Anh muốn tham gia Hiệp Định Đối Tác Toàn Diện và Tiến Bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTTP). Ảnh minh họa một buổi họp báo của 11 bộ trưởng Thương Mại các thành viên CPTTP tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 19/01/2019. AP - Eugene Hoshiko |
Một tháng sau khi ra khỏi thị trường chung châu Âu, bước kế tiếp trong tiến trình Brexit, Luân Đôn ngày 30/01/2021 thông báo sẽ chính thức xin gia nhập hiệp định CPTPP bao gồm 11 nước châu Á và châu Mỹ.
Bộ trưởng Thương Mại Anh, Liz Truzz, cho biết đơn chính thức xin gia nhập CPTPP sẽ được gửi tới các đối tác và tiến trình đàm phán sẽ được khởi động ngay trong năm nay. Theo bà Liz Truzz, Hiệp định Tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương sẽ mở ra những « cơ hội rộng lớn » cho nước Anh, một khi mà các hàng rào quan thuế được giảm đi đáng kể, nhất là đối với thuế đánh vào xe hơi hay rượu whisky của Anh.
Sau khi chia tay với Liên Hiệp Châu Âu sau hơn 40 năm chung sống, Luân Đôn giờ đây kỳ vọng nhiều vào viễn cảnh các tập đoàn Anh dễ dàng tham gia vào các thị trường khác trên thế giới, tạo công việc làm cho người dân Anh.
Chủ tịch Hiệp Hội CBI, tổ chức lớn nhất quy tụ giới chủ ở Anh Quốc, tán đồng quyết định của chính phủ tham gia Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương. Ông Karran Bilimora coi đây là « chương mới trong chính sách thương mại độc lập của Vương quốc Anh ». Đảng đối lập thận trọng hơn khi cho rằng sẽ xem xét kỹ lưỡng thể thức gia nhập hiệp định CPTPP.
Hiệp Định Đối Tác Toàn Diện và Tiến Bộ Xuyên Thái Bình Dương đã được 11 nước hai bờ Thái Bình Dương ký kết tại Chilê vào tháng 3/2018. CPTPP là hậu thân của hiệp định tự do mậu dịch do Hoa Kỳ đề xuất và đã được ký kết dưới thời tổng thống Obama vào năm 2016. Tuy nhiên, ngay khi lên cầm quyền, tổng thống Trump đã quyết định rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận nói trên.
11 thành viên CPTPP bao gồm Chilê, Úc, Brunei, Canada, Nhật Bản, Malaysia, Mêhicô, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.
31 tháng 1 2021 - bbc.com
Nguồn hình ảnh, Department for International Trade - Bộ trưởng Liz Truss sẽ thảo luận với các bộ trưởng của Nhật và New Zealand trong hôm thứ Hai, 1/2/2021 |
Anh Quốc sẽ nộp đơn xin gia nhập khu vực tự do thương mại với 11 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương vào thứ Hai, một năm sau khi nước này chính thức rời khỏi EU.
Việc gia nhập khối "các quốc gia phát triển nhanh" sẽ thúc đẩy xuất khẩu của Anh, chính phủ nói.
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương, gọi tắt là Hiệp định CPTPP, áp dụng đối với thị trường gồm khoảng 500 triệu dân.
Tuy nhiên, với Anh thì đây là nơi khó vươn tới hơn so với các thị trường láng giềng ở châu Âu.
Trong số các thành viên của khối có Úc, Canada, Nhật Bản và New Zealand.
Brunei, Chile, Malaysia, Mexico, Peru, Singapore và Việt Nam Nam cũng là các thành viên sáng lập của khối, vốn được thành lập từ năm 2018.
Reuters - Ngoại trưởng Dominic Raab nói Anh có được sự ủng hộ của Việt Nam để tham gia CPTPP |
"Trong tương lai, đây sẽ là các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương nơi có những thị trường lớn, các thị trường trung lưu đang phát triển để tiêu thụ sản phẩm của Anh," Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Liz Truss nói với Andrew Marr của BBC.
"Tất nhiên, các doanh nghiệp Anh sẽ phải vươn ra nắm lấy những cơ hội này, nhưng điều tôi đang làm là tôi tạo ra các cơ hội, tạo ra mức thuế quan thấp, tháo dỡ các rào cản đó, để các doanh nghiệp có thể vươn ra ngoài chiếm lĩnh cơ hội."
Việc gia nhập khối sẽ giúp làm giảm mức thuế quan đối với hàng xuất khẩu của Anh, như các sản phẩm rượu whisky và xe hơi, cùng các ngành công nghiệp dịch vụ, bà nói.
Getty Images |
Tuy nhiên, tác động ngay lập tức nhiều khả năng sẽ chỉ đạt mức khiêm tốn, bởi Anh đã có các thỏa thuận tự do thương mại với một số các quốc gia thành viên của CPTPP, trong đó có một số là do tiếp nối thực hiện từ vị thế thành viên trước đây trong EU của Anh.
Anh hiện đang đàm phán với Úc và New Zealand.
Tính tổng cộng, các quốc gia trong khối CPTPP chiếm 8,4% tỷ trọng xuất khẩu của Anh trong năm 2019.
Hoa Kỳ ban đầu có tham gia đàm phán CPTPP, nhưng cựu Tổng thống Donal Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận này sau khi ông nhậm chức.
Việc chính quyền mới tại Washington cân nhắc việc tái gia nhập CPTPP, nếu có, sẽ khiến việc trở thành thành viên của khối hấp dẫn hơn nhiều đối với Anh Quốc.
Sự gia nhập đó sẽ cho phép Anh và Hoa Kỳ có mối quan hệ thương mại gần gũi hơn nhiều mà không cần phải chờ đợi tới khi hai bên đàm phán được một thỏa thuận tự do thương mại song phương.
Trong hoạt động thương mại của Anh với toàn cầu trong năm 2018, EU chiếm 49%. Nhật Bản, Singapore và Việt Nam được gộp trong "phần còn lại của thế giới" (phần đỏ) do thỏa thuận thương mại của EU với các nước này chưa có hiệu lực hồi 2018 |
Anh Quốc là quốc gia đầu tiên không phải là thành viên sáng lập nộp đơn xin gia nhập CPTPP.
Nếu được chấp nhận, Anh sẽ là nền kinh tế lớn thứ hai trong khối, chỉ sau Nhật Bản.
CPTPP nhằm giảm mức thuế quan thương mại - một hình thức thuế xuyên biên giới - giữa các quốc gia thành viên.
Thỏa thuận cũng bao gồm cả cam kết loại bỏ hoặc giảm 95% các lệ phí nhập khẩu, trừ một số các khoản vẫn được duy trì nhằm bảo hộ cho các sản phẩm nội địa, chẳng hạn như gạo của Nhật hay ngành sữa của Canada.
Đổi lại, các nước phải hợp tác trong việc tuân thủ các quy định, ví dụ như tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, các tiêu chuẩn và quy định không nhất thiết phải như nhau đối với các nước, và các quốc gia thành viên có thể có các thỏa thuận thương mại riêng.
Tư cách thành viên cũng sẽ đem đến cơ hội có được visa nhanh chóng hơn, ít tốn kém hơn cho giới doanh nhân, chính phủ Anh nói.
Anh sẽ chính thức xin gia nhập CPTPP hôm thứ Hai, và việc đàm phán dự kiến sẽ bắt đầu vào mùa xuân.
Ngày 18/03/2018, đại diện 11 nước đã ký Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, CPTPP không có Mỹ, tại Santiego, Chilê. CLAUDIO REYES / AFP |
Hiệp định tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương sẽ bắt đầu có hiệu lực trong năm nay cho dù Hoa Kỳ rút lui : Úc hôm nay 31/10/2018 đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP, trước đây mang tên là TPP.
Thủ tướng Úc Scott Morrison vui mừng tuyên bố : « Úc là nước thứ sáu phê chuẩn, khiến hiệp định có thể được áp dụng kể từ ngày 30/12 năm nay ». Trước đó Nhật Bản, Canada, New Zealand, Singapore và Mêhicô đã có động thái tương tự. Theo thỏa thuận, sau khi có 6 nước tham gia phê chuẩn thì hiệp định sẽ có hiệu lực ngay sau đó 2 tháng.
Bộ trưởng Kinh Tế Nhật Toshimitsu Motegi nhận xét : « Việc hiệp định có hiệu lực sẽ gởi đi một thông điệp mạnh mẽ, khẳng định việc thiết lập các quy chế thương mại bình đẳng và tự do cho thế kỷ 21 – các quy chế này sẽ được phổ biến trên toàn cầu ».
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm nay cũng nhắc lại trước Quốc Hội là Nhật « sẽ hành động để tăng cường thương mại quốc tế » dựa trên những giá trị này, trước « những phong trào bảo hộ đang nổi lên trên thế giới ».
Đợt giảm thuế quan đầu tiên trong khuôn khổ hiệp định CPTPP sẽ bắt đầu trong 60 ngày tới, tức vào ngày 30/12/2018 ; và đợt hai vào ngày 01/01/2019. Bộ trưởng Thương Mại New Zealand khi cho biết như trên đã bày tỏ hy vọng năm nước còn lại cũng sẽ nhanh chóng phê chuẩn (gồm Việt Nam, Malaysia, Brunei, Chilê, Peru).
Chiếm ít nhất 15% GDP toàn cầu, liên quan đến 500 triệu người, hiệp định với tên mới là CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) mang tính chiến lược đối với các nước tham gia. Cựu tổng thống Mỹ Barack Obama khi đề xướng TPP coi đây là đối trọng với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, nhưng ông Donald Trump đã hủy bỏ ngay khi bước chân vào Nhà Trắng.
CPTPP không chỉ nhằm dỡ bỏ hàng rào thuế quan, mà cả những rào cản phi thuế quan như cho các công ty nước ngoài tham gia đấu thầu, xác định những tiêu chuẩn chung cho thương mại điện tử và dịch vụ tài chính, tôn trọng các tiêu chí của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).
Trưởng đoàn đàm phán TPP của Nhật, ông Kazuyoshi Umemoto trong cuộc họp báo tại Tokyo ngày 20/02/2018. REUTERS/Toru Hanai |
Văn kiện mới của TPP, Hiệp định về tự do thương mại trong vùng Thái Bình Dương đã hoàn tất và được công bố hôm thứ Tư 21/02/2018 trước khi 11 thành viên ký kết vào ngày 08 tháng 03 tới. Nhiều đề nghị của Mỹ bị rút bỏ.
Theo AFP, trong văn bản thỏa thuận mới không có 22 điều lệ do Washington đề nghị, phần lớn liên quan đến sở hữu trí tuệ, bản quyền sáng chế thuốc men. Những thành viên còn lại trong TPP e ngại các biện pháp bảo vệ quyền lợi kinh tế của "nước Mỹ trước đã" của tổng thống Donald Trump sẽ làm giá thuốc leo thang.
Các nước còn lại trong TPP gồm Canada, Chilê, Mêhicô, Pêru, Nhật Bản, Brunei, Malaysia, Singapore, Việt Nam, Úc và New Zealand. Trong năm 2016, trao đổi mậu dịch giữa 11 nước này lên đến 356 tỉ đôla. Tuy nhiên, TPP cũng buộc các nước thành viên như Mêhicô, Malaysia và Việt Nam phải cải thiện luật lao động, bảo vệ quyền lợi công nhân.
Washington không loại trừ khả năng trở lại với TPP. Tổng thống Donald Trump đòi một « hiệp định tốt hơn » nhưng các thành viên TPP, đứng đầu là Nhật Bản cho là « khó xảy ra trong ngắn hạn ».
Hôm qua, trưởng đoàn đàm phán của Nhật Kazuyoshi Umemoto cảnh báo Hoa Kỳ là nếu muốn trở lại ghế thành viên của TPP thì phải chấp nhận luật chơi mới : Nếu Hoa Kỳ thay đổi lập trường thì sẽ được đón tiếp nhưng rất khó mà sửa đổi thỏa thuận.
Theo giới chuyên gia, TPP-11 vừa là một đối sách kinh tế cân bằng ảnh hưởng đang lên của Trung Quốc, vừa là liều thuốc chống đường lối bảo hộ mậu dịch của Hoa Kỳ.
Báo Washington Post, ngày hôm qua, cho biết, 25 thượng nghị sĩ Mỹ ký một bức thư kêu gọi lãnh đạo hành pháp « suy nghĩ lại » để Hoa Kỳ tái hội nhập TPP.
Chuyên đề:
Biểu tình chống TPP tại Washington, DC, ngày 14/11/2016. Ảnh : NICHOLAS KAMM / AFP |
Sau khi ông Donald Trump thắng cử khiến cả thế giới sửng sốt, giờ đây dư luận đang hồi hộp chờ đợi xem bộ máy chính quyền của Trump sẽ ra sao và những lời hứa vận động tranh cử của Donald Trump có thành hiện thực hay không ? Điều rõ nhất lúc này là chính quyền Trump sẽ hủy Hiệp Định Đối Tác xuyên Thái Bình Dương, TPP, một quyết định sẽ gây nhiều hệ quả.
Tổng thống tân cử Mỹ, cách đây hai hôm (21/11/2016) đã có tuyên bố việc đầu tiên ông làm khi bước chân vào Nhà trắng (ngày 20/01/2017) sẽ là hủy hiệp định thương mại mà Mỹ đã ký với 12 nước trong khu vực châu Á -Thái Bình Dương – TPP, một công trình mà chính quyền Obama đã tốn không ít công sức xây dựng nhằm phục vụ chiến lược của Mỹ ở châu Á, trong đó có mục tiêu ngăn chặn đà ảnh hưởng của Trung Quốc trong vùng này.
Thông báo của Trump khiến nhiều nước châu Á sững sờ, nhưng đồng thời lại là tin mừng cho Bắc Kinh, như nhận xét của nhật báo kinh tế les Echos qua hàng tựa : « Thương mại : Nước Mỹ của Trump quay lưng với châu Á, Bắc Kinh hưởng lợi lớn». Theo Les Echos, hủy TPP, đã được ký nhưng chưa được phê chuẩn, như vậy Donald Trump muốn cho thấy ông ta « thà phản bội các đồng minh của mình còn hơn phản bội cử tri ».
Nhật báo kinh tế phân tích, việc từ bỏ hiệp định tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương đánh dấu một bước đi đầu tiên của một nước Mỹ được bảo hộ dưới thời Trump. Điều này sẽ báo trước một cách chắc chắn hiện tượng khu vực hóa gia tăng trong buôn bán giữa Mỹ và châu Á. Sự rũ bỏ đó cũng có thể coi như là một sự sỉ nhục đối với các « bạn hữu » châu Á của Washington, những nước đã mất nhiều năm trời để thương lượng và thuyết phục dân chúng nước họ về hiệp định này. Người thất vọng đầu tiên là thủ tướng Nhật. Ông Shinzo Abe tuyên bố : « Không có Hoa Kỳ thì thỏa thuận mất hết ý nghĩa ». Còn thủ tướng Singapore trong chuyến thăm Washington hồi tháng 8 đã từng khẳng định TPP chính là uy tín của nước Mỹ.
Mỹ bỏ cuộc thì Trung Quốc nhảy vào ngay
Theo Les Echos thì quả là nghịch lý, « quyết định quay lưng lại với châu Á của Donald Trump sẽ là một món quà vô cùng lớn cho Trung Quốc, trong khi nước này là kẻ thù không đội trời chung của Trump ! »
Les Echos phân tích : Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương đã được xây dựng nhằm hạn chế ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực và thiết lập các nguyên tắc thương mại theo kiểu phương Tây. Vì thế, tuần qua, tại Lima tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama đã cảnh báo rằng : « Không áp dụng hiệp định (TPP) tức là làm suy yếu vị thế của chúng ta (Mỹ) trong vùng ».
Một ngày sau thông báo của ông Trump, hôm 22/11, chính phủ Trung Quốc thông báo ý định khởi động các cuộc đàm phán về « một đối tác kinh tế toàn bộ khu vực », với 9 nước châu Á và châu Đại Dương trong đó đặc biệt có Nhật, Ấn Độ, Hàn Quốc, Úc. Bắc Kinh cũng ngỏ ý sẽ ký được hiệp định trong thời gian sớm nhất. Nhiều nước như Singapore, Việt Nam và Malaysia dường như đã sẵn sàng tham gia vào dự án mới này của Trung Quốc.
Hậu quả của việc TPP tiêu tan và được thay thế bằng một hiệp định mới với Bắc Kinh sẽ ra sao ? Les Echos trích dẫn ông Fréderic Neumann, phụ trách nghiên cứu kinh tế của ngân hàng HSBC tại Hồng Kông nhận định : « Hoa Kỳ sẽ mất ảnh hưởng ở châu Á, trên phương diện kinh tế cũng như chính trị » và « Trung Quốc sẽ đưa những nước mới vào quỹ đạo của họ ».
Mỹ : Chính quyền mới sẽ bảo thủ cực đoan như Trump
Tiếp tục với nước Mỹ, chuyển qua nhật báo Libération. Tờ báo dành nhiều trang bài tập trung vào bộ máy lãnh đạo của chính quyền Trump đang được hình thành. Với hàng tựa lớn trên trang nhất : « Những gã trai của tổng thống », tờ báo cho biết : « Donald Trump đang hình thành một ê-kíp có tư tưởng cực đoan và kỳ thị giới tính không kém gì ông… ». Bên trang trong, Libération không ngần ngại rút tít : « Chính quyền Trump, sân chơi của những kẻ phản động ».
Libération đã giới thiệu sơ bộ vài gương mặt đã được Donald Trump chọn cho các vị trí chủ chốt của chính quyền lúc này như chính văn phòng Nhà trắng Reince Priebus, bộ trưởng Tư pháp, Jeff Sessions, cố vấn An ninh quốc gia Mike Flynt, hay giám đốc tình báo CIA Mike Pompeo và đặc biệt là nhân vật Steve Banon, cánh tay phải của Donald Trump, đồng thời là một nhân vật được cho là cực hữu. Theo tờ báo, đó là những nhân vật « cực kỳ bảo thủ hoặc là những người có tư tưởng kỳ thị chủng tộc, kỳ thị giới tính ».
Điều quan trọng nữa là ê kíp của chính quyền Trump có thể dễ dính vào các xung đột lợi ích. Trong nhiều trang báo dành cho sự kiện này, Libération có bài ghi nhận sự chuyển tiếp chính quyền sang tay Donald Trump đầy những lợi ích.
Theo Libération, Donald Trump đã hứa trong tranh cử sẽ đấu tranh chống hệ thống chính trị tha hóa của Washington để chấm dứt « tham nhũng của chính phủ, kéo nước Mỹ thoát khỏi áp lực của những nhóm lợi ích… » Thế nhưng danh sách những thành viên chuẩn bị cho việc thành lập bộ máy của chính quyền Trump cho thấy không có gì phù hợp quyết tâm của Donald Trump.
Libération nhìn thấy trong « đội » của Trump có khoảng hai chục nhân vật chuyên vận động hậu trường, các nhà tư vấn của những công ty lớn,những người có thế lực ở Wall Street và ít nhất có 5 tỷ phú. Thí dụ như Michael Torrey, cố vấn về nông nghiệp cho Trump, Steve Banon vẫn lãnh đạo tập đoàn chế biến nông phẩm đầy thế lực của Mỹ American Beverage Association từ 11 năm nay. Một nhân vật điển hình nữa là Catanzaro, một nhà vận động hành lang nổi tiếng cho các tập đoàn dầu lửa khí đốt, nay được chỉ định phụ trách vấn đề « độc lập năng lượng ».
Chưa hết, các con ông Trump cũng có mặt trong nhóm chuyển giao quyền lực. Rồi còn việc quản lý khối tài sản khổng lồ của ông rải khắp trong nước và thế giới sẽ ra sao để tránh không bị xung đột lợi ích và thậm chí ảnh hưởng từ nước ngoài, nơi có cơ sở làm ăn của đế chế Trump Organization?
Theo bà Kathleen Clark, giáo sư Đại học Washington, được Libération trích dẫn, nguy cơ xung đột lợi ích trong lịch sử Mỹ « chưa có tiền lệ nào ở quy mô lớn như vậy ».