Vượt qua Việt
🌐    A  A  A  A 
Con người
Cảm tính, Vô cảm & Tha hóa

Vài bài giảng Của Giáo Sư Cao Xuân Huy

📂  🏠

Thứ ba, 26 Tháng 6 2018 - caoxuan.com

Chữ ‘Đạo’ Trong Sách Lão Tử Qua Lời Giảng Của Giáo Sư Cao Xuân Huy

Chúng tôi muốn trình bày một phần bài giảng của ông về sách Lão Tử, nhằm lưu lại chút "tinh anh" của một bậc thầy mà "thể phách" đã hoà vào "cõi Đạo", hy vọng được bạn đọc xem như một chút tư liệu tham khảo trong cuộc hành trình tìm hiểu Triết học phương Đông.

Đào Thái Tôn
Thứ ba, 26 Tháng 6 2018

Tại quận Bình Thạnh - thành phố Hồ Chí Minh có một con đường được mang tên Cao Xuân Huy. Giáo sư Cao Xuân Huy (1900 - 1983) là một nhà giáo mẫu mực, tận tuỵ; nhà Đông phương học sâu sắc được giới học thuật trong nước và quốc tế vô cùng mến mộ. Những năm cuối đời, ông là linh hồn của lớp Đại học Hán học đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1965 - 1968), người thầy có công lao to lớn trong việc dạy dỗ hầu hết lứa cán bộ nòng cốt trong Viện Nghiên cứu Hán Nôm hiện nay. Có thể nói, Giáo sư Cao Xuân Huy như một cây đại thụ xum xuê, tỏa bóng bao trùm lên ngành Hán học Việt Nam hôm nay. Có điều, trọn nửa thế kỷ đứng trên bục giảng, ông không hề để lại một bộ giáo trình chính thức nào về các tác phẩm triết học kinh điển - nhất là các bài giảng sâu sắc của ông như Kinh Dịch, Trang Tử, Lão Tử - những bài giảng đã khiến giới học thuật nước ta tôn xưng ông là nhà Đạo học.

Chúng tôi muốn trình bày một phần bài giảng của ông về sách Lão Tử, nhằm lưu lại chút "tinh anh" của một bậc thầy mà "thể phách" đã hoà vào "cõi Đạo", hy vọng được bạn đọc xem như một chút tư liệu tham khảo trong cuộc hành trình tìm hiểu Triết học phương Đông.

1. Ảnh hưởng sâu rộng của sách Lão Tử ở Trung Quốc và ở Châu Phi

Sách Lão Tử đã được chú giải ở cuối đời Chiến quốc. Đầu đời Tần, Hàn Phi Tử là nhà duy vật rất lớn nhưng thế giới quan của ông cũng phải dựa vào Triết học tự nhiên của Lão Tử. Vương Sung cũng vậy.

Chúng ta thấy rằng ở phương Tây có rất nhiều nhà Triết học tự nhiên với rất nhiều hệ thống triết học. Còn ở Trung Quốc thì chỉ có Lão Tử mà thôi. Lão Tử là nhà triết học tự nhiên đầu tiên của Trung Quốc. Sau này ở Trung Quốc, không ai là không phải dựa vào triết học tự nhiên của ông (kể cả Kinh dịch).
Cao Xuân Huy

Chúng ta thấy rằng ở phương Tây có rất nhiều nhà Triết học tự nhiên với rất nhiều hệ thống triết học. Còn ở Trung Quốc thì chỉ có Lão Tử mà thôi. Lão Tử là nhà triết học tự nhiên đầu tiên của Trung Quốc. Sau này ở Trung Quốc, không ai là không phải dựa vào triết học tự nhiên của ông (kể cả Kinh dịch).

Không phải chỉ ở lĩnh vực triết học mà các nhà sử học, chính trị cũng chịu ảnh hưởng của Lão Tử rất lớn, chẳng hạn hai cha con Tư Mã Thiên, Giả Nghị. Đến đời Ngụy, một nhà Nho kiệt hiệt là Dương Hùng cũng bắt chước Lão Tử. Ngay như Vương Bật và Hà Yến - con ghẻ của Tào Tháo, cũng để công chú giải Lão Tử. Đào Tiềm cũng vậy. Đến đời Đường, các nhà thơ nổi tiếng như Lý Bạch, Vương Duy cũng chịu ảnh hưởng của Lão Tử. Đến đời Tống thì "Ngũ tử (năm nhà triết học) là: Chu Đôn Di, Trương Tử, Thiệu Tử, Trình Hiệu, Trình Di - và ngay cả Chu Hy (Nam Tống) nữa - nói chung đều lấy vũ trụ quan trong Lão Tử cả; còn về mặt tâm lý thì họ vay mượn Phật giáo.

Vì sao như vậy? Vì nhà Nho không có triết học tự nhiên, không biết đến khái niệm vũ trụ quan, nên phải vay mượn. Tống Nho phản lại Khổng Tử chính là ở chỗ này đây. Vì Khổng Tử làm gì có triết học tự nhiên như họ khoác vào (…).

Vì sao như vậy? Vì nhà Nho không có triết học tự nhiên, không biết đến khái niệm vũ trụ quan, nên phải vay mượn. Tống Nho phản lại Khổng Tử chính là ở chỗ này đây. Vì Khổng Tử làm gì có triết học tự nhiên như họ khoác vào (…).
Cao Xuân Huy

Ở Phương Tây, Lão Tử được người ta biết đến vào thế kỷ XIX. Bản in đầu tiên là bản dịch của Rêmuyda. Sau bản đó, bản Pháp văn của Duyliiêng đã làm cho giới học thuật có nhiều suy nghĩ. Ở Đức, Hêghen cũng nghiên cứu Lão Tử rất kỹ. Ông cho rằng tư tưởng của Lão Tử là đại biểu cho tinh thần Đông phương cổ đại. Đến nay (1966), ở Châu Âu đã có tới hàng chục bản dịch, hàng trăm bản chú giải về Lão Tử. Sau cuộc Đại chiến thế giới lần thứ hai, do sự khủng hoảng về mặt tư tưởng, sinh viên Đức tìm đến với Lão Tử như tìm đến cuốn sách gối đầu giường; vì thế có bản dịch ra hàng mấy ngàn cuốn, được bán hết ngay. Đặc biệt người đầu tiên đã làm hẳn một thư mục những sách viết về Lão Tử ở Châu Âu, là Zenker Hest qua bản dịch ông.

Như vậy Lão Tử thực chất là một tác phẩm triết học mà hạt nhân của nó là vấn đề bản thể luận. Lão Tử là nhà triết học tự nhiên đầu tiên, vĩ đại của Trung Quốc. Đạo đức kinh của ông không phải là cuốn sách bàn về đạo đức như nhiều người lầm tưởng. Nó càng không phải là cuốn sách phù thủy hay nói về phép luyện đan để tìm thuốc trường sinh mà một số người từ đó đặt tên cho cái gọi là Lão giáo - tồn tại song song với Phật giáo và Nho giáo ở Việt Nam sau này.

2. Triết học tự nhiên của Lão Tử

Khác với khoa học tự nhiên mà đối tượng nghiên cứu của nó là từng bộ phận cục bộ của tự nhiên, triết học tự nhiên có đối tượng nghiên cứu là vũ trụ. Nó muốn tìm cho ra được cái tổng nguyên nhân (nguyên nhân duy nhất, đầu tiên) của các hiện tượng; tìm cho ra cái tổng động lực, tổng quy luật của sự vật. Phần chủ yếu của triết học tự nhiên là bản thể luận (cái thể chất căn bản) làm nên vũ trụ. Nói cho dễ hiểu: muôn đời các nhà triết học tự nhiên đã vật lộn để giải đáp cho một câu hỏi tận cùng của đứa trẻ con. Đứa trẻ con hỏi: Ai sinh ra bố? Đáp: Ông. Lại hỏi: Ai sinh ra ông? Đáp: Cụ… và cứ, cứ thế, nó hỏi mãi, hỏi mãi thì sẽ thành câu hỏi "bất tri" - chẳng khác gì các nhà triết học hỏi nhau: Ngoài Thái dương hệ này là cái gì ? Là X. Vậy ngoài X là gì?… Không ai trả lời được! Vì thế mới sinh ra các nhà triết học cổ Hy Lạp, Kant, Mác v.v… Bằng trí tuệ của mình, các nhà triết học ấy đã ra sức đưa ra cái bản thể trong hệ thống triết học của mình.

Tuy nhiên, không phải thời nào cũng có triết học tự nhiên. Nếu như triết học tự nhiên đã có ngay từ đầu ở Hy Lạp, thì ở Trung Quốc, Khổng Tử không có triết học tự nhiên. Ấn Độ là nước đứng đầu thế giới về những triết học tự nhiên với những hệ thống đồ sộ dựa vào khoa học tự nhiên. Triết học đó ở trong Bà La Môn giáo. Phật giáo ban đầu chưa có triết học tự nhiên. Sau này, phái Đại thừa lên, mới dựng được ra hệ thống triết học lớn, nhưng so với Lão Tử, không thể có tầm sâu sắc bằng. Nhà triết học tự nhiên đầu tiên, vĩ đại nhất Trung Quốc là Lão Tử. Sau này Vương Sung và những người khác rồi đến ngay cả các đại biểu lớn của Tống Nho như Trình Di, Trình Hạo, Chu Hy - những người được so sánh với Kant, Hêghen, Pis ở Đức chăng nữa, thì về thực chất, đó chỉ là những nhà triết học đã lấy triết học tự nhiên của Lão Tử khoác vào trước tác của họ mà thôi. Ở Pháp, đến thế kỷ XVIII cũng không có triết học tự nhiên.

Vậy thì bản thể luận trong triết học tự nhiên là gì? Ta biết rằng vũ trụ nhất định phải có bản chất của nó. Bản chất đó chắc chắn là sâu sắc hơn bản chất của các vật đặc thù, nên người ta gọi là bản thể (thể chất căn bản). Mỗi vật trong vũ trụ - như mặt trăng, mặt trời, sông, núi… đều chỉ là những hiện tượng trong vũ trụ. Hiện tượng là gì? Đó là cái "tượng" được "hiện" ra. Còn hình tượng là những cái mà mình thấy được "hình ảnh" của nó bằng "tưởng tượng". Hiện tượng và Phénomène chỉ là ấn tượng bằng tưởng tượng của con người với cái chủ quan của con người, chứ không phải là vật có thật. Bởi vì tất cả mọi cái mà ta thấy được đều là thông qua cảm giác của ta. Như vậy hiện tượng không phải là những cái bản chất bên trong của sự vật. Hiện tượng là vật không thể biết được.

Trái với hiện tượng, bản thể luận trong triết học tự nhiên đã đặt ra những vấn đề cơ bản. Đó là vấn đề: hữu - vô; đa - nhất; động - tĩnh; tâm - vật. Thiên tài của Lão Tử là ở chỗ ông đã giải quyết thấu đáo những vấn đề này trong tác phẩm của mình, thoả mãn được chúng ta về mặt lý trí.

a. Vấn đề hữu - vô 有無. Người ta gọi bản thể của vũ trụ là cái hữu 有hay cái tồn tại. Cái hữu được gọi là cái tồn tại. Theo tri thức dung tục thì "tôi", "cái cột", "cái ấm"… là có (hữu 有). Nhưng trong khoa học, vị tất cả đã có. Đó chỉ là hiện tượng, chỉ có một cách tương đối thôi. Chỉ có bản thể của vũ trụ mới là có thật. Cái có thật đó là cái trường tồn. Như vậy, cái bản thể mà triết học tự nhiên cho là có (hữu) thì tri thức thông tục, cảm giác thông tục lại cho là không (vô 無).

Mỗi trường phái triết học tự nhiên đều quan niệm bản thể vũ trụ khác nhau. Nhưng tất cả đều xem bản thể này là tổng động lực của các hiện tượng và có chung một tính chất là trường tồn. Mặt trời không phải là trường tồn vì nó cũng sẽ có thời gian tồn tại của nó. Mác cho rằng vật trường tồn là bản thể của thế giới. Bản thể này là "tự căn tự bản", tự nó làm gốc làm rễ cho nó, ngoài nó ra, không có cái gì trong vũ trụ có thể "tự căn, tự bản" được. Vì vậy mà bản thể là "vô thủy vô chung 無始無終" (không có mở đầu, không có kết thúc). Trong đầu của chúng ta, với những tri thức dung tục, ta luôn bị quan niệm về thời gian ám ảnh, cho nên ta không quan niệm được thế nào là "vô thủy" - Nó như đứa trẻ cứ muốn hỏi mãi về nguồn gốc của cha, ông, cụ, kị v.v… đến X tức là đến cái “tổng nguyên nhân” của các nhà triết học.

Thì ra, lý trí của con người đòi hỏi cứ đi lên mãi để tìm cái mở đầu (thủy始) và không bao giờ làm thoả mãn; nhưng đồng thời cũng có cái nhu sách của loài người là hy vọng tìm thấy có một cái gì đó là tận cùng (chung 終).

Đây là một lầm lẫn của nhận thức. Lầm lẫn này có nguyên nhân sâu xa là con người ta bị trói buộc bởi cái quan niệm, cái "hiện tượng" là không gian và thời gian… Chỉ có vật "Vô thủy vô chung", chỉ có bản thể là vật sinh ra tất cả. Nếu như trong vũ trụ có cái gọi là "không gian" và "thời gian" thì chính là Bản thể đã sinh ra không gian, thời gian ấy. Cái sai lầm của chúng ta là quan niệm không gian thời gian như cái hộp, cái dây mà tất cả những Être đều nằm trên và nằm trong cái dây cái hộp đó.

Nhưng nếu công nhận rằng bản thể sinh ra không gian và thời gian thì ta sẽ được thỏa mãn hoàn toàn về lý trí, sẽ thoát ra khỏi câu hỏi của đứa trẻ con trên kia. Và như vậy ta sẽ đi rất lanh từ trực quan dựa trên kinh nghiệm để "bay" đến cái "Đạo" cái bản thể của Lão Tử. Thiên tài của Lão Tử chính là ở chỗ này. Ông đã đặt vấn đề bản thể luận một cách vô cùng sâu sắc. Rồi ta sẽ thấy, chữ "Đạo" của ông chính là chữ "vật chất" của chủ nghĩa Mác. Đó chính là bản thể luận trong triết học tự nhiên của Lão Tử. Chúng ta sẽ rất thú vị khi thấy được rằng Triết học của Mác cũng cho rằng không gian và thời gian ở trong vật chất, nó là hai đặc tính của vật chất chứ không phải là sợi giây và cái hộp chứa những Être. Không gian và thời gian chỉ là sự trừu tượng của con người.

b. Vấn đề đa - nhất 多一. Đi tìm tổng nguyên nhân, tổng độc lực của vũ trụ, các nhà triết học trong lịch sử đã có nhiều giả thiết khác nhau. Triết học Bà La Môn, cho tổng nguyên nhân đó là thủy 水(nước), hỏa 火(lửa) thổ 土(đất), phong 風(gió). Bốn cái đó sinh ra mọi vật. Đó là Đa nguyên luận.

Còn tôn giáo Ba Tư cho rằng vũ trụ có hai lực lượng luôn đấu tranh với nhau, sinh ra vạn vật, là ác và thiện. Đó là Nhị nguyên luận.

Các Mác thuộc Nhất nguyên luận. Ông cho rằng mọi vật đều do một bản thể (là vật chất) sinh ra. Còn Lão Tử thì gọi bản thể đó là cái Đạo 道. Như vậy là trước Mác, Lão Tử đã là nhà triết học nhất nguyên luận xuất sắc. Nhưng vì sao Lão Tử bội trì với Mác? Vì sao phép biện chứng của Lão Tử là tuần hoàn mà Mác lại là cách mạng? Vấn đề đó chúng ta sẽ tìm hiểu qua văn bản cụ thể.

c. Vấn đề động - tĩnh 動靜. Nếu bản thể là trường tồn, là tự căn tự bản, "vô thủy vô chung" thì nó phải tĩnh, phải bất di bất dịch. Vì thế nhiều nhà triết học cố chứng minh bằng được rằng, tất cả các hiện tượng động trong vũ trụ chỉ là ảo giác mà thôi; rằng mũi tên bắn đi, ta tưởng nó là động 動nhưng kỳ thực là tĩnh 靜, vì động là ảo giác; rằng thấy Asin chạy rất nhanh, ta tưởng có thể theo kịp con rùa, nhưng thực ra Asin không bao giờ theo kịp con rùa được v.v…

Thiên tài của Lão Tử chính là ở chỗ này đây. Thiên tài đó không chỉ là ở chỗ trước triết học Mác hàng ngàn năm, ông đã phủ định, đã quét sạch những gì là sai trước khi vào định nghĩa cái bản thể - trong câu mở đầu của Đạo đức kinh - “Đạo khả đạo, phi thường đạo; Danh khả danh, phi thường danh" mà còn là ở chỗ, cũng đi trước các nhà triết học khác hàng ngàn năm, ông đã giải quyết trọn vẹn vấn đề động - tĩnh trên đây bằng phạm trù "Đức" 德mà chúng ta sẽ tìm hiểu qua văn bản.

d. Vấn đề tâm - vật 心物. Vậy thì cái bản thể, cái "Đạo" của Lão Tử là tâm hay là vật ? Là tinh thần hay là vật chất? Năm 1958, ở Trung Quốc có một Hội nghị Triết học toàn quốc họp tại Bắc Kinh để thảo luận xem Lão Tử là nhà triết học duy tâm hay duy vật nếu nói đến cùng. Đại đa số lúc ấy cho Lão Tử là duy tâm. Nhưng điều này còn phải trao đổi. Không phải ngẫu nhiên mà trước đó từ Tư Mã Quang, Vương An Thạch, Tô Triệt (em Tô Thức) đều đã làm sách chú giải Lão Tử. Đến đời Thanh, người ta thấy từ Tất Nguyễn, Tôn Di Nhượng, Ngụy Nguyên, Du Việt đều có tác phẩm huấn hỗ sách Lão Tử. Các nhà văn thuộc Đồng Thành văn phái cũng đều viết về Lão Tử. Gần hơn, Lương Khải Siêu, Cao Hanh đều có viết về Lão Tử - đặc biệt là cuốn sách huấn hỗ Lão Tử của Cao Hanh, do nhiều tư tưởng giống mới Mác, nên đã được in lại.

Như vậy là bốn vấn đề chủ yếu của bản thể luận mà Lão Tử đã đặt ra từ rất sớm. Theo Lão Tử, "Đạo" 道(bản thể) là cái "thường hữu", "thường vô". "hữu" hay "vô" đều là trường tồn. Ta cần hiểu "hữu" ở đây là sự tồn tại với cái ý nghĩa tồn tại một cách tuyệt đối, hằng thường, vĩnh cửu. Còn "vô" là đối lập với cái hữu cụ thể, tức là tất cả mọi vật có trong thời gian và không gian mà không phải là bản thể, chứ "vô" không có nghĩa là không.

♦ ♦ ♦

Trên đây là một số lời giảng của cố Giáo sư Cao Xuân Huy về sách Lão Tử. Tôi không tham khảo thêm các sách vở khác rồi tự tiện "gia công" vào lời giảng khi biên soạn bài này, vì sợ sẽ lạc mất cái "chân truyền" của Giáo sư - một người vốn đầy đủ bản lĩnh và uy tín để luận giải nhiều vấn đề học thuật độc lập và bất ngờ với các học giả trong, ngoài nước.

Tôi đã gắng trung thành. Nhưng, nếu còn điều gì bất cập, xin được hiểu cho rằng: trình độ của một sinh viên hơn bốn mươi năm trước đây, không dễ gì tiếp nhận trọn vẹn những lời dạy cao siêu của Giáo sư Cao Xuân Huy. Nếu tôi hiểu sai, ghi sót một ý tưởng nào đó của thày, thì đó là điều cũng có thể xảy ra.

Dù vậy, đến nay đọc lại những lời giảng từ hơn bốn mươi năm trước, tôi vẫn thấy nhiều điều bổ ích, vẫn xem như một kỷ niệm, một hạnh phúc của quãng đời thanh niên, khi nhiều người thân đang lao vào cuộc chiến tranh quyết liệt (1965 - 1968) thì số phận đã cho tôi trở thành một học trò nhỏ của Giáo sư Cao Xuân Huy. Tôi mong và tin rằng trong thế kỷ XXI, đất nước thanh bình của chúng ta sẽ sản sinh được những giáo sư chuyên ngành có tầm cỡ Cao Xuân Huy trên bục giảng dạy bậc đại học.



🔝

gocnhin.net

Cao Xuân Huy, “Chủ toàn và chủ biệt”

Tóm lại, người nghĩ chủ toàn thấy vũ trụ là một sinh vật, kẻ nghĩ chủ biệt thấy vũ trụ là một cái máy. Có phải sinh vật vũ trụ có “trình độ” cao hơn tất cả hằng hà sa số sinh vật mà nó chứa ?
(Thu Tứ)

Chủ toàn

Với phương thức chủ toàn, tư tưởng xuất phát từ toàn thể để đi đến bộ phận, trên cái nguyên lý: “toàn thể quyết định bộ phận; toàn thể không phải chỉ là tổng số của bộ phận, nghĩa là các bộ phận cộng lại không nói hết được cái nội dung của toàn thể - đặc tính của một bộ phận bị quyết định bởi quan hệ của nó đối với toàn thể và đối với các bộ phận khác” (...) Phương thức chủ toàn của tư tưởng có tính hữu cơ, năng động, liên tục... (tr. 83)

Chủ biệt

Phương thức chủ biệt của tư tưởng xuất phát từ bộ phận để đi đến toàn thể, trên nguyên lý: “bộ phận quyết định toàn thể, toàn thể là do các bộ phận ghép lại mà thành, toàn thể chỉ là tổng số của các bộ phận” (...) Phương thức chủ biệt của tư tưởng có tính cơ giới, cố định, gián đoạn... (tr. 84)

Những phạm trù như số lượng và chất lượng, nguyên nhân và kết quả, thực chất và thuộc tính, ngẫu nhiên và tất nhiên, thời gian và không gian v.v. là những phạm trù của tư tưởng chủ biệt (tr. 100)

Tư tưởng chủ biệt vẫn mường tượng rằng khí quan có trước chức năng (...) có biết đâu rằng chức năng có trước khí quan (tr. 170)

So sánh

Trong hai phương thức tư tưởng trên đây đều có nhu cầu dị biệt hóa và đồng nhất hóa.

Phương thức chủ toàn dị biệt hóa toàn thể vũ trụ thành những cái toàn thể cục bộ, những cái hệ thống hữu cơ lớn và nhỏ, có quan hệ tương hỗ với nhau. Nó đặt lên trên toàn thể vũ trụ một tính đồng nhất tuyệt đối và lên trên mỗi hệ thống cá biệt một tính đồng nhất tương đối.

Phương thức chủ biệt của tư tưởng cũng có nhu cầu dị biệt hóa và đồng nhất hóa, nhưng trái lại với phương thức chủ toàn, nó đem cái nguyên lý “đồng nhất” tuyệt đối đặt lên trên mỗi sự vật cá biệt. Cái bi kịch của sự đồng nhất hóa đã nói ở thiên I là bắt nguồn từ sự đảo điên cái vị trí vốn có của nguyên lý "đồng nhất" từ trên cái Ðại toàn thể của vũ trụ chuyển sang đặt lên trên những sự vật cá biệt - mà sở dĩ như vậy là vì nó xuất phát từ bộ phận để đi đến toàn thể (tr. 84)


(Cao Xuân Huy,
Tư tưởng phương Ðông – Gợi những điểm nhìn tham chiếu, nxb. Văn Học, VN, 1995. Nhan đề phần trích tạm đặt.)

🔝

1.1.1990 Nguyễn Huệ Chi - talawas.org

Về tác phẩm „Chủ toàn và chủ biệt, hai ngã rẽ trong triết học Ðông - Tây“ của Cao Xuân Huy *

Tiếp theo bài viết „Về đặc sắc văn hoá Việt Nam“ của Trần Ðình Hượu, lần này Talawas trích đăng bài khảo cứu của Nguyễn Huệ Chi về tác phẩm của Cao Xuân Huy. Gợi ý cho việc giới thiệu văn bản này là bài viết “Suy nghĩ tản mạn về chủ toàn Ðông và Tây“ của Nguyễn Anh Cơ, trong đó tác giả đã đề cập đến công trình „Tư tưởng phương Ðông - Gợi những điểm nhìn tham chiếu" của Cao Xuân Huy và chủ yếu đã nhận định về các tư tưởng triết học được trình bày trong chuyên luận „Chủ toàn và chủ biệt, hai ngã rẽ trong triết học Ðông - Tây“. Phần dẫn luận của Nguyễn Huệ Chi, Giáo sư tại Viện Văn học ở Hà Nội, một trong những nhà nghiên cứu cổ văn hàng đầu của Việt Nam và là người biên soạn, chú giải và giới thiệu công trình „Tư tưởng phương Ðông...“, theo thiển ý của chúng tôi, đã trình bày một cách khúc chiết quá trình hình thành và nội dung các quan điểm triết học của Cao Xuân Huy. Một điều thuận tiện nữa cho phần lớn bạn đọc chưa có điều kiện trực tiếp đọc tác phẩm của Cao Xuân Huy là trong phần dẫn luận này tác giả đã chọn lọc và trích dẫn một cách chi tiết những đoạn có lẽ là quan trọng nhất từ văn bản gốc của Cao Xuân Huy mà do khuôn khổ và tính chất của diễn đàn đáng tiếc không thể giới thiệu toàn văn ở đây. Cuối cùng, một lí do quan trọng nữa để giới thiệu bài viết này là tác giả Nguyễn Huệ Chi, trong khi phân tích tư tưởng học thuật của Cao Xuân Huy, một cách gián tiếp cũng đã bày tỏ thiên hướng triết học của bản thân ông. Vượt ngoài phạm vi tìm hiểu những vấn đề chuyên sâu của lịch sử tư tưởng, hy vọng việc tiếp xúc với quan điểm học thuật của một đại diện khoa học nhân văn Việt Nam đương đại sẽ mang đến cho diễn đàn nhiều gợi ý bổ ích.

[...] Trong khoảng hai năm 1957-1958, ông bắt tay vào viết công trình triết học của mình. Công trình này đến nay vẫn chưa được đặt tên, có độ dày dưới 100 trang, không rõ viết trong bao lâu, và hình như cũng chưa ở đâu công bố trọn vẹn. Hiện gia đình còn giữ được 4 xấp bản thảo, đều là cảo bản của các lần viết khác nhau, nhưng không một bản nào đầy đủ. Có bản thiếu phần đầu, có bản thiếu phần cuối. Có bản chỉ mới xong một chương. Song nếu gộp tất cả lại, tham bác, bổ sung cho nhau, cũng có thể lần ra được một diện mạo tương đối ổn định của tập luận văn của Cao Xuân Huy, với 7 đề mục chính:

    I. Cái bi kịch của sự đồng nhất hóa;
    II. Phương thức "chủ toàn" và phương thức "chủ biệt” của tư tưởng;
    III. Thiết vấn pháp của bản thể luận;
    IV. Bản thể và nguyên lý đồng nhất tính;
    V. Vận động, phát triển và không gian thời gian;
    VI. Tri giác và thế giới;
    VII. Do lai của ý thức.

Nhìn vào tựa đề của các thiên cũng có thể thấy ngay cái đích mà Cao Xuân Huy muốn nhắm tới không phải là những vấn đề triết học sơ giản. Cả 7 thiên là một đề xuất có tính hệ thống về phương pháp luận triết học nói chung. Nhưng Cao Xuân Huy không bó hẹp mục tiêu phương pháp luận của mình vào việc vận dụng và thực hành các nguyên lý của chủ nghĩa duy vật biện chứng. Theo dõi khá sát sóng các trường phái triết học phương Tây từ cuối thế kỷ XIX cho đến mấy chục năm đầu thế kỷ XX, ông muốn góp phần lý giải cuộc khủng hoảng tư tưởng của triết học châu Âu hiện đại, sau khi Engels đã qua đời. Ðó là sự ngự trị của “tâm lý học độc tôn“ (psychologisme) kéo dài trong nhiều thập kỷ. Mặc dù chủ nghĩa duy vật biện chứng với Marx và Engels đã đạt được một thành tựu rực rỡ, vẫn không ngăn nổi chiều hướng của cuộc khủng hoảng trầm trọng đó. Vì sao? Phải chăng là bên cạnh những ảnh hưởng nặng nề của chủ nghĩa duy tâm, còn phải tìm ra ở đây một nguyên nhân khác nữa, thuộc về cái gọi là “đường mòn“ trong nếp tư duy của nhân loại? Vì thế Cao Xuân Huy đã lần ngược về quá khứ, xem xét một cách tổng quát các trào lưu triết học từ Âu sang Á, từ cổ chí kim, ngõ hầu có thể rút ra một số đặc trưng chung nhất đã khu biệt nên các phương thức tư duy điển hình mà đến nay con người vẫn còn lấy làm khuôn phép. Có thể gọi đó là loại hình học về phương pháp luận triết học. Phương pháp loại hình này giúp cho Cao Xuân Huy tránh được cách tập hợp các trào lưu tư tưởng theo hai dòng phổ biến là tâmvật, mà tập hợp chúng trong hai hệ thống mới, dựa trên hai phương pháp tư duy khác biệt nhau về loại: phương thức ”chủ biệt“ và phương thức “chủ toàn“. Ông nêu ra một nhận xét: do điều kiện sinh hoạt khác nhau, trên các vùng đất khác nhau của loài người đã sản sinh ra hai hệ quy chiếu để nhìn thế giới. Một bên, luôn luôn duy trì thói quen phân tích, chia cắt thế giới thành vô số sự vật cá biệt. Ðó là phương thức “chủ biệt”. Một bên ngược lại, xem xét thế giới như một thể thống nhất, toàn vẹn, không thể chia tách thành những sự vật cá biệt hoàn toàn đối lập với nhau. Ðó là phương thức “chủ toàn”. Nếu phương thức “chủ biệt” dựa trên nền tảng của tư duy lý tính, dùng phương pháp thực nghiệm để giúp con người nhìn ra vô vàn đặc tính khác nhau của một vũ trụ ngày càng phân hoá dến cùng cực, thì phương thức “chủ toàn” lại lấy tư duy tuệ tính làm nền tảng, dùng trực quan để cảm thức về tính đồng nhất và toàn vẹn của vũ trụ, tìm ra giữa vô vàn hiện tượng phức tạp của vũ trụ một bản thể giống nhau.

Nhưng theo Cao Xuân Huy, tiến trình “tổng-phân-hợp“ vốn là đặc điểm chung của tư duy loài người. Ðể nhận thức, con người vừa “dị biệt hóa“ các khái niệm, lại vừa “đồng nhất hoá” các khái niệm đi liền theo đó. Chính ở đây, phương thức “chủ biệt“ bộc lộ những mâu thuẫn lúng túng mà kết quả là dẫn đến những cuộc khủng hoảng tư tưởng gay gắt . Ðã nói đồng nhất hoá thì tất yếu phải xoá bỏ sự khác nhau giữa các vật cá biệt để đặt chúng trong những mối liên hệ hợp lý. Song đầu óc duy lý đã không còn cho phép nhà “chủ biệt“ thực hiện sự xoá bỏ ấy. Họ đã đi quá sâu vào những đặc tính khác biệt giữa mọi sự vật. Xóa bỏ chúng đi là vi phạm mâu thuẫn lôgich, là đánh đồng số lượng và chất lượng, thời gian và không gian, chủ thể và khách thể, vô sinh và hữu sinh... Khủng hoảng của mọi triết học bắt nguồn từ đây:

Vậy thì, một cách nhìn vũ trụ không rơi vào mâu thuẫn phải là phương thức ”chủ toàn“. Nhờ năng lực phi thường của một sự giác ngộ bằng ”trực quan“ và “tĩnh quan“ (xem xét bằng trực giác và bằng sự tĩnh lặng), các nhà triết học cổ đại phương Ðông như Lão Tử, Trang Tử, Mã-minh, Long-thụ, và phương Tây như Parménide, đã xây dựng được quan điểm "chủ toàn“ đó. Nó kết tinh từ tư tưởng duy vật tự phát thời tối cổ: “Thiên địa vạn vật nhất thể“, hoặc đã pha trộn với tư tưởng tôtem( totémisme) nguyên thủy: “Thiên nhân hợp nhất“. Nó được chưng cất thành những mệnh đề tinh túy trong Ðạo đức kinh của Lão Tử: “Ðạo sinh Một, Một sinh Hai, Hai sinh Ba, Ba sinh vạn vật. Vạn vật cõng âm ôm dương, hai khí âm dương xung đột mà hài hoà“ (Chương 42). Hoặc một mệnh đề khác xuất hiện muộn hơn, và cũng phần nào rút ra từ Lão Tử - đó là cái mệnh đề của thiên Hệ từ trong Kinh dịch: “Thái cực sinh lưỡng nghi; Lưỡng nghi sinh tứ tượng; Tứ tượng sinh bát quái“. Ðạo hayThái cực đều chính là “cái Ðại toàn thể, cái Ðại hữu, cái “Có“ làm điều kiện, làm cơ sở chung cho tất cả mọi vật“ (Thiên III; tr. 99). Ðó là bản thể trường tồn của vũ trụ.

Tiến thêm một bước, Cao Xuân Huy đặt lại “một câu hỏi thiết cốt“ về vai trò của “bản thể luận“: vậy thì bản thể luận với tư cách một công cụ khái quát của triết học, có cần nữa hay không? Ông trả lời rằng, đối với phương thức “chủ biệt“ quá nặng tinh thần duy lý, và quen nhìn sự vật dưới những phần tử mang đặc tính cá biệt thì việc không coi trọng đúng mức bản thể thống nhất của tự nhiên chẳng có gì là lạ. Bản thể đối với họ là một khái niệm trừu tượng, vô nghĩa. Nhưng đối với phương thức “chủ toàn“ bắt buộc phải xem xét tự nhiên từ cái Một bao trùm nhất, thì bản thể lại là một phạm trù hết sức quan trọng. Ở đây, bản thể luận sẽ khắc phục được mọi nhược điểm của triết học cũ như tính trống rỗng, thần bí, và trở thành một công cụ tư duy tối ưu. Có đứng trên nền tảng của bản thể luận đúng đắn này mới vạch ra được những giới hạn (máy móc, siêu hình, gián đoạn) và cái giá trị hết sức tương đối của các cặp phạm trù được quy nạp lại từ phân tích thực nghiệm: nguyên nhân - kết quả, số lượng - chất lượng, thời gian - không gian, khách thể - chủ thể, v.v . . . Chẳng phải học thuyết tương đối của Einstein đã cho thấv các khái niệm thời gian, không gian, dung tích vật thể v.v... đều chỉ là những quy ước tạm thời đấy là gì? Ðại lượng của chúng sẽ hoàn toàn đổi thay khi ta xuất phát từ phương vị vũ trụ mà quan sát tồn tại. Mặt khác, một bản thể luận triết học đúng đắn cũng giúp ta trừu xuất được những cặp phạm trù hợp lý, có thể dùng để nhận thức bản thể của vũ trụ, chẳng hạn các cặp phạm trù âm - dương, nhất - đa, động - tĩnh của Lão Tử. Khác với các cặp phạm trù của tư tưởng “chủ biệt” chứa đầy nhược điểm như trên vừa nói, các cặp phạm trù sau này đều hữu cơ, năng động, liên tục, biến hóa, đều phản ánh được đặc trưng chung nhất của bản thể, nó vừa “chí nhất” vừa “chí đa”, vừa “chí động” vừa “chí tĩnh”, nó luôn luôn hài hòa và mất hài hòa, thăng bằng và mất thăng bằng kế tiếp, xen kẽ nhau không bao giờ dứt. Nó đạt đến nguyên lý đồng nhất tính tuyệt đối (trong khi mọi vật chỉ có đồng nhất tính tương đối), nên nó bao gồm được vào trong nó cả chủ thể lẫn khách thể, tâm và vật, hữu sinh và vô sinh. Như vậy, đối với nhận thức luận duy vật, một bản thể luận của phương thức “chủ toàn“ vẫn là một trong những chìa khóa không thể loại trừ:

Sau khi đã vạch rõ mối liên quan giữa bản thể luận và nhận thức luận khăng khít ra sao, Cao Xuân Huy bắt đầu phác họa cội nguồn của ý thức. Ông lần lượt phân tích cặn kẽ sự lúng túng, mâu thuẫn của các trường phái triết học phương Tây trong vòng hai ba thế kỷ, kể từ Descartes, do bị giam hãm vào phương thức “chủ biệt” nên không thể nào giải thích được một điều đơn giản là ý thức từ vật chất mà ra. Cho đến Husserl, Heidegger, sự đòi hỏi phải thoát khỏi vòng tù túng của tâm lý học độc tôn đã đặt ra như một yêu cầu bức bách, nhưng rốt cuộc họ vẫn để mình rơi vào cái bẫy “'vật tự nó” mà Kant đã giăng sẵn, mặc dù từ đó đến cánh cửa của chân lý khoảng cách không phải là dài:

Cũng vì tư tưởng “chủ biệt“ tức là tư duy phân tích đã chi phối lâu dài hết thảy mọi trường phái triết học phương Tây cổ điển nên theo Cao Xuân Huy, ngay các nhà duy vật biện chứng cũng chưa nhận ra hết những mặt nhược điểm của phương thức này. Cao Xuân Huy cho rằng khi đặt vấn đề sự sống là một đột biến về chất của vật chất, hay khi nói thời gian và không gian là phương thức tồn tại của vật chất, thì về cách nói, vẫn có ý tuyệt đối hoá những phạm trù vốn chỉ có ý nghĩa tương đối (thời gian, không gian...), vẫn coi thế giới như là vô vàn bộ phận tuyệt đối khác biệt nhau về chất hợp lại; do đó mặc dù về nội dung, các định nghĩa đó là chí lý, về hình thức chúng vẫn còn hàm chứa “một vấn đề cần được lý giải“:

Chỉ có thể cắt nghĩa được bước nhảy vọt giữa vật vô sinh và vật hữu sinh một cách hợp lý bằng quan điểm “chủ toàn”, tức là nhìn thấy vũ trụ là một thể thống nhất ngay từ đầu, và trong bản thể của nó đã chứa sẵn cái mầm của sự sống:

Từ đây, Cao Xuân Huy mạnh dạn đề nghị gạn lọc lấy hạt nhân hợp lý của mục đích luận mà ông gọi là “nguyên lý cứu cánh tính“:

Tóm lại, công trình triết học ngắn gọn, giàu ý vị đối thoại của Cao Xuân Huy là một luận văn chứa chất nhiều luận điểm có giá trị gợi mở mới mẻ. Là người nắm vững cả hai nền triết học Ðông và Tây, ông có nhiều ưu thế để đưa ra những so sánh, phân loại xác đáng, nhằm nêu bật hai khuynh hướng “chủ biệt” và “chủ toàn” hay là tư duy phân tích và tư duy trực quan trong tiến trình tư tưởng nhân loại. Những luận giải của ông về bản thể luận mới nghe tưởng chừng không khỏi còn phần nào mang màu sắc siêu hình, song thực tế lại có một sức kích thích rất mạnh đối với suy nghĩ và tưởng tượng của giới khoa học tự nhiên cũng như xã hội. Và những trang viết của ông về nhận thức luận, về “vai trò của cứu cánh tính”, về “ý thức như một chức năng của cơ thể” thật phong phú ý nghĩa (22). Tất nhiên, ông chỉ giới hạn việc so sánh trong phạm vi triết học mà không mở rộng sang các lĩnh vực khác, nên không có dịp nói đến những ưu điểm nổi bật của tư duy phân tích (tức tư duy lý tính) và ngược lại, những nhược điểm căn bản của tư duy trực quan (tức tư duy tuệ tính), trong các ngành khoa học thực nghiệm. Mặt khác, cách tập hợp triết học theo hệ thống "chủ biệt" và "chủ toàn" khiến ông chưa nhấn mạnh được đến mức cần thiết ranh giới giữa duy vật - duy tâm. Có điều không thể nghi ngờ là luôn luôn, ông đứng vững trên mảnh đất duy vật, mảnh đất của “tồn tại như một thực hữu” mà đề xuất ý kiến của mình, và các ý kiến sâu sắc đó đều được khái quát từ cơ sở của những hiểu biết triết học và khoa học tự nhiên đương đại. Các dẫn liệu trong công trình chứng tỏ ông đã đọc thuyết tương đối của Einstein, đã biết đến các bùng nổ có tính chất cách mạng về sinh vật học, nhất là thuvết di truyền ở Ðại học Harvard của Mỹ, ở Học viện khoa học Collège de France của Pháp trong những năm 30, 40 và 50 (trong khi đông đảo giới trí thức ở Việt Nam đương thời chưa hề biết đến những nguồn thông tin mới lạ này, hoặc có biết sơ qua cũng xuất phát từ những luồng ý kiến một chiều của giới sinh vật học Xô-viết thuở ấy vốn chưa chấp nhận di truyền học).

Ngày nay, khoa học tự nhiên trên thế giới đang phát triển đến giai đoạn rất cao, trong đó đối tượng và chức năng của nhiều ngành khoa học gần như xâm nhập vào nhau. Vật lý lý thuyết siêu thống nhất, toán học tập mờ (fuzzy sets) và nhiều ngành khoa học khác đều quay trở về với phương Ðông, tìm thấy trong Lão-Trang những chỉ dẫn thiên tài để khám phá thêm các bí ẩn của vũ trụ; và sinh thái học hiện đại cũng thừa nhận con người là một thành tố hữu cơ của Tồn tại vô chung vô thủy. Cái “Thái cực mà vô cực” của Lão Tử hoàn toàn ứng với hình ảnh cái “Chân không tuyệt đối” (vacuum) mà vật lý học hiện đại mới phát hiện. Cái quan niệm “Con người là một tiểu vũ trụ” của phương Ðông cũng thống nhất với hình ảnh khoa học về “toán đồ” (hologramme) của vật lý học hiện đại. Ngay cả sự bác bỏ quan điểm “bài trung” trong công trình của Cao Xuân Huy (khi đứng trên phương thức “chủ toàn”) cũng đã được L.A. Zadeh vô tình thừa nhận trong lý thuyết tập mờ của ông (23).

Ðiều đó chứng tỏ những đề xuất triết học của Cao Xuân Huy chứa đựng một tầm nhìn vượt lên phía trước rất xa, đến nay vẫn chưa hề lạc hậu.
[... ...]


____________
(22) Xem thêm Ðào Duy Anh, Nhớ nghĩ chiều hôm, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh, tr. 245, 1989.
(23) Tất cả những chú dẫn về khoa học tự nhiên trên đây, chúng tôi dựa theo Giáo sư Hoàng Phương trong Một số suy nghĩ về Ðông và Tây, Người Hà Nội, số 6 (139), 10-11-1990; và trong cuốn Ðông y học dưới ánh sáng của lý thuyết tập mờ, Licosaxuba, Hà Nội, 1990.

(*) Ðầu đề do biên tập đặt.

Nguồn: Nguyễn Huệ Chi, Cao Xuân Huy trong thế giới người hiền (trích từ trang 28 - 41), trong: Cao Xuân Huy, Tư tưởng phương Ðông - Gợi những điểm nhìn tham chiếu, NXB Văn Học, Hà Nội 1995, 790 trang.

🔝