Quê hương có còn là “chùm Khế ngọt”?
Khế không chín rụng chỉ trong một đêm
Ông Nguyễn Công Khế ôm bằng khen “Chiến sĩ thi đua” tự ký: “chuyện thường ngày ở huyện”!
Bình luận của blogger Trần Hiếu Chân
2024.01.25
Capture à partir de :RFA
Cựu Tổng biên tập báo Thanh Niên Nguyễn Công Khế. Dân Trí
Một anh bạn thân “Việt kều” từ trời Tây gửi cho tôi cái “tuýt” làm sáp-pô cho bài viết đăng Blog: Nay nhìn về Quê hương, sao cái gì cũng thấy “sai sai”, ngay cả câu hát cào xé gan ruột: “Quê hương là chùm Khế ngọt”…
-------------------------------
Trên Blog, anh viết hoa chữ “Khế” giữa câu. Tôi hiểu ngay là anh cố tình “chọc quê” chúng tôi. Khổ nỗi làm sao bộc bạch được hết cho anh câu chuyện đấu đá cung đình đằng sau cái tin cùng lúc Đảng cho cả hai Tổng biên tập một tờ báo “oai như Cóc” (cậu ông Trời mà) “đi bóc lịch”.
“Ranh ngôn Đất Việt”
Bài bạn tôi trên Blog không nhằm “đánh hội đồng” Nguyễn Công Khế. Theo anh ấy, Khế có tội đến đâu đã có “Đảng và Nhà nước lo”. Biết đâu bạn tôi nói đúng, nay mai Khế có thể thoát tội, cho nên khoan vội bêu xấu ông ấy. “Cái gì không mua được bằng tiền ở xứ ta thì có thể mua được bằng rất nhiều tiền”. Khế thì quá tường minh “Ranh Ngôn Đất Việt” này.
Tiền của Khế như “quân Nguyên”, đó là nghe cánh nhà báo chuyên “chạy mánh” xứ Sài thành kháo nhau như thế. Làm thằng viết báo xứ Đông Lào này cũng có “niềm tự hào” chính đáng đấy chứ!
Chả thế mà nhà báo Đại tá Công an Nguyễn Như Phong từng viết trên tờ Petrotimes: “Nghề phóng viên phải như con chó ấy!” (1) Ông Đại tá này (từng làm Phó Tổng biên tập báo) tuy là Công an nhưng đầu óc có lẽ không đến nỗi nào cho nên mới đưa ra được cái slogan (hay motto nhỉ) có một không hai về nền báo chí Cách mạng.
Bài viết dưới cái “tuýt” của anh bạn “Việt kều” nọ tiếp tục làm khó tôi. Anh chất vấn: “Các ông đấu tranh cho dân chủ mà làm gì? 19/1 mất Hoàng Sa, 14/3 mất Gạc Ma, thì cứ ở nhà nằm “kê cao gối mà ngủ”; 17/2 tưởng niệm Chiến tranh biên giới đi biểu tình làm chi cho Đảng ghét. Tập đã hứa với Nguyễn Phú Trọng là chuyện biển đảo, chuyện biên giới, sẽ được giải quyết êm thấm giữa hai Đảng như cái thuở “bên ni biên giới là mình/ bên kia biên giới cũng tình quê hương”…
“Từ ngày Nguyễn Phú Trọng quyết định nhảy sang chiến thuyền đang tròng trành của Tập Chủ tịch để “chia sẻ tương lai chung” một ngày không xa khi cả hai cùng về chầu Hà Bá, thì cũng có liên quan gì đến đất nước này, dân tộc này đâu. Các ông cứ học theo “cô người mẫu nội y” nọ gây rối trật tự công cộng, chẳng trách gì Đảng phải xử lý…”
Tôi chẳng biết giải thích cho anh bạn thân thế nào. Sống bên trời Tây quá lâu, sau khi “kều” được cô vợ vốn là ái nữ của một nhà báo – danh họa nổi tiếng từ “Hà Nội Mới”, lại là người có khuynh hướng bảo thủ, anh bạn tôi bị ảnh hưởng ít nhiều bởi cái nhìn chính thống.
Công an đọc lệnh bắt ông Nguyễn Công Khế hôm 16/1/2023. Hình: Bộ Công an
Việt gian/ Việt cộng/ Việt kiều…
Nhưng trước sau anh bạn tôi nhất định chỉ thừa nhận mình là “Việt kều” (do vụ “kều được” con gái Hà Nội làm vợ), chứ Việt cộng thì anh ta xin kiếu! Bởi vì anh ấy coi các cuộc tỷ thí trên mọi quy mô ở xứ Đông Lào từ thuở có Việt Minh đến nay chỉ là các cuộc nội chiến không hơn không kém.
“Việt gian” được như “vua không ngai” Nguyễn Công Khế (anh gọi vị cựu Tổng biên tập tờ “Thanh Niên” bằng cái hỗn danh như thế) quả là đạt trình độ lưu manh ngang tầm thời đại! Dĩ nhiên, Khế phải biết ơn ĐCSVN đã tạo ra môi trường chính trị lưu manh cho ông ta thi thố “tài năng”. Thử hỏi, có vị Tổng biên tập báo loại hai nào, lọt được vào các “Phòng bầu dục” của cả bốn đời “Tổng thống” để ông ta có thể “múa gậy vườn hoang” suốt chục năm trời có lẻ…?” (2), anh bạn tôi cật vấn.
Không rõ bạn tôi lấy thông tin từ “thế lực thân địch” hay “thế lực thù địch” nào mà toàn những loại “giật gân” và “độc hại” như thế? Nhưng nếu những điều anh ấy tiết lộ là đúng với sự thật, thì vụ của Khế rồi đây sẽ lại đình đám, không chỉ lan nhanh hơn cái tin Cụ Tổng phải đi Viện, mà còn chấn động trên cả “Chuyến bay giải cứu” của Bộ Ngoại giao và “Kit Test Việt Á” của Bộ Y tế (3).
Kết thúc bài viết trên Blog, anh bạn tôi hỏi, nếu trong quá trình điều tra, bốn ông “Tổng thống” đều có dính dáng đến Nguyễn Công Khế – khổ thân anh bạn tôi cứ nhầm Chủ tịch nước ở ta như Tổng thống bên trời Tây) – thì liệu mấy ổng có bị “đàn hặc” không? Tôi đành phải giải thích, không còn đương chức thì làm sao mà “đàn hặc” được?
Anh ấy lại truy tiếp, thế tại sao đọc thấy, Đảng Cộng sản Việt Nam cách chức hàng loạt các nguyên Lãnh đạo, nguyên các Bí thư, cựu Chủ tịch tỉnh, nguyên Bộ trưởng và cả hàng loạt các cựu C.E.O, sau khi họ đã cướp được tiền của dân chạy ra nước ngoài tậu xe hơi, nhà lầu… Đến đây thì tôi bái phục Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã đặt thẳng vấn đề với Tổng Toàn quyền nước Úc giúp hốt hết “bọn chống phá Việt Nam từ bên ngoài”, tức là các trí thức Việt kiều nào cứ hay góp ý, phản biện, rồi lại tâm thư… đưa về Việt Nam (4)
_______________
Tham khảo:
(1)hasiphu
(2)datviet
(3)baotiengdan
(4) RFA
* Trần Hiếu Chân là một blogger, đồng thời cũng là nhà báo độc lập tích cực tham gia vào mạng lưới xã hội đấu tranh vì tự do báo chí, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam. Blogger này cũng là một trong những nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế và đường lối ngoại giao của Việt Nam và các nước ASEAN.
Bình luận của blogger Nguyễn Nhơn
2024.01.30
Capture à partir de :RFA
Ông Nguyễn Công Khế - nguyên TBT báo Thanh Niên. Thanh Niên
Trong khoảng gần bốn mươi năm trước, ông Nguyễn Công Khế là một tổng biên tập sắc nét trong làng báo Việt Nam.
Một cây bút siêng năng
Tờ báo Thanh Niên lúc đó mới chỉ xuất bản hàng tuần, là tờ báo nhỏ. Trên mỗi số báo, ở trang đầu tiên có một mục nhỏ, chỉ chiếm khoảng 1/6 trang báo nhưng cực kỳ quan trọng. Lâu quá rồi, tôi không nhớ rõ nhưng hình như nó có tên là Thư Tổng biên tập, hay Câu chuyện hôm nay gì đó. Đại loại, nó là chính kiến của tờ báo với một vấn đề quan trọng đang là thời sự của xã hội, thường trong các lĩnh vực chính trị-xã hội-pháp luật-văn hóa và thường được một số cây bút cốt cán của tờ báo thay phiên viết.
Người đọc báo của khoảng mười mấy năm trở lại đây chắc không ít phần ngạc nhiên và xa lạ với việc một tờ báo (dám) bày tỏ chính kiến rõ ràng và dứt khoát. Nhưng vào thời hoàng kim của báo chí chính trị/xã hội Việt Nam, chính kiến, thái độ, thông điệp của một tờ báo trước các vấn đề xã hội nóng bỏng chính là thang đo thứ bậc, vị thế của tờ báo đó trong làng báo, trong sự đánh giá của chính quyền cũng như của độc giả.
Ông Nguyễn Công Khế là tổng biên tập hiếm hoi trực tiếp viết đều đặn trên chuyên mục nói trên của báo Thanh Niên. Tư duy của ông không quá độc đáo, diễn đạt cũng bình thường, nhưng ông luôn đề cập đến các vấn đề nóng của xã hội một cách trực diện, thẳng tuột, không vòng vo quanh co. Sức viết của ông Khế là điều đáng nể trong số các tổng biên tập.
Trong một nền báo chí mà không phải tổng biên tập nào cũng là nhà báo, hay nói cho chính xác thì đa số tổng biên tập không phải là nhà báo, thì gần như suốt giai đoạn làm tổng biên tập báo Thanh Niên, ông Khế đã chứng tỏ mình là nhà báo thực thụ.
Viết báo được, nhưng tài năng của ông Khế có lẽ trội hơn hết ở khả năng điều hành, dẫn dắt, phát triển tờ báo.
Một người kinh doanh tài ba
Thời kỳ đó, hầu như tất cả báo chí của các Hội đều đặt tòa soạn ở Hà Nội cho gần với cơ quan chủ quản. Báo Nhà nước, được cấp kinh phí để hoạt động thì lúc nào cũng phải sát bên mẹ để còn dễ đòi bú chứ. Riêng tòa soạn báo Thanh Niên, tờ báo trực thuộc Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam lại đặt ở phía Nam, TP HCM-mảnh đất vàng của báo chí.
Đó là quyết định khó hiểu với các tờ báo trực thuộc hội đoàn phía Bắc nhưng là quyết định đúng đắn nhất đối với báo Thanh Niên-có lẽ cho đến tận khi nào tờ báo này còn tồn tại.
Hầu hết các tờ báo Hội đều làng nhàng, ậm ờ, vô dụng y hệt nhau, nhưng ở thời hoàng kim của báo chí Việt Nam, Thanh Niên đã nổi lên như tờ báo chính trị xã hội số một, số hai. Tờ kia là Tuổi Trẻ. Hai tờ báo này cùng đối tượng bạn đọc và luôn cạnh tranh với nhau. Nếu Tuổi trẻ có slogan nội bộ là “Trẻ” “Đỏ” và “Sài Gòn” thì Thanh Niên khai thác tin tức rộng khắp cả nước, cách thức diễn đạt bình dân, lại có nhiều tin tức văn hóa văn nghệ là cái nhiều người thích đọc và tò mò. Do vậy, tuy tổng số phát hành không cao bằng nhưng Thanh Niên có thể phát hành rộng rãi ở nhiều tỉnh, khắp các miền chứ không chỉ giới hạn ở Sài Gòn như Tuổi Trẻ. Đặc biệt, ở Đà Nẵng thủ phủ miền Trung, một dải quê hương của ông Khế (ông Khế quê Quảng Nam) thì Thanh Niên gần như độc chiếm. Tuổi Trẻ lo đánh chiếm thị phần Sài Gòn, không có cửa so sánh với Thanh Niên ở đó.
Ông Khế cũng được biết đến là vị tổng biên tập yêu văn nghệ. Nhưng đến khi Chương trình biểu diễn nghệ thuật (ca nhạc, thời trang, tạp kỹ tổng hợp) mang tên Duyên dáng Việt Nam ra đời vào năm 1994 với mục đích được thông báo là gây quỹ cho học bổng Nguyễn Thái Bình thì nhiều người chưa từng biết ông Khế là ai cũng phải thán phục sức nghĩ và khả năng kinh doanh của vị này. Do một tờ báo có tiếng thuộc loại bậc nhất làng báo tổ chức, lại vào thời điểm có rất ít chương trình nghệ thuật mang tính giải trí lớn trên sân khấu nên Duyên dáng Việt Nam thời đó quy tụ gần như tất cả các gương mặt sáng giá nhất trong làng biểu diễn, bao gồm từ đạo diễn, nhạc sĩ, âm thanh ánh sáng đến ca sĩ, người mẫu… Nó sáng chói lên trong danh mục các chương trình nghệ thuật giải trí, là niềm ao ước của rất nhiều người trong giới biểu diễn. Thậm chí khán giả có thể không biết báo Thanh Niên, chưa bao giờ đọc báo Thanh Niên nhưng nhắc tới Duyên dáng Việt Nam thì rất nhiều người biết.
Ấn phẩm Duyên Dáng Việt Nam của báo Thanh Niên. Hình: Thanh Niên
Một tổng biên tập cứng đầu
Ông Khế còn là một tổng biên tập cứng đầu. Trong đại án PMU 18 (Ban quản lý các dự án) năm 2006, có nhiều quan chức cấp cao bị tố cáo tham gia chạy án cho các bị can. Có những tin đồn vụ án dây dưa đến cả thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Thủ trưởng cơ quan điều tra Bộ Công an, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ… Thực tế, có những sức cản ghê gớm khiến thông tin về vụ án nhiều khi đi vào ngõ cụt, và chính vì thế nó biến thành thách thức khiến các tờ báo lớn quyết tung quân tự điều tra phanh phui. Điều này có những thời điểm xung đột mạnh mẽ với cuộc điều tra chính thức, hoặc với những người có thể có ảnh hưởng đến cuộc điều tra chính thức.
Đỉnh điểm, có hàng chục nhà báo được cơ quan điều tra mời đến yêu cầu khai báo về quá trình điều tra và nguồn thông tin trong các bài báo của họ.
Ngày 12/5/2008, nhà báo Nguyễn Văn Hải của báo Tuổi trẻ và nhà báo Nguyễn Việt Chiến của báo Thanh niên bị Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam. Lý do là họ đã “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Tin tức này lập tức khiến làng báo rúng động.
Ngày hôm sau, số lượng tin tức tự điều tra về PMU 18 trên mặt các báo giảm tụt dốc.
Sáng 14/5/2008, trang bìa báo Thanh niên chạy hàng tít lớn: “Phải trả tự do cho các nhà báo chân chính”.
Big Bang! Một quả bom! Một cái tát vào thẳng mặt cơ quan an ninh điều tra của hẳn Bộ Công an.
Người đọc phổ thông rất sướng, rất đã. Còn các đồng nghiệp làng báo của ông Khế và những người hiểu biết sâu hơn về thói quen quản lý xã hội của chính quyền Việt Nam thì toát mồ hôi giùm cho ông. Mẹ cha, tay tổng biên tập này gan lớn bằng trời! Không biết sợ à mà dám vỗ mặt hùm như thế?
Như phần trên đã nói, vào thời ấy, ngoài các bài phân tích/bình luận chính trị xã hội của các tay bút kỳ cựu thì nắm đấm của các tờ báo chính trị xã hội là các phóng sự điều tra. Thể loại này chủ yếu phanh phui các ngóc ngách đen tối và phạm pháp của những người có thế lực, các quan chức tai to mặt lớn .v.v.. Do đặc thù đó, nó luôn có rất nhiều cạm bẫy và đe dọa, đòi hỏi sự đồng lòng và lý tưởng của cả một tờ báo, từ các lãnh đạo cao nhất cho đến bộ máy “CEO” trực tiếp vận hành tờ báo (trong nghề có tên là Tòa soạn) đến các phóng viên, cộng tác viên to nhỏ của báo.
Các tổng biên tập không lạ gì những cú điện thoại nhắc nhở, “lưu ý”, nặng hơn là đe dọa, nhẹ hơn là xin xỏ… từ Ban tuyên giáo, từ các lãnh đạo địa phương về các vấn đề “nhạy cảm”, cho đến những cá nhân/doanh nghiệp đang bị báo phê phán hoặc phanh phui chuyện tiêu cực.
Giải thích một chút, các vấn đề “nhạy cảm” theo ngôn ngữ của Ban tuyên giáo các cấp thường là những sự việc/sự kiện liên quan đến chính trị, ngoại giao, cho đến kinh tế, thể thao, văn hóa… mà theo phán đoán của họ thì dễ gây ra các bình luận không tốt của độc giả về khả năng quản lý của nhà nước. Nhiều khi, đó là những loạt bài điều tra tiêu cực của các cơ quan, doanh nghiệp. Báo đang đăng lên dở dang thì bị can thiệp từ đủ mọi hướng, yêu cầu dừng loạt bài lại hoặc không tiếp tục đưa tin về sự việc đó nữa.
Một người cầm tờ báo Thanh Niên đợi bên ngoài tòa án ở Hà Nội nơi xử án các nhà báo viết bài điều tra về một vụ án tham nhũng. Phiên tòa diễn ra hôm 15/10/2008. AFP
Để đối phó, các tổng biên tập cũng thủ nhiều chiêu để giữ vững lập trường của mình.
Một đề tài điều tra được duyệt đều rất cam go. Tác động và ảnh hưởng của nó đến xã hội như thế nào, chứng cứ đến đâu, độ tin cậy của nguồn cung cấp đến mức nào, cần kéo theo những vị có chức quyền và sức ảnh hưởng xã hội nào lên tiếng, nên tung ra bao nhiêu luận điểm và chứng cứ, vào thời điểm nào để đạt hiệu quả nhất… tất cả đều phải trải qua thẩm duyệt, mổ xẻ phân tích, xem xét từ tất cả các mặt trong hội đồng biên tập và tòa soạn báo. Trong 100 chứng cứ đưa ra, chỉ một chứng cứ thiếu vững chắc đã đủ để bên kia đâm đơn kiện tờ báo ra tòa. Khi bài đã lên mặt báo và thu hút độc giả, đó là trận chiến không có lối về. (Nói cho chính xác thì có lối về, nhưng đó lại thuộc về một sự thật khác trong làng báo. Xin hầu quý vị ở bài báo sau).
Rút hoặc dừng ngang loạt bài điều tra đều sẽ dấy lên những thắc mắc không thể giải thích cho độc giả và dư luận xã hội nói chung, mà hậu quả trực tiếp là gây sụt giảm số phát hành và uy tín của cả tờ báo. Người đọc hầu hết sẽ nghi ngờ tờ báo đã bị “mua”.
Nên, khi phán đoán một bài/loạt bài tung ra sẽ có thể gây các phản ứng như vậy, các tổng biên tập và phó tổng trực thường tìm cách né. Họ tắt điện thoại, lấy lý do đi công tác, điện thoại hư hỏng, hết pin, số báo này do người khác trực…v.v Miễn có lý do để không nhận cuộc điện thoại yêu cầu dừng loạt bài thì cứ thế đăng tiếp. Tuyên giáo có bực tức (thằng này bướng!) thì cũng là chuyện đã rồi. Nếu không vi phạm chính trị đến mức bị ngừng phát hành thì trừ vài câu nghiêm khắc phê bình kiểm điểm, cũng không thể làm gì được tờ báo.
Ông Nguyễn Công Khế từng là một tổng biên tập cứng đầu như vậy.
Nhưng trước đó…
“Anh Võ Văn Thưởng đi cơ sở”
Năm 2007, ông Võ Văn Thưởng (hiện nay là chủ tịch nước, được bầu từ tháng 3/2023), ủy viên dự khuyết Ban chấp hành trung ương Đảng (khóa X), Bí thư thường trực Ban chấp hành trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh (khóa VIII)… được bầu làm Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn.
Trang nhất báo Thanh niên căng một tấm ảnh to hết cỡ cùng dòng tít không thể gây hoang mang hơn: “Anh Võ Văn Thưởng đi cơ sở”.
Người đọc phổ thông không nhìn ra điều gì, nhưng đồng nghiệp làng báo thì ngã ngất.
Đi cơ sở để nắm tình hình thực tế, trực tiếp khen ngợi hay phê bình tổ chức ở cơ sở, nghe trình hoặc triển khai ý tưởng nào đó của mình… là hoạt động bắt buộc của cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo. Vì vậy nó bình thường đến mức tuyệt đối. Đi cơ sở để làm gì thì là tin tức, còn bản thân việc đi cơ sở thì tuyệt chẳng có gì để đưa tin cả.
Thế mà báo Thanh niên lại đưa cái tin vô bổ ấy cực kỳ trịnh trọng, ngang hàng với những tin tức quan trọng, cấp bách, có ảnh hưởng to lớn nhất đến xã hội.
Gọi việc làm đó là gì?
Thì, là nịnh bợ chứ còn gì nữa!
Đám tang mẹ-lời chia buồn của hầu như tất cả các lãnh đạo quốc gia
Vẫn năm 2007. Mẹ của ông Khế-cụ bà Lê Thị Liễu, qua đời.
Lần này không chỉ đồng nghiệp mà toàn bộ người đọc đều mắt dán lên trán vì sửng sốt.
Toàn bộ trang 10 của báo Thanh niên số ra ngày 5/9/2007 in kín mít lời cảm tạ của gia đình ông Khế với gần 200 cá nhân và các đơn vị, cơ quan đến “thăm viếng, giúp đỡ, chia buồn và tiễn đưa linh cữu”.
Một phần danh sách in trên báo gồm: ông Võ Văn Kiệt, nguyên Thủ tướng; ông Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch nước và gia đình; ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng và gia đình; bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước; ông Nguyễn Văn Chi, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra trung ương; ông Hồ Đức Việt, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức trung ương; Đại tướng Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư thành ủy TP HCM và gia đình… rồi Thống đốc Ngân hàng nhà nước, các bí thư tỉnh, chủ tịch tỉnh, các cơ quan báo chí, các nghệ sĩ, các Hội v.v và v.v.
Một nhà báo kỳ cựu bình luận: “Những người đứng đầu bộ máy cai trị đồ sộ của chế độ toàn trị đã đến “thăm viếng, chia buồn và tiễn đưa…” cụ bà Lê Thị Liễu. Ngay cả đến đương kim nguyên thủ một cường quốc trên thế giới mà bố mẹ mất cũng không được như thế”
Nghề báo có ưu thế để tạo ra và duy trì các mối quan hệ với tất cả mọi người, tất cả mọi vị trí trong xã hội, từ tổng thống cho đến tận đáy xã hội. Nhưng một người làm báo chân chính phân biệt rất rõ đâu có thể phát triển thành mối quan hệ cá nhân, còn đâu là các quan hệ sinh ra và tồn tại chỉ nhờ vị thế và nghề nghiệp đặc biệt của tờ báo. Một khi vị thế đó không còn, lập tức các mối quan hệ phát sinh từ nó cũng tự biến mất. Ngoài nghề, không nhiều người hiểu được điều này, còn người trong nghề thì có vô số kẻ hết sức lợi dụng nó để gây thanh thế, dựa hơi, kiếm tiền, kiếm quyền, ít nhất cũng là thỏa mãn tâm lý hư danh của bản thân.
Ông Khế cố ý mắc dính tên tuổi những lãnh đạo chóp bu của cả hệ thống chính quyền vào một việc hoàn toàn cá nhân, chắc chắn không vì để cảm ơn họ đã bỏ công đến chia buồn với gia đình mình. Nếu thành thật chỉ để cảm ơn thì cứ yên lặng làm trong kín đáo là được.
Mà-điều này nhìn vào ai cũng biết, là để phô trương mối quan hệ, khuếch trương thanh thế, rất dọa người. Một tổng biên tập có mối quan hệ cá nhân mật thiết đến như vậy với hầu như tất cả lãnh đạo tối cao của quốc gia, thì vị trí vững chắc đến dường nào, quan lộ thênh thang đến mức nào chứ? Nhấn mạnh, ông Khế khẳng định mối quan hệ cá nhân chứ không thừa nhận đó là ăn theo từ vị thế của cả tờ báo, công trình tập thể của hàng trăm, hàng ngàn người qua nhiều năm.
Vài việc lộ ra công khai như vậy khiến làng báo và cả người ngoài nghề nhận ra: Nguyễn Công Khế có tài, nhưng cũng chính là một tay ngụy quân tử, chí ít là ở vài thời điểm.
Những người ngụy quân tử như ông Khế trong làng báo không hề ít. Bọn họ vừa có thể vô cùng phẫn nộ với cái ác, cái xấu trong xã hội, đặc biệt với tham nhũng, với bè phái, bợ đỡ, lập luận sắc bén về yêu cầu tự do dân chủ… vừa vẫn bày mưu tính kế để hốt của công về túi mình, đồng thời khom lưng uốn gối trước những tai to mặt lớn khác.
Khế không chín rụng chỉ sau một đêm
Nguyên do bị bắt tạm giam vừa rồi của ông Khế nghe có vẻ rất nhỏ: chỉ là bị quy kết có nhiều vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện Dự án cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp tại khu đất số 151-155 Bến Vân Đồn, Phường 6, Quận 4, TP HCM. Cụ thể là phù phép sang tay mảnh đất kim cương giữa trung tâm Sài Gòn vốn là của nhà nước, trở thành tài sản tư nhân.
Với cái đầu lão luyện của ông Khế, có lẽ đó mới chỉ là một mảnh nhỏ của núi băng chìm.
Nhưng dù là khế hay quýt, cam, bòng, bưởi, đều không thể chín rụng chỉ sau một đêm. Ngụy quân tử thì cũng có một phần quân tử. Ông Khế lại có thể liệt vào loại “hạt giống đỏ”: cha của ông là cán bộ tập kết, bản thân ông hoạt động trong phong trào sinh viên chống chế độ miền Nam cũ. Những người như vậy thường sống với lý tưởng cộng sản cao cả có thể đến mức không tưởng, cho dù chỉ trong một giai đoạn. Có một sự thật là với một số người ở vị trí có quyền lực và ưu thế hiểu biết rõ cơ chế vận hành của bộ máy tham nhũng, nếu lý tưởng của họ liên tục bị phản bội vì thực tế xấu xa thì chính họ có thể tự đổi màu vô cùng thuần thục.
Nếu có thể khám phá thì hành trình tự chín rụng đó có lẽ sẽ rất đáng để đưa vào các sách chống tham nhũng.
__________
Tham khảo:
* Nguyễn Nhơn là nhà báo Việt Nam hiện đang sống ở Thái Lan. Nhà báo Nguyễn Nhơn quan tâm đến tình hình đất nước và viết nhiều bài về các vấn đề chính trị và xã hội trong nước.
Diễm Thi
2024.01.24
Capture à partir de :RFA
Công an TPHCM đọc lệnh bắt giam ông Nguyễn Công Khế hôm 16/1/2023. Bộ Công An
Giữa tháng 1 năm 2024, ông Nguyễn Công Khế, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần tập đoàn Truyền thông Thanh Niên, cựu Tổng Biên tập Báo Thanh Niên bị bắt về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” theo Điều 219 Bộ luật Hình sự. Sau khi ông Khế bị bắt, mạng xã hội lan truyền bức ảnh ông cầm khung hình bằng khen “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở 2014” do Tổng giám đốc Nguyễn Công Khế ký tặng. Nghĩa là ông Khế tự ký tặng bằng khen cho chính mình.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, người từng có nhiều năm làm trong cơ quan nhà nước nhận định, bức hình phản ánh bản chất chế độ háo danh, nói láo và ngụy trang bằng vẻ đạo đức giả. Ông phân tích thêm:
“Nhiều năm làm việc ở Đài truyền hình TP.HCM thì tôi thấy, người lao động nói chung người ta chỉ quan tâm tới món tiền thưởng, còn tờ giấy khen thì nó không có giá trị gì đâu. Thông thường, những người có chức vụ thì luật bất thành văn, mặc nhiên họ là những Chiến sĩ thi đua cho mỗi kỳ khen thưởng cuối năm. Nhưng khi nhìn bức ảnh Nguyễn Công Khế, thú thật là tôi bất ngờ, vì một người có thể nói là chức cao và tiếng tăm vang lừng cỡ ông Khế mà lại cần danh hiệu Chiến sĩ thi đua sao?
Có lẽ ổng cần chứng minh rằng ổng cũng lao động ‘thúi móng tay’ như nhiều quan chức cộng sản khác để khỏa lấp những khoản thu nhập khổng lồ hoặc những cơ ngơi to lớn. Hình ảnh ông Khế tự ký tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cho chính mình nó không thoát khỏi câu tục ngữ “mèo khen mèo dài đuôi” rất lố bịch và sống sượng.”
Có lẽ ổng cần chứng minh rằng ổng cũng lao động ‘thúi móng tay’ như nhiều quan chức cộng sản khác để khỏa lấp những khoản thu nhập khổng lồ hoặc những cơ ngơi to lớn. Hình ảnh ông Khế tự ký tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cho chính mình nó không thoát khỏi câu tục ngữ “mèo khen mèo dài đuôi” rất lố bịch và sống sượng. - Nhà báo Nguyễn Ngọc Già |
Một nhà quan sát ở Hà Nội cho rằng, chuyện này không lạ ở Việt Nam:
“Chuyện thủ trưởng cơ quan ký giấy khen hay bằng khen cho mình là chuyện thường xuyên ở Việt Nam vì họ không muốn cấp phó ký giấy khen cho mình. Nhìn nó rất bôi bác. Đừng giành công với lính của mình. Không có cấp dưới, không có người thừa hành, không có đội ngũ tập thể để chung tay hoàn thành công việc thì 10 ông sếp cũng không thể nào hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được. Chuyện tự khen thưởng, chuyện tự tâng bốc mình là một vấn nạn ở Việt Nam từ trước đến nay, và nó trở thành trò cười cho thiên hạ.
Việc bức hình được lấy ra công khai sau nhiều năm nằm trong ngăn kéo của ai đó cho thấy đây là một sự trả thù; là ân đền oán trả với Khế.”
Câu chuyện tự mình ký giấy khen tặng mình nhắc nhở dư luận về câu chuyện tương tự liên quan đến ông Hồ Chí Minh với cuốn sách “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”. Đây được coi là một quyển tiểu sử Hồ Chí Minh của tác giả Trần Dân Tiên. Tác phẩm được xuất bản tại Pháp và Trung Quốc bằng tiếng Trung và tiếng Pháp trước khi được xuất bản tại Việt Nam. Đây cũng là tác phẩm duy nhất đã được biết của tác giả này.
Một số người, trong đó có cố Đại tá Bùi Tín khẳng định, Trần Dân Tiên là bút danh của ông Hồ Chí Minh. Ông Bùi Tín nói với RFA vào năm 2007:
“Điều này tôi biết từ khi còn ở trong nước. Năm 1990 khi kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông HCM thì chính Viện sử học Việt Nam, chính trên báo Nhân dân, tờ báo của Đảng cộng sản, nói rõ là ông Hồ trong cuộc đời đã dùng đến hơn 30 bí danh khác nhau, trong đó có bí danh Trần Dân Tiên, và khẳng định rõ rằng cuốn “Những mẩu chuyện về đời sống của chủ tịch HCM” là do chính ông Hồ viết ra. Cái đó có phải là do ai bịa ra đâu, mà đã chính thức được chế độ cộng sản ở Hà Nội công nhận cơ mà!”
Xem ra đồng nghiệp, đồng chí gì gì đó thì đồng chí này cũng sẵn sàng tung chiêu hạ bệ nhau khi đồng chí kia thất thế. Đưa hình ảnh ra trong lúc này là cú đá bồi chí mạng! Nó tố cáo người ký giấy khen mình là một nhân cách thối nát, trơ trẽn và vô liêm sỉ. Và, người đồng chí hay đồng nghiệp tung ảnh ra trong lúc này là cách đánh dưới thắt lưng hèn hạ. Nhân cách cũng vô sỉ không khác trên là mấy. Tại sao khi Nguyễn Công Khế còn tại vị thì tấm hình ấy không được tung ra? Toàn một lũ cơ hội! - Facebooker Trường An |
Ngoài chuyện bị dư luận chê cười vì thói háo danh, sự xuất hiện bức ảnh ông Nguyễn Công Khế cầm tấm bằng khen “Chiến sĩ thi đua” xuất hiện sau khi ông Khế đã bị bắt giam được nhận định là “chiêu hạ bệ” nhau của đồng nghiệp ông Khế. Facebooker Trường An viết trên danh khoản cá nhân của mình hai ngày sau khi ông Khế bị bắt. RFA đã được cho phép đăng:
“Mấy hôm nay hình ảnh anh Khế ký giấy khen tặng anh Khế tràn ngập cõi mạng. Lạ một điều là, giấy khen anh ký tặng cho mình năm 2014, hình ảnh anh nhận giấy khen chỉ được báo Thanh Niên chụp và lưu giữ. Thế mà mãi đến khi anh bị công an còng tay, thì hình ảnh ấy mới được tung ra sau gần chục năm ẩn mình trong computer tòa soạn.
Xem ra đồng nghiệp, đồng chí gì gì đó thì đồng chí này cũng sẵn sàng tung chiêu hạ bệ nhau khi đồng chí kia thất thế. Đưa hình ảnh ra trong lúc này là cú đá bồi chí mạng! Nó tố cáo người ký giấy khen mình là một nhân cách thối nát, trơ trẽn và vô liêm sỉ. Và, người đồng chí hay đồng nghiệp tung ảnh ra trong lúc này là cách đánh dưới thắt lưng hèn hạ. Nhân cách cũng vô sỉ không khác trên là mấy. Tại sao khi Nguyễn Công Khế còn tại vị thì tấm hình ấy không được tung ra? Toàn một lũ cơ hội!”
Nhà báo Nguyễn Ngọc Già nêu quan điểm của ông:
“Những loại hình ảnh này tưởng như vô hại nhưng không phải. Những bức hình như vậy chỉ nội bộ họ có. Khi ông Khế bị bắt tạm giam thì đây là một cơ hội cho những người trước đây có tư thù cá nhân; có ganh ăn tức ở với Khế bôi nhọ Khế. Đó là sản phẩm phái sinh của đạo đức người cộng sản Việt Nam.”
Chuyện bằng khen, huân chương của các quan chức từng bị công chúng dèm pha khi các ông phải hầu tòa. Đơn cử, trước phiên phúc thẩm xét đơn kháng cáo của cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung vào tháng 7 năm 2022, ông Chung thông qua luật sư của mình gửi gần 100 bằng khen, giấy khen, huân chương, bệnh án... để tòa làm căn cứ giảm nhẹ tội.
Phạm Đình Trọng
24-1-2024
Capture à partir de :baotiengdan
1. Những đại ca trong thế giới ngầm đều rải tiền, rắc thính, hào phóng đãi đằng, thu phục nhân tâm, tụ tập vây cánh, tạo ra đội ngũ supporter như tuyên giáo ném tiền thuế dân, tạo ra đội ngũ dư luận viên.
Dư luận viên chỉ là đám đông vô danh, thấp kém nhận thức và nhân cách, chỉ là công cụ đâm thuê chém mướn bằng ngôn từ để bảo vệ những giá trị ảo của lý tưởng cộng sản và chủ nghĩa xã hội.
Chỉ là bầy đàn vô danh thì chẳng đại ca nào thèm ngó tới. Supporter của đại ca trong thế giới ngầm là những cá nhân có chút danh, đã tách ra khỏi bầy đàn nhưng nhân cách và nhận thức chưa cất mình vượt hẳn lên trên đám đông. Dù đã có cái tên, có danh phận nhà nọ, nhà kia, có cá nhân, nhưng cá nhân chưa đủ lớn, vẫn nhận thức theo đám đông, nên bị hút vào từ trường của quyền uy quan trường và quyền uy đồng tiền rồi đánh đu với đại ca, chịu ơn đại ca rủng rỉnh tiền bạc, dư thừa quyền uy trong thế giới ngầm.
Thời có trong tay tờ báo có số lượng phát hành lớn, có vai vế trong làng báo, Nguyễn Công Khế dựa vào thế lực nhà báo làm vốn buôn quyền lực nhà nước rồi lại dùng quyền lực nhà nước làm vốn buôn hàng hoá có giá trị lớn, có lãi suất cao trên thương trường, trở thành đại ca trong thế giới ngầm và Khế thực sự là một đại ca có đội ngũ đàn em đông đúc và tụ tập được khá nhiều những người có chút danh làm supporter cho Khế.
2. Một xã hội tồn tại bằng giá trị giả thì sự thật phải lưu vong. Cũng như những tập sách viết sự thật như Đêm Giữa Ban Ngày của nhà văn Vũ Thư Hiên, Đến Già Mới Chợt Tỉnh của nhà báo Tống Văn Công, Hồi Ký Của Một Thằng Hèn của nhạc sĩ Tô Hải, Mặt Thật của nhà báo Bùi Tín, Lạc Đường của nhà văn Đào Hiếu … và còn rất nhiều những trang sách viết sự thật ở Việt Nam những ngày này chỉ có thể xuất bản ở nước ngoài.
Bản thảo hồi ký Lời Ai Điếu đậm đặc sự thật về một chính trường đầy bóng tối và một xã hội đầy oan khiên của nhà báo lão làng Lê Phú Khải phải gửi ra nước ngoài mới trở thành cuốn sách best seller được mạng điện tử Amazon phát hành rộng rãi trên thị trường toàn cầu từ 2016 đến nay. Bằng những sự việc, những tên tuổi cụ thể, Lời Ai Điếu cho thấy chân dung một số chính khách nắm vận mệnh nhân dân, đất nước đang được cả hệ thống truyền thông chính thống khổng lồ hàng ngày rầm rộ tụng ca, nhưng bộ mặt thật nhếch nhác và nhân cách trống rỗng.
Lời Ai Điếu cũng cho thấy mặt thật tầng lớp được gọi là trí thức, lao động bằng chữ nghĩa, tầng lớp tinh hoa của thể chế, những ông quan văn, quan báo Trần Mai Hạnh, Hồng Vinh, Phan Huy, Vũ Văn Hiến, Lê Quang Trang, Nguyễn Công Khế … nhưng bản chất vẫn là con người sinh vật, không có con người văn hoá.
Lời Ai Điếu điềm tĩnh và chân thực kể lại một ngón nghề làm báo bất lương được quan báo Nguyễn Công Khế thường xuyên thực hiện là khi có trong tay bài báo của cộng tác viên phanh phui tội lỗi của quan chức cấp quốc gia, Khế liền tuồn bài báo cho quan chức có tội và lên mặt đạo đức bảo vệ cán bộ nhưng thực ra là báo cho quan chức tội phạm biết rằng, sinh mạng chính trị của quan ở trong tay Khế và bài báo phanh phui tội trạng của quan trở thành nghĩa tình của Khế dành cho quan, trở thành bản cam kết của quan bán linh hồn cho Khế, buộc quan chức hư hỏng nhưng đầy quyền uy phải mang quyền uy ra phục vụ cho lợi ích của Khế.
Bài báo đầy trách nhiệm công dân của nhà báo cả tuổi đời và và tuổi nghề báo đều là bậc cha chú của Khế bị biến thành ngón đòn hiểm độc của Khế, nhà báo trung thực Lê Phú Khải đau lắm.
Mang nỗi đau nghề nghiệp của một nhà báo chân chính vì trong làng báo có loại quan báo bất lương như Khế, Lời Ai Điếu xuất bản ở Mỹ giữa tháng 10 năm 2016, thì ở Sài Gòn cuối tháng 11 năm 2016, những lời xỉ vả, những lời đe nẹt từ những email, những cú phôn và cả những bài viết trên mạng xã hội lăng mạ Lê Phú Khải sầm sập đổ xuống đầu nhà báo già, vì quá ngay thẳng, đã cả gan đụng đến đại ca Nguyễn Công Khế quyền uy lẫy lừng của họ.
Chỉ xin dẫn lại lời xỉ vả xấc xược nhất và lời đe doạ thúc bách nhất từ hai supporter của Khế.
3. Hung hăng xỉ vả tác giả Lời Ai Điếu trên không gian mạng.
Một nhà báo trẻ mới có tên ở đất phương Nam trên tài khoản Facebook hung hãn tới tấp ném từ “ghê tởm” vào mặt ông nhà báo già Lê Phú Khải thường được các khoa báo chí nhiều trường đại học mời đến giảng dạy nghề viết báo: “Anh Lê Phú Khải vừa xuất bản cuốn hồi ký Lời Ai Điếu tại Hoa Kỳ. Tôi chưa có cuốn sách trong tay, chỉ đọc vài đoạn trích trên mạng anh viết về làng báo Việt Nam. Thật tình tôi cảm thấy ghê tởm. Ghê tởm vì ngòi bút của anh quá dơ bẩn”.
Nhà báo trẻ tự đề cao mình, gọi trống không tên nhà báo già và vẽ ra hình ảnh nhà báo già nhiều thành tựu Lê Phú Khải trước nhà báo trẻ mới bước vào nghề như đứa con nít vô danh xum xoe trước đấng bậc bề trên ngời ngời rạng rỡ: “Trước hết phải nói rằng Lê Phú Khải luôn tỏ ra trân trọng tôi. Anh khen ngợi tôi hết lời và chủ động gọi điện gặp tôi. Anh dành cho tôi những lời tâng bốc mà tôi cảm thấy ái ngại … Những lần tình cờ gặp nhau, anh tay bắt mặt mừng và luôn dành cho tôi những lời tâng bốc trước đám đông làm tôi thấy ngượng nên cố né tránh anh”.
Đề cao mình rồi từ trên cao nhà báo trẻ co cẳng đạp thẳng vào mặt nhà báo già liêm chính. Liêm chính đến mức vào đảng độc tài đương quyền là nơi “bao nhiêu lợi quyền ắt qua tay mình”, nơi thăng quan tiến chức nhanh nhất, thâu tóm quyền uy lớn nhất, thâu tóm bổng lộc dễ nhất, nhiều nhất nhưng Lê Phú Khải một mực từ chối vào đảng, tránh xa chốn đánh mất mình trong bon chen.
Cú đạp của nhà báo trẻ vào mặt nhà báo già bằng sự vu khống: “Với anh Lê Phú Khải, tôi không quý trọng anh vì những năm tháng làm việc ở ĐBSCL, đi nhiều nơi, tôi nghe nhiều quan chức và doanh nghiệp kể về anh những câu chuyện làm tôi “ớn ớn” … Khi về già, người ta hay viết hồi kí. Nhưng phần lớn là sự chiêm nghiệm, những trang hồi ức rất nhân văn, đậm chất tình người và thân phận con người … Nhưng đọc những trang của anh, một nhà báo lớn tuổi, tôi không hề thấy câu chữ nào toát lên lòng nhân ái mà toàn những lời độc ác. Anh bôi nhọ bạn bè đồng nghiệp của anh, anh trét cứt lên mặt họ một cách cố ý bạo tàn … Nếu tôi viết về những chiêu kiếm tiền của anh qua lời kể của các quan chức và doanh nghiệp ở ĐBSCL chắc chắn sẽ hấp dẫn hơn anh viết về họ rất nhiều. Nhưng tôi không làm điều đó”.
Bài báo công khai của nhà báo Lê Phú Khải gửi cho quan báo Nguyễn Công Khế bị Khế biến thành công cụ tìm kiếm lợi ích cho riêng Khế đã xác định mối quan hệ Khải – Khế là mối quan hệ trực tiếp. Để bảo vệ Khế, coi Lời Ai Điếu viết về Khế là vô giá trị, nhà báo trẻ supporter của Khế biến mối quan hệ trực tiếp thành gián tiếp “anh tự nhận là anh không biết gì về anh Khế mà chỉ nghe người khác kể lại. Thế rồi anh lôi ra hàng loạt câu chuyện để mạt sát người ta. Anh là ai mà tự cho mình cái quyền lớn lao như thế?”.
4. Hù doạ và thúc ép tác giả Lời Ai Điếu phải phủ nhận những điều đã viết về Khế.
Bình thản đọc những lời vu khống trắng trợn, những lời lăng mạ vô liêm sỉ dành cho mình, rồi nhà báo ở tuổi 75 gọi điện cảm ơn nhà báo ở tuổi ngoài 50 đã đọc Lời Ai Điếu của ông, dù chỉ đọc vài đoạn trích trên mạng. Đó là sự ung dung, tự tin và sự bao dung vị tha của người đã buông bỏ, đã vượt lên trên mọi nhốn nháo cuộc đời. Như Nguyễn Trãi sau bao biến động chốn quan trường đã rời bỏ chốn nhiễu nhương trở về tiêu dao thả hồn vào cỏ cây, mây núi để làm thơ về non thấp, non cao: “Đủng đỉnh chiều hôm dắt tay / Trong thế giới phút chim bay / Non thấp non cao mây thuộc / Cây cứng cây mềm gió hay … Ngoài chưng mọi chốn đều thông hết / Bui một lòng người cực hiểm thay”.
Nhưng khi con người đã buông bỏ mọi phiền muộn, giả dối, phù du của cuộc đời bỗng nhận được email của một ông nhà báo có mối quan hệ thân thiết từ lâu, nay lại tung ra màn sương mù giả dối sống sượng và hù doạ thì Lê Phú Khải không bình thản được nữa.
Email của ông bạn nhà báo thân thiết từ lâu viết: “Ông Khải ơi. Ông là bạn của tôi. Khế cũng là bạn của tôi. Là bạn của cả hai người, tôi rất buồn và rất tiếc khi trong Lời Ai Điếu ông đã tạo ra những sự việc không có thật rất tệ hại cho Khế. Khế nói với tôi rằng bị ông đơm đặt, dựng chuyện, xúc phạm danh dự con người và danh dự nghề nghiệp, Khế phải nhờ pháp luật bảo vệ danh dự cho Khế. Ông đã có blacklist ở công an. Hồ sơ của ông ở công an đã đủ dày. Nhân vụ kiện của Khế, công an sẽ làm việc với ông không phải về việc của ông với Khế mà về hồ sơ an ninh của ông. Ông sẽ phải đối mặt với điều 331 bộ luật hình sự 2015, rất khó tránh lao tù, rất nguy cho ông. Cùng là bạn viết, tôi đã xin Khế không làm lớn vụ việc, không lôi nhau ra pháp luật. Đóng cửa giải quyết với nhau để còn nhìn mặt nhau. Lời Ai Điếu của ông đơm đặt xúc phạm Khế thì ông phải xin lỗi Khế. Trong cuộc đời, không ai tránh được sai lầm. Sai lầm là điều bình thường. Làm sai thì nhận sai cũng là nét đẹp của con người đàng hoàng, có nhân cách. Cái sai của ông với Khế chỉ có thể giải toả nhẹ nhàng, êm thấm bằng lời xin lỗi của ông. Lời Ai Điếu của ông tràn lan trên mạng xã hội thì lời xin lỗi của ông cũng phải công khai trên mạng xã hội. Ông phải ngay lập tức xin lỗi Khế công khai trên mạng xã hội”.
Không đủ kiên nhẫn đọc hết email ngắn ngủi, nhà báo U80 Lê Phú Khải đấm tay xuống bàn làm màn hình chiếc laptop tắt phụt, tối đen rồi đứng phắt lên, lấy điện thoại gọi cho ông bạn nhà báo thân thiết từ lâu nay là supporter của Khế, gắn bó với Khế như hình với bóng:
– Tôi viết sự thật, nói tiếng nói của lương tâm thì không có lỗi với bất kỳ ai và tôi không phải xin lỗi ai cả. Lời xin lỗi của tôi chỉ để ông lập công với bạn ông thôi. Vì vậy chỉ có ông cần lời xin lỗi của tôi chứ bạn ông quen hành xử bằng sức mạnh đồng tiền đâu có cần lời xin lỗi. Bạn của ông nhiều tiền lắm. Nó đã rải tiền tạo ra hào quang lung linh cho cái tên của nó, rải tiền ra bưng bít sự thật nên nó mới ngạo nghễ nghênh ngang tồn tại đến hôm nay. Muốn thủ tiêu sự thật ở Lời Ai Điếu, thủ tiêu những tiếng nói sự thật sẽ cất lên về ông bạn của ông, ông bảo ông bạn nhiều tiền, lắm đàn em của ông ném ra cục tiền nhỏ cho giang hồ đến đòm cho tôi một phát là xong. Bạn ông là đại ca xã hội đen, chỉ hành xử theo thông lệ xã hội đen thôi. Bạn ông không cần lời xin lỗi và tôi cũng không có lỗi để không phải xin lỗi ai cả.
Không cần nghe trả lời, Lê Phú Khải cúp điện thoại rồi với tay lấy tập sách đang đọc dở, tập Tổ Quốc Ăn Năn của Nguyễn Gia Kiểng. Ông nhà báo già Lê Phú Khải lại lặng lẽ, trầm ngâm trước trang sách.
Capture à partir de :baotiengdan
16-1-2024
(Bài này tôi đăng từ tháng 8/2020).
Ông Nguyễn Công Khế, cựu Tổng Biên tập báo Thanh Niên, ký biên bản. Ảnh: Báo Công an TP.HCM
Năm 2008 Báo Thanh Niên có đề nghị Thủ tướng xin mua khối tài sản của Công ty thuốc lá Sài Gòn, diện tích đất là 9.734,6m2 tại số 151 -155 Bến Vân Đồn, quận 4, TP.HCM và được chấp thuận.
Theo chứng thư thẩm định giá, toàn bộ đất và nhà là 225.634.306.000đ (Hai trăm hai mươi lăm tỉ, sáu trăm ba bốn triệu, ba trăm lẻ sáu ngàn đồng).
Do không có tiền nên trong năm 2008 và 2009 Báo Thanh Niên ký 03 Hợp đồng vay tiền của Công ty cổ phần tập đoàn mặt trời, tổng giá trị vay là hơn 253 tỉ đồng. Tiếp đến Báo Thanh Niên vay của Công ty cổ phần du lịch và thương mại Vinpearl 120.400.000.000đ (Một trăm hai mươi tỉ, bốn trăm triệu đồng), số tiền này Báo Thanh Niên trả nợ cho Công ty cổ phần tập đoàn mặt trời 65 tỉ đồng.
Lấy lý do bán cổ phần để trả nợ, Báo Thanh Niên gửi công văn và được Trung ương đoàn đồng ý về chủ trương.
Sau đó Công ty cổ phần tập đoàn mặt trời, Công ty cổ phần du lịch và thương mại Vinpearl được mua cổ phần của Công ty cổ phần Bất Động Sản Thanh Niên (công ty của Báo Thanh Niên) đang sở hữu 9.734,6m2 đất và nhà ở số 151 -155 Bến Vân Đồn quận 4. Theo hồ sơ điều tra của tôi thì Công ty cổ phần tập đoàn mặt trời mua và sở hữu 15,58%. Công ty cổ phần du lịch và thương mại Vinpearl mua và sở hữu 10,57%.
Cái khôn của Báo Thanh Niên là xin được mua nhà chỉ định, nhưng không chịu bỏ tiền, mang danh nghĩa Báo Thanh Niên đi vay tiền và cũng giả vờ phải trả nợ để xin cơ quan chủ quan cho bán cổ phần. Hai công ty kia cho vay biết được có lợi ở khu đất vàng này, nên hợp tác với Báo Thanh Niên.
Cái khôn nữa là Báo Thanh Niên xin Bộ Tài chính xác nhận tiền chuyển vào tài khoản tạm giữ của kho bạc nhà nước của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam không có nguồn gốc ngân sách nhà nước.
Các thủ tục hoàn tất, Công ty cổ phần Bất Động Sản Thanh Niên không triển khai theo phê duyệt của cơ quan chức năng, mà tập đoàn Novaland nhảy vào đầu tư và đang rao bán căn hộ với giá cũng VÀNG.
Nghiên cứu hồ sơ tôi thấy đã có dấu hiệu hình sự ở phi vụ này. Hiện đang có thông tin thanh tra vào cuộc, tôi thông tin rộng cho toàn dân biết để hạn chế được tham nhũng trong quá trình thanh tra. Nếu Thanh tra không làm đúng pháp luật, tôi sẽ tung hết các chứng cứ liên quan đến phi vụ mua bán này và sẽ chỉ rõ sai phạm ở đâu, căn cứ điều khoản luật nào lúc bấy giờ (Mốc thời gian cực kỳ quan trọng).
Đúng là khôn như Báo Thanh Niên.