Trả lại Sự thật và Công lý cho Lịch sử
50 năm Hải chiến Hoàng Sa: Hành trình đi tìm gia đình tử sĩ VNCH
50 năm Hải chiến Hoàng Sa: Chuyện từ một quán cà phê
50 năm Hải chiến Hoàng Sa: ‘Gia đình chưa bao giờ cất đi di ảnh của ba’
Các cựu binh Hoàng Sa và thân nhân thăm nhà trưng bày Hoàng Sa
Capture à partir de :BBC
18 tháng 1 2024
Nhà nghiên cứu, kỹ sư Đỗ Thái Bình với công cuộc tìm kiếm chân dung những tử sĩ VNCH còn thiếu sót
Sự thay đổi thể chế chính trị khiến cho Hải chiến Hoàng Sa năm 1974 được nhìn nhận theo nhiều cách khác nhau. Chính quyền hiện nay tại Việt Nam đang tỏ ra bối rối trong việc ứng xử với di sản của sự kiện này.
Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ Hải chiến Hoàng Sa 1974, sự kiện mà Trung Quốc dùng vũ lực để cưỡng đoạt nhóm đảo Lưỡi Liềm thuộc quần đảo Hoàng Sa từ tay Việt Nam Cộng Hòa. Trong cuộc giao tranh chỉ kéo dài hơn 30 phút ấy, 74 lính hải quân VNCH đã tử trận và tới nay, nhiều gương mặt vẫn còn khuyết trong danh sách mà các nhà nghiên cứu dày công tìm kiếm.
Cũng từ đó đến nay, Trung Quốc kiểm soát trên thực tế toàn bộ quần đảo Hoàng Sa mà họ gọi là Tây Sa.
Là một nhà nghiên cứu hàng hải, từ năm 1997, kỹ sư Đỗ Thái Bình đã khởi sự xây dựng một cuốn bách khoa về đóng tàu và hàng hải Việt Nam. Trong đó, mục về Hoàng Sa và Hải chiến Hoàng Sa vẫn chưa đủ thông tin. Do vậy, ông Bình đã bắt đầu hành trình tập hợp thông tin các tử sĩ cũng như tìm kiếm thân nhân của họ.
50 năm Hải chiến Hoàng Sa: Câu chuyện ứng xử với 74 tử sĩ và các di sản VNCH
Công cuộc soi đuốc tìm người thầm lặng của nhà nghiên cứu Đỗ Thái Bình tính đến nay đã gần 30 năm. Nhờ vào nhiều cơ duyên, ông đã tìm được thêm một vài gia đình của những quân nhân đã tử trận. Dù thời điểm đó, theo ông, sách vở và thông tin vẫn còn mù mờ, phải dựa nhiều vào nguồn tư liệu hải ngoại.
Một buổi sáng cuối năm 2023 tại Sài Gòn, ông Bình đã kể cho chúng tôi nghe hành trình tìm kiếm các gia đình tử sĩ VNCH, về quan hệ của ông với cựu hạm trưởng HQ-4, trung tá Vũ Hữu San, một nhân chứng của Hải chiến Hoàng Sa.
Lần đầu ‘Ngụy Văn Thà’ xuất hiện
Hải chiến Hoàng Sa nổ ra vào ngày 19/1/1974 giữa Trung Quốc và VNCH. KHi đó, phía VNCH có bốn tàu. Tuần dương hạm HQ-16 Lý Thường Kiệt có mặt tại Hoàng Sa từ ngày 15/1, do hải quân trung tá Lê Văn Thự làm hạm trưởng.
Khu trục hạm HQ-4 Trần Khánh Dư, do hải quân trung tá Vũ Hữu San làm hạm trưởng, đến Hoàng Sa vào ngày 17/1.
Tiếp đó, tuần dương hạm HQ-5 Trần Bình Trọng, do hải quân trung tá Phạm Trọng Quỳnh làm hạm trưởng, đến Hoàng Sa vào trưa 18/1. Hộ tống hạm HQ-10 Nhựt Tảo, do hải quân thiếu tá Ngụy Văn Thà chỉ huy, đến nơi vào tối cùng ngày.
Đại tá Hà Văn Ngạc với chức vụ Chỉ huy trưởng Hải đội đặc nhiệm Hoàng Sa là sĩ quan cấp cao nhất của VNCH tại thực địa. Ông có mặt trên tàu HQ-5.
Khi trận hải chiến nổ ra trưa ngày 19/1, tàu HQ-10, chiếc có hỏa lực yếu nhất và nhỏ nhất của phía VNCH, đã bị chìm vào ngày 19/1. Hạm trưởng HQ-10 Ngụy Văn Thà tử trận ở tuổi 30, mất xác cùng con tàu mà ông chỉ huy. Cùng với ông, 73 quân nhân khác của VNCH cũng đã hy sinh trong sự kiện này.
50 năm Hải chiến Hoàng Sa: Ai sẽ cùng hẹn ‘Năm sau đến Hoàng Sa’?
Bởi những biến động lịch sử và chính trị, sau ngày 30/4/1975, chính thể VNCH không còn, gia đình của các cựu sĩ quan, quân nhân VNCH phải sống trong lặng lẽ, với nỗi đắng cay về mất mát của người thân mình.
Trong suốt gần 40 năm, câu chuyện về Hải chiến Hoàng Sa hầu như chỉ có người Việt ở hải ngoại thuật lại cho nhau nghe, người trong nước ít biết đến và thậm chí từng bị coi là điều cấm kỵ. Biết bao éo le, nghiệt ngã phủ lên gia đình của những người lính VNCH. Cũng là người Việt Nam đã đổ máu trong một nỗ lực bảo vệ bờ cõi trước sự xâm lấn của ngoại bang, nhưng sự ngăn trở của một quá khứ đầy định kiến đã khiến các tử sĩ trong cuộc hải chiến năm 1974 không được thể chế hiện nay chính thức ghi nhận.
Đến tận tháng 6/2013, tức gần 40 năm sau đó, bà Huỳnh Thị Sinh, vợ cố hạm trưởng Ngụy Văn Thà, người được truy phong hải quân trung tá sau khi tử trận, mới lần đầu xuất hiện công khai trong một sự kiện tưởng niệm Hoàng Sa tại Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình ở TP HCM.
Trước đó, nhà nghiên cứu Đỗ Thái Bình đã cố công tìm kiếm tin tức của vợ con cố hạm trưởng Ngụy Văn Thà trong nhiều năm trời để phục vụ cho cuốn sách của mình. Tới năm 2005, ông tìm gặp bà quả phụ Ngụy Văn Thà tại nơi bà sống gần chợ Hòa Hảo, quận 11, TP HCM.
Chân dung cố Trung úy Ngụy Văn Thà (trái) và hình ảnh bà Huỳnh Thị Sinh trong lễ tang của chồng năm 1974 (phải)
Theo ông Bình, có một số nhân viên an ninh văn hóa hiện diện trong sự kiện tại câu lạc bộ tôn giáo nói trên.
Khi bà quả phụ Ngụy Văn Thà được giới thiệu, “tất cả đều ngạc nhiên và chào đón bằng tràng pháo tay. Vì chưa bao giờ phu nhân Ngụy Văn Thà xuất hiện trước công chúng một cách công khai và nói rằng mình là vợ của cố hạm trưởng tàu HQ-10 như vậy. Công an cũng không có hành động gì vì hôm đó là sự kiện của một tổ chức tôn giáo, kỷ niệm một ngày cực kỳ quan trọng của đất nước,” ông Đỗ Thái Bình thuật lại.
Từ đó, câu chuyện của các gia đình tử sĩ Hải chiến Hoàng Sa 1974 bắt đầu lan tỏa. Lúc bấy giờ, giáo sư Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu thuộc Ban Dân vận Trung ương, Giám đốc Trung tâm Minh Triết Việt Nam, đã lên kế hoạch tổ chức một cuộc tọa đàm về Hoàng Sa tại Hà Nội.
Chia sẻ với BBC News Tiếng Việt, giáo sư Nguyễn Khắc Mai hồi tưởng, khoảng đầu năm 2014, Trung tâm của ông đã tổ chức một lễ kỷ niệm về cuộc chiến Hoàng Sa.
“Trong hội thảo ấy, chúng tôi có đọc bài văn tế những chiến sĩ đã hy sinh ở Hoàng Sa năm 1974. Sự kiện có sự góp mặt của nhiều trí thức, nhà báo, người trẻ, họ đều rất quan tâm. Tôi có nhờ anh Đỗ Thái Bình mời chị Huỳnh Thị Sinh, là phu nhân của cố trung tá Ngụy Văn Thà, ra Hà Nội và ở ngay nhà tôi cho tiện việc đi lại.
“Trong cuộc họp, chúng tôi đã quyên góp được 12 triệu đồng và trao tặng cho gia đình cố trung tá Thà như chút quà mọn, bày tỏ lòng hoan nghênh và cảm ơn. Chị Sinh rất cảm động khi thấy người miền Bắc chúng tôi đã hiểu được sự hy sinh lớn lao của chồng mình,” giáo sư Nguyễn Khắc Mai nói.
Tới khoảng tháng 7/2014, chương trình Nhịp cầu Hoàng Sa đã giúp mua được cho gia đình bà Sinh một căn hộ. Đó là lần đầu tiên sau hơn 40 năm bà có chỗ để lập bàn thờ chồng, người được truy phong hải quân trung tá dưới thời VNCH nhưng bị quên lãng dưới chế độ mới.
Ông Đỗ Thái Bình, cũng là thành viên của Nhịp cầu Hoàng Sa, nói với BBC rằng có những người như chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, một sĩ quan cấp cao của Quân đội Nhân dân Việt Nam, góp mặt trong buổi lễ trao nhà là một trong những hình ảnh đẹp về hòa hợp, hòa giải, khi tiếng súng đã ngưng bặt, lòng người cùng gác lại những oán hận, rẽ chia.
Nguồn hình ảnh, Nhịp cầu Hoàng Sa
Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm thắp nhang trước di ảnh của cố trung tá Ngụy Văn Thà trong buổi lễ trao nhà do Nhịp cầu Hoàng Sa tổ chức
Giáo sư Nguyễn Khắc Mai cũng nói thêm rằng, tiếp sau sự kiện do ông chủ trì tại Hà Nội, Thành ủy Đà Nẵng đã cùng trung tâm của ông tổ chức một số sự kiện về Hoàng Sa và công khai rộng rãi về sự kiện Hải quân VNCH chiến đấu chống Trung Quốc.
Trên thực tế, Hải chiến Hoàng Sa kết thúc với việc quân VNCH rút lui và Hoàng Sa rơi vào tay Trung Quốc, nhưng việc Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm Hoàng Sa là một bằng chứng nữa nhấn mạnh chính nghĩa của Việt Nam, ông Mai chia sẻ.
“Chúng tôi tôn vinh sự kiện này cũng như những chiến sĩ đã hy sinh để bảo vệ đất nước, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Điều này rất được dư luận trong và ngoài nước hoan nghênh,” giáo sư Nguyễn Khắc Mai nhớ lại.
Chụp lại video ▶️
50 năm Hải chiến Hoàng Sa: Một lịch sử đầy xung đột
Trăm mối nhọc nhằn
Vào những năm 1997-1998, việc tìm kiếm thông tin cựu quân nhân hải quân VNCH cũng như thân nhân của tử sĩ không hề đơn giản. Thông tin lúc bấy giờ rất tản mát, mạng internet chưa phổ biến và nhiều hồ sơ của quân nhân VNCH không thể tiếp cận, nhưng với quyết tâm, ông Đỗ Thái Bình đã lần tìm từng manh mối, chắp nối từng mảnh ghép nhỏ để dần có một bức tranh hoàn chỉnh hơn.
Vào năm 2022, ông Đỗ Thái Bình đã tìm được con trai của cựu binh Đinh Văn Thục, là thủy thủ nhất điện tử của tàu HQ-10. Số là khi thủy thủ Đinh Văn Thục tử trận thì không có thông tin ông đã lập gia đình, nhưng thực tế lại có một người con trai. Theo lời ông Bình, những tử sĩ trong trận Hoàng Sa năm đó còn rất trẻ, có khi có con nhưng chưa kịp cưới hoặc làm hôn thú vì vậy mà bỏ sót.
Ông Bình bộc bạch, là một nhà nghiên cứu, khi trang viết Hoàng Sa vẫn còn trống thì lòng ông không yên:
“Tôi viết một cuốn sách có tính chất từ điển tra cứu, nếu không cố gắng làm đầy đủ thì đến thế hệ sau, họ sẽ nói việc này mình không làm đến nơi đến chốn. Sống trên đất nước mình mà không tìm ra được đồng bào của mình thì điều đó là không hay, nên tôi cũng cố gắng, túc tắc tìm,” ông Bình lý giải.
Với mong ước có kho dữ liệu đầy đủ nhất có thể về Hoàng Sa, ông Bình luôn cố gắng ghi chép và đi khắp những tỉnh thành Việt Nam, cứ có thông tin là ông lại lên đường.
Ông Bình nói rằng dù thể chế có thể thay đổi, nhưng về mặt lịch sử, Hải chiến Hoàng Sa luôn là một phần của lịch sử đất nước.
“Mình cố gắng ghi chép, nghiên cứu để đóng góp vào lịch sử đất nước. Điều khó khăn nhất là phải chạy đua với thời gian, không gì nguy hiểm bằng thời gian vì thời gian làm cho người ta quên đi hết.”
Thời gian lặng lẽ trôi, nhiều gia đình hải quân VNCH ly tán, tư liệu bị đốt vì Bộ Tư lệnh hải quân VNCH đã không còn, nhiều người sợ nên tránh tiếp xúc hoặc không muốn nối kết lại với quá khứ, với bất cứ ai hay bất kì điều gì liên quan đến chế độ cũ khi họ đang sống trong một thể chế mới.
Từ thực tế ấy, nhà nghiên cứu này mong rằng báo đài trong nước nên kêu gọi để các gia đình Hoàng Sa có thể lên tiếng.
“Để mất đi những cứ liệu lịch sử là điều rất tệ của một chế độ. Nguyên tắc là khi thay đổi thể chế, cái gì của chế độ cũ thì cũng cần phải lưu lại. Chúng ta không có chế độ lưu trữ như vậy dù nó rất cần cho thể chế hiện nay.
Ông Bình nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác lưu trữ: “Nhưng đáng tiếc là ta làm còn kém. Nghề hàng hải của tôi có những sự kiện diễn ra cách đây vài năm nhưng tra cứu thì không có. Tôi cũng đi tìm ở các trung tâm rồi nhưng không có mà những tài liệu này về sau là vô giá,” ông Bình chia sẻ.
Tấm bưu thiếp có hình con tàu HQ-10 mà cố Trung úy Ngụy Văn Thà gửi về cho vợ trước khi đi làm nhiệm vụ và rồi hy sinh ngày 19/1/1974
‘Phải giữ phẩm giá dân tộc’
Kỷ niệm 50 năm trận Hải chiến Hoàng Sa, nhiều nhà nghiên cứu, học giả, trí thức, người dân Việt Nam trong và ngoài nước lại đau đáu nỗi niềm mất mát - Hoàng Sa.
Mỗi ngày, xem ti vi, người dân Việt Nam vẫn thấy tin dự báo thời tiết tại quần đảo Hoàng Sa nhưng phần lãnh thổ ấy đã rơi vào tay Trung Quốc từ 50 năm trước.
Vùng biển xung quanh cũng trở nên sóng gió hơn, với hiểm nguy rình rập các ngư dân Việt Nam khi Trung Quốc không ngừng gia tăng kiểm soát.
Ông Đỗ Thái Bình cho rằng, việc để mất một thước đất là nỗi đau của cả quốc gia. Ông cho rằng chính quyền Việt Nam vẫn có thể kể câu chuyện Hoàng Sa với toàn dân một cách hòa bình.
50 năm Hải chiến Hoàng Sa: 'Ukraine và Đài Loan là bài học cho Việt Nam'
50 năm Hải chiến Hoàng Sa: Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai đã hành động như thế nào?
Vài năm sau sự kiện Hoàng Sa 1974, Bắc Kinh đã phát hành đĩa phim Trận phản kích tự vệ Tây Sa, tuyên truyền với người dân của họ rằng đó là trận tự vệ để thu hồi lại quần đảo này. Ông Bình đã mua được đĩa phim vào năm 1997 tại một tiệm tạp hóa ở Quảng Châu.
“Từ 30 năm trước, dân của họ đã biết đến sự kiện Hoàng Sa này một cách công khai, đến một người ở tiệm tạp hóa be bé cũng biết. Trung Quốc đã giáo dục cho toàn dân chuyện Hoàng Sa, coi đấy là bài học yêu nước. Suốt trong mấy chục năm nay, họ đã lập công viên, đã xây tượng, viết bao nhiêu sách về sự kiện ấy. Những con tàu đánh chiếm Hoàng Sa được đưa vào bảo tàng hải quân. Như vậy, câu chuyện Hoàng Sa từ phía Trung Quốc đã được nói đến và giáo dục một cách công khai.
“Vậy thì chúng ta, là một đất nước, dù có nhẫn nhịn đến mấy thì tôi nghĩ nên việc nào ra việc đó. Tức là cần nghiên cứu, cần thông tin rộng rãi, cần tổ chức kỷ niệm chứ đừng để một khoảng trống. Nói thật, nếu coi đó là cái giá để đổi lấy hòa bình thì như vậy là quá đắt,” ông Bình nhìn nhận.
Đĩa phim Trận phản kích tự vệ Tây Sa của Trung Quốc nói tuyên truyền về cuộc Hải chiến Hoàng Sa 1974
Ông Bình nói thêm: “Tạo ra khoảng trống lịch sử sẽ ảnh hưởng lớn đến phẩm giá dân tộc. Không thể để dân tộc hèn được, mà cái hèn là điều rất nguy hiểm. Nhiều sự kiện của đất nước mà hiện nay chính quyền chưa giải thích, chưa công nhận nhưng vẫn nên có những nghiên cứu khoa học hoặc những hình thức khác nhau, cần làm từ từ nhưng không thể không làm.”
Tính tới hiện tại, Việt Nam đã có các hội nghị, hội thảo và các bài viết về Hải chiến Hoàng Sa; có các tổ chức dân sự như Nhịp cầu Hoàng Sa hay các địa điểm do nhà nước quản lý như Nhà trưng bày Hoàng Sa tại Đà Nẵng. Tại những dịp ấy và nhưng nơi ấy, trận hải chiến năm 1974 cũng được đề cập, xen giữa các thông tin lịch sử, bằng chứng về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Giáo sư Nguyễn Khắc Mai nói rằng, sự kiện tọa đàm và lễ kỷ niệm 40 năm Hải chiến Hoàng Sa hồi 2014 là điều đặc biệt khi nhiều người dám công khai ghi nhận sự hy sinh của hải quân VNCH, những người đã bỏ mình khi bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Tuy nhiên, những năm trở lại đây, câu chuyện về Hải chiến Hoàng Sa không còn được đề cập nhiều như trước. Báo chí chính thống trở nên dè dặt hơn khi nói về di sản của VNCH liên quan đến chủ quyền biển đảo.
Năm 2014, báo Thanh Niên từng phỏng vấn trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4. Trong đó, ông Thước cho rằng cần tôn vinh tinh thần yêu nước của người lính VNCH chống ngoại xâm trong Hải chiến Hoàng Sa.
Bài báo sau đó đã bị gỡ khỏi website của báo Thanh Niên và ông Thước cũng có lần lên tiếng phủ nhận mình từng phát biểu như vậy, nhưng trang Archive.org vẫn còn lưu trữ bài báo này.
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Những người biểu tình chống Trung Quốc cầm những băng rôn có chân dung của Hạm trưởng HQ-10 Ngụy Văn Thà, trong một cuộc biểu tình trước tượng vua Lý Công Uẩn vào ngày 19/01/2014 ở trung tâm thành phố Hà Nội
Với sự xoay vần của kiểm duyệt, nóng lạnh tùy thuộc vào mối quan hệ với Bắc Kinh, dường như Hà Nội có những chủ trương khác nhau về tuyên truyền đối với trận Hải chiến Hoàng Sa.
“Cần thúc đẩy chính quyền đưa vấn đề Hoàng Sa ra trước công chúng, bởi người ta lo rằng, thời điểm 50 năm, nếu không lên tiếng phản đối thì coi như mặc nhiên thừa nhận sự chiếm đóng của Trung Quốc. Cần tạo ra dư luận quốc tế phê phán hành động Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm vùng đảo có chủ quyền,” giáo sư Khắc Mai tâm sự.
Dưới góc nhìn của nhà nghiên cứu, ông Đỗ Thái Bình đánh giá 50 Hải chiến Hoàng Sa là một sự kiện quan trọng, cần được đánh giá đúng đắn.
“Phải công nhận những người chiến đấu ở Hoàng Sa là phe ta, đó là một bước trong hòa hợp hòa giải. Bây giờ chỉ cần cho các cháu, người thân của những tử sĩ công khai trả lời, xuất hiện trên truyền hình. Nếu ngày kỷ niệm 50 năm tới đây mà có thể làm được vậy là rất đẹp.
“Hoàng Sa, 50 năm Hải chiến Hoàng Sa theo tôi là phải vang lên trên các phương tiện truyền thông chính thức của nhà nước, như vậy thì mới giữ được phẩm giá dân tộc, để không quá hèn,” ông Bình gửi gắm nỗi lòng.
18 tháng 1 2024
Capture à partir de :BBC
Nguồn hình ảnh, AFP PHOTO / HOÀNG ĐÌNH NAM/Getty Images
Người biểu tình hô khẩu hiệu chống Trung Quốc khi tuần hành về phía đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội vào ngày 1 tháng 7 năm 2012
Làm sao để Hoàng Sa thực sự sống trong tâm hồn mỗi người Việt? Từ Canada, nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ những suy nghĩ của mình.
Sân trước Nhà Trưng bày Hoàng Sa ở Đà Nẵng có một quán cà phê nhỏ mà tôi ghé mỗi chiều khi còn ở thành phố. Một phần vì quán vắng vẻ gần nhà, lại nhìn trực diện ra biển, phần khác vì muốn quan sát dòng người vào ra để cảm nhận chút gì đó tương liên giữa người dân và một quần đảo mà với đa số họ chỉ nằm trong tâm tưởng chứ chưa hề đặt chân đến.
Thành thật mà nói, tôi không nghĩ người ta có thể dễ dàng cảm thấy gắn bó với một vùng đất chỉ qua kể lại. Chẳng phải Chế Lan Viết từng viết:
Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn
Mảnh đất chỉ có thể trở thành một phần tâm hồn mình với điều kiện mình từng ở đó. Nhưng Hoàng Sa là nơi mà việc đến được còn khó huống gì là ở, không phải chỉ bởi sự xa xôi về khoảng cách địa lý mà còn vì phần lãnh thổ này đang bị ngoại bang chiếm đóng.
50 năm Hải chiến Hoàng Sa: Câu chuyện ứng xử với 74 tử sĩ và các di sản VNCH
50 năm Hải chiến Hoàng Sa: Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai đã hành động như thế nào?
Vậy bằng cách nào Hoàng Sa lại có một vị trí đặc biệt trong tâm tưởng của nhiều người Việt? Có lẽ lý do quan trọng nhất là vì đã có những người Việt từng chết vì nó. Lần gần nhất, 74 binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã nằm lại nơi đây trong một trận hải chiến ngắn ngủi nhưng đẫm máu với quân xâm lược Trung Quốc.
Khác với nhiều năm về trước, khi mà việc nhắc đến Hoàng Sa, Trường Sa trên mặt báo có thể khiến người ta gặp rắc rối, thì mươi năm vừa qua, dưới áp lực của công chúng, chính quyền đã dần thay đổi cách tiếp cận. Thay vì bưng bít, chính quyền đã cho phép báo chí được viết về hải chiến Hoàng Sa và thảm sát Gạc Ma.
Tuy nhiên, để những người trẻ như chúng tôi và thế hệ sau này kết nối với Hoàng Sa, cần nhiều hơn chỉ là những bài báo.
Nguồn hình ảnh, HOÀNG ĐÌNH NAM/AFP QUA GETTY IMAGES
Người biểu tình chống Trung Quốc vào năm 2014 ở Hà Nội cầm biểu ngữ với chân dung hạm trưởng HQ-10 Ngụy Văn Thà, người nằm trong số 74 lính VNCH tử trận trong Hải chiến Hoàng Sa ngày 19/1/1974
Từ bảo tàng…
Bảo tàng là nơi có thể giúp được phần nào. Cũng là kể câu chuyện Hoàng Sa, song bảo tàng sẽ “kể” bằng hiện vật, khiến cho người xem cảm giác như được cầm nắm những gì đã xảy ra.
Nhà Trưng bày Hoàng Sa từng có tên gọi là Bảo tàng Hoàng Sa ở giai đoạn đề xuất, được khởi công từ 2015 nhưng phải mất gần ba năm để hoàn thành, trễ hai năm so với kế hoạch, dù rằng chỉ là một tòa nhà 4 tầng tương đối nhỏ với diện tích khoảng 700m2.
Không rõ lý do gì khiến tiến độ công trình quan trọng này chậm đến như vậy, nhưng tôi vẫn nhớ lúc đó mỗi lần chạy ngang công trường ngổn ngang cứ thầm hỏi không hiểu vì sao chẳng có công nhân nào làm việc và cứ thế này thì bao giờ mới xong.
Những người trong cuộc khi đó chắc cũng chẳng trả lời được. Bằng chứng là vào ngày khánh thành, Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng kiêm Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa lúc ấy là ông Đặng Văn Ngữ, người tâm huyết với dự án, đã tâm sự rằng đến lúc này ông mới “nhẹ gánh trong lòng”.
50 năm Hải chiến Hoàng Sa: 'Ukraine và Đài Loan là bài học cho Việt Nam'
50 năm Hải chiến Hoàng Sa: Ai sẽ cùng hẹn ‘Năm sau đến Hoàng Sa’?
Nguồn hình ảnh, AFP/Getty Images
Một người biểu tình chống Trung Quốc đứng trước lực lượng cảnh sát cơ động đang chặn tuyến đường dến lãnh sự quán Trung Quốc trong một cuộc biểu tình ở trung tâm thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 11 tháng 5 năm 2014
…đến đài tưởng niệm
Đài tưởng niệm đóng một vai trò quan trọng không kém khi đây là nơi kết nối tâm linh giữa người viếng thăm và những bậc tiền nhân đã sống và chết cho Hoàng Sa.
Dù chậm tiến độ nhưng cuối cùng thì Nhà Trưng bày Hoàng Sa cũng đã đi vào hoạt động, nghĩa là vẫn may mắn hơn nhiều Khu Tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa.
Được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khởi công từ năm 2016 trên đảo Lý Sơn, song đã 8 năm trôi qua, Khu Tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa vẫn chưa có gì ngoài viên đá đầu tiên được đặt trong lễ khởi công nằm trơ trọi giữa um tùm cỏ lau.
Khó có lý do kĩ thuật nào cho sự chậm trễ này khi mà công trình tương tự cũng do Tổng Liên đoàn Lao động chủ trì là Khu Tưởng niệm Gạc Ma đã hoàn thành vào năm 2017, chỉ sau hai năm khởi công, và từ đó đến nay liên tục đón các đoàn viếng thăm, kể cả các lãnh đạo cấp cao.
Chỉ có thể giải thích là vì những người ngã xuống ở Gạc Ma thuộc Quân đội Nhân dân Việt Nam, còn những người nằm lại ở Hoàng Sa lại thuộc Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Trong mắt những người nắm quyền hiện tại, tưởng niệm và vinh danh những binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa tử trận ở Hoàng Sa sẽ gián tiếp thừa nhận chính thể này cũng yêu nước và không ngần ngại chiến đấu để bảo vệ chủ quyền đất nước - điều không hợp với tuyên truyền lâu nay của “bên thắng cuộc” về một chế độ mà họ coi “ngụy quyền”.
Ý thức được sự nhạy cảm của vấn đề, những người chủ trương dự án cũng đã khéo léo chọn tên khu tưởng niệm là Nghĩa sĩ Hoàng Sa - một cái tên đủ rộng để bao trùm hết những người có công lao với phần lãnh thổ này của đất nước, nhưng có lẽ vẫn chưa thuyết phục được những cặp mắt dò xét từ Hà Nội.
Chụp lại video ▶️
50 năm Hải chiến Hoàng Sa: Một lịch sử đầy xung đột
Và trên đường phố
Nếu như những không gian như bảo tàng và đài tưởng niệm giúp người ta tìm sự kết nối với Hoàng Sa ở vị trí người quan sát, thì những cuộc biểu tình trên đường phố có thể cho người ta cảm giác của một người tham gia. Thay vì “nhìn”, người ta “làm” một điều gì đó.
Cao trào biểu tình chống Trung Quốc xâm lược nhân sự kiện Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh năm 2011 và kéo giàn khoan vào sâu thềm lục địa Việt Nam năm 2014, hoặc những dịp tưởng niệm hải chiến Hoàng Sa, thảm sát Gạc Ma là những cơ hội như vậy.
Khi những tiếng hô vang “Hoàng Sa! Trường Sa! Việt Nam!” bị đáp lại bằng dùi cui và nắm đấm, khi máu và nước mắt những người biểu tình đổ xuống trong những ngày tưởng niệm, người ta thấy mình gần hơn với những hòn đảo xa xôi nơi tiền đồn Tổ quốc, vì dù sao thì họ cũng đã làm chút gì đó.
Cái giá phải trả kỳ thực cũng không nhỏ. Xem lại những bức hình của những ngày tháng sôi nổi đó, không khó để nhận ra những gương mặt chỉ mấy năm sau đã trở thành tù nhân lương tâm của một chế độ khăng khăng độc quyền yêu nước.
Đó cũng là mâu thuẫn tự thân của chính quyền: Một mặt muốn thế hệ trẻ quan tâm đến Hoàng Sa, Trường Sa, nhưng khi người ta quan tâm đủ tới mức muốn hành động, họ sẽ bị trừng phạt nếu không hành động theo cách mà chính quyền muốn.
Nó làm tôi nhớ lại một khoảnh khắc đáng quên khi ghé quán cà phê của Nhà Trưng bày Hoàng Sa một ngày tháng 6 năm 2018 dịp biểu tình chống dự Luật Đặc khu. Dù Đà Nẵng khi đó biểu tình không nổ ra, nhưng nhiều công an mặc cảnh phục lẫn thường phục đã đợi sẵn để ngăn chặn bất kỳ ai định hành động nơi đây.
Nguồn hình ảnh, AFP PHOTO/HOÀNG ĐÌNH NAM/Getty Images
Những bông hồng trắng được những người biểu tình chống Trung Quốc đặt dưới tượng vua Lý Công Uẩn ở trung tâm thủ đô Hà Nội vào ngày 19/1/2014, trong một cuộc biểu tình kỷ niệm 40 năm ngày Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa
Ngay lúc đó tôi tự hỏi đây có phải nguyên nhân khiến công trình có ý nghĩa quan trọng này bị chậm tiến độ hay không? Phải chăng có những người trong chính quyền muốn giữ lửa quan tâm chủ quyền đất nước cho thanh niên, nhưng cũng có những người khác trong chính quyền, thường là quyền lực hơn, lại sợ ngọn lửa đó bởi những ám ảnh thường trực về an ninh chế độ?
Không rõ nữa, song tôi chợt nhớ đến một trưa nắng cách đây mấy năm cũng ở quán cà phê này khi bàn bên là nhóm các ông lão rôm rả bàn chuyện gì đó sau khi tham quan Nhà Trưng bày. Bỗng một cụ ông trong số đó, bằng chất giọng Quảng Nam đậm đặc không lẫn vào đâu, ngâm nga:
Đời con cho tới đời cha
Hễ còn cộng sản Hoàng Sa của Tàu
Tôi còn chưa kịp hỏi ý ông cụ là cộng sản nào? Mà chắc cũng chẳng cần phải hỏi.
---
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả Nguyễn Anh Tuấn, một nhà hoạt động xã hội từng tham gia các hoạt động biểu tình chống Trung Quốc từ năm 2011 đến năm 2018.
19 tháng 1 2024, 08:00 +07
Capture à partir de :BBC
Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo bên di ảnh của cha và mẹ
Cha của bà Nguyễn Thị Thanh Thảo đã ngã xuống trong Hải chiến Hoàng Sa năm 1974. Số phận con tàu nơi cha bà là hạm phó cũng chính là thân phận chìm nổi của gia đình.
Hải chiến Hoàng Sa nổ ra vào ngày 19/1/1974, thời điểm cuối của Chiến tranh Việt Nam. Kết thúc cuộc chiến ngắn ngủi, 74 binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa tử trận. Trung Quốc chiếm trọn Hoàng Sa từ tay Việt Nam Cộng Hòa.
Một năm sau, Sài Gòn sụp đổ, chế độ Việt Nam Cộng Hòa chấm dứt tồn tại.
Trải qua bao bể dâu, gia đình bà Thảo vẫn luôn giữ nguyên vẹn mọi kỷ vật, thư từ, hình ảnh của cha bà - Hải quân Thiếu tá Nguyễn Thành Trí, hạm phó tàu HQ-10 Nhựt Tảo, con tàu đã bị chìm trong trận hải chiến năm 1974.
Nửa thế kỷ sau biến cố ấy, chúng tôi đến thăm gia đình cố hạm phó Nguyễn Thành Trí vào một ngày cuối năm 2023, khi không khí Sài Gòn se lạnh. Càng cận kề Tết Nguyên đán thì ngôi nhà của gia đình càng đượm màu của quá khứ, của buồn thương, khi bà Thảo và em trai sửa soạn cúng giỗ cho cha mẹ.
“Từ hồi ba mình mất thì đối với mẹ mình là không có ngày Tết nữa. Nhưng rất tiếc là sau khi mẹ nói câu đó thì mẹ lại mất gần Tết, đâm ra hai chị em mình cũng rơi vào trường hợp tương tự, không có ngày Tết,” bà Thảo tâm sự.
Mẹ của bà Thảo, bà quả phụ Ngô Thị Kim Thanh, qua đời vào ngày 7/1/2017, khi chưa kịp chứng kiến người chồng quá cố được vinh danh trên Đài tưởng niệm Tử sĩ Hoàng Sa tại California, Mỹ.
50 năm Hải chiến Hoàng Sa: Ai sẽ cùng hẹn ‘Năm sau đến Hoàng Sa’?
Bức thư để lại
Có nhiều lời kể khác nhau về chuyện đã xảy ra trên chiếc tàu HQ-10 vào thời khắc định mệnh ấy. Dù đã được mẹ cho đọc bức thư ẩn danh viết tay tường thuật lại trận hải chiến, nhưng khi bắt đầu có mạng internet, bà Thảo tiếp tục tìm hiểu sự kiện này cũng như cái chết của cha mình.
Sau năm 1975, theo lời bà Thảo, ở trong nước, ít ai dám nói và cũng ít người biết đến câu chuyện Hải chiến Hoàng Sa, chỉ có nguồn tin từ hải ngoại, đặc biệt là lời của những quân nhân đã từng tham chiến ở ba chiến hạm còn lại: HQ-16, HQ-4 và HQ-5.
Mỗi người kể một kiểu. Một số người vì thương gia đình mẹ con bà Thảo nên đã cắt lại các bài báo và họ gìn giữ cẩn thận cho đến năm 2000, khi được về lại Việt Nam thì gửi đến cho gia đình bà.
50 năm Hải chiến Hoàng Sa: Hành trình đi tìm gia đình tử sĩ VNCH
50 năm Hải chiến Hoàng Sa: ‘Cả hai miền Nam-Bắc đều đã bị đồng minh phản bội’
Thông qua một số bạn cùng khóa 17 Đệ nhị Hải sư Trung tâm Huấn luyện Hải quân Nha Trang của cha mà bà Thảo đã tìm được cách liên lạc với những quân nhân tàu HQ-10 còn sống.
“Một số người nói rằng bây giờ mà kể lại trận chiến hôm đó là họ sẽ mất ngủ mấy tháng. Tại vì cái cảnh tượng khi mà được lệnh đào thoát, tàu bị chìm, một số người từ hầm máy đi lên boong tàu, họ thấy xác người và máu lênh láng. Cho nên nhiều khi người ta cũng thương cảm, cũng nhớ, nhưng không thể cung cấp thêm vì nếu kể chi tiết thì nó hãi hùng lắm…,” bà Thảo nói với BBC.
Tháng 1/1974, sau lễ vinh danh, truy điệu Hải quân Thiếu tá Nguyễn Thành Trí, vợ con ông nhận được một bức thư tay để ngoài cửa không đề tên người gửi mà chỉ vỏn vẹn dòng chữ, “Kg chị Trí, 2B đường Bà Triệu, SGN”.
Bức thư ghi lại nhật ký cuộc hải chiến cũng như thuật lại những giờ phút sau cùng của vị hạm phó tàu HQ-10. Nhờ vào bức thư tay không tên, mẹ con bà Thảo hiểu được phần nào diễn biến trận chiến và người chồng, người cha mình đã hy sinh ra sao.
Bức thư tay thuật lại diễn biến trận hải chiến ngày 19/1/1974 được gửi đến nhà gia đình cố Hải quân Thiếu tá Nguyễn Thành Trí
Lần giở cẩn thận bức thư tay đã bạc màu theo thời gian, những nếp gấp của trang giấy đã dần trở nên mỏng manh, bà Thảo đọc cho chúng tôi nghe đoạn cha bà cùng các binh sĩ trên tàu HQ-10 chiến đấu.
“Hải chiến với Trung Cộng bắn xong đợt đầu thì trở ngại tác xạ: trúng một tàu Trung Cộng bốc cháy. Cách nhau khoảng 100m, bị phản pháo, trúng ngay đài chỉ huy: Thiếu tá [Ngụy Văn] Thà Hạm trưởng gục chết liền, đại úy Trí bị thương ở đầu, chân, mất một miếng thịt và té xuống boong tàu.” (Ghi chú: Về sau, thiếu tá Ngụy Văn Thà và đại úy Nguyễn Thành Trí được truy thăng lần lượt lên trung tá và thiếu tá.)
“Hai giờ sáng ngày 20/1/1974, Đại úy Trí chết. Trước khi chết rất bình tĩnh. Tám giờ, bỏ xác Đại úy Trí cách Hoàng Sa khoảng hai hải lý,” bà Thảo đọc lại theo nội dung bức thư.
Theo cuốn Tài liệu Hải chiến Hoàng Sa của cựu hạm trưởng HQ-4 Vũ Hữu San và đồng tác giả Trần Đỗ Cẩm, hộ tống hạm Nhựt Tảo HQ-10 là tàu nhỏ nhất và có hỏa lực yếu nhất của Việt Nam Cộng Hòa nhưng đã phát hỏa vào tàu Trung Quốc, khiến chiếc 389 gần như tê liệt và sau đó, vì trúng đạn pháo nên tàu HQ-10 trôi không kiểm soát. Cuối cùng, tàu va vào chiếc 389 của Trung Quốc.
Trong lời kể của ông Trần Văn Hà, thợ máy của tàu HQ-10 với tờ Thanh Niên hồi năm 2014, hạm trưởng Ngụy Văn Thà hy sinh ngay tại buồng chỉ huy và tàu tiếp tục chiến đấu dưới sự chỉ huy của hạm phó Nguyễn Thành Trí.
Đến khi tàu không còn hoạt động được nữa, hệ thống thông tin liên lạc cũng bị cắt đứt thì hạm phó Trí ra lệnh đào thoát khỏi tàu để bảo toàn tính mạng cho các thành viên còn lại.
“Hạm phó Trí đã bị thương rất nặng. Ban đầu ông không chịu rời tàu. Nhưng anh em chúng tôi cương quyết thuyết phục ông, vì nếu không có ông chúng tôi không xuống bè,” ông Hà nói với Thanh Niên.
Vẫn theo lời ông Hà, vì nhiều quân nhân, trong đó có hạm phó Trí đã bị thương quá nặng và không qua khỏi, thêm phần máu chảy nhiều nên cá đi theo nhiều, họ đành thủy táng đồng đội của mình. Đến ngày 22/1, sau bốn ngày trôi dạt trên biển không thức ăn, nước uống thì bốn chiếc bè của HQ-10 đã được tàu Hà Lan vớt lên.
Ký ức về người cha
Chụp lại video ▶️
50 Hải chiến Hoàng Sa: Con gái tử sĩ VNCH nói gì
Đưa cho chúng tôi xem tấm bưu thiếp có hình chiếc HQ-10 mà cố hạm trưởng Nguyễn Thành Trí viết trước khi lên tàu, bà Thảo cho biết đây là những dòng tâm tình của cha bà dành cho mẹ con bà trước lúc làm nhiệm vụ. Sau cuộc hải chiến, những dòng thư viết tay đó đã trở thành kỷ vật còn lại của hạm phó Trí dành cho vợ con.
“Khi ba mất thì mình mới có năm tuổi, đương nhiên là ký ức thì cũng có rất nhiều. Mình nhớ nhiều nhất là lúc ba làm Chỉ huy trưởng Đài kiểm báo 302 tại Vũng Tàu thì mẹ con mình có sống ở trại gia binh đó luôn.
“Lúc đó luôn có ba bên cạnh, sáng cùng ba, trưa, chiều cũng cùng ba. Mình còn nhớ ba mình có vóc người cao to và trong khóa sĩ quan của ông, ông được mệnh danh là Trí Voi. Sau này, khi có dịp qua Mỹ dự lễ khánh thành đài tưởng niệm Hoàng Sa thì mình gặp những người bạn cùng khóa với ba mình, được nghe mấy bác kể nhiều về ba, nói ba mình rất giỏi thể thao. Mấy bác nói là hễ có thằng Trí là chắc chắn thắng,” bà Thảo cười, hồi tưởng lại những hình ảnh về cha.
Nhờ vào sự kỹ tính của mẹ mà hai chị em bà Thảo còn giữ được khá đầy đủ hình ảnh của cha, để từ đó nuôi dưỡng niềm tự hào về ông. Theo lời kể của bà Thảo nghe từ mẹ, vào thời điểm hải chiến, do đang mang thai đứa con thứ hai nên bà Thanh cùng các con đón Tết tại quê ngoại ở Nha Trang, đợi chồng làm nhiệm xong ghé cảng Cam Ranh rồi mới đưa cả nhà vào Sài Gòn.
Đem album ảnh lễ truy điệu cho chúng tôi chụp lại làm tư liệu, bà Thảo nói vui rằng những tấm ảnh này gia đình may mắn có trọn bộ, phải giữ gìn rất kĩ vì còn quý hơn vàng.
“Hồi ba mất, mẹ đang mang thai đứa em, khóc tới nỗi xém hư thai mà. Mình nghe mẹ kể là hình như là đêm giao thừa, lúc ở Sài Gòn, đài Dạ Lan của quân đội phát thanh vào ban đêm thì mẹ mở radio cho mình ngủ, có nghe lời nhắn của bà nội là ‘Thanh, con đưa bé Thảo trở vào Sài Gòn gấp’.
“Mẹ nghe vậy nhưng cũng không hiểu. Vì từ nào giờ đâu có nghe trận chiến gì xảy ra với hải quân. Ngày mùng một hình như lại không có xe đò để đi, cho nên mùng hai mới vô lại Sài Gòn. Khi bà vô tới thì phòng khách bà nội mình đã đặt bàn thờ rồi. Thấy vậy mẹ xỉu ngay cửa,” bà Thảo nhớ lại.
Thời điểm ấy, bà Thảo mới năm tuổi nên chỉ nhớ rằng nhà có buổi lễ rất long trọng, đông người đến và mẹ bà khóc rất nhiều. Sau này, bà mới hiểu đó là ngày mà bà mãi mãi mất đi người cha của mình.
Mẹ của bà Nguyễn Thị Thanh Thảo - góa phụ Ngô Thị Kim Thanh - trong lễ tang của chồng năm 1974
Hình ảnh cố Hải quân Thiếu tá Nguyễn Thành Trí trong quân ngũ mà gia đình luôn gìn giữ kĩ càng như báu vật
Nhưng ký ức về người cha mặc quân phục hải quân màu trắng, mỗi lần đi làm về là cúi xuống hôn con vẫn vẹn nguyên.
“Sau khi hôn, ba mình dắt tay mình đi vô chứ không bao giờ ẵm. Thời điểm đó là năm 1972, 1973, mình không hiểu, nhưng sau này nghe mẹ nói đó là kỷ luật của quân đội. Khi mặc đồ sĩ quan là không được bế em bé, vì bộ quân phục là tượng trưng cho quốc gia.”
“Nhờ vậy mình mới biết ba là một người giữ kỷ luật rất tốt. Thời điểm ba mất là mẹ có bầu đứa em mới hai tháng rưỡi thôi, thành ra bà luôn gìn giữ những hồi ức, những kỷ niệm, những giấy tờ liên quan đến ba để dạy lại cho hai con biết ba con là như thế nào thế nào.”
Với bà Thảo, hay những người con khác của các quân nhân VNCH đã tử trận trong cuộc hải chiến năm 1974, dù lịch sử có sang một trang mới thì có một sự thật không thể phủ nhận, cha của họ đã hy sinh trong cuộc chiến chống ngoại xâm.
“Với mình và gia đình thì ba mình vẫn là anh hùng, cho nên dù ai nói gì thì mình vẫn hãnh diện về ba.”
50 năm Hải chiến Hoàng Sa: Câu chuyện ứng xử với 74 tử sĩ và các di sản VNCH
50 năm Hải chiến Hoàng Sa: Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai đã hành động như thế nào?
Tháng 1/1974, Ngô Thị Kim Thanh trở thành góa phụ lúc mới 28 tuổi. Để nuôi hai con nhỏ, bà bắt đầu làm việc tại ngân hàng Việt Nam Thương Tín. Tới khoảng năm 1975, 1976, bà Thanh bị thuyên chuyển, không được ở Sài Gòn nữa mà mỗi tháng phải đi mỗi tỉnh khác nhau. Rồi bà bị cắt hộ khẩu do là “vợ sĩ quan chế độ cũ”.
Trong hoàn cảnh ấy, bà Thanh phải gửi con gái lớn ở lại Sài Gòn học lớp 1, còn con trai nhỏ được gửi về nhà ngoại ở Nha Trang. Rồi do phải thường xuyên đi tỉnh nên bà xin được chuyển hẳn về làm việc ở Nha Trang và đem con gái theo để gia đình được ở cùng nhau.
Tới năm 1979, bà Thanh gửi hai con vô lại Sài Gòn cho bên nội để đi học, còn bản thân thì cứ đi lại giữa Nha Trang và Sài Gòn để vừa làm việc vừa chăm con. Điều này quá bất tiện nên đến năm 1980, bà buộc lòng xin nghỉ việc.
“Bà bị ghi trong hồ sơ là ‘tự ý thôi việc’, thời đó có nghĩa là sẽ không được chuyển hộ khẩu trở về Sài Gòn, nên lâu lâu công an kiểm tra hộ khẩu vào ban đêm thì lại bị mời lên phường ngồi, sáng hôm sau mới về. Mãi tới năm 1985, Sài Gòn kỷ niệm 10 năm thống nhất đất nước thì mẹ mới được nhập lại hộ khẩu Sài Gòn, mới hết lên phường ngồi,” bà Thảo nhớ lại.
Những khó khăn chung của toàn xã hội miền Nam đổ lên mọi phận người, nhưng với các gia đình cựu sĩ quan VNCH thì cơ cực, buồn tủi hơn nhiều.
“Hồi xưa dùng từ rất là rõ ràng – ‘gia đình sĩ quan ngụy’, nhưng dù có khó khăn thì bàn thờ ba mình vẫn duy trì, di ảnh vẫn để nguyên quân hàm, dù có bị kiểm tra hộ khẩu thì vẫn vậy.
“Thời thế có thay đổi như nào, di ảnh của ba chưa bao giờ dẹp, chưa từng úp lại một ngày nào hết,” bà Thảo nói.
Bà Thảo mới 5 tuổi trong lễ tang của cha, cố Hải quân Thiếu tá Nguyễn Thành Trí vào tháng 1/1974
Tang lễ Hải quân Thiếu tá Nguyễn Thành Trí
Khoảnh khắc tự hào
Ngày 19/1/2020, Đài tưởng niệm Tử sĩ Hoàng Sa đã được khánh thành ở thành phố Westminster thuộc quận Cam, bang California.
Khi biết tin cộng đồng người Việt ở Mỹ dựng đài tưởng niệm thì bà Thảo có niềm mong ước được tận mắt nhìn thấy tên cha mình trên tượng đài. Các bạn bè đồng khóa 17 của cha bà đã cùng nhau hỗ trợ để bà sang Mỹ dự lễ khánh thành.
“Được qua đó dự buổi lễ, mình hạnh phúc và tự hào vô cùng. Lúc thấy tên ba trên bia tưởng niệm thì mình hạnh phúc lắm. Đó có lẽ là điều hạnh phúc nhất trong đời mình,” bà Thảo hồi tưởng.
Trước đó, mỗi năm ở hải ngoại, nhiều người vẫn tổ chức lễ tưởng niệm anh linh của 74 tử sĩ VNCH. Với những gia đình như bà Thảo, đó là niềm an ủi rất lớn vì ít nhất, vẫn còn người nhớ đến sự hy sinh ấy, dù không phải trên chính quê hương mình.
Nguồn hình ảnh, Nguyễn Thị Thanh Thảo
Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo chụp cùng tượng đài tưởng niệm 74 tử sĩ VNCH đã hy sinh trong trận Hải chiến Hoàng Sa 1974
Năm 2014, tròn 40 năm cuộc hải chiến, gia đình bà Thảo nhận được bức thư “hỏa tốc" mời tham dự chuyến đi ra Trường Sa do chính quyền tổ chức.
“Trong thư mời có số điện thoại của bên tổ chức thành ra mẹ mình chủ động gọi lại nói bà muốn đi cùng con gái. Sau khi người ta đồng ý, mình động viên mẹ đi vì hiếm có một dịp như vậy. Thế nhưng, cuối cùng chỉ có mình đi do mẹ lại sợ tàu thuyền, dù chồng bà là hải quân.”
“Chuyến thăm cho mình thấy biển đảo Việt Nam rất đẹp. Từ trên tàu mình nhìn vào các đảo, có thể thấy biển đảo của ta rất đẹp.”
Vào năm 2016, chương trình Nhịp cầu Hoàng Sa trao cho gia đình bà Thảo căn nhà mới ở quận Bình Tân. Đó là nỗ lực của các cá nhân và tổ chức dân sự giúp đỡ các gia đình tử sĩ Hoàng Sa.
“Sài Gòn bắt đầu se lạnh là gần tới ngày giỗ của ba mình. Rất tiếc là mấy năm gần đây, lại còn có thêm giỗ mẹ mình, thành ra đối với chị em, những ngày này rất là buồn.”
Nguồn hình ảnh, Nguyễn Thị Thanh Thảo
Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo chụp cùng bức hình của chính mình được lưu giữ tại nhà trưng bày Hoàng Sa ở Đà Nẵng vào tháng 4/2022
Sống qua những năm tháng sau biến cố 1975, bà Thảo thấu suốt được vì sao trận hải chiến không được nhắc đến nhiều nhưng bà vẫn giữ hy vọng một ngày nào đó, tên tuổi cha bà sẽ được vinh danh chính thức.
“Trận chiến xảy ra khi nước Việt Nam mình còn phân chia hai miền Nam Bắc. Đấy là trận chiến duy nhất mà hai phía không chĩa súng vào nhau mà chĩa súng vào kẻ thù. Rồi qua biến động lịch sử, có nhiều người nhìn khác về trận chiến, nhưng mình vẫn mong có được sự tôn vinh ba mình và tất cả những người đã hy sinh trong trận chiến đó để cho thế hệ con cháu sau này biết Hoàng Sa đã bị cưỡng đoạt như thế nào.”
Nửa thế kỷ trôi qua, đối với những người có cha là tử sĩ trong trận hải chiến 1974, Hoàng Sa không chỉ là tên đường, tên quận, không chỉ là một địa danh được nhắc đến trong bản dự báo thời tiết, trong các bản tin về Biển Đông. Đó là vùng biển đảo mà thân xác cha họ đã mãi mãi nằm lại.
“Mình mong muốn mọi người, các thế hệ con cháu biết rằng Hoàng Sa là quần đảo của đất nước Việt Nam đã bị mất vào tay Trung Quốc.”
Chụp lại video ▶️
50 năm Hải chiến Hoàng Sa: Một lịch sử đầy xung đột
Capture à partir de :baotiengdan
18-1-2024
Ảnh: Ky Mai
Sáng nay, 18-1-2024, Tiến sĩ Lê Tiến Công, Giám đốc Nhà Trưng bày Hoàng Sa, đồng thời là Chánh Văn phòng UBND huyện đảo Hoàng Sa, đã tiếp đoàn khách đặc biệt, gồm: Năm cựu binh của VNCH tham gia trận Hải chiến bảo vệ bất thành Hoàng Sa ngày 19-1-1974 và bốn người con của những người lính VNCH đã hy sinh trong trận Hải chiến này.
Chuyến đi của Đoàn do Chương trình Nhịp Cầu Hoàng Sa tài trợ và tổ chức.
Sau đúng 50 năm Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, những nhân chứng quan trọng nhất lần đầu đến nơi trưng bày những bằng chứng về chủ quyền phần lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam này và những chứng tích về quân xâm lược. Nơi đây cũng lưu giữ nhiều kỷ vật thiêng liêng của đồng đội, của cha anh họ.
Không phải người Việt nào cũng từng biết đến địa chỉ lịch sử – văn hóa đặc biệt này.
Các thành viên trong đoàn đã được TS Trần Đức Anh Sơn giới thiệu tỉ mỉ về sự hình thành Nhà Trưng bày Hoàng Sa, xuất xứ và ý nghĩa của các hiện vật, qua đó hình dung được quá trình đấu tranh lâu dài, cam go nhằm khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa dựa trên các căn cứ của luật pháp quốc tế về Biển.
Các hiện vật trưng bày cũng như cách sắp xếp tiêu đề từ ngoài vào trong đều thế hiện rõ một sự thật: Hoàng Sa là của Việt Nam đã bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm vào ngày 19-1-1974.
Chuyến đi còn để tưởng nhớ 74 binh sĩ VNCH đã can trường và hy sinh trong trận chiến này. Năm người con có mặt hôm nay, khi cha họ mất ở Hoàng Sa có người mới 5 tuổi, như chị Nguyễn Thị Thanh Thảo, con gái Hải quân thiếu tá Nguyễn Thành Trí; có người mới 1 tuổi như chị Đỗ Thị Thanh Tuyền, con gái tử sĩ Đỗ Văn Long; có người còn trong bụng mẹ như chị Lương Thanh Quế, con gái tử sĩ Lương Thanh Thú…
Các Cựu binh Hoàng Sa và gia đình liệt si Hoàng Sa bày tỏ niềm hãnh diện đã trực tiếp tham chiến hoặc có người thân đã chiến đấu bảo vệ Hoàng Sa, bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc.
Tiến si Lê Tiến Công cho biết, Nhà Trưng Bày rất trân trọng những đóng góp về hiện vật cũng như các bản khảo sát nhân chứng của các cựu chiến binh và thân nhân liệt sĩ Hoàng Sa. Những hiện vật và tư liệu này đã góp phần quan trọng củng cố những căn cứ lịch sử làm tăng thêm tính thuyết phục của Nhà Trưng Bày. Ông Lê Tiến Công cũng đã tặng đoàn sách và tài liệu lịch sử Hoàng Sa.
Năm 2024 cũng đánh dấu mốc 10 năm ra đời của Nhịp Cầu Hoàng Sa.
Nhịp Cầu Hoàng Sa (NCHS) là một chương trình – được khởi xướng bởi các nhà báo Vũ Kim Hạnh, Nguyễn Thế Thanh, Huy Đức, Nguyễn Thanh Triều, tiến sỹ Nguyễn Thị Hậu và nhà hàng hải học Đỗ Thái Bình – nhằm tri ân những người lính Việt Nam đã chiến đấu, hy sinh vì tổ quốc, đặc biệt là những người lính đã hy sinh trong hai cuộc hải chiến bảo vệ Hoàng Sa (19-1-1974) và Trường Sa (14-3-1988).
Hoàng Sa là chiến trường duy nhất trên lãnh thổ Việt Nam, nơi – trước ngày 30-4-1975 – người Việt không bắn vào người Việt. Hoàng Sa là một địa danh nhắc nhở, mỗi khi người Việt kề vai sát cánh bên nhau sẽ nhận rõ ai mới thực sự là kẻ thù chung, ai mới là kẻ có dã tâm xâm lược.
Hoàng Sa, vì thế, còn là một NHỊP CẦU, “bắc” để nối những tấm lòng và để, người Việt hòa giải cùng người Việt.
Trong 10 năm qua, Chương trình Nhịp Cầu Hoàng Sa đã vận động được hàng ngàn lượt đóng góp, với số tiền lên tới hơn 12 tỷ đồng. Chương trình đã giúp xây mới và nâng cấp 30 căn nhà cho các cựu binh, thân nhân các gia đình tử sỹ Hoàng Sa; các cựu binh và thân nhân các gia đình liệt sỹ Gạc Ma và hai thân nhân liệt sỹ hy sinh khi làm nhiệm vụ bảo vệ Biên giới và Hải đảo.
Mức chi cao nhất cho một căn nhà là 1.114 triệu VND (mua nhà cho bà quả phụ Hải quân trung tá Ngụy Văn Thà).
Sau 10 năm, chúng tôi nhận thấy đã đi được những bước căn bản của phần TRI ÂN, phần lớn các trường hợp khó khăn mà chúng tôi biết đều đã được giúp đỡ. Phần HÒA GIẢI sẽ còn là một chặng đường dài, mong những nỗ lực của Nhịp Cầu Hoàng Sa không bao giờ là riêng lẻ.
Xin chân thành cám ơn các bạn đã đồng hành cùng chúng tôi trong 10 năm qua. Cám ơn TS Lê Tiến Công, TS Trần Đức Anh Sơn, kỹ sư Đỗ Thái Bình, kỹ sư Nguyễn Đức Huy và hai nhà báo Nguyễn Thế Thanh, Mai Kỳ đã tổ chức chu đáo cho chuyến đi ý nghĩa này.
Danh sách Đoàn:
Các con của những chiến binh VNCH hy sinh trong trận Hải chiến 19-1-1974: chị Nguyễn Thị Thanh Thảo, sinh 1969, con gái Hải quân thiếu tá Nguyễn Thành Trí; chị Đỗ Thị Thanh Tuyền, sinh 1973, con gái tử sĩ Đỗ Văn Long, người nhái hy sinh đầu tiên; chị Lương Thanh Quế, sinh 1974, con gái tử sĩ Lương Thanh Thú; anh Đinh Tiến Dũng, sinh 1972, con trai tử sĩ Đinh Văn Thực.
Các cựu binh tham gia trận Hải chiến 19-1-1974: Ông Trần Văn Hà, cựu binh tàu HQ-10, ông Lữ Công Bảy, cựu binh HQ-4, ông Trịnh Văn Quý, cựu binh HQ-4, ông Nguyễn Văn Sáu, cựu binh HQ-4, ông Huỳnh Đắc Lộc, cựu binh HQ-16.
_____
Một số hình ảnh:
Cựu binh Lữ Công Bảy đang xem các tư liệu về chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam. Nguồn: Ky Mai
Chị Nguyễn Thị Thanh Thảo, sinh 1969, con gái Hải quân thiếu tá Nguyễn Thành Trí, và bức ảnh chụp chị khi còn là một đứa bé 5 tuổi trong tang lễ của người cha. Nguồn: Ky Mai