logo-vuot

logo-HomNay

acrobat  📂  🏠   

Nước Việt - Hôm nay - 11

Nghĩ gì từ hiện tượng ‘du học rồi… mất tích’ (P1)

Nghĩ gì từ hiện tượng ‘du học rồi… mất tích’ (P2)

Từ câu chuyện Chợ Trường Sơn, tự hỏi chính quyền và báo chí ở đâu

Căn cước và băn khoăn: Dường như phải đổi... ‘đầu’!

Tính chính danh cho một thẻ định danh

Canh bạc Tết

Nghĩ gì từ hiện tượng ‘du học rồi… mất tích’ (P1)

16/02/2024

Trân Văn

Nam Hàn là điểm đến ưa thích của du học sinh và lao động trẻ Việt Nam.

Không phải đến bây giờ du học sinh Việt Nam ở Nam Hàn mới nổi tiếng vì mượn danh nghĩa du học để có thể đến Nam Hàn cư trú bất hợp pháp.

Nhiều người Việt cư trú tại Nam Hàn thở dài trước tin Pusan National University (PNU) tạm ngưng tiếp nhận sinh viên Việt Nam đến học Hàn ngữ. Mỗi năm PNU tiếp nhận khoảng 400 du học sinh từ Việt Nam đến trường này để học Hàn ngữ nhưng đa số cùng bỏ học để ra ngoài đi làm bất hợp pháp. PNU sợ điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới họ nên đưa ra quyết định vừa kể (1).

Vào website của PNU để tìm thêm thông tin ắt sẽ thấy ở phần cung cấp dữ liệu hỗ trợ ghi danh bằng tiếnh Anh có lưu ý được highlight: Nationals of Africa, Vietnam, Mongolia, and Uzbekistan, please confirm the possibility of application with the regional coordinator via email in advance – Công dân các quốc gia châu Phi, Việt Nam, Mông Cổ và Uzbekistan nên dùng email liên lạc với Điều phối viên của khu vực để biết có thể nộp đơn hay không (2).

***

Visa cấp cho người ngoại quốc đến Nam Hàn học hành được xếp vào loại D. Trong đó D-2 dành cho nghiên cứu sinh tiến sĩ (D-2-4), sinh viên cao học (D-2-3), sinh viên đại học (D-2-2), sinh viên cao đẳng (D-2-1). D-4 dành cho những người đến Nam Hàn học trung học (D-4-3) hoặc trau dồi Hàn ngữ (D-4-1). Nhìn một cách tổng quát, có visa loại D vừa được phép đến Nam Hàn cư trú, vừa có quyền đi làm bán thời gian.

Cách nay khoảng ba tháng, ông Cho Jung-hun, Dân biểu Hạ viện Nam Hàn đã yêu cầu chính phủ Nam Hàn phải xem lại chính sách tiếp nhận sinh viên ngoại quốc đến Nam Hàn học hành. Dựa trên dữ liệu do Bộ Tư pháp Nam Hàn cung cấp thì có khoảng 65.000 sinh viên ngoại quốc đến Nam Hàn bằng visa D-4-1 để trau dồi Hàn Ngữ và tính từ tháng 6/2023, có khoảng 26.000 (40%) trở thành cư trú bất hợp pháp.

The Korea Times cho biết, trong 26.000 người đến Nam Hàn trau dồi Hàn ngữ nhưng cư trú bất hợp pháp, người Việt Nam chiếm đa số (gần 23.000 người), kế đó là Uzbekistan (khoảng 1.100 người), xếp thứ ba là Mông Cổ (hơn 800 người). Số lượng du học sinh đến Nam Hàn bằng visa D-2 nhưng bỏ dở việc học rồi trở thành cư trú bất hợp pháp cũng không hề nhỏ, riêng với D-2-1 (học cao đẳng), tỷ lệ cư trú bất hợp pháp lên tới hơn 27%.

Đó cũng là lý do nhiều người Nam Hàn tin rằng, mục đích thực sự của nhiều người đến Nam Hàn trau dồi Hàn ngữ là để kiếm việc làm. Song song với việc tường thuật nhận định, yêu cầu của ông Cho Jung-hun, rằng chính phủ Nam Hàn phải cẩn thận hơn trong việc cấp visa cho sinh viên ngoại quốc và phải có hướng dẫn chi tiết hơn để ứng phó với du học sinh từng quốc gia, The Korea Times nhắc lại một số sự kiện liên quan đến những người Việt tới Nam Hàn bằng visa D-4-1: Hồi tháng 8/2023, một thanh niên Việt Nam bị Tòa án quận Suwon phạt tù vì bán thuốc lắc. Thanh niên 23 tuổi này này đến Nam Hàn hồi tháng 7/2019 bằng visa D-4-1, lẽ ra phải rời Nam Hàn vào tháng 10/2021 nhưng không quay về Việt Nam... Khi làm việc trong một câu lạc bộ được người Việt ví von là “thánh địa ma túy”, anh ta bị bắt quả tang đang bán thuốc lắc...

Hoặc sự kiện 164/1.900 du học sinh Việt Nam đến Đại học Quốc gia Incheon học Hàn ngữ đột nhiên mất tích sau khi chương trình đào tạo khởi động chừng vài tháng. Do luật pháp Nam Hàn yêu cầu các cơ sở giáo dục phải báo cáo nếu du học sinh vắng mặt quá 15 ngày nên tháng 12/2019, Đại học Quốc gia Incheon buộc phải báo cáo chuyện mất tích hàng loạt này cho cảnh sát và báo cáo ấy kích hoạt một cuộc săn lùng khắp Nam Hàn (3)!

***

Chuyện xin visa sang Nam Hàn du học rồi bỏ học ra ngoài làm việc bất hợp pháp thật ra không mới. Cuối năm 2019, sau khi Đại học Quốc gia Incheon báo cáo có 164 du học sinh Việt Nam mất tích, báo điện tử VnExpress đã thực hiện một phóng sự bằng tiếng Anh mà tính chất giống như giải thích cho thiên hạ thông cảm, rằng tại sao du học sinh Việt Nam lại bỏ học hàng loạt để đi làm bất hợp pháp ở Nam Hàn (4).

Những người trong cuộc đã giải thích với phóng viên của VnExpress rằng họ xin visa D-4-1 để đến Nam Hàn không phải vì hiếu học mà vì “thủ tục đơn giản và khả năng được cấp visa lớn” để có cơ hội đi làm kiếm tiền ở Nam Hàn. Dù đó chính là là cư trú bất hợp pháp nhưng những người trong cuộc vẫn chọn lối này vì hoàn toàn bế tắc, không tìm thấy lối ra cho cả hiện tại lẫn tương lai của họ ở Việt Nam.

Ở Việt Nam, nếu tốt nghiệp đại học, có việc làm, họ cũng chỉ có thể kiếm được 250 Mỹ kim/tháng nhưng tại Nam Hàn, họ có thể được trả từ 2.500 đến 4.000 Mỹ kim/tháng. Chi phí cho việc thực hiện ý định quá lớn (vài trăm triệu) cộng thêm với hy vọng có đủ điều kiện để gầy dựng tương lai nên nhiều thanh niên Việt Nam hy sinh tất cả mọi thứ, kể cả sức khỏe cho công việc, phần lớn làm việc suốt tuần, kể cả ngày nghỉ...

Không phải đến bây giờ du học sinh Việt Nam ở Nam Hàn mới nổi tiếng vì mượn danh nghĩa du học để có thể đến Nam Hàn cư trú bất hợp pháp. Năm 2018, trong số gần 14.000 du học sinh cư trú trái phép tại Nam Hàn có 2/3 là thanh niên người Việt dù điều đó có thể khiến họ bị phạt 5.000 Mỹ kim và sáu tháng tù. Việt Nam cũng là quốc gia mà du học sinh phải gửi vào ngân hàng Nam Hàn khoản tiền cao hơn, rút ra khó hơn nhưng...

(còn tiếp)

Chú thích

(1) facebook.com duonghoa

(2) pusan

(3) koreatimes

(4) vnexpress

🔝

Nghĩ gì từ hiện tượng ‘du học rồi… mất tích’ (P2)

17/02/2024

Trân Văn

voatiengviet

Báo Nam Hàn viết về 164 sinh viên Việt Nam 'mất tích' ở Hàn Quốc. Photo: The Korea Times.

"...Thường thì du học sinh chỉ bỏ trốn để ở lại Úc làm việc bất hợp pháp khi visa du học đã gần hết hạn..."

Hồi đầu năm nay, Bộ Tư pháp Nam Hàn cho biết, đến cuối 2023 có hơn 226.000 người ngoại quốc đang dùng visa du học để cư trú tại Nam Hàn, so với 2022 thì đến 2023, tỷ lệ du học sinh tăng gần 15%. Việt Nam là quốc gia dẫn đầu về số lương du học sinh ở Nam Hàn với hơn 80.000 người. Kế đó là Trung Quốc, Mông Cổ, Uzbekistan, Miến Điện, Nhật, Nepal, Indonesia, Nga , Bangladesh và Ấn Độ (1).

Việt Nam là quốc gia dẫn đầu về số lượng du học sinh đồng thời cũng là quốc gia dẫn đầu về số lương du học sinh bỏ học để ra ngoài tìm việc làm và trở thành cư trú bất hợp pháp (2). Trong 26.000 người đến Nam Hàn bằng visa D-4-1 để trau dồi Hàn ngữ nhưng bỏ học, cư trú bất hợp pháp, người Việt chiếm đa số (gần 23.000 người), lớn hơn khoảng 20 lần so với nhóm nhiều thứ hai (Uzbekistan - khoảng 1.100 người) và lớn hơn khoảng 28 lần so với nhóm nhiều thứ ba (Mông Cổ - khoảng 800 người). Không phải tự nhiên mà Pusan National University (PNU) lưu ý: Công dân các quốc gia châu Phi, Việt Nam, Mông Cổ và Uzbekistan nên dùng email liên lạc với Điều phối viên của khu vực để biết có thể nộp đơn hay không (2). PNU khó có thể có lựa chọn nào khác khi có những bằng chứng rõ ràng cho thấy du học sinh Việt Nam có thể trở thành một loại “tai bay, vạ gửi”!

Tình trạng vừa kể không chỉ xảy ra ở Nam Hàn. Đầu tháng này, chính quyền tiểu bang South Australia của Úc loan báo “tạm dừng nhận học sinh từ các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình đến học bậc trung học và một số lĩnh vực khác trên toàn bang này(3). Thông báo vừa kể là quyết định thuộc loại “chẳng đặng đừng” sau khi có năm du học sinh Việt Nam đến South Australia học trung học đột nhiên “mất tích”.

Cảnh sát South Australia tin rằng đó không phải là “mất tích”. Họ khẳng định đó là “chủ động lẩn trốn chính quyền”! Ông Lê Đức Minh - một luật sư chuyên về di trú ở Úc – bảo với Radio Free Asia (RFA) rằng: Úc chưa bao giờ hành xử như thế với bất kỳ quốc gia nào! Về mặt luật pháp và với tư cách là một luật sư, tôi không chấp nhận hành động rõ ràng là phân biệt đối xử như thế nhưng trong hoàn cảnh hiện tại, cơ quan di trú của Úc khó có biện pháp nào tốt hơn nhằm chấm dứt ngay lập tức việc đưa người tại các tỉnh này sang Úc bất hợp pháp! RFA đã tổng hợp tin tức từ hệ thống truyền thông Úc và cho biết thêm, trong khoảng từ tháng 12/2023 đến tháng 1/2024, có ít nhất mười học sinh, sinh viên từ Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình đột nhiên “mất tích” sau khi đến South Australia học tiếng Anh hay kỹ thuật!

Trò chuyện với RFA, một du học sinh Việt Nam phán đoán: Thường thì du học sinh chỉ bỏ trốn để ở lại Úc làm việc bất hợp pháp khi visa du học đã gần hết hạn. Tuy nhiên, đối với những trường hợp này - vừa đến Úc đã trốn ngay thì nguyên nhân có thể là do không đủ khả năng tài chính để đóng học phí và mục đích đến Úc không phải để học mà là đi tìm việc làm.

Luật sư Lê Đức Minh lưu ý: Tình trạng người ngoại quốc đến Úc du học rồi bỏ trốn, ra ngoài tìm việc làm, ở lại quá hạn là điều khá phổ biến. Tuy nhiên việc Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia dẫn đầu về việc công dân vi phạm luật di trú của Úc sẽ để lại nhiều hậu quả tai hại cho những người Việt muốn đến Úc học hành, làm việc và du lịch trong tương lai (4).

***

Cuối năm ngoái, Nam Hàn công bố một thống kê về người ngoại quốc (5), theo đó, trong năm 2023, trên 50% người ngoại quốc đến Nam Hàn làm việc nhận được từ 1.540 Mỹ kim/tháng đến 2.310 Mỹ kim/tháng. Ngoài ra có 35,8% (1/3 người ngoại quốc) có thu nhập trên mức này. Với thu nhập như thế, họ chi 11,8% cho chỗ ở, 39,4% cho sinh hoạt, 23,2% cho kiều hối, 15,7% để dành. Số người ngoại quốc ở Nam Hàn từ 15 tuổi trở lên đã tăng 1,43 triệu (9,9%) so với cùng kỳ. Nếu tính theo quốc tịch, người Việt tăng nhiều nhất (32.000 người). Cứ đối chiếu những số liệu này với tình hình kinh tế - xã hội tại Việt Nam ắt sẽ hiểu vì sao, mà cả viên chức cấp xã, giáo viên tại Việt Nam lẫn những đứa trẻ vùa hoàn tất trung học phổ thông đã quyết định bỏ học đại học, kể cả khi đã được những đại học hàng đầu tại Việt Nam tiếp nhận để tìm đường sang Nam Hàn làm thuê (6)!

Có một điều đáng chú ý là khác với trước đây, ngoài việc xoay xở để có visa ra ngoại quốc làm thuê, thanh niên Việt Nam, kể cả trẻ con đã mở thêm một lối khác – khai thác con đường... du học. Vì sao lại thế? Dường như bởi visa làm thuê khó khăn hơn do số lượng có hạn mà nhu cầu quá cao nên rủi ro bị từ chối không nhỏ và đặc biệt là chi phí quá lớn. Cho dù “tăng trưởng kinh tế - xã hội” có sự phụ thuộc đáng kể vào việc biến công dân của mình thành hàng hóa để xuất khẩu nhưng khi thực thi “chiến lược” này, chính quyền Việt Nam vẫn tổ chức vét cả... cặn. Còn gì tàn tệ hơn khi Nhật không thu đồng nào nhưng để được đến Nhật làm thuê, thanh niên Việt Nam phải vay mượn để trả từ 130 triệu đồng đến 190 triệu đồng/người triệu đồng cho các doanh nghiệp độc quyền “xuất khẩu lao động”, cao hơn Philippines từ sáu đến tám lần (7).

Phải trả quá nhiều để có thể từ Việt Nam đi làm thuê ở ngoại quốc vốn chẳng có gì mới! So sánh của tạp chí Luật khoa như vừa dẫn chỉ giúp dễ hình dung hơn tại sao người Việt luẩn quẩn trong bế tắc. Hết bế tắc về sinh kế, về tương lai ở nơi “chôn nhau, cắt rốn” đến bế tắc về chuyện nên chọn sống hợp pháp hay bất hợp pháp trên xứ người. Làm sao có thể chọn sống hợp pháp khi nợ nần chồng chất, lãi mẹ đẻ lãi con?

Người đứng đầu hệ thống chính trị, hệ thống công quyền đẩy nhiều triệu người Việt đến chỗ bế tắc, thậm chí ngay cả những đứa trẻ cũng phải khai thác visa du học, biến Việt Nam thành xứ sở cung cấp cư dân bất hợp pháp cho nhiều quốc gia khác như thế vừa lên tiếng cho biết ông ta... “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng” (8)!

Chú thích

(1) koreajoongangdaily

(2) koreatimes

(3) thanhnien

(4) RFA

(5) koreajoongangdaily

(6) laodong

(7) baochinhphu

(8) baochinhphu

🔝

Từ câu chuyện Chợ Trường Sơn, tự hỏi chính quyền và báo chí ở đâu

15/02/2024

Trân Văn

voatiengviet

Bản nội quy và mức thu ở Chợ Trường Sơn.

Thiếu những yếu tố này, chắc chắn không có chuyện một người... “oai phong” như ông Nguyễn Bạch Long lại hạ cố đến tận tư gia một thường dân như ông Thái Hạo...

Ông Thái Hạo vừa cho biết, ông Nguyễn Bạch Long – chủ doanh nghiệp Long An, nơi đang kiểm soát chợ Trường Sơn (tọa lạc ở xã Trường Sơn, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) đã tìm đến tư gia của ông Thái Hạo để “trao đổi”. Ngoài việc cám ơn ông Thái Hạo đã phản ánh đúng sự thật về những gì đang xảy ra ở chợ Trường Sơn, ông Long hứa sẽ điều chỉnh cả công tác quản lý và thu phí ở chợ Trường Sơn lẫn cách ứng xử. Dù ông Long đề nghị ông Thái Hạo gỡ các bài ông đã viết, đã đưa lên mạng xã hội nhưng ông Thái Hạo từ chối song hứa sẽ cập nhập thông tin khi ông Long thực hiện đúng quy định pháp luật về thu phí chợ. Cũng theo ông Thái Hạo, ngay sau đó, doanh nghiệp Long An đã niêm yết nội quy và bảng giá phía trước chợ Trường Sơn (1)...

***

Hôm 9/2/2023, ông Thái Hạo đưa lên trang Facebook của ông video clip dài 1:50 kèm bài viết kể những chuyện ông chứng kiến tại chợ Trường Sơn: Một người đàn ông có tên là Long đi vòng vòng trong chợ thu tiền và cách thu như cướp bóc. Người chỉ có vài thùng xốp đựng trái cây bị thu 200.000, người mang khoảng một tạ thịt vào chợ bán bị thu 500.000,... trong khi quy định của tỉnh chỉ cho phép chợ xã thu từ 10.000 đến 25.000 mỗi tháng nếu thuê sạp và từ 1.000 đồng đến 2.000 đồng đối với một lượt vào chợ bán hàng theo kiểu vãng lai... Ông Thái Hạo kể thêm rằng suốt quá trình theo chân người đàn ông tên Long để xem ông ta thu tiền chợ, ông chứng kiến ông Long quát nạt người bán, vừa chửi rủa, vừa giật tiền trên tay, thậm chí liên tục chỉ tay và phán “Cút”! Những người mang hàng hóa đến chợ bán chỉ phân trần và van xin, không ai dám nói lại tiếng nào (2)!

Ở kỳ thứ hai về chợ Trường Sơn, người ta được chứng kiến ông Long chỉ vào mặt mấy người phụ nữ bán cá và bảo họ: “Cút lên tê nhá, ngồi đây chết với tau. Con ni nữa, cho ngồi hôm nay nhá, còn cút lên tê nhá. Nhớ nhá!”. Ông Thái Hạo cho biết, tuy đã nộp cho ông Long hai triệu nhưng những phụ nữ bán hải sản bị ông Long xếp vào góc khuất, ế ẩm, lại đã cận tết (30 tháng chạp âm lịch) nên họ dời mấy mẹt bày cá, mực, ngao ra phía ngoài nhưng ông Long không chấp nhận nếu họ không đóng thêm một triệu nữa. Ngoài tiền mua chỗ ngồi trong chợ, những người đến chợ Trường Sơn bán hàng còn phải trả tiền quét chợ (ngày thường từ 20.000 đến 30.000/ngày, dịp tết là 100.000/ngày). Ông Thái Hạo kể thêm rằng, nếu bán hết mớ cá. mực, ngao bày trên mẹt, ông không rõ những người phụ nữ bán hải sản có kiếm nổi một triệu đồng hay không (3)?

Trong kỳ thứ ba, ông Thái Hạo giới thiệu một bài mà hệ thống truyền thông chính thức từng đề cập về chợ Trường Sơn và xã Trường Sơn: “Nơi trẻ con cũng phải lo chỗ chết: Đến cái chợ cũng bất thường”(4). Theo đó lạm thu tại xã Trường Sơn và chợ Trường Sơn được ví von... “như cường hào ác bá” ngày xưa (trẻ con buộc phải đóng tiền xây dựng nghĩa địa, thu cả giường của người nghèo để trừ các khoản phí còn thiếu, giữ “Giấy chứng nhận hộ nghèo” của gia đình liệt sĩ để ép nộp phí...) và cách ông Nguyễn Bạch Long trúng thầu, đầu tư - quản lý chợ hết sức bất thường Ông Thái Hạo nhận định, hóa ra chủ chợ Trường Sơn đã thu phí như cướp từ cách nay tám năm và mức độ tàn bạo càng ngày càng tăng. Ông Thái Hạo nhấn mạnh, quản lý và thu phí tại các chợ truyền thống tại Thanh Hóa không còn là chuyện của xã hay huyện mà tỉnh phải vào cuộc (5).

***

Nhìn một cách tổng quát, câu chuyện về chợ Trường Sơn cho thấy, không chỉ “chính quyền cách mạng” mà “báo chí cách mạng” đã cũng như đang... nghỉ dưỡng vô thời hạn. Nếu chính quyền và báo chí hoạt động một cách bình thường thì ông Nguyễn Bạch Long khó có cơ hội trở thành... “chủ” một ngôi chợ sử dụng công thổ và quản trị - điều hành ngôi chợ ấy theo kiểu vừa tùy tiện, vừa càn rỡ như vậy. Nếu chính quyền và báo chí hoạt động một cách bình thường, những người như ông Long phải trả đúng, trả đủ các khoản thuế thì có lẽ hệ thống chính trị, hệ thống công quyền không cần phải trăn trở xem nên buộc những người bán vé số, bán trà đá ở Việt Nam phải nộp bao nhiêu phần trăm thuế thu nhập để bù đắp phần công quỹ bị thiếu hụt...

Nếu “chính quyền cách mạng” và “báo chí cách mạng” hoạt động một cách bình thường thì những thành phần yếu thế dựa vào chợ để mưu cầu cơm áo không bị bức hại đến mức như vậy trong thời gian dài như vậy. Không may là chính quyền và báo chí chỉ... nghỉ dưỡng để có thể nhận đầy đủ các đặc quyền, đặc lợi chứ cương quyết không... nghỉ hẳn. Không may là đa số dân chúng Việt Nam vẫn còn sử dụng Facebook và có những Facebooker mà số người xem các status như những status về chợ Trường Sơn lên tới vài chục ngàn. Thiếu những yếu tố này, chắc chắn không có chuyện một người... “oai phong” như ông Nguyễn Bạch Long lại hạ cố đến tận tư gia một thường dân như ông Thái Hạo để đề nghị gỡ bài và biểu diễn thiện chí nhằm “giải độc dư luận” vốn đang hết sức bất lợi không chỉ cho ông mà cho cả chính quyền.

Chú thích

🔝

Căn cước và băn khoăn: Dường như phải đổi... ‘đầu’!

16/02/2024

Thiên Hạ Luận

voatiengviet

Dự kiến mẫu thẻ căn cước mới. (Photo: Tuoitre.vn screenshot)

Lạy các ông! Nên là “Thẻ Căn cước" để phù hợp với dòng ghi chú bằng tiếng Anh “Identity Card”.

Trân Văn

Tuần này, thông báo của Bộ Công an về “mẫu Căn cước mới” đã khuấy động dư luận. Theo dự kiến, loại chứng thư cấp cho cá nhân để sử dụng như giấy tờ tùy thân chỉ được gọi gọn lỏn là “Căn cước” và Bộ Công an sẽ làm “Căn cước” từ 1/7/2024 (1).

Theo Cù Mai Công: Đúng là xã hội thời @ cần những thay đổi nhưng nên nhớ xã hội cũng cần sự ổn định để phát triển. Vô số quốc gia mà mức độ hiện đại hơn hẳn ta nhưng... không vội vã 4.0, 5.0 và liên tục @ như ta. Ông Công lập lại điều mà nhiều người đã từng liệt kê về tên gọi giấy tờ tùy thân ở Việt Nam để chứng minh sự... “sáng tạo” về tên gọi loại chứng thư cá nhân này đã tạo thành một vòng luẩn quẩn: Trước 1945 khi còn thuộc Pháp là THẺ CĂN CƯỚC. Đến 1946, Viêt Nam Dân chủ cộng hòa (VN DCCH) gọi là THẺ CÔNG DÂN. Tới 1957, VN DCCH đổi thành GIẤY CHỨNG MINH. Rồi 1964 thì VN DCCH đổi cách gọi GIẤY CHỨNG MINH/GIẤY CHỨNG NHẬN CĂN CƯỚC. Năm 1976, Cộng hòa XHCN Việt Nam tiếp tục thay đổi và gọi đó là GIẤY CHỨNG MINH NHÂN DÂN. Năm 1999, Cộng hòa XHCN Việt Nam đổi cách gọi lần nữa - CHỨNG MINH NHÂN DÂN (CMND) 9 số. Năm 2012, Cộng hòa XHCN Việt Nam cấp CMND 12 số. Năm 2014, Cộng hòa XHCN Việt Nam đổi CMND thành THẺ CĂN CƯỚC CÔNG DÂN. Từ tháng 11/2023, Cộng hòa XHCN Việt Nam dự tính đổi THẺ CĂN CƯỚC CÔNG DÂN thành THẺ CĂN CƯỚC nhưng sau đó dự tính từ 1/7/2024 sẽ bỏ chữ “thẻ” chỉ còn gọi là CĂN CƯỚC dù phần ghi chú bằng tiếng Anh trên CĂN CƯỚC vẫn có chữ “card” nghĩa là thẻ (2).

Cũng với suy nghĩ như thế, Hung Do bộc bạch ngắn gọn hơn: Lạy các ông! Nên là “Thẻ Căn cước" để phù hợp với dòng ghi chú bằng tiếng Anh “Identity Card”. Các ông cứ làm như thời Việt Nam Cộng hòa là đủ, khỏi dùng tiền dân đổi hoài (3). Bùi Công Tự không chê nhưng “khen” thế này: Bộ Công an luôn luôn đổi mới, lần này cấp cả căn cước cho người từ 0 đến sáu tuổi và người trên sáu tuổi (4)! Còn Trần Đình Dũng kể: Theo tục lệ, hôm nay làm mâm cơm “Tiễn vong linh ông bà tổ tiên về âm phủ sau mấy ngày Tết”, cũng là trả lời những người đã thăm hỏi suốt mấy ngày qua – khi chúc Tết, nhiều bạn bè cứ hỏi, năm nay có dự định gì mới không (?), tui chỉ biết trả lời là có dự định làm... “Căn cước công dân” mới. Ông Dũng chú thích thêm về tấm ảnh đăng kèm status rằng: Hình chỉ mang tính minh hoạ, không liên quan tới nội dung. Tấm hình ấy chụp bàn thờ bày chân dung K.Marx, F.Engels,V. Lenin với đầy đủ nhang đèn, bánh trái, gà luộc theo đúng... tục lệ (5). Huỳnh Kim Hoàng không chê, không khen mà chỉ đưa ra một nhận định hết sức ngắn gọn về nỗ lực đổi giấy tờ tùy thân xoành xoạch: Đã đổi bao lần rồi có CĂN mới có CƯỚC (6). Việt Tân không ngại gì nên huỵch toẹt: Căn cước công dân là miếng mồi béo bở ngành công an nhắm tới để “vặt” nhân dân (7).

***

Thông tin mới nhất về bỏ “thẻ” như dự tính ban đầu để chỉ giữ “căn cước” là lý do ông Nguyễn Thông không muốn cũng đành phải lên tiếng bởi “không nói thì họ coi mình là cục đất”: Việc Bộ Công an lại đề xuất mẫu căn cước mới sẽ áp dụng từ ngày 1 tháng 7 năm nay thay cho mẫu căn cước công dân đang dùng, với lý do để phù hợp với luật căn cước, quả thật không còn gì để chê nữa, bởi hết mức rồi. Trong vòng gần chục năm, chỉ mỗi cái thẻ tùy thân mà sáu mẫu khác nhau (CMND 9 số, CMND 12 số, CCCD, CCCD mã vạch, CCCD gắn chip, căn cước) thì đủ biết bộ máy hành là chính này nó ghê gớm thế nào, tầm nhìn của nó khiếp thế nào. Nhân đây, tôi nhắc luôn các chú công an - các chú dự định cái mẫu thẻ mới với tên của nó là “Căn cước” là bậy, hết sức bậy. Đó chỉ là tính từ, không thể thành tên được. Nó phải có chữ “thẻ”, tên đầy đủ của nó phải là "Thẻ căn cước", cũng như tên tiếng Anh là “Identity Card”, phải có chữ “card”, nhé. Lúc thì thừa chữ “công dân”, khi lại thiếu chữ “thẻ”, lôi cái đứa thiết kế, đứa duyệt mẫu ra mà đánh trăm roi vào đít. Làm như mèo mửa. Một cái thẻ tùy thân của người Việt mà ngay cả tiếng Việt cũng sai thì giời đất thiên địa nào chịu nổi. Còn nếu các chú có những dự định nào khác nữa thì làm luôn một thể đi, chứ cứ vài năm/lần, mệt nhau quá. Thứ cần thay không phải là cái thẻ, mà là cái đầu (óc) của nhà cai trị (8).

Đó cũng là lý do Kiem Mai Ba đặt vấn đề về “tính chính danh cho một thẻ định danh”: Việc thay đổi thủ tục hành chánh nào cũng làm mất thời gian tiền bạc của dân. Nhiều từ ngữ chính trị và hành chánh có sai văn phạm và ngữ pháp chứ không riêng gì chữ “căn cước”... Mất thời gian, tiền bạc, sai ngữ pháp là thường tình, tôi chỉ lo ngại, mất gần 80 năm mà sao công an không chọn được chính danh cho cái thẻ nhận dạng hay định danh cho công dân mình? Tôi ngại vì trong quá khứ, mỗi danh tánh (tên gọi) của chính quyền và công an gọi ai thường ẩn chứa quan điểm, lập trường của thời kỳ đó. Thí dụ, dùng từ “địa chủ”, “phú nông” thể hiện lập trường “đào tận gốc” thời cải cách ruộng đất, hoàn khác “quan điểm cởi mở” với từ “chủ trang trại” ngày nay. Từ “tư sản” và “gian thương” thời cải tạo Công – Thương – Nghiệp trái nghĩa với “doanh nhân thành đạt” ngày nay. Từ “người trốn đi nước ngoài, phản bội tổ quốc” hồi 1975-1989 tương phản với “Việt Kiều yêu nước, khúc ruột ngàn dặm”. Tên gọi hay kèm định kiến, thời bao cấp có một số tên gọi là xú danh hay hỗn danh, dành cho một số thành phần trong xã hội. Nhưng đến thời mở cửa, hội nhập các xú danh, hỗn danh được điều chỉnh thành chính danh. Định danh bằng thẻ căn cước có gắn chip hay nhận dạng bằng thẻ CMND có dấu vân tay và đặc điểm nhận dạng trong tiếng Anh họ đều dùng một từ là IDENTIFICATION. Mong Bộ Công an sớm đặt chính danh cho thẻ định dạng (hay nhận dạng) cho công dân mình (9).

Chú thích

🔝

Tính chính danh cho một thẻ định danh

Mai Bá Kiếm

14-2-2024

Từ 1/7/2024, Bộ Công an sẽ cấp mẫu CĂN CƯỚC mới khiến dư luận xôn xao. Nhà báo Nguyễn Thông viết: với tên của nó là CĂN CƯỚC, đặt vậy là hết sức bậy. Đó chỉ là tính từ, không thể thành tên được. Nó phải có chữ thẻ", tên đầy đủ của nó phải là "Thẻ căn cước", như tên tiếng Anh là "Identity card", phải có chữ "card".

Nhà báo Cù Mai Công viết bài "ĐI ĐÂU LOANH QUANH CHO ĐỜI MỎI MỆT", trong đó có "mạn phép liệt kê": Từ thời Pháp thuộc trước năm 1945 đến 1/7/2024 có 10 lần thay đổi tên từ THẺ CĂN CƯỚC, Thẻ Công dân, Giấy Chứng minh, Giấy chứng nhận Căn cước, Giấy CMND, CMND 9 số, CMND 12 số, Thẻ Căn cước Công dân mã vạch, Thẻ Căn cước gắn chip, CĂN CƯỚC; kèm theo Sơ đồ "kiếp luân hồi của một chiếc Thẻ".

Dư luận cho rằng thay đổi tên thẻ vòng vèo chỉ làm tốn kém thời gian và ngân sách. Riêng tôi, tôi thấy việc thay đổi thủ tục hành chánh nào cũng làm mất thời gian tiền bạc của dân. Nhiều từ ngữ chính trị và hành chánh có sai văn phạm và ngữ pháp chứ không riêng gì chữ CĂN CƯỚC.

Thí dụ, câu "Đồng chí có vấn đề" tuy vô nghĩa, nhưng ám chỉ "đ/c có hành vi hoặc tư tưởng trái với lập trường". Phần cuối báo cáo tổng kết bao giờ cũng có 2 mục "những mặt tích cực" và "những mặt tồn tại". Tồn tại là cái hiện hữu (không mất đi) như "quần què" vậy sao đưa vào báo cáo làm gì? Chẳng qua do không dám viết "những mặt tiêu cực".

Mất thời gian, tiền bạc, sai ngữ pháp là thường tình, tôi chỉ lo ngại, mất gần 80 năm mà sao Công an không chọn được cái tên chính danh cho cái thẻ nhận dạng hay định danh cho công dân mình? Tôi  ngại vì trong quá khứ xa xưa mỗi danh tánh (tên gọi) của chính quyền và công an gọi cho ai thường ẩn chứa quan điểm, lập trường của thời kỳ đó.

Thí dụ, dùng từ "địa chủ", "phú nông" thể hiện "lập trường đào tận gốc" thời cải cách ruộng đất, hoàn khác "quan điểm cởi mở" với từ "chủ trang trại" ngày nay. Từ "tư sản", "gian thương" thời cải tạo CTN trái nghĩa với "doanh nhân thành đạt" ngày nay. Từ "người trốn đi nước ngoài, phản bội tổ quốc" hồi 1975-1989 tương phản với "Việt Kiều yêu nước, khúc ruột ngàn dặm".

Tên gọi hay kèm định kiến, thời bao cấp có một số tên gọi là xú danh hay hỗn danh dành cho một số thành phần trong xã hội. Nhưng đến thời mở cửa, hội nhập các xú danh, hỗn danh được điều chỉnh thành chính danh.

Định danh bằng thẻ căn cước có gắn chip hay nhận dạng bằng thẻ CMND có dấu vân tay và đặc điểm nhận dạng trong tiếng Anh họ đều dùng một từ là IDENTIFICATION. Mong rằng, Bộ Công an sớm đặt "chính danh cho một thẻ định dạng (hay nhận dạng) cho công dân mình.

🔝

Canh bạc Tết

Thứ Sáu, 02/09/2024 - 10:38 — VietTuSaiGon
 VietTuSaiGon's blog

Tết lại về, dù muốn hay không muốn, trái đất đủ vòng quay, lịch pháp đủ một cuốn và con người đủ trải bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông... Tết lại về!

“Tết về”, hai tiếng ấy như bừng tỉnh với người xa quê, suốt một năm dài bôn tẩu, biền biệt nơi xứ người. Và cứ đến cuối tháng Chạp, những chuyến xe, chuyến tàu, chuyến bay chất nặng tâm tình quê hương, chất nặng tâm trạng của người “qui cố hương”.

Tết năm nay, dường như người về đông hơn, người từ các thành phố lớn đổ về quê thật nhiều. Bởi ba năm dài dịch giã, vãn hồi sau dịch, thở còn không nổi, có mấy người nghĩ đến chuyện về quê ăn Tết?!

Hơn một năm trôi qua, dịch ngừng hoành hành, hay nói khác đi là những kẻ “chống dịch” ngừng hoành hành, thôi cảnh chọt mũi ăn tiền, thôi cảnh tiêm vào bắp thịt mà chẳng biết sống chết ra sao, thôi cảnh mình trở thành chuột bạch cho những cuộc thử nghiệm vô tiền khoáng hậu, thôi cảnh tang tóc, chia lìa vì mất người thân nơi trại cách ly... Dường như, dù đau khổ đến chừng nào đi nữa, thì người ta cũng phải đến lúc gạt nước mắt mà sống tiếp, mà cười để sống, để tồn tại.

Một cái Tết đoàn viên sau nước mắt, người chốn quê đông đúc lạ thường, người người kéo nhau về quê ăn Tết. Thế nhưng trong cái đông đúc, trong không khi chộn rộn của người về đông đúc, sau không khí háo hức chạm chân xuống mảnh đất quê... dường như có một chút gì đó nằng nặng, buồn buồn, đau đáu khó tả trên quê hương Việt Nam!

Bởi người về đông đúc vậy, nhưng người đi mua sắm thì thưa thớt, thưa thớt đến độ người mua kẻ bán đều tự trải chiếu làm một canh bạc trên chính cuộc mua - bán của mình.

Cái canh bạc lạ lùng ấy nghe thật hổ ngươi, người mua thưa thớt, người bán ế ẩm, nguy cơ thua lỗ có thể nằm trong tầm tay, đến sáng Ba Mươi tháng Chạp rồi mà hầu hết các chợ đều vắng vẻ, hầu hết các chợ hoa Tết đều ngáp gió, người mua lưa thưa, người bán ngồi buồn. Thế là canh bạc bắt đầu, được ăn cả ngả về không!

Tức là người bán có chút gì đó oán trách người mua, họ nghĩ rằng người mua cố tình ém tiền, để chiều Ba Mươi, giá cả hạ xuống mức thấp nhất thì mới đi mua. Đã vậy, người bán quyết hô giá thật cao, thậm chí cao gấp rưỡi, gấp đôi giá bán. Và dường như đã có thông điệp, có truyền tải ngấm ngầm giữa những người bán với nhau, đồng loạt tăng giá, cùng ngồi chơi ngáp gió với nhau, thà chấp nhận mất chứ không bán rẻ!

Về phía người mua, đâu phải tiền bạc được thoải mái, rủng rèng như trước đây, đồng tiền thời hậu dịch, toàn mùi mồ hôi, nước mắt, và đôi khi dính cả máu trên ấy, đâu có ai dễ vung túi thoải mái, mà túi cũng đâu có đầy để vung?!

Nạn thất nghiệp tràn lan, hàng chục ngàn doanh nghiệp phá sản liên tục trong suốt hai năm qua, tỉ lệ người tiêu xài vào tiền dự trữ, tức là những đồng bạc “tích cốc phòng cơ” ngày càng nhiều. Có nhiều người đến thời điểm này không có tiền để sắm một cặp bánh chưng, bánh tét cho ngày Tết thì lấy đâu ra tiền để mua chậu quất, chậu đào hay dù chỉ một nhành mai, nhành đào?!

Người mua dường như co cụm, thị trường dường như co cụm, thế nhưng người ta - người buôn bán - lại hi vọng cứu một năm ế ẩm bằng một cái Tết. Họ dồn toàn bộ năng lượng đầu tư cho Tết, bởi Tết là dịp để buôn bán, làm ăn tốt nhất, một nhà buôn giỏi có thể kiếm lợi tức của một cái Tết tương đương với một năm kinh doanh bình thường, Tết là dịp bùng nổ cơ mà!

Nhưng muốn bùng nổ thì phải có gas, có khí bên trong, có áp suất, có nội năng... năm nay mọi thứ đều xệp meo, có gì đâu để bùng nổ, vậy là mọi thứ trở thành canh bạc, người chơi lớn thì chết lớn, chơi nhỏ thì chết vừa, chỉ có chơi tí tẹo thì đỡ chết.

Chơi tí tẹo ở đây chính là buôn bán nhỏ lẻ, buôn hàng ở phân khúc thấp nhất, ví dụ như rau củ quả hạng xoàng, rau củ quả quê vườn hoặc hoa vạn thọ, hoa cúc thờ cúng. Những loại ấy có giá dao động từ năm ngàn đồng đến hai mươi ngàn đồng/món nên việc mua - bán diễn ra khá thuận lợi, suôn sẻ, hầu như hàng bán chạy và không có mấy người than thở. Mặc dù bài ca “ế ẩm” vẫn có trong phân khúc này nhưng không thê thiết như phân khúc cao hơn.

Dạo một vòng chợ Tết, dạo một vòng chợ hoa, những cành đào, cành mai, chậu đào, chậu quất, chậu cúc, chậu mai dường như nằm bất động, hoa rụng đỏ vàng mặt đất mà người đi ngoài đường vẫn cứ bâng quơ, lan man...

Chưa bao giờ tôi nhìn vào gương mặt đồng loại tôi buồn và thê thiết như lúc này, những gương mặt người bán hoa vừa buồn, vừa tuyệt vọng lại vừa có gì đó cầu cạnh, chờ đợi... Nhưng cầu cạnh gì, chờ đợi gì đây khi mà sức mua đã đuối, khi mà ai cũng đang tự cứu lấy mình, một cái Tết thiếu hụt và trống rỗng đang cận kề, một cái Tết lấy chuyện quan tham bị bắt làm vui, một cái Tết ngồi đếm chuyện buồn xưa...?!

Một cái Tết không dám rượu bia, bởi rượu bia tuy có hâm nóng khí huyết, rượu bia tuy có làm cho mọi sự bất an giảm bớt, rượu bia có thể làm cho tình người, lòng người ấm lên một chút... nhưng ngoài kia, các anh cảnh sát giao thông đang chờ đợi, và một cú thổi của các anh, nghĩa là tiền triệu trôi đi, thậm chí chúc triệu mất toi, bằng lái bị giam, xe bị giam và mọi rắc rối bắt đầu... Vậy thì rượu bia làm chi, Tết nhứt chay tịnh cho nó lành!

Vậy là canh bạc Tết cũng đến lúc cao trào, sáng Ba mươi tháng Chạp, đã có nhiều chủ vườn hoa trút giận lên những cây hoa tội nghiệp, một năm dài được chăm bẵm, một năm dài được tưới tắm, những tưởng số phận tốt tươi, số phận may mắn, số phận được tỏa hương sắc, ai dè, cận kề Tết, chính người đã chăm bẵm, trộng nom, thương yêu của hoa trở thành kẻ hung thủ cầm rựa phạt ngang cuộc đời hoa. Cho dù Thượng Đế nhân từ có hiện ra trước kắt để mỉm cười hay yên ủi thì hoa mãi mãi không bao giờ hết được ngạc nhiên và cay đắng trước lúc chết, một cái chết bi thảm bởi một cuộc lật tẩy của canh bạc Tết.

Nhưng, sau canh bạc lạ lùng ấy, dường như không có kẻ thắng, mà chỉ toàn người thua, thua đau, cả một đất nước, một dân tộc đang thua, từ thua lòng người, thua nhân tình thế thái, thua hệ thống lãnh đạo, thua lòng tự trọng, thua sự liêm chính cho đến thua bài toán kinh tế không có đáp số. Kẻ gây tội vào tù, nhưng việc ngồi tù của chúng không thể cứu sống mấy chục ngàn nhân mạng, kẻ vấy tội đang bị còng tay hay đang thấp thỏm mất ăn mất ngủ, nhưng sự thấp thỏm, mất ăn mất ngủ của chúng chẳng thể nào bù đắp cho nỗi mất ngủ vì suy sụp kinh tế của cả một quốc gia.

Cuối năm, ra chợ hoa sao cứ như ra chiếu bạc, một canh bạc lạ lùng, với những gương mặt trầm trầm, buồn buồn, mệt mệt và có chút gì đó lơ đãng, phiêu diêu! Vậy là Tết!

🔝