Vượt qua Việt
🌐    A  A  A  A 
Lịch sử
Trả lại Sự thậtCông lý cho Lịch sử

Hải chiến Hoàng Sa

Mục lục  Trang chính

17/01/2021 - baotiengdan.com

Hải chiến Hoàng Sa 19-1-1974 có một người Ông Tạ: Vũ Hữu San, hạm trưởng HQ-4 Trần Khánh Dư

Cù Mai Công
17-1-2021

HQ-4 Trần Khánh Dư. Ảnh: internet

0g đêm 16 rạng 17-1-1974, 25 tháng Chạp, còn vài ngày nữa là Tết. Khu Ông Tạ đang tràn ngập không khí đón Tết Giáp Dần 1974 thì một người Ông Tạ lặng lẽ cùng chiến hữu mình lướt sóng Biển Đông tiến ra Hoàng Sa: Hạm trưởng HQ-4 Trần Khánh Dư, Vũ Hữu San.

Ngày 19-1-1974 là 27 Tết. Bộ Ngoại giao VNCH khẩn cấp ra tuyên cáo số 015/BNG/TTBC/TT (xin giữ nguyên cách hành văn và quy cách chính tả của tuyên cáo thời điểm ấy):

“Sau khi mạo-nhận ngày 11-1-1974 chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-Sa và Trường-Sa của VNCH, Trung-Cộng đã đưa Hải-Quân tới khu-vực Hoàng-Sa, và đổ-bộ quân lính lên các đảo Cam-Tuyền, Quang-Hoà và Duy-Mộng. Lực-lượng Hải-Quân Trung-Cộng gồm 11 chiến-đĩnh thuộc nhiều loại và trọng-lượng khác nhau, kể cả tàu loại Komar có trang-bị hỏa-tiễn.

Để bảo-vệ sự vẹn-toàn lãnh-thổ và nền an-ninh quốc-gia trước cuộc xâm-lăng quân-sự này, các lực-lượng Hải-Quân VNCH trấn-đóng trong khu-vực này đã ra lệnh cho bọn xâm-nhập phải rời khỏi khu-vực. Thay vì tuân-lệnh, các tàu Trung-Cộng, kể từ 18.1.1974, lại có những hành-động khiêu-khích như đâm thẳng vào các chiến-đĩnh Việt-Nam.

Sáng ngày nay 19.1.1974, hồi 10 giờ 20, một Hộ-Tống-Hạm Trung-Cộng thuộc loại Kronstadt đã khai-hoả bắn vào Khu-Trục-Hạm Trần-Khánh-Dư mang số HQ-4 của VNCH. Để tự-vệ, các chiến-hạm Việt-Nam đã phản-pháo và gây hư-hại cho Hộ-Tống-Hạm Trung-Cộng. Cuộc giao-tranh hiện còn tiếp-diễn và đang gây thiệt-hại về nhân-mạng và vật-chất cho cả đôi bên.

Các hành-động quân-sự của Trung-Cộng là hành-vi xâm-phạm trắng-trợn vào lãnh-thổ Việt-Nam Cộng-Hoà, và một lần nữa vạch-trần chính-sách bành-trướng đế-quốc mà Trung-Cộng liên-tục theo-đuổi, đã được biểu-lộ qua thôn-tính Tây-Tạng, cuộc xâm-lăng Đại-Hàn và Ấn-Độ trước kia.

Việc Trung-Cộng ngày nay xâm-phạm lãnh-thổ VNCH không những chỉ đe-dọa chủ-quyền và an-ninh của VNCH, mà còn là một hiểm-hoạ đối với nền hoà-bình và ổn-cố của Đông-Nam-Á và toàn thế-giới.

Với tư-cách một nước nhỏ bị một cường-quốc vô-cớ tấn-công, VNCH kêu-gọi toàn-thể các dân-tộc yêu-chuộng công-lý và hoà-bình trên thế-giới hãy cương-quyết lên án các hành-vi chiến-tranh thô-bạo của Trung-Cộng nhằm vào một quốc-gia độc-lập và có chủ-quyền để buộc Trung-Cộng phải tức-khắc chấm-dứt các hành-động nguy-hiểm đó.

Làm ngơ để cho Trung-Cộng tự-do tiến-hành cuộc xâm-lấn trắng-trợn này là khuyến khích kẻ gây-hấn tiếp-tục theo-đuổi chính-sách bành-trướng của chúng và sự hiện-diện này đe-doạ sự sống còn của những nước nhỏ đặc-biệt là những nước ở Á-Châu.

Trong suốt lịch-sử, dân-tộc Việt-Nam đã đánh bại nhiều cuộc ngoại-xâm. Ngày nay, Chánh-phủ và nhân-dân VNCH cũng nhất-định bảo-vệ sự toàn-vẹn lãnh-thổ quốc-gia”.

… Xin đặt bối cảnh chưa rõ ràng của cuộc chiến đang diễn ra lúc đó và cả ý đồ chính trị lúc ấy để loại trừ những chi tiết về số tàu hai bên, bên nào khai hỏa trước trong tuyên cáo này.

Sau 47 năm, sự việc cụ thể đã tương đối rõ.

Chỉ biết rằng bốn tàu chiến của Hải quân VNCH tham gia trận hải chiến này thật sự không bất ngờ khi lâm trận. Sự việc diễn ra như một tất yếu sau khi Mỹ – Trung bắt tay năm 1972 để kiềm chế Liên Xô, ngăn chặn Liên Xô lập căn cứ hải quân trên Biển Đông.

Trước đó, ngày 11-1-1974, tức 19 tháng Chạp năm Quý Sửu, chỉ bốn ngày nữa là đưa Ông Táo về Trời, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên đảo Hoàng Sa; đồng thời đưa nhiều tàu đánh cá có vũ trang và tàu chiến xâm nhập vùng đảo này.

Rõ ràng họ chọn thời điểm giáp tết để hành động không phải ngẫu nhiên. Bởi đây là tính toán của hệ thống “chóp bu” cao nhất của Trung Quốc lúc đó: Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình…

Kinh nghiệm lịch sử những năm gần đây cho thấy Trung Quốc thường chọn thời điểm mùa xuân, trước hoặc sau tết âm lịch để tấn công Việt Nam: 17-2-1979 (21 tháng Giêng năm Kỷ Mùi), 14-3-1988 (27 tháng Giêng năm Mậu Thìn)…

Ngày 12-1-1974, ngoại trưởng VNCH Vương Văn Bắc tuyên bố cực lực bác bỏ, lên án hành động xâm lăng gây hấn của Trung Cộng; đồng thời Bộ tư lệnh Hải quân VNCH khẩn cấp đưa các chiến hạm ra đây.

Cụ thể, theo Phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, tư lệnh hải quân vùng 1 duyên hải, “Ngày 15-1-1974, tuần dương hạm HQ-16 Lý Thường Kiệt, hạm trưởng là trung tá Lê Văn Thự, được lệnh đưa địa phương quân thuộc tiểu khu Quảng Nam và nhân viên khí tượng ra Hoàng Sa để thay thế toán đang ở ngoài đó hết nhiệm kỳ”.

Ở đó, họ đã thấy vài thuyền cá của Trung Quốc. Đảo Quang Hòa đã có người Trung Quốc.

Trưa 16-1, HQ-16 lại thấy “một chiến hạm Trung Quốc xuất hiện trong vùng”.

Khu trục hạm HQ-4 Trần Khánh Dư, hạm trưởng là trung tá Vũ Hữu San vừa tuần tiễu biển vùng 1 xong, đã vào bờ. Anh em trên tàu đang tính sẽ mua sắm Tết gì cho gia đình thì bất ngờ nhận thông tin khẩn cấp tiến ra Hoàng Sa. Trên tàu, ngoài 174 lính của tàu, còn có thêm một trung đội Biệt hải.

Tối 16-1, HQ-4 quay mũi tàu tiến ra Hoàng Sa. Trưa 17-1, HQ-4 có mặt cùng HQ- 16 tại đây.

HQ-4 là chiến hạm thuộc lớp hiện đại nhất thời điểm ấy của Hải quân VNCH. Trước đây, nó là tàu hộ tống USS Forster của Hải quân Mỹ từ 1944, năm 1971 bàn giao cho Hải quân VNCH. Tàu dài 93 m, rộng 11,15m, choán nước 1.590 tấn; vận tốc 22 hải lý/giờ (39 km/giờ); tàu có tầm hoạt động 16.900 km khi chạy ở tốc độ tiết kiệm 22 km/giờ.

HQ-4 có hai pháo 76 ly, một số súng 20 ly. Theo hồi ký ông Lữ Công Bảy, hạ sĩ quan phụ tá trưởng ngành hàng hải kiêm trưởng khối hành quân trên tàu HQ-4, hệ thống nạp đạn và bắn của hải pháo 76 ly điều khiển bằng điện. Thủy thủ đoàn 170 người.

Hạm trưởng HQ-4 Vũ Hữu San. Ảnh: internet

Tối 17-1, HQ-10 Nhật Tảo và HQ-5 Trần Bình Trọng từ Đà Nẵng cũng tiến ra Hoàng Sa. Hạm trưởng HQ-5 là trung tá Phạm Trọng Quỳnh.

Hạm trưởng HQ-10 là thiếu tá Ngụy Văn Thà. HQ-5 là soái hạm (tàu chỉ huy) của chiến dịch Hoàng Sa nên có đại tá Hà Văn Ngạc, chỉ huy trận hải chiến này.

HQ-5 và HQ-16 tương tự nhau, cùng là tuần dương hạm; dài 94,72m, rộng 12,52m, choán nước 1.766 tấn (tối đa là 2.800 tấn), vận tốc tối đa 18 hải lý/giờ (34 km/giờ). Vũ khí trên tàu gồm một pháo 127 ly trước mũi; một pháo 40 ly đôi ở sân thượng phía trên khẩu 127 ly; hai khẩu 40 ly hai bên hông và hai khẩu 20 ly hai bên hông đài chỉ huy. Thủy thủ đoàn HQ-5 khoảng 200 người.

HQ-10 là hộ tống hạm, chiến hạm nhỏ nhất và yếu nhất của VNCH trong cuộc hải chiến. Nó vốn là tàu quét mìn của Hải quân Mỹ, hạ thủy năm 1943, chuyển giao cho VNCH năm 1964; chỉ dài 56,24m, rộng 10m, choán nước 650 tấn, vận tốc tối đa 14 hải lý/giờ (26 km/giờ). HQ-10 có 1 pháo 76 ly ở phía mũi, 2 súng 40 ly hai bên hông, 4 súng 20 ly đôi ở hai bên đài chỉ huy. Vận tốc tàu đã chậm, khi ra Hoàng Sa, HQ-10 đã hư một trong hai máy. Nhưng HQ-10 ra Hoàng Sa vì lúc đó nó gần Hoàng Sa nhất so với các tàu khác.

Theo nhiều ghi chép, do tàu nhỏ, yếu, hư một trong hai máy nên đêm 18-1, HQ-10 mới ra tới Hoàng Sa.

12 tấm hình được chụp từ HQ-4

Tư lệnh Hồ Văn Kỳ Thoại “chỉ định trung tá Vũ Hữu San giữ chức vụ chỉ huy chiến thuật (OTC-officer in tactical command) phân đội hoạt động vùng Hoàng Sa, gồm tuần dương hạm HQ-16 và khu trục hạm HQ-4 Trần Khánh Dư”.

Trung tá Vũ Hữu San là con cả cụ Vũ Hữu Soạn, trong ngõ Con Mắt (nay là hẻm 766 Cách Mạng Tháng Tám, Tân Bình).

TÌNH BẠN ĐẸP ĐẼ CỦA GIA ĐÌNH CÁC VỊ TÁ NGÕ CON MẮT, TRONG ĐÓ CÓ HẠM TRƯỞNG HQ-4 VŨ HỮU SAN – CON CỤ VŨ HỮU SOẠN

Đi từ đầu ngõ Con Mắt vào chừng 50m là gặp ngã tư chòi canh cháy (nay là trạm dân phòng). Đi tiếp chừng gần 100m, bên trái là nhà giò chả của diễn viên Tập ‘lùn’ (từng đóng nhiều phim “bất đắc dĩ” như “Triệu phú bất đắc dĩ” trước 1975). Cách nhà anh Tập hai căn là nhà cụ Soạn, rồi tới nhà Cụ Bùi Trọng Thúc, ba ông Bùi Đại Hưng (Hưng “điên”), ông nội MC Đại Nghĩa hiện nay.

Gia đình 10 người con của ông bà cụ Soạn bên Mỹ sau 1975. Ông San, con trai cả đứng đầu, bên cạnh cha mẹ – Ảnh gia đình

Bên kia đường, cách ba, bốn nhà có nhà cụ Thuần, ba của trung tá VNCH Nguyễn Văn Nhã.

* Cụ Thuần với cụ Thúc là bạn thân từ hồi là sĩ quan Đông Dương, trong Quân đoàn Pháp chiếm đóng Thượng Hải, Thiên Tân bên Tàu. Thời cụ Thúc là quan hai cảnh sát (chef adjudant de la police de shanghai) trong vùng tô giới của Pháp thì cụ Thuần là quan một, thông-dịch viên Hán – Pháp cho nhà cầm-quyền Pháp tại thành phố Thiên Tân. Vậy nên cụ Thúc và cụ Thuần coi nhau anh em với nhau, giỗ chạp, tết nhất đều có nhau.

Cụ Soạn và cụ Thuần cũng là bạn bè thân thiết như anh em suốt từ lúc cùng đơn vị trong quân ngũ thời Liên bang Đông Dương. Khi cụ Thuần huấn luyện quân sự cho giáo dân Công giáo Khu tự trị Bùi Chu, gia đình cụ Soạn chạy lánh nạn chiến tranh đến đây, được cụ Thuần che chở, đùm bọc. Khi Quốc gia Việt Nam (tiền thân của VNCH) của Quốc trưởng Bảo Đại thành lập, cả cụ Thuần lẫn cụ Soạn là những sĩ quan đầu tiên.

Khi cụ Thuần tình nguyện học khóa sĩ quan trừ bị đầu tiên ở Hà Nội, ra trường năm 1950 (thiếu úy trẻ nhất của Quân đội Quốc gia Việt Nam lúc đó – 17 tuổi) ra trường, phân công về Khu chiến Hưng Yên, cụ Soạn, lúc ấy là trung úy cũng đổi đến đó. Cùng đơn vị này còn có đại úy Nguyễn Văn Thiệu (sau là tổng thống VNCH), trung úy Cao Văn Viên (sau là đại tướng)…

* Cha Hạm trưởng HQ-4 Vũ Hữu San là cụ Vũ Hữu Soạn, vốn là cựu quân nhân, từng là trung tá trưởng Phòng 1 – Tổng quản trị Bộ Tổng tham mưu Quân lực VNCH. Quê cụ ở huyện Gia Khánh, nay là Hoa Lư, Ninh Bình; cách nhà ông bà, cha mẹ tôi vài cây số.

Trước khi về ngõ Con Mắt, nhà cụ trong cư xá Sĩ quan Trần Hưng Đạo (Bộ Tổng tham mưu – nay là Bộ Tư lệnh Quân khu 7) trên đường Võ Tánh (nay là Hoàng Văn Thụ, Tân Bình) ít lâu. Ở đây, ra vào cổng bị kiểm tra an ninh thắt ngặt quá, gia đình cụ dời về ngõ Con Mắt (nay là hẻm 766 Cách Mạng Tháng Tám, Tân Bình). Khu này lúc ấy còn sình lầy, mặt tiền nhìn ra cánh đồng rau muống An Lạc.

Cụ bảo vợ con: “Ở đây, không sang trọng, oai vệ bằng bên kia nhưng thoải mái, tự do; hàng xóm xung quanh lại toàn bà con ngoài Bắc mình”. Cụ vốn đạo Thờ Ông Bà, sau theo đạo Phật.

San, con trai cả cụ Soạn và Tụng, con trai kế cụ Thuần cùng tuổi và cùng học trường Chu Văn An. Hôm con trai cả cụ Thuần mất bên Mỹ, cụ Soạn lúc đó đã hơn 90 tuổi cũng từ Canada sang viếng.

Con trai cả cụ Thuần là trung tá Nguyễn Văn Nhã, cũng làm ở Bộ Tổng tham mưu; con trai thứ tên Tụng…. Chị Bùi Vũ, con gái cụ Soạn, em gái kế ông San bảo: “Gia đình cụ Thuần nghiêm cẩn. Các con đều học giỏi, sống đạo đức”.

Khi ông San lập gia đình, vợ trung tá Nhã sang phụ làm bánh cho đám cưới.

Quả là những tình bạn gắn bó nhau cả đời.

* Cách nhà cụ Soạn ít căn, bên trái là nhà ông bà cụ Lý Sóc, có hai con rể là đại tá, phó Lực lượng Đặc biệt VNCH Trần Khắc Kính và thiếu tá thiết đoàn trưởng Sư đoàn 18 Trần Khắc Nghiêm. Bên phải, cũng cách ít căn là nhà thiếu tá Đặng Sĩ Vĩnh, tự sát cả nhà 9 người chiều 30-4-1975.

Một cháu trai cụ Thuần lấy con gái ông Kính, tức cháu gái cụ Lý Sóc.

Đối diện xéo, cách ít căn, nhà cụ Lý Sóc là nhà thiếu tá Luận, có hai cô con gái. Một cô tên Ly, giỏi văn chương và là người chứng kiến, viết lại rõ nhất vụ tự sát 9 người của gia đình thiếu tá Đặng Sĩ Vĩnh.

* Ông bà cụ Soạn 10 con, cả 10 đều đều học hành giỏi giang, có học vị. Hải quân Trung tá Vũ Hữu San là con cả, vợ dạy Quốc gia Nghĩa Tử (nay là trường nghề Lý Tự Trọng).

Ông San giống tính bố: cứng cỏi, cương trực; sống thanh bạch, không uống rượu, hút thuốc và không bao giờ “ăn bẩn”.

Em gái ông San là bà Bùi Vũ bảo: “Anh San rất règle (mực thước), không có ngoại lệ, phải nói là vì kỷ luật Hải quân là như thế. Tuy vậy anh ấy lại là người con trai trưởng rất gương mẫu, chưa bao giờ bị cha mẹ phải la mắng lấy một lần. Đứa con thứ nhì bị thành kiến nói là ương ngạnh khó dạy bảo nhất là tôi nhưng cũng không dám hó hé một tiếng với anh San. Chín đứa em đều kính nể ông anh cả, không đứa nào dám cãi anh San”.

Cũng theo bà Bùi Vũ, tết nhất, gia đình chỉ lo chuyện cúng gia tiên, mừng tuổi cha mẹ, lì xì con cháu; chưa bao giờ ăn tết linh đình… Ông San là con cả càng gương mẫu, ăn uống thường sơ sài theo câu “ăn để mà sống, chứ không phải sống để mà ăn”. Cả đời hình như ông San chưa tỏ ý thích món ăn nào cả và ăn gì cũng không bao giờ ăn nhiều; có lẽ ông nghĩ rằng chỉ ăn no 70 – 80% thôi để thân thể được nhẹ nhõm thảnh thơi và sống lâu như cha mẹ.

(Ông cụ Soạn mới mất 2018, 104 tuổi. Bà cụ Soạn hiện đã 106 tuổi, còn khỏe, mình mẫn, đọc sách báo không càn kính).

Trước 1975, có dịp tết cụ Soạn ghé nhà tôi gặp ba tôi trên đường Thoại Ngọc Hầu. Lúc đó tôi còn con nít nên chỉ nhớ mài mại là cụ Soạn nghiêm nhưng vui vẻ; nói chuyện rổn rảng.

Trong gia đình, như cha, ông San lấy vợ rồi là một đời chung thủy, dù tính ông vốn nóng, cái gì ra cái đó. Khi nguy khốn, như trong Hải chiến Hoàng Sa, tính cách đó bộc lộ rất rõ.

TRƯỚC 6 GIỜ SÁNG 19-1

Quần đảo Hoàng Sa gồm 130 đảo san hô, mỏm đá ngầm và bãi cát nằm rải rác trên 5.800 dặm vuông trên Biển Đông, cách gần đều cảng Đà Nẵng của Việt Nam (200 hải lý) và đảo Hải Nam của Trung Quốc (162 hải lý). Diện tích của toàn quần đảo (chỉ tính mặt đất) khoảng 3 dặm vuông. Hầu hết các đảo hợp thành nhóm đảo An Vĩnh (Amphitrite Group) về phía đông bắc và nhóm đảo Nguyệt Thiềm/Lưỡi Liềm (Crescent Group) về phía tây, cách nhau khoảng 39 hải lý. Đảo Phú Lâm (Woody island) thuộc nhóm An Vĩnh lớn nhất trong các đảo thuộc Hoàng Sa, có diện tích khoảng hơn 5km2 (530 hecta).

VNCH tiếp quản nhóm đảo Nguyệt Thiềm/Lưỡi Liềm từ năm 1954. Trung Quốc kiểm soát nhóm đảo An Vĩnh và đảo Phú Lâm vào năm 1956. Năm 1959, với hỗ trợ của chính quyền Trung Quốc, ngư dân Trung Quốc từng đổ bộ lên đảo Quang Hòa (Duncan) nhưng Hải quân VNCH đã đuổi họ đi.

… Trong hồi ký của mình, đại tá Hà Văn Ngạc viết: “Soái hạm HQ-5 đến lòng chảo Hoàng Sa (lúc 15g chiều 18-1) đã thấy lực lượng biệt hải đổ bộ trên tàu HQ-4 và HQ-16 đang kiên cường trấn giữ các đảo Hữu Nhật (Robert), Quang Ảnh (Money), Duy Mộng (Drummond). Phía đảo Quang Hòa, tàu Trung Quốc đang lờn vờn bên ngoài (tất cả thuộc nhóm đảo Nguyệt Thiềm/Lưỡi Liềm)”.

Thực tế ngay sau đó, lực lượng Trung Quốc đã đổ bộ phía Bắc đảo Quang Hòa.

Đêm 17 rạng 18-1, hai bên đã đấu khẩu nhau, cùng xác nhận chủ quyền ở Hoàng Sa. Sáng 18-1, HQ-4 dùng mũi tàu ủi thẳng tàu cá 407 khi trên tàu lố nhố “ngư dân” có đủ thượng liên, AK-47. 407 bỏ chạy. Bên kia, HQ-16 cũng quyết liệt đuổi tàu cá vũ trang 402.

Chiều 18-1, ba chiến hạm HQ-4, HQ-5, HQ-16 tiến về đảo Quang Hòa. Hai tàu 271, 274 cản đường. Các tàu tạm lui về nhóm đảo Hoàng Sa. Suốt đêm 18 rạng 19-1, các tàu Trung Quốc vẫn cứ lởn vởn quanh đảo Hoàng Sa.

Tính hạm trưởng San vốn quyết liệt, ông yêu cầu anh em HQ-4 phát còi hơi vang động và rọi đèn hồ quang chói rực vào các tàu Trung Quốc khiến họ buộc phải rút.

Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu chỉ thị: “Tìm đủ mọi cách ôn hòa mời các chiến hạm đối phương ra khỏi lãnh hải VN. Nếu họ không thi hành thì được nổ súng cảnh cáo trước mũi các chiến hạm này và nếu họ ngoan cố thì toàn quyền sử dụng vũ khí để bảo vệ sự toàn vẹn của lãnh thổ VN”.

23g30 đêm 18-1, đại tá Hà Văn Ngạc gửi điện thượng khẩn đến các hạm trưởng: “Quy luật khai hỏa được căn cứ trên hai trường hợp: Nếu địch khai hỏa trước sẽ phản ứng bằng hỏa lực cơ hữu tiêu diệt càng nhiều càng tốt, ưu tiên hỏa lực vào các chiến hạm quan trọng như Kronstadt hoặc các tàu lớn. Nếu địch tỏ vẻ ôn hòa, sẽ dè dặt và cảnh giác tối đa với phản ứng ôn hòa tương ứng, đồng thời tiến hành nhiệm vụ tái chiếm đảo Quang Hòa bằng thương lượng, sau đó cắm quốc kỳ lên đảo…”.

Chưa bên nào nổ súng. Nhưng tình hình hết sức căng thẳng suốt đêm 18-1.

3g sáng 19-1, Hạm trưởng San yêu cầu hạ sĩ quan giám lộ Lữ Công Bảy kéo chiến kỳ lên đỉnh cột cờ. Chiến kỳ ngang 20cm dài 15m tung bay – như một thái độ.

CHÍ KHÍ VIỆT LẪM LIỆT TRONG HẢI CHIẾN HOÀNG SA

6g sáng 19-1, hải đoàn VNCH chia làm hai phân đoàn: phân đoàn Một gồm hai tàu tốt nhất HQ-4, HQ-5 đổ bộ các nhóm biệt hải, hải kích tái chiếm đảo Quang Hòa (HQ-4 chỉ huy); phân đoàn Hai gồm HQ-10, HQ-16 yểm trợ hải pháo, ngăn chặn tàu địch (HQ-16 chỉ huy).

Theo thượng sĩ giám lộ tàu HQ-4 Lữ Công Bảy, “Khi đến gần đảo Quang Hòa, bằng ống dòm và mắt thường, chúng tôi phát hiện doanh trại mới toanh có cờ Trung Quốc. Ở phía bắc đảo, hàng trăm quân Trung Quốc đổ bộ ào ạt lên. Chúng núp sau các tảng đá chĩa súng vào các biệt đội… Và rồi quân Trung Quốc đã nổ súng. Lúc 8g30, đại liên và cối 82 bắn thẳng vào đội hình nhóm hải kích VN. Họ đang ở vị trí cực kỳ nguy hiểm. Hai binh sĩ VNCH tử thương, hai bị thương”.

Phía Trung Quốc nổ súng trước!

Phía VNCH đã có những người lính Việt đầu tiên hy sinh.

Hạm trưởng HQ-4 Vũ Hữu San yêu cầu: Tất cả sĩ quan, binh lính sẵn sàng quân trang, quân dụng chiến đấu với nón sắt, áo giáp, áo phao, giày không cột dây…

9g15. Hai bên phát tín hiệu tiếp tục đòi chủ quyền. Theo hồi ký của ông Bảy, lúc ấy hạm trưởng San tức giận, “đỏ mặt quát ầm ĩ và đưa nắm đấm sang hướng tàu địch tỏ vẻ căm giận. Ông ra lệnh cho chúng tôi không nhận tín hiệu nữa và thốt lên: Bọn bố láo”.

Đúng kiểu nói Bắc 54.

Khoảng gần 10g, đại tá Ngạc muốn pháo lên đảo để hỗ trợ việc tiếp tục đổ bộ. Hạm trưởng San không thống nhất chuyện này. Lúc đó, theo ông Bảy, “Hạm trưởng San tức tối liệng tổ hợp nghe xuống sàn đài chỉ huy chiến hạm. Ông phân bua với thuộc cấp trên đài chỉ huy: Mấy thằng kia nó để cho mình yên à”. Vì theo ông, “Muốn đổ bộ lên chiếm đảo trước mắt phải tiêu diệt lực lượng trên biển rồi sau đó mới tính đến việc đổ quân. Hiện nay tàu địch gấp đôi tàu ta, quân địch đã đổ bộ từ sáng tới giờ đầy trên đảo, ta chỉ có hai trung đội thì làm sao thành công được”.

Ông San nói: “Tôi là quân nhân, tôi chấp nhận hy sinh vì Tổ quốc nhưng chuyện này hết sức vô lý”. Rồi ông cúp máy và ra lệnh: “Tất cả các khẩu súng nhắm thẳng vào tàu địch”, không chấp hành lệnh bắn vào bờ.

Thông tin liên tục báo ngay về Trung tâm hành quân ở Đà Nẵng. Phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại phát quân lệnh: “Tùy nghi khai hỏa!”.

* 10g20 sáng lịch sử 19-1-1974, đại tá Hà Văn Ngạc, chỉ huy hải chiến phát lệnh: “Khai hỏa!”.

Bốn chiến hạm HQ-4, HQ-5, HQ-10, HQ-16 rùng rùng tác xạ mãnh liệt vào các tàu chiến Trung Quốc.

Soái hạm HQ-5 bắn trúng Kronstadt 274 ngay loạt đạn đầu tiên. Nó lảo đảo và phản pháo nhưng không gây thiệt hại cho HQ-5.

Tuy nhiên, phía Trung Quốc lại cho rằng HQ-4 là soái hạm nên cả hai tàu Kronstadt 271, 274 đều tập trung vào đây.

Hồi ký của ông Bảy ghi: “Như đã chuẩn bị trước, Hạm trưởng San ra lệnh “bắn”, đồng thời ông cũng ra lệnh (lúc đó máy tàu đang ở vị trí stop) hai máy tiến full (bỏ qua thông lệ tiến 1, tiến 2, tiến 3); hết tay lái sang phải. Chiến hạm chồm lên phía trước và nghiêng mình sang phải nên đã tránh được loạt đại bác đầu tiên của địch.

Chiến hạm di chuyển với tốc độ cực nhanh, khói đen bốc lên ngùn ngụt, thân tàu rung lên bần bật vì tiếng dội của các khẩu đại bác vừa khai hỏa. Hạm trưởng San ra lệnh hai máy tiến blanch hết tay lái sang trái, chiến hạm chạy uốn lượn như con rắn, hết phải rồi hết trái tránh được đạn đại bác của địch. Đạn nổ, âm thanh hỗn độn, các cột nước bốc lên chung quanh tàu, tiếng đạn rít lên sau thân tàu, trước mũi tàu, mạn trái, mạn phải ù… vèo vèo… ầm”.

Năm 2014, kể lại giây phút ấy với báo Tuổi Trẻ, trung úy Roa, người có mặt trên đài chỉ huy HQ-4 cho biết: Chính nhờ hạm trưởng San cho tàu vận chuyển linh hoạt nên tránh được một trái pháo của tàu đối phương bắn vào đài chỉ huy, tuy nhiên nó lại bay vào ống khói. Mảnh đạn văng vào đài chỉ huy trúng ngay chân trung úy Roa. Các mảnh đạn khác cũng phá sụp chân màn hình radar làm nó không hoạt động. Tuy nhiên, trung úy Roa vẫn trụ vững ở vị trí theo dõi tàu địch. Dây liên lạc sĩ quan hải pháo với các khẩu đội đã bị mảnh đạn cắt đứt, không liên lạc được.

Phía bên kia, trong làn đạn 76,2 li của HQ-4 Trần Khánh Dư, chiếc Kronstadt 271 bị trúng đạn bốc cháy dữ dội.

Xạ thủ 85 ly của tàu Trung Quốc Vương Tuấn Minh, trên Ordinance (tờ báo nghiên cứu vũ khí của Trung Quốc) kể: “Lúc 271 và 274 cận chiến với HQ-4, chính ủy và hạm phó tàu anh (274) bị bắn chết. 274 không điều khiển nổi. Còn soái hạm 271 trúng đạn, Tằng Đoan Dương chết…”.

Ở phân đoàn 2, theo hạm trưởng Lê Văn Thự, HQ-16 “quay ngang tàu đưa phía hữu mạn của tàu hướng về ba tàu Trung Quốc. Với lợi thế là sử dụng được tối đa hỏa lực nhưng cũng có bất lợi là hứng đạn nhiều hơn”. Các khẩu pháo của HQ-16 bắn liên tục.

Thật kỳ diệu, dù là tàu nhỏ nhất, lại hư một máy, nhưng ngay sau lệnh khai hỏa, các khẩu đội pháo trên chiếc HQ-10 Nhật Tảo cũng trực xạ vang rền.

Trục lôi hạm 389 của Trung Quốc phát nổ, bốc cháy. Trục lôi hạm 396 gần đó cũng trúng đạn, hệ thống lái bị hư hại toàn toàn. Nó liêu xiêu trên biển.

Các báo cáo của Hải quân Trung Quốc sau đó cũng thừa nhận hai chiến hạm 389 và 396 của mình đã trúng đạn ngay từ phút đầu: “Trong lúc chiếc hộ tống hạm HQ-10 bị trọng thương, trục lôi hạm 389 cũng bị chiến hạm Việt Nam bắn hư hại nặng. Đài chỉ huy hoàn toàn bị tiêu hủy. Thủy thủ đoàn nhiều người chết, bị thương. Hầm chứa đạn bị bắn thủng một lỗ lớn… Hầm máy cũng bị bắn trúng nên cháy dữ dội khiến tàu vô nước, bị nghiêng, không còn dưỡng khí khiến cơ khí phó và năm cơ khí viên tử thương tại chỗ”.

Tuy nhiên, ngay tình thế đang áp đảo, khẩu đội pháo chính phía trước chiến hạm HQ-10 Nhật Tảo lại kẹt đạn. Khẩu 20 li đôi cũng kẹt đạn do bắn dồn dập. Máy tàu yếu khiến tàu không xoay chuyển kịp để dùng pháo phía sau. Trong nhật ký trận Hoàng Sa, chuẩn úy Tất Ngưu, sĩ quan phụ trách khẩu 20 li và cối 81 li phía sau tàu, kể đang lúc ác liệt thì đến khẩu 20 li đôi cũng kẹt đạn.

Cả hai trục lôi hạm 389 và 396 của Trung Quốc tận dụng cơ hội này trả đũa. Chuẩn úy Tất Ngưu kể ông và đồng đội đang cố gắng tác xạ phía sau thì bất ngờ nghe tiếng rầm. HQ-10 Nhật Tảo và chiếc 389 đụng nhau. Từ đài chỉ huy, đại úy hạm phó Nguyễn Thành Trí dùng súng M16 bắn xối xả sang tàu đối phương. Có người cho rằng vì cả hai máy tàu lúc này đều bị bắn hư nên chúng tự trôi vào nhau…”.

Tàu HQ-16 cũng trúng đạn ở hầm đạn 127 li phía trước mũi nên nước biển tràn vào mỗi khi tàu chúc xuống. Tàu bị nghiêng dần sang một bên. Hỏa lực chính hết tác xạ được, mất khả năng chiến đấu. Trung tá Thự cho tàu tạm lùi khỏi lòng chảo Hoàng Sa.

Tàu chiến hai bên đều tơi tả. Đến lúc này, số thương vong hai bên ngang ngửa nhau. Cách đó vài chục hải lý, hai tàu chống ngầm 281, 282 còn nguyên vẹn lực lượng, khí tài quân sự đang tiến sát khu vực chiến sự. Hàng chục tàu khác từ đảo Hải Nam được chuẩn bị tư trước cũng sẵn sàng tiến ra.

Các tàu VNCH được lệnh triệt thoái.

Trong khu vực hải chiến chỉ còn lại tàu HQ-10 Nhật Tảo không còn khả năng di chuyển. Thân tàu chi chít vết đạn. Thiếu tá hạm trưởng Ngụy Văn Thà trúng thương ngay cổ đã hy sinh lẫm liệt ngay trên tay lái tàu.

Thiếu tá Ngụy văn Thà và Đại úy Nguyễn Thành Trí. ẢNh: internet

Đại úy hạm phó Nguyễn Thành Trí kêu anh em lên boong, yêu cầu rời tàu. Ông Trần Văn Hà, thủy thủ cơ khí nhớ lại: “Một số anh em như Lê Văn Tây, Ngô Văn Sáu… nhất quyết đòi ở lại với tàu. Đó là những người đã bị thương nặng và cả một số pháo thủ chưa bị gì”.

“Thôi, chiến hữu xuống bè đi, để chúng tôi ở lại” – họ vừa nhắn nhủ lời chia tay vừa xem cơ số đạn còn lại.

Trong Nhật ký Hoàng Sa, chuẩn úy Tất Ngưu, sĩ quan phụ trách các khẩu đội pháo phía sau chiến hạm Nhật Tảo, kể ông là một trong những người nhảy xuống biển sau cùng. Trước khi nhảy, ông gọi hạ sĩ Lê Văn Tây rời tàu. Viên hạ sĩ này trả lời dứt khoát: “Tôi ở lại ăn thua đủ với bọn Tàu”.

Hai tàu chống ngầm 281, 282 đã đến, bắn xối xả trả thù vào chiếc Nhật Tảo. Đứng từ đảo Hữu Nhật, trung sĩ Trịnh Văn Quý, thuộc nhóm đổ bộ của HQ-4 đã chứng kiến cảnh chiếc Nhật Tảo oằn mình dưới lửa đạn của hai tàu chiến Trung Quốc mới đến còn nguyên vẹn.

Thật kỳ lạ, đến 8g sáng 20-1, trung sĩ Trịnh Văn Quý mới thấy Nhật Tảo chìm hẳn, gần đảo Hữu Nhật.

Những người lính Việt trên HQ-10 Nhật Tảo chỉ còn 21 người. Chiến hạm HQ-10 Nhật Tảo đã nằm lại dưới đáy biển Hoàng Sa cùng hạm trưởng Ngụy Văn Thà, hạm phó Nguyễn Thành Trí và anh em binh sĩ của mình. Họ đã sống những giây phút cuối cùng bi tráng, lẫm liệt vì Tổ quốc, Dân tộc Việt.

TRUNG QUỐC 6, 8, 11 HAY 40 TÀU?

Tuyên cáo ban đầu của Bộ Ngoại giao VNCH, phía Trung Quốc có 11 tàu.

Trong khi đó, tất cả các ghi chép sau này của người trong cuộc chỉ ghi nhận đối đầu trực tiếp với 4 tàu chiến VNCH trong hải chiến là 6 tàu Trung Quốc. Cụ thể là 2 tàu 271, 274 chống ngầm hạng nhẹ nhái lớp Krondstadt của Liên Xô, 274; 2 tàu 389, 396 quét thủy lôi nhái tàu lớp T-43 của Liên Xô và 2 ngư thuyền 402, 407 chở đầy lính ngụy trang.

Tuy nhiên, do đã tính toán từ trước, ngay khi trận chiến kết thúc, chỉ ít lâu sau, 2 tàu chống ngầm 281, 282 đã có mặt và bắn chìm HQ-10 khi nó vật vờ trên biển và hầu hết lính trên tàu đã rời tàu. Nghĩa là nếu trận chiến tiếp tục thêm, hai tàu này rõ ràng có mặt ngay.

Theo BBC Tiếng Việt, một tài liệu của CIA ngày 21-1-1974 sau này công bố nhận định Trung Quốc “rõ ràng đã có chuẩn bị” cho diễn biến này.

Trong bất kỳ một cuộc chiến nào, việc chuẩn bị lực lượng dự bị sẵn sàng tiếp viện, hỗ trợ cho một trận đánh, một chiến dịch là điều đương nhiên và bắt buộc của các nhà cầm quân.

Sự chuẩn bị ấy ra sao? Năm 2017, Carl O. Schuster, cựu sĩ quan Hải quân Mỹ 25 năm công tác, với những năm cuối cùng phục vụ trong ngành tình báo quân sự; tham gia giảng dạy chương trình Ngoại giao và Khoa học Quân sự tại Hawaii Pacific University cho biết:

(Do e ngại Sài Gòn sẽ tăng cường quân cho các đồn còn lại trên các đảo, một hạm đội đã lên đường ngay trong ngày 19-1) “1 tàu khu trục (Nam Ninh), 5 tàu phóng lôi, và 8 tàu tuần tra loại nhỏ. Được tổ chức thành 3 đội tàu đổ bộ và vận tải, các tàu này chở 500 lính thuộc 3 đại đội bộ binh, 1 đại đội dân quân và 1 nhóm trinh sát vũ trang. Tàu Nam Ninh, vốn là một tàu hộ tống của Nhật trước đây là soái hạm của đợt tăng cường này”.

Tổng lực lượng này là 14 tàu. Cộng với 8 tàu vừa hải chiến là 22 tàu. Với “truyền thống biển người” quen thuộc của mình, chúng ta không lạ điều này.

Và khi kế hoạch tái chiếm Hoàng Sa của VNCH đang chuẩn bị, theo ông Theo ông Nguyễn Thành Trung, khi đó là trung úy phi công Không lực VNCH, có khoảng 40 tàu cỡ nhỏ ở Hoàng Sa. Trên báo Thanh Niên ngày 10-1-2014, ông Trung cho biết: Ngay sau hải chiến, “máy bay do thám RF-5A được điều ra Hoàng Sa để chụp ảnh. Hình ảnh thu được cho thấy Trung Quốc tập trung tàu quanh Hoàng Sa khá nhiều. Chúng tôi cho phóng to hình ảnh ra và được chỉ huy đơn vị tập trung hết 120 phi công lại nghe thuyết trình. Chúng tôi đếm từng chiếc tàu một, thậm chí số hiệu tàu chúng tôi cũng đọc được. Các phi công đếm được khoảng 40 tàu, xác định được vị trí và hướng di chuyển của số tàu đó”.

Ông Trung khẳng định: ““Các phi đoàn phải làm sạch, nhấn hết xuống biển và tôi đảm bảo là 100% sau một ngày tất cả 40 chiếc tàu đó không còn chiếc nào sống sót. Máy bay mà đánh tàu thì quá dễ, tàu nó chạy chậm, tốc độ khoảng 20 hải lý/giờ thì không có cách nào trốn được”.

Trước đó bốn ngày, trên báo Tuổi Trẻ ngày 6-1, ông Trung kể: “Chuẩn bị cho trận đánh tái chiếm Hoàng Sa với tinh thần “Trân Châu cảng” vừa khẩn cấp vừa náo nức. Trước ngày vào chiến dịch, tất cả anh em phi công của các phi đoàn F-5 đều ký dưới lá đơn “Xin được chết cho Hoàng Sa”.

Khi tất cả các phi đoàn F.5 được lệnh tập trung ở Đà Nẵng, người Mỹ vẫn chưa biết đến kế hoạch này. Nhưng chuẩn bị đến giờ G thì kế hoạch đã bị chặn lại. Cũng như trước đó, hạm đội 7 của Mỹ vẫn án binh bất động không hề có một động thái nào để cứu giúp binh sĩ VNCH.

Tất cả hào khí háo hức, sự chuẩn bị chu toàn của anh em nhằm đánh một trận “sạch không kình ngạc” chiếm lại quần đảo Hoàng Sa từ tay Trung Quốc bỗng chốc tan thành mây khói từ “lệnh của trên”.

Theo BBC Tiếng Việt, từ giải mật của CIA, ngày 28-1-1974, Bộ Ngoại giao Mỹ gửi điện cho tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn, nói rằng có một bản tin của UPI viết các tàu chiến Nam Việt Nam đã “bao vây” Hoàng Sa, sau khi đã bị mất đảo về tay Trung Quốc.

Bức điện nói “lo lắng sâu sắc về rủi ro phía Việt Nam bày tỏ giận dữ về Hoàng Sa bằng hành động quân sự phi lý với Trung Quốc”. Bức điện yêu cầu Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn “kiềm chế” chính quyền VNCH.

Trên BBC Online ngày 14-1-2014, Hoàng Đức Nhã, bí thư kiêm tham vụ báo chí, thư ký và cũng là cháu của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, nhà ở Ông Tạ (khu cư xá Ngân Hàng, đối diện trường Ngô Sĩ Liên hiện nay), khẳng định: “Hoa Kỳ đã có sự thông đồng với chính quyền Bắc Kinh khi đó và đã làm ngơ trước hành động của Trung Quốc”.

“CON ĐÃ LÀM HẾT SỨC MÌNH, VẬY LÀ ĐƯỢC RỒI”

Sau Hải chiến Hoàng Sa, Phó đề đốc VNCH Lâm Ngươn Tánh xuống thăm HQ-4, xem chiến hạm thiệt hại ra sao. Khi đó, nước các hầm đáy tàu vẫn còn chảy ra khá nhiều từ những lỗ thủng quanh chiếc khu trục hạm Trần Khánh Dư này.

Tướng chỉ huy phía Trung Quốc trong hải chiến này là Ngụy Minh Sâm đã huy động hai tàu 271, 272 tập trung hỏa lực vào HQ-4 do nghĩ nó là soái hạm (tàu chỉ huy). Thân tàu HQ-4 chi chít vết đạn nhưng nó vẫn tự lực về Đà Nẵng, thậm chí còn dìu một tàu bạn.

Đó có thể là lý do Ngụy Minh Sâm không được đề bạt, phải giữ nguyên chức vụ (phó) như cũ, sống và chết trong im lặng ở tuổi 88 vào năm 2007. Văn bản phía Trung Quốc ghi: “Tây Sa (Trung Quốc gọi Hoàng Sa là Tây Sa) hải chiến, tiền tuyến tổng chỉ huy Ngụy Minh Sâm tướng quân, 1937 niên 10 nguyệt tham gia Bát lộ quân, Tây Sa hải chiến hậu một hữu đắc đáo đề bạt, đáo ly hưu thì y nhiên thị phó quân chức” (tổng chỉ huy Tây Sa hải chiến Ngụy Minh Sâm tháng 10-1937 tham gia Bát lộ quân. Sau Tây Sa hải chiến, đến lúc về hưu vẫn phó quân chức”.

Ngày 20-1-1974, khi về tới bến, hạm trưởng HQ-4 Trần Khánh Dư Vũ Hữu San phát biểu khi được hỏi cảm tưởng về trận hải chiến: “Đây là dịp để HQ-4 chúng ta đánh đấm Tàu Cộng hả hê luôn!”.

Hạm phó HQ-4 Nguyễn Thành Sắc nói cụ thể: “Hôm qua đụng trận, ba chiếc tàu Trung Cộng cứ cùng nhắm bắn vào tàu tôi vì tưởng chiếc khu trục hạm HQ-4 này là O.T.C (tàu tổng chỉ huy). Họ vận chuyển chiến thuật cách khoảng chừng 1.000 yard (0,9144m; 1.760 yard là một dặm biển/hải lý – mile) và khi bị tàu mình bắn cháy thì nó tuôn khói màu mù mịt. Nó chơi chiến thuật “hỏa mù” mà. Được hỏi về tinh thần chiến đấu của nhân viên, hạm phó cho biết là rất khá và cũng vì họ căm thù bọn Tàu Cộng qua mấy lần bị chúng khiêu khích. Cho nên khi lệnh khai hoả vừa ban ra chưa dứt thì đạn đã bay vào tàu địch rồi!”.

Sau hải chiến, về nhà thưa trình với cha, cụ Vũ Hữu Soạn. Người cha vốn nghiêm cẩn trong giáo dục con cháu và cũng từng “vào sinh ra tử” trên chiến trường bao nhiêu năm chỉ nói gọn: “Con đã làm hết sức mình, vậy là được rồi “.

VÀI NÉT VỀ VỊ HẠM TRƯỞNG DÂN ÔNG TẠ

Hạm trưởng HQ-4 Vũ Hữu San, sinh năm 1940 ở Đái Nhân, Hoa Lư, Ninh Bình; hồi nhỏ học các thầy Tăng, Cao, Ngọc ở làng Cối, Nho Quan. Vào Nam, học Chu Văn An, rồi theo ban toán các trường đại học ở Sài Gòn, Đà Lạt, Huế; tốt nghiệp Trường Sĩ quan Hải quân Nha Trang (hai ngành chỉ huy, cơ khí) và Trường Chỉ huy Tham mưu Đà Lạt.

Ông cụ Soạn mới mất 2018, 104 tuổi. Bà cụ Soạn hiện đã 106 tuổi. Ông San đứng giữa, hàng sau – Ảnh gia đình

Ông là hạm trưởng nhiều chiến hạm, chiếc cuối cùng là hạm chủ-lực của Hải quân VNCH: khu trục hạm HQ-4 Trần Khánh Dư.

Sau 1975, ở nước ngoài, khi đã gần 40 tuổi, ông vẫn tốt nghiệp cử nhân cơ khí, theo học Post Graduate School để thành chuyên gia tin học.

Thỉnh thoảng, rất bất ngờ và thú vị khi ông cộng tác với giáo sư Nguyễn Khắc Kham về văn hoá. Và khi đã cao tuổi, ông vẫn viết hàng loạt sách có giá trị về hàng hải, ghe thuyền và văn hóa nước của người Việt:

– Lược sử tổ chức Hải quân VNCH.
– Địa lý Biển Đông với Hoàng Sa & Trường Sa (đã xuất bản ở Việt Nam).
– Vịnh Bắc Việt & chủ quyền hải phận.
– Tài liệu Hải chiến Hoàng Sa (đã xuất bản ở Việt Nam).
– Sơ lược hải sử và thủy quân nước ta.
– Văn hóa nước.
– Chiến hạm và chiến đĩnh VNCH.
– Ghe thuyền Việt Nam…

Lời cuối: Toàn bộ hình ảnh về Hải chiến Hoàng Sa mà chúng ta thấy hôm nay được chụp từ HQ-4, theo chỉ đạo của Hạm trưởng Vũ Hữu San với anh em trên tàu. Đến giờ chưa rõ ai là tác giả thực hiện chỉ đạo này.

Đầu trang

16/01/2021 - baotiengdan.com

Hội nghị San Francisco 1951 và vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa

Dương Quốc Chính
16-1-2021

Hội nghị San Francisco năm 1951. Ảnh: internet

Mình thấy thông tin về hội nghị này trên web tiếng Việt nói chung là không đầy đủ, kể cả Wikipedia cũng chỉ viết dưới dạng sơ khai, có thể làm cho nhiều người hiểu chưa rõ. Vừa rồi có chuyện Myanmar phủ nhận phán quyết của PCA, có thể cũng có nguyên nhân sâu xa từ hội nghị này.

Thông tin cơ bản, mình cho là chính xác, nhưng chưa đầy đủ, các bạn có thể xem ở trang web “siêu chính thống” bên dưới, của Quân ủy Trung ương!

Mình bổ sung thêm một số thông tin, có thể nhiều người chưa biết hoặc biết chưa rõ, để thấy được sự phức tạp trong việc giành chủ quyền hai quần đảo nói trên.

Quốc gia VN, là chính thể đồng thời tuyên bố chủ quyền trên toàn lãnh thổ VN với VNDCCH. Chính thể này được phe tư bản công nhận trong khi VNDCCH được phe XHCN (trong đó có TQ, LX) công nhận. Số quốc gia công nhận hai chính thể trên đông ngang nhau. VNDCCH được Tàu Mao đặt quan hệ ngoại giao đầu tiên vào tháng 1/1950, sau đó khoảng một tháng Mỹ, Anh công nhận QGVN.

Tất nhiên các nước tư bản thì không công nhận VNDCCH, còn phe XHCN không công nhận QGVN và hai chính thể trên cũng không công nhận nhau. Tại hội nghị này, thủ tướng Trần Văn Hữu của QGVN tuyên bố chủ quyền HS – TS, không có nước nào tham gia hội nghị phản đối, ngược lại, họ phản đối ý tưởng HS – TS thuộc về TQ.

Hai nước TQ không tham gia hội nghị, lý do là vì CHND Trung Hoa của Mao mới chiếm được đại lục năm 49, chưa đủ chính danh để đại diện cho toàn bộ TQ, trong khi Trung Hoa dân quốc của Tưởng vẫn tồn tại ở Đài Loan. Hơn nữa, Dân quốc vẫn đang có ghế tại LHQ, đại diện cho TQ trên lý thuyết. Như vậy, đồng nghĩa với việc TQ (Tàu Mao) hay Đài Loan bây giờ có quyền bác bỏ hiệp ước San Francisco và tuyên bố của Thủ tướng Trần Văn Hữu, vì họ không tham gia ký kết hiệp ước.

Chính vì chuyện này nên sau đó, năm 1958, thủ tướng Chu Ân Lai của Tàu cộng mới ra một tuyên bố khẳng định chủ quyền một số đảo trong đó có quần đảo Bành Hồ, Đài Loan và Tây Sa, Nam Sa (lúc đó do VNCH quản lý) và rất tiếc là thủ tướng Phạm Văn Đồng ra công hàm ủng hộ. TQ không tham gia hội nghị là một thiếu sót lớn bởi vì TQ là lãnh thổ rộng nhất đã bị Nhật chiếm đóng.

VNDCCH không được tham dự hội nghị San Francisco. Có lẽ vì lúc đó VNDCCH không hề quản lý hành chính đa số diện tích nước VN, mà chỉ quản lý chiến khu Việt Bắc là chính, trong khi đó QGVN đang quản lý toàn bộ các đô thị của VN và hai quần đảo, nên được coi là đại diện của VN. Trong các link trên đều dùng từ “chính quyền Bảo Đại” để chỉ QGVN. Như vậy có thể hiểu QGVN bị coi là Ngụy quyền. Vậy sẽ rất khó chấp nhận để viện dẫn căn cứ được tuyên bố bởi Ngụy quyền tới một nước, như TQ, cũng coi QGVN là Ngụy quyền! Trong khi cả hai nước VN và TQ lại không được tham gia hội nghị.

Nhật Bản tuyên bố từ bỏ chủ quyền một số đảo và lãnh thổ, như link trên đã nói, nhưng lại KHÔNG HỀ nói là sẽ trả những lãnh thổ, hải đảo đó cho bên nào. Chính vì điều đó nên mới xảy ra tranh chấp sau này, ví dụ như Philippines tuyên bố chủ quyền một số đảo/đá thuộc TS với lý do vì Nhật “từ bỏ” trong khi họ tham gia đồng minh đánh Nhật.

Myanmar không tham dự hội nghị San Francisco với lý do là dự thảo hiệp ước “xử tội” quá nhẹ cho Nhật Bản. Ấn Độ cũng không tham gia với lý do ngược lại, tức là xử quá nặng cho Nhật bản. Có thể đó là một phần lý do lịch sử mà hiện nay Myanmar cũng không công nhận phán quyết của tòa trọng tài PCA.

Như vậy, cách duy nhất để tạo chính danh cho việc tuyên bố chủ quyền HS – TS là VN phải công nhận hai chính thể đang bị coi là Ngụy. Nhưng mà như thế thì phải viết lại lịch sử cũng rất mệt mỏi. Có thể vì lẽ đó mà VN đang chọn chính sách câu giờ, để con cháu chúng ta đòi (PTT Vũ Đức Đam).

Mấy hôm trước có tin nói là Lào, Campuchia bác bỏ phán quyết của PCA, nhưng tối qua VTV lại nói là Lào mới phát ngôn, đại khái là 3 phải, kêu gọi các bên kiềm chế! Coi như không bày tỏ quan điểm. Campuchia cũng tương tự.

Đầu trang

05/10/2020 - Thu Hằng - rfi.fr

Biển Đông: Phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực PCA và tác động đến Việt Nam

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (T) bắt tay thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc ngày 29/09/2016. Hai bên đã thảo luận về việc phân định ranh giới biển ở Biển Đông. © AP - Hoang Dinh Nam

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thay đổi lập trường về những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông đề cao giá trị phán quyết ngày 12/07/2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực là « một phần của luật pháp quốc tế, vượt ra ngoài mọi thỏa hiệp và ngoài tầm với của các chính phủ ».

Lời lẽ cứng rắn trong bài phát biểu tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ngày 22/09/2020 của ông Duterte khác hẳn với thái độ nhún nhường trước Bắc Kinh kể từ khi nhậm chức tổng thống. Phải chăng bốn năm « hảo hảo » với Trung Quốc mà không có kết quả đã khiến ông Duterte vỡ mộng ? Hay do Hoa Kỳ dồn dập tăng sức ép với Trung Quốc trên mọi hồ sơ, đặc biệt là việc thay đổi chính sách đối với các yêu sách hàng hải ở Biển Đông, theo phát biểu ngày 13/07/2020 của ngoại trưởng Mike Pompeo ?

Philippines khẳng định tuân thủ phán quyết của Tòa PCA và « kiên quyết phản đối những nỗ lực chống lại phán quyết này », vẫn theo bài diễn văn của tổng thống Duterte. Việt Nam là một trong những bên tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Vậy phán quyết về Biển Đông của Tòa Trọng Tài Thường Trực trong vụ kiện Philippines-Trung Quốc có liên quan và có tác động như nào đến trường hợp của Việt Nam ?

Những hoạt động quân sự ngày càng rầm rộ với quy mô lớn mà Trung Quốc thường xuyên tiến hành ở Biển Đông từ đầu năm 2020 khiến Việt Nam, cũng như các nước trong khu vực, luôn trong thế phòng ngừa. Ngoài phản đối, lên án, liệu Hà Nội có tính đến phương án đưa vụ việc ra PCA như Manila đã làm năm 2016 ? Nếu có, đâu là những điểm lợi và thiệt ?

RFI Tiếng Việt phỏng vấn nhà nghiên cứu Laurent Gédéon, trường Sư Phạm Lyon, Pháp. Bài phỏng vấn được chia làm hai phần.

Tạp chí Việt Nam hôm nay, 05/10/2020, giới thiệu Phần 1 - "Phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực về Biển Đông và tác động đến Việt Nam".

*****

RFI : Tháng 07/2016, Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye đã ra phán quyết về vụ kiện Philippines-Trung Quốc liên quan đến vấn đề Biển Đông. Xin ông nhắc lại một số ý chính trong phán quyết này !

Laurent Gédéon : Tòa Trọng Tài Thường Trực được Philippines viện đến để đưa ra những điểm cụ thể liên quan đến Biển Đông, như hiệu lực các quyền truyền thống, lịch sử, của Trung Quốc, « đường chín đoạn », quy chế của các đảo và đá khác nhau, những ảnh hưởng đến môi trường do việc bồi đắp một số đảo và cuối cùng là việc Trung Quốc vẫn tiếp tục hoạt động sau khi Philippines đã nộp đơn kiện.

Về những quyền lịch sử và « đường 9 đoạn » mà Trung Quốc tự vẽ, Tòa Trọng Tài Thường Trực đã bác những yêu sách có lợi cho Trung Quốc về những « quyền lịch sử » dù là ở vùng biển trong phạm vi « đường 9 đoạn », những yêu sách về những nguồn tài nguyên sinh vật hoặc phi sinh vật trong khu vực đó, nói một cách khác là trong gần như hầu hết Biển Đông. Tòa PCA cho rằng những yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào, dù Tòa không phủ nhận rằng Trung Quốc có thể đã hoạt động trong toàn bộ khu vực này từ thời xa xưa và có thể đã khai thác những nguồn tài nguyên, cũng như sử dụng nhiều hòn đảo ở đó. Tuy nhiên, Tòa Trọng Tài Thường Trực đánh giá không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc đã độc quyền tiến hành và không bị gián đoạn.

Liên quan đến quy chế của các đảo và đá, Tòa phán quyết rằng trong khu vực biển theo đơn kiện của Philippines có những thực thể không thể được coi là « đảo » theo luật pháp quốc tế mà chỉ được coi đơn thuần là « đá ». Những đánh giá pháp lý này có những hệ quả quan trọng, bởi vì « đảo » có thể có những khu vực biển như là lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, vùng thềm lục địa, trong khi « đá » không cho phép hình thành những khu vực như trên.

Về điểm này, Tòa Trọng Tài Thường Trực đã khẳng định rằng những « đá » ở Biển Đông phải được nhìn nhận đúng với thực trạng tự nhiên ban đầu của chúng. Vì thế, dù nếu có chỉnh trang, bồi đắp hay đưa dân cư đến sinh sống mà trước đó không hề có, để biến một « đá » thành « đảo », thì luật pháp quốc tế không công nhận đó là một hòn đảo, và như vậy sẽ không có những vùng lãnh hải như vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa. Tóm lại, theo quan điểm của luật pháp quốc tế, tất cả những công trình bồi đắp các thực thể mà chính quyền Bắc Kinh tiến hành đều vô hiệu.

Tiếp theo, liên quan đến tình trạng môi trường và môi trường biển, phán quyết của Tòa đã nêu rằng những hoạt động của Trung Quốc về mặt đánh bắt hải sản và bồi đắp các đảo đã tác động nghiêm trọng đến môi trường. Ngoài ra, Trung Quốc đã không thực hiện nghĩa vụ bảo vệ và bảo tồn ở Biển Đông.

Cuối cùng, Tòa Trọng Tài Thường Trực cho rằng Trung Quốc đã vi phạm những nghĩa vụ quốc tế của mình vì trong tiến trình xét xử, Bắc Kinh vẫn tiếp tục các hoạt động bị phản đối, lên án.

RFI : Vậy phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực tác động thế nào đến tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông giữa Việt Nam và Philippines ?

Laurent Gédéon : Hiện tại, Việt Nam đang kiểm soát 26 đảo và đá thuộc quần đảo Trường Sa. Nhưng khi nhìn kỹ bản đồ, người ta thấy là 4/5 số đảo và đá này nằm trong phần mà Philippines đòi chủ quyền ở quần đảo Trường Sa. Đây chính là điểm trọng tâm tranh chấp tương lai giữa Việt Nam và Philippines trong trường hợp hai nước đối đầu về vấn đề quần đảo Trường Sa.

Nếu căn cứ vào phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye ngày 12/07/2016, cũng như việc áp dụng phán quyết này đối với trường hợp Việt Nam, có thể thấy Việt Nam nhất trí với Philippines chỉ ở một điểm và đối lập ở ba điểm.

Trước hết, Hà Nội và Manila nhất trí ở yêu sách « đường 9 đoạn » của Bắc Kinh, có nghĩa là hai nước cùng bác bỏ lập trường đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc. Ngược lại, đối với những quyền lịch sử, người ta nhận thấy là lập trường của Việt Nam tương tự với lập trường của Trung Quốc, bởi vì cả Hà Nội cũng như Bắc Kinh đều lập luận theo « nguyên tắc lịch sử lâu đời », dựa vào các hoạt động thường xuyên trong quá khứ ở những hòn đảo này và việc này được các thủy thủ, ngư dân Việt Nam hay Trung Quốc ghi chép lại.

Nhưng chúng ta đã thấy là lập luận này, nếu không có bằng chứng về « sự hiện diện thường trực » và « độc quyền quản lý » các nguồn tài nguyên kinh tế, thì sẽ không được chấp nhận về mặt pháp lý. Về điểm này, Việt Nam có lẽ phải thay đổi cách lập luận nếu muốn nhận được sự hỗ trợ pháp lý của Tòa.

Tương tự, liên quan đến quy chế các đảo - đá, Việt Nam, dù không làm mạnh như Trung Quốc, nhưng cũng tiến hành bồi đắp, như trường hợp đảo Sơn Ca (Sand Cay) ở Trường Sa. Và như đã nói ở trên, cách làm này là vô hiệu và không được công nhận. Ngoài ra, những hoạt động bồi đắp này còn gây thiệt hại cho môi trường mà Việt Nam có thể bị Tòa Trọng Tài Thường Trực lên án.

Tóm lại, về phương diện pháp lý, chúng ta thấy là phán quyết của Tòa PCA có tác động thực sự đến tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và Philippines. Nếu muốn đạt được tiến triển về mặt pháp lý, Hà Nội cần phải xem lại các lập luận của mình.

RFI : Liệu Philippines có thể áp dụng phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực vào trường hợp tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông với Việt Nam không ?

Laurent Gédéon : Trước hết phải nhắc đến một điểm lưu ý quan trọng : Phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực là phán quyết mang tính bắt buộc về mặt pháp lý. Nói một cách khác, thủ tục trọng tài là tùy chọn, các bên không bị bắt buộc phải kiện lên Tòa, nhưng việc thi hành phán quyết mà Tòa Trọng Tài Thường Trực đưa ra là điều bắt buộc. Tuy nhiên, nếu một trong các bên từ chối áp dụng phán quyết, Tòa PCA cũng không có phương tiện để bắt buộc thực hiện phán quyết đó.

Liệu Philippines có thể áp dụng phán quyết năm 2016 trong trường hợp tranh chấp chủ quyền với Việt Nam ở Biển Đông hay không ? Tôi cho rằng câu trả lời cho câu hỏi này mang tính chính trị. Phán quyết trọng tài đã trả lời cho những câu hỏi được Philippines đặt ra và liên quan đến trường hợp Trung Quốc, chứ không liên quan đến Việt Nam. Để Việt Nam cũng bị liên quan đến vấn đề này, phía Philippines phải viện đến Tòa PCA một lần nữa về trường hợp của Việt Nam và Tòa phải ra phán quyết. Tuy nhiên, nếu nhìn vào phán quyết liên quan đến Trung Quốc, có thể thấy rằng Việt Nam sẽ phản đối những lập luận pháp lý của Tòa.

Vì vậy, cũng cần xem Việt Nam có thể sẽ có lập trường như thế nào trong trường hợp Philippines viện đến Tòa, vì phía Việt Nam có thể có hai khả năng : Công nhận thẩm quyền của Tòa Trọng Tài Thường Trực và chấp nhận tiến trình trọng tài của Tòa hoặc như trường hợp Trung Quốc, từ chối thẩm quyền của Tòa Trọng Tài Thường Trực. Cần nhắc lại rằng Bắc Kinh đã từ chối thẩm quyền của Tòa Trọng Tài La Haye. Ngoài ra, vào đúng vào ngày 12/07/2016 khi Tòa ra phán quyết, Trung Quốc đã ra tuyên bố, thông qua bộ Ngoại Giao nước này, rằng phán quyết của Tòa là vô hiệu, không mang tính ràng buộc đối với Trung Quốc và Bắc Kinh không công nhận, cũng như không thừa nhận phán quyết của Tòa.

Lời từ chối này đẩy Bắc Kinh vào thế khó vì Trung Quốc đã phê chuẩn Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982) và phải theo toàn bộ công ước này. Việc từ chối tuân thủ luật pháp quốc tế mang lại hình ảnh tiêu cực, cũng như ảnh hưởng đến uy tín của nước này. Trường hợp này cũng có thể đến với Việt Nam.

Trở lại với Philippines, về mặt pháp lý, lập trường của Manila được tăng cường nhờ việc phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực không công nhận các yêu sách vùng đặc quyền kinh tế của tất cả các bên tranh chấp, đối với các thực thể địa lý tại Biển Đông. Tuy nhiên, có một điểm quan trọng, đó là Tòa đã không phán quyết về tình trạng của các đảo và đảo nhỏ, đặc biệt là Tòa đã không giải quyết vấn đề quyền sở hữu đối với các thực thể đó, tại vì Tòa Trọng Tài Thường Trực không có thẩm quyền ra phán quyết về vấn đề chủ quyền.

Về tranh chấp chủ quyền với Việt Nam ở Biển Đông, Philippines ở vào thế tế nhị bởi vì Manila không thể dựa vào quyết định pháp lý theo luật quốc tế để khẳng định chủ quyền đối với những hòn đảo mà Philippines đang kiểm soát. Trường hợp của Việt Nam cũng tương tự. Vì thế, giải pháp còn lại đối với Philippines là mở đàm phán, kể cả với Việt Nam. Nhưng điều này đòi hỏi nhiều điều kiện, mà trước mắt là Philippines và Việt Nam phải tỏ thiện chí đạt được một giải pháp công bằng, tiếp theo cũng cần chấp nhận điều kiện là trong quá trình đàm phán, có sự tham gia của một số quốc gia khác quan tâm đến vấn đề các đảo ở Trường Sa.

RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn nhà nghiên cứu Laurent Gédéon, giảng viên Trường Sư phạm Lyon, Pháp.

*****

Tạp chí Việt Nam (12/10/2020): Phần 2 : Nếu kiện, phán quyết của Tòa PCA tác động như nào đến đòi hỏi chủ quyền của Việt Nam ?

Nhà nghiên cứu Pháp Laurent Gédéon phân tích về những điểm lợi và thiệt đối với Việt Nam nếu Hà Nội quyết định đưa vấn đề Biển Đông ra Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye.

Đầu trang

19/01/2017 - Trần Trung Đạo - vietbao.com

Vai Trò Của Mao Trạch Đông Trong Chiến Dịch Tiến Chiếm Hoàng Sa 1974

Trận hải chiến Hoàng Sa 1974. Ảnh: Internet

Luồng gió ngoại giao đã đổi chiều khi Tổng Thống Mỹ Richard Nixon bắt tay với Mao ngày 21 tháng Hai 1972. Chuyến viếng thăm Trung Cộng của Nixon nhắm vào 3 mục đích: (1) hướng tới một giải pháp hòa bình tại Đài Loan, (2) tìm một giải pháp hòa bình cho chiến tranh Việt Nam qua đàm phán và (3) giảm ảnh hưởng của Liên Xô. Như lịch sử đã chứng minh, ít nhất hai trong số ba mục đích của TT Richard Nixon đều không đạt được. Chỉ riêng vấn đề Việt Nam, chiến tranh không chấm dứt bằng giải pháp hòa bình mà bằng máu cho đến ngày 30-4-1975.

Sự gần gũi giữa Mỹ và Trung Cộng đã đẩy CS Viêt Nam nghiêng xa hơn về phía Liên Xô. Bắc Việt cho rằng Trung Cộng đã phản bội đảng CSVN khi đặt mối quan hệ giữa Trung Cộng và Mỹ lên trên quyền lợi của Bắc Việt. Xuân Thủy, trưởng phái đoàn đàm phán của Bắc Việt, tố cáo Mỹ “âm mưu chia rẽ khối xã hội chủ nghĩa”. Khoảng cách giữa Bắc Việt và Trung Cộng xa cách dần mặc dù Trung Cộng tuyên bố vẫn tiếp tục “ủng hộ cuộc chiến chống Mỹ đến mục đích cuối cùng”.

Chủ trương chiếm Hoàng Sa trước khi chiến tranh chấm dứt

Sau khi hiệp định Paris được ký kết, quan hệ giữa CS Bắc Việt và Trung Cộng trở nên tệ hại hơn. Học bài học tranh chấp biên giới với Liên Xô phía Bắc và phát xuất từ mối lo sợ bị bao vây ở phía Nam, Mao nghĩ đến việc phải tiến chiếm các đảo ngoài Biển Đông trước khi CS Bắc Việt chiếm toàn bộ Việt Nam và rơi hoàn toàn vào quỹ đạo của Liên Xô, lúc đó là kẻ thù số một của Trung Cộng. Mao càng lo lắng hơn khi thấy chính sách của Mỹ ngày càng trở lại với chủ trương tự cô lập (American Isolationism) trước đây trong lúc Liên Xô ngày càng mở rộng và có khả năng lấn chiếm sang Châu Á.

Ngoài lý do lãnh thổ, việc tiến chiếm Hoàng Sa là một bước thay đổi quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mao, chuyển từ giai đoạn đấu tranh cách mạng dựa trên quan điểm Marx-Lenin-Mao sang thực tế quốc tế. Để thực thi các chính sách này, Mao cần một lãnh đạo có đầu óc thực dụng, và người đó không ai khác hơn là Đặng Tiểu Bình. Ngày 22 tháng 12, 1973, Mao phục hồi họ Đặng.

Mặc dù già nua, bệnh hoạn, chủ trương “phục hồi các lãnh thổ Trung Quốc bị mất” là chủ trương của Mao.

Đặng Tiểu Bình đóng vai trò tích cực nhưng y chỉ mới được phục hồi chưa đầy một tháng sau sáu năm bị hạ bệ. Chu Ân Lai chủ tọa nhiều phiên họp của Bộ Chính Trị nhưng trong thời gian đó họ Chu đang bị kết án hữu khuynh. Diệp Kiếm Anh được giao trách nhiệm chủ tịch của ủy ban nhưng họ Diệp đã 77 tuổi và thuộc thành phần tướng lãnh thời Vạn Lý Trường Chinh.

Tháng Giêng 1974, Mao quyết định tiến chiếm Hoàng Sa trước. Kế hoạch chiếm Hoàng Sa được nghiên cứu rất kỹ lưỡng và chi tiết, không chỉ về mặt quân sự mà cả chuẩn bị dư luận quốc tế để biện hộ cho hành động xâm lược Việt Nam.

Về mặt đối ngoại. Để có lý do tấn công Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa, bộ máy tuyên truyền Trung Cộng tố cáo Việt Nam Cộng Hòa vào tháng 11, 1973 đã bắt giữ tàu đánh cá Trung Cộng và hành động đó được xem như vi phạm chủ quyền Trung Cộng, buộc Trung Cộng phải “phản công tự vệ”. Ngày 11 tháng Giêng 1974, Bộ Ngoại Giao Trung Cộng ra thông báo xác định chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và vùng biển chung quanh quần đảo này: “Các quần đảo Nam Sa, Tây Sa, Trung Sa đều là một phần của lãnh thổ Trung Quốc. Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có chủ quyền không thể tranh cãi đối với những hòn đảo này”.

Về mặt tổ chức. Một ủy ban đặc nhiệm của các lãnh đạo cao cấp nhất trong đảng và nhà nước Trung Cộng được thành lập để phát thảo kế hoạch tiến chiếm Hoàng Sa được thành lập trong phiên họp của Bộ Chính Trị do Chu Ân Lai chủ tọa. Năm Ủy viên Bộ Chính Trị trong ủy ban gồm Thống Chế Diệp Kiếm Anh (Ye Jianying), Phó Chủ Tịch Trung Ương Đảng Vương Hồng Văn (Wang Hongwen), Ủy Viên Thường Trực Bộ Chính Trị phụ trách tuyên truyền Trương Xuân Kiều (Zhang Chunqiao), Phó Thủ Tướng Đặng Tiểu Bình (Deng Xiaoping) và Đại Tướng Tư Lệnh Quân Khu Bắc Kinh Trần Tích Liên (Chen Xilian). Chu Ân Lai giao cho Diệp Kiếm Anh trách nhiệm điều hành ủy ban.

Mao phê chuẩn thành phần ủy ban

Một phiên họp mở rộng sau đó, ngoài Chu Ân Lai và năm thành viên còn có sự tham dự của Đô Đốc Tô Chấn Hoa (Su Zhenhua), Chính Ủy Thứ Nhất của Hải Quân Trung Cộng. Tô Chấn Hoa là một trong những tướng hải quân có quan hệ mật thiết với Đặng Tiểu Bình và cũng là người chủ trương bành trướng Biển Đông.

Với một thành phần lãnh đạo chiến dịch cao cấp và đầy đủ ban bộ như vậy chứng tỏ việc tiến chiếm Hoàng Sa không chỉ là một tranh chấp biển đảo bình thường mà còn mang một ý nghĩa chiến lược hàng đầu và phải chiếm Hoàng Sa bằng mọi giá.

Về mặt quân sự. Đây là lần đầu tiên hải quân Trung Cộng thực hiện một cuộc viễn chinh hải quân chống lại nước ngoài và lực lượng tham chiến được chọn lựa kết sức cẩn thận. Bốn ngày sau khi Trung Cộng tuyên bố chủ quyền, 11 chiến hạm của hải quân Trung Cộng và 600 lính được lệnh tiến vào vị trí. Các phi đoàn chiến đấu cơ đặt trên đảo Hải Nam được lệnh sẵn sàng tham chiến. Đặng Tiểu Bình trong thời gian này vừa được giao phó chức vụ Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc và thay mặt ủy ban điều hợp các họat động của Quân Ủy Trung Ương cũng như các vấn đề quân sự khẩn cấp. Bộ Tư lệnh Hạm Đội Nam Hải dưới quyền Tư lệnh Zhang Yuanpei trực tiếp chịu trách nhiệm tiến chiếm Hoàng Sa.

Kế hoạch được đệ trình lên Mao và Mao chấp thuận

Ngày 19 tháng Giêng 1974, Hải Quân Trung Cộng tiến chiếm Hoàng Sa. Sau trận hải chiến khoảng một giờ, Trung Cộng chiếm Hoàng Sa. Phía Trung Cộng công bố họ chỉ có 18 binh sĩ thiệt mạng và không có tàu nào chìm mặc dù báo chí Tây Phương cho rằng ít nhất một chiến hạm của hải quân Trung Cộng đã bị bắn chìm. Người viết không trình bày chi tiết ở đây vì diễn biến của hải chiến Hoàng Sa đã được rất nhiều tài liệu và nghiên cứu Việt Nam cũng như quốc tế công bố. Rất nhiều thông tin quý giá đang được lưu trữ tại website hqvnch.org.

Thái độ bàng quan của Mỹ

Chính phủ Mỹ ra lệnh Đệ Thất Hạm Đội không được can thiệp vì đã đồng ý ngầm với Trung Cộng sẽ giữ thái độ bàng quan trong tranh chấp Hoàng Sa, và các chiến hạm và phi cơ của Mỹ sẽ không xâm phạm giới hạn 12 hải lý của quần đảo Hoàng Sa. Cam kết này của Mỹ đã được Ngoại Trưởng Trung Cộng Hoàng Hoa nhắc lại trong diễn văn đọc trước Liên Hiệp Quốc ngày 12 tháng Tư 1972 với sự hiện diện của Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger.

Bản tin của báo Time ngày 4 tháng Hai 1974 cũng xác định chính sách của Mỹ trong hải chiến Hoàng Sa là “tuyệt đối khoanh tay”.

Ngoài ra, trước đó vào mùa xuân 1972, Trung Cộng đã thử ý định Mỹ bằng cách gởi công hàm phản đối khi một tàu chiến Mỹ vi phạm khu vực 12 hải lý của quần đảo Hoàng Sa. Mỹ đáp ứng bằng việc chỉ thị hải quân Mỹ sẽ không hải hành trong khu vực 12 hải lý do Trung Cộng quy định. Thái độ đó của Mỹ là dấu hiệu cho Trung Cộng biết Mỹ sẽ không can dự vào tranh chấp Hoàng Sa.

Tại sao Trung Cộng chọn ngày 19 tháng Giêng 1974?

Ngày 19 tháng Giêng 1974 là ngày kỷ niệm 24 năm Trung Cộng công nhận nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Đây không phải là sự kiện trùng hợp ngẫu nhiên mà là một cái tát chính trị vào mặt đảng CSVN.

Tối ngày 20 tháng Giêng, Chu Ân Lai triệu tập phiên họp để tổng kết thành quả chiến dịch, và ngay sau phiên họp y đã trình chiến thắng lên Mao. Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị sáp nhập vào địa phận tỉnh Quảng Đông. Các báo đảng và nhà nước Trung Cộng sau đó đã tung hô “chiến thắng vĩ đại của Mao Chủ tịch trên biển”.

Về phía CSVN, ngoài tuyên bố ba điểm chung chung giống như người ngoài cuộc của cái gọi là “Chính phủ Lâm thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam” ngày 26 tháng Tư 1974, các lãnh đạo CS Bắc Việt không có một lời phản đối nào trước hành động xâm lăng của Trung Cộng. Khi đất nước bị xâm lăng, những kẻ chọn thái độ im lặng cũng chẳng khác gì chọn đứng về phía xâm lăng.

Bài học lịch sử từ hải chiến Hoàng Sa

- Đừng trông cậy vào ngoại viện: Trong tổng kết mới nhất The U.S. China Military Scorecard 1996-2017 của RAND Corporation, tuy Trung Cộng đạt nhiều tiến bộ trong hơn 30 năm hiện đại hóa, kỹ thuật chiến tranh của Mỹ vẫn còn dẫn trước rất xa. Ngay cả trong vũ khí nguyên tử, tỉ lệ giữa Mỹ so với Trung Cộng là 13 trên 1. Nghĩa là, dù bắn trước, Trung Cộng vẫn sẽ phải bị Mỹ đánh trả bằng bom nguyên tử nhiều lần.

Tuy nhiên, sự vượt trội kỹ thuật chiến tranh không có nghĩa Mỹ sẽ can thiệp vào xung đột Biển Đông nếu Việt Nam bị Trung Cộng tấn công lần nữa. Vì các lý do kinh tế, Mỹ có thể làm ngơ như họ đã từng làm ngơ vì lý do chính trị trong hải chiến Hoàng Sa 1974. Bài học của hai cuộc thế chiến cho thấy Mỹ chỉ tham chiến khi quyền lợi của họ bị va chạm trực tiếp và phải có lợi về đường dài. Không nên trách ai cả. Một con người hay một quốc gia cũng thế, phải tự đứng lên bằng đôi chân của chính mình trước khi trông cậy vào sự giúp đỡ của người khác.

- Dân chủ hóa hay mất nước: Tham vọng bành trướng trên Biển Đông của Trung Cộng quá rõ ràng và lộ liễu. Mặc dù có các áp lực quốc tế, không có dấu hiệu gì cho thấy Trung Cộng sẽ từ bỏ tham vọng chiếm đoạt Biển Đông. Chủ trương gặm nhấm Biển Đông của Trung Cộng đang được tiến hành từng bước và chúng hy vọng đến mức độ nào đó sẽ đặt Mỹ và cả thế giới vào thế đã rồi. Trung Cộng đã nuốt vô thì chỉ có cách mổ bụng chúng mới lấy ra được.

Để tránh đại họa mất nước, chọn lựa duy nhất của Việt Nam hiện nay là dân chủ hóa và phải dân chủ hóa gấp. Dân chủ là điều kiện tiền đề trong chính sách đối ngoại nhằm tạo sự tin cậy nơi các nước dân chủ Tây Phương, nhưng quan trọng nhất là nền tảng của đoàn kết dân tộc và thăng tiến đất nước. Một dân tộc chia rẽ không thắng được Trung Cộng. Dân chủ là đôi cánh giúp đất nước có thể cất cao lên cùng thời đại. Đó không phải là lý thuyết mà là thực tế chính trị đang được hầu hết các quốc gia áp dụng. Mục tiêu đầu tiên và quan trọng nhất trong tiến trình dân chủ hóa là tháo gở cho được cơ chế chính trị xã hội độc tài CS hiện nay.

- Chủ động chiến lược hóa vị trí quốc gia: Bước quan trọng sau dân chủ hóa là chủ động chiến lược vị trí quốc gia trong trường quốc tế. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Liên Xô cho phép Phần Lan được duy trì cơ chế dân chủ trong khi khống chế mọi chính sách đối nội và đối ngoại đi ngược với quyền lợi của Liên Xô. Phần Lan không có chọn lựa nào khác vì không nằm trong vị trí chiến lược.

Khác với trường hợp Phần Lan, một Việt Nam dân chủ có khả năng thoát ra khỏi khả năng bị “Phần Lan Hóa”, đưa đất nước vào vị trí chiến lược quốc tế và chủ động làm cho quốc tế quan tâm.

Chủ trương hiện nay của lãnh đạo CSVN “không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia” là chủ trương tự sát, không đúng về lý thuyết lẫn thực tế chính trị. Chủ trương này là bản sao chính sách đối ngoại của Trung Cộng nhưng khác ở điểm Trung Cộng chỉ tuyên bố để tuyên truyền chứ không bao giờ áp dụng.

Kết luận

Robert D. Kaplan, nhà nghiên cứu chính trị quốc tế nổi tiếng và đã được tạp chí The Policy hai lần xếp vào danh sách 100 nhà tư duy hàng đầu của thế giới (“Top 100 Global Thinkers”), cho rằng Trung Cộng có khả năng cao sẽ “Phần Lan Hóa” Việt Nam.

“Phần Lan Hóa” là một loại chủ nghĩa thực dân trong thời đại toàn cầu. Chủ trương này ít tốn kém vì các quốc gia bị “Phần Lan Hóa” được phép duy trì độc lập trên danh nghĩa nhưng chính sách đối ngoại sẽ được soạn thảo tại Bắc Kinh. Trung Quốc làm như vậy để vừa thúc đẩy nền kinh tế đang tiến rất chậm và đồng thời cũng để giảm áp lực chống đối từ trong nước qua việc đề cao chủ nghĩa dân tộc. Công thức mà Trung Cộng đang sử dụng không có gì mới và mô hình phát triển hiện nay của Trung Cộng cũng không phải là một loại mô hình ngoại lệ (Chinese exceptionism) như một số lý thuyết gia của đảng CSTQ đang dùng để kết luận Trung Cộng sẽ không sụp đổ.

Một thành phần có ảnh hưởng trực tiếp vào sự thay đổi cơ chế chính trị nhưng Robert D. Kaplan không đưa vào phân tích của ông, đó là nhân dân, tức là thành phần những người dân của một quốc gia có ý thức cao về quyền hạn và trách nhiệm phải thực thi đối với đất nước. Trong thực tế cách mạng dân chủ, đóng góp của nhân dân là yếu tố âm thầm nhưng quyết định, tiềm tàng nhưng vô cùng mạnh mẽ như đã chứng tỏ tại nhiều quốc gia Đông Âu, Phi Châu, và tại Liên Xô cũ. Tại Việt Nam, yếu tố nhân dân còn giới hạn, chưa tập trung, thiếu tổ chức nhưng đã có và đang trên đà phát triển. Những hạt giống đã được gieo xuống. Mỗi người Việt, mỗi tổ chức, đoàn thể trong điều kiện và phương tiện sẵn có của mình nên tập trung chăm bón.

Trần Trung Đạo

Tham khảo:

- Yang Kuisong (2002). Changes in Mao Zedong’s Attitude toward the Indochina War, 1949-1973. Woodrow Wilson International Center for Scholars.

- Bruce A. Elleman and S.C.M. Paine (2011). Naval Power and Expeditionary Warfare: Peripheral Campaigns and New Theatres of Navy Warfare. Taylor and Francis Group.

- Qiang Zhai (2002). China & The Vietnam Wars, 1950-1975. University of North Carolina Press.

- Dr. Stein Tonnesson (2001, July). The Paracels: The “other” South China Sea Dispute, Paper presented at the South China Sea Panel, International Studies Association, Hong Kong Convention.

- Eric Heginbotham (2015). The U.S. China Military Scorecard 1996-2017, RAND Corporation.

- Paracel (Xisha) Islands – 1974, globalsecurity.org.

- David Brown (2014, May 22). Vietnam Faces “Finlandization” from China. Asia Sentinel.

- Larry M. Wortzel, Robin D. S. Higham (1999). Dictionary of Contemporary Chinese Military History. Greenwood Press. - The World: Storm in the China Sea. Time, Feb. 04, 1974.

- Robert D. Kaplan. The South China Sea is to China what the Greater Caribbean was to the United States, The Globe and Mail, June 19, 2015.

 - John W. Garver. Chinas Quest: The History of the Foreign Relations of the Peoples Republic. pp. 324-325. Oxford University Press.

- Lai To Lee (1999). China and the South China Sea Dialogues, pp13-14. Praeger, London.

- Bill Hayton (2014). The South China Sea: The Struggle for Power in Asia, Yale University Press.

- hqvnch.org (Trang sưu tầm tài liệu lịch sử Hải Quân VNCH)

Đầu trang

NCQT - 21/06/2014 - nghiencuuquocte.org

Bài học từ Hải chiến Hoàng Sa 1974

Tác giả: Ngô Minh Trí & Koh S.L. Collin | Biên dịch: Nguyễn Thị Nhung

Đã bốn mươi năm trôi qua, nhưng đến hôm nay những bài học từ trận hải chiến Hoàng Sa vẫn còn nguyên giá trị cho quá trình hiện đại hóa hải quân của Việt Nam

Vào ngày 16/01/1974, Lực lượng Hải quân của Việt Nam Cộng hòa (VNCH) phát hiện nhóm lính thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) có mặt trên nhóm đảo Lưỡi Liềm (Crescent Group) ở phía tây quần đảo Hoàng Sa (lúc bấy giờ thuộc sở hữu của chính quyền Nam Việt Nam). Lúc này Nhóm đảo An Vĩnh (Amphitrite Group) ở phía đông Hoàng Sa thuộc quyền kiểm soát của Trung Quốc, còn Nam Việt Nam nắm giữ Nhóm đảo Lưỡi Liềm. Dù vào thời điểm đó Mỹ đã cắt giảm hỗ trợ quân sự dành cho chính quyền Sài Gòn sau Hiệp định Hòa bình Paris năm 1973, dẫn đến việc Nam Việt Nam cũng cho rút dần các lực lượng đồn trú trên quần đảo, nhưng đây thực sự là một diễn biến bất ngờ do Trung Quốc chưa bao giờ tiến hành bất kỳ hành động đơn phương nào để phá vỡ nguyên trạng.

Hai ngày tiếp theo, lực lượng hải quân hai bên đã có các vụ va chạm ở cự ly gần, và sau đó đấu pháo nổ ra khi quân Nam Việt Nam cố gắng giành lại Đảo Quang Hòa (Duncan Island). Cuộc đụng độ tiếp tục leo thang, trong đó Trung Quốc nắm thế áp đảo với lực lượng tăng viện được cử đến khu vực giao tranh, bao gồm cả yểm trợ không quân triển khai từ đảo Hải Nam gần đó và các tàu tuần tra tên lửa lớp Hải Nam. Trước tình hình bất lợi là Mỹ đã cắt giảm hỗ trợ hải quân và Hạm đội 7 của Hải quân Hoa Kỳ đang rút dần sự hiện diện trên Biển Đông theo hiệp định hòa bình năm 1973, Hải quân VNCH đã bị đánh bại thảm hại. Bắc Kinh sau đó đã nhanh chóng tận dụng chiến thắng này để cho đổ bộ lực lượng quy mô lớn và hoàn tất việc kiểm soát quần đảo Hoàng Sa.

Hải chiến Hoàng Sa từ đó đã đi vào lịch sử với ý nghĩa là trận đụng độ hải quân đầu tiên giữa Việt Nam và Trung Quốc trong cuộc tranh giành quyền kiểm soát các đảo trên Biển Đông. Trận giao tranh trên biển tái diễn giữa hai nước tại khu vực gần quần đảo Trường Sa vào năm 1988 là lần thứ hai và đến nay cũng là lần cuối cùng. Kể từ đó, căng thẳng đã lắng dịu. Việt Nam và Trung Quốc vẫn tiếp tục tiến hành các cuộc trao đổi cấp đảng lãnh đạo và giữa quân đội hai nước (bao gồm cả sự kiện đoàn đại biểu Hạm đội Nam Hải của Hải quân PLA đến thăm một căn cứ hải quân của Việt Nam theo lời mời). Bắc Kinh và Hà Nội gần đây cũng đã bắt đầu thực hiện những cuộc tham vấn song phương về vấn đề hợp tác phát triển nguồn tài nguyên biển tại Biển Đông.

Tuy nhiên, từ trận Hải chiến Hoàng Sa năm 1974, chúng ta vẫn có thể rút ra những bài học kinh nghiệm hữu ích và có giá trị lâu dài cho Hà Nội cũng như công cuộc hiện đại hóa lực lượng hải quân mà Việt Nam đang thực hiện, đặc biệt là trước những diễn biến địa chính trị hiện nay.

Bài học lịch sử thứ nhất: Ngoại giao là giải pháp đầu tiên… nhưng không phải là duy nhất

Không có bất cứ hiệp định khu vực và quốc tế nào có thể tạo thành lá chắn tuyệt đối trước các hành động đơn phương, dù là sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực. Bản Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) ký kết năm 2002 giữa Trung Quốc và các nước có tranh chấp tại Đông Nam Á là một bước ngoặt lớn nhưng lại không hoàn toàn hiệu quả. Trên thực tế, các hành vi đơn phương đe dọa sử dụng hay thực sự sử dụng vũ lực với mục đích lật đổ nguyên trạng hiện nay trên Biển Đông vẫn tiếp tục diễn ra như một xu thế áp đảo. Đoạn video hiện trường do đài CCTV Trung Quốc công bố vào tháng 1/2014 vừa qua đã quay lại một cuộc đụng độ giữa các tàu chấp pháp của Việt Nam và Trung Quốc từ năm 2007 ở vùng biển quanh quần đảo Hoàng Sa. Gần đây hơn, Biển Đông liên tục chứng kiến các vụ căng thẳng, bao gồm hành động quấy nhiễu tàu thăm dò địa chấn phía Việt Nam của Trung Quốc, vụ đối đầu Trung Quốc – Philippines tại Bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham vào tháng 4/2012, và tiếp đó là hành vi khoa trương lực lượng của các tàu tuần tra và khu trục hải quân Trung Quốc tại Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) mà Philippines đang nắm quyền kiểm soát. Những tình tiết này chứa nhiều điểm tương đồng đến kỳ lạ với kịch bản đụng độ hải quân trước kia từng dẫn đến trận hải chiến dữ dội năm 1974

Trong khi các bên tranh chấp ở Biển Đông đã ngồi lại tham dự vào những cuộc tham vấn về Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC), Bắc Kinh từ tuyên bố đơn phương trước đó về áp đặt Vùng nhận dạng phòng không (air defense identification zone – ADIZ) trên biển Hoa Đông vào tháng 12/2013 đã lên tiếng khẳng định mình có đủ những quyền không thể tranh cãi cho việc thiết lập các vùng ADIZ lên những khu vực khác nếu muốn. Một Vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông một khi được thiết lập chắc chắn sẽ củng cố lợi thế cho Bắc Kinh tại các vùng biển tranh chấp ở đây, bởi nó hỗ trợ cho các lệnh cấm đánh bắt mà nước này đơn phương áp đặt hàng năm, tăng cường quyền thi hành luật biển mở rộng trước đó cho chính quyền đảo Hải Nam cũng như luật ngư nghiệp được thông qua mới đây, theo đó yêu cầu tàu bè đánh bắt cá của nước khác phải có sự cho phép của Bắc Kinh mới được hoạt động trên phần lớn Biển Đông. Những diễn biến trên nếu tiếp tục phát triển sẽ chỉ đẩy cao nguy cơ bùng nổ xung đột nóng trên Biển Đông, dù là vô tình hay có suy tính trước.

Bài học lịch sử số 2: Không phải lúc nào các cường quốc ngoài khu vực cũng ở kề bên, và không phải lúc nào họ cũng giúp đỡ

Hiện nay các cường quốc ngoài khu vực ngày càng có nhiều lợi ích ràng buộc tại Biển Đông. Ngoài chính sách tái cân bằng châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ, Nhật Bản dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe thời gian qua cũng tích cực đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao của mình ở Đông Nam Á, một trong những mục đích của chính sách này là nâng cao lập trường lãnh hải của Tokyo trên biển Hoa Đông. Việt Nam chính là một trong những nước được hưởng lợi nhiều nhất từ chiến lược này. Nhân dịp Đối thoại Chính sách Quốc phòng Việt Nam – Hoa Kỳ lần thứ 4 tổ chức tại Washington vào cuối tháng 10/2013, hai bên đã đi đến ký kết một thỏa thuận tăng cường hợp tác an ninh hàng hải. Cũng trong tháng này, có nguồn tin cho hay Tokyo đã rất nhiệt tình với việc cung cấp các tàu tuần tra cho Việt Nam trong một phần của kế hoạch đẩy nhanh quá trình xây dựng tiềm lực an ninh hàng hải của quốc gia Đông Nam Á này. Đáng chú ý không kém, Hà Nội cũng đang có mối liên kết thân tình với New Delhi, trước đó họ đã chào đón nhiều chuyến viếng thăm cảng thường xuyên của Hải quân Ấn Độ trong một thập kỷ qua.

Tuy vậy, không có cường quốc ngoài khu vực nào thể hiện rõ thái độ đứng về một bên cụ thể trong các tranh chấp Biển Đông, mà chủ yếu chỉ hướng tập trung vào duy nhất tự do hàng hải. Điều này đồng nghĩa với việc ngay cả trong trường hợp các tuyến đường giao thương hàng hải huyết mạch bị bóng đen xung đột vũ trang trên Biển Đông đe dọa, và Washington hay Tokyo có nguyên nhân chính đáng để can dự vào đây, thì khả năng họ hay bất kỳ thế lực ngoài khu vực nào sẽ giang tay hỗ trợ cho các bên tranh chấp vẫn không thể đoán định. Ví dụ như nếu Tư lệnh các lực lượng Hoa Kỳ tại châu Á – Thái Bình Dương (U.S. Pacific Command) có thể phát hiện những ám hiệu về hoạt động quân sự bất thường phía Trung Quốc trên Biển Đông, siêu cường này có thể không phản ứng kịp thời. Trong quá trình triển khai một phần chiến lược tái cân bằng, Hạm đội Hải quân Số 7 của Hoa Kỳ đã tăng cường hoạt động tuần tra biển trong khu vực này: theo công bố, tàu chiến đấu ven biển mới mang tên U.S.S Freedom đang thực hiện những nhiệm vụ vượt mức công tác huấn luyện thông thường trong khu vực, trong khi có thông tin cho biết tuần tra biển trên không cũng đã được Hải quân Hoa Kỳ đẩy mạnh kể từ tháng 7/2012.

Tuy nhiên, trong thời gian diễn ra giao tranh năm 1974, Sài Gòn từng tìm kiếm hỗ trợ từ Hạm đội Số 7 của Mỹ, nhưng lực lượng này đã tuân theo mệnh lệnh không can dự vào tranh chấp, và kết quả là Hải quân Nam Việt Nam hoàn toàn đơn độc khi chiến đấu tại quần đảo Hoàng Sa. Ngày nay Washington cũng có lý do để áp dụng quan điểm tương tự, ngay cả nếu một cuộc giao tranh hải quân khác thực sự tái bùng nổ giữa Trung Quốc và Việt Nam, đặc biệt là khi ở các tình huống đối đầu cục bộ, tranh chấp không hẳn sẽ gây ảnh hưởng đến tự do hàng hải của các bên khác.

Hơn nữa, Hạm đội Nam Hải của Hải quân PLA hiện tại và trong tương lai không còn là một lực lượng yếu kém, chỉ bám sát ven biển và vận hành những trang thiết bị tấn công và tuần tra cỡ nhỏ thời Liên Xô cũ như trước nữa. Sau một thời gian tích lũy đầu tư nâng cấp về năng lực triển khai lực lượng, bao gồm cả khả năng tiến công đổ bộ, Hải quân PLA ngày nay đã sở hữu nền tảng vững chắc hơn so với thời kỳ năm 1974, đồng thời đủ sức triển khai lực lượng trên quy mô lớn trong một khoảng thời gian dài liên tục, ở những khu vực xa bờ hơn để phục vụ cho mục tiêu khẳng định chủ quyền, và sức mạnh chiến đấu tổng quát của lực lượng này cũng hứa hẹn sẽ hùng mạnh hơn rất nhiều một khi được “cởi trói” ra Biển Đông.

Bài học lịch sử số 3: Cần phải sở hữu ít nhất một lực lượng kiểm soát biển nhất định

Chắc chắn Việt Nam sẽ không thể đuổi kịp năng lực hải quân của PLA trên Biển Đông về quy mô và số lượng. Như các phát biểu chính sách Hà Nội, một cuộc chạy đua vũ trang với Trung Quốc không chỉ là một ý định bất khả thi từ trứng nước, mà còn được đánh giá là chứa đựng nguy cơ tiềm ẩn đối với công cuộc Đổi mới mà Việt Nam đang tiến hành. Quá trình hiện đại hóa hải quân của Việt Nam thời hậu Chiến Tranh Lạnh đã được xác định là nhằm lấp đầy những thiếu sót năng lực sau hàng thập kỷ bị bỏ bê.

Trong những năm gần đây, Hải quân Nhân dân Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể khi sở hữu dàn máy móc mới thay thế cho những phương tiện lạc hậu từ thời Liên Xô. Tuy nhiên, những trang thiết bị mới, chủ yếu là do Nga cung cấp như tàu khu trục nhẹ Gepard-3.9, tàu ngầm lớp Kilo, máy bay đa chức năng Su-30MK2V Flanker được trang bị để tấn công trên biển và hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển Yakhont/Bastion, các tàu hộ thống lớp SIGMA của Hà Lan cũng như những tàu tấn công và tuần duyên sản xuất trong nước,… tất cả để cho thấy một quá trình hiện đại hóa lực lượng chủ yếu nhằm vào mục tiêu ngăn chặn mọi thế lực thù địch tiếp cận với vùng tranh chấp. Dù vậy, những thiết bị này không chứng tỏ năng lực đảm bảo khả năng tiếp cận của chính Việt Nam.

Tuy nhiên, trận Hải chiến Hoàng Sa vào năm 1974 đã nhấn mạnh cho Việt Nam ngày nay một bài học: ngăn chặn kẻ thù chỉ bằng cách phong tỏa các thực thể đảo đá trên Biển Đông là chưa đủa, mà quan trọng hơn còn phải đảm bảo khả năng tiếp cận của chính mình tới những đơn vị đồn trú có vị trí dễ bị tấn công và nhạy cảm trên Biển Đông. Chỉ có cuộc chuyển đổi từ năng lực ngăn chặn sang kiểm soát trên biển mới hy vọng có thể đạt được điều này. Trong bối cảnh khu vực dọc biên giới trên bộ với các nước láng giềng vẫn được duy trì trong hòa bình, Việt Nam nên tân dụng cơ hội để tập trung vào năng lực chiến đấu trên biển bằng không lực.

Với một Việt Nam luôn đi theo hướng duy trì nguyên trạng (cũng giống như chính sách mà chính quyền Sài Gòn năm 1974 theo đuổi) và trong bối cảnh hải chiến trên Biển Đông có nguy cơ tái diễn, lực lượng quần đảo Việt Nam càng có thêm lý do để giành lại các thực thể trên biển đã bị chiếm cứ, hoặc ít nhất là củng cố những căn cứ mà họ đang đồn trú trước mối đe dọa bị tấn công vũ trang. Theo kịch bản này, tình thế khó khăn của quốc phòng Việt Nam có lẽ cũng không khác so với của Nhật Bản trên biển Hoa Đông. Trong chiến lược quốc phòng mới công bố gần đây, Tokyo đã vạch rõ tính cấp thiết của chính sách phòng ngự cơ động hợp nhất và mạnh bạo , để chủ động dự trù cho tương lai Lực lượng Tự vệ nước này cần tái chiếm các đảo thuộc biển Hoa Đông trong thời gian xảy ra chiến sự căng thẳng. Tất nhiên Việt Nam không thể hy vọng tập trung được trang thiết bị ngang với sức mạnh của Nhật Bản do còn nhiều hạn chế về kinh tế. Để xây dựng được quân lực kiểm soát biển tốt, ít nhất là ở mức hữu hạn, Hà Nội nên tập trung vào việc cải thiện khả năng báo hiệu sớm (early warning) và hải vận đổ bộ (amphibious sealift) trên phạm vi rộng.

Nhiệm vụ cảnh báo sớm của Việt Nam hiện tại đang được trao cho một mạng lưới giám sát điện tử cố định lắp đặt dọc bờ biển Việt Nam và trên những thực thể ở Biển Đông thuộc sở hữu của nước này, và chỉ những năm gần đây máy bay tuần dương mới được tăng cường bổ sung cho lực lượng hải quân và cảnh sát biển Việt Nam. Những máy bay này có nhiệm vụ chủ yếu là do thám trên bề mặt biển, nhưng lại chịu hạn chế về thời gian hoạt động cũng như thiếu khả năng chiến đấu chống tàu ngầm phù hợp, đặc biệt là trong bối cảnh thách thức trong lòng biển của PLA càng tăng cao. Một lực lượng không quân tuần dương với khả năng hoạt động kéo dài và được lắp đặt cảm biến tầm xa chính là phương tiện thích hợp cho thời điểm hiện tại, và có lẽ sẽ bám trụ tốt hơn những thiết bị lắp đặt cố định.

Thủy quân lục chiến của Việt Nam – lực lượng chuyên trách tiến công đổ bộ, sau nhiều lần cải tổ trong những thập niên qua đã trở nên gọn nhẹ nhưng cũng tinh nhuệ hơn, sở hữu trang thiết bị tiên tiến hơn. Mặc dù vậy, lực lượng này vẫn còn yếu về mặt chuyển quân, trong khi các tàu đổ bộ thời Liên Xô và tàu cổ của Mỹ đã quá cũ và gần như không thể hoạt động. Các công ty đóng tàu hải quân non kém của Hà Nội đến nay đã cho xuất xưởng một vài phương tiện vận chuyển tấn công mới, có vẻ như để lấp đầy lỗ hổng này. Tuy nhiên, Thủy quân lục chiến của Việt Nam cần phải bổ sung thêm một số lượng tàu lớn hơn thế nếu muốn triển khai các lực lượng vững mạnh hơn, hoạt động với tốc độ cao hơn để có thể củng cố những căn cứ đóng quân trên Biển Đông hoặc tái chiếm chúng từ đối thủ.

Những suy nghĩ cuối cùng

Hải chiến Hoàng Sa đã qua đi bốn mươi năm. Tuy vậy, dù Biển Đông đến nay tương đối tĩnh lặng, đây vẫn là bài học nhắc nhở Hà Nội tiếp tục thận trọng qua việc duy trì nhịp độ đẩy nhanh hiện đại hóa hải quân. Trong khi ngoại giao vẫn đang là phương sách được ưa chuộng và các cường quốc ngoài khu vực ngày càng phụ thuộc mạnh mẽ vào khu vực, sức mạnh quân sự tương xứng theo chính sách phòng vệ tự lực vẫn còn rất cần thiết, nhất là khi khu vực tiếp tục còn ẩn chứa nhiều bất ổn. Để duy trì nguyên trạng trên Biển Đông, so với quân lực VNCH, lực lượng Không quân và Hải quân của Việt Nam hiện tại và trong tương lai đang và sẽ phải đối mặt với một thách thức còn lớn hơn gấp nhiều lần.

Nguồn: The Diplomat

Vì sao Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa

40 năm trước, ngày 19/1/1974, một biến cố trọng đại trong lịch sử Việt Nam hiện đại đã diễn ra – hải chiến Hoàng Sa giữa Hải quân Việt Nam Cộng hòa và Hải quân Trung Quốc. Sau trận chiến, quần đảo Hoàng Sa – một bộ phận thiêng liêng và không thể tách rời của Việt Nam đã bị Trung Quốc chiếm giữ.

Thạc sĩ Nguyễn Hùng Cường (Viện Nghiên cứu Khoa học Biển và Hải đảo), đã có bài viết tái hiện những sự kiện chính diễn ra trước, trong và sau trận hải chiến:

Suốt nhiều thế kỷ, Việt Nam đã chiếm hữu thật sự, hòa bình và công khai quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa khi các quần đảo đó chưa thuộc chủ quyền bất cứ quốc gia nào. Từ thế kỷ XVII, Nhà nước Việt Nam đã thực hiện hiệu quả chủ quyền với hai quần đảo này và luôn bảo vệ các quyền, danh nghĩa của mình trước mưu đồ và hành động xâm phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và quyền lợi của Việt Nam với hai quần đảo thiêng liêng của mình.

Đầu thế kỷ XX, nhận thấy vị trí chiến lược cũng như tầm quan trọng của biển Đông nói chung và quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa nói riêng, một số quốc gia (điển hình là Trung Quốc) đã xâm chiếm bất hợp pháp các vùng lãnh thổ này của Việt Nam.

Trung Quốc luôn coi biển Đông, đặc biệt là các quần đảo của Việt Nam là bàn đạp quan trọng để thực hiện chiến lược bành trướng xuống Đông Nam Á. Vì vậy, giới cầm quyền Trung Quốc từ Trung Hoa Dân Quốc cho đến Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã không ngừng đẩy mạnh thực hiện âm mưu độc chiếm biển Đông.

Lợi dụng tình hình rối ren khi Nhật đầu hàng đồng minh và việc giải giáp quân Nhật theo Hiệp định Postdam 1945, Trung Hoa Dân Quốc đã đem quân chiếm giữ đảo Phú Lâm (quần đảo Hoàng Sa) và đảo Ba Bình (quần đảo Trường Sa) vào cuối năm 1946. Sau đó Trung Hoa Dân Quốc rút quân khỏi Hoàng Sa, và Nhật rút quân khỏi quần đảo này theo Hòa ước San Fransisco 1951. Sau khi Hiệp định Geneva 1954 được ký kết, Pháp rút khỏi Đông Dương, ngày 21/1/1956 Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đưa quân chiếm đóng đảo Phú Lâm và Lin Côn.

Năm 1974, nhận thấy thời cơ đã chín muồi, Trung Quốc chiếm Hoàng Sa bằng vũ lực toàn bộ nhóm đảo Trăng Khuyết phía tây nam quần đảo Hoàng Sa. Thời cơ này xuất phát từ tình hình, bối cảnh quốc tế và trong nước.

Đầu thập niên 1970, phong trào phản đối chiến tranh tại Việt Nam diễn ra sôi nổi và rộng khắp trên thế giới khiến Mỹ ngày càng xa lánh Việt Nam Cộng hòa; đặc biệt sau khi ký kết Hiệp định Paris ngày 27/1/1973, Hoa Kỳ và các lực lượng đồng minh phải rút quân khỏi Việt Nam. Do không muốn tham gia vào một cuộc chiến đã bước vào hồi kết, tháng 6/1973 Lưỡng viện Hoa Kỳ đã thông qua đạo luật “Case-Church” cấm cơ quan hành pháp nước này tái can thiệp quân sự vào ba nước Đông Dương trừ khi được chấp thuận của Lưỡng viện.

Ngoài ra, Mỹ được cho là có một “toan tính” sâu xa hơn khi không can dự vào trận Hải chiến 1974 vì khi đó, Việt Nam và Trung Quốc đều đi theo con đường Xã hội chủ nghĩa. Việc Washington “làm ngơ” cho Bắc Kinh ngang nhiên chiếm Hoàng Sa sẽ tạo thù địch giữa Hà Nội và Bắc Kinh, dẫn đến chia rẽ giữa các nước cộng sản. Khi người “bảo trợ” đã ra đi, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa rơi vào tình thế đơn độc và bất lợi trong cuộc chiến bảo vệ Hoàng Sa.

Cuộc đụng độ biên giới năm 1969 mang lại cho Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) niềm tin rằng họ có thể chống trả Hồng quân Liên Xô. Từ đó, Trung Quốc bắt đầu thực hiện sáng kiến đối ngoại mới bằng cách thúc đẩy quan hệ hữu nghị với Mỹ, cao trào là chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Richard Nixon tháng 2/1972. Sau chuyến công du đó, Trung Quốc trở thành “đồng minh giai đoạn” của Mỹ để kìm chân và chống lại Liên Xô. Mỹ không muốn quan hệ chiến lược này bị rạn nứt vì vụ Hoàng Sa. Việc lựa chọn giữa “đồng minh cũ” hay “người bạn mới” trong “thời kỳ trăng mật” này không phải là sự lựa chọn khó khăn đối với Mỹ.

Thực tế, trong trận Hải chiến Hoàng Sa chính quyền Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã nhiều lần thông báo tình hình với Đại sứ quán Mỹ nhưng Washington đã không có động thái hỗ trợ nào.

Trên vùng biển Đông ngoài khơi Việt Nam gần với đảo Hải Nam (Trung Quốc) và Hoàng Sa (Việt Nam) thời điểm đó có mặt Hải đoàn 77 (Task Force 77) của Hải quân Mỹ gồm các hàng không mẫu hạm và các chiến hạm yểm trợ. Hải đoàn này đủ khả năng kiểm soát không và hải phận, cũng như hoạt động của các tàu ngầm trong vịnh Bắc Bộ. Tuy nhiên, Mỹ đã hoàn toàn đứng ngoài cuộc.

Cũng thời điểm đó, Việt Nam Cộng hòa mới chỉ là quan sát viên mà chưa phải thành viên của Liên Hợp Quốc trong khi Trung Quốc là một trong 5 nước ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an. Vị thế quốc tế của Trung Quốc khiến nước này tự tin rằng, Việt Nam Cộng hòa không có đủ tư cách sử dụng các cơ chế để tự vệ và bảo vệ Hoàng Sa theo các điều khoản của Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Ngày 30/1/1974, Lãnh sự quán Mỹ ở Hồng Kông đã báo cáo về Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Mỹ ở các nước liên quan về những tính toán của Trung Quốc trong việc thôn tính quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Cơ quan này nhận định, Trung Quốc đã có ý đồ đánh chiếm Hoàng Sa từ trước.

Theo phân tích của lãnh sự quán Mỹ, quyết định đánh chiếm Hoàng Sa phụ thuộc vào một số yếu tố như tiềm năng về dầu khí tại khu vực, lo ngại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có thể đưa ra tuyên bố chủ quyền ở Hoàng Sa cũng như lợi ích chiến lược về lâu dài của quần đảo.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng có thể lo sợ việc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ không tiếp tục giữ thái độ im lặng trước vấn đề chủ quyền quần đảo Hoàng Sa. Bằng việc sử dụng vũ lực, Trung Quốc đã tránh tình huống nguy hiểm hơn nhiều sau khi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đưa ra tuyên bố chủ quyền về Hoàng Sa. Điều này đã được Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tiến hành sau khi đất nước thống nhất.

Theo nhận định trong các hồ sơ ngoại giao được giải mật, nỗi lo sợ ngày càng lớn của Trung Quốc trước hoạt động của hải quân Liên Xô tại biển Đông và các vùng biển khác ở châu Á có thể là yếu tố dẫn đến quyết định của Trung Quốc. Đây là thời kỳ đỉnh điểm rạn nứt quan hệ Xô – Trung liên quan đến tranh chấp lãnh thổ dọc biên giới hai nước, cũng như các vấn đề Nam Phi, Trung Đông và Đông Dương.

Trong lúc nhiều yếu tố bên ngoài nghiêng về hướng có lợi cho một cuộc chiến chớp nhoáng của Trung Quốc thì bối cảnh trong nước cũng hết sức bất lợi cho Việt Nam Cộng hòa khi Lưỡng viện Mỹ giảm dần viện trợ từ 1,4 tỷ USD năm 1972 xuống 1 tỷ USD năm 1973 và 700 triệu USD vào năm 1974. Quân đội Việt Nam Cộng hòa dần rơi vào thế thụ động vì thiếu nhiên liệu, vũ khí. Bất lợi hơn là ý định “bỏ rơi” miền Nam Việt Nam của Mỹ. Tình trạng phân chia Bắc – Nam cũng là một trở ngại cho phía Việt Nam Cộng hòa trong trận hải chiến 1974.

Lợi dụng bối cảnh đó, Trung Quốc đã không e ngại khi điều động chiến hạm đến cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa.

Nguồn: VnExpress


Diễn biến cuộc hải chiến Hoàng Sa năm 1974

Ngày 14/1/1974, một tàu của quân Việt Nam Cộng Hòa đã phát hiện 2 tàu hải quân Trung Quốc đang thả neo tại đảo Hữu Nhật (thuộc nhóm đảo Lưỡi Liềm của quần đảo Hoàng Sa), đây vốn là đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Lập tức ngày 16/1/1974, tàu HQ-16 của Việt Nam Cộng Hòa tức tốc ra thẳng đảo Hữu Nhật và phát hiện đảo Hữu Nhật và các đảo gần đó là Duy Mộng, Quang Hòa đều đã bị Trung Quốc ngang nhiên chiếm giữ. Phía Việt Nam Cộng Hòa yêu cầu Trung Quốc rời khỏi các đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam, nhưng Trung Quốc cũng yêu cầu Việt Nam phải rời ngay khỏi các đảo thuộc chủ quyền của Trung Quốc.

Ngày 17/1/1974, một toán “người nhái” đã lên các đảo Trung Quốc chiếm đóng trái phép, nhổ cờ Trung Quốc và cắm cờ Việt Nam Cộng Hòa.

Sự kiến này đã khiến Chu Ân Lai và Diệp Kiếm Anh viết báo cáo gửi Mao Trạch Đông và đề nghị dùng vũ lực, Mao Trạch Đông phê vào bản báo cáo là “đồng ý” và nói thêm rằng “trận này không thể không đánh”.

Ngày 18/1, Chu Ân Lai họp Bộ Chính Trị và quyết định sẵn sàng tấn công hạm đội Việt Nam Cộng Hòa, sẵn sàng điều quân đến Hoàng Sa.

Ngày 18/1/1974, Việt Nam Cộng Hòa đã chuẩn bị 4 tàu chiến nhằm chiếm lại đảo. Đây đều là 4 tàu cũ của Mỹ để lại, trong đó có một tàu để quét thủy lôi được cải tiến để thành tàu tuần tra.

10 giờ sáng ngày 18/1/1974 , tàu HQ-16 mang theo quân đổ bộ đến đảo Quang Hòa, nhưng bị tàu Trung Quốc cản không cho lại gần đảo, khiến tàu HQ-16 chuyển hướng khác rồi dùng xuồng cao su tấn công chiếm lại đảo. Thế nhưng phía Trung Quốc phát hiện và nổ súng khiến 1 thiếu úy tử trận, cuộc đổ bộ bất thành và phải rút lên tàu HQ-16.

Sáng 19/1/1974, các tàu chiến của Việt Nam Cộng Hòa nhận lệnh đến chiếm lại đảo Quang Hòa trong hòa bình với mệnh lệnh không được nổ súng trước, yêu cầu phía Trung Quốc rời khỏi đảo.

Trên đảo Quang Hòa lúc này có cả một đại đội Trung Quốc chiếm giữ, phía Việt Nam Cộng Hòa chỉ có 74 người. Khi những người lính Việt Nam Cộng Hòa vừa đặt chân lên đảo yêu cầu Trung Quốc rút khỏi đây, lập tức phía Trung Quốc nổ súng đáp trả, khiến bên Việt Nam Cộng Hòa 2 người tử trận, 2 người bị thương.

Trước Việc Trung Quốc hung hăng không chịu rút khỏi đảo, phía Việt Nam Cộng hòa quyết định phải nổ súng để chiếm lại đảo. 4 tàu chiến của Việt Nam Cộng Hòa chia 2 hướng tiến đánh. Tàu HQ-10 và HQ-16 tiến vào lòng chảo quần phía bắc đảo Quang Hòa; tàu HQ-4 và HQ-5 tiến vào lòng chảo từ hướng tây nam.

10h25 ngày 19/1/1974, các tàu Việt Nam Cộng Hòa bắt đầu khai hỏa dùng pháo bắn vào các tàu Trung Quốc, các tàu chiến của Trung Quốc di chuyển liên tục nhằm tránh đạn và nổ pháo bắn trả. Lúc này các thiết bị của Việt Nam Cộng Hòa do quá cũ kỹ nên rất khó liên lạc được với nhau ảnh hưởng lớn đến việc phối hợp.

Tàu HQ-4 vừa nhả đạn thì bộ phận bắn tự động bị hỏng, phải bắn bằng tay từng phát một rất nặng nề và chậm chạp lại không chính xác, vì vậy tàu HQ-4 phải rút lui để sửa chữa dưới sự yểm trợ của tàu HQ-5.

10h35 tàu HQ-10 bị trúng đạn, hạm trưởng bị thương, nước bắt đầu tràn vào tàu, nhưng binh sĩ trên tàu vẫn bình tĩnh giao tranh với các tàu Trung Quốc. Tàu Trung Quốc mang số hiệu 389 bị trúng đạn bốc cháy. Tàu Trung Quốc mang số hiệu 396 cũng bị trúng đạn, nhưng trước khi bị chìm tàu này đã tìm cách đâm vào tàu HQ-10 rồi chìm hẳn. Tàu HQ-10 vừa trúng đạn lại bị đâm nên không điều khiển được.

10h55 do thiết bị quá cũ kỹ nên đạn pháo của tàu HQ-5 bắn nhầm vào tàu HQ-16 khiến tàu này không thể tham chiến được và rút lui.

Thêm một tàu Trung Quốc số hiệu 274 bị trúng đạn bốc cháy phải dạt vào đảo Quang Hòa.

11h Trung Quốc điều thêm tàu trợ lực tấn công tàu HQ-5 khiến tàu này bị trúng đạn hỏng mất tháp pháo và hệ thống liên lạc. Tuy thế tàu HQ-5 vẫn cố gắng cầm cự khiến tàu Trung Quốc bị trúng đạn.

11h10 tàu HQ-10 dần dần chìm hẳn, hạm trưởng cùng 62 binh sĩ khác đã nằm lại tại nơi đây mãi mãi, số còn lại tìm cách thoát được ra ngoài tàu.

Lúc này bên Việt Nam Cộng hòa có 4 tàu thì 1 tàu bị hỏng, 1 tàu bị chìm, 2 tàu bị trúng đạn và số đạn pháo còn lại rất ít. Lúc này cố vấn Hoa Kỳ cho biết Trung Quốc điều thêm 17 tàu đến (gồm 4 tàu ngầm và 13 chiến hạm), vì thế nên quyết định rút lui. Các tàu Trung Quốc sau giao tranh bị trúng đạn hỏng nặng cũng phải rút về đảo.

Phía bên Việt Nam Cộng Hòa có 74 binh sĩ tử trận (trong đó riêng tàu HQ-10 có 63 binh sĩ gồm cả hạm trưởng Ngụy Văn Thà).

Nguồn: Tổng hợp từ Internet.

Đầu trang