Vụ Án Tổng Cục 2
BỘ CÔNG AN
TỔNG CỤC AN NINH ---*--- Số: 167/A11 (A12C3) |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
ĐỘC LẬP - TỰ DO – HẠNH PHÚC ------*------ Tp. Hồ Chí Minh, ngày 05 tháng 4, năm 2005 |
Kính gửi:
- Đ/c Bộ trưởng Lê Hồng Anh
- Đ/c Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Khanh Toàn
BÁO CÁO
Kết quả cuộc họp đánh giá tình hình ANTT nổi lên
thời gian gần đây và đối sách của ta trong thời gian tới.
Chiều ngày 04/4/2005 tại Hội trường ANC3, đồng chí Thứ trưởng Nguyễn Văn Hướng và chủ trì cuộc họp để nghe các đơn vị, địa phương báo cáo tình hình công tác ANTT nổi lên tại các tỉnh, thành phố phía Nam thời gian gần đây (nhất là số đối tượng “GHPGVNTN”, PGHH, T295, tù PCM tha, phản động lưu vong…), sự can thiệp của các thế lực thù địch và các chủ trương đối sách của ta trong thời gian tới.
1. Tham dự gồm có lãnh đạo các đơn vị, địa phương:
- Đại diện Lãnh đạo các Tổng cục I, II, V (Thường trực tại Tp. HCM);
- Đại diện Lãnh đạo các Cục A17, A18, A21, A23, A24, A25, A27, A29, A35, A36, A37, A41, A42, A44, A12, C12;
- Giám đốc (Phó Giám đốc) Công an các tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long và Đồng Nai.
2. Nghe A41 báo cáo, tập trung đánh gía sâu sắc về tình hình hoạt động của đối tượng cực đoan trong tôn giáo từ đầu năm 2005 đến nay:
- Hoạt động của nhóm Quảng Độ (GHPGVNTN): Sau khi ta ngăn chận làm thất bại ý đồ ra Bình Định để ép Huyền Quang chuyển giao quyền lực, Quảng Độ ngày càng tỏ thái độ hung hăng, công khai thách thức, gia tăng các hoạt động chống đối cực đoan, đòi phục hồi “GHPGVNTN”; chủ trương liên kết với số cơ hội chính trị, bọn PĐLV tha để đấu tranh tự do tôn giáo, dân chủ , nhân quyền, đa nguyên, đa đảng ở Việt Nam.
- Hoạt động của Lê Quang Liêm và Nguyễn Văn Điền (PGHH). Sau thời điểm ngày 15/3/2005, Lê Quang Liêm, và Nguyễn Văn Điền đã chỉ đạo số cốt cán cực đoan ở miền Tây lợi dụng tổ chức lễ giỗ Huỳnh Phú Sổ ngày 25/2 âl (tức 03/4/2005), nếu chính quyền ngăn chận, chúng sẽ kích động tín đồ biểu tình tuyệt thực tập thể, tự thiêu để gây áp lực, tố cáo ta đàn áp tôn giáo trước dư luận quốc tế. Để thực hiện ý đồ trên, Liêm đã tìm cách gặp viên chức chính trị TLSQ Mỹ; liên lạc móc nối với bọn PĐLV để thông báo tình hình và đề nghị giúp đỡ hoạt động; soạn thảo “Huyết thư”, “Tuyên cáo” tố cáo Việt Nam đàn áp PGHH, kích động tín đồ đấu tranh, đòi yêu sách…
- Đ/c Hoàng Phước Thuận, Phó Cục trưởng A42, báo cáo tình hình hoạt động của bọn phản động lưu vong thời gian gần đây, nổi lên là tổ chức “Việt Tân”, “Đảng Nhân Dân Hành Động”, Chính phủ Việt Nam tự do”, đẩy mạnh hoạt động đưa người về nước phát triển lực lượng: tìm cách móc nối với số cơ hội chính trị, tù phản cách mạng tha, đối tượng cực đoan trong “GHPGVNTN”, PGHH, thực hiện ý đồ tập hợp lực lượng, hình thành “liên minh dân chủ”, tô/ chức chính trị đối lập, chuẩn bị kế hoạch biểu tình, ra “Tuyên bố chung 2005”.
- Đ/c Hồ Việt Lâm, Cục trưởng A44, báo cáo tình hình hoạt động của các hội nhóm “Khmer Krom” những tháng đầu năm 2005 gia tăng và tác động mạnh vào địa bàn Tây Nam Bộ. Đáng chú ý, chúng ta phải tìm cách liên lạc, móc nối được vào nội bộ ta ở một số tỉnh: SócTrăng, Bạc Liêu, Trà Vinh… tập trung là cán bộ dân tộc đang cộng tác vói các cơ quan báo chí, đài Phát thanh – Truyền hình, số sinh viên y khoa và số chức sắc, trí thức người Khmer vùng Tây Nam Bộ…
- Đ/c Đường Minh Hưng, Phó Cục trưởng A35 báo cáo tình hình hoạt động của các đối tượng Mỹ, thường xuyên tiếp xúc với số cơ hội chính trị , chống đối cực đoan trong tôn giáo, song công tác đấu tranh ngăn chận gặp khó khăn. Vì vậy, đề nghị các đơn vị nghiệp vụ và công an địa phương cần tập trung đấu tranh quản lý chặt số đối tượng trong nước là chính, không để chúng nó có điều kiện gặp gỡ móc nối với đối tượng bên ngoài.
- Đ/c Nguyễn Chí Thành, Phó Giám đốc CA Tp HCM, báo cáo bổ sung các hoạt động của số đối tượng Mỹ, nhóm Quảng Độ, Viên Định trong “PGVNTN”, đoàn Thích Nhất Hạnh và các đối tượng chính trị.
- Đ/c Nguyễn Việt Thành, PTPC - TCII, đánh giá tình hình TTATXH Quý I/2005 có nhiều diễn biến phức tạp, số vụ xẩy ra tăng hơn cùng kỳ 2004, án giết người, do các nguyên nhân tăng và diễn ra ở diện rộng cả thành thị và nông thôn. Đáng chú ý, vụ gây rối vào đêm 21/3/2005 tại Tp HCM, vài trăm người chống trả lực lượng CSGT và CS 113; vụ gây rối do tranh chấp, khiếu kiện đất đai của người dân tộc ở huyện Bù Đăng, Bình Phước; vụ công nhân Cty TNBB Bình Dương gây rối trật tự công cộng, đập phá xe cảnh sát; vụ lâm tặc ở Đắk lắk chống người thi hành công vụ… cho thấy, đây là hiện tượng xã hội không bình thường, không loại trừ có yếu tố chính trị.
3. Sau khi nghe phản ánh tình hình của các đơn vị và Công An địa phương, Đ/c Thứ trưởng Nguyễn Văn Hường đánh giá, hiện nay các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước, đặc biệt là Mỹ đang ráo riết đẩy mạnh hoạt động liên kết, tập hợp lực lượng, đối sách trong thời gian tới:
Trước hết về tình hình kinh tế - xã hội
- Trong Quý I/2005, Chính phủ đã có sơ kết, đánh giá tình hình kinh tế nước ta tiếp tục có mức tăng trưởng đều đặn (7,5%), nhưng chưa đạt mục tiêu đề ra (8%). Đáng chú ý, ngành công nghiệp nặng (dẫu khí, xi măng, sắt thép) giảm; giá các mặt hàng đều tăng, nếu tình hình này chậm khắc phục sẽ tác dụng xấu đến toàn bộ nền kinh tế đất nước. Thời gian tới chính phủ sẽ mở nhiều cuộc hội nghị chuyên đề để bàn giải quyết, tháo gỡ vấn đề này.
- Chính phủ cũng đánh giá tình hình ANTT có nhiều tiến bộ, song vấn đề tai nạn giao thông vẫn xẩy ra nghiêm trọng; an ninh xã hội còn nhiều bức xúc, đã xẩy ra một số vụ việc nghiêm trọng như: vụ gây rối trật tự công cộng ở Tp HCM, vụ hàng trăm tên lâm tặc tấn công kiểm lâm ở Đắk Lắk… Đây là dấu hiệu không bình thường cần phải tập trung nghiên cứu, đề xuất xử lý triệt để. Chính phủ nhắc lực lượng Công an hết sức chú ý vấn đề an ninh kinh tế, an ninh xã hội, hiện nay một số hoạt động kinh tế rất phức tạp, ta chưa kiểm soát được.
Về an ninh trật tự
Quý I/2005 Bộ Công an cũng đã sơ kết và có thông báo cho các đơn vị, địa phương, Tình hình thế giới, khu vực và trong nước có những dấu hiệu phức tạp:
- Mỹ: triệt để sử dụng chính sách “tự do dân chủ” để áp đặt và can thiệp nội bộ các nước (Thông điệp đầu năm và bài diễn văn nhậm chức nhiệm kỳ 2, Tổng thống G. Bush đã nhắc đi nhắc lại nhiều vấn đề về việc triển khai các chính sách dân chủ của Mỹ trên toàn thế giới): dùng tự do dân chủ để gây áp lực, buộc thay đổi hoặc lật đổ thể chế chính trị thay cho việc dùng vũ lực: sau thất bại bằng biện pháp quân sự ở Irắc, Mỹ và các nước phương Tây đánh giá cao các cuộc cách mạng Nhung (ở Gruria ), cách mạng Cam (ở Ucraina ), cách mạng Thủy tiên vàng (ở Krycstan ), đó làm một sự khuyến khích để quốc Mỹ quyết tâm thực hiện “công nghệ lật đổ” ở các nước khác trong giai đoạn tiếp theo. Mỹ đang tập trung vào Trung Đông và các nước SNG, ủng hộ bọn khủng bố Tresnia, lôi kéo Ấn Độ, cô lập Trung Quốc, ý đồ thay đổi Tổng thống Putin và thể chế chính trị ở Nga vào năm 2007… nhưng trước tiên là ở Bắc Triều Tiên…
- Đối với Việt Nam: Từ khi thay đổi nhân sự Đại sứ quán Mỹ ở Việt Nam tình hình cũng có nhiều thay đổi, một mặt Mỹ thúc đẩy ngoại giao (công khai ủng hộ Việt Nam vào WTO, mời Thủ tướng ta thăm Mỹ vào tháng 6/2005). Mặt khác, Mỹ đặt ra các yêu cầu buộc ta phải chấp nhận: Tự do kinh doanh tiền tệ, viễn thông; mở rộng hơn nữa dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo; đòi ta công nhận Tin lành Tây Nguyên, công nhận tư các pháp nhân “GHPGVNTN” của nhóm Quảng Độ, thả hết các “tù nhân lương tâm”, từ nay không bắt bớ, giam cầm những người bất đồng chính kiến… ý đồ nắm và chi phối Việt Nam.
- Các nước EU cũng đẩy mạnh hoạt động về dân chủ nhân quyền, ý đồ tạo dựng lực lượng đối lập ở trong nước. Chúng cho rằng Việt Nam đã có lực lượng chống đối và đang tích cực tuyển lựa tìm kiếm ngọn cờ, đối tượng chủ yếu không phải là số T295, cực đoan tôn giáo, dân tộc mà là số cơ hội trong nội bộ ta, đây là vấn đề hết sức nguy hiểm.
- Trong nội bộ, thời gian gần đây có nhiều bài viết, ý kiến bài bác, xuyên tạc, hạ uy tín các đ/c lãnh đạo cao cấp của Đảng, nhà nước, đòi xem xét lại chủ nghĩa Mác-Lênin và chỉ ra rằng đường lối của Đảng ta hiện nay là sai lầm và thiếu dân chủ; Hội nghị TW vừa qua cũng có nhiều ý kiến bất lợi, đòi hỏi cần dân chủ hoá sâu rộng hơn, trái với quan điểm, đường lối, nguyên tắc của Đảng.
- Các phần tử cơ hội chính trị, đối tượng chống đối cực đoan trong tôn giáo, tù phản cách mạng tha… ngày càng bộc lộ hoạt động công khai, trắng trợn, thực hiện ý đồ tập hợp lực lượng, hình thành tổ chức, dự định ngày Giỗ tổ Hùng Vương (10/3 âl) và 30/4 ra “Tuyên bố 2005” nhằm công khai hóa, quốc tế hóa hoạt động; nguy hiểm hơn là đã xuất hiện xu hướng hoạt động liên kết; tìm cách tổ chức những cuộc biểu tình nhỏ, tự thiêu, tạo cớ cho bên ngoài can thiệp.
- Tây Nguyên: Tiếp tục diễn biến phức tạp, số phản động bên ngoài hàng ngày vẫn tìm cách tác động, chỉ đạo bên trong, không chỉ 04 tỉnh Tây Nguyên mà còn mở rộng ra cả địa bàn Lâm Đồng và Phú Yên, vẫn còn khả năng, mầm mống có thể dẫn đến bạo loạn bất cứ lúc nào.
- Tây Nam Bộ: 3 tháng đầu năm, các cá nhân tổ chức phản động “Khmer Krom” hoạt động ráo riết hơn, tác động mạnh vào các tỉnh Tây Nam Bộ, đã xuất hiện yếu tố bên ngoài quan hệ, móc nối, phát triển lực lượng vào nội bộ, trong đồng bào sư sãi, trí thức Khmer ở một số tỉnh, chờ thời cơ hoạt động. Đáng chú ý, gần đây Sihanuck tuyên bố phải đòi lại đất bị Việt Nam chiếm, đây là vấn đề hết sức nhậy cảm, liên quan đến quốc gia dân tộc, tính chất có thể phức tạp, nguy hiểm hơn Tây Nguyên.
- Về an ninh xã hội: Tình hình tranh chấp khiếu kiện ngày càng diễn biến gay gắt, phức tạp, đang trở thành vấn đề chính trị - xã hội. Cần chú ý, do tâm trạng và xu huớng dân chủ hiện nay, khi giải quyết các nhu cầu bức xúc của quần chúng rất dễ bị kích động và họ sẵn sàng tấn công người thi hành công vụ, kể cả lực lượng Cảnh sát, nhất là đối với lớp thanh niên, sinh viên, học sinh… địch dễ lợi dụng lôi kéo, kích động vào các hoạt động chống phá, như vụ tụ tập hàng trăm người để phản đối Trung Quốc và các vụ đã xảy ra gần đây ở Tp HCM, Bình Dương, Bình Phước, Đắk Lắk… Cần phải đánh giá, dự báo chính xác các yếu tố mất an ninh có thể xảy ra bất cứ lúc nào và vượt ngoài tầm kiểm soát của ta.
4. Trước tình hình trên, để đảm bảo giữ vững ổn định chính trị, Đ/c Thứ trưởng đã chỉ đạo các đơn vị địa phương khai triển thực hiện ngay một số công tác cụ thể sau:
- Bằng mọi biện pháp, tập trung đấu tranh ngăn chận làm thất bại âm mưu ý đồ hoạt động liên kết, tạo dựng ngọn cờ, tập hợp lực lượng; không để chúng tìm người cầm đầu, hình thành tổ chức đối lập, ra “Tuyên bố 2005” vào dịp Giỗ tổ Hùng Vương và 30/4 để công khai hoá, quốc tế hóa tổ chức; không để xảy ra các hoạt động gây tiếng vang, biểu tình gây rối, tự thiêu... Phải tập trung mọi biện pháp công tác, ổn định tình hình Tây Nguyên và Tây Nam Bộ; khi xảy ra tình huống phức tạp (như hình thành tổ chức chính trị ở trong nước, ra “Tuyên bố”, biểu tình gây rối..) phải tính toán kỹ biện pháp đối phó, nếu không khéo sẽ dẫn đến phản ứng dây chuyền Domino, hậu quả khó lường.
- Về địa bàn: Trọng điểm là Tp HCM, Hà Nội và một số tỉnh thành phố Tây Nam Bộ. Về đối tượng, tập trung là số cực đoan trong “PGVNTN” (Quảng Độ, Viên Định), PGHH (Lê Quang liêm, Nguyễn Văn Điền), số cơ hội chính trị (Trần Khuê, Nguyễn Thanh Giang, Hoàng Minh Chính), tù PCM tha (Nguyễn Đan Quế, Trần Hữu Duyên, Thích Thiện Minh) và tầng lớp thanh niên sinh viên…
Đối tượng bên ngoài, tập trung đấu tranh, đối phó với Mỹ, Nghị viện châu Âu, chú ý tổ chức “Phóng viên không biên giới”, phản động lưu vong (đảng “Việt Tân”, “Chính phủ Việt Nam tự do”, Đảng Nhân Dân Hành Động”…)
- Về đối sách: phải coi trọng công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chận; tích cực đối phó bằng các biện pháp nghiệp vụ, chính trị và pháp luật (tranh thủ, lôi kéo, tác động, răn đe, cô lập, ly gián) với biện pháp quần chúng, muốn bắt là phải cân nhắc thật kỹ trên cơ sở chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đảm bảo yêu cầu chính trị, đối ngoại; chỉ áp dụng biện pháp hành chính cần thiết khi tình hình cho phép, tránh bên ngoài lợi dụng kích động chống đối.
- Khẩn trương chuẩn bị thật chu đáo các kế hoạch, phương án, lực lượng… để chủ động đối phó với mọi tình huống, không để xảy ra hoạt động tập hợp lực lượng, kích động gây rối; khi xảy ra phải huy động lực lượng xử lý ngay tại cơ sở; lực lượng Cảnh sát bị tấn công, phải kiên quyết xử lý bằng biện pháp mạnh; có kế hoạch bảo vệ không để kẻ xấu tấn công vào trụ sở Chính quyền, Công an…
Một số công tác cần tập trung:
- Các Cục nghiệp vụ phối hợp Công an địa phương, nhất là Tp HCM và Hà Nội để xây dựng kế hoạch cụ thể, tập trung vào từng nhóm, từng hệ loại đối tượng, áp dụng đồng bộ các biện pháp tấn công trực diện, ly gián, phân hóa, bao vây, cô lập, cảnh cáo... Số cực đoan trong tôn giáo như Quảng Độ, Lê Quang Liêm phải kiềm chế, giáo dục; số ngoan cố chống đối như Trần Khuê thì kiên quyết đấu tranh vạch mặt, lập biên bản đầy đủ hành vi vi phạm pháp luật, muốn bắt, xử lý, phải công khai trước công luận.
- A41 chủ trì kế hoạch đấu tranh chống lại các hoạt động lợi dụng tôn giáo; A42 chủ trì kế hoạch đấu tranh với các tổ chức PĐLV cơ hội chính trị, tù PCM tha; A44 đấu tranh với số phản động lợi dụng dân tộc Khmer; Công an các địa phương là lực lượng trực tiếp tác chiến tại địa bàn, nếu để xảy ra việc thành lập tổ chức, hoạt động gây mất ổn định chính trị thì thủ trưởng các đơn vị và Giám đốc Công an địa phương chịu trách nhiệm trước Bộ.
- Công an các địa phương phải xây dựng phương án để xử lý kịp thời các tình huống theo từng cấp độ cụ thể (như hình thành tổ chức, ra “Tuyên bố”, tụ tập xuống đường, gây rối an ninh trật tư…) và trực tiếp chỉ huy tác chiến; lực lượng của Bộ hỗ trợ, tham gia (An ninh tham mưu vấn đề an ninh, cảnh sát tham mưu vấn đề cảnh sát). Trong đó, phải phân công, phân cấp rõ ràng, rành mạch, trách nhiệm Bộ đến đâu, địa phương đến đâu và phải làm xong ngay trong tháng 4/2005. Riêng Công An Tp HCM khẩn trương báo cáo thành ủy, Ủy ban để chỉ đạo các ban ngành, nhất là Mặt trận Tổ quốc, Dân vận, Tôn giáo…làm tố công tác nắm dân, tuyên truyền vận động quần chúng, tích cực tham gia giải quyết và ổn định các vụ việc phức tạp về ANTT xảy ra tại cơ sở.
- Đối với Tây Nguyên: Tập trung là Tin lành Đê-ga, hiện nay có dấu hiệu cơ quan tình báo Mỹ đang nắm và chi phối lực lượng này. Đối với Tây Nguyên, Bộ đã có cuộc họp bàn riêng, nhưng diễn biến tình hình ở đây đều có tác động trực tiếp đến Tp HCM và địa bàn các tỉnh, thành phố phía Nam; cần phối hợp làm tốt công tác nắm tình hình để có biện pháp đối sách hợp lý.
- Đối với Tây Nam Bộ: Phải khai triển đồng bộ các biện pháp kiểm soát chặt chẽ tình hình biên giới từ nay đến 30/4. A44 và Công an địa phương, nhanh chóng thông báo danh sách đối tượng cho Bộ đội biên phòng để có biện pháp quản lý chặt công tác XNC , không cho đối tượng nhập cảnh vào tháng 4 và tháng 5/2005. Những đối tượng “Khmer Krom” đã vào, cần có kế hoạch tiếp xúc, gặp gỡ giáo dục, đấu tranh, tấn công, vô hiệu hoá; chủ ý lôi kéo sử dụng lại, không nên bắt bớ trong thời điểm này. Đồng thời chú trọng công tác đi sâu nắm quần chúng, sư sãi, chức sắc trong dân tộc, tôn giáo, thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đại đoàn kết dân tộc.
- Tổng cục V chỉ đạo lực lượng đứng chân tại địa bàn Campuchia, Thái Lan phối hợp với Tổng cục I và Công an địa phương để kiểm tin, tổ chức điều tra nắm tình hình, xác định rõ các đối tượng trong các tổ chức “Khmer Krom” phản động xâm nhập vào Việt Nam thuộc tổ, phương tiện gì, chức nào, bằng đường nào, để có phương pháp đấu tranh, ngăn chận, xử lý. Cần hết sức chú ý các đối tượng nhập cảnh từ Lào và Campuchia thuộc các tổ chức của Nguyễn Hữu Chánh, Hoàng Duy Hùng, Nguyễn Sỹ Bình, Trương Quang Sỹ… Đề phòng địch lợi dụng đưa người, phương tiện vào trong nước hoạt động, manh động phá hoại, rải truyền đơn, chèo, cướp sóng đài phát thanh.
- Từ nay đến 30/4/2005, các đơn vị địa phương phải tập trung xử lý có hiệu quả các vụ việc phức tạp về ANTT, nhất là tranh chấp, khiếu kiện; công tác quản lý cư trú đi lại của người nước ngoài và Việt Kiều. A18 phối hợp C13, Công an Tp HCM và các tỉnh trọng điểm có kế hoạch mở đợt kiểm tra, quản lý chặt tình hình cư trú của người nước ngoài ở phường, địa bàn, khu vực trọng điểm; phải đấu tranh, xử lý hết đối tượng nhập cảnh rồi đẩy ra, nhưng không gây ồn ào, kiên quyết không để xảy ra tình hình phức tạp trong dịp lễ 30/4/2005.
Sau cuộc họp này, lãnh đạo các đơn vị và Công an địa phương tổ chức kiểm tra, soát xét, đánh giá lại tình hình, khẩn trương xây dựng kế hoạch, phương án để tổ chức triển khai thực hiện, chấp hành nghiêm chế độ thông tin, báo cáo kịp thời về Bộ để có chủ trương chỉ đạo.
Kính báo cáo lãnh đạo Bộ./.
Nơi nhận:
- Như trên (để báo cáo)
- VP4 (để báo cáo Đ/c Thư trưởng)
- Lãnh đạo các Tổng Cục I, II và V (để phối hợp chỉ đạo)
- Đ/c Cục trưởng các Cục Thuộc TCAN và
lãnh đạo các cục tại ANC3 (để thực hiện)
- CA các tỉnh từ Ninh Thuận đến Cà Mau (để thực hiện)
- Lưu A12C3 (P3) |
KT TỔNG CỤC TRƯỞNG TCAN
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG
Ký tên
HUỲNH HỮU CHIẾN |
Công An Tỉnh ////////
VĂN PHÒNG
Số 154-SL/PV11 |
---------------------------10H
/////////, ngày 07 /04/2005
SAO LỤC BẢN SAO |
|
Kính gửi:
- Các đ/c trong BGĐ
- Lãnh đạo PV11
(TB giao ban từng khối )
- NC, CĐ, VT
Đóng dấu
KT CHÁNH VĂN PHÒNG
PHÓ VĂN PHÒNG
//////// |
ANTT = An ninh Trật tự
GHPGVNTN = Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất
PGHH = Phật Giáo Hòa Hảo
PCM = Phản Cách Mạng
PĐLV = Phản Động Lưu Vong
TLSQ = Tổng lãnh Sự Quán
CA= Công An
PTCT = Phó Tổng Cục Trưởng
TTATXH = Trật tự An toàn Xã hội
CSGT = Cảnh sát Giao thông
Gruria = Georgia
Ucraina = Ukraine
Krycstan = Kyrgyzstan
TW = Trung ương
Sihanuck = Sihanook
PĐLV = Phản động lưu vong
XNC = Xâm nhập cảnh
//////// = Bôi đen
Vụ Án Tổng Cục 2
|
http://www.ykien.net
|