logo-vuot

logo-HomNay

acrobat  📂  🏠   

Nước Việt - Hôm nay - 13

Tham nhũng “lan tràn” trong lĩnh vực thể thao!

Nhân viên y tế Việt Nam ‘ngoan’... nhất thế giới?

Y tế, giáo dục: Nhà nước bao cấp hay cho tự chủ, xã hội hoá?

Việt Nam còn hơn 1,58 triệu hộ nghèo và cận nghèo ‘đa chiều’

Ngọc Trinh ‘cảm ơn Đảng, Nhà nước’ sau khi bị tạm giam, nhận án treo về gây rối công cộng

Hà Nội: Chủ tiệm ồ ạt trả mặt bằng trước Tết

Tham nhũng “lan tràn” trong lĩnh vực thể thao!

Diễm Thi

2024.02.16

RFA

Vận động viên thể dục dụng cụ Việt Nam tham gia buổi tập luyện trước SEA Games lần thứ 31 tại cung thể thao Quần Ngựa, Hà Nội vào ngày 5 tháng 5 năm 2022. AFP

Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai mới đây ký ban hành Kết luận 70 của Bộ Chính trị về phát triển thể dục, thể thao trong tình hình mới. Theo đó, ngoài yêu cầu minh bạch và thường xuyên thanh tra việc thực hiện chính sách pháp luật trong lĩnh vực thể dục, thể thao, Bộ Chính trị yêu cầu kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm, tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực này.

Tham nhũng, ăn chặn tràn lan?

Trước khi Kết luận 70 được ban hành, một số lùm xùm liên quan việc ăn chặn tiền của vận động viên được đăng tải trên truyền thông nhà nước, như câu chuyện của vận động viên môn thể dục dụng cụ Phạm Như Phương ở Hà Nội vào đầu năm nay. Sau khi tuyên bố giải nghệ, vận động viên này cho báo chí biết, từ nhiều năm qua, mỗi tấm huy chương cô giành được phải nộp lại 10% tiền thưởng cho huấn luyện viên của mình. Vụ việc đang chờ xử lý theo yêu cầu của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội.

Hay trước đó, vào đầu tháng 10 năm 2023, báo chí Nhà nước có các bài tìm hiểu về bữa ăn nghèo nàn của các vận động viên bóng bàn trẻ Việt Nam, và nghi ngờ bữa ăn đã bị cắt xén so với tiêu chuẩn 320.000 đồng/ngày từ ngân sách nhà nước. Các vận động viên cho biết, họ phải thường xuyên tự đi mua đồ ăn thêm mới đủ sức tập. Cục Thể dục thể thao cho hay vẫn đang tiếp tục xác minh. Sau khi có đầy đủ thông tin, cục sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.

Ngành thể thao, cũng như các ngành khác, chịu chung một vấn đề mà cơ chế chính trị và quản lý hành chính đang mắc phải đó là tham nhũng tràn lan. Cán bộ muốn có một nguồn thu nhập để đảm bảo cuộc sống gia đình nhưng mức lương cơ bản mà họ nhận được lại quá thấp. Mức lương cơ bản quá thấp buộc họ phải nghĩ đến những cơ hội khác nhau để kiếm thêm thu nhập, và một trong các cách đó là tham nhũng. - Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ

Theo Nghị định 152/2018 của Chính phủ, mức lương trung bình của một huấn luyện viên đội tuyển quốc gia vào khoảng 13 triệu đồng/tháng. Huấn luyện viên đội trẻ quốc gia được hưởng khoảng 10 triệu đồng/tháng. Mức lương trung bình của một vận động viên đội tuyển quốc gia khoảng 7-8 triệu đồng/tháng.

Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ nêu nhận định của ông với RFA về chuyện tham nhũng, ăn chặn đã bị phát hiện trong lĩnh vực thể thao:

“Ngành thể thao, cũng như các ngành khác, chịu chung một vấn đề mà cơ chế chính trị và quản lý hành chính đang mắc phải đó là tham nhũng tràn lan. Cán bộ muốn có một nguồn thu nhập để đảm bảo cuộc sống gia đình nhưng mức lương cơ bản mà họ nhận được lại quá thấp. Mức lương cơ bản quá thấp buộc họ phải nghĩ đến những cơ hội khác nhau để kiếm thêm thu nhập, và một trong các cách đó là tham nhũng.

Một vấn đề khác nữa đó là cơ chế quản lý thiếu chặt chẽ, rõ ràng, và chưa chuyên nghiệp, dẫn đến việc nhập nhằng trong việc phân chia tiền thưởng giữa vận động viên và huấn luyện viên dẫn đến chỗ tạo ra những khoảng xám để cho việc tham nhũng có cơ hội xuất hiện. Việc có quá nhiều trường hợp tham nhũng vặt ở mọi cấp độ trong khi đó các cơ quan chống tham nhũng quá ít và quá yếu đã khiến tham nhũng trở thành một điều bình thường trong xã hội và cơ chế. Và khi mà mọi người đều ngầm hiểu đó là một điều bình thường thì khó mà dẹp được nó triệt để trong cơ chế hiện nay.”

Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ kết luận, khi tham nhũng đã trở thành một điều hiển nhiên và phổ biến trong chế độ, việc giới lãnh đạo cộng sản tuyên truyền chống tham nhũng chỉ là chiêu bài mị dân vì nếu chống tham nhũng triệt để thì còn đâu cán bộ mà điều hành bộ máy.

Chuyện huấn luyện viên ăn chặn tiền không phải bây giờ mới xảy ra, mà từ năm 2012, ba tay đua xe đạp Quân khu 7 là Trần Văn Quyền, Nguyễn Huỳnh Phú Lộc và Lê Hữu Phước đã tố cáo huấn luyện viên của họ là ông Vũ Minh Chiến ăn chặn tiền và đánh vận động viên. Trả lời báo chí lúc đó, Phó Giám đốc Trung tâm TDTT Quốc phòng 2 Trần Ngọc Trương Phúc khẳng định: “Huấn luyện viên Vũ Minh Chiến có thể cư xử không hợp lý nên dẫn đến hiểu lầm chứ không hề có chuyện ăn chặn tiền vận động viên…”.

Vận động viên Nguyễn Thị Bùi vui mừng sau khi giành huy chương vàng ở nội dung 110m vượt rào nữ tại SEA Games 31 tại Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội vào ngày 16 tháng 5 năm 2022. AFP

Bà Hồng Lan, có con trai từng tham gia đội tuyển bóng đá ở Sài Gòn, nói với RFA hôm 15 tháng 2 năm 2024:

“Tham nhũng, ăn chặn là cơ chế của chế độ cộng sản này rồi. Đã là cơ chế thì nó len lỏi được vào tất cả các ngành nghề. Nhưng ở những ngành nghề gì mà còn được nhà nước bao cấp thì nó kinh khủng. Chẳng hạn như thể thao, bưu chính, viễn thông, điện lực, nước, truyền hình, truyền thông… tất tần tật.

Thể thao bây giờ đang ở trong cơ chế mới mở cửa, có nghĩa là việc nuôi vận động viên là thuộc đầu tư của nhà nước. Nhưng gần đây quốc tế cũng quan tâm các hoạt động văn hóa, thể thao của Việt Nam, xã hội cũng thay đổi nên người ta trân trọng những vận động viên, nghệ sĩ mang hình ảnh, giá trị của một quốc gia, cho nên các doanh nghiệp họ tài trợ và thưởng cho vận động viên nhiều.”

Nói đến “lò của ông Trọng”, bà Lan kết luận: “Lò thì phải có củi. Đốt càng to thì củi càng to, thế thôi. Sau này họ thừa nhận tham nhũng là cơ chế của chế độ thì nó hết đốt. Những người đi bắt cũng ăn hối lộ không kém nhưng chưa bị lộ thôi”.

Cần phương thuốc “đắng” để chống tham nhũng

Sáng ngày 3 tháng 1 năm 2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 với chủ đề “Phát huy vai trò động lực của Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với sự phát triển bền vững đất nước”. Báo cáo có đoạn viết, năm 2023, đoàn thể thao Việt Nam đã giành thành tích xuất sắc, dẫn đầu toàn đoàn, vượt chỉ tiêu đề ra tại SEA Games 32 được tổ chức tại Campuchia với tổng cộng 136 huy chương vàng; hoàn thành chỉ tiêu ASIAD 19 tại Trung Quốc với 3 huy chương vàng; đội tuyển bóng đã nữ quốc gia lần đầu tiên giành quyền tham dự World Cup.

Tôi thực sự chẳng thấy có gì đáng ngạc nhiên trước tin này. Những quan chức tham nhũng này bao gồm từ anh công an giao thông đến ngay cả những người trong Bộ Chính trị. Tham nhũng đã là một căn bệnh ung thư và chỉ chờ chết. Việt Nam cần phải thay đổi thể chế chính trị ngay. Tự do, dân chủ và pháp trị sẽ là phương thuốc đắng cho Việt Nam, đắng nhưng dã tật! - Luật sư Vũ Đức Khanh

Theo tố cáo của vận động viên môn thể dục dụng cụ Phạm Như Phương, cứ mỗi huy chương họ giành được phải chia cho huấn luyện viên 10% tiền thưởng. Luật sư Vũ Đức Khanh nói với RFA quan điểm của ông:

“Tham nhũng là quốc nạn” và đây là điều ông Nông Đức Mạnh đã nói vào năm 1994 khi còn là Chủ tịch Quốc hội. Hơn 30 năm qua, tham nhũng chỉ ngày càng trầm trọng thêm, không hề suy giảm, lan rộng tới mọi lĩnh vực của đời sống người dân. Không có gì mà quan chức chính quyền không nhũng nhiễu để bòn rút, cướp bóc, bóc lột của cải của đất nước và người dân.

Tôi thực sự chẳng thấy có gì đáng ngạc nhiên trước tin này. Những quan chức tham nhũng này bao gồm từ anh công an giao thông đến ngay cả những người trong Bộ Chính trị. Tham nhũng đã là một căn bệnh ung thư và chỉ chờ chết. Việt Nam cần phải thay đổi thể chế chính trị ngay. Tự do, dân chủ và pháp trị sẽ là phương thuốc đắng cho Việt Nam, đắng nhưng dã tật!”

Theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 152/2018, mức thưởng với vận động viên đạt thành tích SEA Games 32 như sau: Huy chương vàng: 45 triệu đồng; Huy chương bạc: 25 triệu đồng; Huy chương đồng: 20 triệu đồng. Trường hợp vận động viên phá kỷ lục thành tích tại SEA Games 32 thì sẽ được thưởng thêm 20 triệu đồng.

🔝

Nhân viên y tế Việt Nam ‘ngoan’... nhất thế giới?

21/02/2024

Trân Văn

voatiengviet

Ngoài việc bị ngược đãi về thu nhập, chưa biết đến lúc nào mới có thể sống bằng lương, nhân viên y tế ở Việt Nam còn bị ngược đãi về khối lượng công việc phải đảm trách, môi trường làm việc thiếu đủ thứ, từ nhân sự đến trang bị, thiết bị, dược phẩm,... AFP

Nhìn một cách tổng quát, khả năng chịu đựng của nhân viên y tế ở Việt Nam có lẽ là... nhất thế giới và so với thiên hạ, trong quan hệ với giới cầm quyền, có lẽ nhân viên y tế ở Việt Nam thuộc loại... “ngoan” nhất thế giới!

Ông Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa XHCN Việt Nam vừa... “đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu chế độ đãi ngộ phù hợp cho nhân viên y tế trong tổng thể chính sách tiền lương(1). Không thể xác định ông Huệ là người thứ mấy trong số các viên chức hữu trách lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Cộng hòa XHCN Việt Nam trong 48 năm vừa qua đề cập đến “chế độ đãi ngộ phù hợp cho nhân viên y tế” và cũng không thể xác định đây là lần thứ bao nhiêu từ khi đảng CSVN quyết định đổi quốc hiệu thành Cộng hòa XHCN Việt Nam, những cá nhân như ông Huệ hứa hẹn, chỉ đạo về “chế độ đãi ngộ phù hợp cho nhân viên y tế” bởi... không thể đếm xuể! Không thể đếm xuể cả những thông tin, ý kiến về việc nhân viên y tế không đủ sống (2)!

Ngoài việc bị ngược đãi về thu nhập, chưa biết đến lúc nào mới có thể sống bằng lương, nhân viên y tế ở Việt Nam còn bị ngược đãi về khối lượng công việc phải đảm trách, môi trường làm việc thiếu đủ thứ, từ nhân sự đến trang bị, thiết bị, dược phẩm,... bị cưỡng ép giảm chi nên phải mua, phải dùng những thứ kém chất lượng (3), bị bảo hiểm y tế “đè đầu, cưỡi cổ” hành hạ đủ kiểu (4), bị bệnh nhân và thân nhân lăng mạ, hành hung thường xuyên tới mức phải đề nghị cấp áo giáp, khiên (5). Hồi cuối năm ngoái, khi thay mặt nhân viên y tế kể khổ tại nghị trường, một số đại biểu Quốc hội còn lưu ý đến chuyện, do chính sách bất cập, nhân viên y tế còn phải đối diện với nguy cơ bị xử lý hành chính, thậm chí xử lý hình sự (6)...

Nhìn một cách tổng quát, khả năng chịu đựng của nhân viên y tế ở Việt Nam có lẽ là... nhất thế giới và so với thiên hạ, trong quan hệ với giới cầm quyền, có lẽ nhân viên y tế ở Việt Nam thuộc loại... “ngoan” nhất thế giới!

***

Nam Hàn đang đối diện với khủng hoảng y tế hiếm có – khoảng 55% bác sĩ nội trú (6.415 người) trên toàn quốc nộp đơn từ nhiệm để phản đối chính quyền. Trong ngày 20/2/2024 có 25% bác sĩ nội trú (1.630 người) không đến bệnh viện. Đã có khoảng 30 trường hợp không được chữa bệnh (đa số là phẫu thuật) theo đúng lịch điều trị (7). Để đối phó với tình huống vừa kể, chính phủ Nam Hàn đã ra lệnh cho quân đội Nam Hàn mở cửa 12 quân y viện nhằm tiếp nhận các bệnh nhân cần cấp cứu (8). Chưa biết đến bao giờ cuộc đối đầu giữa các bác sĩ nội trú ở Nam Hàn với chính quyền mới kết thúc.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng vừa kể vì chính phủ Nam Hàn muốn các trường y tuyển thêm 2.000 sinh viên vào năm tới. Từ 2006 đến nay, mỗi năm, các trường y ở Nam Hàn chỉ tuyển 3.058 sinh viên, ít hơn 499 sinh viên theo dự định lúc đầu (3.507) cũng vì bị giới bác sĩ thời đó phản đối. Chính phủ Nam Hàn giải thích, sở dĩ phải tăng chỉ tiêu tuyển sinh thêm 2.000 kể từ năm tới vì số người già đang tăng rất nhanh (người già sẽ chiếm 20% dân số vào năm 2025 và tỷ lệ này sẽ là 30% vào năm 2035), nhiều chuyên khoa thiếu bác sĩ. Hiện nay, số bác sĩ tính trên 1.000 dân của Nam Hàn chỉ là 2,2 thấp hơn nhiều so với các quốc gia thành viên của OECD - Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (mức trung bình là 3,7 bác sĩ trên 1.000 dân)...

Với thực tế như thế, chính phủ Nam Hàn ước đoán, đến 2035, quốc gia này sẽ thiếu khoảng 15.000 bác sĩ và đó là lý do phải tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường y. Đồng thời chính phủ Nam Hàn còn dẫn việc nhiều quốc gia khác tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào trường y (Pháp tăng số lượng tuyển sinh vào các trường y từ 3.850 vào năm 2000 lên 10.000 vào năm 2020, Nhật tăng số lượng tuyển sinh vào các trường y từ 7.625 từ năm 2007 lên 9.384 vào năm 2023, sau khi nâng chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường y lên 9.000/năm Đức đã quyết định tuyển thêm 5.000 sinh viên/năm nữa cho các trường y,...) để biện minh cho quyết định của họ, tuy nhiên giới bác sĩ ở Nam Hàn đã chỉ trích những lý do này hết sức gay gắt...

Đáng lưu ý, chính phủ dẫn OECD để biện minh thì giới bác sĩ ở Nam Hàn cũng dẫn OECD để phản đối. Chẳng hạn tỷ lệ chăm sóc ngoại trú cho dân chúng Nam Hàn hiện là 14,7 lần/năm, cao hơn gấp đôi mức trung bình của OECD (5,9 lần/năm). Ước đoán thiếu bác sĩ không chính xác vì dân số đang giảm. Nhiều chuyên khoa (nhi, sản khoa – phụ khoa,...) thiếu bác sĩ vì... lỗi hệ thống, bảo hiểm y tế thanh toán thù lao quá thấp, trong khi thù lao mà dân chúng tự trả khi đến bác sĩ da liễu, bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ cao hơn nhiều. Sinh viên trường y sẽ chọn Da liễu khi điều trị da bằng laser nhận thù lao cao hơn nhiều lần thù lao mà một bác sĩ sản khoa được trả khi hộ sinh... Theo giới bác sĩ, Nam Hàn đã đủ bác sĩ, tăng thêm bác sĩ sẽ làm giảm chất lượng dịch vụ y tế trong tương lai...

Đối với hiện trạng, các bác sĩ (chủ yếu là bác sĩ nội trú) xin từ nhiệm hoặc tự ý bỏ việc hàng loạt để phản đối ý định của chính phủ Nam Hàn - nâng chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường y thêm 2.000/năm kể từ 2024, một số chuyên gia (chủ yếu là giáo sư thuộc khoa đào tạo quản lý bệnh viện ở các đại học) bảo với Korea Herald rằng, giới bác sĩ phản đối bởi Nam Hàn có nhiều bệnh viện, phòng khám tư và nhiều bác sĩ sẽ làm thu nhập của họ sụt giảm, chưa kể cách tính phí theo từng dịch vụ riêng biệt cũng là nguyên nhân. Giáo sư Jeong Hyoung-sun của Đại học Yonsei, giải thích: Nhiều bác sĩ hơn thì cạnh tranh nhiều hơn! Giáo sư Lee Ju-yul của Đại học Namseoul cũng nhận định tương tự: Nhiều bác sĩ hơn thì miếng bánh sẽ nhỏ hơn.

Năm 2020, chính phủ Nam Hàn đã từng có ý định nâng chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường y thêm 4.000 sinh viên song con số này được chia ra trong mười năm (từ 2022 đến 2032). Tuy nhiên chính phủ Nam Hàn phải bỏ ý định này vì điều đó bị giới bác sĩ phản đối trong khi đại dịch COVID-19 ở ngay trước cửa. Thế còn công chúng nghĩ sao? Dường như họ ủng hộ chính phủ. Kết quả một cuộc khảo sát do Nghiệp đoàn nhân viên y tế Nam Hàn thực hiện hồi cuối năm ngoái xác định có 89,3% dân chúng Nam Hàn ủng hộ tăng thêm bác sĩ. So với kết quả khảo sát cùng loại được thực hiện vào năm 2020 (69,6%) thì đã tăng thêm khoảng 20% (9).

***

Chưa biết kết quả cuộc đối đầu giữa chính phủ Nam Hàn và giới bác sĩ Nam Hàn ra sao. Người viết bài này không có ý định lạm bàn về đúng – sai. Mục đích của việc thuật lại chỉ nhằm cung cấp dữ liệu để so sánh. Nếu dân chủ thuần túy, không phải... “dân chủ XHCN” như Việt Nam thì chính quyền không thể áp đặt ý muốn của họ lên bất kỳ giới nào, kể cả khi điều đó liên quan đến lợi ích cộng đồng (quyền được khám bệnh, chữa bệnh của tất cả mọi người). Điều chỉnh là nghĩa vụ của tất cả các bên và bên nào cũng phải quan sát, ngẫm nghĩ về thái độ, phản ứng của công chúng. Tại sao nhân viên y tế Việt Nam lại... “ngoan”, cắn răng chấp nhận đủ điều phi lý từ năm này sang năm khác, từ thập niên này đến thập niên khác?

Câu trả lời là không... “ngoan” thì chết! Trong một xã hội thực thi “dân chủ XHCN”, cá nhân công dân hay cộng đồng chẳng là gì cả. Dù muốn hay không cũng phải tuân phục đảng cầm quyền vô điều kiện! Ở Việt Nam, có giới nào không... “ngoan”?

Chú thích

(1) vnexpress

(2) laodong

(3) tuoitre

(4) thanhnien

(5) cand

(6) xaydungchinhsach

(7) world

(8) stripes

(9) koreaherald

À partir de l’adresse <voatiengviet>

🔝

Y tế, giáo dục: Nhà nước bao cấp hay cho tự chủ, xã hội hoá?

RFA

2024.02.21

Ảnh minh họa: Phòng săn sóc đặc biệt tại một bệnh viện ở Hà Nội. AFP PHOTO

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hôm 20/2/2024 cho rằng không nên đẩy quá mức vấn đề tự chủ, xã hội hoá trong lĩnh vực y tế, giáo dục. Theo ông Huệ, ‘vai trò, trách nhiệm của nhà nước trong hai lĩnh vực này còn rất lớn… nhà nước phải lo, các cấp, các ngành phải lo’.

Liệu như vậy có giống như trở lại bao cấp? Đi ngược lại mục tiêu xã hội hóa do chính quốc hội đề ra trước đây?

Bác sĩ Đinh Đức Long, khi trao đổi với RFA hôm 21/2/2024 từ Sài Gòn, nhận định:

“Y tế, giáo dục là thuộc về an sinh xã hội, nên vai trò của nhà nước là quan trọng, xưa nay vẫn là nhà nước quyết định, còn xã hội hóa thực ra là không đáng bao nhiêu. Thí dụ như các trường đại học lớn đều thuộc nhà nước, tư nhân đầu tư có được mấy đâu, mà không có uy tín bằng. Cho nên ông Huệ nói cũng không sai, ổng nhấn mạnh vai trò nhà nước,  đừng nghĩ rằng xã hội hóa là khoán trắng cho tư nhân, nhà nước vẫn phải là người có trách nhiệm cao nhất, cuối cùng… Còn vận động tư nhân để tranh thủ những nguồn lực xã hội giúp cho giáo dục và y tế.”

Vì hàng rào pháp luật Việt Nam chưa hoàn chỉnh, cho nên được mặt này mất mặt kia. Đây là những kẽ hở, ví dụ như cán bộ có thể lợi dụng để tham nhũng.

-Bác sĩ Đinh Đức Long

Theo Bác sĩ Đinh Đức Long, với mục đích nhân đạo thì có thể kêu gọi, vận động các nguồn lực trong xã hội, nhưng không thể thoái thác vai trò nhà nước. Ông Long nói tiếp:

“Với tư cách là Chủ tịch Quốc hội, cơ quan quyền lực nhà nước, thì ông Huệ nói không sai. Tức là không thể ỷ lại vào nguồn lực xã hội hóa được, mà nhà nước phải là người chịu trách nhiệm cuối cùng. Bây giờ y tế, giáo dục làm sai thì người ta chửu đảng, chửi nhà nước, chứ người ta đâu có chửi doanh nghiệp tư nhân. Nhà nước cầm quyền mà để cho dân bệnh tật, hay dân dốt… thì trách nhiệm của nhà nước là chính, không thể thoái thác được.”

Tuy nhiên ông Long cho rằng việc nhà nước bao cấp hoàn toàn cho y tế và giáo dục cũng có mặt trái:

“Vì hàng rào pháp luật Việt Nam chưa hoàn chỉnh, cho nên được mặt này mất mặt kia. Đây là những kẽ hở, ví dụ như cán bộ có thể lợi dụng để tham nhũng, thông thầu hoặc ‘quân xanh quân đỏ’… cái đấy là có. Hoặc cũng có thể có cán bộ trong sáng, nhưng luật không chặt chẽ, người ta có thể căn cứ vào chuyện làm sai quy trình bắt tội người đó. Còn nhiều yếu tố, một là hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh, hai là năng lực cụ thể của người cán bộ có dám làm, dám chịu trách nhiệm không? Đây là câu chuyện dài.”

Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi khi trình Quốc hội hôm 13/6/2022 đã nhận được ý kiến cho rằng ‘liên doanh, liên kết’ trong bệnh viện công khó quản lý, dễ nảy sinh tiêu cực, móc ngoặc… Liệu có phải vì lo ngại đó nên Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mới có ý kiến như vừa nêu?

Ảnh minh họa: Quầy bán sách giáo khoa lớp 1 ở Sài Gòn. RFA.

Bác sĩ Phạm Ngọc Thắng ở Hà Nội, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này cho rằng:

“Tất cả những liên doanh- liên kết nếu làm nghiêm túc thì đây là việc làm tốt, nhưng họ tăng giá bóc lột người dân. Tất cả hệ thống y tế tốt trên thế giới thì đều là tư nhân, nhưng ở Việt Nam họ cổ phần hóa một cách ăn cướp. Đầu tư y tế công mấy chục năm qua kể từ năm 1945 thành lập nước, năm 1954 chiến thắng Điện Biên Phủ, rồi năm 1975, 1990 thì gần như mỗi tỉnh chỉ có một bệnh viện. Đầu tư công cho y tế cực kỳ thấp, nên chuyện liên doanh- liên kết giữa bệnh viện đối với các đối tác xã hội là điều tốt. Nó chỉ không tốt nếu giả dối tiêu cực, giá một đằng, bóc lột một nẻo. Đây cũng là nỗi khổ của những người làm ngành y như chúng tôi, không làm thì bệnh nhân không có gì dùng, nhưng làm gì thì chỉ cần tham lam một tí là bước sang tà đạo.”

Tương tự trong lĩnh vực giáo dục, Nghị quyết 88 – ban hành năm 2014 được truyền thông loan, lại khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông. Với mục đích xã hội hóa ngành giáo dục… Nhưng Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến hôm 14/8/2023 lại yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phải biên soạn một bộ sách giáo khoa. Điều này đi ngược lại mục tiêu xã hội hóa giáo dục do chính nhà nước đưa ra.

Trong số 63-64 tỉnh thành của cả nước thì có đến hàng chục giám đốc Sở Giáo dục đã bị bắt bỏ tù vì những sai phạm trong mua sắm đấu thầu… Tôi thấy những tiêu cực đấy chủ yếu rơi vào các lĩnh vực do nhà nước trực tiếp quản lý.

-Cựu Trung tá Vũ Minh Trí

Cựu Trung tá Vũ Minh Trí cho RFA biết ý kiến từ Hà Nội hôm 21/2/2024:

“Tôi thấy nhà nước vốn đã bao cấp từ sau hòa bình lập lại ở miền Bắc, rồi sau năm 1975 trên cả nước. Nhà nước khi đó đã tiến hành công hữu hầu hết các hoạt động về y tế và giáo dục, lúc bấy giờ không có trường dân lập, chỉ có ở bậc mầm non, còn những trường thuộc tổ chức tôn giáo hoặc tổ chức xã hội nghề nghiệp đều bị giải tán hết. Về sau nhà nước không huy động được nguồn lực làm cho hoạt động y tế và giáo dục ngày càng xuống cấp, ngày càng không đáp ứng được nhu cầu của nhân dân… thì nhà nước mới thả ra cho tư nhân làm.”

Tuy nhiên theo ông Trí, việc thả ra nhưng thiếu quản lý dẫn đến nhiều tai tiếng tiêu cực, điển hình gần đây nhất là vụ Việt Á. Ông Trí cho biết thêm về mặt giáo dục:

“Về mặt giáo dục, trong số 63-64 tỉnh thành của cả nước thì có đến hàng chục giám đốc Sở Giáo dục đã bị bắt bỏ tù vì những sai phạm trong mua sắm đấu thầu… Tôi thấy những tiêu cực đấy chủ yếu rơi vào các lĩnh vực do nhà nước trực tiếp quản lý. Còn các giám đốc bệnh viện tư, hiệu trưởng các trường dân lập thì có bị bắt đâu?”

Ông Trí cho rằng, có thể nhà nước bây giờ thấy y tế và giáo dục là nơi có thể có nguồn thu tốt, cho nên mới tăng cường quản lý. Chứ về mặt nguyên tắc theo ông Trí, nhà nước không nên can thiệp sâu vào bất cứ một lĩnh vực nào của đời sống kinh tế xã hội, kể cả y tế và giáo dục.

🔝

Việt Nam còn hơn 1,58 triệu hộ nghèo và cận nghèo ‘đa chiều’

2024.02.21

RFA

Minh họa: Nhà dân nằm trên bờ sông Hồng của Hà Nội. AFP

Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội (LĐ-TB-XH) Việt Nam công bố thống kê mới nhất vể số hộ nghèo, cận nghèo đa chiều trên cả nước.

Thông tấn xã Việt Nam loan tin ngày 20/2 dẫn quyết định công bố kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 trên cả nước.

Theo đó, tỷ lệ nghèo đa chiều (gồm tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo) chung của Việt Nam trong năm 2023 là 5,71%; tổng số hộ nghèo và hộ cận nghèo đa chiều là 1.586.336 hộ.

Trong sáu vùng của cả nước, vùng trung du & miền núi phía Bắc có tỷ lệ nghèo đa chiều cao nhất; vùng Tây Nguyên thứ hai: vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung thứ ba; vùng Đồng bằng Sông Cửu Long thứ tư; vùng Đồng bằng Sông Hồng thứ năm; và vùng Đông Nam bộ thứ sáu.

Căn cứ trên số liệu vừa công bố, Bộ LĐ-TB-XH Việt Nam sẽ thực hiện các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội, các chính sách kinh tế- xã hội khác từ đầu năm 2024.

🔝

Ngọc Trinh ‘cảm ơn Đảng, Nhà nước’ sau khi bị tạm giam, nhận án treo về gây rối công cộng

07/02/2024

VOA Tiếng Việt

Một bài đăng trên trang NGỌC TRINH hôm 5/2/2024 nói lời cảm ơn đến "Đảng, Nhà nước".

Người mẫu nhiều thị phi Ngọc Trinh, còn được biết đến với danh xưng “nữ hoàng nội y”, mới gửi lời cảm ơn tới Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam sau hơn 3 tháng bị tạm giam và vừa nhận án tù treo về tội gây rối trật tự công cộng.

Theo quan sát của VOA, trên trang Facebook dành cho người hâm mộ mang tên “NGỌC TRINH”, được mô tả là “Fanpage chính thức và duy nhất”, vào đầu giờ chiều ngày 5/2 xuất hiện bài đăng ở chế độ công khai và mở đầu bằng câu “Trưởng thành hơn sau những lần vấp ngã!!!”

Ngay sau lời chào tới người đọc fanpage mà nữ người mẫu gọi họ là những người bạn “đã luôn ủng hộ và động viên Trinh bấy lâu nay”, bà bày tỏ rằng: “Trước tiên, Trinh xin chân thành gửi lời cảm ơn tới Đảng, Nhà nước và pháp luật đã cho Trinh cơ hội quay trở lại cuộc sống thường nhật để thực hiện những ước mơ và công việc còn đang dang dở”.

Tiếp đến, Ngọc Trinh viết trên trang có tới hơn 5,9 triệu người theo dõi rằng bà “cũng muốn gửi lời xin lỗi chân thành tới những người xung quanh đã phải chịu ảnh hưởng bởi hành động của Trinh”.

Như VOA đã đưa tin, người mẫu 35 tuổi có tên đầy đủ là Trần Thị Ngọc Trinh nhận án tù treo 1 năm trong một phiên tòa ở thành phố Hồ Chí Minh hôm 2/2 về tội “Gây rối trật tự công cộng” và được thả ngay sau phiên xét xử.

Bà và một người đàn ông có tên là Trần Xuân Đông bị công an bắt hồi tháng 10/2023 vì hành vi lái xe mô tô nguy hiểm, không những thế còn ghi hình và đăng lên mạng xã hội, thu hút hơn 163 triệu lượt tương tác, bị nhà chức trách xem là gây ảnh hưởng tiêu cực trên diện rộng.

Tại phiên xét xử mới đây, tòa án cho rằng thời gian tạm giam và mức án treo là đủ để răn đe bà Ngọc Trinh, trong khi đó, ông Đông phải nhận mức án 1,5 năm tù vì ông này “phạm tội nhiều lần” và “sử dụng tài liệu giả”.

Chia sẻ với người theo dõi fanpage, nữ người mẫu cho hay sự việc vừa qua được bà xem là cơ hội để nhìn nhận lại bản thân.

Bà Trinh tâm sự rằng giờ đây bà ý thức được rằng “với tư cách là người của công chúng”, bà “cần có trách nhiệm hơn trong trong việc truyền tải thông điệp truyền thông chuẩn mực hơn đến thế hệ trẻ”.

Bà đưa ra tuyên bố: “Từ giờ trở đi, Trinh sẽ cố gắng không ngừng hoàn thiện bản thân để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Trinh mong muốn mang đến những giá trị tích cực cho cộng đồng thông qua công việc và lối sống lành mạnh, gương mẫu. Và Trinh sẽ cố gắng nhiều hơn nữa để xây dựng hình ảnh lành mạnh, góp phần mang đến những điều tích cực cho xã hội”.

Nữ người mẫu dành một phần bài viết để bày tỏ sự day dứt, áy náy và nói lời xin lỗi “bà con Trà Vinh”, những người dân cùng quê với bà, về việc bà không thể đến thăm, tặng quà cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn vào cuối năm 2023 như đã hứa, do xảy ra vụ việc nêu trên.

Để bù lại, bà Trinh cho hay bà cùng công ty của mình đã lên kế hoạch gấp rút đi Trà Vinh “ngay sau Tết, sớm nhất có thể”.

Cuối bài viết, nữ người mẫu vừa được nhà chức trách trả tự do nói với người hâm mộ rằng bà “rất xúc động”, “hạnh phúc” cũng như “cảm ơn từ tận đáy lòng” về tình cảm yêu thương, ủng hộ và những lời động viên của họ, mà bà xem là “liều thuốc tinh thần quý giá, giúp Trinh vực dậy tinh thần để quên những ngày u ám vừa qua”, và bà gửi lời chúc Tết đến tất cả mọi người.

Bài viết nhận được hơn 250.000 sự tương tác gồm các phản ứng “yêu”, “thích” và những lời an ủi hoặc bày tỏ sự yêu mến.

Bên ngoài fanpage của Ngọc Trinh, theo quan sát của VOA, có nhiều người bàn luận về bài viết của nữ người mẫu.

Một số người lưu ý đến thể chế chính trị độc đảng ở Việt Nam, vốn bị các nước phương Tây và nhiều tổ chức theo dõi nhân quyền coi là không có nền tư pháp độc lập, từ đó nhận định rằng nữ người mẫu muốn yên thân, không bị triệt đường sống nên bà cảm ơn theo thứ tự là Đảng, Nhà nước và cuối cùng mới đến pháp luật cũng là điều dễ hiểu.

Có những người khác phỏng đoán rằng bài viết dài khác thường là do trợ lý của Ngọc Trinh viết hoặc có sự gợi ý của cơ quan tuyên giáo thuộc nhà nước. Nếu là trường hợp thứ hai, họ cho rằng bộ máy tuyên giáo được lợi lớn khi việc răn đe một nhân vật nổi tiếng trong giới biểu diễn đã mang lại cho nhà nước một tuyên truyền viên có hàng triệu người theo dõi.

Bên cạnh đó, còn có hai luồng ý kiến nữa, với một bên tỏ ý không vui khi nữ người mẫu chỉ cảm ơn Đảng, Nhà nước, mà không đoái hoài tới làn sóng dư luận trên mạng xã hội đã phản đối việc bắt giam bà vì nhiều người cho rằng nhà chức trách đã lạm quyền. Ngược lại, một bên nói rằng việc nhiều người lên tiếng là vì họ thấy bất bình với việc áp dụng luật một cách tùy tiện, họ thể hiện trách nhiệm với xã hội nói chung, chứ không vì một cá nhân cụ thể là Ngọc Trinh.

Như tin của VOA đã đưa, ngay sau khi nữ người mẫu bị bắt, trong nhiều ngày, có một lượng đông đảo những người sử dụng mạng xã hội, bao gồm cả các luật sư và nhà hoạt động, đã bày tỏ quan điểm rằng nhà chức trách xử phạt hành chính bà Ngọc Trinh là đúng, nhưng sau đó lại khởi tố hình sự là khiên cưỡng. Không ít người lo ngại về điều sâu xa hơn, đó là sự tùy tiện diễn dịch luật pháp và bắt bớ công dân.

Hôm 6/2, VOA liên lạc với bà Ngọc Trinh qua fanpage và email để tìm hiểu thêm về bài tâm sự của bà cũng như bà có phản ứng gì về các lời bình luận trái chiều, nhưng chưa nhận được hồi đáp.

🔝

Hà Nội: Chủ tiệm ồ ạt trả mặt bằng trước Tết

01/02/2024

Nguyễn Lại

Capture à partir de :voatiengviet

Ảnh tư liệu - Hà Nội những ngày giáp Tết tình trạng ùn tắc giao thông gia tăng nhưng nhiều người cho biết rằng lại không có mấy ai ra đường mua sắm Tết.

Washington DC — Thủ đô Hà Nội, trung tâm kinh tế lớn thứ nhì của cả nước, từ mấy tháng trở lại đây chứng kiến tình trạng mặt bằng cho thuê tại các khu phố trung tâm, vốn rất đắt đỏ và nhộn nhịp xưa nay, bỗng trở lên vắng vẻ tiêu điều. Biển quảng cáo tìm người thuê mặt bằng treo khắp mặt tiền rất nhiều căn nhà trên các con phố như Hai Bà Trưng, Nguyễn Thái Học, Phùng Hưng…

Các chủ mặt bằng này vốn trước đây “hốt bạc” nhờ tiền cho thuê nhiều khi lên tới hàng trăm triệu đồng một tháng, giờ “méo mặt” vì không tìm ra người thuê trong khi số tiền đầu tư để mua những mặt bằng trung tâm này thường trên chục tỉ.

Anh N.V.A, một chủ mặt bằng cho thuê ở quận Hoàn Kiếm, cho biết mấy tháng nay căn nhà mặt tiền của anh trên phố Phùng Hưng đã bị trả lại mà không thể tìm được người thuê mới. Sau dịch COVID anh những mong đời sống kinh tế và kinh doanh khấm khá lên để có thể tăng giá thuê lên một chút.

“Tăng lên 32 triệu đồng/tháng người ta không đàm phán được thì người ta chuyển đi chỗ khác. Sau đó thì cho thuê được 6 tháng là người ta không trụ được rồi trả mặt bằng và từ đó là không cho thuê được nữa. Tôi đã phải giảm giá tới 50% rồi mà vẫn không có người thuê, chứ không phải chuyện đơn giản đâu,” anh A cho VOA biết.

Cùng chung hoàn cảnh là anh T.Q.D, một chủ cho thuê mặt bằng cũng tại quận Hoàn Kiếm. Anh cho biết mặt bằng cho thuê của anh vốn từ nhiều năm nay được một chủ tiệm cắt tóc thời trang nữ thuê lại với giá khá cao. Nhưng đến thời điểm giáp Tết này, sau nhiều tháng gắng gượng, chủ tiệm đã thông báo trả mặt bằng. Anh D muốn cầm chân họ với mức giá cũng giảm tới 50%, mà theo anh là giới hạn cuối cùng so với số tiền anh đã bỏ ra để đầu tư mua lại mặt bằng này, mà vẫn không thành công.

“Cái nhà mặt phố đầu tư vào mua mất mấy chục tỉ mà cho thuê 5 – 7 triệu đồng/tháng thì không được. Bắt buộc phải cho thuê cao thì mới bù đắp được. Ít nhất thì cũng phải hơn lãi suất ngân hàng chứ,” anh D nói.

Anh D cho hay chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là phân khúc mặt bằng cho thuê tại những khu vực trung tâm, còn mặt bằng cho thuê tại những quận xa hơn, vốn không sầm uất thì còn tạm ổn.

“10 – 20 triệu/tháng thì người ta dễ thuê. Chứ cái nhà mà thuê khoảng từ 3.000 đô la/tháng trở lên là cả vấn đề. Nếu chỉ để bán điện thoại hay làm tóc thì không ăn thua. Ngày xưa chủ làm tóc thường thuê những địa điểm đẹp nhưng giờ không có khách họ cũng phải trả. Trước họ thuê khoảng 60 – 700 triệu/tháng nhưng làm tóc nữ, đặc biệt là dịp Tết này đông nghịt, chị em đi làm nhiều, làm đầu, ép tóc các kiểu, có cái đầu lên tới cả chục triệu là chuyện bình thường,” anh D cho biết thêm.

Anh L.N.T, một chủ nhà hàng cao cấp vừa trả mặt bằng xong, cho biết mọi năm vào dịp này, các doanh nghiệp lớn, các cơ quan liên hoan nhiều nên nhà hàng của anh lúc nào cũng không có chỗ trống. Khách muốn đặt tiệc phải liên hệ trước từ sớm. Nhưng năm nay tình trạng kinh doanh rất ế ẩm.

“Có lẽ từ những năm 2.000 đến nay thì mình chưa từng thấy khi nào ảm đạm như bây giờ,” anh T than thở.

Anh cho biết thêm khi liên hệ với một số khách hàng thân thiết vốn thường xuyên ủng hộ nhà hàng thì được họ cho biết giờ đây thậm chí họ còn mang cơm nhà đi ăn trưa ngay tại nơi làm việc, tối thì cũng về ăn cơm nhà vì sợ tai tiếng, và họ cũng đang trong giai đoạn khó khăn.

“Bây giờ người ta truy lại mọi thứ từ những nhiệm kỳ trước người tra cũng vẫn bắt. Ông Trần Cẩm Tú lên, ông ấy lê máy chém đi khắp các địa phương thì còn làm ăn được gì,” anh T chia sẻ thêm với VOA.

Người dân cạn tiền trong khi doanh nghiệp thì khó khăn, cắt giảm thưởng Tết, khiến mọi người đều phải tiết kiệm chi tiêu là nhận định chung của nhiều người khi được VOA phỏng vấn.

Anh N.P.N, một phóng viên lâu năm tại một cơ quan báo chí trung ương, cho biết thưởng Tết năm nay tại tòa soạn của anh đã giảm tới hơn 8/10 so với mọi năm. Nhưng như thế vẫn còn là may.

“Thưởng Tết suy giảm nhiều lắm. Mọi năm thì bọn tôi được thưởng khoảng 30 – 40 triệu/người. Nhưng năm nay nghe đâu được có 5,5 triệu. Trong khi công ty vợ tôi làm mọi năm có thêm tháng lương thưởng Tết thì năm nay còn chẳng có thưởng gì,” anh N chia sẻ.

Hiện giờ, vợ chồng anh đang đau đầu xoay sở để về quê ăn Tết.

“Mình mà không xoay sở được thì méo mặt đấy. Vì trường hợp như tôi mà không có nổi 50 triệu thì đừng có nói chuyện về quê nữa,” anh N nói.

Trao đổi với báo chí nhà nước, ông Nguyễn Quốc Khánh, phó chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, thừa nhận nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nhiều sàn thương mại ở Hà Nội vắng bóng người thuê do nhu cầu tiêu dùng thấp.

Truyền thông Việt Nam cũng trích dẫn các chuyên gia cho biết nguyên nhân khiến tình trạng cho thuê mặt bằng thương mại tại các thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội ế ẩm là vì người tiêu dùng đang có xu hướng chuyển sang mua sắm online, nhất là qua các sàn thương mại điện tử, vừa đa dạng vừa tiện lợi.

Truyền thông nhà nước nói căn cứ chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được Quốc hội thông qua, chính phủ đã xây dựng hai kịch bản tăng trưởng GDP trong năm nay ở mức 6 và 6,5%.

Tuy nhiên, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) thừa nhận rằng năm 2024 này là một năm không mấy dễ dàng với kinh tế Việt Nam vì những khó khăn nội tại của nền kinh tế từ năm ngoái vẫn sẽ tiếp tục kéo dài và rằng ở kịch bản tăng trưởng thấp thì chỉ số tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ chỉ đạt 5,5% trong năm nay.

🔝