logo-vuot

logo-Nuocvietthegioi

acrobat  📂  🏠   

Hội nhập - Thế giới - 3

Mỹ phát hiện Việt Nam xuất hàng dính tới lao động cưỡng bức ở Tân Cương nhiều hơn cả TQ

Hơn 30 nghị sĩ Mỹ phản đối việc xét công nhận kinh tế thị trường cho Việt Nam

Nam Australia dừng nhận học sinh ba tỉnh của Việt Nam

Mỹ phát hiện Việt Nam xuất hàng dính tới lao động cưỡng bức ở Tân Cương nhiều hơn cả TQ

06/02/2024

VOA Tiếng Việt

Một công nhân thu sợi bông tại một nhà máy dệt may ở Aksu thuộc Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương phía tây Trung Quốc, ngày 20/4/2021.

Hải quan Hoa Kỳ mới đây tuyên bố rằng Việt Nam là nước xuất khẩu hàng hóa dính dáng đến việc sử dụng lao động cưỡng bức người Uyghur (Duy Ngô Nhĩ) lớn nhất trong năm 2023, vượt qua cả Trung Quốc.

Theo công bố của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (CBP), hàng nhập khẩu vào Mỹ từ Việt Nam bị phát hiện vi phạm Đạo luật Ngăn chặn Lao động Cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ (UFLPA) nhiều nhất trên thế giới trong năm ngoái, cũng như kể từ khi luật này được Quốc hội Mỹ ban hành vào năm 2021.

Đạo luật UFLPA cấm nhập khẩu hàng hóa được sản xuất bằng lao động cưỡng bức từ người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác vào Hoa Kỳ. Hành động này là câu trả lời cho các báo cáo về tình trạng vi phạm nhân quyền tràn lan trong Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương của Trung Quốc.

Vào cuối tháng 1/2024, CBP công bố số liệu thống kê thực thi Đạo luật UFLPA cho thấy tính đến cuối tháng 12/2023, Việt Nam có giá trị sản phẩm lớn nhất bị từ chối nhập cảnh vào Mỹ, cao hơn của Malaysia và Trung Quốc kể từ khi luật này được thực thi.

Dữ liệu của CBP 2023. Photo CBP.

Theo cơ quan này, họ từ chối thông quan 1.197 lô hàng, trị giá 220,3 triệu USD từ Việt Nam từ tháng 6/2022 đến ngày 4/12/2023 do vi phạm UFLPA. Malaysia có 454 lô hàng, trị giá 164 triệu USD bị từ chối trong khi Trung Quốc có 808 lô hàng, trị giá 69 triệu USD bị từ chối.

Riêng các sản phẩm may mặc, giày dép và dệt may của Việt Nam bị phát hiện vi phạm trị giá 19,14 triệu USD, trong đó 10,22 triệu USD bị từ chối nhập khẩu vào Mỹ trong năm 2023. Con số này của Trung Quốc là 17,70 triệu USD hàng hóa bị phát hiện vi phạm, trong đó 1,91 triệu USD hàng hóa bị từ chối.

Các mặt hàng xuất khẩu khác của Việt Nam bị hải quan Mỹ từ chối nhập khẩu theo Đạo luật này bao gồm điện tử (704 lô), vật liệu công nghiệp và chế biến (391 lô), dệt may-giày dép (242 lô).

VOA đã liên lạc Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ cho ý kiến về các con số thống kê trên của CBP, nhưng chưa được trả lời.

Trao đổi với VOA qua email, bà Rushan Abbas, người sáng lập và giám đốc điều hành của Chiến dịch cho người Duy Ngô Nhĩ (Campaign for Uyghurs) có trụ sở tại Virginia, cho biết rằng Trung Quốc đã tăng cường xuất khẩu từ Đông Turkistan, tên gọi của người Duy Ngô Nhĩ cho Khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc, sang các nước láng giềng, bao gồm cả Việt Nam, và đã sử dụng chiến thuật nhằm che giấu nguồn gốc tự nhiên của sản phẩm.

“Việt Nam là một trong những quốc gia bị Trung Quốc lợi dụng để che đậy tội ác của mình”, bà Abbas nhận xét. “Số liệu thống kê của CBP Hoa Kỳ cho thấy Chính phủ Việt Nam, dù cố ý hay vô tình, đã tìm cách lách luật UFLPA, từ đó tự dính líu đến sự đồng lõa với tội ác diệt chủng của Đảng Cộng sản Trung Quốc”.

“Báo cáo này trình bày một diễn biến rất đáng chú ý rằng hàng hóa được sản xuất bằng lao động cưỡng bức ở Tân Cương đang ngày càng được chuyển hướng sang Việt Nam để tái xuất khẩu sang Mỹ”, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nêu nhận định qua email với VOA.

Dữ liệu của CBP 2023. Photo CBP.

Đại diện của HRW đánh giá thêm: “Trong khi các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và chính trị Hoa Kỳ đã nói về việc giảm thiểu rủi ro cho chuỗi cung ứng bằng cách chuyển chúng ra khỏi Trung Quốc, thì rõ ràng điều đó không đơn giản như vậy. Những chuyển hướng này là không thể chấp nhận được và Hoa Kỳ cần sử dụng mối quan hệ song phương mới được nâng cấp với Việt Nam để gây sức ép với các nhà lãnh đạo ở Hà Nội nhằm ngăn chặn những hàng hóa có sử dụng lao động cưỡng bức được vận chuyển từ cảng của họ sang Mỹ”.

Hồi tháng 4/2023, hãng tin Reuters cho hay các quy định ngày càng chặt chẽ của Mỹ trong việc cấm nhập khẩu hàng hoá từ khu vực Tân Cương của Trung Quốc đang gây áp lực nặng nề lên các nhà sản xuất hàng may mặc và giày dép của Việt Nam, với gần 90.000 lao động mất việc làm kể từ tháng 10/2022 trong bối cảnh nhu cầu trên toàn cầu chậm lại.

Theo Đạo luật UFLPA, có hiệu lực từ tháng 6/2022, chính phủ Mỹ yêu cầu các công ty chứng minh rằng họ không sử dụng nguyên liệu thô hoặc linh kiện được sản xuất bằng lao động cưỡng bức ở Tân Cương.

Reuters dẫn lời ông Sheng Lu, Giám đốc Khoa Nghiên cứu Thời trang và May mặc tại Đại học Delaware, Mỹ, nói: “Sự phụ thuộc nặng nề của Việt Nam vào nguyên liệu dệt bông từ Trung Quốc đề ra nguy cơ đáng kể về khả năng sản phẩm chứa bông Tân Cương, vì tỉnh này sản xuất hơn 90% lượng bông của Trung Quốc”.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A ở Hà Nội, người theo dõi các chính sách kinh tế-xã hội ở Việt Nam, nêu nhận định cá nhân của ông với VOA:

“Có một số công ty nhập sợi, vải, nguyên liệu để làm hàng dệt may… có thể người ta không để ý đến những quy định của Mỹ. Khi Mỹ giám sát thực thi luật pháp của họ thì họ phát hiện ra nhiều nước, trong đó có Việt Nam vi phạm đạo luật UFLPA. Đây là một cảnh báo cho tất cả doanh nghiệp Việt Nam có dùng nguyên liệu thô hay bán thành phẩm liên quan đến hay có xuất xứ từ những vùng bị Mỹ cấm”.

Luật sư Vũ Đức Khanh, giáo sư luật bán thời gian tại Đại học Ottawa, nói với VOA rằng từ dữ liệu của hải quan Mỹ có thể cho thấy một điều là doanh nghiệp ở Việt Nam đã mua nguyên liệu thô từ Trung Quốc và sau đó sử dụng lao động giá rẻ ở Việt Nam qua hình thức gia công để sản xuất hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

“Sẽ rất ngạc nhiên nếu Việt Nam không thực hiện điều này”, ông Khanh nói.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A cũng nhận thấy điều này, nhưng nói rằng : “Tôi không nghĩ rằng đây là một âm mưu của Trung Quốc để lách quy định của Mỹ”, vì theo ông vẫn chưa thấy có thống kê đầy đủ trong số hàng bị từ chối có bao nhiêu phần trăm hàng hóa do doanh nghiệp Trung Quốc có chi nhánh ở Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ.

Ông Khanh cho rằng điều cần thiết là các doanh nghiệp dệt may vừa và nhỏ của Việt Nam phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng bông của họ khỏi nguồn cung cấp từ Trung Quốc bằng cách sử dụng nhiều hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ, Úc và Ấn Độ.

🔝

Hơn 30 nghị sĩ Mỹ phản đối việc xét công nhận kinh tế thị trường cho Việt Nam

03/02/2024

VOA Tiếng Việt

Capture à partir de :voatiengviet

 

Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ở Hà Nội

Hai nhóm nghị sĩ Mỹ với hơn 30 người vừa kêu gọi chính quyền Biden không công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam, giữa lúc giới chức Hà Nội cố gắng vận động Washington để sớm chấm dứt cảnh nhiều thập niên nay Việt Nam bị liệt vào hạng kinh tế phi thị trường.

Các yêu cầu của các nghị sĩ được gửi đến Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Gina Raimondo trong bối cảnh bộ này đang xem xét lại quy chế cho Việt Nam, dự kiến sẽ hoàn tất vào cuối tháng 7 tới.

Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, đại diện bang Massachusettes, người đứng đầu một lá thư có chữ ký của 8 thượng nghị sĩ, nêu quan điểm trong một thông cáo hôm 29/1: “Việc cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam mà các tiêu chuẩn lao động chưa được cải thiện, bao gồm cả việc bật đèn xanh cho hàng hóa có sử dụng lao động cưỡng bức ở Trung Quốc, sẽ là một sai lầm nghiêm trọng”.

Các thượng nghị sĩ nhấn mạnh việc sử dụng lao động trẻ em và lao động cưỡng bức ở Việt Nam cũng như mối quan hệ thương mại ngày càng tăng của nước này với Trung Quốc, đồng thời lập luận rằng việc trao quy chế nền kinh tế thị trường sẽ làm trầm trọng thêm những sự méo mó thương mại đang diễn ra và đe dọa người lao động và các ngành công nghiệp Mỹ, theo bức thư đề ngày 28/1.

Bà Warren nói thêm: “Bộ trưởng Raimondo nên lắng nghe mối quan ngại của người lao động Mỹ, không gây nguy hiểm cho an ninh việc làm của họ bằng chính sách thương mại tồi tệ”.

Tương tự, 25 dân biểu cũng gửi thư chung đến Bộ trưởng Raimondo, lập luận rằng Việt Nam không đáp ứng các yêu cầu về thủ tục để thay đổi tình trạng.

“Chính phủ của chúng ta đã hoàn thành nghiên cứu sâu rộng để xác định rõ vai trò của Việt Nam như là một kênh chuyển tiếp hàng hóa Trung Quốc được buôn bán không công bằng nhằm tránh né luật thương mại đã có từ lâu. Chúng tôi phải đảm bảo luật thương mại của chúng ta không bị xâm phạm”, một thông cáo dẫn lại lời của Dân biểu Rose DeLauro, đại diện bang Connecticut.

 

Thư của 25 dân biểu gửi Bộ Thương mại yêu cầu không cấp quy chế kinh tế cho Việt Nam.

Các nghị sĩ cảnh báo một “quyết định vội vàng … sẽ làm suy yếu việc thực thi luật thương mại và an ninh quốc gia của Hoa Kỳ, chỉ càng khuếch trương và tạo lợi thế cho Đảng cộng sản Trung Quốc và Đảng cộng sản Việt Nam mà thôi”, và làm tổn thương các ngành công nghiệp Mỹ cũng như người lao động của họ”.

Các nghị sĩ cũng nhắc lại việc Bộ Tài chính Mỹ gửi tờ trình tới Quốc hội lưu ý rằng chưa có đối tác thương mại lớn nào thao túng tiền tệ của Mỹ, nhưng đã đưa Việt Nam trở lại “danh sách giám sát” về chính sách ngoại hối. Bộ Thương mại Mỹ công bố vào tháng 10/2023 rằng họ sẽ xem xét tình trạng nền kinh tế phi thị trường của Việt Nam, quá trình sẽ hoàn tất trong 270 ngày.

Các dân biểu lập luận rằng có bằng chứng rõ ràng cho thấy Việt Nam vẫn là một quốc gia chuyên chế với sự kiểm soát của nhà nước đối với các khía cạnh quan trọng của nền kinh tế. “Bộ Thương mại phải bảo vệ tính hiệu quả của luật thương mại quốc gia bằng cách duy trì tình trạng nền kinh tế phi thị trường của Việt Nam”, bức thư viết.

VOA đã liên lạc Bộ Thương mại Mỹ và Bộ Ngoại giao Việt Nam, đề nghị họ cho ý kiến về hai bức thư của các nghị sĩ Mỹ, nhưng chưa được phản hồi.

Gần đây, các lãnh đạo Việt Nam thường xuyên vận động giới chức Mỹ công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam.

Vào tháng giữa 11/2023, khi phát biểu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở San Francisco, Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng kêu gọi Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế trường. Ông Thưởng nói rằng việc này cần được thực hiện “bằng quyết sách chính trị” chứ “không nên theo quy định một cách cứng nhắc”.

Trước đó, vào tháng 9/2023, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đưa ra đề nghị tương tự trong cuộc gặp với Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Rainmondo và Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai tại thủ đô Washington của Mỹ.

Phản hồi yêu cầu bình luận của VOA vào tháng 11/2023, Bộ Thương mại Mỹ cho biết họ “sẽ xem xét tình trạng của Việt Nam một cách nhanh chóng nhất có thể, phù hợp với luật pháp Hoa Kỳ”.

Sáu tiêu chí

Trong hai bức thư, các nghị sĩ Mỹ liệt kê 6 tiêu chí dưới đây và cho rằng Việt Nam chưa đáp ứng được bất kỳ tiêu chí nào trong nhóm này.

Tiêu chí số 1: Mức độ chuyển đổi của đồng tiền quốc gia sang đồng tiền nước khác. Hệ thống ngân hàng Việt Nam tiếp tục hoạt động dưới sự giám sát của Chính phủ và không hoạt động độc lập. Trong khi đó, Việt Nam vẫn nằm trong danh sách giám sát của Bộ Tài chính về thao túng tiền tệ.

Tiêu chí số 2: Mức độ mà mức lương ở nước ngoài được xác định thông qua thương lượng tự do giữa người lao động và cấp quản lý. Vào năm 2022, Bộ Ngoại giao Mỹ nhận thấy Việt Nam áp dụng “những hạn chế đáng kể đối với quyền tự do lập hội của người lao động” và lưu ý việc nước này “sử dụng lao động trẻ em bị ép buộc”.

Tiêu chí số 3: Mức độ mà các công ty nước ngoài được phép liên doanh hoặc đầu tư. Nền kinh tế Việt Nam chịu sự kiểm soát của nhà nước, gây khó khăn cho các nhà đầu tư nước ngoài khi kinh doanh tại đây.

Tiêu chí số 4: Mức độ sở hữu hoặc kiểm soát của chính phủ đối với tư liệu sản xuất. Việt Nam vẫn là một nước cộng sản với nền kinh tế tập trung, nhà nước. Mặc dù đã có một số cải cách trong những năm gần đây nhưng vẫn chưa đủ để đáp ứng các tiêu chí để trở thành một nền kinh tế thị trường, vì các doanh nghiệp nhà nước “đóng vai trò thiết yếu trong sự phát triển kinh tế của Việt Nam”.

Tiêu chí số 5: Mức độ kiểm soát của chính phủ đối với việc phân bổ nguồn lực cũng như các quyết định về giá cả và sản lượng của doanh nghiệp. Chính phủ Việt Nam tiếp tục thúc đẩy các doanh nghiệp nhà nước của mình hơn các đơn vị khác, và điều đó bao gồm việc sử dụng các biện pháp kiểm soát giá, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp chủ chốt như “xăng dầu, thép, bê tông, vận tải, thức ăn chăn nuôi, thực phẩm và thiết bị y tế”.

Tiêu chí số 6: Các yếu tố khác, chẳng hạn như việc Trung Quốc sử dụng Việt Nam để tránh các nỗ lực siết các biện pháp thương mại và thuế nhập khẩu của Hoa Kỳ: Lĩnh vực sản xuất của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào đầu vào từ Trung Quốc, khiến Việt Nam dễ gặp rủi ro về vấn đề lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng. Việt Nam hiện đang bị áp đặt 25 lệnh chống bán phá giá và 4 vụ điều tra nữa đang chờ xử lý.

Nhận định

Từ Tp. Hồ Chí Minh, chuyên gia kinh tế Mỹ gốc Việt Bùi Kiến Thành nêu nhận định của ông về yêu cầu của hai nhóm nghị sĩ Mỹ:

“Sáu điều khoản của các nghị sĩ nêu ra rất rõ ràng. Việt Nam phải cố gắng làm sao đáp ứng đầy đủ do pháp luật Mỹ quy định để được công nhận, chứ đi xin họ [công nhận] làm gì. Nếu mình chưa đủ điều kiện thì đừng đi xin xỏ”.

“Tôi thấy 6 điều kiện họ đưa ra là hợp lý. Nếu mình chưa hội đủ điều kiện thì mình đừng nên nói rằng là kinh tế thị trường. Các nhà quản lý của Việt Nam nên xem xét rõ những điều kiện mà các nghị sĩ Mỹ đưa ra để tự xét mình...nếu hội đủ các điều kiện đó thì họ công nhận mình thôi”.

Việt Nam bị Mỹ định danh là một nền kinh tế phi thị trường (NME) kể từ vụ điều tra chống bán phá giá đầu tiên đối với quốc gia Đông Nam Á vào năm 2002, khiến hàng hóa của Việt Nam bị Mỹ áp đặt các biện pháp phòng vệ thương mại khi bán sang Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Ông Marc Knapper, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, hôm 2/2 cho hay tại một cuộc hội thảo do Đại sứ quán Mỹ tổ chức rằng Bộ Thương mại Mỹ đang tiếp tục quá trình xem xét quy chế kinh tế phi thị trường của Việt Nam và quy trình này bắt đầu vào tháng 10 năm ngoái, bao gồm việc lấy ý kiến đóng góp công khai.

“Chúng tôi, chính phủ Mỹ, cam kết thực hiện một quy trình công bằng và minh bạch, phù hợp với các quy tắc quốc tế”, ông nhấn mạnh, đồng thời cho biết rằng Mỹ mong muốn tiếp tục hợp tác với Việt Nam, làm sâu sắc và tăng cường hơn nữa mối quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước.

🔝

Nam Australia dừng nhận học sinh ba tỉnh của Việt Nam

06/02/2024

VOA Tiếng Việt

Một du học sinh châu Á tại Úc. [Ảnh minh họa]

Sở Giáo dục Nam Australia tạm dừng nhận đơn đăng ký của học sinh ở Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình vào các trường phổ thông công lập (lớp 1-12) sau khi một số học sinh bị mất liên lạc.

VnExpress hôm 5/2 dẫn lời Sở Giáo dục khu vực này cho biết rằng họ đưa ra quyết định trên sau khi xem xét quê quán của một số ít học sinh “rời nhà trọ mà không được phép”.

Báo điện tử này dẫn lời người phát ngôn Sở Giáo dục Nam Australia nói rằng “quyết định này phù hợp với đạo luật về Dịch vụ giáo dục dành cho du học sinh, nhằm duy trì tính toàn vẹn của hệ thống thị thực Australia”.

Người phát ngôn này được dẫn lời cho biết tiếp rằng các đơn đăng ký khác từ Việt Nam vẫn được xem xét bình thường.

Quyết định này được đưa ra khoảng một tháng sau khi bốn du học sinh Việt Nam được coi là mất liên lạc ở Nam Australia.

Cảnh sát vùng Nam Australia cuối tháng trước nói rằng một số em “có thể đã đi du lịch xuyên bang và vẫn ở đó”.

Một người phát ngôn của cảnh sát Nam Australia được tờ Daily Mail dẫn lời nói rằng các cuộc điều tra không cho thấy các du học sinh này “đang gặp nguy hiểm” và “dường như đang chủ động trốn tránh cảnh sát”.

Theo tờ báo này, cảnh sát Nam Australia cho biết họ đã liên lạc được với gia đình các du học sinh ở Việt Nam, và những người thân này “không chia sẻ bất kỳ mối lo ngại nào” về hiện trạng của các du học sinh này.

VnExpress đưa tin, tính đến tháng 10/2023, hơn 31.600 du học sinh Việt ở Australia, xếp thứ 6 về số sinh viên quốc tế, và số này bao gồm sinh viên hệ phổ thông, đại học, cao đẳng, các chương trình học nghề hay tiếng Anh.

Theo báo điện tử này, Sở Giáo dục Nam Australia cho hay, bang này triển khai chương trình giáo dục quốc tế từ năm 1989. Du học sinh Việt Nam là một trong những nhóm đông nhất.

🔝