Thư của Trung tướng Lê Văn Hiền, nguyên ủy viên Trung ương đảng
Kính gửi:
- Ban chấp hành Trung ương Đảng
- Bộ chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng
- Đồng chí Bí thư Đảng uỷ quân sự Trung ương
- Đồng chí Bí thư Đảng uỷ Công an Trung ương
- Uỷ ban kiểm tra Trung ương Khoá 9
Thưa các đồng chí.
Từ ngày nghỉ hưu đến nay, tôi ít được thông tin chính thống, chủ yếu theo dõi qua báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình nên hiểu biết có hạn chế. Để góp phần nhỏ vào sự nghiệp xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xin trình bày một số suy nghĩ dưới đây:
Tôi xin nhất trí đánh giá của đồng chí Nguyễn Thị Doan - Uỷ viên TW Đảng, Phó Chủ nhiệm Thường trực UBKT TW Đảng đăng trên tạp chí Cộng sản số 22 tháng 11.2004, bài Tăng cường giám sát trong Đảng có đoạn viết “... hiện nay trong Đảng vẫn còn những tổ chức Đảng và đảng viên suy thoái về tư tưởng, chính trị, tổ chức, đạo đức, phẩm chất cách mạng kém có người dao động mục tiêu, lý tưởng, chủ nghĩa cá nhân phát triển, bệnh quan liêu, tham nhũng ngày càng tăng nặng, phần tử cơ hội xuất hiện dưới nhiều hình thức, nguy hiểm là kẻ cơ hội chính trị nằm ngay trong nội bộ Đảng và tìm mọi cách để giấu mình, chờ dịp thực hiện mưu đồ đen tối trong khi đó nguyên tắc tổ chức chưa được giữ nghiêm; nguyên tắc tập trung dân chủ bị vi phạm; tự phê bình và phê bình nói chung đều yếu, có nơi chỉ là hình thức, tính chiến đấu của nhiều tổ chức đảng và đảng viên đang bị sa sút, quan hệ có nơi, có lúc bị đồng tiền và quyền lực chi phối”.
Đánh giá như vậy là đúng nhưng còn chung chung, không cụ thể, không có địa chỉ, không ai chịu trách nhiệm. Kẻ cơ hội chính trị nằm ngay trong nội bộ Đảng là những ai, ở đâu, cấp Trung ương, tỉnh có không là những cá biệt hay đã cấu kết nhau thành tổ chức. Họ giấu mình bằng cách nào. Họ chờ dịp thực hiện mưu đồ đen tối hay mưu đồ đó họ đã và đang thực hiện từng bước, từng phần. Những vụ đặt máy nghe trộm tung tin thất thiệt vu khống nói xấu cán bộ lãnh đạo, cán bộ cao cấp trong Đảng, gây chia rẽ nội bộ, tạo chứng cứ giả để hãm hại người tốt những vụ tham nhũng lớn; phá hoại kinh tế, làm giảm chất lượng công trình, làm thất thoát lãng phí lớn, làm cho kinh tế chậm phát triển, tụt hậu... làm tha hoá cán bộ, đảng viên, tạo những nhà tư sản đỏ, đưa ngày càng nhiều kẻ cơ hội vào Đảng, vào các cơ quan lãnh đạo của Đảng, từng bước làm thay đổi bản chất của Đảng, đi đến vô hiệu hoá sự lãnh đạo của Đảng, làm tan rã Đảng. Những hoạt động như vậy có nằm trong mưu đồ đen tối không, có phải "diễn biến hoà bình" có phải cảnh giác không ?
Đánh giá chung không va chạm ai: từ cấp cao, cấp thấp, Bộ này, Bộ kia, địa phương này, địa phương kia đều có "huề cả làng" thì khó giải quyết. Ủy ban Kiểm tra Trung ương phải khẳng định được trọng điểm là ở đâu, những vấn đề gì là chính, phải làm rõ sự thật báo cáo cho Bộ Chính trị, cho Ban chấp hành Trung ương Đảng có biện pháp giải quyết đúng, kịp thời.
Từ Đại hội 6 đến nay, Đảng ta đã có cương lĩnh chính trị, có nhiều Nghị quyết, có chiến lược phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối nội, đối ngoại. Đó là những nhân tố cơ bản để xây dựng Đảng ngang tầm nhiệm vụ mới, một Đảng trong sạch vững mạnh theo tinh thần Nghị quyết TW 6 (lần 2) khoá 8. Nhưng Đảng ta đã mắc một số sai lầm, chậm khắc phục nên phát sinh nhiều tiêu cực.
I. Mất đoàn kết nghiêm trọng kéo dài.
Cuối khoá 5 trước thềm đại hội 6 bắt đầu có dấu hiệu tranh giành quyền lực, hoạt động bè phái, tìm cách lật đổ nhau, mất đoàn kết nghiêm trọng ở cấp cao trong Đảng, trong quân đội, tác động sâu rộng đến các cấp, các ngành.
Nhân sai lầm về giá, lương, tiền, người ta tung tin trách nhiệm về sai lầm đó hầu như hoàn toàn thuộc về Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Bộ trưởng - đồng chí Tố Hữu. Trong lúc BCT, BCH TW chưa có kết luận về trách nhiệm và hình thức kỷ luật đối với đồng chí Tố Hữu, thì tháng 6/1987 đồng chí bị miễn nhiệm Phó Chủ tịch HĐBT (thực chất là cách chức).
Tại Hội nghị BCH TW lần thứ 10 (khoá 5) cố TBT Lê Duẩn nói: Sai lầm về giá, lương, tiền của BCH, tập thể BCT phải chịu trách nhiệm, lúc đó tôi đi chữa bịnh, đồng chí Trường Chinh quyền TBT: Trách nhiệm đó đâu chỉ của Chính phủ. Đồng chí nói tiếp: "đồng chí Tố Hữu sai gì và ai miễn nhiệm Phó Chủ tịch HĐBT đồng chí mà tôi không biết". Hội nghị không ai có ý kiến. Ở đây nguyên tắc dân chủ bị vi phạm nghiêm trọng, nguyên tắc tự phê bình và phê bình không được tôn trọng; kẻ lộng quyền không được phê phán; sự công bằng và bình đẳng về chính trị cũng không có. Vào Đại hội 6 đồng chí Tố Hữu bị gạt, không trúng cử vào BCH TW.
Trước Đại hội Đại biểu Đảng toàn quân để bầu đại biểu đi dự đại hội 6 đã có những hoạt động bè cánh, tranh giành quyền đại biểu. Vào đại hội, nhiều đồng chí có năng lực, đạo đức cách mạng, bản lĩnh vững vàng, được rèn luyện, thử thách, nhiều kinh nghiệm như các đồng chí Chu Huy Mân, Đặng Vũ Hiệp... bị gạt không trúng cử đại biểu, Đại tướng Văn Tiến Dũng - Bộ trưởng Quốc phòng bị đánh rơi xuống đại biểu dự khuyết.
Cố TBT Lê Duẩn đánh giá về Trần Xuân Bách (TXB) "Thời gian làm CVP TW Đảng có nhiều quan điểm chống lại Nghị quyết BCH TW và BCT gây nhiều khó khăn". Chuẩn bị nhân sự cho BCH TW Khoá 6 cố đồng chí Lê Đức Thọ và Ban Tổ chức TW giới thiệu TXB vào BCT. Trong hội nghị BCH TW mở rộng bàn về nhân sự, tôi (Lê Văn Hiền) trao đổi với 2 đồng chí Bí thư tỉnh uỷ tinh thần đánh giá của cố TBT Lê Duẩn về TXB cân nhắc xem có nên cơ cấu TXB vào BCH TW. Không biết bằng cách nào cố đồng chí Lê Đức Thọ biết việc trao đổi của chúng tôi (có dư luận nghi đặt máy nghe trộm). Sau hội nghị đồng chí Lê Đức Thọ triệu tập 3 chúng tôi đến Ban Bí thư TW kiểm điểm. Đ/c Lê Đức Thọ nói "tôi hoạt động bè phái đòi xử lý kỷ luật. Tôi trình bày: tôi nhận thức việc trao đổi trong hội nghị để xây dựng BCH mạnh về đạo đức cách mạng, về năng lực lãnh đạo, là trách nhiệm và quyền của cấp uỷ viên, tôi không hoạt động bè phái. Hội nghị không ai có ý kiến BCH, BBT TW không có kết luận tôi hoạt động bè phái, và cũng không có hình thức kỷ luật nào đối với tôi. Nhưng sau cuộc họp Ban Bí thư, đồng chí Nguyễn Đức Tâm - Trưởng ban tổ chức TW ra thông báo gởi cho các tỉnh, các ngành nói: tôi (Lê Văn Hiền) "hoạt động có tính chất bè phái" nhằm làm mất uy tín tôi. Đây là hành động vô nguyên tắc, cố ý làm hại đồng chí. Rồi danh sách tôi trong số được BCH TW khoá 5 đề cử vào BCH TW khoá 6 bị gạch. Tại đại hội 6 nhiều đoàn đại biểu giới thiệu tôi ứng cử vào BCH; đồng chí Lê Đức Thọ họp các trưởng đoàn thông báo "Tôi (Lê Văn Hiền) không được đoàn đại biểu Thuận Hải giới thiệu" là sự bịa đặt trắng trợn.
Đầu năm 1987 BBT TW triệu tập tôi về giao nhiệm vụ. Hơn 1 tháng chờ đợi. Ban Tổ chức TW chưa bố trí được, đồng chí Đỗ Mười - Uỷ viên BCT thường trực BBT bảo tôi về, chờ BTC TW nghiên cứu.
Tháng 3/1988 Thường trực BBT và đồng chí Trần Quốc Hương - BTTW, Trưởng Ban Nội chính bố trí tôi làm "phái viên" Ban NC TW giúp Trưởng ban theo dõi, kiểm tra tình hình thực hiện vụ án HT86 và giúp cho Ban chuyên án (CA), Đồng chí Trần Quốc Hương nói với tôi: "Tôi (đ/c Trần Quốc Hương) đã đề nghị BBT để anh giúp theo dõi vụ án HT86, chưa nên cho về hưu". Cuối năm 1988 trong lúc vụ án HT86 đang triển khai giai đoạn 2, tôi nhận được quyết định nghỉ hưu. Vì yêu cầu công việc, khả năng và sức khoẻ tôi, đồng chí Trần Quốc Hương đề nghị tôi làm cộng tác viên" giúp đồng chí. Công việc có nhiều khó khăn, phức tạp vì lợi ích của Đảng, của nhân dân tôi sẵn sàng nhận.
Đại hội đại biểu lần thứ 6 vấn đề nhân sự cũng rất lộn xộn. Trong những đồng chí được BCH TW khoá 5 nhất trí đề cử vào BCH TW khoá 6 không ít đồng chí tốt, vững vàng bị gạt.
Sự thật đã chứng minh cố TBT Lê Duẩn không hiểu lầm Trần Xuân Bách, chỉ có đồng chí Lê Đức Thọ, Nguyễn Đức Tâm làm cho đại biểu Đại hội 6 hiểm lầm, nên Trần Xuân Bách được bầu vào BCT.
Sau bầu cử BCH TW khoá 6, tôi và một số đồng chí gặp cố vấn Phạm Văn Đồng, lúc đó là cố vấn BCH TW đề nghị đồng chí cho ý kiến về kết quả Đại hội. Đ/c rất buồn và chỉ nói: Không biết vài mươi năm sau Đảng ta có khôi phục được sự đoàn kết nhất trí trong Đảng như trước.
Sau Đại hội 6, cán bộ lãnh đạo chủ chốt các bộ, các ngành cấp TW thay đổi hàng loạt, phần lớn năng lực, uy tín không mạnh hơn mà có phần yếu hơn lớp lãnh đạo trước; nhiều cán bộ tốt bị loại.
BCH TW xử lý kỷ luật Trần Xuân Bách, nhưng vẫn còn để Trần Xuân Bách trong Đảng là không đúng nguyên tắc của Đảng, không đúng tư tưởng Bác Hồ.
Tôi trình bày trên đây không phải để phê phán các đồng chí trước, chỉ mong được BCH TW. BCT rút kinh nghiệm cho sự nghiệp xây dựng chỉnh đốn Đảng. Cán bộ phụ trách công tác tổ chức, cán bộ mà không khách quan vô tư, thích xu nịnh, thương ai nên tốt, ghét ai nên xấu, không chịu nghe những ý kiến trái với ý mình, quan liêu, cửa quyền, độc đoán, vô nguyên tắc... thì chỉ phá hoại Đảng, làm giảm sút ý chí và sức chiến đấu của Đảng.
II. Để kéo dài sự hoạt động phá hoại Đảng, quân đội của những người lãnh đạo Tổng cục II.
Thư của Võ Đại tướng ngày 3/1/2004 và thư của Thượng tướng Nam Khánh ngày 17/6/2004 cùng gởi cho BCH TW, BCT & BBT, UBKTTWDD có đoạn viết: "Trước đây trong kháng chiến chống Mỹ, Cục 2 đã đóng góp nhiều thành tích và có truyền thống tốt đẹp. Nhưng hai chục năm nay có thể nói từ khi bị khống chế và tự nguyện thực hiện những âm mưu vu khống, Cục 12 (TC2) và các lãnh đạo TC2, kể từ vụ Siêm Riệp (1983) đến vụ Sáu Sứ (khoá 6) đến các vụ khác rất nghiêm trọng trong khoá 7, khoá 8, khoá 9 hiện nay mà vụ án T4 là vụ án chính trị đặc biệt nghiêm trọng".
Võ Đại tướng viết: "những phần tử xấu trong TC2 có những hoạt động phá hoại Đảng nghiêm trọng một cách có hệ thống, có tổ chức, kéo dài hàng cục năm, đặt máy nghe trộm các đồng chí lãnh đạo và cán bộ cao cấp, sử dụng những thông tin sai lệch để phá rối, và chia rẽ nội bộ, cố tình gây ra bè phái trong Đảng, tạo ra chứng cứ giả để hãm hại những cán bộ tốt của Đảng, vi phạm nghiêm trọng điều lệ Đảng và vi phạm luật Nhà nước và kỷ luật quân đội".
Đó là nguồn tin chính xác đáng tin cậy, tôi (Lê Văn Hiền) xin nhất trí với đánh giá của Võ Đại tướng và Thượng tướng Nam Khánh để hoạt động của những phần tử xấu trong lãnh đạo TC 2.
Trường hợp Trung tướng Phan Bình, Nguyên Cục trưởng Cục 2, bị ám sát (tôi trình bày ở điểm III). Nhiều năm qua tôi nghi là sự dàn dựng của TC 2 vì mục đích đen tối. Nhiều lần tôi trình bày với một số đồng chí lãnh đạo cao của Đảng và đề nghị phải làm rõ cái chết thảm khốc đầy ẩn khuất của cha con Trung tướng Phan Bình, nhưng các đồng chí không có ý kiến gì. Gần đây đồng chí Trần Quốc Hương nguyên BTTW Đảng (khoá 6) cho tôi biết "Tin đồng chí Phan Bình bị bệnh tâm thần, tự át là do TC2 báo cáo". Những người lãnh đạo TC2 tạo dựng chứng cứ giả để bưng bít âm mưu đen tối, lừa BCT, BBT, lừa quân đội và nhân dân.
Tôi xin đề nghị:
Gần đây, tôi có nhận thư của Thượng tướng Nam Khánh ngày 15/11/2004 gởi BCH TWĐ, Bộ Chính trị, BBT, Đảng uỷ quân sự Trung ương, Uỷ ban Kiểm tra khoá 9... nói về Hội nghị Đảng uỷ QSTW mở rộng ngày 24/8/2004. Đọc thư đ/c Nam Khánh tôi thấy hội nghị ĐUQSTW mở rộng có những nhận định rất mới, làm tôi ngỡ ngàng như:
a) Thông qua báo cáo của TC2 nhận định âm mưu và ý đồ của Mỹ và các thế lực thù địch chống phá Việt Nam - Đông Dương từ nay đến ĐH10, trong đó nhấn mạnh: "hiện nay trong Đảng có tình hình chống phá quân đội và tập trung mũi nhọn trước hết là chống phá TC2". Bộ trưởng Quốc phòng nhấn mạnh thêm "TC2 là người bảo vệ quân đội trung thành nhất, đánh TC2 là đánh quân đội, đánh vào chế độ".
b) Thông qua báo cáo của Bộ Quốc phòng có nội dung "hoạt động chống phá của chúng mang tính chất tổ chức chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng; bước đi rõ ràng, đầy uy tín một số lão thành cách mạng lên cao, sau đó sử dụng chính họ đánh vào quân đội".
Những kết luận trên đã thông qua Bộ Chính trị, BCH TW chưa... Căn cứ vào đâu mà nhận định "hiện nay trong Đảng có tình hình chống phá quân đội và tập trung mũi nhọn trước hết là chống phá CT2". Trong Đảng là những ai, họ đã tổ chức chông phá CT2, chống phá quân đội như thế nào, mà Đảng uỷ QSTW và Bộ Quốc phòng kết luận: "hoạt động chống phá của chúng mang tính chất tổ chức chặt chẽ phối hợp nhịp nhàng, bước đi rõ ràng".
Căn cứ vào đâu mà có nhận định "địch lôi cuốn một số lão thành cách mạng đẩy uy tin một số lão thành cách mạng lên cao, sau đó sử dụng chính họ đánh vào quân đội.
Số lão thành cách mạng đó là những ai, họ ở đâu ?
Bộ Quốc phòng căn cứ vào đâu mà nói: "Thượng tướng Nam Khánh có liên hệ với các phần tử chống đối ở nước ngoài".
Nghị quyết ĐUQSTW mở rộng ngày 24/8/2004 có phần tập trung đánh dòn nặng vào một số lão thành cách mạng, và tướng lĩnh có tâm huyết đã nhiều lần phân tích, phê phán những hoạt động phá hoại Đảng, phá hoại quân đội, phá hoại chế độ của những người lãnh đạo TC2, đề nghị BCH TW Đảng đưa họ ra khỏi Đảng, truy tố trước Toà án quân sự và đề nghị chấn chỉnh TC2.
Đồng thời Nghị quyết nâng cao vị thế của những người lãnh đạo TC2, bảo vệ TC2 1 tổ chức siêu Đảng, siêu Chính phủ.
Nghị quyết chưa được BCHTW thông qua mà đã tổ chức phổ biến đến các quân chủng, các quân khu, đến chỉ huy trưởng BCHQS tỉnh. Chủ tịch CCB tỉnh, Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh là vô nguyên tắc.
Đề nghị Bộ Chính trị và BCH TW phải nghe, phải thảo luận dân chủ, thẳng thắn và có ý kiến về Nghị quyết hội nghị ĐUQSTW mở rộng ngày 24/8/2004 và báo cáo của Bộ Quốc phòng. Nếu đúng thì các đồng chí công bố là đúng và chịu trách nhiệm trước toàn Đảng. Nếu chỗ nào sai thì phải sửa và chỉ phổ biến lại cho cán bộ cao cấp trong toàn quân, các Hội CCB, và Ban Tuyên giáo các tỉnh uỷ (nơi đã được phổ biến Nghị quyết).
BCHTW phải có kết luận trách nhiệm của ĐUQSTW và Bộ Quốc phòng về những điểm sai trong Nghị quyết, để Nghị quyết lọt ra nước ngoài (nếu có) và có hình thức kỷ luật nghiêm minh.
III. Bưng bít cái chết đầy ẩn khuất của cha con trung tướng Phan Bình.
Nguyên Cục trưởng Cục 2 suốt 20 năm kháng chiến chống Mỹ và hơn 10 năm trong hoà bình, đồng chí Phan Bình là hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc. Trước Đại hội 6 đ/c được nghỉ hưu. Bàn giao xong công việc cho Cục trưởng mới - Tư Văn: đầu năm 1987 đồng chí vào Thành phố Hồ Chí Minh nghỉ ngơi, thăm bạn bè, thăm lại cơ sở cũ. Đêm 13 tháng 12 năm Bính Dần tại nhà nghỉ của Cục 2. số 30 đường Lê Quí Đôn, quận 3 Thành phố Hồ Chí Minh, đ/c bị ám sát.
Cố Thượng tướng Nguyễn Minh Châu, lúc đó là Tư lệnh quân khu 7 nói với tôi (Lê Văn Hiền): Được tin đồng chí Phan Bình chết, đồng chí đưa đoàn kiểm sát quân sự vào hiện trường làm việc, theo đồng chí thì đồng chí Phan Bình chết trong tư thế ngã sấp trên thềm nhà trước phòng khách, ở đầu bị bắn toác một lỗ rộng... Đoàn làm việc vừa xong thì được lệnh Bộ Quốc phòng phải rút ra để đoàn của Bộ vào làm. Sau đó, không biết từ đâu đưa tin đồng chí Phan Bình bị bệnh tâm thần, tự sát.
Sau khi đưa thi hài đồng chí Phan Bình về Hà Nội, người con trai của đồng chí - một sĩ quan quân báo phát hiện chỗ bị bắn ở đầu đồng chí, 1 cơn sốc đến với cháu: khóc và la lớn "ba bị người ta bắn chết". Cơ quan nói cháu bị bệnh tâm thần, đưa cháu vào bệnh viện điều trị, chưa được 1 tháng thì cháu chết (theo lời kể của chị Phi - vợ đồng chí Phan Bình).
Phía sau nhà khách của Cục 2 (30 Lê Quý Đôn, TP Hồ Chí Minh) có 4 nhà nhỏ lúc đó, có 1 bà già phục vụ và cháu Thủy - con gái của đồng chí Phan Bình ở đây; tôi được nghe cháu Thủy kể: "Ba cháu vào đây chỉ có một mình, không có súng ngắn, người khoẻ mạnh, ngủ và làm việc ở trên lầu, ban ngày thường đi thăm bạn bè và cơ sở, tối thường có các chú đến thăm, đêm ba cháu bị bắn, cháu đi trực ở cơ quan"
Trước cái chết vô cùng thảm khốc và ẩn khuất của cha con đồng chí Phan Bình, gia đình và bạn bè có nhiều nghi ngờ, cho đây là âm mưu chính trị đen tối. Tuy đã nghỉ hưu nhưng đồng chí còn biết nhiều về địch, cũng biết nhiều kẻ cơ hội chính trị, kẻ xấu trong nội bộ, nhất là trong quân đội, nên nhiều người đề nghị phải làm rõ trường hợp chết của cha con đồng chí Phan Bình.
Đề nghị trên đến với cố TBT Nguyễn Văn Linh nhưng đồng chí không có ý kiến gì, đến với cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng lúc đó là cố vấn BCH TW Đảng, đ/c chỉ lắc đầu và rất buồn, không nói một lời. Một đồng chí lãnh đạo cấp cao đến động viên và khuyên chị Phi - vợ đ/c Phan Bình "việc đã qua thì cho qua đi, đừng làm gì gây khổ cho lãnh đạo". Cuối tháng 12/1992, nhân dịp được gặp, làm việc với nguyên TBT Đỗ Mười cùng 2 Uỷ viên BCT: cố đồng chí Đào Duy Tùng, Lê Phước Thọ và đồng chí Đỗ Quang Thắng lúc đó là Bí thư TW Chủ nhiệm Uỷ ban KT TW Đảng, tôi đề nghị cần làm rõ trường hợp đồng chí Phan Bình bị giết, nhưng các đồng chí không nói gì.
Đầu năm nay, đồng chí Trần Quốc Hương nguyên Bí thư TW Đảng khoá 6 cho tôi biết: "Tin đồng chí Phan Bình bị bệnh tâm thần, tự sát là do TC2 báo cáo". Như vậy chứng tỏ trường hợp chết của cha con đồng chí Phan Bình có liên quan đến những người lãnh đạo Cục 2 và TC2.
Đề nghị BCH, ĐUQSTW, ĐUCATW cho làm rõ: Vì sao lãnh đạo TC2 dựng chứng cứ giả để bưng bít trường hợp cha con đồng chí Phan Bình bị ám hại, kẻ nào đã ám hại cha con đồng chí Phan Bình và nhằm mục đích gì ?
IV. Biết địch mà không đánh.
Vụ án HT86 là vụ án gián điệp do CIA Mỹ chỉ đạo cài vào lưới điệp báo (A22) phòng H.QK6 từ năm 1963 đến cuối năm 1975. Sau khi giải thể QK6, nó cài số đó vào nội bộ ta ở Lâm Đồng (có trong quân đội và ngoài quân đội). Trong kháng chiến và sau giải phóng đã gây cho ta nhiều tổn thất, nhất là nó chỉ đạo lực lượng Fulrô đánh phá ta liên tục từ sau giải phóng đến năm 1986.
Sau gần 2 năm điều tra (1984, 1985) của BVANQĐ QK5; tháng 3/1986 một ban chuyên án (CA) được thành lập... dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Thường vụ TU Lâm Đồng và Thường vụ Đảng uỷ QK5 và được sự chỉ đạo nghiệp vụ của Cục BVANQĐ, Ban CA hoạt động đến tháng 3/1988 thì vụ án HT86 chuyển về TW.
Giai đoạn 2, sau khi vụ án chuyển về TW, một ban CA mới được thành lập gồm: Thứ trưởng Bộ Nội vụ Bùi Thiện Ngộ làm Trưởng ban, 2 Phó trưởng ban là Nguyễn Như Kính - Cục trưởng BVANQĐ, Phó Cục trưởng Lê Tiên là Phó trưởng ban thường trực và đồng chí Nguyễn Trung Tín Uỷ viên TW Đảng, Bí thư TU Lâm Đồng làm uỷ viên, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Bí thư TW Đảng. Ban Nội chính TW Đảng giúp BBT theo dõi, kiểm tra việc thực hiện.
Tiếp tục kết quả của giai đoạn 1, từ tháng 4/1988 đến tháng 4/1989 Ban CA mới đã cố gắng hoạt động, đã thu được kết quả bước đầu, tên nội gian nguy hiểm Nguyễn Văn Hai (NVH), Phan Thành Lợi (PTL) đã cúi đầu nhận tội... (Báo CANDTW số 95 tuần báo 18-24/7/1991 đã đăng).
Tại phiên họp ngày 8/4/1989 sau khi nghe ban CA báo cáo kết quả Ban Bí thư TW có ý kiến đánh giá: "Đây là vụ án gián điệp do CIA chỉ đạo, cài sâu vào nội bộ ta, đã chống phá cách mạng trước và sau ngày miền Nam giải phóng. Hoạt động của chúng đã gây cho ta nhiều tổn thất và để lại nhiều phức tạp cần phải giải quyết. Ban CA đã có nhiều cố gắng làm rõ được một số hoạt động hiện hành của chúng, nhưng còn nhiều vấn đề phải tiếp tục xác minh, kết luận rõ".
Theo thông báo 134 TB/TW ngày 15/4/1989 của Ban Bí thư TW; Ban Bí thư trực tiếp giao nhiệm vụ như sau:
Thực hiện thông báo 134 TB/TW được đồng chí Trần Quốc Hương (TQH) BTTW, TBNCTW chỉ đạo, ngày 20/7/1989 TVTU Lâm Đồng có quyết định số 62 QĐ/TU thành lập ban CA CNB 89 dưới sự lãnh đạo của TVTU; Bộ Nội vụ cử Thứ trưởng Võ Viết Thanh trực tiếp chỉ đạo nghiệp vụ - Ban CA CNB89 làm kế hoạch triển khai báo cáo lên Bộ Nội vụ và TVTU (số 001/CALĐ ngày 4/8/1989) nhưng theo chỉ đạo của Bộ Nội vụ, vụ án này không triển khai; cán bộ chuyên án điều đi làm việc khác.
Cục BVANQĐ cho biết giữa hai Bộ trưởng Quốc phòng và Nội vụ không thống nhất sao đó, nên thông báo 134 TB/TW và thông báo 78 TB/TW ngày 23/3/1988 của BBT không thực hiện được, rồi 2 đồng chí Kính và Tiên (Cục trưởng và Phó cục trưởng) đều cho nghỉ hưu.
Nói chung Bộ trưởng Nội vụ, Bộ trưởng Quốc phòng và TU Lâm Đồng đều không thực hiện thông báo 134 TB/TW của BBT. Đây cũng nói lên sự không nhất trí giữa Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Ban Bí thư TW để cho địch lợi dụng.
Là người giúp việc cho TB NC TW trước tình hình bế tắc đó, tôi nhiều lần báo cáo lên BBT và trực tiếp báo cáo với đồng chí Trần Kiên BTTW, Chủ nhiệm UBKTTW được BBT phân công theo dõi, kiểm tra việc thực hiện thông báo 134/TW thay cho đồng chí TQH bị bệnh, nhưng không có chuyển biến gì. Đến cuối tháng 12/1992, được trực tiếp báo cáo với nguyên TBT Đỗ Mười và các đồng chí Đào Duy Tùng, Lê Phước Thọ, Đỗ Quang Thắng. Sau khi nghe tôi báo cáo và kiến nghị, nguyên TBT Đỗ Mười cho ý kiến: "Lúc này có nhiều vụ án lớn phải làm mà ta thiếu lực lượng, nên 2 vụ án này (HT86 và CNB 89) tạm gác lại, khi nào có lực lượng và thấy cần sẽ làm tiếp".
Vũ Linh (VL) tức Nguyễn Trọng Cảnh - Giám đốc Công an Lâm Đồng, là Phó trưởng Ban CA HT86 giai đoạn 1 (từ tháng 3/1986 đến tháng 3/1988); nguyên là tổ trưởng A2 điệp báo của Bộ, giao lại Ban AN khu 6, khu giao lại Ban AN tỉnh Tuyên Đức, hoạt động tại địa bàn Đà Lạt, VL đã từng biết Nguyễn Văn Hai (NVH) là bí thư các đảng phản động: Duy tân, Kiến Quốc, chủ tịch mặt trận LMCDXH chống cộng tỉnh Tuyên Đức, Trưởng ban DTSR tỉnh, con nuôi tường ngụy Trần Tử Oai... Sau giải phóng, VL không phát hiện tình hình đó của NVH; quần chúng bắt NVH nộp cho Công an (CA) để cải tạo thì được CA lãnh ra. Được VL bao che, tiếp nhận NVH làm cơ sở cho Công an, tạo vỏ bọc mới cho NVH ẩn dật, tiếp tục thâm nhập vào tổ chức cách mạng. Sau một thời gian VL sử dụng NVH làm việc cho CA, VL tiếp tục chuyển NVH sang quân đội - quân bào tỉnh đội Lâm Đồng, VL cũng không phát hiện mặt trái của NVH, lại xác nhận NVH tích cực hoàn thành nhiệm vụ, VL cũng không thông báo cho TV TU, cho BCHQS tỉnh, cho Bảo vệ nội bộ tỉnh những điều mà VL đã biết về NVH. Vì vậy NVH dễ dàng lọt vào quân đội thường trực, vào quân báo tỉnh đội, rồi được kết nạp Đảng, lên hàm đại uý, nó lừa được BCHQS tỉnh, tiếp tục hoạt động gây tác hại nhiều mặt, hậu quả đến nay chưa lường hết. Lúc đó Phó trưởng ban CA HT86 (giai đoạn I) VL chống lại các đồng chí BVANQĐ, cho BVANQĐ làm sai, cho bọn NVH không phải là gián điệp, gây nhiều khó khăn, nên vụ án phải chuyển lên TW. Do sai lầm như vậy nên đầu năm 1989 BBT có quyết định kỷ luật VL với hình thức cách chức TUV, giao Bộ Nội vụ cách chức Giám đốc Sở. Theo ý kiến của cố TBT Nguyễn Văn Linh "đây là bước 1 còn phải làm tiếp bước 2 để làm rõ" (đồng chí Truyền UVUBKTTW Đảng lúc đó truyền đạt). Nhưng Bộ Nội vụ không cách chức Giám đốc của VL, mà rút lên trên giao nhiệm vụ mới, rồi cho về hưu. Như vậy chứng tỏ Bộ trưởng Bộ Nội vụ không nhất trí với BBTTW về trường hợp kỷ luật của VL.
Trong kháng chiến, Lâm Đồng là nơi tập trung đầu não của Fulrô do Pháp nặn ra và sau này do Mỹ nắm.
Đầu năm 1972 tại Đà Lạt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của tên John New Man CIA người Mỹ khoác áo giáo sĩ truyền đạo Tin lành ở Tiền quân thành (Đà Lạt) đứng ra bí mật tổ chức "lực lượng áo xanh miền núi" là tổ chức trá hình của Fulrô; trong BCH lực lượng "áo xanh miền núi" gồm có Jemy, Lemu Hà Chông và NVH.
Trong thời gian hoạt động ngầm với âm mưu lấy vùng Bi Đoup làm căn cứ, lôi kéo công chức, học sinh, thanh niên dân tộc ra rừng. Dựa vào sự chỉ đạo của Mỹ, Fulrô hoạt động lại. Đầu năm 1975 (trước giải phóng) cảnh sát nguỵ phát giác Jemy và một số tên cầm đầu chạy sang Mỹ. Lơmu Hà Chông ở lại, sau giải phóng nó ra rừng tổ chức lực lượng võ trang Fulrô chống phá ta. Thời gian này, giữa Lemu Hà Chông và NVH vẫn có bí mật liên lạc nhau. Sau khi Lơmu Hà Chông đi đường rừng qua Thái Lan rồi về Mỹ để cầu viện, thì NVH chỉ đạo lực lượng Fulrô ngoài rừng hoạt động. Tháng 3/1986 ta bắt NVH thì hoạt động võ trang Fulrô ngoài rừng chấm dứt. Song mưu đồ nắm Tây Nguyên, nắm Fulrô làm chỗ dựa cho kế hoạch hậu chiến của Mỹ đối với Việt Nam không bao giờ chúng buông thả.
Gián điệp do CIA chỉ đạo hoạt động trên địa bàn Tây Nguyên có liên quan đến an ninh quốc gia, đến sự tồn vong của chế độ, nhưng khó khăn gì mà phải gác các vụ án HT86, CNB89, 9 năm sau, nổ ra liên tiếp 2 cuộc bạo loạn (2001, 2004) ở Tây Nguyên do bọn phản động Fulrô phát động, có sự chỉ đạo của phản động nước ngoài. Đây là hậu quả của mất cảnh giác, hay có ai đó trong lãnh đạo các cơ quan chức năng, cố ý làm ngơ để cho tình báo CIA rộng đường hoạt động. Đề nghị nên nghiên cứu.
V. Trương Văn Cam hoạt động xã hội đen hay hoạt động gián điệp.
Vụ án Trương Văn Cam có phải chi hoạt động xã hội đen hay còn gì nữa, đằng sau Trương Văn Cam còn ai không. Trương Văn Cam được Công an cấp giấy phép đi Mỹ nhiều lần. Cán bộ tình báo quân sự cấp giấy chứng nhận quân báo cho tay chân Trương Văn Cam hoạt động là những vấn đề đáng nghi vấn.
Trương Văn Cam, 1 tên lưu manh, côn đồ mà đã đánh ngã một loạt cán bộ cao cấp của CA, trong đó có số đồng chí lãnh đạo Bộ (1 Trung tướng, Thứ trưởng, Uỷ viên TW Đảng) phần lớn trong ban giám đốc Sở CA TP Hồ Chí Minh đánh ngã cán bộ cao cấp của VKSNDTC giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam (Uỷ viên TW Đảng).
Điều đáng phải suy nghĩ là hoạt động của Trương Văn Cam mang tính chất hoạt động gián điệp do tình báo nước ngoài (có thể CIA) chỉ đạo. Mục tiêu của nó là tấn công vào nội bộ ta, trọng điểm là ngành CA có thể móc nối, xây dựng đặc tình. Hoạt động xã hội đen chỉ là thủ đoạn nhằm gây mất trật tự trị an, răn đe, mua chuộc, tha hoá cán bộ ta.
Kết luận Trương Văn Cam chỉ hoạt động xã hội đen thôi sợ thiếu cảnh giác. Đề nghị ĐUCATW nên tiếp tục nghiên cứu theo dõi.
VI. Chống quan liệu tham nhũng lãng phí chưa kiên quyết, chưa thành phong trào của quần chúng nhân dân.
Mấy năm gần đây, tuy có phát hiện và xử lý một số vụ tham nhũng nhưng cuộc vận động chống tham nhũng, lãng phí do Đảng phát động chưa đạt yêu cầu, chưa có chuyển biến căn bản. Nạn tham nhũng lãng phí chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn phát triển tinh vi, phức tạp hơn đặc biệt là trong các lĩnh vực xây dựng cơ bản, tài chính doanh nghiệp, sử dụng ngân sách Nhà nước, sử dụng đất đai...
Tình hình suy thoái về phẩm chất đạo đức cách mạng và lối sống của một bộ phận không nhỏ đảng viên cán bộ đương chức, đương quyền vẫn còn nghiêm trọng. Lối sống cơ hội vẫn diễn ra dưới nhiều hình thức, nặng lo riêng tư, làm giàu, coi đồng tiền làm trọng, chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp, học vị, chạy dự án, chạy vốn, chạy tội...
Nhiều vụ tham nhũng tiêu cực có liên quan đến cán bộ và cơ quan chuyên chính của Đảng và Nhà nước đều do nhân dân phát hiện: chưa thấy một đảng viên nào tự giác nhận trách nhiệm, hoặc một cấp nào phát hiện nội bộ có tham nhũng, trái lại còn tìm mọi cách che giấu, bưng bít kể cả Trung ương, dư luận rộng rãi trong nhân dân "nhà dột từ trên nóc".
Hồ Chủ Tịch đã chỉ ba căn bệnh tham ô, lãng phí, quan liệu đó là những "thứ giặc nội xâm". Trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp, Đại tá Trần Du Châu phụ trách quân lương, quân nhu phạm tội tham nhũng, thì Hồ Chủ Tịch ra quyết định xử tử. Ngày nay, Đảng và Nhà nước đã có nhiều nghị quyết, pháp luật, có cuộc vận động chống tham nhũng, lãng phí trong toàn Đảng và các cơ quan Nhà nước, mà những tệ nạn này vẫn phát triển tinh vi và nghiêm trọng. Tình hình đó có nhiều nguyên nhân như: việc giáo dục chưa sâu sắc, chưa thấm vào lòng người, việc quản lý cán bộ, đảng viên lỏng lẻo, chất lượng sinh hoạt của chi bộ, của Đảng uỷ, cấp uỷ kém. Nhưng điều quan trọng là việc xử lý cán bộ đảng viên tiêu cực tham nhũng không nghiêm, không kịp thời, ở cả Trung ương và cấp tỉnh; xử trên nhẹ dưới nặng, qua loa, cho qua. Trung ương kêu gọi đảng viên, quần chúng tham gia chống tham nhũng lãng phí, nhưng hàng trăm trường hợp cán bộ đảng viên phát hiện tố cáo các cơ quan chức năng Trung ương, Ban Bí thư, bộ Chính trị, kể cả cán bộ trực tiếp gặp báo cáo kiến nghị, đều bị ngâm kéo dài, rồi cho qua. Kẻ cơ hội vẫn công khai thách thức, cán bộ đảng viên, quần chúng, thật là đau lòng. Đến nay lời kêu gọi nhân dân chống tham nhũng vẫn chưa có cơ chế thực hiện dân chủ công khai để cán bộ, đảng viên và nhân dân giám sát, thu hút được sự tham gia rộng rãi của nhân dân và cả hệ thống chính trị xã hội, để ngăn chặn những tệ nạn đó. Việc kê khai tài sản của cán bộ có nghị quyết từ Trung ương khoá 5 đến nay vẫn chưa thực hiện một cách nghiêm túc, tự giác. Việc kê khai tài sản không công khai để nhân dân giám sát, kiểm tra; kê khai tài sản nhưng chưa cho xác minh các nguồn thu nhập... Những kẻ cơ hội cho những người tố cáo là "quậy phá" tìm mọi cách trù dập họ.
Đã là "giặc nội xâm" thì phải kiên quyết xử lý, trừng trị nghiêm khắc, tiễu trừ cho được theo lời dạy của Bác Hồ.
Tôi nhớ bài phát biểu của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong lễ trao Huân chương Sao Vàng tặng đồng chí (Ngày 01/3/1990).
Sau lời biết ơn sâu sắc của đồng chí về phần thưởng cao quí và những tình cảm tuyệt đẹp mà các đồng chí thay mặt nhân dân đã dành cho đồng chí và biểu thị quyết tiếp tục phấn đấu vì sự nghiệp cách mạng cao cả của Đảng ta và nhân dân ta, đồng chí có mấy lời tâm huyết sau đây:
"Trong lúc này lòng tôi nghĩ đến Bác Hồ và nhớ tới điều căn dặn của Bác: thường xuyên tự phê bình và phê bình như mỗi ngày người ta phải rửa mặt. Đồng thời tôi cũng cần nói với các đồng chí một điều mà đồng chí TBT đã nói rất rõ ràng trong bài diễn văn nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Đảng ta, và gần đây có nhắc lại trong một cuộc họp với cán bộ đó là phấn đấu chống cho bằng được các loại tiêu cực trong đời sống kinh tế và xã hội của nước ta. Nhắc lại lời dạy của Bác Hồ kể trên, tôi nghĩ rằng cái nhà của chúng ta hiện nay đang nhiều rác rưởi và dơ bẩn làm cho nhân dân phẫn nộ một cách chính đáng. Trong tình hình như vậy, việc chúng ta phải đặt lên hàng đầu công tác quét cái nhà của chúng ta quét mọi rác rưởi và dơ bẩn, làm cho nó ngày càng sạch đẹp, có như vậy chúng ta mới có môi trường và cơ hội thuận lợi để làm tốt các công tác khác về chính trị, kinh tế, xã hội và đối nội, đối ngoại; đưa sự nghiệp cách mạng của Đảng ta và nhân dân ta tiến lên những bước mới, giành những thắng lợi mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thân yêu của chúng ta".
Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng còn nói "quét nhà phải quét từ trên xuống".
Tôi nghĩ: đến hôm nay, lời tâm huyết của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng vẫn còn phù hợp với thực tế tình hình.
Thưa các đồng chí.
Tôi xin trình bày một số vấn đề trên đây, nhưng các đồng chí đọc và trả lời cho tôi bằng giấy càng sớm càng tốt.
Kính chúc sức khoẻ các đồng chí.
Trung tướng Lê Văn Hiền
Nguyên ủy viên Trung ương đảng
http://www.ykien.net
|