Vượt qua Việt

logo-Lanhdao

acrobat  📂  🏠   

Lãnh đạo - Tác oai, tác quái - 1

Khi trẻ em bị dụ ăn… c*t gà

Về quả bóng tuyết tội ác trong ngành giáo dục

Thượng bất chính

Cần “xử lý thích đáng” những kẻ hăm doạ sự thật và bao che cho bạo lực

Chùm ‘chuyện nhỏ’ trong chuyện lớn, cách nào để cải?

Sự thật clip nữ sinh Hà Nội bị cô giáo đuổi 'cút ra khỏi lớp', quỳ khóc kiệt sức

Sự tráo trở của ngôn ngữ

Những ông vua trường học và phẩm chất nhà giáo

Lại câu chuyện ‘hành xử trong giáo dục

Nhắn các bạn học sinh và cha mẹ


Khi trẻ em bị dụ ăn… c*t gà

Capture à partir de :baotiengdan

Chu Mộng Long

3-10-2023

Mọi quan sát chỉ là cái bóng của sự thật. Sự thật nằm ở tinh thần hướng về sự tuyệt đối – Plato.

Sau khi cô giáo túm tóc, túm cổ, kéo lê nữ sinh để hành hình như thời trung cổ bị lộ ra ngoài, Hiệu trưởng đến tận lớp để răn đe:

– Tôi đã giao công an điều tra, hoặc kỉ luật hoặc bỏ tù đứa nào làm xấu hình ảnh của nhà trường! Ai đã làm việc đó thì tự giác khai báo để được khoan hồng…

Học sinh nghe vậy thì hào hứng vỗ tay hoan hô. Một em nghi ngờ đứng lên hỏi:

– Kỉ luật hay bỏ tù ai vậy thầy? Cô giáo hay bạn quay clip? Nếu cô giáo thì rõ quá rồi, khai báo gì nữa?

Hiệu trưởng trợn mắt quát:

– Trừng phạt cái đứa quay clip và phát tán lên mạng. Đó là truyền bá thông tin xấu, độc, gây tác hại đến nhà trường và cộng đồng. Theo quy định của pháp luật, tội này tương đương với tội ác của bọn thù địch, phản động!

Ảnh chụp màn hình

Dừng lại giây lát cho có tiết tấu, Hiệu trưởng tiếp:

– Tao nói cho chúng mày biết, nhà tù tra tấn tù nhân còn cấm tiết lộ thông tin ra ngoài, huống hồ là nhà trường!

Cả lớp nghe vậy mà phát run. Có đứa đái trong quần. Lại có đứa xì xào: “Bỏ mẹ rồi! Chúng ta thành thù địch, phản động hết!” “Nói vậy thì cô giáo thuộc lực lượng tiến bộ, cách mạng. Cô giáo hành hình học sinh là thực hiện ý chí của Hiệu trưởng!” “Đồng chí với nhau mà!” “Nhà trường hơn cả nhà tù đấy!”…

Không để học sinh bàn tán, Hiệu trưởng hất hàm hỏi:

– Đứa nào quay clip và phát tán lên mạng? Khai luôn kẻ nào đã xúi giục chúng mày?

Cả lớp gục đầu xuống bàn. Không đứa nào dám nhìn vào mắt Hiệu trưởng, cái đôi mắt rực lửa căm hờn trước thế lực thù địch là đám học sinh kia.

Đối mặt với tình thế ngoan cố, thà chết không khai của học sinh, Hiệu trưởng buộc phải chỉ định một đứa có gương mặt trẻ con nhút nhát nhất lớp để hỏi. Cu cậu đứng lên với đũng quần ướt đẫm:

– Thưa thầy, em thấy báo đăng Chủ tịch nước khuyên rằng “Đất nước rất cần những tiếng nói trung thực, quả cảm”. Lẽ nào chúng em phản đối bạo lực học đường từ phía thầy cô giáo là sai?

Ảnh: Báo Tuổi Trẻ

Hiệu trưởng bất ngờ trước câu trả lời ấy. Nhưng rất thông minh như một nhà hùng biện chân chính, Hiệu trưởng nói:

– Cần trung thực, quả cảm là cần những người như tao và cô giáo dám trị tội chúng mày. Cũng như lãnh đạo ta đang ngày đêm chống các thế lực thù địch, phản động vậy. Còn chúng mày làm theo điều ấy ắt không thù địch, phản động thì cũng chỉ là trẻ con bị dụ ăn c*t gà. Hiểu chửa?

Cả lớp hiểu. Bọn trẻ rùng mình nhớ lại hình ảnh nữ sinh bị kéo lê kéo lết như con chó hoang bị hành hình trước khi đưa vào lò mổ…

Sau khi trấn áp học sinh, Hiệu trưởng rất tự tin đã đưa thông tin tốt ra ngoài đời sống và giải độc thông tin học sinh đã tung lên mạng xã hội.

🔝

Về quả bóng tuyết tội ác trong ngành giáo dục

Capture à partir de :baotiengdan

Chu Mộng Long

5-10-2023

Đọc báo thấy nói cô giáo ở Sóc Sơn hành hình học sinh trước cửa lớp học chỉ vì miếng bánh trung thu mà cả đêm tôi không ngủ được. Đúng là miếng ăn miếng nhục. Còn gì xấu hơn nữa mà hiệu trưởng phải cho công an điều tra để trừng phạt học sinh quay và chia sẻ hình ảnh ấy lên mạng xã hội?

Sự việc đơn giản là học sinh được cô giáo giao nhiệm vụ đi mua bánh trung thu, nhưng học sinh đã không mua đúng địa chỉ cô chỉ dẫn. Dễ hiểu cái địa chỉ ấy như là đại lý phân phối mà cô giáo là môi giới để nhận hoa hồng. Mất cái ăn lộn cổ lên đầu, nên cô mới túm tóc, túm cổ học sinh kéo lê kéo lết để hành hình, mặc dù học sinh đã quỳ gối van xin cô tha tội.

Sự vụ cho phép mọi người liên tưởng đến đủ các trò kiếm ăn trong ngành giáo dục. Ăn hoa hồng sách giáo khoa, thiết bị, đồng phục,… cho đến nay thì lộ cả đớp và táp luôn phần hoa hồng trong cái bánh trung thu cho các cháu!

Hoa hồng mà cứ như máu tanh quyến rũ quỷ sứ vậy!

Chuyện cô giáo ăn hoa hồng trong mua bánh trung thu là chuyện nhỏ. Nhưng nó xâu kết thành hệ thống với hoa hồng sách giáo khoa, thiết bị, đồng phục,… Cho nên dễ hiểu ông hiệu trưởng phải răn đe đòi bỏ tù học sinh để tự che đậy cho cái mồm thích hoa hồng của mình.

Mất ăn từ cái bánh trung thu nên cái ác chỉ giới hạn ở việc hành hình bằng túm tóc, túm cổ, kéo lê kéo lết học sinh. Dễ hiểu là khi mất cái ăn lớn hơn như trường hợp hiệu trưởng ở Sơn La mất chức, bà vợ dám bỏ luôn thuốc độc vào thức ăn để giết hại hàng trăm học sinh. Tôi hình dung ở Sóc Sơn, nếu bị mất chức, tên hiệu trưởng đòi bỏ tù học sinh ấy cũng có thể giết người hàng loạt!

Tội ác như quả bóng tuyết càng lăn càng to. Mà nó lăn công khai giữa môi trường giáo dục, nơi người ta leo lẻo nói về điều thiện để dạy trẻ em. Cứ như bắt chúng mày phải thiện đi để chúng tao được quyền tự do ác!

Trong thế giới loài vật có sự tranh chấp miếng ăn vì bản năng sinh tồn. Con người từ khi có giáo dục, nó đã biết vượt lên trên bản năng sinh tồn bằng cách cái ăn được mang ra chia sẻ. Con người ăn bằng cả tâm hồn chứ không thuần túy xác thịt. Marx nói cái ăn của con người không thuần túy là nhục dục mà còn là tinh thần, nhưng ông đã không lường trước thành phần lấy chủ nghĩa mang tên ông làm kim chỉ nam đã vứt bỏ hoàn toàn phần tinh thần, để chỉ còn lại một đống xôi thịt!

Hình ảnh cái cô giáo trong clip còn thấp hơn động vật khi không tranh ăn được thì xé xác đồng loại. Đó chỉ có thể là quỷ đội lốt nhà giáo. Và tên hiệu trưởng kia đã biến nhà trường thành động quỷ!

Tôi dày dạn một đời mà còn bị ám thị hình ảnh tên hiệu trưởng đe doạ bỏ tù học sinh chia sẻ clip kia, huống hồ là trẻ con. Y cứ hiện ra trước mặt với bộ răng nanh nhọn hoắt, cái mồm đầy máu tươi. Nói học sinh quay và chia sẻ clip để công khai bằng chứng tội ác là phát tán thông tin xấu, độc thì khác gì quỷ ngậm máu phun người?

Ảnh chụp màn hình

Tôi tin cơ quan chức năng ở địa phương sẽ không trừng phạt con quỷ đội lốt hiệu trưởng ấy, mặc dù hành vi của y chắc chắn gây chấn thương nặng nề tâm lý của bọn trẻ ở trường này. Không trừng phạt thì cũng đồng nghĩa với nuôi dưỡng, góp phần đẩy quả bóng tuyết tội ác lăn xa và to hơn.

Không ngẫu nhiên mà tội ác trong ngành giáo dục ngày một hoành hành công khai và ghê tởm hơn. Dễ hiểu là tội ác ấy được nuôi dưỡng bởi một thứ luật cấm cả thành văn lẫn không thành văn. Ai cũng biết các cơ quan nhà nước, đặc biệt là trường học nghiêm cấm chia sẻ thông tin bị cho là tiêu cực. Tiêu cực do chính quan chức và thầy cô gây ra nhưng người chia sẻ lại bị quy tội phát tán thông tin xấu, độc. Nhiều nhà trường còn cấm cả việc biểu hiện cảm xúc như bấm like, thả tim, thả nụ cười… Cảm xúc thích hay chán, vui hay buồn, yêu thương phẫn nộ của con người cũng bị cấm thì rõ ràng giáo dục đang biến con người thành thứ vô tri vô giác!

Cấm chia sẻ, cấm luôn cả thể hiện cảm xúc trước thông tin tiêu cực chính là làm tê liệt cái thiện, để cái ác lộng hành. Trong thế giới loài vật của nhà văn George Orwell cũng chưa có sự cai trị khủng khiếp như vậy!

🔝

Thượng bất chính

Capture à partir de :baotiengdan

Nguyễn Huy Cường

3-10-2023

Sau vụ việc cô giáo ở trường THPT Đa Phúc (Sóc Sơn, Hà Nội) chửi thậm tệ một nữ sinh lớp 12 ngay tại lớp học, khi em này đi mua bánh sinh nhật cho lớp theo lệnh cô nhưng không đến đúng cửa hàng mà cô giáo đã chỉ định.

Sau đó nữ sinh phải quỳ gối van xin suốt hai giờ và cô giáo đã lôi học sinh này lên bục. Khi báo chí phỏng vấn, Hiệu trưởng đã nói:

Ngay sau khi sự việc xảy ra đã nhắc nhở giáo viên có hành vi kéo học sinh đứng lên chưa chuẩn mực, hành động chưa đúng với vị trí của giáo viên chủ nhiệm, yêu cầu giáo viên về viết tường trình chi tiết sự việc”.

Cách trả lời này hàm chứa rất nhiều đặc tính “xã hội chủ nghĩa” bấy lâu nay ở nhiều cấp quyền, tương tự như vụ bắn nhầm … dê núi.

Họ nói cái gì đó, đẩy xa cốt lõi vụ việc, làm giảm nhẹ tội lỗi cho đương sự.

Ở những vụ việc khác thì ta bàn sau, nay xoáy vào ông Hiệu trưởng này và nhiều ông bà Hiệu trưởng trong những hoàn cảnh tương tự.

Tôi xin phân tích:

Một là tay Hiệu trưởng này chỉ nhìn nhận lỗi của “cô giáo” kia ở phần “kéo học sinh đứng dậy” là chưa… chuẩn mực.

Cần biết, cách trả lời rất LƯU MANH này, rất tệ. Nó làm cho nhiều người không biết tường tận vụ việc, hiểu là cô giáo chỉ “kéo em học sinh đứng lên” một cách “chưa chuẩn mực” thì thôi, cho qua được rồi, làm gì mà ầm ĩ thế?

Nếu học sinh ngã té, cô kéo giúp lên thì còn phải cảm ơn cô ấy chứ!

Lưu manh! Tôi nhắc lại hai chữ Lưu manh.

Hành vi kéo lê em học sinh mang đậm tính hành hạ, bạo lực, chứ không đơn thuần là … kéo em đứng dậy.

Nếu ở các nước văn minh hoặc ở một kịch bản khác, có thể đuổi việc cô này.

Cách nói trí trá này (Giống như cách nói “Tưởng là dê núi” nên bắn nhầm ở Ứng Hòa bữa trước) trước hết là dối trá.

Nó nằm trong chuỗi hành vi láo xược, vô học của cô giáo thể hiện tường tận trong băng ghi âm và tường trình của nhiều học sinh mà tay Hiệu trưởng Lưu manh này cố “Lái” sang việc “Kéo học sinh đứng dậy” là một cách nhắm mắt, bịt tai rất tệ hại.

Tiếp:

Hành vi của “cô giáo” thể hiện trong băng ghi âm (*) thể hiện sự mất dạy, cửa quyền đến khốn nạn của “cô giáo” này nhưng trong phát ngôn của hiệu trưởng lưu manh coi như vô sự, chỉ nhắc nhẹ đến hành vi “kéo học sinh đứng dậy” một cách … không chuẩn mực thôi, còn phát ngôn hạ đẳng của cô ta, coi như vô sự! Nói để biết Hiệu trưởng này là loại người nào?

Thưa các bạn, loạt bài về Giáo dục của tôi theo dự cảm thì hôm nay đăng bài “Giáo viên: Một cổ mấy tròng” xong, sẽ đến bài “Những tể tướng Hiệu trưởng”.

Nhưng vụ việc này buộc tôi phải viết bài này, để chỉ ra một điều: Ngạn ngữ cổ có câu “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”.

Trong câu chuyện Giáo dục, các tập đoàn in tiền qua sách giáo khoa, các đầu nậu xây dựng, du lịch, y tế bám lấy giáo dục để nạo vét tiền dân thực ra là một siêu thế lực. Ta bàn sau.

Trong bài này, chữ “Thượng” tôi giới hạn ở ngay chức vụ HIỆU TRƯỞNG.

Trong bài “Tể tướng Hiệu trưởng” sắp tới, tôi sẽ chỉ ra rằng, không ít hơn 70% Hiệu trưởng nằm trong khái niệm “bất chính”, bất lương mà tay Hiệu trưởng trong bài này là một điển hình tuyệt vời.

Cuối bài, xin được để vài dòng nói rằng: Có một phần không lớn, những vị Hiệu trưởng đáng kính, có thể cũng bị cuốn hút vào sức ép nào đó của xã hội, nhất là sức ép từ tuyến cha, bố, cụ của ngành giáo dục đầy nhiễu nhương này nhưng vẫn là những nhà giáo thật sự, đang ghì mài với trường lớp trong thiên chức của mình.

Một câu hỏi buồn: Liệu ngành này, với khuôn thước này, với sự phá hoại “Tổng thể” này, với đội xung kích là mớ “Tể tướng Hiệu trưởng” này đã sắp “Ấy” chưa?

______

(*) Dưới đây là nguyên văn bóc từ băng ghi âm vụ việc: “Hôm trước tôi với cô ấy đã nói rồi, là nhà bà Tám ấy, thống nhất như thế rồi, mà lúc nãy tôi phải gọi điện. Tôi là cái đứa trẻ ranh đâu hả, hả (cùng với tiếng vật cứng đập trên bàn). Mất dậy! Để tôi gọi điện cho người ta để người ta nói tôi như thế à! Coi thường người khác! Hai cô kia bỏ đi, vào lớp!

Ngày mai, ngày mai là thứ bẩy đúng không, ngày mai tôi sẽ mời bố mẹ cô đến và tôi sẽ làm việc với BGH nhà trường (?), tôi sẽ trả cô này ra khỏi lớp này. Đây không phải lần đầu tiên, tôi đã phải nhắc rất nhiều lần cô này cô ấy làm không đúng rồi, trao đổi với giáo viên ở trên lớp rồi. Và cô không được thi tốt nghiệp năm nay, cô đừng trách tôi. Cô là ai, cô là ai mà cô dám tùy tiện như thế, hả? Tôi nhắc cô bao nhiêu lần, tôi nói cô bao nhiêu lần, cô vẫn trơ cái mặt cô ra như thế à, hả?! Đấy là con người có ăn có học à, nên tôi chửi cô mất dạy, đúng rồi đấy!”.

🔝

Cần “xử lý thích đáng” những kẻ hăm doạ sự thật và bao che cho bạo lực

Capture à partir de :baotiengdan

Thái Hạo

3-10-2023

Ngay sau khi sự việc em nữ sinh mua bánh không đúng cửa hàng do cô giáo chỉ định, và bị cô đối xử thô bạo, tàn nhẫn trong một clip do học sinh trường Đa Phúc quay và đưa lên mạng, thì bà hiệu phó Nguyễn Thị Phong Lan liền dõng dạc “Tôi khẳng định chắc chắn không có chuyện cô giáo đánh học trò”, còn ông hiệu trưởng Nguyễn Duy Hiền thì dùng uyển ngữ “chưa chuẩn mực” cho hành vi đang bị cả xã hội lên án của cô giáo kia.

Với phản ứng bộc lộ sự bao che này, trong bài trước tôi đã dự cảm và đặt câu hỏi: “Tôi không biết chuyện gì sẽ tiếp tục xảy ra với em học sinh đã quỳ đến mức co giật kia và cả những em đã quy clip, ghi âm, trả lời báo chí? Ai sẽ bảo vệ các em trước sự vô cảm đầy quyền lực này?”.

Và hôm nay điều ấy đã xảy đến: “Về phía học sinh phát tán đoạn video lên mạng xã hội, ngày 2.10, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Nguyễn Duy Hiền cho hay, nhà trường sẽ đợi kết luận của cơ quan công an và đưa ra hình thức kỷ luật thích đáng”!

Ảnh chụp màn hình

Trong một diễn biến khác, cũng ngày 2.10 Sở GD-ĐT đã có văn bản yêu cầu Hiệu trưởng Trường THPT Đa Phúc, Sóc Sơn tạm đình chỉ công tác đối với cô giáo N.T.P, giáo viên của trường vì có hành vi kéo lê học sinh trên hành lang lớp học.

Thứ nhất, không có điều khoản nào cấm quay phim, chụp ảnh những hành vi vi phạm pháp luật và đăng lên mạng; thứ hai, theo lời một luật sư: các hình ảnh được ghi lại và sử dụng để bảo vệ an ninh trật tự, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật, hoặc vì lợi ích chung thì không bị pháp luật nghiêm cấm, thậm chí còn phải hoan nghênh.

Tức là căn cứ vào quy định của pháp luật, tôi không quá lo sợ việc em học sinh đăng tải clip kia sẽ bị “xử lý thích đáng”. Cái tôi sợ nhất là những người như ông Nguyễn Duy Hiền vẫn tiếp tục làm hiệu trưởng!

Đáng ra việc ông phải làm là lập tức đình chỉ công việc của giáo viên đã có hành vi tồi tệ kia, xin lỗi em học sinh và sau đó biểu dương em học sinh đã quay và up clip lên mạng; nhưng thay vào đó, trước một sự việc phản cảm, sai trái và xấu xa đến thế xảy ra trong chính nhà trường do mình quản lý, khiến cả xã hội dậy sóng, công an vào cuộc, sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu đình chỉ công tác giáo viên, thế mà ông Hiền vẫn bao che, và không dừng lại, ông còn công khai đe dọa.

Tôi không biết ông Nguyễn Duy Hiền có thế lực lớn đến đâu nhưng nhìn cái cách ông ứng xử trong vụ việc này với sự hiên ngang, cùng thái độ khinh rẻ đạo đức học đường và coi thường công luận một cách đầy tự tin, ngạo mạn, tôi chỉ thấy hiện lên một lãnh chúa đầy quyền uy nơi trường học.

Theo tôi, người cần bị xử lý thích đáng chính là ông Nguyễn Duy Hiền và ban giám hiệu trường này, vì đã để xảy ra vụ việc tồi tệ, phản giáo dục và vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Tình tiết tăng nặng là thái độ lấp liếm, bao che và hăm dọa những học sinh có ý thức bảo vệ sự thật, bảo vệ lẽ phải. Ông Nguyễn Duy Hiền không xứng đáng là người dạy học, càng không xứng đáng làm hiệu trưởng của một trường học, nơi vẫn gọi là thiêng liêng cao quý.

Cuối cùng: Bảo vệ em học sinh đã quay clip này chính là bảo vệ sự thật và mặt mũi của mỗi người lớn chúng ta.

🔝

Chùm ‘chuyện nhỏ’ trong chuyện lớn, cách nào để cải?

04/10/2023

Trân Văn

Capture à partir de :voatiengviet

(Trích xuất từ video)

Không chỉ có lĩnh vực giáo dục mới lắm chuyện. Lĩnh vực tư pháp cũng thế. Cho dù dư luận cả trong lẫn ngoài Việt Nam vẫn còn rúng động khi hệ thống tư pháp thản nhiên thi hành bản án tử hình ông Lê Văn Mạnh, bất kể...

Ông Nguyễn Duy Hiền, Hiệu trưởng trường THPT Đa Phúc tọa lạc ở huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội, vừa cho biết... sẽ không phạt học sinh đã ghi hình, đưa lên Internet cảnh cô Nguyễn Thị Phượng, Chủ nhiệm lớp 12D4, nắm cổ áo một nữ sinh là Bí thư chi đoàn lớp này kéo từ hành lang vào phòng học khi cô đã bất tỉnh (1).

Trước đó chỉ một ngày, cũng ông hiệu trưởng này tuyên bố với báo giới rằng đã báo công an về việc có một học sinh quay video, phát tán clip lên mạng “ảnh hưởng tai hại đến hình ảnh của trường và tâm lý của rất nhiều học sinh”. Lúc ấy, ông Hiền khoe đã đến lớp 12D4 để phân tích cho học sinh hiểu tác hại của việc phát tán video clip và nếu công an xác định hành vi đó vi phạm Luật An ninh mạng, trường THPT Đa Phúc sẽ “xử lý nghiêm học sinh ghi hình, phát tán video theo quy định của pháp luật(2).

Scandal liên quan đến trường THPT Đa Phúc xảy ra ngày 29/9/2023. Hôm đó, lớp 12D4 tổ chức mừng sinh nhật những bạn sinh trong tháng 9. Cô Phượng ra lệnh cho Bí thư chi đoàn lớp đi mua bánh sinh nhật tại tiệm bánh do cô chỉ định. Chưa biết vì sao nữ sinh được giao nhiệm vụ chuẩn bị bánh sinh nhật lại mua bánh ở tiệm khác. Đó là lý do nữ sinh bị cô Phượng chửi mắng nặng nề kèm tuyên bố sẽ “hạ hạnh kiểm, không cho thi tốt nghiệp” rồi đuổi ra khỏi lớp. Hoảng sợ, nữ sinh quỳ ở cửa lớp suốt hai tiếng, khóc, xin lỗi nhưng cô giáo cương quyết không tha. Khi ngất vì kiệt sức và kích xúc, nữ sinh bị cô Phượng túm áo lôi đi (3)...

Không có bất kỳ học sinh nào của lớp 12D4 dám lên tiếng bênh vực bạn của các em. Nạn nhân – vốn là Bí thư chi đoàn cũng không dám phản kháng mà chỉ van xin cô giáo thương xót. Học sinh duy nhất dám ghi hình và post lên Internet để tố cáo bạo hành tại trường THPT Đa Phúc thì bị hiệu trưởng đề nghị công an điều tra. Tình thế chỉ xoay chuyển khi video clip khiến công chúng phẫn nộ tới mức Sở GDĐT Hà Nội không thể làm ngơ nên gửi công văn cho hiệu trưởng, yêu cầu tạm đình chỉ công tác cô Phượng – người vừa là Chủ nhiệm lớp 12D4, vừa là giáo viên giảng dạy môn Giáo dục công dân, vừa đảm nhận vai trò tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường (4).

Tại sao nạn nhân và các bạn cùng lớp lại khiếp sợ cái sai đến mức tê liệt hoàn toàn như vậy? Tại sao một nữ giáo viên giảng dạy giáo dục công dân, phụ trách tư vấn tâm lý cho học sinh lại dám hành xử càn rỡ, thậm chí tàn bạo đến mức như vậy trong môi trường giáo dục? Tại sao hiệu trưởng chỉ bận tâm đến “hình ảnh của trường” và thay vì chấn chỉnh “để môi trường giáo dục thực sự trong sạch, lành mạnh, an toàn, để các cô giáo, thầy giáo và các học sinh, sinh viên được giảng dạy và học tập trong niềm vui, hạnh phúc” như cam kết của Chủ tịch Nhà nước hồi tháng trước (5) thì lại cậy tới công an, muốn dùng Luật An ninh mạng để xử lý học sinh?

***

Không chỉ có lĩnh vực giáo dục mới lắm chuyện. Lĩnh vực tư pháp cũng thế. Cho dù dư luận cả trong lẫn ngoài Việt Nam vẫn còn rúng động khi hệ thống tư pháp thản nhiên thi hành bản án tử hình ông Lê Văn Mạnh, bất kể có rất nhiều dấu hiệu rõ ràng cho thấy chính hệ thống này cũng phân vân, khó xác định ông Mạnh có đúng là thủ phạm vụ hiếp dâm trẻ em, giết người xảy ra hồi 2005 ở huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa hay không (6) thì hệ thống tư pháp lại... bồi dưỡng thêm cho công chúng một scandal khác... Ngày 3/10/2023, Cơ quan Điều tra của Viện Kiểm sát Tối cao bắt quả tang bà Nguyễn Thị Tuyết Sương – Phó Chánh án Tòa án thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long nhận hối lộ.

Theo báo chí Việt Nam, bà Sương đã ngâm hồ sơ nhằm buộc nạn nhân phải chấp nhận “bồi dưỡng” 50 triệu đồng để vụ kiện được đưa ra xét xử. Sáng 3/10/2023 khi bà Sương trực tiếp nhận 40 triệu đồng của nạn nhân thì “bị bắt quả tang nhận hối lộ(7). Tại sao Phó Chánh án Tòa án một huyện lại dám tống tiền như vậy? Hệ thống tòa án Việt Nam được tổ chức và vận hành như thế nào mà hết thẩm phán này đến thẩm phán khác vào tù vì nhận hối lộ (8) nhưng dường như chẳng thẩm phán nào, kể cả lãnh đạo Tòa án cấp tỉnh chùn tay? Rộng hơn, hệ thống tư pháp Việt Nam được tổ chức và vận hành như thế nào mà ngoài thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên cũng thi nhau nhận hối lộ (9)?

Song giáo dục, tư pháp không phải là những lĩnh vực cá biệt. Không thể tìm được bất kỳ lĩnh vực nào ở bất kỳ cấp nào tại Việt Nam an ổn, sạch sẽ, kể cả cấp cao nhất! BCH TƯ đảng CSVN khóa 13 đang hội họp lần thứ tám. Ở kỳ họp này có thêm hai thành viên nữa (ông Lê Đức Thọ - Bí thư Bến Tre và ông Điểu K’ré – Phó Bí thư Thường trực Đắk Nông) bị loại bỏ (10). Đến nay, trong 180 cá nhân được cho là “thực sự có trí tuệ, xứng đáng với sự ký thác của nhân dân, đảng viên(11) đã có 13 người vướng vào đủ thứ chuyện liên quan đến năng lực, tư cách và không ai dám chắc, hết nhiệm kỳ này, 180 thành viên “đủ đức, đủ tài” như vậy sẽ còn bao nhiêu?

Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam đã mô tả 4/13 thành viên BCH TƯ đảng CSVN khóa 13 vừa bị loại bỏ, vừa bị truy cứu trách nhiệm hình sự (Trần Văn Nam - Bí thư Bình Dương, Phạm Xuân Thăng - Bí thư Hải Dương, Chu Ngọc Anh - Chủ tịch Hà Nội, Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Y tế)... “tài, đức” như thế nào. Ở kỳ họp thứ tám kéo dài một tuần này (2/10/2023 – 8/10/2023) BCH TƯ đảng khóa 13 lại tiếp tục... “quy hoạch” những người “đủ đức, đủ tài” theo kiểu y hệt như vậy để BCH TƯ đảng khóa tới (khóa 14) tiếp tục lãnh đạo... cải cách!

Chú thích

(1)laodong

(2)laodong

(3)tienphong

(4)nhandan

(5)xaydungchinhsach

(6)voatiengviet

(7)nld

(8)xaydungchinhsach

(9)youtube

(10)baochinhphu

(11)vov

(12)baochinhphu

🔝

Sự thật clip nữ sinh Hà Nội bị cô giáo đuổi 'cút ra khỏi lớp', quỳ khóc kiệt sức

30/09/2023 | 11:49

tienphong

Theo nội dung chia sẻ, nữ sinh lớp 12 ở Hà Nội đã không mua bánh sinh nhật ở cửa hàng mà cô giáo nói đã bị cô giáo mắng chửi, đuổi ra ngoài hành lang khóc 2 giờ đồng hồ đến kiệt sức.

Tối 29/9, mạng xã hội xôn xao với clip "Giáo viên lớp 12D4, Trường THPT Đa Phúc bạo hành học sinh". Bài viết cho biết, nữ sinh đã quỳ khóc van xin cô giáo suốt 2 giờ đồng đến mức lên cơn co giật, kiệt sức.

Theo nội dung chia sẻ, để chuẩn bị cho buổi tổ chức Trung thu cho học sinh, cô giáo chủ nhiệm giao cho nữ sinh này cũng là bí thư lớp đi mua bánh sinh nhật. Đến hôm tổ chức (ngày 29/9), cô giáo gọi điện cho cửa hàng bánh sinh nhật cô dự định đặt từ trước nhưng được thông báo là không có đơn nào.

"Vì một lý do nào đó mà nữ sinh này đã đặt bánh sinh nhật ở cửa hàng khác. Khi nữ sinh mang đến lớp đã bị cô giáo mắng chửi với lời lẽ rất nặng nề. Thậm chí cô giáo còn đe dọa "hạ hạnh kiểm không cho thi tốt nghiệp khiến nữ sinh rất sợ và hoang mang".

Học sinh van xin "Cô ơi", cô giáo túm áo học sinh kéo lên. Ảnh cắt từ clip

Sau đó, nữ sinh bị cô giáo đuổi ra ngoài hành lang và khóc suốt 2 tiếng đồng hồ đến mức kiệt sức. Thế nhưng cô giáo đi ra tiếp tục mắng khiến nữ sinh hoảng loạn ôm chân cô và liên tục nói "Em xin lỗi cô, cô tha cho em". Đỉnh điểm của vụ việc là nữ sinh lên cơn co giật tại chỗ nhưng cô giáo không dừng lại mà túm cổ áo nữ sinh thật mạnh trên nền đất như trong clip chia sẻ.

"Nữ sinh hoảng loạn đến mức co giật thì cô giáo nói "cô không phải giả vờ". Sau buổi học đó, nữ sinh sợ không dám về nhà phải ở nhà bạn. Tại sao ngôi trường top đầu của huyện mà giáo viên lại hành xử như vậy. Trong khi đó cô là giáo viên môn GDCD và là giáo viên tư vấn tâm lý cho học sinh", người viết cho hay.

Clip và bài chia sẻ nhận được hàng nghìn lượt bình luận và chia sẻ. Ai cũng bày tỏ thái độ bất bình trước hành động của giáo viên.

Sáng 30/9, trao đổi với PV báo Dân Việt, cô Nguyễn Thị Phong Lan, Phó hiệu trưởng Trường THPT Đa Phúc, huyện Sóc Sơn, Hà Nội xác nhận vụ việc xảy ra tại trường vào ngày 29/9 và sáng nay Ban giám hiệu đang tổ chức cuộc họp để xem xét vụ việc.

"Thực ra clip chỉ là một phần rất nhỏ của sự việc chứ không phải toàn bộ câu chuyện. Nhìn vào đó mọi người đánh giá là cô giáo đánh học trò, bạo hành học trò nhưng thực ra không phải như thế. Tôi khẳng định chắc chắn không có chuyện cô giáo đánh học trò", cô Lan cho hay.

Cô Lan cũng thừa nhận nguyên nhân vụ việc liên quan đến chiếc bánh sinh nhật để tổ chức sinh nhật cho một số bạn trong lớp.

Chia sẻ về tình trạng sức khỏe của nữ sinh, cô Lan cho biết: Hiện sức khỏe của em bình thường. Em đã đi học lại vào sáng nay".

🔝

Sự tráo trở của ngôn ngữ

Capture à partir de :baotiengdan

Tạ Duy Anh

3-10-2023

“Kinh tế thị trường” là sản phẩm của chủ nghĩa Tư bản. Suốt cả thời học trò, đây là cụm từ bị miệt thị nhiều nhất. Nhưng rồi không thể nào thoát được Nó, trừ phi cứ định nghèo đói mãi. Tuy vậy, cần có Nó nhưng không được phép vinh danh Nó! Cụm từ “Kinh tế thị trường (tư bản) định hướng XHCN” giải quyết được yêu cầu đó. Vẫn là Tư bản một trăm phần trăm, nhưng đa số người dân sẽ không nghĩ đó là Tư bản. Thậm chí người ta đang chứng minh Nó là sản phẩm có từ thời Cộng sản nguyên thủy!

Một thời danh từ “Địa chủ” bị căm ghét nhất, vì nó gắn với bóc lột, tội ác, cướp đoạt? Sở hữu ba mẫu Bắc bộ, khoảng một ha, là thuộc diện đem đấu tố, thậm chí nhiều người bị bắn bỏ hồi cải cách ruộng đất (CCRĐ).

Nhưng một ngày nào đó, sau khi chế độ Hợp tác xã đã khiến hầu hết đói rã họng, người ta lại phải cần đến những người có khả năng tổ chức sản xuất. Việc cho phép tập trung đất nông nghiệp, là một bước tiến lớn, là sự cầu thị đáng hoan nghênh. Hàng chục ngàn nhà quản lý và tổ chức sản xuất dựa vào đất trồng cấy, đang tạo ra những đột phá cho ngành nông nghiệp.

Gọi họ là địa chủ, đại địa chủ không chỉ gọn mà còn chính xác nhất.

Nhưng như thế thì CAY ĐẮNG quá. Gọi thế chả hóa công cuộc tiêu diệt tận gốc bọn địa chủ là một thất bại lớn? Vì thế mới có các danh từ “Chủ đất”, “Chủ trang trại”, không khác gì về nghĩa so với từ ĐỊA CHỦ, nhưng nghe vẫn rất mới mẻ, có dấu ấn thời đại.

Giờ có thêm các động từ: “Gạt tay”, “Tác động vào cơ thể”… để thay cho các động từ “tát”, “vả”, “đấm”, “đá”…

Nhưng cụm từ “Thiếu chuẩn mực” mới đang thực sự có giá trên báo chí. Nó thay cho các từ SAI TRÁI, BẠO HÀNH, DỐI TRÁ, THÔ TỤC… tùy từng ngữ cảnh.

Trên mạng xã hội lan truyền clip được cho là cô giáo kéo cổ áo, kéo lê học sinh ở cửa lớp học. Ảnh chụp màn hình

Ví dụ trong trường hợp cô giáo đề cao miếng ăn (dân gian vẫn gọi là miếng nhục) hơn cả phẩm hạnh người thầy ở một trường thuộc huyện Sóc Sơn vừa qua, thì hành vi chửi mắng, kéo lê em học sinh, chính xác là BẠO HÀNH, nhưng gọi thẳng ra thế nghe không NHÃ, dễ bị thế lực thù địch xuyên tạc, mà chỉ là THIẾU CHUẨN MỰC thôi.

Nói “Sự tráo trở của ngôn ngữ” cho NHÃ, chứ thực ra đó là SỰ TRÁO TRỞ CỦA CON NGƯỜI VÀ THỜI CUỘC.

🔝

Những ông vua trường học và phẩm chất nhà giáo

Capture à partir de :baotiengdan

Thái Hạo

4-10-2023

Có lẽ nhiều người sẽ lấy làm ngạc nhiên, không hiểu vì sao ông hiệu trưởng Nguyễn Duy Hiền của trường Đa Phúc khi đang đứng trước ống kinh phóng viên lại… hồn nhiên đòi ‘xử lý nghiêm’ em học sinh đã quay clip vụ cô giáo bạo hành một nữ sinh. Có người nói ông này chắc có sự chống lưng nào ghê lắm, người khác thì bảo rằng bạo chúa, người lại quả quyết vì ông này dốt quá nên mới vậy…

Không loại trừ tất cả những khả năng trên, nhưng có một điều quan trọng mà chúng ta chưa đề cập trong cái hành xử tưởng chừng như ngớ ngẩn này của ông Hiền, đó là thói quen. Thói quen cấm đoán việc bàn tán về các vấn đề xã hội hay để lộ thông tin trong nhà trường ra ngoài.

Chắc chúng ta chưa quên vụ việc cô giáo Tâm bị bẻ tay đẩy ra khỏi lớp học ở trường Hai Bà Trưng (Huế). Ngay sau khi hình ảnh được phát tán, công luận bất bình, thì lập tức có lệnh ban ra, là cấm like, cấm còm những trang nào bàn về chuyện này. Thậm chí nhà trường còn xua học sinh ra để chửi bới những người lên tiếng cho cô giáo Tâm.

Hãy nhớ lại, trong vụ này, ông hiệu trưởng Ngô Đức Thức cũng nói với báo chí một điều tương tự: “Cả lớp 10A9 được giáo dục về tính an toàn khi tham gia các cộng đồng mạng, nhưng các em lại đưa clip là sai với điều được học ở trường”. Nếu không có sự lên tiếng mạnh mẽ của cộng đồng, tôi tin đã có một số em lên bờ xuống ruộng với cái chữ “sai” ấy của ông Thức rồi. (Nhân đây, xin thông tin thêm: Thanh tra sở GD Thừa Thiên Huế vừa mới công bố kết luận về những sai phạm ở trường Hai Bà Trưng. Tiền bạc tè le hết cả, nghe đâu hiệu trưởng phải trả lại tiền và xin lỗi học sinh!).

Sự bưng bít thông tin trong các trường học bây giờ đã thành một thứ “văn hóa” bao trùm. Có những trường, hiệu trưởng còn cấm cả việc giáo viên đăng bất cứ cái gì lên Facebook. Những cái lệnh cấm like, cấm còm, cấm đăng về tất cả các vấn đề nóng mà xã hội đang quan tâm và trong chính ngành giáo dục, đã dường như phủ khắp.

Vào những thời điểm nhạy cảm hay trong lúc trường có xảy ra việc gì thì sự giám sát còn được tăng cường ráo riết hơn. Thường, sẽ có một bộ phận phụ trách mảng này, sẽ luôn có những mật thám chỉ điểm. Tối like một bài viết phản ánh tiêu cực nào đó thì sáng mai đã có người báo cho hiệu trưởng. Luôn có những kẻ rình rập và theo dõi, một thứ như Quốc xã được thiết lập. Không khí ngột ngạt, ám muội, yếm khí luôn bao trùm các nhà trường.

Dù vậy, tôi không nghĩ điều đó là bất thường! Vì hầu như phần lớn các trường đều “có chuyện”, nếu không bưng bít thông tin thì an nguy của hiệu trưởng bị đe dọa thường trực. Bởi thế, việc họ ban ra các lệnh cấm là điều hoàn toàn dễ hiểu và… hợp lý.

Nhưng cái bất thường nằm ở chỗ: Gần như hầu hết giáo viên đều cúi đầu tuân lệnh. Cũng có những người khó chịu hoặc bất bình, nhưng chỉ âm thầm trong lòng hoặc xả ra với nhau nơi vỉa hè quán cóc. Trước những cái lệnh vi phạm nhân quyền, vi phạm pháp luật một cách công khai trắng trợn như thế, nhưng những người được gọi là trí thức, là lương tâm của xã hội, là người dẫn dắt thế hệ trẻ, lại dễ dàng chấp nhận như một lẽ đương nhiên. Điều đó mới đáng sợ.

Luật giáo dục quy định, giáo viên phải “Gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân”. Im lặng trước các vấn đề của xã hội và đất nước hay của chính ngành mình, đó là thái độ vô trách nhiệm, và có tội. Bằng sự im lặng ấy, mỗi người đã tự tước đoạt đi tư cách nhà giáo. Thật khó hình dung, khi sống bằng một tâm thế và thái độ như vậy, ta vẫn có thể lên lớp và du dương dạy học trò phải sống “thật thà, dũng cảm”. Nếu ta không thấy mình bị chà đạp, bị sỉ nhục trước những mệnh lệnh phi pháp và mang tính khinh miệt như thế, thì thật khó để có thể nói được chuyện gì nữa.

Có một điều mà ít người để ý, đó là người phải sợ là hiệu trưởng chứ không phải giáo viên, vì họ đang ngồi trên “ghế nóng”. Bên dưới chiếc ghế ấy là đầy những câu chuyện mà họ luôn nơm nớp lo sợ người ngoài biết được. Nhưng khốn nỗi, giáo viên lại sợ trước mất rồi, nên họ cứ thế mà tung hoành như giữa chốn không người. Nếu mỗi giáo viên chịu khó bỏ ra vài giờ để đọc và nắm các các quy định của pháp luật về các vấn đề có liên quan thì hiệu trưởng sẽ sợ các vị.

Hiệu trưởng là vua một cõi, nhưng cái quyền sinh quyền sát ấy chủ yếu là do giáo viên đã dễ dàng trao cho họ, bằng cách cúi đầu. Không ai phản kháng trước cái sai cả, càng không có một tập thể phản kháng, thì thử hỏi làm sao hiệu trưởng không càng ngày càng lộng hành? Trong bất cứ trường học nào chỉ cần có vài giáo viên có bản lĩnh thôi, hiệu trưởng sẽ khác màu ngay.

Ở trường cô giáo Kiều Thị Giang (Đắc Nông), một mình cô với sự dũng cảm và trung thực, sau bao phen bị trù dập vu khống, đã khiến hiệu trưởng Nguyễn Văn Nam phải lên bờ xuống ruộng, rồi sau đó ông vua này đã bị cách chức. Bất cứ ở đâu có giáo viên biết yêu mến sự thật và có tinh thần công chính, thì ở đó hiệu trưởng sẽ không còn dám tự tung tự tác nữa, càng không dám càn rỡ múa gậy vườn hoang. Không tin các vị cứ thử mà coi!

Lên tiếng trước cái sai trong nhà trường chính là bảo vệ học sinh của mình và cũng là bảo vệ quyền lợi cũng như sự tôn nghiêm nhân phẩm của bản thân. Chấp nhận im lặng là thỏa hiệp và đồng lõa với cái xấu, cái ác. Nếu cô Giang không dõng dạc cười lớn vào cái lệnh cấm đăng bài lên Facebook của ông hiệu trưởng Nam thì có lẽ đến bây giờ những học sinh dân tộc thiểu số ở vùng đất nghèo khổ ấy còn bị ăn bớt từng bữa cơm.

Chúng ta vẫn kêu về tình trạng mất dân chủ trong trường học, đúng, rất nghiêm trọng. Nhưng khốn nỗi, dân chủ lại không phải là một thứ được ban phát, dân chủ còn có nghĩa là dám làm chủ. Đến tình cảm, suy nghĩ và tiếng nói chính đáng thông thường của một con người mà có thể để kẻ khác khác thích thì tước đoạt dễ dàng, thì làm sao không bị chà đạp?

🔝

Lại câu chuyện ‘hành xử trong giáo dục

06/10/2023

Thiên Hạ Luận

Trân Văn

Capture à partir de :voatiengviet

Học sinh trong một lần được phát quà. Hình minh họa.

Bất chấp các tuyên bố, hứa hẹn của những viên chức lãnh đạo hệ thống chính trị như Tổng Bí thư, hệ thống công quyền như Chủ tịch Nhà nước, những cam kết như của Bộ trưởng GDĐT, hệ thống giáo dục vẫn tiếp tục sản xuất ra đủ loại scandal thuộc loại khó có thể tìm thấy ở đâu bên ngoài biên giới Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Nếu tuần trước, công chúng xôn xao vì một giáo viên dạy Giáo dục công dân ở trường THPT Đa Phúc, tọa lạc tại huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội, đuổi một nữ sinh ra khỏi lớp, kèm tuyên bố “hạ bậc hạnh kiểm, không cho thi tốt nghiệp THPT” chỉ vì đứa trẻ này dám mua bánh cho bạn bè trong lớp ở tiệm bánh khác với tiệm mà giáo viên đã... chỉ định, rồi giáo viên đó mặc kệ học trò quỳ ở cửa phòng học để bày tỏ sự... ăn năn khiến đứa trẻ xỉu vì kiệt sức, kích xúc... và... khi biết chuyện, thay vì chấn chỉnh, hiệu trưởng trường này lại báo công an, đề nghị xác định học sinh đã ghi lại rồi chia sẻ cảnh này trên Internet có vi phạm Luật An ninh mạng hay không để trường “kỷ luật thích đáng(1)...

...thì tuần này, công chúng tiếp tục sửng sốt và bất bình vì một đứa trẻ khác là nữ sinh THPT Lạc Long Quân cũng tọa lạc tại huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội bị trường... “từ chối giáo dục” bởi hai lý do: Thứ nhất, cha của em dám thắc mắc về những khoản tiền mà trường bắt phụ huynh nộp. Thứ hai, lúc được hiệu trưởng “triệu tập” đến trường để “làm việc”, cho dù hiệu trưởng đã cảnh cáo, nếu không chấp hành, trường sẽ... “từ chối giáo dục”, cha của em vẫn không chịu... “trình diện” vì dám cho rằng ông có quyền đưa ra ý kiến và chỉ nêu nhận định cá nhân trong diễn đàn kín dành cho phụ huynh của lớp con ông đang theo học trên ứng dụng Zalo (2)...

***

Ngoài những phản ứng mang tính chất cá nhân trên mạng xã hội, scandal tại trường THPT Lạc Long Quân cũng làm thành viên của nhiều diễn đàn có tính chất chính thống – chẳng hạn Thông tin chính phủ nổi giận. Nhiều người khẳng định như Lê Huỳnh Gia Đạt: Đó là chà đạp Hiến pháp và pháp luật, vi phạm Điều 39 Hiến pháp, Điều 13 Luật Giáo dục, Điều 35 Thông tư 32/2020 của Bộ GDĐT. Hoặc nhận định như Akini Ben: Không chỉ coi thường pháp luật mà còn là hủy hoại đất nước vì các em là tương lai đất nước. Cũng có người như Dang Khoa tin rằng: Hành vi này đối với một đứa trẻ đang học lớp 12 là đặc biệt nghiêm trọng. Cứ như vậy, ngày mai đất nước chúng ta sẽ ra sao (3)?

Tương tự, trên trang Facebook của VTC, nhiều người nêu thắc mắc như Hồ Mậu Hòa: Giờ nhà trường cũng xài luật rừng à? Hay than như Vien Ngo Van: Quá nhức nhối. Hoặc bất bình như Quí Trọng: Vô lý! Giả sử ông ta làm sai gì đó và người ta bắt con ông ta chịu trách nhiệm thì ông ta có chấp nhận không (4)?

Trong diễn đàn của Hội Khẩu nghiệp, Trần Văn Quang xem việc “từ chối giáo dục” ở trường THPT Lạc Long Quân là: Ngáo quyền lực! Lê Ánh Tuyết cũng nghĩ như vậy: Sợ thật. Chỉ là hiệu trưởng mà xử sự như vua ấy nhỉ. Không ít người như Pi Ka tu đồng tình: Sợ quá, phụ huynh manh động là con thất học luôn! Cũng có người như Tai Thi kể thêm: Giống hệt hiệu trưởng trường con của mình, đọc được bình luận của mình trên facebook rồi gọi cho cô chủ nhiệm của con mình bảo cô ấy bắt mình gỡ nhưng mình không gỡ vì có nhắc tên trường đâu. Trong khi Tuấn Đan ngán ngẩm: Đụng đâu nát đấy, nghĩ mà chán! – thì Dao Thien Van nhắc: Sau câu chuyện này chúng ta rút được ra bài học gì nào (5)?

Ở diễn đàn của Theanh28 Entertainment, khá nhiều người nghĩ như Bevid Đặng, Nguyễn Trọng: Đúng là làm nghề nào ăn nghề ấy, với giáo dục, thầy cô chọn chuyện “bào” phụ huynh để đưa Việt Nam sánh vai với các cường quốc... châu Phi! Không chỉ có một Ngan Ho ngậm ngùi: Đó cũng là lý do nhiều phụ huynh phải thắt lưng buộc bụng để “tự nguyện” đóng đủ thứ tiền vì không “tự nguyện” là không xong! - mà còn có những Công: Kinh hãi với mấy scandal liên quan tới giáo viên và nhà trường ngày nay. Rồi những Viết Vũ thở dài: Nguyên ngành trồng người nát như thế mà vẫn trơ trơ! Những Huỳnh Thịnh nhấn mạnh: Phải thay cả vỏ lẫn ruột của hệ thống giáo dục (6)!

***

Giống như scandal xảy ra ở THPT Đa Phúc, Sở GDĐT Hà Nội cũng phải nhập cuộc để công chúng hạ hỏa sau scandal ở THPT Lạc Long Quân. Dù có gắng biến chuyện giáo viên tùy tiện, càn rỡ, bạo hành học sinh thành chuyện nhỏ (7) nhưng cuối cùng Hiệu trưởng THPT Đa Phúc cũng phải theo lệnh của thượng cấp, đình chỉ công tác, điều chuyển giáo viên sai phạm làm việc khác. Tương tự, sau khi “từ chối giáo dục” nữ sinh có cha không thi hành lệnh “triệu tập” của hiệu trưởng, trường THPT Lạc Long Quân đã vời nạn nhân quay trở lại trường theo yêu cầu của Sở GDĐT Hà Nội (8). Song những vấn nạn liên quan đến giáo dục vẫn còn nguyên.

Vô số scandal trong lĩnh vực giáo dục khiến xã hội ngỡ ngàng, phẫn nộ cho thấy, nguyên nhân chính nằm ở chỗ, mầm non nói riêng, con người nói chung không những không được trân trọng mà còn bị dùng như công cụ để có thể khai thác kiếm lợi theo đủ kiểu, bất kể điều đó nguy hại thế nào đối với tiền đồ quốc gia, tương lai dân tộc. Đó không phải là hạn chế của riêng ngành giáo dục mà là kết quả mang tính tất yếu của cung cách quản trị, điều hành quốc gia. Chính cung cách này tạo ra những viên chức giáo dục tin rằng có thể dùng công an để truy tìm, dùng luật pháp để “kỷ luật thích đáng” đứa trẻ dám chia sẻ thông tin về vụ bạo hành ở THPT Đa Phúc như hệ thống công quyền vẫn thường làm.

Đâu phải tự nhiên mà hiệu trưởng THPT Lạc Long Quân “triệu tập” phụ huynh dám nêu thắc mắc về yêu cầu đóng góp của trường và “từ chối giáo dục” con của ông bởi ông dám chống “lệnh triệu tập”. Chỉ bất bình với kiểu sử dụng quyền lực của hiệu trưởng THPT Lạc Long Quân dường như chưa đủ và chưa đúng. Tại sao công an có quyền hành xử y hệt như thế, sử dụng loại văn phong như thế với mọi công dân mà viên chức giáo dục thì không? Tại sao chấp nhận việc hệ thống chính trị, hệ thống công quyền xét lý lịch đến ba đời để chọn đồng chí tham gia thống trị và chỉ lên án người buộc đứa trẻ phải chịu trách nhiệm vì cha em không khuất phục hiệu trưởng?

Chú thích

(1)laodong

(2)vietnamnet

(3)thongtinchinhphu

(4)vtcnownetwork

(5)hoikhaunghiep

(6)Theanh28

(7)laodong

(8)vietnamnet

🔝

Nhắn các bạn học sinh và cha mẹ

Capture à partir de :baotiengdan

Thái Hạo

2-10-2023

Chứng kiến tình trạng bạo hành học đường, đặc biệt là bạo hành do chính giáo viên và nhà trường gây ra ngày càng phổ biến, chứng kiến những học sinh 18 tuổi khi bị đối xử bất công và thô bạo bởi một cô giáo nhưng đã không có bất cứ phản ứng chính đáng nào, ngược lại chỉ biết khóc và quỳ gối cho đến khi lên cơn co giật, tôi buộc phải ghi ra mấy dòng này.

Bên dưới là một số điểm trong Luật Giáo dục, trong Điều lệ trường học (Tiểu học và THCS-THPT) có liên quan trực tiếp và làm cơ sở cho chúng ta “tự vệ bằng pháp luật” trước các hành vi bị nghiêm cấm của giáo viên (nhưng trên thực tế lại đang bị lạm dụng nghiêm trọng).

1. VỀ QUYỀN CỦA HỌC SINH

– Đối với Tiểu học: Học sinh “Được bảo vệ, chăm sóc, tôn trọng và đối xử bình đẳng, dân chủ; được đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng; được cung cấp đầy đủ thông tin về quá trình học tập, rèn luyện của bản thân; được đảm bảo những điều kiện về thời gian, cơ sở vật chất, vệ sinh, an toàn để học tập và rèn luyện” (Khoản 2, Điều 35).

– Đối với THCS và THPT: Học sinh “Được tôn trọng và bảo vệ, được đối xử bình đẳng, dân chủ, được quyền khiếu nại với nhà trường và các cấp quản lý giáo dục về những quyết định đối với bản thân mình; được quyền chuyển trường khi có lý do chính đáng theo quy định hiện hành; được học trước tuổi, học vượt lớp, học ở tuổi cao hơn tuổi quy định theo Điều 33 của Điều lệ này”.

2. VỀ CHUẨN MỰC ỨNG XỬ VÀ QUYỀN HẠN CỦA GIÁO VIÊN

Điều 22, Luật Giáo dục 2019: Nghiêm cấm xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể […] người học.

– Điều lệ trường Tiểu học, Điều lệ trường THCS-THPT, quy định: Giáo viên Không xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể học sinh. Cấm ép buộc học sinh học thêm để thu tiền; lợi dụng việc tài trợ, ủng hộ cho giáo dục để ép buộc đóng góp tiền hoặc hiện vật.

3. KHI HỌC SINH VI PHẠM THÌ GIÁO VIÊN VÀ NHÀ TRƯỜNG ĐƯỢC LÀM NHỮNG GÌ

Đối với Tiểu học: “Học sinh có khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện và các phong trào thi đua, tuỳ theo mức độ vi phạm có thể thực hiện các biện pháp kỉ luật sau: nhắc nhở, hỗ trợ giúp đỡ trực tiếp để học sinh tiến bộ hơn; thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm. Giáo viên không được phê bình học sinh trước cả lớp, trước toàn trường hoặc trong cuộc họp chung với cha mẹ học sinh” (Điều 38).

– Đối với trường THCS và THPT thì quy định:

Học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện được giáo dục hoặc xử lý kỷ luật theo các hình thức sau đây:

a) Nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm.

b) Khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm.

c) Tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

***

Tóm lại, theo quy định của pháp luật thì không một giáo viên, nhân viên hay hiệu phó hiệu trưởng nào được quyền xúc phạm các em, càng không được xâm phạm vào cơ thể các em. Ngay cả việc giáo viên phê bình các em trước lớp cũng là hành vi bị cấm. Các em có quyền dõng dạc yêu cầu, không cho bất cứ ai hành xử như thế đối với chính mình. Hãy tự mình giữ gìn sự tôn nghiêm phẩm giá của bản thân và luôn đòi hỏi sự tôn trọng. Và hãy lên tiếng khi mình hay bạn bị bạo hành và bị đối xử bất công, sẽ có người lớn đứng ra bảo vệ các em.

Nghĩa vụ của các em là học tập, tuân thủ nội quy (đúng pháp luật) của nhà trường, chung tay xây dựng môi trường học đường văn hóa, văn minh. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với khiếp nhược, vâng phục và hèn nhát trước bất công sai trái. “Tôn sư trọng đạo” không phải là chỉ có cúi đầu nghe theo và sợ hãi, nghĩa vụ của các em là vâng theo sự thật, lẽ phải và điều tốt.

Hãy nhớ, một học sinh tiểu học ở phương Tây đã biết rõ về quyền của mình và dõng dạc lên tiếng mỗi khi nó bị xâm hại.

Nếu các em vẫn còn phủ phục trước những sai trái bất công, thì ngày mai em út và con cái các em vẫn sẽ phải gánh trên vai tất cả những tổn thương và đau khổ của hôm nay mà các em đã để lại bằng sự sợ hãi và vô trách nhiệm của mình.

Theo tôi, đối với cha mẹ, điều quan trọng nhất là các vị phải làm gương bằng chính trách nhiệm công dân của mình: biết lên tiếng trước những sai trái nhiều mặt của nhà trường và xã hội, dám đấu tranh cho lẽ phải và biết sống một cách công chính.

Cha mẹ cũng không chỉ bênh vực và bảo vệ con cái mình là đủ. Việc tôn trọng con có khi còn quan trọng hơn. Nếu trong gia đình mà chính cha mẹ dùng quyền uy để áp đặt và khuất phục con cái, thường xuyên bạo hành trẻ thì việc bảo vệ chúng ở trường hay ngoài xã hội cũng chỉ giống như đang bảo vệ một thứ tài sản hay của nả của mình, chứ không phải bảo vệ nhân phẩm của một con người.

🔝