Vượt qua Việt
🌐    A  A  A  A 
Lịch sử
Trả lại Sự thậtCông lý cho Lịch sử

Chiến tranh biên giới Việt-Hoa (1)

Bài mới hơn  Mục lục  Trang chính

19/02/2021 - baotiengdan.com

Chiến tranh Việt – Trung năm 1979 góp phần vào tiến trình lịch sử thế giới như thế nào

South East Asia Globe
Tác giả: Hoàng Minh Vũ
Dịch giả: Trần Ngọc Cư
17-2-2021

Ngày 17 tháng 2 đánh dấu 42 năm kể từ khi Trung Quốc xâm lược Việt Nam, khi Bắc Kinh trả đũa việc Hà Nội lật đổ chế độ Khmer Đỏ. Là một cuộc chiến tranh ngắn ngủi nhưng đẫm máu, nó chứng tỏ là thời điểm quan trọng trong một năm có lẽ đã để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng nhất trong lịch sử cận đại – đó là năm 1979.

Khi được yêu cầu kể tên năm sôi động nhất kể từ khi Thế chiến thứ hai kết thúc, năm 2020 có lẽ sẽ đứng đầu danh sách của hầu hết mọi người.

Bắt đầu từ tháng Giêng với vụ Mỹ ám sát tướng Qasem Suleimani của Iran, sau đó bị chi phối bởi sự lây lan nhanh chóng của loại coronavirus mới và bạo lực của cảnh sát đối với người Mỹ gốc châu Phi đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình trên toàn thế giới, trước khi lên đến đỉnh điểm là các mưu toan làm mất uy tín tiến trình dân chủ ở Mỹ và Myanmar, năm 2020 sẽ in dấu như một trong những năm để lại nhiều hệ quả nhất trong lịch sử gần đây.

Mặc dù tất cả những điều vừa nói rất khó bác bỏ, nhưng năm 1979 là một ứng cử viên xứng đáng khác cho danh hiệu “Năm gần đây có nhiều biến cố nhất”. Năm 1979 chứng kiến các cuộc xung đột nổ ra – từ Đông Dương ở phía đông đến Trung Mỹ ở phía tây, Ireland ở phía bắc và Angola ở phía nam – đã làm mất ổn định trật tự lưỡng cực của Chiến tranh Lạnh và mở ra thời đại của các cuộc xung đột sắc tộc và giáo phái ngày càng gia tăng, còn mang tính đặc trưng của trật tự quốc tế của chúng ta ngày nay.

Và mặc dù Chiến tranh Lạnh chỉ kết thúc vào năm 1989, nhưng hạt giống cho sự suy tàn của nó đã được gieo vào một thập niên trước đó ở vùng biên giới Đông Nam Á vào năm 1979.

Năm đó bắt đầu với cuộc xâm lược Campuchia của Việt Nam để đối phó với nhiều năm khiêu khích biên giới, chiếm thủ đô Phnom Penh vào ngày 7 tháng 1. Trong khi người Việt Nam giải phóng đất nước này khỏi ách thống trị tàn bạo của Khmer Đỏ, họ đã thất bại trong việc bắt giữ các nhà lãnh đạo của chế độ này và thu hút sự ủng hộ quốc tế cho chính phủ mới được thành lập. Với sự hậu thuẫn từ Trung Quốc, ASEAN và phương Tây, Chính phủ Liên hiệp của Cộng hòa Dân chủ Kampuchea, do Khmer Đỏ khống chế về mặt quân sự, sẽ giữ được ghế của Campuchia tại LHQ và kéo dài cuộc xung đột chống lại Cộng hòa Nhân dân Kampuchia do Việt Nam và Liên Xô hậu thuẫn trong thập niên tiếp theo.

Lãnh đạo tối cao Trung Quốc Đặng Tiểu Bình coi việc Việt Nam tấn công một trong số ít đồng minh trung thành của họ, Campuchia, là một phần trong âm mưu của Liên Xô nhằm bao vây Trung Quốc. Để đối phó với cuộc xâm lược của Việt Nam, vào ngày 17 tháng 2 năm 1979, mười bốn sư đoàn Trung Quốc với số lượng khoảng 200.000 quân xâm lược miền Bắc Việt Nam. Vào thời điểm họ rút đi một tháng sau đó, cả hai bên đã phải gánh chịu thương vong về quân sự lên tới hàng chục ngàn người và các tỉnh biên giới của Việt Nam với Trung Quốc trở nên hoang tàn. Có tới một triệu người gốc Hoa sẽ bỏ chạy khỏi Việt Nam, và thậm chí ngày nay mối quan hệ giữa hai đồng minh ban đầu vẫn chưa được sửa chữa hoàn toàn.

Quan hệ giữa Bắc Kinh và Mátxcơva bắt đầu rạn nứt ngay từ năm 1956 khi Thủ tướng Liên Xô Nikita Khrushchev có bài phát biểu bí mật tố cáo sự sùng bái cá nhân của Stalin, mà Chủ tịch Mao Trạch Đông coi đó là đòn tấn công cá nhân vào thương hiệu chủ nghĩa cộng sản của ông. Trong suốt những năm 1960, khi các lực lượng Liên Xô và Trung Quốc lâm vào một số cuộc giao tranh biên giới của riêng họ, hai nước cũng tranh giành ảnh hưởng trong Chiến tranh Đông Dương lần thứ hai, với việc Liên Xô cung cấp vũ khí tiên tiến và Trung Quốc cung cấp tiếp liệu dân sự và vũ khí hạng nhẹ cho các lực lượng Bắc Việt.

Trong suốt cuộc chiến, người Việt Nam đã cố gắng duy trì thế quân bình giữa Liên Xô và Trung Quốc. Nhưng quan hệ Trung-Việt xuống dốc nhanh chóng vào năm 1977 khi Khmer Đỏ, một đồng minh của Trung Quốc, bắt đầu các cuộc tấn công phục quốc vào đồng bằng sông Cửu Long, và các cuộc đàm phán biên giới Trung-Việt đổ vỡ vào cuối năm đó.

Việc Việt Nam quốc hữu hóa không đúng lúc 30.000 doanh nghiệp ở miền Nam vào tháng 3 năm 1978 và thống nhất tiền tệ của nước này vào tháng 5 năm 1978 làm dấy lên mối nghi ngờ của Trung Quốc cho rằng Việt Nam đang nhắm vào cộng đồng gốc Hoa một cách bất công — nhiều người trong đó là chủ doanh nghiệp. Hành động dứt khoát với Trung Quốc diễn ra khi Việt Nam gia nhập Hội đồng Tương trợ Kinh tế do Liên Xô đứng đầu vào tháng 6 năm 1978. Trung Quốc đình chỉ tất cả viện trợ cho Việt Nam vào ngày 3 tháng 7 và đóng cửa biên giới chung của hai nước vào ngày 11 tháng 7.

Việc Trung Quốc xâm lược Việt Nam bảy tháng sau đó, diễn ra chỉ một tháng sau chuyến thăm Mỹ của Đặng Tiểu Bình để bình thường hóa quan hệ, chủ yếu là để cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng chung tay với Mỹ để kiềm chế Liên Xô.

Đó là một động thái dường như vi phạm nguyên tắc quí báu của thuyết cân bằng quyền lực theo chủ nghĩa Hiện thực. Trong chừng mực Liên Xô vẫn yếu hơn Mỹ trong suốt Chiến tranh Lạnh, việc người Trung Quốc giúp Mỹ đánh bại Liên Xô và và thống trị toàn cầu dường như là thiếu khôn ngoan.

Chiến tranh Đông Dương lần thứ ba (danh xưng ưa thích của nhiều học giả về các cuộc xung đột liên quan giữa Việt Nam, Campuchia và Trung Quốc từ năm 1979 đến năm 1989) đã khiến các nhà nghiên cứu theo chủ nghĩa Hiện thực tranh nhau sửa đổi lý thuyết lâu đời này. Trong số những phát kiến phổ biến nhất là lý thuyết “cân bằng mối đe dọa” của nhà khoa học chính trị Harvard, Stephen Walt, cho rằng Đặng cảm thấy bị đe dọa bởi Liên Xô nhiều hơn bởi Mỹ, mặc dù sức mạnh của Mỹ là lớn hơn.

Đóng góp lớn của Walt nằm trong việc phân biệt giữa nhận thức về quyền lực và về mối đe dọa với các phép đo khách quan về quyền lực. Ngày nay, khi biết rằng vào năm 1979 sự sụp đổ của Liên Xô chỉ cách đó một thập niên thôi, thật khó có thể tưởng tượng vào thời điểm đó, hầu hết các nhà bình luận nổi tiếng lại tin rằng Liên Xô thực sự đang trỗi dậy so với Mỹ. Nhưng bối cảnh địa chính trị vào thời điểm đó trông rất khác.

Viết trên tờ Foreign Affairs vào tháng 1 năm 1978, chuyên gia nghiên cứu chính sách Helmut Sonnenfeldt lo ngại rằng “sức mạnh quân sự của Liên Xô tiếp tục phát triển và sự tham gia của Liên Xô vào các vấn đề thế giới, dù có giao động gì đi nữa, vẫn đang gia tăng”.

Như Fredrik Logevall và Campbell Craig đã cho thấy, các chính trị gia, nhà báo và học giả Hoa Kỳ đều tạo dựng được sự nghiệp nổi tiếng hay tai tiếng nhờ mối đe dọa được thổi phồng từ Liên Xô, bất chấp lợi thế kinh tế và công nghệ của Hoa Kỳ so với Liên Xô trong suốt Chiến tranh Lạnh. Nhưng người Mỹ không đơn độc khi đánh giá quá cao sức mạnh của Liên Xô trong những năm 1970 – Đặng Tiểu Bình và Thủ tướng Singapore lúc đó là Lý Quang Diệu chắc chắn cũng cảm thấy như vậy, và chính người Liên Xô cũng vậy.

Trong hồi ký của mình, Lý Quang Diệu nhớ lại: “Khi tôi đến thăm Liên Xô vào tháng 9 năm 1970 và gặp Thủ tướng Kosygin tại biệt thự nghỉ dưỡng của ông trên Biển Đen, các nhà lãnh đạo Liên Xô khoa trương và quyết đoán, tin tưởng rằng tương lai thuộc về họ.”

Ngược lại, vào ngày 15 tháng 7 năm 1979, Tổng thống Hoa Kỳ Jimmy Carter đã đọc một trong những bài diễn văn nổi tiếng nhất của mình, trong đó ông nói về “một cuộc khủng hoảng lòng tin” đe dọa sự “thống nhất về mục đích” của quốc gia đang chao đảo của ông.

Trên khắp thế giới, vào năm 1979 đã có một nhận định đều khắp rằng trên bàn cờ thế giới, Liên Xô đang có được mọi thứ họ muốn, còn Mỹ thì đang rút lui. Không những Mỹ phải chịu đựng sự nhục nhã khi rút quân khỏi Đông Dương năm 1973 chỉ để chứng kiến đồng minh của mình rơi vào tay Cộng sản vào năm 1975, mà người Mỹ dường như còn mất dần quyền kiểm soát ở những nơi khác.

Trong cuộc đảo chính quân sự năm 1974 ở Ethiopia và cuộc chiến sau đó với Somalia ở Ogaden năm 1977-1978, cũng như cuộc nội chiến năm 1975 ở Angola, những nhà cách mạng thân Liên Xô đã giành được vị trí quan trọng ở châu Phi với sự trợ giúp của lực lượng viễn chinh Cuba. Càng ngày càng lo sợ, Mỹ và các đồng minh trên toàn thế giới ngày càng phải dùng đến bạo lực đàn áp những người cánh tả, bao gồm cả cuộc đảo chính năm 1973 chống lại Tổng thống được bầu một cách dân chủ Salvador Allende của Chile và vụ thảm sát năm 1976 các nhà hoạt động cánh tả tại Đại học Thammasat ở Bangkok, Thái Lan.

Bất chấp bạo lực phản động này, năm 1979 dường như là điểm đỉnh đối với Đế quốc Liên Xô và là điểm thấp nhất đối với Mỹ, và không chỉ vì Trung Quốc đã thất bại trong việc đánh bật Việt Nam khỏi việc chiếm đóng Campuchia vào tháng 3 năm 1979.

Vào ngày 3 tháng 2, Vua của Iran, một đồng minh lâu năm của Mỹ, buộc phải rời khỏi đất nước. Đến tháng 11, một chế độ thần quyền đã được thiết lập và 52 người Mỹ bị bắt làm con tin khi sinh viên xông vào đại sứ quán Mỹ ở Tehran. Cách mạng Iran sẽ gây bất ổn nghiêm trọng cho nền kinh tế toàn cầu, gây ra cuộc khủng hoảng dầu lửa, một cuộc khủng hoảng sẽ trở nên trầm trọng hơn do sự bùng nổ vào năm sau của một cuộc chiến kéo dài một thập niên giữa Iran và Iraq. Không lâu sau đó, và trước hôm Giáng sinh 1979, quân đội Liên Xô tiến vào Afghanistan và bắt đầu cuộc chiếm đóng ở đó kéo dài mười năm. Trong khi đó, tại sân sau của chính nước Mỹ, những nhà cách mạng thân Liên Xô đã giành quyền kiểm soát Nicaragua và bắt đầu cuộc nội chiến kéo dài một thập niên ở El Salvador.

Nhìn chung, năm đó được coi là một sự sỉ nhục đối với Carter và cả nước Mỹ khiến cho ông ấy sẽ sớm bị Ronald Reagan thay thế bằng một chiến thắng long trời lở đất trong Cuộc bầu cử Tổng thống năm 1980.

Nhưng bất chấp nhận thức về sự thành công vượt trội của Liên Xô và sự mất phương hướng của Mỹ, năm 1979 cuối cùng vẫn chứng tỏ là năm sẽ đảo ngược vận mệnh ngoại giao và quân sự của Liên Xô.

Việc Việt Nam chiếm đóng Campuchia và Liên Xô chiếm đóng Afghanistan đều là những thành công quân sự ban đầu nhưng lại trở thành vũng lầy rất tốn kém cho khối Liên Xô, điều này cuối cùng sẽ buộc cả hai nước phải từ bỏ nền kinh tế hoạch định hoàn toàn vào giữa những năm 1980.

Năm 1979 cũng sẽ báo trước một kỷ nguyên mới khi xung đột sắc tộc và giáo phái giành vị trí hàng đầu để cuối cùng làm lu mờ các đường rạn nứt ý thức hệ của Chiến tranh Lạnh. Vào tháng 6, Giáo hoàng John Paul II đã về thăm quê hương Ba Lan, kích thích một sự hồi sinh đức tin chưa từng có tại quốc gia Cộng sản này, và có lẽ đã thúc đẩy sự ủng hộ cho công đoàn Đoàn kết độc lập – được thành lập một năm sau đó và đóng vai trò trung tâm trong sự sụp đổ của chế độ Cộng sản.

Vào ngày 27 tháng 8 năm 1979, Huân tước Mountbatten, một thành viên nổi bật của hoàng gia Anh, bị các thành viên Quân đội Cộng hòa Ireland ám sát, làm gia tăng nghiêm trọng bạo lực giáo phái giữa người Công giáo và người Tin lành ở Ireland và Vương quốc Anh, một thời kỳ được gọi là “Những rắc rối.”

Và chính trong việc thành lập một chế độ thần quyền hiện đại ở Iran và trên các chiến trường Afghanistan, Hồi giáo chính trị một lần nữa trở thành một lực lượng được tính đến trên sân khấu thế giới, dẫn đến ‘Cuộc chiến chống khủng bố’ tồi tệ nhiều thập niên sau đó.

Chiến tranh Đông Dương lần thứ ba cũng là một cuộc xung đột giữa các đồng minh ý thức hệ rõ ràng có nguồn gốc từ giấc mơ của Pol Pot là khôi phục lại vinh quang của Đế quốc Khmer bằng cách chiếm lại đồng bằng sông Cửu Long từ tay Việt Nam. Điều cấp thiết là khi ghi nhớ điều đó ngày nay, chúng ta phải nhận thức được bối cảnh toàn cầu mà cuộc chiến ấy đã xảy ra. Đó là một trong số lượng lớn các cuộc xung đột quan trọng mang tính đặc trưng cho năm 1979, một năm có lẽ còn nhiều biến động và quan trọng hơn năm 2020 trong việc định hình tiến trình lịch sử thế giới.

______

Tác giả: Hoàng Minh Vũ là nhà sử học ngoại giao về Đông Nam Á thời Chiến tranh Lạnh và hiện đang thỉnh giảng Khoa Lịch sử và Việt Nam học tại Đại học Fulbright Việt Nam. Ông lấy bằng Tiến sĩ Lịch sử tại Đại học Cornell vào năm 2020 và có bằng cử nhân về Quan hệ Quốc tế và Lịch sử từ trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London.

Đầu trang

19 tháng 2 2021 - bbc.com

Tưởng niệm 17/2/79: Bài học lớn nhất là giữ cho được tự chủ và bình đẳng?

Getty Images - Người dân Việt Nam tại Hà Nội tưởng niệm cuộc chiến tranh nổ ra ngày 17/2/1979

Đánh dấu, tưởng niệm 42 năm cuộc chiến tranh mà Trung Quốc phát động trên biên giới phía Bắc Việt Nam nổ ra ngày 17/2/1979, một số nhà nghiên cứu và quan sát từ Việt Nam bình luận với BBC về việc nước này có thể làm gì để quan hệ với Trung Quốc được tự chủ, bình đẳng hơn.

Từ Hà Nội, cựu Trung tá Quân đội Nhân dân Việt Nam, nhà văn Nguyễn Nguyên Bình nói với một hội luận Bàn tròn của BBC hôm thứ Năm 18/02/2021:

"Theo tôi, quá trình hơn 40 năm vừa qua, ứng xử hay quan hệ cũng có cái đúng, cái sai, nhưng điều quan trọng nhất tôi thấy Việt Nam phải giữ được là sự bình đẳng và tôi chưa thấy hình ảnh độc lập, tự chủ của Việt Nam.

"Hình như là nó rất mờ nhạt, mà nó cứ lệ thuộc vào một cái gì đó, chứ còn quan hệ với Trung Quốc thì Việt Nam trước sau vẫn phải quan hệ, vì họ là nước láng giềng của Việt Nam.

"Song quan hệ thế nào cho bình đẳng thì các vị lãnh đạo ở Việt Nam cũng nên xem lại, mà nếu như ý kiến nhà nghiên cứu lịch sử nói trong 1-2 năm nay Việt Nam cũng có một sự chuyển đổi, biến đổi hay thay đổi về cuộc chiến tranh mà Trung Quốc xâm lược Việt Nam tháng 2/1979, thì Việt Nam phải tiếp tục phát huy nó lên.

"Tại vì nhân dân Việt Nam rất mong chuyện ấy, trên dư luận người ta rất thắc mắc và người ta rất mong mỏi rằng bây giờ Việt Nam phải nói rõ và phải ứng xử bình đẳng. Nếu đã giao hẹn với nhau đừng nhắc lại quá khứ nữa, thì bây giờ Trung Quốc cũng phải chấm dứt cái quá khứ đó đi.

"Nhất là Trung Quốc cứ theo đuổi mãi chuyện xâm lược Biển Đông, rồi lúc nào cũng theo đuổi đường Lưỡi bò (yêu sách chủ quyền dựa trên bản đồ đường 9 đoạn), như thế là không được rồi.

"Thế thì nhà cầm quyền Việt Nam chắc phải nói với họ rằng anh phải chấm dứt chuyện ấy, mà bây giờ quốc tế rất ủng hộ Việt Nam trong việc thực hiện Công ước Quốc tế 1982 về Luật biển (Unclos), thế thì tại sao Việt Nam không thể nói với người ta rằng đã là hiệp định quy định với nhau thì phải bình đẳng.

"Không bình đẳng là không được. Còn bây giờ tôi nghĩ là các nước trên thế giới đang rất ủng hộ Việt Nam, mà mình lại cứ rụt rè trong quan hệ là không được."

Độc lập, chủ quyền quốc gia và tình đồng chí?

Getty Images - Lãnh đạo nhà nước và đảng Cộng sản hai nước Trung Quốc và Việt Nam nâng cốc trong chuyến thăm của Chủ tịch TQ Tập Cận Bình (bìa trái) tới Việt Nam hôm 05/11/2015

Từ Đại học Quốc gia Hà Nội, nhà nghiên cứu sử học Lê Văn Sinh nhấn mạnh ý nghĩa của vấn đề độc lập và chủ quyền quốc gia tại hội luận:

"Tôi nghĩ là cho tới hiện nay các vị lãnh đạo của Việt Nam phải giữ được sự độc lập và chủ quyền cho đất nước, nhưng trong vấn đề độc lập và chủ quyền này, tôi không tin vào cái gọi là tình đồng chí, hay là ý thức hệ.

"Mà tôi tin rằng các quốc gia đều hành động vì quyền lợi dân tộc của họ và trong hoàn cảnh Việt Nam mà hàng xóm là Trung Quốc, một đất nước mà chúng ta không thể nào tự rời đi đâu khác được, và chúng ta vẫn phải sống cạnh họ, mà họ luôn luôn ép Việt Nam về mọi thứ.

"Nào là thương mại, nào là kinh tế, Việt Nam đều bị ép cả, cho đến chuyện Biển Đông, cho đến chuyện biên giới, từ ký hiệp định biên giới ở đất liền cho đến ngoài Vịnh Bắc Bộ.

"Rồi hiện nay, như tin tức tôi vừa nhận được là từ ngày 02/2/2021, tàu thăm dò của Trung Quốc xuất phát từ cảng Tam Á đi vào sâu trong vùng thềm lục địa của Việt Nam, cách đường biên giới đất liền chỉ chừng 130-140 hải lý, họ vào sâu tới 60-70 hải lý trong thềm lục địa của Việt Nam.

"Ngược lại một chút, có thể thấy Việt Nam đã phải lùi bước liên tục vào các năm 2017, 2018 và 2019, Việt Nam ba lần phải phá vỡ các hợp đồng với các hãng thăm dò dầu khí của nước ngoài, Việt Nam phải đền bù cho các hãng đó, tôi không biết là bao nhiêu, nhưng chắc chắn là phải đền bù sự phá vỡ hợp đồng.

"Mà Việt Nam thăm dò trong vùng thềm lục địa của Việt Nam, trong vùng lãnh hải của Việt Nam, phần mà theo Công ước luật biển 1982, Việt Nam được quyền khai thác, mà Trung Quốc ép Việt Nam như vậy.

"Vậy thì tại sao Việt Nam cứ phải bị lệ thuộc vào họ? Tại sao Việt Nam phải cử những đoàn cán bộ đảng, nhà nước v.v... sang Trung Quốc để học cách họ làm thế này, thế kia, chống tham nhũng thế nọ?Tôi nghĩ Việt Nam cần phải thoát Trung thì mới có thể mạnh lên được."

'Cần giải mật tư liệu để nhân dân và các giới hiểu rõ'

Getty Images - Người dân Việt Nam trong một cuộc tưởng niệm cuộc chiến 17/02/1979 tại Hà Nội

Từ Sài Gòn, nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, nguyên giảng viên lịch sử và quan hệ quốc tế Đại học Mở TPHCM, nhân dịp này đưa ra một bình luận với BBC:

"Đối với tôi, nghiên cứu một cuộc chiến tranh không phải là để khơi động lại lòng hận thù, mà nghiên cứu một cuộc chiến tranh để rút ra bài học kinh nghiệm để không có một cuộc chiến tranh như thế nữa trên đất nước này

"Chính vì vậy mà tôi đề nghị là nhà nước Việt Nam nên giải mật các tài liệu của cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979.

"Nếu về một mục đích nào đó trong quan hệ Việt - Trung hiện nay chưa giải mật được một cách rộng rãi, thì ít nhất cũng phải giải mật cho giới nghiên cứu, cho các nhà sử học.

"Và chúng tôi tin rằng các giới nghiên cứu và các nhà sử học khi tiếp cận được các tài liệu đó, sẽ có cách truyền tải lại để cho cộng đồng, để cho nhân dân được rõ về bản chất của cuộc chiến này," ông Đinh Kim Phúc nói với hội luận của BBC.

Còn Từ Nha Trang, sau khi theo dõi cuộc thảo luận, nhà báo Võ Văn Tạo gửi bình luận cho BBC về vấn đề quan hệ Việt - Trung trong giai đoạn mới, ông nêu quan điểm:

"Theo tôi, muốn bình đẳng, phải có thực lực và tạo thế bang giao trên trường quốc tế. Sau Tuyên bố Thượng Hải 1972 (Mỹ Trung), lãnh đạo Việt Nam đã biết Trung Quốc có tính toán riêng. Từ đó, viện trợ của Trung Quốc cho Hà Nội giảm mạnh.

"Sau 1975, bị Mỹ cấm vận, Việt Nam càng lệ thuộc Trung Quốc nặng nề. Để phá thế bí ấy, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch chủ trương mở rộng quan hệ hợp tác với các cường quốc tư bản, để làm đối trọng với Bắc Kinh.

Getty Images - Người dân Việt Nam bày tỏ tình cảm trong một dịp tưởng niệm cuộc chiến tranh Biên giới 2/1979, tại Hà Nội

"Rất tiếc, phái thủ cựu, giáo điều trong chóp bu Việt Nam đã cản trở rất mạnh sáng kiến của ông Nguyễn Cơ Thạch, làm Việt Nam bỏ lỡ nhiều cơ hội cất cánh kinh tế (đặc biệt là trì hoãn bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ, trì hoãn ký hiệp định thương mại Việt Mỹ)."

Có dám đổi mới và liên minh để bảo vệ chủ quyền?

Và nhà báo Võ Văn Tạo nói thêm:

"Bốn thập kỷ qua, kinh tế Trung Quốc tiến như vũ bão, tương quan thực lực Việt - Trung càng chênh lệch. Nguy cơ Việt Nam bị Trung Quốc lấn hiếp, gây chiến, thôn tính càng rõ.

"Muốn cải thiện tình thế, theo tôi Việt Nam cần đẩy mạnh xây dựng kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là từ khối Mỹ, Nhật, Ấn, Hàn... tăng cường giao thương với họ, và nhất là xây dựng quan hệ hợp tác toàn diện, kể cả xây dựng liên minh quân sự với các cường quốc.

"Lâu nay, Việt Nam thường tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên rằng liên minh quân sự với nước ngoài sẽ có nguy cơ lệ thuộc, mất độc lập tự chủ, mất chủ quyền quốc gia... nên Việt Nam chủ trương "3 không, 4 không", theo tôi đó là lập luận sai lầm tệ hại.

"Hãy xem các nước Tây Âu liên minh với Mỹ trong khối NATO, rồi các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Úc, Ấn Độ... đều có hợp tác quân sự ở mức cao, hoặc có hiệp ước liên minh quân sự với Mỹ, có nước nào lệ thuộc Mỹ, mất chủ quyền quốc gia đâu?

"Mới đây, Mỹ còn tuyên bố sẽ bảo vệ các đảo của Nhật Bản như bảo vệ lãnh thổ Mỹ. Do đó, tôi cho rằng lãnh đạo Việt Nam cần có những bước đi mạnh bạo, quyết đoán về vấn đề này, như ĐCSVN đã từng dám chủ trương đổi mới kinh tế hồi Đại hội 6 năm 1986."

Đầu trang

18/02/2021 - baotiengdan.com

Người anh hùng đánh Tàu hy sinh ở Vị Xuyên: “Chỉ còn mối tình mang theo…”

Lê Đức Dục
18-2-2021

Ảnh: VTV

“Khi đó bị thương mình cứ bò đi , chung quanh toàn mỏm đá, mình chỉ mong tìm được một vạt đất bằng phẳng để nằm chết cho thoải mái. Khi tìm được chỗ bằng phẳng rồi mình lại ước có đồng đội bên cạnh, để mình chết thì có hơi ấm của đồng đội bên mình, có đồng đội vuốt mắt cho mình…”

Người kể lại những ước mơ lính chốt Vị Xuyên ấy là Ngiêm Xuân Hàm, một nhân chứng Vị Xuyên trong bộ phim “Phần đời còn lại” của bạn Thụy và các bạn của Thụy vừa phát tối qua trên VTV1

Mình nghe rất nhiều người lính nói về ước mơ nhưng chưa nghe ai mơ ước có một bãi đất phẳng một tý để nằm chết cho thoải mái!

Nhưng Vị Xuyên là thế, mình định review cho bộ phim tài liệu dài 43 phút này. Nhưng thôi, để gắn đường link cho các bạn xem, chữ nghĩa sẽ không thể diễn tả hết được sự tử sinh và tình đồng đội trong bộ phim này.

Mình có một niềm vui nho nhỏ khi xem phim này là đã tìm được người yêu cũ của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh – người khắc lên báng AK một dòng chữ và dòng chữ ấy nay đã được tạc vào đài hương 468: “Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử”.

Ngày 23 Tết năm 2014 mình cùng Bình từ biên giới Hà Giang tìm về quê hương anh Ninh ở Phú Thọ, khi gia đình cho xem các di vật anh để lại, có lá thư một người con gái gửi cho anh.

Chuyện đó mình có kể lại mấy năm trước:

***

“NHỜ TÌM NGƯỜI YÊU CŨ CHO NGƯỜI ANH HÙNG ĐÁNH TRUNG QUỐC, ĐÃ HY SINH Ở VỊ XUYÊN TRƯỚC LÚC GIAO THỪA…

Ngày 29 Tết Giáp Tý là ngày 19-1-1985.

Khi cả nước chuẩn bị đón giao thừa thì trên điểm chốt Vị Xuyên quân ta vẫn còn đánh nhau với quân Trung Quốc.Trung đội trưởng Nguyễn Viết Ninh thuộc đại đội 5, tiểu đoàn 2, trung đoàn 876, sư đoàn 356 đã hy sinh đúng thời khắc đó. Năm 2015, tròn 30 năm anh Ninh hy sinh mình có viết bài “Nằm lại Vị Xuyên trước lúc giao thừa”. Nguyễn Viết Ninh được phong Anh hùng LLVTND.

Bài báo ấy vẫn còn link trên Tuổi Trẻ. (*)

Nhưng điều mình day dứt mãi là khi được gia đình cho xem những gì còn lại của anh Ninh, thì đó là chỉ là lá thư tay của người yêu cũ .

Bức thư của một người con gái ở Lao Cai gửi về cho gia đình sau khi anh Ninh hy sinh hơn một năm.

Bức thư đề ngày 22-3-1986, nét chữ nghiêng nghiêng với màu mực Cửu Long sau tròn 30 năm vẫn còn rất nét. Đã tiếp xúc với nhiều chuyện tình của lính, đã được đọc nhiều lá thư di vật tìm thấy bên hài cốt trong những lần theo chân các đội quy tập mộ liệt sĩ, nhưng có lẽ câu chuyện tình của Nguyễn Viết Ninh, người anh hùng hy sinh khi 24 tuổi sẽ còn ám ảnh về sự hy sinh vô bờ của người lính Việt.

Hóa ra những ngày đóng quân ở Lào Cai (thời điểm ấy còn gọi là tỉnh Hoàng Liên Sơn), Ninh có mối tình với một cô gái tên Tư ở đây từ tháng 6-1983.

Anh Ninh đã rất nghiêm túc báo cáo chuyện của hai người với bố mẹ người yêu. Tết năm 1984, Ninh về phép thăm gia đình, khi trở lại Lào Cai thì người yêu anh đã về nhập học ở trường công nhân cơ khí hóa chất Bắc Giang trước đó một ngày.

Tình yêu của người lính chiến chỉ có những lá thư từ biên giới về hậu phương. Nhưng đến tháng 12 năm 1984, người yêu của Ninh không nhận được những lá thư của anh nữa, lá thư cuối cùng Ninh gửi cho cô vào tháng 11.

Giáp Tết 1985, Tư về Lào Cai ăn tết cũng không thấy bóng dáng Ninh, cô không hay biết những ngày đó Ninh đang cùng đồng đội bám trụ trên chốt mặt trận Vị Xuyên và anh đã hy sinh vào ngày 29 Tết!

Linh cảm điều chẳng lành đã đến, khi tháng 4-1985, cô nhận được lá thư tuy số hòm thư đúng là của Ninh nhưng nét chữ lại khác.

“Trời ơi, điều mà con linh cảm bây giờ đã thành sự thật. Chính trị viên đơn vị đã ghi thư báo tin đó cho con. Con chỉ biết khóc và khóc hoài… Anh Ninh là mối tình đầu, anh là người đầu tiên anh yêu mến và đặt niềm tin hy vọng về tương lại hạnh phúc. Song giặc thù đã cướp đi của con một người chồng tương lai… Trước kia, khi anh Ninh còn sống chúng con đã có ý định con học xong ba năm thì xin về mỏ Thanh Sơn, Vĩnh Phú công tác để cho gần bố mẹ, song tất cả mơ ước ấy đã không thành. Tất cả chi do kẻ thù gây nên…”

Bức thư dài kín hai trang giấy ấy có lẻ là gia tài riêng tư duy nhất mà anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh có được. Đợi cho chúng tôi đọc hết lá thư, người em dâu của anh Ninh mới rụt rè: “Các anh nhà báo có cách gì để giúp gia đình tìm lại người yêu của anh Ninh, sau ba mươi năm, chắc nhiều điều đã thay đổi, nhưng gia đình rất muốn một lần Tư về thăm quê nhà của anh Ninh.”

Chúng tôi đã liên lạc với cựu binh của sư đoàn 356, anh Nguyễn Đình Thắng để hỏi về người con gái Lào Cai, người yêu của anh Ninh, anh Thắng cho biết thời điểm đó, trung đoàn 876 của anh Ninh đóng quân ở suối Bo, gần khu mỏ ở Bảo Thắng, những đồng đội của anh Ninh ở hội cựu binh sư 356 ở Bảo Thắng sẽ đi tìm giúp.

Chúng tôi hy vọng có ai đó trên FB sẽ biết đến cô gái Ngô Ngọc Tư, học viên khóa 17 lớp Nguội của trường Công nhân cơ khí hóa chất Bắc Giang những năm 1984-1986.

Không biết chị Tư nay sống ở đâu? Lâu lâu tôi lại đưa câu chuyện này lên với hy vọng mạng lưới FB sẽ cho chị Tư biết là hài cốt anh Ninh nay đã đưa về quê nhà, xã Minh Hòa – huyện Yên Lập – tỉnh Phú Thọ, và mong chị Tư sẽ về đó thắp cho anh Ninh một nén nhang để hương hồn anh Ninh có thể mỉm cười…

***

Sau đó mình có nhờ nhiều anh em F356 tìm giúp chị Tư, và bất ngờ hôm qua xem phim, mình đã thấy được chị. Hơn 30 năm từ khi anh Ninh ngã xuống. Chị Tư sau ngần ấy năm giờ vẫn đẹp, đang sống ở TP Yên Bái. Chị đã về quê anh Ninh, khóc bên mộ người yêu.

Hàng vạn người lính hy sinh, và không phải ai cũng có một cuộc tình với một người yêu xinh đẹp như anh Ninh, cho dù anh đã ra đi.

Đầu trang

February 18, 2021 - baocalitoday.com

Chiến cuộc Việt- Trung, 42 năm chưa làm tròn trách nhiệm

Nhân kỷ niệm 42 năm ngày nổ ra cuộc chiến biên giới Việt Nam- Trung Quốc, hay còn gọi là Chiến tranh biên giới phía Bắc (17/2/1979 – 17/2/2021), đã có hàng vạn dân và quân nhân Cộng Sản Việt Nam (CSVN) hy sinh trong cuộc chiến này. Tuy nhiên, đến nay dư luận Việt Nam vẫn thắc mắc tại sao nhà cầm quyền CSVN lại thiếu công bằng trong công tác đền ơn đáp nghĩa đối với người nằm xuống tại biên cương phía Bắc như khá hạn chế việc truy phong anh hùng liệt sĩ chống Trung Quốc…

Với khẩu lệnh “Dạy cho Việt Nam một bài học” của Chủ tịch Hội nghị hiệp thương chính trị Trung Quốc lúc bấy giờ là ông Đặng Tiểu Bình, vào ngày 17/2/1979, nhà cầm quyền Trung Quốc đã huy động 60 vạn quân đồng loạt vượt biên giới, tấn công vào 6 tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam gồm: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên, Lào Cai và Lai Châu.

Đây là một cuộc chiến diễn ra trong thời gian ngắn (khoảng một tháng) giữa Việt Nam với Trung Quốc nhưng hậu quả để lại vô cùng khốc liệt. Ngoài việc cả hai bên Việt Nam và Trung Quốc cùng thương vong hàng vạn người, phía Việt Nam còn gánh tổn thất nặng nề về kinh tế, cơ sở vật chất hạ tầng ở 6 tỉnh biên giới cơ bản bị phá hủy hoàn toàn.

Mặc dù ngày 18/3/1979, nhà cầm quyền Trung Quốc cho rút quân hoàn toàn ra khỏi 6 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam, kết thúc cuộc chiến biên giới Việt –Trung năm 1979. Tuy nhiên, biên giới Việt- Trung vẫn còn xảy ra căng thẳng, tiếng súng vẫn nổ cho đến cuối thập niên 80 của thế kỷ XX mới kết thúc. Và sau khi Liên Xô tan rã, Việt Nam rút quân khỏi Campuchia thì quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc mới chính thức bình thường hóa vào năm 1992.

Theo các nhà quan sát chính sự và các nhà viết lịch sử, giữa Việt Nam và Trung Quốc đã bình thường hóa vào năm 1990 bằng một hội nghị thượng đỉnh Việt-Trung trong hai ngày 3-4/9/1990. Hội nghị tại này diễn ra tại Thành Đô (tỉnh Tứ Xuyên- Trung Quốc) nên còn có tên gọi là Hội nghị Thành Đô hoặc cũng có thể gọi là “Mật ước Thành Đô” giữa lãnh đạo cấp cao của hai Đảng và Chính phủ Việt Nam- Trung Quốc.

Chia sẻ với Cali Today, nhà văn Phạm Viết Đào- một người chuyên viết bài vở và đăng thông tin lên mạng xã hội những vấn đề liên quan đến chiến cuộc biên giới Việt- Trung. chia sẻ, nhắc lại Hội nghị Thành Đô thì giữa lãnh đạo Việt Nam- Trung Quốc đã ký kết “Kỷ yếu hội nghị đồng thuận bình thường hóa quan hệ hai nước” và nhiều năm sau đó có một Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng từ nhiều năm trước lãnh đạo hai nước đã “thỏa thuận gác lại quá khứ và mở ra tương lai”. Vậy là từ Hội nghị Thành Đô cho đến nay, quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam-Trung Quốc được cải thiện, giữa hai Đảng CS ngày một gắn kết hơn thì cuộc chiến biên giới phía Bắc năm 1979 hầu như rất ít được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông, sách giáo khoa lịch sử Việt Nam phải mất thời gian dài cho đến những năm gần đây mới ghi được vài dòng nói về cuộc chiến này.

Cái này là từ chủ trương thảo thuận giữa Đảng ta với phía Trung Quốc, tại Hội nghị Thành Đô, hai bên gặp nhau có thỏa thuận nào đấy thôi thì bây giờ khép lại quá khứ đi. Điều này chính ông Đỗ Mười có lần nói với một nhà văn…”- Nhà văn Phạm Viết Đào chia sẻ.

Hễ khi được nhắc đến các cuộc chiến vệ quốc của quân và dân Việt Nam đối với mộng bành trướng Bắc Kinh, dư luận Việt Nam thắc mắc tại sao Việt Nam có những huân chương truy tặng liệt sĩ chống Pháp, liệt sĩ chống Mỹ, rồi tượng đài Tổ Quốc ghi công xây dựng khắp cả nước nhưng tại sao lại ít thấy tượng đài ghi công liệt sĩ chống Trung Quốc, ít thấy những buổi lễ truy tặng huân chương cho liệt sĩ chống Trung Quốc. Từ Trung ương cho đến các địa phương ở Việt Nam hầu như cũng ít có những hoạt động đền ơn đáp nghĩa cụ thể là dành cho những người nằm xuống vì cuộc chiến biên giới Việt- Trung. Đáng buồn hơn người dân Việt Nam, đặc biệt thế hệ trẻ ngày nay rất hạn chế tìm hiểu cuộc chiến này. Ông Đào chia sẻ:

Không như bên Mỹ, ở Việt Nam mà ban Tuyên giao có lệnh thì ở các địa phương không dám làm gì…Ở Việt Nam trên bảo dưới phải nghe. Chỉ hé mở một tí, báo chí viết được số ít thôi còn về nhà văn viết thành tác phẩm, thì không ai đầu tư mà cũng không có nhà xuất bản nào dám xuất bản cả.”

Theo Cali Today tìm hiểu thì hiện tại ở Cao Bằng có nghĩa trang huyện Trà Lĩnh là nơi ghi nhận có sự yên nghỉ của hơn 300 liệt sĩ hy sinh tại cuộc chiến Việt- Trung năm 1979.

Ngoài ra Chính sách cho cán bộ, chiến sĩ tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc được hưởng theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg, năm 2011 của Thủ tướng và Nghị định 23/2012/NĐ-CP của Chính Phủ.

Trước đó, ngay sau cuộc chiến biên giới Việt- Trung kết thúc, ngày 20/12/1979, Chủ tịch nước Việt Nam lúc bấy giờ là Tôn Đức Thắng đã ký Lệnh số 187-LCT, tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho 28 tập thể và 29 cá nhân có thành tích chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong cuộc chiến này.

Tuy nhiên, người dân Việt Nam cho rằng bao nhiêu đó cũng chưa tương xứng với vong linh hàng vạn quân-dân Việt Nam đã ngã xuống vì mảnh đất biên cương phía Bắc của Tổ Quốc. Rồi những năm gần đây, nhiều nhà hoạt động ở Việt Nam hễ đến ngày 17/2 thường có những hoạt động thắp hương, đặt vòng hoa tưởng niệm tại các nghĩa trang nhưng rất nhiều lần bị nhà cầm quyền CSVN tại các địa phương gây khó dễ vì cho rằng các hoạt động này dễ bị lợi dụng kích động biểu tình, gây rối trật tự công cộng.

Nhà văn Phạm Viết Đào cho biết, liên quan chiến cuộc biên giới phía Bắc giai đoạn 1979 đến cuối thập niên 80 của thế kỷ XX, hiện phía Trung Quốc đã truy tặng danh hiệu anh hùng cho 10 quân nhân tại cuộc chiến Lão Sơn, ra sách ca tụng công lao Đặng Tiểu Bình. Còn phía Việt Nam, cũng có nhiều cá nhân trong hàng ngũ Đảng CSVN đề nghị Đảng và Nhà nước truy phong anh hùng liệt sĩ kháng chiến chống Trung Quốc nhưng đến nay lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam gần như vẫn thể hiện sự im lặng.

“Chúng tôi nhiều lần đề nghị truy phong anh hùng đi, phiá Trung Quốc truy phong một lúc 10 anh hùng Lão Sơn. Việt Nam thì cứ im, vẫn chưa chấp nhận.”- Lời của ộng Đào./.

THIÊN HÀ

Đầu trang

17 tháng 2 2021 - bbc.com

Chiến tranh biên giới 1979 nhắc nhở lãnh đạo Việt Nam điều gì?

Mỹ Hằng
BBC News Tiếng Việt

HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images - Những người biểu tình chống Trung Quốc mang theo biểu ngữ tham gia các cuộc tuần hành quanh Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội

Kỷ niệm 42 năm ngày nổ ra chiến tranh biên giới Việt - Trung (17/2/1979) năm nay, báo nhà nước Việt Nam được cho là có nhiều tiến bộ trong tuyên truyền khi đã có một số bài viết nêu đích danh Trung Quốc. Nhưng có ý kiến rằng điều này 'chưa đủ'.

Nhà nghiên cứu, giảng viên lịch sử Đinh Kim Phúc có cuộc trao đổi với BBC Tiếng Việt hôm 17/2 quanh các bài học lịch sử rút ra từ sự kiện này.

Ông Phúc nói rằng trước đây ông thường cùng bạn bè đi thắp hương tại tượng đài Đức Thánh Trần ở Bến Bạch Đằng.

"Nhưng năm ngoái, khi lư hương tại tượng Đức Thánh Trần bị cẩu đi nơi khác, tôi thường ngồi nhà hoặc ngồi cùng anh em, những đồng đội năm xưa từng trực tiếp cầm súng, để soi rọi lại lịch sử Việt Nam, từ đó rút ra bài học chúng ta được gì, mất gì, khi đối đầu cũng như khi làm bạn với Trung Quốc," ông Phúc nói qua điện thoại với BBC từ nhà riêng ở TP Hồ Chí Minh.

"Bài học để tránh cuộc chiến tương tự"

Dinh Kim Phuc - Nhà nghiên cứu lịch sử, giảng viên Đinh Kim Phúc (giữa, áo kẻ) trong một cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc

Là một người nghiên cứu và giảng dạy lịch sử nhiều năm, ông Phúc cho rằng Hội nghị Thành đô năm 1990, trong đó Việt Nam và Trung Quốc thống nhất không khơi gợi lại hận thù mà bắt đầu thời kỳ mới, không có nghĩa Việt Nam im lặng trước sự hi sinh và chiến công hiển hách của các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống trong sự nghiệp bảo vệ độc lập và thống nhất đất nước.

"Cái quan trọng là chúng ta nhắc lại cuộc chiến tranh không có nghĩa chúng ta phát động, tôn sùng chiến tranh mà là chúng ta rút ra được bài học lịch sử sao có cuộc chiến này và làm sao để tránh một cuộc chiến tương tự."

"Vì lý do gì mà nhà nước không khuyến khích toàn dân trong những ngày này ôn lại những truyền thống hào hùng cách đây hơn 40 năm để giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ, để nêu cao tinh thần độc lập, tự do của dân tộc? Ngoài một vài tờ báo nhắc lại một vài vấn đề cụ thể trong cuộc chiến, gần như không có một loạt bài nào hệ thống lại những quan điểm, chiến lược của cuộc chiến tranh này để rút ra những bài học cho ngày hôm nay. Tôi cho rằng nhà nước nên nhìn lại cách tuyên truyền của mình."

"Theo tôi, cần phải nhấn mạnh rằng cuộc chiến chống quân xâm lược Trung Quốc năm 1979 là một cuộc chiến hết sức đẫm máu. Nó xảy ra ngắn ngày, chưa đầy một tháng, nhưng để lại hậu quả và các cuộc chiến tiếp theo kéo dài 10 năm, với những trận đánh mà bộ đội Việt Nam hi sinh 3000 - 4000 người. Điều này chưa từng xảy ra trong cuộc chiến tranh Việt Nam 24 năm từ 1954-1975 . Do đó tôi nghĩ không chỉ nhắc đến các chiến thắng đơn lẻ mà cần phải có sự tổng kết về chiến lược, về quan hệ quốc tế để làm sao tránh được một cuộc chiến tranh trong tương lai."

"Cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc và phía Tây Nam có thể tránh được nếu lãnh đạo Việt Nam sau năm 1975 đánh giá đúng tình hình thế giới, an ninh khu vực, ý thức được tinh thần quốc tế và ý thức hệ cộng sản mà chúng ta đang theo, cái gì là trên hết.

"Trung Quốc tự hào lịch sử 5000 năm tiến về phương Nam. Do đó Việt Nam sẽ luôn luôn là nạn nhân chính sách bành trướng của Trung Quốc ở mọi thời đại. Vấn đề sống chung, giữ hòa khí, không để xảy ra một cuộc chiến như vậy nữa phụ thuộc vào bản lĩnh các lãnh đạo Việt Nam hiện nay. Mà muốn có bản lĩnh thì kinh tế, quân sự và vị trí quân sự của Việt Nam phải ngang bằng với Trung Quốc," ông Phúc nói.

"Chưa làm cho dân tin"

HOANG DINH NAM/Getty Images - Người dân thắp hương tưởng niệm những người đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh biên giới tại Tượng đài Lý Thái Tổ ở Hà Nội

Theo nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, gần đây, các bài báo của nhà nước Việt Nam khi viết về sự kiện này đều chỉ đích danh Trung Quốc là kẻ tấn công xâm lược chứ không chỉ là một cuộc chiến tranh biên giới chung chung. Tuy nhiên chỉ như vậy thì "chưa đủ".

Ông Phúc nói:

"Trong tình hình hiện nay, khi vấn đề Biển Đông ngày càng nguy hiểm, mâu thuẫn giữa hai siêu cường ngày càng sâu sắc, khi mà các dàn xếp quốc tế trên Biển Đông có vẻ không ổn, nhà nước Việt Nam có vẻ thấy được thân phận của mình trước khả năng một cuộc chiến cục bộ sẽ nổ ra ở trên Biển Đông."

"Trung Quốc là đối tác, nhưng cũng là đối trọng, khi tàu của họ vẫn đang đi sâu vào thềm lục địa của Việt Nam sáng 17/2/2021. Khi mà Trung Quốc vẫn có tham vọng điên cuồng độc chiếm biển Đông với bản đồ đường lưỡi bò, muốn thống trị cả Đông Nam Á từ thời Mao Trạch Đông và họ sẽ không bao giờ chấm dứt tham vọng này."

"Việt Nam cũng nên nhìn lại cách đánh giá bạn thù và để cho nhân dân tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống."

Về mối quan hệ Việt Nam từ khi bình thường hóa quan hệ tới nay, ông Phúc cho rằng "căng thẳng hơn 10 năm trước đây" do vấn đề Biển Đông và nguồn nước sông Mekong. Tuy nhiên do sự kiềm chế của hai lãnh đạo, nên hai bên chưa đi đến 'điểm nóng',

"Về mặt phòng thủ, quân sự, chiến lược, tôi cho rằng Đảng Cộng sản và nhà nước VN đã làm được rất nhiều việc so với những thời kỳ trước đây. Nhưng có một điều họ chưa làm tốt: Không làm cho dân tin những điều mình đã làm được. Một nghị định gần đây của Thủ tướng chính phủ quy định rằng các vấn đề đối ngoại, an ninh, quốc phòng đều đóng dấu tuyệt mật. Người dân không được tiếp cận với các chiến lược của quốc gia trong vấn đề đối phó với Trung Quốc. Do đó họ không tin."

HOANG DINH NAM/Getty Images

"Do đó, cần củng cố lòng tin của người dân về quyết tâm bảo vệ lãnh thổ này, làm sao để nhân dân tuyệt đối tin tưởng. Với tiềm lực quân sự hiện nay, nếu xảy ra một cuộc chiến tranh cục bộ, Việt Nam đủ sức đương đầu với Trung Quốc. Nhưng Việt Nam không dại gì khuấy động chiến tranh, phá vỡ sự hòa bình, phát triển của Việt Nam và khu vực. Ta đã có bài học đắt giá từ hơn 40 năm trước. Mục đích của Đảng và nhà nước là duy trì thành quả hòa bình, an ninh khu vực để phát triển. Tôi hoàn toàn thông cảm với chủ trương của nhà nước Việt Nam là không đi theo nước này để đánh nước khác và Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước."

"Tuy nhiên Việt Nam nên quan hệ ngoại giao quân sự với các cường quốc trên thế giới, tạo ra một mạng lưới an ninh quân sự với các cường quốc trên thế giới càng nhiều càng tốt. Muốn thành công thì phải làm sao bạn để tin mình. Tôi không nói là 'liên minh quân sự' nhưng phải tạo ra một hệ thống an ninh quân sự tập thể, không phải để 'đánh bại', mà đưa Trung Quốc quay lại tuân thủ luật pháp quốc tế."

"Nhà nước cũng cần phải có một ngày chính thức để tưởng niệm tất cả anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống cho sự nghiệp bảo vệ đất nước trong thời kỳ hiện đại sau năm 1975, chứ không chỉ không chỉ ngày 27/7 thương binh liệt sỹ nói chung. Cần có ngày dành riêng cho cuộc chiến 1979, để tượng niệm những chiến sỹ đã hi sinh xương máu giữ gìn độc lập đất nước trước họa phương Bắc từ quân xâm lược Trung Quốc.

"Bênh cạnh đó, không có một công trạng nào của tướng lãnh, lãnh đạo nào có thể so với công trạng của một liệt sỹ. Do đó, trong vấn đề đặt tên đường phố, các lãnh đạo Việt Nam nên lưu ý điều này. Hiện Việt Nam thường chủ yếu đặt tên đường theo tên các lãnh đạo chết vì bệnh già," nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc chia sẻ.

Xem thêm: Vì sao Trung Quốc muốn quên Chiến tranh Biên giới 1979.

Đầu trang

16/02/2021 - baotiengdan.com

Quan điểm của CLB Lê Hiếu Đằng về cuộc xâm lược của Trung Quốc ngày 17/2/1979

16-2-2021

Ngày 17 tháng 2 năm 1979, Ban lãnh đạo Đảng Cộng Sản Trung Quốc, đứng đầu là Đặng Tiểu Bình đã đưa 60 vạn quân cùng các phương tiện chiến tranh tối tân, đồng loạt tấn công vào 6 tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam. Quân xâm lược Trung Cộng đã tàn sát hàng chục vạn đồng bào ta, tàn phá tất cả các thành phố, làng mạc nơi chúng tấn công, chiếm đóng.

Hàng vạn chiến sỹ ta đã hy sinh trong cuộc chiến đánh đuổi quân xâm lược, bảo vệ Biên giới của Tổ quốc. Cuộc chiến tranh xâm lược Việt NAM do nhà cầm quyền Bắc Kinh phát động từ ngày 17/2/1979 đến nay vẫn còn tiếp diễn, trên bộ còn nhiều hài cốt của chiến sĩ, đồng bào ta bị quân Trung Quốc tàn sát chưa được quy tập về nghĩa trang. Trên Biển Đông, Trung Quốc càng ngày càng hung hăng chiếm đảo của Việt Nam xây dựng căn cứ quân sự, bắn giết ngư dân Việt Nam ngày càng gia tăng.

Cuộc chiến đến nay đã 42 năm nhưng có nhiều điều vẫn chưa được nhìn nhận cho đúng. Quan điểm của CLB Lê Hiếu Đằng chúng tôi là:

1. Cần phải khẳng định dứt khoát, rõ ràng rằng: Cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, do Trung Quốc tấn công Việt Nam vào ngày 17/2/1979 là cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa, tàn ác. Quân dân Việt Nam đã anh dũng kháng chiến, đánh đuổi quân xâm lược ra khỏi biên giới, giành thắng lợi vẻ vang. Điều đó phải ghi vào sử sách minh bạch và được giảng dạy trong nhà trường.

2. Nhà nước cần phải tiếp tục tìm kiếm, quy tập hài cốt các Liệt sĩ trong cuộc chiến bảo vệ biên giới và xây dựng, tôn tạo Nghĩa trang Liệt sĩ trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc xứng với chiến công và sự hy sinh của quân đội anh hùng của chúng ta. Đó phải là Nghĩa trang Quốc gia để những ngày Lễ, thân nhân các Liệt sĩ và nhân dân mọi miền đều có thể đến tưởng niệm, tri ân các Liệt sĩ một cách trang trọng và thuận tiện.

3. Nhà nước, chính quyền các cấp cần phải tôn trọng các tổ chức, đoàn thể xã hội và nhân dân các nơi trong cả nước tổ chức tưởng niệm các Liệt sĩ và nhân dân đã hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tổ quốc, coi đó là sinh hoạt tâm linh thiêng liêng, cần được tôn trọng và ủng hộ.

4. Yêu cầu Quốc hội ban hành nghị quyết chính thức phản đối và bác bỏ giá trị pháp lý Luật Hải Cảnh của Trung Quốc, khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các đảo Hoàng Sa, Trường Sa, các vùng biển vùng trời của Việt Nam.

Ngày 16/2/2021

TM CLB Lê Hiếu Đằng
Lê Thân

Đầu trang

Diễm Thi, RFA 2021-02-16 - RFA

Việt Nam thuộc gì từ bài học đắt giá 'cuộc chiến biên giới 1979'?

REUTERS - Khói hương trên các phần mộ tại nghĩa trang liệt sĩ tại thị xã Lạng Sơn, Việt Nam, gần biên giới với Trung Quốc.

Ký ức chiến tranh

Ngày này 42 năm trước, cuộc chiến tranh ngắn ngủi và đẫm máu đã diễn ra giữa hai nước từng được mệnh danh ‘hai người anh em cộng sản’, Việt Nam và Trung Quốc. Trung Quốc tuyên bố muốn “dạy cho Việt Nam một bài học”.

Rạng sáng ngày 17 tháng 2 năm 1979, sáu trăm ngàn quân Trung Quốc với chín quân đoàn chủ lực cùng hơn 2.500 khẩu pháo, năm trăm xe tăng và thiết giáp đồng loạt vượt biên giới tiến vào sáu tỉnh của Việt Nam gồm Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên, Hoàng Liên Sơn, Lai Châu.

Ngày 18 tháng 2 năm 1979, trang nhất Báo Nhân Dân đăng toàn văn tuyên bố của Nước Cộng Hòa xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam về cuộc chiến tranh xâm lươc Việt Nam của những người cầm quyền Trung Quốc và nêu cao quyết tâm bảo vệ tổ quốc.

Cuộc chiến kết thúc khi Trung Quốc tuyên bố rút quân vào ngày 16 tháng 3 năm 1979. Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc, ông Đặng Tiểu Bình, sau đó tuyên bố Trung Quốc đã đạt được chiến thắng về chính trị và chiến thắng chung cuộc, đồng thời khẳng định quân Trung Quốc "đã có thể tiến thẳng tới Hà Nội nếu muốn".

Thống kê cho thấy phía Trung Quốc có 21.700 người chết và bị thương. Phía Việt Nam có 60.000 người chết và bị thương.

Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc chia sẻ cảm xúc của ông với tư cách một người lính vào thời điểm đó:

Mỗi năm đến ngày 17 tháng 2 tôi lại cảm thấy như câu chuyện mới xảy ra ngày hôm qua. Nhưng cái khí thế hừng hực, hào hùng của những năm chống bành trướng Trung Quốc và chống Khmer Đỏ để bảo vệ đất nước nó khác với tâm lý hiện nay. Hiện nay, riêng bản thân tôi thì vừa tự hào, vừa ấm ức vì có một cái gì đó trong quan hệ giữa hai đảng, hai nhà nước Việt Nam và Trung Quốc mà chúng tôi vẫn chưa được nghe giải thích. Và mới đây, chính phủ lại ra một quyết định rằng chính sách ngoại giao của Việt Nam là ‘tối mật’.

Là một người cầm súng trong giai đoạn đó, chúng tôi thấy rằng 42 năm qua, cái bản chất của chủ nghĩa bành trướng bá quyền Sô vanh, Đại hán của nhà nước Trung Quốc hiện nay là không thay đổi.

Theo CLB Lê Hiếu Đằng, dù cuộc chiến đến nay đã 42 năm nhưng có nhiều điều vẫn chưa được nhìn nhận cho đúng. Một bài viết được đăng hôm 16 tháng 2 năm 2020 trên trang web của CLB này nêu rõ, phải khẳng định rõ ràng rằng: Cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, do Trung Quốc tấn công Việt Nam vào ngày 17 tháng 2 năm 1979 là cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa, tàn ác. Quân dân Việt Nam đã anh dũng kháng chiến, đánh đuổi quân xâm lược ra khỏi biên giới, giành thắng lợi vẻ vang. Điều đó phải ghi vào sử sách minh bạch và được giảng dạy trong nhà trường.

Cũng theo CLB Lê Hiếu Đằng, Nhà nước cần phải tiếp tục tìm kiếm, quy tập hài cốt các Liệt sĩ và xây dựng Nghĩa trang Liệt sĩ, xứng với chiến công và sự hy sinh của họ. Thêm vào đó, Nhà nước, chính quyền các cấp cần phải tôn trọng các tổ chức, đoàn thể xã hội và nhân dân các nơi trong cả nước tổ chức tưởng niệm các Liệt sĩ và nhân dân đã hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tổ quốc, coi đó là sinh hoạt tâm linh thiêng liêng, cần được tôn trọng và ủng hộ.

Tù binh Trung Quốc bị Việt Nam bắt giữ tháng 2/1979. AFP

Năm năm sau cuộc chiến 1979, chỉ trong 26 ngày đêm của tháng 4 năm 1984, Trung Quốc đã cho quân tập trung pháo binh ở khu vực Vị Xuyên, bắn hơn 30 ngàn viên đạn pháo cối vào các điểm cao phòng thủ của Việt Nam và lấn sâu vào lãnh thổ Việt Nam khoảng 2 km. Biến cao điểm 1509 thuộc xã Thanh Thủy, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang thành địa danh Lão Sơn của Trung Quốc cho đến hôm nay.

Cũng tại điểm cao này, lính Trung Quốc giết 3.700 bộ đội Việt Nam, dùng súng phun lửa đốt xác, đốt luôn cả thương binh còn sống vùi xuống mồ tập thể.

Theo nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, mặc dù hiện nay Việt Nam yếu hơn Trung Quốc rất nhiều về kinh tế và quân sự, nhưng vị thế của Việt Nam ngày nay khác hẳn 42 năm trước. Ngày nay Việt Nam có đủ điều kiện bắt tay với các cường quốc; bắt tay với các châu lục; bắt tay với tất cả các lực lượng tiến bộ để có tiếng nói ngang hàng với Trung Quốc. Thế nhưng Hà Nội vẫn không thể đối đáp một cách sòng phẳng, ngang hàng các phát ngôn mang tính “hăm dọa” từ Bắc Kinh.

Tháng 7 năm 2020, tờ Hoàn Cầu Thời Báo có bài viết nhan đề “Nói vài lời thật lòng với người Việt Nam” của tổng biên tập Hồ Tích Tiến. Tác giả “khuyên” Việt Nam cảnh giác trong mối quan hệ với Hoa Kỳ, ca ngợi chính sách láng giềng- hữu nghị lâu dài của Trung Quốc với Việt Nam và kết luận rằng thể chế chính trị Việt Nam khó trường tồn lâu dài nếu chính trị Trung Quốc không ổn định.

Cách đây một tuần, trong cuộc điện đàm với người tương nhiệm Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã “nhắc nhở” Việt Nam rằng: “Trung Quốc và Việt Nam nên quản lý hợp lý sự khác biệt trên biển và chống lại sự xúi giục của các thế lực bên ngoài để thúc đẩy sự phát triển của hòa bình và ổn định khu vực.

Ông Trọng đáp lại rằng: “Trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến phức tạp hiện nay, việc củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước là vô cùng quan trọng”.

Việt Nam học được gì?

Theo một số nhà quan sát, dường như Việt Nam vẫn chưa thuộc bài học đắt giá vào năm 1979 trong mối quan hệ với Trung Quốc. Trung Quốc vẫn âm mưu cướp đất, lấn biển và thôn tính Việt Nam, trong khi lãnh đạo Việt Nam mà đứng đầu là ông Nguyễn Phú Trọng vẫn khẳng định, phát triển và củng cố mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Trung Quốc luôn là ưu tiên hàng đầu của Đảng Cộng sản Việt Nam và của đất nước.

Ông Đinh Kim Phúc nhận định:

Tôi nghĩ 42 năm sau chiến tranh biên giới phía Bắc, Việt Nam học được rất nhiều thứ. Thứ nhất, đó là tinh thần quốc tế vô sản. Đó là tình đồng chí của những người cộng sản. Đó là những vấn đề của các nước XHCN. Khi mà Khmer Đỏ và Trung Quốc đánh Việt Nam thì tinh thần quốc tế vô sản và học thuyết đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Marx phá sản hoàn toàn.

Tôi thấy đây là bài học mà các nhà lãnh đạo Việt Nam cần phải suy nghĩ trong vấn đề tinh thần quốc tế vô sản, tình đồng chí và đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. Bài học thứ hai mà lãnh đạo Việt Nam cần phải học thuộc là vì sao Việt Nam bị động trong cuộc chiến tranh biên giới 1979?

Đó là chính sách giải trừ quân bị của Hà Nội lúc bấy giờ sau cuộc chiến tranh kết thúc vào năm 1975. Hà Nội không lường trước được tất cả các âm mưu thủ đoạn của nhà cầm quyền Trung Quốc. Chính vì vậy mà tất cả các sĩ quan có kinh nghiệm chiến trường đã được về nhà và bị động trước cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc.

Bài học thứ hai mà ông Đinh Kim Phúc nêu ra từng được Thiếu Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc từ năm 1974 cho tới năm 1987, nói với RFA lúc sinh thời:

Thứ nhất là tình báo của chúng ta quá kém. Hai nữa là chúng ta quá tin vào những người lãnh đạo Trung Quốc. Quá tin vào tình hữu nghị Việt Trung! Chúng ta cũng sơ hở ở chỗ là trước cuộc chiến tranh 79 thì tôi biết Trung Quốc đã làm rất nhiều con đường từ nội tỉnh của họ ra biên giới Việt Nam, thế nhưng mình không ngờ rằng đến năm 79 họ tiến quân theo những con đường đó sang đánh Việt Nam. Đó là một kinh nghiệm.

Thứ hai nữa là mình mất cảnh giác. Tôi nhớ lại bắt đầu thì chúng ta cũng đã có báo động rồi nhưng đến trước hôm 17 thì Tổng Tham mưu trưởng của chúng ta lại hạ cấp báo động. Cho nên ngày 17 thì họ đánh chúng ta và chúng ta không có quân chủ lực ở trên đó, chỉ có dân quân và bộ đội địa phương thôi.

Trong tình hình hiện nay, với Việt Nam, có lẽ việc hiện đại hóa quân đội, hiện đại hóa vũ khí và đa dạng hóa quan hệ quân sự với các nước là yếu tố vững chắc để Trung Quốc hiểu rằng, không phải muốn làm gì Việt Nam thì làm!

Tin, bài liên quan

Đầu trang

2021-02-17 - RFA

Cuộc chiến biên giới 1979: Vì sao báo chí Việt Nam vẫn e dè không nói Trung Quốc xâm lược Việt Nam?

Một đơn vị pháo binh của Việt Nam chống lại quân xâm lược Trung Quốc dọc theo đường biên giới 230 km của tỉnh Lạng Sơn với Trung Quốc vào ngày 23 tháng 2 năm 1979. - AFP

Đúng 42 năm ngày quân đội giải phóng nhân dân Trung Hoa nổ súng tấn công khắp các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam, 17/2/1979-17/2/2021, đến nay báo chí nhà nước Việt Nam vẫn e dè khi nêu tên Trung Quốc trong các bài viết kỷ niệm.

Cụ thể, trong bài “Ký ức về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc sau 42 năm” đăng tải trên tờ Báo Tin Tức của Thông Tấn Xã Việt Nam, người đọc sẽ rất khó hiểu vì không rõ Việt Nam đã chiến đấu với nước nào trong cuộc chiến này.

Điều tương tự xảy ra với báo điện tử Vietnamnet khi đưa tin về cuộc dâng hương tưởng niệm các “Anh hùng liệt sĩ bảo vệ biên giới phía Bắc” của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và tỉnh Quảng Ninh.

Độc giả cũng hoàn toàn không biết, vì sao các chiến sĩ này đã tử trận và trong cuộc chiến với nước nào.

Mạng báo Tiền Phong với bài viết “Anh hùng liệt sĩ bảo vệ biên giới phía Bắc mãi là tấm gương sáng” cũng không nhắc đến Trung Quốc.

Trao đổi với RFA tối 17/2, ông Đinh Kim Phúc, nhà nghiên cứu lịch sử và từng là một cựu binh vào thời điểm cuộc chiến biên giới phía Bắc, nhận định về tình trạng e dè vừa nêu của truyền thông Việt Nam không nêu tên Trung Quốc tấn công Việt Nam hồi năm 1979:

Tôi nghĩ rằng việc không nêu tên đích danh Trung Quốc là quân xâm lược thì đó là lỗi của Tổng Biên tập các tờ báo.

Tôi nghĩ rằng không có thế lực nào cấm không được nêu tên Trung Quốc vì báo Thanh Niên hàng năm vẫn có những bài báo chỉ rõ là đội quân xâm lược từ Trung Quốc.

Do đó, tôi thấy rằng việc tự biên tập, tự hạn chế hoặc không muốn gây hiềm khích mới trong mối quan hệ hiện nay là do thái độ của Tổng Biên tập báo.

Cuộc chiến chỉ mới mấy chục năm mà lại không nhắc đến thì rất nguy hại cho lớp trẻ bởi vì họ không biết đến cuộc chiến thì cũng không biết đến kẻ thù thường trực của Việt Nam là Trung Quốc trong suốt lịch sử kéo dài của Việt Nam.
Nhà báo Nguyễn Vũ Bình

Theo ghi nhận của RFA, hầu hết các bài báo trong 2 ngày qua đều không gọi tên Trung Quốc trong tiêu đề, chỉ có một số báo như Thanh Niên và Kiến Thức gọi thẳng.

Điển hình như bài “42 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc: Đánh trả quân xâm lược Trung Quốc” mà tờ Thanh Niên đăng tải những hình ảnh chiến đấu, phục vụ chiến đấu của quân và dân tỉnh Cao Bằng trong tháng 2 và 3/1979.

Ngoài ra, trong bài viết của Tuổi trẻ đăng sáng 17/2/2021 chỉ gọi tên Trung Quốc duy nhất một lần ở gần cuối bài khi nhắc đến sự kiện tháng 3/1979, “quân Trung Quốc đã giết sạch 43 người là anh chị em công nhân và gia đình họ ở trại lợn Đức Chính cạnh đó rồi ném xuống cái giếng nước dưới những khóm tre”.

Từ Hà Nội, nhà báo độc lâp Nguyễn Vũ Bình, từng công tác tại Tạp chí Cộng sản cho hay:

Tôi nhớ là hầu như không có bài nào viết về chiến tranh biên giới trong thời kỳ tôi làm ở đấy gần 10 năm, từ tháng 8/1992-1/2001.

Theo nhà báo Nguyễn Vũ Bình, dù tình hình nhắc đến Trung Quốc trong những vấn đề nhạy cảm hiện nay đã được cải thiện so với trước đây nhưng vẫn chưa có bước tiến đáng kể. Ông lập luận:

Đối với nhà nước Việt Nam thì Trung Quốc là đồng minh ý thức hệ, đồng minh chiến lược nên trong việc đề cập đến chiến tranh biên giới chống Trung Quốc thì bao giờ người ta cũng e dè.

Chỉ từ nửa năm nay, từ đợt Malaysia có văn bản lên Ủy ban Biển Quốc tế sau đó Trung Quốc phản ứng và Việt Nam cũng có đơn yêu cầu, đến việc ASEAN họp thì Việt Nam đưa được nội dung về Biển Đông vào cuộc họp. Tóm lại là hơn nửa năm nay, động thái của Việt Nam đối với Trung Quốc có khác trước, tức dám nói ra những quyền lợi, lợi ích của mình trước cộng đồng quốc tế.

Đợt này cũng có một và tờ báo có nói về chiến tranh Trung Quốc xâm lược nhưng vẫn còn rất dè dặt. Nó là truyền thống của Việt Nam từ xưa đến nay là không dám nói động gì đến những vụ thế này. Tình trạng vẫn kéo dài như thế.

Người dân Hà Nội tưởng niệm chiến tranh biên giới ngày 16 tháng 2 năm 1979. Ảnh chụp ngày 17 tháng 2 năm 2014.

Ông Đinh Kim Phúc nêu ra nguyên nhân vì sao truyền thông lề phải trước đây hạn chế nhắc đến cuộc chiến năm 1979:

Vấn đề hậu chiến tranh biên giới phía Bắc Việt Nam chống quân xâm lược Trung Quốc từ lâu Việt Nam tuân thủ các thỏa thuận tại Hội nghị Thành Đô là không nhắc lại quá khứ, không gây lại hận thù giữa hai quốc gia để cùng phát triển.

Tôi đánh giá rằng Việt Nam đã tuân thủ cam kết đó rất tốt, nhưng ngược lại Trung Quốc hàng năm đến ngày 17/2 vẫn làm các cuộc tưởng niệm cái gọi là cuộc phản kích sùng vệ, dạy cho Việt Nam một bài học bằng hình thức này, bằng một hình thức khác về chiến binh Trung Quốc.

Chúng ta thấy một thời gian dài sau khi trở lại bình thường hóa quan hệ Việt – Trung thì những cái về hình thức trong thời kỳ từ năm năm xung đột biên giới phía Bắc Việt Nam không được Việt Nam nhắc đến.

Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc cho rằng chính những điều ông vừa nêu đã gây ra tâm lý nghi kỵ trong quần chúng nhân dân: Liệu Hà Nội có khuất phục Bắc Kinh hay không? Liệu Hà Nội đang toan tính gì mà nhân dân không được tưởng niệm, cựu chiến binh không được nhắc đến?

Tuy nhiên, ông Đinh Kim Phúc cũng cho biết chính phủ Hà Nội đang ngày càng mở rộng cho người dân biết thêm về cuộc chiến. Ông đưa ra dẫn chứng:

Trong một thời gian gần đây, nhất là sau sự việc HD-981 vào thềm lục địa của Việt Nam thì nhiều bài báo, rất nhiều sự kiện đã nhắc đến cuộc chiến tranh biên giới vào tháng 2/1979.

Mới gần đây, với sự chỉ đạo của Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng thì bộ phim năm 1979 đã nói rất rõ quá trình, âm mưu, thủ đoạn và tiến trình của cuộc chiến tranh ở biên giới phía nam và biên giới phía bắc.

Bộ phim “Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - Biên niên sử truyền hình: Năm 1979” được chiếu trên Đài Truyền hình Quốc gia VTV1 vào tối 11/8/2020.

Tôi nghĩ rằng việc không nêu tên đích danh Trung Quốc là quân xâm lược thì đó là lỗi của Tổng Biên tập các tờ báo. Tôi nghĩ rằng không có thế lực nào cấm không được nêu tên Trung Quốc vì báo Thanh Niên hàng năm vẫn có những bài báo chỉ rõ là đội quân xâm lược từ Trung Quốc.
Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc

Phim do Báo Nhân dân sản xuất hoàn thành năm 2020. Đứng đầu Ban chỉ đạo là Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng. Chỉ đạo nội dung là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng và Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam Thuận Hữu.

Các nhà nghiên cứu lúc bấy giờ nhận định Ban Tuyên giáo Việt Nam có một sự thay đổi trong cách đưa tin về cuộc chiến tranh biên giới Việt – Trung thông qua việc công chiếu bộ phim.

Dù vậy, ngay ngày kỷ niệm 42 năm sau cuộc chiến, việc hầu hết các báo đều né tránh nhắc đến tên Trung Quốc trong cuộc chiến năm 1979 khiến nhiều người quan tâm không khỏi bức xúc.

Không chỉ thế, việc này còn gây ra những nguy hại khác, như lời nhà báo Nguyễn Vũ Bình:

Nó rất độc hại, làm cho người trẻ tuổi không biết được lịch sử dân tộc, gần như quên gốc gác của mình, nhất là với kẻ thù truyền kiếp ở phương Bắc. Cuộc chiến chỉ mới mấy chục năm mà lại không nhắc đến thì rất nguy hại cho lớp trẻ bởi vì họ không biết đến cuộc chiến thì cũng không biết đến kẻ thù thường trực của Việt Nam là Trung Quốc trong suốt lịch sử kéo dài của Việt Nam.

Cuộc tấn công của người láng giềng phía Bắc Việt Nam diễn ra vào rạng sáng ngày 17/2/1979.

Bấy giờ, sáu trăm ngàn quân Trung Quốc với chín quân đoàn chủ lực cùng hơn 2.500 khẩu pháo, năm trăm xe tăng và thiết giáp đồng loạt vượt biên giới tiến vào sáu tỉnh của Việt Nam gồm Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên, Hoàng Liên Sơn, Lai Châu.

Cuộc chiến kết thúc khi Trung Quốc tuyên bố rút quân vào ngày 16/3 cùng năm.

Thống kê cho thấy có đến 60.000 người Việt chết và bị thương trong cuộc chiến này, phía Trung Quốc có hơn 21.700 người chết và bị thương.

Tin, bài liên quan

Việt Nam: Vinh danh liệt sĩ bảo vệ biên giới 1979, vẫn tránh nhắc tên Trung Quốc?

16 tháng 2 2021 - bbc.com

Getty Images - Binh sỹ Trung Quốc bị bắt trong cuộc chiến

Hôm 16/2, Việt Nam diễn ra một số hoạt động kỷ niệm "42 năm Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc" nhưng dường như nhiều tờ báo vẫn tránh đưa tên "Trung Quốc" vào bài tường thuật.

Cuộc chiến tranh ngắn ngày giữa Việt Nam và Trung Quốc, nổ ra vào ngày 17/2/1979, khi Trung Quốc đưa quân vượt qua biên giới.

Báo Nhân Dân, ngày 16/2, đưa tin: “Nhân dịp kỷ niệm 42 năm Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc của Tổ quốc, ngày 16-2 tỉnh Quảng Ninh, Bộ tư lệnh BĐBP tổ chức lễ dâng hương và phát động lễ trồng cây tại Khu di tích lịch sử Pò Hèn (xã Hải Sơn, thành phố Móng Cái), nơi ghi danh các liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc tháng 2-1979.”

Cả bản tin không có chữ Trung Quốc.

Trang VietnamPlus, của Thông Tấn Xã, có bài “Ký ức về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc cách đây 42 năm” kể lại về trận Pò Hèn, nơi 86 người Việt Nam đã thiệt mạng.

Tác giả không có một chữ nào nói “quân địch” đến từ quốc gia nào.

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/E982/production/_110987795_17langson1979.jpgGetty Images - Lạng Sơn là một trong những địa phương của VN bị Trung Quốc tấn công

Bài báo tuy thế có các từ ngữ gọi “quân xâm lược”, “quân bành trướng”...ví dụ như trong đoạn sau:

“Bị thiệt hại nặng nề và thời điểm này các quân đoàn chủ lực của Việt Nam từ Tây Nam kéo về đã cơ động lên biên giới phía Bắc, vào vị trí chiến đấu, sẵn sàng tiêu diệt quân xâm lược, quân bành trướng buộc phải chấp nhận thất bại, tuyên bố rút quân vào ngày 5/3/1979. Nhưng sau ngày 16/3/1979, địch vẫn chiếm đóng một số điểm cao ở các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên.

“Tháng 4/1984 đến tháng 5/1989, hàng chục vạn quân phương Bắc lại tràn xuống phương Nam, đánh chiếm biên giới Vị Xuyên. Cả dân tộc Việt Nam oằn mình bước vào cuộc chiến chống xâm lấn biên giới...”

Báo Tiền Phong đưa tin “Anh hùng liệt sĩ bảo vệ biên giới phía Bắc mãi là tấm gương sáng”.

Bài này cũng không chỉ ra quân địch đến từ quốc gia nào vào năm 1979.

Hai năm rồi không nói đến TQ?

Cũng theo phản ánh của cộng đồng mạng, không phải tất cả các báo Việt Nam, do chính quyền kiểm soát chặt chẽ về đường lối biên tập và câu chữ, né tránh hoặc bỏ quên “Trung Quốc” khi đăng bài về Chiến tranh Trung – Việt 1979.

Báo Thanh Niên tuần này có bài “42 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc: Sống giữa vòng vây”, kể lại việc bắt thám báo Trung Quốc và chặn bộ binh TQ ở Lai Châu ra sao.

Tạp chí Tuyên giáo trong một bài hồi tháng 2/2019 về hội thảo khoa học lịch sử về Chiến tranh Biên giới cũng dùng từ rõ ràng “tấn công xâm lược Việt Nam của Trung Quốc”.

Một chùm ảnh kỷ niệm cuộc chiến biên giới năm 2020 vẫn trên trang TTXVN và VietnamPlus chỉ có các ảnh mô tả sự tàn phá của “quân địch” ở Lào Cai, Lạng Sơn, Cao Bằng...mà không nói gì đến “Trung Quốc”.

Chùm ảnh chuyên đề kỷ niệm 41 năm cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc đăng cả ảnh “xe tăng địch bị bắn cháy ở Vị Xuyên” nhưng không nói đó là xe tăng của quân đội nước nào.

Vẫn trang web này, trong bài đăng 15/02/2019 có tựa đề “40 năm chiến tranh biên giới phía Bắc: Thắng lợi và bài học lịch sử” thì có nói đến “cuộc chiến phi nghĩa của nhà cầm quyền Trung Quốc”.

Tin liên quan

Đầu trang