Câu Lạc Bộ Dân Chủ Việt Nam

Điện Thư - Số 18
Tháng 3 năm 2004

Điện Thư Câu Lạc Bộ Dân Chủ xin trân trọng kính chuyển đến các Diễn Đàn Điện Tử, Cơ Quan Ngôn Luận và Độc Giả trong và ngoài nước các tin tức, sự kiện và bài vở liên quan đến tình hình dân chủ Việt Nam. Như đã minh định qua bản thông cáo và thư ngỏ của Câu Lạc Bộ Dân Chủ trước đây, sự đàn áp thô bạo của cơ chế độc tài sẽ không làm chùn bước và bịt miệng được các tiếng nói tranh đấu dũng cảm cho nền dân chủ Việt Nam. Mọi liên lạc xin gửi về : caulacbodanchuvietnam@yahoo.com

Tin Ghi Nhận:

Theo một nguồn tin cho biết, L.T.K. Oanh đã khai rằng : trong số tiền dùng để "biếu" các quan chức, thì riêng tiền "biếu " cho Trần Đức Lương đã là 5 tỉ đồng VN.

----- O -----

Ông Phạm Quế Dương sinh năm 1933 tại Hà Nội. Ông gia nhập đảng cộng sản Việt Nam năm 1949, từng giữ chức vụ chỉ huy quân sự và chính trị từ cấp tiểu đội đến cấp sư đoàn. Năm 1987, ông giữ chức tổng biên tập Tạp chí Lich Sử Quân Sự thuộc Viện Lịch sử Quân Sự - Tổng Cụ Chính Trị. Trước khi giải ngũ năm 1988, quân hàm cuối cùng của ông là đại tá. Khi cựu trung tướng Trần Độ bị đảng cộng sản khai trừ, ông Phạm Quế Dương đã trả lại thẻ đảng để phản đối hành động mà ông gọi là bất xứng của giới lãnh đạo Hà Nội đối với tướng Trần Độ.

Phạm Quế Dương “Dân chủ là quy luật của loài người. Đấy là quy luật của loài người, trong đó, dân tộc Việt Nam cũng nằm trong quy luật đó. Tất cả các lực lượng chống dân chủ, cái lực lượng bảo thủ, sớm muộn gì cũng sẽ bị lịch sử đào thải, và riêng tại Việt Nam, chúng sẽ bị đào thải theo kiểu của dân tộc Việt Nam. Tương lai của đất nước cũng như tương lai của loài người phải là dân chủ chứ. Tại sao lại không dân chủ được. Tôi đã từng nói với lãnh đạo đảng rằng tôi sẵn sàng tranh luận với họ. Các anh (lãnh đạo đảng) nói rằng các anh tự do, dân chủ, các anh tự coi như là siêu tự do, siêu dân chủ, nhưng thực ra hiện nay các anh đang bóp nghẹt dân chủ, các anh vi phạm tự do. Trước hết là đối với dân tộc Việt Nam.

----- O -----

Kỷ niệm một năm ngày thành lập
HỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM CHỐNG THAM NHŨNG
(02.9.01 – 02.9.02)

     Thế là Hội Nhân dân Việt Nam chống tham nhũng đã trải qua một năm hoạt động đầy sóng gió. Có người thắc mắc : các ông có được cấp giấy phép đâu mà vẫn cứ hoạt động ? Câu trả lời đơn giản là: Thì bọn tham nhũng có được ai cấp phép mà chúng cứ hoành hành ngang ngược như ở chốn không người. Chúng còn liều mình hy sinh : hy sinh đời bố để củng cố đời con. Chẳng lẽ những người chống tham nhũng lại chịu thua kém bọn tham nhũng chăng ? Không thể có chuyện đó ! Có áp bức thì có đấu tranh ! Có tham nhũng thì có chống tham nhũng ! Ấy là Chân lý, ấy là Quy luật ! Không có sức mạnh tàn bạo nào chống nổi Chân lý và Quy luật ! Chỉ có những kẻ nào đã trót tham nhũng chịu đầu thú, đầu hàng thì nhân dân ta vẫn độ lượng sẽ sẵn sàng tha thứ, khoan hồng. Nhắc cho bọn tham nhũng chớ quên: hàng thì sống, chống thì chết ! Có người lại nói : bọn tham nhũng đông hàng triệu, các ông có vài chục người đấu sao lại chúng nó.

     Nhầm to ! Thử hỏi nhân dân Việt Nam ta dù đang sống ở trong nước hay ở hải ngoại, ai đã có lòng yêu nước, thương dân mà từ chối tham gia Hội chống tham nhũng ? Vậy chẳng lẽ hơn 70 triệu đồng bào với bao nhiêu trí tuệ và sức mạnh lại chịu bó tay, chịu thua bọn tham nhũng và lũ bao che cho tham nhũng hay sao ?

     Cũng không thể có chuyện đó !

     Cứ nhìn hàng trăm đoàn kéo rầm rập từ khắp các tỉnh trong nước ra tận Thủ đô, biểu tình đứng, biểu tình ngồi hàng tháng trời thì đủ hiểu phong trào nhân dân chống tham nhũng sôi nổi và mạnh mẽ nhường nào ?

     Nhân dân giữ vững truyền thống đấu tranh đâu có cam chịu mất nhà cửa, đất đai một cách dễ dàng ! Đời bố, đời mẹ đấu tranh chưa xong, thì đời con, đời cháu vẫn phải tiếp tục thôi. Vấn đề ruộng đất xưa nay vốn là vấn đề cốt tử của xã hội Việt Nam và lịch sử Việt Nam. Triều đại nào giải quyết tốt thì đứng vững, giải quyết không xong thì sụp đổ. Ngày xưa, còn chế độ phong kiến, tiếng rằng toàn thể đất đai là thuộc quyền nhà vua, nhưng đất công, đất tư vẫn phải phân biệt, không được phép lẫn lộn. Ngày nay, sao lại có thể mượn chiêu bài xã hội chủ nghĩa với luận điệu đất đai là thuộc sở hữu toàn dân rồi tha hồ lấn chiếm, giải tỏa với giá đền bù rẻ mạt : đất đáng giá 3 triệu /m2 mà chỉ đền bù 300 ngàn/m2, đất giá 10 triệu chỉ bồi thường 01 triệu thì tiền chênh lệch đó vào túi ai ? Túi của toàn dân hay túi của tham nhũng.

     Nhân dân bị bần cùng hóa phải đi khiếu kiện, đấu tranh có tổ chức, có tập thể hẳn hoi thì Ban Tư tưởng – Văn hóa lại ra lệnh cho báo chí quốc doanh chỉ được gọi một cách khinh bỉ là các cuộc khiếu kiện đông người, còn đồng bọn tham nhũng thì được gọi là tham ô tập thể. Thế thì người ta tôn trọng nhân dân hay tôn trọng bọn tham nhũng ?

     Các cán bộ hưu trí, các đảng viên liêm khiết lãnh đạo nhân dân đấu tranh một cách hợp pháp và hòa bình thì bị Ban Tư tưởng – Văn hóa trung ương và báo chí quốc doanh gọi một các khinh bỉ là “những kẻ cầm đầu” và ông Phạm Thế Duyệt thay mặt Bộ Chính trị ký 19 điều cấm, trong đó có điều cấm đảng viên không được “cầm đầu” những vụ “khiếu kiện đông người”.

     Thế là ông Phạm Thế Duyệt và Bộ Chính trị đã thẳng tay tước bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp chống tham nhũng. Thế mà các ông, nhất là mấy ông làm lý luận quốc doanh lại cứ ra sức vu khống rằng chúng tôi có “ý đồ đen tối”, “phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng”! Tất nhiên, ông Phạm Thế Duyệt chỉ muốn tước bỏ quyền lãnh đạo của các đảng viên liêm khiết để dành đặc quyền lãnh đạo cho các đảng viên tham nhũng. Gần đây, sau vụ Năm Cam và nhiều vụ khác, nhân dân và cả báo chí cũng gọi thẳng đó là “bảo kê”. Vâng, chính các ông Bùi Quốc Huy (thứ trưởng Bộ Công an), Phạm Sĩ Chiến (phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao), Trần Mai Hạnh (chủ tịch Hội Nhà báo) và hàng trăm ông bà khác từ cấp cơ sở đến cấp trung ương đứng ra “bảo kê” cho bọn Năm Cam, Năm Huy ... và nhiều bọn khác hoành hành gây tội ác hàng chục năm qua, bật đèn xanh cho chúng giết hại đồng bào và giết hại ngay chính các đồng chí, đồng nghiệp của các ông. Thế mà các ông ấy vẫn ra sức vu cáo chúng tôi là “mượn danh nghĩa lập Hội chống tham nhũng để chống Nhà nước”. Rõ ràng, chính các ông ấy mới đang núp dưới danh nghĩa Nhà nước và dùng quyền lực một các phi pháp để tham nhũng và “bảo kê” cho bọn gây tội ác chống nhân dân. Nực cười thay, ông thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Hưởng còn cao giọng : “Chúng tôi phải bóp phong trào của các anh từ trong trứng”. Giá các ông cũng bóp ngay bọn Năm Cam từ trong trứng thì hay biết bao. Nói cho các ông biết : sức mấy mà các ông bóp nổi phong trào chống tham nhũng, một phong trào đã mang tính toàn dân. Các ông mà không chịu bóp bọn Năm Cam và lũ bảo kê cho Năm Cam thì nhân dân đành phải bóp các ông thôi. Hội chống tham nhũng thành lập mong thu xếp mọi chuyện một cách ổn thỏa, hòa bình, êm đẹp, nhằm giác ngộ, khoan dung với những kẻ lầm đường, tránh mọi sự manh động, bạo động; các ông lại giả vờ không thấy thiện ý của Hội, ra tay đàn áp, tạo ra trong xã hội một tâm thế sợ hãi với hy vọng kéo dài thêm những ngày tàn và gắng tránh búa rìu của nhân dân. Một người có thể bị lừa bịp nhất thời và mãi mãi, còn nhân dân thì có thể bị lừa bịp nhất thời chứ không thể bị lừa bịp mãi mãi. Các ông có thể dùng quyền lực để buộc tội một cách phi pháp những người chống tham nhũng. Còn nhân dân sẽ mãi mãi ghi công cho họ. Dẫu có ai phải hy sinh trong cuộc đấu tranh này cũng là vẻ vang vì họ đã nối tiếp một cách xứng đáng truyền thống đấu tranh vì Tự do của Nhân dân. Chỉ có những kẻ tham nhũng hoặc bao che cho tham nhũng mới mang nhục và để cả nỗi nhục đó cho con cháu và dòng họ của chúng. Nhân dân và Lịch sử sẽ ghi rõ tên tuổi chúng và đời đời lên án, phỉ nhổ chúng. Vừa qua, Lão tướng Trần Độ (tên thật là Tạ Ngọc Phách) một ngươi dũng cảm chống tham nhũng, đấu tranh vì Tự do đã vĩnh viễn ra đi. Lão tướng Trần Độ ra đi nhưng tiếng thơm còn để lại đến muôn đời. Hội Nhân dân Việt Nam chống tham nhũng đã có câu đối viếng ông, ca tụng công đức của ông :

Vung gươm trừ giặc ngoài, Trần thân xây ĐỘC LẬP.
Hạ bút chống thù trong, Độ thế cứu DÂN QUYỀN.

     Nhà nghiên cứu Trần Khuê, đại diện Văn phòng Hội ở các tỉnh miền Nam cũng đã gửi một bức trướng thêu bài thơ kính tặng ông :

VIẾNG LÃO TƯỚNG TRẦN ĐỘ

Công thành không làm phách
Danh toại chẳng cầu nhàn
Bút – gươm vung mấy độ
Đáng mặt NGHĨA TƯỚNG QUÂN.

     Người xưa đã nói : Cọp chết để da, người chết để tiếng. Mong tất cả những ai còn lương tri và còn biết liêm sỉ hãy noi gương cố Lão tướng Trần Độ để không ngừng đấu tranh cho TỰ DO. Hội Nhân dân Việt Nam chống tham nhũng ủng hộ các bạn. Tha thiết mời các bạn đứng vào hàng ngũ của Hội, sát cánh cùng nhau đấu tranh vì Tự do, Hạnh phúc của Nhân dân, vì Công lý của Cuộc đời. Nhân dịp này, cũng xin chân thành cảm ơn sự giúp đỡ chí tình của đồng bào trong nước và bà con kiều bào ở hải ngoại đã dành cho Hội.

HỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM CHỐNG THAM NHŨNG
Phạm Quế Dương – Trần Khuê

----- O -----

Thư của bà Đỗ Thị Cư (vợ đại tá Phạm Quế Dương)

Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Độc lập Tự do Hạnh phúc

----- oOo -----

Kính gửi:

- Các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước
- Toà án nhân dân thành phố Hà Nội

Được biết tin Toà án nhân dân thành phố Hà Nội sắp xét xử đại tá Phạm Quế Dương, chồng tôi, với tội danh gián điệp, mặc dù đang đau yếu, tôi thấy cần phải viết thư này gửi tới quý vị.

Trước đây tôi đã gửi 3 đơn thư tới các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nhưng không được một lời hồi âm. Nỗi oan này tôi biết kêu ai ? Thật đúng như lời một bài ca: “Kêu trời, trời chẳng thấu. Kêu đất, đất không thưa. Kêu Đảng, Đảng làm ngơ. Vậy nỗi oan uổng dân nhờ cậy đâu ?...

Tôi là Đỗ Thị Cư, 38 tuổi Đảng, 62 tuổi đời. Khi tôi còn trong thường vụ công đoàn ngành lâm nghiệp Việt Nam, thì ông Nông Đức Mạnh mới là phó ty lâm nghiệp tỉnh Thái Nguyên. Tuổi đời xấp xỉ, tuổi Đảng bằng nhau. Bây giờ thì một người ở ngôi cao nhất nước, một người là phó thường dân có chồng bị bắt oan. Gửi thư kêu oan tới ông Mạnh, ông Mạnh không thèm trả lời.

Tôi là một phụ nữ, yếu kém về lý luận, nhưng chồng tôi thì tôi biết rõ. Ông Dương không bao giờ có thể làm gián điệp. Ông tham gia cách mạng từ truớc 1945 được hưởng phụ cấp lão thành tiền khởi nghĩa. Trải qua nhiều cương vị công tác, ông được phong hàm sĩ quan cao cấp quân đội nhân dân Việt Nam. Những người như ông Dương mà làm gián điệp thì chẳng hoá ra công lao cách mạng giáo dục đào tạo cán bộ trên nửa thế kỷ đổ xuống sông xuống biển cả sao ? Vu cho ông Dương làm gián điệp là đã bôi nhọ cả lịch sử cao đẹp của quân đội nhân dân Việt Nam. Bôi nhọ cả lịch sử cách mạng Việt Nam.

Quý vị có thể tức tối ông Dương vì những lời phát biểu thẳng thắn, bộc trực, không kiêng nể sai lầm của cấp trên. Nhưng vu cho ông Dương làm gián điệp thì quá là độc ác.

Thấy chồng bị lâm nạn mà vợ không dám lên tiếng bênh vực chồng, thì tôi là một người đàn bà bất nghĩa. Tôi xin được hỏi, chồng tôi làm gián điệp thì làm gián điệp cho nước ngoài nào ? Nước Mỹ, nước Anh, nước Pháp, nước Đức ? Hay nước Nga, nước Trung quốc ? Xin cho chứng cứ cụ thể.

Bản thông báo của Ban Tư tưởng-Văn hoá về tội gián điệp của chồng tôi là hết sức ác độc, đầy sự vu khống mập mờ, và vi phạm luật pháp.

Khám nhà thu được 902 đầu tài liệu ? Tài liệu gì thì không dám nói rõ. Xin đặt một câu hỏi: gián điệp gì mà ngớ ngẩn đến mức để 902 đầu tài liệu ở trong nhà. Thực ra đó là những bài viết về dân chủ, về di tích lịch sử, về danh lam thắng cảnh, về những nhân vật anh hùng xưa và nay, cùng những đơn kiện của bà con các nơi gửi đến nhờ giúp đỡ. Chồng tôi là nhà báo và nhà nghiên cứu lịch sử, phải có tư liệu để làm việc.

Gián điệp gì mà lại giữ cả những biên lai nhận tiền trong nhà ? Việc này tôi không rõ chồng tôi có bao nhiêu, nhưng số tiền 2001 đôla (hai nghìn linh một) công an thu giữ của tôi ở Sài Gòn là số tiền của tôi dành dụm trong nhiều năm, nhân chuyến đi thăm Sài Gòn dối già lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng của đời tôi, đổi sang tiền đô mang theo cho nhẹ gọn cũng tiện mua sắm. Tôi đã nhiều lần làm đơn đề nghị công an trả lại để tôi chi tiêu trong gia đình vì con gái tôi sinh cháu ngoại. Nhưng công an cứ lờ đi không trả lời. Tôi xin nói một lần nữa: đó là tiền của tôi, chứ không phải tiền gián điệp nào hết. Dùng nó để buộc tội chồng tôi làm gián điệp là mưu mô độc ác, vu khống thâm hiểm, không đúng sự thật.

Gián điệp gì mà lại lên tiếng phê phán những sai lầm của Đảng và Nhà nước ? Gián điệp là phải giấu mình, bọc kín, làm cho lãnh đạo tin tưởng, làm cho công an không ngờ vực. Chứ ai lại công khai bô bô nói lên những chính kiến của mình.

Cho nên kết tội chồng tôi làm gián điệp là không đúng sự thật, nói như các cụ ta vẫn nói, là ngậm máu phun người, đẩy bạn thành thù, biến công thành tội.

Chồng tôi có những quan niệm khác với lãnh đạo Đảng và Nhà nước hiện nay. Ông phản đối việc khai trừ tướng Trần Độ. Ông trả thẻ Đảng. Ông làm đơn xin thành lập Hội chống tham nhũng. Ông lên tiếng về những bắt bớ, tịch thu sách báo, và những hành động vi phạm quyền công dân và quyền con người ... Những việc làm ấy đã gây cho những nhà lãnh đạo bực mình, nhưng ông Dương không vi phạm luật pháp. Bực mình thì có thể giải quyết bằng các biện pháp khác (thí dụ như tranh luận, phê phán ...), chứ không nên là bắt bớ, đưa nhau ra toà, vu khống cho nhau làm gián điệp.

Tôi cực lực phản đối việc vu khống chồng tôi làm gián điệp.

Tôi đề nghị phiên toà xét xử chồng tôi hãy mở công khai theo như luật định, cho mọi người vào dự tự do, cho báo chí trong nước và ngoài nước tham dự và đưa tin.

Đùng xử kín như vài phiên toà trước đây, xử những người khác chính kiến, quy kết tội danh gián điệp bừa bãi, là bất công, là một tội ác. Không ai có thể chấp nhận một kiểu xử án như thế, không tâm phục, khẩu phục được.

Tôi mong các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước suy xét.

Tôi mong toà án nhân dân thành phố Hà Nội suy xét.

Hà Nội ngày 1 tháng 3 năm 2004  

Người làm đơn, vợ đại tá Phạm Quế Dương  
Địa chỉ: 37 Lý Nam Đế-Hà Nội  

Đỗ Thị Cư  

Nơi gửi:

----- O -----

Vài suy nghĩ quanh “vụ án gián điệp” ở Việt Nam hiện nay.

Tuệ Minh.

1. “Gián điệp”, họ là ai ?

Hai năm trở lại đây, người ta thấy Đảng cho bắt bớ, bỏ tù nhiều người quá: các chức sắc tôn giáo, người thiểu số ở Tây Nguyên, cựu chiến binh lão thành cách mạng, thương nhân, nhà nghiên cứu, v.v.. với nhiều tội danh được gán cho họ, nhưng đáng lưu ý hơn cả là tội “gián điệp”.

Ai cũng băn khoăn, không hiểu các “gián điệp” nọ được đào tạo theo trường phái nào: Mỹ, Nga, hay Tàu ? Chỉ thấy rằng “chiến thuật” của họ rất khác lạ. Đối với các tổ chức tình báo, thì bí mật là nguyên tắc số một, còn ở ta thì “gián điệp” lại hoạt động công khai, rất công khai.

Đối tượng mà các cơ quan tình báo truyền thống nhắm tới là bí mật quốc gia, còn đối tượng của các “gián điệp” ở ta thì đa dạng hơn nhiều: những bất công xã hội, tệ nạn cửa quyền, tham nhũng, thói xa hoa của cán bộ nhà nước, nỗi thống khổ của người dân bị áp bức bóc lột, vv…

Chẳng hạn như “gián điệp” Nguyễn Khắc Toàn không thể cầm lòng trước cảnh từng đoàn người dân lam lũ đổ về Hà Nội kêu oan. Hình ảnh những lá đơn viết sai chính tả, ngôn từ lủng củng tối nghĩa của những người dân thất học như cứa vào lòng chàng trai Hà thành nghĩa hiệp. Chàng trai ấy đã dẹp sang một bên nhiều công việc riêng tư để giúp dân viết lại những lá đơn cho rõ ràng hơn, chính xác hơn để gửi dến các cấp lãnh đạo. Nhưng, tất cả đều vô vọng.

Không phải lãnh đạo không biết đến. Chính ông thủ tướng Phan Văn Khải, trong một cuộc họp, đã than thở là nhiều đêm mất ngủ vì tiếng kêu oan của dân tập trung trước cổng nhà ông. Lẽ ra phải biết thương dân. Người ta đã bao lần gửi đơn khiếu kiện mà các cơ quan chức năng không giải quyết, đến nỗi phải lặn lội về tận Hà Nội, đến tận nhà các “nguyên thủ quốc gia” để tìm nơi bấu víu cuối cùng. Vậy mà ông Khải lại tỏ ra khó chịu. Các nhà lãnh đạo chân chính không bao giờ làm như thế. Nếu nói về nhân tâm thì ông thủ tướng Phan Văn Khải làm sao có thể sánh được với chàng trai Nguyễn Khắc Toàn. Ấy thế mà Nguyễn Khắc Toàn lại bị vu cho là gián điệp, chịu hình phạt 12 năm tù, 3 năm quản chế. Có ở nơi nào trên thế giới, luật pháp bị thay thế bởi sự tức giận của những người đứng đầu quốc gia như ở nước ta không ?

Không đoái hoài đến nỗi khổ oan khuất của dân đã là một tội ác. Trả thù, bỏ tù người giúp dân lại càng là tội ác. Tội ác chống lại nhân dân !

Trở lên trên là Nguyễn Khắc Toàn, vì giúp dân mà bị vu cho là “gián điệp”. Còn có người chỉ dịch vài chục trang sách cũng bị kết án “gián điệp”, đó là trường hợp bác sỹ Phạm Hồng Sơn. Bài viết “Thế nào là dân chủ ?” mà anh ta chọn dịch đã được đăng tải công khai trên trang web của đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội, bất cứ ai biết Anh ngữ đều có thể vào đọc được. Ấy thế mà chỉ cần dịch ra tiếng Việt là đã thành “gián điệp” rồi !

Nếu không vi phạm dân chủ, nếu không o ép nhân dân, thì tại sao các nhà lãnh đạo của Đảng cộng sản lại sợ bài “Thế nào là dân chủ ?” đến dường ấy, rồi bỏ tù dịch giả cho hả cơn giận dữ cá nhân ?

Có một loại “gián điệp” cũng hết sức lạ lùng, có lẽ là chỉ ở Việt Nam mới có. Đó là “gián-điệp-chống-tham-nhũng” !

Bao năm nay, nền kinh tế của chúng ta vẫn nghèo nàn lạc hậu, đời sống của nhân dân vẫn chồng chất biết bao khó khăn, Một bộ phận không nhỏ nhân dân lao động chân chính vẫn phải bạc mặt vật lộn với cuộc mưu sinh. Quan chức thì ngược lại, sống quá phè phỡn, làm thì ít, tham ô thì nhiều. Đứng trước nạn tham nhũng quá nhức nhối ấy, lãnh đạo đảng và nhà nước cũng lên tiếng chống tham nhũng để an dân, nhưng rồi đâu vẫn đó. Không thấy bất cứ một nỗ lực nào nhằm cải thiện tình hình. Rõ ràng là nói một đằng, làm một nẻo. Những lời hoa mỹ tuyên bố chống tham nhũng chỉ là sự lừa mị quần chúng.

Cuối năm 2003 vừa rồi, Liên Hiệp Quốc đã ra tuyên bố chung về chống tham nhũng. Trên hệ thống truyền thông ở ta cũng thấy đưa tin về việc này. Họ còn cho biết là sẽ thành lập một uỷ ban chống tham nhũng không phụ thuộc vào chính phủ theo đúng tinh thần của tuyên bố chung đó. Nhưng, sự việc rất nên làm ấy lại bị ỉm đi, không thấy đả động gì đến nữa.

Thực ra, ý tưởng về việc thành lập một tổ chức chống tham nhũng như vậy không xa lạ gì với chúng ta. Tháng 9 năm 2001, gần 20 người tâm huyết đã ký vào một lá đơn xin thành lập “Hội nhân dân Việt Nam ủng hộ Đảng và Nhà nước chống tham nhũng” do nguyên tổng biên tập tạp chí lịch sử quân sự - đại tá Phạm Quế Dương và nhà nghiên cứu xã hội Trần Khuê đứng đầu. Họ đã xuất phát từ ý tưởng cho rằng, nạn tham nhũng hiện nay đã trở nên hết sức trầm trọng, đó là một trong những nguyên nhân chính cản trở sự phát triển của nền kinh tế nước ta. Việc chống tham nhũng không thể mãi dừng lại ở việc hô hào mà phải sớm hành động thực tiễn. Hội được lập ra với tôn chỉ, mục đích rõ ràng là không hoạt động chính trị, kinh phí tự lo, chỉ có nhiệm vụ phát hiện tham nhũng để báo lại cho Đảng và nhà nước biết mà xử lý. Nhưng, thật đáng giận thay, chỉ sau khi gửi đơn lên trung ương (để xin phép !) một ngày, tất cả những người ký tên đều bị công an gọi lên hạch sách, khủng bố tinh thần. Và đến bây giờ, hai người đứng đầu đang bị giam cầm. Người ta vu cho hai ông tội gián điệp - “gián-điệp-chống-tham-nhũng !”.

Tại sao Bộ chính trị lại hoảng sợ “Hội nhân dân Việt Nam ủng hộ Đảng và Nhà nước chống tham nhũng” đến thế, nếu như chính các “ngài ” ấy không tham nhũng ?

(Gần đây, trong một bài viết của ông nguyên uỷ viên Bộ chính trị, nguyên bộ trưởng bộ nội vụ (nay là bộ công an) Mai Chí Thọ, có đoạn chất vấn ông đương kim chủ tịch nước Trần Đức Lương về việc sửa nhà hết hơn ba tỉ đồng. Đấy mới chỉ là sửa chữa. Không biết lương của hai vợ chồng ông được bao nhiêu một tháng, không biết ông Lương có biết là, biết bao người dân Việt Nam còn đang bữa no, bữa đói ? Biết bao người dân Việt Nam phải chết vì không có đủ tiền chữa bệnh ?…)

Việc bắt giam hai người đứng đầu của hội chống tham nhũng, vu cho họ tội gián điệp, càng chứng tỏ tính chất bất lương, phi chính nghĩa của Đảng.

2. Vài lời khuyên dành cho các nhà lãnh đạo Việt Nam.

Trong quá khứ, đảng cộng sản đã phạm nhiều sai lầm như cải cách ruộng đất, “vụ án” nhân văn giai phẩm, “vụ án” xét lại chống đảng, … Giờ đây lại thêm một “vụ án” mới, đó là “vụ án gián điệp”. Tất cả những vụ án ấy đều nhắm vào thành phần ưu tú của xã hội đương thời. Nạn nhân là những người làm kinh tế giỏi, làm nghệ thuật giỏi, trí thức trong đảng cộng sản , và những người đấu tranh vì công bằng xã hội, vì một xã hội Việt Nam dân chủ giầu mạnh. Những vụ án sai lầm đã qua dù đã bị nhân dân lên án vẫn chưa được huỷ bỏ. Nay, dứt khoát không nên tiếp tục phạm sai lầm. Hãy thả tất cả những người dân chủ đang bị giam giữ. Đừng để trang sử đảng cộng sản thêm một vết nhơ tội lỗi. Đừng để lịch sử nguyền rủa.

Tôi xin chân thành nhắc nhở những người lãnh đạo đảng và nhà nước Việt Nam hãy nhìn lại quá khứ, có biết bao kẻ khi sống ỷ quyền làm điều bạo ác, chết đi rồi không được nằm yên dưới mộ. Còn nếu cứ lún sâu mãi vào tội lỗi, cậy quyền thế hãm hại người vô tội thì trời không dung mà đất cũng không tha.

Hãy biết nghĩ đến lợi ích của nhân dân, của đất nước. Hãy xoá bỏ sự giam cầm các nhà dân chủ. Nhân dân và lịch sử sẽ hoan nghênh các vị. Đừng để sĩ diện cá nhân và sự cao ngạo làm lý trí bị lu mờ.

Hà nội ngày 13 tháng 3 năm 2004.

Tuệ Minh.

Nơi Nhận:

  1. Lãnh đạo đảng và nhà nước Việt Nam.
  2. Các cơ quan báo chí, và tất cả những ai quan tâm.

----- O -----

Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Độc lập Tự do Hạnh phúc


Bài bào chữa về vụ án xét xử cựu phóng viên
nguyên đại tá quân đội Phạm Quế Dương
bị quy kết tội danh gián điệp.

Kính gửi: Toà án nhân dân thành phố Hà Nội

Bào chữa viên nhân dân
Nhà văn Hoàng Tiến

Chiểu theo pháp luật hiện hành Điều 56 Khoản 1/c Bộ luật TTHS sửa đổi của nước CHXHCNVN, gia đình ông Phạm Quế Dương nguyên đại tá QĐNDVN, nguyên tổng biên tập tạp chí Lịch sử quân sự, có mời tôi làm bào chữa viên nhân dân cho vụ sơ thẩm xét xử ông Phạm Quế Dương với tội danh gián điệp sẽ diễn ra vào ngày   tháng   năm 2004 tại toà án nhân dân thành phố Hà Nội.

Cũng chiểu theo Hiến pháp và luật pháp sửa đổi nhà nước CHXHXNVN, tôi chấp nhận lời mời.

Tôi là Hoàng Tiến, nhà văn, công dân nước CHXHCNVN, chứng minh thư số 010455893, hộ khẩu thường trú Nhà A 11 Phòng 420 Thanh Xuân Bắc Hà Nội.

Để thực hiện quyền bào chữa trước toà công khai, dân chủ và công bằng như đã ghi trong luật, để chứng tỏ việc thượng tôn luật pháp của ngành toà án từng tỏ ra yếu kém lâu nay, tôi đề nghị lần này toà án Hà Nội hãy mở phiên toà công khai như luật định, cho mọi người vào dự tự do, lấy tranh luận thay hỏi đáp, theo tinh thần cải tổ tư pháp như báo chí đưa tin, tạo điều kiện để tôi được tham dự phiên toà góp phần bào chữa cho thân chủ tôi là ông Phạm Quế Dương theo đúng luật.

Chiếu theo luật định Điều 58 Khoản 3/a Bộ luật TTHS sửa đổi, người bào chữa có nghĩa vụ: “sử dụng mọi biện pháp do pháp luật quy định để làm sáng tỏ những tình tiết xác định người bị tạm giữ, bị can, bị cáo vô tội”, tôi xin gửi đến quý toà bài bào chữa như sau:

Trước hết xin nói sơ qua về thân chủ của tôi để hội đồng xét xử (HĐXX) cùng rõ. Đại tá nhà báo Phạm Quế Dương là người tham gia quân đội khá sớm, từ năm 1945. Ông là bậc lão thành tiền khởi nghĩa, được hưởng phụ cấp tiền khởi nghĩa hàng tháng. Ông đã từng làm chính ủy sư đoàn. từng đảm nhận trọng trách tổng biên tập tạp chí Lịch sử quân sự. Ông còn là một thương binh. Khi về nghỉ hưu ông tham gia công tác xã hội trong câu lạc bộ các dòng họ Việt Nam của tổ chức UNESCO. Ông đã có thời giờ trở về nơi quê hương bản quán là làng Tía ở Hà Tây (tên chữ là Tử Dương) và nhận ra nhiều điều mất mát đau lòng suốt thời gian xa quê tham gia cách mạng, nhất là những nơi thờ cúng và những di tích lịch sử bị xâm phạm nặng nề. Ông là trưởng ban liên lạc đồng hương người làng Tía ở Hà Nội. Ông đã tham gia khôi phục lại cái mà chúng ta thường gọi là những vật thể mang bản sắc truyền thống dân tộc Việt Nam.

Ông đã xót xa việc đình làng Tử Dương bị xâm phạm ngay trong lòng Hà Nội ở giữa phố Hàng Buồm. Đây là ngôi vọng đình của dân làng Tử Dương ra làm ăn ở Thăng Long Kẻ Chợ từ xửa từ xưa, hiện vẫn còn những giấy tờ chứng minh sự sở hữu thuộc dân làng. Cuộc đấu tranh kéo dài hàng chục năm cho đến tận hôm nay. Không biết là chính quyền bất lực, hay có sự tiêu cực gì ngầm, mà cứ lằng nhằng không ngã ngũ. Ông đã khởi kiện, nếu trong nước không giải quyết được, ông sẽ kiện ra quốc tế. Ông còn xót xa về đền thờ chính họ Phạm của ông, cụ Phạm Nhữ Tăng, một danh tướng đời Lê, bị xâm phạm trong biến động cải cách ruộng đất. Người chiếm giữ ngôi nhà thờ biến thành nhà ở lại là người có chân trong Đảng ủy xã. Nên việc giải quyết cũng cứ lằng nhằng. Ông còn tham gia xây dựng mộ thờ cụ Lê Văn Thịnh vị tiến sĩ đầu tiên của khoa bảng Việt Nam thời Lý, đã chịu cái án oan khuất bị chết thảm thương. Ông tham gia giữ lại chùa Một Cột (tức chùa Diên Hựu) không bị lấn chiếm bởi công việc xây bảo tàng Hồ Chí Minh. Ông đóng góp xây dựng miếu thờ bà Nguyễn Thị Lộ người thiếp yêu của Nguyễn Trãi chịu cái án vườn vải tru di tam tộc; miếu dựng ở ven đê sông Hồng thuộc xã Khuyến Lương.

Kể các điều trên để ta thấy, một con người như ông Phạm Quế Duơng, suốt thời trai trẻ cầm súng bảo vệ tổ quốc, hết chống Pháp, chống Mỹ, lại chống Tàu xâm phạm biên giới 6 tỉnh phía Bắc; về già ông lại hết mình với công việc chung đình, chùa, miếu, nhà thờ tổ bị xâm phạm. Những con người như ông Dương sống vì nước vì dân, chứ không thể làm điều gì phản dân hại nước, không thể bao giờ làm gián điệp.

Làm gián điệp là những kẻ bán bí mật nhà nước cho ngoại bang, để kiếm tiền làm giàu một cách không vất vả, nhằm hưởng thụ một đời sống vật chất xa hoa thừa thãi. Còn đại tá nhà báo Phạm Quế Dương sống rất giản dị. Nhà ông ở đúng tiêu chuẩn nhà phân phối theo quân hàm sĩ quan trong khu tập thể quân đội 37 Lý Nam Đế. Không có biệt thự trang trại gì hơn. Chung quanh người ta cải tạo xây dựng lên tầng ầm ầm, còn nhà ông Dương, trần nhà cũ kỹ có lần sập xuống làm bà Dương và cháu ngoại hút chết. Đồ đạc trong nhà tuyềnh toàng không lộng lẫy đắt tiền như ai. Ăn uống thanh đạm. Ông không nghiện bia, không nghiện rượu, không chơi bời. Không đi xe máy. Không sắm ô tô. Ông sống cởi mở, rất được cảm tình cùa bà con khu tập thể. Ông sẵn lòng giúp đỡ những người khốn khó tìm đến với ông, chia sẻ với họ đồng lương cuối cùng trong tháng.

Những con người như thế mà làm gián điệp được sao ? Đồng tiền gián điệp họ kiếm được để làm cái gì? Những ai, dù gặp ông Dương có một lần, thảy đều quý mến ông, kính trọng ông. Không có một luận cứ tâm lý nào về tinh thần lẫn vật chất thúc đẩy ông Dương đến với tội danh gián điệp.

Người ta muốn kết tội ông với tội danh gián điệp để làm mọi người khiếp sợ, gây sự hiểu lầm ông, nhằm một mục đích khác. Đó là những việc ông Dương đã làm, tuy không vi phạm luật pháp, nhưng lãnh đạo rất ngại, rất sợ, và họ muốn trừng phạt ông.

Vậy ông Dương đã làm những việc gì ?

1). Ông Phạm Quế Dương đã viết đơn xin ra khỏi Đảng để phản đối việc Đảng khai trừ tướng Trần Độ. Một con người như tướng quân Trần Độ mà bị khai trừ khỏi Đảng thì cái Đảng này biến chất rồi, không còn là Đảng của Hồ Chí Minh nữa. Lâu nay Đảng đã làm nhiều việc mất niềm tin trong nhân dân. Nhân dân xa lánh Đảng. Ông đã phát biểu một câu xanh rờn, mà những người có chức có quyền rất lo sợ: “Đảng đã khai trừ ông Trần Độ thì nhân dân sẽ khai trừ Đảng”. Và ông viết đơn xin ra khỏi Đảng.

Lời ông nói đã chứng nghiệm. Nhân dân ngày càng xa lánh Đảng. Những đảng viên có chức có quyền ngày càng tệ hại, tham ô, quan liêu, hủ hoá, lãng phí, sống phè phỡn trên cuộc sống còn đầy vất vả của nhân dân. Một bữa nhậu của các quan chức tốn kém hàng chục triệu đồng. Họ xây biệt thự, lập trang trại, sắm ô tô Nhật xịn, ô tô Mỹ xịn, đi săn và chơi gôn. Trong khi đó thì báo chí hô hào cứu đói cho vùng sâu vùng xa, hô hào quỹ giúp đỡ người nghèo tận thu từ 2 chục ngàn, 5 chục ngàn của các cháu học sinh xin cha mẹ để đóng góp. Nạn tham nhũng ngày càng phát triển, đã trở thành quốc nạn, không tài nào chống được. Mà chống làm sao được, vì chính những người có chức có quyền lại tham nhũng. Không nhẽ mình lại chống mình. Chỉ có nhân dân, những người không ngồi ghế chức quyền mới chống được tham nhũng mà thôi. Do đó ông Dương đã đi đến việc thứ hai.

2). Việc làm đơn xin thành lập Hội nhân dân Việt Nam giúp Đảng và Nhà nước chống tham nhũng gọi tắt là Hội nhân dân chống tham nhũng. Đáng ra thì Đảng và Nhà nước phải hoan nghênh việc làm này. Nhưng công an lại mở một đợt khủng bố bắt những người làm đơn lên xét hỏi. Vậy ai vi phạm luật pháp? Việc ông Dương cùng một số các cựu chiến binh làm đơn xin thành lập Hội là thực hiện quyền công dân đã được ghi rõ ràng trong Hiến pháp và luật pháp, và nhất là hưởng ứng lời kêu gọi hùng hồn chống tham nhũng của tổng bí thư Nông Đức Mạnh khi vừa nhậm chức. Còn việc cho hay không cho là quyền của Đảng và Nhà nước. Đảng và Nhà nước cho thì chứng tỏ là muốn chống tham nhũng thật. Không cho là chỉ chống giả vờ, chống cửa miệng thôi.

Lá đơn đã làm xong nhiệm vụ của nó. Quả thật cho đến hôm nay không thấy tuyên truyền ầm ĩ chống tham nhũng nữa. Còn tham nhũng thì cứ phát triển ra mọi ngành mọi cấp, ngang nhiên ở mọi nơi mọi chốn, ai ai cũng nhìn thấy (lương bổng như thế thì làm sao các quan chức xây nhiều biệt thự, lập trang trại, sắm xe hơi nhiều đến thế ?! lại trong một thời gian kỷ lục đến thế ?! chỉ vài ba năm sau khi lên chức vụ này nọ. Có quyền tất có tiền. Vậy tiền lấy ở đâu ?), nhưng mọi người chỉ khoanh tay đứng nhìn, mở to mắt trông, vì dân thì không được phép chống.

3). Việc ông Dương ký tên tập thể gửi lãnh đạo Đảng và Nhà nước tố cáo về vi phạm dân chủ, vi phạm quyền công dân và quyền con người ở nước ta. Lá đơn gửi ngày 6-7-2002 đã đưa ra những chứng cớ hết sức rõ ràng:

Kính thưa Hội đồng xét xử,

Những việc làm vừa kể trên của thân chủ tôi, ông Phạm Quế Dương, không vi phạm luật pháp. Dù nó có thể làm các nhà lãnh đạo không hài lòng, thậm chí lo sợ và tức tối. Nhưng nó không vi phạm luật.

Nói gọn lại, nó chỉ là những quan điểm khác với lãnh đạo, có thể là trái ý lãnh đạo. Nhưng có quan điểm khác nhau, trái ý nhau, không phải là một tội. Điều 19 của đạo luật quốc tế về quyền con người, cũng như điều 69 của Hiến pháp Việt Nam về quyền công dân đã nói rõ điều này.

Xin được trích dẫn:

Điều 19 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, mà Việt Nam chúng ta tham gia ký kết ngày 24-9-1982, đã ghi nhận:
Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp vào. Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm cả quyền tự do tìm kiếm, nhận và truyền đạt mọi loại tin tức, ý kiến, không phân biệt ranh giới quốc gia, hình thức tuyên truyền miệng, hoặc bằng bản viết, bản in, hoặc bằng hình thức nghệ thuật, hoặc thông qua mọi phương tiện đại chúng khác tuỳ theo sự lựa chọn của họ.

Điều 69 Hiến pháp Việt Nam ghi:
Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.

Điều 53 Hiến pháp Việt Nam còn ghi:
Công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với sơ quan Nhà nước, biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân.

Dựa theo những điều luật trên thì việc xin ra khỏi Đảng, việc xin thành lập Hội nhân dân chống tham nhũng, việc viết đơn kiến nghị với Nhà nước của thân chủ tôi, những việc làm ấy đều không phạm tội.

Bây giờ nói đến việc quan hệ với nước ngoài và nhận tiền của nước ngoài của thân chủ tôi, mà do đấy, bản cáo trạng kết tội thân chủ tôi làm gián điệp.

Trước hết xin được bàn rõ về tội danh gián điệp.

Tội danh gián điệp theo luật pháp Việt Nam quy định là phải có yếu tố nước ngoài. Điều đó cũng đồng nhất với quan niệm thông thường của quốc tế về tội danh gián điệp.

Điều 80 BLHS Việt Nam ghi: “Người phạm tội gián điệp là người cung cấp bí mật Nhà nước cho nước ngoài hoặc cung cấp tin tức tài liệu khác nhằm mục đích để nước ngoài sử dụng chống nước CHXHCN Việt Nam.

Định nghĩa về gián điệp trong cuốn Từ điển cô đọng tiếng Anh của Canađa (Compact dictionary of Canadian English) là: “một nhân viên bí mật được một chính phủ sử dụng để thu thập tin tức về một chính phủ khác.” (Spy: a secret agent employed by a governement to get information about another governement).

Cuốn Thuật ngữ pháp lý phổ thông của Nhà xuất bản Pháp lý dịch từ tiếng Nga (một công trình tập thể do các nhà luật học Liên Xô soạn) giải thích gián điệp là lấy cắp hoặc thu thập những bí mật nhà nước hoặc bí mật quân sự chuyển cho nước ngoài hoặc chuyển cho một tổ chức nước ngoài.

Từ điển Bách khoa Việt Nam định nghĩa từ gián điệp: cung cấp bí mật quốc gia cho nước ngoài, cung cấp tin tức tài liệu cho nước ngoài.

Đọc những cuốn sách Giáo trình luật hình sự Việt Nam của trường Đại học luật Hà Nội, cuốn Bình luận khoa học Bộ luật hình sự của Viện nghiên cứu khoa học pháp lý, đều giải thích rõ tội gián điệp là làm theo sự chỉ đạo của nước ngoài.

Tóm lại, tội danh gián điệp phải có yếu tố: làm tay sai cho nước ngoài, làm theo sự chỉ đạo của nước ngoài.

Vậy cáo trạng muốn kết tội thân chủ tôi làm gián điệp, thì phải chỉ rõ ra ông Phạm Quế Dương làm gián điệp cho nước ngoài nào ? Nước Mỹ, nước Anh, nước Pháp, hay nước Đức, nước Nga, nước Trung Quốc ?... Không thể là nước ngoài chung chung, mơ hồ, không có xuất xứ.

Thứ hai, họ đã giao những nhiệm vụ gì ? Và ông Dương đã thực hiện những nhiệm vụ ấy ra làm sao ? Tác hại đến an ninh quốc gia như thế nào ?

Thứ ba, họ đã trả công ông Dương bao nhiêu tiền? Ông Dương nhận ở đâu? Bao nhiêu lần ?

Muốn kết tội một người vào tội danh quá nguy hiểm này, khung hình phạt từ 12 năm tù đến chung thân, có thể dẫn đến tử hình, thì không thể làm bừa, không thể làm liều, càng không thể mơ hồ.

Bản cáo trạng không trình ra được những tang chứng, vật chứng cùng những chứng lý kết tội thân chủ tôi làm gián điệp, thì xin HĐXX bác bỏ.

Còn việc quan hệ với Việt kiều ở nước ngoài càng không thể thành một tội danh, chứ chưa cần nói tới tội danh gián điệp. Do điều kiện lịch sử người Việt Nam phải di tản ra nước ngoài khá nhiều. Ruột thịt với nhau, họ hàng với nhau, bè bạn với nhau, thư từ điện thoại là chuyện bình thường. Vài năm nay xuất cảnh, nhập cảnh dễ dàng hơn, đi lại thăm nhau cũng là chuyện bình thường. Giúp đỡ nhau thành lẽ đương nhiên. Việt kiều không phải là người nước ngoài. Họ sinh sống ở nước ngoài, nhưng họ vẫn là dòng giống con Rồng cháu Lạc.

Không có điều luật nào cấm nhận tiền của Việt kiều hay của người nước ngoài. Điều này Ban Tư tưởng-Văn hoá đã làm một việc rất đáng chê trách, là vi phạm luật pháp. Đảng đã đặt ra luật pháp thì Đảng phải gương mẫu tuân theo mới đúng. Điều 72 Hiến pháp Nước CHXHCNVN ghi: “Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của toà án đã có hiệu lực pháp luật.” Bản thông báo của Ban Tư tưởng-Văn hoá gửi đến khắp các chi bộ trong toàn quốc, có nghĩa là công bố với toàn dân, loan tin ông Dương làm gián điệp, nhận tiền của nước ngoài mấy chục ngàn đô. Trong khi toà án chưa xét xử.

Nếu pháp luật nghiêm minh có thể khởi tố việc vi phạm pháp luật của Ban Tư tưởng-Văn hoá Trung ương, về sự coi thường luật pháp, về sự kết tội bừa bãi người dân, vi phạm quyền công dân, vi phạm quyền con người.

Việc ông Dương nhận mấy chục ngàn đô đâu bằng ông Đỗ Mười, cựu tổng bí thư Đảng, nhận hẳn một triệu đô tiền biếu của tư bản Hàn quốc. Luật pháp nghiêm minh thì không có phân biệt. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.

Cái quan trọng là số tiền đó dùng làm gì? Như trên tôi đã trình bày, ông Dương không phải là người ăn chơi hưởng thụ. Ông không dùng tiền để xây dựng biệt thự, mua sắm ô tô. Đến nỗi trần nhà ông sập tý chết bà Dương và cháu ngoại. Theo chỗ chúng tôi biết, ông gửi tiền đóng góp tu bổ đình chùa hay những di tích văn hoá bị hư hại. Ông tích góp để đi kiện lấy lại đình Tử Dương cho dân làng. Kiện trong nước không xong thì ông kiện ra quốc tế. Bản thân ông có 7.000 đô tiền giải thưởng của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch. Ông không dám tiêu pha, dành tiền ấy cho việc kiện tụng. Ông còn kêu gọi những Việt kiều họ Phạm hiện di trú ở các nước trên thế giới gửi tiền về xây dựng lại nhà thờ tổ cụ Phạm Nhữ Tăng, một danh tướng thời Lê, hiện đang mất nơi thờ tự.

Những việc ông Dương đã làm hay dự định làm đó không hề vi phạm luật pháp. Những đồng tiền ông Dương đã tiêu hoặc sẽ tiêu đều nhằm mang lại ích lợi cho mọi người, cho dân làng, cho dòng họ, không có tơ hào cho gia đình cho cá nhân dù chỉ một đồng.

Không như những ai kia, lợi dụng chức vụ tham nhũng tham ô hàng tỉ đồng hàng chục tỉ đồng, xây biệt thự, sắm ô tô, ăn chơi phè phỡn, mà pháp luật ngoảnh mặt làm ngơ không sờ mó đến.

Kính thưa HĐXX,

Toà án là phải xử theo luật pháp. Điều này là hiển nhiên ở một đất nước có luật pháp. Không xử theo luật pháp thì cần toà án làm gì? Trong một xã hội đông đúc dân cư tất phải có quy ước đặt ra để mọi người không được vi phạm. Người nào vi phạm thì phải đưa ra toà xét xử. Toà xét xử dựa vào cái gì ? Dựa vào những quy ước đã được đặt ra gọi là luật pháp. Không vi phạm luật pháp thì không sợ gì cả. Không ai có quyền động chạm đến mình. Người dân có quyền làm tất cả mọi thứ trừ những thứ luật pháp ghi cấm.

Rất đáng tiếc là nhiều vụ án ở nước ta, nhất là những vụ án về quan điểm tư tưởng, thường là xử theo lệnh trên chứ không xử theo luật pháp.

Không kể những vụ án đã đi vào lịch sử làm đen ngòm lịch sử, như những toà án đặc biệt hồi cải cách ruộng đất 1953-1954, vụ án Nhân văn-Giai phẩm 1957, vụ Xét lại-Chống Đảng 1967, bắt là bắt, giết là giết, tù đày là tù đày, không có luật sư bào chữa, thậm chí không cần xét xử, đã gây oan khuất cho biết bao nhiêu người. Chỉ kể ngay những vụ án xét xử những người lên tiếng về dân chủ khoảng mươi năm trở lại đây: vụ xử ông Hoàng Minh Chính và ông Đỗ Trung Hiếu, vụ xử ông Lê Hồng Hà, Hà Sĩ Phu và Nguyễn Kiên Giang, vụ xử ông Nguyễn Đan Quế, vụ xử ông Đoàn Viết Hoạt, vụ xử luật gia Lê Chí Quang, vụ xử cựu chiến binh Nguyễn Khắc Toàn, vụ xử bác sĩ Phạm Hồng Sơn, vụ xử quyết tử quân Trần Dũng Tiến, gần đây vụ xử cựu phóng viên tạp chí Cộng Sản Nguyễn Vũ Bình, và bây giờ là vụ xử đại tá nhà báo Phạm Quế Dương làm gián điệp.

Những vụ án này đã gây mất niềm tin trong nhân dân, mất niềm tin vào luật pháp, nó chỉ chứng tỏ sự tàn bạo. Nó làm nước ta bị thế giới lên án vi phạm nhân quyền, không có tự do dân chủ. Chúng ta có nên tiếp tục những vụ án như thế ở đất nước ta không ?

Là một người ở cương vị bào chữa viên nhân dân theo đúng luật định, tôi tha thiết mong các vị trong HĐXX vụ án ông Phạm Quế Dương, hãy nêu gương có một lần thượng tôn luật pháp, mà xét xử chỉ căn cứ vào luật pháp, không chịu một sức ép nào hết, dù ở trên dù ở dưới.

Nếu chỉ căn cứ vào luật pháp hiện hành ở nước ta, cũng như luật pháp quốc tế về quyền con người, thì, chúng tôi đủ cơ sở để khẳng định rằng: thân chủ tôi, ông Phạm Quế Dương không vi phạm bất cứ một điều khoản nào. Nhất là tội gián điệp càng không có lý do cấu thành tội phạm.

Tôi đề nghị HĐXX, với lương tâm ngồi ghế quan toà, chỉ dựa theo luật pháp thì cũng chỉ có một hướng xét xử: tha bổng, vì thân chủ tôi vô tội.

Những ngưòi như ông Phạm Quế Dương là những người yêu nước. Trừng phạt những người yêu nước là một tội ác. Nếu cứ xét xử cho thoả lòng tức tối của lệnh trên, thì người viết bài bào chữa này xin chịu hình phạt cùng ông Phạm Quế Dương. Người Việt Nam coi trọng đạo lý, tôi xin dâng thân xác mình để cảnh tỉnh những nhà cầm quyền đừng nên làm điều thất nhân tâm quá đáng.

Rất mong HĐXX suy xét và phán quyết.

Hà Nội ngày 15 tháng 2 năm 2004
Bào chữa viên nhân dân
Nhà văn Hoàng Tiến

Địa chỉ: Nhà A 11 Phòng 420
        Thanh Xuân Bắc-Hà Nội


Nơi gửi:

----- O -----

Đại tá Phạm Quế Dương không thể là một tội phạm

Nguyễn Thanh Giang

Bà Đỗ thị Cư - nguyên phó giám đốc Lâm trường Yên Bái, đảng uỷ viên đảng bộ Bộ Lâm nghiệp– đã viết về chồng mình- đại tá Phạm Quế Dương- như sau : “Gia đình tôi tự hào có người chồng chung thuỷ, người cha mẫu mực, người ông hiền hoà. Đối với họ tộc giữ được nếp gia phong, kính trên nhường dưới. Đối với bạn bè chân thành cởi mở. Đối với cấp dưới khoan dung độ lượng. Không ỷ quyền nạt nộ kẻ dưới. Biết thương yêu đồng đội lúc khó khăn. Không phân biệt kẻ sang người hèn. Đối với cấp trên, anh Dương có cá tính đặc biệt, không cơ hội, khom lưng, nịnh hót, cầu lợi cá nhân, chỉ phục tùng người thực sự có tài và rất tôn trọng người tài. Nếu như ai đó bất tài, thất đức thì dù ở cấp cao đến mấy cũng không thần phục được anh Dương. Chính vì thế mà anh luôn bị thiệt thòi và gặp rất nhiều gian truân trong suốt quá trình công tác của mình … Anh là người dám nói trước những điều nhiều người biết nhưng không dám nói, dám làm những việc nhiều người thấy cần phải làm nhưng không dám làm …”.

Niềm tự hào của phu nhân Phạm Quế Dương được xem là chính đáng khi bản nhận xét của tướng Hoàng Phương – bí thư đảng uỷ Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam – cũng từng ghi nhận : “– Nhiệt tình công tác tốt, có sáng kiến và tháo vát trong điều kiện rất thiếu người, thiếu phương tiện và kinh phí - Sống chan hoà với anh em, trong sinh hoạt không có hiện tượng vun vén cá nhân, mặc dù gia đình có rất nhiều khó khăn … - Còn ương khi có việc mình chưa thông …

Vậy mà, chồng bà, một con người như thế, nay đã quá tuổi “thất thập cổ lai hy” lại đang bị giam cầm, tù tội.

Không phải nhà tù của kẻ thù ngoại bang mà nhà tù của những người cầm quyền ở một chính quyền do chính đại tá Phạm Quế Dương chinh chiến từ buổi đầu, đổ mồ hôi, nước mắt và cả máu mình góp phần xứng đáng tạo dựng nên !

Nước mắt giàn giụa, bà nghẹn ngào nói lên nỗi lo lắng sắp tới đây không biết chồng bà có còn đủ sức lực để đứng vững trong một phiên toà quái ác không.

Bà gần như gục hẳn xuống khi mô tả cảnh bà gặp chồng hôm 14 tháng 2 mới đây. Bà liên tưởng một lần đưa chồng đi cấp cứu “vì bệnh của anh Dương đã có tiền sử về tim, lúc đó cấp cứu vì nghi nhồi máu cơ tim, bản thân rất nhiều bệnh : viêm gan, viêm túi mật mãn, viêm đại tràng, gai đôi cột sống, rối loạn tiền đình”. Ông là một thương binh 4/4.

Một người làm sử xả thân bảo vệ sự thật

Ông Phạm Quế Dương từng được cử giữ các chức vụ : Trợ lý tuyên huấn Trung đoàn 240, sư đoàn 367; Trưởng phòng tuyên huấn Quân khu 2; Phó chính uỷ sư đoàn 243 … Nhưng có lẽ nhiệm vụ giao phó hợp sở trường, sở đoản nhất đối với ông là cương vị Tổng biên tập tạp chí Lịch sử Quân sự. Ông có trí nhớ rất tốt, trong đầu ông chứa một kho sử liệu không nhỏ.

Ngày 10 tháng 7 năm 1986, tổng bí thư Lê Duẩn từ trần, trong tiểu sử ông ta, các cơ quan ngôn luận đều công bố : “Năm 1960, tại Đại hội lần thứ 3, … đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, được bầu vào Bộ Chính trị, giữ chức Bí thư Thứ nhất và Bí thư Quân uỷ Trung ương …”. Với cương vị Tổng Biên tập Tạp chí Lịch sử Quân sự, đại tá Phạm Quế Dương đã công phu đi tìm để trao đổi cùng nhiều quan chức cao cấp của Đảng : ông Chu Huy Mân, chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, ông Đào Duy Tùng. trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương, ông Hoàng Tùng, Bí thư Trung ương Đảng, phụ trách khối Tuyên huấn … kiên quyết đề nghị phải đính chính cho đúng sự thật và ghi rõ : tổng bí thư Lê Duẩn chỉ kiêm chức Bí thư Quân uỷ Trung ương từ năm 1978 đến năm 1984.

Tổng biên tập Tạp chí Lịch sử Quân sự tuyên bố dứt khoát: "Nếu không sửa lại cho đúng lịch sử, chúng tôi không cho đăng tiểu sử Lê Duẩn như trên trong tạp chí khoa học về lịch sử quân sự"

Trong dịp kỷ niệm 55 năm ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam, ông Lê Đức Anh, với tư cách cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đến thăm Viện Bảo tàng Quân đội. Ngày 14 tháng 2 năm 2000, báo Nhân Dân, báo Quân đội Nhân dân đăng lại trên trang nhất bài nói này, trong đó có đoạn : “… Về đồng chí đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên bộ trưởng Bộ Quốc phòng, các đồng chí thể hiện khá rõ, nhưng cần tập trung để làm rõ vai trò của dồng chí là người trực tiếp thực hiện quyết định của Bác Hồ về tổ chức thành lập Đội Tuyên truyền Giải phóng quân (22-12-1944), người chỉ huy chiến dịch Điện Biên phủ 1954 chấn động dư luận thế giới". Câu nói này nếu của người khác thì không ai chú ý mấy, nhưng vì dư luận xã hội lâu nay đã ghi nhận một hệ thống chủ trương vùi dập, hãm hại đại tưóng Võ Nguyên Giáp thông qua việc vu cho Đại tướng là Việt gian vì từng làm con nuôi cho mật thám Pháp; việc biến ông thành "Ông tướng đặt vòng"; việc bầy ra vụ Năm Châu-Sáu Sứ để giăng bẫy Đại tướng …” mà người ta dị nghị rằng chủ mưu là các ông Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Lê Đức Anh, cho nên người ta hiểu ngay đây cũng là một hành động nằm trong hệ thống mưu đồ ấy, nhằm phủ định cương vị Tổng tư lệnh các Lực lượng Vũ trang của đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Câu nói trên phải được hiểu là : về đồng chí đại tướng Võ Nguyên Giáp các đồng chí đã thể hiện khá rõ, nhưng thật ra chỉ nên tập trung làm rõ vai trò của ông trong viêc thành lập Đội Tuyên truyền Giải phóng quân (theo quyết định của Bác Hồ) và chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Nếu không như vậy thì hẳn ông Lê Đức Anh phải nói : “… cần tập trung để làm rõ hơn vai trò của đại tướng Võ Nguyên Giáp trong việc tổ chức thành lập Đội Tuyên truyền Giải phóng quân và chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ …" (so với nhiều vai trò khác mà đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đóng góp lớn lao cho cách mạng Việt Nam)

Hầu hết những người am hiểu đều biết vậy nhưng không dám hé răng. Riêng đại tá Phạm Quế Dương không kìm chế nổi, lại đùng đùng nổi trận xung thiên.

Tiếc rằng Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương đã không vì lẽ phải, không vì tôn trọng sự thật lịch sử mà lên tiếng, lại phù hoạ rất sai trái. Ban TTVHTU, qua Báo cáo nhanh số 05/BC-DLXH của mình, chỉ đạo một cách áp đặt : “Bài viết của cố vấn Lê Đức Anh được dư luận của các tầng lớp nhân dân đặc biệt quan tâm và đánh giá cao. Dư luận chung rất tâm đắc với các quan điểm của đồng chí Cố vấn … Nhiều ý kiến đề nghị Bộ Chính trị quan tâm chỉ đạo việc trưng bầy ở Viện Bảo tàng Quân đội và việc viết lịch sử quân đội theo các yêu cầu nói trên của đồng chí Cố vấn vì đó cũng chính là nguyện vọng chung của toàn dân, không để cho các quan điểm đánh giá phiến diện : đề cao một vài cá nhân, xuyên tạc lịch sử, coi nhẹ sự lãnh đạo của Đảng, của Bác đối với quân đội chen vào”. (Báo Nhân Dân đăng ý kiến ông LĐA ngày 14/2, ngày 23/2 Báo cáo nhanh đã ấn hành. Không biết bằng phương pháp nào ban TTVHTƯ chỉ trong chưa đầy một tuần lễ (trừ thời gian viết bài và in ấn) đã thu thập được dư luận của các tầng lớp nhân dân ? Vấn đề này có thực sự nóng hổi và tác động trực tiếp thiết thực đến đời sống xã hội như chuyện tăng giá điện, nạn dịch cúm gà không mà chỉ trong mấy ngày đã có nhiều ý kiến đề nghị Bộ Chính trị đến thế ?).

Việc một cơ quan khoa học nước ngoài nào đó chọn 10 danh tướng thế giới, trong đó riêng Việt Nam có 2 (Trần Hưng Đạo và Võ Nguyên Giáp) là hoàn toàn có thể có thật, và là chuyện bình thường thôi. Viện Khoa học nước ấy chọn thế, Viện Khoa học nước khác có thể chọn khác. Cũng như cuối mỗi năm báo chí Việt Nam chọn 10 sự kiện quốc tế tiêu biểu trong năm kiểu này, báo nước khác chọn khác. Thế mà khi đại tá Phạm Quế Dương cùng một số người hùn nhau bỏ cả tiền túi ra để in cho được cuốn “Mười danh tướng thế giới” thì bị An ninh Văn hoá mời lên mời xuống hạch sách, hăm doạ. Sách vẫn “ương ngạnh” xuất bản. Để rồi … bị thu hồi ! Nếu trong cuốn sách kiểu như thế mà có tên các ông Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Lê Đức Anh thì ngày ấy chắc người ta đã phóng tay đổ công, đổ của của nhân dân mặc sức tuyên truyền rùm beng. Bảo rằng để khuyếch trương niềm tự hào dân tộc.

Khi đại tướng Hoàng Văn Thái từ trần, được tướng Hoàng Phương đồng ý và sau khi trao đổi với Cục Tuyên huấn, đại tá Phạm Quế Dương viết bài tưởng niệm. Trong đó, có những đoạn rất xúc động: “Tuổi già hạt lệ như sương. Các cán bộ cũ ở Bộ Tổng Tham mưu nghe tin Anh ra đi, đã bàn bạc cùng nhau để cô đặc giọt lệ tuổi già viết thành tám chữ "Tron nghĩa nước non, vẹn tình đồng đội” trên bức trướng khóc Anh. Nào ai hay những giọt lệ ấy đã nói hộ nỗi lòng của toàn dân, toàn quân trong việc đánh giá công lao, đức độ của một trong những vị Tướng tài! Cũng phải thôi. Vì lòng Dân vẫn là ý Đảng. Trước sự ra đi của một vị tướng như Anh, công luận bao giờ cũng là công bằng, chính xác"

Ông tướng Nguyễn Đình Ước tìm mọi cách ngăn trở không cho đăng bài tưởng niệm đó ngay cả trên Tạp chí Lịch sử Quân sự. Nhà báo Phạm Quế Dương loay hoay thế nào vẫn quyết tâm đăng bằng được, sau đó ít lâu. Bởi vì ông cho rằng "Chẳng phải ông Hoàng Văn Thái bị thù ghét mà các ông Lê Trọng Tấn, Chu Văn Tấn, Trần Văn Trà, Lê Quảng Ba, Lê Thiết Hùng, Vương Thừa Vũ … cũng bị như vậy. Vì họ cho là các ông ấy thân ông Giáp. Có thế thôi.".

Một tín đồ có tâm Phật.

Trong lý lịch, ông Phạm Tiến Phúc (tên khai sinh của đại tá Phạm Quế Dương) khai là mình theo đạo Phật. Thực tế, ông quả là người rất từ bi, bác ái.

Bà Cư kể rằng ông Dương không những đã từng góp hết lương của mình mà còn bán cả quân trang, cho đến chiếc mũ cối, đôi giầy vải để trả lương cho anh em trong Ban Biên tập Tạp chí Lịch sử Quân sự. Thế mà, sau 2 năm, vào khoảng 1985-86, Tạp chí được thưởng 4 xe đạp Đi-a-măng, anh em bình bầu cho ông, ông nhất quyết nhường cho người khác

Là đại tá, Tổng Biên tập Tạp chí Lịch sử Quân sự, ông Phạm Quế Dương được phân phối một căn hộ tầng một khép kín ở Khu Tập thể Thanh Xuân bắc. Vợ con khấp khởi chờ đợi ngày dọn nhà. Cuối cùng tất cả thất vọng vì ông đã nhường cho một gia đình có mẹ già bị bại liệt và 3 con nhỏ.

Một chị thường đến lấy nước gạo ở Khu Tập thể 37 Lý Nam Đế bỗng nhiên bị mất cả xe đạp, lẫn thùng nước gạo, ông Phạm Quế Dương liền đưa cho chị chiếc xe đạp của Kiều Anh- con gái út của ông- nói là cho mượn. Sau mấy ngày phải nhờ bạn đèo xe đi học, cháu năn nỉ ông đòi xe về. Ông tuyên bố đã cho chị ấy.

Một người thỉnh thoảng đến thăm tôi, mà tôi nghi là công an chìm, kể lại. Một hôm, anh đang cùng ông đi trên hè phố, gặp một cháu gái chân quê đi bán rau, bị công an thu giữ. Cháu khẩn khoản kêu xin, trình bầy rằng đây là toàn bộ vốn liếng của cháu. Ông Phạm Quế Dương cũng xin hộ không được. Ông đành móc túi còn khoảng gần trăm ngàn, đưa cho cháu hết.

Bà con từ nhiều tỉnh xa về đội đơn đến Mai Xuân Thưởng trình lên lãnh đạo không được, đến nhờ vả đại tá Phạm Quế Dương. Ai cũng được ông tiếp đón ân cần. Chẳng những thế, người đói còn được ông mời cơm, người rách được ông cho quần áo. Gặp mưa, ông tặng áo mưa. Tiếng lành đồn xa, bà con bảo nhau kéo đến ngày càng đông. Vợ con khổ sở, ông phát ốm vì không được nghỉ ngơi. Đã thế còn mang vạ là bị quy tội kích động nhân dân khiếu kiện ! Trong 902 đầu tài liệu tuyên bố tịch thu được ở nhà ông có một số nhiều những đơn thư đó.

Vợ chồng ông Phạm Quế Dương được mời đi lễ hội Đình Tổ Bắc Ninh, nhân đó rủ nhau ra viếng mộ cụ nghè Lê Văn Thịnh. Thấy cảnh mộ hoang sơ, trong đoàn hơn chục người đi viếng lại chỉ có mỗi cô giáo Cấp Một cầm nhang ra thắp, ông Dương bỗng sụp xuống nức nở. Khi về lại Đình Tổ thụ lộc, nghe ông từ kể về công đức Cụ Nghè, ông Dương lại oà khóc và khởi xướng ngay việc tôn tạo mộ cụ Lê Văn Thịnh. Bà Cư hỏi : ông định lấy tiền đâu ra để làm việc này. Ông ngước nhìn lên bàn thờ, vẻ thành kính : "Rồi Cụ sẽ cho mình". Mấy tuần sau, được truy lĩnh mấy triệu bạc tiền "Tiền khởi nghiã". Ông Dương khoe với vợ con : "Đấy bố nói Cụ sẽ cho có đúng không !” . Rồi ông đem nộp cho ban tôn tạo mộ cụ nghè Lê Văn Thịnh.

Ông còn chủ trì cùng Hội Sử học tổ chức hội thảo và sau đó đứng ra góp viên gạch đầu tiên tôn tạo mộ bà Nguyễn Thị Lộ- vợ yêu danh nhân Nguyễn Trãi- tại Khuyến Lương.

Đền thờ danh nhân Nguyễn Trãi vừa được Nhà nước cho xây dựng khang trang dưới chân Côn Sơn cũng có phần nhờ Phạm Quế Dương là người tích cực góp công đề xướng, xuất phát ngay sau chuyến ông hành hương cùng Hội Dưỡng sinh lên Côn Sơn.

Chùa Diên Hựu (tức chùa Một Cột) - ngôi chùa có thời kỳ từng được xem là biểu tượng của Hà Nội- còn tồn tại được như ngày nay là nhờ công đức rất lớn của phật tử Phạm Quế Dương. Năm 1985, khi xây Bảo tàng Hồ Chí Minh, Đảng và Chính phủ đã có chủ trương phá bỏ khuôn viên chùa Một Cột. Y kiến đề đạt của phật tử Phạm Quế Dương không được xem xét đúng mưc. Ông phản ứng ngày càng gay gắt và đấu tranh ngày càng quyết liệt, bất chấp mọi sự va chạm với những quyền lực tối cao có nguy cơ đe doạ tính mệnh mình. Ông bảo : "Ai cho phép khoanh cả khuôn viên chùa Diên Hựu- Một Cột vào khuôn viên Bảo tàng Hồ Chí Minh ? Bảo tàng Hồ Chí Minh dù có vĩ đại bao nhiêu cũng mới có 12 tuổi vì khánh thành 1990. Không thể áp đặt Bảo tàng Hồ Chí Minh ngồi trên chùa Diên Hựu-Một Cột có gần 1000 năm tuổi của vua Lý Thái Tổ gửi cho đời sau được ”.

Khi cuộc đấu tranh thắng lợi, Chùa Diên Hựu được bảo toàn, ông cười hoan hỉ. Bảo rằng đấy là nhờ ơn Đức Phật tổ.

Dẫu sao, ông vẫn chưa thôi ấm ức. Tuy chùa Một Cột không bị phá bỏ hoàn toàn, nhưng nhà thờ Tổ và khu nhà Tăng đã bị triệt tiêu. Bài vị của các sư tổ của Chùa - những vị trụ trì ở đây từ thế kỷ 11- nay phải thờ chung ở nhà thờ Mẫu. Đồng thời, sư không có chỗ ở, phải khoanh bằng gỗ ghép để ở trong Tam Bảo, trước ban thờ đức Đại tạng Đại Bồ Tát và vong linh các gia quyến đưa lên chùa.

Năm 1996, một cơn bão lớn bỗng quật đổ cây bồ đề cổ thụ của chùa Một Cột. Lời thỉnh cầu của sư sãi không đem lại hiệu quả. Lại cũng chính phật tử Phạm Quế Dương phải sắn tay vào cuộc. Không quản ngại, ông chạy đủ mọi cửa, chắp tay vái tứ phương mới cứu được cây bồ đề Diên Hựu.

Cuộc đấu tranh lâu dài, gian nan nhất, được khởi sự ngay từ sau ngày về hưu của người con hiếu đễ dòng họ Phạm là cuộc đấu tranh đòi Tử Dương Vọng đình. Ngôi đình vọng của làng Tử Dương, xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín đã từng toạ lạc tại số 8 Hàng Buồm. Đình được xây dựng từ thời Hậu Lê, 1767, thờ Tuệ trung thượng sỹ Trần Tung, anh cả của Hưng đạo đại vương Trần Quốc Tuấn. Đình này bị một hộ chiếm đoạt, phá đình làm nhà, quét vôi che phủ bia, làm phi tang tất cả báu vật trong Đình. Có ý kiến của cố vấn Phạm Văn Đồng, có công văn của UBND TP Hà Nội, Thanh tra thành phố Hà Nội, yêu cầu quận Hoàn Kiếm giải quyết. Song, qua hàng chục năm trời, dân làng Tía đi lại, lên xuống cầu xin mà lãnh đạo quận Hoàn Kiếm vẫn không đoái hoài.

Ông Dương đã từng tuyên bố sẵn sàng hiến toàn bộ số tiền 7000 USD giải thưởng nhân quyền của tổ chức nhân quyền quốc tế Human Rights Watchs để làng nộp cho toà án quốc tế La Haye làm án phí xử kiện đòi Tử Dương Vọng đình. Đây là nỗi khắc khoải, day dứt hết sức lớn trong lòng ông Phạm Quế Dương.

Ngày 14 tháng 2 vừa qua trong buổi gặp gia đình tại trại giam B14, sau khi thuật lại nội dung bản cáo trạng Viện Kiểm sát Nhân dân gửi ngày 3 tháng 2 năm 2004, ông đã thiết tha nhắn gửi : "Thôi thì mọi tội lỗi quy kết bố đành chịu hết. Chỉ mong sao Nhà nước trả lại Tử Dương Vọng đình cho dòng họ Phạm quê ta".

Nói phỉ phui, nếu vì sự đàn áp quá dã man của chính quyền này mà dẫn đến cái chết của ông thí xin hãy mai táng ông tại làng Tử Dương; bên mộ là một miếu thờ; trong miếu thờ đặt pho tượng đồng của ông; dưới bức tượng là dòng chữ mạ vàng kể trên. Không chỉ để dòng họ Phạm tưởng nhớ ông mà để các thế hệ noi theo một tấm gương nghĩa hiệp, một tấm lòng tha thiết vì quê hương đất nước.

Một chiến đấu tính mạnh mẽ của người cựu binh tái ngũ chống Tàu

Năm 1960, sĩ quan chiến binh chống Pháp Phạm Quế Dương chuyển ngành về làm cán bộ tuyên truyền Tổng cục Lâm nghiệp. Năm 1965, tiếng gọi tiền phương lại thôi thúc ông tái ngũ. Ông đánh giặc cho đến khi thành thương binh. Xuất ngũ, máu chiến binh có chiến đấu tính rất mạnh mẽ lại thúc đẩy ông lao vào cuộc đấu tranh xoá bỏ áp bức, bất công, bảo vệ nhân phẩm, đòi tự do, dân chủ cho nhân dân.

Góp ý với đại hôi IX đảng Cộng sản Việt Nam, trong bài "Phải cải cách chính trị cùng với cải cách kinh tế" ông viết : " … cầm quyền như hiện nay Đảng ta trở thành một thứ Đảng độc quyền, Đảng trị. Gọi là Đảng độc quyền vì khi Bác Hồ còn sống, còn có đảng Xã Hội, đảng Dân Chủ. Nay chỉ còn có 1 đảng Cộng Sản. Gọi là đảng trị vì Đảng thống trị, ngồi lên đầu dân, quyết định hết nhưng không chịu trách nhiệm trước dân … Tình hình đất nước ta ngày càng tụt hậu xa so với thế giới về kinh tế, ngay cả những nước gần cận trong khu vực. Nạn tham nhũng tràn lan không bài thuốc chũa trị, từ người lái xe ôm đến bà bán nước vùng quê đều rõ, sao những người lãnh đạo đảng CSVN không thấy mà lúc nào cũng chỉ muốn người ta tung hô Đảng sáng suốt, Đảng quang vinh, đời đời nhớ ơn Đảng … Muốn cứu vãn tình thế không thể chỉ đổi mới bằng cải cách kinh tế mà phải nhanh chóng triệt để cải cách, đổi mới chính trị. Phải nói thẳng là cải cách-đổi mới chính trị, không thể nói là cải cách-đổi mới hành chính, một kiểu nói lừa dối lương tâm … Người đứng đầu Đảng và Nhà nước (Chủ tịch nước hay Tổng thống) phải là một. Đảng cử ra ba bốn người rồi để dân trực tiếp bỏ phiếu. Không thể như hiện nay, Đảng cử ra Tổng Bí thư thì tự nhiên dân phải nhận là Vua của mình rồi. Sự thật đó là Vua của ĐCSVN chứ có phải của dân đâu …. Phải thật sự bầu cử tự do. Người dân được tự do ứng cử, xoá bỏ việc mọi danh sách phải thông qua Mặt trận Tổ quốc. Đó là một việc làm lùa bịp, trấn áp trắng trợn người tài một cách bẩn thỉu, đáng khinh mà những người cầm đầu Mặt trận Tổ quốc đã có lúc tự nhận mình chỉ là "cây cảnh" … Quân đội, công an là công cụ vũ trang của Nhà nước, không phải của riêng Đảng. Trả lại câu nói của Bác Hồ : ”Quân đội ta trung với nước, hiếu với dân”. Tự sửa câu nói lịch sử của Bác Hồ là bất hiếu, bất trung … ĐCSVN phải xin lỗi vụ Nhân văn-Giai phẩm, vụ Xét lại, vụ Kim Ngọc, vụ án Trường Xuân. Các vụ này xử lý oan bao nhiêu hiền tài của đất nước. Dân sẽ thông cảm, tha thứ cho Đảng, coi đấy là những sai lầm của sự ngây thơ một thời, nếu ĐCSVN thành thật xin lỗi, rút bài học cho bản thân …".

Trong bài "Tôi tự ứng cử Quốc hội để làm gì ?" ông viết : "Rồi lại gần đây, việc ký hiệp định biên giới và vùng biển Việt – Trung. Dư luận xôn xao, Quốc hội Việt Nam đã thông qua chưa ? Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ chỉ là hiệp định buôn bán giữa hai nước mà còn làm đủ mọi thủ tục trình, rồi thông qua Quốc hội như diễn kịch. Vậy sao cái Hiệp định Biên giới và Hải phận quan trọng ngàn đời đốí với danh dự và lương tâm Non sông đất Việt mà lại ký vụng trộm như vậy sao ?"

Trong bài "Đại tướng quân Võ Nguyên Giáp không phải là Bí thư Quân uỷ Trung ương mà cũng chẳng phải là Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang nhân dân hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ ?", ông viết : "Vừa rồi tivi ta có chiếu bộ phim về đại tướng Lê Đức Anh. Họ ca ngợi ông ta đẹp làm sao, hay làm sao, vĩ đại biết bao ! Với ông ta, loại như tôi, xa vời quá cho nên không dám bình luận. chỉ xin phép nhắc lại cái thời tôi làm Tổng biên tập tạp chí Lịch sử Quân sự thuộc Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, ông ta là đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng, siêu cấp trên của tôi. Tôi được ông Ngọc, thiếu tướng, thư ký của ông ta gọi lên mấy lần để gặp ông ấy. Tôi đều cảm ơn xin cáo vì quá bận việc. Sự thật là vì lúc ấy tôi biết họ đang làm quyển sách "Đường thời đại”, bốn tập, do nhà xuất bản Quân đội Nhân dân xuất bản. Nếu gặp, e rằng ông đại tướng Lê Đức Anh ấy ra lệnh phải tham gia thì bỏ xừ. Nhận thì là kẻ vô lương tâm với lịch sử, mà từ chối thì đừng có đùa. Do đó, xin cáo vậy”.

Đại tá Phạm Quế Dương có tội không ?

Con người trung thực, thánh thiện như thế chắc chắn chưa hề phạm tội. Tuy nhiên, nếu xét "phạm thượng" là tội lớn thì, nếu không được Trời Phật phù hộ độ trì, hẳn ông đã mắc vòng lao lý từ lâu rồi. Ông tuổi Tân Mùi (1931). "Tân biến vi toan, hiển vinh thì it, gian nan thì nhiều", các cụ xưa bảo thế. Riêng cái tội khinh khi đối với ông Lê Đức Anh như thế, nếu không cao số, nhiều người đã đủ chết rồi. Huống chi ông thường nhiều khi gay gắt, khinh mạn một cách quá trớn, không nên, mà cũng không cần thiết. Cũng trong bài vừa kể, có đoạn ông viết : "Không biết ông Hà Đăng có đi lính không ? Và nếu đi lính thì ông có là lính đánh nhau không hay chỉ làm "phóng văn lình". Các cụ xưa có câu : "Tuý ngoạ sa trường quân mạc tiếu. Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi". Lính có loại kia, loại nọ. Loại "phóng văn lình" tức là lính văn phòng, không trực tiếp đánh nhau nhưng gần cấp trên, giỏi nịnh hót nên lên cấp chức vù vù, thậm chí lính đào ngũ vẫn lên tướng. loại tướng ấy gọi là "tướng lên đài", tức là đái lên tường". Trong bài "Xin mời làm rõ ai là kẻ cơ hội", có đoạn ông viết : "… Sự việc nếu chỉ thế thôi thì cũng chẳng cần quan tâm. Vì đối với những người lính dám đánh nhau thì Lê Đức Anh dù có là cái tướng gì cũng chẳng để lại dấu ấn tốt đẹp nào đối với lịch sử trong sáng của dân tộc, của quân đội ta”. Trong bài "Xin mời cùng làm rõ ai là "Kẻ lén lút" ", sau khi vạch rõ chân tướng cái ông tướng Nguyễn Đình Ước xuất phát từ một tên lính đào ngũ, cái ông phó giáo sư Nguyễn Đình Ước nhờ xin xỏ được đặc cách, được chiếu cố (có khoảng chục bài của Tào Mạt, Đào Thái Tôn, Nguyễn Hữu Đức … từng đề cập đến việc này), can cớ gì ông Dương lại đi cà khịa lung tung "Cái lũ phong cho ông hàm phó giáo sư cũng câm miệng cả ! … Bọn phong tướng cho ông cũng chả nói chi ! … Và cái Quốc hội mà công dân nghiêm chỉnh viết bức thư kia gửi cả niềm tin vào cơ quan quyền lực tối cao của nhà nước pháp quyền cũng câm tịt" ! Tiêu đề một số bài viết của ông Dương cũng thật là khinh mạn : "Viện kiểm sát Nhân dân tối cao nên đi học thêm văn hoá và pháp luật", "Kẻ lưu manh, dối trá” … Thậm chí, đối với tổng bí thư Nông Đức Mạnh, ông cũng nỡ lòng nào trích từ đâu đó đoạn thơ “Tài Nông mà đức cũng Nông …" !

Dù là đấu tranh chống cường quyền tôi cũng không ưa lối viết, lối nói quá bỗ bã, đốp chát. Tôi cũng không đồng tình với những chuyện đả kích cá nhân quá xô bồ.

Ngoại trừ vài ba nhân vật không ai không thể không oán giận, khinh ghét : một ông Tổng Bí thư Đảng, sau chiến thắng 1975, vì quá huênh hoang, hợm hĩnh đã đẩy dân tộc trầm luân thêm trong hai cuộc chiến rất không đáng có, đánh Campuchia và đánh Trung Quốc …; một ông Trưởng ban tổ chức Trung ương Đảng ám hại bao nhiêu hiền tài, vu cáo cả cho đại tướng Võ Nguyên Giáp là tay sai mật thám Pháp …; một ông Chủ tịch nước mắc rất nhiều lời đồn đại khả tín về khai man lý lịch vào Đảng, về liên quan trực tiếp đến cái chết của tướng Nguyễn Bình, đến vụ Năm Châu-Sáu Sứ … , hầu hết tất cả những người khác đều là những con ngưòi có ưu, có khuyết, có tốt có xấu như chúng ta. Rồi cũng như họ, nếu đặt chúng ta vào cương vị cao trong cơ chế này, hẳn chúng ta cũng phải nói gần như họ, làm gần như họ. Tôi đã từng quen một số người nay có chức tước rất cao, đang bị nhiều người oán giận, xỉ vả. Song, trước đây khi còn hàn vi với nhau, tôi từng yêu quý cả về tài năng lẫn đức độ của họ. Cho nên vấn đề cơ bản là phải đấu tranh, có thể rất gay gắt quyết liệt, với những đường lối, chủ trương, chính sách sai lầm cúa Đảng. Phải thuyết phục, thậm chí tạo sức ép mạnh cho đổi mới thực sự, cải tổ thực sự, sao cho đáp ứng được yêu cầu và khả năng thực sự của đất nước, hoà hợp thực sự được với trào lưu tiên tiến của thế giới. Trong một chế độ chính trị ưu việt thì người xấu cũng sẽ thành tốt, trong một cơ chế đúng đắn, minh bạch thì không những sẽ hạn chế được quan tham mà kẻ cơ hội, gian hùng cũng không thể trở thành độc tài, tàn bạo được.

Dẫu sao cũng không thể xem đại tá Phạm Quế Dương là một tội phạm. Ông ấy có những khuyết nhược điểm rất đáng chê trách. Tuy nhiên nếu vì bị xúc phạm mà trở nên hận thù, ỷ quyền, cậy thế tạo ra cả một "thế trận bát quái” giăng bẫy, vu khống, bôi nhọ, tuyên truyền tạo dư luận để hãm hại ông ấy, thậm chí ghép ông ông ấy vào tội tầy tròi không thể có : tội gián điệp thì thật là gian manh quá mức, độc ác quá mức. Lòng người tất sẽ oán thán mặc dù không dám biểu lộ công khai. Trờì rồi sẽ không dung. Đất rồi sẽ không tha.

Xin được dẫn ra đây đoạn kết bài viết ngày 15 tháng 2 năm 2004 của nhà văn, cựu chiến binh chống Pháp Hoàng Tiến : "Những người như ông Phạm Quế Dương là những người yêu nước. Trừng phạt những người yêu nước là một tội ác. Nếu cứ xét xử cho thoả lòng tức tối cuả lệnh trên, thì người viết bài bào chữa này xin chịu hình phạt cùng ông Phạm Quế Dương. Người Việt Nam coi trọng đạo lý, tôi xin dâng thân xác mình để cảnh tỉnh những nhà cầm quyền đừng nên làm điều thất nhân tâm quá đáng”.

Những kẻ lạm dụng quyền lực hãy biết tự răn để tỉnh táo nhận được ra rằng trong hơn tám mươi triệu người Việt Nam đang sống cả trong và ngoài nườc tất phải có biết bao nhiêu Hoàng Tiến.

Hà Nội 24 tháng 2 năm 2004
Nguyễn Thanh Giang
Số nhà 6 – Khu Tập thể Địa Vật lý Máy bay
Trung Văn - Từ Liêm – Hà Nội

----- O -----

Vài lời phi lộ:

Bấy lâu nay, mâu thuẫn nội bộ vẫn là một trong những vấn nạn căng thẳng của đảng cộng sản Việt Nam. Người ta dùng chức quyền hãm hại nhau, trừng phạt nhau, đấu đá nhau. Bài viết sau đây của ông Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một minh hoạ cho điều vừa nói. Trước đây, người ta từng được chứng kiến ông bị vùi dập bởi tập đoàn Lê Duẩn- Lê Đức Thọ, đó là việc ông buộc phải phụ trách kế hoạch hoá gia đình, việc ông phải trông phòng thí nghiệm sinh học,v.v… Nay, ông đã chính thức tố cáo thêm một sự vu khống trắng trợn mà Đảng của ông đã dành cho ông, đó là vụ " Năm Châu- Sáu Sứ ". Kể cũng hơi muộn màng khi đến bây giờ mới công bố. Tại sao trước đó bao năm trời mà ông không dám lên tiếng ? Phải chăng có một thế lực đen tối nào ngầm đe doạ ông ?

Nếu phải nói một câu về ông, chúng tôi xin được nhận xét rằng: “ Tướng Giáp là một vị tướng có dũng trong thời chiến, nhưng bạc nhược trong thời bình ". Qủa vậy, trong suốt cả quãng đời trong thời bình, người ta chưa thấy ông có nổi một bài phát biểu nào về tình hình đất nước xứng đáng với tầm vóc của ông.

Dẫu biết rằng, những “đồng chí” bạo quyền của mình đang chĩa mũi dùi vào những người tranh đấu cho dân chủ, trong đó có người bạn vong niên của mình là đại tá Phạm Quế Dương, nhưng ông chưa dám có một lời nào phản đối những việc làm sai trái đó. Ngay cả trong bài viết dưới đây, ông cũng chỉ dám kín đáo bênh vực cho bạn mình. Biết nói sao bây giờ đây ? Đành ngẩng mặt lên trời mà than : " Cuộc đời con người ngắn ngủi lắm, sao không sống cho trọn vẹn một chữ Người !"

Thư của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp

Kính gửi:

Ban Chấp hành Trung ương,
Đồng chí Tổng Bí thư, các đồng chí trong Bộ Chính trị,
Ban Bí thư và Uỷ ban Kiểm tra Trung ương

     Thời gian qua, tôi vào miền Nam nên không dự được cuộc họp ngày 5 và 6 tháng 12 do Bộ Chính trị triệu tập.
     Tôi đã đọc và nghiên cứu các bản dự thảo, báo cáo chuẩn bị trình Hội nghị Trung ương 9 khoá IX:
          - Báo cáo kiểm điểm nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX.
          - Báo cáo kiểm điểm giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội IX về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
          - Báo cáo tình hình thực hiện kết luận Hội nghị Trung ương 4 khoá IX về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khoá VIII đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi tệ tham nhũng, lãng phí trong 2 năm qua.
     Tôi nhận thấy, các dự thảo văn kiện nói trên được chuẩn bị tích cực, tiếp cận sát hơn tình hình thực hiện trong nước và thế giới, không chỉ nêu lên những thành tích mà còn nói rõ những tiềm năng chưa được khai thác và những khuyết điểm tồn tại khá trầm trọng.
     Nhìn chung, qua 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội IX, đất nước tiếp tục phát triển ổn định trong tình hình có nhiều khó khăn mới. Điều đó cho thấy công cuộc đổi mới đang phát triển đúng hướng. Tuy nhiên, tôi đồng ý với nhận định của dự thảo là nền kinh tế phát triển chưa bền vững, tốc độ tăng trưởng chưa tương xững với mức tăng đầu tư và tiềm năng của đất nước; mặt xã hội chuyển biến chậm, hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí sa sút về đạo đức vẫn diễn ra phức tạp, có phần nghiêm trọng.
     Tôi đề nghị, cần phải phân tích nguyên nhân của những mặt tồn tại, yếu kém, làm rõ hơn những vấn đề cần tập trung thực hiện bằng được trong hai năm còn lại. Cần làm rõ vì sao có nhiều Nghị quyết đúng, nhiều chủ trương đúng nhưng không được thực hiện hoặc thực hiện không có hiệu quả.

     Sau đây, tôi xin phát biểu thêm một số ý kiến về kinh tế, về giáo dục và khoa học, về quốc phòng, an ninh và về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

     1 – Về nhiệm vụ trung tâm là xây dựng kinh tế:
     Vừa qua, mức tăng trưởng kinh tế bình quân 3 năm (2001 - 2003) đạt khoảng 7,1%/năm, tuy chưa đạt mức Đại hội IX đề ra là 7,5%/năm, nhưng vấn đề là một cố gắng lớn trong tình hình khu vực và thế giới đang có những diễn biến phức tạp. Nếu biết huy động và sử dụng tốt nguồn nội lực, chúng ta hoàn toàn có thể đạt mức tăng trưởng dự kiến của Đại hội. Nhưng phải thấy rằng, cho dù có đạt được tỷ lệ ấy thì đến năm 2020, nước ta vẫn còn là một nước kém phát triển ngay trong nhóm các nước ASEAN, vẫn còn thua Thái Lan khoảng 20 năm về chỉ tiêu GDP/người, nếu so với các nước OECD thì còn tụt hậu xa hơn nhiều. (Hiện nay, GDP/người của Việt Nam là 400USD/người bằng 1/3 Thái Lan, 1/50 Singapore, 1/70 Mỹ).
     Tôi đề nghị, Hội nghị nên thảo luận vì sao ta không thực hiện được tỷ lệ tăng trưởng cao hơn. Cần có những chủ trương và biện pháp gì để bảo đảm cho nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa, phát huy được nội lực, lợi thế so sánh và năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập với khu vực và thế giới.
     Chắn chắn trong những năm sắp tới, với sự phát triển gia tốc của cách mạng khoa học và công nghệ trong thời đại kinh tế tri thức và văn minh trí tuệ, với nhịp độ phát triển nhanh của các nước trong khu vực và tính chất cạnh tranh ngày càng gay gắt trong nền kinh tế thế giới toàn cầu hoá, với xu hướng diễn biến phức tạp của tình hình chính trị và an ninh quốc tế, nước ta sẽ phải đương đầu với những khó khăn và thách thức mới khó lường trước được.
     Mong rằng, những phương hướng và chủ trương đúng đắn của Hội nghị Trung ương 9 sẽ được triển khai thực hiện kiên quyết hơn và có hiệu quả hơn.

     2 – Về giáo dục và khoa học:
     Chúng ta đều thống nhất nhận thức rằng: Khâu đột phá để thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đưa nước ta phát triển nhanh và bền vững là giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ. Lĩnh vực mà Nghị quyết Trung ương 2 khoá VIII đã xác định là quốc sách hàng đầu, có quan hệ mật thiết với sự phát triển kinh tế, văn hoá và xã hội hiện nay và tương lai của đất nước 40 – 50 năm sau, lại đang là vấn đề gây lo lắng cho toàn xã hội.
     Vừa qua, cuộc hội thảo lớn do Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng báo Nhân dân phối hợp tổ chức đã cho thấy rõ hiện trạng yếu kém và bất cập của nền giáo dục nước ta.
     Tôi đề nghị Hội nghị Trung ương cần phân tích kỹ nguyên nhân vì sao một chủ trương rất đúng coi giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu lại không được thể hiện trên thực tế, mặc dù đã có chiến lược được Chính phủ phê chuẩn.
     Về vấn đề này, trước đây tôi đã có văn bản gửi Bộ Chính trị đề nghị: cần thiết phải có một cuộc cải cách giáo dục có tính cách mạng. Đây chính là vấn đề quan trọng nhất liên quan đến chiến lược con người.
     Để đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng nền kinh tế hiện đại, tiếp cận với nền kinh tế tri thức, cần phải đổi mới nội dung, chương trình, giáo trình, sách giáo khoa, đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại hoá và tin học hoá hệ thống giáo dục và đào tạo, kết hợp chặt chẽ khoa học với nhu cầu kinh tế, văn hoá, xã hội.
     Cuối năm 2000, Trung ương đã có chỉ thị về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vực kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, cho đến nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong hệ thống giáo dục đào tạo vẫn còn hạn chế, còn kém so với các nước trong vùng (1). Để tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng giáo dục, cần có chủ trương và chính sách cụ thể tạo điều kiện cho các nhà doanh nghiệp được tiếp cận dễ dàng và rộng rãi với mạng máy tính và Internet để phục vụ cho giảng dạy, học tập nghiên cứu và kinh doanh.
     Nếu không kiên quyết thực hiện bằng được chủ trương: Giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu thì những mục tiêu trọng yếu mà Hội nghị Trung ương lần này nêu ra như đẩy nhanh nhịp độ tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, phát triển kinh tế bền vững … chắc chắn không thể thực hiện được.
     Để thực hiện cuộc cải cách giáo dục có tính cách mạng, cần tổ chức lại hệ thống giáo dục và đào tạo.
     Tôi kiên trì đề nghị tách Bộ Giáo dục và Đào tạo thành hai Bộ: Bộ Đại học và Bộ Giáo dục do đối tượng của mỗi Bộ rất khác và rất lớn, sắp tới phải mở rộng không những cấp phổ thông mà còn cấp cao đẳng, đại học. Tách bộ phận dạy nghề khỏi Bộ Lao động và Thương binh Xã hội. Thành lập Tổng cục dạy nghề trực thuộc Chính phủ và có quan hệ với hai Bộ nói trên. Đồng thời, kiện toàn tổ chức và cán bộ của các cơ quan lãnh đạo quan trọng đó để triển khai có hiệu quả công cuộc cải cách giáo dục.
     Trong hai năm tới, cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để tạo được một bước đột phá trong hoạt động khoa học và công nghệ.
     Trước mắt, tập trung nghiên cứu và tiếp thu công nghệ hiện đại, đặc biệt là một số lĩnh vực công nghệ cao, từng bước hình thành một hệ thống công nghệ đồng bộ để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tạo lập và phát triển thị trường khoa học và công nghệ gắn kết khoa học với kinh tế. Các doanh nghiệp phải có lộ trình đổi mới công nghệ để nâng cao năng lực hợp tác khu vực và thế giới (AFTA, WTO, APEC, ASEAN 2020 …)
     Trong chiến lược xây dựng và phát triển nền khoa học nước nhà, cần chú ý đúng mức đến nghiên cứu cơ bản, phát triển một số hướng khoa học và công nghệ mũi nhọn: công nghệ thông tin, công nghệ tin học, công nghệ vật liệu mới (công nghệ nano), công nghệ chế tạo và tự động hoá … Cần có kế hoạch đào tạo để sớm khắc phục sự thiếu hụt đội ngũ cán bộ giáo dục, cán bộ khoa học và công nghệ đầu ngành.

     3 – Về quốc phòng và an ninh:
     Tôi đã có văn bản gửi Bộ Chính trị những ý kiến cụ thể đóng góp vào Nghị quyết Trung ương 8 khoá IX về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” và đã nêu ý kiến trực tiếp với đồng chí Trần Đức Lương.

     a) Tôi đã nhiều lần đề nghị chú trọng vấn đề lãnh hải, biển - đảo, nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy có sự quan tâm. Phương hướng cho hai năm tới trong dự thảo báo cáo trình Hội nghị Trung ương 9 lần này cũng không đề cập tới.
     Lãnh thổ nước ta không chỉ có vùng đất liền mà còn có cả vùng lãnh hải. Chúng ta có nhiệm vụ bảo đảm chủ quyền quốc gia không những trên bộ, trên không mà cả trên vùng lãnh hải. Vùng lãnh hải với thềm lục địa, đặc quyền kinh tế và an ninh quốc phòng có tầm quan trọng ngày càng lớn.
     Các nước lớn trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương coi thế kỷ XXI là thế kỷ của biển và đại dương. Nhiều nước đã hoạch định chiến lược tổng thể về biển với những chủ trương và chính sách cụ thể liên quan đến chủ quyền lãnh hải, an ninh kinh tế và an ninh quốc phòng. Trung Quốc xác định: để mở rộng không gian sinh tồn, việc tiến ra biển khơi, khai thác nguồn tài nguyên biển liên quan đến khả năng tiếp tục phát triển và sự tồn vong của dân tộc Trung Hoa; Trung Quốc đang ra sức tăng cường lực lượng hải quân và không quân để giành quyền kiểm soát trên không và trên biểu ở khu vực Tây Thái Bình Dương và Biển Đông, và luôn khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa. Nhật Bản khẳng định quốc sách bảo đảm tuyến giao thông trên biển 1000 hải lý. Mỹ coi việc bảo đảm an toàn tuyến đường vận chuyển nối liền Tây Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương là một bộ phận quan trọng trong chiến lược địa lý – chính trị toàn cầu và chiến lược quốc gia về chủ quyền và an ninh trên biển.
     Mục tiêu địa lý – chính trị phức tạp của các nước Châu Á - Thái Bình Dương gắn liền với cuộc đấu tranh giành giật chủ quyền lãnh hải và khai thác tài nguyên ở biển và đại dương sẽ tác động mạnh mẽ đến sự thay đổi cục diện chiến lược khu vực và toàn cầu trong thế kỷ XXI.
     Tôi đề nghị cần sớm nghiên cứu xây dựng chiến lược toàn diện về lãnh hải của nước ta từ nay đến năm 2010 và 2020 trên nguyên tắc kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, an ninh. Đồng thời, có kế hoạch triển khai từng bước thiết thực và có hiệu quả.
     Cần có một cơ quan Nhà nước mang tính liên ngành để lãnh đạo và điều phối chung các hoạt động kinh tế và quốc phòng trên vùng lãnh hải.
     Trước mắt, cần tổ chức các đội tầu, thuyền đánh bắt cá và khai thác tài nguyên xa bờ kết hợp với lực lượng hải quân để giữ vững chủ quyền và an ninh trên vùng lãnh hải và quần đảo Trường Sa, không để cho các tầu thuyền nước ngoài xâm phạm.

     b) Trong chiến lược phát triển các vùng lãnh thổ của đất nước, việc mở mang phát triển các vùng miền núi, nơi tập trung các đồng bào dân tộc ít người sinh sống, là vấn đề có tầm quan trọng trong chiến lược về chính trị, kinh tế và quốc phòng, an ninh.
     Trong việc đầu tư phát triển các vùng miền nói chung Trung ương đã chú trọng, song cần chú trọng hơn nữa đến vùng căn cứ địa Việt Bắc (Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang).
     Trước mắt, ở Cao Bằng, cần mở mang hệ thống giao thông (đường số 3, sân bay …) tạo điều kiện để phát triển kinh tế, văn hoá, giáo dục, y tế và cải thiện đời sống nhân dân, từng bước xây dựng tỉnh Cao Bằng – “ngôi sao cách mạng của Việt Bắc” nơi Bác Hồ đã từ nước ngoài trở về đây để trực tiếp lãnh đạo Cách mạng Việt Nam, thành một địa bàn mà nhân dân nhất là thanh niên có thể có đủ điều kiện thăm viếng, hơn nữa có thể tổ chức thành khu du lịch quan trọng đối với các khách trong nước và quốc tế.
     Vấn đề này có ý nghĩa chiến lược về chính trị, kinh tế và cả về quốc phòng, an ninh của nước ta. Hoặc bên kia biên giới, nước bạn đã xây dựng tuyến đường cao tốc xuyên Á nối với Thái Lan, với Myanmar và Ấn Độ Dương, và gần đây trong chiến lược triển khai cuộc cách mạng quân sự mới đã tăng cường bố trí lực lượng quân sự ở các vùng biên giới.

     4 – Vấn đề chống tham nhũng, lãng phí:
     Hội nghị Trung ương 4 khoá IX đã khẳng định tầm quan trọng và sự cần thiết phải tiếp tục đầy mạnh cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn Đảng với nhiệm vụ trung tâm trước mắt là chống tham nhũng, lãng phí đã được đặt ra từ Hội nghị Trung ương (lần 2) khoá VIII.
     Tôi đồng ý với đánh giá nêu trong dự thảo trình Hội nghị Trung ương 9: trong 3 năm vừa qua, tuy có phát hiện và xử lý một số vụ tiêu cực, nhưng cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn Đảng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt yêu cầu, chưa có chuyển biến căn bản.
     Cho đến nay, nạn tham nhũng, lãng phí vẫn chưa được chặn đứng và đẩy lùi. Sự suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức và lối sống của một bộ phận không ít đảng viên, cán bộ vẫn diễn ra nghiêm trọng. Nhiều vụ việc tiêu cực có liên quan đến các cán bộ và cơ quan chuyên chính của Đảng và Nhà nước đều do nhân dân phát hiện.
     Chưa thấy một đảng viên nào tự giác nhận trách nhiệm hoặc một cấp uỷ đảng nào phát hiện nội bộ có tham nhũng.
     Tôi đề nghị Trung ương và Bộ Chính trị cần kiểm điểm nghiêm khắc vì sao vừa qua ta đã có nghị quyết, có pháp lệnh, có cuộc vận động chống tham nhũng, lãng phí trong toàn Đảng và các cơ quan Nhà nước mà những tệ nạn này vẫn phát triển phức tạp và nghiêm trọng, đặc biệt là trong các lĩnh vực xây dựng cơ bản, tài chính doanh nghiệp, sử dụng ngân sách Nhà nước … Lối sống cơ hội vẫn diễn ra dưới nhiều hình thức: chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp, chạy dự án, chạy vốn, chạy tội …. Việc xem xét, xử lý cán bộ, đảng viên có những hoạt động sai trái, tiêu cực không nghiêm minh.
     Chống tham nhũng, lãng phí và những việc phạm pháp, tiêu cực khác là chống “giặc nội xâm” chỉ có thể thành công nếu biết dựa vào dân như Bác Hồ đã dạy. Bởi vậy, cần có cơ chế thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch để đảng viên và nhân dân giám sát, thu hút được sự tham gia rộng rãi của toàn dân và cả hệ thống chính trị – xã hội mới có thể ngăn chặn được những tệ nạn đó. Đã gọi là “giặc nội xâm” thì phải kiên quyết xử lý, trừng trị nghiêm khắc, tiêu trừ bằng được.

     5 – Về nhiệm vụ then chốt: xây dựng và chỉnh đốn Đảng
     Tôi đồng ý với nhận định của Dự thảo là công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng vừa qua chưa đạt yêu cầu; chưa chú trọng đến công tác chính trị và tư tưởng để cho chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa thực dụng tồn tại kéo dài. Các cấp uỷ Đảng thiếu tính chiến đấu, thiếu tinh thần tự phê bình và phê bình, không có sự thẳng thắn, dũng cảm đấu tranh. Hiện tượng thiếu dân chủ, chuyên quyền độc đoán trong Đảng, tình trạng vi phạm nguyên tắc tổ chức Đảng, coi thường kỷ cương phép nước của cán bộ đảng viên, làm mất lòng tin của dân đã thực sự là nguy cơ đe doạ sự tồn vong của Đảng.
     Đảng ta xác định: xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Bởi vì, sự nghiệp đổi mới có thành công hay không, có chệch hướng hay không, nhân tố quyết định là Đảng có vững mạnh không, có kiên trì chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh hay không; cán bộ, đảng viên có thật sự vì nước, vì dân hay không.
     Một Đảng tiên phong, trước hết phải có đường lối đúng. Vì vậy, đề nghị Trung ương coi trọng hơn nữa công tác lý luận: Nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn để phát triển lý luận, giải đáp đúng những vấn đề do thực tiễn đặt ra với tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo, chống các xu hướng tả khuynh giáo điều cũng như hữu khuynh cơ hội, kiên trì đưa đất nước phát triển theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa.
     Quán triệt Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) coi trọng xây dựng Đảng cả về quan điểm chính trị, tư tưởng và đạo đức, lối sống, không cho phép chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa cá nhân, cục bộ, bản vị tồn tại và lũng đoạn Đảng, lũng đoạn các cơ quan Nhà nước.

     6 – Về công tác cán bộ:
     Muốn xây dựng Đảng mạnh thì công tác cán bộ có ý nghĩa quyết định.
     Dự thảo báo cáo đã nêu: Công tác cán bộ hiện nay còn nhiều yếu kém, bất cập. Việc đánh giá và quản lý cán bộ vẫn là khâu yếu nhất, chậm được khắc phục. Chậm xây dựng cơ chế, chính sách phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài.
     Đảng ta đã nêu rõ: cán bộ tốt là cán bộ có đức, có tài.
     Công tác cán bộ cần định ra chuẩn mực và cơ chế đánh giá để tuyển chọn một cách dân chủ và công bằng những cán bộ có đức, có tài, loại bỏ bằng được mọi quyết định chuyên quyền độc đoán, áp đặt, chỉ lựa chọn những người thân quen để tạo ra bè cánh trong Đảng.
     Xây dựng quy chế tham gia giám sát của nhân dân và đảng viên, quy chế thanh tra, kiểm tra của các cơ quan lập pháp. Xử lý nghiêm minh những cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật và kỷ luật của Đảng.
     Mọi ý kiến phản ánh và chất vấn của đảng viên và nhân dân đối với tình hình nội bộ Đảng, đối với cấp uỷ, kể cả đối với các cán bộ cấp cao của Đảng phải được trả lời và giải quyết minh bạch.

     7 – Vê công tác bảo vệ chính trị nội bộ:
     Dự thảo báo cáo đã nêu khuyết điểm: chậm kết luận rõ một số trường hợp, một số vấn đề tồn tại cũ và mới phát sinh.
     Đề nghị Hội nghị Trung ương lần này cần kiểm điểm nghiêm khắc vì sao tình trạng vi phạm nguyên tắc tổ chức và kỷ luật Đảng kéo dài ở cấp Trung ương mà Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị đã thấy rõ và đã có Nghị quyết khẳng định phải giải quyết nhưng cho đến nay vẫn để tồn tại không giải quyết.
     Điển hình nghiêm trọng là vụ Tổng cục II thuộc Bộ Quốc Phòng. Những người đứng đầu và những phần tử xấu trong Tổng cục II đã có những hoạt động phá hoại Đảng nghiêm trọng một cách có hệ thống, có tổ chức kéo dài hàng chục năm đặt máy nghe trộm các đồng chí lãnh đạo và các cán bộ cấp cao, sử dụng những thông tin sai lệch để phá rối và chia rẽ nội bộ, cố tình gây ra bè phái trong Đảng, tạo ra chứng cứ giả để hãm hại những cán bộ tốt của Đảng, vi phạm nghiêm trọng đến điều lệ của Đảng, vi phạm pháp luật Nhà nước và kỷ luật của quân đội. Đương nhiên, trong Tổng cục vẫn có một số cán bộ tốt đã bị lợi dụng.
     Tôi đề nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương kiên quyết kiểm tra và xử lý nghiêm minh, dứt điểm. Không cho phép duy trì mãi một tổ chức siêu đảng, siêu Chính phủ. Không thể để Tổng cục II tồn tại với quyền hạn quá rộng như Nghị quyết 96/CP đã cho phép, mà chỉ tập trung vào nhiệm vụ tình báo quân sự trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu như trước đây.
     Việc bảo đảm an ninh nội bộ sẽ giao cho Ban bảo vệ chính trị nội bộ phụ trách dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị.
     Vấn đề chấn chỉnh Tổng cục II liên quan sâu sắc đến tình hình chung của toàn Đảng, không chỉ là vấn đề cụ thể của một cơ quan, cũng không phải là vấn đề riêng của Bộ Quốc phòng, mà là vấn đề có liên quan đến thành bại của công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đến việc giải quyết những vấn đề tồn tại trong Đảng từ trước tới nay.
     Đặc biệt nghiêm trọng là vụ Sáu Sứ diễn ra cuối khoá VI trước thềm Đại hội VII mà Hội nghị Trung ương 12 và 13 khoá VI đã bàn giao cho Trung ương khoá VII gii quyết.
     Nghiêm trọng hơn nữa là vụ T4 mà Bộ Chính trị khoá VIII đã bàn giao lại cho Bộ Chính trị khoá IX. Bộ Chính trị khoá IX đã chỉ đạo Ban điều tra liên ngành tiến hành điều tra và Bộ Chính trị đã kết luận. T4 là một vụ án chính trị “siêu nghiêm trọng” vi phạm kỷ luật của quân đội.
     Tôi đề nghị Hội nghị Trung ương 9 khoá IX xử lý kiên quyết, dứt điểm, nghiêm minh những vụ việc tồn đọng nói trên theo đúng điều lệ của Đảng, pháp luật của Nhà nước và kỷ luật của quân đội, dù người đó là ai, ở bất cứ cương vị nào. Và thông báo công khai cho Ban Chấp hành Trung ưng khoá IX, cho các đồng chí uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Uỷ ban kiểm tra Trung ương các khoá trước.
     Kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước đòi hỏi không được phép bao che, né tránh, làm qua loa, mà phải kiên quyết xử lý cả những kẻ bao che.

     Cuối thư, xin chúc Hội nghị Trung ương 9 với tinh thần trách nhiệm cao, nhìn thẳng vào sự thật, thấy rõ thành tựu đồng thời thấy rõ những mặt tồn tại yếu kém, đề ra được những chủ trương sát đúng, đưa nền kinh tế và xã hội nước ta phát triển nhanh hơn và vững hơn nữa, xây dựng và chỉnh đốn Đảng có hiệu quả rõ rệt, nhất là chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí.
     Thắng lợi của Hội nghị Trung ương 9 lần này còn có ý nghĩa chuẩn bị một bước cho Đại hội X. Do vậy, mong rằng toàn thể các đồng chí uỷ viên Trung ương nhận rõ trách nhiệm lớn, luôn noi gương tự phê bình và phê bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đưa Hội nghị đến thành công lớn.

Chúc các đồng chí mạnh khoẻ.

Ngày 3 tháng 1 năm 2004
Thân ái
Võ Nguyên Giáp

----- O -----

… Ai là người giàu nhất Việt Nam ?

Q.C.T.S

Ai là người giàu nhất Việt Nam (VN) ? Đây là câu hỏi thú vị và khá ngây ngô; bởi vì, giàu có là điều vui thú mà nhiều người mong muốn; còn ngây ngô, bởi vì một đứa trẻ con đường phố nó cũng biết được ai là người có nhiều tiền bạc, chứ đâu cần phải làm điều tra nghiên cứu.

Trong một thể chế độc tài, quyền lực tập trung, thì chỉ có hai loại người: một là người cai trị, hai là người phục tùng. Người cai trị thì dùng quyền lực, cực hình, thủ đoạn của mình để duy trì thể chế; còn người phục tùng thì vâng dạ, nghe theo sự chỉ dạy của nhà cầm quyền. Để thể hiện sự trung thành của mình, hầu được ban một chút mưa móc, kẻ bề tôi phải biết cống nạp; có nghĩa là những thứ của ngon vật lạ ở bên dưới, phải được dâng nạp lên trên để làm vừa lòng những kẻ độc tài mà đầu óc của họ luôn tham lam và ngu tối. Lương dân là những người bị cai trị, họ không được tham gia trong guồng máy này.

Sự giàu có nằm trong tay những kẻ độc tài. Ở đâu có sự độc tài thì ở đó có sự vơ vét, không phải bây giờ mà từ ngàn xưa đã vậy!

Tôi đọc ở đâu đó rằng; quyền lực và của cải là hai thứ đi cùng với nhau. Quyền lực là cơ hội để vơ vét của cải; còn của cải sẽ củng cố quyền lực. Thủ tục hành chánh quan liêu là miếng đất màu mỡ để tham nhũng phát triển, còn đầu tư nước ngoài là miếng mồi béo bở cho tham nhũng ăn; do đó Cộng Sản Việt Nam (CSVN) chẳng ngu gì mà đi chống tham nhũng. Bây giờ mà mất của cải họ sẽ mất quyền lực, mất của cải họ chỉ còn cái ba lô và đôi dép lốp thì thật là nguy khốn cho họ; còn nếu tiếp tục giàu có thì họ lại mất lòng dân, nhất là dân ở những nơi vùng sâu vùng xa, nơi chiến khu xưa … những nơi mà cách đây 30 năm dân chúng cứ đinh ninh rằng; đi theo Cộng Sản (CS) là con đường duy nhất để thoát ra khỏi đói nghèo và tăm tối. Sự phẩn nộ của quần chúng bị lừa bịp và bóc lột, là thứ sức mạnh kinh thiên động địa!

Như vậy, CSVN đang chơi trò đu dây, mà đường nào họ sẽ rơi xuống vực thẳm!

Trước đây, trong thời kỳ chiến tranh lạnh, nhiều chính khách Mỹ đã tiên đoán rằng CS sẽ thất bại trong chính sách cải cách kinh tế và xã hội của họ. Điều đó, bây giờ quả đúng!

Một sự trùng hợp ngẫu nhiên, là vừa rồi Tổ chức tư vấn rủi ro về kinh tế và chính trị (Political and Economic Risk Consultancy) có trụ sở ở Hồng Kông, đánh giá về tham nhũng của các quốc gia Châu á, đã xếp VN đứng thứ 3 sau Indonesia và Ấn độ; và Tạp chí Forbes đánh giá 500 người giàu nhất thế giới, trong đó có Phiden của Cuba và Kim Young Il của Bắc Triều tiên. Còn nhớ năm ngoái 2003, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (International Transparency) đã xếp VN đứng thứ 100/133 nước tham nhũng nhất. Câu hỏi được đặt ra là, ở VN ai là người giàu có nhất ?

Theo sự phân tích ở trên thì độc tài, tham nhũng và giàu có là bộ ba luôn đi cùng với nhau!

Càng độc tài càng có cơ hội để tham nhũng và theo qui luật tích tụ vật chất, thì hệ thống càng quan liêu, tài sản càng chảy theo những kênh riêng của nó. Tham nhũng đã làm tài sản quốc gia bị tận kiệt; cho nên, lớp dân đen bên dưới rơi vào cảnh bần cùng, số phận của họ thật là khốn nạn!

Sự giàu có do kinh doanh, sẽ tạo ra công ăn việc làm cho dân chúng và mang lại phúc lợi cho xã hội, nhưng công việc kinh doanh không phải lúc nào cũng thuận lợi mà có thể gặp rủi ro; còn tài sản tích tụ do tham nhũng thì thường đóng băng, không tạo ra lợi ích cho xã hội mà ngược lại còn làm băng hoại xã hội và làm nản lòng những người làm ăn chân chính. Sự giảm sút đầu tư nước ngoài trong những năm gần đây, cho thấy tác hại của tham nhũng!

Ai là người giàu có nhất VN ?

Một câu hỏi đơn giản, nhưng đôi khi cần phải suy luận lôgic. Một anh Công an khu vực trở nên giàu có một cách khó giải thích, nhưng sau này người ta mới biết rằng anh ta đã bảo kê những quán bia ôm, cà phê đèn mờ, hớt tóc thanh nữ … trên địa bàn anh ta phụ trách. Anh ta nộp một phần số tiền này lên cấp trên, như là một hình thức hối lộ, để giữ vững vị trí và công việc của anh ta; rồi cấp trên của anh ta cũng thu gom và nộp một phần số tiền thu được lên cấp trên nữa; cứ như thế, đồng tiền có chân đã mò lên đến đỉnh cao nhất của quyền lực. Ở đất nước VN thì quyền sinh sát là ai, chắc các bạn cũng đã biết ?

Tham nhũng thì ở quốc gia nào cũng có, nhưng chỉ khác là ít hay nhiều, một Chính phủ trong sạch, minh bạch, dân chủ… thì tham nhũng ít; còn ngược lại một Chính phủ bưng bít, không có tự do báo chí, chuyên đàn áp dân chúng… thì tham nhũng nhiều; bất kể Chính phủ độc tài đó theo thể chế CS hay là quân phiệt.

Tham nhũng ở VN bây giờ đã biến tướng; người ta gọi tham nhũng với cái tên lễ nghĩa là lại quả, với cái tên tình cảm là bao thư, với cái tên của thời đại tin hoc là phần mềm, với cái tên số học là phần trăm, cái tên mỹ miều là hoa hồng, cái tên rộng lượng là chung chi, cái tên chợ búa là đóng hụi … tất cả những cái tên trên đều hợp pháp. Không ai gọi nó là tham nhũng, tham ô hay đút lót gì cả!

Người ta vẫn thích lấy Singapore ra làm ví dụ điển hình cho sự phát triển thần kỳ về kinh tế, nhưng ít người thấy Ông Lý Quang Diệu đã vất vã như thế nào để xây dựng một chính phủ Singapore trong sạch và vững mạnh. Để kết thúc quyển hồi ký, Ông ta viết rằng: Chúng tôi luôn tuân theo những nguyên tắc cơ bản giúp chúng tôi phát triển; đó là sự đoàn kết xã hội thông qua sự chia sẻ lợi ích của sự phát triển, cơ hội đồng đều cho tất cả mọi người, sự đãi ngộ nhân tài, chọn những người đàn ông hoặc đàn bà giỏi nhất cho công việc; đặc biệt là trong vai trò lãnh đạo chính phủ. (1)

Singapore không thể giàu mạnh và phát triển, nếu không có dân chủ và minh bạch!

Nhìn vào những gì Ông Lý Quang Diệu đã nói, chúng ta có thể thấy rằng Chính phủ VN không có được những yếu tố cơ bản để xây dựng một Chính phủ vững mạnh và hữu hiệu. Chính phủ CSVN đang tàn phá tài nguyên quốc gia, điều hành Chính phủ không hiệu quả, nghiền nát những tiếng nói phê bình và chỉ trích, tạo ra quá nhiều bất công trong xã hội. Do vậy, CSVN đã để lại một bức tranh tương lai vô cùng ảm đạm!

Sáng ngày 9/3/2004 tại TP.HCM, trong một hội nghị kéo giảm tai nạn giao thông, trung tướng Lê Thế Tiệm thứ trưởng Bộ Công an, đã phát biểu rằng: Yêu cầu Giám đốc CA các Tỉnh, Thành phố không vì cả nể mà nhận vào lực luợng CSGT những con ông cháu cha vốn đã hư hỏng, vì những đối tượng này vốn không có đạo đức thì ra đường chỉ có lấy tiền … Có cái gì ngoài đường mà con ai cũng xin ra ngoài đó đứng? Kỳ lạ là ngoài đường mưa nắng cực khổ như vậy, mà có nhiều người ưng ? (2)

Ông trung tướng Tiệm chỉ thấy hiện tượng, mà không thấy được bản chất của tham nhũng. Con ông cháu cha xin ra ngoài đường đứng, vì đó là cơ hội làm ra tiền; còn ở trong văn phòng làm bảo vệ nội bộ, thì lấy gì mà ăn ? Một cách trực tiếp, Ông Tiệm đã xác nhận Cảnh sát giao thông (CSGT) là nơi mà nhiều người muốn gửi gắm con cháu mình đến làm việc nhất! Có người đã tâm sự rằng, CSGT có thể kiếm 2 triệu đồng một ngày; vị chi, mỗi năm anh ta kiếm hơn 700 triệu, hơn cả một đời lam lũ. Anh ta đầu tư số tiền này mua xe ben, xe tải để chở đất cát xây dựng; mà dân chúng gọi là những hung thần trên đường phố! Đây là một cách giải thích, vì sao đến nay tai nạn giao thông ở VN vẫn không thấy giảm ?

Cái vòng lẩn quẩn của tham nhũng, oan nghiệt khôn cùng!

Tôi đã từng mục kích cảnh ăn hối lộ công khai của CSGT tại ngã tư L.T.K, A.D.V, góc trường Đại học Y Dược TP.HCM, cứ mỗi lần CSGT chặn phạt một người, thì mấy anh xe ôm và em bán vé số tò mò lại xem; sau đó la lên rằng 50, 100… như là hô lô tô. Đó là, số tiền mà người điều khiển phương tiện giao thông phải hối lộ cho CSGT!

Đến đây chúng ta có thể trả lời được câu hỏi; ai là người giàu nhất VN ?

Thời nào con ông cháu cha, cũng được gửi vào làm việc ở những nơi dễ kiếm tiền nhất , thời trước là Thương nghiệp, Ngoại thương; sau đó là Hải quan, Tàu viễn dương; cho đến thời nay là Nhà đất, Công an Cảnh sát. Cho nên, những ai là con ông cháu cha rồi, thì chẳng cần phải học hành làm gì cho nhọc cái thân! Chỉ cần chuyển đến những nơi nào béo bở mà sống, còn hơn thiên hạ làm cả đời! Sống ở cái đất nước VN này, chẳng cần học hành chuyên môn gì ráo trọi, chỉ cần thân thế là đủ.

Bọn chúng ăn; không kể ông già bà lão, không kể xoá đói giảm nghèo, không kể hài cốt liệt sĩ, con đỏ mới sinh… Ở đâu có mùi tiền, nơi đó có bầy quạ đen bu lại!

Cho nên, có thể nói rằng người giàu nhất ở VN không ai khác hơn là những tên chóp bu của Đảng CS, là gia tộc của những tên độc tài; tài sản của bọn chúng không những đạt con số triệu, mà đã lên đến con số tỷ Đôla. Nhưng bọn chúng sẽ sống ra sao với số tiền tham nhũng bạc tỷ, thì không còn là sự lựa chọn của bọn chúng! Bởi vì, đồng tiền luôn có hai mặt!

Sài gòn, ngày 10/3/2004.


(1). Hồi ký Lý Quang Diệu, Nhà xuất văn nghệ TP.HCM, năm 2001, trang 935.
(2). Báo Tuổi trẻ thứ 4, ngày 10/3/2004, trang 14

----- O -----

TỨ TUYỆT ANH EM TA !

Họ Nông muốn ghé thăm Cuba,
Sợ miệng thế gian, lắm gièm pha.
Phải mượn Châu Âu làm điểm đáp,
Như là hạ sách, để xuê xoa.

Họ Nông bỏ Bỉ, thăm Cuba,
Thăm bác Phi-den, lão bạn già.
Đường băng thăm thẳm, không thảm đỏ,
Hay là, Phi-den hoá thành ma ?

Tình cảm anh em, Xã Hội (chủ nghĩa) ta.
Bao năm thắm thiết, chung một nhà,
Chung một chiến hào, cùng đánh Mỹ.
Hôm nay hấp hối, phải có ta !

Bác hãy đi trước, tôi theo sau,
Xin đừng buồn, giận; đừng sầu đau.
Đường chúng ta đi, chỉ có thế.
Ngàn năm vĩnh biệt, Bác Phi râu !!!

Ngày 5/3/2004.
Hoangsa


(1). Kế hoạch chuyến đi của Họ Nông là thăm Đức, Bỉ, Cuba từ ngày 1/3 đến ngày 12/3/2004; nhưng không biết vì lý do gì, họ Nông rút ngắn chuyến thăm Đức, bỏ qua Bỉ và vù thẳng đến Cuba. Tường thuật chuyến thăm này, Đài truyền hình của CSVN chỉ cho dân chúng nghe bằng tai, chứ không được thấy bằng mắt. Ngày hôm qua, Họ Nông trên đường bay đến Cuba, viết lời cám ơn nước Đức; không một lời xin lỗi và giải thích tại sao không ghé thăm Bỉ. (Đài truyền hình VN đọc lại tối 5/3/2004).
Khác với những chuyến đi thăm trước đây, giữa các nước XHCN anh em, luôn ồn ào kèn trống và đầy cờ hoa; lần thăm này của Họ Nông sao ảm đạm vậy ?
Tức khí, nhà thơ bất đắc dĩ làm bài này để trình thiên hạ !


Ghi chú của mạng Ý Kiến: Theo dư luận bên này (Đức, Hòa Lan, Bỉ) thì giới ngoại giao Hà Nội tung tin vịt bỏ chuyến đi thăm Bỉ và Uỷ ban Châu Âu, có lẽ để tránh việc kièu bào biểu tình đòi Hà Nội phải tôn trọng Nhân quyền, Tự do tôn giáo; cách thông tin của TTXVN cũng cho phép người ta đặt câu hỏi về việc này. Xem TBT Nông Đức Mạnh sẽ thăm Bỉ và Uỷ ban Châu ÂuLên tiếng trong cuộc viếng thăm của TBT Nông Đức Mạnh tại Bruxelles, ông Võ Văn Ái và 7 vị Dân biểu Quốc hội Âu châu yêu sách trả tự do cho Nhị vị Hòa thượng Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ và ông Phạm Quế Dương

Câu Lạc Bộ Dân Chủ Việt Nam

Điện Thư Câu Lạc Bộ Dân Chủ Việt Nam