Câu Lạc Bộ Dân Chủ Việt Nam

Điện Thư - Số 43
Tháng 04 năm 2005

Điện Thư Câu Lạc Bộ Dân Chủ xin trân trọng kính chuyển đến các Diễn Đàn Điện Tử, Cơ Quan Ngôn Luận và Độc Giả trong và ngoài nước các tin tức, sự kiện và bài vở liên quan đến tình hình dân chủ Việt Nam. Như đã minh định qua bản thông cáo và thư ngỏ của Câu Lạc Bộ Dân Chủ trước đây, sự đàn áp thô bạo của cơ chế độc tài sẽ không làm chùn bước và bịt miệng được các tiếng nói tranh đấu dũng cảm cho nền dân chủ Việt Nam. Mọi liên lạc xin gửi về : caulacbodanchuvietnam@yahoo.com

Tin Ghi Nhận:

Đêm 21/3/2005, hơn 400 người dân Sài gòn đã bao vây xe của cảnh sát 113 tại Quận 1. Đã xảy ra việc dân chúng phẫn nộ đập phá xe cảnh sát. Ngày 23-3, Cơ quan cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an Quận 1, TPHCM, đã quyết định khởi tố 5 người dân mà họ cho là có hành vi "gây rối trật tự công cộng và chống người thi hành công vụ". Trong khi đó, một số cảnh sát 113 có hành vi đánh dân thì không bị khởi tố trước pháp luật. Chín ngày sau đó, vào đêm 30/3/2005, tại xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, Hà Nội, hàng trăm người dân đã bao vây xe công an khi một người công an đã hung hãn đánh một lái xe tải tên là Nguyễn Hữu Thành, khiến anh Thành bị chảy máu. Công an thành phố Hà Nội đã điều hàng chục công an xuống địa bàn này để giải tán đám đông. Một số người dân có mặt tại vụ lộn xộn cho biết, từ lâu họ đã rất bất bình trước thái độ cửa quyền, hống hách của công an.

Ngày 30/3/2005, vào lúc 17 giờ 30, Công an Tp.HCM đã chặn bắt Ðại đức Thích Viên Phương trên đường về, sau khi ngài đi vấn an Hòa Thượng Thích Quảng Độ tại Thanh Minh Thiền viện. Nhiều người nhận định rằng, động thái này của nhà cầm quyền Việt Nam nhằm đe dọa những người muốn đến thăm Hòa thượng Thích Quảng Độ. Mặt khác, chính quyền cũng lo sợ Ngài Thích Quảng Độ có thể gửi những thông tin, tố cáo việc vi phạm tự do tôn giáo của Chính quyền Việt Nam, đến Cao ủy nhân quyền Liên hợp quốc, nhân dịp tổ chức này đang họp lần thứ 61 tại Genève. Việc bắt giữ Đại đức Thích Viên Phương là một bằng chứng vi phạm quyền tự do đi lại trong lãnh thổ, đó là quyền tự do căn bản của công dân.

Trong tháng 3 vừa qua, tổ chức Minh bạch quốc tế công bố bản tường trình hàng năm về tình trạng tham nhũng trên toàn thế giới. Theo bản tường trình, mặc dù các nhà lãnh đạo Việt Nam bày tỏ quyết tâm chống tham nhũng, nhưng trên thực tế tình trạng tham nhũng vẫn không cải thiện so với các năm trước. Cũng trong tháng 3, “Văn phòng tham vấn về rủi ro chính trị và kinh tế” có trụ sở tại Hong Kong đã đưa ra một danh sách gồm 12 nước có tình trang tham nhũng ở Châu Á. Việt Nam đứng thứ 3 sau Indonesia va Philippines. Theo một số nhà phân tích thì sư sắp xếp này chưa phản ảnh đúng thực trạng tham nhũng trầm trọng tại Việt Nam, vì tại Việt Nam, hầu hết các vụ tham nhũng lớn không thể phanh phui đầy đủ vì cán bộ cao cấp vẫn được bao che “để giử uy tín cho Đảng”. Xin cũng nhắc lại rằng, bản Công ước quốc tế chống tham nhũng đã được Việt Nam ký năm 2003, nhưng cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có thiện chí phê chuẩn công ước này.

----- O -----

Sức Mạnh Của Nhân Dân

Năm 1930, đảng CSVN thành lập; năm 1945 đảng nắm chính quyền ở Miền Bắc. Ngày 30 tháng 4 năm 1975 đảng chiếm được Miền Nam. Hơn 75 năm trôi qua, trong bất cứ hoàn cảnh nào, đảng CSVN luôn tìm mọi cách tiêu diệt các đảng phái đối lập. Những tiếng nói ngược lại với chính sách của đảng, dù chỉ bày tỏ quan điểm cá nhân cũng có thể bị đảng khai trừ, kiểm điểm, trù dập.

Đảng CSVN không chấp nhận đối lập chính trị dưới bất cứ hình thức và thời điểm nào. Chế độ độc tài, toàn trị kiểu Staline bao trùm cả nước Việt Nam, đảng là hiện thân của thống soái chính trị. Đảng tự cho mình cái quyền cầm cân nẩy mực, tuyệt đối quyền uy, nhưng uy tín thì ngày càng giảm sút . Chế độ chính trị ở nước ta như một thứ biến thái của chủ nghĩa phong kiến quan lại , nó không thể thích hợp trong thời đại ngày nay; thời đại của toàn cầu hoá, dân chủ và tự do.

Hiện nay, đảng CSVN đã suy yếu, biến chất và phân hoá trầm trọng. Nhiều đảng viên phản tỉnh, nhận ra rằng đảng đã phản bội họ, phản bội quyền lợi của dân. Những đảng viên đang nắm giữ vị trí lãnh đạo, bị quyền lực làm hư hỏng, thoái hoá đã và đang gây nên một sức cản lớn đối với trào lưu dân chủ.

Hơn lúc nào hết, quyền lực đảng CSVN đang bị thử thách. Một bộ phận lớn nhân dân đã mất niềm tin vào đảng. Nội bộ đảng đang bị chia rẽ trầm trọng, họ quay lai kình chống nhau, tìm cơ hội để triệt thoái, và thậm chí thủ tiêu nhau. Thanh gươm bảo vệ đảng là lực lượng công an và quân đội, không còn là một khối thống nhất. Nguy cơ một cuộc đảo chính nội bộ, hoặc một cuộc cách mạng nhân dân có khả năng thành hình; lúc đó hai lưỡi gươm trên sẽ quay lai bảo vệ nhân dân thay vì bảo vệ Đảng.

Trong bối cảnh như vậy; các đảng phái chính trị ra đời và hoạt động đối lập với đảng CSVN là một nhu cầu cấp bách. Các đảng phái đối lập, dù có thể bị đảng cộng sản đàn áp, chưa hoạt động công khai được, nhưng chắc chắn sẽ đóng vai trò như những viên đá lót quan trọng cho con đường tiến tới một xã hội Việt Nam dân chủ giàu mạnh.

Ba năm trước đây, nhà báo Nguyễn Vũ Bình chỉ vì công khai xin thành lập Đảng Tự Do-Dân Chủ đã bị toà án của đảng kết án với tội danh “gián điệp”. Những Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Khắc Toàn,... còn đang bị giam giữ trong tù với một chế độ hà khắc, nhưng họ vẫn giữ vững niềm tin về một ngày mai tươi sáng:

Tự Do-Dân Chủ sẽ chiến thắng độc tài-toàn trị.

Hôm nay, khắp đất nước Việt Nam đã xuất hiện rất nhiều những chiến sĩ đấu tranh cho Tự Do-Dân Chủ. Trong thời gian qua, họ đã học được bài học xương máu. Bên cạnh một số đã xuất hiện công khai. Phần nhiều vẫn còn hoạt động ngầm. Họ không ra mặt, không xuất đầu lộ diện. Cuộc cách mạng mà họ áp dụng mang một hình thái mới lạ; máy vi tính thay cho súng đạn; chiến trường không phải là rừng núi mà là mạng Internet chằng chịt; tuyên ngôn, truyền đơn là những bức thư điện tử rực lửa. Họ là những chiến sĩ du kích ở thế kỷ 21 đấu tranh cho Tự Do-Dân Chủ. Các phương tiện của thời đại văn minh đang được áp dụng trong cuộc cách mạng đòi tự do, dân chủ cho nhân dân được tiến hành từng bước có hệ thống.

Cuộc cách mạng dân chủ ở Ukraina, Kyrgyzstan vừa qua đã tiếp cho chúng ta thêm sức mạnh chính nghĩa. Nếu vượt qua nỗi sợ hãi; những con người bị áp bức, không một tấc sắt trong tay có thể tràn xuống đường, để đòi quyền làm người, quyền đạt được hạnh phúc, quyền được sống trong tự do, dân chủ và công bằng. Ở thời nào cũng vậy, nhân dân phải chủ động tự mình kiến tạo nên cuộc sống của chính mình.

Nhân dân chính là người làm nên lịch sử !

Câu Lạc Bộ Dân Chủ Việt Nam

----- O -----

Về việc “Chấm dứt Hợp đồng lao động” của tôi.

Phương Nam – Việt Nam.

Thân gửi: các bạn bè quan tâm.

      Hôm nay là ngày đầu tháng 4 năm 2005. Tờ quyết định của Tổng giám đốc ngân hàng, nơi tôi công tác về việc chấm dứt Hợp đồng lao động giữa tôi – Người lao động và ông ta – Người sử dụng lao động đã có hiệu lực được hơn 1 tháng. Ngay sau khi việc đó xảy ra, nhiều bạn bè biết chuyện đã tỏ ra nóng lòng và hối thúc tôi hãy viết ngay một bài để kể rõ ngọn nguồn. Riêng tôi thì lại muốn có một thời gian vừa đủ, sao cho những xúc cảm nhất thời hoặc chủ quan (nếu có) qua đi. Lúc đó nếu muốn viết cũng chưa muộn. Và lúc này, tôi muốn kể lại câu chuyện ấy cho các bạn bè quan tâm được rõ:

Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Độc lập – Tự do – Hạnh Phúc

------------o0o-------------

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 22/02 năm 2005. (Quyết định số: 46/xxx.05)

QUYẾT ĐỊNH CỦA TỔNG GIÁM ĐỐC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN X
(về việc chấm dứt Hợp đồng lao động)

Căn cứ (… )

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Nay chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông Đỗ Nam Hải, sinh năm 1959, (…) từ ngày 23/2/2005 (hết hạn hợp đồng lao động).
Điều 2: Ông Đỗ Nam Hải có trách nhiệm thực hiện việc bàn giao tòan bộ tài sản, tài liệu đang phụ trách cho người kế nhiệm và chịu trách nhiệm về phần công việc đã xử lý.
(…)

TỔNG GIÁM ĐỐC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN X (đã ký và đóng dấu)

      Trên đây là một số trích đọan trong quyết định chấm dứt Hợp đồng lao động, mà tôi nhận được vào lúc 3 giờ chiều ngày 22/02/2005. Nghĩa là việc tôi biết tin mình bị chấm dứt Hợp đồng lao động với việc tôi nhận được quyết định ấy là cùng một lúc. Thời gian để tôi bàn giao công việc cho người kế nhiệm cũng chỉ còn 90 phút. Vì vào lúc 4 giờ 30 phút buổi chiều cùng ngày đã là giờ tan nhiệm sở. Ngay sau khi nhận được quyết định trên, tôi đã mau chóng làm đúng tất cả những gì mà trong quyết định yêu cầu và dời ngân hàng đúng giờ quy định. Vì vậy, kể từ đó đến nay tôi đã chính thức ra nhập vào đội quân thất nghiệp ở Việt Nam.

      Tuy nhiên, về chi tiết hết hạn hợp đồng lao động như quyết định đã nêu thì tôi thấy cần trình bày rõ hơn như sau: Theo bản Hợp đồng lao động cũ đã ký giữa tôi và ông Tổng giám đốc ngân hàng X, thì đến hết tháng 1/2005 là hết hạn hợp đồng. Trước khi Hợp đồng cũ của tôi hết hạn thì phòng Tổ chức nhân sự - Đào tạo của ngân hàng X đã mời tôi lên và đề nghị tôi ký tiếp 1 Hợp đồng lao động mới. Trong đó xác định thời hạn tiếp theo của bản Hợp đồng lao động mới là 12 tháng, và tôi đã ký nó. Ngày 18/2/2005, trong khi tôi đi công tác vắng thì bản Hợp đồng lao động mới đó đã được chuyển xuống phòng tôi. (đã có đầy đủ chữ ký và con dấu của Tổng giám đốc ngân hàng X.). Vì hôm ấy tôi không có nhà nên một số anh em cùng phòng đã xem và sau đó để nó trên bàn làm việc của tôi. Ngày hôm sau, anh em đã kể lại cho tôi nghe chuyện này và thắc mắc:
      “ … Không rõ vì sao mà phòng Tổ chức sau khi đưa bản Hợp đồng đó của anh xuống đây thì một lúc sau lại cho người xuống lấy lại ?”.
      Anh em có thể vô tư nên đã hỏi như vậy, do không rõ ngọn nguồn câu chuyện. Nhưng riêng tôi thì linh tính đã mách bảo rằng: chuyện gì phải đến đã bắt đầu đến rồi đây.

      Quả nhiên, chiều ngày 21/2/2005, ông chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng X mời tôi lên phòng làm việc của ông ta, và yêu cầu tôi giải thích rõ một số nội dung mà tôi đã nêu trong bài Phương Nam trả lời luật sư Nguyễn Tâm (đăng trên trang web: www.ykien.net – ngày 16/2/2005). Cùng tham gia trong buổi làm việc đó còn có ông phó Tổng giám đốc ngân hàng. Và tôi đã trả lời đại ý như sau:
      Cũng như những bài trả lời phỏng vấn trước đó của tôi với các đài Á Châu Tự Do (RFA), Little Sài Gòn radio, Chân Trời Mới, Mạng Lưới Dân Chủ Việt Nam, … thì những nội dung như đã nêu trong bài trả lời phỏng vấn kia thực chất chỉ là để làm rõ thêm những quan điểm mà tôi đã trình bày trong 5 bài báo của mình. Chúng được viết trong 2 năm 2000 và 2001, khi tôi còn ở bên Australia (Úc). (có đăng trên một số trang web trong: www.saigonbao.com như: www.danchimviet.com, www.ykien.net – mục Tác giả. Hoặc tìm “Đỗ Nam Hải – Phương Nam” trong trang web: www.google.com ).

      Tôi cũng nói thêm rằng: tôi luôn tin tưởng những quan điểm ấy là hòan tòan đúng đắn và động cơ duy nhất để tôi làm điều đó là lòng yêu nước. Có 2 điểm tôi muốn nhấn mạnh trong bài trả lời phỏng vấn đó: Thứ nhất là thời cơ đã đến để dân tộc Việt Nam ở cả trong và ngòai nước hãy cùng hình thành nên một Liên minh dân tộc, nhằm làm đối trọng đủ mạnh với các thế lực bảo thủ, hiện đang nắm thực quyền trong Đảng Cộng Sản Việt Nam. Liên minh ấy sẽ kết hợp với sức mạnh của thời đại, đang xuất hiện những nhân tố mới rất tích cực, để tạo nên một sức mạnh tổng hợp. Thứ 2 là kinh nghiệm của sự qua lại nhộn nhịp Đông - Tây tại Đức đã dẫn tới sự sụp đổ của bức tường Berlin vào tháng 11/1989 là 1 bài học tốt để vận dụng vào điều kiện, hòan cảnh cụ thể Việt Nam hôm nay: thông qua mối liên hệ Trong – Ngòai để thúc đẩy cho cuộc cách mạng dân chủ ở Việt Nam sớm đi tới thành công.

      Buổi làm việc kết thúc tại đó và ngày hôm sau - 22/2/2005, tôi đã nhận được tờ Quyết định số 46/xxx.05 như trên đã trình bày. Cũng cần lưu ý rằng: trong suốt buổi làm việc đó và kể cả thời gian trước đó thì không hề có ai Ban lãnh đạo ngân hàng X đề cập với tôi về bất cứ nội dung nào đã ghi trong tờ Quyết định số 46/xxx.05 kia.

      Các bạn bè tôi sau khi biết chuyện đã có những nhận xét sau, xin được tổng hợp lại:

      Ý kiến 1: Như vậy là rõ rồi, còn “Ai trồng khoai đất này nữa”. Chính các chú công an đã không ra mặt, mà đứng đằng sau lưng giật dây Ban lãnh đạo ngân hàng cậu, chứ còn bản thân ngân hàng thì họ không muốn làm chuyện đó đâu. Biểu hiện cụ thể là họ đã ký tiếp 1 Hợp đồng lao động mới với cậu rồi. Hơn nữa, nếu muốn chấm dứt Hợp đồng cũ thì đúng ra hết tháng 1/2005 là họ đã làm điều đó, chứ ai lại chấm dứt ngang xương vào ngày 22/2/2005 như vậy.

      Tất nhiên, nói như thế không có nghĩa là không có gì đáng chê trách từ phía những người trong Ban lãnh đạo ngân hàng cậu. Đồng ý rằng một khi công an đã yêu cầu thì họ phải thực hiện, nhưng ai cấm họ nói vài lời chia tay với cậu, vì dẫu sao cậu cũng đã làm việc ở đó hơn 1 năm. Theo bọn mình nhận định thì từ nỗi lo ngại do không muốn đụng chạm với công an, vì trong ngân hàng có “1 nhân vật chính trị nguy hiểm” là cậu, đã làm cho họ không dám còn là họ nữa. Cậu tuy mất việc nhưng đã không đánh mất mình. Còn họ, tuy được việc cho công an và “nhẹ nợ” cho họ thật. Nhưng xét ở một góc độ nào đó thì họ đã bị đánh mất mình. Điều đó thật đáng tiếc. Mà nghĩ lại cũng thấy “đáng đời” cậu lắm, đang yên lành làm phó giám đốc 1 công ty không muốn, lại muốn về ngân hàng làm 1 nhân viên, lương giảm xuống chỉ còn 40% so với trước. Ấy thế mà rồi cũng không yên.

      Ý kiến 2: Mục đích của công an khi làm việc đó là muốn dằn mặt cậu và quan trọng hơn nữa là dằn mặt những người trẻ tuổi trong nước. Rằng hãy nhìn cái gương tày liếp của cậu mà nhụt ý chí đi. Đừng có tưởng bở thấy “Đảng ta” thời gian gần đây, do bị áp lực quốc tế ngày càng tăng mạnh, phải tỏ ra “dễ dãi” mà ti toe đòi dân chủ với chả đa nguyên, đa đảng đâu! Rằng làm gì thì làm cũng phải có quá trình. Nóng vội, duy ý chí, đốt cháy giai đọan để có mà lọan à. Thôi thì cái món hàng “Mác – Lê” mà “Đảng ta” đã “lỡ nhập” không có Visa vào Việt Nam rồi, thì dân ta ráng mà sài lai rai đi. Hết kỳ hạn 60 năm này (1945 – 2005) thì ta lại gia hạn thêm cho nó 60 năm nữa! Sở dỹ “Đảng ta” muốn “ổn định” ở mặt hàng này chẳng qua cũng là do dân và vì dân cả thôi. Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh xét cho cùng cũng là từ sự “ổn định” kia mà ra cả. Chứ ngòai những mục tiêu đó, “Đảng ta” đâu còn mục tiêu nào khác. (!?)

      Tôi ngồi nghe những ông “Khổng Minh” đáng yêu đó của tôi phân tích và suy nghĩ:
      Tính từ ngày 6/8/2004 đến nay là gần 8 tháng. Đó là thời gian mà tôi đã phải làm việc với Cơ quan điều tra – Bộ công an Việt Nam. Nhưng dù cho thư từ, điện thọai của tôi đã bị công an đọc trộm và nghe lén. Dù cho trước nhà tôi ở và mỗi bước tôi đi đều có công an theo dõi, và dù cho cục CPU của tôi vẫn bị công an giữ lại suốt 4 tháng qua, v.v… thì tôi vẫn luôn tin rằng trong lực lượng công an Việt Nam vẫn còn có những con người tốt.
      Tôi cũng tin rằng: trong tương lai, khi cuộc cách mạng dân chủ ở Việt Nam thành công thì chính họ sẽ là 1 lực lượng đáng quý để cùng dân tộc xây dựng 1 lực lượng cảnh sát Việt Nam trong sạch, vững mạnh. Lúc ấy, họ chỉ có 1 tiêu chí cao nhất để phục vụ là “tận hiếu với dân”, chứ không phải “tận trung” với bất cứ 1 đảng nào, như hiện nay họ đang phải làm cái điều hết sức vô lý và lãng phí đó với Đảng cộng sản Việt Nam!

      Phương Nam – Việt Nam
      (tháng 4/2005)

----- O -----

VIỆT NAM 30 NAM SAU, MỘT CUỘC CHIẾN TRANH KHÁC…

The Indochina to be a military
rather than political problem.

Franklin. D Roosevelt (1)

Nguyen Hai Son

Cuộc chiến tranh Việt Nam-Hoa Kỳ lại tiếp diễn. Ba mươi năm sau cuộc chiến tranh quân sự kết thúc, giữa Việt Nam và Hoa Kỳ lại xãy ra một “cuộc chiến” khác; cuộc chiến pháp lý về nạn nhân chất độc da cam. Mục tiêu của Hà Nội trong cuộc chiến này, không chỉ đòi các công ty hóa chất Hoa Kỳ bồi thường cho “nạn nhân da cam” VN, mà còn có tham vọng tấn công vào hệ thống hành pháp và tư pháp Hoa Kỳ.

Báo chí VN còn rêu rao rằng; Hoa Kỳ không muốn xử vụ kiện, bởi vì “cuộc chiến” đặt ra tiền lệ đe dọa đến quyền phát động chiến tranh của tổng thống, và gây rối loạn trong việc tăng cường quyền lực của tòa án liên bang.

Nói như vậy thôi, chứ dễ gì làm thay đổi hệ thống luật pháp của một Đế chế; nhất là Đế chế đó được xây dựng trên nguyên tắc phổ thông đầu phiếu, mà kết quả thắng cử chỉ hơn nhau từng lá phiếu một.

Cuộc chiến tranh Việt Nam-Hoa Kỳ hôm nay khác với cuộc chiến tranh trước đây. Nếu cách đây 40 năm, Hoa Kỳ đem bom đạn đến Việt Nam thì hôm nay VN đem những nạn nhân, mà VN cho là do chất độc da cam, đến Hoa Kỳ để “gây chiến” và đòi được bồi thường. Một điểm tương đồng giữa hai cuộc chiến tranh này là có sự tham gia của những cá nhân, tổ chức người Pháp. Dù chiến tranh xãy ra trên bất cứ lãnh vực nào và được nhìn nhận dưới góc độ nào, thì người Pháp luôn ủng hộ VN và chống lại Hoa Kỳ. Không biết từ bao giờ, người Pháp đã tỏ ra không thích những giá trị Mỹ và chống lại tất cả các cuộc chiến tranh do Mỹ tham gia ?

Chính phủ Hoa Kỳ đã tiến hành xét xử vụ kiện theo đúng trình tự luật pháp của Hoa Kỳ. Họ tổ chức một phiên tranh tụng cho luật sư hai bên nguyên và bị đơn. Cuối cùng, chánh án Tòa án tối cao Hoa Kỳ; ông Jack Weinstein, quận Brooklyn, ra quyết định bác bỏ đơn kiện của nguyên đơn, vì cho rằng; không có chứng cứ khoa học liên quan giữa chất khai quang với dị tật bẩm sinh ở trẻ em VN.

Thế nhưng, chính phủ VN vẫn cứ khăng khăng là; những nạn nhân này là do chất độc da cam và đòi bồi thường cho được. Họ lôi kéo dư luận thế giới kháng án, và kiện lên tòa thượng thẩm Hoa Kỳ. Họ tuyên bố “cuộc chiến” còn gay go và sẽ tiếp tục để đi đến thắng lợi cuối cùng.

Hà Nội đã lôi kéo hàng triệu người ủng hộ “cuộc chiến da cam”. Các công nhân viên chức thuộc guồng máy nhà nước đều ký tên ủng hộ; thậm chí, một vài công ty tư nhân muốn lấy lòng nhà nước cũng sẵn lòng để cho công nhân của mình ký tên. Năm cái bàn được đặt trong sân vận động Thống Nhất dành cho những người đi xem bóng đá; trong lúc chờ đợi trận đấu, những ai rảnh tay rảnh chân cho xin một chữ ký…

Chiến tranh là bi kịch lớn nhất trong lịch sử loài người. Mỗi bên đều tìm ra một lý tưởng nào đó để biện hộ cho hành động tham chiến của mình. Một lý do chính nghĩa sẽ thuyết phục được đa số dân chúng ủng hộ chiến tranh, còn ngược lại sẽ chịu thất bại. Chính quyền Hà Nội rất khôn khéo trong việc vận dụng các phương tiện để lôi kéo tất cả, những cái có thể, vào các cuộc chiến của họ; ngoại trừ bằng chứng khoa học và lợi ích của các cuộc chiến đó.

Chiến tranh là quá trình thực hiện những mưu đồ. Phái đoàn VN trong cuộc chiến tranh pháp lý lần này gồm:

Hà Nội cũng biết rằng; tiếng nói của những người làm công việc y tế luôn tác động đến những vấn đề có liên quan đến sức khỏe con người. Do vậy, để lôi kéo dư luận, họ đưa những vị bác sĩ đáng kính tham gia vào cuộc chiến tranh này.

Người làm công việc Y khoa đầu tiên là Giáo sư-Bác sĩ Phan Thị Phi Phi; một trong ba “nạn nhân” viết đơn kiện chính phủ Mỹ. Bà ta cho rằng; bà ta đã sẩy thai ba lần là do nhiễm chất độc da cam. Bà ta không nói là sẩy thai ở thai kỳ nào, nhưng chắc là vào ba tháng đầu.

Có quá nhiều nguyên nhân gây sẩy thai trong ba tháng đầu; ví dụ, bất đồng nhóm máu mẹ con, bất đồng yếu tố Rh, nhiễm vi trùng (Gonorrhea, Clamydia), nhiễm virus (Rubella, Brucella)… Bà Phi là bác sĩ, nhưng bà ta cứ khăng khăng rằng mình sẩy thai là do chất độc da cam hồi còn ở trong rừng, chứ không phải là do một nguyên nhân nào khác. Đây là một cách áp đặt duy ý chí của những nhà khoa học CS.

Gần đây, theo nghiên cứu của Phó Giáo sư-Tiến sĩ Lê Diễm Hương và cộng sự về tình hình nhiễm Rubella bào thai ở những sản phụ đến khám và điều trị tại Bệnh viện phụ sản quốc tế Sài Gòn. Nghiên cứu này thực hiện trên 256 sản phụ có tiền căn sản khoa bất thường, cho thấy: -tỉ lệ Rub IgG (+) 75,54% -sẩy thai liên tiếp: 51,07% -thai chết lưu: 17,17% -dị tật bẩm sinh: 4,29% - vô sinh: 5,5%. Phân tích những sản phụ có Rub IgG(+) thấy rằng; họ đã nhiễm Rubella từ thời niên thiếu, hoặc lây nhiễm từ người mắc bệnh trong thời gian gần đây… Nếu phụ nữ có thai mắc bệnh; đặc biệt là trong ba tháng đầu của thai kỳ, thường gây ra những biến chứng quan trọng gồm: sẩy thai, quái thai, sinh non, suy dinh dưỡng bào thai và hội chứng Rubella bẩm sinh (CRS). Biểu hiện thường gặp nhất của CRS là: giảm sức nghe, chậm phát triển tâm thần, chậm lớn, khuyết tật về thị giác, bệnh tim bẩm sinh.

Như vậy, nguyên nhân sẩy thai và dị tật bẩm sinh đâu chỉ do dioxin, mà do nhiễm Rubella cùng hàng chục nguyên nhân khác. Mấy ngày hôm nay, báo chí VN lại đưa tin là dịch Rubella đang bùng phát trở lại ở huyện Củ Chi; hàng trăm chị em công nhân ở các khu công nghiệp đã bị nhiễm bệnh. Không biết trong số này, có chị em nào mang thai mà bị nhiễm Rubella không ? Hình hài những đứa con sinh ra sau này sẽ như thế nào ? Không biết bà Giám đốc bệnh viện Từ Dũ có quan tâm đến những khía cạnh dịch tể và di chứng của bệnh này không ?

Người làm công việc y khoa thứ hai ủng hộ “nạn nhân chất độc da cam” là Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân, cựu bộ trưởng bộ Y tế, hiện là phó Chủ tịch hội nạn nhân chất độc da cam. Trước khi làm bộ trưởng Y tế, ông ta là bác sĩ chuyên khoa mắt. Ông Nhân cho rằng; những vấn đề dioxin đã được Mỹ nghiên cứu và những cựu binh Mỹ đã được bồi thường rồi, thì tại sao không bồi thường cho nạn nhân da cam VN ? Một vị cựu bộ trưởng Y tế mà còn ăn nói hồ đồ và so sánh một cách khập khiểng như vậy, thì nền Y học VN bết bác như thế này là cũng phải!

Về mặt di truyền, loài người nói chung là giống nhau; nhưng mỗi chủng tộc, mỗi quốc gia, mỗi cộng đồng đều có những vấn đề riêng của nó; do vậy cần phải nghiên cứu. Không biết từ bao giờ, những vị Bác sĩ VN chẳng cần nghiên cứu chuyện gì cả. Họ cứ cho rằng; mọi vấn đề về sức khỏe và bệnh tật đã ghi sẵn trong sách giáo khoa Y học của Mỹ, của Pháp rồi. Như vậy, cứ giở sách ra mà nói, mà làm. Những vị Giáo sư mà còn nói như vậy, huống hồ gì những thằng sinh viên quen thói học vẹt.

Tôi tin là, tình hình bệnh tật của một quốc gia có liên quan đến vị trí địa-chính trị và cấu trúc kinh tế của quốc gia đó.

Viện Hàn lâm khoa học và Viện y học Hoa Kỳ đã đưa ra kết quả nghiên cứu về các chứng bệnh liên quan đến cựu chiến binh phơi nhiễm chất độc da cam như sau: ung thư tiền liệt tuyến, rối loạn thần kinh, bệnh thần kinh ngoại biên và bệnh bạch cầu dòng lypho mãn tính (CLL). Còn con cái các cựu chiến binh phơi nhiễm chất độc da cam thì mắc chứng dị tật gai đôi cột sống. Vì vậy, Tổng thống Bill Clinton đề nghị Quốc hội trợ cấp cho nạn nhân mắc những chứng bệnh này. Nhìn lại VN, những ai để ý sẽ thấy rằng: dị tật bẩm sinh ở trẻ em VN phức tạp và nặng nề hơn rất nhiều so với những di chứng mà Hoa Kỳ đã công bố. Do vậy, cần phải đặt vấn đề nghiên cứu quái thai và dị tật bẩm sinh ở trẻ em VN một cách toàn diện.

Về mặt sinh lý bệnh (pathophysiology), một bệnh có thể do nhiều nguyên nhân; và ngược lại một tác nhân có thể gây ra nhiều bệnh. Ví dụ: bệnh ung thư phế quản là do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân hút thuốc. Khi một người hút thuốc lá bị ung thư; Bác sĩ nói rằng: bệnh là do hút thuốc. Biết đâu, họ bị ung thư do nguyên nhân khác thì sao? Về mặt xã hội, những người bị phơi nhiễm dưới một nguyên nhân nào đó mà mắc bệnh thì chính phủ phải bồi thường theo nguyên nhân đó. Ví dụ; những cựu binh Hoa Kỳ tiếp xúc với chất da cam mà bị CLL, sẽ được bồi thường; dù họ có thể bị CLL do những nguyên nhân khác…

Người thứ ba tham gia cuộc chiến pháp lý là bà Nguyễn Thị Ngọc Phượng, giám đốc bệnh viện Từ Dũ; một nhân vật giữ bằng chứng quan trọng. Bà ta có cả một “bộ sưu tập” những quái thai và một “làng Hòa bình” chuyên nuôi dưỡng những em bé bị dị tật bẩm sinh. Những hình hài quái dị này được lưu giữ với mục tiêu chính trị là tố cáo “tội ác đế quốc Mỹ”. Có lẽ, bà ta được tôn vinh Anh hùng lao động là nhờ vào bộ sưu tập và cái làng Hòa bình này.

Bà Phượng không có một công trình nghiên cứu khoa học nào để chứng minh mối liên hệ nhân-quả giữa chất độc da cam với những em bé bị dị tật bẩm sinh ? Thậm chí, cách đơn giản nhất là đo nồng độ dioxin máu, bà ta cũng không làm! Thế nhưng, khi du khách đến tham quan; bà ta lại chỉ chỏ rằng: đây là nạn nhân chất độc da cam, đây là tội ác “đế quốc Mỹ”. Tức nhiên, với kiểu nói ám thị như vậy, nhiều người sẽ tin là có thật!

Bà Phượng đã “đá lộn sân”. Vấn đề của bà ta là sinh đẻ kế hoạch hóa gia đình và sức khỏe sinh sản; chứ không phải đi tìm công lý cho những phôi thai nhầy nhụa nằm câm lặng trong những lọ foóc-môn. Sứ mệnh của những Bác sĩ Sản khoa là làm sao những cặp cha xinh mẹ đẹp không phải sinh ra những em bé tật nguyền; muốn vậy phải không ngừng học tập, nghiên cứu. Lẽ ra, trước khi lên đường kiện các công ty hóa chất Mỹ, bà Phượng phải làm một nghiên cứu đầy đủ về những dị tật bẩm sinh ở trẻ em VN…

Đảng nói bà Phượng là người được học hành đàng hoàng ở Pháp, nhưng giác ngộ cách mạng nên ở lại phục vụ nhân dân. Nếu là một nhà khoa học chính danh; khi gặp một trường hợp quái thai, bà ta phải nhận định và so sánh ca này với y văn thế giới để biết quái thai này là do nguyên nhân gì? Bà ta cần phải lấy máu cuống rốn để xét nghiệm sự bất thường; chứ không phải khi qua bên Pháp, giáo sư Constable đề nghị phải đo nồng độ dioxin máu thì bà ta mới ậm ừ…là phải. Như vậy, muốn cuộc chiến pháp lý tiếp tục; Hà Nội phải quay lại với những vấn đề của mình là nghiên cứu dị tật bẩm sinh trong nước một cách bài bản và khoa học.

Một lần đi thăm địa đạo Củ Chi; tôi vô cùng khâm phục lòng kiên cường và sự lạc quan của những chiến binh Việt Cộng. Trong lòng địa đạo vẫn có nhà hộ sinh để nuôi dưỡng những em bé sinh ra giữa cuộc chiến tranh ác liệt. Địa đạo là một căn cứ nằm sát nách Sài Gòn nên bị đánh phá dữ dội bằng tất cả các phương tiện chiến tranh; từ bom napan cho đến bom hơi ngạt, từ chất phát quang cho đến khí độc… Nhưng những mầm sống vẫn sinh sôi dưới mưa bom bão đạn.

Hình ảnh những em bé được sinh ra và lớn lên trong lòng địa đạo là một trong những thắng lợi của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Nếu chất độc da cam làm cho phụ nữ đẻ ra quái thai, thì những em bé được sinh ra dưới địa đạo làm sao có thể sống để trở thành cán bộ bây giờ ?

Tết vừa rồi về thăm quê. Tôi bất chợt nhìn thấy một em bé bị bại não; con của một cặp vợ chồng trẻ. Hình hài, điệu bộ và cảm xúc của em bé này không khác với những em bé bị nhiễm chất độc da cam mà báo Tuổi Trẻ đã đăng. Tôi hỏi bố em bé rằng: Em có được công nhận là nạn nhân chất độc da cam không ? Anh ta trả lời theo cái kiểu thật thà của người nông thôn: Mình có tiếp xúc với chất độc da cam đâu mà được!

Từ chuyện em bé này, tôi nghĩ rằng có một cái gì đó không ổn trong cách nhận định và chứng minh ai là nạn nhân chất độc da cam. Đây là mấu chốt của vấn đề ? Một người bị bại não chưa từng nhiễm chất độc da cam. Và ngược lại, nhiều người phơi nhiễm chất độc da cam, nhưng con cháu của họ hiện nay đang sống giàu sang, hạnh phúc ở Sài Gòn, Hà nội, và thậm chí ở cả nước ngoài.

Nạn nhân bất cứ ở đâu, nạn nhân do bất cứ nguyên nhân gì cũng đều đáng thương. Nạn nhân nào cũng có quyền đòi bồi thường thiệt hại. Nhưng nếu cho rằng; ai đó là nạn nhân của một tác nhân sinh hóa thì cần phải điều tra, nghiên cứu. Mỹ là quốc gia có nền khoa học hàng đầu thế giới; nhiều nhà khoa học của họ đã nhận được giải thưởng Nobel Y học. Họ đã giải mã toàn bộ bản đồ gen người; họ biết được những đui, què, mẻ, sứt trên con người là do gen nào chi phối. Cho nên, khi “cuộc chiến” da cam diễn ra, nhiều người dân Mỹ cười mỉa mai cho cái trò kiện tụng bôi bác này.

Công lý là khát vọng ngàn đời của các dân tộc. Một ngàn năm sau nữa, loài người vẫn tiếp tục đi tìm công lý. Công lý là một danh từ trừu tượng và đẹp đẽ. Nghe đến công lý, ai cũng muốn làm một cái gì đó cho nó trở thành sự thật, ít nhất là cho những người đang cần đến nó. Vì vậy, báo Tuổi Trẻ đã thắng lớn trong loạt chương trình: “Ký tên vì công lý”. Nhưng cái chương trình “Góp tay xoa dịu nỗi đau da cam” thì không ổn. Một triệu chữ ký, nhưng chỉ thu được năm tỉ đồng; vị chi mỗi chứ ký được năm ngàn, chỉ bằng tiền trả một ly cà-phê vỉa hè. Điều này, chứng tỏ ký tên vì công lý thì ký, nhưng đóng góp cho nạn nhân chất độc da cam là cần phải xem xét lại.

Qua vụ kiện chất độc da cam; nhiều người sẽ thấy, rằng lòng trắc ẩn của họ bị lợi dụng cho những trò chơi chính trị tai hại.

Không biết dựa vào đâu, Hà Nội nói rằng; có khoảng 4.1 triệu người Việt Nam đang bị ảnh hưởng chất độc da cam. Chắc là người ta làm bài toán ước lượng. Những cái bụng tham lam tính toán rằng: Số lượng người bị nhiễm càng nhiều thì việc đi đòi công lý càng thắng thế, và số tiền đền bù (nếu có) cũng nhiều hơn. Những cái đầu duy ý chí cho rằng; càng tạo được dư luận thì càng dễ thắng kiện. Cũng giống như cuộc chiến tranh quân sự trước đây, phong trào phản chiến càng lan mạnh sẽ tạo nên áp lực để chính phủ Mỹ rút quân khỏi VN. Chỉ cần như vậy là Hà Nội đã thắng thế!

Một điều tréo ngoe là Mỹ rãi chất khai quang cách đây 40 năm, nhưng hôm nay lại có đến 4,1 triệu người mắc di chứng. Con số này trên 82 triệu dân là một tỉ lệ lớn; như vậy cứ 20 người VN có một người bị dị tật bẩm sinh; cộng thêm với 75 gia đình có 1 gia đình có người bị nhiễm HIV/AIDS. (3) Đây là những vấn đề xã hội khó khăn và quá sức chịu đựng của chính quyền CS.

Ai cũng biết cuộc chiến đòi công lý là một kiểu đấu tranh chính trị của CSVN. Cuộc đấu tranh này hướng vào ba mục tiêu:

  1. Những vấn đề xã hội trong nước: Chính quyền Hà Nội đang đối phó với những vấn đề xã hội trong nước ngày càng gia tăng. Sau những năm tháng theo đuổi và thực hiện chính sách CS, Hà Nội đã để lại quá nhiều hậu quả trên đất nước VN. Để phủi sạch mọi hậu quả này; họ đổ bừa là do chất độc da cam. Có nhiều việc cơ bản và thiết yếu như: kiểm tra vệ sinh, an toàn thực phẩm; sử dụng hóa chất trong nông nghiệp; kê toa thuốc chữa bệnh cho bệnh nhân…. họ không thể nào quản lý được. Do đó, so với các nước trong khu vực, tình hình quái thai và dị tật bẩm sinh ở VN gia tăng một cách đáng lo ngại. Đây là những vấn đề xã hội làm thiêu rụi tất cả những cố gắng về cải cách kinh tế của VN. Tôi xin báo động thêm là; bệnh Lao và bệnh AIDS cũng đang hoành hành…
  2. CSVN muốn chuyển dư luận thế giới ra bên ngoài VN: Nội tình của CSVN hiện nay rất nhiều chuyện, chứ không riêng gì những vấn đề xã hội. Những rạn nứt, những xung đột, những đổ vỡ… làm cho đất nước CS này như một quả bom nổ chậm. Dư luận thế giới đang đổ dồn cặp mắt vào những vấn đề nóng bỏng của VN; cho nên Hà Nội muốn phát động cuộc chiến da cam để đánh lạc hướng dư luận thế giới. Họ làm một cuộc tuyên truyền rằng: nhân dân VN không chỉ đấu tranh vì nạn nhân da cam trong nước, mà vì tất cả nạn nhân trên toàn thế giới, kể cả cựu chiến binh Hoa Kỳ. CS đang muốn vẽ lại bức tranh: dân tộc VN dưới sự lãnh đạo của Đảng là một dân tộc hào hiệp; dân tộc VN thay mặt cho nhân loại tiến bộ đấu tranh vì hạnh phúc con người…
  3. Đối phó với cuộc đấu tranh chính trị của những tổ chức người Việt lưu vong: Chính quyền CS biết rằng, người Mỹ không thích họ và người Mỹ đang ngấm ngầm ủng hộ các tổ chức người Việt lưu vong để thay thế họ. Do vậy, Hà Nội muốn tấn công trước để ngăn ngừa chính phủ Mỹ ủng hộ các chính phủ lưu vong. Qua cái vụ da cam, họ sẽ nói với chính phủ Mỹ rằng: Chúng mày gây ra hậu quả như thế này chưa đủ sao, mà hôm nay còn muốn xúi giục một cuộc chiến tranh lật đổ bọn tao nữa…

Mỹ can thiệp vào VN, ném bom đất nước VN ai cũng biết; nhưng mục tiêu mà Mỹ tham chiến ở VN thì không phải ai cũng biết. Mỹ rải chất độc khai quang cũng lắm người nghe; nhưng dioxin, một thành phần của chất khai quang, đã tác động như thế nào đến sức khỏe con người và môi trường thì VN chẳng thèm nghiên cứu.

Mặc dầu, lần cuối cùng Mỹ rải chất khai quang vào cuối năm 1971; nhưng sau đó những cánh rừng Tây Nguyên đã xanh tươi trở lại. Năm 1975, những tán lá xum xuê của rừng xanh bạt ngàn đã che dấu cả binh đoàn Bắc Việt để chuẩn bị cho trận đánh chiếm Ban Mê Thuột vào sáng ngày 10 tháng 3. Còn hôm nay, rừng Tây Nguyên trơ lại những dãi đất khô cằn, cháy nắng; người dân Tây Nguyên không biết trốn vào đâu trong cái nắng hạn mùa khô. Như vậy, rừng Tây Nguyên trơ trụi là do chất độc khai quang hay là do chính sách phá hoại của CS?

Mỹ bắt đầu dính líu vào VN khi thực dân Pháp có dấu hiệu thất bại ở Điện Biên Phủ… Mục tiêu của Mỹ là xây dựng miền Nam Cộng Hòa thành một pháo đài chống lại sự bành trướng của Cộng Sản về phương Nam. Họ đã làm tất cả những gì có thể làm được, để bảo vệ chính phủ Sài Gòn không bị ăn tươi nuốt sống bởi thế lực tay sai hiếu chiến ở Hà Nội.

Năm 1964, Mỹ tiến hành đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân với mục tiêu phá hoại các cơ xưởng, kho tàng, bến cảng… những căn cứ dùng để chi viện vũ khí và nhân lực xâm lược miền Nam. Điều trớ trêu thay, những tàu khu trục của Hoa Kỳ neo đậu ở Vịnh Bắc bộ thì an toàn; trong khi đó những sân bay nằm lọt sâu trong miền Nam như Biên Hòa, Chu Lai lại bị tấn công.

Ngày 8 tháng 3 năm 1965, một ngày định mệnh trong lịch sử nước Mỹ; hai lữ đoàn thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đổ bộ vào bờ biển Đà Nẵng. Đây là những đơn vị bộ binh đầu tiên tham chiến tại VN. Nhiệm vụ của những đơn vị này là bảo vệ sân bay Chu Lai, nơi xuất kích những chiếc máy bay oanh tạc trên đất Bắc.

Lần chạm súng đầu tiên của quân đội Hoa Kỳ với Việt Cộng là trận đánh Núi Thành, một địa danh nằm phía Tây Nam căn cứ Chu Lai. Sau trận đánh này, trung ương Đảng CS đánh giá rằng, họ có khả năng đánh Mỹ và thắng Mỹ.

Đã nhiều lần chính phủ Hoa Kỳ yêu cầu Bắc Việt chấm dứt đưa quân vào miền Nam, chấm dứt viện trợ vũ khí và lương thực cho Việt Cộng; nhưng chính phủ CS vẫn phớt lờ yêu cầu này. Họ xây dựng cả một mạng lưới đường Trường Sơn để tiến hành chi viện cho miền Nam; đường Trường Sơn, được gọi với cái tên biểu tượng là đường mòn Hồ Chí Minh. Người Mỹ không còn cách nào khác là phải phát quang cả dãy Trường Sơn. Những đơn vị Việt Cộng trốn trong rừng, người Mỹ muốn tìm và tiêu diệt phải làm cho rừng cây trụi lá. Chất độc khai quang đã được sử dụng trong trường hợp này, và đây là nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến pháp lý hôm nay.

Trong chiến tranh, mỗi bên đều tìm mọi cách để chiến thắng. Họ sử dụng tất cả các loại phương tiện để hạ gục đối phương; đôi khi sử dụng những phương tiện và vũ khí không được quốc tế cho phép. Có nhiều khía cạnh và mức độ tàn bạo cần phải nghiên cứu trong các cuộc chiến tranh VN…

Cho đến nay, các học giả vẫn chưa thống nhất về tên gọi của cuộc chiến tranh quân sự trước đây. Những người CS gọi cuộc chiến tranh VN là “chiến tranh giải phóng”, thống nhất đất nước; người miền Nam gọi là cuộc chiến tranh xâm lược của Bắc Việt; Hoa Kỳ gọi đó là cuộc chiến tranh can thiệp chống lại sự bành trướng của CS… Nhiều học giả phương Tây nhìn nhận; đây là một cuộc nội chiến, vì hai bên chiến đấu vì hai ý thức hệ khác nhau. Cách nhìn nhận này đã làm chính quyền Hà Nội khó chịu. Nhưng dù gọi tên gì đi nữa, thì chiến tranh vẫn là chiến tranh. Chiến tranh là cõi gieo rắc đau thương và chết chóc.

Ai cũng biết, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam (NLF) là một tổ chức do Bắc Việt dựng nên để hợp pháp hóa trong quá trình xâm lược miền Nam. Lá cờ sao vàng trên nền nửa đỏ, nửa xanh là biểu tượng của mặt trận này. Sau tháng tư năm 1975, sứ mệnh chính trị của Mặt trận này đã chấm hết. Do vậy, chẳng ai buồn nhắc đến nó nữa; một cuộc xóa sổ không kèn, không trống…

Chiến tranh là sự tàn phá mãnh liệt nhất do con người gây ra. Đạn bom không thương hại bất cứ một ai. Chiến tranh là sự mất mát lớn nhất là nhân loại phải chịu đựng trong suốt quá trình tiến hóa của mình.

Đã có lần, chính phủ Mỹ đề nghị Bắc Việt bỏ ý đồ thôn tính miền Nam; đổi lại Đông Dương sẽ nhận được chương trình viện trợ phát triển trọn gói. Nhưng Hà Nội nào có chịu nghe!

Trong tất cả các cuộc chiến tranh, không bên nào tự cho mình là phi nghĩa. Nhưng cuộc chiến tranh VN-Hoa Kỳ là một cuộc chiến tranh vô nghĩa. Một cuộc chiến không có người chiến thắng. Kẻ tự cho mình là người chiến thắng, phải đối phó một cách lúng túng với những kết cục của chiến tranh; còn người rút quân thì vững vàng để khôi phục lại vị thế của mình.

Năm 1973, hiệp định Paris được ký kết, người Mỹ rút quân về nước. Tất cả các phương tiện vũ khí, khí tài giao lại cho quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Hai năm sau, các phương tiện này rơi vào tay quân đội Bắc Việt gần như hoàn toàn. Cơ sở vật chất ở miền Nam hầu như còn nguyên vẹn. Nhưng bộ máy tuyên truyền của CS vẫn cứ đổ lỗi những vấn đề hôm nay của VN do Hoa Kỳ gây ra.

Năm 1945, Mỹ ném hai trái bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagashaki, Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Nhưng với tinh thần tận tâm tận lực, người Nhật đã xây dựng đất nước từ đám tro tàn để bốn mươi năm sau; họ trở thành siêu cường thứ hai sau Mỹ. Còn VN, sau chiến tranh vẫn tiếp tục theo đuổi những cuộc chiến tranh đen tối và vô vọng khác.

Có lẽ, cái chân lý “sống là tranh đấu” của Mác đã tìm được một dân tộc có truyền thống đấu tranh để kết dính với nó. Đây là cách giải thích chính xác nhất, tại sao Hà Nội thích gây chiến tranh ? Một gia đình đã quen thói xin xỏ; nhưng những đứa con lại thích gây gổ đánh nhau với thiên hạ. Thử hỏi, cái gia đình đó làm sao ngóc đầu lên cho nổi ?

Trung Quốc (TQ) không những cần một VN mà cần nhiều VN hơn nữa. Chừng nào có một kẻ thích gây chiến với Hoa Kỳ; chừng đó Trung Quốc còn đủ thời gian để yên tâm phát triển kinh tế và hiện đại hóa quân đội. Như vậy gây chiến với Hoa Kỳ; VN đã tự làm cho mình suy yếu, nhưng ngược lại sẽ giúp TQ tăng cường sức mạnh quân sự. Đảng xúi giục dân chúng chống Mỹ là nuôi một “con cọp” để chờ ngày nó “ăn thịt” mình ?

Khi luật chống ly khai được Quốc hội TQ thông qua. Đài Loan đứng trước câu hỏi: nếu bị TQ tấn công thì quân đội Đài Loan sẽ kháng cự được bao lâu để bảo vệ đất nước của mình. Các tướng lĩnh không quân và hải quân nói: chỉ chiến đấu được hai ngày; còn tướng lĩnh bộ binh nói: sẽ cầm chân quân đội TQ được bốn ngày. Đem câu này hỏi các tướng lĩnh VN; câu trả lời chắc còn bỏ ngỏ ?

Nếu ai đó khẳng định rằng, VN đã thắng Mỹ thì đó là kẻ oán ngôn. Bởi vì, ngay cả Liên Xô và Trung Quốc không thể thắng Mỹ, thì một nước thuộc thế giới thứ ba nhận viện trợ vũ khí và tiền bạc của họ để đánh du kích với Mỹ, làm sao mà thắng được.

Ba mươi năm sống “ngậm đắng nuốt cay”; các tướng lĩnh và chính khách Việt Nam Cộng Hòa có tìm được nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ chóng vánh của miền Nam không ? Có người cho rằng, ông Thiệu đã sai lầm chiến thuật, khi ra lệnh rút lui quân đội xuống khỏi Tây Nguyên ? Người khác lại cho rằng, ông Trưởng không chịu cố thủ Đà Nẵng; tại ông “big” Minh ra lệnh đầu hàng ? Theo tôi, sự sụp đổ của Việt Nam Cộng hòa có dấu hiệu từ năm 1965 và nó xuất phát từ nội bộ của Sài Gòn, chứ không phải ở vùng I chiến thuật.

Vì vậy, 10 năm Mỹ can thiệp vào miền Nam là thời gian quý báu nhất để các nước công nghiệp mới hình thành, và là tiền đề cho việc kết thúc chiến tranh lạnh.

Trong những năm gần đây, lịch sử đã chứng minh một điều rằng: Bất cứ quốc gia nào không thích ứng được với những thay đổi, sẽ bị tan rã; bởi vì cấu trúc thượng tầng không còn chịu đựng và kiểm soát được các vấn đề xung đột từ bên trong.

Bất cứ chiến thắng nào cũng có mặt trái của nó. Nhưng Hà Nội chưa bao giờ tính được cái giá phải trả cho chiến thắng. Ngay từ ban đầu, cuộc chiến pháp lý đã lệch lạc mục tiêu; nó sẽ làm cho VN không biết mình đang ở đâu để giải quyết những vấn đề nội bộ. Nếu một chính phủ có thiện chí, Hà Nội sẽ thông báo với chính phủ Mỹ là họ cần nghiên cứu về dị tật bẩm sinh và chất độc da cam. Chính phủ VN yêu cầu được giúp đỡ về tài chánh và kỹ thuật để nghiên cứu. Như vậy, những vấn đề của xã hội VN còn có đường giải quyết.

Đằng này, khi chưa có bằng chứng khoa học rõ ràng; họ đã lôi kéo dư luận, viết đơn thưa kiện và đòi bồi thường. Khi đã dắt nhau ra tòa rồi thì chẳng còn mặt mũi nào nhìn nhau nữa! Cứ dựa theo luật pháp mà phán xử!

Nếu tôi nói rằng, bệnh tham nhũng và cường quyền của Đảng CS hôm nay là do hậu quả của chất độc dioxin. Nhiều người nghe cũng có lý; bởi vì những cán bộ CS, không nhiều thì ít, không gần thì xa, đã nhiễm chất độc da cam khi họ còn ở trong rừng. Tôi lý luận rằng; chất độc dioxin đã thấm vào máu và hệ thần kinh, làm cho họ trở nên tham tàn. Ý nghĩ như vậy quả là điên rồ và Đảng sẽ cho tôi vào tù mất! Bởi vì, chẳng có mối liên hệ nào giữa tham nhũng và cường quyền với dioxin cả; nhưng chắc chắn, hai căn bệnh trên có liên hệ với chính sách CS và sự sa sút đạo đức của các quan chức Đảng.

Hiện nay; ở VN, có quá nhiều vấn đề y tế cần lo ngại:

  1. Việc sử dụng thuốc men vô tội vạ.
  2. Việc dùng thuốc bảo quản thực phẩm; thức ăn ôi thiêu, nhiễm độc vẫn được bày bán tràn lan.
  3. Môi trường xuống cấp, bầu không khí bị ô nhiễm một cách nghiêm trọng.
  4. Tai nạn lao động gia tăng, điều kiện an toàn vệ sinh lao động ở mức tồi tệ.

Những vấn đề trên sẽ gây ra nhiều bệnh mãn tính nguy hiểm; trong đó, không ngoại trừ khả năng gây đột biến gen. Như vậy, những tồn tại trong xã hội VN hôm nay là hậu quả của chính sách cai trị CS; chứ không phải do tội ác của tay sai, đế quốc nào cả.

Vụ kiện chất độc da cam đã tạo ra một luận điểm nguy hiểm cho đất nước: Khi cho rằng, những quái thai và dị tật bẩm sinh ở trẻ em VN đều do dioxin; người ta sẽ bỏ qua những tác nhân khác gây đột biến nhiễm sắc thể để loại trừ chúng. Do vậy, trẻ em VN sinh ra vẫn còn bị dị tật dài dài.

Những rối rắm, dị tật và bệnh hoạn của VN hôm nay có nguồn gốc sâu xa từ chính trị, chứ không phải xã hội. Khi nhà chính trị nhìn thấy một hiện tượng xã hội nào đó; ví dụ: nạn mại dâm đứng đường, nạn thiếu niên nghiện hút… hoặc là dị tật bẩm sinh ở trẻ em. Họ ra quyết định nghiên cứu và tìm cách giải quyết những vấn nạn đó.

Sứ mệnh của những nhà khoa học là xây dựng nền tảng khoa học cho đất nước; còn những nhà chính trị, dựa trên hoàn cảnh thực tại của quốc gia để theo đuổi một con đường phát triển. Thiếu sót và sai lầm của Cộng sản là không xây dựng được một nền khoa học cơ bản và vững vàng. Họ không có những nghiên cứu bài bản về con người, đất nước và xã hội. Những ý đồ chính trị đã áp đặt lên mục tiêu nghiên cứu, làm cho giá trị của những công trình khoa học trở nên biến dạng và lệch lạc.

Vụ kiện chất độc da cam đã làm cho quan hệ Mỹ-Việt bước vào giai đoạn căng thẳng; một thời điểm nhạy cảm nhất trong tiến trình ngoại giao của Việt Nam để gia nhập WTO. Không biết thế lực bảo thủ nào đã xúi giục VN tiến hành cuộc chiến tranh pháp lý chống Mỹ? Đây là một cuộc chiến dại dột!

Trong hoàn cảnh VN cần hội nhập nhiều hơn nữa; một “cuộc chiến” dù là đòi công lý, thì mọi quan hệ bang giao sẽ xấu đi. Quan hệ giữa hai quốc gia không thể vừa có chiến tranh mà vừa hợp tác được. Từ xưa đến nay đã vậy! Do đó, mục tiêu của VN, đến cuối năm nay gia nhập WTO là cần phải xem xét lại.

Xét cho cùng, cuộc chiến tranh quân sự trước đây và cuộc chiến tranh pháp lý hiện nay là sự xung đột của các giá trị, sự va đập giữa các nền văn minh. Đây là cuộc chiến của hai quốc gia có cách nhìn khác nhau và cách giải quyết khác nhau về một vấn đề. Trong cuộc sống, chúng ta vẫn thường gặp những trường hợp như vậy.

Stanley Karnow đã viết rằng: “The classic Vietnamese syndrome: optimism alternating with bewilderment; euphoria giving away to frustration.(*) Xin tạm dịch là: Hội chứng Việt Nam cổ điển: chủ nghĩa lạc quan thay cho sự lúng túng; lấy khoái cảm che dấu nỗi tuyệt vọng. Có lẽ, chiến tranh mang lại cho con người Việt Nam cái cảm giác ngây ngất của ngày chiến thắng.

Hà Nội đã phát động một cuộc chiến tranh pháp lý trên đất Mỹ. Cuộc chiến của những kẻ quẩn trí với hoang tưởng làm thay đổi hệ thống khoa học, hành pháp và tư pháp của một Đế chế.

Chiến tranh là giải pháp cuối cùng, mà những nhà chính trị phải chọn lựa trong quá trình đấu tranh với kẻ thù. Một điều kỳ lạ là những người CS luôn thích bạo lực chiến tranh. Họ coi chiến tranh là phương tiện duy nhất để giải quyết những xung đột; đánh còn cái lai quần cũng đánh. Dù đốt cháy cả dãy Trường sơn cũng phải “giải phóng” cho được miền Nam, thực hiện theo di chúc “thiêng liêng” của ông Hồ. Cái di chúc khốn nạn này đã đưa dân tộc đến cảnh điêu linh…

Chắc nhiều người còn nhớ; ngày 30 tháng 4 năm 1975, ai ai cũng ráng kiếm cho mình một cái áo trắng để mặc ra đường, và ngóng xem những gì đang diễn ra ngoài đó. Đường phố rợp màu trắng tinh khôi. Nhưng trong con mắt đỏ ngầu của kẻ hiếu chiến; những ai mong muốn hòa bình chỉ là miếng “mồi ngon” để nó “chén” mà thôi.

Sài Gòn ngày 30/3/2005.

Chú thích:
(1). Tổng thống Hoa Kỳ từ năm 1933 cho đến mất năm 1945.
(2). Nhà số 2 Lê Duẩn, quận I là Tổng lãnh sự nước Cộng Hòa Pháp, và nhà số 4 Lê Duẩn là Tổng lãnh sự Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ.
(3). Báo cáo của UNICEF về HIV/AIDS tại TP.HCM ngày 18/3/2005.
(*). Những tư liệu về chiến tranh VN được dựa từ quyển sách: VietNam A History, Stanley Karnow, Pimlico edition 1994, Winner of the Fulitzer prize.

----- O -----

BA MƯƠI NĂM-NHÌN LẠI MỘT CUỘC CHIẾN.
(viết nhân ngày 30-4-2005)

Chúng ta không thể thay đổi được quá khứ mà chỉ có thể thay đổi được tương lai’, đó là sự thật. Cuộc chiến tranh tại Việt nam từ năm 1954 đến năm 1975 giữa Việt nam Cộng Hòa (tại Miền Nam) với Việt nam Dân chủ Cộng hòa (tại Miền Bắc) đã kết thúc cách đây vừa tròn 30 năm, với ‘chiến thắng’ thuộc về phía những người Cộng sản.

Cuộc chiến đã đi qua 30 năm, nhưng còn gây nhiều tranh cãi, và những hậu quả nặng nề từ cuộc chiến vẫn để lại nhiều hệ lụy cho ngày hôm nay.

Tôi là người sinh ra và lớn lên khi chiến tranh đã kết thúc, được giáo dục hoàn toàn dưới mái trường XHCN, Bố tôi là đảng viên cộng sản kì cựu. Tôi không có lí do gì để thù oán bất cứ chế độ nào, dù đó là Việt nam Cộng Hòa hay Nhà nước CHXHCN Việt nam. Tôi là kẻ hậu sinh, lớn lên với củ khoai củ sắn, với tuổi thơ nhọc nhằn và vất vả. Khi lớn lên tôi may mắn hơn nhiều người bạn của mình là đã được ra nước ngoài, một nước cũng theo chế độ XHCN. Trong khi tôi chưa kịp đặt chân đến một nước tư bản ‘thứ thiệt’ nào như Mỹ, Anh hay Pháp để xem tư bản nó ‘giãy chết’ như thế nào, thì đất nước ‘thiên đường của cộng sản’ nơi tôi đang sống đã sụp đổ hoàn toàn. Nó sụp đổ không phải vì bom đạn chiến tranh hay bởi các ‘thế lực thù địch’ ở bên ngoài, mà sụp đổ bởi vì sự thối nát và mục ruỗng bên trong, bởi chính những người dân đã lỡ đặt niềm tin của mình vào một ‘thiên đường mù’ của chủ nghĩa cộng sản.

Là một kẻ hậu sinh, không tham dự vào cuộc chiến tranh 1954-1975 nhưng tôi thiển nghĩ rằng mình có cái quyền nói lên những suy nghĩ của mình về cuộc chiến ấy. Và tôi sẽ nói lên những suy nghĩ rất thật của mình bằng những gì đã nghe, đã thấy, đã chứng kiến và đã đối chứng với thực tế. Trước hết, tôi cũng muốn nói rằng, tôi không hề bị ‘giật dây’ hay ‘ăn phải bả’ của bất cứ một tên ‘Đế quốc’ nào. Những gì tôi nói ra chắc chắn không phải ai cũng đồng tình (người Việt mình vốn hay bảo thủ), và tôi cũng không hề muốn chia rẽ hay đổ tội cho bất cứ ai. Điều quan trọng nhất mà tôi muốn là góp phần nhìn nhận sự việc đã xảy ra một cách khách quan và công bằng, để rồi từ đó chúng ta ứng xử đúng đắn trong hiện tại và tương lai.

Cuộc chiến tranh 1954-1975 tại Việt nam đã đi qua nhưng nỗi đau vẫn còn, sự bất đồng vẫn còn đấy. Qua bài viết ‘Ba mươi năm gọi tên gì cho cuộc chiến ?’ của Giáo sư Lê Xuân Khoa về cuộc chiến xảy ra tại Việt nam trong giai đọan 1954-1975, đăng trên website của đài BBC, đã gây ra một cuộc tranh cãi gay gắt giữa những người Việt không cùng ý thức hệ với nhau. Tựu trung, có ba luồng ý kiến khác nhau, ý kiến thứ nhất thì khẳng định rằng đây là cuộc chiến tranh chống Đế quốc Mỹ xâm lược và ‘bè lũ tay sai’, giành độc lập và giải phóng đất nước, những hy sinh và mất mát là điều bắt buộc phải trả giá. Ý kiến thứ hai thì cho rằng đây là cuộc ‘xâm lăng’ của cộng sản, và do chính quyền Việt nam Cộng hòa kém cỏi nên đã thảm bại. Ý kiến thứ ba cho rằng đây là cuộc chiến tranh ‘ủy nhiệm’, tức là cả hai miền Nam- Bắc Việt nam đều là những quân cờ trên bàn cờ quốc tế được điều khiển bởi các cường quốc.

Đúng hay sai, nhiều khi là do cách nhìn nhận và quan điểm, tư tưởng, chỗ đứng của từng người. Ví dụ, những chiến binh Hồi giáo cực đoan chuyên tấn công chính phủ hay đánh bom tự sát tại nước cộng hòa Checnhia (Liên bang Nga), Palestin thì dư luận thế giới, nói chung, xem họ là ‘khủng bố’, nhưng với đa số nhân dân tại các nước đó thì những chiến binh là ‘anh hùng dân tộc’, không tiếc thân mình để đánh đuổi quân xâm lược và là ‘thần tượng của tuổi trẻ’. Cùng một hành động nhưng sự nhìn nhận từ hai phía đã khác nhau và ai cũng có lí của họ. Như vậy, chúng ta cần phải tìm một mẫu số chung mà tất cả đều có thể nhìn nhận được với điều kiện không bị tình cảm lấn lướt quá mạnh. Nếu chúng ta có thể đồng ý với nhau như vậy thì bài viết của Giáo sư Lê Xuân Khoa sẽ là khách quan và trung thực.

Dân tộc Việt nam đã đau thương quá nhiều, cái nghèo, cái nhục của ngày hôm nay là điều mà ai cũng thấy, cũng công nhận. Chúng ta phải tìm được tiếng nói chung để xóa bỏ hận thù trong quá khứ và cùng nhau xây dựng tương lai. Nhưng, nếu chúng ta ai cũng khăng khăng bảo vệ chính kiến của mình thì chúng ta sẽ mãi lún vào vòng tranh luận liên miên, và lòng căm thù của cả hai phía sẽ không bao giờ hóa giải được. Một thực tế mà ai cũng thấy được là khoảng cách (trong tư tưởng) giữa những người cộng sản và không cộng sản, giữa những người trong nước và ngoài nước, giữa những ‘người cộng hòa’ và ‘người cộng sản’, … quá lớn, quá khó lòng để xích lại gần nhau. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến bất đồng quan điểm giữa hai phía là sự nhìn nhận về cuộc chiến tại Việt nam 1954-1975.

Ba mươi năm đã trôi qua, thời gian cũng đủ để chúng ta cảm nhận rõ ‘cái được và cái mất’ của Dân tộc Việt nam trong cuộc chiến này (chứ không phải là ai sai, ai đúng ?). Chúng ta ai cũng hiểu là đã đến lúc cần ‘khép lại quá khứ để hướng tới tương lai’, nhưng chúng ta vẫn chưa thể ‘khép lại quá khứ’ thì làm sao ‘hướng tới tương lai được’ ? Đã có quá nhiều ý kiến được đưa ra nhưng sự đồng thuận vẫn chưa có. Khoan hãy bàn về vai trò và trách nhiệm của đảng cộng sản Việt nam, riêng việc chúng ta chưa đồng thuận về sự nhìn nhận cuộc chiến này cũng đã làm cho chúng ta ngày càng xa nhau hơn. Vì vậy để có thể ‘khép lại quá khứ’ thì chúng ta cần đồng thuận trên cách đánh giá và nhìn nhận cuộc chiến này, với một cái nhìn thông cảm, khách quan và… chấp nhận lẫn nhau. Chỉ khi nào chúng ta có đồng thuận về cuộc chiến này khi đó chúng ta mới có thể yên tâm ‘hướng tới tương lai’.

Xuất phát từ mong muốn thiết tha và cháy bỏng đó mà tôi xin đề nghị rằng ‘tất chúng ta hãy xem cuộc chiến 1954-1975 tại Việt nam là cuộc chiến tranh ủy nhiệm’ tức là cuộc chiến không phải do chúng ta mong muốn và chủ động mà là do các thế lực bên ngoài tác động và đạo diễn. Tại sao gọi là cuộc ‘chiến tranh ủy nhiệm’ ? Theo Giáo sư Lê Xuân Khoa thì ‘Gọi là ủy nhiệm vì từ cuộc xung đột về ý thức hệ, hai phe Việt Nam đã bị các cường quốc lãnh đạo hai khối tư bản và cộng sản sử dụng như những công cụ đua tranh thế lực trong thời Chiến tranh Lạnh. Hoa Kỳ đã dùng chiến trường Việt Nam để thí nghiệm và tiêu thụ các loại vũ khí kể cả chất độc da cam, trong khi Liên Xô và Trung Quốc đã nhiệt tình giúp đỡ và thúc giục Bắc Việt tận lực hi sinh và chiến đấu trường kỳ.’ Và cũng theo ông ‘Tên gọi này phản ánh một sự thật hoàn toàn khách quan nhưng không một quốc gia tham chiến nào, trực tiếp hay gián tiếp, muốn chấp nhận nó để phải mang tiếng xấu.

Sự thực là như vậy, nhưng cả hai phía cộng sản và cộng hòa đều khó lòng chấp nhận, ai cũng cho rằng mình mới là đúng còn bên kia là sai, bảo thủ là đặc tính xấu của loài người nói chung và của người Việt nam nói riêng. Chúng ta cần bình tĩnh để đánh giá sự việc một cách khách quan, bằng lí trí hơn là tình cảm. Nếu bị tình cảm chi phối thì sẽ dễ đánh mất tính khách quan, trung thực, tục ngữ của cha ông đã có câu ‘thương nhau củ ấu cũng tròn, ghét nhau ngậm bồ hòn cũng ngọt’. Trong một bài viết của mình, nhà văn Dương Thu Hương cũng đã có nhận xét rất chí lý: “ở đâu tình cảm và khát vọng lấn lướt, ở đó chân lý câm lặng và huyền thoại nảy sinh”...

Như chúng ta đều đã biết, cuộc chiến tranh chống Thực dân Pháp đã kết thúc thắng lợi với chiến thắng Điện Biên Phủ. (chúng ta không cần phải bàn đến cuộc chiến chống Pháp vì đó là một cuộc chiến chính nghĩa, đánh đuổi kẻ thù xâm lược, có thể gọi đó là “cuộc chiến tranh Thần thánh của Dân tộc”, bởi vì đó là nguyện vọng và quyết tâm của cả Dân tộc Việt nam sau gần 100 năm nô lệ). Hiệp định Genevơ kí kết tạm chia Việt nam ra hai Miền, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới, với kế hoạch sau 2 năm sẽ Tổng tuyển cử trên cả nước. Thế rồi Tổng tuyển cử đã không xảy ra, bên này đổ lỗi cho bên kia. Theo tôi không bên nào chịu bên nào, cả hai bên đều cố tình phá hoại tổng tuyển cử. Miền Bắc thì gài lại cán bộ khắp mọi nơi ở Miền Nam, còn chính quyền Miền Nam cố sức để tiêu diệt lực lượng nằm vùng này… và thế là Tổng tuyển cử thất bại. Cuộc chiến tranh giữa hai Miền bắt đầu khai mào. Từ đấu tranh chính trị trong giai đọan 1954-1965 đã chuyển sang đấu tranh vũ trang khốc liệt (mà ở Miền Nam mọi sự quyết định trên chiến trường đều do Mỹ quyết định), cho đến năm 1973. Sau đó là cuộc nội chiến mà kết thúc bằng việc sụp đổ của chế độ Việt nam Cộng hòa (30/4/1975). Cho dù rằng nguyên nhân gây ra cuộc chiến tranh này là từ Ý thức hệ: Cộng sản và Tư bản, thì bản thân hai thứ chủ nghĩa này cũng được du nhập vào Việt nam từ Phương Tây. Trước đây người ta chỉ nói đến sự du nhập của chủ nghĩa cộng sản vào Việt nam, nhưng kể cả chủ nghĩa Tư bản với Tự do, Dân chủ của Phương Tây cũng đã được du nhập vào Miền Nam Việt nam. Và chúng ta cũng phải thừa nhận rằng nếu không có sự ‘giúp đỡ tận tình’ của các cường quốc thì chúng ta không thể đánh nhau ‘tơi bời khói lửa’ như vậy được. Miền Nam thì được Mỹ và Đồng minh viện trợ từ A đến Z, còn Miền Bắc thì được Liên Xô, Trung Quốc và phe XHCN với ‘tinh thần quốc tế cao cả’ giúp đỡ từ gói lương khô đến Xe tăng, Máy bay… và người Việt nam ở hai Miền chỉ còn mỗi việc là “đánh nhau cật lực”. Nhà Văn Dương Thu Hương đã nhận xét rất đúng “Dưới sự chiêu dụ của những lý lẽ hào hoa dân tộc Việt bị xé làm đôi, một cách vô thức đã tự nguyện biến thành hai đội quân đánh thuê cho hai hệ thống chính trị đối nghịch, một cách vô thức biến mình thành một thứ tampon giữa hai toa tàu lịch sử, một cách vô thức biến giang san cha ông để lại thành chiếc cối xay thịt khổng lồ, tự lao vào như những đám thiêu thân trong một cuộc binh đao huynh đệ tương tàn chưa từng có trong quá khứ.” Như vậy cuộc chiến này không còn do người Việt Nam chủ động nữa mà đã biến thành một đấu trường quốc tế cho các cường quốc như Mỹ, Liên xô, Trung Quốc thử vũ khí, thử lí tưởng, thử sức chịu đựng của con người. Trò chơi của các cường quốc bằng sinh mạng người Việt mình đã được khẳng định qua câu nói nổi tiếng “Trung Quốc đánh Mỹ đến người Việt nam cuối cùng”, thật là cay đắng và mỉa mai thay cho một Dân tộc luôn tự hào là có nghìn năm văn hiến. Dương Thu Hương viết “Với thời gian, chúng ta hiểu được những sự thật về bản thân cũng như về dân tộc mình. Chúng ta là những kẻ ngu ngơ, dại dột, lầm lạc bởi chúng ta sinh ra trong một dân tộc ngu ngơ, dại khờ và lầm lạc vào chính thời đại này. Xưa kia, cha ông ta chưa bao giờ tự đem thân mình làm lính đánh thuê như thế.” (Tiểu Luận).

Ngay cả khi chiến tranh kết thúc thì cũng không phải do mong muốn của người Việt nam mà là do sự dàn xếp giữa các “ông lớn” với nhau “giải pháp chấm dứt chiến tranh Đông Dương đều do các nước lớn sắp đặt sẵn với nhau rồi ép buộc đồng minh Việt Nam, cộng sản hay quốc gia, phải chấp thuận.” (Lê Xuân Khoa- ba mươi năm gọi tên gì cho cuộc chiến?) Vậy là từ đầu đến cuối cuộc chiến này đều do ngoại bang áp đặt cho Việt nam, vì vậy chúng ta hãy cố gắng để đồng thuận với nhau rằng “đây là một cuộc chiến tranh ủy nhiệm”. Giáo Sư Lê Xuân Khoa kết luận “sau khi đã gạn lọc lập trường chính trị của mỗi bên để xác định bản chất thật sự của nó trong lịch sử, cuộc chiến 1955-1975 phải được gọi là một cuộc nội chiến đồng thời là chiến tranh ủy nhiệm.” . Tôi đồng ý hoàn toàn với Giáo sư nhưng xin được bỏ hai chữ “nội chiến”, bởi vì nó nhắc lại một nỗi đau của Dân tộc Việt nam trong quá khứ. Người ngoài họ gọi thế nào thì kệ họ nhưng người Việt chúng ta hãy đồng ý với nhau rằng đây là cuộc chiến tranh ủy nhiệm, hãy làm điều đó vì tương lai của chính chúng ta.

Mỗi khi chúng ta đã đồng thuận với nhau về sự nhìn nhận cuộc chiến này, thì cũng có nghĩa là chúng ta đồng thuận rằng chúng ta chỉ là nạn nhân của những tên Đế quốc lưu manh. Chúng ta đã “ngu ngơ, dại khờ và lầm lạc”, chứ chúng ta không hề ghét bỏ gì nhau, chúng ta vẫn và sẽ mãi mãi là con Rồng cháu Tiên, cùng sinh ra từ “bọc trăm trứng” của Mẹ Âu Cơ. Chỉ khi đó, những người cộng hòa mới bớt căm thù những người cộng sản và những người cộng sản bớt ngạo nghễ về chiến thắng của mình (năm 1975). Trong cuộc chiến này, ai là người thắng cuộc thì tôi không biết và cũng không quan tâm nhưng kẻ thất bại, thất bại một cách thảm hại và đau thương đó chính là Dân tộc Việt nam. “Tổng số người Việt Nam thiệt mạng riêng trong cuộc chiến này, kể cả quân và dân của cả hai bên, lên tới gần bốn triệu người. Riêng bộ đội cộng sản còn có khoảng 300,000 người chưa tìm được xác. Đất nước và tài sản của dân chúng cả hai miền đều bị chiến tranh tàn phá đến mức độ chưa từng thấy trong lịch sử, cho đến nay vẫn còn những di hại của bom, mìn chưa nổ và chất thuốc khai quang” (Lê Xuân Khoa). Rõ ràng, chúng ta không có gì gọi là tự hào hay vui sướng từ chiến thắng này. Hai anh em trong cùng một nhà đánh nhau, “thằng” sứt đầu, “thằng” mẻ trán thì đó là nỗi đau, nỗi bất hạnh của gia đình đó, chứ không thể là chiến thắng. Đành rằng “cái gì cũng có giá của nó”, nhưng cái giá mà dân tộc Việt nam đã phải trả cho cuộc chiến này là quá đắt. Đáng lí ra, sau khi trả giá quá đắt rồi thì chúng ta phải rút ra được ít nhiều kinh nghiệm, thế nhưng việc làm và hành động của kẻ chiến thắng (cộng sản) sau đó đã làm cho khoảng cách (khả năng xích lại gần nhau) giữa hai phía ngày càng lớn hơn. Nhân đây tôi xin đưa ra một nhận định là: chỉ có những người bị nhồi nhét vào đầu quá nặng ý thức hệ cộng sản, mới không thể thoát ra khỏi cơn mê tăm tối suốt 30 năm qua, còn những người bình thường khác, ví dụ những người bộ đội hay cán bộ Miền Bắc đang sống giữa lòng Miền Nam, giữa mảnh đất và những con người từng là kẻ thù “không đội trời chung” ngày nào, thử hỏi rằng: mảnh đất đó, những con người đó có đáng ghét hay không? Tôi tin chắc rằng không những họ (những người đang sống tại Miền Nam) mà ngay cả những người, dù chỉ một lần đặt chân đến đây, hay chỉ nghe kể về Miền Nam thì cũng để lại cho họ những tình cảm quí mến về mảnh đất Phương Nam đầy nắng và gió này. Tự trong thâm tâm mỗi người đều thấy rõ rằng người Miền Nam rất thật thà và hiền lành, cởi mở và bao dung. Sự thật khác hoàn toàn với những gì đã được bộ máy tuyên truyền của đảng cộng sản vẽ lên trước đây. Chúng ta cũng thấy rằng lượng người từ Miền Bắc đổ vào Miền Nam sinh sống và lập nghiệp ngày càng nhiều, tình cảm đồng bào Miền Nam dành cho Miền Bắc vẫn vậy, sẻ chia và thông cảm. Ít ai trong số những người vào đây tự đặt cho mình câu hỏi: Tại sao đã có lúc chúng ta xem những người dân hiền lành và thân thiện này như một kẻ thù ? Và sẵn sàng nổ súng vào họ ? Nguyên nhân từ đâu ? Rõ ràng không phải xuất phát từ mong muốn của người Dân Hai Miền Nam Bắc. Như vậy cuộc chiến này là do sự chỉ đường, dẫn lối và đạo diễn bởi những mưu ma, chước quỉ của những kẻ ngoại bang mà vì quyền lợi của chính họ nên đã nhẫn tâm đẩy Dân tộc Việt nam vào một cuộc chiến đầy máu và nước mắt. Dân tộc ta thì “thân tàn ma dại” còn những kẻ đẩy chúng ta vào cuộc chiến đau thương đó (Mỹ, Liên xô, Trung Quốc) vẫn sống nhởn nhơ, thậm chí sung sướng.

Vì những đau thương, mất mát đó và vì chúng ta cần “khép lại lịch sử” để rút ra những bài học cho hiện tại và tương lai, một lần nữa mong mọi người Việt nam trong và ngoài nước, hãy nhìn nhận đây là cuộc chiến tranh ủy nhiệm. Khi chúng ta đã đồng thuận (hoặc cố gắng với chấp nhận đó) thì câu hỏi đặt ra là : Rồi sao nữa? Câu trả lời là nằm ở chỗ 3 triệu Việt kiều đang sinh sống trên khắp thế giới. Ba mươi năm đã trôi qua, những người Việt tị nạn đáng thương ngày nào đã khẳng định và tìm cho mình được một chỗ đứng xứng đáng, danh giá hơn, vững vàng hơn trên mảnh đất đã cưu mang họ. Ngoài khả năng dồi dào về tài chính, Việt kiều còn là một tài nguyên lớn về tri thức, về khoa học cũng như cách thức quản lí và điều hành các công ty: hiện đại, văn minh. Nếu lượng Việt kiều này thành tâm, thành ý giúp đỡ quê hương thì những kết quả gặt hái được cho đất nước sẽ vô cùng to lớn. Đảng cộng sản cũng đã hiểu ra vấn đề này. Thế nhưng liệu có được kết quả như chính quyền mong muốn không? Chắc chắn là không rồi. Chúng ta vẫn chưa thể hòa giải với nhau, nhìn nhận nhau như Anh Em trong một nhà thì làm sao nói đến chuyện hợp tác ? Một chứ mười cái nghị quyết như kiểu nghị quyết 36 cũng không thay đổi được tình thế. Cái khúc mắc quan trọng nhất là ở chổ đảng cộng sản vẫn cao ngạo, coi mình là kẻ chiến thắng và giọng điệu vẫn kẻ cả, ban ơn. Bảo thủ là tính cách nổi trội của cộng sản, không bao giờ họ nhận mình là sai, mà chỉ có những kẻ khác mới là sai dù đó là Liên Hợp Quốc, Mỹ hay Liên Minh Châu Âu.

Như vậy việc mà chính quyền Việt nam cần làm ngay là hãy thật lòng nhìn nhận Việt kiều như những người anh em trong một nhà, do bị ngoại bang giật dây mà xích mích, đánh nhau. Đó là sai lầm của cả 2 phía, không nên ngạo nghễ như là kẻ chiến thắng. Hãy chấm dứt việc tung hô và ca tụng “chiến thắng” này. Vì, với Việt kiều, những người phải rời bỏ tổ quốc ra đi sau 30-4-1975 thì đây là ngày đau thương, một trang sử u buồn. Một việc rất quan trọng để hòa giải dân tộc mà chính quyền cộng sản khó có thể làm được, cho dù lúc nào cũng ra rả “không phân biệt chính kiến và bất đồng quan điểm”, đó là phải có Dân Chủ - Đa Nguyên, tức là Đa Đảng. Người Việt trong nước cũng như Việt kiều có quyền thành lập đảng phái và tự do tranh cử. Ai đúng ai sai, ai giỏi ai kém, ai xứng đáng hơn ai? Chính người Dân Việt nam biết và có quyền quyết định, lựa chọn. (có những lí luận rất ngụy biện và coi thường người Dân như: Dân trí Việt nam còn thấp, đa đảng là lọan… thử hỏi Campuchia cũng đa đảng đấy, thế họ có lọan không? và dân trí họ cao hơn chúng ta hay sao? nếu quả thật dân trí người Việt không bằng cả dân Campuchia thì đúng là không còn gì để nói nữa).

Chỉ khi nào người Việt trong nước và Việt kiều được tự do bày tỏ chính kiến, quan điểm của mình mà không bị bỏ tù, khi nào người Việt thấy được tự do khi đó họ mới hết lòng vì đất nước. Đến lúc ấy,Việt kiều không cần mời mọc, vuốt ve thì họ cũng tự khắc về nước và đóng góp cho quê hương, mà không cần bất cứ một nghị quyết bóng bẩy nào.

Đất nước Việt nam đang tụt hậu rất xa so với thế giới. Để đạt được như người hàng xóm như Thái Lan hiện nay, Việt nam cũng phải mất vài chục năm nữa nếu vẫn với tốc độ tăng trưởng như hiện nay. Chúng ta có rất nhiều cơ hội để tăng tốc, nếu chúng ta có những thay đổi và bước đi dứt khoát, mạnh mẽ. Việc quan trọng nhất trong các việc cần phải làm ngay đó là thiết lập thể chế Dân Chủ Đa Nguyên. Đây không những là trào lưu tất yếu của lịch sử mà còn là mong muốn, khát vọng của con người, trong đó có Việt nam. Điều này sẽ đến, không thể nào khác đi được. Với Việt nam thì Dân Chủ Đa Nguyên chỉ có hai cách để đến, cách thứ nhất là từ chính quyền: với sự thỏa hiệp cùng thời đại, cùng nhân dân mình, chủ động chấp nhận Dân Chủ Đa Nguyên, đây là con đường hòa bình và nhân văn nhất, nó sẽ tránh cho Việt nam sự đổ vỡ và xáo trộn, chỗ đứng của đảng cộng sản và giới lãnh đạo vì thế vẫn có thể tiếp tục trong hành trình mới cùng dân tộc. Cách thứ hai là cách mạng sẽ xảy ra, nó đến từ sự dồn nén và uất ức từ đám đông dân chúng nghèo khổ, với sự dẫn dắt của giới trí thức Việt nam, đó là lúc mà tất cả những người dân đau khổ hết sợ và họ sẽ đứng dậy. Con đường dẫn đến Dân Chủ Đa Nguyên bằng cách này, rất có thể, sẽ gây nên xáo trộn lớn cho đất nước mà hậu quả thì những người lãnh đạo cộng sản sẽ “ăn đủ”.

Quá khứ và hiện tại của Việt nam thì quả thật khá buồn và u ám. Nhưng chúng ta vẫn có quyền hy vọng vào tương lai “không ai giàu ba họ, ai khó ba đời”, “nghèo thì lâu chứ giàu thì mấy chốc”, chúng ta đã nghèo, đã khổ nhiều rồi, lâu rồi cho nên chắc chắn sẽ sắp hết nghèo, hết khổ, sẽ “qua cơn bĩ cực, đến hồi thái lai”.

Nếu chúng ta đồng lòng, đồng sức thì ngày mai tươi sáng đó sẽ đến. Nhưng trước hết, chúng ta phải xóa bỏ được hận thù dân tộc. Đảng cộng sản không nên tiếp tục tự ca ngợi “chiến thắng” 30-4-1975. Cần phải xóa bỏ những ảo tưởng chiến tranh và tiến tới xây dựng nền dân chủ-tự do. Có như thế, chúng ta mới hy vọng huy động được sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng một tương lai bền vững, giàu mạnh cho con cháu chúng ta. Chắc chắn là sẽ như vậy, hãy tin tôi đi.

Việt Cường

----- O -----

Mấy Giọt Chữ Năm Gà

Vũ Cao Quận

Tôi đặt bút viết những dòng này khi tết Ất Dậu đã trở thành câu chuyện của hôm qua. Cành đào khẳng khiu gầy guộc, cánh hoa rụng rải rác vương đầy sàn, mà mơi đây ít hôm còn ửng hồng khoe sắc, rung rinh" cười với gió đồng Thôi Hiệu" cùng cây quất bạn đồng hành quả rụng đỏ ối gốc chuẩn bị cho hành trình quy luật ra bãi rác ven đô.

Tôi cũng vậy, ất Dậu là năm tuổi của tôi, hoạ nhiều phúc ít vì một câu chuyện vừa vớ vẩn, vừa ngu suẩn của con khỉ Giáp Thân vẩn bám riết cái kiếp thảo dân của tôi. Các bạn xa gần sẽ đọc kèm bài viết này là lá thư đầu năm 2005 của tôi gửi ông Nguyễn Đình Then, thành uỷ viên, Thành uỷ Hải Phòng, trưởng ban tuyên giáo thành phố để biết vì sao tôi có bài khai bút muộn mằn cùng với những cảm nghĩ đầu xuân đầy: Hỉ, nộ, ái, ố này!

Lặng đứng trong đêm mùng 5 tết khi giờ Tí qua đã lâu để bước vào giờ Sửu, làn mưa lất phất đã thấm ướt làm bạc thêm mái đầu sương khói trước ngọn gió mùa đông Bắc lạnh lẽo cùng quá khứ u uất lặng lẽ ùa về...

Tên phản động... 13 tuổi với trí óc non tơ như một chiếc lá mới kịp xanh chồi đã bị cuốn theo cơn xoáy lốc biến thiên xã hội chưa kịp hiểu nó là cái gì mà sau này gọi là: "cách mạng mùa thu tháng 8". Cái buổi ban đầu ấy khi được đọc lá thư hiệu triệu đồng bào Việt Nam của tác giả với danh xưng lạ lẫm Nguyễn ái Quốc. Tuy chưa đủ tuổi hiểu biết ông là ai? : với tuổi thơ của một chú bé tiểu học trong đầu ngoài trí thức còn chứa đầy chuyện trinh thám, kiếm hiệp, dã sử...nên tôi nghĩ đến ông như một dị nhân kỳ tích bí ẩn. Đầy lòng kính trọng vừa mơ hồ, vừa vu vơ với rợp đường cờ đỏ sao vàng cùng bài Tiến quân ca hùng tráng, tôi tự thấy mình lớn lên như một trang hiệp sĩ. Với khẩu súng gỗ do một ông thợ mộc ở trong Đình Lạc Viên sản xuất bán cho lũ nhóc thời tiền chiến chúng tôi, chẳng ai triệu tập tôi nghiễm nhiên trở thành chú liên lạc viên của Tự vệ Đông Khê tự lúc nào, lũn cũn chạy theo người chỉ huy đầu tiên của đời tôi là anh Nguyễn Xuân Lâm, con trai cả của nhà tư sản Nguyễn Sơn Hà. Anh chưa kịp lập được chiến công hiển hách, vì ngay ngày đầu tiên Hải Phòng chính thức thay mặt cả nước nổ tiếng súng chống Pháp để bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ thì anh đã hi sinh như một người anh hùng ngay tại trận địa bãi tha ma làng Cấm (phường Gia Viên). Cái chết bi hùng kèm theo lòng nhân ái của anh mà tôi đã viết ít dòng về anh trong tác phẩm "Gửi lại trước khi về cõi" của tôi mà trước đó trong suốt 50 năm không có một ai trong chính quyền Hải Phòng nhắc về anh dù chỉ một dòng trên báo chí. Nếu có nhắc tới là sau bài viết của tôi, một loại bài viết không báo nào đăng. Đơn giản vì anh là con một nhà tư sản. Và từ đó cuộc đời non nớt của tôi đi vào cuộc trường chinh gió bụi mà tôi chưa kịp hình dung con đường đầy máu lửa đang chờ tôi phía trước.

Tên phản động... 16 tuổi theo chân chị gái nhập ngũ 1946, anh ruột tôi nhập ngũ 1947, tôi trở thành người lính năm 1948. Giã từ căn nhà 342 Belgique Hải Phòng (số 22 Lê Lai ngày nay) êm ấm có bố mẹ già và các em, đôi chân nhỏ nhoi của tôi ruổi rong khắp các nẻo đường kháng chiến. Ngoài cái chết còn có cái chết cái đói, cái rét, luôn luôn là những người bạn đồng hành chung thuỷ. Với cá nhân tôi, chưa bao giờ tôi nghĩ tôi có nợ nần gì với cuộc cách mạng này. Cái mẩu "bã đậu" trong đầu tôi dần dần lớn lên khôn lên đã cho tôi hiểu rằng tôi đã dấn thân chiến đấu cho một góp phần bé tí teo làm cho cuộc đời này tốt đẹp hơn: ăn no, mặc ấm, được học hành, tự do, dân chủ, công bằng mà thời đó hay dùng ngôn từ mỹ miều là giác ngộ cách mạng.

Tên phản động... 21 tuổi (1954) tôi có mặt ở Trần Đình đặt gót chân ở trên những mật danh cứ điểm của De Castries: Béatrice - Elian - Claudine - Huguette - Dominique... góp phần mình như một hạt cát li ti trong cái vĩ đại của Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.

Tên phản động... 10 năm sau Điện Biên Phủ (1964) lên đường giã biệt người vợ trẻ vừa mới cưới ở với nhau chưa kịp ấm hơi chăn lại dẫn quân lên đường đùng đoàng suốt một giải Tây Nguyên. Chuyện máu xương sinh tử trong cỏi chiến địa sa trường giờ đây kể lể lại e rằng rườm tai thiên hạ về sự kể công lố bịch mà ngạn ngữ Trung Hoa có câu: "Chuyện hay mà kể mãi, chó củng không thèm nghe!"

Chia tay trên sân ga Hải Phòng, nhìn người vợ trẻ mà lòng thắt lại:

Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi

Xưa nay những người lính ra đi trong bom đạn đã mấy người trở lại mà hẹn ước!

Chiến tranh đã bặt tiếng tròn 30 năm rồi (không tính ngày 17/02/1979 với người bạn núi liền núi, sông liền sông vì cùng là máu đồng chí hoà lẫn với nhau cho thêm phần thắm thiết) gia đình tư sản họ Vũ của tên phản động Vũ Cao Quận cũng đã góp cho cuộc cách mạng này 4 người lính: 3 Đảng viên + với 1 liệt sĩ (mà đúng 50 năm sau tức là tết ất Dậu năm 2005, lần đầu tiên tự nhiên gia đình được nhận được gói quà tết liệt sĩ trị giá khoảng 20.000đ) ngẩng cao đầu tự hào đã chiến đấu "trọn gói" trong 2 cuộc chiến tranh của Tổ Quốc với một Bảng vàng danh dự và 1 bằng liệt sĩ. Đầu năm 2005 được tặng tiếp món quà tết của con khỉ Giáp Thân mừng cho tên gà ất Dậu là tên phản động Vũ Cao Quận.

Tiếng gà gáy trong xóm vọng ra báo sáng. Trời vẫn lờ mờ sương, áo quần đẫm ướt mà hồn vẫn vống lên trong giấc mơ hảo huyền, nào đâu phải là Gia Cát Võ Hầu mà thở than trước gò Ngũ trượng. Mái đầu bạc trắng dường như hồn Ngũ Tử Tư còn quanh quất đâu đây! Có thể có bạn chửi tôi lối viết như một thằng Tầu sâu quang.

Mấy tiếng "Pháo chui" đì đẹt lạch đạch đùng nổ trộm vang trong sương sớm làm tôi bừng tỉnh hẳn cơn ảo mộng. Tôi lại trở về với tôi: Tên phản động.

Đã từ lâu, quá lâu rồi... đát nước này, xã hộii này đã đẻ ra một cái cơ chế vô hình đầy uy lực là những kẻ lộng quyền, tự tung, tự tác được quyền chửi bới, vu khống kể cả bỏ tù bất cứ ai làm cho chúng nóng mặt. Và lũ dân đen chúng ta cũng đã quá quen cảnh phi lý mà có thật này.Cái hèn, cái sợ trước những cơn giông bão của những kẽ vô học chính trị, ngồi chồm hỗm trên pháp luật làm các kiếp thảo dân cứ rạp vàng mặt đất. Tôi cũng vốn là một anh nhút nhát, cả cuộc đời chưa bao giờ có được 15 phút dũng cảm. Nhưng giờ đây, tôi tự coi mình như một con chó bị dồn đến đường cùng, khi cái đuôi còn dùng để ngoe nguẩy biểu hiện cho sự phục tùng, sự sợ hải...mà đã chạm vách tường, biết là không còn đường nào để lùi nữa thì hoặc là chấp nhận ăn một cú đá chí tử, hoặc là chôm lên bằng tất cả sức mạnh bị dồn nén vào hai hàm răng già nua lung lay chống lại sự hung tàn:

Danh dự hay là chết!

Người ta lớn bởi vì mi quỳ xuống
Hỡi nhân dân! hảy đứng thẳng lên!

Nhà thơ Marat vĩ đại để lại đời những câu thơ khích lệ cao cả góp cho tôi lòng dũng cảm viết những dòng này.

Ông Nguyễn Đình Then ạ! ông đang làm cái việc mà nhà lão thành cách mạng cao cấp Trung Quốc Lý Thận Chi từng là trợ lý ngoại giao của Chu Ân Lai đã có một câu tổng kết về cuộc cách mạng vô sản tầu:

"cách mạng ăn thịt chính những đứa con đẻ của mình!"

Và như để minh chứng, giáo sư Tiêu Quốc Tiêu chấp bút một bài viết khá dài với đầu đề: "Thảo phạt ban tuyên huấn Trung Ương của Đảng cộng sản Trung Quốc" mới thấy cái ngành tuyên giáo của ông với ngành tuyên huấn của tàu giống nhau như hai giọt nước (Comme deux gouttes d'eaux)

Bôi nhọ, vu khống, luôn thay đổi màu sắc như loài bò sát kỳ nhông, giọng lưỡi lươn lẹo như một tên lái trâu, sắc như đao kiếm khi cần giết người, giết đồng chí của mình và những lời thuyết giảng cũng không phải là không có dính máu oan khiên. CCRĐ đã qua nữa thế kỷ rồi mà sao ông cứ xiết mải sợi dây oan nghiệt làm gì?...Tố oan, Tố điêu chỉ có những kẻ vô liêm sỉ không biết đỏ mặt!

Hải Phòng từng là một thành phố lớn thứ 3 trong cả nước, nay lại được phong là thành phố loại 1, nhân dân Hải Phòng tự hào, thế giới rộng lớn nhìn vào.Hi vọng rằng trong nhửng người lảnh đạo ưu tú của thành phố có Tài - có Đức - có Tâm sẽ không còn có những người như ông đứng cùng hàng ngũ. Những nhà đầu tư nước ngoài sẽ do dự ngập ngừng móc ví tiền ra góp vốn liên kết kinh doanh mà thấy thấp thoáng cái đầu có "chỉ số 0" hiểu biết về pháp luật như ông e rằng ngày mai sẽ trắng tay tháo chạy về nước. Tôi hoàn toàn không biết mặt ông, không rõ chức tước học hàm học vị của ông, tuổi ông già hay trẻ nhưng biết chắc chắn ông làm nghề tuyên giáo, nghề đăng đàn diễn thuyết. Cổ nhân từng dạy:Đức tính khiêm tốn không bao giờ thừa mà sự kiêu căng thì thật đáng khinh ghét! biết như vậy nhưng buộc tôi phải cao ngạo nói riêng với ông rằng: "Nếu múa bút hoặc khua môi múa mép thì ông chưa phải là đối thủ của tôi!" Vì sức mạnh của ông là ngôn ngữ đàn áp. Còn sức mạnh của tôi là: "lay động lòng người". Không tin hảy thử xem.

Một mùa xuân mới lại về trên đất Việt Nam, tiếng gáy Canh Tân của con gà ất Dậu vang lên để tôi gửi theo tiếng lòng cộng hưởng tới các bạn bè xa gần một nỗi đau trần thế, nào có to tát gì cho cam, chỉ là tiếng rì rào yếu ớt của thân phận một chiếc lá trong hàng triệu triệu chiếc lá mỏng manh của cuộc đời này.

Và tôi vịn vào 4 câu thơ của Việt Phương để đứng cho vững trong những ngày của cuối cuộc đời còn đầy bất trắc này:

Đã biết những vinh quang đầy ô trọc
Lại biết thêm nỗi nhục đáng tự hào
Đã biết những trung thành đầy phản phúc
Lại biết thêm phạm tội rất thanh cao

Đầu xuân Ất Dậu 2005

----- O -----

Hải Phòng, ngày 05 tháng 02 năm 2005

Kính gửi: Ông Nguyễn Đình Then - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy HP

Thưa ông!

Khi đặt bút viết mấy dòng gửi tới ông, giữa tôi và ông chỉ là những người dưng, không thân thiết và cũng chẳng oán thù.

Chiều 2-2-2005, tôi đến cơ quan của ông để trực tiếp gặp ông, nhưng rất tiếc là ông bận đi họp. Xin số phôn của ông, thường trực không cho. Vậy hôm nay tôi viết gửi tới ông như một số lá thư riêng của hai công dân bình thường.

Tôi có nhiều bạn thân ở CLB Bạch Đằng. Được biết có một buổi "đăng đàn" của ông, ông có nêu đích danh tên tôi và mấy người bạn tôi là "những tên phản động". Và tôi nhận được vài dòng ngắn ngủi của một đại tá về hưu bạn tôi gửi cho tôi: Có chuyện như vậy! Y là tên Nguyễn Đình Then. Trước đây y là bí thư huyện ủy An Lão (trích nguyên văn lời thư). Và anh kể những điều bậy bạ của ông khi nói về tôi và các bạn tôi.

Nghe xong tôi thất vọng về ông quá! Tôi hoàn toàn không lo sợ hoặc không xấu hổ một chút gì về hai chữ "phản động" vu khống vớ vẩn đó. Vì chỉ những cái đầu mụ mị, ngu suẩn mới tin những điều đó. Mà tôi lo lắng cho Đảng, cho Nhà nước hay dùng nhầm người. Vị trí công tác của ông đáng lẽ là Trưởng ban "Ba Toa", phụ trách lò mổ làm đồ tể sát sinh thì thích hợp hơn. Một người giữ đến một chức trong "Tứ trụ triều đình" ở Hải Phòng mà sao dốt nát thế. Tôi không nói dốt nát toàn diện mà chỉ nói riêng dốt nát về pháp luật.

Ông nhân danh là cái gì? nhân danh ai mà kết tội là "phần tử phản động" ?... Nhân đây kể lại chuyện cũ: Khi tôi bị CAHP bắt, bà Phan Thúy Thanh người phát ngôn của Bộ ngoại giao nước CHXHCNVN, cấp chức hơn ông nhiều lần và tri thức trên ông chục cái đầu mà phải bai bải chối trước dư luận trong nước và thế giới là Nhà nước Việt Nam không hề bắt ông Vũ Cao Quận. Rồi sự việc cũng qua đi và không hề bất cứ tòa án nào, bản án nào kết tội tôi là "phần tử phản động"!.

"Lời nói, đọi máu" tôi để ông tự soi gương xem có thấy mình phạm tội vu khống không ? và ông có dám để "tên phản động" này đối chất với ông, ba mặt một l ời giữa chốn ba quân là CLB Bạch Đằng không ?...

Cái nghề "khua môi múa mỏ" là nghiệp của ông, ông tha hồ nói hươu, nói vượn gì cũng được, nhưng vu khống thì không được phép. Giá mà tòa án của xã hội ta quang minh, chính đại thì tôi đã khởi kiện ông rồi. Nhưng tôi biết hàng triệu lá đơn oan khuất còn đang tồn đọng ở các ngăn kéo các tòa án trong cả nước, thì lời người xưa còn văng vẳng: "con kiến kiện củ khoai" đã làm tôi nản lòng.

Tuy nhiên, chân lý còn ở phía trước. Tôi biết tôi viết những dòng này chẳng làm gì được ông vì ông không tự đứng bằng đôi chân và cái đầu của ông, mà ông biết đằng sau ông là một rừng súng, đạn, lưỡi lê, một bộ máy đàn áp khổng lồ, một hệ thống báo chí hùng hậu, một hệ thống truyền thông rộng khắp bảo vệ ông. Còn tôi chỉ là một ông già gần đất xa trời với hai bàn tay không tấc sắt, việc chiến bại là cái chắc.

Tuy nhiên tôi cũng có cái sức mạnh nhỏ nhoi mà vĩ đại của tôi là "cái lẽ đời", là dư luận của hàng trăm triệu cái đầu sáng suốt, hàng trăm triệu đôi mắt lấp lánh vì công lý của cuộc đời này. Tôi sẽ đưa ông ra trước "Tòa án công luận" trong nước và thế giới bằng sự tương quan lực lượng mỏng manh của mình mà cổ nhân đã từng mỉa mai ngược:

"Nực cười Châu Chấu đá xe
Tưởng rằng Chấu ngã, ai dè xe nghiêng!
"

để cả nước biết, thế giới biết về Thành phố Hải Phòng, Thành phố loại I có những nhân vật "đáng sợ" như ông để nhỡ có đầu tư, liên doanh liên kết về kinh tế liệu mà giữ chặt cái túi tiền của doanh chủ, kẻo vớ phải những ông vô luật, vô pháp giống như ông thì có ngày lại trắng tay mà "bai", lúc đó chớ có kêu trời... trời ở xa lắm!...

Cuối thư tôi mong nếu ông thấy ông đáng mặt một trang hảo hán, không cần "đeo" theo các chức tước của ông, xin được tiếp ông ở một quán bia nào đó, nói chuyện thân mật, thấu tình, đạt lý giữa những người đàn ông tử tế với nhau, tiện hơn ở chốn công đường. Còn nếu cần ra giữa chốn công đường cũng không là điều tôi ngán.

Năm ất Dậu, là năm tuổi của tôi, tôi đã dự phòng điều xấu nhất có thể xảy ra với tôi nên:

Tuổi già còn lại tấm thân
Chuyện còn, mất nặng ngàn cân sá gì!

như một người lính bước vào cuộc quyết chiến để bảo vệ danh dự của mình!

Kính
Người lính già
Vũ Cao Quận

Nơi gửi:
      Ông Nguyễn Đình Then
      - CLB Bạch Đằng
      - CAHP
      - Các bạn bè xa gần

----- O -----

MỘT CÁN BỘ GIẢNG DẠY NHẬN XÉT VỀ NGUYỄN CHÍ VỊNH,
HỌC SINH KHÓA 7 ĐẠI HỌC KỸ THUẬT QUÂN SỰ

Sau các khóa chuyển tiếp, chuyển cấp từ 1975 bắt đầu đào tạo dài hạn cơ bản 5 năm. Kể từ khóa này học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông thi vào Đại học quân sự ngày càng nhiều.

Nguyễn Chí Vịnh nhập học mùa thu năm 1977. Cùng năm này, thiếu tướng Hoàng Phương về nhận nhiệm vụ Giám đốc Đại học Kỹ thuật Quân sư (6/1977).

Học sinh Nguyễn Chí Vịnh được cán bộ quản lý và giáo viên chú ý đặc biệt vì 2 đặc điểm :

  1. Là con trai Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
  2. Là học sinh, mà khi tựu trường thì có một xe Volga đen chở đồ dùng cá nhân như: chăn màn, ấm chén, phích nước và tủ đầu giường, lại có cần vụ khuân vác lên khu tập thể học sinh ở tầng 2.

Và cũng chỉ vừa đúng một tuần lễ sau, vào một ngày chủ nhật, học sinh Vịnh không về Hà Nội, ở lại Vĩnh Yên tiếp 12 cô học sinh trường Đại học sư phạm Xuân Hòa lên thăm và ca hát vui chơi, nhảy múa trong khu tập thể học viện, gây nên chuyện ồn ào làm ban giám đốc phải khiển trách.

Đến cuối năm thứ 2, thì xảy ra vụ nhà trường phải thi hành kỷ luật các học viên khóa 7: Tuấn đầu bò, Quốc, Vinh, Hùng và Vịnh phá nóc nhà kho quân khu lấy cắp thuốc lá và quân trang đem bán và trả nợ tiền ăn quà ở nhà cô Thiện, vợ một đại úy pháo binh tên là Tuy nghỉ hưu ở đó. Vì nghèo và đông con và nghèo cô Thiện mở quán ăn sáng cho học sinh. Vịnh và một vài bạn thân thường ra quán và thỉnh thoảng có vay tiền cô Thiện để tiêu pha. Vì thương cảnh học sinh thiếu thốn, vì cũng vụ lợi, nên cô đã cho Vịnh vay tiền, cô tin các đối tượng con nhà giàu sẽ không quỵt nợ.

Hòa sau khi vay trả lại đủ, nhưng Vịnh còn nợ đến ngày nay vẫn chưa trả. Số tiền tuy không lớn, giá vàng lúc đó là 70.000đ / 1 đồng cân (một chỉ). Đến nay cô Thiện vẫn muốn tìm Vịnh đòi lại số tiền nợ, nhưng không gặp được. Cô Thiện có nhờ tôi là thầy giáo dạy Vịnh khi nào gặp được Vịnh thì nói giùm: “Bảo cậu ấy nhớ lại nhà và trả giúp chị kẻo chị còn nghèo lắm”.

Vì vi phạm kỷ luật nên Hội đồng kỷ luật và nhà trường quyết định cho Vịnh ra đơn vị để rèn luyện một năm rồi quay về học. Một số đã đi và về học lại, còn Vịnh thì được gia đình xin sang trường sĩ quan thông tin.

Đồng chí Hoàng Phương có trao đổi với tôi về quyết định này. Vì lúc này tôi đang là chủ nhiệm khoa và đang chỉ huy 25 kỹ sư là giáo viên và một số học viên đi rèn luyện ở biên giới phía Bắc sau sự kiện 17/2/1979 Trung Quốc tiến công ta.

Đồng chí Hoàng Phương cũng có con là Hoàng Quang Vinh muốn cho đi rèn thực tế. Nên tôi nói rằng muốn cho thằng Vịnh đi rèn cùng để đảm bảo có người chỉ huy của nhà trường sẽ tốt hơn cho Vịnh vì là con cán bộ cách mạng. Hơn nữa thời gian đi biên giới ngắn, chỉ vài tháng rồi lại về học tiếp.

Vừa lúc đó thì bà Cúc, mẹ của Vịnh từ Hà Nội lên Vĩnh Yên định xin gặp Ban Giám đốc để nghe về vi phạm kỷ luật của Vịnh và chờ đón thái độ xử lý của học viện. Khi được tin có thể Vịnh đi biên giới rèn luyện bà Cúc nói : “Tôi gửi con tôi đến đây lúc nó đang ngoan ngoãn nhưng mới qua gần 2 năm nó đã trở thành thằng ăn cắp là do các anh đào tạo dạy dỗ” tôi không cần gặp hiệu trưởng nữa và bà quay ra về ngay ở cổng trực ban. Sau đó bà rút Vịnh đi trường khác.

Là thầy giáo trực tiếp dạy Vịnh, là người thường xuyên theo dõi sự giảng dạy của các giáo viên một khoa, thường xuyên theo dõi học lực các học sinh trong các môn học, tôi có nhận xét: “Học sinh Vịnh học lực yếu, ý thức tổ chức xấu, tính tự do vô kỷ luật, lại hay cầm đầu các vi phạm, tư cách riêng khác là rất thích giao du với con gái, và hay thông qua sinh hoạt ca hát, ăn uống để tiếp cận họ là một gánh nặng thêm cho nhiệm vụ đào tạo và rèn luyện của nhà trường, đặc biệt của khoa quân sự”.

Còn một vụ kỷ luật khác: có tên Định, thanh niên địa phương, nhận tiêu thụ đồ ăn cắp của học sinh trong trường đem đi bán, Định đem gửi cô Thiện, chuyện bị phát hiện. Cô Thiện bị Viện Kiểm sát quân sự bắt, giam ở Bất Bạt, cô Thiện khai ra nhiều học sinh, trong số đó có Vịnh. Vật ăn cắp là máy phát điện nhỏ, là học cụ của phòng thí nghiệm và học nghề trong xưởng. Sau vụ án này bị thối, vì tang vật bị mất tích, và Vịnh thì lại rời nhà trường chuyển sang học trường khác. Cô Thiện được thả về, nay vẫn luôn phàn nàn về việc bị bắt giam vô cớ, vô tội.

Một cán bộ nhà trường.

Ghi thêm : Từ thuở còn học phổ thông, Nguyễn Chí Vịnh đã là một tên lưu manh ăn chơi sa đọa, có lần túng tiền ăn cắp xe đạp, xe máy bị bắt nhưng vì có mác "con đại tướng" nên công an phải thả. Từ một tên lưu manh kinh tế biến thành lưu manh chính trị,Nguyễn Chí Vịnh dùng tiền, gái, lôi kéo cán bộ đến những tổ quỷ ăn nhậu, chơi bời, ở đó hắn quay phim chụp ảnh lén những cảnh hành lạc làm chứng cứ để hù doạ, buộc nhiều cán bộ cao cấp thoái hóa "há miệng mắc quai" phải cúi đầu chịu cho hắn điều khiển. Vịnh còn buôn lậu, tậu đất, tậu nhà, trở thành tỷ phú. Tiền nhà nước tham nhũng được hắn tiêu như nước, không ai dám kiểm soát, vì bất cứ việc gì hắn cũng giở mác "nhu cầu tình báo" ra che chắn. Cứ xem cuộc họp hẹp để thăng cấp cho một số tướng tá vừa rồi, tuy có người không vui vẻ lắm, nhưng đa số buộc phải theo sự sắp đặt của Nguyễn Chí Vịnh. Danh sách này do Trần Đình Hoan sắp xếp, rồi Trần Đức Lương, Phạm Văn Trà và Nguyễn Khoa Điềm… là phe cánh của Lê Đức Anh hùa vào nên được bảo vệ. Mai đây Vịnh sẽ vào khu đó, rồi vào Trung ương Đảng, là nhờ bọn tham nhũng cao cấp; chúng âm mưu sắp xếp Nguyễn Chí Vịnh lên nắm quyền lực tối cao!

----- O -----

Thư gửi TW Đảng về vụ Lê Đức Anh và TC2

Hà Tây, ngày 15 tháng 1 năm 2005

Kính gửi: Ông Tổng bí thư, Bộ chính trị và ban chấp hành TW Đảng

Thế kỷ 21 là thể kỷ bùng nổ thông tin bắng Internet và phô tô cóp py. Nay trên nước Việt Nam đã có vài triệu máy Internet nên nhân dân Việt Nam đã thoát ra khỏi cái cảnh thông tin một chiều, chỉ có từ trên dội xuống, giống như các con Chiên thời xưa chỉ có nghe cha, cố nói mà thôi, nên mụ mẫm, mê tín. ở thế kỷ 20 thì Đảng và Nhà nước lãnh đạo theo kiểu “ Trên cứ tối mật, dưới cứ tối nò”, Đảng viên và nhân dân hoàn toàn thụ động. Ngày nay nhờ có mấy triệu máy Internet nên nhân dân được thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời nên trí thức tăng lên gấp bội, trình độ giác ngộ được tăng cao để làm chủ bản thân, làm chủ đất nước . Người dân không phải chỉ có phục tùng cấp trên mà còn biết giám sát cấp trên đẻ xem cấp trên làm gì đúng thì ủng hộ, làm gì sai thì chấp vấn và yêu cầu sửa sai. Và như thế thì trí tuệ, ý chí, năng lực làm chủ của 2 triệu đảng viên và của 82 triệu dân Việt Nam làm chủ công việc của đất nước chắc rằng tốt hơn là chỉ có 15 ông trong Bộ chính trị cùng lắm là thêm 5 - 6 trăm ông Uỷ viên TW, Đại biểu Quốc hội, thành viên chính phủ được toàn quyền làm chủ nhà 15 - 20 - 40 năm trước.

Kính thưa Trung ương.

Trong mấy năm gần đây nhờ có Internet mà nhân dân biết được nhiều việc hệ trọng, có tầm an hay nguy của đảng ta, Nhà nước ta. Vì vậy, xin phản ảnh để Trung ương kiên quyết xử lý, không nên do dự.

I. Nhân dân biết rằng trước thềm Đại hội 7 ( 1991) ông Lê Đức Anh sử dụng Cục 2 (Cục quân báo) làm một việc ám muội là việc Sáu Sứ từ trong Nam Bộ ròi đưa ra Hà Nội, trang bị cho máy ghi âm cực nhỏ, cho Sáu Sứ đi gặp gỡ một số ông trò chuyện rồi ghi âm lén. Sau đó nộp các băng ghi âm trộm ấy cho ông Lê Đức Anh để báo cáo với Trung ương nhằm mục đích vu khống hãm hại ông Võ Nguyên Giáp, ông Trần Văn Trà và một số ông nữa. Nhân dân cho rằng việc này có thể kết cho ông Lê Đức Anh 2 tội:

1. Vu khống để ám hại bậc khai quốc công thần ( thời xưa là phải xử tử hình) thời nay thì phải xử theo điều 117 Bộ luật hình sự, phạt tù từ 1 - 7 năm ( in năm 1999).

2. Lừa dối tất cả từ Tổng bí thư đến Bộ chính trị, đến toàn ban chấp hành Trung ương, đến toàn thể đại hội 7 ( ngày xưa gọi là tội khi quân phải tử hình) lừa dối có nghĩa là “ gây ra tội ác nhưng cố ý che dấu tội ác” thì phải xử theo điều 246 Bộ luật hình sự, phạt tù từ 5 - 10 năm ( in năm 1999).

Lúc đầu một số ông tưởng là chuyện thật nhưng dần dần việc lừa dối bị bại lộ, có người tố cáo đó là âm mưu quỷ kế Trung ương khoá 6 bàn bạc giao cho Trung ương khoá 7 giải quyết; Trung ương khoá 7 (bị khống chế) không giải quyết bàn giao cho Trung ương khoá 8. Trung ương khoá 8 không giải quyết lại bàn giao cho Trung ương khoá 9. Nay khoá 9 sắp hết nhiệm kỳ vẫn chưa giải quyết. Không hiểu vì sao? Xin Trung ương xử lý nghiêm minh không bao che.

II. Giữa năm 1990, ông Lê đức Anh chỉ đạo Đặng Đình Loan viết láo và đi nói láo ở nhiều nơi ( Huế, Sài Gòn) nội dung nói và viết có nhiều điều xuyên tạc lịch sử cách mạng Việt Nam. Vì thế Hội cựu chiến binh Huế và Trung tướng Lê Tự Đồng đã có văn bản báo cáo ban bí thư đề nghị kiểm thảo và kỷ luật Đặng Đình Loan ( nhiều người khác cũng có báo cáo ban bí thư) ban bí thư cũng không làm gì cả. Có phải vì nể sợ Lê Đức Anh không ?

III. Năm 1996 - 1997 Ông Lê Đức Anh còn xúi giục Trần Quỳnh viết “ Hồi ký về Lê Duẩn”. Chỉ đề cao một ông Lê Duẩn, còn lại đều bôi nhọ ông này, nói xấu ông kia, có nhiều điểm sai sự thật lịch sử, có nhiều điểm lộ bí mật của Đảng và Nhà nước. Các ông Nguyễn Trần Thiết, Bùi Phúc Oanh, Trần Bá, Lục Văn Thao, Phí Văn Bái, Sơn Tùng, Phạm Chí Dũng, Phùng Thế Tài đều có báo cáo gửi ban bí thư và phê phán Trần Quỳnh. Chi bộ nơi Trần Quỳnh sinh hoạt cũng kiểm điểm Trần Quỳnh còn ban bí thư thì không làm gì cả, không hiểu vì cớ gì ?

IV. Theo các thư của ông Lương Đống và nhiều ông khác nữa thì ông Lê Đức Anh còn lợi dụng chức vụ quyền hành để chui, đẻ ngược ra cái quái thai Tổng cục 2. Bởi vì theo qui chế tổ chức quân đội thì Cục 2 ( Cục quân báo) nằm trong Bộ tổng tham mưu, trực thuộc Tổng tham mưu trưởng. Nhưng để nó nằm dưới quyền Tổng tham mưu trưởng thì ông khó bề lũng loạn, nên năm 1995 ông tự ý tách nó ra nâng nó lên thành Tổng cục 2 trực thuộc Bộ trưởng Bộ quốc phòng và Chủ tịch nước để ông dễ dàng thực hiện các âm mưu, thủ đoạn nham hiểm. Nhưng bị phản ứng phê phán nên năm 1996 ông mới yêu cầu Quốc hội ( Chủ tịch) ban hành pháp lệnh tình báo và giữa năm 1997 ông mới thúc dục Thủ tướng ban hành Nghị định 96/CP để hợp thức hoá cái quái thai của ông. Gọi nó là quái thai vì sau khi đẻ ra nó ông mới sử dụng nó làm nhiều âm mưu thủ đoạn quái lạ để phục vụ cho những mục đích đen tối quỷ quyệt của ông.

V. Tổng cục 2 đã làm gì đen tối? Theo 3 thư của ông Nguyễn Nam Khánh và thư của nhiều ông nữa (Võ Nguyên Giáp, Lương Đống, Chu Huy Mân, Nguyễn Trọng Vĩnh, Hùng Cường, Như - Thiết, Trần Đại Sơn, Vũ Minh Ngọc.. ..và v.v.... không thể kể hết nhiều cá nhân nhiều tập thể lão thành cách mạng tập thể cựu chiến binh, tập thể chi bộ đều gửi thư lên Tổng bí thư, Bộ chính trị, ban chấp hành Trung ương đề nghị giải quyết vụ án chính trị T4 siêu nghiêm trọng này gọi là quái lạ là bởi vì từ cổ chí kim trên đất nước ta, và cả ở trên thế giới có lẽ không nước nào có chuyện quái lạ như vậy. Quái lạ là do tư tưởng chỉ đạo của ông Lê Đức Anh bày vẽ thế nào mà Tổng cục 2 nói rằng đã gài được một người có mật danh là T4 vào trung tâm CIA ở Mỹ để thỉnh thoảng T4 lại lấy cắp tin từ trung tâm CIA báo cáo về cho Tổng cục 2 để Tổng cục 2 báo cáo cho Tổng bí thư, Chủ tịch nước và một số ít đồng chí lãnh đạo thân tín với ông Lê Đức Anh. Theo những thư tố cáo thì Tổng cục 2 đã gửi tới 255 bản báo cáo cho Tổng bí thư, chủ tịch nước nói rằng CIA đã mua chuộc, đã bắt mối đã liên hệ hoặc chỉ đạo gián tiếp bằng nhiều cách đối với rất nhiều cán bộ cốt cán cao cấp của Việt Nam như Võ Văn Kiệt, Võ Nguyên Giáp, Nông Đức Mạnh, Lê Khả Phiêu, Phan Văn Khải, Mai Chí Thọ, Bùi Thiện Ngộ, Trương Tấn Sang, Phan Diễn, Nguyễn Nam Khánh, Nguyễn Chơn, Nguyễn Khánh Toàn và khoảng 4 - 50 Bộ Thứ trưởng, tướng lĩnh nữa.. .. .. thậm chí có cả tin từ T4 cho biết “ Các ông ấy sắp làm đảo chính đấy”. Theo các thư tố cáo thì 255 bản báo cáo ấy đã là quái lạ. Nhưng cái quái lạ hơn cả lại là ở chỗ T4 không phải là một người thật mà là một con ma nó nằm ở trong đầu óc ông Lê Đức Anh hay đầu óc ông Vũ Chính hay Nguyễn Chí Vịnh hay ai ? Như vậy thì bất kỳ ai đều có thể bị Tổng cục 2 đưa vào danh sách “ là tay chân là nhâm mối của CIA”. Con ma đã trở thành người có lạ không ?

Như vậy làm cho những người được đọc những bản báo cáo ấy sẽ nghi ngờ tất cả, sẽ không tin dùng, sẽ cảnh giác sẽ theo dõi, trước nhất là gây ra cảnh chia rẽ mất đoàn kết trong Đảng và Nhà nước ta. Đến một lúc nào đó Tổng cục 2 cho vất tài liệu phản động vào nhà ấy hoặc bố trí làm lại như vụ Sáu Sứ để vu không rồi trừng trị bất cứ ai cũng được. Ôi! Thật là nguy hiểm! Thật là đáng sợ! Thật là gian hùng vì muốn bỏ tù ai cũng được. Khi đó, những người chân chính không chịu được sẽ đoàn kết lại để ngăn chặn âm mưu quỷ kế phi nghĩa ấy. Vậy ai gây ra cái cảnh nghi ngờ, chia rẽ mất đoàn kết ? Có phải là ông Lê Đức Anh không? Nếu thế thì phải truy tố theo điều 81 Bộ luật hình sự và phải phạt tù từ 5 - 10 năm.

Nếu vô tình hoặc cố ý để lộ cho nhiều người đọc các bản tin đó thì lại càng nguy hiểm, sẽ dẫn đến rất nhiều tai hoạ không thể lường được. Hãy hình dung ra cái cảnh ấy mà xem đất nước sẽ rối loạn đến thế nào? sẽ chia ra 5 bè 7 mối.

Vậy thì đó là tội của ai ? Mong rằng Bộ chính trị và TW Đảng thấy trước hiểm hoạ mà xử lý ngay đừng để nó xảy ra, phải công khai, công bằng vì đảng viên vì dân vì nước mà trừng trị kẻ lừa thày phản bạn.

Còn có thể có nhiều kịch bản khác nữa ai mà lường hết được, nhưng người đầu tiên nghĩ ra và chỉ đạo thực hiện ly gián kế Đảng và Nhà nước ta là ông Lê Đức Anh, tiếp sau đó là ông Đoàn Khuê rồi đến ông Phạm Văn Trà. Bọn Vũ Chính, Nguyễn Chí Vịnh, Đặng Đình Loan là kẻ thừa hành đắc lực, nguy hiểm để lập công với quan thầy, ông Lê Đức Anh sau khi không được làm Chủ tịch nước, sang làm cố vấn lại gây ra một tội ác tầy trời đó là vu cáo bịa đặt, bịa chuyện và lôi bè kéo cánh để đánh đổ Tổng bí thư Lê Khả Phiêu giữa Đại hội 9 (2001). Việc này đã có nhiều đơn thư tố cáo, đề nghị ngăn chặn của các ông Nguyễn Đức Tâm, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Trần Thiết, Hoàng Minh Thảo, Phùng Thế Tài, Lê Tự Đồng nhóm đảng viên trên 50 tuổi đảng v.v.. .. nhưng Bộ chính trị cũng không làm gì để mặc cho Lê Đức Anh hoạt động, lật đổ Tổng bí thư. Kẻ gian hùng lại lật được người ngay, trong đó cũng có bàn tay của Tổng cục 2 ( xin đọc: sự thật đại hội 9 là gì?). Đảng viên và nhân dânxin Bộ chính trị giải thích ông Lê Đức Anh là cấp dưới của ông Võ Nguyên Giáp hơn 30 năm là bạn đồng ngũ đồng đội chiến đấu với các ông Lê Khả Phiêu,Trần Độ, Trần văn Trà 45 năm. Nhưng không rõ vì sa đoạ thoái hoá biến chất hay vì là A.B, là nội gián ??? .. .mà đã có nhiều hành động gian tà sảo quyệt lật đổ ông Lê Khả Phiêu và hãm hại 3 ông Võ Nguyên Giáp, Trần Độ, Trần Văn Trà đến thế ?? độc ác gian hùng hơn cả Bàng Quyên với TônTẩn khi xưa!

VI. Ông Nguyễn Đức Tâm và rất nhiều ông khác còn tố cáo ông Lê Đức Anh về của ác tội cũ.

  1. Ngày vào Đảng chưa rõ ràng sao lại được 60 năm tuổi Đảng ?
  2. Làm cai đồn điền cao su sao lại khai là thành phần công nhân ?
  3. Tại sao trong một trận phục kích không cho nổ súng để Pháp thoát chế
  4. Đáng lẽ bị kỷ luật trong vụ Xiêm Riệp mới phải, nhưng vì nịnh hót bỏ đỡ ông Lê Duẩn và Lê Đức Thọ nên được đề bạt nhanh quá là rất đáng ngờ, đáng nghi vấn ?

VII. Ông Lê Đức Anh còn mở mồm nói xấu ông Giáp ở nhiều nơi nhiều chỗ nhưng nhân dân lại cho rằng: So sánh tài năng, đạo đức, công lao, cống hiến, uy tín và ảnh hưởng trong nước cũng như quốc tế ông Giáp sang như trăng rằm. Lê Đức Anh như đom đóm mà thôi.

VIII. Về việc xử lý kỷ luật Lê Đức Anh, Phạm Văn Trà và phe lũ, tôi đề nghị TW chấp nhận đề nghị của ông Nguyễn Nam Khánh và ông Lương Đống. Nếu có ai ngăn cản việc thi hành kỷ luật những điều ấy xin truy tố theo điều 247 Bộ luật hình sự, phải tù từ 3 tháng đến 3 năm (tội không tố giác tội phạm).

Nay kính thư
Nguyễn Nhân Dân

----- O -----

Tiếng Nói Của Những Người Bị Áp Bức:

Ở đất nước Việt Nam, vì phải sống dưới chế độ rất hà khắc, người dân luôn phải chịu sự áp bức của các cấp chính quyền, từ địa phương đến trung ương. Nơi nơi, đâu cũng vang lên tiếng rên than của quần chúng chân chính bị quyền lực đè bẹp. Tại kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh Thái Bình khóa 14 ngày 27, 28, 29/12/2004, ông Hứa chánh thanh tra tỉnh Thái Bình đọc báo cáo về công tác thanh tra với nội dung lừa bịp, sai sự thật, xúc phạm công dân, và với thái độ ngạo mạn, coi thường pháp luật, dẫm đạp lên chính sách của Đảng và nhà nước, gây nỗi bất bình trong nhân dân toàn tỉnh. Điện thư xin gửi đến quý độc giả câu chuyện xảy ra tại tỉnh Thái Bình.

BUỔI TIẾP CÔNG DÂN HY HỮU

Theo lịch tiếp dân được công khai tại trụ sở tiếp công dân của tỉnh Thái Bình, thì ngày 30/12/2004 ông Bùi Sĩ Tiếu Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH Thái Bình, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng lãnh đạo các ban ngành trực tiếp tiếp công dân.

Theo thông báo này nhân dân phấn khởi lắm, 03 giờ sáng, mặc dầu trời rét đậm, rét hại công dân các huyện cơm nắm, khăn gói "đơn" lên tỉnh. Ông Đản ở huyện Kiến Xương lên đến tỉnh vào trụ sở tiếp dân thì thấy mọi người đã đông nghịt. Nhưng than ôi ! bên cạnh tờ thông báo lịch tiếp dân ở cánh cửa một phòng làm việc là tờ thông báo thứ 2 nói : Ông Tiếu ngày 30/12/2004 vì bận làm việc với Trung ương, nên buổi tiếp dân 30/12/2004 chuyển sang ngày 31/12/2004.

Thế là mọi người "ném" một câu tục tĩu vào không trung, rồi ra về (!), trong lòng ấm ức.

Ngày 31/12/2004, lại từ 3 giờ sáng, trời rét thấu xương, những công dân đi kêu oan lại khăn gói lên đường. Trụ sở tiếp dân chưa đến giờ làm việc, người đã đông đúc khác thường. Hỏi ra mới biết là ông Tiếu hôm nay hẹn tiếp những người đi biểu tình ở TW tháng trước nhân ngày họp Quốc Hội. Những người không có giấy mời mặc dù từ 3 giờ sáng hai hôm nay lặn lội từ dưới huyện lên đều không được tiếp.

Thế là cơ quan tiếp dân như nổi sấm, đầu tiên là những câu chửi Đ.Mẹ chúng mày là đồ lừa đảo, Đ.Mẹ thằng Tiếu mày chui vào Đảng để lừa Dân, Đ.Mẹ thằng Đức mày bán rẻ bố mày không đáng một xu, những tiếng chửi, tiếng la ó cứ thế kéo dài suốt buổi sáng làm việc.

Sang chiều, người kéo đến càng đông hơn, tiếng chửi, tiếng la ó trộn lẫn tiếng còi xe ngoài đường tạo nên âm thanh hỗn tạp. Lực lượng công an ("chìm”, “nổi”) giữ trật tự được tăng cường, mặc dầu vậy cũng không ngăn được âm thanh bực tức, tục tĩu phát ra từ hàng trăm người dân vô tội, oan ức, liên tục gọi tên ông Hứa chánh Thanh tra tỉnh, ông Đức chủ tịch huyện Kiến Xương, ông Tiếu trưởng đoàn ĐBQH… cho ăn đủ món, không thiếu thứ gì ở trên đời này (!). Rồi từng đợt, từng đợt vang lên : "Đả đảo thằng Hứa miệng quan trôn trẻ", "đả đảo thằng Hứa lừa trên dối dưới", "đả đảo thằng Hứa ăn không nói có" !

Biết rằng nỗi uất ức của dân đã lên đến cực điểm, nên hết giờ làm việc, lực lượng công an trang phục chỉnh tề xúm lại rất đông xung quanh ông Tiếu và cán bộ các ban ngành, hai công an xốc 2 bên ông Tiếu, "dìu" ông Tiếu từ phòng tiếp dân ra xe. Bỗng ai đó kêu to, kìa trông bí thư tỉnh ủy như tên tội phạm, nhục không kìa, thế rồi băng vệ sinh phụ nữ loang lổ màu đỏ tươi từ tay ai đó quăng vào mặt ông Tiếu, trượt lên nóc xe. Xe chạy vút ra đường Lý Thường Kiệt cuốn theo những tiếng chửi rủa cùng bụi cát.

Từ cửa xe khác, một bà phủ kín quần xi líp của bà lên đầu ông Sơn phó thanh tra huyện Đông Hưng, rồi quay sang đập vào mặt ông Vinh phó chánh thanh tra tỉnh Thái Bình. Ông Vinh vừa chạy ra xe vừa kêu, tôi là Vinh chứ có phải ông Hứa đâu mà bà đập "khăn mù xoa" vào mặt tôi (!). Nhưng xi líp tiếp tục đập vào mặt ông Vinh cùng với tiếng thét : Tao gửi mày mang về cho thằng Hứa !!!

Thật là một buổi tiếp dân có một không hai ở tỉnh Thái Bình (!) ?

CÓ KHÔNG ? "BUỔI TIẾP DÂN HY HỮU” !

Nói về “Buổi tiếp công dân hy hữu” ai mà tin được sự việc diễn ra tại buổi tiếp dân ngày 31/12/2004 ở tỉnh Thái Bình là có thật (!) ? Ở ngay giữa công đường ai lại dám làm cái việc ném những… “thứ ấy” vào mặt các quan chức nhà nước !?, mà đâu phải là quan lèm nhèm chứ ! đều là quan đứng đầu tỉnh, đầu ngành cả: Ủy viên TW Đảng – Bí thư tỉnh ủy - Trưởng đoàn ĐBQH - Chủ tịch HĐND tỉnh, cùng các quan thanh tra – thành viên Ủy ban kiểm tra tỉnh ủy hẳn hoi…

Động đến lông chân các quan này thì coi chừng, bị chu di tam tộc như chơi, chớ có bỡn !…

Thế nhưng, chỉ tháng sau, ngày 30/1/2005 tại buổi tiếp dân của phó bí thư thường trực tỉnh ủy thì sự thật được mở ra. Người dập “của quý” vào mặt quan “thanh kiu” (1) tỉnh là công dân huyện Quỳnh Phụ.

Không biết trời xui đất khiến thế nào mà hôm nay “chủ”, “tớ” lại đối thoại với nhau, trước sự chứng kiến của phó bí thư thường trực tỉnh ủy và phó đoàn ĐBQH tỉnh cùng các quan chức khác:

- “Đầy tớ”: Tôi có làm gì bà, mà bà lại đập quần lót vào đầu tôi ?
- “Bà chủ”: Ta (tôi) đập vào ngươi (ông) là đập vào mặt đại diện quan chức, quan liêu, mất hết nhân tính đảng, hành hạ dân oan. Nếu được ta (tôi) giết ngươi (ông) trước và đến Hứa sau, vì ngươi (ông) là gian mưu lừa bịp (!)

Thế là rõ rồi, sự việc nói trên có thật rồi. “Đầy tớ” mà hư hỏng, bịp bợm, gian trá, lếu láo, tùy tiện, làm việc theo “luật rừng” dám cậy số đông ức hiếp chủ, thì bị “chủ” cho “ăn đòn” theo “luật đời” là xứng đáng rồi!, thế mà nay lại còn chối cãi, là “có làm gì bà…” !, lại định giở trò quen thuộc “vừa ăn cướp vừa la làng” chăng ?

Bụt ngồi trên tòa thì gà nào mổ mắt ?!

Làm công bộc, làm đầy tớ, ngày ngày ăm cơm chủ mà lại cậy quyền, cậy thế, tham lam, gây biết bao cực khổ, phiền hà cho chủ, lại còn ăn nói lếu láo, thì chủ làm sao chịu được mãi, ăn nói như Chí Phèo, hỗn xược với tổ tiên: “thế thì mai chị ra chỗ tượng đài Nguyễn Đức Cảnh, trước cửa tỉnh ủy mà đòi mua” (!) ?

Nói thế thì hỗn hết mức - Nguyễn Đức Cảnh nằm không yên cũng phải thốt lên – Con cháu mất dạy thật, bêu riếu cha ông chúng nó đến thế là cùng (!). Tài sản, cơ nghiệp mà ông cha tốn bao công sức, bao máu xương gây dựng nên, nay phá tán hết, còn cái “tên”, cái “tượng” chúng nó cũng đem rao bán nốt. Biết thế này thì… than ôi!

Dẫm đạp lên chính sách pháp luật như thế, bịt mắt nổi ai, khu nhà ở tồn tại ổn định hàng ba chục năm nay phù hợp quy hoạch chứ có phải là bãi tha ma, quảng trường Nguyễn Đức Cảnh đâu mà lại bảo đó là “đất chuyên dùng”, mà thu hồi đem bán cho người khác để làm nhà ở (!) ?

Là người dân, ai cũng chỉ cầu mong được sống bình an, có chỗ ăn chỗ ở, đất là của riêng ai, mà nay họp “tập thể”, “thường trực” cưỡng chế, mai họp “tập thể”, “thường vụ” cưỡng chế, mà cưỡng chế để làm gì mới được chứ? đuổi người này ra khỏi nhà ở của họ, đem bán cho người khác, thế là thế nào? Tự cho mình có quyền đứng ngoài pháp luật, muốn làm gì thì làm (!) Huy động lực lượng hùng hậu các ngành, các cơ quan pháp luật, cơ quan ngôn luận báo chí, truyền hình “họp” để “cưỡng chế”, “cưỡng chế” (!). Nếu không có ông công an tốt bụng nói là: Chưa thấy ở đâu lại dùng “lực lượng chuyên chính” để cưỡng chế đuổi người này ra khỏi nhà ở của họ đem bán cho người khác, thì hậu quả sẽ đi đến đâu (!) ?

Là chủ tịch HĐND tỉnh, trưởng đoàn ĐBQH… nhận đơn, thư khiếu tố của dân hàng chục năm thì chỉ chuyển lòng vòng, không theo dõi giải quyết, nay Dân hỏi kết quả, thì ngơ ngơ ngác ngác “chỗ ấy thế nào rồi anh (thanh kưu) nhỉ ?”.

Khi dân truy hỏi thì phát khùng, nói liều đến nỗi anh Chí cũng phải tôn là sư phụ (!) ? Ấy thế mà lại được điều lên TW làm Phó ban Khoa giáo thì cũng kỳ thật (!) ? Giáo huấn cho ai (!) ?

Nhưng thôi, khỏi phải bàn cãi, lắm điều, vì người ta đã bảo: Thái Bình là cái nôi cung cấp cán bộ cho TW, còn dân Thái Bình thì bảo: TW là cái sọt rác của Thái Bình!

Vậy, thế cũng là hợp ý Đảng lòng Dân !…

Trương Thị Thanh Hương.


Chú thích: Thanh kiu (cảm ơn): Dân thường gọi quan thanh tra là quan “thanh kiu”
      Thanh Cha, thanh Mẹ, thanh Gì
      Hễ có “phong bì” thì nó “thanh kiu”.

Câu Lạc Bộ Dân Chủ Việt Nam

Điện Thư Câu Lạc Bộ Dân Chủ Việt Nam