Vụ Án Tổng Cục 2

Kiến nghị thu hồi và tiêu hủy cuốn sách "Đại tướng Lê Đức Anh" của Khuất Biên Hoà

Nguyễn Văn Thi

Thành phố Hồ Chí Minh ngày 7 tháng 11 năm 2005

Kính gửi:
• Đồng chí Nông Đức Mạnh - Tổng bí thư và Bộ Chính trị
• Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá IX tại HNTW 13
• Trưởng Ban Tư tưởng Trung ương Nguyễn Khoa Điềm
• Ủy ban kiểm tra Trung ương Đảng.
• Trưởng ban bảo vệ chính trị nội bộ TW Đảng.

Đồng kính gửi:
• Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
• Đ/c Lê Khả Phiêu - Nguyên Tổng bí thư.
• Đ/c Nguyễn Đức Tâm nguyên Ủy viên Bộ Chính trị nguyên trưởng ban tổ chức Trung ương.
• Đ/c Phan Minh Tánh (tức Chín Đào) nguyên Trung ương Ủy viên, nguyên Phó bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh
• Đ/c Mười Hương nguyên thường vụ thành ủy Sài gòn - Chợ lớn
• Đ/c Nguyễn Minh Triết - Bí thư thành ủy TP Hồ Chí Minh.
• Đ/c Phạm Văn Trà - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng
• Giám đốc Nhà xuất bản Quân đội nhân dân.
• Tổng biên tập báo Nhân dân và Sài gòn giải phóng.
• Các tướng lĩnh Cựu chiến binh Quân khu 7 và 9.

Tôi Nguyễn Văn Thi (Năm Thi) sinh năm 1920, nguyên Ủy viên Ban cán sự Đảng, Ủy viên tỉnh Ủy, Ủy viên Thường vụ tỉnh Ủy Thủ Dầu Một (nay là tỉnh Bình Dương, Bình Phước) từ năm 1942 đến 1946 - Chi đội trưởng Chi đội I Liên Trung đoàn 301 - 310 - Tư lệnh đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn 1950. Bí thư Đảng bộ Nhà tù Côn Đảo 1953 thời chống Pháp - Chủ nhiệm hậu cần Bộ chỉ huy Miền thời chống Mỹ - nghỉ hưu tại TP Hồ Chí Minh và các tướng lĩnh Cựu chiến binh Nam bộ có thư kiến nghị yêu cầu thu hồi và tiêu hủy cuốn "Đại tướng Lê Đức Anh" của Khuất Biên Hoà do Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân xuất bản và Tổng Công ty Sách Việt Nam phát hành.

Khuất Biên Hoà viết cuốn sách "Đại tướng Lê Đức Anh" được Đỗ Mười viết lời tựa với bố cục năm phần cùng một số ảnh phụ hoạ để xuyên tạc lật ngược lịch sử buộc tôi phải phê phán vạch trần bộ mặt thật của Lê Đức Anh bằng thư này. Không rõ Ban bảo vệ chính trị nội bộ và Ban Tổ chức Trung ương Khoá IX sau khi đọc cuốn sách này có đối chiếu lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Dương 1930 - 1975 để thấy rõ mưu đồ của Lê Đức Anh và người viết không? Tôi là nhân chứng lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Dương và một số tướng lĩnh Nam bộ cùng thời với Lê Đức Anh càng thấy rõ mưu đồ chính trị của Lê Đức Anh mượn Khuất Biên Hoà viết về cuộc đời hoạt động cách mạng bằng cuốn sách này là để ca ngợi cá nhân nhằm che đậy tội lỗi đã gây ra trong các thời kỳ.

Sau khi đọc cuốn sách này tôi và một số tướng lĩnh Cựu chiến binh Nam Bộ thấy cần có thư này gửi đến Tổng bí thư Bộ Chính trị (BCT) Ban chấp hành Trung ương (BCH TW) khoá IX tại Hội nghị Trung ương (HNTW) 13 để chỉ đạo xử lý.

Trước đây Khuất Biên Hoà (KBH) đã trực tiếp gặp tôi ba lần bằng giấy giới thiệu của Viện Lịch sử quân đội xin tư liệu để viết về Lê Đức Anh (LĐA) và nhờ tôi giới thiệu lên tỉnh ủy Bình Dương để tìm hiểu, nhưng không rõ những gì KBH đã thú thật với tôi là Viện đã cử hai đại tá viết về LĐA nhưng đều từ chối vì lịch sử LĐA quá nhiều khuất tất. KBH viết xong về LĐA nhưng lại không Nhà xuất bản (NXB) nào nhận in, thế mà tháng 9/2005 Nhà xuất bản Quân đội nhân dân lại nhận in chắc là có sự chỉ đạo của Bộ Trưởng bộ Quốc phòng để tung ra dư luận trước đại hội 10 chẳng ?

Ngày 3/2/2005 chúng tôi gồm Nguyễn Văn Xô - Đồng Văn Cống - Nguyễn Văn Thi đã có thư gửi đến HNTW 12 khoá 9 đưa ra sáu vấn đề về LĐA yêu cầu cần giải quyết trước Đại hội (ĐH) 10. Nay đối chiếu với 5 phần KBH viết trong cuốn "Đại tướng Lê Đức Anh" và các tài liệu của nhiều lão thành cách mạng, tướng lĩnh cựu chiến binh đã viết về LĐA như "Vấn đề Đảng tịch của đồng chí Lê Đức Anh" - Thư Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh gửi TW Đảng - thư của các tướng lĩnh trên 60 tuổi Đảng Nguyễn Trọng Vinh, Nguyễn Tài, Đoàn Thanh Y v.v... để thấy rõ nội dung sách đã viết của KBH có phải là chân tướng thật của LĐA và nhằm mục đích gì ?

Trước hết cần điểm qua nội dung 5 phần KBH đã viết.

I. Phần 1: gọi là "Tuổi thơ và Cách mạng - Từ Tri Thiên đến Lộc Ninh".

Với 23 trang sách KBH đã vẽ ra tuổi thơ LĐA từ năm đầu đi học đến ngày Nam Bộ kháng chiến 23/9/1945 đã viết sai địa danh trước 1945 làm gì có tỉnh Trị Thiên mà chỉ là tỉnh Thừa Thiên. Phần này có 2 chỗ KBH viết có lẽ là thật: 1) Anh em LĐA có 4 người chết vì dịch đậu mùa nhưng LĐA được trời cứu nên chỉ mắt trái bị mờ thành vẩy cá. 2) Chủ đồn điền cao su Lộc Ninh là De Lalant. Còn lại khá nhiều trang viết KBH đưa ra rất chi tiết về thời gian hoạt động Cách mạng, về người giới thiệu vào Đảng, người chuẩn y kết nạp, đến chi bộ cộng sản đầu tiên của LĐA. Là người tham gia trực tiếp lãnh đạo tỉnh Thủ Dầu Một từ 1942 - 1945 tôi vạch rõ những gì KBH viết về LĐA trong thời gian này là hoàn toàn sai sự thật. Sau Nam Kỳ khởi nghĩa 1942 Chi bộ Dầu Tiếng gồm những cán bộ lãnh đạo Nam Kỳ khởi nghĩa như: Đ/c Văn Công Khai, Nguyễn Văn Trấn, Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Văn Thi, Bí thư là đồng chí Văn Công Khai, ngày 27/3/1943 Hội nghị tái lập tỉnh Thủ Dầu Một bí mật tổ chức tại làng số 1 sở Cao su Dầu Tiếng. Bí thư tỉnh ủy là đồng chí Văn Công Khai, các tỉnh ủy viên gồm có: Nguyễn Văn Thi, Nguyễn Văn Trung. Đêm 23/8/1945 Hội nghị tỉnh ủy mở rộng được tổ chức tại Bưng Cầu để quán triệt nghị quyết xứ ủy về Tổng khởi nghĩa tại Nam Bộ do đồng chí Văn Công Khai Bí thư tỉnh ủy chủ trì. Tham dự Hội nghị có các đồng chí tỉnh ủy viên Nguyễn Văn Thi, Nguyễn Văn Trung và Bí thư chi bộ các quận Lái Thiêu, Chơn Thành, Bến cát, Ủy ban khởi nghĩa do đồng chí Văn Công Khai là trưởng ban, đồng chí Nguyễn Văn Tiết phụ trách Mặt trận Việt Minh tỉnh. Đồng chí Nguyễn Văn Thi phụ trách quân sự tỉnh, Đ/c Nguyễn Văn Trung phụ trách công nhân. Tháng 11/1945 đồng chí Nguyễn Bình đã quyết định thống nhất lực lượng võ trang Thủ Dầu Một thành Chi đội giải phóng quân là chi đội 1. Ban chỉ huy gồm đồng chí Huỳnh Kim Trương: Chi đội trưởng - đồng chí Nguyễn Văn Thi: Chi đội phó - đồng chí Trương Khánh Vàng: Chi đội phó - đồng chí Vương Anh Tuấn: Chính trị viên. Tháng 3/1946 Đ/c Nguyễn Đức Thuận, đặc phái viên Xứ ủy đã triệu tập hội nghị tại nhà hương quản Tặc, xã Phú Hoà, thị xã Thủ Dầu Một, chỉ định tỉnh ủy Thủ Dầu Một gồm 7 Đ/c Nguyễn Văn Tiết làm bí thư, Đ/c Văn Công Khai làm phó bí thư. Sau hội nghị này tỉnh ủy đã thành lập Đảng ủy Chi đội 1 do Đ/c Nguyễn Văn Thi làm bí thư. Lịch sử tỉnh đảng bộ Bình Dương đã bị KBH viết về LĐA trích dẫn chắp vá coi LĐA một tỉnh ủy viên trước 1945 là sai sự thật. Do đó trong thư tôi gửi Đ/c Lê Đức Thọ ngày 2/8/1986 là: "... tháng 2/1945 mới tổ chức Mặt trận Việt Minh trong công nhân cao su... ngày vào Đảng 1945 của đ/c LĐA do Đảng bộ Thủ Dầu Một có thể là đúng. Còn trước 1945 tôi chưa thấy rõ vì không có sự giới thiệu là một đảng viên nằm vùng". Ban bảo vệ chính trị nội bộ và Ban Tổ chức Trung ương Đảng khoá 9 cần khảo định lại những gì KBH đã viết để chứng tỏ LĐA vào Đảng từ 1938 là đúng hay sai ? Thật trớ trêu trong khi tài liệu "Vấn đề Đảng tịch của đ/c LĐA" đưa ra 2 tài liệu lưu trữ về hai bản lý lịch tự khai của LĐA là: Bản khai tháng 11/1976 khi tham gia Đại hội 4 là vào Đảng năm 1945, thành phần bản thân là viên chức. Còn bản khai tháng 8/1986 khi dự Đại hội 6 là vào Đảng ngày 30/5/1938 thành phần bản thân là công nhân. Cả hai lần khai trên đều ghi rõ: "Chưa sinh hoạt chi bộ" và không khai được cả người giới thiệu vào Đảng. Vậy KBH căn cứ vào tài liệu nào để viết ra như vậy ? Hay đó là lời kể của LĐA? Nếu LĐA tự kể càng chứng tỏ LĐA là con người tiền hậu bất nhất.

Trong thư ngày 3/2/2005 của 3 chúng tôi đã gửi BCH TW Đảng khoá 9 tại HNTW 12, đ/c Bảy Cống hỏi LĐA: "Nghe người ta nói cậu là Surveillant", "hay cậu là 2è burcau (phòng nhì)" thì LĐA trả lời "Tôi làm công chức cho đồn điền" sao LĐA không kể ra cho KBH viết lại tên sách. KBH viết... "Khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược Nam Kỳ lần 2", mọi người càng thấy sự lo xa của ông (LĐA) là quí giá biết bao. ông Nguyễn Văn Thi chạy đến nói: "anh em chỗ tôi hăng hái nhưng không có súng, anh còn cho tôi mượn đỡ vài khẩu"... "ngay lúc đó ông (LĐA) lấy hai chiếc cam nhông của Sở cao su chọn trong quần áo nâu của mình một tiểu đội có súng và chứng 3 tiểu đội cung nỏ từ Lộc Ninh - Hớn Quản về tham gia bao vậy đánh quân Pháp..." là hoàn toàn sai tự thật và ngược lại. Chính tôi là người cung cấp vũ khí cho LĐA. Trong thư ngày 3/2/2005 của 3 chúng tôi đã đưa vấn đề thứ 3 trong 6 vấn đề LĐA là: "LĐA đã 2 lần để sổng toàn quyền De Coux, Thống đốc Nam Kỳ Hoffen và chủ đồn điền DeLalant sĩ quan phòng nhì của Pháp. Sau ngày 9/3/1945 quân Nhật đã bắt De Coux. Hoffen tại Sài Gòn giải về giam ở nhà De Lalant. Tôi đã bàn bạc với LĐA kế hoạch phối hợp hành động dẫn một đội vũ trang lên Lộc Ninh tìm cách bắt sống, tiêu diệt đội bảo vệ Nhật, dẫn độ De Coux và đồng bọn lên Buôn Ma Thuột để giao cho TW. Nhưng đêm hôm sau LĐA bất ngờ hủy kế hoạch lấy cớ sợ quân Nhật kéo lên khủng bố". Như vậy rõ ràng cả LĐA lẫn người viết là KBH đều là kẻ cố tình lật ngược lịch sử bất chấp sự thật. Thử hỏi khi ấy LĐA nhiều súng, nhiều đội quân áo nâu, cung nỏ, xe cam nhông như vậy sao không bắt sống hoặc tiêu diệt De coux, Hoffen, De Lalant mà để sổng cả 3 tên này ?

2. Phần 2 gọi là: "Đánh giặc Pháp ở Miền Đông Nam Bộ".

Với 19 trang sách KBH kể ra vanh vách họ tên, đơn vị lực lượng vũ trang ở Nam Bộ rồi phủ đầu là "khá phức tạp" ngày khi mở đầu phần này KBH viết về trận quân Pháp tập kích vào căn cứ Thuận Lợi rồi đưa ra việc gặp và ý kiến của ông Nguyễn Văn Hội là nhân chứng ở Thuận Lợi. Không rõ đó là lời của ông Hội hay của KBH viết ra mà cho rằng: "Sau này một vài người không hiểu rõ bối cảnh và tình hình lúc đó nên cứ nói rằng giặc Pháp tiến vào đốt phá hết kho tàng của khu 7 là hoàn toàn sai".

Trong thư ngày 3/2/2005 của 3 chúng tôi đã đưa ra vấn đề thứ 4 trong 6 vấn đề là: "LĐA đã bỏ chạy, không tổ chức cho lực lượng võ trang đánh trả quân Pháp tập kích vào Thuận Lợi, phá hủy một khối lượng lớn cơ sở vật chất dự trữ của Miền Đông". LĐA nghe tin tư lệnh Nguyễn Bình sẽ xử tử hình vì tội để quân Pháp tập kích vào Thuận Lợi mà đơn vị LĐA đóng tại Thuận Lợi bỏ chạy để quân địch đốt cháy kho tàng 3 ngày đêm liền, đã trực tiếp đến gặp tôi nói việc này. KBH đã viết về LĐA ra Việt Bắc lần đầu tiên tự khai lý lịch xuất thân và cuộc đời hoạt động cách mạng vào 1953, xin chất vấn Ban tổ chức Trung ương khoá 9 kiểm chứng xem lý lịch LĐA tự khai năm 1953 có khớp với 2 lần khai trước khi dự đại hội 4 và 6 không ?

3. Phần 3 gọi là: "Trên chiến trường đánh cho Mỹ cút đánh cho nguỵ nhào".

Với 102 trang sách KBH viết khá dài dòng về LĐA. Từ khi tập kết ra Bắc rồi 1963 đi tàu không số về Cà Mau để hoạt động với chức Phó Tổng tham mưu trưởng, rồi từ 1963 - 1975 ra Bắc vào Nam 3 lần nữa. Trong chống Mỹ LĐA từ Đại tá năm 1963 lên Trung tướng 1973 là công lao của ông nhưng có một vấn đề 3 chúng tôi đã đưa ra trong thư ngày 3/2/2005 gửi BCH TW khoá 9 tại HNTW 12 đã nói ró: "Trong quan hệ gia đình LĐA là người chồng phản bội, ra Bắc được mấy năm, LĐA nói với đồng chí Bảy Cống là sẽ xin lấy vợ khác, vì bà Bảy Anh trong Nam đã lấy chồng, lại thuộc thành phần gia đình phản động làm tay sai cho địch. Đồng chí Bẩy Cống nói: Hôm ở Cao Lãnh tôi thấy chị Bẩy khóc rất dữ khi tin anh đi tập kết, nghe nói sau đó chị về công tác ở Miền Đông, căn cứ vào đâu mà anh nói chị đi lấy chồng và theo địch? Tôi không tán thành". Việc LĐA lấy được vợ trên miền Bắc là nhờ Lê Đức Thọ ủng hộ. LĐA về Nam từ 1963 - 1975 trong khi vợ ông hoạt động làm ủy viên tỉnh ủy Bình Dương cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng mà LĐA không dám tìm gặp để rõ thực hư. Đánh giá việc này trong 3 việc "tề gia, trị quốc, bình thiên hạ" đồng chí Phạm Hùng và Nguyễn Thị Định cùng đông đảo cán bộ miền Nam rất bất bình cho LĐA là tên vô đạo đức, quả không sai. Vì thế KBH cố viết dài dòng từ trận đánh này đến trận đánh khác và để LĐA kể lể rằng "Trên đời này những ai vừa trải qua những thử thách nghiệt ngã, những ngày tháng căng thẳng cao độ thì hẳn sẽ hiểu hết lòng thông cảm cho giấc ngủ ngon lành..." của một con người vô đạo đức để ca ngợi chăng? KBH có đưa ra LĐA một lần gặp đồng chí Hai Xô tại cuộc họp Bộ Chỉ huy Miền và hai lần nói về đồng chí Bảy Cống vào Nam 1969 và 1973 khi LĐA ra Bắc trở về. Sao KBH không gặp và trao đổi gì với 2 đồng chí Hai Xô và Bẩy Cống về những gì đã viết về LĐA là đúng sai bao nhiêu phần trăm.

4. Phần 4 gọi là: "Làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia"

Với 53 trang sách KBH viết khá nhiều công trạng của LĐA tại mặt trận Cămpuchia (CPC) với tư cách tư lệnh tiền phương. Trong thư ngày 3/2/2005 của 3 chúng tôi đã gửi TW Đảng đã chỉ rõ sai phạm về chính trị và quân sự của LĐA. KBH đã hết lời ca ngợi LĐA là nhằm che đậy những sai phạm lớn của LĐA tại CPC. Về chính trị LĐA đã cùng Lê Đức Thọ để xẩy ra vụ Xiêm Riệp 1983 mà KBH phải viết ra là "sai lầm" ở Xiêm Riệp. Sai phạm này từ chủ trương "đánh địch ngầm" đến việc kiểm tra nhà ở của một số ủy viên BCT Đảng nhân dân cách mạng CPC, bao biện làm thay can thiệp vào công việc nội bộ, bắt bớ Đảng viên bạn, khiến bạn nghi ngờ tình cảm quốc tế trong sáng của Đảng, Nhà nước và Quân đội ta. Sai phạm này BCH TW Đảng ta phải cử người sang xin lỗi Đảng bạn như KBH viết trên sách. Còn về quân sự LĐA chủ trương trong năm 1980 quét sạch quân địch ngoài địa hình mà trọng điểm là vùng rừng Ô ran đồng thời hoàn thành về cơ bản nhiệm vụ phá tan âm mưu địch dùng phần tử 2 mặt lũng đoạn Đảng và chính quyền của bạn. LĐA chỉ đạo chiến tranh theo kiểu ăn đong, năm này chưa xong thì năm sau, kéo dài 10 năm vẫn chưa diệt được quân Pôn pốt. LĐA chủ trương "khoá chặt biên giới" để "xây dựng tuyến phòng thủ biên giới" gọi là mật danh K5. Mặc dù đã huy động nhân dân bạn các nơi lên biên giới cùng quân tình nguyện Việt Nam và bộ đội bạn chặt cây, đào hào, rải chông, căng giây thép gai ngăn quân Pôn pốt từ Thái Lan lấn sang để khoá chặt biên giới nhưng địch vẫn mở được hành lang tiến sâu vào đến 30 - 40 km. Chủ trương sai lầm này LĐA đã làm cho hàng chục vạn cán bộ chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam cũng như bộ đội và nhân dân bạn bỏ xác trên tuyến biên giới dài 1.200 Km. KBH viết ra và LĐA thừa nhận: "Chuyện sai lầm ở Xiêm Riệp" mà người chỉ huy trực tiếp là LĐA không dám đứng ra xin lỗi bạn. Đến khi bộ phận tiền phương của Cục Khoa học quân sự Bộ Tổng tham mưu tại CPC đề nghị nên có sự đánh giá khách quan hơn, có sự chỉ huy chiến tranh bài bản hơn thì LĐA nổi giận ra lệnh cho 10 đại tá cơ quan này về nước. Lý do cho về nước LĐA đưa ra là: "tinh giảm bộ máy ở chiến trường", nhưng thực chất là để Bộ Tổng tham mưu tại CPC do ông chỉ huy dễ độc quyền hơn như trong thư 3 chúng tôi ngày 3/2/2005 đã gửi BCH TW Đảng.

KBH đã viết ra toàn là thành tích của LĐA trên Mặt trận CPC để che đậy sai lầm và đánh bóng con đường thẳng tiến của LĐA đi vào ủy viên TW Khoá 4 rồi vào BCT khoá 5 để "đầu xuôi đuôi lọt" một cách ghê sợ.

5. Phần 5 gọi là: "Trong công cuộc đổi mới đất nước".

Với 60 trang sách KBH đã vẽ ra chân dung LĐA trong công cuộc đổi mới cũng rất mới. Từ hàm Trung tướng sau 4 năm 1984 - 1987 LĐA leo lên tột đỉnh từ Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng đến Chủ tịch nước. Để gìn giữ bộ mặt này LĐA đã tạo ra một chân dung bên trong của tâm địa ngay từ vụ Xiêm Riệp 1983 càng bộc lộ rõ trong thời kỳ đổi mới đến những mưu đồ chính trị bằng vụ Sáu Sứ 1991, Vụ cục II 1995, vụ T4 1997 - 1999, vụ nói xấu, vụ khống nhằm lật đổ Tổng bí thư Lê Khả Phiêu như trong thư ngày 3/2/2005 của 3 chúng tôi đã gửi BCH TW Đảng. Đây là những vụ án chính trị siêu nghiêm trọng từ khi LĐA vào được BCT khoá 6 đều có bàn tay của LĐA nên dư luận cho đó là nguyên nhân không giải quyết được, cứ bàn giao hết khoá 7, khoá 8, rồi khoá 9 hiện nay, làm cho trong Đảng, trong quân đội và cả trong nhân dân bất bình ngày càng tăng cao.

Thế mà Đỗ Mười viết trong lời tựa cho LĐA là người "sinh hoạt và lối sống thì giản dị mẫu mực" có lẽ vì LĐA chỉ giản dị mẫu mực trong số những người vô đạo đức mà thôi. Còn Đỗ Mười cho: "LĐA là một trong những nhà chính trị tầm cỡ, nhà quân sự lớn" vì LĐA là tầm cỡ chui sâu leo cao bằng binh nghiệp để lên đến đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng, Chủ tịch nước như phân tích ở trên mà Đỗ Mười gọi là nhà quân sự lớn chăng ? Còn KBH kết thúc cuốn sách lại viết LĐA: "là niềm tin của hàng triệu đồng bào, là cây cao bóng cả, là tấm gương sáng cả về đạo đức lối sống, cả về năng lực tư duy và năng lực hành động cho thế hệ cán bộ lãnh đạo đất nước ngày hôm nay và mai sau" thật là mỉa mai sau khi đã đọc các phân tích nói trên của tôi vạch ra. KBH tự bịt tai, bịt mắt mới không nghe thấy nhìn thấy từ khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp rồi Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh đến một số tướng lĩnh cao cấp đã gửi thư đến BCH TW Đảng tố cáo gì ? Không nghe được "Tiếng sấm rền vang bên hồ Trúc Bạch" của một số Cựu chiến binh Hà Nội đã viết về Hội nghị quân sự quân ủy Trung ương tháng 8/2004 chăng ? Không biết gì về Hội nghị của hơn 40 vị cựu ủy viên BCT. Tổng bí thư, bí thư Trung ương, Phó chủ tịch quốc hội, Phó chủ tịch nước mà dư luận gọi là Hội nghị Diên Hồng thời đổi mới đã nói gì hay sao? Chi có Đỗ Mười và những kẻ tay chân được LĐA cất nhắc mới coi LĐA là niềm tin (chứ không phải hàng triệu đồng bào) là cây cao bóng cả, tấm gương sáng mà thôi. Còn về đạo đức lối sống chắc KBH không đủ trình độ phản bác đánh giá của 2 đồng chí quá cố Phạm Hùng và Nguyễn Thị Định cho LĐA là tên vô đạo đức. Về năng lực tư duy và năng lực hành động như phân tích ở năm phần viết của KBH quả là đã thể hiện rõ đạo đức lối sống của LĐA cho dù ngòi bút của KBH đã tổ vẽ cách nào đi nữa LĐA vẫn là con người lừa dối Đảng, bằng con đường binh nghiệp leo cao chui sâu để cuối đời thò ra nhiều mưu đồ chính trị thâm độc.

6. Kết luận và kiến nghị

Cuốn sách viết về LĐA của KBH đã có ý đồ từ lâu khi Viện Lịch sử quân đội giới thiệu đến gặp tôi chứ không phải và viết xong tháng 8/2005 như ghi ở cuối sách. Sau khi tôi cùng 2 đồng chí Hai Xô và Bảy Cống gửi thư ngày 3/2/2005 đến BCH TW Đảng khoá 9 tại HNTW 12, rồi TW Đảng cử Đoàn cán bộ vào gặp 3 chúng tôi khi hai đồng chí Hai Xô và Bảy Cống sức khoẻ đang yếu đã yêu cầu Đoàn làm việc trực tiếp với tôi mà thư thứ 3 ngày 23/9/2005 tôi gửi BCH TW Đảng khoá 9 đã nói rõ khi đồng chí Hai Xô nằm bệnh viện Thống nhất LĐA đã vào thăm rồi KBH đã viết lên báo "Hà Nội mới" số ra ngày 14/7/2005 không dám nói ra câu trả lời của đồng chí Hai Xô rằng: "Đúng, đây là vấn đề lịch sử của Đảng" để đáp câu hỏi của LĐA "Nghe nói anh có thư gửi BCH TW Đảng phải không". Có lẽ vì thế mà sau đó LĐA chỉ đạo KBH tung ngày ra cuốn "Đại tướng Lê Đức Anh" tháng 8/2005 để NXB Quân đội nhân dân vội in ấn phát hành trong tháng 9/2005 ? Việc làm này của thầy trò LĐA và KBH đã nhằm hai mục đích sau đây:

a. Thầy trò LĐA - KBH tung ra được cuốn sách này trong cả nước cứ tưởng sẽ mang lại: "... niềm tin của hàng triệu đồng bào... về đạo đức lối sống cả về năng lực tư duy và năng lực hành động..." của LĐA như KBH đã viết và được Đỗ Mười phụ hoạ tâng bốc là: "Nhà chính trị tầm cỡ, nhà quân sự lớn..." sẽ không bị thư ngày 3/2/2005 của 3 chúng tôi đã gửi BCH TW Đảng khoá 9 tại HNTW 12 tố cáo 6 vấn đề để vạch rõ chân tướng thực của LĐA chỉ là người man khai lý lịch Đảng, là người vô đạo đức cả lối sống lẫn hành động và tư duy mà thôi. Sau khi hai đồng chí Hai Xô và Bảy Cống đã qua đời thực hiện di nguyện của hai đồng chí đó ngày 23/9/2005 tôi tiếp tục gửi thư đến BCH TW Đảng khoá 9 trước HNTW 13 rằng: "không thể và không cho phép một thế lực nào tìm cách ngăn cản mọi tố cáo nhằm vạch trần lịch sử chính trị của LĐA đã chui sâu leo cao, đã gây ra bao vụ việc chính trị siêu nghiêm trọng, đã gây bè phái trong lãnh đạo TW Đảng và Quân đội để chống lại những người cộng sản chân chính"

b. Tung ra được cuốn sách này thầy trò LĐA - KBH hy vọng sẽ làm cho phe cánh và tay chân dù đã nghỉ hưu hay tại chức sẽ ủng hộ LĐA để tạo ra được thế lực ngăn cản trước mắt là HNTW 13 không phán xét các vụ án chính trị siêu nghiêm trọng mà LĐA là kẻ chủ mưu phải giải quyết trước ĐH 10. Như trong thư ngày 23/9/2005 đã gửi BCH TW Đảng khoá 9 lần nữa tôi xin nói rằng: "Khoá 9 không xử lý dứt điểm các vụ án chính trị siêu nghiêm trọng và lịch sử chính trị LĐA thì lịch sử dù 10 năm, 20 năm nữa sẽ phán xét BCH TW Đảng khoá 9 là thiếu trách nhiệm, không cương quyết xử lý để làm mất lòng tin của cán bộ Đảng viên trong toàn Đảng, toàn Quân và toàn dân".

Nay qua thư này tôi và các tướng lĩnh Cựu chiến binh trên 50, 60 tuổi Đảng ở Nam bộ kiến nghị đến đồng chí Tổng bí thư, BCT, BCH TW Đảng khoá 9 tại HNTW 13 cần quyết định thu hồi và tiêu hủy cuốn sách "Đại tướng Lê Đức Anh" của KBH. Kiến nghị Ban Tư tưởng Văn hoá TW chỉ đạo kiểm điểm NXB Quân đội nhân dân và tác giả KBH để công khai trên các báo cho người đọc cả nước biết rõ đây là cuốn sách mang đầy âm mưu chính trị cá nhân. Nếu sau HNTW 13 Đảng không thu hồi tiêu hủy, không xử lý NXB và người viết, chúng tôi sẽ đưa bài viết này lên các phương tiện truyền thông để ngăn chặn dư luận phát triển theo chiều hướng của tay chân LĐA.

Trân trọng kính chào!

Nguyễn Văn Thi

Địa chỉ: 20B 88 Cư xá Nguyễn Trung Trực
Đường 3/2 - Quận 10 - Tp HCM
Đt: (08) 8655878

Vụ Án Tổng Cục 2

http://www.ykien.net