Vượt qua Việt
🌐    A  A  A  A 
Lịch sử
Trả lại Sự thậtCông lý cho Lịch sử

Vụ án phố Ôn Như Hầu

Mục lục  Trang chính

Gellert Nguyễn 13-2-2020 - baotiengdan

Vụ án phố Ôn Như Hầu (1946) và Đồng Tâm (2020): Trấn áp của công an ngày ấy và bây giờ

Thành tích của công an Việt Nam trong việc sử dụng bạo lực và dối trá luôn được ca ngợi là giỏi nhất thế giới mà việc ngang nhiên bắt Trịnh Xuân Thanh ở Đức và Trương Duy Nhất ở Thái khi bất chấp hậu quả luật quốc tế và bang giao song phương là thí dụ.

Tại quốc nội, vụ Đồng Tâm vi phạm luật đất đai là thành tích mới nhất. Thật ra, trong lịch sử đàn áp đẫm máu dân lành mà công an luôn tự hào còn có vô số các thảm kịch khác. Phải chăng công an luôn lặp lại các biện pháp tương tự?

Không hẳn như vậy. Các sử gia cho là lịch sử không lặp lại trong toàn diện, mà chỉ trong chừng mực tương đối, vì bối cảnh, không gian và thời gian có thể làm thay đổi diễn tiến ít nhiều, mà ứng xử của công an trong vụ án phố Ôn Như Hầu năm 1946 nhằm trấn áp các đảng phái quốc gia, đã chứng minh là hoàn toàn dị biệt.

Nhưng khi nhìn lại hai biến động lịch sử xưa và nay này cũng là dịp để cho những ai còn đủ lương tâm và lý trí hết lòng ca ngợi công an trong vai trò bảo vệ Đảng, chính quyền và nhân dân, đối chiếu thành tích ngày ấy và bây giờ.

Vụ án phố Ôn Như Hầu

Vào lúc 7 giờ sáng ngày 12 tháng 7 năm 1946, công an khám xét nhà số 7 phố Ôn Như Hầu, nay là số 7 phố Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội, nơi đặt trụ sở Việt Nam Quốc dân Đảng (Việt Quốc), bắt hơn 100 Đảng viên. Phan Kích Nam, đại biểu Quốc hội khóa I cũng là Đảng viên, bị bắt trong số này, nhưng có một số kịp trốn thoát. Chỉ đạo chung là Lê Giản, Nguyễn Tuấn Thức và Nguyễn Tạo.

Trong cùng ngày, công an khám xét trụ sở khác của Quốc dân Đảng ở nhà số 132 phố Duvigneau, nay là phố Bùi Thị Xuân. Dù chưa có lệnh bắt, nhưng do bất ngờ đột kích vào lúc sáng sớm, nên các đảng viên không có thời gian tẩu thoát.

Việc khám xét của công an tại nhà số 80 phố Quán Thánh cũng diễn ra tương tự. Điểm đặc biệt là quân Pháp điều xe tăng đến can thiệp, nhưng cuối cùng, sau khi được công an giải thích, xe tăng Pháp rút lui vào buổi trưa.

Sau Hà Nội, công an khám xét các cơ sở khác của Việt Quốc và Việt Cách ở Hải Phòng và một số tỉnh khác.

Khi tổng kết thành quả chiến dịch, chính quyền có tổ chức họp báo cho biết là đã phá tan âm mưu chống chính phủ. Tuy nhiên, để giữ thanh thế chung cho Mặt trận Thống nhất, chính quyền tỏ ra dè dặt trong việc lên án hai đảng đang còn là thành viên. Đặc điểm nổi bật trong cuộc họp báo này là đã tường thuật với nhiều chi tiết. Báo giới gọi chung việc khám xét là vụ phố Ôn Như Hầu.

Phía công an cho biết, nhân ngày Quốc khánh Pháp, Đại Việt và Quốc dân Đảng chuẩn bị kế hoạch bắn súng và ném lựu đạn khi quân Pháp diễn hành quanh hồ Hoàn Kiếm, gây tác hại cho bang giao Pháp-Việt. Hậu quả là Pháp sẽ quy trách cho chính quyền việc tấn công quân Pháp, tạo cớ cho Pháp lật đổ. Nhân dịp này, hai đảng hô hào hợp tác với Pháp. Kết quả chiến dịch là công an thu được nhiều vũ khí, truyền đơn, tài liệu, giấy bạc giả và dụng cụ tra tấn.

Theo kế hoạch tại trụ sở số 7 phố Ôn Như Hầu, Trần Tấn Nghĩa, chỉ huy công an, mang theo lệnh bắt và khám xét những người có mặt. Khi đến nơi, việc đầu tiên là công an cắt dây điện thoại và gọi người bên trong ra đón tiếp.

Sau khi biết được nguyên nhân khám xét, Phan Kích Nam biện minh là Đại biểu Quốc hội nên có đặc quyền bất khả xâm phạm và công an không thể tùy tiện khám xét trụ sở đảng. Trước phản ứng hợp pháp, Trần Tấn Nghĩa rút lui.

Lần thứ hai, kế hoạch thay đổi, Trần Tấn Nghĩa đến địa điểm, dự kiến trước là mời Phan Kích Nam về trụ sở công an, rồi sau đó mới khám xét và bắt các đảng viên. Phan Kích Nam khuyên công an báo cáo với cấp trên là “nếu manh động sẽ ăn đạn và sẽ lĩnh trách nhiệm với Quốc hội”. Một lần nửa, Trần Tấn Nghĩa ra về.

Lần thứ ba, khoảng 10h30‘ trong cùng ngày, Trần Tấn Nghĩa quay lại và chủ động tháo thắt lưng đeo súng đặt trên bàn. Thi hành lệnh bắt không kết quả, Trần Tấn Nghĩa cáo biệt và vờ quên súng ở bàn. Phan Kích Nam vội vàng cầm súng và xung đột xảy ra. Trong cảnh tượng Phan Kích Nam lảo đảo, Trần Tấn Nghĩa bẻ quặt tay Phan Kích Nam và ra lệnh tất cả không được chống cự. Phan Kích Nam phải làm theo lệnh. Theo đúng kế hoạch, công an bắt tất cả người của Quốc dân Đảng.

Cuối cùng, công an kết luận là đã phá tan âm mưu chống chính phủ, những vụ bắt cóc tống tiền, ám sát, tịch thu nhiều truyền đơn và bạc giả. Đây là thắng lợi lớn trong việc bảo vệ đảng [cộng sản], chính quyền và nhân dân.

Theo các sử gia, vụ án chưa bao giờ được nghiên cứu nghiêm túc. Chính giới cho rằng mục đích là Việt Minh lợi dụng trả thù vì không có đủ chứng cớ buộc tội Việt Nam Quốc Dân Đảng. Khi sử dụng bằng chứng âm mưu đảo chính làm lý do để tìm cách triệt hạ các đảng phái, công an làm có đúng không, vấn đề không tòa án nào có thể kiểm chứng.

Thực tế cho thấy, nếu Pháp muốn đảo chính thì họ không cần dựa vào bằng chứng của Việt Minh, cơ hội cho Pháp đã có từ lâu và trì hoãn vì nhiều lý do khác nhau. Trong khi các Đảng phái cho biết, bằng chứng là ngụy tạo mang đến hiện trường và lời cáo buộc không thuyết phục. Tất cả mọi khuất tất của lịch sử lắng chìm qua thời gian.

Vụ Đồng Tâm

Nội dung tranh chấp là dân Đồng Tâm phản đối chính quyền chiếm đất nông nghiệp gồm 59 ha tại Đồng Sênh, nghĩa là thuộc về dân sự mà mọi phe liên quan phải tuân thủ quyết định của tòa án.

Trong đêm 8 rạng ngày 9 tháng 1 năm 2020, chính quyền Hà Nội huy động 3.000 cảnh sát cơ động đến bao vây làng Đồng Tâm, bắn chết ông Lê Đình Kình, 84 tuổi, tại nhà riêng và bắt đi 27 người dân Đồng Tâm. Sau đó, chính quyền truy tặng Huân chương Chiến công Hạng nhất cho ba cảnh sát bị thiệt mạng.

Trước phút lâm chung, ông Kình không bị truy tố về tội hình sự hay khai trừ Đảng, ông chưa nhận phán quyết của tòa án hay lệnh cưỡng chế đất đai. Là một lão thành cách mạng, ông Kình có 58 năm tuổi đảng và từng là bí thư đảng ủy. Có chứng từ pháp lý, dĩ nhiên, ông Kình có quyền lưu giữ và trình bày trước tòa án và công luận, một quyền không thể tranh cãi.

Không có lệnh bắt hay biện pháp nào, chính quyền đơn phương dùng bạo lực vào lúc 4 giờ sáng, tịch thu hết chứng cứ mà ông Kình đang cất giữ, bắt hết nhóm Đồng thuận Đồng Tâm và tiêu diệt ông Kình.

Công an có tổ chức họp báo trình bày nguyên nhân tử vong của ông Kình và ba cảnh sát với các chi tiết mâu thuẫn nhau. Đầu tiên, công an cho biết là vì bị dân ném lựu đạn, đâm bằng dao phóng và rơi xuống hầm chông nên ba cảnh sát bị thiêu chết ở Đồng Sêng, cách thôn Hoành, xã Đồng Tâm khoảng ba cây số.

Sau đó, công an lại cho rằng, cảnh sát chết khi truy đuổi dân và bị rơi xuống giếng trời tại nhà ông Kình ở thôn Hoành, rồi bị dân đổ xăng thiêu chết. Còn ông Kình chết là vì có hành vi khủng bố, chống người thi hành công vụ, khi chết, trên tay còn cầm lựu đạn. Sau cùng, tướng Lương Tam Quang xác nhận, ông Kình chết tại nhà.

Sự thật khác hẳn. Hình ảnh về sau cho thấy, công an đột kích vào tận nhà bắn vỡ tim, nát óc ông Kình ngay trên gường ngủ rồi mang xác đi, tự tiện mổ bụng không theo thủ tục pháp y. Khi gọi vợ con ông nhận xác, còn bắt ký giấy xác nhận ông chết ở đồng Sênh, cách nơi ông bị giết chết ba cây số.

Bằng chứng cuối cùng thuyết phục nhất là việc bà Kình tìm ra dưới gầm giường một bao tải quần áo đầy máu của ông Kình, nhà cửa bị lục tung và bản đồ đất dán trên tường bị xé bỏ. Công an mang bản đồ, hồ sơ giấy tờ đất đai đi mất, dân Đồng Tâm không còn một bằng chứng nào có thể trình bày trước tòa án và công lụận.

Tóm lại, đây là một cuộc đột kích và thảm sát tại chỗ để cướp chứng cứ, giết người diệt khẩu, không dựa trên cơ sở luật pháp nào.

Công an của ông Hồ và ông Trọng, ai hơn ai?

Năm 1946, tình hình đất nước vô cùng hỗn loạn, cho dù Quốc hội được thành hình. Ngày 2 tháng 3 năm 1946, Chính phủ Liên hiệp ra đời trong khi một số thành viên trong Việt Quốc và Việt Cách phản đối và công luận cho rằng Việt Minh thân Pháp. Thuận lợi cho Việt Minh là tranh thủ được thời gian hòa hoãn để củng cồ quyền lực nội chính. Để đạt mục tiêu, ông Hồ dùng các biện pháp trấn áp các phong trào quốc gia và Võ Nguyên Giáp chỉ huy lực lượng công an và quân đội khám xét và bắt giữ các thành phần chống đối có thể đe dọa đến chính phủ.

Bối cảnh chung của biến động tại Đồng Tâm khác hẳn. Việt Nam trong năm 2020 là một đất nước đang “toả sáng trong cảnh quan u tối của thế giới”. Khung cảnh thanh bình thể hiện rõ nơi Đồng Tâm, một ngôi làng nhỏ với 8000 người dân, sống hiền hoà bên những mảnh ruộng thân yêu, luôn một lòng tin tường vào chính sách Đảng và nhà nước, qua giải pháp đối thoại ôn hoà trong tinh thần trọng pháp, cho dù có tranh chấp quyền lợi.

Việc khám xét tại phố Ôn Như Hầu cho thấy, công an ngày xưa tôn trọng luật pháp hơn ngày nay. Dù có lệnh khám xét và bắt giữ nghi can, nhưng do phản ứng quyết liệt, công an phải trì hoãn đến lần thứ ba mới thực hiện trấn áp. Khi có Pháp can thiệp, công an đã ôn hoà trình bày căn bản pháp lý theo nội dung của Tạm ước Pháp-Việt để yêu cầu Pháp không can thiệp. Trong khi tất cả các biện pháp ngày xưa đều thực hiện vào sáng sớm, vụ Đồng Tâm khác hơn, không có lệnh bắt và bắt đầu từ lúc 3 giờ, khi trời chưa sáng.

Mục tiêu của cả hai cũng khác nhau. Ngày xưa, công an trấn áp các đảng phái đối lập, thuần túy là về đấu tranh chính trị, chỉ bắt người và tịch thu tang chứng, không giết người tại chỗ; ngày nay, công an công khai chống nhân dân, giết Đảng viên, bắt người dân và thủ tiêu tang chứng cho một vụ tranh tụng dân sự. Một lực lương tinh nhuệ gồm 3000 cảnh sát cơ động với các dụng cụ hiện đại để chống 8000 người dân là phương tiện mà ngày xưa không có được.

Kết quả trong vụ án phố Ôn Như Hầu là không có ai chết, nhiều Đảng viên bị bắt và dân chúng không liên can. Ngược lại, tại Đồng Tâm, có 4 người chết và 26 người dân bị bắt, mọi chứng từ pháp lý bị thủ tiêu và hiện trường được xây dựng lại.

Ngày xưa, nói chung, báo chí của Việt Minh và không phải của Việt Minh, dù nghi ngờ thiện chí của nhau, nhưng về nghiệp vụ lại hợp tác trong thân thiện. Công an trình bày cho báo giới biết chi tiết các diễn biến. Ngày nay, chính quyền xem các phương tiện truyền thông xã hội là “thế lực thù địch”. Tin tức do các báo chí chính thống tung ra sai lạc, ém nhẹm và mâu thuẫn, nên không ai tin tưởng, kể cả những người luôn trung thành với Đảng và nhà nước.

Ảnh hưởng nghiêm trọng của vụ án phố Ôn Như Hầu là sau đó các Ủy ban Hành chính địa phương toàn quyền bắt giữ các đảng viên Việt Quốc đã bị phát hiện hay còn tình nghi. Hàng ngàn người bị bắt, thẩm vấn, có nhiều người bị cách chức, tống giam và đi cải tạo.

Nhưng ảnh hưởng lâu dài là giúp cho ông Hồ làm tan rã hệ thống tổ chức của các đảng phái quốc gia, phá vỡ liên minh cách mạng trong mục tiêu chung là chống Pháp và giành độc lập dân tộc. Qua thời gian, các lãnh tụ như Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam và Vũ Hồng Khanh nhận định là không thể hợp tác với Việt Minh, nên lưu vong sang Trung Quốc. Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến, biểu tượng hợp tác của tất cả các đảng phái, đã chấm dứt.

Ảnh hưởng của vụ Đồng Tâm? Còn quá sớm để nhận ra các ảnh hưởng chung cho tương lai của đất nước.

Từ lâu, đa số người dân chấp nhận phong cách lãnh đạo của đảng CSVN, lập luận là vì Việt Nam cần một chính phủ tập quyền, mạnh mẽ để chống tham nhũng và đưa đất nước đi lên. Sau cái chết thương tâm của ông Kình và giam giữ 27 người vô cớ, phản ứng đầu tiên công khai trong cả nước là phẫn nộ và đau buồn. Các phương tiện truyền thông xã hội đã cáo buộc công an đưa ra những tin tức và bình luận sai lệch và kêu gào vì sao không có quyền được biết rõ vì sao ông Kình chết.

Các câu hỏi tại sao lại giết đảng viên và bắt người dân không có lệnh vào lúc đêm khuya, truy tặng huy chương chiến công cho cảnh sát theo thủ tục khẩn cấp, phong toả tiền phúng điếu của người quyên góp là các nguyện vọng chính đáng của người dân. Gần như có một sự đoàn kết hiếm thấy trong mọi thành phần xã hội, vốn dĩ là vô cảm trước các bất công. Đến nay, vấn đề chưa được đảng CSVN làm sáng tỏ và thuyết phục.

Đối với người dân Đồng Tâm, không phải chỉ có đau buồn mà mất niềm tin vào đảng và nhà nước là quan trọng nhất. Một lập luận đơn giản nhưng trở nên thuyết phục hơn bao giờ hết cho mọi người là: Tất cả chúng ta sẽ như ông Kình trong thời kỳ mới. Đảng viên trung kiên mà đảng còn đối xử như vậy, thì người dân oan ở các nơi khác hãy học tập kinh nghiệm Đồng Tâm để chuẩn bị tinh thần.

Chính quyền đã quá vụng về và tàn ác khi xử lý một vụ tranh chấp dân sự. Bất chấp hậu quả tạo thêm nghiêm trọng cho tình hình chung trong khi chính quyền còn phải tập trung sức để lo đối phó với thách thức khác, thí dụ như cuộc khủng hoảng nội bộ Đại hội Đảng trong năm 2021, hiểm hoạ diệt vong, các thế lực thù địch và gần nhất là dịch vrius Corona.

Sau “thành tích Phan Thiết và Đồng Tâm”, công luận cho rằng, nhà nước đang tiếp tục sẵn sàng chiến đấu chống lại nhân dân, nhất là chống lại những ý kiến phản đối. Cái chết thương tâm của cụ Kình còn phản ánh một lối suy nghĩ khác: Lòng trung thành với đảng cần xét lại. Khi đảng không làm sáng tỏ vụ Đồng Tâm, thì hậu quả trước mắt là công chúng không còn ủng hộ đảng nữa, điều đó có nghĩa là tình hình chung rất nghiêm trọng.

Lịch sử Việt Nam là một đất nước đầy đau khổ và chết chóc do bạo lực và dối trá của đảng CSVN gây ra mà công an là phương tiện. Ngày nay, Đảng không còn đấu tranh giai cấp mà chỉ lo bảo vệ quyền lợi phe nhóm. Dùng công an với các phương tiện kỹ thuật hiện đại và bưng bít thông tin, đảng đe dọa những người nói lên sự thật. Vụ Đồng Tâm cho thấy điều đó. Việc tranh tụng dân sự là do tòa án giải quyết trong ôn hoà, đảng tránh được hậu quả như hiện nay đảng đang gánh. Lọt ra ngoài tầm kiểm soát của đảng, làm cho tình hình diễn biến khó lường và trầm trọng thêm.

Tóm lại, ông Hồ và ông Trọng giống nhau khi dùng bạo lực và dối trá để bảo vệ chế độ độc tài. Điểm khác nhau là ông Hồ lo đàn áp các đảng phái quốc gia để tập trung quyền toàn trị, còn ông Trọng trực tiếp chiến đấu chống dân chúng, kể cả giết Đảng viên để bảo vệ quyền lợi kinh tế cho phe nhóm.

Đất nước không “toả sáng” như ông Trọng ca ngợi, điển hình là hình ảnh quê hương thanh bình của Đồng Tâm thân yêu chỉ còn trong mộng tưỏng, không còn “khói lam chiều vuơng toả bên luỹ tre làng”, không còn “người nông dân hiền hoà bên dàn mướp lá lên xanh”. Những ai còn đủ lương tâm và lý trí phải nhận ra Đồng Tâm hôm nay khác hẳn, không phải chỉ có ông Kình chịu cái chết đau đớn, đầy oan ức, mà toàn dân đang sống trong bạo lực vả dối trá của đảng.

Ngày xưa, các đảng phái quốc gia bị tận diệt và tháo chạy, còn ngày nay, dân chúng rồi sẽ ra sao? Vụ Đồng Tâm có phải là giọt nước làm tràn ly Việt Nam chưa, vấn đề còn thời gian để trả lời. Tương lai của đất nước trong năm 2020 vẫn cỏn mờ mịt như năm 1946. Sự thật về bản chất của đảng và công an đã phơi bày. Đó là một tin vui chung cho toàn dân trong khi chờ đợi chuyện hậu sự cho đảng. Tất nhiên, chúng ta còn phải chờ, nhưng chuyện phải đến sẽ đến.

Đầu trang

Kính Hòa, phóng viên RFA 2016-07-11 - rfa

70 năm vụ án phố Ôn Như Hầu

Trụ sở chính của Việt Nam Quốc dân đảng ở số 7 phố Ôn Như Hầu. Courtesy of baotangcongan.hanoi.gov.vn

Tròn 70 năm kể từ ngày lực lượng Việt Minh tấn công hàng loạt các cơ sở của Quốc dân đảng trên toàn quốc vào ngày 12 tháng 7 năm 1946, trong đó có nhà số 7 phố Ôn Như Hầu, Hà Nội. Quốc dân đảng bị buộc tội âm mưu đảo chính. Hình ảnh Quốc dân đảng trong các tài liệu trong nước là một hình ảnh không tốt. Sau đây là ghi nhận ý kiến từ một phía khác về sự kiện Ôn Như Hầu, cũng như di sản của Quốc dân đảng ngày nay.

Vụ Ôn Như Hầu

Tài liệu được công bố của đảng cộng sản Việt Nam nói rằng tại số 7 Ôn Như Hầu, Hà Nội, có nhiều căn hầm dùng làm nơi giam giữ và tra tấn với nhiều dụng cụ còn dính máu. Khai quật trong vườn chuối có nhiều xác người mà Quốc dân đảng đã thủ tiêu.

Trả lời về thông tin này, ông Trần Tử Thanh, hiện là Chủ tịch Hội đồng đại biểu Quốc dân đảng, hiện sống tại Virginia, Hoa Kỳ cho rằng:

Lúc đó Việt Nam quốc dân đảng chúng tôi mới nhận trụ sở Ôn Như Hầu mới có vài tháng thôi. Người nhà thầu đến sửa sang trụ sở đó cho Quốc dân đảng làm việc, sau này có kể lại là khi ông ta vào làm việc thì thấy trong khu vười chuối có vài ngôi mộ, hỏi ra thì mới biết là mộ đó của những người Trung Hoa quốc gia họ sang đây bị bệnh chết, rồi chôn ở đó. Dựa vào đó người cộng sản họ dựng nên vụ án, rồi nói rằng trong đó có vũ khí với tra tấn, làm sao mà một cái nhà giữa thành phố Hà Nội lại như vậy. Chuyện đó hoàn toàn không phải là sự thật.

Ông Thanh còn thuật một câu chuyện là đêm hôm trước công an Việt Minh có đến lấy một số tử thi ở nhà xác thành phố, và sau đó đem đến số 7 Ôn Như Hầu, nói là do Quốc dân đảng giết hại.

Cũng theo tài liệu chính thức của Việt Nam thì vụ tấn công trụ sở Quốc dân đảng ở số 7 Ôn Như Hầu, cũng như hàng loạt cơ sở khác là nhằm để đập tan một âm mưu đảo chính lật đổ chính phủ.

Ông Trần Tử Thanh không đồng ý:

Vụ đảo chánh lật đổ chính phủ thì chính ngay ông Võ Nguyên Giáp cũng đã liên hệ với một sĩ quan của Pháp để chính thức xin yểm trợ cho ông ta một số vũ khí tối tân, cũng như một số sĩ quan Pháp, để ông ta tấn công vào các cơ sở của Việt Nam Quốc dân đảng. Thì như vậy làm sao nói Việt Nam Quốc dân đảng liên hệ với Pháp được, tài liệu của những người cộng sản sau này cũng có đề cập đến vấn đề đó.


Lệnh bắt những người ở số 7 phố Ôn Như Hầu, ngày 12 tháng 7 năm 1946. Courtesy of baotangcongan.hanoi.gov.vn

Trong giai đoạn 1945-1946, chính phủ Việt Nam tại Hà Nội là một chính phủ có nhiều đảng phái, trong đó có lực lượng Việt Minh do người cộng sản làm nòng cốt. Kết luận về vụ án Ôn Như Hầu, ông Trần Tử Thanh cho rằng nguyên nhân chính là Việt Minh của đảng cộng sản muốn độc chiếm quyền lãnh đạo chính trị:

Chủ nghĩa cộng sản hay con người cộng sản thì khi họ đưa bất cứ vấn đề gì ra thì chúng ta cũng cần phải xét lại. Chắc chắn vụ Ôn Như Hầu phải được sự chuẩn thuận của ông Hồ Chí Minh và bộ tham mưu của ông ta, và đây hoàn toàn là dàn dựng. Ông Hồ Chí Minh đã ký một hiệp định sơ bộ với Pháp, đồng ý cho 15 ngàn quân Pháp trở lại Việt Nam. Và chính phủ Pháp sẽ công nhận ông ta là người chính thức đại diện cho người Việt Nam. Và người Pháp nói là để cho Việt Nam tự do trong Liên hiệp Pháp. Ông Hồ Chí Minh tham quyền hành, muốn đảng cộng sản nắm hết quyền, và khi chính phủ liên hiệp quốc gia và cộng sản được thành lập, ông ta dần dần loại bỏ các thành phần quốc gia, trong đó có các thành viên Quốc dân đảng, Đại Việt, cũng như Việt Nam cách mạng đồng minh hội của cụ Nguyễn Hải Thần. Tức là loại bỏ các thành phần quốc gia ra khỏi chính phủ bằng cách gây nên một vụ án.”

Di sản Quốc dân đảng

Quốc dân đảng Việt Nam được ông Nguyễn Thái Học thành lập năm 1927 nhằm mục tiêu lật đổ chế độ thực dân Pháp bằng bạo lực. Sau cuộc khởi nghĩa Yên Bái 1930 bị thất bại, ông Nguyễn Thái Học và nhiều đồng chí bị Pháp xử tử, hơn 300 người bị bắt đày biệt xứ sang Guyana thuộc địa Pháp tại Nam Mỹ.

Sự thành lập Quốc dân đảng Việt nam cũng được cho là lấy cảm hứng từ Quốc dân đảng Trung Quốc do Tôn Trung Sơn thành lập. Trên trang Web của Quốc dân đảng Việt Nam hiện nay người ta thấy khẩu hiệu Dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc, và đó là nội dung của chủ nghĩa Tam Dân mà Tôn Dật Tiên cổ súy.

Sau sự kiện Ôn Như Hầu, Quốc dân đảng và đảng cộng sản trở thành thù nghịch nhau, nhưng trong số đảng viên cộng sản cũng có một số người từng là đảng viên Quốc dân đảng. Theo ông Trần Tử Thanh, ông Trần Huy Liệu, một cán bộ Việt Minh tiếp nhận chiếu thoái vị của Vua Bảo Đại vào năm 1945 từng là đảng viên Quốc dân đảng. Một người khác là ông Văn Tiến Dũng, một thời là ủy viên Bộ chính trị đảng cộng sản, và đảm trách Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Cũng có nhà nghiên cứu cho rằng câu khẩu hiệu rất đặc biệt nằm trên các giấy tờ hành chính của nước Việt nam ngày nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, độc lập tự do hạnh phúc cũng lấy từ chính tinh thần của chủ nghĩa Tam dân của Quốc dân đảng.

Sau năm 1954, Việt Nam Quốc dân đảng hoạt động công khai tại miền Nam Việt Nam. Sau năm 1975, nhiều thành viên Quốc dân đảng bị đi tù cải tạo, trong đó có hai ông Vũ Hồng Khanh và Trần Văn Tuyên, từng phụ trách những vị trí quan trọng trong chính phủ liên hiệp tại Hà Nội trong giai đoạn 1945-1946.

Năm 2008, báo Tuổi trẻ ở Việt Nam đăng một loạt bài về nhà tù biệt xứ của những tù chính trị Việt Nam bị đưa sang Guyana, trong số đó có hơn 300 đảng viên Quốc dân đảng. Báo địa phương của Guyana, trong số ra ngày 17 tháng 11 năm 2008 có tường thuật buổi đặt biển đồng tưởng niệm các tù nhân với sự có mặt của một nhà báo đến từ Việt Nam là ông Đào Danh Đức.

Trang Việt Quốc của Quốc dân đảng cho biết là vào đầu năm 2010 tổ chức Quốc dân đảng ở Bắc Mỹ và châu Âu hợp lực dựng một tấm bảng đồng thứ hai để tưởng niệm những người đã hy sinh tại Guyana. Song ông Trần Tử Thanh cho biết là tấm bảng này đã bị hư hại, và có nhiều nghi ngờ cho rằng những người cộng sản Việt Nam đã tìm cách phá hoại. Tuy nhiên theo ý kiến của một nhà nghiên cứu độc lập trong nước thì Hà Nội không làm chuyện này, vì họ đã cho phép đăng công khai loạt bài tưởng nhớ các liệt sĩ Quốc dân đảng vào năm 2008.

Tại Việt Nam cũng như hải ngoại tên tuổi Nguyễn Thái Học cùng các đồng chí của ông như Nguyễn Khắc Nhu, Đoàn Trần Nghiệp, Cô Giang, Phó Đức Chính đều được trân trọng. Nhưng vụ án Ôn Như Hầu thì không có sự đồng ý như vậy.

Đầu trang

Nguyễn Thái Hòa 2017-03-03 - rfa

Việt Nam Quốc Dân Đảng và “Vụ án Ôn Như Hầu”

Trước hết, chúng tôi thành thật cám ơn bài phóng sự của RFA trong chương trình phát thanh ngày 11 tháng 7 năm 2016 với tựa đề: “70 năm vụ án Ôn Như Hầu”, thực hiện bởi Ông Kính Hòa, phóng viên đài RFA, qua giọng đọc Mặc Lâm. Ông Kính Hòa đã phỏng vấn Ông Trần Tử Thanh, Chủ tịch Hội Đồng Đại Biểu Trung Ương Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ) về vụ án Ôn Như Hẩu. Trong bài phóng sự này, RFA đã đồng thời giới thiệu về VNQDĐ.

Thưa quý Vị,

Qua bài viết có kèm theo phần audio trích đoạn phỏng vấn ông Trần Tử Thanh với giọng đọc của Mặc Lâm, chúng tôi ghi nhận một số điểm cần được lưu ý và làm sáng tỏ về những nhận định của BTV Kính Hòa nhằm bảo vệ sự trong sáng, tính trung thực trong thông tin, cũng như thanh danh và uy tín của Việt Nam Quốc Dân Đảng như sau:

Thứ nhất, Ngoài việc ông Trần Tử Thanh đã trả lời buổi phỏng vấn rất rõ ràng về vụ án Ôn Như Hầu, cuốn "Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại Việt Nam Quốc Dân Đảng" của Giáo sư Hoàng Văn Đào ở chương thứ VIII cũng đã trình bày rõ ràng tại sao lại có vụ án Ôn Như Hầu. Tác giả cũng cho biết chính Võ Nguyên Giáp, được lệnh của họ Hồ, đã cấu kết với Đại Tá Crepin tạm thời Đại diện Tòa Cao Ủy Pháp cho dàn dựng vụ án Ôn Như Hầu nhằm vu khống và tìm cách tiêu diệt VNQDĐ, lúc bấy giờ đang cùng quần chúng, nhân dân phản đối họ Hồ đã ký với Marius Moutet Tạm Ước đầu hàng Pháp. Mục đích của việc “ngậm máu phun người” này cũng là để đảng cộng sản loại bỏ các thành phần quốc gia, độc quyền thao túng chính trường Việt Nam, với sự hỗ trợ ngầm của thực dân Pháp. Cho dù ngày nay đất nước VN vẫn còn đang nằm dưới sự thống trị của Đảng Cộng Sản, nhà cầm quyền Hà Nội và cơ quan tuyên truyền của họ vẫn không ngừng tìm mọi cách bóp méo, xuyên tạc lịch sử để xóa đi những vết nhơ, những tội ác tày trời mà họ đã gây ra cho đất nước, cho dân tộc cùng các đảng phái Quốc Gia trong đó có Việt Nam Quốc Dân Đảng. Với khoa học kỹ thuật điện toán, mạng lưới truyền thông phát triển, hiện nay, càng ngày người dân VN càng nhận rõ bộ mặt gian trá, bịp bợm phản trắc của đảng CSVN. Tuy nhiên, trong phần kết luận ông Kính Hòa lại viết: "Tại Việt Nam cũng như hải ngoại tên tuổi Nguyễn Thái Học cùng các đồng chí của ông như Nguyễn Khắc Nhu, Đoàn Trần Nghiệp, Cô Giang, Phó Đức Chính… đều được trân trọng. Nhưng vụ án Ôn Như Hầu thì không có sự đồng ý như vậy".

Dĩ nhiên, CSVN không thể làm khác hơn, nên buộc lòng phải trân trọng Đảng Trưởng VNQDĐ Nguyễn Thái Học và các đồng chí của ông vì những cống hiến vô bờ bến và sự hy sinh cao cả sáng ngời chính nghĩa, bằng máu xương của họ cho Tổ quốc VN mà lịch sử đã ghi nhận và toàn dân ai cũng biết. Tuy nhiên, câu cuối cùng trong phần kết luận của ông Kính Hòa "Nhưng vụ án Ôn Như Hầu thì không có sự đồng ý như vậy…" có thể đã làm nhiều độc giả, thính giả đài Á Châu Tự Do và quần chúng dễ có những ngộ nhận. Chính không ít những đảng viên VNQDĐ cũng đặt vấn đề và có nêu lên những thắc mắc như sau:

a) Vụ án Ôn Như Hầu đích thực do Việt Minh Cộng Sản dựng lên nay đã quá rõ ràng, hầu hết ai ai cũng thấy; và lịch sử do đảng cộng sản Việt Nam viết lại chỉ toàn là một chuỗi dài dối trá và hận thù; và chỉ riêng Hồ Chí Minh và băng đảng CSVN của ông mới cho đó là sự thật.

b) Theo sử gia quân sự Hoa Kỳ Cecil B. Currey trong quyển tiểu sử Võ Nguyên Giáp “Victory at any Cost”, vụ án Ôn Như Hầu do chính Võ Nguyên Giáp dựng lên để vu oan và lấy cớ để tiêu diệt Việt Nam Quốc Dân Đảng, một đối thủ chính của đảng CS do Hồ Chí Minh lãnh đạo.

c) Nữ Văn Sĩ Võ Thị Hảo, một người sinh ra và lớn lên trong lòng chế độ cộng sản, trong môt cuộc phỏng vấn với ký giả Trần Quang Thành, cũng xác nhận vụ án Ôn Như Hầu hoàn toàn do Việt Minh cộng sản dàn dựng nhằm triệt hạ uy tín và loại bỏ VNQDĐ và các thành phần quốc gia ra khỏi chính trường Việt Nam vào năm 1946.

d) Không riêng gì vụ án Ôn Như Hầu, nhiều vụ tương tự khác đã xảy ra do chính cộng sản dàn dựng, gây ra tội ác đối với dân tộc VN không sao kể xiết, xin đơn cử một vài vụ điển hình:

Bức ảnh được đăng trên báo Pháp Việt năm 1930. Photo courtesy of vietquoc.com

Và còn rất nhiều trường hợp khác không kể xiết về tội diệt chủng, tội ác chống nhân loại của cộng sản Việt Nam mà hình ảnh, sách báo hiện nay vẫn còn đươc lưu giữ.

Tưởng cũng nên nhắc lại, trong suốt cuộc chiến tranh xâm lược do Nga, Tàu và tay sai Việt cộng tiến hành từ 1956-1975 trên toàn lãnh thổ Miền Nam VN, tức Việt Nam Cộng Hòa, nhân dân miền Nam luôn chạy về phía chính phủ, Quân Đội VNCH và Hoa Kỳ để được bảo vệ!

Thứ hai, qua những tội ác tày trời của CSVN đã gây ra cho dân tộc thật quá rõ ràng, thiết tưởng giới truyền thông cần công minh, đứng trên sự thật và lẽ phải để tố cáo trước dư luận quốc tế cũng như trong nước, tránh bị mang tiếng là có ý bao che cho những kẻ gây tội ác chống lại nhân loại. Hơn nữa, sự trong sáng và minh bạch là tối cần thiết cho người làm truyền thông. Thời gian đã quá đủ để chứng minh rằng chính nghĩa và lẽ phải không bao giờ đứng về phía những người cộng sản bất lương và dối trá, kẻ thù của dân tộc Việt Nam

Thứ ba, Chúng tôi cũng xin lưu ý với Biên Tập Viên Kính Hòa, sử sách VN cũng như lịch sử của Việt Nam Quốc Dân Đảng từ ngày thành lập đã luôn luôn ghi chép tên của Việt Nam Quốc Dân Đảng bằng chữ viết Hoa, và ngay trong suốt cuộc phỏng vấn, ông Trần Tử Thanh cũng đều xưng là Việt Nam Quốc Dân Đảng (đó là một đại danh từ được xử dụng để đặt tên cho đảng kể từ ngày 25 tháng 12 năm 1927). Cho đến nay, chúng tôi chưa từng đổi ngược tên “Việt Nam Quốc Dân Đảng” thành “Quốc dân đảng Việt Nam” như trong bài phóng sự.

Thứ tư, Việt Nam Quốc Dân Đảng là một tổ chức Cách Mạng được thành lập bởi những thanh niên trí thức trẻ Việt Nam yêu nước để chống Thực dân Pháp và đấu tranh cho ba mục tiêu Cách Mạng: Dân Tộc Độc Lập, Dân Quyền Tự Do, Dân Sinh Hạnh Phúc, đã được lịch sử ghi lại một cách trân trọng. VNQDĐ hoàn toàn là một đảng của riêng người Việt nam, hoạt động một cách độc lâp. Xét về nội dung Cương Lĩnh cũng như về mặt sinh hoạt và tổ chức không dính dáng gì đến Trung Hoa Quốc Dân Đảng. Có thể những nguyên tắc tư tưởng căn bản của VNQDĐ và Trung Hoa Quốc Dân Đảng đều phát xuất từ các tư tưởng độc lập, tự do, nhân quyền, dân quyền của những nhà tư tưởng lớn thế giới như Montesquieu, John Locke, Jean Jacques Rousseau, hoặc từ các cuộc cách mạng nhân quyền của Mỹ như Thomas Jefferson (Tuyên Ngôn Độc Lập 1776), Cách Mạng Pháp 1789…Do đó, chúng ta có thể kết luận việc hình thành VNQDĐ không xuất phát do cảm hứng từ THQDĐ như đã viết trong bài phóng sự.

VNQDĐ hoàn toàn được sự kính trọng của các giới lãnh đạo Trung Hoa Quốc Gia trước khi Mao Trạch Đông kiểm soát toàn bộ đất nước này vào năm 1949. Từ khi thành lập nước Trung Hoa Quốc Gia (Đài Loan), Tổng Thống Tưởng Giới Thạch, sau đến Tổng Thống Tưởng Kinh Quốc vẫn giữ mối thâm tình với hai nền đệ nhất và đệ nhị VNCH và Việt Nam Quốc Dân Đảng tại Miền Nam Việt Nam qua việc bổ nhiệm hai nhiệm kỳ ông Đại Sứ Trung Hoa Quốc Gia Hồ Liên (1964-1972), cựu Đại Tướng Trung Hoa Quốc Dân Đảng và Thiếu Tướng Trung Hoa Quốc Dân Đảng Nguyễn Chấn Á làm cố vấn cho Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Thứ năm, về việc dựng bia tưởng niệm các liệt sĩ VNQDĐ bị lưu đày tại Guyane, Nam Mỹ: vào năm 2010 một phái đoàn VNQDĐ đã đích thân đến Guyane, tổ chức lễ dựng Bia Tưởng Niệm bằng đồng nặng khoảng 50 kg, (không phải là “bảng” như BTV Kính Hoà viết), nhưng sau đó một phái đoàn của CSVN đến Guyane vào năm 2016 đã “phá bỏ, đập đổ chân bia làm bằng ống sắt” với mục đích xóa bỏ tung tích cuộc viếng thăm, cũng như việc làm của các đảng viên VNQDĐ tại quốc ngoại. Ông quận trưởng ở đấy thấy vậy đã cho lính đem bia tưởng niệm về cất trong quận đường Montsynéry-Tonnegrande, một quận của French Guyane. Sự thật là như vậy. Đề nghị đài RFA có nhiều phương tiện nên cho người tìm hiểu thêm để cho rõ ngọn ngành.

Thưa quý ông,

Từ những sự kiện trình bày ở trên, chúng tôi đề nghị BTV Kính Hòa, Ông Nguyễn Văn Khanh, Giám Đốc Chương Trình Việt Ngữ đài RFA cho đăng bức thư này để các sự việc được thêm sáng tỏ trước công luận.

Chúng tôi rất cám ơn quý Vị đã quan tâm và mong sớm nhận được sự phúc đáp.

Trân trọng,

Hoa Kỳ, ngày 27 tháng 02 năm 2017
Nguyễn Thái Hòa
Ban Nghiên cứu lịch sử Việt Nam Quốc Dân Đảng
Địa chỉ điện Thư: Nghiencuulichsudang@vietquoc.org

Xem thêm:

Images for ôn như hầu rfa

Việt Quốc, Việt Cách và vụ án phố Ôn Như Hầu

Đầu trang