Trả lại Sự thật và Công lý cho Lịch sử
50 năm Hoàng Sa - Giải pháp - 2
50 năm Hải chiến Hoàng Sa: Chủ quyền Hoàng Sa và luật pháp quốc tế
Bắc Việt Nam, Việt Cộng từ chối xác nhận chủ quyền Hoàng Sa 50 năm trước
Việt Nam tái khẳng định chủ quyền nhân kỉ niệm 50 năm Trung Quốc chiếm Hoàng Sa
Quần đảo Hoàng Sa tròn 50 năm bị Trung Quốc cưỡng chiếm và ý kiến chuyên gia
Biển Đông: Chiến thuật vùng xám của Bắc Kinh và cơ hội để đưa Trung Quốc ra tòa quốc tế
Những điều có thể làm ngay cả khi không thể kiện Trung Quốc đòi lại Hoàng Sa
20 tháng 1 2024
Capture à partir de :BBC
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Tiến sĩ Trịnh Khắc Mạnh thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, một cơ quan thuộc chính phủ Việt Nam, giới thiệu bản đồ liên quan tới quần đảo Hoàng Sa trong một sự kiện vào tháng 6/2014
Chính phủ Việt Nam cần chọn giải pháp nào cho vấn đề Hoàng Sa ngoài những tuyên bố ngoại giao? Từ Hoa Kỳ, nhà khoa học không gian Thái Văn Cầu gửi cho BBC News Tiếng Việt bài viết dưới đây.
Người viết đã có nghiên cứu về hành xử chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa (chủ quyền) của Việt Nam qua các thời đại, từ vua chúa nhà Nguyễn đến khi đất nước thống nhất, và về tư cách quốc gia của Việt Nam trong thời gian chiến tranh. Nghiên cứu cho thấy học giả phương Tây có lập luận khác nhau về hai đề tài này.
Tiêu biểu cho nhóm có lập luận dựa trên chứng cứ lịch sử và luật pháp quốc tế, thuận lợi cho Việt Nam, là Monique Chemillier-Gendreau, Bill Hayton; tiêu biểu cho nhóm có lập luận dựa trên thông tin không rõ ràng, đầy đủ, chính xác, thuận lợi cho Trung Quốc, bất lợi cho Việt Nam, là Marwyn Samuels, Greg Austin.
Theo Google Scholar, sách của Samuels và Austin được trích dẫn 491 lần ở phương Tây trong hàng chục năm qua nhưng không có phản biện nghiêm túc từ Việt Nam.
Để bù đắp cho khoảng trống này, bài viết này tập trung đánh giá về một số lập luận sai lầm của Austin, chủ yếu dựa vào Samuels. Bài cũng nhận định về giới hạn của phản đối ngoại giao, biện pháp thường được sử dụng trong tranh chấp chủ quyền.
Biển Đông yên tĩnh từ ngàn xưa cho đến thế kỷ 20. Trong nửa đầu thế kỷ 20, đã có những trao đổi ngoại giao về chủ quyền, phần lớn giữa chính quyền Pháp và Trung Hoa.
Tình hình thay đổi khi Trung Hoa trở thành nước cộng sản năm 1949.
Tại Hội nghị San Francisco năm 1951, đề nghị của Liên Xô để Nhật Bản trao chủ quyền cho Trung Quốc bị 48 nước trong 51 nước tham dự hội nghị bác bỏ. Thủ tướng Quốc gia Việt Nam Trần Văn Hữu tuyên bố chủ quyền trước toàn thể hội nghị, với sự hiện diện của các nước lớn Anh, Pháp, Mỹ, và Liên Xô; không nước nào phản đối.
Theo hiệp ước ký ở hội nghị, Nhật Bản từ bỏ mọi yêu sách chủ quyền.
Khi Pháp rời Việt Nam sau Hiệp định Genève 1954, lợi dụng khoảng trống quyền lực, Trung Quốc đưa quân chiếm giữ những đảo phía đông Hoàng Sa năm 1956; Đài Loan đưa quân chiếm giữ đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa.
Đầu tháng 6 năm 1956, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Cộng Hòa Vũ Văn Mẫu lên tiếng khẳng định chủ quyền.
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Cụm Lưỡi Liềm thuộc quần đảo Hoàng Sa, nơi xảy ra trận hải chiến vào năm 1974
Sau khi Mỹ rời Việt Nam sau Hiệp định Paris 1973, một lần nữa lợi dụng khoảng trống quyền lực, Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa ngày 19 tháng 1 năm 1974, khiến 75 chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) hy sinh.
Cuối thập niên 1980, khi Liên Xô, đồng minh then chốt của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) trong hai cuộc chiến tranh nhiều năm trước đấy, thay đổi chính sách đối ngoại, chủ trương không can thiệp, Trung Quốc đi bước kế tiếp trong chiến lược Biển Đông: đánh chiếm một số đảo đá ở Trường Sa ngày 14 tháng 3 năm 1988, khiến 64 chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam hy sinh.
1. Lập luận sai lầm của Austin
Austin đưa ra các lập luận chính sau:
Vì Công hàm 1958 của Thủ tướng VNCDCH Phạm Văn Đồng công nhận chủ quyền của Trung Quốc, và vì Việt Nam là kế thừa của VNDCCH, Việt Nam bị estoppel về chủ quyền.
Vì sự thụ động của phong kiến Trung Hoa về hành xử chủ quyền từ thế kỷ 13 cho đến thế kỷ 19, Trung Hoa đánh mất chủ quyền Hoàng Sa có từ trước. Vì sự thụ động của Pháp và Việt Nam trong 30 năm đầu thế kỷ 20, Việt Nam đánh mất chủ quyền Hoàng Sa có từ năm 1816.
Trong nghiên cứu của người viết, các chứng cứ sau được nêu lên:
Theo Hiệp định Genève năm 1954, hành xử chủ quyền thuộc VNCH, chính quyền phía nam vĩ tuyến 17.
Đầu năm 1957, Liên Xô đề nghị Liên Hợp Quốc (LHQ) thu nhận VNDCCH và VNCH làm thành viên. Đề nghị không thành nhưng trong gần 20 năm kế tiếp, lần lượt hơn 120 nước thành viên LHQ, bao gồm Liên Xô, Trung Quốc và Mỹ, công nhận có hai Việt Nam, hội đủ những quy định về tư cách quốc gia trong Công ước Montevideo năm 1933: VNCH và Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (CHMNVN) ở phía nam, VNDCCH ở phía bắc vĩ tuyến 17.
CHMNVN và VNDCCH sáp nhập thành một Việt Nam thống nhất năm 1976. Theo luật pháp quốc tế, vì VNDCCH không phải là quốc gia có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trong giai đoạn 1954-1976, không hành động nào của VNDCCH có thể ảnh hưởng đến chủ quyền của VNCH và CHMNVN.
Sau khi sáp nhập, Việt Nam chọn hành xử chủ quyền của VNCH và CHMNVN, thể hiện trong công hàm Đại sứ Hà Văn Lâu gửi LHQ năm 1979.
Các chứng cứ trên bác bỏ lập luận của Austin về Công hàm 1958 và estoppel (không được nói ngược).
Nguồn hình ảnh, AFP
Công hàm Phạm Văn Đồng đã để lại nhiều hệ lụy trong lập luận về chủ quyền đối với Việt Nam
Cũng trong nghiên cứu của người viết, các chứng cứ sau được nêu lên:
Theo nguồn tài liệu cổ của Việt Nam và của phương Tây, Việt Nam hành xử chủ quyền ở Hoàng Sa muộn nhất là từ thời chúa Nguyễn đầu thế kỷ 17. Năm 1816, vua Gia Long tuyên bố chủ quyền Hoàng Sa.
Theo Trung Quốc, năm 1883, nhà Thanh “phản đối” nhóm khảo sát Hoàng Sa-Trường Sa của Đức khiến họ phải ngưng. Thực tế là nhóm này khảo sát Hoàng Sa, không phải Trường Sa, và họ đã công bố kết quả cuộc khảo sát.
Năm 1898, chính quyền Quảng Châu lại nói do Hoàng Sa là “đất không chủ”, họ không có trách nhiệm về vụ cướp phá hai tàu ngoại quốc bị đắm ở Hoàng Sa của ngư dân Trung Quốc.
Theo Trung Quốc, năm 1909, quan chức hải quân nhà Thanh đến thăm Hoàng Sa trong một ngày để “xác nhận” chủ quyền. Thực tế là triều đình nhà Nguyễn hành xử chủ quyền Hoàng Sa cho đến giữa thế kỷ 19 thì đất nước đối diện với chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp. Hoàng Sa hầu như bị quên lãng cho đến thập niên 1920.
Theo Trung Quốc, năm 1921, chính quyền Quảng Đông tuyên bố sáp nhập Hoàng Sa vào đảo Hải Nam. Thực tế là chính quyền Quảng Đông không được chính quyền trung ương của Trung Hoa hay các nước lớn công nhận.
Năm 1925, sau khi Thượng thư Bộ Binh (tương đương với bộ trưởng Bộ Quốc phòng ngày nay) Thân Trọng Huề của nhà Nguyễn xác nhận chủ quyền Hoàng Sa, Toàn quyền Đông Dương tuyên bố chủ quyền.
Theo luật pháp quốc tế, sự kiện triều đình nhà Nguyễn dưới sự đô hộ của thực dân Pháp không tích cực hành xử chủ quyền Hoàng Sa trong một thời gian không cấu thành yếu tố Hoàng Sa bị Việt Nam từ bỏ chủ quyền.
Các chứng cứ trên bác bỏ lập luận của Austin về Việt Nam mất chủ quyền vì sự thụ động của Pháp và Việt Nam trong 30 năm đầu thế kỷ 20.
2. Giới hạn của phản đối ngoại giao trong tranh chấp
Trong khoảng 10 năm nay, qua người phát ngôn chính phủ và qua công hàm gửi LHQ, Việt Nam và Trung Quốc đã có hàng chục lần lên tiếng phản đối các hoạt động của nhau trên Biển Đông. Do tầm quan trọng của nó, giới hạn của phản đối ngoại giao (phản đối) là điều rất cần được xem xét.
Trước thế kỷ 20, ngoài việc dùng vũ lực hay chiến tranh để cản trở chiếm giữ hay giành lại đất đai bị chiếm giữ bởi nước khác, phản đối là biện pháp cuối cùng để bảo vệ chủ quyền trong tranh chấp.
Sau khi Tòa án Thường trực Công lý Quốc tế được thành lập năm 1920, và nhất là sau khi tòa án này được thay thế bởi Tòa án Công lý Quốc tế, cơ quan tài phán thuộc LHQ năm 1945, điều này không còn đúng.
Trong hơn 50 năm qua, chuyên gia phương Tây (Levi Carneiro, D. H. N. Johnson, Yehuda Z. Blum, v.v.) đã nói về biện pháp kế tiếp sau phản đối: sử dụng hệ thống tòa án quốc tế để giải quyết tranh chấp. Nếu không, theo họ, với thời gian, phản đối sẽ trở thành “phản đối giấy”, “phản đối hình thức”, “vô dụng”, v.v. Khi một nước chỉ dùng biện pháp phản đối trong tranh chấp, chủ quyền đất đai bị nước khác chiếm giữ có khả năng mất hẳn.
Tại hội thảo quốc tế ở Đà Nẵng vào tháng 6 năm 2014, đã có ít nhất hai tham luận đề nghị Việt Nam sử dụng hệ thống tòa án quốc tế. Dù Trung Quốc không đồng ý tham gia, đây là bước cần thiết trong giải quyết tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc.
Tham luận 1, của Jerome A. Cohen, giáo sư Khoa Luật Đại học New York, có đoạn:
“Bằng cách bác bỏ phán quyết khách quan của những định chế đối với tất cả các tranh chấp và nhấn mạnh vào đàm phán song phương như là phương tiện duy nhất để giải quyết những tranh chấp mà họ công nhận, Trung Quốc, quốc gia mạnh hơn nhiều so với bất cứ nước láng giềng Đông Nam Á nào, đang tìm cách tận dụng lợi thế có được trong quyền lực chính trị, kinh tế và quân sự của họ và giảm thiểu sự thích đáng của luật pháp quốc tế.”
Tham luận 2, của người viết, có đoạn:
“Khi sử dụng luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc, Việt Nam không chỉ giải quyết vấn đề chủ quyền lãnh hải giữa riêng hai nước mà còn giúp mang lại an ninh và ổn định cho tất cả các nước phụ thuộc vào giao thông hàng hải ngang qua một khu vực quan trọng hàng đầu thế giới. Cách hành xử như trên chứng minh mạnh mẽ cho thế giới thấy rằng Việt Nam là một nước tôn trọng luật pháp và có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.”
Trong giai đoạn 1947-1923, đã có hơn 190 tranh chấp giữa các nước được đưa ra Tòa án Công lý Quốc tế. Hơn 10 năm trước, chính quyền Nhật Bản và Philippines đã công khai kêu gọi Trung Quốc để hệ thống tòa án quốc tế đưa phán quyết trong tranh chấp.
Một tuyên bố phản đối hoạt động của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa được đăng trên website Chính phủ Việt Nam
Tóm lại, do giới hạn của phản đối trong 100 năm qua, đặc biệt là sau khi LHQ thành lập cơ quan tài phán sau Thế chiến II, sử dụng hệ thống tòa án quốc tế là biện pháp hòa bình cuối cùng để Việt Nam thể hiện sự tin tưởng vào công lý, sự tin tưởng vào bản lãnh, quyết tâm của chính mình, và để Việt Nam thoát khỏi cái bẫy “thời gian” của Trung Quốc trong nỗ lực bảo vệ chủ quyền, bảo vệ quyền lợi đất nước.
Trong 2.000 năm qua, đất nước nhiều lần phải đối diện với tham vọng bành trướng và xâm lược của phong kiến Trung Hoa. Khó khăn, thử thách gấp nhiều lần hơn so với khó khăn, thử thách trong tranh chấp Biển Đông, nhưng tiền nhân đã vượt qua được. Vì thế, giải quyết tranh chấp qua hệ thống tòa án quốc tế là trách nhiệm của chính quyền hôm nay, 50 năm kể từ khi Trung Quốc chiếm giữ toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Nó không thể là trách nhiệm của thế hệ mai sau, như lập luận một số người đưa ra.
Bài viết thể hiện góc nhìn của tác giả Thái Văn Cầu, nhà khoa học không gian từ Hoa Kỳ.
21/01/2024
VOA Tiếng Việt
Capture à partir de :voatiengviet
"Miễn bình luận" - các quan chức cộng sản của Việt Cộng và Bắc Việt Nam liên tục trả lời trong một cuộc họp báo vào ngày 19 tháng 1 năm 1974 khi được hỏi ai sở hữu quần đảo Hoàng Sa.
Năm mươi năm trước, Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát quần đảo Hoàng Sa từ tay Việt Nam Cộng Hòa trong một cuộc chiến kéo dài chỉ vỏn vẹn hai ngày. Nó đánh dấu một trong những cuộc xung đột vũ trang đầu tiên liên quan tới tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Đến nay, Bắc Kinh vẫn nắm toàn quyền kiểm soát quần đảo Hoàng Sa và thậm chí còn mở rộng tuyên bố chủ quyền xuống quần đảo Trường Sa và xa hơn nữa về phía nam. Và họ không ngần ngại đối đầu với các nước láng giềng khác có tuyên bố chủ quyền chồng chéo, trong đó có Việt Nam.
Việt Nam tuyên bố chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo này và rằng đây là một lập trường nhất quán đã được duy trì từ lâu. Nhưng 50 năm trước, Bắc Việt Nam và các đồng minh cộng sản của họ ở miền Nam Việt Nam từ chối bình luận khi được hỏi về chủ quyền của Hoàng Sa vào lúc chiến sự đang diễn ra.
Ngày 19 tháng 1 năm 1974, tại một cuộc họp báo với các phóng viên quốc tế ở Sài Gòn, các quan chức Việt Cộng lẫn Bắc Việt Nam đều hai lần trả lời “Miễn bình luận” khi được hỏi ai sở hữu quần đảo Hoàng Sa, giữa lúc Trung Quốc tấn công các vị trí mà các binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa nắm giữ trên các đảo này.
Cuối cùng, khi câu hỏi được lặp lại lần thứ ba, quan chức Việt Cộng, Tướng Hoàng Anh Tuấn, trả lời qua người thông dịch: ‘Tôi tin rằng ‘Miễn bình luận’ là đủ rồi,” theo tờ Times.
Một bản tin khác của nhật báo này vào ngày 25 tháng 1 năm 1974 cho biết một số quan chức Mỹ lưu ý rằng Bắc Việt Nam đã không nói gì về tranh chấp giữa Nam Việt Nam và Trung Quốc. Họ cho rằng sự im lặng đó “cho thấy Bắc Việt Nam lâm vào thế khó là không muốn lên tiếng ủng hộ việc Trung Quốc chiếm đảo mà lâu nay Việt Nam tuyên bố chủ quyền nhưng lại không thể chỉ trích Trung Quốc.”
Về phần mình, Việt Nam Cộng Hòa nỗ lực kháng cự cuộc tấn công của Trung Quốc trên biển và lên tiếng trước cộng đồng quốc tế, nhưng cuối cùng phải chấp nhận thất bại. Bắc Kinh đã tiến hành một cuộc “tấn công tàn khốc” khiến Sài Gòn bị áp đảo ngay từ đầu.
21/01/2024
VOA Tiếng Việt
Capture à partir de :voatiengviet
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng
Việt Nam tái khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa nhân dịp kỉ niệm 50 năm Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm những hòn đảo này từ Việt Nam Cộng Hòa trong một trận chiến ngắn ngủi nhưng hệ trọng.
Bảy mươi bốn quân nhân của Nam Việt Nam thiệt mạng trong một trong những cuộc xung đột vũ trang đầu tiên liên quan tới tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông vào ngày 19 và 20 tháng 1 năm 1974. Bắc Kinh đến nay vẫn duy trì quyền kiểm soát đối với quần đảo này và đã mở rộng tuyên bố chủ quyền ra gần như toàn bộ vùng biển của khu vực Đông Nam Á.
Việt Nam có tranh chấp chủ quyền dai dẳng với Trung Quốc liên quan tới hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và đã nhiều lần kêu gọi nước láng giềng giải quyết những bất đồng theo luật pháp quốc tế.
Trong một phát biểu vào ngày thứ Bảy 20 tháng 1, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nói chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này được xác lập ít nhất từ thế kỷ 17, phù hợp với luật pháp quốc tế và được các nhà nước kế tiếp nhau của Việt Nam thực hiện một cách hòa bình, liên tục, công khai.
Bà không nêu tên Việt Nam Cộng Hòa, nước quản lý trực tiếp Hoàng Sa vào năm 1974.
“Mọi hành động sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là việc sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ trong quan hệ giữa các quốc gia là hoàn toàn đi ngược lại các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, không thể tạo ra danh nghĩa chủ quyền, cũng như không thể làm thay đổi sự thật chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa thuộc về Việt Nam,” bà nói thêm.
Dù Việt Nam ngày nay khẳng định lập trường “nhất quán” về chủ quyền của mình đối với Hoàng Sa, nhưng 50 năm trước trong lúc chiến sự đang diễn ra, Bắc Việt Nam và các đồng minh cộng sản của họ ở miền Nam Việt Nam từ chối bình luận khi được hỏi ai sở hữu Hoàng Sa, báo The New York Times cho biết trong một bản tin đăng ngày 20 tháng 1 năm 1974.
Trung Quốc khi đó là một trong những đồng minh quan trọng nhất của Bắc Việt Nam, cung cấp viện trợ và vũ khí giúp nước láng giềng cộng sản chiến đấu chống lại Nam Việt Nam là đồng minh của Mỹ.
Nam Việt Nam và sụp đổ vào năm 1975 dưới cuộc tấn công của quân cộng sản miền Bắc. Sau khi hai miền thống nhất, Việt Nam vào cuối những năm 1970 bắt đầu xác lập chủ quyền mạnh mẽ hơn đối với hai quần đảo.
Trung Quốc và Việt Nam từng đụng độ nhau vào năm 1988 trên Đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa. Sáu mươi bốn binh sĩ Việt Nam thiệt mạng trong vụ việc đó.
Trung Quốc những năm gần đây đã tăng cường bồi đắp và quân sự hóa các đảo mà họ chiếm cứ ở Biển Đông cũng như ngày càng quyết đoán hơn trong việc khẳng định chủ quyền, khơi lên lo ngại của các nước láng giềng có tranh chấp về an ninh và ổn định của khu vực.
Diễm Thi
2024.01.16
Capture à partir de :RFA
Hình ảnh nhìn từ trên không thành phố Tam Sa trên một hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc cưỡng chiếm ngày 19 tháng 1 năm 1974. Ảnh chụp ngày 27 tháng 7 năm 2012. AFP
Ngày 19 tháng 1 năm 1974, Hải quân Trung Quốc đã dùng vũ lực tấn công hoàn tất công cuộc chiếm hoàn toàn quần đảo Hoàng Sa từ phía Việt Nam Cộng Hòa lúc bấy giờ.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng, tình hình an ninh Biển Đông chịu ảnh hưởng rất nhiều từ khi quần đảo Hoàng Sa thuộc quyền kiểm soát của Trung Quốc. Nhà nghiên cứu Thái Văn Cầu, hiện đang ở Hoa Kỳ nêu nhận định với RFA:
“Theo tôi, Biển Đông quan trọng cho thế giới và Việt Nam. Biển Đông là nơi có khoảng 5.000 tỷ USD hàng hóa của thế giới đi qua mỗi năm. Biển Đông cũng là nơi có nguồn tài nguyên dầu và khí đốt lớn lao. Riêng Việt Nam, với đường bờ biển dài hơn 3.200 km và với tiềm năng to lớn của nó, Biển Đông được xem như là cánh cửa đi vào tương lai của Việt Nam.
Trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974 và tham vọng thống trị Biển Đông của Trung Quốc trong hơn 20 năm qua đã thay đổi tất cả. Do vị thế chiến lược của nó, Trung Quốc đã biến Hoàng Sa thành một căn cứ quân sự hiện đại, trang bị với máy bay chiến đấu tàng hình, tên lửa siêu thanh, tàu sân bay… Lần đầu tiên trong lịch sử, từ Hoàng Sa, Trung Quốc có thể trực tiếp đe dọa an ninh quốc phòng của Việt Nam, từ Hà Giang cho đến Cà Mau. Trung Quốc cũng có thể kiểm soát mọi di chuyển hàng hải trên Biển Đông”.
Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc nêu quan điểm của ông với RFA:
“Cuộc hải chiến Hoàng Sa cách đây 50 năm mở ra một thời kỳ tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Đó là Trung Quốc sẵn sàng dùng vũ lực để giải quyết tất cả vấn đề mà họ cho rằng thuộc chủ quyền của họ. Mới hôm 4/1/2024, ông Uông Văn Bân, phát ngôn nhân của Bộ ngoại giao Trung Quốc một lần nữa khẳng định, Trung Quốc kiên quyết bảo vệ chủ quyền và quyền lợi trên biển. Và một lúc nào đó, khi thời cơ thuận lợi, khi tình hình thế giới có lợi cho Trung Quốc thì Trung Quốc sẽ ra tay nuốt trọn Biển Đông. Trung Quốc cũng từng tuyên bố không sợ bất cứ thế lực nào trên Biển Đông vì họ là cường quốc số hai trên thế giới”.
Cưỡng chiếm Hoàng Sa được coi là sự kiện khởi đầu để Trung Quốc bước vào giai đoạn dùng vũ lực để mở rộng lãnh thổ, lãnh hải. 14 năm sau khi mất Hoàng Sa, Việt Nam lại mất đảo Gạc Ma ở quần đảo Trường Sa vào tay Trung Quốc. Trong trận thảm sát vào ngày 14 tháng 3 năm 1988, Trung Quốc dùng trọng pháo và súng phòng không tiêu diệt 64 chiến sĩ Công binh và Hải quân Việt Nam trên đảo.
Từ đó đến nay, Việt Nam chưa mất thêm phần biển đảo nào vào tay Trung Quốc. Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc lý giải:
“Năm 1988, khi Việt Nam đang mắc kẹt vấn đề Campuchia, Việt Nam đang bị thế giới bao vây, cấm vận; đang phải giải quyết nhiều khó khăn về bài toán kinh tế; khi Liên Xô có những dấu hiệu cho thấy họ sắp sụp đổ, tan rã thì Trung Quốc nhân cơ hội đó đánh chiếm một phần quần đảo Trường sa của Việt Nam với sự kiện Gạc Ma.
Khi mà mất một phần Trường Sa vào năm 1988, Nhà nước Việt Nam có thái độ rất kiên quyết trong vấn đề bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải của mình. Kể từ sau năm 1988, Việt Nam không mất thêm một thực thể nào trên Biển Đông. Và từ những thực thể chiếm đóng ban đầu sau 30/4/1975, ngày nay Việt Nam đã chiếm đóng trên 20 thực thể và có 33 điểm đóng quân trên Biển Đông. Trung Quốc có gây khó khăn, đôi lúc lên đỉnh điểm nhưng Trung Quốc không chiếm thêm quần thể nào. Tôi thấy đó là sự thành công của chính phủ Việt Nam trong thời gian vừa qua. Mà phải nói rằng việc đó là nhờ sự vận động của tất cả các nhà đấu tranh cho chủ quyền của Việt Nam trong cũng như ngoài nước đã đánh động dư luận quốc tế. Đã lên tiếng kêu gọi quốc tế phải có thái độ trước nhà cầm quyền Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.
Và chính những điều kiện trong mối quan hệ quốc tế đó mà Trung Quốc chưa ra tay nuốt trọn Biển Đông như tham vọng của họ. Tôi thấy đây là một bài học cho Việt Nam trong tương lai, để làm sao giữ vững được những phần đất còn lại không bị Trung Quốc chiếm và không bị Trung Quốc ức hiếp. Việt Nam tránh những giải pháp làm lợi cho Trung Quốc trong mối quan hệ song phương cũng như đa phương”.
Phóng viên quay phim, chụp ảnh tài liệu Hán Nôm thế kỷ 17-18 về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông trong buổi họp báo do Viện Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức (VASS) ngày 3/6/2014 tại Hà Nội. AFP
Cuối năm 2022, Giám đốc Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á, ông Greg Poling xác nhận với RFA ban tiếng Anh rằng:“Trung Quốc đã không chiếm đóng một thực thể mới kể từ tháng 12 năm 1994 và không xây dựng bất cứ thứ gì mà họ chưa chiếm giữ.”
Theo các tài liệu lịch sử, Đội Hoàng Sa - Lực lượng chuyên trách thực thi chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa được thành lập từ thế kỷ 17, thời Chúa Nguyễn Phúc Tần (1648 - 1687). Đội Hoàng Sa hoạt động từ những thập kỷ đầu thế kỷ 17 cho đến những thập kỷ đầu thế kỷ 19. Trong những năm đầu thế kỷ 20, quần đảo Hoàng Sa do người Pháp quản lý. Trong Đệ nhị thế chiến từ năm 1941 đến năm 1945, người Pháp phải rút quân khỏi Đông Dương, người Nhật quản lý quần đảo Hoàng Sa.
Trong lịch sử hàng ngàn năm, Việt Nam đã nhiều lần bị phong kiến Trung Quốc đe dọa hay xâm chiếm. Người dân và lãnh đạo đã phải đối diện với khó khăn gấp nhiều lần hơn so với vấn đề Hoàng Sa. Tuy nhiên, từ Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Lê Lợi, Quang Trung cho đến thế hệ gần đây, không có vị tiền nhân nào để nỗ lực bảo vệ chủ quyền, bảo vệ quyền lợi đất nước cho thế hệ tương lai giải quyết. - Nhà nghiên cứu Thái Văn Cầu |
Tại Hiệp ước hòa bình San Francisco năm 1951, người Nhật tuyên bố từ bỏ chủ quyền với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Năm 1956, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa tuyên bố quản lý toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. Năm 1958, Cộng hòa dân chủ nhân dân Trung Hoa tuyên bố quản lý toàn bộ quần đảo Hoàng Sa.
Tuy Việt Nam đã mất Hoàng Sa 50 năm, Chính phủ Việt Nam luôn khẳng định Việt Nam có đầy đủ chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp các quy định của luật pháp và thực tiễn quốc tế. Việt Nam cũng xây dựng một số nhà trưng bày để lưu giữ, triển lãm những tư liệu liên quan Hoàng Sa, Trường Sa. Một trong số đó là Nhà trưng bày Hoàng Sa được khánh thành vào ngày 28 tháng 3 năm 2018. Nơi đây có khu trưng bày tư liệu, hình ảnh quần đảo Hoàng Sa trong thư tịch cổ của Việt Nam trước thời nhà Nguyễn; bằng chứng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa từ năm 1945 đến năm 1974 và bằng chứng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa từ năm 1974 đến nay.
Tại cuộc đối thoại với các nhà khoa học Việt Nam vào sáng 17 tháng 5 năm 2014, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: “Hoàng Sa là của Việt Nam. Trung Quốc đã dùng vũ lực để chiếm Hoàng Sa và nhất định chúng ta phải đòi lại. Đời tôi, đời các bạn chưa đòi được thì con cháu chúng ta sẽ tiếp tục đòi lại”.
Nhận định về việc chính phủ Việt Nam cần làm gì để thế hệ trẻ nung nấu ý chí đòi lại Hoàng Sa, Nhà nghiên cứu Thái Văn Cầu nói với RFA:
“Một mặt, xây dựng nhà trưng bày tư liệu chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa là việc làm đáng khích lệ. Mặt khác, khẳng định chủ quyền, phản đối ngoại giao là điều kiện "cần" nhưng không "đủ" để bảo vệ chủ quyền. Không ai phủ nhận sự khó khăn trong giải quyết tranh chấp Hoàng Sa với Trung Quốc. Trong lịch sử hàng ngàn năm, Việt Nam đã nhiều lần bị phong kiến Trung Quốc đe dọa hay xâm chiếm. Người dân và lãnh đạo đã phải đối diện với khó khăn gấp nhiều lần hơn so với vấn đề Hoàng Sa. Tuy nhiên, từ Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Lê Lợi, Quang Trung cho đến thế hệ gần đây, không có vị tiền nhân nào để nỗ lực bảo vệ chủ quyền, bảo vệ quyền lợi đất nước cho thế hệ tương lai giải quyết”.
Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc thì cho rằng, xét trong thế và lực hiện nay giữa Việt Nam và Trung Quốc thì Việt Nam không tài nào có thể lấy lại Hoàng Sa từ tay Trung Quốc. Ông nói tiếp:
“Thứ nhất, cuộc hải chiến Hoàng Sa cách đây 50 năm là cuộc chiến tranh chống xâm lược dù dưới bất cứ chính thể nào, dù là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa hay Việt Nam Cộng Hòa. Cuộc hải chiến này có 75 vị anh hùng đã vị quốc vong thân đáng phải được tôn thờ, đáng phải được nhắc nhở hàng ngày, đáng phải được đưa vô sách giáo khoa và phải có tượng đài tưởng niệm. Có như thế thì thế hệ trẻ mới nhìn thấy gương của tiền nhân mà sẵn sàng hy sinh xương máu của mình để bảo vệ đất mẹ Việt Nam.
Nếu chúng ta không làm được chuyện đó, chúng ta coi 75 vị anh hùng đó là ngụy quân ngụy quyền thì rõ ràng không thể nào giáo dục được thế hệ trẻ hiện nay, và họ sẽ làm ngơ khi cha ông họ đã làm ngơ một sự kiện, một biến cố cách đây 50 năm”.
Người dân tưởng niệm 40 năm ngày Trung Quốc cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp ở Biển Đông. Ảnh chụp ngày 19 tháng 1 năm 2014 tại Hà Nội. AFP
Từ nhiều năm qua, Trung Quốc nhiều lần gây hấn trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, gây căng thẳng trên Biển Đông. Trung Quốc cũng bị cho là đã tiến hành hàng loạt hành động phi pháp với mục đích nuốt trọn Biển Đông kể từ khi cưỡng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974. Một số nhà nghiên cứu và một số đại biểu Quốc hội từng đề nghị chính phủ Việt Nam cần vận dụng công cụ pháp lý để bảo vệ chủ quyền biển đảo, cụ thể là nộp đơn kiện Trung Quốc theo Phụ lục VII Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển.
Nếu chúng ta không làm được chuyện đó, chúng ta coi 75 vị anh hùng đó là ngụy quân ngụy quyền thì rõ ràng không thể nào giáo dục được thế hệ trẻ hiện nay, và họ sẽ làm ngơ khi cha ông họ đã làm ngơ một sự kiện, một biến cố cách đây 50 năm. - Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc |
Vậy, nếu Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế thì tài liệu về chủ quyền của Việt Nam có đứng vững về mặt công pháp quốc tế hay không? Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc nhận định:
“Nói về mặt lịch sử, Việt Nam có đầy đủ các thư tịch, có đầy đủ các văn kiện của các nhà nước phong kiến trước đây, cũng như thời kỳ quản lý quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thời Việt Nam Cộng Hòa. Nhưng khi ra tòa án công lý quốc tế, người ta sẽ xét trên những điều kiện thực tế. Về luật pháp người ta không xét đến quan điểm. Nếu như Việt Nam không có một bộ hồ sơ hoàn chỉnh về chủ quyền của mình dựa trên công pháp quốc tế thì tôi e rằng nếu Trung Quốc có đồng ý ra tòa thì chưa chắc Việt Nam sẽ thắng. Mà đã kiện về chủ quyền lãnh thổ, không thắng thì chỉ có thua, chỉ có mất trắng.
Nói gì thì nói, Công hàm Phạm Văn Đồng vẫn là một khúc xương khó gặm nhất trong bộ hồ sơ chủ quyền của Việt Nam. Trong vấn đề bảo vệ chủ quyền lãnh thổ lãnh hải như thế nào thời Việt Nam Cộng hòa cũng phải được chính thức thừa nhận thì như thế Việt Nam mới có khả năng thắng tại tòa án công lý quốc tế.
Phải hoàn chỉnh một bộ hồ sơ pháp lý. Và tôi nói thẳng, trình độ của các nhà lập pháp hiện nay, của các nhà luật học hiện nay không xây dựng nổi một bộ hồ sơ về chủ quyền đâu. Phải nhờ đến các luật sư nổi tiếng có kinh nghiệm trên thế giới cố vấn, như bộ hồ sơ Phillipines kiện Trung Quốc hồi năm 2013”.
Nhà nghiên cứu Thái Văn Cầu nói với RFA:
“Tôi có nghiên cứu về hành xử chủ quyền của Việt Nam qua các thời đại từ xưa đến nay. Dựa trên nghiên cứu của các chuyên gia và nghiên cứu cá nhân, tôi đánh giá cơ sở pháp lý và chứng cứ chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam vững chắc hơn của Trung Quốc. Đấy là lý do Trung Quốc làm áp lực để Việt Nam không kiện Trung Quốc.
Theo án lệ tòa án và chuyên gia luật pháp quốc tế, chỉ khẳng định chủ quyền hay phản đối ngoại giao không bảo vệ được chủ quyền, không đòi lại được Hoàng Sa. Dù Trung Quốc không đồng ý, khi khởi kiện, Việt Nam chứng minh sự chân thành, nghiêm túc và thiện chí của mình trước hệ thống tòa án và trước dư luận quốc tế.
Hơn 10 năm trước, tôi có làm việc với một số quan chức nhà nước để giúp họ củng cố chứng cứ chủ quyền Hoàng Sa. Vào đầu năm 2016, họ ngưng nỗ lực này sau khi có sự thay đổi lãnh đạo.
Vào tháng 4 năm 2016, tôi làm việc với trí thức trong nước cho một thư ngỏ có tên “Thư gởi lãnh đạo Việt Nam về Biển Đông”. Thư này do 54 người ký, trong đó có Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh - nguyên Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc từ năm 1974 đến 1987, và nhiều nhân sĩ trí thức trong và ngoài nước khác”.
“Thư gởi lãnh đạo Việt Nam về Biển Đông” có đoạn: “Chúng tôi, những người ký tên dưới đây, mạnh mẽ và nghiêm túc yêu cầu lãnh đạo Nhà nước Việt Nam công khai kêu gọi Trung Quốc tiến hành đàm phán hòa bình với các nước có tranh chấp trên Biển Đông, hay đồng ý cùng Việt Nam đưa tranh chấp ở Hoàng Sa - Trường Sa ra hệ thống tòa án quốc tế để giải quyết. Nếu kêu gọi này không được Trung Quốc đáp ứng, Việt Nam sẽ tích cực sử dụng các biện pháp hòa bình, theo luật pháp quốc tế, bao gồm cả chính thức khởi kiện Trung Quốc trong thời gian sớm nhất”.
19 tháng 1 2024
Capture à partir de :BBC
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Nhân kỷ niệm 50 sự kiện Hải chiến Hoàng Sa 1974, một câu hỏi được đặt ra là liệu đây có phải thời điểm để Việt Nam đòi lại chủ quyền biển từ Trung Quốc bằng cách đưa vụ việc ra tòa quốc tế hay không?
Trả lời câu hỏi này, nhà nghiên cứu Biển Đông Phạm Ngọc Minh Trang, thành viên Quỹ Max Planck vì Hòa bình Quốc tế và Pháp quyền tại Đức, nói với BBC News Tiếng Việt rằng: “Vấn đề Hoàng Sa năm 1974 khó có thể giải quyết bằng con đường tòa án.”
Lý giải điều này, bà Trang nói rằng “sự kiện tại Hoàng Sa năm 1974 là việc một quốc gia sử dụng vũ lực đánh chiếm lãnh thổ của một quốc gia khác và điều này hoàn toàn vi phạm luật pháp quốc tế.”
“Tuy nhiên, việc khởi kiện tại các tòa án quốc tế cần có sự đồng ý của cả hai quốc gia liên quan.
“Và như chúng ta đã biết, Trung Quốc luôn có thái độ kiên quyết chống lại việc mang các tranh chấp tại Biển Đông ra tòa.”
Chiến thuật ‘vùng xám’
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Một tàu Cảnh sát biển Trung Quốc tiếp cận một tàu dân sự Philippines (trái) đang làm nhiệm vụ tiếp tế cho ngư dân và quân đội Phillippines trên Biển Đông ngày 10/12/2023
Mặc dù vậy, không phải là đã hết cách để đưa Trung Quốc ra tòa quốc tế.
Nhà nghiên cứu Phạm Ngọc Minh Trang đề cập tới chiến thuật ‘vùng xám’ (grey zone operations) mà Trung Quốc hiện đang áp dụng.
Một ví dụ gần đây là việc một tàu Cảnh sát biển Trung Quốc phun vòi rồng vào một tàu tiếp tế của Philippines ở Bãi Cỏ Mây trên Biển Đông hồi tháng 11/2023 nhằm buộc tàu này phải thay đổi lộ trình.
Bà Trang nhận định rằng hình thức xung đột có cường độ chậm này được Trung Quốc sử dụng ngày càng nhiều hơn trong năm qua để khẳng định các yêu sách lãnh thổ của mình ở Biển Đông. Việt Nam và Philippines thường xuyên là mục tiêu của các hoạt động như vậy.
Các quốc gia có quyền lợi hợp pháp trên vùng biển này hoàn toàn có thể áp dụng Công ước Luật Biển để đơn phương khởi kiện Trung Quốc ở một số vấn đề liên quan, theo chuyên gia Phạm Ngọc Minh Trang.
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Tàu Hải tuần 03 của Cục Hải sự thuộc Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc chuẩn bị rời cảng Hải Khẩu ở Hải Nam để tuần tra Hoàng Sa vào ngày 8/6/2023
Các tình huống ‘vùng xám’
‘Vùng xám’ được định nghĩa là “một không gian hoạt động nằm giữa chiến tranh và hòa bình, liên quan đến các hoạt động mang tính cưỡng ép nhằm thay đổi hiện trạng, theo tác giả Collin Koh trong bài “David và Goliath: Các nước Đông Nam Á có thể chống lại chiến lược vùng xám hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông… với sự trợ giúp” trên Tạp chí Hải quân Mỹ.
Các hoạt động này thường dưới ngưỡng một cuộc xung đột vũ trang (ví dụ như Trung Quốc sử dụng vòi rồng và laser, hay đơn vị thực hiện các hành vi này không phải hải quân mà là hải cảnh và tàu cá) và trong hầu hết các trường hợp, thường làm mờ đi ranh giới giữa các hoạt động quân sự và phi quân sự.
Theo định nghĩa này, các tình huống ‘vùng xám’ thường bao gồm: 1. Sự việc đã rồi; 2. Sự mơ hồ mang tính răn đe; 3. Chiến tranh hỗn hợp (ủy quyền).
Các nước Đông Nam Á giáp Biển Đông đã gặp phải cả ba hình thức này do Trung Quốc gây ra.
Sự việc đã rồi: Trung Quốc xây dựng và củng cố các công trình quy mô lớn ở Biển Đông, dẫn đến sự thay đổi vĩnh viễn hiện trạng. Các nước đối thủ sẽ không thể đảo ngược tình thế trừ phi họ phá hoặc chiếm các tiền đồn nhân tạo này, mà điều đó có nghĩa là bước vào một cuộc xung đột vũ trang toàn diện với Bắc Kinh.
Sự mơ hồ mang tính răn đe: Là một loạt các hành động dưới ngưỡng xung đột vũ trang, một số có vẻ vô hại hoặc vụn vặt, nhưng theo thời gian sẽ làm xói mòn quyền lực hoặc vị thế của các nước là nạn nhân. Bắc Kinh đã thông qua luật hàng hải mới nhằm tăng cường sự quản lý của nước này ở Biển Đông, dù chúng vi phạm luật quốc tế.
Chiến tranh ủy quyền: Ví dụ tiêu biểu nhất là các hoạt động của Lực lượng Dân quân Hàng hải thuộc Lực lượng Vũ trang Nhân Dân Trung Quốc với các hoạt động “kéo bầy đàn, đâm va và đánh chìm tàu cá nước ngoài tại các vùng biển tranh chấp”.
Thách thức
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chuyên gia cho rằng các nước cần phối hợp để chống lại chiến thuật vùng xám của Trung Quốc trên Biển Đông
Theo bà Phạm Ngọc Minh Trang, điều khó của việc đối phó với các hành vi này trên thực địa là "chúng ta vừa phải biết kiềm chế để không đẩy tình hình lên thành một cuộc xung đột vũ trang, vừa phải ngăn không cho Trung Quốc xâm phạm quyền chủ quyền trong vùng biển của Việt Nam" (quyền đánh bắt cá và khai thác dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa).
Ngoài ra, vấn đề còn do các hoạt động ‘vùng xám’ của Trung Quốc thường không được chú ý, theo bài viết nhan đề “Làm thế nào để giúp ASEAN giải quyết thách thức ‘vùng xám’ trên Biển Đông” của tác giả Đỗ Hoàng đăng trên website Viện Hòa bình Hoa Kỳ.
Lý do là các tàu dân quân của Trung Quốc thường tắt hệ thống định vị tự động (AIS) và thay vì thế dùng máy phát sóng tần ngắn, do đó khó bị định vị. Hệ thống AIS cũng có thể bị can thiệp và không phản ánh được bức tranh toàn cảnh. Ví dụ, trong một vụ việc xảy ra trong khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam hồi tháng 5/2023, các tàu khảo sát của Trung Quốc bật AIS và bị các công cụ theo dõi nguồn mở phát hiện, nhưng rất khó giải mã các xu hướng hành vi và hoạt động của các tàu này.
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Một tàu cá hoạt động gần đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi vào tháng 8/2022
Giải quyết thách thức ‘vùng xám’
Đó là khi các sáng kiến tăng cường nhận thức về lĩnh vực hàng hải (MDA) của các tổ chức quốc tế như QUAD (bao gồm Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản và Úc) và Liên minh châu Âu (EU) có thể phát huy tác dụng, theo tác giả Đỗ Hoàng.
Các sáng kiến này có thể cung cấp nhiều lớp dữ liệu thời gian thực trong một khu vực địa lý rộng lớn, vượt qua giới hạn của các công cụ giám sát bằng định vị hiện có bằng cách tích hợp cơ sở dữ liệu dựa trên quang điện, tần số vô tuyến, trí tuệ nhân tạo và các cơ sở dữ liệu khác, để phát hiện các tàu khi thiết bị định vị của chúng bị tắt và để cung cấp ảnh chất lượng cao về hoạt động của các tàu này, theo tác giả Đỗ Hoàng.
Với nhiều nước Đông Nam Á có nguồn lực hạn chế, việc có MDA tốt sẽ mang lại các cách thức hiệu quả hơn để triển khai lực lượng nơi cần họ nhất. Trong các thập kỷ trước, Đông Nam Á là bên hưởng lợi cơ bản từ hỗ trợ của Mỹ trong xây dựng năng lực an ninh hàng hải, tập trung phần lớn vào MDA.
Việt Nam, Indonesia và Malaysia đã nhận hệ thống máy bay không người lái ScanEagle và được tạo điều kiện triển khai tối ưu năng lực hàng hải vốn hạn chế để khẳng định chủ quyền trên Biển Đông.
Mặc dù vậy, theo ông Collin Koh, các nước cùng có quyền lợi trong khu vực Biển Đông cần có nhiều năng lực về khí tài hơn để có thể đối phó hiệu quả hơn với các lực lượng của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp.
Các cường quốc ngoài khu vực đã tăng cường hỗ trợ cho hải quân và lực lượng bảo vệ bờ biển trong khu vực. Các ví dụ bao gồm việc chuyển giao các tàu tuần tra cũ của Cảnh sát biển Hoa Kỳ cho Việt Nam và Philippines và việc Nhật Bản cung cấp các tàu tuần tra ngoài khơi đã qua sử dụng và mới cho Malaysia, Philippines và Việt Nam.
Tuy nhiên, những nỗ lực này không đủ để giúp các quốc gia Đông Nam Á lấp đầy khoảng trống năng lực của họ. Nếu không có sự can thiệp đáng kể hơn của Mỹ và đồng minh, sự bất cân xứng về lực lượng hàng hải giữa các nước Đông Nam Á và Trung Quốc sẽ vẫn tồn tại. Các biện pháp giúp các quốc gia này tăng cường năng lực đóng tàu trong nước sẽ giúp họ tự đóng tàu tuần tra ngoài khơi, ông Collin Koh phân tích.
Cung cấp năng lực vật chất để các nước này chống lại sự o ép trên biển của Trung Quốc là cần thiết. Nhưng chỉ tặng thiết bị cho các đối tác sẽ không đủ nếu không đi kèm với những nỗ lực củng cố các yếu tố vô hình quan trọng như ý chí chính trị quốc gia và hợp tác liên ngành.
Do mối quan hệ không rõ ràng giữa Hải quân Trung Quốc (PLAN), Cảnh sát biển Trung Quốc, tức Hải cảnh (CCG) và Dân quân biển có vũ trang của Trung Quốc (PAFMM) ở Biển Đông, các nước Đông Nam Á buộc phải xem xét lại và tăng cường các nỗ lực hàng hải liên ngành của mình.
Điều quan trọng nữa là không được đánh mất nhu cầu bao quát là đảm bảo một cách tiếp cận nhất quán, rõ ràng và đồng lòng giữa các bộ ban ngành chính phủ, và giữa các quốc gia, đối với hành vi vùng xám hung hăng của Trung Quốc, ông Collin Koh chỉ ra.
Cuối cùng, theo bà Minh Trang, có thể phân tích và đánh giá các hoạt động “vùng xám” này bằng luật quốc tế, quan trọng nhất là Công ước Luật biển 1982 mà đa số các nước ASEAN cho rằng là khuôn khổ pháp lý cơ bản và đầy đủ nhất để thực hiện các hành vi trên biển.
Trong Công ước Luật biển, các quốc gia có quyền đơn phương khởi kiện ở một số vấn đề liên quan, và nếu áp dụng tốt các biện pháp này, việc mang Trung Quốc ra toà án quốc tế là hoàn toàn khả thi, bà Trang nói.
RFA
2024.01.18
Capture à partir de :RFA
Năm 1996, Trung Quốc tuyên bố đường cơ sở thẳng cho Hoàng Sa, một yêu sách bất hợp pháp. (Ảnh minh họa). Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ
Ở phần trước nhà nghiên cứu Hoàng Việt trao đổi với RFA về những trở ngại về cơ chế và luật pháp quốc tế khiến cho việc kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về vấn đề Hoàng Sa trở nên vô cùng khó khăn. Ở phần này, ông chia sẻ với RFA về những điều có thể làm ngay cả khi Trung Quốc không chấp nhận giải quyết tranh chấp bằng biện pháp pháp lý. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng vấn đề tranh chấp lãnh thổ đối với Hoàng Sa ngày nay cần được đặt trong khung cảnh quan hệ quốc tế rộng lớn hơn.
RFA. Tòa ICJ (Tòa án Công lý Quốc tế) có cơ chế tham vấn. Nếu Việt Nam không kiện được vì Trung Quốc không chịu ra tòa thì liệu có thể xin tòa cho ý kiến tư vấn hay không? Ý kiến tư vấn thì không có giá trị pháp lý, nhưng nếu Việt Nam tự tin vào bằng chứng lịch sử của mình, nếu tòa đưa ra một ý kiến tư vấn có lợi cho Việt Nam thì điều đó cũng có ý nghĩa về mặt khẳng định chính nghĩa của mình?
Nhà nghiên cứu Hoàng Việt
Tòa ICJ có thẩm quyền tư vấn. Tòa này đã đưa ra nhiều ý kiến tư vấn cho nhiều vụ tranh chấp. Mặc dù những tư vấn đó không có tính ràng buộc pháp lý, nhưng nó rất quan trọng vì có thể tạo ra tính chính danh, chính nghĩa cho bên được tòa xác nhận là đúng.
Nhưng trong Hiến chương Liên Hiệp quốc, ở điều 95 có nhắc, và trong quy chế về Tòa ICJ thì từ điều 65 đến 68 thì có quy định về chức năng tư vấn của tòa.
Chức năng tư vấn này được thiết kế cho các tổ chức quốc tế. Liên Hiệp quốc nhận thấy là các tổ chức quốc tế cũng có quyền và có nhu cầu được tư vấn về tranh chấp.
Chính vì vậy, thủ tục để yêu cầu tòa ICJ tư vấn cũng khác, tức là phải thông qua một tổ chức quốc tế.
Nếu Việt Nam muốn tòa ICJ đưa ra ý kiến tư vấn thì phải thông qua một tổ chức quốc tế, trong trường hợp Hoàng Sa thì chính là Đại hội đồng Liên Hiệp quốc. Ở đây thì chúng ta phải có được hai phần ba thành viên, trong số 196 quốc gia thành viên Liên Hiệp quốc đồng ý.
Nếu Việt Nam muốn Tòa ICJ đưa ra ý kiến tư vấn thì trước hết phải thuyết phục được một số lượng lớn quốc gia như vậy đứng về phía mình, chống lại Trung Quốc. Trung Quốc đã một cường quốc, có tầm ảnh hưởng lớn toàn cầu. Cho nên tôi nghĩ đó là điều không phải dễ.
RFA. Như phân tích của ông, việc đòi loại Hoàng Sa là điều vô cùng khó khăn. Dùng lực lượng quân sự thì đương nhiên không được, mà dùng biện pháp pháp lý là kiện Trung Quốc ra tòa cũng chưa làm được. Tuy nhiên, chúng ta có thể kiện Trung Quốc ở những khía cạnh khác liên quan đến Hoàng Sa không? Ví dụ như đường cơ sở thẳng Trung Quốc vẽ quanh quần đảo này năm 1996. Đường cơ sở thẳng này rõ ràng bất hợp pháp, trở thành “căn cứ” để Trung Quốc đòi hỏi một cách bất hợp pháp 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa xung quanh Hoàng Sa.
Nhà nghiên cứu Hoàng Việt
Nói chung là việc kiện Trung Quốc để lấy lại chủ quyền đối với Hoàng Sa là vấn đề khó. Nhưng với các vấn đề khác có liên quan thì không phải là không làm được.
Ví dụ như câu chuyện Philippines kiện Trung Quốc ra một tòa trọng tài theo quy định của Công ước Quốc tế về Luật biển.
Đối với tòa này, việc Trung Quốc chấp nhận tham gia hay không thì không phải là yếu tố quyết định để mở phiên tòa.
Trong phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016, chúng ta thấy là Trung Quốc đã không tham gia, không chấp nhận, không tuân thủ. Thậm chí, Trung Quốc còn quay sang tấn công lại phán quyết này. Nhưng phán quyết này vẫn là một chiến thắng của người Philippines. Phán quyết này sau đó đã đóng vai trò quan trọng trong luật biển quốc tế nói chung.
Như vậy, Việt Nam có thể xem xét sử dụng một công cụ tương tự như vậy. Tức là mang vấn đề ra một tòa trọng tài.
Việt Nam có thể yêu cầu tòa giải thích một số vấn đề của quần đảo Hoàng Sa mà liên quan đến vấn đề biển.
Trung Quốc vẽ một đường cơ sở xung quanh quần đảo Hoàng Sa vào năm 1996. Theo Luật biển, đường cơ sở thẳng vẽ xung quanh các đảo thì chỉ áp dụng cho quốc gia quần đảo. Trung Quốc là một quốc gia lục địa, không phải là quốc gia quần đảo.
Vậy đường cơ sở thẳng mà Trung Quốc tuyên bố xung quanh quần đảo Hoàng Sa có hợp pháp hay bất hợp pháp. Đó là một vấn đề Việt Nam có thể đưa ra.
Điều thứ hai mà Việt Nam có thể đưa ra là trong phán quyết năm 2016, trong vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc, tòa đã phán quyết về Trường Sa. Theo phán quyết này, quần đảo Trường Sa không có đảo mà chỉ là đá hoặc bãi ngầm lúc chìm lúc nổi. Như vậy nó thu hẹp tranh chấp rất nhiều.
Việt Nam có thể kiện theo hướng yêu cầu một phán quyết như vậy đối với Hoàng Sa. Các thực thể địa lý ở Hoàng Sa là đảo, đá, hay lúc chìm lúc nổi?
Ngoài ra, đối với Trường Sa, tòa PCA năm 2016 đã đề cập đến vấn đề cấu trúc mang tính tập thể thì sẽ tạo thành cấu trúc toàn bộ như thế nào. Vậy Hoàng Sa có gì tương tự hay không?
Đương nhiên, Việt Nam phải cân nhắc nhiều vấn đề khác khi đưa Trung Quốc ra tòa. Biện pháp pháp lý là một khía cạnh, nhưng chính trị là khía cạnh khác quan trọng không kém.
Nếu Việt Nam thắng kiện Trung Quốc nhưng phán quyết đó không thực thi được trong thực tế thì sao?
Chúng ta biết cái yếu nhất của luật pháp quốc tế là không có biện pháp cưỡng chế nếu bên thua kiện không tuân thủ. Điều này đặc biệt đúng với trường hợp Trung Quốc. Vụ kiện Philippines cho thấy rõ điều này.
Cho nên Việt Nam phải cân nhắc điều sau đây: Chúng ta có nên chấp nhận lấy một chiến thắng tại tòa nhưng không có giá trị thực thi trong thực tế, để đổi lấy những sức ép kinh tế rất mạnh trên thực tế từ phía Trung Quốc? Trong khi đó, Việt Nam còn có nhiều vấn đề về kinh tế, chính trị, chiến lược với Trung Quốc.
Năm nào lãnh đạo Việt Nam khi gặp Trung Quốc thì cũng phải yêu cầu họ mở cửa nông sản để bà con nông dân Việt Nam thu được lợi ích.
Sau khi Philippines thắng cuộc trong vụ kiện Trung Quốc năm 2016 thì Trung Quốc đã trả đũa bằng cách ngay lập tức chặn Philippines xuất khẩu chuối sang Trung Quốc. Chuối là mặt hàng nông sản lớn mà Philippines xuất khẩu sang Trung Quốc. Đó là chưa kể Trung Quốc còn gây sức ép lớn lên Philippines về mặt ngoại giao ở khác mặt trận khác nữa.
Đó là khó khăn của các nhà lãnh đạo. Họ sẽ phải suy tính hết để quyết định chọn phương án nào.
RFA. Như vậy việc Việt Nam kiện Trung Quốc không thể chỉ xem xét vấn đề pháp lý. Việt Nam sẽ phải đặt nó trong một bản đồ lớn hơn?
Nhà nghiên cứu Hoàng Việt
Đúng vậy. Đặc biệt, ngày nay, thế giới đang trở nên hỗn loạn. Chiến tranh nổ ra khắp nơi, luật pháp quốc tế đôi khi không giữ được. Mặc dù Mỹ và Phương Tây đang tìm cách duy trì một trật tự thế giới dựa trên luật lệ. Nhưng luật lệ đó đang bị một số quốc gia khác vươn lên để thay đổi nó. Chúng ta đã thấy điều đó ở cuộc chiến Ukraine, cuộc chiến ở Trung Đông. Những điều đó cho thấy ranh giới luật pháp quốc tế rất mong manh.
Cho nên lãnh đạo các nước đều có khó khăn của họ. Mục tiêu quan trọng nhất của họ bây giờ là giữ được đất nước không bị cuốn vào chiến tranh, giữ được hòa bình và tạo ra không gian để phát triển. Đó mới là cái khó.
RFA xin cảm ơn nhà nghiên cứu Hoàng Việt đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.
RFA
2024.01.18
Capture à partir de :RFA
Các thẩm phán của Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS), 2021. (Ảnh minh họa). ITLOS
Ngày 19 tháng 1 năm 1974, Trung Quốc tấn công quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Lúc đó, quần đảo này do Việt Nam Cộng Hòa quản lý. Ngày 19 tháng 1 năm 2024 là tròn 50 năm Trung Quốc xâm lược và đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa. Nhân dịp này, RFA có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu Hoàng Việt ở Trường Đại học Luật Tp. HCM về các khả năng kiện Trung Quốc ra các tòa án quốc tế. Theo nhà nghiên cứu Hoàng Việt, do một số đặc điểm riêng của tòa án quốc tế, việc đưa được Trung Quốc ra tòa là điều vô cùng khó khăn.
RFA. Hiện có bảy toà án quốc tế. Trong đó, loại trừ một số tòa có tính khu vực, không liên quan đến Việt Nam và Biển Đông, chúng ta còn có các tòa án có thể liên quan đến Hoàng Sa là Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS), Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC). Trong các tòa án quốc tế này, Việt Nam có thể kiện Trung Quốc ra toà án nào để đòi lại Hoàng Sa? Tại sao?
Nhà nghiên cứu Hoàng Việt
Thứ nhất là chúng ta sẽ loại trừ Tòa án Quốc tế về Luật biển (International Tribunal for the Law of the Sea). Tòa án này chỉ giải quyết các vấn đề liên quan đến Luật biển Quốc tế. Mà trong Luật biển Quốc tế thì không có vấn đề nào liên quan đến chủ quyền đối với các thực thể địa lý mà chỉ liên quan đến các vấn đề về biển như lãnh hải, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế… Tòa án này cũng yêu cầu phải có tất cả các bên cùng chấp nhận ra tòa.
Tòa án thứ hai là Tòa án Hình sự Quốc tế (International Court of Criminal). Đây là tòa đã truy tố tổng thống Nga Putin năm 2022 vì cuộc xâm lược Ukraine, dựa trên đơn đề nghị của khoảng 40 quốc gia. Tòa này không giải quyết các vấn đề biên giới và lãnh thổ.
Cơ bản nhất có hai tòa giải quyết các vấn đề về tranh chấp lãnh thổ. Tòa thứ nhất là tòa PCA, tức “The Permanent Court of Arbitration” (Tòa Trọng tài Thường trực). Tòa này là tòa lâu đời nhất, ra đời từ 1911 đến nay. Tòa PCA đã mở văn phòng ở Hà Nội. Đây không phải là tòa thông thường mà là tòa trọng tài.
Tòa thứ hai là Tòa án Công lý Quốc tế (International Court of Justice.) Đây là một cơ quan tư pháp của Liên Hiệp Quốc. Nó là được quy định trong Hiến chương Liên Hiệp quốc, là một cơ quan chính thống của Liên Hiệp Quốc.
Tòa này đã giải quyết rất nhiều vụ tranh chấp lãnh thổ, biên giới gữa các quốc gia. Nó là một những tòa quốc tế quan trọng nhất hiện nay. Nếu Việt Nam muốn kiện Trung Quốc về quần đảo Hoàng Sa thì cũng sẽ đưa ra Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), Tòa án Quốc tế về Luật biển hoặc Tòa Trọng tài Thường trực.
Nhưng điều quan trọng nhất là các tòa án quốc tế này đòi hỏi tất cả các quốc gia liên quan đều phải cùng đưa ra tòa. Một trong những vấn đề quan trọng nhất của quan hệ quốc tế theo LHQ là chủ quyền quốc gia.
Tòa không thể vượt quá chủ quyền quốc gia. Khi mà một quốc gia nào đó không chấp thuận thì tòa không được đem vụ kiện đó ra xét xử. Liên Hiệp quốc thiết kế cơ chế như vậy để yêu cầu tất cả các bên tranh chấp một thực thể địa lý nào đó phải cùng đồng thuận ra tòa giải quyết.
RFA. Có phải vì Liên Hiệp Quốc muốn tránh trường hợp một quốc gia bị một quốc gia khác đơn phương đưa ra tòa án quốc tế, trái với ý chí của quốc gia đó?
Nhà nghiên cứu Hoàng Việt
Cũng có thể là như vậy. Điều quan trọng nhất là nguyên tắc của Liên Hiệp quốc tôn trọng chủ quyền quốc gia. Đây là nguyên tắc tối thượng. Không ai có thể áp đặt một quốc gia ở một tòa án quốc tế khi mà quốc gia đó không chấp nhận giải quyết bằng phương án đó.
Điều khó khăn nhất khi muốn kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa chính là phải có sự chấp thuận của Trung Quốc đối với việc ra tòa.
RFA. Tòa Trọng tài thì khác gì với các tòa khác? Nếu Việt Nam sử dụng tòa trọng tài thì vụ việc có thể tiến triển như thế nào?
Nhà nghiên cứu Hoàng Việt
Ví dụ trong vụ Philippines kiện TQ, người ta sẽ lập một hội đồng trọng tài. Các trọng tài phân xử sẽ được tuyển chọn từ các trọng tài viên của tòa ITLOS (Tòa án Quốc tế về Luật biển.) Tức đó là một cơ chế mềm dẻo.
Tòa trọng tài (Tribunal) là tòa chỉ lập ra khi có một vụ án, chỉ để xét xử vụ kiện đó. Khi xét xử xong thì nó giải tán. Còn tòa án (Court) là luôn luôn có sẵn, luôn tồn tại.
Trong quá khứ, có một số vụ kiện để chúng ta hiểu nếu áp dụng kiểu tòa án này thì vụ kiện có thể xảy ra như thế nào.
Ví dụ như vụ án Yukos của Nga. Khi chính phủ Nga quốc hữu hóa tập đoàn Yukos thì đã quốc hữu hóa cả số vốn đầu tư của một số chủ đầu tư nước ngoài. Các chủ đầu tư nước ngoài này đã kiện chính phủ Nga ra tòa án quốc tế. Đó sẽ là một tòa trọng tài để phân xử đúng sai giữa hai bên.
Trong vụ án này, chính phủ Nga đã phản đòn bằng một bước đi hoàn toàn hợp pháp và hiệu quả.
Hội đồng tòa trọng tài phán quyết Nga thua cuộc, phải đền bù hơn 50 tỷ USD. Phía Nga đã tìm kiếm một tòa thường trực tại Hà Lan nằm ở nơi có trụ sở của PCA. Tòa này có quyền xét lại phán quyết của PCA. Trong khi đó, PCA không được xem xét phán quyết đó.
RFA. Nếu Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế vì đã đánh chiếm Hoàng Sa bằng vũ lực chứ không phải bằng thương thuyết và thỏa ước thì có thể kiện như thế nào? Diễn biến có thể ra sao?
Nhà nghiên cứu Hoàng Việt
Việc Trung Quốc dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa năm 1974 thì đã trái Hiến chương Liên Hiệp quốc. Điều 2 của Hiến chương đã quy định rằng tất cả các quốc gia phải giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
Năm 1970, Đại hội đồng Liên Hiệp quốc ra Nghị quyết 2625, khẳng định rằng kể từ đó về sau, mọi vùng lãnh thổ được thụ đắc bằng vũ lực sẽ không được công nhận.
Chính vì vậy, Trung Quốc chiếm Hoàng Sa bằng vũ lực năm 1974, khi Nghị quyết 2625 đã có hiệu lực, nên quốc tế vẫn chưa công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối quần đảo Hoàng Sa.
Vấn đề khó khăn nhất của Việt Nam khi muốn kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế là Trung Quốc cũng phải đồng ý ra tòa. Nhưng Trung Quốc không bao giờ đồng ý ra tòa. Họ khẳng định chỉ đàm phán song phương, không chấp nhận giải quyết với một bên thứ ba, bao gồm cả tòa án. Vì vậy, việc kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế là bất khả thi.