Trả lại Sự thật và Công lý cho Lịch sử
50 năm Hải chiến Hoàng Sa: Bài học lớn cho Việt Nam
50 năm Hải chiến Hoàng Sa: Câu chuyện ứng xử với 74 tử sĩ và các di sản VNCH
50 năm Hải chiến Hoàng Sa: Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai đã hành động như thế nào?
Nhà nghiên cứu: 50 năm Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, Hà Nội nay bất lợi nếu kiện Bắc Kinh
16 tháng 1 2024
Capture à partir de :BBC
Nguồn hình ảnh, Tư liệu
Bốn tàu chiến Việt Nam Cộng Hòa tham gia Hải chiến Hoàng Sa năm 1974
Có bốn bài học lớn mà giáo sư Toshi Yoshihara từ Đại học Georgetown, Mỹ, chỉ ra khi nhìn lại sự kiện Hải chiến Hoàng Sa 50 năm trước khiến 74 chiến sĩ VNCH tử trận và Hoàng Sa nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc cho tới nay.
BBC News Tiếng Việt kết hợp thông tin từ cuộc phỏng vấn với giáo sư Toshi Yoshihara và nghiên cứu của ông mang tên ‘Hải chiến Hoàng Sa 1974: Đánh giá về chiến dịch’ xuất bản năm 2016 để đưa ra cái nhìn chi tiết hơn về bốn bài học này.
Vai trò của bên thứ ba
Hiệp định Paris năm 1973 và cuộc rút quân của Mỹ khỏi miền Nam Việt Nam đã làm giảm sự tham gia của Mỹ vào số phận của Sài Gòn. Gánh nặng khi đó đổ lên vai Sài Gòn: tự lo liệu an ninh chủ quyền, giáo sư Toshi chỉ ra trong nghiên cứu năm 2016.
50 năm Hải chiến Hoàng Sa: 'Ukraine và Đài Loan là bài học cho Việt Nam'
50 năm Hải chiến Hoàng Sa: Ai sẽ cùng hẹn ‘Năm sau đến Hoàng Sa’?
50 năm Hải chiến Hoàng Sa: 'Việt Nam Cộng Hòa đã bị hy sinh'
Dù vậy, Sài Gòn vẫn là đồng minh của Mỹ. Bất kỳ hỗ trợ ngoại giao hoặc quân sự nào của Mỹ cho VNCH gần như chắc chắn sẽ làm thay đổi cục diện chiến lược và cán cân quyền lực trong khu vực. Tầm quan trọng của việc giữ chân Mỹ ở ngoài, ngay cả khi sự tham gia của Mỹ được coi là khó xảy ra, có lẽ đã định hình việc Trung Quốc hành động như thế nào ở quần đảo Hoàng Sa.
Các tài liệu gần đây của Trung Quốc cho thấy những người ra quyết định ở Bắc Kinh đã cân nhắc cẩn thận nguy cơ Mỹ can thiệp ở quần đảo Hoàng Sa bởi họ đã nghiền ngẫm từng động thái, giáo sư Toshi viết trong nghiên cứu.
Theo Đô đốc Khổng Chiếu Niên, khi đó là Phó Tư lệnh Hải quân Trung Quốc, nguyên tắc không nổ súng trước phần nào phản ánh những lo ngại của nước này về sự can thiệp của bên thứ ba.
Bằng cách để Hải quân Việt Nam Cộng Hòa nổ súng trước, Trung Quốc có thể biến VNCH thành kẻ gây hấn, từ đó đẩy Mỹ vào thế khó về ngoại giao. Trung Quốc vì thế đã luôn tuyên truyền về cuộc hải chiến như một ‘cuộc tự vệ phản kích’. Ngược lại, nếu Trung Quốc nổ súng trước thì việc này có thể cho Mỹ một lý do rõ ràng hơn để ủng hộ Sài Gòn.
Sự thận trọng như vậy của Trung Quốc kéo dài đến sau cuộc hải chiến. Lúc bấy giờ, trên đà chiến thắng, Trương Nguyên Bồi, tư lệnh Hạm đội Nam Hải, đã ra lệnh cho tàu chiến đuổi theo và đánh chìm tàu VNCH đang bỏ chạy, nhưng Tư lệnh Quân khu Quảng Châu Hứa Thế Hữu đã phản đối chỉ thị này do lo ngại phản ứng từ Mỹ sẽ dẫn đến sự leo thang trong khu vực.
Bối cảnh địa chính trị khi đó trao cho Trung Quốc cơ hội chiến lược, theo giáo sư Toshi.
Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam năm 1973 nhưng trước đó đã bắt đầu mối quan hệ với Trung Quốc vào năm 1972. Thời điểm đó, Washington và Bắc Kinh đều rất mong lôi kéo bên kia vào một tình hữu nghị để thúc đẩy các mục tiêu chung trong thế đối trọng với Liên Xô. Mỹ đồng thời đang muốn rút khỏi Chiến tranh Việt Nam.
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt, giáo sư Toshi rút ra kết luận: “Việc không có sự can thiệp từ bên thứ ba là yếu tố quyết định đến thành công chiến lược của Trung Quốc trong Hải chiến Hoàng Sa.
“Bài học ở đây là đánh giá của Bắc Kinh về can thiệp của bên thứ ba, đặc biệt là Mỹ, sẽ có ảnh hưởng lớn đến tính toán của họ trong các quyết định về việc sử dụng vũ lực.”
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Máy bay chiến đấu trên tàu sân bay USS Constellation thuộc Hạm đội 7 trong Chiến tranh Việt Nam. Mỹ đã không can dự vào Hải chiến Hoàng Sa dù Hạm đội 7 đang hoạt động trên Biển Đông.
Cách phản ứng với tàu Trung Quốc
Từ kết cục của Hải chiến Hoàng Sa, giáo sư Toshi cho rằng các nước đối thủ cùng tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông cần cẩn trọng về các phản ứng của họ đối với tàu thăm dò của Trung Quốc.
So sánh hành vi của Trung Quốc trong vụ Bãi cạn Scarborough tranh chấp với Philippines năm 2012, giáo sư Toshi nhận xét “giống hệt với hành vi của nước này trong trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974 với Việt Nam”.
Trong cả hai trường hợp, Bắc Kinh đều dùng các tàu cá làm mồi nhử và đều đợi phía bên kia vượt qua lằn ranh đỏ trước khi ‘ra tay’ hành động theo hướng có lợi cho mình, giáo sư Toshi phân tích trong nghiên cứu năm 2016.
Liệu Trung Quốc có tìm cách để dẫn dụ đối thủ hành động trước hay không vẫn chưa rõ ràng. Nhưng khi ‘hành động sau’, Trung Quốc đặt mình ‘trên cơ’ về mặt đạo đức để đạt thêm các tham vọng lãnh thổ, giáo sư Toshi phân tích.
“Năm 1974, Trung Quốc đã khiến Nam Việt Nam nổ súng trước, việc này trao cho giới lãnh đạo Trung Quốc cái cớ để phản công. Bài học ở đây là các nước đối thủ cần cẩn trọng, không phản ứng thái quá, hoặc không phải ứng theo cách có thể cho Bắc Kinh cái cớ để leo thang xung đột.
“Sự kiềm chế và kỷ luật về mặt chiến thuật là đặc biệt quan trọng bởi Trung Quốc rất muốn leo thang thống trị đối với các đối thủ yếu hơn,” ông Toshi nói với BBC.
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Một thành viên Cảnh sát biển Việt Nam (bìa trái) đang theo dõi tàu Hải cảnh Trung Quốc gần quần đảo Hoàng Sa khi căng thẳng dâng cao vào năm 2014
Bên yếu hơn vẫn có thể thắng
So sánh chiến thắng của Trung Quốc trước Việt Nam với chiến thắng của David bé nhỏ trước người khổng lồ Goliath trong Kinh Thánh chỉ bằng một cái ná bắn đá và một con dao găm, giáo sư Toshi chỉ ra rằng lực lượng của Trung Quốc trong Hải chiến Hoàng Sa 1974 thực ra yếu thế và dễ tổn thương hơn của VNCH.
Chẳng hạn, tàu khu trục Nam Ninh, một tàu chiến cũ của Hải quân Đế quốc Nhật Bản được cải tạo lại, đã quá hạn sử dụng. Ba tàu khu trục Type 065 chưa sẵn sàng cho các nhiệm vụ trên biển.
Các tàu tấn công nhanh có phạm vi hoạt động hạn chế. Chỉ có tàu săn tàu ngầm và tàu quét mìn mới sở hữu tầm hoạt động đủ để có thể thực hiện nhiệm vụ tuần tra biển.
Tàu săn tàu ngầm lớp Kronshtadt, tàu quét mìn và tàu săn ngầm lớp Hải Nam lần lượt có tải trọng chỉ 310, 500 và 500 tấn. Tất cả đều chỉ được trang bị pháo với cỡ nòng nhỏ hơn tàu Việt Nam. Ngay cả tàu lớn nhất của hải quân Trung Quốc cũng nhỏ hơn tàu nhỏ nhất của VNCH.
Trong khi đó, Hải quân VNCH thực sự vượt trội về quy mô và hỏa lực so với Hải quân Trung Quốc.
HQ-4 có tải trọng gần 1.600 tấn và được trang bị hai khẩu pháo 76 ly; HQ-5 và HQ-16 mỗi tàu có tải trọng 1,766 tấn và được trang bị một khẩu pháo 127 ly; HQ-10 có tải trọng 650 tấn, pháo 76 ly.
Thế nhưng Trung Quốc vẫn thắng.
Thành công này có được là nhờ phần lớn từ sự kém cỏi và sai lầm của Việt Nam và từ sự điêu luyện trong chiến thuật của Trung Quốc, theo nhận định của giáo sư Toshi.
Theo giáo sư Toshi, một số nhà phân tích Trung Quốc đã chỉ ra sai lầm của Hải quân VNCH khi chia nhỏ đội tàu của mình trong lần tiếp cận đầu tiên vào sáng 19/1/1974.
Nếu VNCH tập trung lực lượng và hỏa lực thì họ đã có thể lần lượt hạ gục các tàu chiến của Trung Quốc. Đồng thời, quyết định tấn công các vị trí của Trung Quốc từ cự ly gần là thiếu thận trọng. Khoảng cách gần phát huy thế mạnh của đối thủ trong khi làm giảm lợi thế của hải quân VNCH về tầm bắn và hỏa lực.
Nếu VNCH tấn công quân Trung Quốc từ khoảng cách xa hơn (cứ cho là các thủy thủ đoàn sở hữu các kỹ năng bắn súng cần thiết), họ có thể đã tránh được trận cận chiến vốn mang lại lợi thế hơn cho Trung Quốc. Nói cách khác, một đối thủ có năng lực hơn và phối hợp tác chiến tốt hơn có thể đã làm thay đổi kết cục trận chiến, giáo sư Toshi chỉ ra trong nghiên cứu của ông.
“Số lượng tàu rất quan trọng. Tuy nhiên, ngoài năng lực vật chất, điều quan trọng không kém là việc sử dụng thận trọng, kỷ luật và thông minh những nguồn lực có hạn,” giáo sư Toshi nói với BBC.
Xu hướng chiến tranh hỗn hợp
Giáo sư Toshi cảnh báo rằng nhiều khả năng Trung Quốc sẽ dùng mọi công cụ trên biển, bao gồm cả lực lượng dân quân và bán quân sự - mà cách gọi trong thời hiện đại là ‘chiến tranh hỗn hợp’ - để đạt được các mục đích về lãnh thổ.
“Năm 1974, các tàu cá và dân quân Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng trong toàn bộ các giai đoạn của cuộc hải chiến,” ông nói.
Dẫn chứng hai ví dụ tương tự - Trung Quốc tiếp tục sử dụng các công cụ phi hải quân để gây áp lực không ngừng lên Philippines quanh Bãi Cỏ Mây và lên Nhật Bản quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, giáo sư Toshi cho rằng các nước “nên sẵn sàng trước khả năng Trung Quốc sẽ sử dụng các công cụ phi quân sự như một lựa chọn đầu tiên trong các xung đột tương lai trên Biển Đông”.
Cụ thể, trong nghiên cứu xuất bản năm 2016, giáo sư Toshi nêu chi tiết cách thức Trung Quốc phối kết hợp lực lượng dân quân và tàu cá góp phần vào chiến thắng trong Hải chiến Hoàng Sa 1974.
Theo đó, lực lượng dân quân Trung Quốc đóng trên đảo Phú Lâm đã hành động ngay khi có lệnh vào phút chót.
Giống một lực lượng phản ứng nhanh, dân quân Trung Quốc tràn vào các hòn đảo phía đông nam của nhóm đảo Lưỡi Liềm dưới màn đêm, đánh phủ đầu biệt kích VNCH đang cố gắng chiếm các đảo này vào ngày tiếp theo.
Khả năng hành động nhanh chóng và hiệu quả của lực lượng dân quân đã trao cho quân đội chính quy Trung Quốc thêm thời gian để huy động lực lượng trên đất liền. Chính lực lượng này đã tham gia vào việc chiếm giữ các đảo Hữu Nhật và Hoàng Sa, giúp đảm bảo quyền kiểm soát của Trung Quốc đối với toàn bộ quần đảo Hoàng Sa.
Trên biển, các tàu cá 402 và 407 hoạt động như các đội phản ứng nhanh. Trước trận hải chiến nhiều tháng, các tàu cá này luôn hiện diện ở quần đảo Hoàng Sa và cắm cờ trên các đảo. Các tàu này cũng gửi cảnh báo sớm cho đầu não trên bờ khi tàu chiến VNCH mới tiến vào quần đảo Hoàng Sa.
Các chỉ huy trên tàu cung cấp thông tin tình báo chiến thuật cho chỉ huy của Hải quân Trung Quốc trên biển. Số tàu này giúp đưa lực lượng dân quân lên các đảo Quang Hòa, Duy Mộng và Quang Hòa Tây vào đêm trước trận chiến và là phương tiện để quân Trung Quốc đổ bộ lên các đảo mà Việt Nam nắm giữ sau khi tàu chiến của VNCH bỏ chạy.
Ngược lại với sự hiện diện của hải quân có thể bị nhìn nhận là hiếu chiến, các tàu cá mang lại cho Trung Quốc một phương tiện kín đáo để củng cố yêu sách lãnh thổ.
Tính chất dân sự ‘bề ngoài’ của các tàu cá này đã củng cố thêm luận điểm ngoại giao của Bắc Kinh rằng Sài Gòn là kẻ xâm lược. Thực vậy, một báo cáo tình báo Hoa Kỳ chỉ ra “phản ứng quân sự của Sài Gòn đối với việc ngư dân Trung Quốc đi vào nhóm đảo Lưỡi Liềm” như “một bước quan trọng dẫn đến sự leo thang”.
Nhận định này có thể phù hợp với câu chuyện mà Trung Quốc muốn kể, giáo sư Toshi phân tích trong nghiên cứu của ông.
Thách thức phía trước
Mỹ và các đối tác trong khu vực đang đối đầu với một môi trường biển ngày càng cạnh tranh. Hải quân Trung Quốc ngày nay có sức mạnh không thể sánh được so với năm 1974, theo giáo sư Toshi trong nghiên cứu năm 2016.
Về mặt chiến lược, các vai trò đã bị đảo ngược một cách kịch tính: Lực lượng của Trung Quốc vượt trội các nước láng giềng châu Á, bao gồm Việt Nam, với khoảng cách đáng kể.
Hạm đội Nam Hải hiện đóng ở đảo Hải Nam, là nơi neo đậu của các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo hạt nhân và tàu ngầm tấn công hạt nhân.
Đảo Phú Lâm đã phát triển từ một tiền đồn sơ khai cách đây bốn thập kỷ thành nơi các tàu chiến và máy bay chiến đấu xuất phát.
Xa hơn về phía nam, một nhóm đảo nhân tạo mới được tạo ra có đường băng và bến cảng có thể là nơi đồn trú các lực lượng không quân và hải quân Trung Quốc.
Nhìn chung, Trung Quốc hiện sở hữu sức mạnh quân sự để buộc Hoa Kỳ phải trả giá cho những điều mà các lãnh đạo Trung Quốc chỉ có thể nằm mơ vào năm 1974.
Các tàu khu trục, khinh hạm, tàu tấn công nhanh, tàu ngầm hiện đại của Trung Quốc được trang bị tên lửa hành trình chống hạm tầm xa có thể tấn công từ khoảng cách xa.
Các máy bay, tàu và tên lửa đạn đạo có thể vươn sâu vào Biển Đông, tạo ra vỏ bọc bảo vệ cho các đơn vị hải quân.
Hiệu quả của chiến thuật này cho thấy Trung Quốc có thể lại sử dụng chúng cho các cuộc đối đầu trong tương lai ở Biển Đông.
Mỹ và các nước châu Á nên cảnh giác với viễn cảnh này, giáo sư Toshi cảnh báo trong cuộc trao đổi với BBC.
…
Giáo sư Toshi Yoshihara là thành viên cấp cao tại Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách (CSBA). Trước đây ông giữ chức Chủ tịch John A. van Beuren về Nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương và là giáo sư về chiến lược tại Đại học Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ. Ông từng là giáo sư thỉnh giảng tại Trường Luật và Ngoại giao Fletcher, ĐH Tufts; Trường Chính sách và Chiến lược Toàn cầu, ĐH California, San Diego; và Khoa Chiến lược, ĐH Chiến tranh Không quân Hoa Kỳ.
17 tháng 1 2024, 08:08 +07
Capture à partir de :BBC
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Một người tham gia tưởng niệm tại Hà Nội vào năm 2014, trong dịp kỷ niệm 40 năm Hải chiến Hoàng Sa
Một số nhà trí thức trong nước đề nghị nhà nước vinh danh 74 quân nhân VNCH tử trận trong Hải chiến Hoàng Sa 1974.
Chúng tôi gặp tiến sĩ Nguyễn Nhã, năm nay đã 85 tuổi, tại nhà riêng của ông trong một con hẻm ở quận Phú Nhuận, TP HCM. Chỉ cần đóng lại cánh cổng chính, đặt chân vào khoảnh sân nhà ông là như được bước vào một không gian khác, tách biệt hoàn toàn với xe cộ ồn ào ngoài kia.
Gian bên phải ngôi nhà của vị tiến sĩ có một nơi trưng bày tư liệu, hình ảnh và mô hình về Hoàng Sa, Trường Sa.
Phòng khách nhà ông cũng có thêm góc Vọng gác Trường Sa cùng bức ảnh chụp cụm tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải ở huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Trong giai đoạn năm 1966 - 1975, Tiến sĩ Nguyễn Nhã là chủ nhiệm kiêm chủ bút Tập san Sử Địa của Đại học Sư phạm Sài Gòn. Vào năm 1975, tập san này đã xuất bản cuốn “Đặc khảo về Hoàng Sa và Trường Sa” dày 350 trang, phát hành 5.000 cuốn, giá 980 đồng, giá cao kỷ lục của tạp chí hồi đó.
Nguồn hình ảnh, UGC
Tập san Sử địa về Hoàng Sa và Trường Sa số 29 dày 350 trang, phát hành 5.000 cuốn, giá 980 đồng
Sự chia rẽ ‘phe nọ, phe kia’
Lời đề tựa cuốn Tập san Sử địa số 29 về Hoàng Sa và Trường Sa có đoạn trích từ bài “Đúng ba trăm năm trước” của giáo sư Hoàng Xuân Hãn:
“Ngày nay, vụ quần đảo Hoàng-sa bị chiếm là triệu chứng cụ thể của những thiệt hại gây nên bởi sự bất hòa giữa dân ta. Hoàng-sa là đất Việt Nam, là đất của nước Việt Nam thống nhất. Khi nước Việt-Nam còn chia đôi thì khó lòng điều-đình đề Hoàng-sa trở lại đất ta, tuy rằng nhiều chứng xưa nay, trong ngoài bảo rằng đó là đất Việt.”
Tiếp theo, tập san mở đầu bằng bài viết nhan đề: “Thử đặt vấn đề Hoàng Sa…”, trong đó nêu rõ việc Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa “đã, đang gieo vào lòng người Việt Nam những khắc khoải, uất hận về thân phận nhược tiểu trong khi anh em trong nhà thiếu đoàn kết”.
50 năm Hải chiến Hoàng Sa: 'Việt Nam Cộng Hòa đã bị hy sinh'
50 năm Hải chiến Hoàng Sa: Ai sẽ cùng hẹn ‘Năm sau đến Hoàng Sa’?
Chia sẻ với BBC News Tiếng Việt, Tiến sĩ Nguyễn Nhã kể lại rằng thời điểm trận chiến xảy ra vào ngày 19/1/1974, lòng yêu nước trong ông cũng như những trí thức khác dâng trào nên ông quyết tâm phản đối những gì, những ai không tôn trọng sự thực lịch sử. Vì lẽ đó, ông quyết định sẽ ra số đặc khảo nghiên cứu về sự thật chủ quyền ở Hoàng Sa nhưng đã có nhiều người “can gián”.
Do đó, ông đã đợi đến dịp kỷ niệm một năm hải chiến mới quyết định xuất bản cuốn đặc san này.
Trận hải chiến Hoàng Sa nổ vào ngày 19/1/1974 tuy ngắn ngủi nhưng để lại cho người dân Việt Nam nói chung một mất mát lớn: 74 quân nhân VNCH tử trận, Trung Quốc chiếm trọn Hoàng Sa từ tay VNCH.
Tiến sĩ Nguyễn Nhã bên bức hình chụp cụm tượng đài Hải đội Hoàng Sa ở đảo Lý Sơn
Một năm sau, chính quyền VNCH sụp đổ. Dưới thể chế mới, sự kiện Hoàng Sa dần bị trôi vào quên lãng. Mãi tận gần 40 năm sau, thông tin về cuộc hải chiến mới bắt đầu rục rịch được công khai trên báo đài trong nước.
Vào thời điểm cuối năm 2013, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam lúc bấy giờ là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp với đại diện Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Trong buổi làm việc, thông tin cho biết ông Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định phải kỷ niệm các sự kiện Hoàng Sa năm 1974 và chiến tranh biên giới 1979, vốn bị cho là các chủ đề “tế nhị”.
Theo phát biểu của ông Dũng được trích dẫn lại thì "Bộ Ngoại giao đang soạn thảo đề án kỷ niệm sự kiện biên giới phía Bắc và Hoàng Sa”.
“Kỷ niệm thế nào cho vừa đạt yêu cầu đối nội, vừa đạt yêu cầu đối ngoại. Đó cũng là lợi ích của nhân dân. Bộ Chính trị rất quan tâm đến việc kỷ niệm này,” ông nói.
Vào đầu năm 2014, Văn phòng Chính phủ đã ra Thông báo 24, trong đó nêu rõ: “Giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đưa vấn đề Biển Đông và chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vào sách giáo khoa các cấp học với nội dung, mức độ, phạm vi và hình thức phù hợp khi triển khai xây dựng Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.”
50 năm Hải chiến Hoàng Sa: Bài học lớn cho Việt Nam
50 năm Hải chiến Hoàng Sa: 'Ukraine và Đài Loan là bài học cho Việt Nam'
Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, trận hải chiến Hoàng Sa 1974 vẫn không xuất hiện trong sách giáo khoa lịch sử.
Tiến sĩ Nguyễn Nhã lý giải rằng câu chuyện chính trị đã làm cho sự công nhận về sự kiện Hoàng Sa bị ảnh hưởng. Thời gian đầu, vấn đề về Hoàng Sa khá thống nhất trong người dân lẫn chính quyền nhưng dần về sau lại “chia rẽ một cách kỳ cục”.
Theo ông, nguyên nhân là bởi “về chính trị thì có sự phân chia người của phe nọ với phe kia và người ta không thống nhất với nữa”.
Ông cho rằng sự thực là Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa, có thể là vì vậy nên có người trong chính quyền hiện nay không muốn nhắc tới.
Nguồn hình ảnh, HOÀNG ĐÌNH NAM/AFP qua Getty Images
Người biểu tình chống Trung Quốc vào năm 2014 ở Hà Nội cầm biểu ngữ với chân dung hạm trưởng HQ-10 Ngụy Văn Thà, người nằm trong số 74 lính VNCH tử trận trong Hải chiến Hoàng Sa ngày 19/1/1974
Trong cuộc trò chuyện trước thềm kỷ niệm 50 năm cuộc hải chiến 1974, tiến sĩ Nguyễn Nhã luôn xúc động khi nhắc đến tử sĩ VNCH.
“Theo tôi, người chết vì nước nếu được tôn trọng và nói lên cái sự thực đó thì giá trị rất lớn. Chính quyền hiện nay dù là có thân Trung Quốc hay không thân, nếu mà có lòng yêu nước thì phải tôn trọng sự thực.”
“Thế còn thái độ của mình đối với đồng chí Trung Quốc đó thì mình vẫn hòa hoãn, đừng để ông ta tức giận. Đừng để tức giận thôi chứ làm sao vừa lòng được,” ông nói.
Hồi năm 2012, tại Đại học Harvard, Mỹ, một buổi hội thảo về Biển Đông đã được các nghiên cứu sinh trẻ người Việt tổ chức. Phát biểu tại sự kiện đó, tiến sĩ Nguyễn đã khóc khi nhắc đến Hải chiến Hoàng Sa 1974.
Ông giải thích với BBC: “Tại sao cứ nhắc tới là tôi khóc? Là bởi vì tôi là người yêu sự thực lịch sử và khi càng yêu mà cái sự thực lịch sử bị cản trở thì tôi không cầm lòng được.”
“Điều tôi luôn quan tâm là làm sao để giới trẻ biết về Hải chiến Hoàng Sa, biết được sự thực lịch sử ấy.”
‘Cần được vinh danh’
Năm 2014, báo chí Việt Nam bất ngờ công khai đề cập rầm rộ về Hải chiến Hoàng Sa 1974. Lúc bấy giờ, trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, qua trích dẫn của báo chí trong nước, đã nói rằng cần tôn vinh tinh thần yêu nước của người lính VNCH chống ngoại xâm trong Hải chiến Hoàng Sa.
Phát biểu của ông Thước do báo Thanh Niên ghi lại sau đó đã bị gỡ khỏi website của tờ báo này và ông Thước cũng có lần lên tiếng phủ nhận mình từng phát biểu như vậy. Vào thời điểm đầu năm 2024, BBC đã kiểm tra trang Archive.org thì vẫn còn lưu trữ bài báo trên.
Bài báo dẫn lời ông Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, khi ấy nói rằng cần tôn vinh tinh thần yêu nước của lính VNCH nhưng sau đó ông phủ nhận phát ngôn này
Khi được hỏi về cách mà Chính phủ Việt Nam ứng xử với các tử sĩ VNCH, Tiến sĩ Nguyễn Nhã nói rằng chính quyền hiện nay mà yêu nước thì cần vinh danh các chiến sĩ chết vì Hoàng Sa, chết vì bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa, Trường Sa.
Ông đánh giá sự chậm trễ, cũng như thiếu sót thông tin về trận chiến, về những gì diễn ra vào ngày 19/1/1974 trên quần đảo Hoàng Sa, là một trong những nguyên nhân lớn gây ra sự thiếu hiểu biết và thờ ơ của giới trẻ về vấn đề chủ quyền biển đảo. Ở đây, vị tiến sĩ muốn nói đến sự thiếu vắng thông tin từ báo chí chính thống cũng như từ nguồn chính thức của chính phủ.
Cũng trước dịp kỷ niệm 50 cuộc hải chiến, Giáo sư Nguyễn Khắc Mai từ Hà Nội nói với BBC rằng 74 chiến sĩ Hải quân VNCH hy sinh trong một nỗ lực bất thành để bảo vệ Hoàng Sa trước quân xâm lược Trung Quốc năm 1974 là sự kiện “rất oai hùng”.
“Đó không phải là chuyện riêng của miền Nam hay miền Bắc mà là của người Việt Nam nói chung,” ông nói.
Nguồn hình ảnh, AFP/HOÀNG ĐÌNH NAM qua GETTY IMAGES
Người biểu tình chống Trung Quốc tụ họp trước tượng vua Lý Công Uẩn ở trung tâm thành phố Hà Nội để kỷ niệm 40 năm ngày Trung Quốc chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa
Từ năm 2014, Giáo sư Mai đã tổ chức hội thảo công khai nói về vấn đề Hoàng Sa ở Hà Nội và mời bà Huỳnh Thị Sinh, vợ của cố Hạm trưởng HQ-10 Ngụy Văn Thà, ra Hà Nội để dự buổi tưởng niệm.
“Chúng tôi đã tôn vinh trận hải chiến cũng như những chiến sĩ đã hy sinh để bảo vệ đất nước, bảo vệ chủ quyền biển đảo của ta. Điều này rất được dư luận trong và ngoài nước hoan nghênh,”Giáo sư Nguyễn Khắc Mai nói.
Còn nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc từ Sài Gòn nói với BBC rằng chế độ Việt Nam Cộng Hòa đã chấm dứt vào lúc 11:30 giờ ngày 30/04/1975, nhưng di sản của VNCH để lại, nhất là trong vấn đề bảo vệ chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông là quan trọng.
“Nó thuộc về công pháp quốc tế, chứ không chỉ là quan điểm về chính trị hay là ý thức hệ. Những việc làm của VNCH trong việc bảo vệ chủ quyền của mình là nằm trong tiến trình đấu tranh về mặt công pháp quốc tế. Chúng ta nên đặt vấn đề sự thực thi liên tục chủ quyền quốc gia chứ không nên cắt khúc giữa Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Việt Nam Cộng Hòa và Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam ngày nay.
“Chính vì vậy, bất cứ một công dân Việt Nam nào, bất cứ một người con của Việt Nam nào ngã xuống cho sự độc lập, thống nhất đất nước và toàn vẹn lãnh thổ đều phải được trân trọng như nhau,” ông Đinh Kim Phúc nói.
17 tháng 1 2024, 11:52 +07
Capture à partir de :BBC
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Mao Trạch Đông gặp các "đồng chí" Lê Đức Thọ và Nguyễn Duy Trinh vào năm 1973, một năm sau thì Trung Quốc đánh Hoàng Sa
Trung Quốc đã chuẩn bị gì cho Hải chiến Hoàng Sa 1974 mà họ gọi là “Tự vệ Phản kích Tây Sa”? Báo nhà nước Trung Quốc tiết lộ hành động của các lãnh đạo Bắc Kinh quanh thời điểm quan trọng này.
Lúc 10 giờ sáng ngày 18/1/1974, khi Mao Trạch Đông còn chưa thức giấc, một văn bản đã được đặt ngay ngắn trên bàn làm việc của ông. Đó là bản báo cáo do Thủ tướng Chu Ân Lai và Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Diệp Kiếm Anh ký, tường trình tình hình Hoàng Sa và kế hoạch “bảo vệ” quần đảo này.
Liên tục trong một tuần trước đó, căng thẳng Hoàng Sa leo thang không chỉ trên bình diện ngoại giao mà cả trên thực địa.
Thức dậy, Mao vừa xem báo cáo, vừa “chìm sâu vào suy nghĩ”, trong đó là cả một đoạn sử về giằng co chủ quyền Hoàng Sa từ khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa lập quốc cho tới những diễn biến vừa qua. Với Mao, quyết định lần này không chỉ có ý nghĩa với riêng Trung Quốc mà còn vì “ổn định thế cục thế giới”.
Nghĩ đến đấy, Mao bèn cầm bút phê lên hai chữ: “Đồng ý”, đoạn nói: “Xem ra không đánh một trận thì không bảo vệ được quyền và lợi ích của Trung Quốc trên biển”.
Đó là cách tờ báo chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc mô tả quá trình phê duyệt đề xuất đánh Hoàng Sa của Mao.
Nguồn hình ảnh, GETTY IMAGES
Trang tuyên truyền của TQ ca ngợi Mao Trạch Đông đặt ra mục tiêu phát triển Hải quân Quân Giải phóng
Hải chiến Hoàng Sa là trận chiến với nước ngoài đầu tiên trong lịch sử hiện đại của hải quân Trung Quốc. Đó cũng là trận đánh cuối cùng do Mao Trạch Đông quyết định.
Khi ấy Mao giữ chức Chủ tịch Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và đã 81 tuổi, độ tuổi mà ông tự trào là sắp phải “đi gặp Marx”.
Sau khi được Mao đồng ý, Chu Ân Lai cùng bộ sậu Quân ủy Trung ương lên phương án tác chiến.
50 năm Hải chiến Hoàng Sa: Câu chuyện ứng xử với 74 tử sĩ và các di sản VNCH
50 năm Hải chiến Hoàng Sa: Ai sẽ cùng hẹn ‘Năm sau đến Hoàng Sa’?
50 năm Hải chiến Hoàng Sa: 'Ukraine và Đài Loan là bài học cho Việt Nam'
Sáng sớm ngày 19/1, tiểu tổ lãnh đạo được thành lập gồm 5 thành viên: Diệp Kiếm Anh, Đặng Tiểu Bình, Vương Hồng Văn, Trương Xuân Kiều, Trần Tích Liên. Tô Chấn Hoa được bổ sung sau đó, thành ra 6 người.
Theo đề xuất của Chu Ân Lai thì Diệp Kiếm Anh và Đặng Tiểu Bình đại diện đảng phụ trách chính, lập tức sang Bộ Tác chiến Bộ Tổng tham mưu chỉ đạo.
Chu Ân Lai gọi điện cho Diệp Kiếm Anh, nói ngắn gọn: “Anh giữ quyền phụ trách. Hãy đến Bộ Tổng tham mưu để chỉ huy tác chiến.”
Đặng Tiểu Bình lúc bấy giờ vừa trở lại chính trường sau khi bị ép lao động cải tạo ở Giang Tây. Đặng là một trong những nạn nhân của Đại Cách mạng Văn hóa do Mao Trạch Đông khởi xướng.
Trưa cùng ngày, trận chiến chính thức nổ ra.
Theo tờ Nhân Dân nhật báo, trong lúc chiến sự diễn ra, không khí tại Bộ Tác chiến Bộ Tổng tham mưu “có phần căng thẳng”: trong khi Diệp Kiếm Anh không ngớt hỏi tình hình tiền tuyến thì Đặng Tiểu Bình hút thuốc “hết điếu này sang điếu khác”.
Đến 2 giờ chiều, tin thắng trận báo về, Diệp được mô tả là đã phấn khích hô lên liên tiếp “đánh hay lắm”, còn Đặng hít sâu một hơi thuốc trước khi dập điếu rồi nói với Diệp: “Ta đi ăn cơm thôi”.
Sau thắng lợi ban đầu, Đặng và Diệp, với sự ủng hộ của Mao, lệnh Quân khu Quảng Châu đánh chiếm tiếp ba đảo Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là San Hô), Hữu Nhật (Trung Quốc gọi là Cam Tuyền) và Quang Ảnh (Trung Quốc gọi là Kim Ngân). Lý do, theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, là để “dạy cho quân xâm lược Nam Việt một bài học”.
Khoảng nửa năm sau Hải chiến Hoàng Sa, tháng 7/1974, Mao Trạch Đông được chẩn đoán mắc chứng xơ cứng teo cơ một bên (ALS), khiến cơ thể mất từ từ khả năng điều khiển vận động. Đó chỉ là một trong số nhiều bệnh mà Mao đã mang sẵn từ trước.
Sau khi Mao chết năm 1976, Đặng Tiểu Bình trở thành lãnh đạo tối cao của Trung Quốc, dẫn dắt công cuộc cải cách và mở cửa kinh tế của nước này.
Tuy lập trường chính thức của Trung Quốc trong giai đoạn đó là “gác lại vấn đề chủ quyền, cùng nhau phát triển”, nhưng dưới thời Đặng, quân Trung Quốc và Việt Nam còn một lần nữa chạm trán trong Hải chiến Gạc Ma 1988.
Hải chiến Hoàng Sa 1974 đánh dấu một trong những bước quan trọng để từ đó Trung Quốc đẩy mạnh chiến lược bành trướng trên Biển Đông.
Đây cũng là thời điểm mang tính bước ngoặt trong lịch sử phát triển hải quân của Trung Quốc thời hiện đại, từ chỗ “hầu như không có khả năng chiến đấu trên biển” trở thành một trong những lực lượng hải quân hàng đầu thế giới.
17/01/2024
VOA Tiếng Việt
Capture à partir de :voatiengviet
Nhiều người Việt dùng mạng xã hội trong những ngày giữa tháng 1/2024 làm nơi để tưởng niệm sự kiện Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm cách đây gần tròn 50 năm. Trong số họ, có những người đề nghị Hà Nội kiện Bắc Kinh. Một nhà nghiên cứu cho rằng Việt Nam ở thế rất bất lợi, nhưng có thể sử dụng một cách vận động pháp lý đem lại kết quả “từ thắng đến hòa”.
Theo quan sát của VOA, những người được theo dõi rộng rãi trên mạng như tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, các nhà hoạt động Nguyễn Văn Đài, Lê Anh Hùng, cựu nhà báo Chu Vĩnh Hải, cùng một số đáng kể các Facebooker khác, bên cạnh đó là các diễn đàn Chân Trời Mới Media, Nhóm Chúng Tôi Ghét Lừa Dối… đăng nhiều ý kiến, hình ảnh trong mấy ngày nay về sự kiện Hoàng Sa.
Điểm chung của các bài đăng là nhắc nhở rằng sắp tròn nửa thế kỷ kể từ ngày xảy ra nỗi đau không thể nào quên là quần đảo Hoàng Sa - lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của Việt Nam - bị rơi vào tay Trung Quốc, cũng như kêu gọi người dân và chính quyền Việt Nam không bao giờ được quên đi trách nhiệm phải đòi lại quần đảo.
Vào ngày 19/1/1974, Trung Quốc điều nhiều tàu tiến hành cưỡng chiếm những đảo thuộc quyền kiểm soát của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) ở quần đảo Hoàng Sa. Hải quân VNCH đã chống trả nhưng không giữ được. Trong trận hải chiến này, 74 quân nhân VNCH tử trận. Trung Quốc kiểm soát Hoàng Sa từ đó đến nay.
VNCH ở miền nam Việt Nam chấm dứt tồn tại từ ngày 30/4/1975 sau khi quân đội của Việt Nam cộng sản chiếm Sài Gòn, giành thắng lợi chung cuộc trong Chiến tranh Việt Nam. Từ năm 1976, nước Việt Nam thống nhất có tên chính thức mới là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Chính quyền CHXHCN Việt Nam kể từ đó nhiều lần lên tiếng khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông, bao gồm cả việc lập các đơn vị hành chính hay đặt tên đường phố ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…, nhưng chưa có hành động pháp lý cụ thể nào để đòi lại Hoàng Sa.
Một số trong những người hiện đang tưởng niệm 50 năm sự kiện Hoàng Sa tỏ ý thúc giục chính quyền khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế.
Bất lợi nếu kiện về hải phận
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu kỳ cựu Trương Nhân Tuấn ở Pháp bình luận với VOA rằng Việt Nam khó có thể kiện Trung Quốc về bất cứ điều gì liên quan đến Hoàng Sa và Trường Sa.
Trước hết, nhà nghiên cứu này lưu ý rằng “điều kiện tiên quyết” trong thủ tục kiện tụng ở các tòa án quốc tế về chủ quyền ở một vùng lãnh thổ có tranh chấp là “phải có sự đồng thuận giữa hai bên tranh chấp”.
“Tức là nếu Trung Quốc không đồng thuận thì sẽ không có vụ kiện. Ngoài ra, Trung Quốc còn có những bảo lưu pháp lý, theo đó, họ loại trừ các phương cách giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và phân định biển bằng trọng tài hay bằng một tòa án quốc tế”, ông Tuấn cho hay.
“Về tranh chấp hải phận, Việt Nam không thể đệ đơn nhờ một tòa quốc tế nào đó, như Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) hay Tòa Công lý quốc tế (ICJ) để phân xử, vì TQ đã bảo lưu, không chấp nhận phương cách giải quyết tranh chấp bằng trọng tài”, nhà nghiên cứu này nói thêm.
Ngoài ra, ông Tuấn chỉ ra rằng hai nước đã ký kết “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc”, theo đó, các tranh chấp giữa hai bên trên Biển Đông sẽ được hai bên giải quyết “thông qua hiệp thương hữu nghị”. Như vậy, Trung Quốc có thể vin vào điều ước này để ngăn cản Hà Nội kiện Bắc Kinh trước một tòa quốc tế, về bất cứ nội dung nào, ông Tuấn nhận định.
Một vấn đề nữa, theo ông Tuấn, là Việt Nam có thể vướng “estoppel”, tức nguyên tắc “không được nói ngược”, do hậu quả từ công hàm ngày 14/9/1958 do cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký. Phía Trung Quốc từng nhiều lần dẫn ra công hàm như là bằng chứng cho thấy Việt Nam đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa và Trường Sa.
Nhà nghiên cứu ở Pháp nhấn mạnh rằng Việt Nam gặp bất lợi và có thể thấy rằng vì điều đó mà họ đã “im lặng” trước công hàm của Trung Quốc đề ngày 17/4/2020 gửi Ủy ban ranh giới thềm lục địa thuộc LHQ.
Công hàm này có đoạn nói rằng chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa và Trường Sa - mà Bắc Kinh đặt tên là Tây Sa và Nam Sa - “được cộng đồng quốc tế công nhận rộng rãi” và “chính phủ Việt Nam cũng đã công nhận nó một cách rõ rệt”. Công hàm của Trung Quốc cũng một lần nữa viện dẫn công hàm do Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng ký năm 1958.
Tập quán quốc tế nhìn nhận sự im lặng của một quốc gia trước một vấn đề buộc quốc gia đó phải lên tiếng như là sự “đồng thuận mặc nhiên”, nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn lưu ý.
Liên hệ đến việc Việt Nam đã im lặng từ 4 năm nay trước một vấn đề thuộc chủ quyền lãnh thổ bắt buộc quốc gia phải lên tiếng, ông Tuấn cho rằng “Việt Nam đã mặc nhiên nhìn nhận những cáo buộc của Trung Quốc theo nội dung công hàm 17/4/2020 là đúng, không có điều gì phải bàn cãi”.
Con đường khác: vận động pháp lý
Theo ông Tuấn, do những điều nêu trên, Việt Nam chỉ có thể đơn phương kiện Trung Quốc về một số vấn đề liên quan đến việc giải thích và cách áp dụng Luật Biển mà thôi, nhưng với điều kiện không bị vướng “estoppel”.
Cụ thể về Hoàng Sa, Việt Nam có thể kiện Trung Quốc theo phương pháp mà Philippines đã kiện và nhận được phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) hồi năm 2016, ông Tuấn chỉ ra.
Đi vào chi tiết, ông nói rằng dựa trên Phụ lục VII của UNCLOS (Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển), Việt Nam có thể đơn phương kiện, không nhằm mục đích thắng thua, mà chỉ yêu cầu tòa phán quyết liệu cách áp dụng Luật Biển của Trung Quốc ở khu vực Hoàng Sa có phù hợp với Luật Biển hay không.
“Việt Nam có thể vận dụng một dụng cụ pháp lý, kiểu ‘không kiện mà thắng kiện’, để giảm thiểu những tai hại từ công hàm 1958, hay từ những yêu sách phi lý về ranh giới, hải phận, về quyền lịch sử của Trung Quốc tại Biển Đông. Đó là phương cách vận động thủ thuật ‘actio popularis’ để có một phán quyết có hiệu lực bắt buộc cho tất cả các bên ‘erga omnes’”, ông Tuấn gợi ý.
“Actio popularis” là một thuật ngữ Latin chuyên ngành luật nói về sự tham gia tố tụng của một bên thứ ba trong tranh chấp giữa hai bên. “Erga omnes” có thể hiểu là một phán quyết có giá trị phổ quát toàn cầu.
Theo nhà nghiên cứu ở Pháp, cách vận động này “không có thua mà chỉ có từ thắng cho đến hòa” song vấn đề đặt ra là “Việt Nam có đủ uy tín ngoại giao để làm được việc này hay không?”.
Nhiều nước chung lợi ích
Ông Tuấn phân tích rằng "actio popularis" là một "dụng cụ" pháp lý, có thể sử dụng đơn phương, tức một quốc gia, hay đa phương, nhiều quốc gia, với mục đích đưa một vấn đề trước một trọng tài quốc tế nhằm bảo vệ "lợi ích" chung của các quốc gia này. Hệ quả của "actio popularis" có thể là một phán quyết có giá trị "erga omnes", tức là có hiệu lực pháp lý bắt buộc chung cho các bên.
Một loạt quốc gia gồm Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Nhật, Úc và các nước thuộc khối ASEAN có "lợi ích chung" ở Biển Đông, như "quyền tự do hàng hải và không lưu" ở đó, ông Tuấn chỉ ra. Quyền này hiện đang bị Trung Quốc đe dọa, qua việc xây dựng và quân sự hóa các đảo ở Trường Sa, chưa kể đến tham vọng của nước này muốn lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông.
Mặt khác, các nước trong khu vực gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia… chịu chung mối đe dọa của Trung Quốc với các yêu sách phi lý về biển đảo ở Biển Đông, vẫn theo quan sát của nhà nghiên cứu.
“Nếu ngoại giao của Việt Nam có uy tín và bản lĩnh, Việt Nam có thể vận động các quốc gia này hợp nhau lại, đứng tên chung, cùng đệ đơn lên Tòa Công lý quốc tế, yêu cầu Tòa ra phán quyết rằng phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) có giá trị pháp lý ràng buộc ‘erga omnes’ cho tất cả các bên”, ông Tuấn nhận định.
“Làm được điều này, Việt Nam không kiện mà thắng kiện. Việt Nam vượt qua mọi trở ngại đến từ Công hàm 1958 hay vấn đề ‘estoppel’. Hệ quả phán quyết sẽ giảm đến mức tối đa các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông”, nhà nghiên cứu nhấn mạnh.
VOA liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam về vấn đề này nhưng chưa nhận được hồi đáp.