Trong bài “Tiếng Việt nào ?”, tôi nêu lên một luận điểm chính: Ngôn ngữ, ở cấp độ từ vựng, không có tính chính trị. Tính chính trị của từ không nằm trong bản thân của các từ ấy. Tính chính trị chỉ có trong các cách sử dụng.
Bài ấy gây nên khá nhiều tranh luận, không những chỉ trên blog này mà còn trên nhiều diễn đàn khác, kể cả trên báo in. Nhiều người đồng ý với tôi. Nhưng cũng không ít người phản đối. Lý do phản đối, theo tôi, là vì điểm này: người ta nhầm. Tôi chỉ giới hạn ở cấp độ từ vựng. Người ta nhìn ở phạm vi ngôn ngữ nói chung. Nhưng từ vựng chỉ là một phần nhỏ của ngôn ngữ. Nếu từng từ không có tính chính trị thì ngôn ngữ, ngược lại, lúc nào cũng đậm màu sắc chính trị. Ngôn ngữ của cộng sản, bất cứ là chế độ cộng sản nào, lại càng đầy tính chính trị.
Tôi viết bài này để làm sáng tỏ thêm những điều ấy. Bài viết khá dài và vì đề cập đến những vấn đề tương đối phức tạp nên khá nặng nề. Tôi xin cắt thành nhiều kỳ để vừa hợp với khuôn khổ của blog vừa dễ đọc.
***
Ngôn ngữ nào cũng có tính chính trị, hơn nữa, có thể nói, trong lãnh vực văn hóa, không ở đâu tính chính trị lại thể hiện rõ và sâu như trong ngôn ngữ.
Tính chính trị ấy thể hiện ở hai góc độ: một, bên trong, từ ngay trong bản chất của ngôn ngữ; và hai, bên ngoài, từ cách ứng xử với ngôn ngữ của con người, hoặc cụ thể hơn, của các thế lực chính trị trong xã hội.
Trong bài này, tôi chỉ xin đề cập sơ lược về bản chất của ngôn ngữ.
Nói đến bản chất của ngôn ngữ, không thể không nhắc đến Ferdinand de Saussure (1857-1913), người được xem là cha đẻ của ngành ngôn ngữ học hiện đại và cũng là người đặt nền tảng cho cấu trúc luận (structuralism) và ký hiệu học (semiotics), hai trường phái có ảnh hưởng sâu rộng không những trong ngôn ngữ học mà cả trong triết học, phê bình và nghiên cứu văn học cũng như nhân chủng học, văn hóa học và xã hội học.
Để tìm hiểu bản chất của ngôn ngữ, Saussure bắt đầu bằng phương pháp loại trừ.
Thứ nhất, ông loại trừ khía cạnh lịch đại (diachronic) và chỉ tập trung vào khía cạnh đồng đại (synchronic) của ngôn ngữ, nghĩa là, ông bỏ qua ngôn ngữ học lịch sử với những sự tiến hóa và thay đổi theo thời gian để chỉ tập trung vào ngôn ngữ học miêu tả, ở đó, ông phân tích ngôn ngữ như cách nó đang được sử dụng trong một thời điểm nhất định, đặc biệt trong hiện tại.
Thứ hai, ở khía cạnh đồng đại, ông loại trừ các lời nói cụ thể của từng cá nhân (parole/speech) để chỉ tập trung vào ngôn ngữ như một hệ thống (language) với những quy luật và quy tắc cấu tạo chung được mọi người trong cộng đồng ngôn ngữ ấy học tập, nhập tâm và vận dụng trong các hoạt động giao tiếp. Nói cách khác, theo Saussure, lời nói có tính chất cá nhân và tạm thời, vừa chịu ảnh hưởng của tâm lý người phát ngôn vừa chịu ảnh hưởng của môi trường với những tương tác của nhiều yếu tố xã hội khác nhau. Chúng xuất hiện rồi chúng biến mất. Chúng thường xuyên thay đổi. Ngôn ngữ, ngược lại, với tư cách một hệ thống, có tính chất trừu tượng và bền vững, gắn liền với nhận thức, là nền tảng để từ đó người ta tổ chức các lời nói. Chính ngôn ngữ, hiểu theo nghĩa ấy, mới là yếu tố căn bản và là đối tượng nghiên cứu của ngôn ngữ học.
Thứ ba, trong ngôn ngữ, Saussure loại trừ toàn bộ các liên hệ bên ngoài, ví dụ giữa ngôn ngữ và hiện thực, để chỉ tập trung vào cấu trúc nội tại của ngôn ngữ, cái ông xem như một hệ thống ký hiệu (system of signs). Với ông, mỗi ký hiệu bao gồm hai khía cạnh: cái biểu đạt (signifier) – chủ yếu là phần âm thanh của chữ (ví dụ: âm “chó”) - và cái được biểu đạt (signified) – tức ý niệm do âm thanh ấy gợi lên trong óc người nghe (tức ý niệm “chó”, con vật chúng ta thường nuôi trong nhà). Saussure nhấn mạnh: “Một ký hiệu không phải là dấu nối giữa một vật và một cái tên mà là giữa một ý niệm và một khuôn âm”.(1) Cái gọi là ý nghĩa của ngôn ngữ, do đó, theo cách nhìn của Saussure, chỉ là quan hệ giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt cũng như sự khác biệt giữa cái biểu đạt này với cái biểu đạt khác. Hiện thực bên ngoài ngôn ngữ cũng như cả người nói lẫn người nghe đều bị loại trừ.
Ảnh hưởng của Saussure, như trên đã nói, cực kỳ sâu rộng, góp phần hình thành nên diện mạo của toàn bộ các ngành khoa học xã hội và nhân văn trên thế giới trong suốt thế kỷ 20.
Ảnh hưởng ấy đến từ hai nguồn: những người theo ông và những người chống lại ông.
Trong số những người chống lại Saussure, nổi bật nhất là một số lý thuyết gia người Nga hoạt động chủ yếu trong thập niên 1920 như Mikhail M. Bakhtin (1895-1975) và Valentin N. Voloshinov (1895-1936) (2). Cả hai đều theo khuynh hướng Mác xít nhưng cả hai đều, một, bị trù dập dưới chế độ Xô Viết và, hai, chỉ nổi tiếng ở phương Tây, đặc biệt qua các nhà hậu cấu trúc luận (poststructuralism) và hậu-Mác xít (post-Marxism) ở Pháp và ở Anh từ đầu thập niên 1960 trở đi. Cả hai đều, một mặt, ngưỡng mộ Saussure và đều tiếp nhận nhiều quan điểm đầy tính phát kiến của Saussure, nhưng mặt khác, đều phê phán Sassure là theo chủ nghĩa khách quan trừu tượng (abstract objectivism) khi loại trừ mọi mối quan hệ bên ngoài các ký hiệu. Theo cả hai, mỗi ký hiệu là một kiến tạo giữa những người mang tính xã hội trong tiến trình tương tác giữa họ với nhau. Bởi vậy “các hình thức của ký hiệu đều được điều kiện hóa, trước hết, bởi các tổ chức xã hội của các thành viên tham gia và cũng bởi các điều kiện trực tiếp trong sự tương tác giữa họ với nhau.” (3)
Từ đó, họ đi đến một số kết luận chính, trong đó, đáng chú ý nhất là: một, ngôn ngữ, tự bản chất có tính chất tương thoại (dialogic) và đa thanh (heteroglossia), bao gồm nhiều người với nhiều cách nói khác nhau: chúng tồn tại bên nhau, nhiều lúc trộn lẫn vào nhau; và hai, chúng ta không thể hiểu được các sáng tạo ngôn ngữ mà không chú ý đến các ý nghĩa và giá trị mang tính ý thức hệ tiềm ẩn bên trong chúng. (4)
Từ nhiều góc độ và với nhiều mức độ khác nhau, hầu hết giới nghiên cứu đều đồng ý với Bakhtin và Voloshinov: ngôn ngữ không thể thoát được chính trị. Michel Foucault (1926-84) cho kiến thức tự nó là một biểu hiện của quyền lực (5). Mà quyền lực lại là chính trị. Và kiến thức thì lại được chuyên chở bởi ngôn ngữ. Chỉ bởi ngôn ngữ. Bởi vậy cũng có thể nói ngôn ngữ là một thứ quyền lực. Pierre Bourdieu cũng cho mọi ngôn ngữ đều có tính chính trị: Trong ngôn ngữ không có từ nào là ngây thơ và cũng không có từ nào là trung tính: từ, ngay cả những từ chỉ khẩu vị (taste) quen thuộc thường được nhìn nhận với những ý nghĩa khác nhau, thậm chí đối lập nhau từ tầng lớp xã hội này đến tầng lớp xã hội khác (6). Erving Goffman (1922-82), trước Foucault và Bourdieu, quy tính chính trị của ngôn ngữ vào các quan hệ xã hội: Theo ông, việc hành ngôn bao giờ cũng gắn liền với ý niệm sĩ diện (face), bao gồm hai khía cạnh chính: sĩ diện tiêu cực (negative face) và sĩ diện tích cực (positive face). Cứ hễ mở miệng ra nói điều gì đó với ai đó, dù muốn hay không chúng ta cũng tạo cơ hội cho người khác hoặc lắng nghe hoặc làm lơ, hoặc đồng ý hoặc phản đối, hoặc thương yêu hoặc ghét bỏ, hoặc kính trọng hoặc khinh khi. Bởi vậy, trước và trong khi nói, không ai không ít nhiều đắn đo cân nhắc (7). Có thể lấy bài ca dao quen thuộc này làm ví dụ:
Hôm qua tát nước đầu đình,
Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen.
Em được thì cho anh xin
Hay là em để làm tin trong nhà.
Áo anh sứt chỉ đường tà,
Vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu.
Áo anh sứt chỉ đã lâu,
Mai mượn cô ấy về khâu cho cùng.
Khâu rồi anh sẽ công,
Đến khi lấy chồng anh sẽ giúp cho.
Giúp cho một gánh xôi vò
Một con lợn béo, một vò rượu tăm
Giúp cho đôi chiếu em nằm
Đôi chăn em đắp, đôi tằm em đeo.
Giúp cho quan tám tiền cheo
Quan năm tiền cưới, lại đèo buồng cau.
Cả bài ca dao chỉ là một lời tán tỉnh của một anh nông dân với một cô thôn nữ. Chiến lược tán tỉnh ấy dựa trên ba yếu tố chính: thứ nhất, về cớ: cái áo bỏ quên; thứ hai, về cấu trúc tự sự: quan hệ giữa nhờ vả và trả công; và thứ ba, quan trọng nhất, về ngôn ngữ: thay đổi đại từ xưng hô từ “em” sang “cô ấy” (câu thứ 8, “Mai mượn cô ấy về khâu cho cùng”) và rồi quay trở lại với “em”. “Cô ấy”, ngôi thứ ba số ít, thật ra, cũng chỉ là “em”, ngôi thứ hai, người anh đang nói chuyện thôi. Nhưng sao lại là “cô ấy”? Lý do chính là vì dè dặt: anh không chắc về sự hưởng ứng của cô gái. Đó là cách nói lảng. Để thăm dò. Và cũng để phòng thủ. Như một cách giữ thể diện nếu bị cô gái từ chối hoặc có phản ứng bất lợi. Sau khi an tâm hẳn, anh mới quay về với chữ “em”: người anh muốn nhờ vả và trả công, tức người anh muốn tỏ tình và muốn lấy làm vợ, không ai khác hơn là chính “em”.
Kỳ tới, chúng ta sẽ bàn thêm về bản chất của ngôn ngữ.
***
Chú thích:
Ferdinand de Saussure, (1983) Course in General Linguistics, Roy Harris dịch, La Salle, Ill.: Open Court, tr. 66.
Từ các luận điểm đã nêu lên trong bài trước, có thể nói một cách tóm tắt, theo tôi, về bản chất, ngôn ngữ có hai chức năng chính: một, định danh sự vật, hiện tượng hoặc ý niệm; và hai, giao tiếp với người khác hoặc với chính mình (trường hợp độc thoại hoặc lúc đang tưởng tượng hay suy nghĩ).
Trong bài này, xin đề cập đến chức năng đầu trước: chức năng định danh.
Với chức năng định danh, ngôn ngữ biến thế giới con người thành một thế giới được ký hiệu hóa (signification), nghĩa là thế giới của ý nghĩa. Nhưng ý nghĩa lại là một thứ quan hệ, trước hết, như Saussure từng nhấn mạnh, là quan hệ giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt, sau đó, như các nhà hậu cấu trúc luận và giải kiến tạo (deconstruction) thêm vào, là trùng trùng điệp điệp những thứ quan hệ khác: giữa cái biểu đạt này với một hoặc nhiều cái biểu đạt khác, giữa cái được biểu đạt này với một hoặc nhiều cái biểu đạt hoặc cái được biểu đạt khác, giữa người phát ngôn (addresser/enunciator) với người nhận sự phát ngôn (addressee/enunciatee) và, rộng hơn, giữa văn bản này với văn bản khác, từ đó, nảy ra một yếu tố khác của ký hiệu hóa: giá trị.
Trong ngôn ngữ, do đó, không phải chỉ có ý nghĩa mà còn có giá trị. Mỗi ngôn ngữ có một bảng giá trị riêng.
Ví dụ, người Việt Nam sống với từ “chó” trong khi người nói tiếng Anh sống với từ “dog”: Hai từ ấy vừa giống nhau lại vừa không giống nhau. Giống ở ý nghĩa: cả hai từ đều chỉ con vật bốn chân vẫn thường được nuôi trong nhà. Nhưng khác ở giá trị: “chó” mang hàm ý khinh miệt mà “dog” không có. Khinh miệt đến độ, thứ nhất, nó được dùng chủ yếu để chửi, lại là một trong những cách chửi nặng nề nhất trong tiếng Việt; và thứ hai, người ta cảm thấy ngại ngùng khi dùng từ “chó” để chỉ một món ăn dân dã, khoái khẩu và quen thuộc: lúc ấy chó sẽ biến thành cầy hoặc nai đồng quê hoặc một thứ gì khác.
Để chỉ những người thuộc phái nữ, tiếng Việt có hai từ: “phụ nữ” và “đàn bà”. Trong hai từ ấy, chữ “phụ nữ” có âm hưởng lịch sự và trang trọng hơn hẳn chữ “đàn bà”. “Phụ nữ” là từ có tính nghi thức (formal) để chỉ người hoặc những người mình kính trọng; “đàn bà” là từ bình dân, được dùng trong trường hợp hoặc thân mật hoặc khinh thường. Thế nhưng, “phụ nữ”, vốn là từ Hán Việt, trong gốc gác của nó, ở Trung Quốc, lại không sang và không nhã như trong tâm thức người Việt: Về từ nguyên, chữ “nữ” được tượng trưng bằng hình ảnh một người đang quỳ với hai bàn tay chắp lại đầy cung kính (女); chữ “phụ”, chỉ đàn bà, được tượng trưng bằng hình ảnh một người nữ với cây chổi (婦), nghĩa là kẻ mà số phận bị buộc chặt vào các công việc nội trợ, chỉ quanh quẩn trong nhà, hoặc tệ hơn, trong bếp.
Người Việt Nam không có tinh thần trọng nam khinh nữ một cách nặng nề như người Trung Quốc nhưng trong phạm vi ngôn ngữ rõ ràng vẫn có sự ưu ái dành cho phái nam. Trong hệ thống từ chỉ thân tộc trong tiếng Việt, số từ chỉ bên nội và nam giới nhiều hơn hẳn bên ngoại và nữ giới: Bên nội, ngang hàng với bố, phía nam giới, có sự phân biệt giữa anh (bác) hay em (chú); phía nữ giới, chỉ có chữ cô cho cả chị lẫn em; bên ngoại, ngang hàng với mẹ, chỉ có cậu và dì, bất kể là anh/chị hay em.
Bởi vậy, nhiều lý thuyết gia cho ngôn ngữ không những phản ánh hiện thực mà còn kiến tạo hiện thực. Thật ra, không có hiện thực chung chung. Hiện thực bao giờ cũng là những gì được khái niệm hóa và phạm trù hóa qua ngôn ngữ.
Cứ nhìn quanh những người cùng máu mủ và cùng thế hệ trong gia đình chúng ta thì biết. Thì cũng là người vậy thôi. Thế nhưng, nhìn những người ấy, người nói tiếng Anh, chỉ thấy có hai, chủ yếu theo phái tính: brother/sister; người nói tiếng Việt lại thấy đến ba, không những theo phái tính mà còn theo tuổi tác: anh/chị/em. Nhìn lên các bậc bề trên trong gia đình, người nói tiếng Anh chỉ thấy ông bà (grandparents), người nói tiếng Việt không những chỉ thấy ông bà mà còn thấy cả phía nội (ông/bà nội) và phía ngoại (ông/bà ngoại) và đằng sau chúng là một lịch sử dằng dặc dựa trên chế độ phụ hệ, ở đó không những chỉ có sự phân biệt về phái tính mà còn có cả sự phân biệt giữa tình và lý, giữa nguyên tắc và thực tế (cháu bà nội, tội bà ngoại).
Nhìn ra ngoại giới chung quanh, ở cái nơi người nói tiếng Anh thấy hai màu (blue/green), người Việt Nam chỉ thấy có một màu: xanh; nơi người Việt Nam thấy có hai màu với hai sắc độ khác hẳn nhau: đỏ và hồng, người Trung Hoa chỉ thấy một: hồng (紅). Edward Sapir và Benjamin Lee Whorf cho cách con người cảm nghiệm và nhận thức về thế giới bị quy định bởi cái ngôn ngữ người ấy sử dụng. Mọi người, dù muốn hay không, cũng nhìn thế giới qua một lăng kính nhất định: lăng kính ấy được hình thành bởi ngôn ngữ (1). Dĩ nhiên, điều này không hề phủ nhận một chiều ngược lại: cách chúng ta nhìn thế giới cũng sẽ ảnh hưởng đến ngôn ngữ mà chúng ta sử dụng.
Trong cái gọi là hiện thực được khái niệm hóa và phạm trù hóa, quan trọng nhất là các quan hệ xã hội và ý niệm về bản sắc cá nhân.
Khi phát ngôn, người nói tiếng Anh dùng đại từ “I/me” như một cách xác định quan hệ nói-nghe bình đẳng với người đối thoại, trong khi đó, người Việt Nam sẽ dùng hàng loạt các đại từ hoặc đại từ tạm thời như “tôi”, “anh”, “chị”, “em”, “cháu”, “thầy”, “cô”… mượn từ lớp danh từ chỉ thân tộc hoặc nghề nghiệp. Nói cách khác, khi mở miệng, người nói tiếng Anh (hoặc người Tây phương nói chung) chỉ có một quan hệ: quan hệ hành ngôn; người Việt lại có một thứ quan hệ khác: quan hệ gia đình và xã hội. Xã hội, hoặc phần lớn cái gọi là xã hội ấy, với người Việt Nam, thật ra, cũng chỉ là một thứ gia đình mở rộng: người này là ông/bà; người kia là chú/bác/cô/dì và người nọ là anh/chị/em/con/cháu. Quan hệ gia đình chịu sự tác động của hai yếu tố: vai vế và tuổi tác. Cũng có thể nói, người Việt Nam, trong lúc chuyện trò, bao giờ cũng tự định nghĩa mình bằng một trong hai hoặc cả hai tiêu chí ấy: vai vế và tuổi tác. Bản sắc của cá nhân, một phần, được định hình ngay từ hai yếu tố ấy.
Điều đó có nghĩa là ngôn ngữ không phải chỉ kiến tạo hiện thực: Nó còn kiến tạo nên con người. Nói cách khác, thoạt kỳ thủy, ngôn ngữ vốn là sản phẩm của con người nhưng sau đó, con người lại bị biến thành sản phẩm của ngôn ngữ: con người hành xử và suy nghĩ trong cái thế giới do ngôn ngữ mình tạo ra. Một ngôn ngữ không có số đếm, dù là những số căn bản nhất như ngôn ngữ của bộ lạc Piraha ở bên bờ sông Maici sâu trong khu rừng rậm Amazon, sẽ không thể có ý niệm về số lượng, kể cả số lượng về thời gian: với họ, đời sống là những gì đang diễn ra trước mắt. Không có kiếp trước và không có kiếp sau. Không có thời gian, họ cũng không có chuyện hay truyện vốn là những gì không những cần thời tính mà còn cần cả những quan hệ mang thời tính: nguyên nhân và kết quả.
Một ngôn ngữ không có những từ như “tự do”, “dân chủ” hay “nhân quyền”, chẳng hạn, hẳn sẽ không thể cảm nhận hết nỗi đau đớn và nhục nhã của trạng thái bị ràng buộc hay áp bức và chà đạp.
Trong quan hệ xã hội, một khía cạnh quan trọng và nổi bật nhất là quan hệ phái tính. Ngay cách phân chia phái tính ra làm hai ở hầu hết các ngôn ngữ (nam/nữ; male/female) đã loại trừ những người đồng tính: Không nằm trong hai phạm trù chính, họ bị xem là bất bình thường, là bệnh hoạn hoặc kỳ quái (queer). Giữa nam và nữ, hầu hết các ngôn ngữ đều thiên vị phái nam. Trong tiếng Anh, đàn ông (man) tượng trưng cho loài người nói chung (mankind / human); trong chữ Hán, có khoảng 250 từ có chứa đựng từ tố nữ, trong đó, ngoài những từ thuần miêu tả, còn lại hầu hết đều mang nghĩa tiêu cực, như một cách đồng nhất phụ nữ với cái xấu: chữ “gian” (gian đối) được tạo thành bởi hình ảnh ba người phụ nữ (姦); trong chữ “nộ” (giận dữ) cũng được tạo thành bởi hình ảnh trái tim của người phụ nữ (怒); trong chữ “đố” (妒) (ganh ghét) và chữ “yêu” (要) (yêu sách, đòi hỏi) cũng có bộ nữ bên cạnh hoặc phía dưới, v.v. (2)
Chính vì vậy, nhiều nhà nữ quyền luận ở Tây phương thường cho ngôn ngữ phản ánh cái nhìn của nam giới, nhằm xây dựng những quan hệ xã hội trong đó ưu thế thuộc hẳn về nam giới; tự bản chất, nó là sản phẩm của nam giới và được kiểm soát bởi nam giới. Đó cũng là chính trị. Thứ chính trị mang tính duy dương vật luận (phallogocentrism/phallocentrism).
Bên cạnh quan hệ về phái tính, còn có quan hệ về tuổi tác. Tiếng Việt là một ví dụ. Thứ nhất, trong hệ thống từ vựng chỉ quan hệ thân tộc bằng tiếng Việt, chúng ta thấy sự kỳ thị về tuổi tác rất rõ: Số từ chỉ bậc trên, từ bố mẹ trở lên (bố/mẹ, chú, bác, cô, dì, cậu, dượng…), nhiều hơn hẳn số từ chỉ bậc dưới (chỉ có chữ “con” cho cả con trai lẫn con gái, con rể lẫn con dâu; và “cháu” cho cả cháu nội lẫn cháu ngoại cũng như cháu họ). Bậc ngang hàng với chúng ta, ở bề trên, tiếng Việt phân biệt nam và nữ: Nam là “anh”, nữ là “chị”; nhưng thuộc bề dưới thì chỉ có một chữ “em” cho cả hai phái. Khi cần phân biệt, chúng ta phải thêm “em trai” hay “em gái”. Nhưng đó là ngữ chứ không phải là từ. Thứ hai, trong cách nói lịch sự, tất cả các nguyên tắc đều chỉ được áp dụng từ dưới lên trên: trẻ, nói chuyện với người lớn, phải “thưa”, “dạ” ở đầu câu và “ạ” ở cuối câu; còn già, nói chuyện với trẻ, mọi nguyên tắc đều được miễn trừ. Chỉ cần thân mật là đủ. Chứ không cần lịch sự.
Bắt chước cách nói của các nhà nữ quyền luận, chúng ta cũng có thể kết luận: tiếng Việt chủ yếu là ngôn ngữ của người già. Về chức năng giao tiếp, ở mọi thời và mọi nơi, với những mức độ khác nhau, con người sử dụng ngôn ngữ hoặc như một công cụ hoặc như một vũ khí hoặc cả hai cùng lúc. Với tư cách công cụ, ngôn ngữ được dùng để chào hỏi, mời mọc, để truyền đạt thông tin và ý tưởng, để bộc lộ cảm xúc, để làm sáng tỏ một vấn đề gì đó hoặc, nhiều nhất, chỉ để tạo niềm vui trong các quan hệ liên cá nhân như hầu hết các câu chuyện phiếm hàng ngày của chúng ta. Với tư cách vũ khí, ngôn ngữ được sử dụng để tố cáo, để trấn áp, để hạ nhục, để đe dọa, để khiêu khích, để lừa dối, hoặc để làm vừa lòng hay đau lòng người khác. Xin lưu ý là không phải chỉ với tư cách một vũ khí, ngôn ngữ mới có tính chính trị. Tính chính trị thể hiện ngay cả khi người ta chỉ sử dụng ngôn ngữ như một công cụ. Bất cứ diễn ngôn nào nhằm tới ý đồ tác động lên người khác, dù tốt hay xấu, dù trong quan hệ riêng tư hay công cộng, đều có tính chính trị.
Xin nêu ví dụ từ một đoạn đối thoại giữa Lộc và mẹ Lộc, bà Án, trong cuốn Nửa chừng xuân của Khái Hưng.
Sau khi sống chung với Mai một thời gian mà không báo cho mẹ biết, Lộc về thăm mẹ với ý định xin mẹ cho phép được chính thức cưới Mai. Trước, Lộc biết là mẹ không đồng ý. Lý do là giữa hai người không môn đăng hộ đối: Mai là một cô gái mồ côi và nghèo nàn. Bởi vậy, đến gặp mẹ, Lộc không giấu được sự lo lắng và đau khổ. Bà Án hỏi:
“Chuyện gì thế con?”
Lộc thưa:
“Bẩm mẹ, mẹ có tha tội cho con thì con mới dám thưa.”
“Con cứ nói.”
Lộc cúi đầu nhìn xuống đất thì thầm:
“Cô Mai...”
Lộc bỗng ngừng lại. Bà Án hỏi:
“Con Mai, có phải con bé nhà quê nó rủ rê, nó quyến rũ anh không?”
Lộc mỉm cười:
“Bẩm mẹ, nói con quyến rũ người ta thì đúng hơn?”
“Ừ, thế sao?”
“Bẩm mẹ, bây giờ cô ấy vẫn ở với con, cô ấy đã...”
Bà Án đứng phắt dậy trỏ tay vào mặt con, mắng:
“Thế thì mày giỏi thật...Mày dối tao, mày đánh lừa tao... mày đi thuê nhà riêng để ở với nó. Mày còn coi tao ra gì nữa, thằng kia?”
Ngôn ngữ của hai mẹ con Lộc khác hẳn nhau: Lộc thì lúc nào cũng cung kính, còn mẹ Lộc thì lúc ngọt ngào, lúc cảnh giác, lúc đầy quyền uy. Trong một mẩu đối ngoại ngắn, cách bà gọi Lộc thay đổi ba lần: thoạt đầu là “con”; sau, “anh”; và cuối cùng, “mày”. Mỗi cách gọi không những gắn liền với một trạng thái tâm lý mà còn với bản chất của quan hệ. Thì cũng vẫn là mẹ con thôi. Nhưng khi gọi Lộc bằng “con”, bà Án là một người mẹ; bằng “anh”, bà trở thành một người đối thoại đang thăm dò và dẫn dắt câu chuyện; và bằng “mày”, bà là chủ gia đình, kẻ quyết định, người muốn giành tiếng nói cuối cùng trong chuyện hôn nhân của con cái. Có thể nói thao tác hành ngôn của bà Án thực chất là một thao tác chính trị: từ đầu đến cuối, qua ngôn ngữ, lúc nào bà cũng phô diễn quyền lực trên đứa con trai, lúc là quyền lực của tình thương, lúc là quyền lực của lý trí và cuối cùng, quyền lực của luân lý vốn gắn liền với vị thế của một người gia trưởng.
***
Chú thích:
Ở bài trước, tôi đã chứng minh tính chính trị của ngôn ngữ từ chính bản chất của ngôn ngữ. Tính chính trị ấy cũng thể hiện rất rõ qua cách loài người hành xử với ngôn ngữ. Cái gọi là “loài người” ấy có thể được nhìn từ ba phạm vi khác nhau: quốc tế, quốc gia và liên cá nhân (interpersonal).
Trong bài này, tôi xin đề cập đến phạm vi quốc tế trước.
Trên thế giới hiện nay, 10 ngôn ngữ được nói nhiều nhất hiện nay là: tiếng Quan Thoại, tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Hindi (ở Bắc và Trung Ấn Độ), tiếng Ả Rập, tiếng Bengali (ở Bangladesh và Đông Ấn), tiếng Nga, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Nhật, tiếng Đức và tiếng Pháp.
Tuy nhiên, cách phân bậc dựa theo người nói như vậy không có ý nghĩa gì nhiều: Nó chỉ tùy thuộc vào dân số. Nước càng đông dân, vị trí tiếng nói của nó càng cao. Ví dụ, tiếng Việt, ai cũng biết, chưa có vị thế gì trên thế giới cả, nhưng vẫn đứng trong danh sách 15 ngôn ngữ được nói nhiều nhất. Trong bảng danh sách kể trên, hai thứ tiếng Hindi và Bengali cũng không có ảnh hưởng gì ngoài Ấn Độ và Bangladesh. Tất cả, từ tiếng Việt đến tiếng Hindi và tiếng Bengali, dù có đông người nói, vẫn không phải là ngôn ngữ quốc tế.
Một số nhà ngôn ngữ chia ngôn ngữ quốc tế (international language) thành hai loại: liên ngữ (interlingual) và nội ngữ (intralingual). Liên ngữ là một ngôn ngữ được học và được sử dụng ở nhiều quốc như một ngôn ngữ thứ hai – hoặc ngoại ngữ - bên cạnh tiếng mẻ đẻ của họ (ví dụ tiếng Anh ở phần lớn các quốc gia trên thế giới), trong khi nội ngữ một ngôn ngữ được xem như ngôn ngữ thứ nhất ở nhiều quốc gia khác nhau (ví dụ tiếng Đức ở Đức, Áo, Thụy Sĩ và Liechtenstein) (1). Tính quốc tế của liên ngữ, do đó, cao hơn hẳn nội ngữ. Cái gọi là liên ngữ quốc tế có nhiều mức độ khác nhau. Cao nhất là ngôn ngữ phổ thông (universal language). Theo Ali A. Mazrui, để được xem là một ngôn ngữ phổ thông, cần có bốn điều kiện (2):
Bài trước đã bàn về tính chính trị của ngôn ngữ ở phạm vi quốc tế. Bài này xin giới hạn trong phạm vi quốc gia và liên cá nhân.
Trong phạm vi quốc gia, việc hình thành ngôn ngữ chính thức bao giờ cũng đi liền với việc hình thành quốc gia. Tinh túy của quốc gia bao giờ cũng là ý niệm về một bản sắc chung. Ý niệm về bản sắc ấy được xây dựng từ nhiều yếu tố như một lịch sử chung, một truyền thống chung, một thị trường chung hoặc thậm chí, một huyết thống chung.
Tất cả những cái gọi là chung ấy, thật ra, không hẳn đã là chung: Chúng trở thành chung, nghĩa là được phổ cập rộng rãi và trở thành niềm tin của quần chúng, từ đó, hình thành nên cái Benedict Anderson gọi là “cộng đồng tưởng tượng” (imagined community), chủ yếu nhờ ba yếu tố chính: một, sự phát triển của kỹ thuật xuất bản và báo chí; hai, sự thịnh phát của văn hóa bình dân; và ba, tiềm ẩn đằng sau cả hai yếu tố vừa kể, là vai trò của một ngôn ngữ chung, thường được gọi là ngôn ngữ chính thức, hoặc đơn giản hơn, quốc ngữ (national language). “Tiếng Anh ở Anh, tiếng Pháp ở Pháp cũng như các ngôn ngữ ở các quốc gia Âu châu khác đều được chuẩn hóa, hợp thức hóa và trở thành ngôn ngữ thống trị trong xã hội cùng lúc với quá trình hình thành quốc gia ở những nơi ấy.” (1)
Xin lưu ý: ngôn ngữ chính thức của quốc gia là một chọn lựa. Quốc gia nào cũng là sự kết hợp của nhiều bộ tộc và nhiều sắc tộc với những văn hóa và ngôn ngữ khác nhau, do đó, quốc gia, tự bản chất, bao giờ cũng có tính chất đa chủng tộc, đa văn hóa và đa ngôn ngữ. Ví dụ, ai cũng biết, ở Việt Nam hiện nay, có trên 50 sắc tộc với trên 50 ngôn ngữ khác nhau, tuy nhiên, chỉ có văn hóa và tiếng nói của người Kinh mới được xem là chính thức và chính thống (2).
Mà không phải chỉ ở Việt Nam. Ở đâu cũng thế. Ở Trung Quốc có đến 292 ngôn ngữ khác nhau nhưng chỉ có tiếng Hán được xem là ngôn ngữ quốc gia. Ở Mỹ có đến khoảng 337 ngôn ngữ khác nhau nhưng chỉ có tiếng Anh được xem (một cách mặc nhiên) là ngôn ngữ chính thức (3). Ở Úc cũng vậy, cũng chỉ có tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức trong khi hàng trăm thứ tiếng khác, trong đó có khoảng 70 thứ tiếng của người thổ dân (nguyên thủy, trước thế kỷ 20, là khoảng 400), những người sinh sống trên quốc gia – lục địa này cả mấy chục ngàn năm trước khi người da trắng đến lập nghiệp.
Không hoài nghi gì cả, quá trình từ một trong nhiều ngôn ngữ trở thành một ngôn ngữ chính thức duy nhất trong cả nước là một quá trình tranh giành quyền lực gay gắt và dai dẳng.
Gay gắt: Ở một số nơi, cuộc tranh giành quyền lực ấy có thể dẫn đến nạn kỳ thị chủng tộc, hoặc có khi, họa diệt chủng: Ở Mỹ và ở Úc trước đây, có một thời gian khá dài, trẻ em thổ dân không được sử dụng tiếng mẹ đẻ của họ trong các trường nội trú. Từ năm 1940, sau khi sát nhập ba nước Estonia, Latvia và Lithuania vào khối Liên bang Xô Viết, với bạo lực và các biện pháp hành chính, Nga biến tiếng Nga thành ngôn ngữ chính thức trong cả ba nước này. Nửa thế kỷ sau, khi hệ thống xã hội chủ nghĩa bị sụp đổ và khối Liên bang Xô Viết bị tan rã, cả ba nước trên trở thành độc lập: Một trong những việc họ làm đầu tiên là tuyên bố ngôn ngữ truyền thống của họ mới là ngôn ngữ chính thức chứ không phải tiếng Nga dù lúc ấy trong xã hội số người nói tiếng Nga rất nhiều (4).
Không những gay gắt, cuộc đấu tranh để thành một ngôn ngữ chính thức còn vô cùng dai dẳng, đầy khúc khuỷu, ở nhiều nơi, cơ hồ không hứa hẹn kết thúc sớm. Ở Sri Lanka, sau khi giành được độc lập từ Anh, hầu hết các chính khách đều đồng ý sử dụng một ngôn ngữ bản địa để thay thế tiếng Anh với tư cách một ngôn ngữ chính thức trong cả nước. Nhưng ngôn ngữ bản địa nào?
Ở Sri Lanka, có hai ngôn ngữ bản địa chính: tiếng Tamil và tiếng Sinhala. Trong mấy chục năm, từ đầu thập niên 1940 đến nay, Quốc Hội Sri Lanka thông qua nhiều đạo luật khác nhau, với những nội dung khác hẳn nhau, lúc thì thiên về tiếng Sinhala, lúc thì thiên về tiếng Tamil, tuỳ theo tương quan lực lượng chính trị từng thời kỳ. Cuối cùng, chính phủ phải tìm cách thỏa hiệp: Tất cả các văn kiện hành chính quan trọng đều được viết bằng ba thứ tiếng: Tamil, Sinhala và tiếng Anh!
Ở Ireland, mặc dù tiếng Anh là ngôn ngữ thống trị hầu như toàn bộ đời sống xã hội nhưng trên nguyên tắc, được Hiến pháp công nhận, ngôn ngữ chính thức của quốc gia gần năm triệu dân này vẫn là tiếng Irish, một thứ tiếng chỉ phổ cập trong khoảng 40% dân số, chủ yếu là những người sống ở thôn quê. Lý do: Đó là ngôn ngữ truyền thống, yếu tố tạo nên bản sắc của dân tộc.
Ở Nam Phi, một nước có 50 triệu dân, thường xuyên bị chia rẽ bởi các vấn đề sắc tộc, đã tìm sự thỏa hiệp bằng cách công nhận đến 11 ngôn ngữ chính thức khác nhau: Afrikaans, Ndebele, Bắc Sotho, Sotho, Swazi, Tswana, Tsonga, Venda, Xhosa, Zulu và tiếng Anh. Trên nguyên tắc, tất cả 11 ngôn ngữ này đều bình đẳng với nhau, dù, đóng vai trò chủ đạo, trong lãnh vực thương mại và khoa học, vẫn là tiếng Anh; trong sinh hoạt gia đình, vẫn là các tiếng Zulu, Xhosa và Afrikaans.
Ngay ở một nước phát triển giàu mạnh và có nền dân chủ cao như Canada, cuộc tranh chấp giữa tiếng Anh và tiếng Pháp với tư cách ngôn ngữ chính thức trong địa phương, đặc biệt ở Quebec, vẫn còn dằng dai, có lúc có nguy cơ dẫn đến những phân hóa trầm trọng về chính trị, đặc biệt về cơ chế: không ít người dân ở Quebec từng lên tiếng đòi quyền độc lập, hoặc ít nhất, quyền tự trị.
Ở Bỉ cũng vậy. Cái quốc gia khá nhỏ với trên 10 triệu dân này bị phân hóa bởi ba ngôn ngữ: tiếng Hà Lan (58% dân số, chủ yếu người Flemings), tiếng Pháp (31%, chủ yếu người Walloons) và tiếng Đức (1%). Về dân số, rõ ràng tiếng Hà Lan chiếm ưu thế. Nhưng về phương diện lịch sử, và do đó, về chính trị, ưu thế lại thuộc về tiếng Pháp: từ cuối thế kỷ 19, Bỉ được sát nhập vào Pháp; dưới thời Napoleon, tiếng Hà Lan bị cấm, tiếng Pháp được xem là ngôn ngữ chính thức duy nhất trong hệ thống hành chính cũng như học đường; hậu quả là vào giữa thế kỷ 19, khi Bỉ tuyên bố độc lập, hầu hết giới trí thức tinh hoa của Bỉ đều nói tiếng Pháp: Họ trở thành một lực lượng chính trị có ảnh hưởng nhất trong cả nước. Năm 1921, chính phủ Bỉ tìm cách thỏa hiệp bằng cách chia nước họ thành ba vùng ngôn ngữ khác nhau: ngôn ngữ chính thức ở phía Bắc là tiếng Hà Lan; phía Nam là tiếng Pháp; ở thủ đô Brussels là song ngữ: tiếng Hà Lan và tiếng Pháp. Nhưng cộng đồng nói tiếng Đức càng ngày càng lớn mạnh, hơn nữa, nước Đức cũng càng ngày càng lớn mạnh và càng có ảnh hưởng lên tình hình chính trị nội bộ của Bỉ, do đó, chính phủ Bỉ lại quyết định cho tiếng Đức thành ngôn ngữ chính thức ở vùng Eupen và Saint-Vith, nơi có nhiều người nói tiếng Đức sinh sống. Sau đệ nhị thế chiến, vị trí của tiếng Đức bị yếu hẳn. Nhưng cuộc tương tranh giữa tiếng Hà Lan và tiếng Pháp vẫn còn tiếp tục, có lúc nước Bỉ có nguy cơ bị tách làm đôi: nước nói tiếng Pháp và nước nói tiếng Hà Lan.
Ở mỗi quốc gia, ngoài sự chọn lựa ngôn ngữ chính thức, ở một số ngôn ngữ chính thức còn có vấn đề lựa chọn giữa các văn tự.
Ở Ấn Độ, sau khi độc lập, ngoài tiếng Anh, người ta chọn tiếng Hindi làm ngôn ngữ chính thức. Nhưng tiếng Hindi lại có ít nhất 13 phương ngữ khác nhau. Quan trọng hơn, tiếng Hindi lại có đến hai văn tự: một, được viết dựa trên chữ Sankrit (gọi là chữ Devanagiri) và một, dựa trên chữ Ả Rập (thường được gọi là Urdu, phổ biến chủ yếu trong cộng đồng người Hồi giáo).
Cuộc tranh giành ngôi vị chính thức giữa hai kiểu chữ viết này không những gắn liền với các cuộc tranh giành quyền lực giữa các địa phương trên lãnh thổ Ấn Độ mà còn với cuộc tranh giành ảnh hưởng của những người Hồi giáo và những người theo các đạo khác – chủ yếu là Ấn Độ giáo, cuối cùng, dẫn đến những tranh chấp khốc liệt giữa Ấn Độ và Pakistan (nơi có nhiều người Hồi giáo và quyết định chọn hẳn thứ chữ Urdu).
Tiếng Séc và tiếng Croat, thật ra, chỉ là hai biến thái của một ngôn ngữ duy nhất, thường được gọi chung là tiếng Serbo-Croatian. Sự khác biệt chủ yếu là ở văn tự: Tiếng Séc được viết theo mẫu tự Cyrillic – giống như tiếng Nga – trong khi tiếng Croat thì được viết theo mẫu tự Latin – như tiếng Anh hay tiếng Việt hiện nay. Đằng sau sự lựa chọn ấy là lịch sử và tôn giáo: quốc gia sử dụng tiếng Séc theo Chính Thống giáo trong khi quốc gia sử dụng tiếng Croat lại theo Thiên Chúa giáo. Và đằng sau cả vấn đề lịch sử và tôn giáo ấy lại là vấn đề chính trị: mỗi quốc gia đều muốn khẳng định bản sắc của mình bằng một ngôn ngữ riêng.
Ở Việt Nam cũng vậy.
Ngày xưa, cha ông chúng ta đối diện với hai lựa chọn chính về văn tự: chữ Hán và chữ Nôm. Tất cả các triều đại đều quyết định chọn chữ Hán. Lý do cũng vì chính trị: Chữ Hán gắn liền với Nho giáo trong khi Nho giáo lại gắn liền với các học thuyết chính trị có lợi cho nhà cầm quyền, trong đó, có hai điểm quan trọng nhất là: tư tưởng thiên mệnh và đạo trung hiếu. Với chữ Hán, các triều đình Việt Nam có một yếu tố thiết yếu để được “thiên triều” Trung Quốc xem là “đồng văn”, do đó, nhìn nhận là một vũ khí đắc lực để giữ khoảng cách với dân chúng – khoảng cách giữa học thức và mù chữ; và với khoảng cách ấy, giới cầm quyền tiếp tục được linh thiêng hóa, một điều kiện quan trọng để làm nảy nở và duy trì huyền thoại và, từ đó, quyền lực.
Từ đầu thế kỷ 20, chính quyền thực dân Pháp quyết định chọn chữ quốc ngữ thay vì chữ Nôm hay chữ Hán cũng lại vì chính trị nữa: Với chữ quốc ngữ, người ta, một mặt, tách đất nước Việt Nam ra khỏi quỹ đạo của Trung Quốc, tách người Việt Nam ra khỏi sự ràng buộc của truyền thống vốn kéo dài cả hàng ngàn năm và được kết tinh chủ yếu qua chữ Hán, và cô lập hóa giới trí thức Nho học vốn vừa quật cường vừa bảo thủ, vừa sùng bái Trung Quốc vừa khinh ghét người Tây phương; mặt khác, kéo Việt Nam lại gần hơn với Pháp. Gần về văn tự: cả chữ quốc ngữ lẫn tiếng Pháp đều sử dụng mẫu tự La Tinh.
Gần cả về phương diện lịch sử: thứ chữ quốc ngữ ấy là do người Tây phương, trong đó có rất nhiều người Pháp, tạo nên.
Hầu hết các nhà cách mạng và các trí thức tân học, kẻ sớm người muộn, đều đồng ý với việc chọn chữ quốc ngữ làm văn tự chính thức của tiếng Việt. Sự lựa chọn ấy cũng lại là một lựa chọn mang tính chính trị: Nó gắn liền với chủ nghĩa quốc gia (nationalism). Xin lưu ý: mặc dù Việt Nam có lịch sử cả mấy ngàn năm, nhưng khái niệm quốc gia, và đặc biệt, chủ nghĩa quốc gia chỉ ra đời từ đầu thế kỷ 20 khi người Việt thoát khỏi ý thức trung quân, ở đó, khái niệm nước bị đồng nhất với khái niệm vua, và khi người Việt chớm có ý thức công dân, tự xem mình như một chủ thể của đất nước, ở đó, họ có trách nhiệm trực tiếp đối với vận mệnh của đất nước.
Yếu tính của đất nước, thoạt đầu, nằm ở “hồn nước” vốn gắn liền với huyền thoại (dòng giống Lạc Hồng, con Rồng cháu Tiên); sau, ở ngôn ngữ; và sau nữa, ở chữ quốc ngữ (Nhóm Đông Kinh Nghĩa Thục: “Chữ quốc ngữ là hồn trong nước / Phải đem ra tính trước dân ta”). Đó là lý do tại sao Phạm Quỳnh lại đồng nhất hai khái niệm nước và tiếng: “Tiếng Việt còn, nước ta còn” và cũng là lý do tại sao Nguyễn Văn Vĩnh lại xem tương lai của Việt Nam lại nằm ở chữ quốc ngữ: “Nước Nam ta mai sau này, hay dở cũng ở chữ Quốc ngữ.”
Sau năm 1945, chính quyền Việt Minh cương quyết loại trừ tiếng Pháp, chỉ sử dụng tiếng Việt, và trong tiếng Việt, chỉ sử dụng chữ quốc ngữ trong hệ thống hành chính và học đường cũng là vì lý do chính trị: Thứ nhất, thực hiện chiêu bài dân tộc hóa họ đã đặt ra ngay từ thời Văn hóa Cứu quốc; thứ hai, lực lượng của họ chủ yếu đến từ công nhân và đặc biệt nông dân, những người ít học và có vốn văn hóa thấp. Để tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của các tầng lớp ấy, ngay sau Cách mạng tháng Tám, họ tung ra ngay hai chiến dịch: Một, xóa nạn mù chữ một cách gấp rút (5); hai, chủ trương nói và viết một cách nôm na, đơn giản, thật dễ hiểu đối với mọi người. Cả hai đều nhắm đến một mục tiêu duy nhất: làm sao cho đông đảo quần chúng có thể đọc được cái tờ truyền đơn tuyên truyền của đảng Cộng sản.
Cuối cùng, ở phạm vi liên cá nhân, ngôn ngữ cũng có tính chính trị rõ rệt. Lý do: mọi giao tiếp liên cá nhân đều gắn liền với văn hóa. Mà văn hóa, tự bản chất, là một thứ quyền lực. Thứ nhất, văn hóa nào cũng được xây dựng trên truyền thống; truyền thống nào cũng được xây dựng trên quán tính; quán tính nào cũng được xây dựng trên sự sùng bái cái cũ và sự kế thừa: Tính sùng bái là một quyền lực. Thứ hai, về mục đích, văn hóa nào cũng nhằm, trước hết, xây dựng và củng cố sự hài hòa và trật tự trong xã hội. Cả sự hài hòa lẫn trật tự đều mang tính đẳng cấp. Do đó, ngôn ngữ cũng có tính đẳng cấp. Ngày xưa, vua chúa và giới quý tộc có những kiểu nói riêng, dân chúng có kiểu nói riêng. Trong quan hệ giao tiếp giữa vua chúa - quý tộc và dân chúng, ngôn ngữ, một mặt, được nghi thức hóa; mặt khác, phản ánh quyền lực - hoặc không quyền lực - của từng thành phần.
Ngày xưa, cha ông chúng ta hiểu rất rõ điều đó. Ca dao và tục ngữ Việt Nam cung cấp cả một kho tàng triết lý về việc nói năng. Chẳng hạn, xem ngôn ngữ như một thứ quyền lực: Miệng nhà quan có gan có thép, có ảnh hưởng trực tiếp đến số phận con người: Lời nói đọi máu. Do đó, càng ít nói bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu: Lời năng nói năng lỗi. Trước khi nói nên suy nghĩ chín chắn: Có miệng thì cắp, có nắp thì đậy; kẻ thất thế càng nên nói ít: Khó nhịn miệng, bồ côi nhịn lời. Nếu phải nói, nên nói, đừng viết: Lời nói gió bay, bút sa gà chết. Nếu viết, nên chọn hình thức phù du nhất: Khôn văn tế dại văn bia. Không nên nói thật: Lời thật mất lòng. Và chỉ nên nói khéo: Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau, v.v..
Nói một cách tóm tắt, ở cả ba phạm vi: quốc tế, quốc gia và liên cá nhân, bao giờ ngôn ngữ cũng gắn liền với ý niệm về quyền lực, do đó, đều có tính chính trị. Giới làm chính trị hiểu rõ điều đó và không ngừng tận dụng ngôn ngữ như một thứ vũ khí để giành giật, và sau đó, bảo vệ quyền lực. (Còn tiếp)
***
Chú thích:
Trong các buổi thuyết trình về tiếng Việt đây đó cũng như các buổi tu nghiệp dành cho giáo viên tiếng Việt tại Úc, một trong những câu hỏi tôi thường nghe nhất là: Có nên dạy “tiếng Việt của Việt Cộng” cho học sinh và sinh viên ở nước ngoài? Mới đây, tôi lại nghe một câu hỏi khác từ một người bạn làm trong ngành truyền thông: Thính giả của đài là người Việt trong nước, đài có nên sử dụng từ ngữ Việt Nam Cộng Hòa thời trước không?
Thú thực, nghe những câu hỏi như thế bao giờ tôi cũng có chút bối rối. Bối rối không phải vì không biết cách trả lời. Bối rối chỉ vì tôi hiểu những băn khoăn và day dứt trong lòng họ khi đặt ra những câu hỏi ấy. Rõ ràng đó không phải là những câu hỏi thuần túy học thuật. Những câu hỏi ấy xuất phát chủ yếu từ những dằn vặt về tâm lý, những ám ảnh về chính trị, và đặc biệt từ những ký ức khốn khổ của chiến tranh và của sự phân hóa.
Từ góc độ học thuật, không có cái gọi là từ ngữ Việt Cộng hay từ ngữ Việt Nam Cộng Hòa.
Lý do:
Thứ nhất, sự phân biệt giữa Việt Cộng và Việt Nam Cộng Hòa là sự phân biệt thuần túy chính trị. Mà ngôn ngữ, ở cấp độ từ vựng, lại không có tính chính trị. Những từ như “ngụy”, “cách mạng”, “giải phóng”, “cải tạo”, “đăng ký”, “khẩn trương”, “bộ đội”, “lính thủy đánh bộ”, v.v. tự chúng, chả có tội tình gì cả. Chúng là những yếu tố nằm trong kho từ vựng tiếng Việt. Phần lớn những từ ấy đã có từ lâu. Ngay một số từ ghép lạ tai với người miền Nam như “lính thủy đánh bộ” cũng bao gồm những từ tố quen thuộc vốn đã có sẵn trong tiếng Việt. Tính chính trị của từ không nằm trong bản thân của các từ ấy. Tính chính trị chỉ có trong các sử dụng. Chữ “giải phóng”, chẳng hạn, hoàn toàn phi chính trị. Nhưng dùng chữ “giải phóng” để chỉ ngày 30 tháng Tư, ví dụ: “ngày giải phóng”, “khi đất nước được giải phóng”, yếu tố chính trị mới xuất hiện.
Nhớ, đầu năm 1990, khi Mỹ và lực lượng Đồng minh (bao gồm 34 quốc gia khác nhau) đánh bật quân đội Iraq của Saddam Hussein ra khỏi Kuwait, nhiều người làm báo ở hải ngoại đã phân vân không biết dùng chữ gì để dịch khái niệm “liberation of Kuwait” vốn được sử dụng đầy dẫy trên các phương tiện truyền thông quốc tế. Dĩ nhiên ai cũng biết “liberation” là giải phóng. Nhưng người ta lại ngần ngại không muốn dùng chữ “giải phóng” vì, một phần nó gợi lại ấn tượng đau buồn ê chề của họ sau năm 1975; phần khác, vì nó phảng phất âm hưởng… Việt Cộng. Nhưng sự ngần ngại ấy không kéo dài được lâu. Tránh né cách gì, cuối cùng, người ta cũng bắt buộc phải dùng chữ “giải phóng” để chỉ việc quân đội của Saddam Hussein bị đánh bật ra khỏi Kuwait và việc người dân Kuwait hân hoan chào đón tự do và độc lập. Không có chữ gì khác. Dùng riết, trong bối cảnh ấy, chữ “giải phóng” bỗng trở lại nguyên nghĩa của nó. Mà như thế, kể cũng phải. Đứng một mình, chữ ấy hoàn toàn trong sáng. Và trong sạch. Đối với người dân Kuwait, chữ ấy vang lên như một tiếng reo. Nó chỉ trở thành nặng nề với người Việt ở miền Nam mà thôi. Nói cách khác, vấn đề ở đây chỉ là vấn đề cách sử dụng. Nghĩa là ở ngữ cảnh. Chỉ ở ngữ cảnh.
Tương tự như vậy, cách đây mấy năm, ở trong nước, khi dịch cuốn De la démocratie en Amérique của Alexis de Tocqueville, dịch giả Phạm Toàn phải sửa “Dân chủ ở Hoa Kỳ” thành “Nền dân trị ở Hoa Kỳ”. Lý do: Ông biết nhà nước Việt Nam hiện nay rất dị ứng với chữ “dân chủ”.
Thứ hai, không nên quá phóng đại vai trò của chính phủ hoặc đảng cầm quyền trong lãnh vực ngôn ngữ. Ngôn ngữ, tự bản chất, là một quy ước xã hội, hình thành từ sự đồng thuận của cả cộng đồng. Bản thân ông Hồ Chí Minh, với tư cách người có quyền lực cao nhất ở miền Bắc từ sau năm 1945, đã muốn “cải cách” chữ quốc ngữ với những cách viết như “kách mệnh” hay “zải phóng”, những kết hợp từ như “dân quân gái” hoặc “người lái” (phi công), cuối cùng cũng thất bại. Hơn nữa, theo dõi kỹ tình hình trong nước, chúnng ta có thể thấy ngay, từ mấy chục năm nay, chính quyền và đảng Cộng sản hầu như bỏ ngỏ lãnh vực ngôn ngữ. Có rất nhiều việc họ cần làm và nên làm, nhưng họ hoàn toàn không làm. Rõ nhất là về phương diện chính tả cũng như việc phiên âm nhân danh và địa danh nước ngoài. Phần lớn các đề nghị thay đổi đều có tính chất tự phát và nảy sinh từ một số cá nhân có thiện chí (có khi đúng có khi sai) hơn là từ một quyền lực chính trị nào.
Thứ ba, không nên quy các phương ngữ vào hai phạm trù Việt Cộng và Việt Nam Cộng Hòa. Sự khác biệt giữa một số từ vựng mà nhiều người hay lên tiếng hoặc để bênh vực hoặc để đả kích phần lớn đều thuộc phạm trù phương ngữ. Mà phương ngữ lại là một hiện tượng lâu đời ở Việt Nam. Từ lâu, một số từ vựng ở miền Nam, miền Bắc và miền Trung đã khác nhau. Hầu hết những khác biệt ấy đều có tính chất địa lý, xã hội và lịch sử hơn là chính trị. Nơi thì gọi “túc cầu”, nơi thì gọi “bóng đá”; nơi thì gọi “phi trường”, nơi thì gọi “sân bay”; nơi thì gọi “quan thuế”, nơi thì gọi “hải quan”; nơi thì gọi “trực thăng”, nơi thì gọi “máy bay lên thẳng”… Thì cũng bình thường. Như ngày trước, chúng ta đã có những khác biệt giữa “heo” và “lợn”, giữa “cha” và “bố”, giữa “cân” và “ký”, giữa “xe lửa” và “tàu hỏa”, “xe hơi” và “xe ô tô”, “xe đò” và “xe khách”, giữa “cá quả”, “cá lóc” và cá tràu”, v.v.
Thứ tư, ngôn ngữ, cũng giống như đời sống, không ngừng vận động và phát triển. Hễ trong xã hội xuất hiện những sản phẩm mới hoặc những hiện tượng mới, những nhận thức mới người ta lại có những nhu cầu đặt ra những từ mới. Nhớ, năm 1996, lần đầu tiên về nước, tôi cảm thấy rất thú vị khi nghe người ta gọi trà Lipton (loại trà bỏ trong gói nhỏ nhúng thẳng vào nước sôi để uống) là trà giật giật; cái robinet (đồ vặn nước ở bồn tắm hoặc bồn rửa mặt) loại mới là cái gật gù (chỉ cần đẩy lên hay xuống chứ không cần vặn theo chiều kim đồng hồ); bò beefsteak là bò né… Nghe, thoạt đầu, thấy ngồ ngộ; sau, ngẫm lại, thấy cũng hay hay. Tôi chẳng thấy có ông hay bà Việt Cộng nào trong những chữ ấy cả. Tôi chỉ thấy có cuộc đời.
Nói tóm lại, theo tôi, phần lớn những sự phân biệt giữa từ Việt Cộng và từ Việt Nam Cộng Hòa là những sự phân biệt giả. Đứng về phương diện từ vựng, đó là những sự khác biệt, một, có tính chất phương ngữ; hai, xuất phát từ những thay đổi trong đời sống. Không nên gắn chúng với một nội dung chính trị nào. Ví dụ, ở nhiều trường tiếng Việt ở hải ngoại hiện nay, nhiều người vẫn khăng khăng dùng chữ “văn phạm” thay cho chữ “ngữ pháp” với lý do chữ “văn phạm” là chữ của ta, còn chữ “ngữ pháp” là chữ của Việt Cộng. Người ta quên hoặc không biết, ở miền Nam, năm 1963, Nguyễn Hiến Lê và Trương Văn Chình đã có cuốn Khảo luận về ngữ pháp Việt Nam (Nhà xuất Đại học Huế); năm 1968, Lê Văn Lý đã có cuốn Sơ thảo ngữ pháp Việt Nam (Bộ giáo dục xuất bản); năm 1970, Doãn Quốc Sỹ và Đoàn Quốc Bửu đã có cuốn Lược khảo về ngữ pháp Việt Nam (Trường Đại học Sư phạm Sài Gòn xuất bản), v.v. Sự chọn lựa giữa chữ văn phạm và chữ ngữ pháp, do đó, chỉ là một chọn lựa có tính học thuật: chữ “ngữ pháp” càng ngày càng được nhiều người sử dụng vì người ta nhận thấy nó chính xác hơn chữ “văn phạm” vì, một, đối tượng khảo sát của “grammar” chỉ dừng lại ở cấp độ từ, ngữ và câu chứ không phải là văn chương; và hai, ngôn ngữ, tự bản chất, chỉ có tính quy ước với một số cách thức (pháp) kết hợp chứ không có tính quy phạm (norm). Sự khác biệt giữa hai chữ “xa lộ” và “đường cao tốc” cũng nên được nhìn nhận như vậy: chữ sau hợp lý hơn vì ở thời đại ngày nay, sự phân biệt giữa các loại đường xá là ở tốc độ cho phép chứ không phải ở loại xe, nhất là giữa xe đạp và xe hơi như ngày xưa.
Tôi đề nghị nên xem một số khác biệt trong từ vựng hiện nay là những khác biệt có tính phương ngữ, vừa là ngôn ngữ địa phương vừa là phương ngữ xã hội.
Nhận định ấy dẫn đến mấy hệ luận chính:
Một, mọi phương ngữ đều bình đẳng. Không có phương ngữ nào là đúng hơn phương ngữ nào cả. Không thể nói chữ “heo” đứng hơn chữ “lợn”, “cha” hay “ba” đứng hơn “bố” hay “tía”; “mẹ” đúng hơn “má”. Cũng như trong tiếng Anh hiện nay, không ai nói tiếng Anh ở Anh thì đúng hơn tiếng Anh ở Mỹ hay ở Úc hoặc Canada. Khái niệm một thứ ngôn ngữ chuẩn (standard language) bị xem là đã lỗi thời.
Hai, mỗi phương ngữ, một mặt, có một vùng hoạt động riêng; mặt khác, không ngừng giao tiếp với nhau. Con vật người miền Nam và miền Trung gọi là con heo thì người miền Bắc gọi là con lợn; nhưng ngay ở miền Nam và miền Trung, người ta cũng gọi là “bánh da lợn” chứ không phải “bánh da heo”, và ở miền Bắc, người ta cũng xem “phim con heo” chứ không phải “phim con lợn”.
Ba, giữa các phương ngữ không ngừng có cuộc cạnh tranh gay gắt để được chấp nhận và phổ biến trong cả nước. Các cuộc cạnh tranh ấy chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa. Chính trị chỉ là một phần. Từ năm 1975, chính quyền đặt tên Sài Gòn là thành phố Hồ Chí Minh, đến nay, dân chúng vẫn cứ gọi là Sài Gòn.
Bốn, sự tồn tại của các phương ngữ chỉ có tác dụng làm giàu cho tiếng Việt. Sự tồn tại của chữ “sân bay” bên cạnh chữ “phi trường” giống như sự tồn tại của chữ “nhà thơ” bên cạnh chữ “thi sĩ” hay “thi nhân”. Những chữ như “khẩn trương”, “bức xúc” hay “đăng ký”… đều hay nếu biết cách sử dụng (tình hình khẩn trương, không khí căng thẳng, hành động gấp gáp; tâm trạng bức xúc; đăng ký xe và ghi danh học, v.v.).
Vấn đề là ở cách dùng.
Chỉ ở cách dùng.