (khi các chính sách này được coi là chính thống vì nó nằm trong khuôn khổ với sự khiêm nhường và ý thức về quyền lợi của người khác. Những gì mà chính phủ áp dụng ở trong nước (ví dụ như bảo vệ báo chí tự do), trong các tổ chức quốc tế (tư vấn cho nước khác và chủ nghĩa đa phương) và trong chính sách đối ngoại (thúc đẩy phát triển và nhân quyền) có thể tác động đến người khác bằng ảnh hưởng của các tấm gương của mình. Trong tất cả các lĩnh vực này, ông Trump đã làm đảo ngược các chính sách gây thu hút của Mỹ.
Điều may mắn là nước Mỹ không chỉ có ông Trump hay chính phủ. Không giống tài sản thuộc về sức mạnh cứng (thí dụ như quân đội), nhiều nguồn lực do sức mạnh mềm khác biệt với chính phủ và chỉ đáp ứng một phần các mục đích của chính quyền. Trong một xã hội tự do, chính phủ không thể kiểm soát văn hoá. Thật vậy, việc thiếu các chính sách văn hoá chính thức có thể tự nó là một nguồn thu hút. Các bộ phim Hollywood như “The Post” thể hiện việc các phụ nữ độc lập và tinh thần tự do báo chí có thể thu hút người khác. Cũng có thể đó là công việc từ thiện của các đoàn thể Hoa Kỳ hay các lợi ích của quyền tự do nghiên cứu tại các trường đại học Hoa Kỳ.
Các doanh nghiệp, trường đại học, hiệp hội, tôn giáo và các đoàn thể phi chính phủ khác phát triển quyền lực mềm của họ theo khả năng riêng mà quyền lực mềm này có thể tăng cường hoặc làm phản tác dụng đối với các mục tiêu trong chính sách đối ngoại chính thức. Đó là một sự thật. Tất cả những nguồn lực thuộc về sức mạnh tư nhân này có thể sẽ trở nên quan trọng hơn trong thời đại thông tin toàn cầu. Đây là lý do tại sao các chính phủ đoán chắc rằng các hành động và chính sách riêng tạo ra và thúc đẩy chứ không phải là cắt giảm và phí phạm sức mạnh mềm của họ.
Các chính sách đối nội hoặc đối ngoại có vẻ là ngụy biện, kiêu căng, thờ ơ với quan điểm của người khác, hoặc dựa trên một khái niệm hẹp về lợi ích quốc gia có thể làm giảm sức mạnh mềm. Lấy ví dụ như trong các cuộc thăm dò dư luận được thực hiện vào năm 2003 sau cuộc xâm lược Iraq, sự suy giảm nặng nề về tính hấp dẫn của Hoa Kỳ là phản ứng đối với chính quyền của Tổng thống Bush và các chính sách của ông, chứ không phải là cho nước Mỹ nói chung.
Chiến cuộc Iraq không phải là chính sách đầu tiên của chính phủ làm cho Hoa Kỳ không được ưa chuộng. Trong thập kỷ 1970, nhiều người trên thế giới đã phản đối cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam và lập trường toàn cầu của Mỹ phản ánh tình trạng không được ưa chuộng của chính sách đó. Khi chính sách thay đổi và những ký ức của Mỹ mờ nhạt, Mỹ đã hồi phục được phần lớn sức mạnh mềm bị mất. Cũng tương tự như vậy, sau hậu quả của chiến cuộc Iraq, Hoa Kỳ đã tìm cách phục hồi phần lớn sức mạnh mềm ở hầu hết các nước trên thế giới (mặc dù ở Trung Đông là ít hơn).
Những người hoài nghi vẫn có thể lập luận rằng, sự thăng trầm về quyền lực mềm của Hoa Kỳ là không quan trọng, vì các quốc gia hợp tác nhau cho lợi ích riêng. Nhưng lập luận này bỏ qua một điểm chính: hợp tác là một vấn đề mức độ và mức độ bị ảnh hưởng bởi sự thu hút hoặc cự tuyệt. Hơn nữa, ảnh hưởng của các quyền lực mềm của một quốc gia sẽ mở rộng đến các tác nhân ngoài phạm vi của nhà nước – ví dụ như bằng cách hỗ trợ hoặc cho phép tuyển dụng hoặc ngăn trở bởi các tổ chức khủng bố. Trong thời đại thông tin, sự thành công không chỉ phụ thuộc vào quân đội của ai thắng, mà còn về chuyện thắng như thế nào.
Một trong những nguồn lực lớn nhất của quyền lực mềm của Mỹ là tinh thần cởi mở của tiến trình dân chủ. Ngay cả khi những chính sách lầm lạc làm giảm sức hấp dẫn của Mỹ, khả năng chỉ trích và sửa đổi của Mỹ khiến Mỹ trở nên thu hút đối với những người khác ở mức độ sâu xa hơn. Khi người biểu tình hải ngoại diễn hành chống chiến tranh Việt Nam, họ thường hát bài “Chúng ta phải vượt qua”, bản thánh ca của Phong trào Dân quyền Hoa Kỳ.
Chắc chắn là nước Mỹ cũng muốn vượt qua. Với kinh nghiệm trong quá khứ, có mọi lý do để hy vọng rằng Mỹ sẽ khôi phục lại quyền lực mềm sau thời của ông Trump.
***
Joseph S. Nye: Giáo sư Đại học Harvard; cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch Hội đồng Tình báo Quốc gia. Ông là tác giả của cuốn sách Is the American Century Over?
Nguyên tác: Donald Trump and the Decline of US Soft Power
Đăng ngày: 31/01/2024 - 14:29
Quyền lực là gì, thế nào là một cường quốc ? Nhờ đâu Hoa Kỳ đã trở thành một siêu cường của thế giới ? Ngày nay Mỹ có còn có thể thực thi quyền lực với phần còn lại của thế giới hay đang đánh mất 7 lá bài quan trọng vào lúc đang phải lao vào cuộc tranh hùng với Trung Quốc ? Nhà sử học Niall Ferguson, đại học Standford California, liệt kê « 7 nhược điểm lớn » của Uncle Sam. Bài viết được đăng trên trang mạng tạp chí Pháp L’Express hôm 28/01/2024.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia, ngày 14/11/2022. © Alex Brandon / AP
Trong phần mở đầu tác giả viết : Sức mạnh nào lay chuyển được cả một dân tộc ? Đó là câu hỏi văn hào Nga Leon Tolstoi từng nêu ra trong tiểu thuyết Chiến Tranh và Hòa Bình. Nhà chính trị học người Mỹ Robert Dahl như đã tìm cách trả lời. Theo ông, người ta nói « A có quyền lực với B khi cưỡng ép B làm điều gì đó mà nhẽ ra hắn ta không làm ». Trong lĩnh vực địa chính trị, khi nói đến một cường quốc, thông thường đó là khả năng của một quốc gia « khuyến khích hay bắt buộc một nước khác hành động để phục vụ lợi ích cho chính mình. Đồng thời một cường quốc có khả năng cưỡng lại những áp lực phải đối mặt ».
Thực tế phũ phàng của ngày hôm nay là Hoa Kỳ không còn trong tư thế của A để bắt buộc B phải làm theo ý muốn. Giờ đây có mấy ai còn đoái hoài đến số phận của Afghanistan đã bị Mỹ bỏ rơi hồi 2021 ? Ukraina vẫn phải gồng mình chống trả quân Nga xâm lược, nhưng chiến tranh Ukraina đang bị đẩy vào bóng tối, viện trợ của Washington cho Kiev đang mai một dần. Xung đột ở Gaza được thảo luận ráo riết, nhưng lại ít ai đả động đến trường hợp những cánh tay nối dài của Iran đang lộng hành gây hỗn loạn ở Trung Đông. Cử tri Đài Loan đã bầu ra một vị tổng thống mới, nhưng nếu như Bắc Kinh không hài lòng với kết quả đó và quyết định phong tỏa hòn đảo này thì Mỹ sẽ tính sao ?
Ngần ấy tiêu điểm thời sự khiến sử gia Ferguson đề nghị có lẽ thay vì ca tụng những « nguồn gốc của sức mạnh Hoa Kỳ hiện đại », thì nên chăng đi tìm những « căn nguyên dẫn đến sự suy nhược của nước Mỹ ngày nay ? ».
Trước khi đưa ra danh sách 7 nhược điểm của Mỹ, giáo sư lịch sử trường Stanford bắt độc giả phải kiên nhẫn thêm một chút. Ông nhắc lại rằng : Khi trở thành cường quốc kinh tế số 1 thế giới, từ năm 1872 theo đánh giá của nhà kinh tế học người Anh Angus Maddison, hơn bất kỳ một quốc gia nào khác, Hoa Kỳ đã nắm giữ trong tay những phương tiện dồi dào cho quân đội, hải quân và sau đó là rất nhiều các cơ quan an ninh quốc gia khác nữa… Nhưng cho đến tận năm 1940, Washington không hề sử dụng đến những công cụ đó để thể hiện quyền lực, cho dù ngân sách quốc phòng của Hoa Kỳ đã « ngang bằng, rồi vượt qua hẳn so với ngân sách phòng thủ của các cường quốc châu Âu » thời đó.
Câu hỏi giờ đây, liệu Mỹ có còn là cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới hay không ? Câu trả lời sẽ là có nếu như chúng ta đo lường bằng đồng đô la, nhưng câu trả lời ấy cũng sẽ là không nếu như thước đo là sức mua tương đương (PPP).
Trong giả thuyết thứ, Trung Quốc đã đuổi kịp Mỹ từ 2016 và từ năm 2023 tính theo PPP, « kinh tế của Trung Quốc lớn gấp 5 lần » của Hoa Kỳ. Mấu chốt của tất cả vấn đề thu gọn trong ba nhữ PPP đó, bởi như giáo sư Niall Ferguson giải thích : Thí dụ như để trang bị vũ khí, hàng của Trung Quốc rẻ hơn nhiều so với vũ khí của Mỹ, cho dù chất lượng không bằng. Song ngoại trừ lĩnh vực khá đặc biệt là trang thiết bị quân sự, phần còn lại, giao dịch thương mại vẫn được thanh toán bằng đô la. Do vậy Mỹ vẫn còn chiếm thế thượng phong nhờ vào « sức mạnh của đô la và nhất là trong bối cảnh tăng trưởng của Trung Quốc lại yếu kém » như hiện nay.
Có điều « từ nhiều năm nay, dưới những hình thức khác nhau, Hoa Kỳ tự hủy hoại những lợi thế đang có » và đã để lộ ít nhất 7 điểm yếu quan trọng. Những nhược điểm đó là gì ? Nhà sử học Ferguson, đại học Standford lần lượt đưa ra danh sách với nhiều phân tích kèm theo.
Trước hết, theo ông, sức mạnh của nước Mỹ là « người nhập cư nước ngoài » : Chỉ nơi này mới có khả năng thu hút những nhân tài trên thế giới và đó là một sức mạnh mà chỉ Hoa Kỳ mới có được. Bằng chứng là ngày nay, hơn một nửa trong số các công ty khởi nghiệp của Mỹ trị giá hơn một tỷ đô la trên các sàn chứng khoán là do người nước ngoài lập ra hay đồng sáng lập. Trung Quốc không có phép lạ để những nhà tỷ phú tương lai như Elon Musk (chủ nhân Tesla) hay Apoorva Mehta (sáng lập viên Instacart, ông vua dịch vụ giao hàng tận nhà) đến định cư. Thế nhưng rồi chính sách đón nhận người nhập cư của Hoa Kỳ trong thời gian gần đây đã làm « mai một nguồn nhân sự » quý giá từ nước ngoài đem vào Mỹ.
Lợi thế thứ nhì của Uncle Sam so với Trung Quốc -và nhiều nơi khác trên thế giới – là nền tảng của một nhà nước pháp quyền. Đó là điều đã « thu hút nhân lực và đầu tư quốc tế », vì người ta tin tưởng vào hệ thống pháp lý của Hoa Kỳ. Tiếc rằng trong những năm gần đây, uy tín đó của nước Mỹ cũng đang bị xói mòn. Trong bảng xếp hạng của tổ chức World Justice Project, Mỹ trượt 26 hạng.
Một lợi thế thứ ba của Mỹ từng cho phép quốc gia này trở thành nền kinh tế thứ nhất toàn cầu là hệ thống giáo dục : Trong thế kỷ XIX và XX, Hoa Kỳ là nơi có hệ thống giáo dục tốt nhất. Giờ đây chỉ cần nhìn vào bảng xếp hạng PISA, người ta chỉ còn ngậm ngùi nhìn thấy khoảng cách quá lớn giữa trình độ của các học sinh Mỹ so với học sinh ở Hồng Kông hay Singapore. Riêng về toán và khoa học, trẻ em Mỹ bị bỏ lại xa ở phía sau so với học sinh ở Estonia hay Ireland.
Về y tế, vào thế kỷ trước, người Mỹ tự hào là được nuôi dưỡng tốt và sống lâu hơn so với những dân tộc khác. Thực tế đó không còn nữa. Quân đội càng lúc càng khó tuyển lính, bởi thanh niên nếu không nghiện ngập thì cũng bị béo phì : chưa đầy 25 % công dân Mỹ có lí lịch trong sạch và lành lặn để đi lính ! Điểm yếu thứ tư này như vậy liên quan đến cả từ vấn đề xã hội đến nguồn lực lao động của nước Mỹ. Những tác động kèm theo ảnh hưởng đến kinh tế và quốc phòng.
Tác giả bài viết trên trang mạng của L’Express chẳng lẽ không quan tâm đến những điểm mạnh của Mỹ hiện nay, như khả năng sáng tạo, đầu óc cởi mở đón nhận những kiến thức mới, và nhất là túi tiền gần như không đáy của Hoa Kỳ ?
Giáo sư Niall Ferguson không phủ nhận nhờ giàu có mà Hoa Kỳ đã và còn đang thống lĩnh công nghệ cao. Washington có những phương tiện « có một không hai » từ vũ khí đến khả năng thu thập thông tin tình báo, các công cụ phản gián … để đối phó với mọi cuộc xung đột dù là « nóng » hay « lạnh ».
Có điều Trung Quốc đang « mon men tiến đến gần » và thậm chí là thách thức trong một số lĩnh vực như khai thác trí thông minh nhân tạo, chiến tranh thông tin hay phát triển tên lửa siêu thanh …. Khác biệt giữa Mỹ với Trung Quốc ở đây là ông khổng lồ châu Á này « thừa sức sản xuất đại trà tất cả những công nghệ mới, từ chế tạo drone đến tên lửa siêu thanh ». Có thể xem đây là nhược điểm số 5 của Mỹ so với Trung Quốc.
Hai điểm cuối cùng khiến tác giả bài viết băn khoăn liên quan đến chính sách chi tiêu quá trớn của Mỹ và sức thu hút của Hoa Kỳ đối với công luận Mỹ cũng như với công luận quốc tế.
Giáo sư Ferguson ghi nhận : ngân sách liên bang Hoa Kỳ luôn thiếu hụt trầm trọng. Hiếm ai trên thế giới mang nợ nhiều như nước Mỹ mà phần lớn là nợ nước ngoài. Điều may mắn là thế giới phải dùng đồng đô la Mỹ và Hoa Kỳ dù có mang nợ nhưng vẫn rất dễ đi vay. Thế nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu như Mỹ bại trận trong một cuộc chiến quyết liệt nào đó ? Mối lo ngại này giải thích vì sao từ trên dưới 50 năm qua, Washington thiên về các cuộc chiến kinh tế hơn là các cuộc xung đột vũ trang. Hiệu quả của các đòn chiến tranh kinh tế đến đâu, đấy lại là chuyện khác.
Cuối cùng về hình ảnh của nước Mỹ với công luận trong nước và thế giới, giáo sư trường đại học Stanford, Hoa Kỳ nhắc lại rằng : Hiện tại quyền lực mềm của Mỹ « vẫn còn lớn ». Hình ảnh của nước Mỹ có sức lôi cuốn hơn hẳn so với của Trung Quốc. Nhưng tình cảm của chính những người Mỹ, của thanh niên Mỹ đối với Hoa Kỳ thì đang có nhiều « chuyển biến ». Giáo sư Niall Ferguson cho rằng đây là một yếu tố quan trọng khi mà Hoa Kỳ cần động viên những người trai trẻ đó cầm súng chiến đấu. Nước Mỹ tự hào là một nền dân chủ trên tuyến đầu thế giới tự do … Công luận đồng lòng khi Hoa Kỳ phải can thiệp quân sự trong hai cuộc Thế Chiến, khi phải can thiệp trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) hay trong chiến tranh vùng Vịnh (1991). Thế nhưng rồi những cuộc chiến kéo dài như chiến tranh Việt Nam hay 20 năm chiến tranh Afghanistan đã khiến người Mỹ có một cái nhìn khác …
Vậy có thể rút ra được kết luận nào ở đây ? Nhà sử học Ferguson so sánh : Hoàn cảnh của nước Mỹ hiện tại tương tự như « cái thế của Vương quốc Anh giữa hai cuộc Đại Chiến Thế Giới (…) đặc biệt là khi mà cử tri và thành phần ưu tú trong xã hội không sẵn sàng chấp nhận trang bị cho nước Mỹ những khả năng răn đe ».
Trong kịch bản đó, sớm muộn gì một cuộc đối đầu quân sự cũng sẽ xảy ra và khi đó « thì ngay cả trong trường hợp giành được thắng lợi thì quốc gia liên quan cũng sẽ bị suy yếu ». Cuối cùng trong cuộc đọ sức Mỹ-Trung Quốc, lời khuyên nào cho Hoa Kỳ ? Sử gia Fergusson đại học Standford trả lời : « Có lẽ giải pháp thích hợp hơn cả là nên hoãn lại cuộc đối đầu (…) đợi cho đến lúc sức mạnh kinh tế của đối phương bị xói mòn, bị một căn bệnh nào đó làm suy yếu. Đây là kinh nghiệm bản thân với Liên Xô trước kia và rất có thể là điều sẽ xảy ra với Trung Quốc trước những yếu kém của nước này về mặt dân số và về những khó khăn tài chính đang lớn dần »
Đăng ngày: 05/02/2024 - 13:05
Các thượng nghị sĩ Mỹ ngày 04/02/2024 vừa đạt thỏa thuận về dự luật 118 tỷ đô la dự trù chi phí cho các biện pháp an ninh biên giới và viện trợ cho Ukraina. Ngay sau đó, chủ tịch Hạ Viện tuyên bố bác bỏ.
Chủ tịch Hạ Viện Mỹ Mike Johnson tại điện Capitol ở Washington, Hoa Kỳ, ngày 14/11/2023. AP - J. Scott Applewhite
Chủ nhật 04/02, Thượng Viện Mỹ thông báo hai phe Cộng Hòa và Dân Chủ đạt thỏa thuận để chi 118,3 tỷ đô la, trong đó có gói viện trợ cho Ukraina trị giá 60 tỷ, 14 tỷ cho Israel và phần còn lại dùng để chi cho các biện pháp cải cách chính sách nhập cư, thắt chặt an ninh ở biên giới Mỹ. Thỏa thuận đã được tổng thống Mỹ nhanh chóng chấp thuận và đề nghị Hạ Viện sớm thông qua để ông có thể ký ban hành luật.
Để đạt được mong muốn của ông Joe Biden, dự luật ngân sách này trước tiên phải được thông qua tại Thượng Viện (do phe Dân Chủ kiểm soát), sau đó đưa qua Hạ Viện, và chính tại đây sự việc trở nên không đơn giản.
Chủ tịch Hạ Viện, Mike Johnson, một nhân vật trung thành với Donald Trump đã ngay lập tức dội gáo nước lạnh vào hy vọng của tổng thống Biden. Trên mạng X, lãnh đạo Hạ Viện phản ứng : « Dự luật này còn tồi tệ hơn cả những gì chúng ta mong đợi và còn rất xa mới chấm dứt được tai họa ở biên giới do tổng thống gây ra » và ông khẳng định văn kiện đã « chết ngay khi tới » Hạ Viện.
Tổng thống Joe Biden chỉ còn cách kêu gọi các nghị sĩ Cộng Hòa ủng hộ thỏa thuận giữa hai đảng. Ông tuyên bố : « Nếu các vị nghĩ, giống như tôi, rằng chúng ta phải bảo đảm an ninh biên giới ngay bây giờ, thì không làm gì không phải là giải pháp. »
Chiếm phần lớn của dự luật tài chính này là gói viện trợ cho Ukraina, từ nhiều tháng nay vẫn bị mắc kẹt trước những yêu cầu khẩn khoản của tổng thống Mỹ Joe Biden cũng như của tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky.
Cuộc chiến tranh tại Ukraina đã kéo dài gần 2 năm vẫn không thấy lối thoát. Từ đầu cuộc xung đột, Quốc Hội Mỹ đã quyết định giải ngân 110 tỷ đô la cho Ukraina. Tại Hoa Kỳ, nhiều người, đặc biệt phe Cộng Hòa ngày càng thấy những chi phí này quá tốn kém cho nước Mỹ. Vấn đề viện trợ cho Ukraina càng trở thành chủ đề chính trị nóng khi mà năm nay là năm bầu cử tổng thống Mỹ.
Matxcơva vẫn trông chờ cuộc chiến tranh hao mòn của họ làm suy giảm sự hậu thuẫn của phương Tây cho Kiev cuối cùng sẽ giúp Nga giành chiến thắng.
Đăng ngày: 04/01/2024 - 14:38
Bầu cử tổng thống Mỹ chưa diễn ra, đảng Cộng Hòa vẫn chưa có ứng viên chính thức, nhưng chiếc bóng của Donald Trump đã phủ lên nhiều hồ sơ quốc tế lớn. Tại châu Á, các nước đồng minh của Mỹ phập phồng lo sợ Donald Trump trở lại cầm quyền. Ngược lại, thủ tướng Israel Benyamin Netanyahu và tổng thống Nga Vladimir Putin lại đặt cược nhiều vào chiến thắng của nhà tỷ phú địa ốc. Nhưng kịch bản này, nếu xảy ra, sẽ là một thảm họa cho Liên Hiệp Châu Âu.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và đồng nhiệm Nga Vladimir Putin trong cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên ở Helsinki, Phần Lan, tháng 12/2019. SPUTNIK/AFP/File
Năm 2024 vừa mới bắt đầu, nhưng « Donald Trump đã là nhân vật của năm 2024 », trang mạng France Inter ngày 02/01/2024 đã viết như thế ! Hiện tại, Donald Trump chưa phải là ứng viên chính thức, vì vòng bầu cử sơ bộ của đảng Cộng Hòa sẽ chỉ bắt đầu vào ngày 15/01/2024 từ bang Iowa. Nhưng các cuộc thăm dò hiện tại cho thấy ông Trump có nhiều lợi thế không chỉ với các đối thủ trong đảng mà cả với ông Joe Biden.
Theo Bernard Guetta1, nghị sĩ Châu Âu, thuộc nhóm nghị sĩ Renew, và là thành viên Ủy ban Đối ngoại Nghị Viện Châu Âu, viễn cảnh Donald Trump trở lại cầm quyền là một mối đe dọa to lớn.
« Nếu nhân vật này vào được Nhà Trắng, trước hết ông ấy sẽ làm suy yếu hơn nữa nền dân chủ Mỹ. Đừng quên rằng, vào cuối nhiệm kỳ đầu tiên, ông ấy đã tiến hành một cuộc tấn công nhằm vào tòa nhà Quốc Hội. Nhưng ngoài tấn bi kịch chính trị nội bộ của Mỹ, Donald Trump còn muốn phá vỡ Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương, phá vỡ Liên Hiệp Châu Âu. Ông ấy muốn đúc kết một thỏa thuận với Vladimir Putin, sau lưng người dân Ukraina, sau lưng chúng ta, 27 nước thành viên Liên Âu. Đó thực sự không phải là một viễn cảnh vui vẻ chút nào ! »
Nhưng rủi thay, « trên thế giới, có hai người điên cuồng đang trông đợi Trump trở lại Nhà Trắng : Benjamin Netanyahu ở Israel và Vladimir Putin ở Matxcơva », vị nghị sĩ Châu Âu này bình luận tiếp. Bất chấp con số nạn nhân cao, chưa có dấu hiệu nào cho thấy hai tấn bi kịch, một ở dải Gaza và một tại Ukraina sẽ có ngày chấm dứt. Thủ tướng Israel và tổng thống Nga chỉ được lợi khi kéo dài thêm cuộc xung đột với hy vọng Donald Trump tái đắc cử.
Đối với nhân vật thứ nhất, nghị sĩ châu Âu giải thích : « Đương nhiên là Netanyahu phải tiếp tục cuộc chiến và thậm chí có thể mở rộng cuộc xung đột, bởi vì đối với ông ấy, đây là một sự bảo đảm cho sự sống còn, tôi muốn nói về mặt chính trị ». Kéo dài vô tận cuộc xung đột còn là cách tốt nhất để ông giữ được quyền miễn trừ tư pháp với tư cách người đứng đầu chính phủ.
Thủ tướng Israel hiện đang đối mặt với ba thủ tục tố tụng, được mở ra từ năm 2019 về tội tham nhũng, gian lận và lạm dụng lòng tin, những tội danh có thể dẫn đến án tù. Thế nên, theo nhà sử học Jean-Pierre Filiu2, giáo sư trường đại học Khoa học Chính trị, mục tiêu « xóa sổ » phe Hamas mà ông Netanyahu đề ra, ít có cơ may đạt được, chỉ mang tính khoa trương hơn là quân sự.
Nhưng việc theo đuổi chiến sự trên dải Gaza không chỉ giúp Benyamin Netanyahu duy trì quyền lực tại Israel, mà còn nhằm làm suy yếu Joe Biden, vào lúc đảng Dân Chủ chưa bao giờ bị chia rẽ như lúc này. Trên thực tế, thủ tướng Israel luôn mong đợi sự trở lại Nhà Trắng của Donald Trump, vốn đã hậu thuẫn ông vô điều kiện từ năm 2017 đến năm 2020.
Hẳn người ta sẽ chưa quên bản Kế hoạch Hòa bình cho Cận Đông được tổng thống Donald Trump công bố ở Nhà Trắng ngày 28/01/2020 trước sự hiện diện của thủ tướng Israel Netanyahu mà không có đại diện Palestine.
Kế hoạch mang tên « Tầm nhìn » của Donald Trump cho phép Israel sáp nhập các khu định cư Do Thái nằm rải rác trên khắp vùng Cisjordanie vào lãnh thổ Israel. Đổi lại, Tel-Aviv cam kết sẽ ngưng mở rộng các khu định cư. Người Palestine sinh sống trong các khu định cư Do Thái có bốn năm để quyết định đi hay ở lại với Israel. Trái lại, người tị nạn Palestine vẫn không được phép trở về Israel.
Kế hoạch này đã bị chỉ trích là « thiên vị, bất cân xứng » chỉ chiều theo ý muốn của thủ tướng Israel, « một thảm họa thứ hai » theo như đánh giá từ giới truyền thông Pháp vào thời điểm đó ! Do vậy, nếu duy trì được quyền lực từ đây đến tháng 11, thủ tướng Israel Benyamin Netanyahu sẽ bỏ phiếu ủng hộ Donald Trump hơn là một Joe Biden đang nói đến giải pháp « Hai Nhà nước ».
Từ những quan sát trên, nghị sĩ châu Âu Bernard Guetta cảnh báo, nếu xung đột ở Gaza kéo dài cùng với sự trở lại của Donald Trump, chiến tranh có thể lan rộng ra toàn khu vực. Liên Hiệp Châu Âu một lần nữa có nguy cơ đối mặt với những làn sóng di dân, các cuộc tấn công khủng bố ồ ạt và có nhiều nguy cơ bị lôi kéo vào xung đột ở Gaza.
Nhưng thủ tướng Israel không phải là người duy nhất tính đến nước cờ này. Vladimir Putin, người mà lãnh đạo Israel có mối quan hệ mật thiết hơn là với Joe Biden, cũng tin rằng việc ông Trump tái đắc cử sẽ là một thắng lợi cho nước Nga trong cuộc chiến xâm lược Ukraina.
Cuộc xung đột ở dải Gaza bùng phát hồi tháng 10/2023 đã là « món lộc trời ban » cho tổng thống Nga. Chiến sự bùng nổ đẩy nước Mỹ của Joe Biden rơi vào trạng thái « tả xung hữu đột » và công luận quốc tế bị chuyển hướng sang Cận Đông. Donald Trump trở lại cũng đồng nghĩa với việc xoa dịu được tư tưởng bài Nga và nhất là có thể cắt nguồn hậu thuẫn tài chính cho Ukraina.
Donald Trump, trong một cuộc vận động cho bầu cử sơ bộ, trước những người ủng hộ ông, từng tuyên bố : « Tôi sẽ giải quyết cuộc chiến sau một ngày, trong vòng 24 giờ ! ». Theo giải thích của nghị sĩ Châu Âu Bernard Guetta, điều đó có nghĩa là, « ông ấy sẽ nói với ông Putin là "ông hãy giữ phần lãnh thổ mà ông đã chiếm được tại Ukraina, còn tôi sẽ ngưng hỗ trợ cho Ukraina. »
Đây cũng là cách diễn giải của nhà sử học quân sự Philips O’Brien3, trường đại học St-Andrews : « Điều ông sẽ làm là đề nghị hoặc buộc Ukraina nhượng lãnh thổ cho Putin. Tôi nghĩ ông tin rằng Putin là người mà ông có thể đàm phán. »
Ngay từ đầu cuộc xung đột, nếu như lưỡng đảng cho tới nay gần như nhất trí ủng hộ tài trợ cho quốc phòng Ukraina, thì Donald Trump luôn chất vấn về sự hậu thuẫn dành cho Kiev. Đây cũng không phải là điều gì mới mẻ. Trong quá khứ, khi còn tại nhiệm, nhà tỷ phú bất động sản này đã bị chỉ trích có mối quan hệ « nồng ấm » với nguyên thủ Nga. Ông còn bị cáo buộc đã đe dọa cắt nguồn viện trợ cho Kiev trừ phi chính phủ tổng thống Zelensky chịu tiết lộ những điều xấu xa về Joe Biden và con trai ông là Hunter Biden.
Theo đánh giá của Philips O’Brien, điều nguy hiểm ở đây là Donald Trump xem chính sách đối ngoại cũng như chính trị là « một con đường để trục lợi cá nhân ». Đối với ông, « NATO, đồng minh hay Ukraina đều không quan trọng. Tốt nhất hãy thực hiện một thỏa thuận có lợi cho Donald Trump ».
Cơ hội đắc cử tổng thống lần hai của Donald Trump ngày một lớn. Tại Mỹ, người dân bắt đầu mệt mỏi về những cuộc can thiệp quân sự. Các chiến dịch quân sự bên ngoài, từ Việt Nam cho đến Afghanistan, đều kết thúc bằng cái giá rất đắt cả về nhân mạng và vật chất. Các cuộc thăm dò mới nhất cho thấy gần một nửa số người Mỹ được hỏi cho rằng chính phủ đã chi quá nhiều tiền để hỗ trợ cho cuộc chiến chống Nga. Và tỷ lệ này còn cao hơn đáng kể trong số các cử tri đảng Cộng Hòa.
Chuyên gia về Mỹ Jérôme Viala-Gaudefroy4, trường đại học Khoa học Chính trị nhận định, Donald Trump trở lại Nhà Trắng còn đồng nghĩa với việc nước Mỹ quay về với chủ nghĩa biệt lập.
« Vladimir Putin ở Nga, rồi Tập Cận Bình ở Trung Quốc, chúng ta thấy rằng Trump thực sự đang thúc đẩy một làn sóng chủ nghĩa biệt lập tồn tại đặc biệt ở phe Cộng Hòa. Có một kiểu mệt mỏi vì chiến tranh, sau cuộc chiến chống khủng bố, cuộc chiến ở Irak. Thực sự có mong muốn thoái lui này. Người ta nói rằng trước tiên chúng ta phải quan tâm đến biên giới của mình, những gì đang xảy ra trong nước và còn thế giới là chuyện của họ. Ukraina là vấn đề của châu Âu. Thậm chí, một số cố vấn của Trump còn chất vấn về sự tham gia của Hoa Kỳ vào NATO. Dù vậy, đối với Mỹ, liên minh này vẫn là một điều quan trọng vì Quốc Hội gần đây đã thông qua một nghị quyết buộc tổng thống phải có sự đồng ý của Quốc Hội và 3/4 lá phiếu Thượng viện để có thể rút khỏi NATO. »
Sự trở về của Trump còn hàm chứa nhiều rủi ro xảy ra hỗn loạn trên chính trường Mỹ như những gì từng xảy ra trong nhiệm kỳ đầu. Donald Trump chỉ sẽ làm những gì mình muốn, và « trong trường hợp này, mọi tiền lệ đều bị loại bỏ », ông Philips O’Brien cảnh báo. Nhưng một tình trạng hỗn loạn ở Mỹ, và một nền dân chủ Mỹ bị suy giảm, chính xác là điều mà ông Putin và nhiều kẻ thù khác của Mỹ đang mong đợi.
Tại châu Á, các đồng minh của Mỹ lo lắng trước nguy cơ Donald Trump đắc cử tổng thống. Những nỗ lực của chính quyền Biden nhằm tăng cường các mối quan hệ đồng minh, từ Tuyên bố Washington về liên minh quân sự Mỹ – Hàn, tuyên bố Camp David ba bên Mỹ – Nhật – Hàn và quan hệ đối tác công nghiệp quốc phòng AUKUS có nguy cơ không còn tồn tại trong quá trình chuyển đổi chính trị ở Washington.
Dù vậy, chuyên gia địa chính trị Bertrand Badie5, giáo sư danh dự trường đại học Khoa học Chính trị vẫn đưa ra chút tín hiệu lạc quan khi cho rằng người ta có xu hướng đánh giá thấp khả năng chống chọi mạnh mẽ của chính sách đối ngoại Hoa Kỳ. Trên đài RFI Pháp ngữ ngày đầu năm 2024, ông phân tích :
« Mỹ không thay đổi chính sách đối ngoại dễ dàng như chúng ta nghĩ. Thậm chí chúng ta có chút xu hướng châm biếm nhiệm kỳ tổng thống Trump, đã thể hiện sự khác biệt với các đời tổng thống Mỹ khác bằng những cử chỉ mang tính biểu tượng ngoạn mục, chẳng hạ như rút khỏi các tổ chức quốc tế, di dời đại sứ quán Mỹ ở Israel, và nhiều việc khác như rút khỏi thỏa thuận về hạt nhân Iran…
Nhưng chưa bao giờ có bất kỳ thay đổi thực sự nào trong định hướng chính sách đối ngoại của Mỹ ngoại trừ việc, cứ như chúng ta nói, có một mong muốn, đã được khởi xướng từ thời Obama, là thoái lui khỏi các cuộc xung đột lớn trên thế giới.
Cho dù đó là Trump hay Biden, thì điều đó cũng giống nhau, ngay cả khi Biden tỏ ra nhạy cảm với cánh tả trong đảng Dân chủ ngày càng kêu gọi, nếu không ủng hộ người Palestine, thì ít nhất là trung lập hơn, và chúng ta đã thấy điều đó đặc biệt trong các cuộc bỏ phiếu gần đây tại Hội Đồng Bảo An.
Chính sách ngoại giao của Mỹ không thay đổi. Đây là mặt ổn định, mạnh hơn chúng ta nói mà các nhà bình luận không có thói quen nhắc đến. »
---------- ********** ----------
Tham khảo :
1. Bernard Guetta : "Deux hommes attendent frénétiquement le retour de Trump : Netanyahou et Poutine", France Inter ngày 01/01/2024.
2. « Le destin de l’Europe en 2024 se jouera à Gaza », Le Monde ngày 31/12/2023.
3. Is Trump a bigger threat to Ukraine than Putin in 2024? Channel 4 News, ngày 29/12/2023.
4. La présidentielle 2024 aux États-Unis : Donald Trump le retour ? TV5 Monde ngày 16/12/2023.
5. Quel impact des élections européennes et américaines sur les conflits à Gaza et en Ukraine? RFI ngày 01/01/2024.