Vượt qua Việt

logo-Lanhdao

Độc tôn !

acrobat  📂  🏠   

Đốt lò - 2 - Chống tham nhũng

Đảng chống tham nhũng có chọn lọc: “bên trọng, bên khinh”!

Chống tham nhũng có chọn lọc

Chống tham nhũng ra sao trước đồn đoán về sức khoẻ ông Trọng

Lãnh đạo tham nhũng và việc "hạ cánh an toàn"

Từ xét xử cựu giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội trong chiến dịch “Đốt lò” tới giải quyết gốc rễ nạn tham nhũng

“Tất cả là do thiếu đối lập?”

“Tâm đức và chứng chỉ chính trị cao cấp”

“Đã xử lý được gốc rễ, hay mới chỉ là phần ngọn?”

Tham nhũng kinh tài, “đốt lò” và tính chính danh của Đảng Cộng sản?

Tài sản “khủng” của quan chức Nhà nước từ đâu mà có?

Do tham ô tài sản

Và nhận hối lộ

Việt Nam có thể tận diệt "tham nhũng" với cơ chế hiện hành?

Đảng chống tham nhũng có chọn lọc: “bên trọng, bên khinh”!

2024.02.06

RFA

Hai cựu Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh và Ngoại giao Phạm Bình Minh tại Hội nghị APEC năm 2017. AFP

Sau hàng chục vụ án tham nhũng bị phanh phui, một số nhà quan sát cho rằng ông Nguyễn Phú Trọng “đốt lò” một cách có chọn lọc, chỉ nhắm vào những người chống đối ông trong Đảng mà thôi.

Chống tham nhũng có chọn lọc

Bước vào năm 2024, công cuộc chống tham nhũng do Tổng bí thư đảng cộng sản Nguyễn Phú Trọng khởi xướng đã kỷ luật một loạt lãnh đạo Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2016 – 2021: người mất tất cả các chức vụ, người bị khởi tố, điều tra.

Nguyên Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng và nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách. Hai Thứ trưởng Bộ Công thương là ông Hoàng Quốc Vượng và Đỗ Thắng Hải bị khởi tố và bắt tạm giam trong tháng 1/2024.

Vào ngày 31/1, ông Trần Tuấn Anh, cựu Bộ trưởng Công thương chỉ bị cho thôi chức vụ theo đơn xin nghỉ và được Trung ương đảng chấp nhận. Đây là người thứ ba bị loại khỏi Bộ Chính trị khoá 13 (2021 - 2026).

Ông Lê Anh Hùng, một cựu tù nhân lương tâm, người quan sát chính trị Việt Nam nhận định với RFA:

“Đương nhiên là ông Trần Tuấn Anh có sai phạm thì mới bị kỷ luật nhưng mà trong hệ thống này thì ai cũng sai phạm cả, không ít thì nhiều. Cho nên khi mà người này hay người kia mất chức, bị kỷ luật hay ra tòa thì chủ yếu đó là hậu quả của cuộc thanh trừng đấu đá nội bộ bên trong mà thôi.”

Luật sư Nguyễn Văn Đài từ nước Đức cho rằng đây rõ ràng là sự phân biệt đối xử giữa các đồng chí với nhau. Thực thi chính sách phòng chống tham nhũng của chế độ một cách không công bằng, công minh; cùng một sai phạm nhưng có người bị khởi tố, có người lại được cho “hạ cánh an toàn”:

“Bằng chứng là ông Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã đích thân đến thăm bố mẹ của ông Trần Tuấn Anh, là ông cựu Chủ tịch nước Trần Đức Lương. Chúng ta có thể thấy rằng là đối với những người thuộc phe cánh của những người đang có quyền lực thì khi vi phạm sẽ được hạ cánh an toàn, còn những người đối lập ở trong Đảng thì chắc chắn sẽ bị xử tù.”

Bộ trưởng Công an Tô Lâm, vào chiều ngày 6/2 đã đến thăm và chúc Tết gia đình nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương. Theo mô tả của truyền thông Nhà nước, ông Tô Lâm ân cần hỏi thăm sức khoẻ và mong muốn nguyên Chủ tịch nước tiếp tục quan tâm, đóng góp những ý kiến đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.

Ông Trần Tuấn Anh là con trai cựu Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đức Lương. Ông này từng dính vào vụ lùm xùm cho xe biển số xanh đến tận chân cầu thang máy bay để đón vợ, con hồi tháng 1/2019, nhưng không phải chịu hình thức kỷ luật nào.

Qua nhiều năm quan sát biến động chính trị Việt Nam, ông Đài nhận định, một trong những nguyên do giúp cho ông Tuấn Anh thoát kỷ luật đảng hay thậm chí là án tù là do ông này là con của một lãnh đạo nhà nước có công với cách mạng, trực tiếp tham gia kháng chiến trước năm 1975.

Đây không phải là lần đầu tiên có sự phân biệt đối xử giữa các đảng viên cấp lãnh đạo . Hồi tháng 1/2023, ba ông thuộc Uỷ viên Trung ương Đảng, gồm cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, hai cựu Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và Phạm Bình Minh đều chỉ phải từ chức, nghỉ hưu “theo nguyện vọng”, nhưng không chịu bất kỳ hình thức kỷ luật Đảng nào, cũng không bị điều tra hình sự về các vụ đại án như “chuyến bay giải cứu” hay vụ Việt Á…

Trong khi đó, hàng loạt cán bộ cấp dưới đã bị bắt, bị khởi tố hình sự liên quan tới các vụ án này vì các hành vi đưa hối lộ, môi giới hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ và lừa đảo chiếm đoạt tài sản…

Chống tham nhũng ra sao trước đồn đoán về sức khoẻ ông Trọng

Ông Nguyễn Phú Trọng xuất hiện tại kỳ họp bất thường của Quốc hội hôm 15/1. Ảnh: AFP

Cuộc chiến chống tham nhũng tưởng chừng đã đi đến đỉnh điểm của nó khi mà một trong “tứ trụ” là Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mất chức, cộng với những đồn đoán liên tục về việc Nguyễn Phú Trọng không đủ sức khoẻ để tiếp tục công cuộc “đốt lò” của mình.

Từ sau khi xuất hiện một cách ngắn ngủi trong lễ khai mạc kỳ họp bất thường của Quốc hội hôm 15/1 nhằm bác bỏ tin đồn rằng người đứng đầu Đảng Cộng sản đã qua đời, cho đến nay, ông Trọng chưa xuất hiện trở lại trong sự kiện nào.

Điều này, theo luật sư Đài dự đoán, ông Trọng không còn đủ khả năng xuất hiện công khai trên truyền thông và tệ hơn là có thể ông ấy không còn điều hành công việc được nữa. Như vậy, tương lai của cuộc chiến chống tham nhũng có thể sẽ đi vào bế tắc:

“Chống tham nhũng sẽ giảm đi, giống như thời kỳ của ông Nguyễn Tấn Dũng, chỉ xử lý các quan chức ở cấp doanh nghiệp và cỡ nhỏ thôi chứ còn các quan chức cấp tỉnh, trung ương thì họ sẽ tìm cách thỏa hiệp với nhau, dung hòa với nhau về lợi ích để cùng chia chác lợi ích, chứ không còn chống tham nhũng như thời của ông Trọng nữa.”

Nhận định về các kịch bản của việc chống tham nhũng có thể xảy ra trong tương lai, ông Lê Anh Hùng cho rằng khi ông Trọng rời khỏi sân khấu chính trị thì việc đấu tranh chống tham nhũng nó sẽ chuyển hướng. Thay đổi ra sao và như thế nào thì còn tuỳ thuộc vào người sẽ thay thế ông Trọng. Tuy nhiên, việc chống tham nhũng sẽ không quyết liệt đến mức cực đoan như trong thời gian qua:

“Tôi tin chắc rằng cái gọi là chống tham nhũng nó sẽ mang màu sắc khác, nó không còn quyết liệt đến mức cực đoan giống như những năm vừa qua nữa.”

🔝

Lãnh đạo tham nhũng và việc "hạ cánh an toàn"

RFA

2023.04.28

Ảnh minh họa: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại Hà Nội hôm 4/4/2023. AFP PHOTO

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khi tiếp xúc cử tri các quận Thanh Khê, Hải Châu, Sơn Trà thuộc thành phố Đà Nẵng hôm 27/4/2023 đã cho rằng: “Nhà nước xử lý cán bộ tham nhũng cả khi đương chức, về hưu cũng không có chuyện hạ cánh an toàn.”

“Kiên quyết, kiên trì và xử lý nghiêm cán bộ tham nhũng, tiêu cực, với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai.”- Ông Võ Văn Thưởng nói thêm.

Nhận định về vấn đề này, cựu Trung tá Vũ Minh Trí, từng công tác tại Tổng cục II, hôm 28/4/2023, cho rằng để mà gọi có tham nhũng hay không thì phải được đưa ra tòa và tòa án kết luận có tham nhũng:

“Bằng mắt bình thường, tôi chắc chắn rất nhiều người tham nhũng đã được hạ cánh an toàn. Chỉ cần so sánh giữa đồng lương của họ, số tiền họ đóng thuế thu nhập với số tài sản của họ thì sẽ thấy số tiền chênh lệch rất lớn, chắc chắn là do tham nhũng mà có. Ví dụ cách đây vài ba năm, báo chí nói về tài sản của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, hay nguyên Phó tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh, hay nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Hàng hải Hải Phòng - Lương Công Nhớ... thì người dân bình thường cũng có thể khẳng định 100 % là họ đã tham nhũng, nhưng họ không bị tòa xử tội tham nhũng. Có những trường hợp gây thất thoát cực kỳ lớn của nhà nước, ví dụ như Đinh La Thăng hay Vũ Huy Hoàng, tòa toàn xử những tội đâu đâu như thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, hay cố ý làm trái... chứ chưa xử về tội tham nhũng.”

Chỉ cần so sánh giữa đồng lương của họ, số tiền họ đóng thuế thu nhập với số tài sản của họ thì sẽ thấy số tiền chênh lệch rất lớn, chắc chắn là do tham nhũng mà có.

-Cựu Trung tá Vũ Minh Trí

Theo cựu Trung tá Vũ Minh Trí, rất ít người bị chính quyền Việt Nam đem ra xử về tội tham nhũng, có thể đếm trên đầu ngón tay, chỉ có một vài vụ tham nhũng ở các cấp rất nhỏ được đem ra xét xử. Ông Trí dẫn chứng:

“Ví dụ như vụ cô giáo - nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên ở Nghệ An, bị xử năm năm tù vì tham nhũng 45 triệu thì thật sự là trò hề. Hay cán bộ địa chính nhận 50 triệu cũng đem ra xử tù, thì so với những người tôi vừa nêu là trò hề...”

Cho nên Vũ Minh Trí cho rằng, lời nói của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng rằng "không có cán bộ tham nhũng hạ cánh an toàn" là hoàn toàn không có giá trị gì. Ngoài ra theo ông Trí, còn có ba nhân vật chóp bu được cho là vừa hạ cánh an toàn là nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng thường trực chính phủ Phạm Bình Minh và nguyên Ủy viên Trung ương đảng - Phó Thủ tướng chính phủ Vũ Đức Đam. Những người này chỉ được giải thích rằng do phải chịu trách nhiệm người đứng đầu, về hưu theo nguyện vọng cá nhân... Ông Trí nói tiếp:

“Bản thân tôi là một công dân bình thường rất muốn họ phải được công khai đã phạm những sai lầm làm gì? Và tốt nhất là phải có những phiên tòa xét xử những người đó, xem có tham ô, tham nhũng không? Không có lý gì ví dụ như Phạm Bình Minh chẳng hạn, phụ trách Bộ Ngoại giao mà ở dưới có ông Thứ trưởng, rồi một loạt Cục trưởng, Đại sứ phạm tội tham nhũng đi tù, mà anh chẳng có liên quan gì, chẳng ăn đồng nào??? Hoặc giả như Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên của Bộ Y tế đến giờ phút này chưa thấy bị kết luận phạm tội gì? Trong khi chỉ một người thư ký của ông Tuyên mà nhận gần 42 tỷ trong vụ chuyến bay giải cứu. Thế cho nên chốt lại, những lời nói của cậu Thưởng hoàn toàn không có giá trị gì.

Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. AFP.

Cũng tại buổi tiếp xúc cử tri ở thành phố Đà Nẵng hôm 27/4/2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho hay và được báo chí Nhà nước trích dẫn: “Chúng ta xử lý tham nhũng lớn nhưng cũng xử lý cả tham nhũng vặt”. Cũng theo ông Thưởng, làm thất thoát lớn phải xử lý nghiêm, nhưng tham nhũng vặt cũng phải xử lý nghiêm.

Nhưng đáng tiếc, theo lời cựu Trung tá Vũ Minh Trí, chỉ những người tham nhũng vặt với số tiền vài chục triệu đồng thì bị xử nghiêm, thậm chí nhận bản án quá nặng... Còn quan chức phải chịu trách nhiệm khi thất thoát hàng trăm tỷ đồng tiền Nhà nước thì được "về hưu theo nguyện vọng cá nhân".(!?)

Ngoài những trường hợp ông Vũ Minh Trí vừa nêu, vào năm 2022, ông Lê Minh Tấn, giám đốc Sở Lao động, Thương binh và xã hội TP HCM, được duyệt cho về hưu sớm trong khi đang bị điều tra về những tố cáo liên quan đến vụ tranh tiền hỗ trợ COVID – 19, cũng khiến dư luận bức xúc.

Trong những năm vừa qua có rất nhiều những nhân vật mà dư luận xã hội và người dân cho rằng cộm cán trong vấn đề tham nhũng.

-Luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài

Luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài từ Đức quốc hôm 28/4, nói:

“Trong những năm vừa qua có rất nhiều những nhân vật mà dư luận xã hội và người dân cho rằng cộm cán trong vấn đề tham nhũng. Ví dụ như ông Lê Thanh Hải và cựu Bí thư Thành ủy TPHCM và ông Chủ tịch TPHCM Lê Hoàng Quân là một cặp. Dư luận cho rằng hai nhân vật này liên quan rất nhiều những vụ án như Tân Hiệp Phát, Vạn Thịnh Phát vừa khởi tố... nhưng trong suốt những năm qua, người dân chờ đợi họ bị xử lý, nhưng đến giây phút này họ vẫn hạ cánh an toàn. Rồi hai nhân vật ở phía Bắc là Hoàng Trung Hải và ông Nguyễn Văn Bình cả hai người này vi phạm rất nhiều. Ông Hải có nhiều vi phạm vào thời làm Phó Thủ tướng và ông Bình vi phạm rất nhiều khi làm Thống đốc ngân hàng, nhưng hai nhân vật này chỉ bị kỷ luật và hạ cánh an toàn.”

Theo Luật sư Nguyễn Văn Đài, ông Hải và ông Bình là những người mà dư luận xã hội bức xúc, do đó những lời tuyên bố của ông Võ Văn Thưởng là hoàn toàn không đúng. Ông Đài nói tiếp:

“Đồng thời ngay cả ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, cũng nói là không có vùng cấm... Nhưng thực tế đã có rất nhiều những vùng cấm mà ông ta chưa dám đụng đến. Một nhân vật mà ai cũng biết là Tô Lâm, vi phạm rất nhiều từ vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thành, vụ ăn bò dát vàng, rồi vụ ổng ký hai công văn cho phép MobiFone mua AVG, rồi những vụ liên quan đến hộ chiếu, rồi việc tranh chấp quyền lực với Bộ Giao thông Vận tải... Rất nhiều vụ nhưng ông Lâm vẫn là cánh tay phải của ông Nguyễn Phú Trọng.”

Theo Luật sư Đài, việc những nhà lãnh đạo cấp cao của chính quyền cộng sản Việt Nam như Nguyễn Phú Trọng hay Võ Văn Thưởng cho dù tuyên bố là không có vùng cấm, hay có hay không có quan chức nào được hạ cánh an toàn, kể cả về hưu... thì đấy cũng chỉ là những tuyên bố để mị dân.

🔝

Từ xét xử cựu giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội trong chiến dịch “Đốt lò” tới giải quyết gốc rễ nạn tham nhũng

Quốc Phương, cộng tác viên RFA Tiếng Việt từ London

2023.04.17

RFA

Phiên tòa xử cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn và đồng phạm ở Hà Nội hôm 17/4/2023. Pháp luật và Xã hội

Một cựu Giám đốc Bệnh viện tim ở Hà Nội, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Quang Tuấn, cùng một số bị can cùng vụ án đã ra tòa tại thành phố Hà Nội, ngày 17/04/2023, truyền thông chính thức của Nhà nước Việt Nam cùng ngày đưa tin.

Ông Nguyễn Quang Tuấn bị xét xử trong vụ án mà ông và các bị cáo bị cáo buộc vi phạm đấu thầu hơn 4.500 vật tư y tế xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội, gây thiệt hại hơn 53 tỷ đồng, vẫn theo báo chí chính thống hôm thứ hai.

Từ Australia, bác sỹ David Phan Đình Hiệp, một nhà hoạt động truyền thông có quan tâm các vấn đề quản lý y tế, chăm sóc sức khỏe và các khía cạnh xã hội ở Việt Nam, đưa ra bình luận:

“Tiến sỹ, Bác sỹ Nguyễn Quang Tuấn, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội hôm nay được đưa ra xét xử cùng với nhiều bị cáo khác liên quan vấn đề vi phạm trong đấu thầu vật tư y tế, việc này xảy ra nói thực là rất khó để giải quyết được.

“Bởi vì trước đây đến giờ, hệ thống y tế của Việt Nam vẫn theo cách thức là Giám đốc Bệnh viện nắm tất cả, tức là có rất nhiều ảnh hưởng đến vấn đề chuyên môn và lợi ích kinh tế, và nếu có thể nói thẳng được, trước nay có rất nhiều trường hợp, ví dụ quen biết thì đẩy vào làm, rồi có khi quen biết thì đấu thầu ăn chia với nhau. Nó luôn luôn xảy ra và xảy ra rất nhiều.

“Rất hiếm khi người nào lên làm lãnh đạo mà giữ được vị trí trung lập, một cơ chế khi mà mức lương, đãi ngộ không đủ cao, điều kiện lại để người ta có quyền lực tuyệt đối thì dẫn đến tha hóa tuyệt đối.”

Lấy ví dụ về vấn đề này, bác sỹ David Phan Đình Hiệp, người đang hành nghề bác sỹ gia đình tại thành phố Melbourne, nói:

“Ví dụ như tôi ký hợp đồng này đi, thì cho tôi 5% giá trị hợp đồng thôi, nếu mà chúng ta tính ra tiền tỷ, thì số tiền sẽ là rất lớn. Và người này ăn được, thì người khác cũng ăn được và nó tạo thành một cơ chế, guồng máy. Cá nhân tôi không (theo dõi) ở bên trong vụ này, nên không biết nội vụ ra sao, nên chúng ta cứ đợi phiên tòa xử.

“Nhưng dù muốn hay không, có thể khẳng định rằng trường hợp này không phải là trường hợp duy nhất, tôi tin chắc rằng đã có rất nhiều trường hợp khác cũng đã xảy ra.”

Cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn ra tòa hôm 17/4/2023. Hình: Lao Động

“Tất cả là do thiếu đối lập?”

Gần đây, cũng đã xảy ra một số vụ việc khác, bên cạnh vụ việc trên ở Bệnh viện Tim Hà Nội, đó là, chẳng hạn các vụ Việt Á, được biết đến như là một ‘đại án’ nâng khống giá bộ xét nghiệm COVID-19, rồi vụ “các chuyến bay giải cứu”, cũng diễn ra trong cao điểm đại dịch COVID-19 ở Việt Nam, mà trong đó nhiều cán bộ và cán bộ quản lý thuộc ngành y tế ở Việt Nam, bên cạnh các ban, bộ, ngành khác đã bị bắt giữ, khởi tố, xâu chuỗi lại các sự kiện, bác sỹ David Phan Đình Hiệp, người từng tu nghiệp và tốt nghiệp tại Đại học Y Hà Nội trước đây, nói:

“Tất cả cái này nằm trong cơ chế chung là Việt Nam không có đối lập ngay từ đầu, Việt Nam không có cơ chế đối lập ngay từ nguyên thủy, thành ra mọi vấn đề cứ đùn lên, người ta gọi là ‘ăn quen, bén mùi’, và chuyện đó sẽ tiếp tục xảy ra cho đến khi luôn luôn sẽ có đối lập.

“Ví dụ ai đó làm cái gì, thì luôn luôn đối lập sẽ khui ra được, còn nếu anh cứ để một cơ chế mà chỉ có một người làm lãnh đạo và tất cả trên dưới theo một guồng đó, và Việt Nam vẫn còn tư tưởng tôn sùng lãnh tụ, chẳng hạn như một người lên làm Giám đốc bệnh viện, thì cả làng cứ hô tụng rằng người đó giỏi.

“Xin thưa, người ta phải tách biệt rõ, một bên là chuyên môn, một bên là quản lý. Cách đây chừng 6-7 năm, tôi cũng đã viết một bài là đừng để nhân viên y tế làm chuyên môn giỏi đi làm quản lý về kinh tế. Rất hiếm khi người nào có hai khả năng, mà thường thì chúng ta chỉ có một khả năng.”

Theo bác sỹ David Phan Đình Hiệp, khi một thày thuốc hay cán bộ chuyên môn ngành y được đưa vào vị trí quản lý kinh tế đó, có khả năng rất cao là sẽ gây ra lãng phí chuyên viên, chuyên gia đó, và thậm chí có thể dẫn tới việc người đó bị hư hỏng do môi trường quản lý đó thúc đẩy, gây ra.

“Tâm đức và chứng chỉ chính trị cao cấp”

Về trường hợp của Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Quang Tuấn, bác sỹ Phan Đình Hiệp nói tiếp:

“Việc bác sỹ Nguyễn Quang Tuấn đang bị xét xử hôm nay, thì trong ngành y tế, rất nhiều người lao xao lắm, ví dụ ai cũng biết bác sỹ Tuấn là người có tài về mặt chuyên môn, bản thân tôi học sau anh Tuấn một năm nên có biết.

“Nếu anh làm chuyên môn không thôi, thì tất cả chúng ta đều tôn trọng anh, nhưng mà khi anh chuyển sang làm quản lý kinh tế, thì có khi vì lợi ích kinh tế thì anh nâng giá đấu thầu lên, khi đó nó sẽ giáng giá cả xuống đầu dân, như vậy cái tâm đức của anh nằm chỗ nào?

“Nhưng rõ ràng nhiều bác sỹ, thầy thuốc còn đang lưỡng lự chuyện (mô hình sử dụng con người) đó, nhưng rõ ràng cái nào, chuyện nào ra chuyện nấy, và cái đó Việt Nam chưa quen rạch ròi.”

Nhân dịp này, bác sỹ Hiệp, nhà hoạt động truyền thông và phản biện chính sách y tế, xã hội Việt Nam từ Úc cũng phát biểu quan điểm cho rằng từ năm ngoái Việt Nam đã bổ nhiệm một quan chức không có chuyên môn đào tạo từ lĩnh vực y tế, y học vào vị trí Bộ trưởng ngành này, ông cho rằng tuy còn chờ kết quả, nhưng diễn biến này cũng có thể đi theo mô hình ở nhiều nước đang phát triển, mà ông lấy nước Úc làm thí dụ, là nơi có nhiều đời Bộ trưởng y tế không phải là thầy thuốc, bác sỹ, dược sỹ…

Bác sỹ Phan Đình Hiệp cũng cho rằng, trong trường hợp đó, Nhà nước Việt Nam cần giảm thời lượng đào tạo các môn, chứng chỉ chính trị cao cấp, để những người được dự kiến bổ nhiệm đó được đào tạo về các vấn đề liên quan tới quản lý y tế, quản lý vận hành hệ thống y dược, chăm sóc sức khỏe, bệnh viện, các cơ sở y tế khác, và đặc biệt, như một thí dụ, tạo điều kiện cho các ứng viên được đào tạo kỹ lưỡng và đầy đủ chẳng hạn về đấu thầu trong vật tư y tế chẳng hạn, để họ làm tốt công việc được giao phó.

Cũng quan tâm tới phiên xử này, cũng như các vấn đề y tế, xã hội tại Việt Nam, từ Berlin, CHLB Đức, nhà báo, nhà văn Võ Thị Hảo, nêu quan điểm riêng của mình:

Tôi nghĩ rằng khi Việt Nam phát hiện và đưa ra trước pháp luật bất cứ vụ tiêu cực, tham nhũng, hối lộ nào cũng là rất cần thiết. Quan trọng là từ khâu điều tra đến xét xử phải công bằng. Đám quan chức và hệ thống nhóm lợi ích của họ - nói thẳng một từ cho đúng bản chất là: “lũ siêu trộm cướp” - trong mọi lĩnh vực tại Việt Nam đã ngày càng táo tợn và bất lương vô đối do thể chế độc tài triệt tiêu cơ chế kiểm soát và thu hút những kẻ bất lương.

“Những vụ bê bối của ngành y tế gần đây, đặc biệt là từ đại dịch COVID-19 khiến người ta ghê tởm khi đó luôn là ngành đặc biệt liên quan tối thượng đến sinh mạng, lương tâm và đạo đức toàn dân. Ông Nguyễn Quang Tuấn chỉ là Giám đốc một bệnh viện thôi, mà – theo cáo trạng - và nếu cáo trạng này đúng – chỉ trong năm gói thầu đã cấu kết với một số công ty tạo thành nhóm trộm cướp của người bệnh và quỹ Bảo hiểm y tế 54 tỷ đồng. Có bao nhiêu người dân Việt Nam đã chết oan dưới bàn tay tham lam của đám này? Có bao nhiêu quan chức cấp trên ăn hối lộ nhưng chưa bị động tới và thoát lửa “đốt lò” trong vụ này và nhiều vụ khác?!”

“Đã xử lý được gốc rễ, hay mới chỉ là phần ngọn?”

Khi được hỏi “đốt lò” như thế là đã giải quyết phần ngọn, phần thân hay là đã tới gốc rễ vấn đề, như trong vụ án trên, hay trong vụ Việt Á, hoặc vụ “các chuyến bay giải cứu” mà ngành y tế cũng có nhiều cán bộ và cán bộ quản lý liên can bị xử lý, bắt giữ, truy tố, điều tra, bà Võ Thị Hảo đáp:

“Qua nhiều vụ ‘đốt lò’, dẫu là vì nguyên nhân và mục đích gì, cái lợi là khiến cho người ta ngày càng biết thêm bên trong sự đáng ghê tởm của vô số ‘con đỉa’ có chức quyền được khoác đủ thứ ‘áo choàng’ lòe loẹt của thể chế độc tài ngày càng không thể kiểm soát nạn trộm cướp từ các kiểu có quyền lực dù lớn nhỏ.

“Đơn cử trường hợp chức nhỏ như Nguyễn Quang Tuấn, đã có đủ thứ danh hiệu Giáo sư, Tiến sỹ y khoa, là Đại biểu Quốc hội từ năm 2016-2021, danh hiệu Công dân thủ đô ưu tú, Bệnh viện Tim hai lần được tặng Huân chương Lao động v.v…, mà chỉ qua năm vụ đấu thầu đã trộm cướp được mấy chục tỷ đồng.”

Liên hệ mở rộng ra, với việc cả Việt Nam hiện có khoảng 1.150 bệnh viện công, 182 bệnh viện tư, chưa kể một hệ thống với rất nhiều phòng khám chữa bệnh khác nữa trong cả nước, bà Võ Thị Hảo nói thêm:

Cái cung cách đấu thầu trộm cướp đó rất phổ biến ở Việt Nam và như thế người dân còn gì để hy vọng? Dẫu một y bác sĩ có lương tâm mấy thì người đó cũng phải ‘nhúng chàm’ bởi cái cơ chế ‘trộm cướp’ đó từ cấp trên đặt họ vào.

“Tôi xin nói thẳng, ít ra là giá khám chữa bệnh, giá thuốc và vật tư, dịch vụ y tế, chăm sóc, khám chữa bệnh cao đến mức nhiều người bệnh và gia đình họ phải táng gia bại sản. Khốn khổ thay, khi bước vào bệnh viện, người dân đã trở thành một kiểu dân oan, theo một ý nghĩa nào đó của việc bị tước đoạt tài sản và cơ hội chăm sóc y tế, sức khỏe như điều kiện sống cơ bản.

“Do đó, tôi cho rằng vấn đề của các vụ ‘đốt lò’ là chỉ giải quyết phần ngọn, bỏ qua cái gốc chống tham nhũng quyền lực, khiến lũ sâu mọt tha hồ đục rỗng. Điều này luôn khiến cho ‘lũ đỉa’ tham nhũng sinh sôi và các vụ trộm cướp sau lại táo tợn hơn, khiến cho người dân Việt Nam ngày càng bị tổn thương hơn so với các vụ trước.”

Tham nhũng kinh tài, “đốt lò” và tính chính danh của Đảng Cộng sản?

Mấy năm gần đây, truyền thông và báo chí của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam liên tục đưa tin về các thành tích chống tham nhũng, tiêu cực do ban lãnh đạo Đảng do ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư và các cộng sự thuộc các ban ngành từ trung ương tới địa phương tiến hành, coi đây là “dấu ấn”, “dấu son” của Tổng Bí thư và các nhiệm kỳ lãnh đạo đảng, chính quyền các cấp, so với thời kỳ của các Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và cả Thủ tướng tiền nhiệm.

Nhiều báo của Đảng và Nhà nước tại Việt Nam cũng đã trích dẫn các số liệu từ báo cáo của một số tổ chức quốc tế và nước ngoài “ghi nhận” việc chống tham nhũng qua chiến dịch “đốt lò” ở Việt Nam đã giúp làm tăng thứ hạng trên bảng xếp hạng, chẳng hạn của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, trong đó, chỉ số này được báo chí chính thống Việt Nam trích lại và nêu rõ là năm 2021, Việt Nam đạt hạng “87/180 quốc gia trên bảng cảm nhận” về tham nhũng của International Transparency.

Chỉ số này, được cho là tăng từ hạng 104 theo thống kê công bố năm 2020 và vào thời điểm đó, Việt Nam đứng thứ 21 trong 35 quốc gia được đánh giá về tham nhũng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, vẫn theo các nguồn này.

Nhiều báo và cơ quan truyền thông chính thống của chính quyền Việt Nam cũng dẫn lời một số tổ chức quốc tế “đánh giá tích cực” thành tích chống tham nhũng, tiêu cực trong giai đoạn mấy năm qua, với Việt Nam có quyết tâm và cam kết điều tra, xử lý, trừng phạt tham nhũng “không có vùng cấm”, làm hàng trăm cán bộ trung cao, chưa kể cán bộ Đảng, chính quyền cơ sở phải bị xử lý theo kỷ luật nội bộ của Đảng và xử lý pháp luật hình sự theo quy chế luật pháp hiện hành của Nhà nước Việt Nam v.v…

Tuy nhiên, trên quan điểm cá nhân của mình từ CHLB Đức, nhà báo, nhà văn Võ Thị Hảo, đưa ra một nhận định khác, và có liên hệ giữa các chiến dịch “Đốt lò” với điều được cho là cố đảm bảo “tính chính danh” của chế độ do Đảng Cộng sản lãnh đạo độc tôn, duy nhất tại Việt Nam, nơi mà như bác sỹ David Phan Đình Hiệp ở trên đưa ra bình luận, có sự thiếu vắng của cơ chế “đối lập” được hiểu mở rộng là tồn tại trong nhiều cơ tầng, bộ máy trong quản lý lãnh đạo ở các cấp, ban, ngành từ trung ương đến địa phương, trong đó có ngành y tế.

Bà Võ Thị Hảo nói: “Theo tôi, rõ ràng việc chống tham nhũng quyền lực bằng cách thiết lập tam quyền phân lập, đảm bảo tự do ngôn luận của dân là cái gốc duy nhất khả dĩ chống tham nhũng, tiêu cực. Không chống được tham nhũng quyền lực bằng một cơ chế hữu hiệu, đương nhiên không thể chống được tham nhũng kinh tài.

“Các động thái như trên đã nói, tiếc thay, nó đưa ra những tín hiệu rõ ràng về việc quan chức và các nhóm lợi ích cần chọn lựa, gấp gáp cấu kết “cánh hẩu” với những vị có quyền lực nhất trong bộ máy cầm quyền thì mới giữ được quyền lợi, nếu không muốn bị trở thành ‘củi đốt lò’”.

“Như thế, theo tôi, một thể chế độc tài, triệt tiêu cơ chế giám sát độc lập và tự do ngôn luận thì không bao giờ đảm bảo được tính chính danh,” nhà báo, nhà văn Võ Thị Hảo từ Berlin chia sẻ quan sát trên quan điểm cá nhân hôm 17/4/2023.

Trở lại với phiên xét xử vụ án liên quan cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cùng các bị cáo cùng vụ án được truyền thông chính thống Nhà nước hôm thứ Hai 17/4 đưa tin đồng loạt, tờ VnExpress.net, trên chuyên mục Pháp luật cho hay:

“Bệnh viện Tim Hà Nội là nguyên đơn dân sự. Phiên toà tại TAND Hà Nội dự kiến kéo dài năm ngày, do thẩm phán Nguyễn Xuân Văn làm chủ toạ. 19 luật sư đăng ký bào chữa cho các bị cáo, trong đó ông Tuấn có hai người…

Tại tòa, cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn giải thích do "tình trạng cấp bách, nguy cơ đóng cửa vì thiếu vật tư", ông đã chỉ định bốn gói thầu, không đấu thầu tập trung.”

Chiều 17/4, trong phiên xét xử vụ án vi phạm quy định đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội, ông Tuấn nhanh chóng thừa nhận các cáo buộc Vi phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, theo khoản 3 điều 222 Bộ luật Hình sự, nói "nhận thức được sai phạm". Tuy nhiên, ông khẳng định “không vụ lợi, không được thoả thuận ăn chia gì từ việc chênh giá,” vẫn theo báo mạng VnExpress đưa tin vào lúc phiên tòa vẫn còn diễn ra.

🔝

Tài sản “khủng” của quan chức Nhà nước từ đâu mà có?

RFA

2022.10.19

Cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM - Tất Thành Cang tại một phiên tòa. Công An Nhân Dân

Do tham ô tài sản

Hôm 14 tháng 10 năm 2022, bị cáo Tất Thành Cang, nguyên Phó bí thư Thành ủy TP. HCM bật khóc tại tòa, xin nộp tiền bồi thường trước khi tòa tuyên án hòng mong được giảm nhẹ mức án.

Sở dĩ ông Cang xin nộp tiền bồi thường trước khi tòa tuyên án, vì theo Nghị quyết 03/2020 về thu hồi tài sản tham nhũng có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 2 năm 2021, nếu người phạm tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ trong quá trình tố tụng chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ... sẽ không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt mà người phạm tội bị truy tố, xét xử, kể cả mức án tử hình cũng sẽ được hạ xuống chung thân. Chưa biết ông Cang nộp số tiền bồi thường là bao nhiêu, tuy nhiên với con số “khủng” thiệt hại mà ông này và đồng phạm gây ra được tòa thông tin lên đến hàng trăm tỉ đồng.

Trước đây, cựu Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông Nguyễn Bắc Son bị đề nghị mức án tử hình về tội nhận hối lộ trong thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG. Sau khi gia đình ông Nguyễn Bắc Son nộp lại tổng cộng 66 tỷ đồng, tương đương với số tiền ba triệu USD nhận được từ cựu Chủ tịch Hội đồng Quản Trị AVG, ông Phạm Nhật Vũ, ông Son được tòa giảm từ mức án tử hình xuống còn chung thân.

Mức độ giàu có của một số quan chức bây giờ thì không gì có thể tả được. Mức độ tham nhũng lên đến con số hết sức khủng khiếp vì làm việc không nghiêm. Chính quyền làm việc không nghiêm, các cơ quan Đảng kiểm soát không nghiêm cho nên người ta không thèm giấu diếm luôn. - Cựu Trung tá Quân đội Vũ Minh Trí

Chuyện quan chức Nhà nước giàu có là chuyện không lạ với hầu hết người dân Việt Nam. Nhưng ít ai biết chính xác vì đâu mà họ giàu như thế.

Theo cựu Trung tá Quân đội Vũ Minh Trí, tài sản có được là do tham nhũng. Ông nói:

“Mức độ giàu có của một số quan chức bây giờ thì không gì có thể tả được. Mức độ tham nhũng lên đến con số hết sức khủng khiếp vì làm việc không nghiêm. Chính quyền làm việc không nghiêm, các cơ quan Đảng kiểm soát không nghiêm cho nên người ta không thèm giấu diếm luôn.

Cả đời ăn lương ngân sách không đóng một đồng thuế thu nhập nào, thế nhưng khối tài sản của họ kếch xù mà hoàn toàn không bị ai kiểm tra, kiểm soát cả. Như thế cho thấy việc chống tham nhũng hoàn toàn không có tác dụng gì trong cái cơ chế như thế này. Bởi vì chống thì phải chống từ gốc. Mà cái gốc cái rễ của tình trạng tham nhũng là tham nhũng chính trị.”

Theo ông Trí, tham nhũng chính trị xuất phát từ một nhóm người không do Nhân dân bầu lên. Họ tự chiếm đoạt quyền lãnh đạo từ nhiều chục năm qua. Từ tham nhũng chính trị dẫn đến những loại tham nhũng khác do cơ chế.

Và nhận hối lộ

Nói đến tài sản quan chức do tham nhũng mà có như lập luận của ông Trí, có thể điểm qua một số trường hợp mà đương cử như trường hợp ông Nguyễn Bắc Son. Ông này từng khai đã nhận số tiền ba triệu đôla ‘lại quả’ từ ông Phạm Nhật Vũ trong vụ án MobiFone mua 95% cổ phần của AVG cách đây vài năm. Hoặc như nguyên Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung, tài sản bị tịch biên của ông Chung cũng lên tới con số ba căn nhà, đất tại trung tâm thành phố Hà Nội. Sự vụ gần đây nhất được “lộ” ra là dàn xe hơi tiền tỷ gồm bốn chiếc của nguyên Chủ tịch TP. Hạ Long Phạm Hồng Hà vừa bị niêm phong trong một vụ án..v.v.

Các bị cáo tại phiên toà. Cand.com.vn

Ông Đinh Kim Phúc, một nhà quan sát tình hình chính trị trong nước nhận định về vấn đề này:

“Từ khi Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, và nhất là có Luật Đầu tư nước ngoài, các nước tư bản tràn vào Việt Nam làm ăn thì chúng ta thấy rằng cái phát triển kinh tế có vượt bậc so với 10 năm đầu sau 1975. Nhưng đi đôi với đó là quan chức giàu lên một cách không tưởng tượng được.

Ví dụ Tất Thành Cang. Với mức lương và phụ cấp của một Phó bí thư thường trực Thành ủy không quá 25 triệu đồng/tháng, tiền đâu mà ông ta nộp khắc phục hậu quả hàng ngàn tỷ ông ta phá? Nếu ông ta có tiền nộp cho tòa thì đồng tiền này chính là đồng tiền tham nhũng và hối lộ.  

Trước đây, ông Mai Tiến Dũng phát biểu một câu để đời: ‘Nếu chúng ta sai chúng ta nhận lỗi trước dân nếu dân sai dân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật’. Một câu nói tát nước vào một cái nhà nước hiện nay gọi là nền dân chủ XHCN, Nhà nước pháp quyền XHCN”.

Theo ông Đinh Kim Phúc, không một thế lực thù địch nào có thể làm cho chế độ này sụp đổ. Chính trong nội bộ của Đảng với những đảng viên tham nhũng, tham ô; chính những thành phần đứng trên bục nói rất tốt nhưng bên trong thò tay vào ‘bóp cổ’ dân, ăn cắp ngân sách Nhà nước, đem tài sản ra nước ngoài…mới là những thành phần phá hoại chế độ, chống lại Đảng, chống lại Nhân dân.

Chuyện quan chức giàu nhanh với nhiều tài sản không rõ nguồn gốc từng được người đứng đầu ĐCSVN đề cập đến khi chuẩn bị nhân sự cho Đại hội 13 cách đây hai năm. Lúc đó ông Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Không để lọt vào trung ương cán bộ kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà đất, tài sản không nguồn gốc”.

Ông Trọng cũng đã từng ra quy định kiểm tra tài sản 1.000 quan chức vào năm 2017, ngay sau khi xử lý kỷ luật một ủy viên Bộ Chính trị là Đinh La Thăng - Bí thư Thành ủy TP.HCM.

🔝

Việt Nam có thể tận diệt "tham nhũng" với cơ chế hiện hành?

RFA

2022.12.06

Xe chở ông Đinh La Thăng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam và nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, rời tòa án sau phiên tuyên án tại Hà Nội, ngày 22 tháng 1 năm 2018. Ảnh minh họa. REUTERS

Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc mới đây cho rằng, cần có cơ chế, chính sách để phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng, tiêu cực để không ai dám tham nhũng nữa.

Theo ông Trạc, việc phòng, chống tham nhũng được thực hiện từ lâu rồi nhưng đây là lần đầu tiên Trung ương đề ra những giải pháp kiểm soát quyền lực nhà nước như xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính; hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…

Trung tá quân đội Đinh Đức Long nhận định với RFA sáng ngày 6 tháng 12 liên quan vấn đề này:

“Nói nôm na, tham nhũng như một bệnh của xã hội bệnh của loài người từ khi có nhà nước, có chính quyền, có giai cấp. Có xung đột lợi ích thì sẽ có tham nhũng thôi. Mà chấm dứt được xung đột lợi ích thì tôi nghĩ sẽ không bao giờ có. Chỉ có thể hạn chế nó, kiểm soát nó và trừng phạt nó để người ta không dám tham nhũng. Muốn thế chỉ có cách là xây dựng nhà nước pháp quyền và phải có kiểm soát quyền lực. Phải xây dựng pháp luật chặt chẽ. Mà chỉ có thể chặt chẽ hơn chứ không thể nào bịt hết được. Có nghĩa tham nhũng chỉ có hạn chế chứ không thể diệt được.”

Chuyện chống tham nhũng ở Việt Nam được nói nhiều mấy năm gần đây với chiến dịch “đốt lò” của ông Nguyễn Phú Trọng. Thực chất, chuyện chống tham nhũng ở Việt Nam từng được ông Hồ Chí Minh- Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra sắc lệnh từ năm 1945. Ngày 23 tháng 11 năm 1945, ông Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 64-SL thành lập Ban Thanh tra đặc biệt. Sắc lệnh gồm tám điều, nêu rõ Chính phủ sẽ lập ngay một Ban Thanh tra đặc biệt để giám sát tất cả nhân viên của Ủy ban nhân dân và các cơ quan của Chính phủ. Đây được coi là văn kiện pháp lý đầu tiên về công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam.

Đến năm 2006, Văn kiện Đại hội Đảng khóa X nhận định: “Tham nhũng vẫn có chiều hướng phát triển ngày càng nghiêm trọng, xảy ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với phạm vi rộng, tính chất phức tạp, gây hậu quả xấu nhiều mặt, làm giảm sút lòng tin của nhân dân”. Ban Chấp hành Trung ương khóa X ban hành Nghị quyết số 04/NQ-TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Nó chỉ có giảm chứ không thể nào hết tham nhũng được cả. Nhưng cái cách mà chính phủ Việt Nam đang làm cũng không thể giảm được tham nhũng. Để chống tham nhũng có hiệu quả và thực chất thì mọi người phải nhìn xuyên suốt được nó, tức là phải minh bạch. Cái thứ hai là phải dựa trên nền tảng pháp quyền một cách đầy đủ. - Ông Hà Hoàng Hợp

Ngày 30 tháng 6 năm 2009, Chủ tịch Việt Nam lúc đó là ông Nguyễn Minh Triết ký Quyết định số 950/2009/QĐ-CTN “Về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng”. Theo đó, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Công ước kể từ ngày 19 tháng 8 năm 2009.    

Theo nhà quan sát chính trị Hà Hoàng Hợp, tham nhũng ở Việt Nam, không thể diệt mà chỉ có thể giảm. Ông nêu những điều kiện có thể:

“Nó chỉ có giảm chứ không thể nào hết tham nhũng được cả. Nhưng cái cách mà Chính phủ Việt Nam đang làm cũng không thể giảm được tham nhũng. Để chống tham nhũng có hiệu quả và thực chất thì mọi người phải nhìn xuyên suốt được nó, tức là phải minh bạch. Cái thứ hai là phải dựa trên nền tảng pháp quyền một cách đầy đủ. Các nước có dân chủ thì tham nhũng giảm, còn Việt Nam thì không thể giảm, thậm chí còn tăng, bởi những nước có pháp quyền rõ ràng, có dân chủ người ta giám sát lẫn nhau.

Việt Nam thì không ai giám sát ai. Người dân không giám sát được chính quyền. Chính quyền có làm cái gì sai thì người dân cũng không biết. Mà rất nhiều cái sai. Tóm lại là người dân phải có cái quyền tham gia chống tham nhũng.”

Cũng theo ông Hợp, bộ luật chống tham nhũng của Việt Nam là bộ luật rất tốt bởi nó dựa trên các bộ luật chống tham nhũng của rất nhiều nước. Bộ luật này được thông qua vào năm 2010. Ông nói tiếp:

“Kèm theo bộ luật đấy có từ tám cho đến 10 nghị định để nói cụ thể về chống tham nhũng. Trong đó có một quy định quan trọng là sự tham gia của người dân vào chống tham nhũng như thế nào. Nó có hết nhưng chính quyền người ta không để người dân tham gia. Người ta bưng bít.”

Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham dự Hội nghị ASEAN tại Hà Nội ngày 12/11/2020. AFP.

Để người dân tham gia chống tham nhũng cũng được chính Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đề cập đến vào tháng 6 vừa qua, trước khi Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm phòng, chống tham nhũng diễn ra. Báo Nhà nước dẫn phát biểu của ông Trạc rằng: “Phải biến hàng vạn, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, làm cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu không có chỗ ẩn nấp như Bác Hồ đã từng dạy chúng ta”.

Lúc đó, Tiến sĩ kinh tế Đinh Trọng Thịnh nêu nhận định với RFA về câu nói của ông Phan Đình Trạc:

“Đây là điều mà Đảng, Chính phủ và Nhà nước Việt Nam mong muốn hướng tới. Đó là công dân có quyền đặt ra và tìm hiểu về hoạt động của những công chức Nhà nước, những người mà có thể có các hành vi tham nhũng, lợi dụng chức quyền để mưu lợi cho cá nhân mình hoặc cho nhóm của mình. Điều đó có ghi hết trong hiến pháp và trong luật của Việt Nam nhưng trong thời gian vừa qua việc thực thi chưa đi vào nề nếp. Đôi khi các cơ quan Nhà nước chưa thực sự để ý hay là chưa thực sự lắng nghe ý kiến của quần chúng nhân dân.”

Ông Nguyễn Phú Trọng- Tổng Bí thư ĐCSVN, từng nói, cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ải dựa vào dân, lắng nghe dân, lắng nghe dư luận để chọn lọc, tiếp thu cái đúng, nhưng không chạy theo dư luận.

Điều 5 Luật phòng, chống tham nhũng quy định quyền và nghĩa vụ của công dân trong phòng, chống tham nhũng, công dân có quyền phát hiện, phản ánh, tố cáo, tố giác, báo tin về hành vi tham nhũng và được bảo vệ, khen thưởng theo quy định của pháp luật; có quyền kiến nghị với cơ quan nhà nước hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng và giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Công dân có nghĩa vụ hợp tác, giúp đỡ cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong phòng, chống tham nhũng.

Nói nôm na, tham nhũng như một bệnh của xã hội bệnh của loài người từ khi có nhà nước, có chính quyền, có giai cấp. Có xung đột lợi ích thì sẽ có tham nhũng thôi. Mà chấm dứt được xung đột lợi ích thì tôi nghĩ sẽ không bao giờ có. Chỉ có thể hạn chế nó, kiểm soát nó và trừng phạt nó để người ta không dám tham nhũng. - Ông Đinh Đức Long

Tuy luật đã có nhưng dường như người dân vẫn còn nghi ngại. Bà Hồng Lam, một người dân ở TP.HCM nói với RFA rằng, hôm nay thấy ông cán bộ A bị ông B bắt. Có khi ngày mai ông B lại bị ông C bắt. Nghĩa là ai cũng tham nhũng. Bà nêu quan điểm của mình:

“Tôi cảm thấy những cái đó nó không ảnh hưởng đến mình, bởi mấy ông có tham nhũng bao nhiêu ngàn tỷ thì dân cũng không biết. Có thu hồi lại mấy ngàn tỷ thì dân cũng chẳng được gì. Bản thân mình không kiểm soát được để biết nó tốt hay xấu.”

Văn kiện Đại hội XIII đã đưa ra nhiều chủ trương và giải pháp quyết liệt về phòng, chống tham nhũng như: Triển khai đồng bộ có hiệu quả quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, bảo đảm đúng pháp luật. Thực hiện quyết liệt nghiêm minh có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

🔝