Thời Sự | Mục Lục | Xem tiếp | Trở lại | Trang Đầu
Sóng trào Đông hải, cạn dòng Cửu Long
RFA - 2004-04-06 - Nguyễn Xuân Nghĩa |
Lời Giới Thiệu: Hai tuần qua, Đông Nam Á có hai biến cố thời sự ở hai nơi. Thứ nhất là mâu thuẫn gia tăng giữa Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan về chủ quyền trên quần đảo Trường Sa, thứ hai là việc nước sông Cửu Long sụt đến mức báo động có thể đe dọa vụ lúa Hè Thu của Việt Nam. Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa sẽ phân tách một số vấn đề chung của hai biến cố tưởng là khác biệt đó qua mục chuyên đề Diễn đàn Kinh tế kỳ này qua phần trao đổi với Thy Nga.
Hỏi: Thưa ông, trong khi nước sông Cửu Long sụt tới mức báo động và có thể đe dọa vụ lúa Hè Thu của đồng bằng Cửu Long, thì việc Việt Nam chuẩn bị đưa du khách ra thăm quần đảo Trường Sa đã gây phản ứng mạnh từ phía Trung Quốc và nhất là Đài Loan. Ông cho rằng hai vấn đề này có liên hệ đến nhau, nếu như vậy thì liên hệ như thế nào ?
Đáp: Tôi thiển nghĩ rằng ta đang gặp loại vấn đề phức tạp nhất vì liên hệ đến nhiều quốc gia và nhiều lãnh vực, như kinh tế, năng lượng, môi sinh, ngoại giao và cả an ninh chiến lược. Xin hãy bắt đầu trước bằng chuyện Cửu Long cạn dòng. Dòng Cửu Long, hay Mekong, thực sự mới được quốc tế chú ý và được các nước khai thác từ mươi năm trở lại mà thôi. Đây là một con sông dài gần 4.000 cây số, bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng nay thuộc tỉnh Thanh Hải của Trung Quốc, có lưu vực trải rộng đến 800.000 km vuông, chảy qua sáu quốc gia là Trung Quốc, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cămbốt và Việt Nam trước khi đổ ra biển. Đây là con sông nuôi sống cả trăm triệu dân, nhất là trong vùng hạ lưu gồm ba nước Việt-Mên-Lào, nơi sinh sống của 60 triệu người, mà lại là con sông lớn ít được nghiên cứu nhất, một phần vì chiến tranh, một phần khác là nhiều nước trong lưu vực dòng sông vẫn còn chế độ độc tài, ít muốn công khai hóa mọi dữ kiện.
Hỏi: Nhưng, thưa ông, đâu là vấn đề của dòng sông này, đưa đến nạn lũ lụt vào mùa mưa và cạn nước vào mùa khô, như nhiều nơi đã than phiền ?
Đáp: Một phần vì thiếu hẳn các công trình nghiên cứu quy mô tường tận - một việc dĩ nhiên không dễ, không rẻ và không thể làm được ngay - và vì mỗi quốc gia liên hệ lại có những quyền lợi riêng từ dòng sông và trình bày hoặc thuê người trình bày sự thể theo một hướng, khiến dư luận khó hiểu ra sự thật như thế nào nữa. Tôi xin lấy một thí dụ cụ thể là trong khi dòng Cửu Long bị cạn trên thượng nguồn thì tại hạ nguồn Việt Nam bị hiện tượng nước ngập mặn, như đang xảy ra. Những ai chú trọng đến thất bại thê thảm của công trình thủy lợi từ nhiều năm qua của Việt Nam có khi quên trách nhiệm của các nước ở trên thượng nguồn, nhất là của Trung Quốc, khi xây dựng nhiều đập nước làm sai lệch lưu lượng của dòng sông. Ngược lại, nếu chỉ nhìn lên thượng nguồn thì ta có thể quên sai lầm tai hại của chính quyền Việt Nam ở bên dưới. Nhưng dù sao thì sai lầm này còn nhỏ nếu so với loại tai họa đang xảy ra ở đầu nguồn vì chúng chi phối cuộc sống của nhiều người hơn và có ảnh hưởng đến môi trường sinh sống của cả trăm triệu dân sau này.
Hỏi: Xin ông trình bày vắn tắt về những loại tai họa đó.
Đáp: Ta có sáu nước cùng chia sẻ một dòng sông, mỗi nước lại có một trình độ phát triển với lọai yêu cầu khác biệt có thể khai thác từ dòng sông. Nếu không có sự hợp tác tối thiểu thì người ở thượng nguồn có thể xả rác xuống hạ nguồn - trong nghĩa đen - hoặc làm thay đổi lưu lượng lẫn lưu vực vì các đập thủy điện hay thủy lợi. Cụ thể thì ta có Trung Quốc đã tỉnh giấc cách mạng mê sảng thời Mao và nay coi năng lượng là sinh tử nên từ năm 1993 đã xây hàng loạt đập thủy điện trên thượng nguồn. Họ cũng muốn khơi dòng Mekong để mở đường thông thương từ Vân Nam qua Lào, Thái Lan và từ đó phát triển kinh doanh với vùng Đông Nam Á nhờ vai trò trung gian của Thái. Về dài, Thái Lan có lợi phần nào nhờ vai trò đó, và trước mắt còn có lợi nhờ đập thủy lợi cho nông nghiệp của họ và nhờ các đập thủy điện tại Lào có thể cung cấp điện năng cho họ với giá rẻ. Lào thì thấy mối lợi thông thương có thể khuếch trương du lịch, mậu dịch với cả Trung Quốc lẫn Thái Lan. Cambốt và Việt Nam ở dưới thì thấy hại nhiều hơn lợi. Việc xây đập và vét lòng sông, cào sạch các cù lao hay phá vỡ các cụm đá cho giang thuyền di chuyển trên thượng nguồn làm mối lợi tôm cá và tiêu tưới của dòng sông bị hao hụt ở dưới, lại thêm lũ lụt mùa khô và nước cạn mùa ẩm như ta đang gặp. Về dài thì hệ sinh thái tại hạ nguồn, nơi sinh sống của 100 triệu người trong mươi năm tới, sẽ bị đảo lộn, bị hủy hoại.
Hỏi: Thế các nước có kế hoạch hợp tác gì để ngăn ngừa việc đó chăng ?
Đáp: Cho đến nay, mới chỉ có Ủy ban Mekong được tái lập từ năm 1995, nhờ sự tài trợ của các nước Đan Mạch, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Australia, Hoa Kỳ và của Ngân hàng Thế giới cùng Ngân hàng Phát triển Á châu. Điều mỉa mai là chỉ có bốn trong sáu nước liên hệ đến dòng sông mới là hội viên của Ủy ban, đó là Thái Lan, Lào, Cambốt và Việt Nam. Hai nước kia là Trung Quốc và Miến Điện không chịu tham dự, vì sợ bị ràng buộc bất lợi. Cuối cùng thì các nước ở cuối dòng có muốn than phiền cũng khó.
Hỏi: Vì sao vậy thưa ông ?
Đáp: Thứ nhất, than phiền thì phải có lý do và chứng cớ, tức là phải có nghiên cứu. Các chuyên gia gọi là có thẩm quyền thì ưa chú trọng đến lãnh vực của mình, thí dụ như các kỹ sư nông nghiệp hay môi sinh thì gặp sự phản bác của kỹ sư về thủy điện hay thủy văn. Thứ hai, quan trọng nhất, các quốc gia đều lo cho quyền lợi ưu tiên của họ, các nước viện trợ cũng vậy, các nước trong lưu vực Mekong cũng vậy. Viện trợ cho Ủy ban Mekong thì có khi công ty của nước mình sẽ thực hiện dự án thủy điện trên sông Mekong và vì vậy, bênh vực lập trường của các nước ở thượng nguồn. Trong số này, là nước lớn nhất, Trung Quốc lại ở thượng nguồn nên có thế thượng phong và có thể ngang ngược hóa giải phản ứng của các nước ở dưới. Với mỗi nước, Bắc Kinh lại chia sẻ một chút quyền lợi riêng để họ khó liên kết được với nhau. Rốt cuộc thì có lẽ dân chúng Cambốt và Việt Nam bị thiệt nhất. Sau cuộc đảo chính năm 1997, Cambốt có lập trường thân hữu với Bắc Kinh hơn là với Hà Nội, và Trung Quốc hiện còn đang gây ảnh hưởng mạnh tại Lào. Cho nên, bị thiệt hại nhất chính là người dân ở vùng châu thổ Cửu Long, là vựa lúa của Việt Nam. Mà tôi e là Việt Nam cũng khó mạnh miệng phản đối Trung Quốc vì há miệng mắc quai.
Hỏi: Nhưng, Việt Nam vừa mạnh dạn tranh đấu cho chủ quyền của mình trên quần đảo Trường Sa đó mà ?
Đáp: Vâng, hơi muộn và hơi ồn ào, nếu ta nhớ đến các hiệp định về biên giới cho đến nay chưa được công bố. Và chúng ta bước qua vấn đề thứ hai. Mới năm ngoái, Bắc Kinh ký thỏa ước bất tương xâm và trước đó là thỏa ước hữu nghị và hợp tác với Hiệp hội ASEAN, trong đó có cả quy tắc ứng xử trong vùng Đông hải mà họ gọi là Trung Nam hải. Thực tế thì họ theo nguyên tắc “cái gì ta đã lấy thì là của ta, cái gì chưa lấy thì có thể thương thảo, miễn là đừng gây chiến, cho tới khi ta trở thành cường quốc khỏi cần thương thảo gì hết”. Và cũng như đối với vụ Mekong, họ vẫn bẻ đũa từng chiếc, tức là đánh tỉa để các nước liên hệ khó có lập trường chung. ASEAN không có tiếng nói về sông Mekong, dù năm trong 10 hội viên của mình cùng chia sẻ lưu vực dòng sông với Trung Quốc. Trong vụ tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Trường Sa cũng vậy, ba xứ ASEAN là Brunei, Malaysia và Philippines thì chỉ đòi chủ quyền trên một phần, còn lại có Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan đòi chủ quyền trên toàn phần, và Việt Nam hiện đứng ở tuyến đầu.
Hỏi: Nhưng vì sao Đài Loan lại gay gắt chống đối Việt Nam trong vụ Trường Sa này ?
Đáp: Đài Loan tự xưng là Trung Hoa thì không thể kém lãnh đạo Bắc Kinh khi nói về quyền lợi của Trung Quốc. Họ lại đang có bầu cử, phe nào cũng phải chứng tỏ là mình quyết liệt bảo vệ quyền lợi quốc gia, nên thái độ hùng hổ của họ là điều có thể hiểu được.
Hỏi: Ông nghĩ Trung Quốc thì khác hay sao ?
Đáp: Trung Quốc đang ráo riết tự trang bị về quân sự để trở thành cường quốc đại dương, không chỉ để thống nhất Đài Loan bằng quân sự nếu giải pháp hòa hoãn không thành, mà còn để đi xa hơn, xuống đến biển Đông. Họ đang là nước nhập khẩu dầu thô đứng nàng thứ nhì thế giới sau Hoa Kỳ và không quên trữ lượng 70 tỷ thùng dầu thô đang nằm dưới đáy biển. Họ cũng cần kiểm soát được luồng giao lưu hàng hóa ngoài Thái bình dương. Và trong khi Hoa Kỳ đang bận đối phó với khủng bố thì họ có cơ hội gây sức ép, vừa dọa vừa dụ các nước. Điều đó giải thích vì sao từ nhiều tháng nay, mâu thuẫn về Trường Sa mới gia tăng một cách đáng ngại.
Hỏi: Như vậy, theo ông, Việt Nam nên có thái độ như thế nào ?
Đáp: Khó ai nói được vì chưa rõ những cam kết ngầm của lãnh đạo Việt Nam với Bắc Kinh. Việc Hà Nội đột nhiên ra nghị quyết thân thiện với người Việt hải ngọai có khi cũng là hậu quả của khó khăn với Trung Quốc, ngoài lý do muôn thuở là tiền bạc. Tôi thiển nghĩ là trong đối sách với Bắc Kinh, hai lân bang đã có lập trường tinh vi hơn Việt Nam. Như Philippines không đả kích Việt Nam về vụ du lịch Trường Sa nhưng có kế hoạch thao diễn quân sự gọi là “Vai kề vai” – Balikatan - với Mỹ tại đảo Palawan, ngẫu nhiên ở ngoài rìa quần đảo Trường Sa. Hoặc Thái Lan là nước đầu cầu cho Trung Quốc phát triển kinh tế xuống Đông Nam Á, có khi đã trục lợi nhờ vụ khai thác sông Mekong ở thượng nguồn, nhưng lại là đồng minh chiến lược của Mỹ ngoài Minh ước NATO.
Hỏi: Câu kết luận của ông ở đây là gì ?
Đáp: Quyền lợi quốc gia là điều gì đó quá hệ trọng để cho một đảng độc quyền có thể dấm dúi quyết định với những chọn lựa tai hại mà vài ba chục năm sau người dân mới biết. Đó là về phần quốc gia. Về phần quốc tế, Hà Nội có thể mở rộng việc vận động các nước để tìm cái thế bảo vệ quyền lợi kinh tế và an ninh của mình, những đổi thay lớn lao đang xảy ra tại Đông Á có thể là cơ hội cho giới lãnh đạo suy nghĩ lại, nếu còn kịp ...
Cuộc tranh chấp Trường Sa bước vào giai đoạn mới
RFA - 2004-04-06 - Lê Dân |
Cuộc tranh chấp chủ quyền quần đảo Trường Sa trong những ngày cuối tuần qua có vẻ được hâm nóng thêm với những lời tuyên bố liên quan của Tổng thống Philippines và bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam.
Trong bài nói chuyện hàng tuần trên hệ thống truyền thanh Philippines, hôm thứ Bảy nữ Tổng thống Gloria Arroyo nhìn nhận rằng quân đội Hoa Kỳ từng giúp huấn luyện quân đội Phi bảo vệ quần đảo Trường Sa chống sự cưỡng chiếm của Trung Quốc. Thế nhưng sau khi nhóm khủng bố Abu Sayyaf tung hoành như chỗ không người, bà đã yêu cầu Hoa Kỳ chuyển sự trợ giúp đó sang việc truy diệt nạn khủng bố, vì cấp bách hơn.
Bà Arroyo nói rằng sự quân viện mà Hoa Kỳ giành cho Philippines khi bà mới nhậm chức Tổng thống cách nay hơn ba năm chỉ vào khoảng 2 triệu 900 ngàn đôla, nay đã đạt 400 triệu đôla và còn sẽ gia tăng thêm nữa sau khi Washington chính thức công bố Philippines là một đồng minh chủ lực của Hoa Kỳ ngoài khối NATO.
Đây là lần đầu tiên một nhà nguyên thủ Philippines nhìn nhận rằng Trung Quốc là mục tiêu của những hoạt động quân sự hỗn hợp Mỹ-Phi, dù Bắc Kinh từng nhiều lần lên tiếng ngờ vực và Manila đã phải hết lời cải chính.
Hiện chưa rõ Trung Quốc sẽ phản ứng ra sao về lời tuyên bố của Tổng thống Gloria Arroyo, nhưng nhiều nhà quan sát chắc chắn là Bắc Kinh sẽ không bỏ lỡ cơ hội để yêu sách với Washington.
Mặt khác, hồi cuối tháng trước, Hà Nội loan báo sẽ tổ chức chuyến du lịch đầu tiên tới quần đảo Trường Sa với khoảng 100 du khách vào giữa tháng này. Tin tức cho biết chính Thủ tướng Phan văn Khải đã ra lệnh cho bộ Quốc phòng hỗ trợ, và cũng vì thế mà nhiều nhà quan sát cho dự án du lịch này có tầm quan trọng đặc biệt.
Về việc này, tiến sĩ chính trị học Âu Dương Thệ đã cho ban Việt ngữ biết quyết định tổ chức du lịch Trường Sa của Việt Nam chỉ được đưa ra sau khi vòng đàm phán về lãnh hải Việt-Trung lần thứ 8 tại Bắc Kinh gặp bế tắc. Ông nói: “Chúng ta nhớ là mỗi năm vào mùa Xuân thì Bắc Kinh thường ra thông báo cấm tàu bè quốc tế qua lại vùng Trường Sa, Hoàng Sa với lý do là họ thao diễn hải quân. Trong những năm như vậy, cho tới cả năm trước đây, thì Hà Nội chỉ phản đối có chừng mà thôi. Nhưng năm nay thì Hà Nội chọn thế chủ động, tức công bố việc tổ chức du lịch Trường Sa rất sớm. Chuyện thứ hai là việc bế tắc trong vòng đàm phán ở Bắc Kinh. Những dấu hiệu đó cho thấy Hà Nội đang thăm dò phản ứng của Bắc Kinh ra làm sao.” (audio clip)
Bắc Kinh đã tỏ ra hết sức giận dữ qua lời phản đối của người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc về hành động của Việt Nam đối với vùng lãnh hải được xem là đầy triển vọng về tài nguyên thiên nhiên này. Tuy nhiên sự phản đối của Bắc Kinh đã gặp phản ứng không kém phần quyết liệt của Việt Nam. Phát ngôn nhân Lê Dũng của bộ Ngoại giao đã xác định lại chủ quyền lịch sử của Việt Nam đối với các vùng Trường Sa và Hoàng Sa.
Ngoài ra, hôm thứ Bảy tại Singapore, khi nói chuyện trước một tổ chức nghiên cứu chính sách của tiểu quốc này, bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phạm văn Trà đã khẳng định rằng khi tổ chức du lịch đến quần đảo Trường Sa, Việt Nam hoàn toàn không vi phạm các quy định của khối ASEAN. Vả lại Việt Nam cũng không phải là nước đầu tiên tổ chức đưa du khách đến nơi đó, mà Malaysia đã từng làm khi trước.
Phát biểu qua người thông dịch, tướng Phạm văn Trà nói thêm rằng Việt Nam vẫn muốn giải quyết cuộc tranh chấp ở Trường Sa trong hòa dịu, tốt nhất là qua kỳ họp bộ trưởng Quốc phòng thường niên của 10 nước ASEAN.
Dự đoán về tình hình Trường sa liệu có thể trở nên căng thẳng thêm sau khi Việt Nam tổ chức các tours du lịch nơi đây hay không, ông Mai Tiến Dũng, giám đốc lữ hành công ty du lịch Hà Nội cho ban Việt ngữ chúng tôi biết: “Theo tôi thì giải quyết vấn đề Trường Sa và Hoàng Sa chắc chắn phải theo hướng hòa bình, đàm phán trên bàn hội nghị chứ không thể bằng vũ lực được.” Ông Brad Glosserman, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Diễn đàn Thái Bình Dương, cho biết các nước đều hiểu rõ về mối nguy của sự leo thang, nên nước nào cũng hành động và đưa ra những lý do có vẻ ngớ ngẩn, vô hại. Chẳng hạn như quan sát khoa học, du lịch, nghiên cứu biển …. để thăm dò phản ứng của nhau.
Thế nhưng một nhà phân tích quốc tế khác là ông Mark Valencia thuộc Trung tâm Đông-Tây ở Hawaii nhận xét rằng nếu quan hệ giữa các nước đang tranh chấp còn tốt, thì họ chỉ giới hạn ở lời nói phản đối xuông. Thế nhưng nếu quan hệ xấu đi, chẳng hạn giữa Trung Quốc với Đài Loan, hoặc Trung Quốc với Việt Nam, thì người ta có thể sẽ lại thấy tàu chìm và người chết thêm nữa.
Mê Kông cạn nước
BBC - 01 Tháng 4 2004 - Cập nhật 19h02 GMT |
Tin tức từ Thái Lan cho biết vận chuyển hàng hóa đường thuỷ trên đoạn sông Mê Kông giữa Trung Quốc và Thái Lan đã bị ngưng trệ vì mức nước đã tụt đáng kể trong những tuần qua.
Các quan chức chính phủ và các nhà điều hành công ty nói rằng hàng trăm thuyền đã bị mắc cạn tại cảng Chiang Sean ở miền Bắc Thái Lan.
Phía Thái Lan đã đổi lỗi cho Trung Quốc gây ra tình trạng này vì lầm đập chắn tại mạn Bắc của sông Mê Kông.
Mê Kông là con sông chính của Đông Nam Á, bắt nguồn từ Tây Tạng và chảy suốt 4500 cây số qua Trung Quốc, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cam Pu Chia và Việt Nam.
Hơn 60 triệu người sống dọc hai bên bờ sông Mê Kông và 20 triệu trong số đó sống bằng nghề đánh bắt cá.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nguồn cá trên sông Mê Kông đã giảm đáng kể.
Hai trong số những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này chính là tình trạng đánh bắt quá nhiều và nạn phá rừng.
Nhiều ngư dân đã phàn nàn rằng cá họ đánh bắt được trên sông Mê Kông ngày càng nhỏ.
Nguyên nhân cạn nước
Trong vài tháng qua, mực nước trên sông ngày càng thấp với những đụn cát xuất hiện tại nhiều nơi bất bình thường và nay giao thông trên đoạn sông Mê Kông ở mạn Bắc của Thái Lan đã bị ngưng lại.
Thời tiết khô quá mức trong năm nay rõ ràng là một trong những nguyên nhân, nhưng vấn đề gây tranh cãi là liệu hai đập nước mà Trung Quốc xây ở mạn Bắc sông Mê Kông có ảnh hưởng như thế nào.
Ủy hội sông Mê Kông, cơ quan liên chính phủ của các nước Đông Nam Á nói rằng Trung Quốc đã làm ảnh hưởng tới giao động độ sâu bất thường của sông Mê Kông.
Tuy nhiên, ít nhất về mặt chính thức, Ủy hội này đã không trực tiếp chỉ trích Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng hiện nay.
Mặc dù vậy, lãnh đạo các công ty ở miền Bắc Thái Lan đã không ngần ngại nói rằng chính hai đập nước của Trung Quốc là nguyên nhân gây ra cạn nước.
Về phía Trung Quốc, họ không hề có ý định thay đổi chính sách hiện nay đối với sông Mê Kông.
Ngoài hai đập, một trong số đó mới hoàn thành năm ngoái, Trung Quốc đang tiếp tục xây dựng thêm hai đập nước nữa trên sông Mê Kông.
Tổng thống Hoa Kỳ đề cử tân đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Michael W. Marine
Tổng hợp |
Tổng thống Bush loan báo ý định bổ nhiệm ông Michael Marine vào chức vụ Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam.
VOA - 02 Apr 2004, 15:16 UTC
Thông cáo của đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội hôm thứ Năm cho biết tổng thống George W. Bush đã loan báo ý định bổ nhiệm ông Michael Marine vào chức vụ Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền tại Việt Nam.
Ông Marine là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp và hiện đang phục vụ trong chức vụ Phó đại sứ Hoa Kỳ ở Trung Quốc. Trước đó, ông cũng giữ chức Phó đại sứ ở Kenya.
Nếu quyết định bổ nhiệm này được Thượng viện Mỹ phê chuẩn, ông Michael Marine sẽ trở thành vị đại sứ Mỹ thứ 3 phục vụ ở Việt Nam kể từ khi Washington và Hà Nội chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1995. Ông Pete Peterson là vị đại sứ thứ nhất, phục vụ từ năm 1997 đến năm 2001; và người thứ nhì là đương kim đại sứ Raymond Burghart, đã đến nhận nhiệm sở ở Hà Nội hồi tháng 12 năm 2001.
Theo tường thuật của hãng tin điện tử Bloomberg, ông Michael Marine là cựu binh sĩ Thủy quân Lục chiến, giải ngũ với cấp bậc Thiếu Tá; và đã bắt đầu phục vụ tại bộ Ngoại giao Mỹ từ năm 1975, một năm sau khi ông tốt nghiệp Khoa Lịch Sử Trung Quốc tại đại học California ở Santa Barbara.
Ông Michael Marine, 56 tuổi, nói thạo 3 ngoại ngữ Pháp, Đức và tiếng Quan Thoại. Ông từng giữ chức Tổng lãnh sự Mỹ ở Thượng Hải từ năm 1997 đến năm 1999, và được cho là người am tường các vấn đề liên quan đến Trung Quốc.
Hãng tin Bloomberg trích thuật những nhận xét của một số chuyên gia cho biết: ông Michael Marine là người thích hợp nhất để giữ chức vụ đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội vào thời điểm này vì ông là người hiểu rõ mối quan hệ ba chiều vô cùng tế nhị giữa Việt Nam, Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Tổng thống Hoa Kỳ bổ danh đại sứ mới
BBC -02 Tháng 4 2004 - Cập nhật 10h02 GMT
Tổng thống George W. Bush vừa nêu danh ông Michael W Marine, hiện giữ chức phó đại sứ Hoa Kỳ ở Trung Quốc, làm tân đại sứ Mỹ ở Việt Nam.
Nếu được bổ nhiệm, ông Michael W Marine sẽ là đại sứ Hoa Kỳ thứ ba tại Việt Nam kể từ khi hai quốc gia cựu thù nối lại quan hệ. Trước ông là đại sứ Raymond Burghardt nhiệm kỳ 2001 - 2004 và Pete Peterson nhiệm kỳ 1997-2001.
Ông Michael Marine, năm nay 56 tuổi, đã giữ chức phó đại sứ Hoa Kỳ tại Bắc Kinh từ năm 2000 sau khi đảm nhiệm trách nhiệm tương tự tại sứ quán Hoa Kỳ ở Nairobi, Kenya. Ông Marine tốt nghiệp ngành lịch sử Trung Hoa tại Đại học Tổng hợp California ở Santa Barbara và bắt đầu nghề ngoại giao vào năm 1975.
Ngoài nhiệm vụ chính trị, ông Michael Marine cũng tham gia tích cực vào lĩnh vực thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, một điều mà các nhà kinh doanh cho rằng rất phù hợp với vai trò ông sẽ nắm giữ ở Việt Nam.
Ông Charles W Martin, chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Hoa Kỳ tại Bắc Kinh, là người từng làm việc với ông Michael Marine và biết ông khá rõ, cho biết:
"Ông Michael Marine thực hiện vai trò của mình ở Trung Quốc một cách xuất sắc. Ông cộng tác một cách chặt chẽ với các doanh nghiệp Mỹ ở đây để thúc đẩy đầu tư và thương mại của Hoa Kỳ.
Kinh nghiệm mà ông tích lũy khi hoạt động ở đây theo tôi nghĩ sẽ giúp ích cho ông rất nhiều khi ông nhận nhiệm vụ ở Việt Nam.
Về tính cách cá nhân thì ông Marine là một người thẳng thắn và không ưa bóng bẩy. Tất nhiên ông có tất cả các kỹ năng của một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, nhưng ông cũng lại rất chân thành.
Cuộc đời hoạt động của ông chủ yếu là tại châu Á, bởi vậy ông rất thấu hiểu khu vực này. Tôi cho là ông có đầy đủ các đặc tính cần có để hoạt động ở Việt Nam. "
Một điều đáng chú ý là có nhiều điểm tương đồng giữa ông Michael Marine và đại sứ Hoa Kỳ đương nhiệm tại Hà Nội, ông Raymond Burghardt. Đại sứ Burghardt cũng là người từng hoạt động ngoại giao tại Trung Hoa, cụ thể là giữ chức Tổng lãnh sự ở Thượng Hải các năm 1997-1999.
Khác với đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên tại Việt Nam Pete Peterson là một chính trị gia được bổ nhiệm, cả hai ông Burghardt và Marine đều là quan chức ngoại giao chuyên nghiệp với kinh nghiệm Đông Á dồi dào.
Điều này dẫn đến nhận định của một số chuyên gia rằng sự hiểu biết thấu đáo quan hệ Trung-Mỹ-Việt là một trong những tiêu chí chính của chính phủ Bush khi chọn lựa người đại diện của mình ở Hà Nội.
Việt Nam bác bỏ lời giải thích của Đài Loan về việc xây một căn chòi ở đảo Trường Sa.
Tổng hợp |
Đài Loan bào chữa cho xây cất ở Bàn Than
01 Tháng 4 2004 - Cập nhật 15h33 GMT
Trong một vài tuần trở lại đây, Đài Loan đã cho tiến hành một số hoạt động đo đạc, đóng cọc xây dựng cơ sở tại một bãi cạn thuộc Trường Sa mà Việt Nam gọi là Bàn Than.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lê Dũng ra tuyên bố lên án hoạt động này và coi đó là vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.
"Việt Nam yêu cầu phía Đài Loan chấm dứt ngay các hoạt động này, không được tiến hành những hoạt động tương tự tại khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam và phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về mọi hành động của mình gây ra."
Trong một cuộc phỏng vấn giành cho Ban Việt ngữ đài BBC, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Đài Loan, Richard Shih nói việc xây cất trên đảo Bàn Than chỉ là dân sự, vì mục đích khoa học và hoà bình.
Richard Shih: Chúng tôi đã kiểm tra nhiều cơ quan khác nhau tại Đài Loan, kể cả quân đội, Bộ Nội vụ, và đơn vị canh phòng bờ biển, và chúng tôi có thể khẳng định rằng việc này là do Tư lệnh lực lượng bảo vệ bờ biển thực hiện.
Đây là một hoạt động của đội tuần tra hải quân đảo Nam Sa. Chúng tôi gửi thuyền cao tốc cùng với bảy người để đưa một số vật liệu xây dựng lên đảo Bàn Than.
BBC: Nhưng cụ thể thì phía Đài Loan muốn xây dựng gì trên hòn đảo này ?
Richard Shih: Đó chỉ là để xây dựng một đài quan sát đơn giản, là một phần trong dự án hoà bình của chúng tôi: đây chỉ là để xây dựng một điểm quan sát chim.
Dự án này không có mục đích quân sự nào, và chúng tôi không muốn làm gì để gây căng thẳng trong khu vực. Công trình này chỉ là công trình dân sự, vì mục đích khoa học và hoà bình.
BBC: Nhưng phía Đài Loan có ý thức được rằng làm như thế sẽ gây căng thẳng trong khu vực, không chỉ với Việt Nam mà còn nhiều nước khác nữa, hay không ?
Richard Shih: Đây cũng là điều mà tôi định nói: những quần đảo Nam Sa, Tây Sa và Trung Sa đều là một phần của nước Trung Hoa dân quốc, cho dù xét về lịch sử, địa lý, luật quốc tế hay các dữ liệu.
Chúng tôi muốn làm rõ chủ quyền của mình đối với những hòn đảo này; quan điểm của chúng tôi là nhất quán và không thay đổi. Chúng tôi sẽ phản đối bất cứ hành động khiêu khích nào.
Chúng tôi hi vọng rằng các nước khác chia sẻ chủ quyền tại các đảo Nam Hải sẽ có khả năng giải quyết những tranh chấp trong khu vực một cách hoà bình.
Điều này bao gồm các cuộc đối thoại và đàm phán, và có thể thông qua thiết lập đối tác chung để gây quỹ thám hiểm các nguồn lực tại khu vực biển Nam Hải; để những lợi ích về kinh tế có thể được chia sẻ một cách công bằng, thay vì có cạnh tranh về quân sự.
Cuối cùng, mục tiêu là phải giải quyết căng thẳng tại khu vực Nam Hải.
Việt Nam bác bỏ lời giải thích của Đài Loan về việc xây một căn chòi ở đảo Trường Sa.
01 Apr 2004, 15:22 UTC
Theo tin của hãng Reuters đánh đi từ Hà Nội, Việt Nam bác bỏ lời giải thích của Đài Loan nói rằng họ xây một căn chòi để ngắm chim trên một bãi san hô nằm trong quần đảo Trường Sa đang có tranh chấp. Việt Nam cho đây là một hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam.
Trong một thông cáo ngày thứ Năm, phát ngôn viên bộ ngoại giao Việt Nam Lê Dũng nói rằng bất cứ một hành động nào trong khu vực quần đảo Trường Sa không có sự thỏa thuận của Việt Nam là một sự vi phạm chủ quyền về lãnh thổ của Việt Nam.
Phát ngôn viên này nói thêm rằng Việt Nam cực lực phản đối và yêu cầu phía Đài Loan tức khắc đình chỉ việc vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam và không đưọc tiến hành bất cứ hành động nào tương tự trong khu vực này.
Trong khi đó, bất kể lời cảnh báo của Việt Nam, chính phủ Đài Loan đã tái xác nhận chủ quyền của họ tại nhóm đảo trong vùng biển nam Trung Quốc.
Phát ngôn viên bộ ngoại giao Đài Loan Richard Shih nói với thông tấn xã AFP rằng quần đảo Trường Sa là lãnh thổ của Trung Hoa dân quốc, xét theo quan điểm lịch sử, địa dư và luật quốc tế. Ông Shih xác định lập tường này là vững chắc và sẽ không bao giờ lay chuyển.
Ông Shih cũng kêu gọi tất cả các bên có liên quan nên tự chế và đi tìm một giải pháp ôn hòa cho cuộc tranh chấp. Ông tỏ ý hy vọng rằng tất cả 6 quốc gia đang đòi chủ quyền nên dẹp cuộc tranh chấp qua một bên và hợp tác khai thác các tài nguyên thiên nhiên ở đó.
Trong tuần qua, vụ tranh chấp bùng ra sau khi Hà Nội loan báo kế hoạch đưa du khác đến quần đảo này.
Việt Nam cảnh báo Đài Loan về các công trình xây dựng đang tiến hành tại quần đảo Trường Sa.
Tổng hợp |
Việt Nam cảnh báo Đài Loan về các công trình xây dựng đang tiến hành tại quần đảo Trường Sa.
VOA - 31 Mar 2004, 15:08 UTC
Việt Nam cảnh báo Đài Loan về các công trình xây dựng đang tiến hành trên một hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa đang trong vòng tranh chấp.
Một phát ngôn viên bộ ngoại giao Việt Nam yêu cầu chấm dứt ngay công tác và cảnh cáo Đài Bắc sẽ phải đối phó với các hậu quả của các hành động đó.
Phát ngôn viên này nói rằng các hành động của Đài Loan vi phạm một cách nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam và đe doạ đến hoà bình và ổn định trong khu vực.
Các cơ quan truyền thông Việt Nam tuần trước loan tin một chiếc tầu của Đài Loan chở 8 người đã đổ bộ lên bãi cạn Bàn Than thuộc quần đảo Trường Sa và dựng một căn nhà sàn. Theo bản tin của AFP đánh đi từ Hà Nội, chiếc tầu quay trở lại một hòn đảo của Đài Loan nhưng để lại 8 công nhân để tiếp tục việc xây cất.
Phát ngôn viên bộ ngoại giao Đài Loan nói công trình này chỉ là một chòi để ngắm chim, không có liên quan gì đến các mục đích quân sự, và Đài Loan dứt khoát không có ý định gây căng thẳng trong vùng.
Việt Nam không chính thức thừa nhận Đài Loan là một quốc gia có chủ quyền và vẫn coi Đài Loan là một phần của Trung Hoa lục địa.
Hồi tháng 11 năm ngoái, chính phủ Hà Nội đã cảnh cáo chính phủ Đài Bắc ngưng vi phạm chủ quyền của Việt Nam khi họ đuổi các tầu đánh cá của Việt Nam ở gần quần đảo ở biển nam Trung Quốc đang gây tranh chấp này.
Trong tuần qua, tranh chấp lại bùng ra sau khi Hà Nội loan báo sắp tổ chức các chuyến du lịch đến Trường Sa.
Một phát ngôn viên của Tổng Cục Du Lịch Việt Nam cho biết 100 người đã đăng ký đi chuyến đầu tiên, dự trù rời thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 18 hay 19 tháng 4 sắp tới.
Việt Nam: đã có hàng trăm người đăng ký đi du lịch Trường Sa
RFA - 2004-03-31
Về việc Việt Nam dự định mở tour du lịch đầu tiên đến Trường Sa, ông Dương Xuân Hội, Vụ Phó Vụ Du Lịch cho biết số người đăng ký đã lên đến cả trăm người, và chuyến đi kéo dài 1 tuần, bắt đầu vào giữa tháng tới.
Ðược biết đoàn du lịch sẽ sử dụng tầu khách của hải quân, được tân trang thành tầu du lịch có giường ngủ cho khách. Ðoàn sẽ bắt đầu từ Tân Cảng ở thành phố Hồ Chí Minh và điểm đến là Ðảo Ðá Tây ở Trường Sa, sau đó ghé thăm khu công nghiệp dầu khí Ðại Hùng và Côn Ðảo.
Tổng Cục Du Lịch Việt Nam cũng nói trong tương lai có thể tổ chức 4 hoặc 5 chuyến mỗi năm. Hiện giờ giá đi tour Trường Sa được ấn định là 2 triệu 800 đồng mỗi người.
Ông Bùi Tín thuật lại lá thư của Tướng Giáp gửi cho Trung ương Ðảng CSVN
RFA |
Ông Bùi Tín thuật lại lá thư của Tướng Giáp gửi cho Trung ương Ðảng CSVN (phần 1)
RFA - 2004-03-30
Bấm vào đây để nghe cuộc trao đổi này
Rightclick to download this audio
Bùi Tín - Việt Long
Thưa quý thính giả, 50 năm trước tên tuổi của ông Võ Nguyên Giáp được thế giới biết đến như một danh tướng đã đánh thắng quân Pháp ở Điện Biên. Ngày nay, 50 năm sau, tướng Giáp đã hơn 90 tuổi, lại phải viết một bức thư cho Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam, yêu cầu điều tra một số vụ việc liên quan đến thanh danh và sự nghiệp chính trị của ông, khiến ông trở thành một nhân vật mà từ mấy chục năm nay không một cấp lãnh đạo nào của Đảng dám mời giữ những chức vụ quan trọng.
Tài liệu này vừa được phổ biến ra nước ngoài, có nhiều đề nghị và những chất vấn vạch ra nhiều bí ẩn, mà cựu Đại Tá Quân Đội nhân dân, ông Bùi Tín, sẽ trình bày cùng quý vị qua cuộc trao đổi với Việt-Long sau đây. Ông Bùi Tín từng là tổng biên tập báo Quân Đội Nhân Dân chủ nhật, hiện lưu vong ở Pháp. Ông vẫn thường xuyên nghiên cứu tình hình Việt Nam xưa và nay, và vẫn còn mối liên lạc với nhiều đồng chí cũ của ông ở trong nước. Mời quý vị theo dõi câu chuyện: (audio clip)
Ông Bùi Tín thuật lại lá thư của Tướng Giáp gửi cho Trung ương Ðảng CSVN (phần 2)
RFA - 2004-03-30
Bấm vào đây để nghe cuộc trao đổi này
Rightclick to download this audio
Bùi Tín - Việt Long
Thưa quý thính giả. 50 năm trước tên tuổi của ông Võ Nguyên Giáp được thế giới biết đến như một danh tướng đã đánh thắng quân Pháp ở Điện Biên. Ngày nay, 50 năm sau, tuớng Giáp đã hơn 90 tuổi, lại phải viết một bức thư cho Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam, yêu cầu điều tra một số vụ việc liên quan đến thanh danh và sự nghiệp chính trị của ông, khiến ông trở thành một nhân vật được gọi là "ngồi chơi xơi nứơc" mấy chục năm nay, may là chưa lâm vòng lao lý như nhiều đồng chí khác của ông, cũng đầy những công trạng thời kháng chiến.
Trong buổi phát thanh truớc quý vị và các bạn đã nghe cụộc trao đổi giữa Việt-Long và cựu Đại tá QĐNDVN, ông Bùi Tín. Ông đã trình bày về 2 vụ án gọi là vụ Tổng cục 2 và vụ Sáu Sứ, trong đó các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà Nước thời ông Lê Đức Anh đã dùng bộ phận phản gián trung ương là Tổng Cục 2 để kết tứơng Võ Nguyên Giáp vào tội phản nghịch chống Đảng. Phần kế tiếp, ông Bùi Tín thuật tiếp về một hành động khác để vùi dập tướng Giáp, gọi là vụ T4.
Cựu đại tá Bùi Tín từng là tổng biên tập báo Quân Đội Nhân Dân chủ nhật, hiện lưu vong ở Pháp. Ông vẫn thừơng xuyên nghiên cứu tình hình Việt Nam xưa và nay, và vẫn còn mối liên lạc với nhiều đồng chí cũ của ông ở trong nứơc. Mời quý vị theo dõi tiếp câu chuyện. (audio clip)
Về thượng tọa Thích Trí Lực
Tổng hợp |
Các giới chức Hoa Kỳ được phép gặp thượng tọa Thích Trí Lực.
VOA - 31 Mar 2004, 15:12 UTC
Hôm thứ Ba, bộ ngoại giao Hoa Kỳ cho biết các giới chức Hoa Kỳ đã được phép gặp một tu sĩ Phật giáo bất đồng chính kiến bị tù 20 tháng tại Việt Nam về tội phá rối trị an.
Ông Phạm văn Tường bị kết án trong một phiên toà ngày 12 tháng 3 tại thành phố Hồ Chí Minh.
Chính phủ Hoa Kỳ đã kêu gọi chính phủ Việt Nam cho phép các giới chức tỵ nạn Liên Hiệp Quốc gặp vị tu sĩ này.
Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ Lou Fintor cho biết ông Tường đã nói chuyện riêng với các giới chức của lãnh sự quán Hoa Kỳ tại thành phố Hồ Chí Minh hôm thứ Ba, nhưng không cho biết chi tiết các cuộc thảo luận với ông Tường, tức thượng tọa Thích Trí Lực.
Được biết ông Tường đã mất tích tại Kampuchia cho đến hồi năm ngoái, khi nhà cầm quyền tại Hà Nội nói rằng ông bị bắt tại biên giới Việt Nam-Kampuchia.
Hồi đầu tháng này, phát ngôn viên sứ quán Mỹ tại Hà Nội ông Tom Carmichael cho biết phiên toà xử ông đã tiến hành âm thầm và không có tường thuật của một nguồn tin độc lập nào về nội vụ sự kiện.Ông Carmichael đã yêu cầu chính phủ Việt Nam cho phép các giới chức của Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc gặp ông Tường để cứu xét việc xin quy chế tỵ nạn.
Ông Tường là thành viên của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã bị cấm hoạt động từ năm 1981.
Trong 6 tháng vừa qua, Hà Nội đã bị quốc tế chỉ trích về việc mở lại cuộc đàn áp nhắm vào giáo hội này.
Tăng sĩ Thích Trí Lực trả lời phỏng vấn Đài Á Châu Tự Do về việc bị Công an Việt Nam bắt tại Kampuchia
RFA - 2004-03-29 - Ỷ Lan tường trình từ Paris
Thưa quý thính giả, ngày 12 tháng 3 vừa qua, tòa án nhân dân thành phố HCM đã kết án Tăng sĩ Thích Trí Lực thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, 20 tháng tù vì tội "trốn đi nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân". Câu chuyện của Tăng sĩ Thích Trí Lực có nhiều chi tiết bí ẩn từng gây thắc mắc cho dư luận. Đặc phái viên Ỷ Lan của Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do trình bày những chi tiết xung quanh vụ án này và phỏng vấn Tăng sĩ Thích Trí Lực về câu chuyện của ông.
Trường hợp của Thầy Trí Lực, khuê danh Phạm Văn Tưởng, khá đặc biệt. Vì vậy mà 5 ngày sau phiên xử, Ðại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội đã lên tiếng đòi trả tự do và giao trả ông Phạm Văn Tưởng cho Cao ủy Tị nạn LHQ, là cơ quan đã cấp thẻ tị nạn và bảo vệ quyền tị nạn chính trị của ông tại Cam Bốt kể từ ngày 28 tháng 6 năm 2002, một tháng trước ngày ông bị bắt cóc đưa về Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Anh quốc cũng lên tiếng bênh vực tương tự cho ông.
Gần hai năm qua, chẳng ai biết số phận Thầy Trí Lực ra sao? Nguồn tin từ Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế có trụ sở tại Paris báo động việc Tăng sĩ Thích Trí Lực bị cơ quan mật vụ Việt Nam bắt cóc tại Nam vang đêm 25 tháng 7 năm 2002, bị người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam bác bỏ bản tin và tố cáo đây là sự "vu khống bỉ ổi". Thế nhưng khi nhà cầm quyền dự tính đưa thầy Trí Lực ra xét xử vào ngày 1 tháng 8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao lại cho biết rằng Thầy "bị bắt ngày 26 tháng 7 năm 2002 tại cửa khẩu Tây Ninh trên đường tìm cách vượt biên".
Kết án 20 tháng tù hôm 12 tháng 3, là ngày ông đã trải qua 19 tháng và 15 ngày trong tù. Vì vậy, đến ngày 26 tháng 3 là ngày ông mãn án và được trả tự do lúc 17 giờ chiều. Nhân có cuộc điện đàm giữa Thầy với Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế tại Paris, chúng tôi đã làm một cuộc phỏng vấn nhanh, để tìm hiểu hư thực trong vụ án rắc rối này.
Ỷ Lan: Xin chào thầy Trí Lực. Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế cho biết thầy vừa được trả tự do. Xin thầy xác nhận việc này và cho biết được trả tự do từ lúc nào ? và trong điều kiện nào ?
Trí Lực: Dạ tôi được trả tự do vào ngày 26-3-2004, trong điều kiện là đã trải qua đúng 20 tháng tù giam, cũng đúng như bản án mà tòa án thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên vào ngày 12-3-2004 vừa rồi, và ngày 26-3 là ngày mãn án của tôi.
Ỷ Lan: Khi tin thầy bị bắt cóc tại Nam Vang giữa năm 2002 loan tải, thì người phát ngôn Bộ Ngoại giao tuyên bố không biết gì về tin này. Sang tháng 8 năm 2003, khi tin thầy sẽ được đưa ra xét xử tại thành phố Hồ Chí Minh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao lại xác nhận là bắt thầy tại cửa khẩu Tây Ninh lúc thầy tìm cách vượt biên. Xin thầy cho biết sự thật như thế nào ?
Trí Lực: Tôi bị bắt vào khoảng lúc 19 giờ ngày 25-7-2002 trong thời điểm là ra chợ mua cơm dùng buổi chiều. Ðang lúc mua cơm có một người đến sau lưng tôi và một người trước mặt. Một người đẩy tôi đi tới và một người lôi kéo tôi lên xe đậu sẵn bên lề đường. Vừa bước chân lên xe, thì họ đã còng tay tôi và các người ngồi phía sau xe đã vươn tới đánh đập tôi trong xe. Một người ngồi bên cạnh tôi đã siết cổ tôi đến nỗi tôi nghẹt thở và tôi kêu cứu với người nói tiếng Việt, tôi biết là người Việt Nam vì người đó nói tiếng Việt sành sỏi như tiếng mẹ đẻ. Tôi nói: “Xin ông nói với ông này đừng siết cổ tôi nữa, vì tôi nghẹt thở quá.” Nhưng ông ta vẫn im lặng, không có lời can gián người kia đừng siết cổ tôi. Tôi bị siết cổ khoảng ... xe chạy vòng thành phố Phnom Penh.
Trên xe tôi hết sức là nghẹt thở và tôi tưởng như tôi bị bất tỉnh, nhưng cuối cùng tôi vẫn cưỡng lại được, và họ đưa tôi vào trại giam của một đồn công an Kampuchia. Tôi ở đó một đêm. Khoảng 4 giờ rưởi sáng ngày 26-7-2002, thì cùng chiếc xe mà bắt tôi vào tối hôm qua đưa tôi về cửa khẩu Mộc bài, tỉnh Tây Ninh và bàn giao cho các viên chức của công an Việt Nam đang chờ sẵn ở biên giới và đưa lên xe chở tôi về thẳng B34 của Bộ công an tọa lạc tại 237, Nguyễn Văn Cừ, Quận nhất, thành phố Hồ Chí Minh.
Ỷ Lan: Suốt thời gian giam giữ này, thầy có được tiếp xúc với thân nhân, gia đình không thưa thầy ?
Trí Lực: Dạ, mặc dầu 8 tháng sau khi tôi bị bắt, là tôi đã có kết luận điều tra cáo trạng và quyết định đưa ra xét xử vào ngày 25-7-2003. Nhưng thời điểm đó tôi vẫn chưa gặp được thân nhân. Bẵng cho đến ngày 22-8-2003 họ mới cho tôi gặp thân nhân và sau đó mỗi tháng tôi đều được gặp.
Ỷ Lan: Thầy có thông báo cho công an biết là thầy đã được Cao ủy Tị nạn LHQ ở Nam Vang cấp thẻ tị nạn và bảo vệ quyền tị nạn chính trị của thầy tại Cam Bốt không ?
Trí Lực: Dạ chính khi bị bắt lên xe thì công an Kampuchia đã ngồi sau rút trong túi tôi cái thẻ tị nạn. Và khi về đến phường Nguyễn Cư Trinh, quận Nhất, như hồi nãy tôi nói đó, khi đưa tôi về lập biên bản, thì tôi mới biết là thẻ tị nạn bên Kampuchia đã bàn giao cho bên Việt Nam. Tại biên bản đó có ghi rõ là họ có thu giữ của tôi một thẻ tị nạn của Cao ủy Tị nạn LHQ mang số 610 IC do bà Trưởng văn phòng là Elizabeth Kirton ký vào ngày 28-6-2002. Cái thẻ đó chính là Việt Nam đã thu giữ khi bắt tôi tại Kampuchia, lúc đó họ đã thu giữ thẻ của tôi rồi.
Ỷ Lan: Như vậy là nhà cầm quyền Việt Nam biết rõ thầy đã được LHQ bảo vệ quyền tị nạn ?
Trí Lực: Dạ đúng như vậy. Khi bắt tôi là họ cầm thẻ tị nạn ấy trong tay. Họ rút thẻ tị nạn trong túi tôi ra và cầm chắc trong tay là tôi đã có quy chế tị nạn, đã có quyền cư trú trên lãnh thổ Cam Bốt theo quy chế tị nạn của LHQ.
Ỷ Lan: Trong các cuộc hỏi cung, có lúc nào công an hay nhà cầm quyền Việt Nam cảm nhận sự sai lầm của họ trong việc bắt cóc, trên lãnh thổ một nước láng diềng, một người đã được Cao ủy Tị nạn LHQ bảo vệ và cấp thẻ tị nạn chính trị ?
Trí Lực: Ðã rất nhiều lần tôi nói với cán bộ điều tra tại cơ quan an ninh điều tra là tôi bị bắt tại Kampuchia chứ không phải bị bắt tại huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh. Tôi bị bắt vào ngày 25-7-2002, chứ không phải như trong hồ sơ của họ ghi là ngày 26-7-2002. Nhưng họ vẫn từ chối, họ nói là bên Kampuchia ai bắt anh tôi không biết, tôi chỉ biết bắt anh tại biên giới, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh, là cửa khẩu Mộc bài. Họ từ chối việc bắt tôi tại Kampuchia. Trong hồ sơ vẫn ghi bắt tôi ngày 26, họ phủ nhận việc bắt tôi ngày 25-7-2002.
Ỷ Lan: Sau cuộc bắt bớ và giam cầm gần hai năm qua, quan điểm của thầy đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ngày nay ra sao ? Tương lai thầy có dự trù hay ước vọng gì không ?
Trí Lực: Dạ, tại cơ quan an ninh điều tra và tại trại giam B34 Bộ Công an, tôi đã nói với cán bộ điều tra là khi cán bộ điều tra hỏi tôi mục đích đi ra nước ngoài để làm gì? Tôi nói mục đích để thay đổi cuộc sống, thứ hai là để tiếp tục hoạt động phục vụ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, và cán bộ điều tra đã ghi vào bản cung. Tại phiên tòa ngày 12-3-2004 vừa rồi, tôi cũng có nói trước tòa là mục đích tôi ra đi là để thay đổi cuộc sống, và tiếp tục phục vụ cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ở hải ngoại. Bởi vì tại hải ngoại, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được sinh hoạt hợp pháp tại những nước sở tại. Dạ, đó là lời tôi nói trước tòa hôm 12-3 vừa qua.
Ỷ Lan: Có dư luận nói rằng trước phiên tòa vừa qua, thầy tỏ lời hối tiếc đã chỉ trích nhà cầm quyền Việt Nam vi phạm nhân quyền và đàn áp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Có đúng như vậy không ?
Trí Lực: Dạ không. Hoàn toàn không. Tại cơ quan điều tra, tôi có viết biên bản là dầu ít hay nhiều gì tôi cũng có vi phạm pháp luật của Nhà nước Việt Nam về vấn đề trốn sang biên giới không có hộ chiếu. Nhưng đối với 15 năm trở lại đây, thì tôi thấy nhà nước cũng cho tu bổ chùa chiền, sinh hoạt tôn giáo trong khuôn khổ pháp luật của nhà nước. Nhưng đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất thì vẫn tiếp tục bị đàn áp. Bởi vì Hội đồng Viện Hóa Ðạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất chưa hề công cử một ai để tham gia (vào Giáo hội Nhà nước) và những tham gia ấy chỉ hoàn toàn với tư cách cá nhân, như lời Thầy Quảng Ðộ đã viết trong tập "Nhận định những chính sách sai lầm của Ðảng Cộng sản đối với Dân tộc và Phật giáo".
Ỷ Lan: Tóm lại, thầy không hề nói một lời hối hận nào về những hành động đấu tranh cho nhân quyền và tự do tôn giáo của thầy, kể từ biến động ở Huế năm 1992 sau khi Cố Ðại lão Hòa thượng Thích Ðôn Hậu, Ðức Ðệ Tam Tăng Thống, viên tịch tại chùa Linh Mụ ? Phải vậy không ?
Trí Lực: Vâng, đúng là tôi không hề có một lời nào bôi bác hay phản lại Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất hết. Bản thân tôi trong thời gian hỏi cung, tôi luôn khẳng định tôi là thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Tôi không thể nào quay lưng lại với Giáo hội này đã un đúc tôi từ nhỏ tới lớn, tác thân cho tôi. Tôi không bao giờ phản bội lại Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cả.
Ỷ Lan: Xin cảm ơn thầy Trí Lực.
Đại đức Thích Trí Lực có thể rời Việt Nam
Tổng hợp |
Thượng Tọa Thích Trí Lực có thể được phép đi định cư tại nước ngoài.
VOA - 29 Mar 2004, 15:13 UTC
Thông Tấn Xã AP cho hay một viên chức Liên Hiệp Quốc hôm thứ Hai tiết lộ là một thượng tọa vừa trải qua 20 tháng tù tại Việt Nam sau khi được Liên Hiệp Quốc cho hưởng qui chế tị nạn để tránh bị ngược đãi về tôn giáo có thể được phép đi định cư tại một nước ngoài.
Ông Vũ Anh Sơn, người cầm đầu Văn Phòng Phủ Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, cho hay chính phủ đã cho phép ông nay mai được gặp ông Phạm Văn Tường, tức là Thượng Tọa Thích Trí Lực, để thảo luận chuyện đi định cư.
Các tổ chức quốc tế tranh đấu cho nhân quyền cho rằng lực lượng an ninh của Việt Nam và Kampuchia đã bắt cóc Thượng Tọa Thích Trí Lực tại một nhà khách ở Phnom Penh sau khi ông được Liên Hiệp Quốc dành cho qui chế tị nạn tại đây.
Ông bị biệt giam tại Việt Nam cho tới tháng 8 năm ngoái, khi gia đình ông nhận được một trát đòi đi hầu tòa trong phiên xử ông. Ngày 12 tháng 3 vừa rồi, ông bị tuyên án tù từ 15 tới 20 tháng về tội tham dự những hoạt động xuyên tạc chính sách đại đoàn kết dân tộc của đảng và nhà nước, tạo điều kiện cho những lực luợng khác gây tình trạng thiếu an ninh nội bộ và bất ổn đối với bên ngoài.
Vì đã bị giam quá 20 tháng trong lúc đợi tòa xét xử, thượng tọa Thích Trí Lực được trả tự do hôm thứ Sáu vừa rồi, và Văn Phòng Phủ Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc tại Hà Nội cho hay là đang tìm xem nước nào chịu cho thượng tọa tới định cư.
Theo văn phòng, đây có thể là một nước tây phương, như Hoa Kỳ hay Na Uy chẳng hạn. Sau khi được trả tự do, thượng Tọa Thích Trí Lực tuyên bố với Văn Phòng Thông Tín Phật Giáo Quốc tế, trụ sở đạt tại Paris, rằng ông bị nhân viên an ninh Kampuchia bắt cóc hôm 25 tháng 7 năm 2002, và bị các nhân viên này cùng một cảnh sát viên Việt Nam lôi ra xe, đem về một đồn cảnh sát Kampuchia đánh đập, giam tại đó 1 đêm, rồi đưa qua biên giới, giao cho Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam bác bỏ tin bắt cóc thượng tọa và nói là đã bắt thượng tọa tại vùng biên giới Việt Nam Kampuchia hôm 26 tháng 7 năm 2002 trong lúc thượng tọa tìm cách trốn khỏi Việt Nam.
Trước đó, Thượng Tọa đã lãnh án 13 tháng tù và 5 năm quản thúc tại gia về tội gây phương hại cho chính sách của chính phủ và lạm dụng quyền tự do dân chủ.
Đại đức Thích Trí Lực có thể rời Việt Nam
BBC - 29 Tháng 3 2004 - Cập nhật 12h33 GMT
Đại diện Cao ủy tị nạn Liên hiệp quốc (UNHCR) ở Thái Lan cho đài BBC biết họ đang yêu cầu được gặp Đại đức Thích Trí Lực.
Phó đại diện vùng của UNHCR, Vaira Pranjadet, nói họ muốn tìm hiểu xem tình trạng của nhà sư 50 tuổi, tên thật là Phạm Văn Tường, ra sao.
"Nếu ông ta muốn ở lại Việt Nam, chúng tôi sẽ muốn theo dõi sự an toàn cho ông, nếu muốn đi ngoại quốc thì chúng tôi sẽ điều đình với quốc gia nào ông muốn tới để ông có thể tới đó được."
Trong khi đó các hãng thông tấn ngoại quốc trích dẫn lời đại diện của UNHCR ở Hà Nội cho biết chính phủ đã đồng ý cho gặp.
Nhà chức trách cho biết Đại đức Thích Trí Lực bị bắt ở biên giới Campuchia hồi năm 2002 và tuyên án 20 tháng tù hôm 12 tháng Ba.
Trốn khỏi Việt Nam hai tháng trước đó, ông cáo giác rằng ông bị cảnh sát Campuchia bắt cóc tại Phnom Penh và giao lại cho nhà chức trách Việt Nam hồi tháng 7 năm 2002.
Theo Phòng thông tin Phật giáo quốc tế, cơ quan ngôn luận của GHPGVNTN đã bị cấm, Đại đức Thích Trí Lực đã được công nhận qui chế tị nạn chính trị khi bị bắt và vẫn còn tư cách đó.
Trước đây trong tháng, Hoa Kỳ kêu gọi chính phủ Việt Nam hãy để cho Cao ủy tị nạn Liên hiệp quốc gặp Đại đức Thích Trí Lực.
"Mọi chuyện đã diễn ra trong bí mật đối với ông Phạm Văn Tường," một phát ngôn nhân của tòa đại sứ Mỹ ở Hà Nội nói.
"Chúng tôi không thể kiểm tra là mọi chuyện đã thực hiện theo đúng tiêu chuẩn quốc tế hay không."
Cơ cực xứ người
BBC - 25 Tháng 3 2004 - Cập nhật 16h15 GMT |
Lao động xuất khẩu của Việt Nam tại Malaysia bị mất việc ngày càng nhiều, không được trả tiền lương và phải sống vạ vật, báo chí Việt Nam cho hay.
Một số đã trở về Việt Nam, bằng chính tiền của người thân ở nhà bỏ ra mua vé máy bay cho về.
Đài BBC có hỏi chuyện những lao động Việt Nam hiện đang có mặt tại Malaysia, họ đều xác nhận tình trạng mất việc của lao động Việt Nam là có thật, và ngay chính những người đang cố bám lấy công việc của mình cũng đang lo sợ không hiểu tương lai ra sao.
Được biết trong hai tháng đầu năm, có tới 1.200 người sang Malaysia làm việc, thế nhưng, về những lao động bị mất việc và đang phải tụ tập nhiều nơi tại thủ đô Kuala Lumpur tìm trợ giúp thì chưa ai đưa ra được con số chính xác.
Một số lao động tại Kuala Lumpur cho đài BBC biết hàng ngày có rất nhiều người bị mất việc kéo nhau lên đại sứ quán Việt Nam và đại diện cục quản lý lao động, trong mấy tháng trời, mà cũng không giải quyết được việc gì.
Tìm hiểu
Đài BBC đã tìm cách liên lạc với phía đại diện các công ty xuất khẩu lao động cũng như ban quản lý lao động Việt Nam tại Malaysia, thế nhưng, đúng như khuyến cáo của những người lao động tại đây, rất khó có thể gặp được họ chứ đừng nói đến chuyện có câu trả lời nào được đưa ra.
“... chả biết cãi với ai, điện cho đại diện của mình thì họ lại không tới, rồi lại cứ biện luận lý do lung tung, cho nên điện lắm thì cũng không có tiền ...” |
Thái Hồng Thuận, lao động tại Malaysia |
Được biết hiện tượng nhiều công ty của Malaysia bị phá sản, phải đóng cửa, cũng khiến cho lao động Việt Nam bỗng dưng bị mất việc.
Theo anh Thái Hồng Thuận, người quê ở Nghệ An, đang làm việc tại một công xưởng ở ngay Kuala Lumpur, lý do là do phía các công ty xuất khẩu lao động chỉ tìm cách đưa thật nhiều người sang để kiếm tiền mà không chú ý tới các điều kiện lao động cũng như chăm lo cho công nhân.
"Do là các công ty của mình ở nhà nắm bắt không chắc chắn, cứ đưa đẩy người sang để mà lấy phần trăm, cứ đưa người sang ào ào nhưng công việc lại chẳng đâu vào đâu cả", anh Thuận cho biết.
Tất nhiên, vấn đề nào cũng có hai mặt; được biết ngay chính những lao động Việt Nam nhiều khi cũng gây ra tình trạng này, chẳng hạn làm việc không đúng theo yêu cầu và kỷ luật, hoặc hay tự phát đình công trái luật.
Trong số các lĩnh vực lao động tại Malaysia thì lĩnh vực xây dựng là có nhiều công nhân bị sa thải nhất; được biết có hơn 700 công nhân xây dựng bị mất việc làm tại Kuala Lumpur.
Bức tranh lộn xộn
Bức tranh lộn xộn về lao động xuất khẩu Việt Nam, không chỉ tại Malaysia mà còn ở nhiều nước khác, cho thấy sự phối hợp và quản lý của các cơ quan chủ quản là rất yếu, nếu không muốn nói tới tình trạng đem con bỏ chợ.
Thế cho nên những người lao động Việt Nam, vỡ mộng làm giàu nơi xứ người, giờ đây không biết bấu víu vào đâu.
Lao động Thái Hồng Thuận tự coi mình là may mắn khi chưa bị mất việc, nhưng cũng cho biết: "Theo với cái hợp đồng ở Việt Nam thì sai hoàn toàn; thế cho nên sang đây, thứ nhất tiếng tăm mình không biết, thứ hai công ăn việc làm mọi thứ đều lung tung nên mình cũng chả biết sao; thấy người ta bảo gì thì mình làm vậy".
"Thế nên cũng chả biết cãi với ai, điện cho đại diện của mình thì họ lại không tới, rồi lại cứ biện luận lý do lung tung, cho nên điện lắm thì cũng không có tiền".
Theo anh Thuận, mức tiền lương so với hợp đồng là sai rất nhiều, có nhiều tháng anh chỉ kiếm được thu nhập khoảng 1 triệu đồng Việt Nam.
Thế nên những người như anh giờ đây chỉ muốn được quay trở về nhà, nhưng ngặt nỗi là người làm nông nghiệp tại Việt Nam, bây giờ quay về nhà thì không biết làm cách nào kiếm nổi tiền để trả nợ số tiền đặt cọc trước khi đi, thêm vào đó lại ngại xấu hổ với bà con bạn bè, nên đành phải cố chịu đựng tại xứ người.
Phe dân chủ Hồng Kông biểu tình phản đối kế hoạch của Bắc Kinh
RFA - 2004-03-29 |
Các chính đảng ủng hộ dân chủ của Hồng Kông hôm qua đã xuống đường biểu tình phản đối kế hoạch của Bắc Kinh duyệt xét lại các điều khoản trong Luật Căn bản Hồng Kông quy định việc tuyển chọn nhà cầm quyền đặc khu hành chánh này trong tương lai.
Khoảng 30 đại biểu thuộc đảng Dân chủ dưới sự hướng dẫn của chủ tịch Yueung Sum đã tề tựu bên ngoài trụ sở nhà cầm quyền Hồng Kông, cho biết rằng Bắc Kinh có thẩm quyền minh định về luật Căn bản, nhưng không có quyền bắt áp dụng nó vào lúc nào và bằng cách nào tùy ý muốn của họ.
Một đảng ủng hộ dân chủ khác là đảng Trận Tiền cũng tổ chức biểu tình hôm qua và hôm nay tại Hồng Kông trong cùng mục tiêu.
Hai điều khoản sắp được Ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc xem xét trong kỳ họp đầu tháng Tư liên quan đến việc trực tiếp bầu người đứng đầu đặc khu hành chánh và Hội đồng Lập pháp.
Bản thông cáo của đảng Trận Tiền viết rằng dự định của Bắc Kinh đi ngược lại nguyên tắc “một quốc gia, hai hệ thống” mà Trung Quốc từng đồng ý khi Hồng Kông được Anh trao trả chủ quyền, đã tước đi tính độc lập và đi ngược lại nguyện vọng của người dân Hồng Kông.
43 Dân Biểu và 8 Thượng Nghị Sĩ Quốc Hội Hoa Kỳ Đồng Bảo Trợ cho Nghị quyết H. CON. RES. 378/S. RES. 311
Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Cho Việt Nam |
Washington D.C. - Ngày 26 tháng 3 năm 2004
Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Cho Việt Nam (CRFV)
43 Dân Biểu và 8 Thượng Nghị Sĩ Quốc Hội Hoa Kỳ Đồng Bảo Trợ cho Nghị quyết H. CON. RES. 378/S. RES. 311 Kêu Gọi Nhà Cầm Quyền CSVN Trả Tự Do cho Cha Lý và Lên Án Tình Trạng Vi Phạm Tự Do và Nhân Quyền tại Việt Nam
Hôm nay, thêm 4 dân biểu Hạ Viện Hoa Kỳ: Rep. Carolyn McCarthy (NY-4), Rep. Donald Manzullo (IL-16), Rep. Steve Chabot (OH-1), và Rep. John Olver (MA-1), chính thức ký tên đồng bảo trợ cho Nghị quyết mang số H. CON. RES. 378/S. RES. 311 nhằm mục đích kêu gọi chính quyền cộng sản Việt Nam trả tự do cho linh mục Nguyễn Văn Lý và lên án tình trạng vi phạm trầm trọng tự do và nhân quyền tại Việt Nam. Như vậy, tổng số Dân Cử Quốc Hội Hoa Kỳ chính thức chỉ trích hành động vô nhân đạo và trái luật pháp của chính quyền Việt Nam bằng việc đồng bảo trợ cho nghị quyết này đã lên tới con số 51, thuộc cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa của 24 tiểu bang khác nhau trên toàn nước Mỹ.
Được giới thiệu song song bởi Dân Biểu Chris Smith (NJ) và bởi TNS Sam Brownback (KS) ngày 4 tháng 3 vừa qua, nghị quyết này là kết qủa trực tiếp của chuyến đi tham sát tình trạng vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam của phái đoàn Quốc Hội Hoa Kỳ đầu năm 2004. Đây là tiếng nói chính thức của người dân Hoa Kỳ hưởng ứng chiến dịch vận động đang diễn ra trên toàn thế giới, cùng với quyết định chính thức của Ban Đặc Nhiệm Liên Hiệp Quốc chuyên trách về việc kiểm soát Sự Giam Cầm Độc Đoán đã khẳng định tính chất vi phạm luật pháp quốc tế trong việc bắt giữ và giam cầm linh mục Nguyễn Văn Ly của chính quyền cộng sản Việt Nam.
UBTDTG/VN tiếp tục kêu gọi đồng bào người Việt khắp nơi cùng góp tay tham gia trong công tác vận động các vị dân cử đại diện cho mình trong chính quyền. Có tất cả 4 thỉnh nguyện thư mà chúng tôi yêu cầu qúy vị điền vào và gởi đi, bao gồm:
- 1 thỉnh nguyện thư gởi cho Dân Biểu
- 2 thỉnh nguyện thư gởi cho 2 TNS trong tiểu bang qúy vị cư trú
- 1 thỉnh nguyện thư gởi cho Ngoại trưởng Colin Powell kêu gọi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ xếp Việt Nam vào danh sách các quốc gia đáng quan tâm đặc biệt
Mỗi thỉnh nguyện thư góp phần vào tiếng nói của lương tâm toàn thế giới trong việc tranh đấu giành lại công bằng và tự do cho các vị lãnh đạo tinh thần cũng như thúc đẩy những cải thiện về tự do tôn giáo và nhân quyền cho đồng bào tại quê nhà.
Các trang web trong chiến dịch vận động cho cha Lý:
UBTDTG/VN: http://www.crfvn.org/viet/
Freedom-Now: http://www.freedom-now.org/father.php
Amnesty International: http://takeaction.amnestyusa.org/action/index.asp?step=2&item=10672
Danh sách Dân Biểu Hoa Kỳ đồng bảo trợ cho Nghị Quyết 378:
Rep. Christopher Smith [NJ]
Rep Akin, W. Todd - 3/4/2004 [MO-2]
Rep Bell, Chris - 3/24/2004 [TX-25]
Rep Berman, Howard L. - 3/4/2004 [CA-28]
Rep Burton, Dan - 3/4/2004 [IN-5]
Rep Chabot, Steve - 3/25/2004 [OH-1]
Rep Cox, Christopher - 3/4/2004 [CA-48]
Rep Davis, Jo Ann – 3/18/2004 [VA-1]
Rep Davis, Tom - 3/4/2004 [VA-11]
Rep Diaz-Balart, Lincoln - 3/25/2004 [FL-21]
Rep Filner, Bob - 3/11/2004 [CA-51]
Rep Ford, Harold Ẹ, Jr. - 3/24/2004 [TN-9]
Rep Frank, Barney - 3/4/2004 [MA-4]
Rep Franks, Trent - 3/4/2004 [AZ-2]
Rep Green, Mark - 3/4/2004 [WI-8]
Rep Jackson-Lee, Sheila - 3/4/2004 [TX-18]
Rep Kennedy, Patrick J. - 3/4/2004 [RI-1]
Rep Kildee, Dale Ẹ - 3/9/2004 [MI-5]
Rep Kirk, Mark Steven - 3/16/2004 [IL-10]
Rep Langevin, James R. - 3/4/2004 [RI-2]
Rep Leach, James Ạ - 3/24/2004 [IA-2]
Rep Lofgren, Zoe - 3/4/2004 [CA-16]
Rep Manzullo, Donald Ạ - 3/25/2004 [IL-16]
Rep McCarthy, Carolyn - 3/25/2004 [NY-4]
Rep McCarthy, Karen - 3/4/2004 [MO-5]
Rep McGovern, James P. - 3/4/2004 [MA-3]
Rep McNulty, Michael R. - 3/9/2004 [NY-21]
Rep Moran, James P. - 3/4/2004 [VA-8]
Rep Olver, John W. - 3/24/2004 [MA-1]
Rep Payne, Donald M. - 3/24/2004 [NJ-10]
Rep Pence, Mike - 3/9/2004 [IN-6]
Rep Pitts, Joseph R. - 3/4/2004 [PA-16]
Rep Rohrabacher, Dana - 3/4/2004 [CA-46]
Rep Ros-Lehtinen, Ileana - 3/4/2004 [FL-18]
Rep Rothman, Steve R. - 3/16/2004 [NJ-9]
Rep Royce, Edward R. - 3/4/2004 [CA-40]
Rep Sanchez, Loretta - 3/4/2004 [CA-47]
Rep Shimkus, John - 3/4/2004 [IL-19]
Rep Souder, Mark E. - 3/24/2004 [IN-3]
Rep Van Hollen, Chris - 3/4/2004 [MĐ8]
Rep Weldon, Curt - 3/24/2004 [PA-7]
Rep Wexler, Robert - 3/4/2004 [FL-19]
Rep Wolf, Frank R. - 3/24/2004 [VA-10]
Danh sách TNS Quốc Hội Hoa Kỳ đồng bảo trợ Nghị Quyết 311:
Sen Sam Brownback [KS]
Sen Coleman, Norm - 3/11/2004 [MN]
Sen DeWine, Michael - 3/22/2004 [OH]
Sen Inhofe, Jim - 3/10/2004 [OK]
Sen Landrieu, Mary - 3/9/2004 [LA]
Sen Lautenberg, Frank R. - 3/22/2004 [NJ]
Sen Lieberman, Joseph Ị - 3/22/2004 [CT]
Sen Specter, Arlen - 3/10/2004 [PA]
Trân trọng kính báo.
Quốc Cường
Chuyên Viên Vận Động Hành Lang
Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Cho Việt Nam
Nhận định về Nhà Nuớc và Giáo Hội
tiengnoigiaodan.net - Một sinh viên KHNV Hà-Nội |
Nhân đọc cuốn sách "Nhà Nước & Giáo Hội", do NXB Tôn Giáo ấn hành tháng 11 năm 2003, với số lượng 4000 cuốn và được trợ giá. Cuốn sách do GS.TS Đỗ Quang Hưng, Viện Nghiên Cứu Tôn Giáo chủ biên. Tôi xin có một vài lời góp ý cùng Diễn Đàn.
Với tinh thần muốn quốc doanh hóa giáo hội Công Giáo, cuốn sách đã giành rất nhiều bài viết nói về lịch sử truyền giáo của đạo Công Giáo, nói về đường hướng mục vụ của Giáo Hội dần từng bước sát cánh với vận mệnh của dân tộc. Một trong những đội ngũ tiên phong trong tiến trình này đã được nhiều tác giả đầu ngành trong Viện Nghiên Cứu Tôn Giáo nhắc đến là tổ chức Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo Việt Nam (UBĐKCGVN), mà tiền thân của nó là "UB liên lạc toàn quốc những người Công Giáo yêu tổ quốc, yêu hòa bình", được thành lập tháng 3 năm 1955 do Lm Vũ Thành Trinh làm chủ tịch.
Trước hết, tôi xin tự giới thiệu về bản thân. Tôi là một sinh viên ngành xã hội học, Đại Học Khoa Học Xã Hội & Nhân Văn Hà Nội. Xuất thân là một người theo đạo Công Giáo. Từ nhỏ tôi không hề biết đến chuyện nội phản trong Giáo Hội được dựng lên từ một tổ chức trá hình. Tôi chỉ biết một cách mờ nhạt là hình như giữa chính quyền địa phương xã và Giáo xứ chúng tôi có nhiều xung đột. Thường thì chính quyền xã hay ngăn cấm những buổi dâng hoa, những cuộc rước trong các ngày lễ Quan Thầy, Chầu Lượt của Giáo xứ. Rồi thì ngăn không cho xây dựng tu bổ trong nhà thờ … và sẵn sàng bắt giam vô điều kiện những người trong ban hành giáo không chịu tuân theo lệnh của công an chính quyền địa phương.
Cho đến nay, khi tôi phần nào tường tận được một đôi điều không đáng kể về lịch sử nước nhà, lịch sử Giáo Hội, bản thân tôi thấy cần phải có một sự hội nhập trong một mức độ cho phép mà bổn phận công dân đòi buộc người Kitô hữu phải có trách nhiệm trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước. Tôi đã từng nghe nói đến cảnh người Công Giáo đứng ngoài cuộc khi đất nước lâm nạn ngoại xâm, người Công Giáo là thế lực thù địch trong lòng dân tộc làm tay sai cho giặc, và đủ thứ tắc trách khác mà lịch sử Việt Nam trưng ra. Không thấy gì hay ho hơn, chỉ thấy hiện tại người Công Giáo chịu quá nhiều thiệt thòi và đang bị khoanh vùng trong việc hoạch định chính sách của nhà nước Việt Nam.
Sinh viên Công Giáo đi học thì bị liệt vào sổ đen của Công An (Lời của giảng viên Nguyễn Văn Thiện, Chủ nhiệm bộ môn Chủ Nghĩa Xã Hội Khoa Học, Trường ĐHKHXH &NV Hà Nội), và khi ra trường xin việc thì cực kỳ khó khăn bởi lý lịch là người Công Giáo. Lúc đó buộc chúng tôi phải đứng trước một lựa chọn gắt gao & lãnh lấy một cái giá quá đắt cho sự chọn lựa đó: hoặc là đảng viên ĐCS, hoặc là thất nghiệp. Bản thân tôi cũng đang phải chịu một sự chi phối nặng nề bởi viễn cảnh tương lai không mấy sáng sủa cho một sinh viên Công Giáo học ngành XHH.
Tôi muốn nói đến việc cần phải thao thức trăn trở với vận mệnh dân tộc trong bổn phận & trách nhiệm của một công dân Công Giáo mà muốn hay không thì lịch sử đã làm méo mó hình ảnh tốt đẹp của Đức Giêsu Kitô mà nay mỗi người Công Giáo chúng tôi đang bị đóng đinh trên cây Thập Tự cộng sản để chuộc lại lỗi lầm của cha anh. Tất cả xem ra đang rất khó khăn, khi mà tất cả mọi hoạt động của người Công Giáo VN đang bị luật hóa. Nhưng vấn đề là ai sẽ đại diện cho tâm tư nguyện vọng và ý chí của người Công Giáo trước Quốc Hội VN.
Phải chăng là những ông LM trong UBĐKCG. Tôi không phủ nhận vai trò của tổ chức này, vì dẫu sao thì nhà nước VN cũng muốn có chính sách quản lý tôn giáo và thường xem người Công Giáo như là đối tượng cần phải khu biệt để tìm phương đối phó, nhưng tôi thấy một thực tế nơi những vị LM tham gia hoạt động hoặc có liên quan cách này hay cách khác trong các tổ chức chính trị do ĐCSVN dựng nên thường là những vị không gương mẫu về mặt đạo đức. Bao vụ Scandale nổi lên từ họ nhưng ngay lập tức họ được chính quyền các cấp hậu thuẫn, khiến cho các vị chủ chăn trong từng giáo phận khó lòng xử lý vì đằng sau họ đã có một lực lượng vững mạnh nâng đỡ. Như vậy, nghĩa là đang có một mưu mô xảo quyệt và độc ác của ĐCSVN nhằm làm tan biến vẻ đẹp nguyên tuyền thánh thiện của Giáo Hội Công Giáo và dần đi đến xoá bỏ luôn cả cơ cấu này sao ?
Tôi viết lên những suy nghĩ này để muốn diễn đàn có một cuộc trao đổi rộng rãi nghiêm túc, có một đánh giá khách quan và công bằng đối với những LM, Tu Sĩ, giáo dân tham gia trong các tổ chức này, để người Kitô hữu VN chúng tôi nói chung, giới trẻ nói riêng có một lập trường đúng đắn và kiên định hơn trong việc giữ đạo và trong lĩnh vực công tác của mình.
Môi sinh sông Mekong đang xuống cấp trầm trọng
RFA |
Môi sinh sông Mekong đang xuống cấp trầm trọng
RFA - 2004-03-26 - Nguyễn An
Dòng sông Mekong dài nhất tại Đông Nam Á, là nguồn thực phẩm, nguồn sống cho hàng trăm triệu người tại năm nước lưu vực hiện đang cạn kiệt chưa từng thấy. Môi sinh đang xuống cấp trầm trọng, và đời sống của người dân đang bị đe dọa.
Sông Mekong dài hơn 4200km, bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng cao hơn 5000 mét trên mặt biển, chảy một nửa trong lãnh thổ phía nam của Trung Quốc trước khi qua các nước Miến điện, Thái Lan, Lào, Cambodia, vào Việt Nam chia thành hai nhánh Tiền Giang và Hậu giang trước khi đổ ra biển Đông bằng chín cửa sông.
Qua mỗi nước, dòng sông mang một tên khác nhau ở Tây tạng, tên ấy là Dza Chu, nghĩa là dòng sông của đá. Ở Vân Nam, dòng sông tên là Lạng Thương giang. Ở Thái lan và Lào, dòng sông đựơc gọi là Mae Nam Khong, nghĩa đen là mẹ của các dòng nước. Ở xứ Chùa Tháp, dòng sông tên là Tonle Thom, tức là sông Cái và ở Việt Nam, dòng sông mang tên Cửu Long giang. Những tên khác nhau ấy cho thấy sự gắn bó của dòng sông với cộng đồng dân cư sinh sống trên lưu vực.
Nhưng trong thời gian gần đây, dòng sông đã cạn kiệt chưa từng thấy. Ở nhiều khúc sông ngay từ các nước thượng nguồn như Thái lan và Lào, ngừoi ta đã thấy các cồn cát nổi lên ở giữa sông, khiến việc di chuyển cũng khó khăn chứ chưa nói đến đánh bắt cá tôm. Một dân làng thụôc tỉnh Chiang Rai phía bắc Thái cho biết: “Hôm 18/3, mực nước sông xuống chỉ còn 90cm. Hiện nay có lên một chút nhưng vẫn còn quá cạn.” (audio clip)
Ông Pech Sokhem, một viên chức cấp cao của Uỷ ban Sông Mekong có trụ sở tại thủ đô Phnom Penh của xứ Chùa tháp hôm thứ năm đã tỏ ra đặc biệt quan ngại. Ông nói là hiện trạng của dòng nước rất tệ cho cả nông nghiệp lẫn ngư nghiệp. Nếu lưu lượng nước không tăng lên, thì cá không thể đẻ trứng, và cũng không thể di chuyển được.
Ông Chainarong Setthachua, giám đốc phân bộ Cambodia của mạng lưới các con sông Đông Nam Á còn nói thêm rằng, chẳng những mực nước dòng sông Mekong hiện thấp hơn bao giờ hết, mà dòng sông lại còn chảy thất thường nữa. Có khi lên, khi xuống.
Một bài viết trên Vientiane thời báo hôm thứ năm cho hay là tại nhiều nơi trên đất Lào, dòng sông cạn đến nỗi thuyền bè không thể di chuyển. Có những chỗ chỉ còn 50cm nước. Thuyền bè phải nằm ụ và hành khách phải lên bờ đi bộ. Ông Prasit Dimanivong, một viên chức thủy văn thuộc bộ giao thông vận tải Lào nói rằng mực nước hiện nay là cạn nhất trong 40 năm qua. Ngay tại thủ đô Vientane, có chỗ dòng sông chỉ còn 10cm nước, so với mực nước hồi năm ngóai là 80cm thì kém xa. Ông bày tỏ sự e ngại rằng nhìn vào tương lai gần, không thấy hy vọng gì tình hình đựơc cải thiện.
Tại Việt Nam, theo một số bài viết trên báo Tuổi trẻ, thì ngay từ trung tuần tháng ba, tình trạng nước mặn tràn vào sông Tiền, một trong hai nhánh chính của Cửu long giang đã xẩy ra. Nước từ nhà máy nước Mỹ tho mặn đến nỗi một người dân phải than rằng, rửa mặt xót cả mắt. Giám đốc công ty cấp thóat nước Tiền giang là ông Trương Văn Hiếu cho hay là mỗi ngày nhà máy chỉ họat động vài tiếng, vì nước sông mặn quá, gấp 5, 6 lần tiêu chuẩn cho phép nên không lấy được. Trong tháng ba, độ mặn đã lên đến 1800mg/ lít, tức là 1,8 %o so với thời điểm này năm 2002 chỉ là 300mg/ lít.
Tại Bến tre, bài báo trên Tuổi trẻ cũng cho bíêt là nước mặn đã xâm nhập sâu vào các sông Bến tre khỏang 50km, với độ mặn lên đến 4%o, hay có khi lên 5%o hay hơn nữa. Tại sao nước mặn lại tràn vào các dòng sông nhiều đến thế? Chúng tôi hỏi kỹ sư Nguyễn Minh Quang, một chuyên gia thủy học thụôc Hôi khoa học kỹ thuật Việt Nam có trụ sở tại California. Ông trả lời như sau: “Có hai nguyên nhân khiến nước mặn tràn vào sông Tiền: thứ nhất là năm nay bị hạn, lưu lượng nước thấp. Thứ hai là thủy triều tràn vào sông. Trước kia, khi chưa có các hệ thống cống ngăn mặn, thì nước mặn tràn vào theo diện rộng, nên độ mặn thấp. Nay vì có hệ thống cống và đập ngăn mặnm, nên thủy triều vào theo các dòng sông, diện tích thấp hơn và do đó độ mặn nhiều hơn.” (audio clip)
Theo lời thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, phó trửơng phòng dự báo dài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, đựơc báo Tuổi trẻ trích dẫn, thì mực nước sông Cửu Long trong tháng hai năm nay thấp hơn cùng kỳ năm ngóai khỏang 20 đến 30 cm. Bà cũng tỏ ra e ngại là khu vực miền đông nam bộ sẽ thiếu nước trên diện rộng.
Số liệu của Ủy ban sông Mêkông phổ biến trên mạng Internet cho biết, mực nước sông Cửu long đo được ở trạm Châu đốc ngày 20 tháng ba là 80cm. Qua ngày 25 xuống còn 40cm và trong vài ngày tới sẽ tíêp tục xuống thêm nữa.
Tại sao mực nước sông Mekong năm nay lại cạn kiệt đến mức đó? Theo một số chuyên gia, thì có ba lý do: thứ nhất, mùa mưa năm ngóai chỉ cho lượng mưa thấp. Thứ hai, dân số sinh sống tại lưu vực tăng, nhưng quan trọng hơn cả là việc Trung Quốc xây dựng một lọat đập thủy điện trên thựơng nguồn. Phải chăng như vậy, các đập thủy điện là nguyên nhân chính của tình trạng dòng Mê Kông cạn nước ?
Kỹ sư Nguyễn Minh Quang cho biết: “Nếu nghiên cứu mực nước sông Mekong ở điểm Chiang Sae ở bắc Thái trước khi dòng sông vào sâu nội địa Lào, thì mực ước năm nay còn cao hơn mực nước năm 1993, khi Trung Quốc đóng đập Man Wan để chứa nước. Mực nước tại trạm này năm nay cao hơn nhiều so với, mực nước năm hạn lớn 1963. Do đó, có thể nói rằng sự cạn kiệt của dòng sông ở hạ nguồn không hẳn là do tác hại của các đập thủy điện của Trung Quốc.” (audio clip)
Cũng xin đựơc nói thêm rằng không phải chỉ có Trung Quốc xây đập thủy điện trên dòng chính và phụ lưu của sông Mê kông. Các nước Thái Lan, Lào, và Việt Nam đều có xây đập, và mỗi con đập đựơc xây đều kéo theo những tác hại chẳng những về môi sinh, mà còn về cả đời sống xã hội của những cư dân trong vùng nữa, nhất là khi họ thưộc thành phần phải dời cư để xây đập.
Ngày 22-3, Ngày cho Nước trên Thế giới
RFA - 2004-03-24 - Thy Nga
Trước tình trạng thiếu nước trong sạch tại nhiều nơi, Liên Hiệp Quốc đã ấn định một ngày trong năm, gọi là “Ngày cho Nước trên Thế giới” để nhắc nhở về nhu cầu mà rất nhiều người còn chưa được hưởng - đó là ngày 22 tháng Ba.
Với dân chúng ở các quốc gia mở mang thì những tiện nghi trong cuộc sống là chuyện thường, chẳng hạn như muốn rửa rau thì vặn vòi nước ở bếp, khát thì lấy chai nước mát rượi trong tủ lạnh ra.
Riêng tại Hoa Kỳ, ngay ở thủ đô Washington, gần đây giới hữu trách phát hiện một số nơi có tỉ lệ chì trong nước lên cao hơn mức an toàn cho phép. Hiện tương này xảy ra ở những nơi hệ thống dẫn nứơc uống đã cũ, còn là những ống dẫn có pha chì. Cơ quan vệ sinh dịch tễ phải lập tức xét nghiệm nước ở nhiều thành phố, kể cả ở các tiểu bang lân cận. Nơi nào phát hiện tỉ lệ chì cao, dù chỉ hơn mức an toàn chút ít, chính quyền phải phát không những máy lọc cho mọi người dân sử dụng, trong khi chờ giải pháp vững bền.
Đối với hơn một tỷ người khác trên trái đất thì tiện nghi về nước trong sạch là điều thật xa vời chứ không giản dị như thế. Do dùng nước bị ô nhiễm mà sinh bệnh, mỗi ngày trên Thế giới, có tới sáu ngàn trẻ nhỏ ngắc ngoải chờ chết - thực tế là vậy.
Vào năm 1992, sau khi họp Hội Nghị về Môi Trường và Phát Triển, Liên Hiệp Quốc quyết định dành một ngày trong năm, gọi là “Ngày cho Nước trên Thế giới” để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ gìn các nguồn nước trong sạch - đó là ngày 22 tháng Ba.
Và từ đó, mỗi năm, ngày này là dịp để các tổ chức hoạt động nhân đạo nhắc nhở cộng đồng Thế giới là vẫn còn có rất nhiều dân chúng thiếu nước trong lành, cần sự giúp đỡ của những người tốt số hơn họ.
Hội Chữ Thập Đỏ Hoa Kỳ là một trong các tổ chức xúc tiến mạnh mẽ cho công cuộc đó. Trong 12 năm qua, Hội đã tiến hành hơn 20 kế hoạch vệ sinh nguồn nước tại 13 quốc gia rải rác ở bốn lục địa trên Thế giới, chỉ trừ châu Úc là không cần đến mà thôi. Nhờ công cuộc này, trên một triệu rưởi người được hưởng làn nước trong sạch.
Tại Kampuchea chẳng hạn, tỉnh Prey Veng ở mạn Nam là nơi mà nước bị ô nhiễm trầm trọng. Thống kê cho thấy là hơn 15% trẻ nhỏ ở tỉnh này chết khi chưa đầy 5 tuổi.
Trước cảnh đó, Hội Chữ Thập Đỏ Hoa Kỳ đang phối hợp với Hội Chữ Thập Đỏ Kampuchea tiến hành kế hoạch gọi là “Nước An Toàn cho Prey Veng” theo đó, nhân viên của hội đem các mẫu nước đi thử nghiệm đồng thời thăm dò về lối sống của dân cư, xem họ giữ vệ sinh và sức khỏe như thế nào ?
Sau khi nghiên cứu, kế hoạch được tung ra với mười ngàn dụng cụ lọc nước đem phân phối tới các nơi mà nước bị ô nhiễm nhất.
Ngoài những kế hoạch phát triển về lâu dài như vừa kể tại Kampuchea, Hội Chữ Thập Đỏ Hoa Kỳ cũng đảm trách các công tác khẩn cấp, đáp ứng ngay sau tai họa xảy ra, để cứu trợ nạn nhân.
Năm nay, “Ngày cho Nước trên Thế giới” mang chủ đề nhấn mạnh tới những tại hại do thiên nhiên và loài người gây ra cho nguồn nước. Thiên tai chiếm tới 75% mọi tai họa xảy ra trên trái đất vì vậy, cần phải nhận biết tầm quan trọng của thời tiết và khí hậu đối với các nguồn nước. Theo dõi biến chuyển của thiên nhiên, dự đoán sự việc có thể diễn ra hầu kịp thời cảnh báo cho dân chúng biết, là việc cần thiết để giảm thiểu mức nguy hại mà thiên tai gây ra đối với dân cư và các nguồn nước của họ. Tổ Chức Khí Tượng Thế giới, và cơ quan của Liên Hiệp Quốc đặc trách vấn đề giảm thiểu tai họa, đứng ra điều hành các sinh hoạt trong ngày lễ năm nay.
Họp mặt liên tôn Việt Nam ở Strasbourg
BBC - 26 Tháng 3 2004 - Cập nhật 20h55 GMT |
Nửa cuối tháng Ba, tại thành phố được xem là thủ đô châu Âu là Strasbourg, các cộng đồng tôn giáo phương Đông mà đa số là Việt Nam đã tổ chức buổi họp mặt và cử hành nghi lễ tôn giáo chung với nhau.
Trong phòng họp chính, những người Việt chiếm đa số trong 300 khách dự có cơ hội gặp gỡ, lắng nghe, và đặc biệt là quan sát và cùng tham dự nghi lễ tôn giáo của các tôn giáo khác nhau - từ xa lạ như những câu kinh Ấn giáo, hay Phật giáo Nam Tông, cho đến gần gũi như là Phật giáo Bắc Tông, Cao Đài, Hòa Hảo, và Tin Lành cùng Thiên Chúa Giáo La Mã, tức là các cộng đồng tôn giáo chính của người Việt ở Strasbourg, hay mở rộng ra là trên đất Pháp và Đức.
Giáo sư Nguyễn Đăng Trúc từ ban tổ chức cho biết: - "Mục tiêu mà ủy ban đối thoại liên tôn đã chuẩn bị trong 3 năm là tạo điều kiện cho người Việt, người gốc Đông Phương ở vùng Alsace gặp nhau."
"Hôm nay qui tụ hầu hết các cộng đồng sắc tộc như Ấn Độ, Tích Lan, Lào và Tây Tạng, cũng như các tôn giáo, và cái đó đối với mục tiêu mà chúng tôi đề ra là sự thành công" - ông Trúc nói.
Trong khuôn viên trung tâm văn hóa Saint Thomas, tức là nơi mà Giáo hoàng Gioan Phao-lồ đệ nhị từng nghỉ ngơi khi đến Strasbourg, người ta nghe thấy tiếng cầu kinh của Phật giáo Việt Nam từ phái đoàn của hòa thượng Thích Minh Tâm, chủ tịch Âu châu của giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất.
"Lý do của buổi hôm nay là muốn các tôn giáo gần gũi, hiểu biết, cùng làm việc, tránh mâu thuẫn" - Hòa thượng Thích Minh Tâm nói.
Thế nhưng vấn đề đặt ra là những cuộc họp mặt tôn giáo có các tổ chức tôn giáo của người Việt di tản tham gia dễ dẫn đến mâu thuẫn giữa các cộng đồng tôn giáo và chính quyền Việt Nam.
"Thực ra chỗ nào cũng có mâu thuẫn, nhưng cũng có điểm chung, là tôn giáo lấy lòng thương làm chung, đem lại hạnh phúc cho con người" - Hòa thượng Thích Minh Tâm không trả lời trực tiếp vào câu hỏi.
Dù vậy, điểm nổi bật trong cuộc họp mặt này là không có những nghi thức chính trị thường gặp trong các cộng đồng người Việt tị nạn, mà tập trung nhiều vào góc độ tôn giáo và văn hóa cộng đồng.
Tuy nhiên, vấn đề tự do tôn giáo vẫn giữ vai trò rất quan trọng trong những nội dung trao đổi.
Đức ông Joseph Doré là chủ nhà của cuộc họp trong vị trí Tổng giáo mục giáo phận Strasbourg có cùng một quan điểm với hòa thượng Thích Minh Tâm:
"Giáo hội Thiên chúa giáo La Mã hoàn toàn tôn trọng quyền tự do của con người. Có quan điểm cho rằng khác biệt tôn giáo gây ra xung đột và chiến tranh, nhưng với tôi tôn giáo không phải là nguồn gốc của xung đột trên thế giới, mà chính là khái niệm và hiểu biết về tôn giáo gây ra. Tôi không thấy có tôn giáo nào kêu gọi giáo dân chống lại người khác cả."
Nhưng tập hợp tôn giáo có thể tạo ra mâu thuẫn với chính quyền Việt Nam ?
"Chúng tôi không chống lại cá nhân, đất nước hay chính phủ, mà quan trọng là mỗi cá nhân tự nghĩ xem sẽ làm gì, nghĩ gì, thực hành và tư duy theo hướng nào và các chính phủ trên thế giới phải tôn trọng quyền tự do của công dân và dân tộc. Trách nhiệm của tôn giáo là đòi hỏi quyền tự do tồn tại của con người." - Đức ông Joseph Doré trả lời.
Nhưng có những quan điểm nói rằng các linh mục Pháp đã dẫn quân Pháp vào xâm lược Việt Nam. Bây giờ thì lại có một cuộc họp mặt tôn giáo được tổ chức ngay cạnh tòa án nhân quyền và quốc hội châu Âu.
"Trong quá khứ có thể có những người theo đạo Thiên Chúa không tôn trọng tập quán của các cộng đồng khác, hay quyền tự do của người khác. Nhưng nội dung nghị quyết Vatican 2 nhấn mạnh rằng tự do tôn giáo là giá trị phải được nhà thờ tôn trọng và chúng tôi muốn tuân theo xu thế này." Tổng giám mục giáo phận Strasbourg nói rõ quan điểm.
Thế nhưng một số hành động của một vài tổ chức tôn giáo có mặt trong buổi lễ này từng được báo chí Việt Nam gọi là âm mưu diễn tiến hòa bình.
Vậy câu hỏi được đặt ra với giáo sư Nguyễn Đăng Trúc từ ban tổ chức là vậy thì có phải ông đang làm diễn tiến hòa bình hay không ?
"Diễn tiến hòa bình là một ngôn ngữ của nhà nước Việt Nam nói đến đường lối dân chủ hóa mà phương Tây mong đợi nước Việt Nam chuyển biến. Cũng giống như anh nói đến dân chủ thì nước Việt Nam của đảng cộng sản bao giờ cũng mang tên dân chủ, nhưng mà dân chủ đó có đồng nghĩa với người Pháp hiểu, người Mỹ hiểu, trên thế giới hiểu không?" - Ông Nguyễn Đăng Trúc trả lời.
"Cái chữ hòa bình ở đây cũng vậy, chúng tôi lấy lại cái hứng khởi của các tôn giáo, chứ không phải hòa bình do ai định nghĩa hết. Hòa bình đó không phải người cộng sản định nghĩa hay là Mỹ hay ai định nghĩa cả mà chúng tôi nói tới đây là hòa bình thật từ tâm anh nơi đời xưa, từ vua Hồng Bàng, vua Hùng Vương cho đến đời cha mẹ tôi." - Ông Trúc giải thích
"Một cách bình thường ở trong gia đình người ta cũng nói chữ Hòa Bình. Tui không cần có chính phủ chi định nghĩa hòa bình hết, và hòa bình đó chúng tôi tìm kiếm chứ không phải do một chế độ chính trị nào định nghĩa." - Ông nhấn mạnh.
Buổi họp mặt tạo đỉnh cao là giờ cầu nguyện chung của các tôn giáo, và kết thúc bằng những tiết mục văn nghệ do nhiều cộng đồng khác nhau cùng đóng góp.
Tuy nhiên, nhìn lại độ tuổi của khán giả người Việt ngồi xem, có thể thấy là thông điệp của thế hệ già đã sống qua biến cố 1975 hầu như không được thế hệ trẻ tiếp nhận, khi bản thân họ nói tiếng Việt không nhiều, không biết nhiều về văn hóa Việt Nam và càng không hiểu nhiều về những vấn đề chính trị xã hội hiện tại của Việt Nam.
http://www.ykien.net
|