Hội nhập được thì cần gì Thoát Trung !
Quan hệ Việt-Nga ảnh hưởng ra sao sau vụ thắng kiện của Tập đoàn Nga với PVN?
Power Machines thắng kiện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam 500 triệu USD, tiếp theo là gì?
Tòa án Anh yêu cầu VietJet không can thiệp việc thu hồi máy bay mà hãng thuê nhưng nợ tiền
Cá Voi Xanh: Tìm hiểu ‘khó khăn’ của ExxonMobil và PetroVietnam
2024.02.15
Dự án Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 ở Sóc Trăng. Courtesy of baodautu.vn
Tập đoàn Power Machines của Nga đã thắng kiện Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) từ tháng 11 năm ngoái và theo nguồn tin giấu tên trong bài đăng trên Nhật báo RBC (Nga), phía Power Machines đang “đòi” khoản tiền bồi thường khoảng 500 triệu USD. Việc này ảnh hưởng thế nào đến quan hệ Việt - Nga?
Nhận định về vụ kiện này, thạc sỹ Hoàng Việt, chuyên gia nghiên cứu quốc tế, cho rằng những tập đoàn làm việc với nhau thì phải có đụng chạm. Khi lợi ích bị xung đột thì phải sử dụng biện pháp ra tòa án quốc tế. Theo ông, vụ kiện này cũng không phải là gì “quá ghê gớm”:
“Đây chỉ là một dự án nhỏ, nó không thể ảnh hưởng đến tổng thể mối quan hệ của hai bên được. Quan hệ của hai bên phải bao gồm chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế chứ không phụ thuộc vào chuyện này.”
Cũng theo ông Hoàng Việt, 500 triệu USD không phải là tiền bồi thường mà là số tiền phía tập đoàn Power Machines đã bỏ tiền thi công 70% khối lượng công việc. Nay, dự án không thể tiếp tục thì phía tập đoàn Nga kiện đòi lại số tiền này.
Giáo sư Carl Thayer, nhà nghiên cứu chính trị Việt Nam, từ nước Úc nói rằng theo các phương tiện truyền thông, dù ban đầu, phía Việt Nam phớt lờ các cuộc đàm phán ở cấp chính phủ giữa hai nước, tuy nhiên, tranh chấp giữa Power Machines với PVN cũng sẽ không có tác động tiêu cực quá lớn đến quan hệ Nga-Việt, bởi vì:
“Toàn bộ lực lượng quân sự của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào Nga và di sản huấn luyện quân sự, bán vũ khí và hỗ trợ kỹ thuật từ Nga. Việt Nam không có lợi nếu thực hiện các bước gây tổn hại hoặc làm suy yếu quan hệ song phương.
Tuy nhiên, “mối quan hệ hợp tác không giới hạn” của Nga với Trung Quốc đặt ra những thách thức mới cho Việt Nam. Việt Nam sẽ phải cố gắng giữ quan hệ với Nga đồng thời tìm cách hợp tác với các đối tác chiến lược toàn diện khác là Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản.”
Theo tin từ báo Nhà nước, Tập đoàn Power Machines của Nga và Petro Việt Nam (PVN) dính đến vụ kiện qua hợp đồng Kỹ thuật, mua sắm và xây dựng (EPC) vào năm 2014, nhằm xây dựng nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 tại tỉnh Sóc Trăng.
Năm 2018, Hoa Kỳ áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Power Machines ngăn cản việc xuất khẩu tua-bin General Electric và các thiết bị khác từ Mỹ. Các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đã khiến Power Machines gặp khó khăn trong việc thực hiện hợp đồng EPC.
Vào tháng 2/2019, sau khi thực hiện được khoảng hơn 70% dự án thì Power Machines đình chỉ hợp đồng EPC với “lý do bất khả kháng”. Điều này đã bị PVN bác bỏ.
Tranh chấp sau đó được đưa ra tại Ủy ban liên Chính phủ Việt-Nga về hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học-công nghệ. Tháng 9/2019, Power Machines khởi kiện Petro Việt Nam tại Trung tâm Trọng tài quốc tế (IAC) ở Singapore. IAC đã đưa ra quyết định cuối cùng có lợi cho Power Machines vào tháng 11 năm 2023. Hiện tại, chi tiết của quyết định này vẫn được giữ bí mật.
Theo giáo sư Carl Thayer, sắp tới, chính phủ Nga có thể sẽ nêu vụ việc Power Machines với Chính phủ Việt Nam một cách riêng tư. Quyết định của IAC được đưa ra bởi một tòa án quốc tế có uy tín, và vì vậy, nhiều khả năng Việt Nam sẽ đàm phán gói bồi thường cho Power Machines như đã từng làm với Rosneft vào năm 2020.
Công ty Rosneft có phần lớn vốn của chính phủ Nga, nắm quyền sở hữu hai lô dầu khí 06.1 và 05.3/11, ở mỏ Lan Đỏ ngoài khơi Việt Nam và Rosneft dự kiến dùng các dàn khoan của tập đoàn Anh Noble Corporation để khoan các giếng này. Nhưng theo truyền thông Nga, vào giữa tháng 7/2020, PetroVietnam huỷ bỏ hợp đồng dàn khoan vì sức ép của Trung Quốc.
Nói về số phận của nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 trong tương lai, thạc sỹ Hoàng Việt cho rằng Việt Nam sẽ tiếp tục tìm kiếm một nhà thầu khác để hoàn thành dự án. Ông dự đoán đó có thể là nhà một tập đoàn từ Mỹ hoặc Châu Âu và chắc chắn không phải là Trung Quốc:
“Trung Quốc thì Việt Nam không bao giờ chọn cả, không được chọn. Bởi vì thứ nhất là người dân phản đối; thứ hai là Việt Nam không tin tưởng Trung Quốc trong các dự án ở trên Biển Đông vì Việt Nam và Trung Quốc có những lợi ích xung đột ở biển Đông.”
Theo ông Hoàng Việt, dự án này, nếu muốn tiếp tục phải chờ đến khi vụ kiện tụng tranh chấp được giải quyết một cách rốt ráo:
“Dự án này từ đời Bộ trưởng Công thương trước là ông Trần Tuấn Anh để lại. Ông Nguyễn Hồng Diên, bây giờ là Bộ trưởng Công thương, có lẽ là ông muốn là phải giải quyết dứt điểm thì ông ấy mới dám nhảy ra, chứ bây giờ mà nhảy ra giữa chừng thì có khi trách nhiệm lại thuộc về ông ấy.”
Giáo sư Carl Thayer cho rằng Việt Nam cần rút ra bài học để tránh các vụ kiện tương tự trong tương lai. Theo ông, yếu tố chính của tranh chấp giữa Power Machines và PVN nảy sinh khi các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ loại bỏ các ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT (Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu), nhằm ngăn chặn việc giải quyết tài chính giữa Power Machines và PVN. Do đó, GS. Carl Thayer nói tiếp:
“Việt Nam cần phát triển các cơ chế thay thế để chi tiền vào các thỏa thuận thương mại trong tương lai với các tập đoàn Nga. Điều này có thể bao gồm các ngân hàng trung gian ở Trung Quốc và các nước thứ ba khác và/hoặc trao đổi hàng hóa.”
Qua vụ tranh chấp này, thạc sỹ Hoàng Việt cho rằng Việt Nam cần phải nắm vững luật quốc tế và phải tuân thủ luật quốc tế:
“Không thể bất chấp ý chí của mình được. Trong trường hợp này, điều đó là “bất khả kháng” mà tại sao lãnh đạo Petro Việt Nam, có bao nhiêu cơ quan tư vấn, đều không cho rằng đó là bất khả kháng và cuối cùng nhất định không trả tiền cho người ta, đến mức phải ra tòa và cuối cùng cũng phải trả, có thoát được đâu.”
14 tháng 2 2024
Cờ của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (phải) bên cạnh quốc kỳ Việt Nam (ở giữa) và cờ Đảng Cộng sản Việt Nam trước trụ sở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tại Hà Nội ngày 11/1/2016. REUTERS/ẢNH TƯ LIỆU
Nhà sản xuất thiết bị điện của Nga Power Machines, thuộc sở hữu của tỷ phú Alexey Mordashov, đã thắng kiện công ty dầu khí PetroVietnam (PVN), theo lời người phát ngôn của ông Mordashov vào ngày 12/2.
Tờ RBC của Nga dẫn một nguồn tin giấu tên tiết lộ rằng khoản tiền thắng kiện 500 triệu USD cho Power Machines đang được bàn bạc và họ "hài lòng" với phán quyết của tòa Singapore.
Vụ kiện của Power Machines đánh dấu chiến thắng đầu tiên của một công ty Nga chịu lệnh trừng phạt của Mỹ do dính líu đến xung đột ở Ukraine tính từ năm 2022, theo RBC.
Ngoài việc đệ đơn lên Trung tâm Tài chính quốc tế Singapore (SIAC) thì Power Machines cũng kiện PVN và đại diện của họ tại Nga lên tòa án Moscow vào ngày 2/2/2024, phần nào cho thấy quyết tâm của công ty Nga trong vụ việc này.
Bình luận với BBC News Tiếng Việt với điều kiện ẩn danh, một luật sư chuyên mảng kiện tụng quốc tế ở Sài Gòn nói rằng phán quyết trọng tài Singapore là chung thẩm nên phía PVN không thể nào kháng cáo.
BBC News Tiếng Việt đã liên hệ với Power Machines và PVN bình luận về kết quả vụ kiện nhưng chưa nhận được phản hồi.
Về khoản 500 triệu USD mà PVN phải thanh toán cho Power Machines, luật sư ẩn danh nói với BBC rằng, sau phán quyết của tòa, phía Power Machines sẽ thu thập thông tin tài sản của PVN ở nước ngoài, đồng thời yêu cầu PVN tự nguyện thanh toán.
"Nếu PVN từ chối thì Power Machines sẽ đề nghị tòa án các nước có tài sản của PVN công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài SIAC đó để kê biên tài sản có liên quan để bán trả nợ."
Luật sư này cũng phân tích thêm rằng đây là vụ kiện giữa hai doanh nghiệp nên "nhà nước không có trách nhiệm gì".
"Tài sản của PVN và công ty con có liên quan sẽ là đối tượng bảo đảm thi hành phán quyết trọng tài, chứ không ảnh hưởng gì đến ngân sách nhà nước," luật sư nêu ý kiến.
Power Machines đã có lịch sử làm ăn với Việt Nam từ hơn 50 năm. Công ty này từng cung cấp ba máy phát điện cho Nhà máy Thủy điện Thác Bà, cũng như từng là nhà cung cấp thiết bị cho các nhà máy nhiệt điện Uông Bí, Phả Lại và các nhà máy thủy điện Trị An, Hòa Bình, Ialy, Cần Đơn...
Luật sư ẩn danh nhận định rằng những vụ kiện như giữa Power Machines và PVN là điều bình thường, vì theo ông, trên thế giới vẫn có nhiều vụ kiện như vậy.
"Giao thương quốc tế sâu rộng thì tranh tụng là chuyện thường tình, không phải là chuyện quốc gia đại sự gì," luật sư này nói.
Tuy nhiên, một luồng dư luận lo ngại rằng những vụ kiện tụng này sẽ ảnh hưởng đến uy tín các tập đoàn thuộc vốn nhà nước như PVN cũng như gây tác động tiêu cực đến ngoại giao Việt - Nga vì dự án nằm trong chương trình hợp tác kinh tế - thương mại, khoa học - kỹ thuật giữa hai nước.
Chưa rõ lý do vì sao tới nay báo chí trong nước vẫn kín tiếng về vụ Power Machines thắng kiện PVN.
Vào năm 2019, trên website của Tạp chí Năng lượng Việt Nam, nhà báo Nguyễn Lê Minh có bài viết trong đó nêu rằng nếu PVN thua kiện sẽ làm mất uy tín của tập đoàn này và ảnh hưởng hợp tác đối với các mỏ dầu khí ở ngoài khơi.
"Ở tầm mức cao hơn, cần tránh khiếu kiện lần này ảnh hưởng đến hợp tác liên chính phủ về các chủ đề kinh tế, nghiên cứu khoa học hạt nhân và an ninh quốc phòng," ông Minh viết.
Tỷ phú Nga Alexey Mordashov phát biểu trong một phiên họp của Diễn đàn Kinh tế Quốc tế (SPIEF) tại Saint Petersburg, Nga ngày 16 tháng 6 năm 2022. REUTERS/MAXIM SHEMETOV/ẢNH TƯ LIỆU
Theo thông tin từ Bộ Công thương, từ năm 2010, Dự án Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 gồm 2 tổ máy với tổng công suất 1.200 MW được Chính phủ Việt Nam giao cho PVN làm chủ đầu tư.
Dự án được Bộ Công Thương phê duyệt ngày 12/7/2010 với quy mô công suất khoảng 4.400MW (lớn gấp hơn hai lần công suất của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình).
Ngày 28/12/2010, chính phủ đồng ý để PVN tiến hành thủ tục chỉ định tổng thầu EPC cho dự án. Ngay trong ngày, PVN đã ký với Tổng công ty Cổ phần dịch vụ kỹ thuật dầu khí (PTSC) hợp đồng gói thầu EPC lên đến 1,2 tỷ USD.
Đến tháng 3/2013, do nhận thấy năng lực nhà thầu không đáp ứng yêu cầu, kéo theo việc chậm trễ tiến độ nên PVN kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thay đổi tổng thầu EPC.
Đến ngày 30/12/2014, PVN đã ký kết với Liên danh nhà thầu Power Machines và PTSC làm Tổng thầu EPC.
Tuy nhiên, dự án mới được thực hiện khoảng 77-78% thì Power Machines chịu lệnh cấm vận từ Mỹ, không tiếp tục thực hiện hợp đồng tổng thầu.
Đến tháng 01/2019, nhà thầu Power Machines đã có văn bản chính thức thông báo về việc chấm dứt thực hiện hợp đồng do bất khả kháng.
Ngày 23/8/2019, sau khi có hàng chục cuộc trao đổi và đàm phán không thành công thì Công ty Power Machines đã thông qua luật sư đại diện của mình gửi đơn kiện PVN đến Trung tâm Tài chính quốc tế Singapore (SIAC).
Các khiếu kiện chính của Power Machines bao gồm: Power Machines coi lệnh cấm vận của Mỹ là sự kiện bất khả kháng; Power Machines khiếu nại PVN không thực hiện thanh toán cho Power Machines; Power Machines cho rằng PVN không có cơ sở khi rút Bảo đảm thực hiện hợp đồng của Power Machines.
Vào tháng 9/2019, PVN cho biết đã trả lời SIAC, phủ định toàn bộ các khiếu kiện của Power Machines. Đặc biệt, PVN không cho rằng lệnh cấm vận của Mỹ là sự kiện bất khả kháng.
Dự án trên vốn được dự kiến phát điện vào năm 2015 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Theo PVN, nguyên nhân chính dẫn đến việc chậm tiến độ xuất phát từ năng lực tổng thầu EPC, tức liên danh Power Machines và PTSC. Trong đó, PTSC thiếu kinh nghiệm điều hành còn Power Machines bị Mỹ cấm vận.
Dự án Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1. PVN.VN
Dự án có tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 29.500 tỉ đồng, sau chín năm, dự án tăng lên mức 41.200 tỉ (tức đội vốn 11.700 tỉ đồng).
Theo PVN, nếu tính cả chi phí phát sinh kết cấu thép của dự án, nhiệt điện Long Phú 1 sẽ đội vốn lên tới 15.400 tỉ, trong đó chi phí xây dựng dự án tăng 4.087 tỉ đồng do bổ sung dự toán chi phí một số hạng mục công trình, điều chỉnh tỉ giá USD, đơn giá vật liệu, nhân công, ca máy thi công.
Ngày 8/11/2023, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội liên quan đến dự án Long Phú 1, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu rằng sau khi có phán quyết của SIAC thì PVN mới có thể đưa ra phương án chính thức tiếp tục triển khai đối với dự án.
"Chính phủ, Bộ Công Thương đã và sẽ chỉ đạo PVN - với vai trò là chủ đầu tư dự án Long Phú 1 - có phương án thực hiện đối với dự án này với mục tiêu giảm thiểu thiệt hại, đưa dự án vào vận hành một cách sớm nhất, trong trường hợp có vấn đề vượt thẩm quyền, PVN có trách nhiệm báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định," ông Diên nói trước Quốc hội Việt Nam.
Người phát ngôn của tỷ phú Mordashov thì thông tin rằng Power Machines đã thắng kiện tại Trung tâm Tài chính quốc tế Singapore (SIAC) từ tháng 11 năm ngoái. Như vậy, có khả năng chỉ vài ngày, vài tuần sau phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, vụ kiện đã có kết quả.
Nhưng từ đó đến nay, Bộ Công thương vẫn chưa thông tin gì thêm cho công chúng về kế hoạch cho nhà máy điện Long Bình 1 còn dang dở này.
18 tháng 2 2024
REUTERS
Một tòa án ở Anh đã ra lệnh cho hãng hàng không VietJet Air của Việt Nam không can thiệp vào việc thu hồi và đưa ra khỏi Việt Nam các máy bay phản lực mà hãng này thuê nhưng nợ tiền, theo Reuters.
Đây là diễn biến mới nhất trong một cuộc tranh chấp đang khiến thị trường hàng không đang phát triển nhanh nhất thế giới này trở thành tâm điểm chú ý.
Công ty FW Aviation đã thu hồi bốn máy bay Airbus A321 mà hãng VietJet thuê. Hành động này diễn ra sau khi FW Aviation cáo buộc hãng hàng không này nợ tiền thuê từ năm 2021, tức là vi phạm hợp đồng thuê máy bay.
Tuy nhiên, trong phiên điều trần trực tuyến hôm thứ Sáu, bên cho thuê (thuộc sở hữu của FitzWalter Capital có trụ sở tại London) đã cáo buộc VietJet âm thầm cố gắng cản trở quá trình này bằng cách can thiệp vào việc đưa một trong những máy bay chở khách này ra khỏi Việt Nam, nơi cả bốn máy bay đều đang bị cấm bay.
Cuộc tranh chấp đang diễn ra tại các tòa án ở London, Singapore và Hà Nội và được coi là một bài kiểm tra cho quyền lợi của bên cho thuê máy bay tại Việt Nam, quốc gia đã đặt hàng hàng trăm máy bay Airbus và Boeing, đồng thời cũng ảnh hưởng đến quy định quốc tế nói chung về cho thuê tài sản.
"Chúng tôi có quyền sở hữu và kiểm soát chiếc máy bay này và điều đó bao gồm khả năng đưa chúng ra khỏi Việt Nam," luật sư của FWA, Akhil Shah, nói với Tòa án Tối cao London.
Luật sư của VietJet, Alexander Milner, phủ nhận rằng hãng hàng không đang cố gắng thực hiện các biện pháp để ngăn chặn việc đưa chiếc máy bay ra khỏi Việt Nam, đồng thời đưa ra những lập luận pháp lý chi tiết để chứng minh tại sao VietJet không thể chịu trách nhiệm tại tòa án Vương quốc Anh đối với vấn đề giữa FWA và cơ quan hải quan của Việt Nam.
Hoạt động cho thuê chiếm khoảng một nửa đội bay trên thế giới và khả năng bên cho thuê di chuyển máy bay từ nơi này sang nơi khác trong trường hợp vỡ nợ là một thành phần quan trọng của Công ước Cape Town năm 2001, nhằm củng cố ngành cho thuê máy bay.
Các hãng hàng không ở các quốc gia thành viên bị coi là vi phạm quy định có thể phải đối mặt với việc phải trả lãi suất cao hơn khi thuê máy bay trong tương lai
FWA khẳng định VietJet đã bí mật liên lạc với chính quyền Việt Nam và đã lấy được những bức ảnh không giải thích được về các bức thư giữa bên cho thuê và cơ quan hải quan Việt Nam.
Luật sư Milner nói rằng các nguyên đơn đã quá vội vã để diễn dịch các hành động vô hại là nỗ lực can thiệp. VietJet chưa đưa ra bình luận ngay lập tức về vấn đề này.
Việt Nam là chiến trường mới nhất về quyền của bên cho thuê sau tranh chấp ở Ấn Độ và Nga.
Nhóm Công tác Hàng không, một tổ chức có trụ sở tại Anh chuyên giám sát luật tài chính thay mặt cho các nhà sản xuất máy bay và bên cho thuê, năm ngoái đã đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi về việc tuân thủ Hiệp ước Cape Town và tái khẳng định động thái này vào tháng 10.
Ấn Độ cũng đang bị theo dõi trong bối cảnh tranh chấp giữa hãng hàng không Go First và các bên cho thuê.
12 tháng 9 2019
PVN.VN. Lễ ký kết thỏa thuận khung hợp đồng bán khí mỏ Cá Voi Xanh năm 2017
BBC được nghe một số bằng chứng mới dường như cho thấy sức ép Trung Quốc không phải là yếu tố đằng sau tin đồn ExxonMobil muốn rút khỏi dự án dầu khí tại miền Trung Việt Nam.
Cá Voi Xanh: Hai cách Trung Quốc gây sức ép
'ExxonMobil muốn gây sức ép lên chính phủ VN'
Những ngày qua, dư luận Việt Nam quan tâm tin đồn liệu có phải tập đoàn Mỹ muốn, hay đã thông báo cho Việt Nam ý định, rút khỏi dự án khí Cá Voi Xanh.
Mới nhất, các nguồn tin từ Việt Nam cho BBC hay có một văn bản của tập đoàn ExxonMobil, ký ngày 28/8, được PetroVietnam nhận vào ngày 6/9.
Ngày 12/9, PetroVietnam ra thông cáo ngắn nói: "Các dự án Dầu khí ở miền Trung Việt Nam (bao gồm các dự án trên biển và trên bờ) được Tổ hợp nhà thầu (ExxonMobil, PVN và PVEP) triển khai theo kế hoạch."
"Tập đoàn Dầu khí Việt Nam không có ý kiến bình luận đối với thông tin không chính thức xung quanh các Dự án này."
Quanh tin đồn này, nhà báo BBC cũng là chuyên gia về Biển Đông, Bill Hayton, nhận định trên trang Twitter cá nhân, nói ông cho rằng nếu tin đồn có thật, có lẽ đó là quyết định mang tính chất thương mại từ trụ sở hay văn phòng khu vực của Exxon, chứ không phải do sức ép chính trị từ Bắc Kinh.
Ông Bill Hayton chỉ ra rằng mỏ khí Cá Voi Xanh nằm ngoài cái gọi là 'đường chữ U', tức hải vực Biển Đông Trung Quốc vẽ ra để đơn phương tuyên bố chủ quyền.
Thêm nữa, nhà báo người Anh cho hay suốt nhiều năm qua, ExxonMobil đã thương thuyết với Việt Nam về giá bán khí từ mỏ Cá Voi Xanh nhưng vẫn chưa đạt thỏa thuận.
Vào năm 2017, PetroVietnam và ExxonMobil Việt Nam đã ký thuận khung Hợp đồng Bán khí Cá Voi Xanh.
Theo đó, trong giai đoạn đầu, sản lượng khai thác của Dự án sẽ đủ cung cấp khí cho bốn nhà máy điện với tổng công suất 3.000 MW (02 Nhà máy đặt tại khu kinh tế Chu Lai, tỉnh Quảng Nam và 02 Nhà máy đặt tại khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi).
Sản lượng khai thác trong giai đoạn mở rộng sẽ cung cấp khí cho hóa dầu, hoặc nhà máy điện thứ 5 với công suất khoảng 750 MW như trong Tổng Quy hoạch Điện 7 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tổng đầu tư chuỗi dự án khoảng 10 tỷ USD và sẽ đóng góp vào ngân sách Nhà nước gần 20 tỷ USD, theo thông báo năm 2017.
Theo quy hoạch thông qua cuối năm 2018, Việt Nam xác nhận khu kinh tế mở Chu Lai sẽ đầu tư xây dựng hai dự án nhà máy điện tuabin khí Miền Trung I và Miền Trung II công suất 750 MW, sử dụng lô khí Cá Voi Xanh.
Hai nhà máy điện tuabin khí này do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư, với số vốn dự kiến lên tới hơn 38,5 nghìn tỷ đồng (30% vốn chủ sở hữu và 70% vốn vay).
Dự án nằm tại khu vực phía Đông Nam khu kinh tế Chu Lai, Quảng Nam.
Dự án dự kiến vận hành vào năm 2023 với nhà máy miền Trung I và 2024 với nhà máy Miền Trung II.
Như tin trên báo chính thống đầu năm 2019 cho hay, PetroVietnam đề nghị chính phủ chấp thuận cơ chế về giá điện nhằm bao tiêu hết sản lượng khí cam kết với nhà thầu Exxon Mobil.
Theo đó, giá bán điện của dự án được tính toán đầy đủ để đảm bảo hiệu quả đầu tư; giá điện của nhà máy được tính toán trong phương án giá bán điện hàng năm của EVN.
PetroVietnam kiến nghị cho phép nhà máy điện được phép không tham gia thị trường điện để đảm bảo tiêu thụ hết khí từ dự án Cá Voi Xanh.
Bản tin của VietNamNet tháng 3/2019 tiết lộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng đó là mức giá khá cao so với giá bán điện bình quân hiện nay.
Bộ Tài chính thì đề nghị PetroVietnam phân tích, đánh giá về tính cạnh tranh giá điện của dự án với các dự án điện khí khác.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam lại đề nghị PetroVietnam tính toán lại giá mua khí Cá Voi Xanh cho năm 2023 với độ trượt giá khí có xem xét đến Chỉ số giá tiêu dùng thực tế của Mỹ các năm 2016, 2017 và 2018.
Bản tin của VietNamNet khi đó cho hay Tập đoàn Điện lực đề nghị phân tích và xem xét lại phương án tài chính được kiến nghị vì phương án này sẽ có nguy cơ gặp nhiều khó khăn, kéo dài các quá trình thương thảo, gây ảnh hưởng đến tiến độ của dự án và chuỗi dự án khi điện Cá Voi Xanh.
Ngày 9/9, trong lúc tin đồn về ExxonMobil lan ra, phó bí thư Đảng ủy PetroVietnam Nguyễn Xuân Cảnh cho biết một số dự án dầu khí như Cá Voi Xanh vì vướng cơ chế mà chậm trễ, từ đó hiệu quả dự án không còn như trước.
Dự án dầu khí Cá Voi Xanh được ông Nguyễn Xuân Cảnh nhắc đến tại hội nghị Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương ngày 9/9.
"Các dự án như Cá Voi Xanh, Lô B như nồi cơm của PVN, nồi cơm của tăng trưởng GDP và thu ngân sách. Nhưng vướng cơ chế nọ, cơ chế kia nên bị chậm trễ hết rồi", ông Cảnh nói.
Một viên chức từ PetroVietNam giải thích với BBC về dự án Cá Voi Xanh: "Sản lượng khí từ mỏ khí Cá Voi Xanh được xác định tiêu thụ hết tại khu vực gần nguồn khí do không có đường ống kết nối đi xa hơn, ra Bắc vào Nam."
"Nếu thị trường tại chỗ dư thừa, sản lượng khí có thể sẽ vận chuyển đi các khu lân cận theo hình thức CNG và LNG."
"Các bên xác định nhu cầu tiêu thụ của mỏ này dựa trên sự phát triển một thị trường khí mới tại các tỉnh miền Trung, chủ yếu ở Quảng Nam và Quảng Ngãi."
Viên chức này cho biết trách nhiệm của ExxonMobil là khai thác, đưa khí vào bờ, trong khi PetroVietnam cần làm nhà máy điện khí, tìm nguồn tài chính, đàm phán giá điện với EVN.
"Để PetroVietnam làm được các việc này, quyền quyết định cao nhất là từ phía chính phủ," người này giải thích.
Một báo cáo của Viện Dầu khí Việt Nam tháng 2/2017 nhận định "mức giá khí đề xuất Cá Voi Xanh khó đạt hiệu quả kinh tế khi phải tham gia thị trường điện cạnh tranh, do đó cần có cơ chế riêng".
GETTY IMAGES. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng hôm 31/5
Trả lời BBC ngày 12/9, ông Nguyễn Lê Minh, thành viên Hội đồng Biên tập và Phản biện Tạp chí Năng lượng Việt Nam, cho rằng có việc ExxonMobil đang gây sức ép lên chính phủ Việt Nam để rút ngắn quy trình phê duyệt, nhằm giúp dự án kịp tiến độ.
"ExxonMobil muốn chính phủ Việt Nam cần thúc đẩy nhanh việc phê duyệt giá bán điện của PVN và EVN cho các nhà máy điện."
"Dù việc phía Việt Nam bán điện không liên quan đến lợi ích kinh tế của ExxonMobil, nhưng nếu không được phê duyệt sớm thì cũng dẫn đến làm chậm tiến độ dự án của ExxonMobil."
Các thông tin trên đặt ra một số điểm, như: