“VỤ ÁN SIÊU NGHIÊM TRỌNG”
XIN ĐỪNG MẤT THỜI GIAN, VÔ ÍCH
Từ đầu năm 2004 này, sau khi bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi Bộ chính trị, TW Đảng cộng sản được tung ra và đặc biệt nhất là sau bức thư của Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh được công bố, liên tiếp các đơn thư tố cáo, kiến nghị đòi đưa “vụ án siêu nghiêm trọng” này ra ánh sáng, liên tiếp các bài viết của các cựu chiến binh, lão thành cách mạng, những người đấu tranh cho dân chủ ở trong và ngoài nước đồng loạt lên tiếng. Đây là một sự kiện rất quan trọng và thật sự là một vụ bê bối chính trị, một scandal lớn trong nội bộ Đảng cộng sản Việt nam. Những thông tin về “vụ án siêu nghiêm trọng” đó cùng nhiều nội dung góp ý khác được truyền tải trên các phương tiện thông tin ở Hải ngoại là một việc làm rất hữu ích cho sự nghiệp đấu tranh dân chủ của Việt nam, giúp cho đồng bào trong ngoài nước (đặc biệt là người dân trong nước) biết rõ được sự thật, được tường tận những sự việc mà lâu nay chế độ cộng sản vẫn che dấu, bưng bít, nhận rõ thêm bản chất thối nát đen tối của chế độ cộng sản Việt nam.
Những ý kiến phẫn nộ cũng đã nhiều, cũng đã làm hao tâm tổn trí của rất nhiều tấm lòng thật sự vì nước, vì dân. Bài viết này lại xin bàn luận đến một khía cạnh khác từ “vụ án siêu nghiêm trọng” ấy.
Trước hết, chúng ta cần phải bàn đến việc “vụ án siêu nghiêm trọng” ấy thì có ảnh hưởng gì và hiệu quả như thế nào đến các phong trào đấu tranh đòi dân chủ cho Việt nam. Thẳng thắn mà nói thì tất cả các “tiếng nói dân chủ” khi bàn đến “vụ án siêu nghiêm trọng” đều đã nghĩ đến điều này, tuy nhiên các bài viết lại rất né tránh khi bàn đến nó và không dám nói thẳng ra. Tôi xin bàn luận công khai vấn đề này ra ở đây bởi vì thật ra nó cũng chẳng có gì đáng gọi là bí mật cả, và cũng xin khẳng định rằng cơ quan an ninh của cộng sản cũng chẳng lạ gì việc các “chiến sỹ dân chủ” muốn gì từ “vụ án” đó. Tôi e rằng đa số chúng ta vẫn còn quá cả tin và hy vọng quá nhiều vào những yếu tố khách quan. Thật ra cộng sản Việt nam đã có thâm niên kinh nghiệm trong việc dàn xếp những bê bối, những đấu đá nội bộ. Trước đây trong nội bộ Bộ chính trị, Trung ương Đảng cộng sản đã xảy ra rất nhiều vụ thanh trừng, hạ bệ, “thanh toán” nhau (kể từ những năm 30 của thế kỷ trước) nhưng nào có mấy ai được hay biết gì, chính Hồ Chí Minh lãnh đạo cao nhất của cộng sản Việt nam lại là kẻ rất cao tay trong những màn “hạ bệ”, “thanh toán” đó với rất nhiều vụ “mất tích”, “hy sinh” mà cho đến tận bây giờ vẫn còn nằm trong bóng tối của quá khứ (xin bàn đến những sự việc này ở một bài viết khác). Gần đây khi mà cả Thế giới thông tin bùng nổ với sự phát triển của phương tiện Internet, cộng sản Việt nam vẫn có thể giải quyết ém nhẹm “một cách tốt đẹp” các mâu thuẫn của Trần Xuân Bách, Nguyễn Hà Phan, Lê Khả Phiêu ... tuy rằng ở mỗi sự việc thì đều có nhiều chi tiết khác nhau nhưng thật ra nó hoàn toàn giống nhau về bản chất, đó chính là sự mâu thuẫn, đấu đá nội bộ cộng sản. Vì vậy nếu ai còn hy vọng ở một “vụ án siêu nghiêm trọng” sẽ được công khai, xét xử chính đáng và tạo ảnh hưởng có lợi (xin chỉ khiêm tốn dùng từ này) đến phong trào dân chủ, tôi cho chỉ là những ảo tưởng.
Ở một góc độ khác, nhân dân thấy cần phải đưa “vụ án siêu nghiêm trọng” ra xét xử chăng ? Ở trong một xã hội có pháp quyền thì có vụ án nào mà công luận không yêu cầu xét xử minh bạch, từ chuyện ăn cắp vặt cho đến buôn hê-rô-in, cho đến một vụ án chính trị. Nhưng ở Việt nam thì điều đấy là sai rồi, người dân có được biết và được bàn luận điều gì ? Nếu quả thật là người dân phẫn nộ với “vụ án siêu nghiêm trọng”, nếu quả thật là người dân yêu mến Đại tướng Võ Nguyên Giáp hơn bản thân mình thế sao lúc Võ Đại tướng “được” giao cho phụ trách “cây đa nhà bò” (1) thì không ai phẫn nộ cả, không ai đứng lên bảo vệ đi (cũng cần nhớ rằng thời điểm đó Việt nam đang rơi vào thời kỳ khủng hoảng đen tối nhất, đi đến đâu cũng chỉ nghe thấy tố cáo, bất mãn chế độ, chửi rủa bè lũ Lê Duẩn – Lê Đức Thọ, rất nhiều các “thơ, ca, hò, vè” dân gian tố cáo chế độ cộng sản mà các bài viết vẫn trích dẫn, đa số đều được sản sinh ra trong thời kỳ đó). Ở nội dung này xin bàn đôi điều về bài viết “Những người bình thường nghĩ gì về vụ án Tổng cục 2” của tác giả Bắc Hà để tìm hiểu xem thực sự thái độ người dân Việt nam như thế nào, có phải như nội dung bài viết không ? Trước hết để phân tích cho kỹ (vì nếu không sẽ dẫn đến ngộ nhận) tôi xin bàn đến khái niệm “những người bình thường” của tác giả Bắc Hà (mặc dù để phân biệt khái niệm trừu tượng thế nào là “bình thường” và thế nào là “không bình thường” là rất khó). Theo tôi đã là “những người bình thường” (ở vị thế chính trị) trong số đông dân chúng Việt nam chắc chắn phải là những người không có chức quyền và được hưởng lợi từ thể chế trính trị đó, vậy cứ cộng hết cả đám hơn 2 triệu Đảng viên cộng sản và các loại quan chức hành chính khác nhau chắc chắn rằng không thể tới 10 triệu, vậy là còn đến hơn 70 triệu “người bình thường” nữa, 70 triệu con người này chính là những người lao động thật sự, họ phải vất vả mưu sinh, họ không nhận được một bổng lộc gì của chế độ mà họ còn bị chế độ cộng sản này áp bức, bóc lột, thật ra chính họ là những nạn nhân, tù nhân của chế độ cộng sản, có thể khẳng định rằng hầu hết trong số họ đều không có khả năng mua một tờ báo đọc hàng ngày (tất nhiên những người có thể mua báo đọc hàng ngày và dùng Internet để làm phương tiện đấu tranh không phải là “những người không bình thường”, thế nhưng những người này đã biết né tránh những áp bức, bóc lột của cộng sản và chưa thể hiểu hết được nỗi cùng cực của “những người bình thường” thấp cổ bé họng phải ghánh chịu, và hơn nữa số lượng này cực kỳ ít ỏi), vậy trước hết tác giả Bắc Hà phải nằm trong số 70 triệu con người đó thì mới có thể là tiếng nói đại diện và khách quan. Hơn nữa chính những việc làm và những bài viết đấu tranh cho dân chủ của tác giả cũng đã đi quá giới hạn “bình thường” rồi (điều đó sẽ rất đúng với hoàn cảnh thực tế tại Việt nam), vì nếu “những người bình thường” đều có được suy nghĩ và hành động tương tự như tác giả Bắc Hà thôi thì tôi tin chắc rằng lúc đó các “chiến sỹ dân chủ” sẽ chẳng phải làm gì nữa, bởi vì chế độ cộng sản đã sụp đổ từ lâu rồi. Có nghĩa là ở góc độ đánh giá quan điểm chính trị tôi cho rằng tác giả Bắc Hà có sự ngộ nhận, người dân Việt nam bình thường không có mấy người có được suy nghĩ và hành động như tác giả Bắc Hà đâu. Ở nội dung bài viết, tác giả đã nêu lại những sự thật dơ bẩn của chế độ cộng sản mà tác giả cho là bất ngờ vì thấy cái tổ chức Đảng nó giống như một “tổ chức mafia”, và ghê tởm khi “vụ án siêu nghiêm trọng” đã cho thấy rõ cả những loại “đại tướng đểu”, “chủ tịch đểu”. Thật ra, điều đó chính là tác giả vẫn đang còn bị mê hoặc do những trò “bùa phép”, “lừa lọc” của chế độ cộng sản. Tôi tâm đắc với lời nhận định của nữ văn sỹ Dương Thu Hương: “chính quyền này chính là do cộng sản cướp được và bản chất của kẻ cướp thì không bao giờ thay đổi”. Thật ra cái Đảng này, cái chế độ cộng sản này nó đều dơ bẩn và “đểu thật” (chứ không phải “đểu giả”) như thế, nó vẫn như thế từ trước đây, qua cả quá trình lịch sử mấy chục năm tồn tại và cho đến tận bây giờ, chỉ có một điều là chính vì nó đã bịt tai bịt mắt được nhân dân rất kỹ cho nên nó vẫn tồn tại được đến bây giờ, có vậy thôi. Và một thực tế là đến bây giờ “những người bình thường” Việt nam vẫn chưa hề được biết và quan tâm gì đến “vụ án siêu nghiêm trọng” cả.
Còn một góc độ nữa cần phải phân tích thêm, đấy là dư luận Thế giới và những tổ chức quốc tế phản ứng về “vụ án siêu nghiêm trọng” như thế nào ? Dễ hiểu rằng các quốc gia và các tổ chức công khai họ không hề có đả động hoặc quan tâm gì đến “vụ án siêu nghiêm trọng” này cả, mặc dù Võ đại tướng là một người rất nổi tiếng đấy chứ, cả Thế giới biết đến ông kia mà. Các quốc gia khác thì bao giờ họ cũng biết khôn ngoan để tôn trọng Hiến chương Liên hiệp quốc, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Hơn nữa “ở đời người ta phù thịnh, chứ mấy ai lại phù suy”, thậm chí bầu cử tổng thống Mỹ đến giây phút cuối cùng nếu chưa biết chắc ai đắc cử họ cũng chẳng dám bạo miệng mà chúc mừng lung tung, lỡ mà chúc nhầm thì...! Thế nhưng các tổ chức khác, như CIA chẳng hạn ? Chắc chắn CIA chẳng bao giờ làm ngơ trước những sự việc “siêu nghiêm trọng” thế này, nói vậy không phải là vì chúng ta có mặc cảm hay ghét bỏ gì cơ quan tình báo của Mỹ mà đặt điều cho họ, nhưng thật ra trong lịch sử mấy chục năm đối đầu chẳng mấy tốt đẹp đã có quá nhiều những sự kiện, những “duyên nợ” giữa hai cơ quan tình báo Việt nam và Mỹ mà không thể dễ quên ngay được. Hơn nữa cụ thể sự việc này lại liên quan quá rõ ràng đến CIA, thậm chí người ta còn “khai tên chỉ mặt” ra đó, thế thì cơ quan CIA làm sao có thể vô tình làm ngơ được. Vậy thì CIA phản ứng thế nào ? Nếu CIA có hoặc không có động thái gì cả thì cũng là toan tính riêng của họ, tất nhiên là chúng ta cũng không dễ nhận thấy. Cơ quan tình báo Trung quốc thì sao ? Chắc chắn họ cũng không hề thờ ơ với những sự việc như thế này. Thế nhưng tất cả vẫn chỉ là “đoán non đoán già”, còn chưa có gì có thể nhận xét đó là động thái của họ cả. Vâng, thái độ phản ứng của quốc tế là thế đó, chính vì họ hiểu quá rõ tính “siêu nghiêm trọng” của vụ án này rồi.
Vậy chỉ có thể nhìn thấy rõ ràng nhất là sự phẫn nộ của các tiếng nói đấu tranh dân chủ, các bài viết của các cựu chiến binh (có thể gọi chung là như vậy). Ngoài mục đích nêu thêm các dẫn chứng để vạch trần sự thật bỉ ổi của lãnh đạo cộng sản, các mục đích khác có thể nói là không rõ ràng và hiệu quả. Thế nhưng chế độ cộng sản thì đã xấu tới mức không thể xấu hơn được nữa, tội lỗi của nó trong quá khứ còn gấp ngàn lần như vậy và vẫn đang tiếp diễn hàng ngày như vậy thì có sao đâu. Vậy vấn đề mấu chốt hiện nay có còn là tố cáo những sai lầm nội bộ của chế độ cộng sản nữa không ? Gần đây được đọc bài viết “Tham nhũng, không nên chống” của tác giả Q.C.T.S tôi rất ủng hộ quan điểm của tác giả, theo tôi phong trào đấu tranh cho dân chủ Việt nam rất cần thiết có những quan điểm và chủ trương như vậy.
Tôi rất khâm phục một số những việc làm của ông cựu Đại tá, nhà báo Bùi Tín, nhưng trong sự việc này tôi cũng thấy cần trao đổi thêm với ông Bùi Tín. Ngay sau khi bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được công luận biết đến, trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí ông Bùi Tín đã tỏ ra thẳng thắn phê bình những thái độ bàng quan, vô cảm đến hèn nhát của Võ đại tướng trong suốt hơn 30 năm qua, nhìn thấy sai mà không dám nói, thấy chết mà không dám cứu (đặc biệt đấy lại là những đồng đội, thuộc cấp của mình). Vậy nhưng đến khi bức thư của Thượng tướng Nam Khánh được công bố thì ông Bùi Tín đã liên tục viết mấy bài báo bàn về “vụ án siêu nghiêm trọng” ấy. Đặc biệt, ông Bùi Tín cho là ông rất hiểu Võ đại tướng, Võ đại tướng khi đã quyết định điều gì là sẽ làm đến cùng, đây là trận đánh cuối cùng của Võ đại tướng do đó ông Bùi Tín nhận định là sẽ có “nổ lớn”, ông Bùi Tín đã yêu cầu các cá nhân, tổ chức ở trong ngoài nước tăng cường hơn nữa các sức ép với chính quyền cộng sản để họ buộc phải đưa vụ án ra xét xử công khai, ông Bùi Tín cũng không dấu sự mong mỏi các lực lượng quốc tế can thiệp để làm tăng áp lực với nhà nước cộng sản. Thật ra sự việc vẫn đang còn ở phía trước, nhưng với những điều mà dân tộc Việt nam đã hiểu quá rõ sau 60 năm gắn bó với cộng sản, với những viện dẫn ở trên đây, tôi xin cam đoan với ông Bùi Tín rằng sẽ chẳng có “nổ lớn” nào cả. Tôi hiểu rằng các bài viết vừa qua với nhiều hàm ý khác nhau nhưng cái mục đích cuối cùng của ông Bùi Tín là rất tốt, chứa đựng nhiều hy vọng tốt đẹp, thế nhưng tôi cho rằng sẽ chẳng có hy vọng nào ở người khác tốt đẹp hơn chính công việc tự tay mình phải làm.
Mặc dù như trên đã nói, những bài viết tố cáo Tổng cục 2 vừa qua là có những hiệu quả nhất định, tuy nhiên đằng sau cái được ấy chúng ta cũng cần phải đánh giá những ảnh hưởng tiêu cực khác, dù rất khó định lượng và chính xác, ví dụ như hiện tại phe phái của Lê Đức Anh đang dùng những việc làm ấy của các “chiến sỹ dân chủ” làm lý do để ém nhẹm tất cả, để tự bảo vệ cho mình, để làm "vật" giữ cân bằng trong cán cân đối trọng. Do vậy điều tôi đề cập đến ở bài viết này là muốn góp ý thêm với các tác giả, với các “chiến sỹ dân chủ” để chúng ta có sự đánh giá đúng và định hướng đúng trong “vụ án siêu nghiêm trọng” này. Những điều tôi vừa trao đổi trên đây với tác giả Bắc Hà không phải là tranh luận về chữ nghĩa mà thật ra chính là tôi muốn nhắc tác giả nên quan tâm một cách thực chất đến số đông dân chúng, đồng bào mình, rất rất nhiều những người chưa được như mình (chứ không phải những người như mình), chính họ - chính hơn 70 triệu con người ấy mới là đối tượng của “dân chủ”, họ còn đang cần những nhu cầu rất thực tế, họ cần được biết, rất cần được “nghe thấy”, được “hiểu rõ” là những kẻ đang làm việc trong bộ máy công quyền kia, đang có cuộc sống sung sướng hơn họ, đang ăn trên ngồi chốc, quát mắng họ lại ăn lương chính là do sức lao động mà người dân đóng góp, hoặc tham nhũng chính vào những mồ hôi nước mắt mà họ đổ xuống, những người dân ấy cần được hiểu rằng những công trình điện, nước, điện thoại cứ hết bị đào lên lại lấp xuống chính là đang tiêu xài lãng phí vô lý những đồng tiền của nhân dân đóng góp, những đồng tiền của mỗi cá nhân chúng ta chứ không phải mơ hồ về cái “ngân sách” nào hết, những hành động đó phải được ngăn chặn ngay lập tức, kiên quyết đấu tranh chứ không phải làm ngơ coi là việc của thiên hạ. Người dân cần được biết ông Nguyễn (2) Hồng Sơn, Trần Khuê, Nguyễn Hồng Quang ... thực sự là bị cộng sản đàn áp nhân quyền, đàn áp dân chủ, đàn áp tôn giáo chứ không phải là gián điệp, là chống người thi hành công vụ ... như cơ quan an ninh của cộng sản đã bịa đặt, vu cáo, gắp lửa bỏ tay người. Đương nhiên “vụ án siêu nghiêm trọng” kia nếu “những người bình thường” được biết đến cũng là tốt, nhưng thật ra những thông tin ấy có mấy ai được biết đâu, vả lại với họ thì những ông Đại tướng “đểu”, Chủ tịch “đểu” cũng chẳng có nghĩa gì, vì từ trước đến giờ trong suy nghĩ của họ thì những ông ấy có “đểu thật” hay “đểu giả” thì cũng chẳng có nghĩa lý gì, chẳng ảnh hưởng gì đến họ trong xã hội độc Đảng, ông này hay ông khác thì cũng có gì là khác nhau đâu. Vì vậy việc rất cần làm, có hiệu quả hơn những bài viết về “vụ án siêu nghiêm trọng” là những hành động cụ thể, bằng cách này hay cách khác (mà trong phạm vi bài viết này chưa thể đề cập hết) để giác ngộ, tuyên truyền trực tiếp đến quần chúng vai trò làm chủ của mình (chính là dân chủ) trong phạm vi quyền lợi của mỗi công dân, mỗi con người.
Hơn bao giờ hết, tất cả chúng ta phải thực hiện, phải hành động chứ không còn là nghiên cứu, tranh luận, bàn luận mãi nữa. Chúng ta tranh luận để tìm ra cái đúng nhất, chúng ta tranh luận để đến đuợc với nhau chứ không phải để tự ái, để chia rẽ, mất đoàn kết. Mấy chục năm qua các tổ chức, cá nhân đã để lãng phí một khoảng thời gian quá dài, mà sự tập hợp, đoàn kết vẫn còn rất manh mún, đấy là một thực tế không thể chối cãi. Đã đến lúc chúng ta phải tự nguyện đến với nhau, sát cánh bên nhau, gạt bỏ mọi rào cản. Tôi có thể đánh giá Dự án chính trị Dân chủ đa nguyên của Tập hợp dân chủ đa nguyên là đơn giản, không có gì đặc biệt thì Tập hợp Dân chủ đa nguyên cũng không thể vì thế mà ghét bỏ tôi. Tôi có thể cho rằng nhiểu tổ chức đối kháng cộng sản đường lối đấu tranh còn mơ hồ và không triệt để, lực lượng tổ chức còn thiếu chặt chẽ và không xây dựng được thành một chính đảng có uy tín, nhưng các tổ chức đối lập cũng không thể vì thế mà tự ái hoặc tẩy chay. Tôi có thể đánh giá những bài viết của tác giả Bùi Tín là còn thiếu thông tin thực tế thì tác giả Bùi Tín cũng không thể vì thế mà xa lánh tôi. Tôi có thể góp ý với tác giả Bắc Hà, với Lê Chí Quang điều này điều kia là trái tai, nghịch nhĩ thì các tác giả vẫn phải cùng tôi đứng chung một chiến tuyến, đấy chính là đấu tranh cho dân chủ và tương lai của dân tộc mình.
Vậy thì cái điều cần thiết hơn là sự mạnh mẽ lên án lãnh đạo cộng sản (có ai còn tin yêu gì nữa đâu mà cứ phải lên án mãi ??) hay chờ đợi vào một sự thay đổi đặc biệt nào đó trong chế độ cộng sản, trong xã hội Việt nam chính là những công việc hiệu quả và thực tế khác mà lâu nay chúng ta vẫn chưa làm được. Xin các tác giả, tất cả những con người có trái tim biết rung cảm trước những đau thương của đồng bào, của dân tộc mình, tất cả các “chiến sỹ dân chủ” đang ngày đêm đấu tranh với chế độ cộng sản độc tài, tất cả những tổ chức, cá nhân có chung một mục đích là thay đổi thể chế chính trị tại Việt nam và đưa dân tộc Việt nam đến một tương lai tốt đẹp hơn, chúng ta phải đoàn kết lại, chúng ta phải biến tất cả thành những việc làm cụ thể hơn, chúng ta không bao giờ tuyệt vọng nhưng cũng không nên hy vọng vào những điều kiện hoàn cảnh khách quan, tất cả phải là những hành động rất thiết thực của chúng ta. Chúng ta đừng mất thời gian và tốn công, vô ích trông đợi vào những yếu tố khách quan, trông đợi vào thời cuộc, trông đợi vào sự suy yếu của chế độ cộng sản. Thời cuộc chính ở trong tay chúng ta, chế độ cộng sản chỉ có thể suy yếu và sụp đổ khi lực lượng đối lập thực sự mạnh. Muốn chiến thắng thì phải có sự đoàn kết, phải cùng nhau triệt để hành động với mọi khả năng của mình.
... (3)... , ngày thành lập QĐND Việt nam 2004
M.T.
http://www.ykien.net
|