Qua báo chí, trong mấy ngày vừa qua, tôi bắt gặp nhiều lời phát biểu rất can đảm và sáng suốt của một số đại biểu Quốc hội trong nước.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa của TP.HCM kêu gọi phải xác định cho đúng khái niệm ta – bạn – thù. Ông còn mượn thơ để nói thay lời rằng: “Nỏ thần chớ để sa tay giặc. Mất cả đất liền, cả biển sâu”. |
Trước hết là bài phát biểu của bà Võ Thị Dung tại phiên họp Quốc hội vào sáng ngày 28 tháng 3. Bà Dung nêu lên “7 điều lo và 3 điều ước”.
Bảy điều lo ấy, theo thứ tự là:
Thứ nhất, nạn ngoại xâm từ Trung Quốc, kẻ, trước đây đã chiếm Hoàng Sa và Trường Sa, nay lại bồi đắp các đảo nhân tạo ở Trường Sa để mưu toan lấn chiếm cả Biển Đông của Việt Nam.
Thứ hai là vấn đề tham nhũng, lót tay, lại quả, phong bì rất phổ biến tại Việt Nam. Bà Dung gọi đó là nạn “nội xâm” hay “quốc nạn”.
Thứ ba là sự suy thoái về đạo đức xã hội. Theo bà Dung, đạo đức giả càng ngày càng lấn át đạo đức thật; chủ nghĩa thực dụng càng ngày càng lan tràn; ở đâu cũng bắt gặp sự tham lam, ích kỷ, dối trá, lừa đảo, cướp giật; an toàn thực phẩm bị đe doạ nghiêm trọng.
Thứ tư là sự tụt hậu về kinh tế: Năng suất lao động thấp, tài nguyên thiên nhiên bị huỷ hoại, ngân sách thiếu hụt trầm trọng.
Thứ năm là nợ công càng ngày càng chồng chất, việc tiêu xài quá lãng phí.
Thứ sáu là văn hoá càng lúc càng suy đồi, các giá trị truyền thống bị mai một hoặc xuống cấp.
Thứ bảy là hiện tượng thiếu kỷ cương và kỷ luật trong việc điều hành của bộ máy công quyền làm giảm lòng tin của dân chúng và cũng giảm động lực phát triển của xã hội.
Còn ba điều ước của bà là: Một, bộ máy công quyền thực sự dân chủ; hai là đất nước bình yên và phát triển; và ba là văn hoá ngày càng tốt đẹp.
Bài phát biểu 7 phút của ông Trương Trọng Nghĩa tại phiên họp sáng ngày 1 tháng 4 cũng khá hay. Cũng giống bà Võ Thị Dung, ông Nghĩa cho rằng Việt Nam hiện đang phải đối đầu với cả ngoại xâm lẫn nội xâm. Không nêu đích danh kẻ ngoại xâm là Trung Quốc, ông Nghĩa chỉ đặt vấn đề: cần phải xác định lại các khái niệm “ta”, “bạn” và “thù”. Trước đây, dựa trên ý thức hệ Mác xít, người ta xem “bạn” là tất cả các quốc gia cùng theo chủ nghĩa xã hội và “thù” là các quốc gia tư bản – thường được gọi là “đế quốc”. Tình hình chính trị hiện nay khác hẳn. Theo ông Nghĩa, hiện nay, “Bạn là những ai ủng hộ nước Việt Nam độc lập chủ quyền, giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Còn thù là những thế lực thù địch cản trở đổi mới, cản trở phát triển, xâm hại lợi ích quốc gia dân tộc, lợi ích của nhân dân, làm cho nước ta suy yếu, lệ thuộc nước ngoài, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, phá hoại an toàn và an ninh đất nước.” Ông Nghĩa nhấn mạnh, việc xác định không đúng ta và bạn - thù có thể xảy ra tình hình là thay vì thêm bạn bớt thù thì lại thêm thù, bớt bạn hoặc coi bạn là thù và coi thù là bạn. “Thay vì đánh vào địch thì lại đánh vào ta, thay vì tăng cường đoàn kết thì lại làm suy yếu khối đại đoàn kết dân tộc”. Không đi vào chi tiết, nhưng qua lời phát biểu dẫn trên, chúng ta đều hiểu ông Nghĩa xem ai là “bạn” và ai là “thù” của Việt Nam.
Về nội xâm, ông Trương Trọng Nghĩa cũng nói đến tham nhũng. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh nhiều hơn vào ý này: Phải làm sao cho đất nước trở thành một nơi đáng sống. Ông ghi nhận hiện nay nhiều trí thức giỏi không muốn về Việt Nam làm việc trong khi nhiều người khác, kể cả các doanh nhân và cán bộ, tìm cách ra nước ngoài định cư. Tại sao? Ông giải đáp: “Không phải vì nghèo về tiền mà cảm thấy không vui, không an toàn về pháp lý, các quyền tự do dân chủ không đảm bảo đầy đủ, lo sợ đất nước bị lệ thuộc. Điều này ai cũng thấy và cũng biết.”
Cuối bài phát biểu, ông Trương Trọng Nghĩa nhắc lại hai câu thơ của Tố Hữu được sáng tác từ năm 1967 về chuyện Mỵ Châu và Trọng Thuỷ: “Nỏ thần vô ý trao tay giặc/Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu”; rồi ông sửa lại cho hợp với hoàn cảnh hôm nay: “Nỏ thần chớ để sa tay giặc/ Mất cả đất liền, cả biển sâu”. Qua chi tiết “mất cả đất liền, cả biển sâu”, chúng ta có thể hiểu ngay kẻ nào bị ông Nghĩa xem là “giặc”.
Bài phát biểu cuối cùng tôi rất tâm đắc là của ông Lê Văn Lai. Liên quan đến Biển Đông, ông Lai “ngạc nhiên” và không đồng ý với các báo cáo của chính quyền Việt Nam khi cho, ở đó, Việt Nam vẫn “đảm bảo chủ quyền, lợi ích quốc gia”. Theo ông, cách đánh giá ấy không đúng. Trên thực tế, “người ta xây sân bay, kéo pháo hạm, đưa máy bay tiêm kích, o ép ngư dân, người ta sắp tuyên bố những điều xâm phạm chủ quyền như dùng các chuyến bay cắt ngang các chuyến bay truyền thống được quốc tế công nhận”. Ông thú nhận là ông tự “ép suy nghĩ” của mình để đồng thuận với cách đánh giá của chính phủ nhưng “nói thật là tôi ép không nổi”. Lý do:
“Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của chúng ta tần suất 20 năm một lần. Năm 1956 chiếm Đông Hoàng Sa. Năm 1974 lấy tây Hoàng Sa. Năm 1988 lấy đảo Gạc Ma. Năm 2014 kéo giàn khoan vào biển Đông và sau đó tần suất dài hơn, dày hơn để xâm lấn chủ quyền. Trong khi đó chúng ta ngồi đây và yên bình đánh giá là đảm bảo chủ quyền quốc gia. Liệu điều đó có công bằng? Đánh giá như thế thì chúng ta đưa ra quyết sách, sự phản đối, đối kháng đã đủ chưa, phù hợp không?” Ông Lai trăn trở.
Với những lời phát biểu của ba đại biểu Quốc Hội dẫn trên, tôi chỉ xin nhận xét vắn tắt:
Thứ nhất, cả ba đều rất can đảm vượt qua những điều cấm kỵ lâu nay để nói lên những lời tâm huyết của những kẻ không nguôi đau đáu về hiện tình của đất nước. Can đảm ở chỗ họ thẳng thắn xem Trung Quốc là “giặc” và xem tham nhũng là một “quốc nạn” của Việt Nam.
Thứ hai, họ nhận diện được chính xác và đầy đủ các hiểm hoạ mà Việt Nam đang phải đối đầu.
Điều duy nhất chúng ta có thể bổ sung vào những lời phát biểu của họ là một vấn đề liên quan đến nguyên nhân chính gây ra các hiện tượng ấy: sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam. Không thẳng thắn nhìn nhận nguyên nhân này, người ta khó tìm được biện pháp đúng đắn để giải quyết các vấn đề họ nêu lên. Tuy nhiên, tôi biết, đòi hỏi như vậy là quá nhiều so với tư cách đại biểu Quốc hội của họ. Dù sao, so với trước, những lời phát biểu can đảm và sáng suốt của họ cũng là một bước tiến bộ rất đáng kể.
Thứ hai, 28/3/2016, 22:11 (GMT+7) - vnexpress.net
"Quốc nạn tham nhũng", "mất an toàn vệ sinh thực phẩm" theo đại biểu Võ Thị Dung là giặc nội xâm đang xói mòn đạo đức xã hội bên cạnh ngoại xâm ngang nhiên chiếm biển đảo.
Nỗi lo ngoại xâm, nội xâm
Cho ý kiến báo cáo tổng kết nhiệm kỳ hoạt động Quốc hội ngày 28/3, đại biểu Võ Thị Dung cho rằng Quốc hội là của dân, do dân, vì dân, vì vậy, tổng kết của Quốc hội cũng cần nêu lên nỗi lo, mong ước của cử tri, của nhân dân và nhìn lại Quốc hội đã có những giải quyết vấn đề đó như thế nào. Theo bà Dung, trong nhiệm kỳ qua nổi lên 7 nỗi lo và 3 mong ước của nhân dân cả nước.
Đại biểu Võ Thị Dung. Ảnh: Giang Huy. |
Thứ nhất, đó là nỗi lo về ngoại xâm. Trung Quốc đã ngang nhiên xâm chiếm biển đảo của Việt Nam, trước đây là quần đảo Hoàng Sa, nay thêm một số đảo ở quần đảo Trường Sa. Dù Đảng và Nhà nước đã có chủ trương đấu tranh kiên quyết, kiên trì bằng biện pháp hòa bình, nhưng họ ngày càng lấn tới. Đó là nỗi lo lớn về đại sự quốc gia.
Thứ hai, đó là nỗi lo về nội xâm. Quốc nạn tham nhũng lớn, nhỏ, tham nhũng vặt ngày càng gia tăng, ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều người, việc gì cũng phải lót tay, phải chạy, phải lại quả, việc gì cũng cần phong bì, gây nên một nếp sống nguy hại cho xã hội. Tình trạng lãng phí đó cũng là quốc nạn gắn với tham nhũng, làm cản trở sự phát triển đi lên của đất nước.
Thứ ba, đó là nỗi lo về suy thoái đạo đức xã hội. Đạo đức giả ngày càng lấn át đạo đức thật, chủ nghĩa thực dụng ngày càng phổ biến trong một bộ phận xã hội và tính tham lam, tính ích kỷ, tệ dối trá, lừa đảo, cướp giật, giết người, mất an toàn trong vệ sinh an toàn thực phẩm và một số tệ nạn xã hội khác đang tạo sự bất an cho nhân dân.
Thứ tư là nỗi lo về tụt hậu kinh tế. Năng suất lao động thấp, hủy hoại cạn kiệt tài nguyên và các tiềm năng nguồn lực của đất nước do việc đổi mới chưa triệt để, chưa theo kịp sự phát triển của thế giới rất năng động và sáng tạo.
Thứ năm là nỗi lo về nợ công quá cao, chưa có biện pháp giải quyết căn cơ, ảnh hưởng lâu dài đến phát triển kinh tế và đời sống nhân dân; lo bội chi ngân sách lớn và triền miên do còn tiêu xài quá đà, lãng phí chưa chịu dừng.
Thứ sáu là nỗi lo văn hóa dân tộc đang bị mai một, xuống cấp. Và cuối cùng là nỗi lo về sự thiếu kỷ luật, kỷ cương trong lãnh đạo quản lý điều hành, dẫn đến tùy tiện, buông lỏng, đại khái, qua loa trong thực hiện, làm giảm hiệu lực chủ trương, chính sách pháp luật, làm trật tự xã hội suy yếu và mất dần động lực phát triển.
"Nhân dân cũng mong ước bộ máy của Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp thực sự tinh hoa trí tuệ, thực sự tận tụy, thực sự liêm chính. Xã hội dân chủ, kỷ cương, an bình, văn hóa dân tộc được duy trì và phát triển bền vững, đất nước được thanh bình, thịnh vượng. Đó là mong ước rất chính đáng, vì vậy cần công khai hơn nữa toàn bộ hoạt động của Quốc hội để nhân dân cử tri theo dõi, giám sát", bà Dung đề nghị.
Thứ sáu, 01/04/2016 - 13:25 - dantri.com
Sau khi đọc hai câu thơ đó trước hội trường Quốc hội sáng 1/4, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) giải thích: “Nỏ thần của chúng ta chính là lòng yêu nước của hơn 90 triệu đồng bào hợp thành khối đại đoàn kết dân tộc, nhờ nó mà đất nước, dân tộc này tồn tại hơn 4.000 năm qua”. Giữ “nỏ thần” là giữ cho đất nước trước họa xâm lăng và có điều kiện phát triển văn minh, thịnh vượng.
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (Ảnh: Quochoi.vn). |
Theo ông Trương Trọng Nghĩa, đất nước chúng ta đang phải đối diện với cả ngoại xâm và nội xâm. “Tức là chúng ta đang bị xâm phạm độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, xâm phạm bằng sức mạnh cứng và sức mạnh mềm. Việc xây dựng và phát triển đất nước đang bị đe dọa và thách thức nghiêm trọng. Bây giờ chúng ta phải làm gì?”- ông Nghĩa đặt vấn đề và đưa ra hàng loạt giải pháp căn cơ, mạnh mẽ.
Trước hết, ông Nghĩa đồng ý với nhận định được nêu trong báo cáo của Chính phủ, đó là phải đột phá trong đổi mới tư duy, tư duy phát triển, nhất quán và đồng bộ với quyết tâm chính trị cao, lấy lợi ích quốc gia dân tộc, lợi ích của người dân làm mục tiêu cao nhất.
“Tôi muốn nhấn mạnh vào hai cụm từ “quốc gia dân tộc” và “người dân”. Tôi nhận thức rằng, hàng ngàn năm qua ông cha ta giữ vững được độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ chính là nhờ vào bài học xuyên suốt là dựa vào dân, dựa vào khối đại đoàn kết dân tộc. Do đó tôi xin bổ sung vào quan điểm phát triển, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, động viên lòng yêu nước của đồng bào, bảo vệ độc lập chủ quyền trong sự nghiệp xây dựng đất nước”- ông nói.
Ông Nghĩa kỳ vọng phải làm sao cho đất nước là nơi đáng sống, người dân và người nước ngoài muốn đến, muốn ở lại chứ không phải muốn ra đi. “Năm 1946 khi cụ Hồ sang Pháp dự hội nghị, nhiều trí thức thành đạt đã từ bỏ vinh hoa phú quý đi theo cụ về nước, về chiến khu kháng chiến, nhiều trí thức Việt Nam ở nước ngoài đã sẵn sàng ủng hộ kháng chiến chống Mỹ cho dù phải trả giá đắt về tiền đồ, cuộc sống, thậm chí tính mạng”- ông Nghĩa nêu lại câu chuyện lịch sử.
Rồi chính ông đau đáu trước Quốc hội về thực tế hiện nay có không ít trí thức giỏi không về nước làm việc, doanh nhân thành đạt muốn ra đi. Một bộ phận cán bộ công chức về hưu hay đương chức cũng tìm cách cho con, cháu mình được ra nước ngoài. “Không phải vì nghèo về tiền mà cảm thấy không vui, không an toàn về pháp lý, các quyền tự do dân chủ không đảm bảo đầy đủ, lo sợ đất nước bị lệ thuộc. Điều này ai cũng thấy và cũng biết. Phải đảm bảo cho người dân chưa giàu cũng phải thấy được tự do dân chủ, an toàn, an ninh, công bằng, công lý; được xã hội quan tâm, sống với nhau có tình nghĩa, văn hóa, đạo đức tốt đẹp, làm cho người dân thấy tự hào về người Việt Nam, nước Việt Nam cho dù chúng ta còn nghèo và chưa phát triển”- ông Nghĩa đau đáu.
Trong phát triển kinh tế đất nước, vị luật sư đến từ TPHCM cho rằng, phải động viên được 90 triệu đồng bào thắt lưng buộc bụng, cần cù siêng năng, thanh niên chăm học, chăm làm, bớt nhậu nhẹt, bớt tiêu xài phung phí. Người dân ủng hộ doanh nghiệp Việt Nam, ưu tiên dùng hàng Việt Nam cho dù chất lượng chưa bằng hàng ngoại - như kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới. Doanh nghiệp nội địa không vì lợi ích thiển cận, ích kỷ mà dìm nhau, phá nhau trên thị trường, thậm chí đầu độc nhau bằng thực phẩm chế biến độc hại. Chấm dứt các dự án gây ô nhiễm, tàn phá thiên nhiên, qua đó hủy hoại môi trường sống của mình và con cháu mình.
“Cán bộ công chức phải giảm bớt lãng phí, thề không tham nhũng khi nhậm chức và trước mắt cố gắng giảm bớt tham nhũng”- ông Nghĩa thẳng thắn.
Đồng thời phải tăng cường mối đại đoàn kết 54 dân tộc, đoàn kết vùng miền, đoàn kết đồng bào trong nước - ngoài nước, hàn gắn vết thương quá khứ và không khoét thêm vết thương mới.
“Lấy lợi ích quốc gia dân tộc, lợi ích của người dân làm mục tiêu cao nhất nghĩa là phải xác định cho đúng giữa ta và bạn - thù. Bạn là những ai ủng hộ nước Việt Nam độc lập chủ quyền, giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Còn thù là những thế lực thù địch cản trở đổi mới, cản trở phát triển, xâm hại lợi ích quốc gia dân tộc, lợi ích của nhân dân, làm cho nước ta suy yếu, lệ thuộc nước ngoài, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, phá hoại an toàn và an ninh đất nước. Ngoài những thế lực thù địch ấy thì còn lại là ta và bạn của ta, cho dù có sự khác biệt về phương pháp, quan điểm và nhận thức”- ông Nghĩa bày tỏ.
Ông Nghĩa khẳng định việc xác định không đúng ta và bạn - thù có thể xảy ra tình hình là thay vì thêm bạn bớt thù thì lại thêm thù, bớt bạn hoặc coi bạn là thù và coi thù là bạn. “Thay vì đánh vào địch thì lại đánh vào ta, thay vì tăng cường đoàn kết thì lại làm suy yếu khối đại đoàn kết dân tộc”- vị đại biểu Quốc hội nói.
Nhắc lại sự kiện lịch sử gắn liền với cái tên Diên Hồng - tên của Hội trường Quốc hội hiện nay, ông Trương Trọng Nghĩa khẳng định điều đó đã minh chứng cho một chân lý: Hàng ngàn năm qua dân tộc ta đã luôn phải chống lại những kẻ ngoại xâm, đông và mạnh hơn mình nhưng cuối cùng luôn luôn thắng lợi bởi luôn nuôi dưỡng được lòng yêu nước của toàn dân tộc và khối đại đoàn kết dân tộc.
Cuối bài phát biểu, đại biểu Quốc hội TPHCM xin được nhắc lại câu thơ của Tố Hữu nhưng có điều chỉnh cho phù hợp với tình hình của đất nước hiện nay: “Nỏ thần chớ để sa tay giặc/ Mất cả đất liền, cả biển sâu” (câu thơ gốc trong bài thơ “Tâm sự” được nhà thơ Tố Hữu sáng tác năm 1967 là “Nỏ thần vô ý trao tay giặc/Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu”).
“Nỏ thần của chúng ta chính là lòng yêu nước của hơn 90 triệu đồng bào hợp thành khối đại đoàn kết dân tộc, nhờ nó mà đất nước, dân tộc này tồn tại hơn 4.000 năm qua. Nhờ nó mà dân tộc Việt Nam sẽ giữ vững được độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Đất nước ta sẽ ra nhập đội ngũ những quốc gia phát triển trong nửa đầu thế kỷ này. Người dân Việt Nam sẽ tự hào không chỉ vì là một dân tộc anh hùng, mà còn vì là một dân tộc biết cách trở thành văn minh, thịnh vượng”- ông Nghĩa kết thúc bài phát biểu.
Thế Kha
Thứ sáu, 1/4/2016, 18:34 (GMT+7) - vnexpress.net
Đánh giá của Chính phủ và các cơ quan về tình hình biển Đông đều cho rằng "đảm bảo được chủ quyền và lợi ích quốc gia", tuy nhiên đại biểu Lê Văn Lai lại chỉ ra hàng loạt diễn biến "không thể coi là bình thường".
Là người phát biểu gần cuối, tuổi đã cao và không tái cử nhiệm kỳ sau, đại biểu Lê Văn Lai xin "vài phút nói điều gì đó" cuối buổi thảo luận kinh tế xã hội ngày 1/4.
"Tôi ngạc nhiên khi tất cả báo cáo của Chính phủ và các cơ quan hữu quan đánh giá về biển Đông đều cho rằng đảm bảo chủ quyền, lợi ích quốc gia, trong khi người ta xây sân bay, kéo pháo hạm, đưa máy bay tiêm kích, o ép ngư dân, người ta sắp tuyên bố những điều xâm phạm chủ quyền như dùng các chuyến bay cắt ngang các chuyến bay truyền thống được quốc tế công nhận", đại biểu Lai mở đầu ý kiến của mình.
Đại biểu Lê Văn Lai tha thiết đề nghị có đánh giá đúng về tình hình biển Đông để có những quyết sách phù hợp. Ảnh: Giang Huy. |
Ông cho hay đã cố "ép suy nghĩ" của mình để đồng thuận với đánh giá của Chính phủ là "đảm bảo chủ quyền quốc gia". "Nhưng nói thật là tôi ép không nổi", đại biểu Lai bộc bạch.
Theo ông, không thể coi những hành vi ông liệt kê ở trên là bình thường được mà phải gọi đó là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền quốc gia.
"Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của chúng ta tần suất 20 năm một lần. Năm 1956 chiếm Đông Hoàng Sa. Năm 1974 lấy tây Hoàng Sa. Năm 1988 lấy đảo Gạc Ma. Năm 2014 kéo giàn khoan vào biển Đông và sau đó tần suất dài hơn, dày hơn để xâm lấn chủ quyền. Trong khi đó chúng ta ngồi đây và yên bình đánh giá là đảm bảo chủ quyền quốc gia. Liệu điều đó có công bằng. Đánh giá như thế thì chúng ta đưa ra quyết sách, sự phản đối, đối kháng đã đủ chưa, phù hợp không", ông nêu vấn đề.
Gửi gắm tâm tư tới những người sẽ được bầu vào các vị trí lãnh đạo, ông Lai nói: "Chống giặc nội xâm là làm sao chống được tham nhũng, chống giặc ngoại xâm là bảo vệ được chủ quyền quốc gia. Chỉ cần làm được hai điều đó thì nhân dân sẽ không bao giờ quên và tôn vinh các đồng chí, còn lại mọi thứ khác đều là thứ yếu".
>Trong bài “Can đảm và sáng suốt” kỳ trước, tôi có khen những lời phát biểu trước Quốc hội của ba đại biểu Võ Thị Dung, Trương Trọng Nghĩa và Lê Văn Lai. Nhận định của họ vừa chính xác vừa sâu sắc. Phát biểu một cách công khai những nhận định ấy trước diễn đàn Quốc hội là một điều dũng cảm, rất đáng khen ngợi. Tuy nhiên, ở đây, có hai điều cần chú ý. Thứ nhất, cả ba người đều không đi xa hơn việc ghi nhận sự kiện. Họ không đi sâu vào việc truy tầm nguyên nhân của các vấn đề nghiêm trọng tại Việt Nam: sự lãnh đạo độc tôn và đầy sai lầm của đảng Cộng sản. Thứ hai, những phát biểu của họ tuy mới lạ trên diễn đàn Quốc hội nhưng lại không có gì mới lạ ở ngoài xã hội. Nói cách khác, những điều họ nói chúng ta đã từng nghe rất quen thuộc trong các cuộc chuyện trò giữa những người dân với nhau.
Tôi có dịp gặp khá nhiều trí thức Việt Nam sang Úc. Tất cả đều thấy rõ những thử thách mà Việt Nam đang đối diện. Thứ nhất là nguy cơ xâm lấn của Trung Quốc không những bằng quân sự trên biển đảo mà còn bằng con đường kinh tế nhằm lũng đoạn thị trường và làm tha hoá con người Việt Nam. Thứ hai là quốc nạn tham nhũng càng lúc càng phổ biến và trầm trọng ở mọi nơi và mọi cấp. Thứ ba là kinh tế càng ngày càng kiệt quệ, ngân sách bị bội chi, nợ công thì chồng chất. Thứ tư là, về phương diện xã hội, nạn kẹt xe và tai nạn giao thông rất cao, thực phẩm bị nhiễm độc, gây ra những chứng bệnh hiểm nghèo, đặc biệt là ung thư thuộc loại nhiều nhất thế giới. Thứ năm là sự băng hoại của đạo lý, sự xuống cấp của giáo dục, quan hệ giữa người với người càng lúc càng trở nên lạt lẽo, ai cũng chỉ biết lo cho chính bản thân mình và vô cảm trước những thử thách và nguy hiểm lớn lao của đất nước.
Tất cả những vấn đề tôi tóm tắt ở trên, hầu như ai cũng biết. Người sống ở hải ngoại biết. Người sống trong nước cũng biết, thậm chí, biết còn rõ và sâu hơn cả những người hiện đang sống ở hải ngoại. Tất cả các bài viết phê phán Việt Nam từ trước đến nay, dưới nhiều hình thức khác nhau, không thể vượt qua được những nhận xét có tính bao quát ấy. Thế nhưng, ở đây lại nảy ra một vấn đề: tại sao những chuyện ai cũng biết ấy lại không dẫn đến bất cứ một hành động nào nhằm làm thay đổi hiện trạng tại Việt Nam? Tại sao mọi ước muốn dân chủ hoá Việt Nam vẫn lâm vào bế tắc?
Theo tôi, có hai lý do chính:
Thứ nhất, mọi người cứ cho việc thay đổi hiện tình chính trị Việt Nam là nhiệm vụ của… người khác. Người khác đó là ai? Không nói ra nhưng hầu như mọi người đều cho đó là trách nhiệm của giới lãnh đạo. Dường như mọi người đều quên bẵng câu châm ngôn đã thành truyền thống lâu đời: “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”. Không chừng đó là hậu quả của chính sách tuyên truyền thâm độc của chính quyền và đảng cầm quyền lâu nay: “Đồng bào đừng lo, đã có đảng và nhà nước lo”. Điều oái oăm là ngay cả giới lãnh đạo cũng có tâm lý ấy. Còn nhớ, vào đầu năm 2014, trong một cuộc họp báo tại Philippines, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng hùng hồn tuyên bố “Không đánh đổi chủ quyền lấy tình hữu nghị viển vông”. Nghe rất sướng tai.
Nhưng lời phát biểu ấy hoàn toàn không biến thành hành động.
Nguyễn Tấn Dũng cũng không hề cố gắng để biến nó thành hành động. Không chừng ông xem việc cụ thể hoá nhận xét ấy là nhiệm vụ của… người khác. Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch nước, cũng vậy. Trong suốt nhiệm kỳ của ông, ông nhiều lần lên án tệ nạn tham nhũng. Ông ví tham nhũng như một bầy sâu tàn phá đất nước. Nhìn bản đồ tham nhũng thế giới, trong đó, Việt Nam chiếm một vị trí rất cao, ông “buồn lắm, xấu hổ lắm”. Nhưng ông cũng không hề biến việc bài trừ tham nhũng thành một chính sách hoặc tìm cách tiến hành các chính sách ấy một cách hữu hiệu. Ông chỉ than thở. Hết lần này đến lần khác. Trong cả nhiệm kỳ. Dường như với ông, việc thực hiện các nỗ lực bài trừ tham nhũng là việc của người khác. Không dính dáng gì đến ông cả.
Lý do thứ hai khiến mọi người, sau khi đã nhận thức được đúng đắn tình hình Việt Nam mà vẫn bất động, theo tôi, là sự tuyệt vọng. Người ta chỉ hành động khi có niềm tin. Nhưng niềm tin vào tương lai của đất nước thì hoàn toàn tắt ngấm. Không ai hy vọng là Việt Nam có thể thoát ra khỏi vòng kim cô của Trung Quốc. Không ai hy vọng là nạn tham nhũng tại Việt Nam sẽ biến mất hoặc giảm thiểu. Không ai hy vọng chính phủ sẽ vực dậy được kinh tế, tránh tình trạng bội chi, kìm hãm nợ công, cải thiện nền giao thông, y tế và giáo dục trong nước. Tâm trạng ấy được thể hiện rõ nhất là qua câu nói cửa miệng của mọi người: “Cái nước mình nó thế” ⬇️. Tôi đã từng phân tích và phê phán câu nói ấy: Nó vừa sai vừa thể hiện tâm lý đầu hàng.
Xưa, Việt Nam không thế. Ngay ở miền Nam, trước năm 1975, Việt Nam cũng không như thế. Sự khốn cùng và bế tắc của Việt Nam hiện nay không nằm ở tính cách hay bản chất của người Việt Nam. Nó nằm ở chỗ khác: lãnh đạo. Nó thuộc về chính trị chứ không phải là dân tộc tính.
Chính hai tâm lý vừa tuyệt vọng vừa cho việc cứu nước là nhiệm vụ của người khác đã biến mọi người, dù nhận thức đúng, vẫn trở thành dửng dưng, vô cảm và bất lực trước những hiểm hoạ mà đất nước đang đối diện. Muốn thay đổi tình trạng ấy, vấn đề không phải là thay đổi nhận thức mà là thay đổi tâm lý. Để mọi người không chờ đợi vào đảng hay nhà nước mà phải tự mình gánh vác lấy trách nhiệm.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
25/12/2012 Nguyễn Hưng Quốc - voatiengviet
Từ trên dưới 10 năm nay, một trong những câu nói cửa miệng của mọi người, đặc biệt giới trí thức, ở Việt Nam, chắc chắn là câu “Cái nước mình nó thế!” Nghe nói câu ấy xuất phát từ Hoàng Ngọc Hiến. Nhưng tôi không chắc. Tôi chỉ chắc một điều: mỗi lần nghe đề cập đến tình trạng bi đát, nhiễu nhương, trớ trêu và bất công ở Việt Nam, ai nấy đều buông một câu, thoạt nghe, có vẻ đầy ưu thời mẫn thế: “Cái nước mình nó thế!”
Đường xá càng lúc càng xuống cấp, ở đâu và lúc nào cũng kẹt xe, tai nạn giao thông thuộc loại đứng đầu thế giới ư? – Cái nước mình nó thế! Giáo dục càng lúc càng suy đồi, học trò đạo văn; thầy cô giáo cũng đạo văn; thi cử thì đầy gian lận, bằng cấp giả tràn lan ở mọi cấp ư? - Ừ, thì cái nước mình nó thế! Kinh tế càng lúc càng suy thoái, hết đại công ty này phá sản đến tập đoàn quốc doanh kia phá sản, nợ nần quốc gia cứ chồng chất ư? - Ừ, thì cái nước mình nó thế! Chính trị sa lầy trong bế tắc, đối với dân thì độc tài và tàn bạo; với nước ngoài thì hèn yếu và xu nịnh ư? - Ừ, thì cái nước mình nó thế!
Vân vân.
Câu nói ấy không phải không đúng. Nó đúng ở hai khía cạnh. Thứ nhất, trên thực tế, quả thật tình hình Việt Nam càng ngày càng bế tắc. Bế tắc một cách đặc biệt, không giống với bất cứ một nước bình thường nào khác. Bế tắc triền miên. Gỡ cái này thì vướng cái khác. Sửa cái sai này thì cái sai khác lại xuất hiện, có khi còn trầm trọng hơn. Thứ hai, về phương diện tâm lý, nó cũng phản ánh được tình trạng tuyệt vọng của mọi người. Người ta hiểu rõ tất cả bi kịch nhưng không biết cách nào thoát khỏi được bi kịch.
Tuy nhiên, ngay cả khi đúng về hai phương diện vừa kể, câu nói ấy vẫn sai.
Hơn nữa, sai một cách nguy hiểm.
Thứ nhất, nó là biểu hiện của tư tưởng định mệnh chủ nghĩa. Nó làm như mọi thứ đã được an bài, gắn liền với bản chất của người Việt Nam. Của dân tộc Việt Nam.
Nhưng chắc chắn sự thật không phải như vậy. Tất cả những cái dốt, cái ngu, cái tham, cái ác và cái vô liêm sỉ trong chế độ cũng như trong xã hội Việt Nam hiện nay không phải vì “cái nước mình nó thế”. Trong lịch sử, nước mình không thế. Ngày xưa, cả hàng ngàn năm, người Việt Nam đã từng bất khuất trước một nước Trung Hoa to lớn và hùng mạnh, hơn nữa, trước một nước Mông Cổ từng giẫm nát gần hết châu Á và một phần châu Âu. Ngày xưa, ngay cả dưới thời phong kiến, cha ông chúng ta cũng không phải chịu đựng nạn tham nhũng tràn lan như bây giờ. Chỉ cách đây hơn 40 năm, ở miền Nam, ngay cả trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, giáo dục cũng không suy đồi như bây giờ; sinh viên và giáo sư không ăn cắp văn chương của người khác một cách phổ biến như bây giờ; học trò không khinh thường thầy cô giáo như bây giờ. Ở miền Nam lúc trước cũng như cả thời Pháp thuộc, người bị bệnh, khi vào bệnh viện, không phải đút lót hết người này đến người khác, từ y công đến y tá và bác sĩ như bây giờ. Thời nào giới làm chính trị cũng nói dối, nhưng chưa bao giờ họ nói dối một cách trơ trẽn như bây giờ.
Xem cái dốt, cái ngu, cái tham, cái ác và cái vô liêm sỉ là bản chất của dân tộc Việt Nam rõ ràng là không đúng.
Mà thật ra, trên thế giới, không có dân tộc nào có bản chất như vậy cả. Những cái xấu như thế không có tính chất bẩm sinh. Chúng chỉ là những hiện tượng có tính chất lịch sử. Ngay cả một dân tộc vĩ đại như Nga hay Trung Quốc, bình thường vĩ đại, nhưng dưới chế độ độc tài, bỗng dưng thành dốt, ngu, tham, ác và vô liêm sỉ một cách lạ lùng. Nhiều quốc gia khác ở Tây phương, bình thường đầy nhân đạo, nhưng thời tư tưởng thực dân chủ nghĩa bành trướng, cũng trở thành tham và ác, dù không phải lúc nào họ cũng dốt, ngu và vô liêm sỉ.
Bởi vậy, câu “cái nước mình nó thế”, thật ra, là một câu nói vô nghĩa.
Nói “chế độ mình nó thế” thì được. Còn “nước mình nó thế” thì sai.
Thứ hai, gắn liền với chủ nghĩa định mệnh, câu nói ấy cũng mang tính đầu hàng chủ nghĩa. Trước mọi nghịch cảnh, chỉ cần buông câu “cái nước mình nó thế”, người ta dễ có cảm tưởng an tâm và chấp nhận những nghịch cảnh ngang trái ấy như một cái gì hiển nhiên, đương nhiên, không thể tránh thoát. Nó tiêu diệt mọi ý chí phản kháng, hơn nữa, mọi nỗ lực thay đổi. Nó tạo ra vẻ ưu thời mẫn thế giả. Nó đóng kín mọi lối ra. Thực chất, nó dễ trở thành một sự đồng loã với những cái dốt, cái ngu, cái tham, cái ác và cái vô liêm sỉ.
Nhà cầm quyền Việt Nam không cần một thái độ nào hơn cái thái độ ấy.
Bởi vậy, tôi nghĩ, người Việt Nam hiện nay nên tập nghĩ và tập nói: CÁI NƯỚC MÌNH NÓ KHÔNG THỂ NHƯ THẾ!
Không thể.
Trong bài “Từ nhận thức đến hành động”, tôi khen nhiều người ở Việt Nam có nhận thức đúng về hiện tình của đất nước. Khen họ thấy được nguy cơ xâm lấn của Trung Quốc trên Biển Đông. Khen họ thấy được quốc nạn tham nhũng và sự kiệt quệ của nền kinh tế Việt Nam. Khen họ cảm nhận được đúng sự xuống cấp của văn hoá, giáo dục cũng như những vấn đề liên quan đến giao thông, y tế và xã hội. Những nhận thức như vậy, theo tôi, khá chính xác. Nhưng liệu chúng có đủ để dẫn Việt Nam đi vào con đường dân chủ hoá hay không?s
Câu trả lời: Không.
Để có dân chủ, người ta cần có những tầm nhận thức khác, trong đó, có hai nhận thức quan trọng nhất: sự thừa nhận cái khác và ý thức về quyền.
Cốt lõi của dân chủ nằm ở sự thừa nhận cái khác. Thực chất của cái khác ấy là cái riêng. Xã hội loài người bao giờ cũng đa tạp và phức tạp, vừa có cái chung vừa có cái riêng. Nếu không tìm kiếm được cái chung, tập thể cứ tiếp tục phân hoá, không thể hình thành xã hội được. Nhưng chỉ có cái chung và triệt tiêu mọi cái riêng, xã hội không thể phát triển lành mạnh được. Trong suốt chế độ phong kiến, kéo dài cả hàng ngàn năm, người ta chỉ áp đặt những cái chung lên mọi người. Chỉ ở thời hiện đại, khi ý thức cá nhân chủ nghĩa hình thành, người ta mới biết tôn trọng những cái riêng tư và riêng biệt ở mỗi người. Chính việc tôn trọng những cái riêng ấy sẽ dẫn đến dân chủ.
Ở Việt Nam, cho đến thời kỳ đổi mới vào khoảng giữa thập niên 1980, chính quyền vẫn không thừa nhận những cái riêng. Thấy rõ nhất là trong văn học nghệ thuật, ở đó, người ta chủ trương mọi bài viết, thuộc mọi thể loại, chỉ nhằm phản ánh tinh thần chung của thời đại. Chế Lan Viên có câu thơ tiêu biểu cho chủ trương ấy: “Khi đứng riêng tây, ta thấy mình xấu hổ”. Để tránh cảnh “đứng riêng tây” ấy, chính quyền tìm cách quản lý chặt chẽ giới văn nghệ sĩ. Mọi người đều đứng trong một tổ chức: Hội nhà văn Việt Nam; tin vào một ý thức hệ: chủ nghĩa Mác-Lênin; đi theo một phương pháp sáng tác: chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa; có cùng một đặc điểm: tính đảng và một mục tiêu: phục vụ đảng. Hết. Văn học nghệ thuật, do đó, dù được khuyến khích và hỗ trợ đến mấy, vẫn không thể tránh được khuyết điểm này: đơn điệu. Cả trăm hay cả ngàn đoá hoa rực rỡ nhưng tất cả đều chỉ có một loài hoa duy nhất.
Sau này, từ ngày đổi mới, những ràng buộc khe khắt ấy dần dần được nới lỏng. Giới cầm bút được khá nhiều tự do để theo đuổi những cái riêng của mình. Văn học nghệ thuật Việt Nam, trong một thời gian ngắn, khởi sắc hẳn. Nhiều tác phẩm được dịch sang tiếng nước ngoài và được giới độc giả cũng như phê bình ngoại quốc đánh giá cao.
Tuy nhiên, xã hội chỉ thừa nhận những cái riêng về văn học, nghệ thuật hay văn hoá nói chung. Những cái riêng trong lãnh vực chính trị vẫn tiếp tục bị nghiêm cấm. Trong khi dân chủ thực sự chỉ gắn liền với những cái riêng về chính trị: Người ta được quyền có những suy nghĩ riêng về đất nước cũng như về chế độ. Ở Việt Nam hiện nay, tất cả những người công khai theo đuổi những cái riêng về chính trị ấy đều bị vu tội là tuyên truyền chống phá nhà nước nên bị trấn áp một cách dã man. Nhiều người còn bị tù tội.
Nền tảng thứ hai của ý thức dân chủ là ý thức về quyền.
Mọi quyền lực (power) về phương diện chính trị đều dựa trên hai yếu tố: Giới lãnh đạo thì có thẩm quyền (authority), còn dân chúng thì có quyền (rights). Thẩm quyền là cái gì được uỷ thác từ những người có quyền. Hình thức uỷ thác phổ biến và đáng tin cậy nhất là bầu cử một cách tự do, bình đẳng và minh bạch. Ở Việt Nam cũng có bầu cử. Nhưng bầu cử ở Việt Nam lại có hai đặc điểm đi ngược hẳn lại tinh thần dân chủ: Một, chỉ có đảng viên mới được bầu lãnh đạo. Mà thật ra, không phải tất cả đảng viên. Chỉ có một số đảng viên được gọi là đại biểu mới được bầu Ban chấp hành Trung ương, rồi chỉ có Ban chấp hành Trung ương mới được bầu Bộ Chính trị, và, cuối cùng, chỉ có Bộ Chính trị mới được bầu người thực sự lãnh đạo cả nước. Hai, dân chúng chỉ được bầu Quốc hội, nhưng ở đây lại có hai điều: Dân chỉ được bầu những ai được đảng đề cử và bản thân Quốc hội lại không có quyền lực gì cả. Chức năng chính của Quốc hội là hợp thức hoá những chính sách đã được đảng quyết định.
Thiếu sự uỷ thác, có thể nói, thẩm quyền của giới cầm quyền Việt Nam là hoàn toàn không chính đáng. Cũng có thể nói, một chế độ chỉ thực sự chính đáng và thực sự dân chủ khi, và chỉ khi, các quyền của người dân được tôn trọng.
Nhưng nhà cầm quyền không tự nhiên tôn trọng các quyền của công dân. Ngày xưa, vua chúa không hề tôn trọng các quyền ấy. Hiện nay, dưới tất cả các chế độ độc tài, giới lãnh đạo cũng không hề tôn trọng chúng. Quyền không phải là cái gì tự nhiên hay do bố thí. Quyền chỉ có khi người ta biết giành lấy. Lịch sử của dân chủ thực chất là lịch sử của việc giành giật các quyền làm người và quyền làm công dân. Nhưng muốn giành được các quyền ấy, điều kiện đầu tiên và tiên quyết nhất là người dân phải có ý thức về quyền của mình. Một trong những vấn đề làm cản trở tiến trình dân chủ ở Việt Nam hiện nay là, một mặt, nhà cầm quyền không tôn trọng các quyền của dân chúng; mặt khác, chính dân chúng lại không ý thức và do đó, không dám nhân danh những cái quyền của mình để đòi hỏi giới lãnh đạo phải chấp nhận dân chủ.
Khi một số người dân nghe theo lời của giới lãnh đạo “đồng bào đừng lo, để cho đảng và nhà nước lo”, họ đang tự từ khước các quyền tham gia vào các sinh hoạt chính sự của mình. Đó không những là một sự vô cảm mà còn là một sự vô cảm dại dột. Với sự dại dột ấy, dân chủ vẫn là một ước mơ xa vời.
Nói một cách tóm tắt, trong tình hình Việt Nam hiện nay, muốn có dân chủ, người dân không phải chỉ cần nhận thức đầy đủ và chính xác những vấn đề và những thử thách mà đất nước đang đối diện. Người ta cần phải có ý thức sâu sắc về những cái riêng, những cái khác và những cái quyền căn bản của mình. Chỉ có những ý thức ấy mới làm người ta không thể chấp nhận được được sự độc tài toàn trị, và từ đó, dẫn đến những hành động cần thiết và hiệu quả.
>