Độc tôn !
‘Giả chết bắt quạ’? Sức khỏe Tổng bí thư và nan đề người kế vị
Lần ‘ẩn-hiện” mới nhất của ông Nguyễn Phú Trọng và những đồn đoán liên quan!
Chuyện ông Nguyễn Phú Trọng “chết đi sống lại”
Khoảng trống quyền lực trong Đảng còn kéo dài bao lâu?
Ông Trọng sẽ chọn ai kế nhiệm?
Yếu tố miền Nam của ông Võ Văn Thưởng: Thuận lợi hay bất lợi?
25/01/2024
Tác giả: Nguyễn Khắc Giang
Vào tuần thứ hai tháng 1/2024, tin đồn về sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng, vị Tổng bí thư 79 tuổi của Đảng Cộng sản Việt Nam, lan truyền khắp cả nước. Lần xuất hiện công khai cuối cùng của ông là vào ngày 26/12/2023 khi ông tiếp đón Shii Kazuo, lãnh đạo Đảng Cộng sản Nhật Bản. Ông vắng mặt trong các sự kiện quan trọng sau đó, bao gồm chuyến thăm của Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone và Tổng thống Indonesia Joko Widodo.
Tin đồn về tình trạng sức khỏe ngày càng xấu đi, nhập viện, hoặc thậm chí là việc ông đã qua đời rộ lên trên mạng xã hội bởi những người có ảnh hưởng truyền thông, và được đồn thổi kín đáo hơn trong giới quan sát chính trị. ‘Xác nhận’ từ những cá nhân có tiếng trên không gian mạng dường như củng cố thêm tính khả tín của tin đồn này. Thậm chí, các phương tiện truyền thông quốc tế, bao gồm Bloomberg và Reuters, cũng đổ thêm dầu vào lửa với cách đưa tin đầy ẩn ý.
Tuy nhiên, diễn biến bất ngờ diễn ra vào ngày 15/1/2024, khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham dự phiên họp bất thường của Quốc hội tại Hà Nội. Mặc dù trông còn yếu, ông rõ ràng là đủ sức khỏe để xuất hiện. Điều này dẫn đến hai giả thuyết về tin đồn nói trên: hoặc ông Trọng vận dụng chiến thuật “giả chết bắt quạ”, để tìm hiểu xem phe phái nào vội vã tranh giành quyền lực, hoặc dò xét ai đã lan truyền tin giả về sức khỏe của ông nhằm gây sức ép đẩy nhanh quá trình tìm người kế nhiệm. Về sức khỏe của ông, một số nguồn tin không chính thức cho biết Tổng Bí thư Trọng nhiễm cúm A và đang hồi phục trong thời gian vắng mặt.
Đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam trải qua tình huống ‘báo động’ liên quan đến sức khỏe của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Năm 2019, ông được cho là bị đột quỵ, khiến ông vắng mặt dài hạn trên chính trường. Ngay lúc đó đã dấy lên những đồn đoán về sức khỏe của ông cũng như khả năng chuyển giao vị trí lãnh đạo Đảng. Năm 2021, khi được bầu lại cho nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp, Tổng Bí thư Trọng xác nhận mối lo về tuổi già và sức khỏe suy giảm của mình.
Trong bối cảnh Việt Nam, thông tin về sức khỏe cũng như các vấn đề nhạy cảm khác của lãnh đạo cấp cao thường được giữ kín. Do đó, việc công chúng tò mò và thích đồn đoán là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, sự phổ biến của mạng xã hội ngày nay, cùng với thái độ do dự của nhà nước (và Đảng) trong việc xác nhận hoặc phủ nhận những tin đồn như thế, làm trầm trọng thêm tình trạng lan truyền tin giả và thông tin sai lệch liên quan đến lãnh đạo. Những câu chuyện như thế, vốn gây nhiễu thông tin cho giới quan sát ở Việt Nam và nước ngoài, cộng đồng doanh nghiệp và giới ngoại giao, cho thấy mức độ thiếu chắc chắn của quá trình kế nhiệm là một rủi ro đáng kể ở Việt Nam.
Ba yếu tố chính góp phần tạo nên tình trạng này. Đầu tiên, hơn một thập niên lãnh đạo của Tổng Bí thư Trọng tạo nên mức độ tập trung quyền lực rõ rệt, với uy quyền ngày càng tăng đối với vị trí Tổng bí thư. Sự thay đổi này thách thức mô hình lãnh đạo tập thể truyền thống của Đảng Cộng sản. Tổng Bí thư Trọng hiện đã ở trong Bộ Chính trị sáu nhiệm kỳ liên tiếp, trong khi các thành viên khác mới chỉ phục vụ tối đa hai nhiệm kỳ. Ông lớn hơn 13 tuổi so với thành viên cao tuổi thứ hai trong Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng (sinh năm 1957, cùng với các nhân vật khác như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hay Đại tướng Tô Lâm). Thâm niên công tác và kinh nghiệm khiến ông trở thành một nhân vật gần như không thể thay thế, một “vị trưởng lão” trong Bộ Chính trị. Vì thế, sẽ rất khó để người kế nhiệm có được uy tín và mức độ ảnh hưởng như của ông.
Thứ hai, người kế nhiệm Tổng Bí thư Trọng sẽ thừa hưởng một vị trí đầy quyền lực, nhưng điều này cũng có thể khiến cấu trúc lãnh đạo tập thể vốn đã suy yếu dưới thời Tổng Bí thư Trọng bị suy yếu thêm. Một người kế vị trẻ hơn, với nhiều thời gian hơn trong tay, có thể bị cám dỗ tập trung quyền lực phục vụ cho lợi ích cá nhân. Điều này có thể bao gồm việc xây dựng mạng lưới lợi ích nhóm như trường hợp của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, thay vì đầu tư vốn chính trị vào việc củng cố các quy định của Đảng để chống tham nhũng như Tổng Bí thư Trọng đã làm. Trong tình trạng thiếu các cơ chế kiểm soát và cân bằng đủ mạnh, di sản chiến dịch chống tham nhũng của Tổng Bí thư Trọng có thể bị đe dọa.
Thứ ba, và quan trọng nhất, Đảng Cộng sản đang thiếu một kế hoạch chuyển giao quyền lực rõ ràng. Ngay cả trước những tin đồn gần đây nhất, Đảng đã gặp khó khăn trong việc tìm kiếm một người kế vị phù hợp cho Tổng Bí thư Trọng. Điều này thể hiện rõ ở tình trạng bế tắc tại Đại hội Đảng 13 vào năm 2021, khi ứng viên kế nhiệm được Tổng Bí thư Trọng giới thiệu, Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng, không có đủ số phiếu tại Trung ương. Sự kiện này khiến Tổng Bí thư Trọng phải tiếp tục ở lại nhiệm kỳ ba như một “ngoại lệ” với Điều lệ Đảng, vốn không cho phép giữ vị trí Tổng bí thư quá hai nhiệm kỳ liên tiếp. Tình hình hiện nay không thay đổi nhiều. Trong số các ứng viên, bao gồm Chủ tịch Nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai, và Bộ trưởng Công an Tô Lâm, không ai thực sự nổi trội hơn người khác. Tình huống này có thể dẫn đến tình trạng cạnh tranh quyền lực gay gắt khi Tổng Bí thư Trọng rút lui, ảnh hưởng đến tính ổn định chính trị của đất nước.
Để tránh tình huống khủng hoảng kế nhiệm với các vấn đề chia rẽ nội bộ, thay vì sử dụng cảm tính cá nhân, Đảng cần tiếp tục củng cố quá trình thể chế hóa chuyển giao quyền lực. Dưới thời Tổng Bí thư Trọng, Đảng đã xây dựng một nền tảng tương đối vững chắc để bắt đầu thực hiện quy trình lựa chọn kế nhiệm, đặc biệt là Quyết định 244 về bầu cử trong Đảng và các quy định quan trọng về tiêu chí cán bộ cấp cao cũng như quy trình bỏ phiếu tín nhiệm. Với tầm nhìn xa hơn, Đảng có thể cân nhắc phương án bỏ phiếu trực tiếp để các đại biểu Đại hội Đảng lựa chọn Tổng bí thư, thay vì cơ chế “tập trung dân chủ” như hiện tại. Một số địa phương đã thí điểm bầu cử trực tiếp bí thư từ năm 2010, nhưng dù đã được thảo luận rộng rãi, phương án vẫn chưa được cân nhắc ở cấp cao hơn.
Thể chế hóa chuyển giao quyền lực là một trong những trụ cột để đảm bảo tính bền vững của các chế độ một đảng lãnh đạo. Sự thiếu chắc chắn trong quá trình lựa chọn người kế vị của Đảng tạo ra bất ổn: nó khiến tất cả các tin đồn về sức khỏe của Tổng Bí thư Trọng trở thành vấn đề quốc gia và tạo ra các lo ngại lớn hơn. Với chính Tổng Bí thư Trọng, thể chế hoá quá trình lựa chọn người kế nhiệm có lẽ là yếu tố quyết định để đảm bảo cho di sản chính trị của ông.
Nguyễn Khắc Giang là Nghiên cứu viên Khách mời tại Chương trình Nghiên cứu Việt Nam thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak Institute), Singapore.
Diễm Thi
2024.01.16
Từ trái qua: Thủ tướng VN Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ, TBT Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Việt Nam Võ Văn Thưởng đến tham dự lễ khai mạc kỳ họp bất thường thứ 5 của Quốc hội hôm 15/1/2024. AFP
Ông Nguyễn Phú Trọng vào ngày 26 tháng 12 năm 2023 xuất hiện trong cuộc gặp người đứng đầu đảng Cộng sản Nhật Bản Kazuo Shii khi ông này đến thăm Việt Nam.
Sau đó, ông Trọng không xuất hiện để đón Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone trong chuyến thăm hai ngày 6 và 7 tháng 1 năm 2024; tiếp đó, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam cũng không ra mặt tiếp Tổng thống Indonesia Joko Widodo thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 11 đến 13 tháng 1 năm 2024.
Mạng báo Bloomberg dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết ông Trọng phải nhập viện. Đây cũng là thông tin được mạng xã hội đồn đoán khi ông Trọng vắng mặt trong các buổi tiếp đón các nguyên thủ Indonesia và Lào.
Đến sáng 15 tháng 1 năm 2024, ông Trọng xuất hiện tại lễ khai mạc kỳ họp bất thường thứ 5 của Quốc hội với tư cách “khách mời và lãnh đạo Đảng, Nhà nước.”
Chuyện một số lãnh đạo đột nhiên không xuất hiện trước công chúng một thời gian rồi lại xuất hiện, hoặc tử vong như trường hợp ông Nguyễn Bá Thanh đi Mỹ, ông Trần Đại Quang đi Nhật, ông Phùng Quang Thanh đi Pháp… khiến công luận đặt ra nhiều đồn đoán.
Về mặt Nhà nước, họ có quyền không thông báo tình trạng sức khỏe lãnh đạo. Về phía người dân thì họ có quyền suy đoán nhưng suy đoán có khi vô tình rơi vào cái bẫy người ta dựng lên. Thực tế như vậy. - Trung tá bác sĩ Đinh Đức Long |
Trung tá bác sĩ Đinh Đức Long nói với RFA quan điểm của ông về chuyện ông Nguyễn Phú Trọng vừa qua:
“Theo luật, sức khỏe lãnh đạo là bí mật quốc gia cho nên họ không có nghĩa vụ phải cung cấp cho người khác biết. Vì bí mật nên họ làm gì là quyền của họ, người dân không có quyền được biết; không có quyền giám sát. Mà chính vì không được biết nên dân mới bàn tán, có thể đúng có thể trật, có thể vừa đúng vừa trật. Ở Việt Nam đó là chuyện bình thường. Không có thông tin chính thống cho nên thông tin lan truyền trên mạng có thể đúng, có thể sai, và chính quyền có thể căn cứ vào chuyện nói sai để bắt với tội tuyên truyền sai sự thật gây hoang mang dư luận.
Về mặt Nhà nước, họ có quyền không thông báo tình trạng sức khỏe lãnh đạo. Về phía người dân thì họ có quyền suy đoán nhưng suy đoán có khi vô tình rơi vào cái bẫy người ta dựng lên. Thực tế như vậy.
Ở Trung Quốc ngày xưa, khi ông Đặng Tiểu Bình lên, ổng để ‘bức tường dân chủ’ ở Bắc Kinh. Ai có ý kiến gì thì viết lên. Thời ông Mao thì có ‘trăm hoa đua nở’ ai muốn nói gì thì nói. Nhưng khi dân nói ra, biểu lộ chính kiến thì bị bắt với lý do ý kiến đó gây hoang mang, gây dao động hay xúc phạm lãnh đạo chẳng hạn”.
Cuối tháng 8 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ lúc đó là ông Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Quyết định 1295 của Chính phủ về danh mục bí mật nhà nước lĩnh vực y tế. Theo đó, hồ sơ bệnh án, thông tin, kết quả khám bệnh, chữa bệnh, kiểm tra sức khỏe... của các ủy viên Bộ Chính trị, Ban bí thư trung ương Đảng thuộc danh mục ‘tối mật’.
Việc ông Trọng “biến mất” đưa đến nhiều đồn đoán trong công chúng. Có dư luận cho rằng ông Trọng sắp chết do bệnh nặng; có dư luận cho rằng ông Trọng “giả chết bắt quạ”. Ông Trần Tiến Đức, cựu cố vấn của Ủy ban các Vấn đề xã hội của Quốc hội Việt Nam, nhận định với RFA, có thể đây là trò chơi chính trị nội bộ:
“Chuyện các vị lãnh đạo biến mất rồi lại xuất hiện thì cũng cần tìm hiểu xem lý do là gì. Nhưng chính trường Việt Nam họ cũng quen với việc đó rồi. Nhiều khi thật ra đấy là những trò chơi chính trị nội bộ. Theo tôi, đông đảo công chúng người ta cũng không quan tâm lắm những chuyện ấy. Ở Việt Nam bây giờ cũng như Liên Xô trước đây, sức khỏe lãnh đạo bao giờ cũng là tuyệt mật. Chính vì thế nên chuyện nội bộ lãnh đạo họ có chuẩn bị lực lượng thay thế hay không thì cũng không ai biết.
Công chúng thì không biết nhiều thông tin về sức khỏe của họ. Chỉ khi nào họ xuất hiện trước công chúng thì cứ nghĩ là họ khỏe. Nhưng công chúng có sự quan sát thấy ông đi đúng không vững vàng, phải dựa vào cái này cái nọ thì họ nghĩ ông không được khỏe lắm. Cũng có vị lãnh đạo thừa nhận sức khỏe họ không đủ nhưng họ vin vào bây giờ được Đảng tín nhiệm nên buộc phải thực hiện trọng trách Đảng giao… Những chuyện như thế không phải chỉ một lần mà đã xảy ra đến hai lần nên công chúng cũng chẳng quan tâm lắm”.
Tổng bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng. Reuters
Giữa tháng 4 năm 2019, các trang mạng xã hội dồn dập đưa tin ông Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bị đột quỵ trong chuyến thăm tại Kiên Giang rồi đưa về bệnh viện tỉnh, rồi về thành phố và rồi đưa về Hà Nội. Trong khi đó, báo chí Nhà nước hoàn toàn im lặng, không đưa bất cứ thông tin nào về sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng. Khoảng một tháng sau, truyền thông trong nước loan tin ông Nguyễn Phú Trọng sẽ ra trước Quốc Hội đọc tờ trình tham gia Công ước 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế -ILO vào ngày 29 tháng 5 năm 2019. Tuy nhiên đến thời điểm đó, ông Trọng không xuất hiện mà người đọc tờ trình là bà phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh.
Đến ngày 18 tháng 6 năm 2019, truyền thông Nhà nước loan tin ông Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp xúc cử tri Quận Hoàn Kiếm vào ngày hôm sau. Tin vừa loan thì bị gỡ xuống. Đến ngày 19 tháng 6, báo Nhà nước cho hay ông Trọng “bận công tác” nên không thể tham dự cuộc tiếp xúc cử tri thành phố Hà Nội như đã thông báo.
Tôi thấy rằng ở Việt Nam, về mặt phẩm chất, năng lực thì tất cả các cán bộ họ cũng na ná như nhau. Mục đích hoạt động của từng cá nhân cán bộ cũng như của cả ĐCSVN không phải vì lợi ích của đất nước Việt Nam, của nhân dân Việt Nam. - Cựu Trung tá quân đội Vũ Minh Trí |
Tình hình sức khỏe của các vị lãnh đạo, đặc biệt là ông Nguyễn Phú Trọng được dư luận quan tâm, bởi ông Trọng với chức danh là Tổng bí thư ĐCSVN, nhưng thực tế ông là lãnh đạo cao nhất nước, bởi theo Hiến pháp Việt Nam, ĐCSVN là lực lượng lãnh đạo toàn diện. Chẳng những dư luận thắc mắc về tình hình sức khỏe của ông Trọng, mà dư luận còn đặt câu hỏi về người thay thế, nếu ông Trọng có mệnh hệ gì.
Cựu trung tá quân đội Vũ Minh Trí nói với RFA quan điểm của ông:
“Tôi thấy rằng ở Việt Nam, về mặt phẩm chất, năng lực thì tất cả các cán bộ họ cũng na ná như nhau. Mục đích hoạt động của từng cá nhân cán bộ cũng như của cả ĐCSVN không phải vì lợi ích của đất nước Việt Nam, của nhân dân Việt Nam. Thế cho nên, việc người này hay người kia đi chữa bệnh vài ba tháng, nửa năm, thậm chí qua đời thì cũng không ảnh hưởng gì đến lợi ích của đất nước, của nhân dân cả. Thực tế là khi công chúng nghe tin lãnh đạo cao nhất nước bị ốm hay sắp mất thì người ta tỏ ra vui mừng”.
Ông Trí nói thêm, chuyện sinh-tử là chuyện rất bình thường của mỗi con người nhưng Chính phủ cũng phải nói dối. Chẳng hạn như ông Hồ Chí Minh chết ngày 2 tháng 9 năm 1969 nhưng lại công bố chết vào ngày 3 tháng 9. Đến năm 1989 mới có nghị quyết của Bộ chính trị khẳng định ông Hồ chết vào ngày 2 tháng 9 năm 1969. Ông Trí kết luận, những điều đó khiến công chúng ngày càng mất niềm tin vào thông tin từ cơ quan chính thống.
Mai Hoa Kiếm
15-1-2024
Đầu tuần này, cái tên Nguyễn Phú Trọng được gọi nhiều nhất trên truyền thông và báo chí của đảng. Trong lúc báo chí quốc doanh hát “đồng ca” khi ông Nguyễn Phú Trọng tái xuất hiện, các hồng vệ binh, dư luận viên hả hê, reo hò, công kích mạng xã hội và các trang “lề trái” đã… việt vị, thì giới quan sát chính trường đang hướng tới vấn đề khác.
Theo các văn bản quy định, thông tin sức khỏe lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước được xếp loại “bí mật nhà nước độ tối mật”, vì vậy, nội sự bên trong cấm cung của triều đình cộng sản khó lọt ra ngoài. Nhiều hãng thông tấn nước ngoài dè dặt đưa tin về tình hình sức khoẻ của Nguyễn Phú Trọng. Dân chúng đồn thổi, bàn tán trong hồ nghi.
Xâu chuỗi các nguồn tin, được biết ông Nguyễn Phú Trọng nhập viện ngày 27-12-2023, trong tình trạng đau đầu dữ dội, kèm theo các triệu chứng khác như hoa mắt, chóng mặt, khó thở, tức ngực, đi loạng choạng, nhìn đôi, rung giật nhãn cầu… Ông Trọng cũng đã ngất nhiều lần, khó thở nghiêm trọng.
Ban đầu, Viện 108 chẩn đoán, ông Trọng bị nhồi máu não và đưa vào ICU. Thực tế trên lâm sàng, khi chụp cắt lớp vi tính sọ não, các bác sĩ đã hội chẩn, kết luận ông bị cơn thiếu máu não thoáng qua (Transient Ischemic Attack, viết tắt: TIA). Tức là, tình trạng gián đoạn quá trình cung cấp máu lên não tạm thời và không gây tổn thương não vĩnh viễn hoặc nhồi máu não cấp tính.
Hình: Chủ tịch QH Vương Đình Huệ và tướng Phan Văn Giang đến Viện 108 thăm ông Nguyễn Phú Trọng. Nguồn: Tác giả gửi riêng cho Tiếng Dân
Tuy nhiên, không biết các nhân sự trong Văn phòng Trung ương đảng, Ban Bảo vệ Chăm sóc Sức khoẻ Trung ương, các Trợ lý thuộc Văn phòng Tổng bí thư hay thế lực nào khác trong đảng đã đã tuồn tin sai lệch ra ngoài.
Được biết tầng 12 của toà nhà 21, Viện 108, là nơi đặt “Sở chỉ huy đầu não” của Ban Bảo vệ Chăm sóc Sức khoẻ Trung ương. Nơi đây chỉ dành điều trị cho cán bộ lãnh đạo, cựu lãnh đạo cấp cao, được quân đội canh gác 24/24 giờ.
Tin tung ra đánh lừa dư luận, cho rằng bệnh tình ông Nguyễn Phú Trọng cực kỳ nguy hiểm, ông Trọng đã hôn mê, sắp chết mà không kịp trăng trối hoặc viết di chúc.
Tin tức nhanh chóng lan truyền cả nước, ngập trên mạng xã hội. Thực hư không ai rõ, kể cả một số Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng không hề có thông tin, nói chi các ủy viên trung ương hay các nguyên lão.
Dư luận xã hội xầm xì, nhắn tin hỏi nhau rằng, “lão chết chưa”; “bao giờ công bố quốc tang”, “ai là người kế vị”… Một số trí thức trên trang cá nhân đã ví von “lò đã tắt”, “rừng xưa khép lại”…
Thế rồi, Nguyễn Phú Trọng đùng đùng xuất hiện sáng nay 15-1-2024, trong phiên khai mạc quốc hội bất thường. Các video đăng tải cho thấy, ông Trọng cố nhoẻn miệng cười, nhưng dáng đi run rẩy, không vững. Xem clip:
Có thể thấy, khi Nguyễn Phú Trọng tiến vào hội trường, ngoài hai ông Nông Đức Mạnh và Nguyễn Xuân Phúc đứng dậy chào, có gần 500 đại biểu khác vẫn ngồi yên. Phải chăng, đối với đa số những người có mặt trong tòa nhà Diên Hồng, việc ông Trọng “chết đi sống lại” hay “giả chết bắt quạ”, không còn quan trọng nữa. Điều đó cũng có nghĩa là, việc ông sống hay chết thì mặc kệ ông, chúng tôi chẳng quan tâm.
Ảnh: Hai ông Nông Đức Mạnh và Nguyễn Xuân Phúc đứng lên chào ông Nguyễn Phú Trọng. Ảnh trên mạng
Nếu ông Trọng không chủ động “giả chết bắt quạ” thì xem ra thật đáng sợ, khi người ta đem câu chuyện ông nhập viện cấp cứu, để phục vụ cho những mưu đồ chính trị đen tối. Ai đó đã cả gan dám cá cược ngay trên chính sinh mệnh của “hoàng đế” đương triều.
Phe nhóm của ông Trọng đã tung hoả mù để “giăng lưới” hay là phe nhóm này muốn phế bỏ quyền lực của ông đang “ném đá dò đường”? Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi chưa có câu trả lời.
Trong lịch sử, đã có không ít những cuộc “đảo chính giả” của phe cầm quyền, bị đối phương tận dụng để biến thành đảo chính thật. Và những nhân vật “giả chết bắt quạ” cũng có lúc bị quạ mổ cho lòi con mắt ra ngoài. Bài học từ xưa vẫn còn đó, mọi thứ vẫn đang còn chờ đợi phía trước.
Bình luận của blogger Trần Hiếu Chân
2024.01.30
Capture à partir de :RFA
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội hôm 12/12/2023. AFP
Giáo sư Jonathan London từ Đại học Leiden (Hà Lan), khi hay tin sức khỏe của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gần đây không được ổn định, đã “tuýt” như sau: “Việt Nam đang bước vào giai đoạn triết gia Gramsci gọi là ‘interregnum’ (thời kỳ bất ổn và không chắc chắn): Quá khứ đang hấp hối, mà tương lai vẫn chưa được định hình...” Liệu khoảng trống quyền lực này sẽ còn kéo dài trong bao lâu?
_______________
Như thế là tính đến gần đây, đã có ba bốn nguyên thủ quốc gia nước ngoài được nghe 21 phát đại bác rung chuyển hội trường Ba Đình nhưng lại “trượt” cái bắt tay và chụp ảnh chung với TBT Nguyễn Phú Trọng. Sau lần “ẩn – hiện” từ cuối năm ngoài đến đầu năm nay của ông Trọng, liên tục có những đồn đoán liên quan đến tình trạng bệnh tình không biết là giả hay thật của ông. Rõ ràng việc ông Trọng ra – vào bệnh viện, dù do bất thường hay chỉ là để kiểm tra định kỳ, không còn là chuyện “bí mật quốc gia” nữa rồi. Theo tin nội bộ – dĩ nhiên ẩn danh, vì sợ phạm húy khi động đến “long thể” của Tổng bí thư – bên cạnh Vương Chủ tịch, một vài cái tên khác đã được nhắc đến… để “truyền ngôi”. Về cuộc đua giữa Đại tướng Công an Tô Lâm với Đại tướng Quân đội Phan Văn Giang, nghe đồn lợi thế đang nghiêng về bên có “súng dài”. Việc vin vào một vụ án đã có “râu quai nón” để bắt khẩn cấp cựu Tổng biên tập báo Thanh Niên Nguyễn Công Khế, cũng được dư luận “thêu dệt”, đó lệnh đánh vào “Đoàn phái”, để hạ uy tín các cựu thủ lĩnh một thời là Võ Văn Thưởng và Trương Thị Mai (1).
Cuộc chuyển giao quyền lực lần này, nhìn bề ngoài, được tiến hành lặng lẽ, nhưng bên trong thì rất khẩn trương và nhiều thuyết âm mưu. Một nguồn thạo tin cho biết cuộc đấu đá quyết liệt đến mức, Trung ương đã phải hoãn họp một lần! Cách đây nhiều năm, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn từng kêu ca về hội chứng “tối mật” đối với sức khỏe của lãnh đạo. Phó Chủ tịch từng phàn nàn, không ít việc khó hiểu như sức khoẻ ông Nguyễn Bá Thanh thời đó cũng bị coi là mật (?!) Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý thì chất vấn: “Cứ cấm, cứ hạn chế thì làm sao dân tiếp cận được thông tin… 30 năm kinh tế cởi trói rất nhiều rồi, làm sao để cởi trói cho dân tiếp cận thông tin tốt hơn?” (2). Nhắc lại chuyện cũ trong bối cảnh mới: Trong bài viết giữa tháng Giêng 2024, tờ Bloomberg, hãng thông tấn quốc tế uy tín có trụ sở ở New York (Mỹ) đã dẫn lời hai quan chức ẩn danh tại Việt Nam, nắm vấn đề về sức khỏe TBT cho biết, ông Nguyễn Phú Trọng, 79 tuổi, đã nhập viện “hồi đầu tuần này liên quan đến một loại bệnh chưa được xác định.” Thế nhưng, bằng một động thái hiếm hoi, ngày 13/1/2024, trang Facebook chính thức của Công an tỉnh Vĩnh Phúc lại lập tức phủ nhận: “MXH TikTok, các trang báo phản động đang xuất hiện các thông tin sai sự thật về TBT Nguyễn Phú Trọng, như “TBT Nguyễn Phú Trọng qua đời, TBT Nguyễn Phú Trọng vắng mặt đi chữa bệnh...” Trang mạng này viết lấy được: “Đấy là các thông tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận, quý bạn đọc và nhân dân lưu ý” (3).
Tuy nhiên, rất ăn khớp với bản chất của nền chính trị tù mù và “thò ra thụt vào”, ngay lập tức sau đó khoản một giờ đồng hồ, nội dung trang này đã đã bị ai đó ra lệnh gỡ bỏ. Nhưng trước đos, Giáo sư Alexander L. Vuving, từ Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á – Thái Bình Dương Daniel K. Inouye, đã đánh giá trên mạng xã hội X (Twitter): “Các ứng viên có khả năng nhất kế nhiệm ông Nguyễn Phú Trọng trong vai trò Tổng Bí thư là: Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội và Trương Thị Mai, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.” Tương tự, tham gia trên mạng xã hội, Phó Giáo sư Jonathan London, hiện giảng dạy tại Đại học Leiden, Hà Lan, viết: “Chưa có tin chính thức mà vẫn rõ: Không ai có ảnh hưởng chính trị trong thập kỷ qua hơn NPT [Nguyễn Phú Trọng]. Bây giờ Việt Nam đang vào giai đoạn mà Gramsci gọi là interregnum: Quá khứ đang hấp hối, mà lại tương lai vẫn chưa sinh ra. Một giai đoạn có tính quyết định đã đến.” (4)
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Hà Nội hôm 12/12/2023. AFP
Điều khá ngạc nhiên đối với giới quan sát, dư luận trong xã hội Việt Nam phần lớn tỏ ra bàng quan trước cái tin Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có thể “ra đi”, hoặc ít nhất sẽ thôi giữ chức “Đảng trưởng” như trước đây nữa. Có hai khuynh hướng khá rõ rệt. Thứ nhất, cho rằng, ông Trọng có “ra đi” thì cũng là “hồng tang” rồi, vì bước sang tuổi 80, lại chịu nhiều bệnh tật, mà trụ được cho đến hôm nay, như thế là phúc nhà! Mọi chuyện sẽ có Đảng và Nhà nước lo, không có gì phải chộn rộn. Khuynh hướng thứ hai, tiêu cực hơn, cho rằng, chẳng mấy ai quan tâm đến người thay ông Trọng làm Tổng bí thư. Tất cả sẽ là “vũ như cận” (vẫn như cũ!) Trên đài VOA của Chính phủ Mỹ, Blogger Lê Quốc Quân có bài viết “Uy tín Đảng cao hơn tương lai đất nước”. Bình luận rằng, Việt Nam là một hình đồng dạng của Trung Quốc… Cả hệ thống chính trị đang loay hoay giải quyết bài toán “uy tín chính trị” của Đảng và các cá nhân lãnh đạo Đảng, chứ không phải là tương lai đất nước (5).
Trên đài RFA mới đây, Blogger Đồng Phụng Việt có nhắc lại câu chuyện Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuần trước cũng phải vào viện vì nhiễm trùng đường tiết niệu, nhưng đã không báo cáo cho Tổng thống, Quốc hội, và dân chúng Mỹ cũng không hề hay biết... Giữa lúc chính trường nước Mỹ đang trong tình trạng phân hóa chưa từng thấy, nhưng các đại diện của hai Đảng, cả Cộng hòa lẫn Dân chủ, vẫn cùng soạn thảo một Dự luật, bắt buộc Hội đồng An ninh Quốc gia phải thông báo sớm và rạch ròi về những bất thường liên quan đến sức khỏe của các thành viên. Dự luật nhấn mạnh, đòi hỏi này xuất phát từ lợi ích quốc gia – dân tộc khi các cá nhân nắm giữ vai trò quan trọng đối với an ninh quốc gia không thể đảm đương được nhiệm vụ thì phải thông báo cho cử tri? (6) Nước Mỹ là nơi giờ đây không cần bi bô… “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, nhưng từ trước đến nay đã như thế và vẫn sẽ như thế (7). Còn Việt Nam ta, nơi có nền dân chủ “gấp vạn lần nền dân chủ xứ tư bản giẫy chết”, thì Đảng/Nhà nước vẫn giành và giữ vững vai trò “chủ nô”, không bao giờ cho “nô lệ” dưới quyền được biết, được bàn về sức khỏe của “các chủ nô”. Từ liu tiu như Nguyễn Bá Thanh, Đinh Thế Huynh… cho đến các loại “Tứ trụ” như Trần Đại Quang hay những ngày này là Nguyễn Phú Trọng, ngoại trừ khi có tin quốc tang về các vị ấy!
________________
Tham khảo:
(1) thoibao
(2) tuoitre
(3) anhbasamdotblog
(4) BBC
(5) voatiengviet
(6) RFA
(7) RFA
* Trần Hiếu Chân là một blogger, đồng thời cũng là nhà báo độc lập tích cực tham gia vào mạng lưới xã hội đấu tranh vì tự do báo chí, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam. Blogger này cũng là một trong những nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế và đường lối ngoại giao của Việt Nam và các nước ASEAN.
Thứ Ba, 01/30/2024 - 18:13 — nguyenanhtuan
Những đồn đoán về tình hình sức khỏe của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã tạm thời lắng dịu khi ông Trọng xuất hiện trong phiên họp bất thường của Quốc Hội trung tuần tháng Giêng vừa rồi.
Tuy nhiên, cho đến khi người kế nhiệm chưa được công bố, sức khỏe của ông Trọng vẫn là một đề tài được bàn tán nhiều, nhất là khi chỉ còn 2 năm nữa là đến kỳ Đại hội Đảng tiếp theo còn ông Trọng thì đã bước sang tuổi 80 với thể trạng nhiều bệnh tật.
Khác với mô hình lãnh đạo tập thể vốn là đặc trưng của chính trị Việt Nam kể từ Đổi Mới 1986, nhiệm kỳ thứ ba chưa có tiền lệ của ông Trọng đang hoàn thiện dần một trật tự mới trong nội bộ Đảng với quyền uy tuyệt đối của vị trí Tổng Bí thư.
Ví dụ điển hình gần đây là việc bắt giữ đương kim Ủy viên Trung ương, Bí thư Lâm Đồng Trần Đức Quận. Nếu như trước đây, Ủy viên Trung ương cần bị Ban Chấp hành Trung ương cách chức trước khi bị bắt giữ, thì nay cơ quan công an dưới quyền thống soái của ông Trọng có thể tống giam trước rồi Bộ Chính trị, Ban Bí thư mới đề xuất Trung ương xử lý kỷ luật đảng.
Vì vị trí Tổng Bí thư hiện nay được tập trung nhiều quyền lực như vậy, câu hỏi ông Trọng sẽ chọn ai kế vị càng trở nên đáng quan tâm hơn bao giờ hết.
Sự kém minh bạch của thể chế chính trị Việt Nam không cho công chúng biết chuyện gì đang thực sự xảy ra sau bức màn sắt, bởi vậy người viết chỉ có thể dựa vào những quan sát và đánh giá về khuynh hướng chính trị của ông Nguyễn Phú Trọng để đưa ra giả thiết về người được ông lựa chọn.
Theo người viết, ông Trọng sẽ lựa chọn ông Võ Văn Thưởng kế vị mình, ngay cả khi giới quan sát bày tỏ hồ nghi khi xét đến tuổi tác và kinh nghiệm của đương kim Chủ tịch nước.
Quan sát con người chính trị Nguyễn Phú Trọng, người viết cho rằng ông Trọng khi tìm kiếm người kế vị sẽ đặt ra 3 tiêu chí hay điều kiện quan trọng sau:
Một là người kế vị sẽ không thuộc một nhóm lợi ích kim tiền nào trong Đảng. Chiến dịch đốt lò gần 10 năm qua của ông Trọng chắc chắn đã gây thù chuốc oán với đủ các phe phái trong Đảng. Nếu một trong số các phe phái đó nắm quyền và khuynh loát nền chính trị đất nước, không phải không có khả năng toàn bộ di sản của ông Trọng sẽ bị xét lại, ngay khi ông rời bỏ chức vụ. Là một người am tường lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô, ông Trọng thừa hiểu sự bạc bẽo của giới lãnh đạo cộng sản nhiệm kỳ sau với nhiệm kỳ trước như thế nào, từ Stalin đến Khrushchev rồi đến Brezhnev. Bởi vậy, ông Trọng sẽ cố gắng ngồi ghế quyền lực lâu nhất có thể, nhưng đến lúc bước xuống, dù là vì lý do sức khỏe hay qua đời, ông sẽ muốn người kế vị mình không thuộc về bất kỳ phe phái nào mà ông đã gây thù chuốc oán. Trong số những người còn lại trong tứ trụ, chỉ có Võ Văn Thưởng với hoạn lộ không qua những vị trí kim tiền của Chính phủ, mà chủ yếu ở các cơ quan Đoàn, Đảng mới phù hợp với tiêu chí này.
Tiêu chí thứ hai là phải “biết lý luận” để giữ Đảng. Là một cây lý luận lâu năm của Đảng, ông Trọng hiểu rõ tầm quan trọng của việc mài giũa lý luận trong việc giữ bản chất cộng sản của Đảng, vốn đã bị xói mòn trước mãnh lực kim tiền của một bối cảnh kinh tế - xã hội hoàn toàn mới. Thời gian nắm quyền của ông Trọng cũng chứng kiến sự thăng tiến vượt bậc của lớp người lý luận - tuyên giáo trong Đảng mà chính ông Thưởng là một ví dụ điển hình. Nếu so với hai đối thủ chính là Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ, ông Thưởng với bằng cấp triết học và những phát ngôn mạnh mẽ về ý thức hệ, cộng với kinh nghiệm nắm ngành tuyên giáo của Đảng, có lẽ là lựa chọn an tâm hơn đối với ông Trọng, bất luận tuổi đời tương đối trẻ của đương kim Chủ tịch nước.
Cuối cùng là người kế vị phải tiếp nối công cuộc đốt lò. Là người bolshevik cuối cùng ở Việt Nam tự mang lấy sứ mệnh gìn giữ sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng, ông Trọng coi việc đốt lò không chỉ như một chiến dịch tự phát và ngắn hạn, mà đặt nó trong một tầm nhìn dài hạn để bảo vệ tính chính danh đạo đức cho đảng cầm quyền. Chống tham nhũng, như ông ví von, phải làm thường xuyên liên tục, “như đánh răng, rửa mặt hàng ngày”. Nếu như trong trọn nhiệm kỳ Trưởng ban Tuyên giáo, ông Thưởng tỏ rõ sự kiên định ý thức hệ với việc ban hành và thực thi Nghị quyết 35 về Bảo vệ nền tàng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, thì trong hai năm làm Thường trực Ban Bí thư, ông Thưởng cũng đã chứng tỏ mình là cánh tay đắc lực của ông Trọng trong công cuộc đốt lò. Bởi vậy, ở tiêu chí này, ông Thưởng cũng vượt trội so với hai đối thủ chính là ông Chính và ông Huệ.
Tóm lại, những khuynh hướng chính trị của ông Nguyễn Phú Trọng có thể sẽ dẫn ông đến lựa chọn Võ Văn Thưởng làm người kế vị mình, mặc cho những quan ngại về tuổi đời và uy tín chính trị của nhân vật này. Yếu tố miền Nam của ông Thưởng có thể sẽ ảnh hưởng đến quyết định này, song theo hướng hậu thuẫn, chứ chưa hẳn là bất lợi như nhiều người nghĩ. Người viết sẽ bàn thêm về yếu tố miền Nam trong một bài viết gần nhất.
Thứ Năm, 02/01/2024 - 00:00 — nguyenanhtuan
Lâu nay khi bàn về khả năng kế vị Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Võ Văn Thưởng, hiện là Chủ tịch nước, thường bị cho rằng sẽ gặp bất lợi vì gốc gác miền Nam của mình.
Luồng dư luận này tin rằng ngay cả khi chưa từng có một nhân vật nào thăng tiến thần tốc như ông Thưởng trong chính trị Việt Nam hậu đổi mới, vị đương kim Chủ tịch nước vẫn sẽ không thể vượt qua yếu tố vùng miền để trở thành Tổng Bí thư kế tiếp của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Quan điểm này không phải là không có cơ sở.
Đầu tiên là cơ sở lịch sử. Gần như toàn bộ nhân sự Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi thành lập năm 1930 đến nay đều có gốc gác miền Bắc, bao gồm cả Bắc Trung Bộ, theo cách phân chia Nam - Bắc trong thời chiến tranh Việt Nam. Thêm nữa, sau Đổi Mới, đã có một thời gian Đảng vận hành công thức bất thành văn, tạm gọi là “tam đầu chế”, để phân chia ba vị trí cao nhất trong guồng máy chính trị cho ba miền: Tổng Bí thư là người miền Bắc, Chủ tịch nước cho miền Trung, và Thủ tướng cho miền Nam. Công thức phân chia quyền lực này gần đây dẫu có thay đổi song lại theo hướng tập trung quyền lực cho nhóm miền Bắc, càng giúp củng cố cho quan điểm rằng ông Thưởng với gốc gác miền Nam sẽ không thể trở thành người kế vị Nguyễn Phú Trọng cho vị trí Tổng Bí thư.
Lý do thứ hai thường được dư luận đưa ra có liên quan trực tiếp đến Tổng Bí thư đương nhiệm Nguyễn Phú Trọng. Không rõ từ đâu nhưng đã nhiều năm nay dư luận gán cho ông Trọng câu nói nổi tiếng: “Tổng Bí thư phải là người miền Bắc, có lý luận”. Dù chưa từng được kiểm chứng, song nhiều người tin rằng ông Trọng đã từng có phát biểu này, có thể đến từ việc quan sát cuộc cạnh tranh quyền lực giữa ông với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - một trong những lãnh đạo có gốc gác miền Nam đến gần nhất với vị trí Tổng Bí thư. Việc ông Trọng dù tuổi tác đã cao vẫn bằng mọi giá ngăn cản tham vọng quyền lực của ông Dũng tạo cảm giác rằng ông muốn ngăn một người miền Nam thực dụng trở thành Tổng Bí thư - điều được cho là sẽ gây nguy hiểm cho sự lãnh đạo trường tồn của Đảng. Bởi vậy, dư luận tin rằng, với quyền lực khuynh loát của ông Trọng trong Đảng hiện nay, nếu ông coi “người miền Bắc, có lý luận” là tiêu chí hàng đầu cho vị trí Tổng Bí thư, chắc chắn ông Thưởng sẽ không phải người được chọn.
Cả hai cơ sở trên đều không phải không thuyết phục, nhưng không phải không có sơ hở.
Đầu tiên là chuyện lịch sử. Quả đúng là đa số Tổng Bí thư từ khi thành lập Đảng đến nay là người miền Bắc, nhưng không phải không có người gốc gác miền Nam, theo cách phân chia Nam - Bắc thời chiến. Người đó là Lê Duẩn, không chỉ sinh ra ở Triệu Phong, Quảng Trị, phía Nam đường giới tuyến, mà còn xây dựng sự nghiệp cách mạng ở miền Nam. Ông được ông Hồ Chí Minh điều ra Bắc để trở thành Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng Lao động Việt Nam bấy giờ, một chức vụ tương đương Tổng Bí thư hiện nay, là người lãnh đạo quyền uy tuyệt đối của Đảng nhiều năm sau đó. Có nhiều lý do cho lựa chọn này của ông Hồ Chí Minh song không thể kể đến bối cảnh dàn lãnh đạo miền Bắc khi đó đang bị chia rẽ nghiêm trọng sau Cải cách Ruộng đất khiến Đảng cần một người lãnh đạo không thuộc về bất kỳ phe phái nào. Lê Duẩn là một người như vậy ở thời điểm đó. Đảng Cộng sản Việt Nam qua gần 10 năm đốt lò có thể cũng đang rơi vào một tình thế như vậy, và người luôn tự nhận là học trò hết lòng của ông Hồ Chí Minh, tức Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hiện nay, có thể sẽ ra một quyết định tương tự.
Câu nói được cho là của ông Trọng cũng không phải là một cơ sở vững chắc. Xuất thân từ một cây lý luận của Đảng, ông Trọng đương nhiên dành sự ưu tiên lớn cho công tác lý luận và ưu ái lớp người làm tuyên giáo - lý luận, vì ông tin vào tầm quan trọng của lớp người này với sự trường tồn của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự lão làng chính trị của ông Trọng khiến những ai quan sát chính trị Việt Nam nghiêm túc phải nghi ngờ về độ khả tín của câu nói này, nhất là vế đầu tiên. Có thể ông nhấn mạnh đến vế sau, “có lý luận”, và để cho hợp lý với cuộc cạnh tranh chính trị với ông Dũng, có người đã thêm vào vế đầu, “người miền Bắc”.
Tóm lại cả hai cơ sở được đưa ra cho quan điểm rằng ông Thưởng gặp bất lợi vì yếu tố miền Nam đều không thực sự thuyết phục. Và ông Thưởng với thế mạnh về khả năng lý luận chính trị của mình, nhất là so với hai đối thủ là Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ, vẫn nhiều khả năng trở thành lựa chọn số 1 của ông Trọng cho vị trí Tổng Bí thư tới đây.