Vượt qua Việt
Nhìn lại lịch sử
Trả lại Sự thậtCông lý cho Lịch sử
  ||   A   A   A   A  

Phan Châu Trinh: Con người và Quan điểm (4)

Bài cũ hơn  Mục lục  Trang chính

24/03/2021 - baotiengdan

Phan Châu Trinh – Nhà Cách mạng vĩ đại nhất của VN hiện đại

Lưu Trọng Văn
24-3-2021

Avatar Hôm nay, 95 năm, ngày cụ Phan Châu Trinh ra đi (24.3.1926 – 24.3.2021).
Đám tang của cụ cách đây 95 năm tại Sài Gòn có hàng trăm ngàn đồng bào tham dự. Có lẽ trong lịch sử của VN cho đến năm 1926 chưa từng có một cuộc chia tay vĩ đại như thế của dân chúng đối với một nhà chính trị yêu nước. Cụ Phan vì sao lại được ngưỡng mộ như vậy?

Hãy đọc lại các diễn thuyết của cụ tại Sài Gòn. Có thể nói đến tận hôm nay – tức gần 100 năm sau, lịch sử chính trị VN chưa từng có các cuộc diễn thuyết thu phục công chúng như các diễn thuyết tư tưởng cách mạng của cụ.

Trong một diễn thuyết cụ đề cao thuyết Dân trí – Dân khí – Dân sinh. Dân không có trí, không có khí thì quốc gia sẽ lụn bại.

Cụ phân tích nguyên nhân sâu xa vì sao Dân tộc Việt lạc hậu vắng khí cường, vắng khát vọng là do cách đây cả ngàn năm các triều đại phong kiến vì lợi ích ngai vàng của mình tôn vinh thuyết “Trung quân ái quốc” của Khổng Tử.

Chính vì vòng kim cô coi “trung với vua là yêu nước” đồng nhất vua với Quốc gia, Dân tộc dẫn đến không còn phản biện của giới sĩ phu nữa. Điều này cũng đồng nghĩa giới sĩ phu trí thức rường cột của nước nhà bị triệt tiêu. Sĩ phu không còn khí thì Dân không thể còn khí.

Bên cạnh đó cụ Phan cũng là người cổ vũ và hành động cho việc: Một quốc gia chỉ có thể hùng cường nếu có các nhà tư sản dân tộc yêu nước.

Những chủ thuyết, tư tưởng của cụ Phan đã là làn gió mới mang tính cách mạng – Tinh thần dân tộc cho hàng triệu dân Sài Gòn và dân cả nước. Chính vì vậy sự ra đi của cụ Phan đã nhanh chóng trở thành dân tang, sự kiện tự giác chưa từng có trong lịch sử VN.

Tưởng nhớ cụ Phan Châu Trinh là tưởng nhớ và ghi công nhà cách mạng, yêu nước vĩ đại nhất của VN hiện đại.

***

Nguyễn Đình Bổn: Khuyên Quốc Dân Tấn Thủ

“Gió tố mưa dông đổ lộn phèo,
Trời già chi nỡ thắt khi eo,
Ngẫm mùi trung hiếu nên cay đắng,
Dở túi văn chương đã mốc meo,
Bợm điếm lăng xăng lo chợ cháy,
Con hoang lơ lửng khóc cha nghèo.
Non cao bể rộng mênh mông cả,
Mặc sức bơi chơi mặc sức trèo.”
(Phan Châu Trinh)*

– Hôm nay 24.3, 95 năm ngày mất một con người vĩ đại, tuy không thành công về mặt cá nhân nhưng khẩu hiệu của phong trào Duy Tân do ông khởi xướng đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị: Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh.

Hơn một thế kỷ trước, Phan Châu Trinh đã nhìn thấu suốt nhược điểm của nước Việt và chủ trương phải thay đổi từ gốc rễ bằng cách nâng cao trình độ trí tuệ và đạo đức của người Việt, phát triển kinh tế – văn hóa, học những tư tưởng tiến bộ của Phương Tây, từ bỏ phong tục tập quán lạc hậu…

Buồn thay, đã gần 100 năm ngày ông mất, chuyện “nâng cao trình độ trí tuệ và đạo đức của người Việt, phát triển kinh tế – văn hóa, học những tư tưởng tiến bộ…” cũng mới là ước mong và thậm chí sự suy đồi về mặt văn hóa là nặng nề hơn với bằng chứng người ta đang cổ vũ phục hồi những tục lệ lạc hậu và mê tín!

Tiền nhân ôi, 21 năm sau thế kỷ 21 rồi, tại đất nước mà ông từng kỳ vọng, bọn “bợm điếm” vẫn nhởn nhơ, dân nghèo vẫn bị xem như đứa “con hoang” khốn khổ!

*Phan Châu Trinh, sinh ngày 9 tháng 9, 1872, tại Tam Kỳ, Quảng Nam, mất ngày 24 tháng 3, 1926 tại Sài Gòn. Ông là nhà hoạt động chính trị nổi tiếng hàng đầu Việt Nam và còn là nhà thơ, nhà báo xuất sắc.

Nhiều bạn lẫn lộn ông tên Phan Châu Trinh hay Chu Trinh? Chính xác là Châu (có thủ bút của ông). Các con ông cũng lót chữ Châu. Lý do là trong nửa đầu thế kỷ XX, phần đông các nhà nghiên cứu đều ở miền Bắc. Họ ghi các tên người, tên đất ở miền Nam từ chữ Hán, theo cách đọc của người miền Bắc, như Vũ Tính, Ngô Tùng Chu, (núi) Chiêu Thái… (thay vì phải viết Võ Tánh, Ngô Tòng Châu, (núi) Châu Thới…)… Gia đình ông cũng đã chính thức đề nghị viết Phan Châu Trinh.

Đầu trang