VTV rút tên Petrus Trương Vĩnh Ký khỏi chương trình Xuân
Xóa các video về Trương Vĩnh Ký, VTV làm đúng hay sai?
Vụ tai nạn Cam Lộ - La Sơn: Khi cao tốc trở thành 'bẫy tử thần'
15 tháng 2 2024
Kênh VTV Cần Thơ vừa có động thái xóa tên nhà văn hóa, ngôn ngữ học Petrus Trương Vĩnh Ký khỏi số Tạp chí Xuân "Năm rồng trên đất chín rồng".
Cụ thể, trong phóng sự dài khoảng 55 phút, VTV Cần Thơ có đoạn đầu giới thiệu về vùng đất Tây Nam Bộ với những "địa linh nhân kiệt" và nhà đài đã lần lượt chiếu hình ảnh các nhân vật lịch sử như Bác Vật Lang, Trần Văn Khê, Nguyễn Đình Chiểu, Lương Định Của, Cao Văn Lầu, Lưu Hữu Phước, Trương Định, Võ Văn Kiệt, Tôn Đức Thắng... và Trương Vĩnh Ký.
Đi đôi với những hình ảnh này là lời bình: "Trải qua bao thăng trầm biến động, vượt lên bao mất mát hy sinh, vùng đất địa linh nhân kiệt luôn tự hào với những con người luôn sống mãi trong lịch sử dân tộc."
Điều đáng nói, chân dung và tên tuổi của nhà văn hóa Petrus Ký ở phút thứ 4:28 đã bị nhà đài đục bỏ, đè lên bằng hình nền cùng màu. Video này trên YouTube của VTV Cần Thơ cũng đã bị gỡ bỏ.
CHỤP MÀN HÌNH. Hình chân dung nhà văn hóa Trương Vĩnh Ký đã bị xóa (bên phải) trong video "Năm rồng trên đất chín rồng" của VTV Cần Thơ
Trước đó, trang Facebook Tifosi với khoảng 250.000 lượt theo dõi đã chỉ trích đài VTV, cho rằng ban biên tập VTV đặt Pétrus Trương Vĩnh Ký cùng với những "anh hùng, nhà cách mạng, nhà tư tưởng và yêu nước lớn của dân tộc" nói trên "là một sự xúc phạm to lớn."
Trang này còn cho rằng VTV đã cố gắng “tẩy trắng” cho Trương Vĩnh Ký, gọi đây là "những âm mưu rõ ràng là có ý đồ, như muốn len lỏi bào chữa cho những con người phản bội lại lợi ích quốc gia, dân tộc."
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng nhận định với BBC ngày 15/2 rằng VTV quyết định rút tên cụ Trương Vĩnh Ký ra khỏi chương trình là "chính trị", để tránh gây tranh cãi trong dư luận.
Đây không phải lần đầu mà những chương trình, sự kiện liên quan đến nhân vật Petrus Trương Vĩnh Ký bị "thổi còi".
Hồi tháng 1/2022, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ra chỉ thị cho các địa phương từ tỉnh đến thành phố không được dùng tên của hai nhân vật Trương Vĩnh Ký và Phan Thanh Giản để đặt cho đường phố hoặc các công trình công cộng.
Lý do được nêu là vì đây là những nhân vật "còn có những ý kiến đánh giá khác nhau hoặc chưa rõ về mặt lịch sử".
Định nghĩa của Ban Tuyên giáo đối với danh nhân phải là người "nổi tiếng, có đức, có tài, có đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như địa phương...".
Vào tháng 1/2017, cuốn sách “Petrus Ký, nỗi oan thế kỷ” do nhà nghiên cứu nổi tiếng Nguyễn Đình Đầu chủ biên đã bị thu hồi khỏi các hiệu sách và bị cấm phát hành ở Việt Nam. Buổi ra mắt sách đã bị hủy theo "một chỉ thị miệng" và báo chí được cảnh báo không đưa tin về cuốn sách này.
Đài VTV1 từng có chuyên mục Khát vọng non sông, trong đó có đoạn phim hoạt hình ngắn “Tuổi thơ Trương Vĩnh Ký". Hiện video này đã bị gỡ bỏ trên website của VTV.
Là người có tên trong nhóm cố vấn của chương trình Khát vọng non sông, ông Dương Trung Quốc nói với BBC rằng chương trình khi đưa ra xã hội lúc nào cũng sẽ có thử thách, có những ý kiến khác nhau.
"Vì khát vọng chung là mong muốn cho đất nước phát triển nhưng có những người cho đó là con đường đi ngược lại với lợi ích quốc gia. Tôi cho là nên tôn trọng lẫn nhau và nhà nước có vai trò cân nhắc làm sao đừng tạo ra những xung đột trong nhận thức xã hội."
CHỤP MÀN HÌNH. Tập nói về nhà văn hóa Trương Vĩnh Ký của chương trình Khát vọng non sông đã bị gỡ khỏi website của VTV
Còn PGS, TS Hoàng Dũng nói với BBC rằng, trong bối cảnh những sự kiện nói trên, việc VTV rút tên cụ Trương Vĩnh Ký là điều dễ hiểu, ông lý giải:
"Chỉ vì họ sợ hãi một không khí học thuật sôi nổi tranh luận về công-tội trước lịch sử! Không cứ gì Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký, những người sống cách ta hàng trăm năm mà cả những nhân vật ngay thời hiện đại cũng không dễ gì đạt được sự đồng thuận thực sự trong học giới về công-tội trước lịch sử," ông Dũng nói.
Nhà sử học Dương Trung Quốc bình luận với BBC rằng, việc đánh giá một con người trong giai đoạn lịch sử của họ là "không đơn giản", nhất là ở Việt Nam, một đất nước trải qua nhiều biến cố.
"Đặc biệt là thời hiện đại và cận đại để lại nhiều dấu ấn mà đòi hỏi một sự nhạy cảm hết sức để đánh giá. Tôi là người làm công tác lịch sử, làm báo, tổ chức các hội thảo thì có thể đo đếm được tính nhạy cảm ấy.
"Ví dụ cụ Trương Vĩnh Ký, nếu nói đến đóng góp của cụ đối với văn hóa, báo chí thì cụ có vị trí rất quan trọng, để lại nhiều công trình nghiên cứu, di sản rất quý giá. Nhưng đối với người Việt Nam, điều quan trọng là quan điểm chính trị, mà trong đó, quan trọng bật nhất là chủ nghĩa yêu nước.
"Trong chủ nghĩa yêu nước là giữa địch và ta, tức giữa Pháp và Việt Nam. Nên khi nói đến những nhân vật như Trương Vĩnh Ký, Phan Thanh Giản thì phải phân định rõ những chuyện đó. Nên khi làm những chương trình có tính chất công chúng thì phải hết sức nhạy bén," ông Dương Trung Quốc nói với BBC.
Nhà sử học phân tích thêm rằng, thời đại của Trương Vĩnh Ký có những bi kịch lớn, khiến cho cả một thế hệ trí thức Việt Nam phải đứng trước lựa chọn, bằng phương thức nào để thể hiện trách nhiệm của mình với dân tộc.
"Cũng có khuynh hướng hợp tác với Pháp để tránh đổ máu nhưng điều này đi ngược lại ý chí chung là tinh thần đấu tranh giành độc lập dân tộc, chống đô hộ, chống xâm lăng," ông Dương Trung Quốc nhìn nhận
Trước đây, tượng Petrus Ký được đặt ở công viên đối diện Dinh Độc Lập, hướng ra phía nhà thờ Đức Bà. Nhưng khi Sài Gòn sụp đổ vào tháng 4/1975, tượng Petrus Ký đã bị di dời, thay bằng một tấm bia tưởng niệm Cách mạng tháng Tám. Cùng lúc, con đường và ngôi trường mang tên Petrus Ký cũng bị xóa tên và cùng được đổi thành Lê Hồng Phong.
Tác giả Phúc Tiến viết trên tạp chí Xưa và Nay số Xuân Giáp Thìn rằng tượng đài Petrus Ký tuy không bị "hóa kiếp" thành tro bụi nhưng luôn trong tình trạng tản mát. Hiện bức tượng được đặt ở Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM nhưng chỉ được giới thiệu như một tác phẩm điêu khắc chứ không bàn gì về thân thế, sự nghiệp của ông.
"Thật là lạ, tượng Petrus Ký bị di dời ra một xó kẹt tại mặt hậu của tòa nhà chính. Hiện tại, khách đến thăm vẫn thấy tượng đặt bên vách tòa nhà, cách vài bước là khu vệ sinh".
Còn bệ và bia của tượng Petrus Ký, theo ghi chép của tác giả Phúc Tiến, đã bị tách rời và giữ ở Bảo tàng TP HCM nhưng gần đây, chúng bị bỏ trong một lùm cây sau tòa nhà chính khiến tác giả "xót xa, buồn giận về cách ứng xử phi văn hóa tại ngay hai địa điểm làm công tác văn hóa".
Cùng với những diễn biến trên, việc VTV Cần Thơ rút tên Trương Vĩnh Ký khỏi phóng sự của mình khi nói đến "địa linh nhân kiệt" vùng Tây Nam Bộ phần nào cho thấy hình ảnh của nhân vật như Trương Vĩnh Ký không được chính quyền hiện tại đón nhận.
PGS, TS Hoàng Dũng nói với BBC rằng, lẽ ra, chính Ban Tuyên giáo Trung ương phải có những động thái thúc đẩy công việc nghiên cứu về các “nhân vật lịch sử còn có ý kiến đánh giá khác nhau hoặc chưa rõ ràng về mặt lịch sử” để giải quyết điểm tắc trong chính sách về các nhân vật ấy. Nhưng, trên thực tế, chính Ban Tuyên giáo lại cản trở công việc này.
Bên cạnh đó, ông Dũng cho rằng giới nghiên cứu lịch sử phải đi đầu trong việc nghiên cứu, công bố về các nhân vật đang tranh cãi ấy, thuyết phục người đọc bằng chứng cứ, bằng tư liệu.
"Trước hay sau, ngay trong sách giáo khoa cho trẻ con học, cũng có những đánh giá thể hiện sự công bằng lịch sử. Vô phương chạy trốn!" ông Dũng bình luận với BBC.
Về vấn đề này, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng "nhà nước cũng không quá gay gắt đâu" vì vẫn có những hội thảo về Trương Vĩnh Ký, Phan Thanh Giản nhưng rõ ràng, được chấp nhận trong một sự dè dặt.
"Những kênh có tính chất chính thống như đài truyền hình, sách giáo khoa thì nhà nước phải có thái độ của mình. Tôi nghĩ thái độ của nhà nước cũng đúng mức thôi, trong lúc chưa tạo được sự thống nhất, còn xung đột trong nhận thức thì cố gắng né tránh, đừng gây sâu sắc thêm.
"Điều quan trọng là mỗi người dân nhận thức vấn đề về lịch sử trong bối cảnh của nó, có sự cảm thông đối với quá khứ. Mỗi người đứng ở quan điểm nào thì cũng cần nhìn nhận phía bên kia, từng bước, cùng với thời gian tạo ra nhận thức chung," ông Dương Trung Quốc đúc kết.
2024.02.16
Hình ông Petrus Ký trên bìa sách 'Petrus Ký – Nỗi oan thế kỷ', tác giả Nguyễn Đình Đầu. Photo courtesy of vanviet.info
Trong tuần đầu tháng 2 năm 2024, Đài truyền hình Quốc gia Việt Nam (VTV) đã xóa hai tập phim về Tuổi thơ của Trương Vĩnh Ký, thuộc loạt hoạt hình ‘Khát vọng non sông’, mà không có lời giải thích nào trên website của mình. Trương Vĩnh Ký là một học giả nổi tiếng của Việt Nam thế kỷ thứ 19, người viết nhiều tác phẩm về văn học, lịch sử, địa lý, dịch thuật...
Lên tiếng về việc này, ông Lê Thân, chủ nhiệm Câu Lạc bộ Lê Hiếu Đằng khi trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 16/2/2024 khẳng định rằng:
"Xóa bỏ video về ông là không hay, bởi vì không phải những người làm việc cho Tây là không yêu nước. Tức là ở đây có kiểu người ta muốn một là mày đứng bên tao, hai là mày đứng bên địch, cái đó không đúng. Có những người họ không theo bên nào cả, người ta lấy quyền lợi dân tộc làm trên hết. Họ có thể nương cái này, nương cái kia... miễn là đem lại lợi ích cho dân tộc là tốt rồi, mình phải hiểu như thế. Tôi chỉ nói nhân vật Trương Vĩnh Ký là một người có công với đất nước.”
Nguyên nhân VTV rút hai tập phim về ông Trương Vĩnh Ký được báo Nhà nước loan là do trên mạng xã hội có nhiều phản ứng, cho rằng ông Trương Vĩnh Ký là ‘tên đại Việt gian’.
Liên quan vấn đề này, ông Lê Thân nói:
“Không đúng, ổng làm sao là việt gian được. Thứ hai, ở trên mạng thì lắm chuyện kiểu như Nguyễn Đắc Xuân lên án ông Alexandre de Rhodes vì vấn đề chữ Quốc Ngữ. Trong khi ngay chính Nguyễn Đắc Xuân bây giờ cũng viết bằng chữ Quốc Ngữ. Chẳng lẽ vì vậy mà đi dẹp những gì liên quan đến ông Alexandre de Rhodes à, đâu có được. Bây giờ cuối cùng cũng không ai nghe họ, và người ta vẫn thờ ông Alexandre de Rhodes. Cho nên đừng đổ thừa cho dư luận trên mạng, dư luận trên mạng là ai, bao nhiêu người nói như vậy. Không được dùng chữ ‘dư luận trên mạng’, chẳng lẽ Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Việt Nam lãnh đạo đất nước này theo dư luận trên mạng?”
Tức là ở đây có kiểu người ta muốn một là mày đứng bên tao, hai là mày đứng bên địch, cái đó không đúng. Có những người họ không theo bên nào cả, người ta lấy quyền lợi dân tộc làm trên hết. -Ông Lê Thân |
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, một chuyên gia giáo dục Việt Nam, nguyên là giảng viên đại học Liège - Bỉ, cũng không đồng tình với luận điệu cho rằng ông Trương Vĩnh Ký là ‘tên đại Việt gian’, GS. Hưng nêu dẫn chứng:
“Vừa rồi một người đã tìm được trong ngân khố ở Paris, có một bản báo cáo của cảnh sát Pháp về hành vi của Trương Vĩnh Ký thời trước, nói rõ Trương Vĩnh Ký là một người rất nguy hiểm, là một người có tinh thần yêu nước và luôn luôn đòi hỏi, mong mỏi nước Việt Nam được độc lập. Thành ra những luận điểm sai lầm về Trương Vĩnh Ký nên sớm nghiên cứu lại để phục hồi sự thật về Ngài Trương Vĩnh Ký. Để sự tôn vinh Ngài Trương Vĩnh Ký được bình thường trở lại, đặc biệt nên đặt lại tên trường Petrus Trương Vĩnh Ký, một trường trung học danh giá ở Sài Gòn, phục hồi lại cái tên của người xứng đáng hơn hết, đó chính là Ngài Trương Vĩnh Ký.”
Qua sự việc này, GS. Nguyễn Đăng Hưng chia sẻ thêm về nhà văn hoá, ngôn ngữ học Trương Vĩnh Ký, theo quan điểm của ông với RFA hôm 16/2:
“Quan điểm của tôi về việc này cũng giống quan điểm của tôi về chữ Quốc Ngữ mà tôi là một người cổ võ và tôn vinh. Ngài Trương Vĩnh Ký là một nhà ngôn ngữ học Việt Nam thâm sâu và được sự ngưỡng mộ của nhiều người. Ngài Trương Vĩnh Ký là người có công phổ biến chữ Quốc Ngữ hồi thế kỷ thứ 19. Ngài là người sáng lập và là Tổng Biên tập tờ báo đầu tiên về chữ Quốc Ngữ là tờ Gia Định Báo... cho nên vấn đề công đức của Ngài Trương Vĩnh Ký là một chuyện không thể chối cãi.”
Ông Lê Thân, cũng góp thêm ý kiến rằng:
“Ông Trương Vĩnh Ký là một nhà giáo, một người yêu nước, nhưng ông sinh ra trong một thời đại như thế và chính người dân Việt Nam rất mang ơn ông, cho nên mới có tên trường Petrus Ký. Nếu nói rộng ra thì cả dân tộc Việt Nam mang ơn ông.”
Tập phim về Trương Vĩnh Ký của phóng sự 'Khát vọng non sông' đã bị gỡ khỏi website của VTV. Courtesy home.vn
Một tuần sau khi VTV xoá hai video về ông Trương Vĩnh Kỳ trong phát sóng loạt phim ‘Khát vọng non sông’, Kênh VTV Cần Thơ cũng có động thái tương tự khi xóa tên ông Trương Vĩnh Ký khỏi số Tạp chí Xuân ‘Năm rồng trên đất chín rồng’.
Cụ thể, trong phóng sự dài khoảng 55 phút về vùng đất Tây Nam Bộ với những ‘địa linh nhân kiệt’... VTV Cần Thơ đã lần lượt chiếu hình ảnh các nhân vật lịch sử như Bác Vật Lang, Trần Văn Khê, Nguyễn Đình Chiểu, Lương Định Của, Cao Văn Lầu, Lưu Hữu Phước, Trương Định, Võ Văn Kiệt, Tôn Đức Thắng... và Trương Vĩnh Ký. Tuy nhiên sau đó, những gì liên quan đến ông Trương Vĩnh Ký đều bị xóa bỏ trong phóng sự này. Video này trên kênh YouTube của VTV Cần Thơ cũng bị gỡ bỏ.
Phó giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Dũng, nhà nghiên cứu ngôn ngữ thuộc Đại học Sư phạm TPHCM nhận định với RFA hôm 16/2/2024 về việc làm trên của VTV:
“Công và tội của các nhân vật lịch sử được đánh giá như thế nào với việc VTV rút hay không rút tên Cụ Trương Vĩnh Ký là hai chuyện khác nhau. Với chuyện trước, họ làm được gì cho nước cho dân. Với chuyện sau, các quyết định về chính trị hiểu theo nghĩa có gây tranh cãi gì hay không? Hai năm trước đây, Ban Tuyên giáo Trung ương ra công văn đề ngày 5/1/2022 do Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương ký nêu rõ: ‘Cho đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa làm sáng tỏ được những vấn đề liên quan đến hai nhân vật Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký đối với lịch sử Việt Nam và quy định những nhân vật còn có ý kiến đánh giá khác nhau hoặc chưa rõ ràng về mặt lịch sử, chưa đặt tên đường phố hoặc công trình công cộng..."
Trước hay sau, ngay trong sách giáo khoa cho trẻ con học, cũng có những đánh giá thể hiện sự công bằng lịch sử. Vô phương chạy trốn! -Phó giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Dũng |
Với tình hình đó, theo Phó giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Dũng, việc VTV rút tên cụ Trương Vĩnh Ký là điều dễ hiểu. Ông Dũng nói tiếp:
“Còn nhớ đầu tháng 1 năm 2017, cuốn Petrus Ký – Nỗi oan thế kỷ do Nhà Nghiên cứu lão thành nổi tiếng Nguyễn Đình Đầu chủ biên, bị lệnh miệng thu hồi. Lẽ ra Ban Tuyên giáo Trung ương phải có những động thái thúc đẩy công việc nghiên cứu về các nhân vật lịch sử còn có ý kiến đánh giá khác nhau hoặc chưa rõ ràng để giải quyết điểm tắc trong chính sách về các nhân vật ấy. Nhưng, trên thực tế, chính Ban Tuyên giáo lại cản trở công việc này. Chỉ vì họ sợ hãi một không khí học thuật sôi nổi tranh luận về công, về tội trước lịch sử! Không cứ gì Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký, những người sống cách ta hàng trăm năm rất là nhiều. Ngay thời hiện đại cũng có nhiều nhân vật không dễ gì đạt được sự đồng thuận thực sự trong học giới về công hay tội trước lịch sử.”
Nhìn nhận đây là vấn đề nhạy cảm, nhưng theo Phó giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Dũng, tránh né sự đánh giá về công hay tội trước lịch sử không phải là cách giải quyết vấn đề. Ông Dũng cho rằng:
“Trước hay sau, ngay trong sách giáo khoa cho trẻ con học, cũng có những đánh giá thể hiện sự công bằng lịch sử. Vô phương chạy trốn!”
Sách ‘Petrus Ký – Nỗi oan thế kỷ’ của tác giả, học giả Nguyễn Đình Đầu đã được Cục Xuất Bản chấp thuận và cấp phép lưu chiểu từ cuối năm 2016. Tuy nhiên đến ngày 4/1/2017, một “lệnh miệng” được ban xuống yêu cầu hủy bỏ buổi ra mắt sách.
Theo trang truongvinhky.edu.vn, ông Trương Vĩnh Ký là danh nhân văn hoá của dân tộc . Tên khai sinh: Trương Chánh Ký , sau đổi là Trương Vĩnh Ký , tự là Sĩ Tải , tên thánh: Jean Baptiste Pétrus . Quê ở làng Cái Mơn, xã Vĩnh Thành, huyện Tân Minh, tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre).
Từ lúc mới 22 tuổi (năm 1859) ông Trương Vĩnh Ký đã có thể sử dụng thông thạo 15 ngôn ngữ phương Tây và 11 ngôn ngữ phương Đông. Năm 1860, ông nhận lời làm phiên dịch cho Pháp. Năm 1863, ông là thành viên của phái đoàn Phan Thanh Giản sang Pháp. Sau khi về nước, ông hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và báo chí. Năm 1866, làm hiệu trưởng trường đào tạo thông dịch viên ở Sài Gòn. Năm 1869 làm chủ nhiệm Gia Định báo. Những năm cuối đời, ông chuyên tâm dạy học và viết sách. Ông mất năm 1898.
19-2-2024
Giữa những ngày mùng Tết, đài truyền hình quốc gia Việt Nam (VTV) đã loại bỏ hai tập phim về tuổi thơ của Trương Vĩnh Ký trong loạt phim hoạt hình “Khát vọng non sông”. Truớc đó, hai tập phim này cũng bị loại bỏ bởi đài truyền hình Cần Thơ. Sự loại bỏ này, nhìn từ bên ngoài, giống như sự tiếp nối của hành động cấm ra mắt sách “Trương Vĩnh Ký, Nỗi Oan Thế Kỷ” của nhà biên soạn uy tín Nguyễn Đình Đầu!
Cuộc đời và sự nghiệp của Trương Vĩnh Ký thật có những điều khiến nhiều người thảo luận. Nhìn chung người đời sau xét ông trên hai phương diện: phương diện học thuật và phương diện chính trị. Dù có quan điểm của riêng mình, bài viết này không chủ ý trình bày quan điểm đó mà tìm hiểu về thái độ của xã hội đối với các quan điểm khác nhau về ông.
Tôi nhớ những ý kiến về công và tội của ông Trương Vĩnh Ký trước năm 1975. Trước tác của các bậc tiền bối như các ông Vương Hồng Sển, Sơn Nam, Nguyễn Văn Trung, Trương Bá Cần ở phương Nam, các ông Nguyễn Văn Tố, Vũ Ngọc Phan ở phương Bắc còn sẵn đó trên các giá sách Sài Gòn. Tôi chỉ xin nhắc lại rằng thời đó, ở Miền Nam, sự trình bày quan điểm về ông Trương Vĩnh Ký là không giới hạn. Hai vị giáo sư trường trung học Trương Vĩnh Ký là hai ông Nguyễn Xuân Hoàng (dạy Triết) và Nguyễn Minh Nhựt (dạy Sử), thảo luận với học sinh về đề tài này. Quan điểm của hai ông giống nhau: Trương Vĩnh Ký có công lớn về học thuật, về mở mang chữ quốc ngữ trong dân chúng, xây dựng nền tảng để người Việt sử dụng lợi khí này. Ông Trương Vĩnh Ký cũng có điều không nên là nhận lời cộng tác với vua Đồng Khánh, cần nhớ rằng vị vua này được Pháp đưa lên để an định xã hội khi vua Hàm Nghi vì chống Pháp phải bôn đào Tân Sở.
Hai vị Thầy dạy trong ngôi trường mang tên ông Trương Vĩnh Ký mà có thể bộc bạch những suy nghĩ không ủng hộ ông như vậy cho thấy xã hội thời đó tôn trọng tự do học thuật, tự do ngôn luận tới chừng nào. Trong trường cũng có những vị giáo sư không phê phán việc ông Trương Vĩnh Ký cộng tác với vua Đồng Khánh, các thầy với ý kiến khác biệt thảo luận trong tinh thần bè bạn và học hỏi nhau. Hai vị Nguyễn Xuân Hoàng và Nguyễn Minh Nhựt lắng nghe lập luận trái chiều từ đồng nghiệp, từ cả những học sinh lớp 11, lớp 12 như chúng tôi. Hai vị đó, dù có lập trường phê phán hành động của ông Trương Vĩnh Ký, vẫn tự hỏi: hay tiền nhân có ý gì sâu xa mà chúng ta không thấu hiểu? Cái tâm thế hoài nghi khoa học đó khiến hai ông rất sẵn sàng học hỏi, giúp hai ông ngày tiệm cận với chân lý, giúp chúng tôi mở mang tầm mắt và phương pháp luận khoa học, giúp xã hội an bình, không ai là thế lực thù địch của ai…
Các sự việc loại bỏ hai tập phim về tuổi thơ của Trương Vĩnh Ký, cấm ra mắt sách “Trương Vĩnh Ký, Nỗi Oan Thế Kỷ” cho thấy bầu không khí bây giờ hoàn toàn khác xưa. Bây giờ, xã hội Việt Nam do chính người Việt tổ chức quản lý mà sao không khí học thuật và ngôn luận lại hẹp hòi, ngột ngạt hơn thời trước tới dữ vậy?
Học giả Trương Vĩnh Ký, người được mời vào câu lạc bộ mười tám nhà bác học của Pháp “Savants du Monde”, người để lại cho đời trên trăm trước tác về văn học, sử địa, từ điển, dịch thuật… đích thị là một nhà khoa học am tường nhiều lãnh vực tư tưởng. Chắc chắn tầm tri thức và tư cách trí thức của nhân vật này cách xa những người đang cấm đoán và phán xét ông hôm nay!
Tư cách trí thức của Trương Vĩnh Ký cao như vậy, chắc hẳn ông luôn tôn trọng tinh thần hoài nghi khoa học. Bây giờ ông chịu sự phán xét của những người chỉ biết phe phái mình, chỉ đọc sách một chiều, chăm chăm cấm cửa các thảo luận tự do… thì đúng là ông chịu Nỗi Oan Thế Kỷ!
Miền Nam yêu mến và tôn trọng hai nhân vật Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký. Miền Nam là quê hương sinh ra hai ông, Miền Nam gần gũi và hiểu rõ hai ông! Cho dù hai ông xuất thân khác nhau, đời hoạt động khác nhau, Miền Nam vẫn yêu quý hai nhà trí thức thượng thặng, dù lương hay giáo, suốt đời hoạt động dấn thân. Tấm lòng này của dân Miền Nam được bộc lộ rõ ràng. Tên tuổi hai nhân vật đó bị vùi dập mấy chục năm nay. Cho dù đoạn sau này có nhẹ tay hơn một chút thì thái độ thô lỗ đó còn cách rất xa với tấm lòng tôn trọng, yêu quý hai ông của người Miền Nam. Xử tệ với hai ông có phải chính là xử tệ với tấm lòng và kiến thức Miền Nam? Nếu như vậy thì Nỗi Oan Thế Kỷ có là Nỗi Đau Thế Kỷ?
Cũng có thể nói, Nỗi Oan Thế Kỷ này đâu chỉ một ông Trương Vĩnh Ký chịu!
Lê Học Lãnh Vân, ngày 18 tháng 2 năm 2024
TB.: Bài này viết về Miền Nam vì tác giả chỉ biết Miền Nam, tác giả không dám viết về Miền Bắc vì e không đủ kiến thức!
20/02/2024
Hiện trường vụ tai nạn tại cao tốc Cam Lộ - La Sơn. (screenshot từ tuoitre.vn)
Những yêu cầu của ông Chính không mới. Đó là vấn nạn của cao tốc ở Việt Nam. Vấn nạn này từ đâu mà ra? Từ chỉ đạo của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam và các hệ thống này biết rất rõ về nguyên nhân!
Sau vụ tai nạn thảm khốc xảy ra hôm 18/2/2024 ở đoạn chạy qua xã Phong Thu, huyện Phong Điền của cao tốc Cam Lộ - La Sơn, khiến ba người trong một gia đình bốn người thiệt mạng (1), ông Phạm Minh Chính, Thủ tướng Việt Nam đã đưa ra hàng loạt yêu cầu với chính quyền tỉnh Thừa Thiên – Huế nói riêng, chính quyền các địa phương nói chung và Bộ Công an, Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT).
Đối với Bộ Công an, ông Chính yêu cầu: Khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn và xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân vi phạm quy định, gây ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Xác định làm rõ nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông và các nguyên nhân có liên quan để phục vụ công tác phòng ngừa tai nạn giao thông tương tự trong thời gian tới.
Còn đối với Bộ GTVT, ông Chính yêu cầu: Chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với các cơ quan có liên quan tiến hành rà soát và tăng cường tổ chức giao thông hợp lý trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn và hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng yếu, nhất là các tuyến cao tốc chỉ có 2 làn xe và các tuyến cao tốc không có làn dừng khẩn cấp; đặc biệt lưu ý bổ sung các kết cấu hộ lan, hốc cứu hộ, cứu nạn trên các tuyến cao tốc, quốc lộ trong cả nước (2).
***
Nếu chịu khó xem một số video clip ghi lại diễn biến vụ tai nạn vừa kể (3) và thực trạng giao thông trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn (4), ắt sẽ nhận ra tai nạn là tất yếu khi “cao tốc” vừa quá hẹp (mỗi chiều chỉ có một làn xe), vừa không có dải phân cách nhằm phòng ngừa xe ngược chiều đâm vào nhau. Cao tốc Cam Lộ - La Sơn được đưa vào sử dụng hồi cuối 2022 và lập tức trở thành nổi tiếng vì ngoài những hạn chế như vừa đề cập còn không có hệ thống đèn chiếu sáng, làn dừng khẩn cấp,...
Vụ tai nạn xảy ra vào sáng 18/2/2024 là do làn chính và làn dẫn vào cao tốc đột nhiên nhập thành một (5), dường như đó là lý do khiến người điều khiển xe loại năm chỗ bị bất ngờ nên ông ta cố gắng vượt từ bên trong ra bên ngoài để không đâm vào hàng rào của cao tốc và bị xe chở container chạy cùng chiều táng vào hông. Va chạm khiến xe năm chỗ lật ngửa, văng sang chiều đối diện rổi bị xe vận tải chạy ngược chiều húc thêm lần nữa, sau đó bị hất ra khỏi cao tốc. Sau va chạm với xe năm chỗ, xe vận tải chạy ngược chiều đâm thẳng vào xe chở container gây ra va chạm đầu tiên rồi bị một xe chở container khác chạy cùng chiều húc vào phía sau...
Nếu cao tốc Cam Lộ - La Sơn được thiết kế - thực hiện đúng tiêu chuẩn (đủ rộng, phân bố hợp lý - làn dẫn vào cao tốc đủ dài trước khi nhập vào làn chính, có dải phân cách), chắc chắn tai nạn không thảm khốc và không khiến công chúng phẫn nộ như vậy! Trên thực tế, suốt từ khi cao tốc Cam Lộ - La Sơn được đưa vào sử dụng đến nay, ngoài dân chúng (6), chính quyền các địa phương có liên quan như Quảng Trị đã lên tiếng bày tỏ sự lo ngại về rủi ro tiềm ẩn của “cao tốc” này (7).
Thậm chí, hồi tháng 10/2023, Bộ Công an Việt Nam đã gửi văn bản cho Bộ GTVT, đề nghị hạ cấp cao tốc Cam Lộ - La Sơn vì “cao tốc” này chỉ tương đương “đường cấp ba đồng bằng”. Trong văn bản vừa kể, Bộ Công an Việt Nam còn đề nghị Bộ GTVT “khắc phục những bất hợp lý về tổ chức giao thông trên các tuyến cao tốc”. Sau văn bản vừa kể, Bộ Công an và Bộ GTVT đã phối hợp khảo sát đoạn Cam Lộ - La Sơn và 11 tuyến cao tốc khác.
Đáng lưu ý, cho dù... “Đã phát hiện bảy đoạn, tuyến cao tốc chưa bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn đường cao tốc ngay từ khi xây dựng, đưa vào khai thác, sử dụng như không có dải phân cách cứng, không có làn dừng xe khẩn cấp hoặc có nhưng chưa bảo đảm bề rộng tiêu chuẩn, không đảm bảo hệ thống chiếu sáng ban đêm, tầm nhìn hạn chế... Trên tuyến đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng và nhiều vụ va chạm khác” (8)... nhưng cả các bộ hữu trách, lẫn chính phủ không làm gì cả!
***
Không phải tự nhiên mà trong công điện mới gửi sau vụ tai nạn thảm khốc trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn, ông Chính yêu cầu “tăng cường tổ chức giao thông hợp lý” và rà soát “hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng yếu, nhất là các tuyến cao tốc chỉ có hai làn xe và các tuyến cao tốc không có làn dừng khẩn cấp, đặc biệt lưu ý bổ sung các kết cấu hộ lan, hốc cứu hộ, cứu nạn trên các tuyến cao tốc, quốc lộ trong cả nước”.
Những yêu cầu của ông Chính không mới. Đó là vấn nạn của cao tốc ở Việt Nam. Vấn nạn này từ đâu mà ra? Từ chỉ đạo của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam và các hệ thống này biết rất rõ về nguyên nhân! Các hệ thống này muốn hoàn thành mục tiêu đã đề ra: Từ nay đến 2030 Việt Nam phải có 5.000 km cao tốc! Mục tiêu vừa kể không phải vì “quốc kế, dân sinh” mà là... “nhiệm vụ chính trị” nên trước thắc mắc của công chúng về việc tại sao các cao tốc ở Việt Nam thiếu an toàn (hẹp, không có hệ thống chiếu sáng, không có làn dừng khẩn cấp, không có dải phân cách), thiếu tiện nghi (không có trạm nghỉ - nhà vệ sinh), Bộ GTVT mới thản nhiên giải thích rằng vì cần hoàn thành chỉ tiêu, thành ra chính quyền chọn thực hiện theo kiểu “phân kỳ”, chỉ đầu tư vào phần chính để có “cao tốc”, còn phần phụ thì... từ từ mới... tính (9).
Không phải tự nhiên mà bất kể liên bộ GTVT – Cộng an thừa nhận “bảy đoạn, tuyến cao tốc chưa bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn đường cao tốc”, sau Thủ tướng gửi công điện với các nội dung như đã dẫn, Chánh Văn phòng Bộ GTVT vẫn khăng khăng: Tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn đã được thi công xây dựng tuân thủ theo đúng thiết kế, có đủ biển báo giao thông, vạch kẻ đường đầy đủ” và chỉ có “tài xế” chịu trách nhiệm (10). Hai chữ “làm rõ” chẳng xa lạ gì với dân chúng Việt Nam và “làm rõ” chỉ là như thế mà thôi!
Chú thích
(1) thanhnien
(2) baochinhphu
(3) facebook
(4) facebook
(5) facebook
(6) laodong
(7) thesaigontimes
(8) plo
(9) dangcongsan
(10) vietnamnet