Tư sản đỏ, xã hội đen = Mafia đỏ
Tư sản đỏ, xã hội đen - 6 - Cướp chợ
Thái Hạo
9-2-2024
Kỳ 1: Chợ Trường Sơn, Nông cống, Thanh Hóa
Clip bên dưới là tôi quay tại chợ xã Trường Sơn, Nông cống, Thanh Hóa, sáng 30 Tết. Một người bán hoa quả với lèo tèo mấy thùng xốp, bị thu 200.000đ (hai trăm nghìn đồng). Sau vài câu phân trần, bà này bị đuổi mang hàng về.
Tôi theo người đàn ông thu tiền chợ này đi dọc theo các hàng, và kinh hoàng với số tiền bị thu như cướp bóc. Tay giật tiền, miệng chửi bới đe dọa, liên tục những cái chỉ tay và tiếng “cút, cút”. Không một ai dám hó hé nói lại, chỉ phân trần và xin.
Cũng từ chợ này tôi được nghe những chuyện ghê rợn hơn về nạn thu tiền phí. Một người bán thịt lợn ngày Tết, mang khoảng một tạ thịt vào chợ bị thu 500 nghìn! Ngày thường ít hơn, nhưng cũng tàn bạo đến đáng sợ. Tiểu thương trong chợ cho biết, người thu tiền tên là Long.
Đi hết một vòng chợ theo chân người đàn ông kia, tôi quay trở lại chỗ người bán trái cây trong clip, mua vài thứ và hỏi chuyện “Cô đã nộp tiền phí chợ chưa?”. Nói “Chưa, vì ông ấy chưa quay lại. Tôi gọi điện cho anh nhà tôi [chồng] lên chở về nhưng ảnh bảo thôi đưa đi cho xong, rồi bán đổ bán tháo đi mà về”.
Quy định về thu phí chợ đã được UBND tỉnh Thanh Hóa quy định cụ thể, chi tiết. Theo đó, đối với chợ loại 3 (chợ xã) mức thu phí đối với người bán hàng cố định có thuê sạp trong chợ chỉ từ 10 đến 25 nghìn/ tháng, tùy diện tích và vị trí sạp; còn đối với người buôn bán vãng lai, mỗi lượt vào chợ chỉ từ 1 đến 2 nghìn đồng.
Xin hỏi, chính quyền xã Trường Sơn và huyện Nông Cống ở đâu mà để nạn thu phí chợ tàn bạo như cướp hoành hành từ năm này qua năm khác như vậy?
Đáng nói, theo chia sẻ của người dân ở các địa phương khác thì tình trạng thu phí như cướp này diễn ra ở khắp các chợ truyền thống.
– Quy định về mức thu phí chợ do UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành: https://vbpl.vn/thanhhoa/Pages/vbpq-toanvan.aspx?ItemID=48512
* Tôi sẽ tiếp tục công bố những chợ khác mà mình đã ghi lại được. Kỳ tiếp theo: Chợ chào.
Thái Hạo
10-2-2024
(Chợ Trường Sơn – tiếp theo)
Đã gần hết ngày mồng Một Tết, xin tiếp tục câu chuyện “cướp chợ” ở chợ Trường Sơn, Nông Cống, Thanh Hóa. Phần đầu đã đăng, xin xem ở đây.
I. Đoạn clip bên dưới (quay tại chợ Trường Sơn sáng 30 Tết) là tiếng “anh Long” đang chỉ tay và quát vào mặt những người bán cá: “Cút lên tê nhá, ngồi đây chết với tau. Con ni nữa, cho ngồi hôm nay nhá, còn cút lên tê nhá. Nhớ nhá!”. Cả một dãy những người phụ nữ bán cá không ai dám nói lại tiếng nào, mặt tái mét, cố cười gượng gạo lấy lòng.
Tôi ghé lại và hỏi họ: Ông kia là ai và tại sao lại đuổi các cô. Họ cho biết: Đó là ông Long, chủ chợ. Để bán cá ở chợ này, cách đây khoảng hơn một tháng họ đã phải nộp tiền chỗ ngồi 2 triệu đồng, nhưng vì ông Long xếp cho ngồi mãi trên góc xa không có khách mua, nên 30 Tết rồi họ mới mon men xuống đây ngồi để mong bán được chút hàng. Ông Long không cho và nói, nếu muốn ngồi đây thì phải đóng thêm 1 triệu nữa. Họ cũng cho biết, dù đã đóng tiền chỗ ngồi nhưng mỗi ngày đi chợ thì vẫn phải trả “tiền quét” (tức phí chợ), ngày thường là 20 đến 30 nghìn, ngày Tết là 100 nghìn.
Tôi nhìn “gian hàng” của mấy người bán cá này, chỉ thấy lèo tào mấy mẹt ngao, mực và ít cá, tổng tiền hàng không biết có nổi 1 triệu đồng không. Một cô bán cá cho biết, cô ở dưới Tĩnh Gia, cách chợ này khoảng 20 cây số, lên đây giữa mưa rét để cố bán, kiếm vài đồng về lo tết, mà người ta thu tiền quét nặng quá…
II. Xin hỏi chính quyền xã Trường Sơn và huyện Nông Cống mấy câu sau đây:
1. Chợ này là của ai, chợ nhà nước (tức của dân) hay chợ của ông Long?
2. Ông Long là người đã mua đứt chợ Trường Sơn hay là người trúng thầu thu phí chợ? Nếu là người thu phí chợ, vậy căn cứ vào quy định nào để ông ta thu tiền như cướp bóc giữa chợ mà không phiếu/ hóa đơn, không có niêm yết mức phí tại điểm thu tiền?
3. Chính quyền xã Trường Sơn và huyện Nông Cống có biết tình trạng thu tiền phí như trấn lột đã diễn ra nhiều năm nay tại chợ Trường Sơn hay không? Nếu không biết thì các vị có còn xứng đáng làm cán bộ để quản lý xã hội nữa không?
4. Để cho hành vi thu tiền trái với quy định do HĐND tỉnh ban hành diễn ra tại chợ Trường Sơn mang tính chất côn đồ, trấn lột như đã thấy trong các clip thì chính quyền xã và huyện này phải chịu trách nhiệm như thế nào?
III. Liên quan đến một ví dụ là nạn thu tiền tàn bạo tại chợ Trường Sơn, xin gửi đến chính quyền tỉnh Thanh Hóa mấy vấn đề sau:
1. Tôi được biết, chợ Trường Sơn (trước đây tên là chợ Nồn) đã có lịch sử cả trăm năm, nhưng chỉ trong vòng hơn mười năm nay thì đã bị chuyển vị trí 2 lần (tức đã lần lượt đặt trên 3 vị trí khác nhau trong hơn 10 năm nay). Đối với xã hội Việt Nam, đặc biệt là nông thôn, chợ không chỉ là một địa điểm buôn bán mà hơn thế, còn là một không gian văn hóa đặc trưng của làng Việt, cần được quan tâm để giữ gìn và phát triển, nhưng tại sao lại có việc chuyển chợ liên tục như thế?
Phải chăng, khi chợ đã rơi vào tay tư nhân thì nó đã bị biến thành một công cụ để thao túng thị trường đất đai? Dời chợ đến một chỗ mới, biến đất xung quanh thành đất vàng và bán đất, sau đó lại dời đi chỗ khác để thổi giá đất…? Ai là người đã tùy tiện cho phép bứng một không gian văn hóa trăm năm như chợ Trường Sơn (chợ Nồn cũ) đi đặt ở khắp nơi như thế?
Chính quyền tỉnh Thanh Hóa cần điều tra tất cả những vấn đề có liên quan đến việc xoành xoạch di chuyển chợ ở xã Trường Sơn để làm sáng tỏ động cơ, mục đích và các vấn đề pháp lý khác.
Về nội dung liên quan đến một khía cạnh văn hóa của chợ Trường Sơn, tôi đã có bài viết đăng trên báo Nông Nghiệp Việt Nam cách đây gần 1 năm rưỡi khi chưa hề biết đến nạn thu tiền phí như trấn lột ở chợ này, bài “Chợ Nồn, và yêu cầu thận trọng khi đổi tên các địa danh”. Mời tham khảo: nongnghiep
2. Lịch sử hình thành và tồn tại của chợ Việt là một nội dung quan trọng về mặt văn hóa của đất nước và đã có nhiều công trình khoa học công phu khảo cứu về đề tài này. Chợ không phải chỉ là một mảnh đất mà ở đó mọi người tập trung đến để mua và bán.
Cần lưu ý rằng, chính người dân địa phương là chủ thể của chợ, hiểu theo cả nghĩa vật chất lẫn kiến tạo văn hóa. Do vậy, không thể tùy tiện giao chợ vào tay tư nhân theo kiểu đấu thầu 50 năm rồi mặc cho những người này thao túng, tung tẩy, biến thành cây gậy trong tay họ để tróc nã tiền người dân và hủy hoại các giá trị nhiều mặt về cả phương diện kinh tế, xã hội, văn hóa, như cái cách mà chính quyền xã Trường Sơn đang làm và phó mặc cho người đàn ông tên Long kia công khai trấn lột những chủ thể của chợ là người dân.
Theo tôi, chính quyền Tỉnh (và không chỉ riêng tỉnh Thanh Hóa) cần phải có nghiên cứu và thái độ ứng xử phù hợp với các chợ truyền thống, đặc biệt là chợ quê. Để bảo đảm quyền chủ thể của người dân đối với chợ và không để chợ trở thành công cụ cho những nhóm lợi ích, thì cần trao chợ lại cho người dân để họ quản lý, bảo vệ, giữ gìn dưới sự giám sát của chính quyền.
3. Câu chuyện ở chợ Trường Sơn có thể là một điển hình đại diện (chứ không phải duy nhất) cho tình trạng chung của các chợ truyền thống ở khắp các huyện, xã. Vì vậy, chính quyền tỉnh cần có một cuộc rà soát và chấn chỉnh đồng bộ; đồng thời có một ứng xử phù hợp về cả cách quản lý, thu phí và giữ gìn không gian văn hóa đặc trưng này của làng quê Việt. Không thể tiếp tục thả nổi cho các địa phương tự ý “bán chợ” và đẩy những chủ thể đã xây dựng và kiến tạo nên của nó (là người dân) ra rìa rồi trở thành nạn nhân của những nhóm lợi ích.
Tất cả những việc trên là quan trọng, nhưng trước hết cần sớm làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương (xã, huyện) cũng như xử lý các đối tượng vi phạm pháp luật, lập lại sự an ninh và trả lại lành mạnh cho chợ Trường Sơn.
IV. Với người dân và những người buôn bán tại chợ thì xin lưu ý, ngày 7 tháng 9 năm 2017, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản số 3351/2017/QĐ-UBND, trong đó quy định cụ thể mức phí phải nộp đối với người buôn bán cố định trong chợ (thì đóng theo tháng) lẫn vãng lai (5 nghìn đồng/ lượt). Xin đọc quy định chi tiết tại đây; và cố gắng ghi nhớ, lưu lại để thực hiện nộp phí và yêu cầu thu phí cho đúng: https://vbpl.vn/thanhhoa/Pages/vbpq-toanvan.aspx?ItemID=125535
Cũng xin lưu ý, ban quản lý thu phí chợ thì phải có bảng phí niêm yết phí tại điểm thu, và phải có phiếu thu, đó là quy định. Bà con cần đối chiếu cách làm cụ thể của người thu phí với các quy định trên, để nếu thấy ở đâu làm không đúng thì thì phản đối, báo cáo lên cấp có thẩm quyền hoặc công bố thông tin lên truyền thông để phản ánh, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình cũng như giữ gìn môi trường chợ được văn minh, đúng pháp luật.
Thái Hạo
11-2-2024
Không ngờ câu chuyện chợ Trường Sơn (Nông Cống, Thanh Hóa) thu phí như cướp mà tôi đã phản ánh trong mấy ngày qua (xin xem [2] và [3]) đã được đưa lên báo cách đây 8 năm và thu tiền suốt 8 năm qua vẫn là một người – ông Nguyễn Bạch Long (1). Có lẽ điểm khác biệt lớn nhất sau 8 năm là hành vi thu tiền đã trở nên tàn bạo hơn.
Vậy đến lúc này, không thể nói chính quyền các cấp của Thanh Hóa không biết đến “vụ” chợ Trường Sơn này, nhất là khi bài báo không chỉ nói về nạn thu tiền theo kiểu côn đồ trấn lột, mà còn nêu nhiều vấn đề khác như thủ tục đấu thầu, sự quanh co và không trung thực của chủ tịch xã… và nhiều “nạn” khác ở xã này.
Có lẽ, không thể trông chờ vào chính quyền xã hay huyện, mà tỉnh phải vào cuộc để lập lại trị an, cũng như chấn chỉnh mọi vấn đề liên quan đến quản lý và thu phí ở chợ này, và toàn bộ hệ thống chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh. Mời đọc lại bài báo từ 2016 của hai tác giả Tuấn Nam – Đào Tuy , đăng trên Tờ Trí thức trẻ – Báo điện tử Tổ Quốc, của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Bài báo có tên: “NƠI TRẺ CON CŨNG PHẢI LO CHỖ CHẾT: ĐẾN CÁI CHỢ CŨNG BẤT THƯỜNG“.
***
Nơi trẻ con cũng phải lo chỗ chết: Đến cái chợ cũng “bất thường”
Tuấn Nam – Đào Tuy
Không chỉ có những khoản thu rùng rợn như trẻ con phải đóng tiền nghĩa địa, ở xã Trường Sơn (Thanh Hoá), ngôi chợ truyền thống của người dân địa phương cũng trở nên “bất thường”.
Xã Trường Sơn (huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa), không chỉ nổi tiếng với các khoản lạm thu và những cách ép dân nộp tiền “như cường hào ác thời xưa”, mà người dân nơi đây đi chợ cũng có nỗi khổ khó nói lên lời. Còn bản thân ngôi chợ, trong nó cũng chứa đựng nhiều vấn đề “bất thường” cần phải làm rõ.
Chợ “ông Long” và cách thu phí không theo lẽ thường
Trò chuyện với chúng tôi, bên cạnh những câu chuyện đẫm nước mắt về việc gia đình liệt sỹ bị treo giấy chứng nhận hộ nghèo, người dân bị thu giường, những người dân thôn Thành Liên (xã Trường Sơn) còn chỉ về phía khu chợ cách làng một quãng đồng khi nói tới chính quyền xã.
Mọi người đều gọi đó là chợ “ông Long” như một từ thay thế chính xác nhất cho cái tên chợ Trường Sơn – ngôi chợ nông thôn đã gắn liền với bao đời cha ông họ.
Ngôi chợ “ông Long” đang được xây dựng
Theo lời ông Nguyễn Trọng Xuyên (một người dân thôn Thành Liên, xã Trường Sơn), sở dĩ chợ Trường Sơn hay được người dân nơi đây gọi là chợ “ông Long” bởi người đang xây dựng chợ là ông Nguyễn Bạch Long – chủ một doanh nghiệp tư nhân tại xã.
Và cũng chính ông chủ doanh nghiệp này là người đứng ra thu phí chợ theo kiểu không theo lẽ thông thường, thích thu bao nhiêu thì thu, không theo quy định.
Theo lời ông Xuyên, dịp Tết vừa qua, con gái ông có vào chợ bán bóng bay nhưng đã bị thu đến 70.000 đồng. Nghe con gái về kể lại chuyện, thấy sự vô lý đùng đùng, ông đã ra chợ và cự cãi với người quản lý chợ nhưng không “được cái gì”.
Còn anh Phạm Hữu Hùng – chủ hộ gia đình liệt sỹ bị treo giấy chứng nhận hộ nghèo thì tỏ vẻ chán chường.
Sau những ngày lụi cụi vất vả ban ngày phơi nắng, ban đêm chịu sương với đàn vịt, những tưởng tiền đã vào tay nhưng thực tế cũng không đơn giản như gia đình anh mong mỏi.
Để bán vịt, anh Hùng phải mang ra chợ “ông Long”.
“Mỗi con vịt họ tính phí 2000 đồng”, anh Hùng cho biết.
Chỉ với khoảng hơn chục con vịt, chưa biết lãi lỗ thế nào, gia đình anh đã mất toi hơn hai chục ngàn. Chưa kể, có những hôm không bán được vịt, hôm sau mang đi bán, con vịt đó lại gánh thêm phí, từng đồng lãi từ con vịt cứ bị lấy đi một cách rất tất nhiên như thế.
Vợ chồng anh Phạm Hữu Hùng ở ngôi lều trông vịt của mình ngoài đồng
“Mỗi con vịt chỉ được có vài chục ngàn. Ngần ấy ngày vất vả, trừ chi phí giống má, thức ăn, thêm phần phí vào chợ, lãi chả còn được bao nhiêu“, anh Hùng xót xa kể.
Thấy chúng tôi đứng trước đường vào chợ và đang quan sát, một số người dân đi qua cũng không ngại chia sẻ thêm.
Ngày thường, việc thu phí không theo quy định đã đành nhưng ngày lễ Tết, phí vào chợ và mua chỗ ngồi cũng ở một mức cao hơn.
Về vấn đề này, chính Chủ tịch UBND xã Trường Sơn Nguyễn Bá Thành đã thừa nhận: Việc định giá thu phải có sự kiểm soát của ngành tài chính nhưng xã không có quản lý thị trường để kiểm tra việc thu phí có đúng không.
Chủ doanh nghiệp trúng thầu là thành viên ban chỉ đạo
Theo tìm hiểu của chúng tôi, chợ Trường Sơn vốn là ngôi chợ nông thôn được hình thành từ lâu đời và duy trì cho đến ngày nay.
Năm 2013, chợ đã được tiến hành thay đổi theo phương án chuyển đổi mô hình tổ chức quản lý do huyện Nông Cống xây dựng. Theo đó, để được quản lý, kinh doanh, khai thác chợ, các đơn vị phải tham gia đấu thầu.
Được biết, ban chỉ đạo chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh khai thác chợ Trường Sơn gồm 10 thành viên.
Trong đó, Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Cống Lê Trọng Hùng làm trưởng ban, Chủ tịch UBND xã Trường Sơn Nguyễn Bá Thành làm phó ban, ông Nguyễn Bạch Long (Ban Quản lý chợ Trường Sơn – Chủ doanh nghiệp tư nhân Long An) làm thành viên.
Danh sách các thành viên ban chỉ đạo chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh khai thác chợ Trường Sơn
Đáng chú ý, sau khi tham gia thầu, doanh nghiệp của ông Nguyễn Bạch Long đã trúng thầu với tư cách là đơn vị duy nhất nộp hồ sơ dự thầu, giá bỏ thầu là 14,3 tỉ đồng. Còn tổ tư vấn mở và xét thầu gói thầu do ông Nguyễn Bá Thành làm tổ trưởng.
Đến nay, dù chưa hoàn thành (hạn hoàn thành là quý IV/năm 2017) nhưng chợ đã đi vào hoạt động. Điều đáng ngạc nhiên là hiện nay thủ tục về thuê đất của doanh nghiệp vẫn chưa xong nhưng công tác xây dựng đã gần hoàn tất.
Tại vị trí chợ đang được xây dựng, ít ai biết rằng trước khi có dự án, doanh nghiệp Long An chính là doanh nghiệp đã “ứng ra” hàng tỉ đồng để đền bù ruộng cho người dân và san lấp đất dù chỉ có thoả thuận miệng với lãnh đạo xã.
Trúng thầu nhưng vẫn kêu khó
Để hiểu hơn về khu chợ “ông Long” này, chúng tôi đã tìm đến ông chủ doanh nghiệp tư nhân Long An – người đang quản lý, kinh doanh và khai thác chợ Trường Sơn, ông Nguyễn Bạch Long.
Ông Long cũng bộc bạch rằng hiện ông đang ở thế “khó”. Và bản thân ông cũng không biết đến bao giờ mới thu hồi hết vốn.
Vốn có ý định để cho người con trai của mình quản lý nhưng ông Long cho hay: “Cháu nó đây học có bằng cấp mà ra chỉ để thu 5-3 nghìn bạc thì nó khó chịu”.
Ông Long cũng không ngần ngại chia sẻ về ý định “nếu không quản lý được thì phải chuyển giao một anh nào đó. Bây giờ không làm cũng không được, tiền thì đã đầu tư vào đó rồi”.
Khẳng định chắc nịch về tiến độ, ông Long cho biết chắc chắn đến cuối năm nay (2016) là xong. Hiện, nhà chợ lớn đã xong, chỉ còn công trình phụ như nhà bảo vệ, một dãy ki ốt nữa và trạm điện, một công trình nhỏ.
Cũng theo ông chủ doanh nghiệp này, đến bây giờ, số tiền đầu tư vào chợ cũng hơn 8-9 tỉ đồng rồi. Ngoài khoản tiền tỉ đền bù đất, cái đình chợ cũng tiêu tốn của ông hơn 3 tỉ (khoảng 3,7 tỉ đến 4 tỉ đồng)…
Theo ông Long, cái đình chợ này đã tiêu tốn của ông hơn 3 tỉ đồng
Và có lẽ đánh giá được việc thu hồi vốn đầu tư bị chậm nên ông chủ doanh nghiệp cho biết: “Chợ vào khai thác từ đầu 2014. Mình cũng phải tận thu. Còn việc thu tiền thì dựa vào cái giá của UBND xã”.
Chính vì thế, ở ngôi chợ vẫn được người dân gọi bằng cái tên của ông, ngày Tết, người dân dứt khoát phải mua một chỗ cố định và phải đăng ký để mua.
Theo ông Long, việc quản lý chợ là khó bởi nhiều lý do cho nên ông cho rằng “thực tế, chỉ có tôi thì mới làm”. Và ông đã bộc bạch rằng việc thu không theo bảng giá chính là dựa vào “tài” nhìn mặt, đoán thu nhập của mình.
Bảng giá thu lệ phí chợ Trường Sơn
Đồng thời ông chủ doanh nghiệp tư nhân này cũng bày tỏ mong muốn làm sao để chợ đông lên. Chính vì thế, thậm chí, theo lời ông, ông còn không thu tiền của người dân vào chợ.
Giải thích về thông tin thu tiền 70.000 đồng cho một chỗ bán bóng bay ngày Tết, ông Long cũng nói rằng ông biết đó là trường hợp nhà ông Xuyên và lý giải rằng, mình bán chỗ ngồi chứ không quan tâm người ta bán cái gì.
“Năm Tết vừa rồi, nhà ông Xuyên có mua một chỗ ở ngay cổng chợ (nhiều người cứ mua của tôi một cái chỗ chứ).
Tôi nói trong này nếu cháu mua là 50.000 đồng, còn ngồi đầu đây là 70.000 đồng… Mình không quan tâm bán cái gì? Đứa trẻ đi bán bóng bay mà mình đi thu 70.000 đồng thì hỏi mình còn cái lương tâm gì làm người nữa không?”, ông nói.
Ông chủ tịch UBND xã “tiền hậu bất nhất”
Về xã Trường Sơn, chúng tôi đã có hai buổi làm việc với ông Nguyễn Bá Thành – Chủ tịch UBND xã Trường Sơn, phó ban chỉ đạo chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh khai thác chợ Trường Sơn.
Tuy nhiên, những thông tin ông Thành đưa ra ở hai buổi làm việc lại hoàn toàn khác nhau.
Về quy trình đấu thầu, ở buổi làm việc đầu tiền, ông Thành khẳng định xã ra thông báo trong phạm vi xã và thông báo trên báo, đài Thanh Hoá. Thậm chí, vị Chủ tịch UBND xã này còn nói chắc nịch là sẽ cho các nhà báo xem các số báo có in thông báo mời thầu.
Nhưng sau đó, ông Thành lại thừa nhận việc thông báo mời thầu chỉ ở trong xã chứ không có việc thông báo trên báo, đài Thanh Hoá và thông báo ở một số nơi khác như quy định.
Chủ tịch UBND xã Trường Sơn Nguyễn Bá Thành
Cũng tại buổi làm việc đầu tiên, ông Thành cho biết khi thông báo thầu thì có 3 doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp tư nhân Long An, một doanh nghiệp ở Tĩnh Giá (Thanh Hoá) và một doanh nghiệp ở phía Bắc bày tỏ muốn tham gia đấu thầu.
Sau khi trình bày 3 phương án đầu tư thì hai doanh nghiệp ngoài huyện xin rút và các đơn vị kia thống nhất giao lại cho Long An (Doanh nghiệp tư nhân Long An – PV).
Nhưng thực tế, theo báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu, danh sách nhà thầu mua hồ sơ dự thầu chỉ có 2 doanh nghiệp: Doanh nghiệp tư nhân Long An một công ty ở TP.Việt Trì, Phú Thọ. Và nộp hồ sơ dự thầu thì chỉ có 1 nhà thầu là doanh nghiệp Long An.
Ngoài ra, ban đầu, theo ông Thành, số tiền doanh nghiệp trúng thầu là để chi trả từ việc trả tiền thuê đất cho đến việc đầu tư theo mô hình tư nhân như ki ốt cho đến nhà đình chợ, gian chợ…
Tuy nhiên, ở buổi làm việc sau, khi chúng tôi hỏi về việc ông Long tính số tiền đền bù, san lấp mặt bằng vào con số 14,3 tỉ đồng kia chứ không phải là tiền thuê đất, ông Thành lại giải thích khác.
Theo ông Thành, vì doanh nghiệp Long An đã đền bù và san lấp mặt bằng trước đó nên “anh nào thuê đất (để xây dựng theo phương án chuyển đổi mô hình) thì phải trả tiền san lấp đó”.
Số tiền san lấp cũng không có cụ thể mà chỉ đến khi “cần” thì mới tính theo khối lượng, theo thực tế và xã sẽ có đo đạc cụ thể khi có vấn đề phải nghiệm thu.
Còn trong trường hợp doanh nghiệp Long An trúng thầu, số tiền doanh nghiệp đã “ứng ra” thì sẽ được trừ vào tiền thuê để xây dựng chợ.
Liên tiếp đặt câu hỏi về việc công bố nội dung này trong quá trình đấu thầu để các doanh nghiệp, đơn vị được biết thì chúng tôi chỉ nhận được câu trả lời là đều có trong các văn bản.
Sau khi được chỉ ra nội dung đó không có trong văn bản, ông Thành thậm chí còn băn khoăn có lẽ trách nhiệm đó là của phía huyện Nông Cống.
________
(1) soha (Bài này được tờ Soha đăng lại)
(2) facebook
14-2-2024
1. Sau ba bài viết của tôi đăng trên Facebook về việc thu phí mà dân tình gọi là “cướp chợ” ở chợ Trường Sơn (xã Trường Sơn, Nông Cống, Thanh Hóa) (xin xem 1, 2, 3), chiều mùng 4 Tết, ông Nguyễn Bạch Long – chủ doanh nghiệp Long An, là “chủ chợ” đã đến gặp tôi và trao đổi về những thông tin mà tôi đã phản ánh.
Đầu tiên, ông Long bày tỏ sự biết ơn vì tôi đã phản ánh những thông tin đúng sự thật để ông có những điều chỉnh cho đúng trong công tác quản lý và thu phí ở chợ Trường Sơn. Ông Long nhận sai và hứa sẽ sửa cả việc thu phí lẫn các vấn đề văn hóa trong ứng xử; ông Long cũng bày tỏ mong muốn rằng tôi sẽ gỡ những bài viết đã đăng.
Tôi trao đổi lại với ông rằng, việc tôi phản ánh thông tin về tình trạng thu phí quá cao ở chợ Trường Sơn do ông quản lý là hoàn toàn từ tư cách một người dân đi chợ, chứng kiến và bất bình nên lên tiếng để đòi hỏi người thu phí lẫn chính quyền địa phương phải có hành động phù hợp, thay đổi những điều chưa đúng, ngoài ra, không có tư cách và lý do nào khác nữa.
Về chuyện gỡ bài, tôi cũng nói rõ rằng tôi sẽ không gỡ, chỉ cần ông thực hiện đúng quy định của pháp luật về thu phí chợ thì tôi sẽ lập tức cập nhật thông tin. Ông Long hứa rằng, ngay sáng mai ông sẽ cho làm bảng nội quy và bảng giá, dán công khai tại chợ và thực hiện nghiêm túc theo bảng giá ấy.
Và sáng nay, ông Long đã gửi hình ảnh cho tôi để thấy bảng nội quy và bảng giá đã được treo lên trong chợ Trường Sơn. Tôi đối chiếu với quy định của UBND Tỉnh, thấy đã tương đối sát.
Ảnh chụp bảng nội quy và bảng giá thu phí chợ Trường Sơn. Nguồn: Thái Hạo
Trước hết, là một người dân đã lên tiếng phản ánh về vụ việc thu phí “tàn bạo” ở chợ Trường Sơn (và gián tiếp nói đến tình trạng này ở cả hệ thống chợ truyền thống), tôi xin được ghi nhận và bày tỏ sự đánh giá tích cực trước tinh thần cầu thị của ông Long, cũng như động thái phù hợp của ông trong việc có những hành động bước đầu đi gần với các quy định của luật pháp. Tôi mong muốn và đòi hỏi rằng, từ nay ông Long sẽ tiếp tục điều chỉnh và duy trì hoạt động đúng đắn tại chợ Trường Sơn.
2. Việc để xảy ra tình trạng thu phí sai quy định pháp luật kéo dài hàng chục năm ở chợ Trường Sơn như đã phản ánh, không thể không có trách nhiệm của chính quyền địa phương mà trực tiếp là xã Trường Sơn và huyện Nông Cống. Rõ ràng, tình trạng thu phí và lối hành xử tàn nhẫn này ít nhất được báo chí phanh phui cách đây 8 năm, chính quyền địa phương đã trải qua hai nhiệm kỳ nhưng đã không có hành động nào để chấn chỉnh, ngược lại còn để tình trạng ngày càng trầm trọng hơn. Do đó, lỗi của ông Long một thì lỗi của chính quyền phải hai, ba.
Một khi chính quyền đã thả nổi như vậy, thì không một cái chợ nào có thể tốt đẹp được, dù đó có là ông Long hay bất kỳ ai đứng ra thu phí. Và vì thế, tình trạng này kéo dài không những gây thiệt hại cho tiểu thương, gây bất bình trong nhân dân, gây phẫn nộ trong dư luận, mà còn làm ra một hình ảnh xấu xí về bộ mặt văn hóa và quản lý xã hội tại nơi đây. Do đó trách nhiệm chính vẫn thuộc về chính quyền địa phương.
Chính quyền địa phương, vì thế, cần kiểm điểm trách nhiệm, nhận trách nhiệm và thực hiện việc giám sát cũng như xử lý những cá nhân và tổ chức tắc trách, đã dung túng cho các hoạt động vi phạm kia (nếu có). Một chính quyền mà để sự sai trái nặng nề diễn ra trong một thời gian quá dài giữa thanh thiên bạch nhật như thế, chính quyền ấy dứt khoát không thể vô can, càng không thể phủi bỏ trách nhiệm của mình.
Điều lớn hơn và bao quát hơn mà tôi muốn nhấn mạnh lại ở đây, đó là chợ truyền thống không chỉ là một bãi đất để buôn bán, hệ trọng hơn, nó còn là một điểm hội tụ văn hóa và kiến tạo văn hóa cho làng Việt. Vì thế, việc quản lý và thu phí chợ cần được chính quyền Tỉnh quan tâm đúng mức để có những chính sách phù hợp, đồng bộ và hệ thống, chấn chỉnh và làm giàu các giá trị, cả xã hội lẫn an sinh và văn hóa địa phương. Không thể để cho tư nhân thao túng và mặc tình đối xử với chợ như đang diễn ra ở khắp nơi.
3. Hiện tại, chợ Trường Sơn đã có bảng giá và bảng nội quy treo công khai tại điểm thu phí, bà con tiểu thương cần căn cứ vào đó, đối chiếu với văn bản pháp luật của UBND tỉnh để thực hiện cho đúng. Chúng ta cần lên tiếng kịp thời trước những hành vi trái quy định và chưa đúng chuẩn mực văn hóa. Một khu chợ có tốt lên hay không, chủ yếu phụ thuộc vào ý thức và trách nhiệm lên tiếng ấy của mỗi người.
Bà con hãy bỏ ra 5, 7 phút, đọc văn bản của UBND tỉnh (4), nắm rõ các quy định về mức phí cũng như các vấn đề có liên quan để bảo vệ quyền lợi của mình và đồng thời chung tay xây dựng một môi trường buôn bán lành mạnh, thượng tôn pháp luật và từ đó góp phần xây dựng các giá trị văn hóa chung cho cộng đồng. Không thể phó thác trách nhiệm ấy cho ai. Và, song song với việc đòi hỏi ban quản lý chợ làm đúng các quy định của pháp luật, thì đồng thời cũng luôn phải đòi hỏi chính quyền địa phương thực hiện việc quản lý sát sao, nghiêm túc, điều vốn thuộc về thẩm quyền và nghĩa vụ của họ.
Cá nhân tôi, là một người dân đi chợ, cũng sẽ tiếp tục thực hiện trách nhiệm giám sát thu phí ở chợ Trường Sơn và các chợ khác mà mình có điều kiện và cơ hội ghé qua hay biết đến.
(1) cuop-cho-ky-1
(2) cuop-cho-ky-2