Nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn ở Hà Nội cho biết ông đang góp nhặt, tổng hợp, và sẽ cho ra một tác phẩm nói về những thói hư tật xấu của người Việt Nam.
Mấy năm gần đây, ông Vương Trí Nhàn đã sưu tầm nhiều bài viết, nhận định do các tác giả Việt Nam nói về những điều chưa hay trong tính cách người Việt.
Nhiều bài đã được ông cho đăng trên báo chí trong nước, nhưng ông ấp ủ ý định tập hợp chúng thành một cuốn sách đầy đặn.
Một tác phẩm tương tự, Người Trung Quốc Xấu xí của Bá Dương, đã trở nên khá thịnh hành trong giới người đọc ở Việt Nam tuy không được in chính thức.
Nói chuyện với đài BBC, ông Vương Trí Nhàn cho rằng người Việt Nam đang cần có sự tự nhìn nhận chính mình, mà một bước đầu tiên là đọc lại những gì người xưa đã viết.
"Những trí thức đầu thế kỷ 20 tiếp nhận được yếu tố phê phán của phương Tây để nhìn lại dân tộc. Công trình của tôi muốn tập hợp lại những nhận định như thế," ông Nhàn nói.
Việc phê bình những cái không hay trong tâm tính dân tộc dễ gây tranh cãi, nhưng nhà phê bình Vương Trí Nhàn nói người Việt có nhiều tật xấu và cần có cuộc thảo luận rộng rãi trong xã hội.
"Trước kia chúng ta tưởng là mình rất tốt, rất hay, nhưng hóa ra chúng ta có nhiều cái dở. Người Việt có nhiều tật xấu phổ biến như giả dối, tham lam, vụ lợi, không cộng tác được với nhau..."
Ông Nhàn cho rằng tật lớn nhất của người Việt là sợ nói ra cái xấu của mình.
"Họ cứ nghĩ ai nói ra cái xấu của mình thì là kẻ thù, và gạt đi cho bằng được. Mà như thế là tự chặt đi con đường nhận diện bản thân, thế giới, lúc nào cũng dương dương tự đắc," ông Nhàn nhận xét.
Nguyễn Văn Vĩnh (1882 – 1936) |
Dưới đây là lời dẫn trong loạt bài “Xét tật mình” của nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh đăng trên tờ Đông dương Tạp chí do Nguyễn Văn Vĩnh là chủ bút xuất bản năm 1913 tại Hà nội.
LỜI TỰA
Các nết xấu, các hủ tục của người Việt Nam ta, cần nói hết ra, đừng có giấu diếm, ai cũng biết thì mới sửa được. Luân lý là phải dạy người ta biết gốc rễ điều ác để tự nguyện tránh, mầm mống điều thiện để tự giác làm điều thiện .Nếu cứ nói, cứ bắt buộc phải thế này, không được thế kia thì khó nghe, uổng công nói, mà phải biết cho rõ làm việc thiện lợi thế nào, làm điều xấu hại ra sao thì người ta dễ theo. Người có bệnh phải biết rõ bệnh, căn nguyên bệnh thì mới uống đúng thuốc mà khỏi. Trong xã hội có nhiều hủ tục, đã thành thói quen của cộng đồng, một người hay một thiểu số không đủ sức đấu tranh để sửa mà nên phô bày ra, rõ ràng cái xấu, căn nguyên cái hại để Nhà nước biết, để đa số nhân dân biết, khi đó lệnh của nhà nước hợp với ý dân thì mới sửa được.
Vì vậy mỗi số sau sẽ trình bày cụ thể một tệ hủ bại, phân tích rõ gốc rễ và điều hại cho dân cho nước để cùng nhau sửa .
Đông dương tạp chí số 6 – 1913.
TÍNH Ỷ LẠI
Dân ta có một nết xấu mà hầu như mọi người đều cho là hay đó là tính ỷ lại trong cuộc sống, sung sướng mà ỷ lại vào người, vui vẻ và hãnh diện mà cho người khác ỷ lại vào mình. Các nước văn minh người ta khinh ghét nhất sự ỷ lại. Trong cuộc sống, tự hào nhất là bằng lao động của đôi tay, khối óc mà tự mưu sinh, không nhờ vả vào ai. Đến mức, cha mẹ có nghề của cha mẹ, dù có vất vả cũng sống giản dị với nghề đó, thấy con ăn nên làm ra, giàu có thì mừng cho con mà chẳng nhờ cậy. Chỉ khi thật sự già yếu quá mới yêu cầu con cái giúp đỡ. Còn dân ta thì hoàn toàn ngược lại, coi việc được sống dựa vào sự giàu có của người khác là một vinh dự, đến độ thấy người sang bắt quàng làm họ, một người làm quan cả họ được nhờ, đến mức bỏ cả việc đang làm để bám vào người mà ăn không ngồi rồi. Cách nhờ vả này người nghèo càng nghèo mà chính người giàu cũng chẳng hay, phải tìm cách bất lương để có thêm tiền, làm quan thì phải ra sức ức hiếp dân mà ăn của đút… Quanh quẩn đất nước thêm nghèo, dân ta lún sâu trong lạc hậu.
Đông dương tạp chí số 8 – 1913.
TÍNH NÓI DỐI
Các quan Tây thường chê dân ta là hay ăn gian nói dối. Điều đó quả thật, nhưng chỉ với các quan Tây cũng như ta. Còn ở dưới nông thôn thì không thế. Đại đa số nông dân phân biệt rõ thiện, ác và tin rằng ăn ở thật lòng với nhau là quý, mới được bạn bè hàng xóm láng giềng yêu mến, giúp đỡ. Với nhau, họ rất chân thật. Vậy vì sao các quan Tây chê vậy?
Thưa rằng quả thực đối với các quan nói dối là cách tự vệ của dân đen .Các quan tự nêu hư danh là phụ mẫu của dân, vì dân mà cầm cán cân công lý. Sự thật đâu có thế! Quan chỉ vì tiền, ai đưa cho quan nhiều bổng lộc thì quan ra sức bênh, đè nén áp bức là việc hàng ngày của quan. Vì vậy đã tới cửa quan thì người đi kiện cố nhiên cũng phải nói dối để quan xử cho có lợi , người bị kiện tất nhiên cũng phải nói dối để mong đỡ bị hại, gặp quan: sợ quan nên nói dối mà nịnh quan cũng nói dối. Thế là với quan ta, ai cũng nói dối cả thì tránh sao khỏi nói dối với quan Tây, là quan của quan, nói thật sao được!
Đông dương tạp chí số 9 – 1913.
THÓI TRẢ NỢ MIỆNG
Ở chốn dân thôn, các thói xấu nên hổ thẹn nhất, nên lên án và bài trừ, là thói coi ăn uống là việc quan trọng hàng đầu trong quan hệ xã hội. Việc hiếu nghĩa mà không có mâm to bình lớn, ăn uống thỏa thuê thì bất thành hiếu nghĩa. Gia đình nếu không may có ông bà, cha mẹ nằm xuống, nỗi lo lắng nhất là làm sao đủ lợn, gà, rượu, gạo, để thết đãi các chức sắc và dân làng. Hàng mấy chục người quần quật, tíu tít vào việc này, đến nỗi lòng thương nhớ người chết cũng bị chìm đi trước nỗi lo đãi người sống. Mà không lo sao được? Nghe hơi có người chết đám Tổng Lý kỳ cựu đã chuẩn bị mồm chờ ăn, chờ uống gân cổ cười nói, bẹp tai hút sách. Thiếu một chút là dài mồm dè bửu, coi là bất hiếu. Tốn phí vô cùng, chỉ mấy ngày mấy chục vị chức sắc ưa thích và bảo vệ, nhân dân trong lòng đâu có muốn đến mức ấy, nhưng không ăn ai dám tự ý làm khác. Cũng chỉ vì, khi còn sống, ai cũng đã từng ăn uống như thế ở nhà khác, nay chết đi, con cháu phải tổ chức ăn uống để trả nợ miệng cho người chết. Hàng nghìn đời trả nợ miệng như thế, nước ta vẫn đắm mình trong nghèo khó, lạc hậu. Nếu cả nước đồng lòng, đem công sức của cải góp phần lo trả nợ nước thì văn minh, khoa học sẽ đến với chúng ta. Thói ăn uống hủ bại như trên đúng là miếng ăn là miếng nhục.
Đông dương tạp chí số 10 – 1913.
THÓI TỰ TY
Dân ta rất cần mẫn chăm chỉ , biểu hiện rõ ở nông thôn tấc đất tấc vàng, không một mảnh đất nhỏ nào để hoang chỉ hiềm một nỗi, không biết tự hào về sự cần mẫn này, không thấy sản phẩm do lao động mình làm ra quyết định sự tồn tại của xã hội. Có ai, dù là vua quan, những kẻ làm sĩ, những người buôn bán, những người làm thợ thuyền… Không ai có thể sống nổi nếu không có lương thực, thực phẩm do nhà nông sản xuất. Tất cả các nghề khác đều như vậy, mỗi nghề đều góp phần tạo điều kiện cho xã hội tồn tại và phát triển, đều vinh quang nếu họ biết vì lợi ích của xã hội trong đó có lợi ích của chính mình mà lao động.
Dù anh làm nghề gì, nếu anh không phục vụ tốt cho xã hội thì anh không được tôn trọng. Làm quan, một nghề nói chung được trọng vọng, nhưng nếu ông quan lại buôn quyền, bán chức, đàn áp nhân dân để kiếm lợi riêng thì có lợi gì cho ai, làm sao khỏi bị khinh ghét. Làm thợ mà biết tính toán khéo léo, làm ra những sản phẩm hoặc công cụ, có ích cho đời, vừa bền vừa đẹp thì làm sao mà không được yêu quý. Những người làm nghề buôn bán, làm nghề vận chuyển, hàng trăm nghìn nghề mà xã hội cần, không có nghề nào hèn. Mà chỉ cần ai làm nghề gì biết tự hào và lo học tập rút kinh nghiệm để phục vụ xã hội tốt mãi lên. Đó là con đường tiến bộ của cá nhân gắn liền với sự tiến bộ của xã hội, nghề nào cũng dẫn đến giàu có, vinh quang. Chớ có giầu rồi lại phụ nghề, đem tiền của do nghề làm ra mà đi mua chức vị nọ kia; ông hàn, ông bát, và coi thường nghề cũ.
Tóm lại cần mẫn phải gắn liền với lòng yêu nghề, với tinh thần vì cộng đồng xã hội trong đó có bản thân mà hành nghề, không ngừng rèn luyện để thạo nghề. Phục vụ xã hội và làm giàu song song phát triển, thúc đẩy lẫn nhau tiến lên mãi.
Đông dương tạp chí số 11 – 1913.
THÓI TIÊU TIỀN
Người nông dân cần mẫn có thừa, hàng ngày hai sương một nắng, quanh năm vất vả mà vẫn nghèo khó. Tại sao? Chung quy, họ là nạn nhân của điều kiện kinh tế xã hội kéo dài từ thế kỷ này sang thế kỷ khác. Sức người cộng với công cụ thủ công, cùng nhất là con trâu kéo cái cày cái bừa. Nhất nước nhì phân nhưng cả hai đều khó khăn mà con người không chủ động được. Cho nên làm ra nông sản, kiếm được tiền đã vô cùng khó khăn, làm sao giữ được tiền, làm sao chi ra hợp lý, phục vụ cuộc sống cũng khó khăn không kém.
Giữ được cũng cực kỳ khó. Người nông dân đủ bát ăn là đối tượng bị kỳ hào lớn nhỏ trong xã nhòm ngó, tìm cớ đục khoét; khá hơn thì được sự chú ý xét nét của cấp tổng, mà tương đối giàu có thì các quan trên huyện, phủ, tỉnh, dựa vào cấp tổng, xã thành một hệ thống đèn trời, soi vào túi dân vơ vét. Số tiền còn giữ được người dân cũng không làm chủ hẳn. Hủ tục ma chay, giỗ chạp đã buộc phải chi ra một phần lớn như bài trước đã nói, vì thế mang tiếng hoang phí, không biết tích lũy dự phòng. Số chi cho cuộc sống đã ít lại gặp nhiều khó khăn. Chỉ sửa chữa nhà cũng sợ các kỳ hào trông vào, kẻ gian dòm ngó, lòng tham nổi lên thì chết. Chi cho cái ăn mặc sang trọng một chút, ở nông thôn đâu có dễ, không biết mà mua, không có mà mua, nên số còn dư chút ít chỉ có cách nơm nớp lo cất dấu, khi có thời cơ thì mua ruộng, chuẩn bị chia cho con cháu. Đó là cách dự phòng mà người nông dân cho là chắc chắn nhất, thích hợp nhất với hoàn cảnh xã hội ở nông thôn, thích hợp với tâm lý; nhiều tiền chẳng những không biết tiêu gì, lại còn sinh nhiễu sự ra, kém vế thì nhiều khi tiền mất tật mang, bị kẻ khác ăn hiếp, mà có khi còn làm lụy tới thân.
Đông dương tạp chí cố 12 – 1913.
THÓI NGHI NGỜ
Dân ta lại có cái tật cái gì cũng bán tín bán nghi nên làm hay không làm; theo hay không theo, chẳng dứt khoát mặt nào. Lấy thí dụ điều này bộc lộ rõ trong vấn đề được các cha cố dạy kỹ về giáo lý; vẫn còn không ít người thường xuyên đi nhà thờ lễ, nhưng khi đến các điện phủ, chùa chiền có tiếng là linh thiêng thì vẫn lễ bái không kém ai, với quan điểm “bên cha cũng lễ, bên mẹ cũng vái”. Những người theo Phật giáo hoặc tin vào sự linh thiêng của các thánh thần thì khỏi nói, họ tụng kinh Phật, miệng không ngớt Nam mô A di đà Phật, nhưng có chút hiểu biết gì về phật lý đâu. Vì thế đền chùa họ thắp nhang lễ lia lịa ở khắp nơi, trừ chính diện ra nếu hai bên, ra góc cột đến gốc cây với ý thức đâu cũng linh thiêng, càng lễ nhiều càng được phúc, vừa lễ vừa xin đủ thứ. Sự lễ bái cầu lợi này tạo cơ hội cho các chùa chiền, đền đài biến thành nơi buôn thần bán phật.
Đông dương tạp chí số 13 – 1913.
THÓI BẮT CHƯỚC
Sự huyền hồ về nhận thức tư tưởng của dân ta không ngừng lại ở lĩnh vực tôn giáo mà nó chi phối rộng rãi mọi hoạt động tư duy, vay mượn của Trung Quốc nhiều, ít chất thực tiễn Việt Nam. Ví như làm thơ, viết văn đều xính xuất phát tự thiên nhiên Trung Quốc, từ phong cảnh đẹp đặc trưng, khí hậu băng tuyết, đến con người với tinh thần, tâm lý rất xa lạ… trong khi bầy ra trước mắt biết bao cảnh sông, núi, rừng đẹp tuyệt vời của chính quê hương, con người và điển tích Việt Nam diễn ra trong suốt mấy ngàn năm lịch sử thì bị quên lãng. Như vậy làm sao có được cảm xúc thực phù hợp với tâm hồn Việt Nam? Đều như vậy, trong hội họa, trạm khắc đúc tượng cũng lấy đề tài và rập khuôn Trung Quốc mà người nghệ sĩ chưa hề được chiêm ngưỡng tận mắt. Cho đến Pháp luật, một lĩnh vực phải quán triệt 100% Việt Nam, con người kinh tế, xã hội và chính trị Việt Nam thì cũng vẫn bị vua Gia Long bỏ luật Hồng Đức ban hành luật mới bằng cách sao chép của Tàu, luật mà như thế, làm sao mà cải tạo được thực tiễn Việt Nam. Phong tục Việt Nam phải là của người Việt Nam xây dựng trong mấy nghìn năm tồn tại thì cũng tìm trong “Thọ Mai Gia Lễ” hoặc “Văn Công Gia Lễ” xem ở bên Tàu con khóc cha như thế nào mà bắt chước. Thật buồn cười! Thật huyền hồ đã làm cho tư duy và bản sắc dân tộc Việt Nam không phát triển được. Chúng ta phải triệt bỏ.
Đông dương tạp chí số 15 – 1913.
THÓI LÃNG PHÍ TRÍ TUỆ
Lối học cổ hủ, lại thông qua tiếng Trung Quốc, kéo dài hàng nghìn năm, đã khoét sâu ảnh hưởng tai hại đến hoạt động trí tuệ của dân tộc Việt Nam.
Tiếng Trung Quốc rất khó, gây ra nạn mù chữ trong tuyệt đại đa số nhân dân Việt Nam, cũng có nghĩa là đại đa số này không được học hành, hoạt động tư duy bị trì trệ, hạn chế trong những lo nghĩ cho mình, cho gia đình, nhưng là lo nghĩ vẩn vơ, không dẫn đến hoạt động tích cực mà thường là ngồi ngẩn hàng giờ đầu óc trống rỗng, không đem lại một chút lợi ích cho bất cứ ai. Đó là thì giờ mất không, sống cũng khác chi chết. Ở đời, thì giờ phải phân làm 3 việc: làm lụng, nghỉ ngơi, giải trí, cả ba việc đều phải hết sức tích cực. Làm việc phải tập trung hết công sức, trí tuệ đạt hiệu xuất cần thiết, làm rồi tất nhiên phải giải trí, giải trí ra giải trí, hoạt động thể thao, văn nghệ, cầm kỳ thi họa đều là giải trí tích cực. Thứ ba là nghỉ ngơi thoải mái khôi phục lại sức khỏe để tiếp tục lao động. Làm như vậy cuộc sống từng giờ từng phút đều tích cực.
Đông dương tạp chí số 16 – 1913.
TÍNH VÔ CẢM
Khi trong nước có thiên tai, hoạn nạn thì dân tình đói khổ, nhà tan cửa nát, là dịp bộc lộ người tốt, kẻ xấu. Người tốt biết nhường cơm sẻ áo, góp sức cứu giúp nhau trong cơn hoạn nạn, Đông dương tạp chí đã đưa tên và khen ngợi. Nhưng thật buồn, số người lợi dụng đau khổ của đồng bào để trục lợi riêng vẫn rất đông. ĐDTC thấy cần phải vạch rõ và lên án .
Biết bao người từ đủ bát ăn, đến phong lưu, giàu có mà vẫn nhẫn tâm thực hiện triết lý ích kỷ “cháy nhà hàng xóm, bình chân như vại”, vẫn ăn ngon ngủ yên, không hề động lòng. Thế thì làm sao gây được quỹ cứu tế lớn đủ sức cấp cứu dân. Nhưng giã man và vô liêm sỉ nhất, không những công luận vẫn lên án mà nhà nước cần nghiêm trị là những kẻ lợi dụng đục nước béo cò. Đó là những chức trách Nhà nước, từ quan lại đến Tổng Lý, được giao nhiệm vụ cứu tế, lại nhân cơ hội ấy mà xà xẻo làm hại dân, lại còn trị con buôn bất lương, nhất là tụi buôn gạo và lương thực đã đầu cơ tăng giá lúa cho nhân dân vô cùng khổ cực.
Nước ta nghèo, kinh tế còn lạc hậu, tai nạn xẩy ra nhiều, phải ra sức thực thi nhiễu điều phủ lấy giá gương, lá lành đùm lá rách, thì mới có điều kiện để dân nghèo đỡ khổ, trở thành nước tiến bộ văn minh.
Đông dương tạp chí số 17 – 1913.
TÍNH THỤ ĐỘNG
Hãy xét đến các khuyết tật trong hoạt động tri thức của dân ta.
Trước tiên là vấn đề học tập. Từ ngàn đời xưa chỉ tập trung vào nho học, các sách thánh hiền được coi là chân lý tuyệt đối, lại viết bằng tiếng Trung Quốc rất khó, nên số người hiểu được thấu đáo, và vận dụng, sáng tạo trong cuộc sống rất hiếm. Cách học thì không theo một chương trình hợp lý, không có trình tự đi từ dễ đến khó, từ gốc đến ngọn, mà phổ biến là gặp đâu học đấy, thiên về học thuộc lòng, lấy ngâm nga, trích cú làm giỏi. Chính vì vậy, hàng mấy ngàn năm trôi qua, cũng chỉ ngần ấy sách, không thêm bớt, cũng không có ông bà Thánh mới nào ra đời. Tưởng như nhân loại ngàn đời không biến động. Thực tế đâu có thế. Tri thức của nhân loại thời nay đã tiến bộ và cao hơn gấp bội tri thức thánh hiền xưa. Các môn khoa học mới ra đời phân nhánh rất phong phú. Muốn trở nên một dân tộc văn minh như ở các nước Âu Tây, chúng ta phải theo Tân học, phải cách tân cách học. Các môn khoa học đều phát triển từ các vấn đề cơ bản giản dị mà tiến dần lên cao hơn, phong phú hơn, các môn khoa học có liên quan mật thiết với nhau. Vì thế học tân học, đối với mỗi môn, phải học từ thấp, thật hiểu thấp mới chuyển lên cao, phải học các môn có liên quan với nhau, học phải gắn với hành.
Tổng hợp các mục lại bằng các bài bình luận về mọi mặt kinh tế, xã hội các bài phiên dịch các tác phẩm văn học, khoa học, kinh tế học, đạo đức học ở Âu Tây, ĐDTC sẽ kiên trì giúp bạn đọc đi dần vào tân học.
Đông dương tạp chí số 18 – 1913.
THÓI MÊ TÍN
Hãy đơn cử Hội Đền Kiếp bạc, vốn là ngày hội để tưởng nhớ đến công ơn cứu nước yêu dân của Hưng Đạo Đại Vương. Những công lao to lớn của vị anh hùng dân tộc đó đã bị người ta không biết đến, lại còn lợi dụng lập ra Đạo Thánh Cả, biến Hưng Đạo Đại Vương thành ông Thánh nhận lễ của dân ngu, cho thầy đồng nhảy múa để kiếm con cầu tự, để người ốm không uống thuốc mà khỏi bệnh… thật là tin bậy làm càn, sự dị đoan đồng bóng phát triển ở khắp nơi, phỉ báng mọi tín ngưỡng, làm cho nhục thần tủi thánh. Chúng ta hãy bảo nhau chữa đi.
Đông dương tạp chí số 19 – 1913
TÍNH YẾU KÉM TRONG GIAO TIẾP
Vụng nói chuyện cũng là một hiện tượng phổ biến ở rất nhiều người Việt Nam mà nguyên nhân cũng là do hoạt động tư duy kém. Không theo dõi được diễn biến tình hình về mọi mặt, không có nhận thức cụ thể về hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội và khoa học đương thời, ở trong nước và trên thế giới thì làm sao có đề tài nói chuyện hay? Vì vậy khi gặp nhau, trong mọi hoàn cảnh, dù nói nhiều hay nói ít, thường câu chuyện chỉ trao đổi vụn vặt về các vấn đề tầm thường trong cuộc sống. Chuyện lý thú nhất, được mọi người nói một cách hể hả là chuyện khoe khoang hơn người, chuyện ăn chơi, chuyện cờ bạc… những câu chuyện không rút ra được điều gì hay. Ở các nước Âu Tây văn minh thì khác xa, qua học tập tìm hiểu và tích lũy trong đầu những tình hình mới, có những nhận xét đặc biệt, câu chuyện trở nên sự trao đổi tri thức lý thú, có ích cho mọi người và thường gợi ra nhiều cách giải quyết thỏa đáng công việc.
Đông dương tạp chí số 21 – 1913.
GÌ CŨNG CƯỜI
Dân ta rất nhiều người có thói lạ thế nào cũng cười. Người ta khen cũng cười, chê cũng cười, hay dở, phải, quấy đều cười. Cười vốn là biểu hiện vui tươi hữu nghị trong xã giao, nhưng ở đây nó trở thành vô duyên, vô nghĩa, nhiều khi nó như là biểu hiện khinh người, không thèm đối đáp, trao đổi. Trong giao dịch mà gặp cái kiểu gì cũng cười này thì thật tức như bị bò đá. Dân ta với nhau đã tức, nếu quan hệ với người nước ngoài thì người ta không thể chịu nổi, cuộc nói chuyện không thể tránh khỏi thất bại. Ta cần rút kinh nghiệm; trong xã giao tươi cười hữu nghị là cần thiết, nhưng điều quan trọng hơn vẫn là thái độ đối đáp, ngôn ngữ rõ ràng, lịch sự và tạo điều kiện cho đối phương nói rõ ý họ, hiểu rõ ý mình. Kể cả mức độ nông sâu chưa nên vượt qua. Điều gì chưa muốn tiết lộ thì tránh nói tới chứ không nên nói dối, nói sai sự thật.
Đông dương tạp chí số 22 – 1913.
TÍNH CỜ BẠC
Trong muôn vàn cái tật của dân ta, tật ham mê cờ bạc là phổ biến nhất, từ thành thị đến thôn quê, miền xuôi, miền ngược, từ các quan cấp tỉnh huyện đến Tổng Lý, các thầy tham phán, kỷ lục, thừa phái, từ các phú gia đến các bậc trung lưu, đến cả người còn túng thiếu. Động cơ chính là tham tiền, muốn qua con bài sóc đĩa nhờ thần rủi may mà móc tiền trong túi người bỏ vào túi mình. Lòng tham thì như thế thật đáng hổ thẹn, nhưng có ai đánh bạc mà nên giàu có? Được thua do may rủi, được thì tiêu hoang phí, thua thì mất của, càng thua càng khát nước lao vào đánh to, gỡ được thì ít mà phá sản thì nhiều. Trên bàn bạc, cay cú với nước bạc, kẻ được người thua ghen ghét nhau, chẳng còn gì là tình cảm bạn bè, anh em, lời lẽ bốp chát thô tục. Từ bậc thượng lưu, trung lưu đến người hạ đẳng, giàu nghèo đều giống nhau, có khác chăng là ở bề ngoài ăn nói, ở cách che dấu lòng tham.
Cái hại của cờ bạc là vô cùng to lớn, hại nhất là lãng phí không biết bao nhiêu thì giờ đáng ra dùng để làm lợi cho bản thân, gia đình và xã hội. Đã mê cờ bạc thì mất lương tâm đạo đức, quên mọi nhiệm vụ, buông trôi công việc, học hành. Quan phụ mẫu trị dân thì quên mất dân đang mong chờ quan dạy dỗ bảo vệ mà chỉ nhớ đến việc đục khoét dân để có tiền đánh bạc. Người có tài cao học rộng mà đã ham mê cờ bạc thì tài cao cũng bằng thừa, vùi đầu vào đánh bạc rồi thì còn đâu thì giờ mà nghĩ đến việc, mà thi thố tài năng. Cái hại thứ hai là sinh ra một nghề chỉ làm hại xã hội, đó là nghề gá bạc lấy hồ, sống bằng cách khuyến khích và tạo điều kiện cho tệ cờ bạc ngày càng mở rộng khắp nơi, khắp chốn. Cho nên xã hội muốn phát triển cần bảo nhau, giúp nhau chừa thói đánh bạc, cần tố cáo để Nhà nước nghiêm trị cả người đánh bạc lẫn tụi gá bạc đổ hồ.
Đông dương tạp chí số 29 – 1913
Nguồn — Vương Trí Nhàn - 05/09/2012
Trích từ chuyên mục
Người xưa cảnh tỉnh
đã in trên Thể thao và văn hóa 2005-2007
Các đầu đề nhỏ và chú thích là của người biên soạn
Bảo thủ, dựa dẫm, cầu an
Trải qua các đời dân ta chịu sự cai trị của vua quan, không có thể dùng tâm và mưu cho nước, nước tự nó sống còn. Trên có vua hiền tướng giỏi thì tạm thời yên ổn. Bất hạnh mà không có vua hiền tướng giỏi thì cả nước loạn ly, nhân dân lầm than.
Từ xưa đến nay, sở dĩ có ít ngày được bình trị (1), mà có lắm cuộc loạn ly, nguyên nhân là ở đó.
Dân nước ta có ưu điểm là an phận, thành thực, nhẫn nại.
Không biết lợi dụng những ưu điểm ấy thì sẽ sinh ra ba cái tệ.
Một là bảo thủ mà không biết tiến thủ.
Hai là dựa vào người mà không biết tự lập.
Ba là yên thân mình nhà mình, mà không biết ái quần ái quốc.
Không trừ ba cái tệ đó thì dù có vua hiền tướng giỏi cũng chỉ bình trị nhất thời mà thôi, sao có thể chống chọi với các nước lớn được. Ngày nay phải nghĩ đến tự cường thì ngày sau mới tự cường được.
(1) xã tắc trong cảnh thái bình, có trên có dưới, trật tự kỷ cương đâu vào đấy
Quốc dân độc bản
Tài liệu do Đông Kinh Nghĩa thục soạn, 1907
Tri túc và hiếu cổ
Dân ta đại để bảo thủ mà không biết tiến thủ. Sở dĩ bảo thủ một là do tri túc (1), hai là do hiếu cổ (2). Thường thường cho rằng quê mùa chất phác là hay, lặng lẽ rút lui là cao thượng, không biết rằng như vậy là chỉ muốn ăn chơi lười biếng. Đó là tri túc làm trở ngại cho chí tiến thủ. Không biết rằng thế đạo (3) ngày một suy, mà lại than thở phong tục xưa không được phục hồi. Lòng hiếu cổ ấy trở ngại cho chí tiến thủ.
(1) tự cho là đủ
(2) ưa thích những gì đã có từ xưa.
(3) đạo sống ở đời
Quốc dân độc bản, 1907
Cái gì cũng đổ tại trời
Thuyết mệnh trời làm cho dân ta bị trở ngại. Nước yếu không quy trách nhiệm cho chính sự tồi tệ, quốc dân bất tài mà lại nói vận số không phải do người quyết định. Lụt lội hạn hán không trách cứ là không có kế hoạch tiêu nước kịp thời, không phòng ngừa đói kém, mà lại nói thiên tai không phải do người gây nên. Dịch bệnh lan tràn thì nói con người sống chết có số, đề phòng cũng vô ích. Cùng làm một nghề, kẻ thành người bại, cũng lại nói họ gặp may, ta gặp rủi. Than ôi! sao lại có cách nói tự hại mình đến thế?
Quốc dân độc bản, 1907
Ma quỷ sống lẫn với người hèn yếu
Nước Nam độ bốn mươi năm nay, vận nước ngày một suy, suốt từ trên đến dưới chỉ biết chuyện lười biếng vui chơi.
Pháp chế lề luật không còn có cái gì ra trò, nhân tài cũng tiêu diệt đi mất cả.
Người trên thì lâu lâu được thăng trật (1), chẳng qua như sống lâu lên lão làng; người dưới thì đem của mua quan, thật là tiền bạc phá lề luật (…)
Suốt cả thành thị cho đến hương thôn, đứa gian giảo thì như ma như quỷ, lừa gạt bóc lột, cái gì mà chẳng dám làm; đứa hèn yếu thì như lợn như bò, giẫm cổ dè đầu, cũng không dám ho he một tiếng.
(1) trật: cấp bậc phẩm hàm
Phan Châu Trinh
Thư gửi chính phủ Pháp,1906
Ý thức quốc gia thức tỉnh quá chậm
Khi cái tư tưởng quốc gia đã nảy ra trong óc người Tàu, người Cao Ly (1), người nước ta vẫn còn say sưa trong giấc ngủ ngàn năm, chưa có chút gì gọi là giật mình mở mắt cả. Bọn già thì lo làm quan để kiếm tiền nuôi vợ con, bọn trẻ thì lo làm thầy đặng kiếm gạo nuôi miệng, ngoài cái lo xác thịt ra thì không có một tư tưởng gì khác.
Lại thêm một bọn ra vênh mặt múa tay tự xưng là ái quốc ái chủng, nhưng hỏi đến họ cách khuếch lợi trừ hại, tự cường tự lập thì họ ập ạ như người mơ ngủ, chỉ ngồi ngong ngóng ước mơ thế lực ngoài tràn vào mà thôi.
(1) tức Triều Tiên.
Phan Châu Trinh
Đạo đức và luân lý Đông Tây, 1925
Khi bàn chuyện quốc gia chỉ ham hư danh
Tục ngữ có câu Cọp chết để da, người chết để tiếng. Xem câu nói đó thời danh vẫn nên quý.
Nhưng tội tình thay! óc ti ti như óc dơi, mắt ti ti như mắt muỗi, ngoài buồng the bếp núc, vẫn không biết gì là nước non; trừ sọ bò đầu heo, vẫn không biết gì là rồng rắn.
Huống chi vết xấu ở gia đình, thói hủ ở xã hội, gắn sâu buộc chặt trải mấy nghìn năm; đoàn thanh niên cho đến phường tân tiến (1), đua tranh danh giá, chẳng cu-li thượng đẳng thời nô lệ quá ưu; miệng chưa ráo sữa đã lóc lẻm những thẻ bạc bài ngà, ức (2) chưa rời nôi mà ao ước những mề đay kim khánh.
Ôi! Thế là vinh danh hay sao? Quý hoá hay sao?
(1) đoàn thanh niên đây chỉ thế hệ trẻ, còn phường tân tiến trong xã hội Việt nam đầu thế kỷ XX là lớp người đi theo xu thế Âu hoá.
(2) ngực
Phan Bội Châu
Việt Nam quốc sử khảo, 1908
Làm ra vẻ yêu nước để mưu lợi riêng
Chứng bệnh hay giả dối là chứng bệnh chung của người nước ta mà ở trong lại có một chứng đặc biệt là chứng ái quốc giả …
Nào đám truy điệu, nào tiệc hoan nghênh, nào là kỷ niệm anh hùng, nào là sùng bái chí sĩ, chuông dồn trống giục, nam hát bắc hò, xem ở trong một đám lúc nhúc lao nhao, cũng đã có mấy phần người biết quyền nước đã mất thì tính mạng không còn, hồn nước có về thì giang sơn mới sống.
Nếu những tấm lòng ái quốc đó mà thật thà chắc chắn thì giống Tiên Rồng chẳng hạnh phúc lắm sao ?
Nhưng tội tình thay, khốn khổ thay, người ưu thời mẫn thế chẳng bao nhiêu mà người rao danh thì đầy đường đầy ngõ; giọt nước mắt khóc nước vẫn ngày đêm chan chứa mà xem cho kỹ thì rặt nước mắt gừng; tiếng chuông trống kêu hồn vẫn trong ngoài gióng giả mà nghe cho tới nơi thì rặt là chuông trò trống hội; ngoài miệng thì ái quốc mà trong bụng vẫn là kim khánh mề đay; trước mặt người thì ái quốc mà đến lúc đêm khuya thanh vắng thì tính toán những chuyện chó săn chim mồi.
Cha ôi! trời ôi! ái quốc gì? ái quốc thế ư? Đeo mặt nạ ái quốc để phỉnh chúng lừa đời, một mặt thời mua chuốc lấy tiếng chí sĩ chân nhân, một mặt thì ôm chặt lấy lốt ông tham bà đốc.
Phan Bội Châu
Cao đẳng quốc dân, 1928
Lo việc nước theo lối tự tư tự lợi
Nước mất là do rất nhiều điều tệ, tội nhiều không kể hết, nhưng trong đó có bốn cái tội lớn. Một là ngoại giao hẹp hòi; hai là nội trị hủ bại; ba là dân trí bế tắc; bốn là vua tôi trên dưới tự tư tự lợi.
Vua tôi tự tư tự lợi nên không biết có dân có nước; dân cũng tự tư tự lợi nên cũng không nghĩ gì đến nước đến vua. Ngoại giao nội trị dân trí sở dĩ đồi bại như vậy cũng là do trên dưới đều tự tư tự lợi mà ra cả. Cuối cùng nước bị mất vua bị tù, thần dân đều trở nên giống người mất nước đê tiện. Cái nọc độc tự tư tự lợi nguy hại biết là dường nào.
Phan Bội Châu
Việt Nam quốc sử khảo, 1908
Tư tưởng gia nô
Xem lịch sử nước ta từ xưa đến nay hơn ba nghìn năm, chỉ có gia nô mà không có quốc dân. Quyền vua có nặng, nặng không biết chừng nào; gia dĩ (1) quyền quan lại hứng đỡ quyền vua mà từng từng áp chế.
Từ cửu phẩm kể lên cho đến nhất phẩm, chồng càng cao, ép càng nặng, đến dân là vô phẩm, thân giá (2) lại còn gì.
Thằng này là con ngựa thằng nọ là con trâu, buộc cương vào thì cắm cổ cứ đi, gác ách vào thì cúi đầu cứ lủi.
Gặp Đinh thì làm nô với Đinh, gặp Trần thì làm nô với Trần, gặp Lê Lý thì làm nô với Lê Lý.
Phận con hầu thằng ở, được đôi miếng cơm thừa canh thải, đã lấy làm hớn hở vênh vang; tối năm (3) đứng đầu ruộng mới được bát cơm ăn, suốt đêm ngồi bên bàn khung cửi mới được tấm áo mặc, mà mở miệng ra thì “cơm vua áo chúa “; đồng điền này, sông núi nọ mồ hôi lẫn nước mắt cày cấy mở mang, nhưng mà “chân đạp đất vua”, lại giữ chặt một hoạt kê vô lý (4).
Cái tư tưởng gia nô! Cái trí thức gia nô! Bệnh gia truyền làm nô đó không biết tự bao giờ để lại, bắt ta phải gông đầu khoá miệng, xiềng tay xiềng chân, chịu gánh gia nô cho già đời mãn kiếp.
(1) thêm vào đó
(2) giá trị con người
(3) quanh năm
(4) ý nói : Tự mình làm ra mà lại bảo là do ơn người khác, thật là câu chuyện buồn cười
Phan Bội Châu
Cao đẳng quốc dân,1928
Kém óc hợp quần
Đem so sánh nước ta với các nước khác như nước Tàu nước Nhật, xưa chẳng hơn ta là mấy, mà sao nay ta kém người ta xa thế ?
Người ta mười mình chưa được một: tư tưởng, văn chương, học thuật, công nghệ, thương nghiệp… đều kém hết cả.
Thế thì tại cớ làm sao ?
Dám quả quyết rằng chỉ tại người mình ít biết kính trọng mấy chữ “ xã hội đồng bào” không coi mấy chữ đó làm quan hệ đến sự sinh tồn tiến hoá, nên trong xã hội không có tình tương thân tương ái, không có đoàn thể hợp quần.
Có xã hội mà vẫn lẻ loi, ai biết phận nấy, khôn sống mống chết.
Nguyễn Bân
Tình hữu ái quan hệ cho xã hội như thế nào? Hữu thanh, 1921
Một vài thói tục đã thành di truyền
Một là học để làm quan: Người sinh ra ở đời có học mới khôn, có khôn mới làm hết được bổn phận làm người. Làm quan chẳng qua là một việc trong sự làm người đó mà thôi. Thế mà người mình có cái tính di truyền “đi học cốt để làm quan “, cha truyền con nối, trước bày nay làm, dầu cho ngày nay phép học phép thi đổi ra cách mới, mà người đi học vẫn ôm cái hy vọng làm quan là chủ chốt.
Hai là làm quan ăn lót: Làm quan… cốt là mượn cái địa vị thế lực mà làm cái lợi riêng, thói ăn của dân cho là cái quyền lợi tự nhiên mình được hưởng, tập dữ tính thành (1) không ai cho là điều quái lạ hổ thẹn.
Ba là a dua người quyền quý: Ngu dốt mà cũng tán rằng thông minh, bạo ngược mà cũng tán rằng nhân đức…bất cứ việc gì người ra thế nào, đã là quyền quý thì cứ nhắm mắt tán dương.
Bốn là trọng xác thịt (2):Ngoài sự ăn sung mặc sướng, ở yên ra gần như không có tư tưởng gì nữa. Đối với kẻ khác cũng lấy cái mục đích đó mà xem xét. Nghĩa là không hỏi nhân cách thế nào, mà chỉ thấy ăn mặc xa hoa, lầu cao nhà lớn thì sinh lòng hâm mộ, dầu có hại nòi nát giống, mà đạt được mục đích thì cũng không từ.
Những điều như thế kể ra không xiết. Lại thêm cái văn minh xu xác (3) thế lực kim tiền, noi theo mà thối giục (4) lên nữa, thôi thì lửa nọ được dầu, sóng kia thuận gió, không những quét sạch bao nhiêu tính di truyền tốt của ông bà ngày trước, mà còn có thể cuốn cả hai mươi triệu đồng bào ta xoay vào cái rốn biển trầm luân, không sao ngóc đầu lên được.
(1) làm quen mãi rồi thành ra một thuộc tính tự nhiên
(2) tức là trọng vật chất
(3) xu xác: chưa rõ. Có lẽ là gần nghĩa với xu phụ, tức chạy theo nịnh bợ
(4) thối giục: cũng như hối thúc
Huỳnh Thúc Kháng
Tiếng dân,1929
Sợ tự do, cam chịu làm nô lệ
Đế vương xưa chỉ dạy thờ người trên và biết nghĩa vụ của mình còn quyền lợi không cần biết đến mà cũng không có nữa.
Tục ngôi thứ đã in rất sâu vào óc người dân quê, đến nỗi những tư tưởng tự do phóng khoáng từ phương Tây truyền sang, đến luỹ tre xanh là dừng lại, biến mất như một ngọn gió mát tan vào một bầu không khí nồng nực nặng nề.
Tục vị thứ hoá ra tục sùng bái nhân tước (1) một cách u ám đê hèn và thay vào óc kính thượng (2) là một óc nô lệ đáng khinh.
Tự do cá nhân và hết thảy các tự do ở bên ta và nhất là ở nơi thôn quê chỉ là một câu chuyện hoang đường.
Cũng vì thiếu tự do — nếu ta không kể sự tự do phục tùng và tự do uống rượu – nên tình cảnh dân quê về phương diện tinh thần mới có vẻ điêu linh tàn tạ. Cũng vì thiếu tự do nên người ta đối với những công cuộc cải cách mới lạ thường có cái não ngờ vực.
Sức phản động dìm dập dân quê vào nơi ngu tối, tạo thành cho họ cái tính nô lệ, cái căn tính chịu đựng trước những sự tàn ngược ức hiếp.
(1) những tước vị do con người đặt ra
(2) Kính trọng người trên
Hoàng Đạo
Bùn lầy nước đọng, 1939
Chưa trưởng thành trên phương diện công dân
Nước ta theo đạo thánh hiền, dân khai hoá cũng đã lâu nhưng ví với các nước văn minh thì trí khôn còn thiếu, tư cách chưa toàn, chưa hiểu nghĩa vụ riêng là thế nào, chưa biết trách nhiệm chung ra sao. Nộp thuế là của tiêu chung mà còn có người dân ẩn lậu; đi lính là giữ cho mình mà còn có người trốn tránh; đê điều cấm phòng thân lừa ưa nặng không đánh không đi; lại có những kẻ nay trộm mai cướp không để cho dân yên nghiệp.
Phạm Quang Sán
Nước ta đã dùng được phép luật văn minh chưa? Đông dương tạp chí,1914
Các hội nghề nghiệp yếu ớt ọp ẹp
Tục ta nghề nào lập hội ấy, một là để giữ gìn công việc cho nhau, hai là để liên lạc tình nghĩa với nhau, ba là để binh vực nhau cứu giúp nhau, vậy là cái chủ ý cũng hay, mà lại có thể sinh lợi để làm được sự công ích nữa.
Tiếc thay dân trí ta hẹp hòi, chỉ biết có tiền thì lo ngay đến một mảnh danh giá cúng về dân, để lấy cái tên ghi ở trong các đồ sự thần, cho ai nấy trông thấy đồ thờ thì lại nhớ đến tên mình, thế cho là vinh hạnh rồi. Giả sử hội nào cũng gây lấy một cái vốn to rồi cùng nhau mà mở một nghề buôn bán hoặc công xưởng gì cho có ích lợi thì chẳng hay lắm ru ?
Phan Kế Bính
Việt Nam phong tục,1915
Sinh hoạt hội đoàn dễ bị làm hỏng
Toàn cả nhân dân trong nước thiếu hẳn cái công đức (1)… Chỉ biết tư đức (2) mà không biết công đức, nên trừ một số ít người tốt có công tâm, phần đông toàn vì tư tình mưu tư lợi, thích tư đấu, cứu tư hiềm (3), từ làng đến nước đâu đâu cũng biểu hiện lối ganh tham ghét chạ gây ra giành xé chia rẽ như hương thôn kiện tụng, quan trường khuynh loát nhau… mà thiếu hẳn về đoàn thể sinh hoạt công cộng.
Từ Âu hoá truyền sang, thấy xứ văn minh có những đoàn thể lập hội, công tác thành hiệu (4) rõ ràng, cũng cố bắt chước theo lập hội này hội khác. Song cái bản ngã đã thiếu môn học công dân, nên bất kỳ hội gì, chương trình quy tắc lúc lập định ra không nghĩ đến sự thực hành, thường xảy ra những chuyện do điều nhỏ và ý riêng mà làm hư cả đoàn thể.
(1) công đức đây không phải công ơn đối với xã hội, mà là đạo đức một công dân trong quan hệ với cả xã hội
(2) đạo đức trong quan hệ cá nhân (ngược với công đức)
(3) thích tư đấu: dò xét những chuyện ganh ghét riêng tư; cứu tư hiềm: nghiền ngẫm tính toán quanh những mối hiềm khích giữa người nọ người kia
(4) thành tựu, hiệu quả.
Huỳnh Thúc Kháng
Tiếng dân,1940
Theo sự chi phối của quan niệm hư vô
Có chí mà không làm nổi, đó là vì tài lực không đủ thật không đáng trách. Nhưng trong chúng ta, đáng trách là hạng người sau: Sống ở đời, không có mục đích gì cao hết.
Họ không có một cuộc đời lý tưởng. Họ không coi một thứ gì là đáng ham chuộng, ngoài sự làm tôi đồng tiền mặc dầu phải quăng bỏ liêm sỉ bán rẻ nhân cách.
Ngoài ra lại còn một hạng cho ai cũng là người vô vị, việc gì cũng là việc không đáng làm, ngất ngưởng qua ngày, hững hờ đoạn tháng, để đồng tiền huyết hãn (1) của cha mẹ vợ con vào vòng trời hoa đất rượu, phung phí tuổi giàu sức khoẻ vào những cuộc đỏ đen suốt sáng, mây khói thâu canh. Họ cốt sống để tìm những thoả mãn về vật dục …
(1) huyết: máu, hãn: mồ hôi; ngày nay hay nói: mồ hôi nước mắt
Hoa Bằng
Hư sinh,Tri tân, 1943
Nguồn — vương-trí-đăng @ 11:41 - 05/09/2012
Trích từ chuyên mục
Người xưa cảnh tỉnh
đã in trên Thể thao và văn hóa 2005-2007
Các đầu đề nhỏ và chú thích là của người biên soạn
Trong khoảng vài mươi năm nay, các bậc đại thần ăn dầm nằm dìa ở chốn triều đình, chỉ biết chiếu lệ cho xong việc; quan lại ở các tỉnh thì chỉ lo cho vững thần thế mà hà hiếp bóp nặn ở chốn hương thôn; đám sĩ phu thì ganh nhau vào con đường luồn cúi hót nịnh, không biết liêm sỉ là gì; bọn cùng dân bị nặn bóp mãi mà máu mủ ngày một khô, không còn đường sinh kế nữa.
Đến bây giờ thì thế sự hư hỏng, nhân dân lìa tan, phong tục suy đồi, lễ nghĩa bại hoại, một khu đất bốn mươi vạn dặm vuông, một dân tộc hơn hai mươi triệu người lại sắp ở vào cái địa vị bán khai mà quay về cái địa vị dã man.
Nước Nam đã lâu nay học thuyết sai lầm, phong tục hư hỏng, không có liêm sỉ, không có kiến thức. Trong một làng một ấp cũng cấu xé lẫn nhau, cùng nòi cùng giống vẫn coi nhau như thù hằn; có dẫu ai muốn lo toan việc lớn, chưa kể rằng không có chỗ mà nương thân, không có khí giới mà dùng, không có tiền của mà tiêu, giá phỏng Chính phủ (1) cho mượn dăm nghìn khẩu súng, cấp đất vài tỉnh cho ở, không thèm hỏi đến, tha hồ muốn làm gì thì làm, chẳng qua vài năm nếu không báo thù lẫn nhau thì cũng tranh giành địa vị với nhau, nếu không cướp đoạt tiền tài thì cũng giành giật tước vị, tự chém giết nhau đến chết hết mới thôi, quyết không thể sống nổi trong thế giới này, lại còn chống cự ai được nữa.
(1) đây là chính quyền thực dân Pháp
Phan Châu Trinh
Thư gửi chính phủ Pháp,1906
Dân trí có công với dân quyền lớn vậy thay! (…) Vì vậy, giờ đây tôi xin kể những điều tai nghe mắt thấy để quốc dân cùng biết:
Hay nghi kỵ lẫn nhau, không làm nên việc gì cả, đó là điều rất ngu thứ nhất.
Tôn sùng những điều xa hoa vô ích, bỏ bễ những sự nghiệp đáng làm, đó là điều rất ngu thứ hai.
Chỉ biết lợi mình mà không biết hợp quần, đó là điều rất ngu thứ ba.
Thương tiếc của riêng, không tưởng đến việc ích chung, đó là điều rất ngu thứ tư.
Biết có thân mình nhà mình mà không biết có nước, đó là điều rất ngu thứ năm.
Dân được cường thịnh là nhờ có sự nghiệp công ích. Nay những việc đó, người nước ta đều không thể làm được. Hỏi vì sao không làm được, thì nói là vì không có tiền của. Sở dĩ không có tiền của là vì đã tiêu phí vào những việc vô ích xa hoa rồi.
Phan Bội Châu
Việt Nam quốc sử khảo,1908
Tục ngữ có câu rằng Tháp đổ đã có Ngô xây – Việc gì vợ goá lo ngày lo đêm. Tháp đó là tháp của ta, ta không xây được hay sao?
Nghểnh đầu nghểnh cổ trông ngóng, nếu Ngô (1) không sang thì vạn tuế thiên thu chắc không bao giờ có tháp.
Tháp đổ mặc tháp, khoanh tay đứng dòm, nghiễm nhiên một đống bồ nhìn rồi hẳn. Hỏi vì cơn cớ làm sao?
Thì chỉ vì ỷ lại.
Câu tục ngữ ấy thật vẽ đúng tâm tình người nước ta. Nếu ai cũng lo gánh vác một phần trách nhiệm của mình thì có gánh gì không cất nổi.
Nhưng tội tình thay, anh nào chị nào trong óc cũng chất đầy một khối ỷ lại. Anh Cột trong mong vào chú Kèo, cô Hường trông mong vào thím Lục, mà chú Kèo thím Lục lại ỷ có anh Cột cô Hường rồi. Rày lần mai lữa, kết cục không một người làm mà cũng không một người phụ trách nhiệm.
(1) Ngô đây chỉ người Tầu. Tục ngữ có câu Có mặt chú khách vắng mặt thằng Ngô
Phan Bội Châu
Cao đẳng quốc dân,1928
Sĩ phong (1) nước ta, suy đồi đi là tự đời Lê trung hưng về sau.
Lúc bấy giờ các vua nhà Lê vẫn cầm quyền mà họ Trịnh dám dấy lên cướp quyền, quan lại và sĩ dân trong nước đều theo họ Trịnh. Hoá nên cái tâm lý sĩ phu thời ấy có hai đàng: thờ vua Lê để tránh tiếng phản quân; thờ họ Trịnh để kiếm đường thực lợi.
Ban đầu chắc cũng có người áy náy trong lòng, về sau tập thành quen, không còn biết thế nào là sỉ nhục.
Một người như thế trăm nghìn người hùa theo, người trên như thế người dưới bắt chước theo, thành ra cả một nước đều bỏ mất đại nghĩa, quên mất liêm sỉ, mà đổ xô nhau vào vòng danh lợi.
Từ đó về sau, người mình trở nên mềm như con bún, không biết vua là gì, không biết nước là gì, hễ ai mạnh thì theo. Lòng tự trọng của người mình như ngọn lửa đã tắt, không còn bừng lên, như hột giống bị ẩm, không còn nứt lên được.
Lại thêm cái kiểu chuyên chế từ xưa đến nay, cứ ở trên đè xuống ở dưới đợ lên(2), làm cho nhân dân ngày một đê hèn ngày một yếu ớt. Lòng tham lợi mạnh hơn lòng tư kỷ (3) thì luồn cúi lạy lục mấy cũng chẳng từ; ưa cái sống đục hơn cái thác trong, thì mặt dạn mày dày đâu có quản.
(1) khí thế, tinh thần
(2) Theo Tự vị An nam La tinh (1772-1773) đợ có một nghĩa cổ “trao của tin cho ai “, ở đây tạm hiểu là nhẫn nhục chấp nhận
(3) tự ý thức về cá nhân mình
Phan Khôi
Luận về khí tiết, Hữu Thanh, 1923
Những kẻ chơi bời lười biếng, vô công rồi nghề, dựa vào người khác mà sống, hưởng lợi mà không sinh lợi, thật chẳng khác gì giống ký sinh trùng trong loài động vật. Đó là những con mọt nước …
Quen thói ỷ lại vào người thì dù có tâm có lực cũng không dùng được mà dùng cũng chẳng được lâu, tâm tư tài lực ắt sẽ nhụt dần. Hơi khó khăn gian khổ là rên rỉ, than vãn, uất ức bó tay chịu chết.
Hỏi vì sao không cải lương nói lệnh trên chưa thay đổi.
Hỏi vì sao không học tập, nói không có tài năng.
Như thế thì xã hội ngày một suy, nước làm sao mạnh được ?
Quốc dân độc bản, 1907
Ái quần (1) bắt đầu tất phải yêu gia đình làng xóm trước. Nhưng ở đời, những người lưu luyến gia đình làng xóm, bụng họ không nghĩ gì ngoài bát gạo hạt muối, chân không hề bước đi đâu một bước. Xa gia đình làng xóm trăm dặm là nước mắt đã ướt áo, ra khỏi ngõ mười ngày là sốt ruột muốn về.
Chí thú (2) của họ tất nhiên thấp hèn, kiến văn (3) của họ tất nhiên thô lậu, xã hội trông mong gì ở họ được nữa.
… Khi châu Mỹ chưa ai biết, người châu Âu cứ sang khai phá, xây nhà dựng cửa cho con cháu. Còn dân ta thì cho rằng “xảy nhà ra thất nghiệp” nên không có chí viễn du. Không lấy làm lạ trí thức không mở mang, đời sống không đầy đủ, Tổ quốc lâm vào cảnh nguy vong mà không hay biết.
(1) yêu đồng bào đồng loại
(2) ý chí và lạc thú ( niềm vui)
(3) Kinh nghiệm và học thức
Quốc dân độc bản 1907
Người Âu trọng du lịch, xem thường hiểm trở gian nan, đi thám hiểm Băng Dương, đi vòng quanh địa cầu, đều là những việc thường thấy.
Nước ta có thế không?
Lìa nhà mươi dặm đã bùi ngùi những mưa gió hoa vàng!
Ở lữ thứ (1) vài năm đã than thở quan hà đầu bạc(2)!
Nói gì đến Xiêm La, Miến Điện, Nam Chưởng, Cao Miên không ai chịu đặt chân tới; nhưng ngay đến Trung Hoa đối với ta vẫn là chỗ cùng tộc loại, cùng đạo giáo, cùng lễ giáo văn học, cho đến phương tiện giao tế, cái gì cũng giống nhau, thế mà người Tàu thì ở nhan nhản khắp nơi kinh kỳ đô hội bên ta, còn người nước ta thì chưa một ai đến thành Ngũ Dương (3) cả.
(1) nhà trọ, chỗ xa lạ
(2)quan hà: cửa ải và sông; quan hà đầu bạc chỉ vất vả mà người đi xa phải chịu khiến người ta già đi
(3) thành Ngũ Dương đây chỉ Quảng Châu, thủ phủ Quảng Đông, chứ không phải tỉnh Quảng Đông nói chung như Đặng Thai Mai đãchú
Văn minh tân học sách, 1908
Kìa những kẻ ham mê đàn sáo, đầu hồ (1), bài lá, cờ tướng, đố thơ, đánh chữ, số tướng, địa lý, phù thuỷ ngày ngày dốc cả trí khôn vào những thứ vô dụng, sống say chết mộng, chả kể làm gì.
Những hạng cao hơn, đỗ đạt lên một tí được cái tiếng quèn đã vội khủng khỉnh ta đây kẻ cả, tự xưng là bậc giữ gìn thế đạo (2), ngày ngày khoe câu văn hay, khư khư ngồi giữ những thuyết hủ lậu, khinh bỉ hết thảy học mới văn minh.
Hạng kém hơn nữa thì chỉ nghe có vấn đề thăng quan lên mấy bực cất nhắc mấy người, chứ không hề biết đến vấn đề nào khác.
Có một ông nào đã nói với các bạn hậu tiến (3): “Các thày muốn ra làm quan, thì phải cẩn thận, đừng đọc sách mới, xem báo mới”.
Ôi, nếu không biết đến sách báo mới thì thôi, chớ đã biết đến mà lại bưng bít che lấp đi khiến cho không nghe không thấy chuyện gì, để tự mình lại củng cố một căn tính nô lệ, nhân cách như thế thiệt nên lấy làm đau đớn!
(1) một loại trò chơi của người xưa, ném một cái thẻ xuống một miệng trống rồi tính điểm, được Đại Nam quốc âm tự vị miêu tả là “một cuộc chơi lịch sự “
(2) đạo lý ở đời
(3) hâụ tiến đây chỉ có nghĩa lớp người thuộc thế hệ sau, chứ không phải người kém cỏi.
Văn minh tân học sách,1908
Trong dân gian, phần nhiều hễ có công sai đến thúc giục thuế khoá thì cả hương hào lý dịch cũng lánh mặt. Thế mà ngày cúng thần thì không thiếu mặt nào cả.
Có những gia đình không được khá giả, qua một kỳ cúng thần mang nợ suốt đời.
Có người còn phải bỏ xứ đi phiêu tán.
Thế mà họ không hề oán trách chuyện thần thánh phiền phức, lại đi oán trách sưu cao thuế nặng.
Nguyễn Trường Tộ
Tám việc cần làm gấp,1867
Dân ta xưa nay chỉ quen sống “sau lũy tre xanh ‘, không thạo cách hội họp vả lại về tinh thần lại hay có tính cẩu thả. Sống được là may, học hành mà làm gì … đó là những câu họ thường trả lời cho ta khi ta khuyên họ nên học cho biết.
Ngô Tất Tố
Thời vụ, 1938
Nước ta là một nước canh nông, đối với công nghệ không những không khuyến khích mà lại còn áp chế. Theo sách Lịch triều hiến chương, đời Lê Dụ Tôn đặt lệ trưng thu hoành lạm (1) khiến nhiều nhà nghề không kham nổi mà đành bỏ nghiệp. “Như nhà nước đòi sơn thì dân chặt cây đi, nhà nước đòi vải lụa thì dân phá khung dệt, đòi gỗ thì dân quăng búa rìu, đòi tôm cá thì dân xé lưới “.
(1) thu mua quá mức
Đào Duy Anh
Việt nam văn hoá sử cương,1938
Dân trí hẹp hòi, ở ta nhiều người học hành chẳng qua mong lấy thi đỗ làm quan cho làng cho họ được nhờ.
Công nghệ buôn bán thường đợi khách đến tận làng mà mua những đồ chế hoá (1). Người bất đắc dĩ phải đi xa cầu thực (2), hồ (3) kiếm được đồng tiền dư, trước hết phải lo nghĩ tới việc dựng cái nhà thờ, tậu vài ba mẫu ruộng ở quê quán mình.
Nói việc nhỏ nhặt như người đi làm công làm việc, nhiều kẻ vì nghĩa làng nước mà quên đến cả nghĩa doanh sinh (4), chỗ cao lương bổng không cầu, mà cầu lấy nơi ít tiền nhưng được tư án quán, tức có tên về làng về nước; kẻ bán buôn nơi thành thị hoặc kẻ có tài chế hoá ra được thứ hàng gì khéo, vị yêu nghệ (5) mà chuyên nghệ thì ít, song vị muốn tăng công để lấy chút danh mệnh để đem mặt về ngẩng nơi đình đám thì nhiều, cho nên lòng ao ước nhỏ nhen được thoả là không lo gì đến nghệ nữa.
(1) làm ra
(2) kiếm ăn
(3) những mong, may ra
(4) tìm cách sinh nhai
(5) vị nay đọc là vì, vị yêu nghệ thì ngày nay nói vì yêu nghề
Nguyễn Văn Vĩnh
Chỉnh đốn lại cách cai trị dân xã, Đông dương tạp chí,1914
Tục nước mình thường hay thiên trọng ở chốn hương thôn, quanh năm suốt tháng lẩn quẩn ở trong làng, chiếm được một chỗ ngồi nơi hương đảng (1) đã lấy làm vinh dự, tranh nhau làm ông phó, tranh nhau làm ông xã, tranh nhau ăn trên, tranh nhau ngồi cao, chửi mắng nhau, đánh đập nhau, kiện tụng nhau.
Cái câu “Hương đảng tiểu triều đình” cùng “Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp” luôn luôn ở cửa miệng.
Có nhiều người hết cơ hết nghiệp vì một việc tức khí nơi hương thôn.
Có nhiều người khánh kiệt gia tài vì một bữa hương ẩm (2).
Ngoài cái làng ra không còn biết đến nước nhà là gì, thế giới là gì.
Vì vậy mà tư tưởng cục cằn, kiến văn chật hẹp. Mấy dãy tre nơi đầu làng đã là cái khám nhốt người ta rồi. Không những không có người nào ra ngoại quốc học tập làm ăn, mà ngay đến trong nước, mỗi tỉnh mỗi xứ cũng coi như một thế giới riêng.
(1) làng xóm
(2) cuộc ăn uống mời gần như cả làng
Trần Huy Liệu
Một bầu tâm sự, 1927
Cái xã hội nhỏ ấy có thể là một sự trở ngại lớn cho tiến bộ.
Vì làng An Nam xưa là một xã hội thống nhất về chính trị cũng như về tôn giáo nên một số đông dân làng chỉ có cái quan niệm với làng mà thôi. Họ chỉ biết có luỹ tre xanh có đình làng của họ, ngoài ra đều là người dưng nước lã cả, không có gì liên lạc với họ hết.
Những chuyện tranh nhau đánh nhau giữa hai làng An Nam xưa thường có xảy ra. Tình yêu người đồng bào bị cái tình yêu người cùng làng làm phai lạt, đó là cái hại lớn.
Sự liên lạc quá mật thiết giữa làng và dân làng còn là sự trở ngại cho công cuộc di dân, cho sự thông thương, cho sự tiến bộ.
Đi xa tức là bỏ làng, và bỏ làng đối với người xưa là một điều xấu, một sự cực nhục !
Làng xã, báo Ngày Nay, 1940
Trước hết nông dân ta ngày nay (bài này viết tháng hai 1945 — VTN chú ) đều còn dốt nát.
Bởi dốt nên thủ cựu mà thủ cựu một cách bướng bỉnh. Bao nhiêu điều gì mới lạ khác với thói thường, với sự quen dùng, họ đều coi như không tốt và không bao giờ có ý tò mò muốn dùng.
Đại đa số chỉ sống lần hồi từng ngày, nên họ không hề có những sự trông xa, hoặc lâu dài và phiền phức rắc rối.
Họ cần những hoa lợi mau chóng chắc chắn và dễ dàng, dẫu rằng ít ỏi.
Họ nhận thấy ruộng thiếu phân bón nhưng họ chẳng biết làm thế nào cho có nhiều phân. Vì hình như họ cho sự thiếu thốn ấy là dĩ nhiên.
Họ nghiệm thấy những giống thóc họ thường cấy là không cứng cây, không chịu được nước ngập, v.v.. nhưng họ chẳng muốn tìm các giống tốt hơn và giá thử có tìm thấy họ cũng không dám cấy thí nghiệm.
Họ cũng từng biết nghĩ rằng nếu rất nhiều người họp lại chung công của để đắp một khúc đê, xây vài va cửa cống thì có lẽ giữ được nước mưa để cả một cánh đồng khô khan trở nên chan hoà nước và cây cối tươi tốt.
Nhưng họ cũng lại tin rằng đó là một sự chẳng bao giờ nên dám làm, vì chắc đâu đã được lợi. Vả lại công việc khó khăn và lâu dài lắm. Thà rằng chẳng nghĩ đến làm còn hơn (!)
Dốt nát, thủ cựu, nghèo, ưa thực tế, hay ngờ vực nhút nhát, mọi nhẽ ấy đã tạo thành những người nông dân khó hiểu, khó dìu dắt và khiến cho người nào nông nổi ương tính phải bực mình, có khi đến phải cáu phải ghét.
Thảo Am tức Nghiêm Xuân Yêm
Nông dân mới trong nghề nông xứ ta Thanh Nghị, 1945
Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn thắng thắn chỉ ra nguyên nhân vì sao những tật xấu của người Việt không thay đổi mà càng có biểu hiện nặng hơn
Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn
Nghe điện thoại trong rạp chiếu phim, nói to trong thư viện, bữa bãi và yếu kém trong ý thức tham gia giao thông..., đó là biểu hiện của tật xấu "thiếu tôn trọng người khác nơi công cộng" của người Việt chúng ta. Điều này đã được các trí thức lớn của dân tộc đầu thế kỷ XX như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Phạm Quỳnh... chỉ ra. Nhưng tại sao sau hơn một thế kỷ, những tật xấu này không thay đổi mà càng có biểu hiện nặng hơn. Nhà nghiên cứu văn hoá Vương Trí Nhàn giải thích trên góc độ khoa học xã hội.
Thưa ông, người Việt thì hình như không có thói quen tôn trọng sự riêng tư của người khác ở nơi công cộng. Điều này phải chăng do tư duy nông nghiệp của ta từ ngày xưa?
Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn: Tôi thấy phải nhìn vấn đề này rộng hơn, tức là mối quan hệ giữa người với người ở xã hội ta rất đơn giản, nếu không muốn nói rõ hơn là từng cá nhân không cần biết đến ai cả. Người Việt Nam có hai đặc biệt: một là luôn sống theo đám đông và trong đám đông, thứ hai là trong đám đông đó, mỗi người lại không để ý đến người khác.
Trong xã hội phương Tây, nghĩa là xã hội xuất phát từ nền sản xuất công nghiệp ví dụ như Hi Lạp hay La Mã cổ, người ta đi lên từ nền sản xuất dây chuyền, tôi có cảm giác, người ta có ý thức tôn trọng tập thể hơn. Trong khi đó xã hội Việt Nam thì hình như không có điều đó, phải không thưa ông?
Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn: Điều đó là không đúng, xã hội nào cũng trải qua nền sản xuất nông nghiệp trước khi chuyển sang công nghiệp. Và một xã hội nông nghiệp như xã hội Trung Quốc thì người ta rất có kỉ cương, nên xã hội đó trưởng thành, giúp cho người ta có thể cộng tác với nhau để cùng nhau làm việc, phối hợp với nhau trong hành động. Cái đó là quan niệm, đời sống tinh thần của người Trung Quốc. Qua thời gian chúng ta phải tìm hiểu lịch sử tinh thần của chúng ta là như thế nào. Nói theo khái niệm của xã hội học và tâm lí học là, cái tự nhận thức của người Việt còn hạn chế. Ai lại vứt rác bừa bãi xung quanh mình rồi bạ đâu làm đấy, chửi nhau, đánh nhau, chen lấn xô đẩy…
Từ đầu thế kỉ trước những tri thức lỗi lạc của dân tộc như cụ Nguyễn Văn Vĩnh, cụ Phạm Quỳnh, cụ Phan Bội Châu hay cụ Phan Châu Trinh cũng đã chỉ ra thói hư tật xấu của người Việt, thế nhưng mà vì sao trong suốt hơn 1 thế kỉ qua những thói hư tật xấu đó không có chiều hướng thay đổi, thưa ông?
Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn: Người Việt Nam rất ghét đạo Khổng, nhất là quan niệm của đạo Khổng về tiểu nhân và quân tử. Nhưng tôi đọc kỹ thì không phải như thế. Theo quan điểm của đạo Khổng, tiểu nhân là những kẻ sống theo bản năng của mình. Người Việt Nam tôi thấy, họ cũng như vậy, chỉ thích sống theo bản năng, chả muốn thay đổi gì cả. Tôi gọi như vậy là thứ tự do hoang dại, thứ tự do vô tổ chức, vô kỉ luật. Có những người như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh vốn xuất phát là những người yêu nước, vì cứu nước nên họ phải tổ chức lại nhân dân và thấy rằng dân tộc ta rất nhiều nhược điểm. Còn tại sao mà đến tận bây giờ những bài học này lại không được phát triển.
Theo tôi, vì chủ trương giáo dục của chúng ta sau năm 1945 là chỉ nói về dân tộc với những điều tốt đẹp, không nên nói về những điều xấu. Cho nên, bao nhiêu điều mà những bậc trí thức ngày trước đã viết về dân tộc mình thì không bao giờ được đưa vào sách giáo khoa. Tức là quá trình tu thân, tu dưỡng bản thân của người Việt không được xã hội khuyến khích, mà chỉ khuyến khích phần bản năng, mà những cái xấu của mình không kìm hãm nó thì nó sẽ ngày càng phát triển thôi.
Hiện nay, truyền thông lại đang nói quá nhiều về cái xấu, cái tiêu cực trong xã hội. Theo ông thì khi chúng ta nói quá nhiều về cái xấu thì có phải là biện pháp thay đổi không hay đó chỉ là một góc nhìn tiêu cực?
Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn: Tôi cho rằng, trước đây, chúng ta nói nhiều về cái tốt cũng chưa đúng mà hôm nay chúng ta nói nhiều về cái xấu cũng không đúng. Bởi vì cái tốt và cái xấu bao giờ cũng dựa lưng vào nhau. Nếu cái tốt không bền vững, không chắc chắn thì nó sẽ biến thành cái xấu. Chúng ta còn quá nhiều việc phải làm. Một trong những cách nói về thói hư tật xấu là xem xem người nước ngoài nói về chúng ta như thế nào.
Việc thứ hai là trong nghiên cứu thói hư tật xấu thì chúng ta phải nghiên cứu về lịch sử của dân tộc khác. Dân tộc ta rất kém trong việc tiếp nhận dân tộc khác. Chúng ta ít hiểu họ, chúng ta ít hiểu người Lào, ít hiểu về người Campuchia, càng ít hiểu về người Thái, người Miến Điện. Sở dĩ lịch sử của người ta phát triển vì bao giờ người ta cũng có người nghiên cứu về nước ngoài. Nếu chúng ta không hiểu biết về nước ngoài thì cũng không bao giờ chúng ta hiểu biết về mình.
Người Việt chen lấn để vào công viên nước
Ngày nay chúng ta đang sống trong một xã hội phát triển về phương tiện truyền thông thì theo ông, thời điểm này người Việt bắt đầu thay đổi, liệu có thay đổi được không?
Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn: Tôi thấy truyền thông hơi ảo tưởng về mình, truyền thông phải dựa vào khoa học xã hội. Nếu khoa học xã hội cứ như hiện nay thì không bao giờ truyền thông phát triển được. Ai cũng nói phải phát triển văn hóa nhưng thế nào là văn hóa, văn hóa có đóng góp gì cho việc giúp con người ứng xử văn hóa?
Chúng ta chưa làm được điều đó. Đây là lỗi của các nhà khoa học xã hội, lỗi của các nhà nghiên cứu về dân tộc học, về lịch sử, lỗi của giáo dục. Những người làm truyền thông, tôi mong các bạn bớt tìm con đường dễ đi mà hãy tìm những con đường khó. Khi thấy ai viết rồi thì đừng viết lại nữa, phải tìm được những vấn đề khó hơn, cũng nói về thói hư tật xấu nhưng nói một cách thuyết phục hơn, có tác dụng hơn.
Xin cảm ơn ông./.
Theo Vov
Tôi là một trong những người Việt xấu xí, do hoàn cảnh đưa đẩy nên cũng đi một số nước châu Âu, châu Á… Tựu trung theo tôi những tật xấu của người Việt đó là:
1- Hay ồn ào nơi công cộng, chưa có ý thức tôn trọng người khác. Gặp nhau trên xe buýt, trên tàu, nhà ga… thường nói oang oang coi như không có ai. Vào quán nhậu thì "một, hai, ba… dô!…". Vui đấy nhưng ảnh hưởng người khác. "Sáng tạo" đổi "bô" xe máy, đổi còi xe để tiếng nổ quái dị hơn. Hay làm ầm ĩ nơi cầu thang, nói chuyện tiếng to như cãi vã, nên mặt và cổ nổi đầy gân guốc…
2- Không có phong thái lịch sự khi giao tiếp, điệu bộ cử chỉ "quê mùa". Khi nói chuyện thường không nhìn thẳng nên có cảm giác như muốn che giấu điều gì đó. Khi bắt tay quan trên hoặc người quan trọng thì cúi lưng rồi làm động tác "lật đật" (dân Nhật hoặc dân Thái thì lại khác).
Chưa được mời đã sỗ sàng ngồi chễm chệ nên thường ngồi sai vị trí theo ý muốn của gia chủ. Khi ngồi còn co chân lên ghế. Hay cười thì tốt nhưng nhiều khi cười rất vô duyên. Đa số không biết nện gót giầy, mặt ngẩng cao, sải bước dài. Tay lại hay vẩy tứ tung nên trông rất lận đận, ngay cả các người mẫu.
3- Không kiềm chế tốt nên hơi cãi vã là có thể dẫn đến đánh nhau, có khi còn rút cả dao ra đâm chém nhau trong khi vấn đề chẳng có gì nghiêm trọng.
Đặc biệt người Việt hay sĩ diện hão (nhà chẳng có gì, thậm chí không có bộ bàn ghế, cốc chén ra hồn để tiếp khách, nhưng lại dốc hết tiền mua xe máy đẹp, điện thoại đẹp để khoe mẽ).
Ngay ở một số thành phố lớn, nhiều người phương tiện sinh hoạt lạc hậu nhưng ra ngoài lại rất "oách". Điệu bộ cử chỉ lời nói, hành động mâu thuẫn với hình thức.
4- Lúng túng, không tự nhiên trong ứng xử, nhất là các tình huống bất ngờ (khác với sự chuẩn bị). Rất ít người có tài hùng biện mà đa số phải giở giấy viết sẵn ra đọc, ngay cả đọc cũng vấp váp liên tục.
5- Bừa bãi, bạ đâu vứt đó mà ít tuân thủ nguyên tắc, quy định của cộng đồng. Như ăn chuối, ăn kẹo, kem, kẹo cao su… tiện tay vứt xuống đường. Tham gia giao thông thì mạnh ai nấy chạy, coi mặt đường như của riêng mình. Khi không có cảnh sát, sẵn sàng bất chấp. Sai thì cố cãi bằng được, không được thì xin xỏ, không xin xỏ được thì giở trò đút lót…
6- Hay cậy thế nhờ vả họ hàng là quan chức, "thấy kẻ sang bắt quàng làm họ". Sẵn sàng đút lót để đạt mục đích, không chú tâm rèn luyện chuyên môn mà tìm mọi cách chạy vòng vo mang tính khôn lỏi. Sẵn sàng chà đạp lên người khác để đạt mục đích nên rất nhiều quan có chức to nhưng bất tài.
Cả xã hội lao vào con đường chạy chọt: Chạy vào trường điểm, thuê thi hộ, chạy vào cơ quan Nhà nước nhiều lộc, chạy quyền chạy chức, chạy dự án, chạy quy hoạch… Người Việt rất khéo trong việc đút lót nên thường đã "đút" là "thành công".
7- Hay nói nước đôi lập lờ nên nhiều khi không biết đâu mà lần. Có nhiều người trong phòng nhưng hai người thì thầm nhỏ to, mắt liếc ngang liếc dọc như đang nói xấu ai đó. Đi đường hay rẽ ngang mặc dù đang thực hiện một việc khác, tệ "buôn dưa lê"cũng từ thói quen này mà ra. Khi nhìn cái gì lạ thường không biết kiểm soát hành động như để mồm há hốc, mắt thô lố…
8- Ưa nịnh, khi bị phê bình hoặc tố cáo thường tấn công lại chính người đã tố cáo phê bình mình mà ít khi tự xem sai lầm ở chỗ nào. Hay tìm cách đổ lỗi, đùn đẩy trách nhiệm… Nhiều nhà văn chẳng có tác phẩm nào gây sự chú ý của độc giả mà chỉ suốt ngày mượn mặt báo để khích bác nhau, lại còn chơi chữ nữa chứ!
9- Thụ động, sức sáng tạo kém khi ra bên ngoài do bị giáo dục một chiều, quen vâng lời. Phải mất một thời gian dài mới hòa nhập được. Có người hồi bé do hồn nhiên trong sáng nên làm thơ hay tuyệt, sau này trưởng thành không biết có phải vì được giáo dục nhiều "tính" quá nên nay viết dở.
10- Thích đủ thứ nhưng không muốn phải mất tiền (cũng do nghèo nên hèn?). Đi nhà hát, xem ca múa nhạc kịch… là để các nghệ sỹ có điều kiện sống và phát triển nghề phục vụ lại công chúng thì đa số thích xem ti vi (miễn phí) ở nhà.
Phần mềm máy tính thì chỉ săn Free, Crack hoặc cùng lắm là "tải về bản dùng thử". Con cái các quan giàu có là thế cũng cố cướp lấy tiêu chuẩn ưu tiên dành cho người nghèo, người giỏi. Ngay cả cựu Bộ trưởng đi học cũng muốn được Free (miễn phí).
Lang thang trong thế giới mạng mênh mông tôi chợt gặp những dòng tâm sự của một người Nhật sau chuyến du lịch đến Việt Nam. Anh chàng có tên Shimata này chỉ kể về những “chuyện thường ngày ở huyện” của Việt Nam nhưng nó rất…hấp dẫn. Có lẽ cần phải đưa câu chuyện của anh vào giáo trình ngành du lịch và cẩm nang du lịch dành cho người nước ngoài đến Việt Nam. Mời các bạn thưởng thức.(Nguyễn Quốc Vương)
Cái gì? Bình thường tôi vào đọc blog của anh có bao giờ thấy chủ đề “Việt Nam” đâu? Lấy đâu ra người quan tâm nào? Đúng thế! Trên Blog của tôi chưa hề xuất hiện “Việt Nam”. Cả chữ “V” trong từ “Việt Nam” cũng không có nốt. “Anh đã đến Việt Nam lần nào chưa?”, nếu có ai hỏi thế thì câu trả lời là có, 10 năm trước tôi có đến thành phố Hồ Chí Minh một lần duy nhất. Tuy nhiên, trong tôi nói tới Việt Nam thì đấy là quốc gia xấu xa tồi tệ nhất (最低最悪の国) và nỗi bất mãn trong tôi sẽ tăng lên tới mức 150%. Trong lòng tôi nghĩ mình sẽ không bao giờ đến đó lần thứ hai, thật là một nước tồi tệ số 1.
Tôi ghét Việt Nam.
Mà nói đúng ra thì tôi ghét người Việt Nam hơn là ghét Việt Nam. Tôi căm ghét thứ văn hóa “móc được cái gì thì móc” của người Việt.Tôi càng căm ghét thứ người Việt Nam làm những điều như thế.Tôi không muốn nhìn mặt người Việt Nam và sẽ không đến Việt Nam đến lần thứ hai. Trái tim tôi đã quyết định như thế.Thời còn ba lô trên vai lấy điểm khởi đầu là Bangkok tôi đã đi tới nhiều nước châu Á xung quanh như Malaysia, Singapore, Laos, Myanma, Campodia… nhưng chưa lần nào nghĩ mình muốn đi tới Việt Nam.
Tiếp xúc với người Việt Nam thì cũng chỉ có hai lần. Khi có người cần tư vấn về du lịch Việt Nam, tôi cũng thường nói toàn những điều tiêu cực như “thôi bỏ đi!” hay đưa ra lời chú ý đầy căm hận “hãy cẩn thận với người Việt Nam”.
Tôi tảng lờ trước câu chuyện của ai đó khi họ nói “Việt Nam tuyệt vời lắm”. Hoặc là chỉ hờ hững đáp “ừ ừ, tốt nhỉ!”. Từ thời điểm tôi đi du lịch Việt Nam đến giờ đã 10 năm. Tôi đã duy trì mãi hành động “không thèm mua” đồ Việt Nam vì thế khi mua Maruboro ( có lẽ là thuốc lá Malboro?) ở tỉnh Vân Nam của Trung Quốc tôi đã trả lại vì nó được sản xuất tại Việt Nam. Đôi khi trong cửa hàng 100 Yên tôi có nhặt lên vài sản phẩm nhưng do nó là đồ Việt Nam nên tôi đã tuyệt đối không mua. Đối với Việt Nam đáng ghét thì một Yên cũng tiếc. Có thể các bạn sẽ nói tôi: Ấy ấy!! chơi đến mức đó hay sao hả? Nhưng các bạn hãy xem dưới đây xem tôi “ghét Việt Nam” đến cỡ nào.Cứ nghĩ đến những việc xấu xa mà người Việt Nam làm với tôi thì thực sự tôi lại cảm thấy bực mình.
Thế đến Việt Nam lần đầu tiên đã gặp chuyện gì vậy?
Tôi sẽ kể đây nhưng xin các bạn đừng có khóc nhé.
Nghe cũng khóc và kể cũng khóc…
10 năm về trước. Năm 1997 (năm Heisei thứ 9).
Đấy là câu chuyện trước lúc tôi trở thành khách du lịch ba lô 5 năm.
Khi ấy tôi mới có 24 tuổi.Tôi, vốn làm việc cho một công ty du lịch ở quê hương Shikoku đã nhận được một chuyến đi du lịch tới thành phố Hồ Chí Minh bằng vé của công ty hàng không Việt Nam nhân dịp mới vào làm việc.“Từ giờ trở đi Việt Nam sẽ trở thành thị trường đầy hứa hẹn, người du lịch tới Việt Nam chắc chắn sẽ tăng”. “Với tư cách là nhân viên công ty du lịch, hãy tận mắt quan sát Việt Nam nơi đang tăng trưởng nhanh chóng”. Cấp trên của tôi đã khuyến khích và cũng có thể nói là ngợi khen như thế.
Tôi cùng với cậu K, hai người đã quyết định tham gia “Tour Hồ Chí Minh 4 ngày 2 đêm”. Tôi lần đầu đặt chân tới Việt Nam trong tâm trạng vừa lo lắng vừa khấp khởi trong cảm xúc “đột nhiên được tới Việt Nam sướng thật”. Tuy nhiên với tôi, người lần đầu tiên tới Việt Nam thì đấy là một chuỗi những sự việc đáng ghét và khủng khiếp.Tôi và cậu K hai nhân viên công ty du lịch đã gặp chuyện gì với người Việt Nam? Một kết cục bất hạnh đã chờ đón chúng tôi. Nói đơn giản thì thì chúng tôi đã bị người người Việt Nam lừa đến độ phát điên lên và ra về trong nỗi tức giận. Lý do là thế đấy.
Hẹn các bạn lần sau nhé ( Híc! Lại công việc! Công việc).
Ghi chú: Xin lỗi chị Shikayoshi hiện đang sống ở tp Hồ chí Minh nhé.
10 năm về trước.
Tôi sẽ kể cho các bạn nghe câu chuyện xảy ra trong chuyến đi “Hồ Chí Minh 2 đêm 4 ngày” trong lần đầu tới Việt Nam.
Tháng 12 năm 1997.
Tôi cùng với đồng nghiệp K xuất phát từ Kansai tới Hồ Chí Minh trên máy bay của hãng Hàng không Việt Nam. Trong máy bay tất cả các tiếp viên đều mặc áo dài gợi cảm và ngay từ trước lúc đáp xuống Việt Nam cảm xúc của hai chúng tôi đã dâng cao và trong lòng tràn ngập cảm xúc mong đợi “ không biết những việc vui vẻ nào đang đợi chúng mình đây?”. Sau chuyến bay khoảng 5 tiếng chúng tôi đáp xuống thành phố Hồ Chí Minh. Chúng tôi ra khỏi máy bay và đi vào tòa nhà cũ kĩ, đứng xếp hàng làm thủ tục nhập cảnh. Đến lượt mình khi chúng tôi đưa passport cho nhân viên nhập cảnh thì anh ta vừa lắc đầu vừa nói: “Thế này không thể nhập cảnh được”. Hóa ra vấn đề nằm ở chỗ tấm ảnh đi kèm Visa là ảnh đen trắng. Với lý do “phải là ảnh màu” tôi và cậu K đã đột nhiên bị từ chối nhập cảnh vào Việt Nam. Nhân viên nhập cảnh nói: “đằng sau kia kìa”, chúng tôi quay lại và nhìn thấy chủ cửa hàng ảnh vẫy tay cười cười “lại đậy lại đây”. Không có cách nào khác chúng tôi buộc phải đến đó chụp ảnh dán vào visa và cuối cùng thì cũng được nhập cảnh. Ngay trước lúc nhập cảnh đã gặp rắc rối với ông chủ hiệu ảnh. Phí chụp ảnh đến 20 đô la Mĩ.
Chẳng ai yêu cầu thế mà bị bắt phải chụp và mất tới 40 đô la.
“Không đùa đâu! Quái đản!”
Tôi và cậu K cáu, phản kháng với chủ hiệu ảnh nhưng cho dù có nói gì cũng vô ích. Phải gắng lắm mới miễn cưỡng chấp nhận giá của mỗi bức ảnh. “Thật là một đất nước quái gở nhỉ” Tôi vừa than thở với cậu K vừa bước một bước ra ngoài tòa nhà sân bay thì lần này bị vây chặt bởi những người lái Taxi mời khách.
“Đi đâu thế? Lên đây tôi chở!”
Dù thế nào cũng phải mặt dày tí! Muốn về khách sạn thì không thể không bắt xe vì thế tôi cùng cậu K vừa thương thuyết vừa lên chiếc Taxi của một lái xe có vẻ như là người tốt và có lương tâm nhất.
Giá về đến khách sạn trong thành phố là 20 đô la.
Chát thật! tôi nghĩ vậy nhưng so với các xe khác thì vẫn rẻ hơn vì thế tôi cầm tay 20 đô la và lên đường về khách sạn trong thành phố.
Quang cảnh nội thị Hồ Chí Minh nhìn từ cửa sổ xe Taxi có thể diễn đạt chỉ bằng một từ “vô trật tự”, nhìn chỗ nào cũng thấy toàn người không đội mũ bảo hiểm. Chuyện 3, 4 người ngồi một xe là chuyện đương nhiên. Trước cảnh ở Nhật Bản không thể nào chấp nhận chúng tôi một lần nữa cảm thấy thực sự mình đã đi đến một nước lạ. Số lượng xe rất nhiều và hoàn toàn không coi vạch sang đường dành cho người đi bộ hay đèn tín hiệu là cái thá gì. Chiếc taxi chạy khục khặc trên con đường chưa trải nhựa đầy bụi khiến mặt chúng tôi rung giần giật.
20 phút sau xe đến khách sạn. Khi xuống xe và đưa cho lái xe 20 đô la thì anh ta nói: “ Không! 30 đô la”
“ Anh chẳng nói là 20 đô la sao?”
Cậu K thét lên phản kháng.
“Được rồi! Được rồi! 20 đô la”.
Lái xe vừa thản nhiên nói vừa thè lưỡi ra.
“Thật chán! Quái gở thật!”
Khi mở cốp xe để lấy hành lý và định bước vào khách sạn thì lái xe taxi kêu lên: “ Tip! Tip!”
“Không! Vớ vẩn!”
Cả tôi và cậu K đều nổi khùng.
“Hứ! “, lái xe lại thè lưỡi ra và chạy mất.
Thật là một tay lái xe rách giời rơi xuống.
Chúng tôi làm thủ tục nhận phòng. Chúng tôi ở trong một khách sạn hạng trung nhìn ra đường Nguyễn Huệ và gần đại lộ Đồng Khởi. Căn phòng nồng nặc mùi hôi ẩm mốc và từ vòi hoa sen chảy ra thứ nước màu vàng. Mặc dù phòng có vấn đề nhưng từ ban công có thể nhìn thấy sự ồn ào tấp nập của đại lộ và con sông Sài Gòn rất đẹp. Hai người đặt vội hành lý xuống phòng rồi nhanh chóng ra ngoài ngắm cảnh trong thành phố.Trước hết chúng tôi muốn đi chậm dọc theo đại lộ Đồng Khởi, con đường chính của thành phố Hồ Chí Minh để xem cuộc sống của người dân và tới chợ Bến Thành, nơi được coi là nhà bếp của thành phố Hồ Chí Minh.
Khi vừa đặt hai tay lên tủ kính bán hàng và ngắm nhìn bật lửa Zippo của Việt Nam thì một con chuột to cỡ lòng bàn tay người vừa kêu phù phù vừa chạy vọt qua trước mắt.
O a..oái…Tôi kêu lên hoảng sợ.
Tôi đỏ mặt vì người Việt Nam xung quanh cười.
Lần này đột nhiên trời đổ mưa nền chợ Bến Thành bắt đầu ngập nước và rồi…lần này thì đàn gián và chuột với quy mô lớn tôi chưa từng thấy bao giờ diễu hành ngay trước mắt.
“Oái!!!!”
Tởm quá! Tôi cảm thấy kinh tởm như toàn thân nôn mửa. Hai người chúng tôi nhanh chóng bỏ lại chợ Bến Thành ở phía sau với đàn trẻ con ăn xin vây quanh. Thật không muốn đến lần thứ hai. Cậu K kêu đói bụng vì thế chúng tôi cùng đến hàng mì. (Đàn gián và chuột lúc nãy làm cho tôi không thiết gì ăn). Cậu K gọi Phở còn tôi thì chỉ gọi Coca và hút thuốc. bVừa châm điếu thuốc thì tôi nghe có tiếng người qua đường gọi.
“Cho xin điếu thuốc”, “Cho xin tí lửa”
“Tôi có bạn ở Nhật”, “Cho xem tiền Nhật Bản nào”
Thật là ầm ĩ. Những người khách du lịch như chúng tôi không thể nào thấy bình yên. Lúc đầu cho dẫu mong mỏi sẽ được tiếp xúc với người Việt Nam vui vẻ nhưng lúc này ngay lập tức tôi cảm thấy chán ngán. Lúc nào cũng thế, cuối cùng thì cũng bị xin xỏ thuốc lá. Đi đến đâu cũng bị người Việt Nam vây quanh, xin xỏ một ngày kết thúc và với chúng tôi Việt Nam đã gần như là quá đủ.
Ngày thứ hai ở Hồ Chí Minh
Cậu K nói với tôi là đi đến nhà người Việt mới quen để chơi rồi bước ra ngoài. Cậu ta có rủ tôi đi cùng nhưng tôi muốn một mình chậm rãi đi dạo nên đã từ chối. Chúng tôi giao hẹn rằng buổi tối sẽ cùng nhau đi uống bia hơi. Tôi đi đến xem bảo tàng.
Khi tôi ra khỏi khách sạn thì ngay lập tức có một chiếc xích lô đi theo sau tôi tới tận trước cửa bảo tàng. Khi tôi quay trở lại khách sạn thì chiếc xích lô lúc nãy cũng lại đi theo về trước khách sạn. Khi tôi đi ngang qua thì ang ta lên tiếng gọi to: “Này! Đi không?” nhưng tôi làm thinh. Đó là do trong sách hướng dẫn du lịch có ghi: “cần phải thận trọng với những xích lô lưu manh”. Vì thế mà tôi không lên xích lô, tôi tuy đã quyết định như vậy nhưng vì anh ta nhiệt tình quá vì thế mà cái tình của xích lô đã chuyển phắt sang tôi khiến cho tôi dần dần muốn lên xe.
Tôi hỏi: “giá bao nhiêu?”.
“Mỗi giờ 50 đô la”, anh ta đáp. Đắt thế! Đừng có đùa! Ai ngồi! tôi nghĩ vậy và làm thinh tiếp tục bước đi. Dần dần giá cả cứ hạ thấp dần.
“10 đô la nhé, đi không?”
“Đắt nhỉ”
“Thế thì 5 đô la”
“ Hừ, làm thế nào bây giờ”
Giá cả giờ đây đã tụt xuống còn có 1/10. Nếu là 5 đô la thì có ngồi cũng chẳng sao nhỉ…tôi bắt đầu có ý nghĩ như thế. Mất công đã đến Việt Nam vì thế cũng muốn một lần được cưỡi xích lô. Người đạp xích lô cũng trẻ trông như một thanh niên tốt. Nhìn kĩ thì thấy mắt rất đẹp, thật là một tay điển trai. Thôi được! Cưỡi thử nào.
“5 đô la nhé, nếu cao hơn tôi không trả đâu. Giao kèo đấy nhé”
“OK. Giao kèo thì giao kèo! Nhảy lên nào, nhảy lên nào!”
Thấy anh ta nhiệt tình làm việc từ sáng tới giờ tôi liền đi đến quán cà phê ở gần gọi súp và bánh sandwich cùng cà phê mời anh xích lô. Chúng tôi vừa ăn vừa trò chuyện sau khi bụng đã ổn ổn tôi lại lên xe và bắt đầu đi ngắm cảnh thành phố. Lần đầu tiên ngồi trên xích lô được ngắm cảnh thật là thích. Tôi ngồi trên chiếc xích lô rung lắc vừa chụp ảnh cảnh phố phường Hồ Chí Minh mang phong cách Pháp vừa cảm nhận đầy đủ cái tình của kì quốc cùng ngọn gió dễ chịu.
Thoáng cái đã hết một tiếng việc còn lại chỉ là về khách sạn. Cuối cùng tôi có ý định chụp ảnh anh chàng xích lô. Tuy nhiên khi giơ camera lên thì anh ta cương quyết từ chối. Lý do là anh ta không thích chụp ảnh. Khi đến trước đường Đồng Khởi chỉ cách khách sạn chút ít thì đột nhiên anh ta nói: “Đến đây là hết! Xuống!”. Tại sao đột nhiên thế này? Tôi nghĩ thế nhưng do chỉ cách có chút ít là về đến khách sạn nên tôi đáp: “hiểu rồi, hiểu rồi, xin cảm ơn” và định đưa cho anh ta 5 đô la.Khi làm vậy thì anh xích lô đột nhiên có vẻ mặt dễ sợ khác hẳn lúc trước.
“Hai trăm đô la! Trả 200 đô la đi!”.
Khuôn mặt đầy sát khí và nói như thét vào mặt.
“Đợi đã! Đã giao kèo là 5 đô la rồi mà”
“Không! 200 đô la! Trả 200 đô la đi!”.
Cái này thì thật gay…
200 đô la có biết cao hơn bao lần không?
Đừng có đùa! Đây tuyệt đối không trả đâu!!!
“Vớ vẩn! Đồ ngu!”, tôi nói vậy rồi ù té chạy.
Anh xích lô đuổi theo. Tuy nhiên do mặt đường hẹp nên xích lô không đuổi được. Thật chua chát! Việc không trả tiền tất nhiên rồi, và hơn hết việc tiếp xúc với anh ta rồi trao đổi tình cảm kia tóm lại là cái thứ gì đây!? Trong lòng tôi tràn ngập cảm giác bị phản bội. Kể lể công ơn là việc tôi không hề thích nhưng tôi đã mời anh ta ăn cơm, mua nước cho anh ta uống thân thiện đến thế còn gì! Vậy mà tại sao anh ta lại có thái độ như thế! Trả 200 đô la đi! Lẽ ra không có câu đó chứ! Tâm trạng tôi lại tụt dốc. Chuyện này lẽ ra chắc chắn chả bao giờ xảy ra thế mà….
Tôi về khách sạn và vừa ngủ thì cậu K cùng phòng về. Cậu K trông cũng không khỏe. Khi tôi hỏi: “sao thế?”, cậu ta hỏi lại với giọng trầm xuống: “ Cậu Shimata này, cậu còn tiền không?”
“ Còn nhưng sao thế?”.
Hỏi ra mới biết cậu ta đến nhà người Việt Nam chơi và bị lấy mất toàn bộ số tiền. Khi cậu ta chơi bài thì chỉ trong phút chốc nó bỗng biến thành trò bài bạc và khi tỉnh ra thì cậu đã thua lớn bị đe dọa và phải trả toàn bộ số tiền. Tổng cộng cậu ta đã phải trả 400 đô la và số tiền mang theo còn lại chỉ còn có 20 đô la.
Tại sao cả tôi và cậu K lại gặp vận đen như thế… Chúng tôi không đến Việt Nam để có những kỉ niệm như thế này thế mà… Tôi không muốn nói với cậu K: “tại sao cậu không cẩn thận’” vì chuyện ấy cũng giống như tôi. Để an ủi cậu K chúng tôi vừa uống bia hơi ở quán gần đó vừa an ủi lẫn nhau tới sáng. Nhân tiện, tôi trả tiền. Mặc dù tôi đã tính toán thật cẩn thận nhưng cho dẫu thế thì số tiền phải trả cũng cao gần gấp 4 lần. Do đã mệt nên tôi chán không muốn phản kháng nữa chỉ ‘vâng, vâng” rồi trả tiền. Người bán hàng nói tiền thừa là tiền “tip” và không hề trả lại.
Thật quá lắm rồi. Tôi căm ghét Việt Nam! Tôi muốn mau chóng quay trở về Nhật. May là chỉ còn ngày mai nữa là trở về. Buổi tối máy bay sẽ cất cánh từ Hồ Chí Minh. Ngày mai, ngày cuối cùng thì chỉ còn mỗi việc mua quà cho người cùng công ty sau đó đợi đến giờ check out rồi ra khỏi khách sạn là xong. Trong tâm trạng chán chường như thế ngày thứ hai kết thúc. Tuy nhiên sự “cãi vã” với người Việt không kết thúc ở đó. Ngày thứ ba cũng là ngày cuối cùng đã xảy ra “sự kiện đáng ghét hơn nhiều”.
Ngày thứ ba ở Hồ Chí Minh.
Khi tỉnh dậy mở mắt ra thì đã 2 giờ chiều. Trên bàn là lá thư của cậu K.
“Chào! Tớ đi ra ngoài ngắm cảnh. Buổi chiều tối sẽ quay lại”.
Sắp đến buổi tối về nước rồi. Muốn được nhanh nhanh trở về Nhật. Máy bay xuất phát lúc 23 giờ vì thế tôi phải ở khách sạn đến 21 giờ. Cuối cùng tôi muốn đi mua quà Việt Nam nên đi ra ngoài…
Trời! cái gì thế này! Ngay trước hành lang khách sạn là người đạp xích xô ngày hôm trước đang đứng đó. Nhưng lần này anh ta kéo theo cả bạn và có đến 10 người đạp xích lô có bộ mặt dễ sợ đang nắm tay đứng đợi!
Làm sao bây giờ… Chắc chắn sẽ bị đánh nên thân…Chân tôi run lên. Vào khi đó ở chỗ tiếp tân có một ông già giống như người Nhật và tôi đã cầu cứu ông giúp đỡ.
“Xin lỗi…ông có nói được tiếng Việt Nam không?”
“Có! Tôi nói được nhưng có chuyện gì thế?”
Thật là may ông cụ đúng là người Nhật Bản. Tôi kể cho ông cụ nghe một phần sự việc xảy ra đến lúc này và cầu xin ông làm trọng tài trung gian. Ông già đứng trước chỗ tiếp tân là nhân viên lưu trú của Ngân hàng Sanwa.
“ Được, hiểu rồi. Lẽ ra không được ngồi xích lô!”
“Vâng, thành thật xin lỗi!”
“ Ở gần đây xích lô đặc biệt lưu manh đấy”
“Vâng, thành thật xin lỗi!”
Thế đã mặc cả bao nhiêu?”
“Thưa, 5 đô la ạ”
“Và thành 200 đô la? Trời ơi!”
“Thế trả bao nhiêu thì ổn?”
“Cháu không muốn trả quá số tiền đã nói”
“Được, tôi sẽ thử thương thuyết nhưng nếu gặp người xấu thì hãy chuẩn bị tinh thần là gần 100 đô la cũng phải trả đấy”.
Nhân viên của ngân hàng Sanwa ( dưới đây xin gọi là ông B) đã giúp thương thảo với người đạp xích lô hôm qua. Bạn bè của anh ta đã về hết chỉ còn lại có mình anh ta. Ông B đưa anh ta lại chỗ quầy lễ tân nơi tôi đợi. Tôi, ông B và người đạp xích lô ba người ngồi xuống Sofa và bắt đầu nói chuyện.
B: Người đạp xích lô nói anh hứa sẽ trả 100 đô la.
Shimata: Không, tôi không nói thế… hắn ta ngày hôm qua đột nhiên đòi tôi 200 đô la và giờ thì đến đòi đấy!
Xích lô: haaaa (thét lên bằng tiếng Việt nam.)
B: Anh ta nói anh hứa trả 100 đô la.
Shimata: Tôi không hiểu chuyện gì cả. 100 đô la hay 200 đô la cũng đều là vớ vẩn.
B: Lần này không trả hơn 5 đô không được đâu. Ví dụ như 10 đô chẳng hạn.
Shimata: không (tôi ngoan cố).
Xích lô: haaaaa (tiếng Việt Nam).
B: Anh ta nói là anh nói láo
Shimata: Tôi đâu có nói láo. Người nói láo chính là thằng cha đó
Xích lô: Haaaa (tiếng Việt Nam).
B: Thôi được anh ta nói 7 đô la đấy.
Shimata : Không! (tôi ngoan cố).
Tôi không muốn trả cho thằng cha như thế này. 200 đô la rồi đột ngột thành 100 đô la rồi lần này thành 7 đô la làm như thế hóa ra tôi giống như thằng nói láo. Tôi không thể tha thứ cho kẻ đạp xích lô đáng ghét đó được. Tuy nhiên người đạp xe xích lô cứ cương quyết là tôi nói sẽ trả 100 đô la.
Shimata: Xin lỗi đã làm mất thời gian của ông…
B: Không sao, cái việc này ở Việt Nam hoàn toàn không phải là chuyện hiếm.
Shimata: Hả? Thật vậy sao?
B: Lúc đầu lên xích lô có tưởng tượng ra chuyện này không?
Shimata: thì…
B: Anh cũng có phần sai
Shimata: Vâng…
B: Anh ta là người vô văn hóa vì thế có thương thuyết bằng giá trị quan đạo đức của người Nhật đi nữa cũng vô ích. Tôi nghĩ thế.
Shimata: Vâng…
Xích lô: Haaaa (tiếng Việt Nam).
B: Anh ta nói là 7 đô la.
Shimata: Không! Không được. 5 đô la. Đã giao kèo là 5 đô la rồi mà. ( tôi ngoan cố đến cùng).
B: Trả đi thì sẽ tốt hơn tôi nghĩ thế. Nếu là 7 đô la thì vẫn còn rẻ đấy!
Nhờ ông B mà cũng có thể tôi đã chuyển tải được cảm xúc của mình tới người đạp xích lô. Thật là một gã lưu manh, tôi bực biết bao nhiêu. Cho dù là thương thuyết được tới 5 đô la đi nữa thì anh ta cũng đã phá hỏng lời giao kèo. Việc mời cơm anh ta thật là ngu ngốc. Tôi cảm thấy khó chịu và không muốn trả tiền.
Quả thật đúng như ông B nói. Cho dù có nói với người đạp xích lô quan niệm đạo đức của người Nhật đi chăng nữa thì cũng vô ích. Thông thường thì với tôi 7 đô la cũng không vấn đề gì nhưng vào thời điểm đó tôi không hề có tâm trạng muốn trả. Tôi không muốn trả cho anh ta một Yên nào. Vấn đề không phải là tiền bạc mà vấn đề là cảm xúc. Và thế là tôi trở nên ngoan cố. Tuy nhiên, tôi không muốn làm ông B mất thêm thời gian…
Shimata: Hiểu rồi…Tôi sẽ trả 7 đô la.
B: Rồi! Thế nhé xong một vụ rồi nhé (ông cười).
Kết cục tôi trả cho người đạp xích lô 7 đô la và chẳng hiểu sao tôi muốn khóc. Tôi đã nghĩ hắn là người tốt thế rồi ngồi lên xích lô và đột nhiên bị hắn lừa rồi bỏ chạy. Rồi bị 10 người đến đợi rồi có khả năng bị dần một trận nên thân. Người đạp xích lô nói láo kia lại gọi tôi là thằng nói láo. Tôi đã làm phiền đến cả ông B. Nhờ sự tốt bụng của ông B mà tôi cũng ổn giống như một đứa trẻ. Nhưng rồi kết cùng vẫn phải trả tiền. Mất công đi du lịch mà cuối cùng thế này đây. Tại sao tôi lại phải gặp chuyện cay đắng thế này càng nghĩ tôi càng cảm thấy xấu hổ và muốn khóc.
B: Rồi! Cuối cùng hai người bắt tay cái nào! Rồi! Rồi! bắt tay đi.
Không có lí do gì phải bắt tay. Cuối cùng tôi hỏi tên người đạp xích lô Tên anh ta là “Minh”. Tên hắn và khuôn mặt hắn tôi sẽ không bao giờ quên. Tôi nhìn mặt hắn như muốn nói này thằng ngu cút xéo đi. Minh có vẻ khó chịu, nắm chặt tiền rồi ra khỏi khách sạn.
Bản thân số tiền thiệt hại không lớn. Cũng có thể số tiền đó nhỏ đến mức không thể nói đó là thiệt hại. Nhưng sự mất mát về tinh thần thì lớn hơn nhiều. Người ta đã nhắc rằng là nguy hiểm thế mà tôi vẫn lên xích lô tôi mới ngu làm sao.
Việt Nam thế là đủ rồi. Tôi không muốn đến Việt Nam lần thứ hai. Tôi không muốn đến Việt Nam lần thứ hai. Tôi sẽ không đi Việt Nam lần thứ hai. Tôi thề trong tim như vậy, tôi cảm ơn ông B, trao đổi địa chỉ rồi ru rú trong phòng chờ đến sát giờ checkout. Tôi không đi đâu cũng không đi mua quà mà ngủ ngay trên giường. Vào lúc checkout chợt nhớ đến chiếc áo sơ mi bỏ quên trên phòng tôi liền quay lên nhưng nó đã bị ai đó lấy mất. Đến lúc cuối cùng mà cũng… Sẽ không đến lần hai đâu, đồ ngu! Tôi vừa lầm bầm như thế vừa hướng ra phi trường.
Tôi sẽ không bao giờ quên chuyến đi 4 ngày 2 đêm tháng 12 năm 1997 ở thành phố Hồ Chí Minh.
Kể từ đó đã 10 năm…
Cả ý nghĩ căm ghét du lịch Việt Nam cùng sự việc xảy ra với người đạp xích lô đáng ghét đã được thanh tẩy trong dòng chảy của thời gian, tôi, người đã căm ghét Việt nam suốt 10 năm trời giờ đây bắt đầu có ý nghĩ thế nào cũng được.
Gần đây vô tình tôi lại chú ý tới Việt Nam không thể nào cưỡng được. Vào thời điểm này nghĩ lại thì điều tôi cần phản tỉnh thật nhiều. Tôi thật xấu khi cái gì cũng đổ tại người Việt Nam. Tôi đã không hề có chút tri thức nào về Việt Nam, tôi cũng không hề có ý nghĩ mong muốn lí giải người Việt Nam. Tôi đã chỉ bị hút hồn bởi Áo dài và khi gặp người Việt Nam thì vênh mặt lên rằng ta đến từ nước Nhật cường quốc kinh tế đây… và thiếu đi sự khiêm tốn. Tôi đã tự ý mời người đạp xích lô và tự mình sung sướng và tôi phải cảm thấy xấu hổ vì điều đó. Khi đã trở về Nhật tôi nói với người xung quanh rằng tôi ghét Việt Nam, khi được hỏi về du lịch Việt Nam tôi đã nói là nên đi Bangkok rồi khi nghe ai đó nói du lịch Việt Nam rất thú vị thì tôi giả điếc không nghe. Tôi cũng đã ích kỉ tẩy chay hàng Việt Nam… Tại sao trong 10 năm ròng tôi đã làm những điều ấy với Việt Nam? Sự thay đổi tâm tính này quả thật phần lớn nhờ vào blog tôi nghĩ vậy.
Vào tháng 4, chị Yakibuta, người sống ở Hồ Chí Minh về nước và đến nhà tôi chơi có mời tôi cà phê Việt Nam. Mất công người ta mời lại đã lâu không uống cà phê Việt Nam.
“Shit! Thật là ngon!!!”
Đúng vậy, Việt Nam không chỉ là nước có cà phê ngon mà còn là nước có thức ăn ngon! Khi đọc blog của chị ấy ở Hồ Chí Minh thì cuộc sống ở Việt Nam đã được viết rất sống động mỗi lần đọc là một lần tăng cảm hứng về Việt Nam. Ngoài chị ấy còn có chị Shikayoshi đang sống rất vui vẻ ở Hồ Chí Minh. Tôi chỉ có 2 ngày 4 đêm rồi từ bỏ tại sao hai người lại có thế sống vui vẻ như thế với những người Việt Nam vây quanh. Tôi cảm thấy có hứng thú với Yakibuta và Shikayoshi. Xung quanh việc gặp gỡ hai người tôi cũng phải cảm ơn chị Boctok. Tôi muốn một lần quay trở lại Hồ Chí Minh để thử xem sao. Tôi nghĩ như thế từ tận đáy lòng.
Ngoài Hồ Chí Minh thì Việt Nam cón có rất nhiều nơi du lịch nữa. Đến giờ phút này tôi cảm thấy luyến tiếc vì vào thời còn là kẻ ba lô trên vai tôi đã không đến thăm Việt Nam. Cho dù để có được ý nghĩ ấy tôi đã mất đến 10 năm.
Chà! Tôi muốn đến Việt Nam.
あーベトナム行きたい。
Nguyễn Quốc Vương dịch