Vụ Án Tổng Cục 2

SỰ THẬT VỀ “VỤ ÁN PHƯƠNG VICARRENT”

Trần Quốc Hoàn

Điều quan trọng nhất trong một xã hội cộng sản mục nát, tăm tối và hỗn độn mà người ta cần biết đến, đấy chính là: Sự thật. Một sự thật hiển nhiên, chính xác sẽ có giá trị và cần thiết hơn hàng triệu lần những sự giả dối, trí trá và phỉnh lừa của cả guồng máy cộng sản đang cưỡng bức, nhồi nhét vào đầu óc nhân dân Việt Nam. Vì vậy, điều tôi muốn gửi đến các quí độc giả và thính giả là những sự thật bị che dấu đằng sau những vụ án lớn, những bê bối kinh tế cũng như chính trị của nhà nước cộng sản Việt Nam. Những sự thật này cũng không phải là sở hữu của riêng ai, và tất nhiên cũng không phải chỉ một vài người được biết, còn có thể nói rằng một số rất đông những người có liên quan đến các cơ quan an ninh, các cơ quan bảo vệ pháp luật của cộng sản đều nắm rõ những sự việc này. Thế nhưng, vì nhiều lí do khác nhau mà những sự thật đó chưa bị phanh phui, chưa được tiết lộ. Với riêng cá nhân người viết thì lí do quan trọng nhất đó chính bởi vì để đảm bảo an ninh cá nhân trong một xã hội chồng chéo những tai mắt của hệ thống an ninh cộng sản, người viết chưa có phương pháp nào, phương tiện nào để phổ biến rộng rãi nhất những sự thật này cho toàn thể nhân dân Việt Nam được biết đến, để vạch rõ bộ mặt thật sự của chế độ cộng sản. Đấy cũng chính là lí do mà lâu nay người viết vẫn đắn đo, ưu tư và không đưa rất nhiều những sự thật đó ra ánh sáng.

Ngay sau khi gửi bài viết “Tổng cục II - vai trò quyết định trong vụ án Trịnh Vĩnh Bình” đến các cơ quan đài-báo, người viết đã nhận được rất nhiều thư từ trao đổi, góp ý, yêu cầu, đặc biệt là quan tâm đến một số thông tin của các vụ án quan trọng đã từng xảy ra trong quá khứ như “vụ án Tân Trường Sanh”, “vụ án Tăng Minh Phụng”, “vụ án thủy cung Thăng Long”, “vụ án Năm Cam”, “vụ án Lã Thị Kim Oanh”, “vụ án Phương Vicarrent”, “vụ án tham nhũng tại Petro Việt Nam”, “vụ án Mai Văn Dâu” ..., và gần đây là vụ của Tổng công ty lắp máy Việt Nam Lilama cũng đang được báo chí trong nước khơi lại (cơ quan điều tra đã vào cuộc từ lâu rồi). Thật ra, tất cả các vụ án này và nhiều vụ việc khác nữa đã bị Chính phủ Việt Nam, cơ quan an ninh Việt Nam để “chìm xuồng”, che đậy những sự thật rất quan trọng mà người ta đành chấp nhận gọi là “tảng băng chìm”. Những Sự thật bị che dấu đó chính là những “bí mật” đầy dơ dáy, lưu manh, đốn mạt của chế độ cộng sản. Người viết đã có may mắn được biết khá chi tiết những “bí mật” ấy. Trước yêu cầu của các quí độc giả, người viết cũng thấy khó lòng giữ im lặng và giữ “bí mật” những thông tin ấy mãi.

Như đã hẹn với quí độc giả ở bài viết trước, trong bài viết này xin được gửi đến quí độc giả những sự thật đằng sau “vụ án Phương Vicarrent”, những vụ việc khác cũng sẽ được thứ tự đề cập đến sau bài viết này. Người viết chỉ có một đề nghị duy nhất là: rất mong các quí độc giả sẽ giúp người viết chuyển tất cả những thông tin này đến đồng bào Việt Nam ở trong và ngoài nước (đặc biệt là đồng bào ở trong nước, những con người phải chịu nhiều thiệt thòi trong một xã hội thông tin bị ém nhẹm, cưỡng bức, khép kín) với khả năng cao nhất của mình để đông đảo nhân dân lao động Việt Nam đều được biết đến.

Trở về vụ án Phạm Văn Phương, tên thường được gọi khác là Phương “xoăn”, Phương Vicarrent - một tên “đại lưu manh” được sản sinh ra từ bộ máy của chế độ cộng sản, là nguyên mẫu và là bằng chứng xác thực nhất của sự sa đọa, tham nhũng, lừa đảo, bè phái, mafia cộng sản. Xuất phát từ một kẻ vô học, nghề nghiệp chỉ là lái xe, Phương đã có một quá trình luồn lọt, quan hệ, cộng với một chút ít may mắn để trở thành Phó tổng giám đốc công ty liên doanh Vicarrent (mà thực tế là Tổng giám đốc vì Tổng giám đốc người Hồng Kông là Lau Chau Chi đã không làm việc ở liên doanh này từ lâu). Nhưng lại không chỉ bằng lòng với vị trí như vậy, sau một thời gian có được “tí chức”, “tí quyền”, có các mối quan hệ, được mặc sức tung hoành, cộng với thế lực của người em rể mình là Trưởng phòng an ninh điều tra - trung tá Ngô Chí Đan, Phương bắt đầu nghĩ ra những mưu kế hại người và tư lợi cho mình. Những sự việc mà Phương Vicarrent và đồng bọn đã gây ra bao nhiêu thảm họa cho những người khác thì thật là không thể kể hết ra ở đây được và cũng sẽ làm cho độc giả lại phải mất thời gian với hàng trăm sự việc liên hệ khác mà không phải nội dung chính của bài viết này. Bài viết này chỉ xin nói về những chi tiết có liên quan và hệ lụy đến chính cuộc đời của Phạm Văn Phương khởi nguồn từ “vụ án Bình Hà Lan” đến “vụ án Phương Vicarrent”.

Như trong bài viết “Tổng cục II - vai trò quyết định trong vụ án Trịnh Vĩnh Bình” đã nhắc đến, xuất phát từ âm mưu ban đầu là hãm hại ông Trịnh Vĩnh Bình, sau đó với các chứng cứ từ Tổng cục II đưa ra là Trịnh Vĩnh Bình đã có những hoạt động thao túng các lãnh đạo địa phương mà cụ thể là hối lộ ông Nguyễn Trọng Minh - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh (sự việc này sau đó Nguyễn Trọng Minh đã phải làm bản tường trình với thường vụ Bộ chính trị và công nhận là đã nhận tiền Trịnh Vĩnh Bình “biếu”), chi tiết này đối với Phương và Đan thì cứ như là bắt được tiền từ trên trời rơi xuống (thật đúng là “phúc họa khôn lường”!).

Cũng cần nói thêm rằng: do đặc thù về địa lí, do trước đây Vũng Tàu là một đặc khu trực thuộc Trung ương nên các lãnh đạo của Vũng Tàu sau này đều được đưa ra Trung ương vào những vị trí lãnh đạo cấp cao nhất trong nghành công an như: Cao Đăng Chiếm, Lâm Văn Thê, Bùi Thiện Ngộ ..., chính vì vậy lực lượng công an Vũng Tàu từ đấy có uy thế và quyền lực đặc biệt tại địa phương. Cơ quan công an Bà Rịa - Vũng Tàu can thiệp vào rất nhiều những hoạt động hàng ngày của các cơ quan chính quyền khác, thậm chí họ còn thường xuyên đe dọa, bắt ép các cơ quan khác trong chính quyền phải làm việc theo sự chỉ đạo của họ. Do đó đã có một quá trình mâu thuẫn khá gay gắt giữa cơ quan công an và các cơ quan chính quyền địa phương, mà đến cả Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng là nạn nhân của họ, đã rất nhiều lần các chức sắc ở Ủy ban nhân dân bị họ đe dọa hoặc tìm cách khống chế.

Vào thời điểm ông Nguyễn Trọng Minh làm chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, các hoạt động kinh tế xã hội của tỉnh rất phát triển. Ông Nguyễn Trọng Minh là một trí thức được đào tạo cơ bản tại Liên Xô cũ, có quá trình công tác liên tục, kinh qua các chức vụ quan trọng từ thấp đến cao, với khả năng sử dụng thông thạo nhiều ngoại ngữ, là một người thông minh, dám nghĩ dám làm, ông ta là một biểu tượng của giới lãnh đạo trí thức. Do đó ông Minh rất không vừa lòng với sự “can thiệp thô bạo”, “hình sự hóa các quan hệ dân sự” của cơ quan công an. Lại là một người mang đậm bản chất Nam bộ, rất trực tính và thẳng thắn, ông Minh đã không hề giấu diếm sự khó chịu đó. Thậm chí, có lần vì bực giận trước những hành động của cơ quan công an, ông Minh đã không kềm chế được và đứng từ văn phòng Ủy ban chỉ sang bên cơ quan công an nói rằng “tụi chó đẻ đó (công an) nó có chừa ai đâu, không có tội nó cũng ép cho có để bắt bớ, làm tiền”. Những lời nói này cùng với thái độ bộc trực của ông Minh đều đến tai cơ quan công an. Dù trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh và trụ sở công an cùng nằm trên một con đường và chỉ cách nhau có chưa đầy ba phút đi bộ nhưng một không khí đối lập rất nặng nề đã bao phủ lên hai cơ quan này. Chính vào giai đoạn đã nắm được một số chứng cứ cụ thể trong tay, Phó giám đốc công an, thủ trưởng cơ quan điều tra - Lâm Minh Chiến (sau này lên Giám đốc công an tỉnh) đã đứng giữa hội trường tuyên bố sau cuộc họp: “chủ tịch với phó chủ tịch cái gì, sắp bắt cả đến nơi bây giờ”. Với Ngô Chí Đan thì lại là một âm mưu khác, được công nhận là khôn khéo và sắc sảo nhất trong đám “chó săn” đó, Ngô Chí Đan đang âm thầm bàn bạc cùng Phạm Văn Phương bày mưu hạm hại Trịnh Vĩnh Bình, Nguyễn Trọng Minh mà cái đích đạt được sẽ vừa là chính trị vừa là kinh tế, vừa là việc công vừa là thủ lợi cá nhân. Và cuối cùng cái màn kịch thứ nhất đã được hạ xuống như mọi người đã biết: Trịnh Vĩnh Bình thì bị kết án 11 năm tù giam, còn Nguyễn Trọng Minh thì bị kỉ luật, cách chức Chủ tịch tỉnh. Cũng cần phải nói thêm về sự việc này, trên phương tiện thông tin tuyên truyền và thông báo công khai, Bộ chính trị cộng sản chỉ nói đến việc kỉ luật Nguyễn Trọng Minh là do để mất đoàn kết nội bộ (giữa Minh và Lê Văn Dỹ - bí thư tỉnh ủy) chứ không dám nói đến nguyên nhân chính là do việc nhận hối lộ và quan hệ với Bình Hà Lan (mà thật ra là một đòn thanh trừng lẫn nhau trong nội bộ lãnh đạo cộng sản).

Lại nói thêm, trước khi “hạ” được Nguyễn Trọng Minh, Phạm Văn Phương đã tuyên bố sẽ “bố trí” cho Nguyễn Tuấn Minh lên thay chức Chủ tịch tỉnh, và sự thật đã diễn ra đúng như vậy, không biết chính xác trong “phi vụ” này Phương và Đan kiếm được bao nhiêu ? Chỉ biết rằng sau đó Phạm Văn Phương còn tiếp tục “bố trí” cho Nguyễn Tuấn Minh vào tới Trung ương ủy viên, mà riêng vụ này Phương đã công khai là Nguyễn Tuấn Minh mang đến tận nhà Phương số tiền tương đương 100.000 Mĩ kim, có lẽ việc này thì những người công tác trong các cơ quan bảo vệ pháp luật ở Bà Rịa - Vũng Tàu và Hà Nội không ai là không biết. Cũng chính vì thế, sau khi kết thúc “vụ án Phương Vicarrent” thì Nguyễn Tuấn Minh cũng bị kỉ luật và cách chức Chủ tịch. (Thật đúng là một chuỗi những vụ việc có gắn kết với nhau rất lo-gíc và cũng là một bằng chứng rất sinh động của luật nhân quả.)

Vậy là Nguyễn Trọng Minh đã bị Phạm Văn Phương cho một “vố” đau, chỉ một “chiêu” là đã tiêu tan mọi tiền đồ, sự nghiệp (bởi vì Minh là một cán bộ có năng lực, độ tuổi còn nằm trong cơ cấu, đang chuẩn bị đưa vào Ủy viên trung ương Đảng cộng sản và sẽ đảm nhiệm vị trí lãnh đạo cao hơn). Và mối thù này chắc chắn sẽ không thể hóa giải. Chính từ đây câu chuyện được “viết” tiếp với màn kịch thứ hai.

Sau khi bị cơ quan công an cho “đo ván” và “hạ nhục”, cái chí của “kẻ quân tử” lúc này chắc chắn sẽ là phải báo thù. Mà “quân tử báo thù mười năm chưa muộn”. Minh đã cắn răng chịu nhục, chấp nhận bỏ ngoài tai mọi điều tiếng và làm ra mặt bình thản, bằng lòng với mọi việc. Trong thời gian đó chính là lúc Minh đang qui tụ lại lực lượng, tay chân tin cậy, ngấm ngầm sử dụng những kẻ thân tín nhất và những kẻ trước đây đã nhận những ơn huệ của Minh trong thời gian tại vị để âm mưu một kế hoạch báo thù.

Trong số những kẻ chịu ơn huệ của Nguyễn Trọng Minh trước đây có một người tên là Nguyễn Minh Hoàng - giám đốc Công ty xây dựng và phát triển đô thị (UDEC). Nghe thì tưởng là Hoàng cũng chỉ bình thường như hàng trăm ngàn các vị giám đốc doanh nghiệp khác, nhưng thật ra không phải vậy. Chỉ cần nhìn vào số tài sản mà Công ty xây dựng và phát triển đô thị của Hoàng đã là chủ sở hữu lên đến hàng vài nghìn tỉ đồng, làm Chủ đầu tư hoặc tham gia thực hiện những dự án trị giá hàng trăm tỉ, hàng nghìn tỉ đồng, thì đủ hiểu rằng Hoàng không phải tay vừa (chỉ riêng hai dự án, trong số hàng trăm dự án mà UDEC đã thực hiện, là khu công nghiệp Đông Xuyên và Phú Mĩ I thì tổng giá trị dự án đã là 1.370 tỉ - một nghìn ba trăm bảy mươi tỉ đồng). Quan hệ của Hoàng có thể đến thẳng một số vị Bộ trưởng và Thủ tướng, phó thủ tướng Chính phủ (người viết tự thấy rằng không cần thiết phải dẫn chứng ra đây những sự việc cụ thể, nếu độc giả nào còn cảm thấy nghi ngờ về chi tiết này thì quả thật là đã không am hiểu tình hình thực tế trong nước: tại Việt Nam, là một doanh nghiệp sở hữu những khoản tiền lớn như vậy mà không “mua” được hoặc không “ăn chia” được với mấy vị ấy thì mới là lạ!). Thấy rằng sức mạnh của Hoàng đã ghê ghớm như vậy, vậy mà Hoàng cũng chỉ là “nạn nhân” trong “vụ án Phương Vicarrent”, đủ biết rằng thế lực và phe cánh của Phạm Văn Phương mạnh như thế nào.

Và cũng vì một nguyên nhân nữa nằm đằng sau đó, đấy chính là sự bàn bạc của Nguyễn Trọng Minh và Nguyễn Minh Hoàng để đưa Phạm Văn Phương cùng Ngô Chí Đan vào vòng lao lí. Có những lí do khác nhau để Minh và Hoàng cùng nhau thực hiện “vụ án” này, trong đó phải kể đến hai nguyên nhân chính, thứ nhất: dù là những người nắm trong tay những sức mạnh kinh tế và chính trị mạnh nhất của địa phương Bà Rịa - Vũng Tàu nhưng cả Minh và Hoàng đều là những nạn nhân trực tiếp của Phạm Văn Phương, cho nên cùng có một mối thù chung với Phạm Văn Phương; thứ hai là: trước đây khi Minh còn đương chức, đương quyền thì Công ty xây dựng và phát triển đô thị của Hoàng chính là đơn vị nhận được nhiều ưu ái và bổng lộc của Minh nhất. Hàng loạt các công trình chỉ định thầu hoặc đã được thu xếp trước cho Công ty xây dựng và phát triển đô thị với giá trị cao gấp rưỡi tới gấp hai, ba lần giá trị thi công thực tế. Để độc giả hiểu rõ hơn, xin lấy ví dụ điển hình cụ thể như dự án khu công nghiệp Đông Xuyên và Phú Mĩ I, ngay giai đoạn ban đầu đã bị phát hiện giá trị thực hiện là 531 tỉ (531.000.000.000 vnđ) không qua đấu thầu. Sau này Chính phủ cộng sản lại cùng Hoàng “xẻ thịt” và “xoá sổ” vụ tham nhũng mấy trăm tỉ đó bằng một “tuyệt chiêu” rất đẹp mắt là: để công ty UDEC bị thua lỗ, thực hiện dự án không hiệu quả, không thể tiếp tục thực hiện dự án (có một cụm từ rất “hay” được sử dụng trong văn bản này là: “UDEC đã không nhiệt tình công tác”), sau đó họ lại “đẻ” ra một cơ quan tên là IZICO để nhận bàn giao lại tất cả những hậu quả này, thế là “xí xoá”, thế là “chìm xuồng”. Quí độc giả có thể tham khảo qua sự việc trên ở các báo chí Việt Nam, hoặc báo điện tử Việt Nam net ngày 12/6/2004 (con số mà Việt Nam net đưa ra là 400 tỉ là không chính xác, con số được xác định lại sau này là 531 tỉ đồng). Còn “đẹp mắt” hơn nữa là sau khi đã rút ruột toàn bộ những số tiền khổng lồ mà UDEC tham nhũng trong suốt cả một quá trình dài, để lại hàng trăm vụ bê bối và một cái tài khoản mang dấu âm (-), họ lại đạo diễn tiếp để xoá sạch dấu vết và cùng nhau “hạ cánh an toàn” bằng cách cổ phần hoá UDEC. Cái chế độ cộng sản đã ăn cướp trắng trợn và tàn bạo mồ hôi, nước mắt và cả máu của người lao động Việt Nam như thế đấy. Khi chế độ cộng sản sụp đổ thì chỉ riêng cái khoản tham nhũng của Minh Hoàng ở Bà Rịa - Vũng Tàu người ta cũng có thể thống kê lên đến hàng nghìn tỉ đồng. Vì vậy, làm sao mà Hoàng lại không xả thân vì Nguyễn Trọng Minh được.

Sau cùng, lại vẫn phải nói đến vai trò của Tổng cục II. Như trước đây đã nói, quan hệ của Phạm Văn Phương là cực kì rộng, đặc biệt là trong các cơ quan bảo vệ pháp luật: Công an, Viện kiểm sát, Tòa án (chưa cần đề cập đến các quan hệ với bên Quốc hội, Chính phủ và Đảng cộng sản). Phương đã chơi là phải quan hệ với cỡ Bộ trưởng, thứ trưởng, Viện trưởng chứ không phải nhỏ. Trước đây, khi Bùi Thiện Ngộ còn là Bộ trưởng công an, đã không ít lần Phương từng đánh xe riêng chở ba Ngộ đi chơi. Phương đi lại với Nguyễn Khánh Toàn, Lê Thế Tiệm, Hoàng Ngọc Nhất còn hơn người trong gia đình, đến tận nhà riêng ăn uống, nghỉ ngơi. Nhiều lần người ta cũng nhìn thấy Phương gặp gỡ, ăn cơm với Hà Mạnh Trí (viện trưởng Viện kiểm sát tối cao), được biết Trí cũng rất quí Phương về tài ăn nói và giao thiệp (tất nhiên quí nhất là cái khoản “bao thư”). Với Trịnh Hồng Dương (chánh án Tòa tối cao trước đây) thì quan hệ lại càng dễ dàng, đơn giản hơn. Còn các cán bộ cấp dưới khác ở trong nghành công an, kiểm sát, tòa án thì chỉ coi như đàn em để Phương sai bảo. Chính vì vậy để “đụng” được vào Phương thật cũng không phải dễ. Minh và Hoàng đã phải nghĩ nát óc về vấn đề này, nếu dùng đến mấy cái cơ quan bảo vệ pháp luật trên để đánh Phương thì chẳng khác nào đưa mình nộp mạng cho Phương, nhất là cạnh Phương lại luôn có Ngô Chí Đan trấn giữ một vị trí cực kì quan trọng trong công an Bà Rịa - Vũng Tàu để làm tai mắt bảo vệ Phương. Đối đầu với Phương mà sảy tay thì coi như là chui vào miệng cọp. Vậy là Minh và Hoàng đã đi đến bài toán quyết định: phải dùng Tổng cục II - Bộ quốc phòng.

Ở đây, chúng ta cũng cần hiểu thêm về quan hệ giữa quân đội và công an ở Việt Nam từ trước tới giờ lúc nào cũng như nước với lửa. Hai cơ quan này mang tiếng là hỗ trợ với nhau và cùng mang một trách nhiệm là bảo vệ an ninh đất nước, nhưng thực chất họ chỉ “bằng mặt chứ không bằng lòng” với nhau. Việc Phạm Văn Phương có quan hệ thân thiết với các quan chức trong nghành công an lại cũng chính là chỗ làm cho Phương rất khó kết thân được với các quan chức của Tổng cục II - Bộ quốc phòng. Thật ra là Phương cũng đã nhiều lần tìm cách tiếp xúc và kết thân, song đều bị từ chối, cuối cùng thì Phương cũng chỉ biết được vài ba “con tép riu” trong Tổng cục II để thỉnh thoảng “hóng hớt” các thông tin và đem ra dọa nạt những kẻ yếu bóng vía. Ngược lại, Tổng cục II đã có một thời gian nắm được các thông tin báo về các quan hệ của Phạm Văn Phương với rất nhiều quan chức cao cấp nhất trong Chính phủ, Đảng cộng sản nên họ đã có ngấm ngầm theo dõi những hành tung của Phương mà Phương lại không hề biết.

Trong khoảng thời gian dài làm lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Trưởng ban kinh tế đối ngoại, phó chủ tịch và chủ tịch), Nguyễn Trọng Minh đã có biết được những báo cáo của cơ quan an ninh quân đội về Phạm Văn Phương (trong một báo cáo họ ghi rõ: “Phương là một phần tử cơ hội ...”, “... lợi dụng uy tín của các lãnh đạo cấp cao”). Từ đó, Minh và Hoàng khẳng định rằng: muốn “hạ” được Phương thì rứt khoát phải dùng lực lượng của Tổng cục II. Nguyễn Minh Hoàng đã bỏ ra một số tiền khá lớn (theo thông tin người viết được biết là trên 200.000 Mĩ kim, hơn 3 tỉ đồng Việt Nam) để đặt vấn đề “thịt” Phương Vicarrent với lãnh đạo Tổng cục II. Đồng thời với số tiền trên là hàng loạt các chứng cứ liên quan đến các hoạt động phạm pháp của Phương mà Minh, Hoàng và các “tay chân” của mình thu thập được để hòng “hại chết” Phương. Bởi vì cả Minh và Hoàng đều hiểu rằng trong cuộc chơi này nếu chỉ sơ xuất một chút, hoặc không thẳng tay “hại chết” Phương thì đồng nghĩa với việc tự kết án tử hình cho mình. Ở thời điểm cuối năm 2001, đầu năm 2002 Hoàng đã nhiều lần bay ra Hà Nội để lo vụ này, Hoàng đã tiếp xúc được với lãnh đạo của Tổng cục II qua mối quan hệ của một người có tên là D. (người viết chưa kiểm chứng được có chính xác là tên này hay không?). Và tất nhiên với một khoản thù lao rộng rãi như vậy cùng với hàng loạt chứng cớ tội lỗi rất rõ ràng của Phương, Tổng cục II không thể từ chối “hợp đồng” này.

Và cũng là do “luật nhân quả”, kẻ “gieo gió” là Phương thì cũng có ngày Phương phải “gặt bão”. Đã quen với kiểu ăn cướp tiền thiên hạ rồi nên Phương cũng không thể tha cho Hoàng, đầu tiên là “xin đểu” ít tiền rồi sau đó lòng tham đã đẩy Phương đến mục đích “ăn cướp” của Hoàng số tiền lớn hơn. Không biết “trời xui đất khiến” thế nào mà Phạm Văn Phương lại bày ra cái cái trò ấy vào đúng lúc Hoàng và Minh đang ngồi “đợi thời” để ụp cái bẫy đó xuống đầu Phương.

Cơ hội ngàn năm mới có một lần cho Minh, Hoàng và Tổng cục II. Nhưng Tổng cục II mà đã làm thì kín lắm, không rườm rà, lộ liễu và “non tay” như bên công an khi “xía” vào vụ Trịnh Vĩnh Bình. Khi Phương cùng đồng phạm của mình là Nguyễn Thành Sơn giăng ra một cái bẫy để “làm tiền” Minh Hoàng là: có nhiều thông tin bất lợi cho Hoàng và công ty UDEC, nếu Hoàng muốn Phương can thiệp giúp để giải quyết êm mọi việc thì phải chi ra 100.000 USD để Phương “lo” giúp. Ngoài những tội trạng khác của Phương mà họ đã nắm trong tay, đây là cơ hội bằng vàng để Tổng cục II đưa Phương vào chỗ chết. Tổng cục II quyết định để Hoàng trực tiếp vào “cuộc chơi”. Sự việc này binh pháp gọi là “gậy ông lại đập lưng ông”, trong công việc thì người ta cho là “tai nạn nghề nghiệp”, còn dân gian thì vẫn gọi là “chơi dao có ngày đứt tay”, có nghĩa là cái bẫy mà Phương đưa ra với Hoàng sẽ sập xuống chính Phương. Với những phương tiện, thiết bị kĩ thuật đầy đủ, mạng lưới an ninh dày đặc, họ rất ung dung, từ từ để đưa con mồi vào tròng, với những chứng cớ quá chi tiết và thuyết phục mà một con “cáo già” như Phương cũng phải cúi đầu chịu tội. Cho đến khi bị những chiếc còng số tám khóa vào tay, Phương vẫn chưa hề biết được chuyện gì đã xảy ra với mình, tám cuốn băng ghi âm cùng với cả nhiều nhân chứng, vật chứng đều xuất hiện để kết tội Phương.

Lại phải nói thêm và làm sáng tỏ những chi tiết này. Ngày 23/3/2002, khi báo chí cộng sản đồng loại đưa tin là Phạm Văn Phương đã bị cơ quan công an bắt quả tang tại nhà hàng Song Ngư, số 70 đường Sương Nguyệt Anh, Sài Gòn, những người đã một lần từng được nghe đến danh của Phương đều giật mình. Trong nội bộ công an cũng bất ngờ, từ các vị thứ trưởng đến các vị Tổng cục trưởng, cục trưởng hàng ngày còn nhậu nhẹt, “chén chú chén anh” với Phương, còn cầm hàng đống tiền của Phương nghe thấy tin này mà toát mồ hôi, “nhột nhạt” trong người. Các lực lượng nghiệp vụ thì nháo nhác không biết bên bộ phận nào làm vụ này? Bên an ninh điều tra (A24) thì không hề biết gì, thôi thì cũng phải, việc này thì những người trong nghành cũng hiểu rồi, Đan còn đang ngồi đó thì làm sao để A24 làm được. Hay là lãnh đạo sợ để A24 biết nên bên an ninh kinh tế (A17) phải “chộp” ngay cho xong rồi mới chuyển hồ sơ sang cho cơ quan điều tra, thế nhưng A17 cũng có biết gì đâu. Hay là bên khối cảnh sát làm? Lại có người đoán là bên cảnh sát điều tra (C16) làm, nhưng bên cảnh sát điều tra cũng hoàn toàn không biết gì. Thế là lại phải gọi điện tìm hiểu khắp nơi, cả bên cảnh sát kinh tế (C15), cả bên cảnh sát hình sự (C14) (mà thật ra không bao giờ những vụ thế này mà lại để các cơ quan đó tham gia), rồi đến hỏi cả trinh sát ngoại tuyến cũng ngớ người ra, chẳng hiểu là bộ phận nào làm cả. Thế là, hết địa phương thì lại bảo là Bộ làm, Bộ lại bảo địa phương làm, chẳng biết đường nào mà lần cả. Mà chắc chắn rằng đến bây giờ nhiều bộ phận nghiệp vụ bên công an vẫn không hề biết đơn vị nào tham gia vụ này, hoặc là chỉ đoán già, đoán non lung tung. Các báo chí cũng chộp được vài tấm ảnh với mấy cái sắc phục màu xanh của bên an ninh, nhưng thật ra chỉ là mấy cái áo an ninh giả của nhân viên Tổng cục II mặc lên để “lòe bịp” Phương và mấy nhân vật công an nữa thì là được Tổng cục II gọi đến để hoàn tất nốt màn kịch sau khi họ đã kéo phông “hạ màn”.

Cần phải tố cáo thêm về hành động bao che, thông cung của các báo chí của nghành công an. Tất cả các báo của bên công an từ Công an nhân dân, An ninh thủ đô, An ninh thế giới đến Công an TPHCM viết về vụ này đều có vẻ đầy đủ, khách quan, song thật ra chỉ có những người trong nội bộ mới biết rằng do vụ việc này là một vụ “đánh úp”, “đánh lén”, “đánh thuê”; mà tội phạm lại chính là những kẻ có quan hệ rất rộng với nghành công an và đang công tác trong nghành, cho nên các báo chí trong nghành công an lập tức đưa ngay những chi tiết rất quan trọng và đáng lẽ chưa thể công bố báo chí trong giai đoạn điều tra để Ngô Chí Đan và những kẻ đồng lõa, giúp đỡ, “bảo kê” cho Phương trong vụ này biết được và tìm cách “thoát thân” trước.

Các tờ báo khác như tờ Thanh Niên ra ngày 25/3/2002 viết về nội dung trong lệnh tạm giam của cơ quan công an đã ghi rõ tội danh của Phương: “hành vi lừa đảo đối tác trong hoạt động kinh doanh và có hành vi tống tiền”. Chỉ một dòng này thôi thì đã lộ rõ âm mưu của một tổ chức đứng đằng sau vụ án này. Có nghĩa là ban đầu họ âm mưu với nhau định “hạ” Phương Vicarrent bằng các chứng cứ mà họ đã thu thập được là của “hành vi lừa đảo đối tác trong kinh doanh”, giữa lúc đó thì lại phát sinh ra việc Phương bày ra màn kịch để ăn tiền của Hoàng, thế là họ bắt Phương vì chứng cứ của “có hành vi tống tiền”. Cho nên sau này phiên tòa xử Phương Vicarrent có nói gì đến tội danh thứ nhất đâu mà chỉ khép vào tội chiếm đoạt tài sản thôi. Đây cũng là một sơ xuất đáng xấu hổ của Tổng cục II và Bộ công an, và cũng là một sơ xuất khó tránh khỏi trong hàng nghìn chi tiết của một vụ án. Chi tiết này là một bằng chứng xác thực cho sự thật mà nội dung bài viết này nêu ra.

Còn rất lâu sau đó thì báo Nhân Dân đã viết như thế nào ? Cần xem lại về bài viết trên báo Nhân Dân ra ngày 12/3/2004 của tác giả Vũ Hoàng Long. Cần phải trích nguyên văn một vài đoạn trong bài báo để độc giả sẽ thấy rõ được tác giả là một nhân viên của Tổng cục II (có thể bút danh giả hoặc mượn bút danh), và đã bị “lộ đuôi” về cái bản chất thật sự của vụ án bởi những chi tiết này: “Bối cảnh Nguyễn Minh Hoàng bị Phương lừa đảo bắt đầu từ cuối năm 1998, khi ông Nguyễn Trọng Minh thôi giữ chức Chủ tịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.” (không ai “khảo” tự nhiên sao lại “khai” ra việc của ông Nguyễn Trọng Minh để làm gì thế? Có liên quan gì đến nội dung bài báo và có liên quan gì đến vụ án này đâu?); và đoạn này nữa: “Những vụ lừa đảo, cưỡng đoạt tài sản của Phương chỉ là một phần trong những hành vi phạm tội của y. Nhưng chỉ những hành vi phạm tội nói trên cũng đủ căn cứ để cơ quan chức năng truy tố y theo khung hình phạt cao nhất của hai tội danh: lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cưỡng đoạt tài sản” (lại lòi cái đuôi của kẻ đang âm mưu hại người với những tội danh khác, song lại may mắn nắm được chứng cứ quan trọng hơn đủ để hại chết, thế là đã đủ để hoàn thành “hợp đồng đánh thuê” rồi nhé). Người viết khẳng định bài báo này phải là của những nhân viên Tổng cục II, những người đã mưu đồ dựng lên “vụ án Phương Vicarrent” và nắm rõ sự thật của vụ án. Mục đích của bài báo là để chống chế, bao biện cho cái điều vô lí mà họ đã làm và đang bị dư luận thắc mắc.

Thế là bản án 27 năm tù giam cho kẻ phạm nhân tóc chỉ còn một màu bạc trắng được hoàn thành. Nguyễn Trọng Minh và Nguyễn Minh Hoàng đã dùng Tổng cục II để chấm dứt cuộc đời của “Phương Vicarrent” ở trong tù như vậy đó.

Người dân Việt Nam thì có mấy ai biết được lại có vai trò của Nguyễn Trọng Minh trong vụ án này đâu. Thậm chí, đến bài viết này đã đưa toàn bộ sự thật ra ánh sáng, người đọc cũng chỉ thấy rất ít chi tiết đề cập đến tên ông ta. Rõ ràng trong vụ này Nguyễn Trọng Minh vừa là chủ mưu vừa là kẻ “ném đá dấu tay”. Sự tính toán, sắp xếp và thực hiện của Minh rất kín đáo và khôn ngoan. Thế nhưng, có một điều mà không thể “khôn ngoan” được, đó chính là Minh đã “chơi” với Tổng cục II, mà “chơi dao thì sẽ có ngày đứt tay”. Ngay sau khi Nguyễn Minh Hoàng tiếp cận và “ký hợp đồng” được với Tổng cục II thì cũng từ lúc đó toàn bộ mọi sự bàn tính, gặp gỡ của Minh với Hoàng cũng đã được Tổng cục II theo dõi, ghi chép rất đầy đủ. Đấy chính là những bằng chứng mà khiến Minh phải chịu làm con tin cho Tổng cục II suốt quãng đời còn lại của mình (có lẽ cái đám lãnh đạo cộng sản thì có đến hơn 90% phải chấp nhận làm con tin cho Tổng cục II tương tự như Minh, cho nên đến bây giờ có kẻ nào dám động đến nó đâu).

Nhưng mà, ở đời này có cái gì giữ kín được mãi đâu, “cái kim trong bọc lâu ngày cũng phải lòi ra”. Những điều vô lí lại càng không thể lòe bịp thiên hạ được. Những người có trình độ về pháp luật chắc chắn đều nhận thấy: “có một cái gì đó không ổn” (mà thật ra là vô lí, trái pháp luật) trong vụ này. Rõ ràng trong vụ việc này Phạm Văn Phương là kẻ có tội và pháp luật phải trừng trị Phương, thế nhưng tất cả những người có trình độ pháp luật và cả toàn bộ các cơ quan tham gia tố tụng đều nhận thấy rằng: các tội danh ghép cho Phương (cưỡng đoạt tài sản và lừa đảo) là vô lí, không đúng bản chất sự việc, không đúng với những chứng cứ và lời khai của các bên (Viện kiểm sát và Tòa án cũng đành phải đọc cáo trạng và tuyên án theo cái bản của Tổng cục II đã viết sẵn mà thôi). Cả Phạm Văn Phương và luật sư của mình là ông Phan Trung Hoài ở cả hai phiên tòa sơ phẩm và phúc thẩm đều không công nhận tội danh này. Sự vô lí đó nằm ở chỗ nào? Cũng như sự vô lí ở trong vụ án Trịnh Vĩnh Bình mà nếu như không tìm ra vai trò của Tổng cục II thì người ta đều không nhận ra được cái vô lí đó. Tất cả những sự thật trên đây đã trả lời cho cái sự vô lí đó. Bản chất của vụ án không phải là cưỡng đoạt tài sản, không phải là tống tiền, Nguyễn Minh Hoàng tự nguyện đưa tiền cho Phương cơ mà, vậy làm sao gọi là cưỡng đoạt được? Nói là Phương tống tiền Hoàng, điều này là không có cơ sở, Hoàng về kinh tế thì mạnh hơn Phương, chức vụ thì lớn hơn Phương, Phương lại không phải là quan chức nhà nước, không phải là cơ quan bảo vệ pháp luật, lại cũng không hề dùng đến sức mạnh hay quyền lực nào để đe dọa Hoàng (mặc dù là Phương có dùng Đan để “bóng gió” dọa Hoàng nhưng thực chất vị trí như Đan thì chưa thể dọa được Hoàng, và trong quá trình xét xử Đan cũng phủ nhận toàn bộ điều này, bằng chứng rõ nhất là cơ quan tố tụng không khởi tố Đan) vậy thì làm sao mà tống tiền được? Phương chỉ nói với Hoàng một cách rất thân thiện là: “có nghe dư luận thanh tra Chính phủ định thanh tra công ty và công an định bắt chú, chú nên đưa cho anh 100.000 USD để anh chạy giúp cho chú thoát tội”, thế là Hoàng đưa tiền. Vậy thì rõ ràng rằng ở đây động cơ và bản chất của sự việc là “chạy tội”, mà danh từ của pháp luật gọi là tội “hối lộ”. Nhưng tội hối lộ lại phải có các yếu tố đưa hối lộ, nhận hối lộ và môi giới hối lộ. Từ đây nhận thấy rõ rằng Phương chính là kẻ “môi giới hối lộ”, nhưng cái khó là vậy thì lại phải tìm cho ra cho được ông “đưa” và ông “nhận” hối lộ. Nếu như vậy thì lại hỏng mất vở kịch của Minh, Hoàng và Tổng cục II đã dựng ra, bởi vì như vậy thì chính Nguyễn Minh Hoàng phải chịu tội đưa hối lộ, mà Hoàng lại đang đứng trên cương vị “chủ hợp đồng” thuê Tổng cục II làm vụ này cơ mà. Lại còn mấy ông lớn nào nhận hối lộ ở đây nữa chứ? Không thể khui lung tung ra như thế được, lại loạn hết cả triều đình lên. Chắc chắn Tổng cục II không thể để xảy ra như vậy. Do vậy chỉ có cách “biến hóa” thành tội cưỡng đoạt tài sản, chỉ có một bên bị cáo và một bên bị hại mà thôi, chỉ có một mình Phạm Văn Phương là kẻ có tội mà thôi (chắc thằng cha Hoàng này bị “mát” quá, không có tội tình gì và người ta cũng không xin xỏ, ép buộc gì mình vậy mà tự dưng lại đưa 100.000 Mĩ kim để biếu không).

Đấy là xét trên hồ sơ, bút lục và những chứng cứ trước tòa, đấy là xét về góc độ pháp luật. Còn bản chất thật sự và cái “bí mật” của nó thì đã được bài viết này tố cáo rõ ràng ở trên đây. Tất cả cái bản chất lưu manh, xảo trá và vô lí của “vụ án Phương Vicarrent” cũng chính là bản chất của chế độ cộng sản. Mọi lo-gíc chỉ có thể tìm ra từ sự thật, và sự thật thì không thể che dấu mãi được. Hàng triệu triệu điều vô lí đã và đang tồn tại và phát sinh ra trong xã hội Việt Nam, đó chính bởi vì chế độ cộng sản cầm quyền đã bóp méo sự thật, che dấu sự thật, thêu dệt sự thật. Nhà nước cộng sản ghét bỏ sự thật, không muốn nghe những lời nói thật, bỏ ngoài tai những lời nói tâm huyết của những người trung thành nhất, yêu nước nhất, dũng cảm nhất, kể cả những người đã từng mất những phần thân thể và đổ máu cho cái mảnh đất Việt Nam này, để xây dựng nên cái chế độ cộng sản này. Họ chỉ thích nghe những lời khen ngợi, tán dương, nịnh hót, lừa dối của những đám tôi tớ giúp việc cơ hội, nịnh thần, đấy là sự thật mà lãnh đạo cộng sản nghe được. Nhà nước cộng sản cũng không cần nhận thấy sự thật. Sự thật tất yếu là chế độ cộng sản trên toàn Thế giới sẽ phải sụp đổ hoàn toàn, nếu họ không lập tức hối cải và phục thiện thì toàn bộ bộ máy của họ, bản thân họ, và cả dòng họ gia đình của họ sẽ phải chứng kiến cái cảnh đứng trước đoạn đầu đài. Nhà nước cộng sản không cần nhìn thấy những cảnh đời đau khổ, những gia đình nông dân đang lao động cật lực cả cuộc đời cũng chỉ có được cuộc sống bữa no bữa đói, không có điều kiện học hành, đau ốm không thuốc men. Họ không nhìn thấy cảnh hàng triệu con người chịu áp bức bóc lột ở khắp nơi, những cảnh sống không còn một tấc đất để cắm dùi, những cảnh đời li tán tha phương cầu thực, những cảnh đời phải bán thân nuôi miệng ở đất khách, xứ người, rồi còn hàng triệu những nỗi oan khuất mà chỉ biết đành chịu ôm hận xuống suối vàng. Họ chỉ biết đến những báo cáo thành tích phát triển đứng trên mồ hôi của đồng bào mình và trong sự rút cạn kiệt tài nguyên của đất nước, phá tàn lụi cả thiên nhiên, hủy hoại mọi nền tảng xã hội; những “thành tích phát triển” mà mãi mãi không bao giờ theo kịp những nước quanh khu vực. Họ chỉ biết đến những bữa ăn đắt giá bằng tiền công mấy năm lao động của một người dân, biết đến những biệt thự đắt tiền và những nhãn hiệu xe hơi nổi tiếng (mà mỗi cái xe tính tương đương ra bằng đến 3000 con trâu) mà họ đang sở hữu, đấy là sự thật của lãnh đạo cộng sản. Đã không nghe, không thấy lại càng không cần nói đến sự thật, sự thật nào có được khi mà bên tai của Đảng, Chính phủ còn có Ban tư tưởng - văn hóa trung ương, họ cưỡng bức luôn hơn 80 triệu con người phải hàng ngày lắng nghe những điều họ tuyên truyền, nhồi nhét. Họ thích những điều hoa mỹ, vô nghĩa như: “đại hội thành công tốt đẹp” (chưa có một cái hội nghị nào của cộng sản lại không “thành công tốt đẹp”), “theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại” (ổng đã “nghẻo” hơn 36 năm nay rồi vẫn còn bắt cả dân tộc đi theo cái tư tưởng ấy mãi, làm cái việc bắt người chết chỉ đường cho người sống, định để cho cả dân tộc quay về thế kỉ 19 hay sao?), “Việt Nam cực lực lên án” (chẳng làm gì được ai cả, chỉ cứ “cực lực phản đối” hay “lên án” thế là xong) ..., hay là trẻ em thì có những danh hiệu “cháu ngoan Bác Hồ” (sao không phải là “cháu ngoan bác Franklin” thì có tốt hơn không, ít nhất cũng gấp được hơn mười lăm ngàn lần “bác Hồ” đấy!), rồi các “bà mẹ Việt Nam anh hùng” (đồng nghĩa với trao tặng danh hiệu là việc phải cứu đói các mẹ đang sống lay lắt và bao nhiêu người mẹ khác cũng đã “ngậm cười nơi chín suối” để nhận danh hiệu ấy do Diêm vương trao tặng; mà cũng lạ là tại sao chẳng có “ông bố Việt Nam anh hùng” nhỉ?), họ nhồi nhét tất cả những điều đó vào đầu những người dân nô lệ của họ (nhà báo người Pháp – Jean Lacouture - đã nói đúng: cộng sản đã áp dụng chính sách thực dân với chính đồng bào của mình) kể từ đứa trẻ lúc mới chào đời cho đến khi nhắm mắt xuôi tay. Cộng sản triền miên suốt 60 năm trời nói những điều vô lí, trống rỗng, xuyên tạc mà không cảm thấy xấu hổ, không biết ngượng miệng, nói cho sướng miệng mình còn có ai nghe và ai tin không thì cũng “kệ xác mày”, đấy là sự thật của chế độ cộng sản. Nhân dân Việt Nam không bao giờ còn tin những điều cộng sản nói và càng không thể chấp nhận được những gì cộng sản đã và đang làm. Nhân dân chỉ còn một cơ hội duy nhất và tất yếu là phải lật đổ chế độ cộng sản cầm quyền; đòi lại dân chủ, nhân quyền cho chính mình; xoá bỏ mọi bất công, đòi lại công bằng cho xã hội; xây dựng lại đất nước Việt Nam, cải thiện lại hình ảnh của dân tộc Việt Nam.

Đọc bài viết này hẳn độc giả sẽ thắc mắc là: vậy bản chất của vụ án rõ ràng cũng là những cuộc “đâm thuê, chém mướn” của các thế lực Mafia cộng sản mà nếu làm rõ ra thì có lẽ còn liên quan đến cả vài chục vị ở trung ương và Bộ chính trị có quan hệ với Phương và đứng đằng sau Phương Vicarrent nữa chứ, rồi còn lực lượng bóng tối của phe bên kia gồm Nguyễn Trọng Minh, Nguyễn Minh Hoàng và Tổng cục II thì ra sao? Tất nhiên, trong một chế độ dân chủ, trong một chính phủ minh bạch nếu cứ bắt đầu từ đấy để chứng minh “bàn tay sạch” thì như trong “vụ án Phương Vicarrent” người ta sẽ còn liệt kê được thêm vài chục vị nữa từ Tổng bí thư, Thủ tướng, phó thủ tướng đến các vị Chủ nhiệm văn phòng chính phủ, bộ trưởng, thứ trưởng, vụ trưởng các bộ Công an, Quốc phòng, Tài chính, Kế hoạch đầu tư, Xây dựng, Thương mại, ... rất rất nhiều, người viết không thể biết hết được và cũng không thể liệt kê hết ra đây được, cần phải hẹn lại độc giả ở những bài viết khác nói đến những sự việc cụ thể và từng danh tánh cá nhân sẽ được nêu lên chính xác, rõ ràng để những kẻ “đày tớ hút máu dân” đó sẽ không thể chối cãi được nữa.

Cuối cùng, xin nói thêm, để khẳng định và giải thích nhiều chi tiết trong bài viết, người viết đã phải dẫn chứng quá nhiều những tình tiết rườm rà, những ngoặc đơn, ngoặc kép làm phiền lòng độc giả. Xin các quí độc giả tìm xem thêm những bài viết của “vụ án Phương Vicarrent” ở những bài báo và tài liệu khác để hiểu rõ hơn.

Xin hẹn lại độc giả ở một bài viết khác. Xin chân thành cảm ơn!

Bà Rịa - Vũng Tàu ngày 10/6/2005

Tổng Cục II - Vai Trò Quyết Định Trong Vụ Án Trịnh Vĩnh Bình

Vụ Án Tổng Cục 2

http://www.ykien.net