Trả lại Sự thật và Công lý cho Lịch sử
45 năm chiến tranh biên giới Việt-Hoa - 2
45 năm cuộc chiến Việt-Trung: Nhóm dân sự kêu gọi ‘đánh giá đúng lịch sử’
Chiến tranh biên giới Việt-Trung: Vẫn còn những khoảng lặng, những e dè
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tưởng niệm các liệt sĩ chống Trung Quốc ở Vị Xuyên
Một số bài thơ về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc
Lê Xuân Nghĩa - Ba lần Việt Nam tin vào Trung Quốc
17/02/2024
Ngôi mộ của một liệt sĩ hy sinh ngày 17/2/1979.
Sát dịp kỷ niệm 45 năm cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung 17/2, giới xã hội dân sự độc lập trong nước ra một bản tuyên bố chung, kêu gọi chính quyền Việt Nam “đánh giá đúng lịch sử” sự kiện này, đồng thời phản đối các khẩu hiệu tuyên truyền về mối quan hệ thân hữu giữa hai nước láng giềng.
Các tổ chức xã hội dân sự và hàng chục cá nhân nêu một số yêu cầu đối với nhà cầm quyền: Đưa cuộc chiến tranh tự vệ 1979 vào sử sách; báo chí, truyền hình thông tin rộng rãi trong và ngoài nước; thể hiện trong các bảo tàng lịch sử và tổ chức công khai lễ tưởng niệm đồng bào, chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến tranh tự vệ chống xâm lược Trung Quốc; giảng dạy trong các nhà trường.
Tổ chức Lập Quyền Dân, Diễn đàn Xã hội Dân sự, Câu lạc bộ Nguyễn Trọng Vĩnh, Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, Câu lạc bộ Phan Tây Hồ, cùng các cựu công chức và những người lên tiếng về sự bá quyền của Bắc Kinh ký tên vào bản tuyên bố chung được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội hôm 14/2.
Từ Hà Nội, giáo sư Nguyễn Đồng Cống, một trong những người ký bản tuyên bố, nêu ý kiến với VOA rằng sự kiện ngày 17/2/1979 là bài học lịch sử mà các thế hệ người Việt nên ghi nhớ.
“Cuộc chiến năm 1979 ở biên giới rõ ràng là một hành động tráo trở của Trung Quốc dưới thời Đặng Tiểu Bình. Ông Đặng Tiểu Bình ngang nhiên cho rằng phải dạy cho Việt Nam một bài học. Nguyên nhân sâu xa là Trung Quốc đánh để trả thù việc quân Việt Nam đánh Pol Pot ở Campuchia trong lúc Pol Pot được Trung Quốc ủng hộ rất mạnh”.
“Đó là một cuộc chiến tranh mà dân Việt Nam phải ghi nhớ”, vị giáo sư ngành xây dựng, từng nhận danh hiệu “Nhà Giáo Nhân Dân” và đã từ bỏ Đảng, nhấn mạnh.
Bản tuyên bố nhắc lại biến cố này với việc Bắc Kinh “xua 600,000 quân chiến đấu và phục vụ chiến đấu cùng 400 xe tăng xâm lược Việt Nam…”.
Bà Sương Quỳnh ở Đà Lạt, một thành viên của CLB Lê Hiếu Đằng, nêu ý kiến cá nhân của bà với VOA:
“Chúng tôi mong muốn nhà cầm quyền Việt Nam phải công nhận cuộc chiến này, không vì lý do gì, vì lịch sử là lịch sử, để người dân Việt Nam biết về sự thật của cuộc chiến đẫm máu này. Tôi ủng hộ những lời kêu gọi của các trí thức và muốn rằng chính quyền Việt Nam phải lắng nghe những điều đó”.
Các nhóm dân sự và các trí thức này nhận thấy rằng từ trước đến nay nhà nước không tổ chức lễ tưởng niệm 17/2, nhưng họ cùng các nhóm độc lập khác và cộng đồng mạng “lề dân” thường tổ chức thắp hương ở các khu vực khác nhau để ghi nhớ sự kiện này.
Họ cũng cho VOA biết rằng việc tưởng niệm này, dù với quy mô rất nhỏ, vẫn thường thì bị chính quyền ngăn cản, cấm đoán.
“Việt Nam là quốc gia láng giềng của Trung Quốc, Việt Nam cần một môi trường hòa bình, hợp tác bình đẳng, cùng phát triển. Nhưng lịch sử là lịch sử, lịch sử phải được đánh giá đúng và không lãng quên, vì lịch sử tự vệ của Việt Nam chống Trung Quốc xâm lược là máu xương của toàn dân tộc qua 4.000 năm lịch sử”, bản tuyên bố chung viết.
Các nhóm xã hội dân sự cho rằng biến cố ngày 17/2/1979 và những gây hấn liên tiếp trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam cho đến hôm nay đã cho toàn thể nhân dân Việt nam cũng như toàn nhân loại hiểu một cách chính xác “quyền lợi quốc gia dân tộc của Trung Quốc và của Đảng Cộng sản Trung Quốc là tối thượng, sẵn sàng tiêu diệt bất cứ ai, bất cứ lúc nào, khi cần thiết”.
Tuyên bố nhận định rằng các khẩu hiệu “đồng chí”, “cùng hệ tư tưởng”, “cùng chung vận mệnh” chỉ là “xảo trá lừa dối, chẳng có ý nghĩa gì trong quan hệ giữa hai nước”.
Hồi tháng 1/2022, trong một động thái được dư luận chú ý, Thủ tướng Việt Nam, ông Phạm Minh Chính, đến thắp hương tại Khu tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ Pò Hèn, thuộc thành phố Móng Cái, Quảng Ninh, để tưởng niệm các liệt sỹ của đất nước đã ngã xuống trong cuộc chiến này.
Từ trước đến nay chính quyền thường kiểm soát chặt chẽ các hoạt động đông người liên quan đến yếu tố Trung Quốc và ngăn cấm các hoạt động tưởng niệm do các nhóm dân sự tổ chức.
“Tôi thấy ông Thủ tướng có đi thắp hương, nhưng người dân đi tưởng niệm thì bị ngăn cản”, bà Sương Quỳnh bày tỏ.
Trả lời phỏng vấn đài VOV hôm 16/2 về cuộc chiến này, giáo sư Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, nêu nhận định: “Chúng ta nhìn lại sự kiện này, định vị về tính chất của cuộc chiến này không phải là để khắc sâu hận thù mà là để nhắc nhở trong quan hệ hai nước có một vết hằn như vậy, có một cái hố ngăn cách như vậy”.
“Bây giờ chúng ta bước qua cái hố đó bằng cây cầu hữu nghị. Chúng ta luôn luôn nhớ là dưới cầu là có cái hố ấy như một sự nhắc nhở trong tương lai không bao giờ để nó tái diễn”, vẫn lời giáo sư Giang.
Ngày 17/2/1979, Trung Quốc đưa quân tấn công 6 tỉnh biên giới phía bắc Việt Nam, gồm Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh.
Báo chí trong nước đưa tin Bắc Kinh đã “huy động cả hải quân và không quân”, với 60 vạn quân và hàng trăm xe tăng, xe bọc thép và hàng ngàn khẩu pháo mở đầu cuộc tấn công. Ngày 5/3/1979, Việt Nam ra lệnh tổng động viên. Trong cùng ngày, Trung Quốc tuyên bố đã hoàn thành mục tiêu chiến tranh, chiến thắng và bắt đầu rút quân.
17.02.2024
UGC. Một số người dân đến Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Hà Nội vào sáng 17/2/2024 để tưởng niệm 45 năm Chiến tranh biên giới với Trung Quốc
Sáng 17/2, một số người dân Hà Nội đã đến dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Thành phố để tưởng niệm 45 năm Chiến tranh Biên giới chống Trung Quốc.
Ngày 17/2/1979 đánh dấu thời điểm bắt đầu cuộc chiến tranh giữa Việt Nam và Trung Quốc tại vùng biên giới hai nước, sau khi Trung Quốc đã thực hiện nhiều vụ xâm nhập bằng vũ lực nhỏ lẻ dọc biên giới.
Cuộc chiến diễn ra chưa đầy một tháng, từ 17/2 đến 16/3/1979, nhưng các nhà nghiên cứu và quan sát đánh giá đây là cuộc chiến khốc liệt giữa Việt Nam và Trung Quốc, hai quốc gia láng giềng từng là đồng minh trong Chiến tranh Việt Nam.
Trên thực tế, sau ngày 16/3/1979, xung đột còn kéo dài suốt hơn 10 năm, Trung Quốc vẫn duy trì nhiều sư đoàn, trung đoàn độc lập áp sát biên giới và hai bên vẫn không ngừng giao tranh, mãi đến năm 1991 thì mới bình thường hóa quan hệ.
Một điều khác biệt nổi bật là so với các cuộc chiến tranh với Pháp, Nhật và Mỹ trước đây, Chiến tranh biên giới 1979 cùng với cuộc hải chiến Gạc Ma 14/3/1988 ít được chính quyền Việt Nam nhắc đến.
Tình cảm người dân hướng về các liệt sĩ của cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc cũng "bị chính quyền giám sát chặt chẽ", theo lời một người dân ở Hà Nội nói với BBC sáng nay 17/2.
Người này nói thêm rằng khi đến nghĩa trang Hà Nội ở đường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm vào buổi sáng cùng ngày thì có một số nhân viên an ninh đã đứng canh sẵn.
UGC. Một số người dân Hà Nội đến dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ thành phố sáng 17/2
Bà Đặng Bích Phượng là một trong những người có mặt tại nghĩa trang liệt sỹ Hà Nội nhận xét với BBC News Tiếng Việt rằng khoảng hai, ba năm trở lại đây, chính quyền không còn làm khó khi người dân đi thắp hương, tưởng niệm nữa và điều này là xuất phát “từ hai phía".
“Từ phía chính quyền, họ giảm căng thẳng là vì việc biểu tình, thắp hương mang tính phong trào rầm rộ như ngày xưa không còn nữa. Trước đây có đủ mọi tầng lớp, lứa tuổi, còn bây giờ chỉ có mấy ông bà về hưu, không bị o ép làm ăn thì mới đi viếng.
“Khi phong trào mạnh và lan rộng thì chính quyền sẵn sàng dùng biện pháp thô bạo để trấn áp. Trước đây, người dân căng băng rôn, biểu ngữ và hô hào như 'Đả đảo Trung Quốc xâm lược' thì bên an ninh can thiệp. Còn giờ thay đổi rồi, người dân không làm rầm rộ nữa và chính quyền cũng không làm căng với mình,” bà Phượng nhận xét.
Nhưng bà cũng gửi cho BBC những tấm hình ghi lại việc một số thanh niên mặc thường phục, cầm máy quay dí sát vào mặt những người dân đi thắp hương tại nghĩa trang.
“An ninh bây giờ không có lịch sự nữa, họ ngang nhiên và thách thức, đe dọa nhưng tôi nghĩ họ làm không đúng đối tượng. Vì đi viếng toàn là những ông bà già, còn có cả cựu chiến binh.”
UGC. Một số thanh niên mặc thường phục, cầm máy quay dí sát vào mặt những người dân đi thắp hương tại nghĩa trang liệt sỹ thành phố Hà Nội
So sánh với nhiều năm trước, bà Phượng nhận xét “có sự thay đổi" vì bà kể rằng có một dạo, chính quyền cho lực lượng dân phòng ra gây sự và chửi bới người đi thắp hương, gây phản cảm và phần nào “bôi bác chế độ". Nhưng năm nay bà Phượng cùng bạn bè tới nghĩa trang thì không thấy lực lượng này.
“Chúng tôi chủ trương là năm nào nhà nước không thực hiện việc tưởng niệm, nhắc đến thì người dân chúng tôi duy trì để chính mình và con cháu ghi nhớ ngày này. Còn nếu họ làm thì mình hoan nghênh. Bất cứ nước nào thì cũng cần ôn lại lịch sử, để không quên quá khứ chứ không phải khơi dậy sự hận thù,” bà Phượng bộc bạch với BBC.
Hiện Việt Nam đã gia nhập “Cộng đồng chia sẻ tương lai" với Trung Quốc sau chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 12/2023.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn được coi là mối nguy an ninh lớn nhất đối với Việt Nam, từ các sự kiện trong quá khứ như Hải chiến Hoàng Sa (tháng 1/1974), Chiến tranh biên giới (từ tháng 2/1979) và Gạc Ma (tháng 3/1988) tới những yêu sách chủ quyền và các hoạt động thực địa gây căng thẳng trên Biển Đông của Trung Quốc ngày nay.
Một số ý kiến cho rằng, từ sau Hội nghị Thành Đô vào năm 1990, Chiến tranh Biên giới dần “rơi vào quên lãng" một cách có chủ đích, rằng phía Việt Nam đã “hoàn toàn cho qua vấn đề” sau khi nghe Giang Trạch Dân nói trong diễn văn rằng quan hệ hai nước từ nay “hãy gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”.
Và Hà Nội đã trung thành với cam kết của mình, giữ quan hệ hòa hoãn với Bắc Kinh bằng cách không tưởng niệm rầm rộ trong những ngày như 17/2 hoặc 14/3.
Những năm gần đây, báo chí Việt Nam nhắc đến cuộc chiến biên giới nhiều hơn, với tên gọi “Trung Quốc” được đề cập, nhưng vẫn theo tinh thần chỉ đạo là “tránh làm căng thẳng quan hệ hai nước”. Năm nay cũng không ngoại lệ.
'Cộng đồng chung vận mệnh' được cho sẽ mối bận tâm lớn của ông Tập Cận Bình khi thăm Việt
Vào dịp kỷ niệm 45 năm cuộc chiến biên giới, thời điểm được coi là một cột mốc quan trọng thì các báo trực thuộc trung ương như báo Nhân dân, Quân đội nhân dân "quên" sự kiện này.
Đài VTV trong chuyên mục V-Zine có ấn phẩm đặc biệt với nhan đề Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc - Không thể lãng quên nhưng bài viết gần 2.000 chữ lại "quên" đề cập tới “Trung Quốc".
Các báo đoàn hội, báo ngành, báo địa phương như Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Vietnamnet, báo An Giang, Yên Bái và một số tờ báo điện tử… đồng loạt lên bài về chiến tranh biên giới, khai thác các câu chuyện của cựu chiến binh, thân nhân liệt sĩ, hoặc phản ánh những đổi thay tại các tỉnh biên giới nơi gần nửa thế kỷ trước là chiến trường khốc liệt trong cuộc chiến giữa hai nước "núi liền núi, sông liền sông".
Báo điện tử VOV của Đài Tiếng nói Việt Nam viết: “Sự kiện không mong muốn này như một vết cắt lịch sử nhưng không vì thế mà trở thành rào cản ngăn cách hai nước láng giềng cùng chung định hướng xã hội chủ nghĩa xích lại gần nhau hơn”.
Về phía truyền thông Trung Quốc, các cơ quan trung ương như Nhân dân Nhật báo, Tân Hoa Xã... cũng hầu như "quên mất" cuộc chiến. Báo chí Trung Quốc cũng không đưa tin về hoạt động của lãnh đạo nước này liên quan đến dịp 45 năm cuộc chiến tranh biên giới.
Về phía chính giới Việt Nam, một số lãnh đạo cấp cao từng có các hoạt động tưởng niệm liệt sĩ của Chiến tranh biên giới Việt – Trung, nhưng thông thường các hoạt động này ít được truyền thông, hoặc thường tránh ngày kỷ niệm 17/2.
VGP. Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương phần mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang vào tháng 5/2023
Đơn cử, hồi tháng 5/2023, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Chính phủ đã viếng thăm Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Tuy nhiên, các cơ quan truyền thông nhà nước như báo điện tử Chính phủ, Nhân dân, VOV, Tuổi Trẻ... đều không hề đề cập tới tên Trung Quốc trong suốt bài tường thuật lễ dâng hương tưởng niệm của người đứng đầu chính phủ.
Và hôm nay, không có hoạt động hay thông điệp nào của ông Phạm Minh Chính liên quan đến kỷ niệm 45 năm cuộc chiến được báo chí đưa tin.
Trước đây, vào ngày 14/7/2022, ông Nguyễn Xuân Phúc khi còn đương chức chủ tịch nước đã gặp mặt các đại biểu Ban liên lạc Hội Cựu chiến binh Mặt trận Vị Xuyên-Hà Tuyên ngay tại Phủ Chủ tịch nhân kỳ niệm 75 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7. Các báo như Quân đội Nhân dân, Lao động, báo Chính phủ đưa tin về sự kiện nhưng không nhắc đến tên Trung Quốc.
Vào tháng 7/2014, cũng tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước lúc đó là ông Trương Tấn Sang đã tiếp 80 cựu chiến binh Sư đoàn 356, đơn vị được đánh giá là đã có nhiều thành tích bảo vệ biên giới phía Bắc tại các cao điểm thuộc Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang từ năm 1984 đến 1988.
Ông Trương Tấn Sang cũng được cho là nhân vật đầu tiên trong 'Tứ trụ' thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến tranh biên giới 1979 vào ngày 17/2/2016, gần một tháng sau Đại hội XII, khi ông chuẩn bị nghỉ hưu vào tháng 4 cùng năm.
Ông Võ Văn Thưởng khi còn làm Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cũng từng tới thắp nhang tưởng nhớ các liệt sĩ ở biên giới phía Bắc. Ông đã không làm điều đó vào dịp kỷ niệm 45 năm cuộc chiến khi giữ chức Chủ tịch nước.
Một số nhà quan sát cho rằng có vẻ đã có một thỏa thuận hoặc sự ngầm hiểu giữa hai phía về việc tránh khơi gợi những ân oán cũ.
2024.02.17
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thắp hương các phần mộ Liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Vị Xuyên. Báo Hà Giang
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn công tác đã dâng hương tại nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên (Hà Giang) tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến chống Trung Quốc ở biên giới phía Bắc.
Truyền thông nhà nước loan tin trên trong ngày 17/2 nhân kỷ niệm 45 năm ngày Trung Quốc xua quân xâm lược sáu tỉnh biên giới phía Bắc - Việt Nam (1979-2024)
Vị Xuyên là một trong những điểm nóng trong cuộc chiến chống Trung Quốc suốt giai đoạn từ cuộc chiến Biến giới hồi tháng 2/1979 cho đến năm 1987 sau khi quan hệ Việt Nam và Trung Quốc bắt đầu có những cải thiện.
Theo tin, cùng tham gia lễ dâng hương với ông Trương Tấn Sang, có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, quyền Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Nguyễn Mạnh Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn cùng các lãnh đạo tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang…Ông Trương Tấn Sang và đoàn đã thỉnh chuông tại đền thờ liệt sĩ, ghi sổ lưu niệm và dâng hoa tưởng nhớ các liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên.
Vào ngày 17/2/2016, ông Trương Tấn Sang trên cương vị Chủ tịch nước cũng đã thắp hương từng ngôi mộ tại Nghĩa trang liệt sĩ Trà Lĩnh (Cao Bằng), nơi yên nghỉ của hơn 300 liệt sĩ trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979.
Việc các lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ Việt Nam thắp hương tại các nghĩa trang liệt sĩ trong các cuộc chiến chống Trung Quốc không được diễn ra thường xuyên, liên tục. Phần lớn các cuộc tưởng niệm do người dân, những người hoạt động xã hội tự động tổ chức ở các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM, nhưng một số cuộc tập trung như vậy thường bị chính quyền địa phương can thiệp, giải tán.
Tuy vậy, vào năm ngoái (28/5/2023), truyền thông nhà nước loan, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Chính phủ đã làm lễ dâng hương tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến chống Trung Quốc ở biên giới phía Bắc tại Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên (Hà Giang).
Chuyến thăm của ông Chính đến một nghĩa trang liệt sĩ ở biên giới phía Bắc được nói diễn ra vào khi quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đang có những căng thẳng sau khi Trung Quốc điều tàu khảo sát Hướng Dương Hồng cùng các đoàn tàu hộ tống liên tục xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ đầu tháng 5/2023.
17-2-20242
Hôm nay là ngày 17 tháng 2, ngày Trung Quốc nổ súng xâm lược Việt Nam dọc biên giới phía Bắc. Hồi đó tôi đã viết một số bài thơ về cuộc chiến tranh này. Nay xin được đưa lại để nhớ về ngày này 45 năm về trước.
CHÚNG TÔI GỌI TÊN ANH(Tưởng nhớ liệt sỹ Lê Đình Chinh. Người liệt sỹ đầu tiên trong cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc trên biên giới phía Bắc). Anh Chinh ơi! Chúng tôi gọi tên anh Khi lũ quỷ tràn sang đất mẹ Những họng súng đen ngòm Những mắt đầy man rợ Bước chân đi làm bẩn đất rừng Trời đang xanh bỗng xám khói đạn bom Rừng tắt tiếng chim Suối ngầu sắc máu Cháy những mái nhà tranh, những bản làng êm ả Lòng chúng tôi cháy lửa căm hờn Anh Chinh ơi! Chúng tôi gọi tên anh Khi rừng núi quê ta rùng rùng nổi bão Khi dựng sắc mũi chông, khi giương cao nòng pháo Đập nát đầu bọn giặc xâm lăng Chúng tôi gọi tên anh Khi tay đã xiết cò Những đường đạn căm hờn sáng loà ánh chớp Như ánh mác, ánh gươm của ông cha bao lần chém giặc Chúng rú kêu như một lũ quỷ ma Rừng núi của ta, trời đất của ta Chúng tôi lại xiết cò Anh Chinh ơi! Có biết Xác giặc chất chồng đẫm máu tanh hôi Anh Chinh ơi! Chúng tôi gọi tên anh Trời lại xanh hơn, sau từng trận đánh Nơi anh nghỉ, gió và hoa bát ngát Hoa của rừng và hoa của chiến công Trên xác tăng thù, chim lại hót vang Đàn trâu lại lên nương, rộn ràng tiếng mõ Trong chiến hào, chúng tôi thầm hát nhỏ Bài hát về anh… Rừng, trời cao xanh |
***
ĐÊM SÂN GAĐêm trên sân ga Chúng tôi thức chờ tàu lên phía Bắc Những lá bàng rủ nhau đi tránh rét Những người dân sơ tán ngủ bên thềm Biên giới giờ này đạn giặc xé rừng đêm Nàng Tô Thị bồng con đi lối tắt Trên sân ga Chúng tôi ngồi quanh một người kéo nhị Một vùng trời chớp đạn rạch sau lưng Chúng tôi ngồi trong đêm rưng rưng Thương dáng nhị như mẹ ngồi bậc cửa Bao câu hát khi già mẹ chẳng còn nhớ nữa Đồng đội ơi cây nhị thay lời Cung dây kéo như thuyền về bến đợi Dây thấp dây cao bên lở bên bồi Chân bước xuống thuyền em ơi… đừng khóc Đất nước mình Quan họ vẫn chia tay Đất nước mình thương quá… đêm nay Cây nhị đã bao thời gánh lời ca lưu lạc Nỗi thương nhớ chập chờn theo tiếng vạc Cứ dồn vào bạc trắng cả hai dây Đồng đội ơi lại tiếng nhị đêm nay Lại Lý ngựa ô đưa người lên biên giới Kéo nữa đi anh kéo thay lời người đợi Trên sân ga đưa tiễn chẳng dùng dằng Chúng tôi sẽ về để nghe nhị dưới trăng Lời thương nhớ phập phồng sau áo lính Tay chai cứng để rồi mà lúng túng Để rồi mà..dây nhị lại dây tơ Đồng đội ơi chúng mình còn mắc nợ Với miền đất đêm nay ta đến đỏ đạn thù Sau lưng ta đi cây nhị ngồi không ngủ Hai dây dài kéo mãi trăng lên. |
***
THÁNG GIÊNG VÀ EMSao em không về A Sinh ơi Để nỗi đau lòng anh chưa ai cởi được Anh đi ngược những miền rừng biên giới Tháng Giêng này tìm em Những con đường mưa Xuân bay nghiêng Hoa ban nở dẫn anh về lối cũ Tiếng chim xanh suốt đôi bờ lau cỏ Hoa vông vang sau lèn đá nở vàng Nhạc ngựa rung reng , lồ cam chín ngọt Tiếng khèn lượn theo dáng uốn con đường Cô gái Mèo xoè ô xuống chợ Anh tìm em, tháng Giêng A Sinh ơi Tháng Giêng như kỷ niệm cầm tay Đưa anh về với em cô gái Mèo thương nhớ Nơi anh yêu em là nơi chốt lửa Nơi quân thù như rắn độc ùa sang Bản mường yêu thương giặc phá tan hoang Em lên chốt cùng đông đội anh đánh giặc Chiếc váy Mèo quấn bắp chân tròn lẳn Chuyển từng ống mén mèn, viên đạn, cây chông Rồi chiều ấy em đi không về chốt nữa Đồng đội bồn chồn, đạn giặc xoáy rừng sâu Anh đi tìm em gió lạnh lùa ngực áo Câu thơ viết đêm đêm có đôi mắt rơi vào Dẫu chưa hẹn lời những mắt nói thay nhau Chiếc khăn em thêu dở chừng đẫm máu Ngôn ngữ người Mèo anh chưa thuộc hết điệu mưa Xuân em hát lúc qua lèn Tháng Giêng này A Sinh ơi, anh tìm em Tháng Giêng này anh không xuống chợ Anh đi ngược những miền rừng biên giới Nơi quân thù lấp ló nhòm sang Anh gặp em rồi, A Sinh ơi tháng Giêng Trong hội bản Mèo váy xoè như hoa nở Quả còn ai tung cho lòng anh thêm nhớ Điệu hát lúc qua lèn, lời hẹn giấu trong khăn Anh gặp em rồi, tháng Giêng – A Sinh ơi Em vẫn sống trong mùa xuân của bản Đồng anh mùa này lên chốt Thơ anh viết bây giờ: Tháng Giêng và em |
Võ Xuân Sơn
17-2-2024
Hôm nay là ngày 17/2. 45 năm trước, Trung Quốc tấn công Việt Nam trên toàn tuyến biên giới. Nhiều người đã nói đến những tội ác của quân Trung Quốc xâm lược, những vụ thảm sát dân ta ở khu vực biên giới của chúng.
Có thể nói, khi Trung Quốc đánh vô biên giới Việt Nam, mới thấy trình độ chiến đấu của quân Trung Quốc rất tệ. Hàng trăm lính Trung Quốc chết, số lớn khác bị thương, tiêu tốn không biết bao nhiêu đạn dược, vũ khí mà chỉ có thể tấn công thành công khi cả đội dân quân với vài người cùng những khẩu súng thô sơ của phía Việt Nam hết đạn. Đó là hình ảnh rất thường thấy ở tất cả các cứ điểm dọc theo biên giới.
Ảnh chụp bức mật điện từ đồn biên phòng Pha Long gửi Bộ Tư lệnh vào ngày 19/2/1979, có dòng chữ: “Một sư đoàn địch đang vây hãm đồn. Chúng tôi đã chiến đấu hết đạn. Xin vĩnh biệt các đồng chí”. Ảnh trên mạng
Hôm rồi, khi Hamas tấn công Israel, ai cũng cảm thấy bất ngờ khi Mossad không dự đoán được trận tấn công ấy. Hồi đó, vụ Trung Quốc tấn công biên giới Việt Nam cũng vậy. Nếu như Bắc Việt Nam đã cài được người vào tận các cơ quan đầu não của Việt Nam Cộng hòa, hầu hết các vụ ném bom lớn của Mỹ đều được biết trước… thì Việt Nam hoàn toàn bị bất ngờ khi Trung Quốc tấn công.
Một người quen của tôi kể lại, chiều 16/2, có một cuộc họp ở thị xã Lào Cai (giáp biên giới với Trung Quốc), trung ương về phổ biến tình hình. Người phổ biến tình hình đưa ra nhận định, rằng Trung Quốc sẽ không tấn công, mặc dù đã có thông tin về việc Trung Quốc điều quân rầm rộ đến biên giới. Bản thân chúng tôi lúc đó cũng thường được thông báo tình hình thời sự, nhưng không có dự đoán nào về việc Trung Quốc sẽ tấn công.
Hầu hết lực lượng chống lại Trung Quốc khi đó đều là dân quân, hoặc lực lượng quân sự địa phương. Gần như không có bộ đội chủ lực. Khi đó, quân ta tập trung tấn công Khơ-me đỏ. Mãi cho đến sau khi Đặng Tiểu Bình quyết định rút quân vì đã “dạy cho Việt Nam một bài học”, thì các lực lượng chủ lực mới được điều ra Bắc. Giữa tháng Tám năm đó, tôi đã không thể tìm ra bất cứ phương tiện công cộng gì để ra Bắc, vì tất cả đã được dùng để chở quân từ trong Nam ra ngoài Bắc.
Sau khi Đặng Tiểu Bình tuyên bố rút quân, cuộc chiến ở biên giới vẫn tiếp diễn nhiều năm nữa. Vấn đề là sau đó, quân Trung Quốc đã không còn tệ như trước nữa. Chúng ta đã mất một số vùng đất vô tay chúng.
Thật sự là tôi không thể hiểu, tại sao chính quyền Việt Nam lúc đó không dự đoán được là Trung Quốc sẽ tấn công chúng ta?
vendredi 16 février 2024
- Lần thứ nhất: Sau khi ký Hiệp định Genève năm 1954, ông Lê Duẩn biết đã bị đồng chí “đâm sau lưng” nên đã rơi nước mắt và hẹn gặp lại 20 năm sau. Và đúng như vậy, phải đến năm 1975 mới yên tiếng súng giữa hai miền Nam - Bắc.
- Lần thứ hai: Năm 1974, Trung Quốc tấn công chiếm đoạt hoàn toàn Quần đảo Hoàng Sa. Và miền Bắc vẫn tin rằng Trung Quốc sẽ trả lại cho Việt Nam.
- Lần thứ ba: Ngày 17/02/1979, Trung Quốc tấn công xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới. Và cho đến ngày 16/02, Việt Nam ta vẫn không tin Trung Quốc sẽ xâm lược Việt Nam.
Cả ba lần tin vào Trung Quốc đồng chí, anh em, láng giềng thì cả ba lần chúng ta đều phải trả giá bằng xương máu, sinh mạng của hàng chục ngàn người dân vô tội, hàng chục ngàn chiến sĩ quả cảm và cả chủ quyền lãnh thổ.
Ác nỗi là đến bây giờ vẫn ko ít người Việt Nam vẫn tin rằng Trung Quốc sẽ có “thiện chí” với Việt Nam trên Biển Đông.
LÊ XUÂN NGHĨA 16.02.2024
samedi 17 février 2024
Ngày này tức là ngày 17 tháng 2. Còn 45 năm trước, tức vào buổi chiều 17.2.1979. Khi ấy tôi dạy tại Trường dự bị đại học TP.HCM. Mới gần hai tuổi nghề, hăng lắm, trường giao việc gì cũng nhận, thậm chí chưa giao cũng xung phong.
Hồi ấy không biết, hoặc chưa có bài vè “Tiến lên ta quyết tiến lên/Tiến lên ta lại xông lên hàng đầu/Hàng đầu không biết đi đâu/Đi đâu không biết, hàng đầu cứ đi”, hăng bởi đang là đoàn viên.
Sáng 17.2.1979, cả trường vẫn hoạt động bình thường, thầy trò lên lớp, học hành theo lịch, chả có gì thay đổi. Chị Nguyễn Thị Huệ, giáo viên Hóa, bí thư Đoàn trường còn dặn tôi sáng mai nhớ theo xe ông Thi già tài xế xuống cơ sở 2 dưới Tiền Giang để bồi dưỡng lớp đối tượng đoàn. Thầy Nghiệp, thầy Chi, anh Dương dưới ấy đã chuẩn bị xong cả rồi, lên lớp hai buổi trong ngày, tới chiều tối sẽ quá giang xe đưa rước giáo viên về lại Sài Gòn.
Suốt buổi sáng 17.2, không có thông tin gì. Trưa, nghe thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Năm thông báo họp đột xuất các trưởng bộ môn, trưởng phòng ban, bí thư đoàn, chủ tịch công đoàn. Hình như có chuyện chi ghê gớm lắm. Tan họp, ai cũng căng thẳng.
Chú Dương Cao Thăng, chủ tịch Công đoàn trường thông báo Trung Quốc nó đánh ta rồi. Có khi nó thốc xuống tận Hà Nội. Đánh từ sáng sớm nhưng hồi đó thông tin liên lạc kém nên tới trưa nghe đài Tiếng nói Việt Nam mới biết. Đài phát liên tục những thông tin mới nhất, nào là bọn bành trướng bá quyền Bắc Kinh trở mặt, nào là quân ta đang chiến đấu anh dũng cản bước tiến của quân thù, nào là sắp có lệnh tổng động viên trên cả nước, v.v…
Buổi chiều thầy hiệu trưởng cho cả trường nghỉ học. Ngày mai sẽ tổ chức mít-tinh phản đối bọn bành trướng bá quyền Bắc Kinh. Chị Huệ bảo tôi thôi không phải xuống Tiền Giang nữa, hoãn lớp đối tượng đoàn, để lo việc trên này đã. Mấy anh em Bắc kỳ chúng tôi, các thầy Nguyễn Văn Vy, Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Tài Hoạt, Lưu Văn Trường, Nguyễn Đức Tuấn, tôi, và các thầy người Nam mới được kết nạp đoàn như Nguyễn Cương, Lê Thành Thượng, Nguyễn Hữu Nghiệp… sốt sắng lo công việc ngày mai. Ai cũng căng thẳng.
Lại chiến tranh. Tuần trước, tôi đi với thầy Thượng và nhiều sinh viên tới quân y viện 175 ở Gò Vấp thăm hỏi thương binh từ mặt trận Campuchia về, thấy nằm la liệt cả ngoài sân ngoài vườn, mỗi ngày đưa về cả trăm người cụt chân cụt tay, mù mắt…, thương lắm.
Nghe ông Lê Duẩn năm 1975 bảo từ nay đất nước ta sạch bóng quân thù, cứ mừng, hóa ra không phải vậy. Thầy Vy và tôi nhờ đám học sinh khệ nệ khiêng một tấm bảng gỗ rộng mấy mét vuông dựng ngay lối đi chính, kẻ phấn rõ to lên bảng hàng chữ “Tổ quốc lâm nguy, tuổi trẻ trường Dự bị Đại học sẵn sàng lên đường nhập ngũ”. Thầy Năm đi ngang qua, nhìn vậy có vẻ hài lòng lắm. Thầy Hùng vốn tếu táo, hiền lành ngó tấm bảng xong, chửi "Đ*t mẹ thằng Trung cộng".
Chiều tối, thầy Trần Mộng Lang trong đảng ủy trường và chú Thăng thông báo tiếp rằng từ tối nay tăng cường trực ban, canh gác cẩn mật. Chú Thăng nói nhỏ trường ta nằm ngay địa bàn chính của người Hoa, phường 9 quận 5 là thủ phủ của người Hoa, mặc dù họ đã bỏ đi nhiều trong vụ nạn kiều năm ngoái (1978) nhưng vẫn phải cảnh giác.
Tôi được phát một khẩu súng trường CKC, 2 hộp tiếp đạn, mỗi hộp 9 viên, cứ hết ca trực khoác luôn về nhà. Khẩu súng này mãi tới năm 1985 tôi mới trả lại cho thầy Trần Minh Chưởng, từng có vài năm cứ đêm giao thừa lại đứng trên hành lang lầu 4, lôi súng ra chĩa lên giời làm hai viên trong tiếng pháo nổ đì đùng. Không bắn được bọn bành trướng bá quyền thì làm pháo nổ giao thừa vậy.
Sáng 18.2, nhà trường mít tinh, đăng ký tình nguyện sẵn sàng lên đường bảo vệ tổ quốc. Thanh niên trai tráng đều ghi tên, chả biết bộ phận lưu trữ của trường có còn giữ lại được những hồ sơ quý báu ấy. Từ bấy giờ, cứ nhắc tới Trung Quốc là bao giờ cũng liền với cụm từ “bọn bành trướng bá quyền”, “bọn phản động Bắc Kinh”. Tivi chiếu đi chiếu lại bộ phim tài liệu "Mây đen bao phủ bầu trời Bắc Kinh". Người ta truyền cho nhau cuốn tài liệu sách trắng "Sự thật về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc", bóc trần bản chất đểu giả của bạn cộng sản "môi răng", hóa ra lâu nay nó chỉ lừa mình.
Tôi nhớ một hôm đang gác đêm, thầy Hùng thắc mắc, Trung Quốc lâu nay đối với mình tốt thế, nó cho mình không thiếu thứ gì, ngay cái áo Tô Châu tao đang mặc đây (thầy Hùng xoa lên áo giơ ra), của thằng em đi bộ đội cho, cũng do Tàu viện trợ, thế mà tự dưng nó giở mặt ngay được. “Mối tình hữu nghị Việt Hoa/Vừa là đồng chí vừa là anh em”, anh em đồng chí thế chó nào mà lại ra nông nỗi này?
Câu hỏi ấy của thầy Hùng tới giờ vẫn chưa có sự giả nhời chính thức, mà thầy Hùng thầy Vy thầy Tuấn thầy Nghiệp chú Thăng thầy Chưởng cô Từng thầy Năm… đều đã lần lượt về cõi tiên cả rồi.
NGUYỄN THÔNG 17.02.2024
samedi 17 février 2024
Người bắn cháy xe tăng Trung Quốc đầu tiên tại mặt trận Đồng Đăng là người Tây Mỗ quê tôi.
Sau 2 giờ nã pháo ác liệt từ Trung Quốc sang Việt Nam, 3 giờ sáng ngày 17.2.1979, Trung Quốc xua 60 vạn quân cùng hàng trăm xe tăng bất ngờ đồng loạt tấn công 6 tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam.
Thị trấn Đồng Đăng chìm trong khói lửa. Do bị tấn công bất ngờ toàn tuyến biên giới nên rất nhiều bộ đội của ta đã hy sinh ngay từ đợt tấn công xâm lược đầu tiên của Trung Quốc.
Mặt trận Đồng Đăng (Lạng Sơn) được coi là ác liệt nhất bởi gần Hà Nội nhất. Lúc đó Đặng Tiểu Bình tuyên bố sẽ chiếm thủ đô Hà Nội trong 1 ngày. Đại đội pháo chống tăng 75 ly DKZ gồm 4 khẩu pháo đặt tại 4 cao điểm 386 (mốc 16), 339, 423 và đồi Không tên cạnh ga Đồng Đăng, tất cả đều hướng nòng pháo về mốc số 0 Hữu Nghị Quan.
Khẩu đội pháo trên đồi Không tên do Đại úy Nông Văn Thời chỉ huy đã chiến đấu hết sức anh dũng. Theo lệnh chỉ huy, chiến sĩ Trần Hữu Nông đưa nòng pháo chống tăng DKZ vào mục tiêu chiếc xe tăng đầu tiên bò lên chân đồi Pháo đài. Ngay từ phát đạn đầu tiên, chiếc xe tăng chỉ huy của địch đã trúng đạn, bốc cháy dữ dội. Những chiếc còn lại nã đạn lên quả đồi Không tên và khu vực khẩu đội DKZ, đại đội trưởng Nông Văn Thời và Trung đội trưởng Nguyễn Văn Minh cùng nhiều chiến sĩ khác bị trúng đạn và đã hy sinh anh dũng.
Trần Hữu Nông, là người làng Miêu Nha, vào bộ đội khi 18 tuổi đã mưu trí, dũng cảm bắn cháy chiếc xe tăng đầu tiên của địch, là người Tây Mỗ quê mình. Câu chuyện này hoàn toàn có thật do em trai mình cùng đơn vị với chiến sĩ Trần Hữu Nông, trực tiếp chiến đấu hôm đó trên mặt trận Đồng Đăng kể.
Mình kể câu chuyện này đúng ngày “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới” cách đây 45 năm như một nén nhang tưởng nhớ và tri ân các chiến sĩ đã hy sinh anh dũng, mãi mãi nằm lại nơi biên cương của Tổ Quốc thiêng liêng.
TRẦN THỊ SÁNH 17.02.2024