logo-vuot

logo-Moitruong

Hòa đồng với thiên nhiên

acrobat  📂  🏠   

Hà Nội

Không khí Hà Nội ô nhiễm nhất thế giới, mọi người cần làm gì?

Luật sư môi trường tuyệt thực trong tù trong khi Hà Nội bị ô nhiễm không khí trầm trọng

Vì đâu không khí Hà Nội ngày càng độc hại?

AirVisual nói gì về tin bị 'tấn công' và ô nhiễm trùm lên Hà Nội?

Không khí Hà Nội ô nhiễm nhất thế giới, mọi người cần làm gì?

BBC

2 tháng 2 2024

Người dân Hà Nội thả cá chép ngày 23 tháng Chạp trong bầu không khí mù mịt. Ảnh chụp sáng 2/2/2024.

Ô nhiễm không khí tại Hà Nội đang ở mức báo động. Cần làm gì để giảm thiểu tác hại?

Sáng 2/2, trang Facebook chính thức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Việt Nam đăng tin:

“Chất lượng không khí tại Hà Nội hôm nay không tốt, với một vài nơi chạm ngưỡng màu tím - ngưỡng ‘rất có hại'.”

Ô nhiễm nặng

Theo trang quan trắc ô nhiễm không khí IQAir, sáng 2/2 (tức 23 tháng Chạp âm lịch), chất lượng không khí tại thủ đô Hà Nội ở ngưỡng “rất không tốt”, có thời điểm xếp thứ 1 thế giới về mức độ ô nhiễm.

Cũng theo trang này, tại thời điểm giữa buổi sáng, nồng độ bụi mịn PM2.5 trong thành phố ở mức 148µg/m³, cao gấp 29,6 lần mức khuyến nghị của WHO.

WHO Việt Nam khuyến cáo người dân có các biện pháp phòng tránh như ở trong nhà nhiều nhất có thể, đeo khẩu trang, sử dụng khăn ướt để lau dọn nhà.

Chỉ số ô nhiễm tại Hà Nội sáng 2/2 có thời điểm cao nhất thế giới.

Theo ghi nhận của BBC Tiếng Việt qua các hình ảnh được chia sẻ, trời Hà Nội sáng nay đặc biệt mù mịt, tầm nhìn hạn chế. Tuy nhiên, trời nhiều mây, độ ẩm không khí cao cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, độ ẩm tại Hà Nội lúc 10 giờ sáng nay ở mức 96%.

Tình trạng mù mịt cũng ảnh hưởng đến việc cất hạ cánh của máy bay. Đại diện Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài cho biết ít nhất 37 máy bay đã phải chuyển hướng hạ cánh vào sáng 2/2.

Mạng xã hội Việt Nam sáng nay cũng râm ran chuyện chất lượng không khí. Hình ảnh bầu không khí mù mịt và thông tin Hà Nội xếp số 1 thế giới về ô nhiễm được chia sẻ rộng rãi. Nhiều người dùng hài hước ví Hà Nội sáng nay như chốn “bồng lai tiên cảnh”, hay so sánh khung cảnh thủ đô với Sa Pa, Đà Lạt, Tam Đảo.

Lời khuyên của chuyên gia

Ô nhiễm không khí, nhất là bụi mịn, rất có hại cho sức khỏe. Trang Facebook của WHO Việt Nam viết: “Chất lượng không khí kém có nguy cơ gây hại tới sức khỏe của mọi người, đặc biệt là cho trẻ nhỏ, người cao tuổi, phụ nữ có thai và bất kỳ ai đang gặp vấn đề về sức khỏe.”

Các chuyên gia của WHO Việt Nam đưa ra các lời khuyến cáo: nên ở trong nhà nhiều nhất có thể; đeo khẩu trang N95 hoặc N99; tập thể dục trong nhà thay vì ngoài trời; sử dụng khăn ướt để lau dọn nhà cửa; không hút thuốc lá, đốt lá khô, hương nhang, rác,...

Các chuyên gia cũng khuyên mọi người cần liên hệ với bác sĩ trong trường hợp thấy khó thở, buồn nôn, đau mắt và viêm họng nặng.

Ô nhiễm không khí là vấn đề nan giải của các nước đang phát triển nói chung và Việt Nam nói riêng. Tháng trước, Bộ Y tế Việt Nam từng đề xuất cho học sinh mẫu giáo, tiểu học nghỉ học do tình trạng ô nhiễm kéo dài ở nhiều tỉnh thành.

Chỉ số ô nhiễm hôm 2/2 tuy cao nhưng vẫn chưa phải mức cao nhất từng được ghi nhận ở Hà Nội. Theo trang IQAir, “kỷ lục” này được lập vào năm 2019 với mức 385 AQI.

Trang này cũng xếp hạng thủ đô của Việt Nam là thành phố ô nhiễm thứ 2 Đông Nam Á trong các năm 2019 và 2022.

🔝

Luật sư môi trường tuyệt thực trong tù trong khi Hà Nội bị ô nhiễm không khí trầm trọng

Thục Quyên

5-1-2024

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội tệ đến mức hơn 100 chuyến bay phải chuyển hướng hoặc hoãn cất cánh, hạ cánh vì khói bụi dày đặc, bao trùm thủ đô Việt Nam (1), gây mất an toàn do tầm nhìn kém. Một số chuyến bay phải chuyển hướng đến các sân bay khác như Cát Bi ở Hải Phòng.

Vào lúc 4h30 sáng thứ sáu 2-2-2024, sân bay Nội Bài, Hà Nội tạm dừng đón khách. Các sân bay Thọ Xuân ở Thanh Hóa, Vinh ở Nghệ An và Phú Bài ở Huế cũng bị gián đoạn hoạt động, do khói bụi ô nhiễm. Bụi mịn (PM 2.5) ở Hà Nội cao hơn 11 lần so với mức an toàn.

Theo IQAir, trang web giám sát chất lượng không khí, bụi mịn (PM 2.5) ở Hà Nội cao hơn 11 lần so với mức an toàn do WHO xác định. Người dân được khuyến cáo đeo khẩu trang khi ra ngoài trời, cũng như tránh các hoạt động ngoài trời như tập thể dục, đóng cửa sổ khi ở trong nhà và chạy máy lọc không khí.

Nguyên nhân gây ô nhiễm trầm trọng ở Hà nội

Ô nhiễm đến từ một số vật liệu xây dựng độc hại, giao thông đông đúc, công nghiệp thép và xi măng, và các nhà máy nhiệt điện đốt than.

Báo cáo năm 2020 của Ngân hàng Thế giới cho biết, gần 35% lượng bụi mịn PM 2.5 đến từ các nhà máy điện và các ngành công nghiệp lớn quanh thành phố. Khoảng 25% đến từ giao thông; có gần 8 triệu chiếc xe được đăng ký ở Hà Nội.

Khí thải amoniac từ chăn nuôi và sử dụng phân bón tạo ra 20% lượng bụi mịn PM 2,5, trong khi 10% đến  từ các sinh hoạt như nấu ăn bằng than củi và khoảng 7% từ việc đốt chất thải nông nghiệp. Việc đốt rác trong và chung quanh thành phố càng làm tình trạng trở nên tồi tệ hơn.

Mức ô nhiễm cũng tăng trong mùa đông, khi mưa ít và nhiệt độ thấp giữ tầng khí ô nhiễm ở gần mặt đất. Ngoài ra, những cơn gió cuối năm 2023 và đầu năm 2024 được cho là đã mang các chất ô nhiễm từ các siêu đô thị phía nam Trung Quốc xuống Hà Nội.

Theo ước tính của WHO năm 2016, ô nhiễm không khí thường xuyên ở Việt Nam có liên quan đến hơn 60.000 trường hợp người trẻ tử vong mỗi năm.

Lập chương trình đối phó ô nhiễm

Để đối phó tình trạng ô nhiễm ngày càng tồi tệ hơn ở Hà Nội, chính phủ Việt Nam đề ra kế hoạch giảm khí carbon, bằng cách không phát triển các nhà máy điện than mới, đồng thời giảm lượng than từ 50% xuống còn 20% công suất, từ năm 2030.

Hà Nội đang nhận được sự hỗ trợ từ Ngân hàng Thế giới để thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm ô nhiễm không khí. Tổ chức tài chính quốc tế này đã khuyến nghị các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính, chẳng hạn như chuyển hướng sử dụng năng lượng than, giảm tắc nghẽn giao thông, giảm khí thải giao thông và cải thiện các hoạt động trồng trọt và chăn nuôi.

Chính phủ Việt Nam cũng đang cố gắng lập chương trình xin tài trợ 15,5 tỷ đô la (14,25 tỷ euro) từ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) liên chính phủ – do Vương quốc Anh và EU đồng chủ trì, để hướng tới quá trình chuyển đổi xanh: Phát triển năng lượng thủy điện, giảm thải khí nhà kính (bớt sử dụng năng lượng than), giảm tắc nghẽn giao thông, giảm khí thải giao thông và cải thiện các hoạt động trồng trọt và chăn nuôi.

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội gần đây cũng thông báo rằng, họ đang nghiên cứu các chính sách đào tạo nông dân trồng lúa về cách giảm thiểu và tái sử dụng chất thải thay vì đốt chúng.

Nhưng bỏ tù nhà các hoạt động môi trường

Tuy nhiên, chương trình đối phó ô nhiễm môi trường của nhà cầm quyền Việt Nam không thuyết phục. Trong vài năm qua, một số nhà hoạt động và các chuyên gia môi trường bị nhà nước Việt Nam bắt giữ. Hàng loạt tổ chức phi chính phủ bảo vệ môi trường đã phải đóng cửa, ngưng hoạt động.

Một trong những nhà hoạt động môi trường tiêu biểu là luật sư Đặng Đình Bách, 46 tuổi. Ông Bách đã bị bắt vào ngày 2-7-2021, sau đó bị kết án 5 năm tù về tội “trốn thuế”. Gia đình ông Bách cho biết, sáng 2-2-2024, tại trại giam số 6, tỉnh Nghệ An, ông bắt đầu tuyệt thực, đòi chính quyền Việt Nam phải thực thi nghiêm túc hiến pháp và pháp luật, nhằm bảo vệ quyền con người.

Theo tin từ bà Kate Holcome, thuộc Liên minh Luật Môi trường Toàn cầu (ELAW Environmental Law Alliance Worldwide) cho biết, bà Trần phương Thảo, vợ của LS Đặng Đình Bách, đã gửi thư đến các toà Đại sứ tại Việt Nam, các tổ chức bảo vệ môi trường, các bạn và đồng nghiệp của chồng bà trên toàn cầu, loan tin ông Bách bắt đầu tuyệt thực ngày 2-2-2024 để phản đối trại giam không thực thi pháp luật, vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tù nhân. Bà Thảo kêu gọi sự giúp sức của mọi người trong cuộc tranh đấu đòi công lý và tự do cho chồng bà và cũng chuyển lời LS Bách đến chính quyền Việt Nam:

“Trên tinh thần xây dựng một nhà nước pháp quyền, Việt Nam cần bảo đảm thực thi nghiêm túc hiến pháp và pháp luật nhằm bảo vệ quyền con người, điều mà bấy lâu nay không được bảo vệ đầy đủ nên tạo ra những bức xúc và bất công trong toàn xã hội. Thực thi pháp luật là yếu tố tiên quyết thể hiện thiện chí của nhà nước Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế”.

Chương trình xin tài trợ 15,5 tỷ đô la từ JETP của chính phủ Việt Nam hiện đang gặp chống đối dữ dội từ Liên minh bảo vệ Khí hậu Việt Nam (VCDC – Vietnam Climate Defenders Coalition), gồm hàng trăm các tổ chức bảo vệ môi trường toàn cầu (2) vì trong hai năm qua nhiều chuyên gia hoạt động môi trường ở Việt Nam bị bắt giữ. Tổ chức này cho tuyên bố:

“Trong khi các quan chức công khai cam kết làm chậm lại vấn đề biến đổi khí hậu, thì chính phủ Việt Nam vẫn tiếp tục bắt và giam giữ những nhà hoạt động môi trường hàng đầu như LS môi trường Đặng Đình Bách“.

“Chính phủ Việt Nam hoan nghênh tài trợ từ các nỗ lực quốc tế như Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) trị giá 15,5 tỷ đô la, đồng thời bịt miệng các nhà hoạt động. Chính phủ Việt Nam đang cố che giấu điều gì với cộng đồng quốc tế và các nhà đầu tư?“

VCDC nêu lên sự vi phạm của chính phủ Việt Nam về khía cạnh “công bằng” của JETP khi xã hội dân sự ở Việt Nam bị hạn chế nghiêm trọng về khả năng tham gia vào quá trình này. VCDC cũng lên tiếng đòi hỏi sự giám sát của Nhóm Đối tác Quốc tế (G7 và Hoa Kỳ) và các nhà tài chính của JETP.

Để có một quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng ở Việt Nam, các nhà chức trách cần:

– Tìm cách trả tự do ngay lập tức cho ông Đặng Đình Bạch, bà Hoàng Thị Minh Hồng và các nhà lãnh đạo xã hội dân sự khác đang bị cầm tù bất công ở Việt Nam.

– Tiến hành thẩm định nghiêm ngặt các mối đe dọa đối với những người bảo vệ môi trường và nhân quyền cũng như các hạn chế đối với hoạt động môi trường và sự tham gia của người dân ở Việt Nam, phù hợp với các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường và xã hội của các bên liên quan của JETP, vì chúng liên quan đến việc tài trợ và thực hiện dự án do JETP tài trợ.

– Bảo đảm tuân thủ nghiêm ngặt chính sách “tham gia cộng đồng mà không sợ bị trả thù“ được cam kết bởi các bên liên quan JETP, bao gồm IFC, ADB và Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP); và phát triển các quy tắc điều chỉnh cụ thể để chủ động ứng phó với các hành động trả thù nếu chúng xảy ra.

– Yêu cầu việc tài trợ và thực hiện dự án JETP phụ thuộc vào các biện pháp bảo vệ rõ ràng, chống lại sự trả thù và trả đũa đối với những người bảo vệ môi trường và các nhà hoạt động nhân quyền, cùng với các khung chính sách để xã hội dân sự tham gia một cách tự do và an toàn vào việc thiết kế, ra quyết định, giám sát và thực hiện dự án của JETP.

– Thúc đẩy các điều kiện thuận lợi cho xã hội dân sự, được quy định bởi các tiêu chuẩn và hiệp ước quốc tế nhằm tạo ra và duy trì, về mặt luật pháp và trên thực tế, một môi trường thuận lợi an toàn cho xã hội dân sự tự do hoạt động, bao gồm cải cách luật pháp và chính sách liên quan đến đăng ký và các yêu cầu về thuế đối với dân sự, các hiệp hội xã hội quá nặng nề và không phù hợp với các quyền cơ bản, bao gồm quyền tự do hội họp, lập hội và biểu đạt.

Quá trình chuyển đổi năng lượng xanh sẽ không thành công cho đến khi các chuyên gia bảo vệ môi trường như LS Đặng Đình Bách và các nhà hoạt động môi trường được quyền lên tiếng công khai và tự do dẫn đầu phong trào.

_______

Ghi chú:

(1) euronews

(2) standwithbach

🔝

Vì đâu không khí Hà Nội ngày càng độc hại?

18 tháng 12 2019

BBC

Giải pháp nào cho tình trạng ô nhiễm không khí đang ngày càng nghiêm trọng ở Hà Nội

Không khí Hà Nội tuần qua có thời điểm đã lọt vào vị trí đầu bảng về ô nhiễm trên thế giới theo xếp hạng của Air Visual và hiện vẫn đang trong tình trạng rất xấu.

Bụi siêu mịn: sát thủ lạnh lùng trong không khí

Hà Nội ô nhiễm bụi mịn hàng đầu thế giới

Bụi Bangkok, bụi Hà Nội, bụi nào độc hơn?

Chính quyền Hà Nội mới đây đưa ra danh sách 12 nguồn chính gây ra tình trạng này, trong đó có khí xả thải từ ôtô, xe máy; xây dựng, phá dỡ các công trình; người dân đốt rơm rạ, rác.

Danh sách này được cho là quá rộng và chung chung, và một số chuyên gia môi trường nêu ý kiến, tập trung vào ba nguyên nhân chính và đề xuất giải pháp.

Nhiệt điện than

Ngành điện được cho là đóng góp lớn vào ô nhiễm không khí của Hà Nội

Một nghiên cứu dựa trên các dữ liệu năm 2015 của các nhà khoa học Việt Nam chỉ ra rằng các nhà máy nhiệt điện than quanh Hà Nội có thể là một trong các nguồn chính cho sự ô nhiễm ngày càng tăng của thủ đô, theo Zing.vn.

Nghiên cứu mang tên Dự báo chất lượng không khí tại Hà Nội và khu vực phía Bắc Việt Nam của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) và Viện Phân tích Hệ thống Ứng dụng Quốc tế (IIASA) của Áo, công bố tháng 10/2018, cho hay công suất lắp đặt nhiệt điện than đã tăng mạnh ở Việt Nam trong những năm gần đây, từ 13 GW lên 18,5 GW năm 2018.

Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng nhiệt điện than đóng góp lớn vào ô nhiễm bụi mịn PM2.5.

Ở Hà Nội, các nhà máy nhiệt điện đóng góp 5 microgram/m3 vào lượng PM2.5 trung bình năm 2011 và ước tính tăng lên 12 microgram/m3 vào năm 2030, theo ông Lauri Myllyvirta, trưởng nhóm nghiên cứu.

Trong khi đó, giới hạn nồng động PM2.5 theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ là 10 microgram/m3.

Hít bụi mịn, ắt chết sớm

Hà Nội vào nhóm các thủ đô 'ô nhiễm nhất thế giới'

Tiêu chuẩn phát thải của Việt Nam hiện cũng 'dễ dãi' nhất thế giới. Các nhà máy điện ở Việt Nam hiện được phát thải gấp 5-10 lần so với các nước đang thực hiện theo các tiêu chuẩn tốt, tờ Zing.vn cho hay.

Một nghiên cứu khác mang tên Rising Coal-Fired Power Plant Emissions in Southeast Asia của các nhà khoa học Đại học Harvard cho hay "Nếu không có gì thay đổi, phát thải từ tiêu thụ than trong khu vực Đông Nam Á sẽ tăng gấp ba, nhất là ở Indonesia và Việt Nam".

Nghiên cứu này ước tính các nhà máy điện than gây ra 4.252 cái chết sớm ở Việt Nam năm 2011, và tăng lên 19.223 cái chết sớm vào năm 2030.

Xe máy

Linh Pham/Getty Images

Phương tiện giao thông cũng được xác định là một trong các nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm không khí nặng tại Hà Nội, trong đó xe máy là 'thủ phạm' đầu bảng.

Ông Hồ Quốc Bằng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ô nhiễm không khí, thuộc Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia TP HCM nói với Thanh Niên rằng các kết quả đo đạc, khảo sát của trung tâm cho thấy với số lượng ngày càng tăng, xe máy đang đóng góp 29% nguồn phát thải NO, 90% CO, và chiếm tới 37,7% nguồn phát thải bụi.

TS Phùng Chí Sỹ, Tổng thư ký Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, cũng có chung ý kiến này. Ông nói xe máy đang chiếm khoảng từ 55 - 60% tổng lượng phát thải tại Hà Nội.

Công trình xây dựng

Hoang Dinh Nam/Getty Images

Ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí Sạch Việt Nam, nói với tờ Lao động rằng chỉ số chất lượng không khí (AQI) của Hà Nội cao do nhiều hoạt động của con người, trong đó có việc chưa kiểm soát tốt nguồn thải của các công trình xây dựng, để bụi phát tán vào không khí.

Ông Tùng cho hay rằng nhiều công trình xây dựng không quây kín theo quy định, xe ra vào công trình cũng không được rửa, mang theo rất nhiều bụi đất bẩn ra ngoài môi trường khiến nhiều tuyến đường của thành phố luôn trong tình trạng bụi mù mịt.

Giải pháp nào?

Nghiên cứu sinh phòng Năng lượng Sạch và Phát triển Bền vững, Đại học Khoa học - Công nghệ Hà Nội, Trương An Hà, nói với Zing.vn rằng bài toán ô nhiễm không khí hết sức phức tạp, cần giải quyết tổng thể từ các ngành, các địa phương chứ không chỉ riêng Hà Nội.

Ông Hoàng Dũng, Tổng giám đốc Công ty D&L, nơi vận hành hệ thống quan trắc không khí PAM Air, cũng chung ý kiến này.

Ông Dũng nói rằng cần phải có nghiên cứu tổng thể để xác định tỷ lệ ô nhiễm từ các nguồn phát thải, từ đó có giải pháp đồng bộ mang tính chiến lược. Để làm việc này, theo ông Dũng, cần có nhiều hơn các điểm quan trắc, ví dụ phải nâng lên thành 300 điểm thay vì 100 điểm như hiện nay ở Hà Nội.

PGS-TS Hồ Quốc Bằng thì đề xuất nhanh chóng có đề án kiểm soát khí thải xe máy.

Ông Hoàng Dương Tùng thì cho rằng các giải pháp như trồng cây xanh, nhiều tuyến xe buýt, sử dụng nhiên liệu sạch, hạn chế đốt than tổ ong nhưng chưa đủ. Thành phố cần quyết liệt hơn với các công trình xây dựng trong những ngày ô nhiễm.

Riêng với nhiệt điện than, Việt Nam vẫn cho rằng đây là một ngành quan trọng đáp ứng nhu cầu năng lượng đang ngày càng tăng trong nước. Trong bố cảnh đó, ôngTrần Đình Sinh từ GreenID nói với Zing.vn rằng cần phải công bố các số liệu phát thải cho công chúng một cách minh bạch, đầy đủ và dễ hiểu.

Hà Nội lọt top ô nhiễm nhất thế giới

Trong tuần vừa qua, đặc biệt trong các ngày 12-13/12, Hà Nội đã có thời điểm đứng đầu bảng xếp hạng của Air Visual về nồng độ bụi mịn PM2.5 trong không khí, với màu nâu - mức vô cùng độc hại cho sức khỏe.

Đỉnh điểm là vào khoảng 06:15 sáng 13/12, nồng độ PM 2.5 tại Hà Nội là 361, vượt qua Dhaka (Bangladesh) và Sarajevo (Bosnia Herzegovina), trở thành thành phố có mức độ ô nhiễm cao nhất toàn cầu.

Cho tới ngày 17/12, chất lượng không khí của Hà Nội luôn dao động trong các màu tím và đỏ, nghĩa là vẫn ở mức rất xấu.

🔝

AirVisual nói gì về tin bị 'tấn công' và ô nhiễm trùm lên Hà Nội?

Tina Hà Giang

BBC Vietnamese

8 tháng 10 2019

Screenshot Từ Video Của Reuters. Ô nhiễm tại Hà Nội hôm 2/10

Nhiều chỉ số cho thấy ô nhiễm không khí tại Hà Nội gần đây có vẻ trở nên trầm trọng hơn. Nhưng đó không phải là tin đang thu hút truyền thông quốc tế.

Thay vào đó, theo sau Reuters, báo chí nước ngoài khắp nơi hai hôm nay thi nhau đưa tin ứng dụng AirVisual bị ''phối hợp tấn công'' tại Việt Nam.

Công ty này trong khi đó cho BBC News Tiếng Việt biết họ không đặt Hà Nội là "thành phố ô nhiễm nhất thế giới" như một số dân mạng xã hội lan truyền, mà đơn giản là Hà Nội có những ngày "đứng đầu" trong các đô thị được họ đo độ ô nhiễm.

AirVisual, công ty phát triển ứng dụng đo lường chất lượng và xếp hạng không khí nói về việc bị tấn công này trong một văn bản công bố hôm 7/10:

Hít bụi mịn, ắt chết sớm

Ô nhiễm không khí Hà Nội: Ứng phó và xử lý thế nào?

Hà Nội 'gần nhất Đông Nam Á' về ô nhiễm không khí

Việt Nam khuyến cáo dân Hà Nội 'hạn chế ra đường'

Hà Nội: Xe máy cũ và tình trạng ô nhiễm

''Do tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng trong những tuần gần đây, Hà Nội có lúc đứng đầu danh sách 'xếp hạng thành phố lớn' của AirVisual, một bảng xếp hạng ô nhiễm trực tiếp của khoảng 90 thành phố lớn trên toàn cầu. Điều này giúp nâng cao nhận thức về các vấn đề chất lượng không khí ở Việt Nam. Tuy nhiên, AirVisual cũng trở thành mục tiêu của một chiến dịch phối hợp tại Việt Nam để làm mất uy tín của chúng tôi.''

''AirVisual đã nhận được những lời lăng mạ và đe dọa được đăng trên Facebook và trên Apple App Store và Google Play Store. Do đó, các ứng dụng và trang Facebook của AirVisual hiện không còn truy cập được tại Việt Nam.'' Văn bản này nói.

Linh Pham/Getty Images. Dân Hà Nội chống chọi với ô nhiễm trên đường phố

Hôm 2/10, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, trong phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ đã đề nghị Bộ Tài nguyên Môi trường cùng Hà Nội, TP HCM có giải pháp căn cơ, đồng bộ, rõ ràng hơn để xử lý vấn đề ô nhiễm không khí, không để cho người dân bức xúc.

Như thế ô nhiễm tại Hà Nội và các đô thị lớn khác của Việt Nam là điều có thật. Vậy tại sao AirVisual lại bị tấn công? Và bị ai tấn công?

Manan Vatsyayana/Getty Images. Người lái xe gắn máy đeo mặt nạ trên cầu Long Biên khi đám bụi mù bao phủ Hà Nội hôm 28 tháng 3 năm 2018

Cuộc tấn công AirVisual dường như xảy ra ngay sau khi Facebooker Vũ Khắc Ngọc, một giáo viên hóa học trực tuyến ở Việt Nam, có gần 350.000 người theo dõi trên trang web, cho biết trong một bài đăng dài rằng AirVisual đã thao túng dữ liệu với mục đích bán máy lọc không khí do công ty mẹ IQair sản xuất.

Hãng tin Reuters nói ông Ngọc không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào để hỗ trợ tuyên bố trên, nhưng bài đăng của ông - nói rằng bảng xếp hạng AirVisual sẽ gây hại cho ngành du lịch đến Việt Nam và kêu gọi mọi người để lại những đánh giá tiêu cực về AirVisual- nhanh chóng nhận được hàng nghìn lượt chia sẻ và lượt thích.

Kết quả là ứng dụng AirVisual, kể từ ngày 6/10, 'biến mất' khỏi cả hai kho ứng dụng của hệ điều hành iOS và Google Play tại Việt Nam, mặc dù chỉ trước đó một tuần AirVisual là một trong hai ứng dụng có số lượng được tải xuống cao nhất tại đây.

AirVisual nói gì?

Trả lời phỏng vấn của BBC News Tiếng Việt qua email hôm 7/10, Kelsey Duska, đại diện của AirVisual, cho biết:

''Tất cả dữ liệu của AirVisual đến từ các trạm đo cảm biến PM2.5 trên mặt đất - gồm trạm đo của chính phủ hay của các lãnh sự sứ quán Mỹ, hoặc của những tư nhân dùng máy đo của AirVisual. Chúng tôi luôn luôn cho hiển thị tên các nguồn AirVisual dùng để báo cáo chất lượng không khí để phục vụ sự minh bạch và cũng để người dùng có thể dễ dàng so sánh trực tiếp dữ liệu từ từng nguồn.'

Giải thích tại sao lại có tin AirVisual xếp hạng 'Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới', đại diện của AirVisual nói: ''Đó là một hiểu lầm rất không may. Hôm 26/9, Hà Nội, đứng đầu danh sách khoảng 90 thành phố lớn, được chọn từ 10,000 thành phố do AirVisual theo dõi. Nhưng điều đó không có nghĩa Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới, mà chỉ là đứng đầu danh sách những thành phố lớn này."

Screenshot. Hà Nội đứng đầu danh sách các thành phố lớn được AirVisual theo dõi hôm 26/9

Khi được hỏi 'những thành phố lớn' được AirVisual chọn theo tiêu chuẩn nào, và danh sách đó có thay đổi không, một đại diện khác của AirVisual nói với BBC News Tiếng Việt sáng 8/10 qua trao đổi trên mạng:

''Đây là một danh sách các thành phố quan trọng chúng tôi xếp hạng để cung cấp bối cảnh cho người dùng. Chúng tôi thường chọn 1, 2 hoặc một vài thành phố chính cho mỗi quốc gia. Danh sách này không bao gồm tất cả mọi thành phố trên thế giới, và có thể thay đổi.''

''Một thành phố có thể bị loại ra khỏi danh sách nếu trạm đo của thành phố đó không được cập nhật trong vòng 3 tiếng, điều có thể xảy ra với Hà Nội, vì trạm đo của chính phủ tại đây thường xuyên công bố dữ liệu trễ hơn 3 giờ. Nhất là trong tình trạng mấy ngày qua, trạm đo của tòa Đại sứ Mỹ bị hỏng, không cung cấp được dữ liệu."

"Tuy nhiên, sáng nay, trạm đo của đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội đã làm việc trở lại, vì vậy, ngay lúc này, chúng tôi đang dùng dữ liệu từ đó."

Được yêu cầu bình luận về nhận định hôm 26/9 của ông Tạ Ngọc Sơn, Phó Trưởng phòng tổng hợp Chi Cục bảo vệ môi trường Hà Nội, rằng tổ chức Air Visual chỉ lấy dữ liệu từ trạm quan trắc đặt tại Đại sứ quán Mỹ, nên không thể đại diện cho toàn địa bàn thành phố Hà Nội mà chỉ mang tính chất một điểm, đại diện của AirVisual giải thích:

''AirVisual sử dụng dữ liệu từ một số nguồn tại Việt Nam, gồm của cả chính phủ Việt Nam lẫn của đại sứ quán Hoa Kỳ, và những nguồn khác khi có thể. Nhưng điều này không dễ, thí dụ trong thời gian máy đo của Đại sứ quán Mỹ bị trục trặc, thì chúng tôi chỉ dùng được dữ liệu từ máy đo của chính phủ Việt Nam. Ngược lại, trong trường hợp dữ liệu từ máy đo của chính của Việt Nam bị cập nhật quá trễ, thì chúng tôi chỉ dùng được dữ liệu của đại sứ quán."

''Thực vậy, dữ liệu của chính phủ thường trễ 3 tiếng hoặc hơn, và đó là lý do tại sao người dân Việt Nam phải sử dùng ứng dụng AirVisual vì nó đề xuất dữ liệu thời gian thực (real time). Đối với AirVisual, nếu hệ thống Trí tuệ nhân tạo của chúng tôi xác nhận dữ liệu của một nguồn chính xác, chúng tôi sẽ đưa nó vào hệ thống của chúng tôi và công bố dữ liệu đó. Dữ liệu cũ hơn nhiều tiếng đồng hồ thì sẽ không được dùng."

Về câu hỏi có phải AirVisual đã chủ động rút AirVisual khỏi thị trường Việt Nam vì hàng loạt những đánh giá 1 sao vừa qua, và nếu đúng thì làm như vậy thì có lợi cho người dùng không, đại diện AirVisual trả lời:

"Chúng tôi chỉ có thể nói ở giai đoạn này là ứng dụng AirVisual không bị chính phủ Việt Nam kiểm duyệt."

Và giải thích thêm:

''Liên quan đến loạt đánh giá vừa qua từ Việt Nam, Google và Apple có chính sách đánh giá spam và cần có thời gian để xử lý tình huống này khi một ứng dụng bị tấn công. Khi việc này được giải quyết xong, thì AirVisual mới tiếp tục có mặt tại Việt Nam."

Thách thức của những con số

Là một ứng dụng đo lường chất lượng và xếp hạng không khí tuy hoạt động độc lập nhưng lại phải dựa vào những nguồn dữ liệu từ các trạm đo mà AirVisual không kiểm soát được, nên ứng dụng này phải đối phó với nhiều thử thách.

Cũng rất khó để trả lời câu hỏi chỉ số do AirVisual đưa có chính xác không, lý do là mỗi trạm đo đưa ra một chỉ số khác nhau, ngay cả trong cùng thời điểm, với nhịp độ cập nhật thông tin khác nhau.

Chỉ số ô nhiễm của AirVisual và từng nguồn cho Hà Nội hôm 8/10 à Nội xem cùng thời điểm 3:30 PM

Dư luận phản ứng ra sao?

Từ những phút đầu tiên, khi hàng loạt người dùng Việt Nam lên Facebook và vào hai kho ứng dụng Apple App Store và Google Play Store để đưa ra những đánh giá 1 sao và lời phê bình gay gắt, thậm chí thóa mạ, một số Facebooker như Hung Truong nêu ý kiến:

"Chúng ta đúng ra nên biết ơn AirVisual, chứ không phải là một đám người nắm đuôi nhau đi kiếm chuyện với họ. Chuyện xếp hạng nó rõ ràng vô cùng, làm gì có chuyện ăn gian, mà cũng có nhiều người tin. Hiện nay có cả một binh đoàn vào đua nhau công kích cá nhân mà không bàn về kiến thức."

Không chỉ giữa cộng đồng người Việt, đề tài AirVisual bị tấn công cũng được những người ngoại quốc chuyên theo dõi tình hình Việt Nam thảo luận sôi nổi trên Twitter.

Twitter Mike Tatarski viết:

"Có vẻ như một số người đang sử dụng việc tấn công AirVisual để hướng sự chú ý của quần chúng ra khỏi thực tế là không khí ở những nơi này đôi khi thực sự khủng khiếp."

Twitter Steve Jackson bình luận:

''Rất mong ước có một số cuộc thảo luận mở về nhưng nguyên nhân tạo ra không khí xấu. Công nghiệp, điện, nông nghiệp, giao thông, chuẩn bị thực phẩm. Chúng ta cần gì? Chúng ta có thể sửa cái gì? Những gì chúng ta có thể sửa chữa, ngay bây giờ?''

Và AirVisual viết trên trang Facebook của mình vào cuối ngày 8/10:

''Đây không phải là lần đầu tiên việc công bố mức độ ô nhiễm không khí trong thành phố đã khiến AirVisual bị rơi vào tình trạng bất hòa với các lực lượng thà bỏ qua tin về ô nhiễm không khí hơn là có hành động để loại bỏ nó."

"Chúng tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến hàng ngàn người Việt Nam đã ủng hộ chúng tôi trong thời gian này.''

Hôm 07/10, blogger Nguyễn Hà Hùng từ Hà Nội viết trên trang Diễn đàn BBC News Tiếng Việt:

"Chúng ta sẽ phải sống ra sao, con trẻ sẽ phải chịu đựng ô nhiễm đến khi nào? Nhân dân không thể không trông cậy chính quyền. Họ trả lương cho chính quyền để chính quyền bảo vệ họ."

🔝