2024-04-21 - BBC
Việt Nam đang khuyết chức danh chủ tịch nước sau khi ông Võ Văn Thưởng mất chức
Kỳ họp thường kỳ sắp tới của Quốc hội khóa 15 là kỳ họp thứ 7, được ấn định vào ngày 20/5.
Nhiều nhà quan sát đã nhận định với BBC rằng chức danh chủ tịch nước có thể chính thức được đưa ra để Quốc hội Việt Nam xem xét trong kỳ họp này nếu không có cuộc họp bất thường nào khác diễn ra trước thời điểm 20/5.
Hiện chức danh chủ tịch nước cần phải sớm được công bố, trong bối cảnh Việt Nam đang ra sức trấn an các nước và làm nhẹ sự nghi ngại của các nhà đầu tư nước ngoài về tính bất ổn chính trị khi chỉ trong hơn một năm đã có hai chủ tịch nước bị mất chức.
Kỳ họp Quốc hội lần này bắt đầu từ ngày 20/5 đến 28/6 tại Hà Nội trong hai đợt. Đợt 1 từ ngày 20/5 đến ngày 8/6. Đợt 2 từ ngày 17/6 đến ngày 28/6.
Theo thông tin được công bố, nội dung họp gồm điều chỉnh tiến độ 1 dự án luật, bổ sung 4 dự án luật và 2 dự thảo nghị quyết, xem xét dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, thành phố Đà Nẵng...
Tới nay, Quốc hội khóa 15 của Việt Nam đã họp 6 kỳ họp thường kỳ và 6 kỳ họp bất thường.
Vào ngày 20/3, ông Carl Thayer, giáo sư danh dự về chính trị tại Đại học New South Wales, nhận định với BBC News Tiếng Việt ngay sau khi có tin ông Võ Văn Thưởng rời ghế chủ tịch nước:
"Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định giới thiệu nhân sự để bầu giữ chức Chủ tịch nước. Thông thường có kỳ họp Quốc hội vào tháng 5 và tháng 10. Và chúng ta có thể phải đợi từ nay đến tháng 5 để Ban Chấp hành Trung ương đạt sự đồng thuận và sau đó Quốc hội sẽ bầu chủ tịch nước."
Kỳ họp bất thường lần thứ 6 Quốc hội khóa 15 hôm 21/3 đã xem xét miễn nhiệm chức vụ chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026 và cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa 15 đối với ông Võ Văn Thưởng.
Trước đó một ngày, vào ngày 20/3, ông Võ Văn Thưởng đã được Trung ương Đảng đồng ý cho thôi các chức vụ trong Đảng và Nhà nước, bao gồm chức chủ tịch nước.
Sau khi ông Nguyễn Xuân Phúc bị miễn nhiệm chức chủ tịch nước vào tháng 18/1/2023 thì ông Võ Văn Thưởng đã nhậm chức chủ tịch nước chưa đến hai tháng sau đó, vào ngày 2/3/2023.
Ông Thưởng đã làm chủ tịch nước theo một quy trình Đảng quyết, Quốc hội bầu như sau:
Vào ngày 1/3/2023, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 đã họp để xem xét và cho ý kiến về công tác cán bộ.
Tại cuộc họp này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định giới thiệu nhân sự để bầu giữ chức chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Ngày 2/3/2023, ông Võ Văn Thưởng đã chính thức tuyên thệ sau khi được Quốc hội bầu trong kỳ họp bất thường.
Theo quy trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình đề cử để Quốc hội bầu chủ tịch nước.
Sau khi được bầu, chủ tịch nước sẽ tiến hành tuyên thệ nhậm chức.
Đấy là quy trình chính thức. Trên thực tế, các sắp xếp trong Đảng Cộng sản Việt Nam được coi là quyết định và việc bỏ phiếu tại Quốc hội là bước hợp pháp hóa sự sắp xếp ấy của Đảng.
Hàng trên: bà Trương Thị Mai, ông Vương Đình Huệ. Hàng dưới: ông Phan Văn Giang, ông Tô Lâm.
Theo Quy định 214-QĐ/TW, để đạt tiêu chuẩn làm chủ tịch nước, cá nhân cần tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên. Ứng viên cũng cần là đại biểu Quốc hội.
Các ứng cử viên hàng đầu cho vị trí chủ tịch nước được cho là Bộ trưởng Công an Tô Lâm, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang.
Giáo sư Zachary Abuza từ Đại học National War College (Mỹ) nhận định với BBC vào ngày 20/3 rằng nếu tân Chủ tịch nước là Đại tướng Tô Lâm thì ấn tượng "nhà nước công an trị" của Việt Nam càng đậm đà.
"Tôi nghĩ chúng ta phải xét đến bối cảnh Chỉ thị mật 24, do Bộ Chính trị Việt Nam công bố hồi tháng 7, gần đây đã bị rò rỉ. Tài liệu này đã nêu quan ngại của Bộ Chính trị về nguy cơ xảy ra cách mạng màu, diễn biến hòa bình, và tầm quan trọng của đàn áp, không chỉ nhằm vào giới bất đồng chính kiến mà còn những đối tượng tình nghi khác, xét về mặt hệ thống là nhằm vào xã hội dân sự. Điều này giống tư tưởng của Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc."
"Chúng ta cũng nên nói đến sự thống trị của quân đội trong nền chính trị của Việt Nam, đó là sự thống lĩnh của Bộ Công an với Tô Lâm giữ vai trò lãnh đạo. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng là một cựu sĩ quan tình báo trong Bộ Công an. Có hai ủy viên Bộ Chính trị khác cũng có xuất thân từ Bộ Công an. Nếu tính ông Tô Lâm và ông Phạm Minh Chính, thì trong số 14 ủy viên Bộ Chính trị hiện nay đã có đến 4 người là quan chức trong Bộ Công an. Đây là một điều rất đáng lưu tâm đối với người dân Việt Nam."
Một người từng được coi là ứng viên sáng giá là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Tuy nhiên, một số diễn biến gần đây có thể làm giảm khả năng này.
Giáo sư Zachary Abuza cho rằng Bộ trưởng Quốc phòng - Đại tướng Phan Văn Giang cũng là một ứng viên cho chiếc chế chủ tịch nước, người mới có một nhiệm kỳ Bộ Chính trị.
Chiến dịch "đốt lò" chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng vẫn đang tiếp tục nóng khi trong 15 tháng qua, hai phó thủ tướng, hai chủ tịch nước và một thành viên bộ chính trị khác đã bị buộc phải từ chức.
Số lượng ủy viên Bộ Chính trị giảm từ 18 xuống còn 14 trong vòng hai năm qua. Hàng loạt bí thư, chủ tịch tỉnh đã bị bắt giữ trong thời gian gần đây.
Dự báo, lò của ông Trọng sẽ tiếp tục "đỏ lửa" ít nhất là từ đây cho tới trước Đại hội Đảng lần thứ 14 vào đầu năm 2026.
Giới quan sát nhận định rằng có thể chiến dịch "đốt lò" sẽ được các phe nhóm lợi dụng để triệt hạ đối thủ và giành lợi thế về mình, khi mà công tác nhân sự chuẩn bị cho Đại hội Đảng 14 đang được tiến hành.
Vụ án tại Tập đoàn Phúc Sơn đang được dư luận đặc biệt quan tâm vì mức độ nghiêm trọng và vì có những nhận định cho rằng có liên quan đến sự kiện Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng bị miễn nhiệm hồi tháng 3.
Mới đây nhất, Chủ tịch Tập đoàn Thuận An, ông Nguyễn Duy Hưng, bị bắt kéo theo hàng loạt dự án của tập đoàn này bị rà soát. Một số cán bộ tỉnh Bắc Giang cũng đã vướng vòng lao lý với cáo buộc liên quan đến Thuận An.
Đã có những đồn đoán trên mạng xã hội về khả năng tập đoàn này vào lò đồng nghĩa sẽ có "củi" mới vào lò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong thời gian tới.
20 tháng 4 2024, 10:31 +07 - BBC
Nguồn hình ảnh, Getty Images, BBC
Khả năng hồi phục của ngân hàng SCB được đánh giá là "rất thấp"
Chính phủ Việt Nam đã bơm 24 tỷ USD để cứu SCB sau khi khách hàng ồ ạt tháo chạy khỏi ngân hàng này. Tiền gửi của SCB hiện đã giảm 80% xuống còn khoảng 6 tỷ USD. Liệu nhà nước có tiếp tục bơm tiền để SCB không sụp đổ? Nếu ngưng bơm tiền thì kịch bản có thể xảy ra là gì?
Việc Ngân hàng Nhà nước bơm 24 tỷ USD cho SCB được coi là "vô tiền khoáng hậu" do khối lượng tiền mặt khổng lồ được bơm vào, sự phức tạp của vụ việc và mức độ tác động hiện tại cũng như tiềm ẩn đối với hệ thống tài chính Việt Nam.
Reuters là hãng tin tung ra thông tin và số tiền vụ giải cứu, trích từ các báo cáo mà hãng tin này có được.
Về việc cung cấp tiền để cứu SCB, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước, ông Đào Minh Tú, nói với báo giới hôm 19/4 rằng "đến nay, ngân hàng SCB vẫn đang hoạt động ổn định và NHNN sẽ tiếp tục xây dựng một lộ trình để từng bước tái cơ cấu ngân hàng này".
Ông Tú không nói về con số cho SCB vay, mà chỉ nói: "Cho vay thì phải đảm bảo thu hồi nợ."
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Bức ảnh ngày 10/1/2024 chụp y tá Nga (tên đã thay đổi để bảo vệ danh tính nạn nhân), một người đã nghỉ hưu nằm trong số 42.000 nạn nhân của vụ bê bối lừa đảo liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và SCB.
Từng có các vụ bơm tiền giải cứu trong lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam, dù với quy mô nhỏ hơn.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính-ngân hàng có 45 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này tại Mỹ và Việt Nam, nói với BBC News Tiếng Việt rằng ông đã chứng kiến hai trường hợp nhà nước bơm tiền cứu ngân hàng theo nhiều cách.
“Năm 2012, Ngân hàng ACB lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Lúc đó có tin tổng giám đốc ACB trốn qua Mỹ. Rất nhiều người đã đến ACB để rút tiền. Tại thời điểm đó, tôi có mặt ở Việt Nam và đã thấy Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dùng xe tải đem tiền mặt đến ACB để giúp ngân hàng này trả tiền cho khách,” Tiến sĩ Hiếu nói với BBC từ Hà Nội.
“Lần thứ hai là năm 2015, lúc đó tôi là Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Xây dựng Việt Nam. Đó cũng là thời điểm NHNN mua lại ba ngân hàng, gồm Ngân hàng Xây dựng Việt Nam, Ocean Bank (OCB) và GP bank (GPB).
“Trường hợp này nhà nước không bơm tiền mặt để cứu ba ngân hàng mà dùng biện pháp thâu tóm với giá 0 đồng. Sau đó, NHNN giao ba ngân hàng này cho những ngân hàng lớn nhất của Việt Nam và có vốn nhà nước, trong đó có Vietcombank và BIDV, tiếp quản.
“Cho đến bây giờ, sau 9 năm, ba ngân hàng này vẫn đang hoạt động nhưng trong tình trạng hết sức ngặt nghèo.”
Về khả năng các ngân hàng hoàn tiền cho nhà nước, Tiến sĩ Hiếu nói rằng ông không có thông tin cụ thể số tiền đã bơm là bao nhiêu và có trả không, khi nào. Nhưng ông nhận định khả năng cao ACB đã trả hết vì ngân hàng này đã hồi phục sau đó và hiện là một trong những ngân hàng làm ăn hiệu quả.
Với ba ngân hàng được mua lại, ông cho biết là “tình trạng tài chính tới nay ngày càng suy sụp”.
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Bà Trương Mỹ Lan bị buộc tội đóng vai trò chính trong vụ rút ruột hơn 12 tỷ USD từ SCB
Hiện nợ xấu của SCB đã lên tới 97%. Nếu không có nguồn thu, SCB sẽ không có khả năng trả lại tiền gửi cho khách hàng, với số tiền hiện còn phải trả là 6 tỷ USD – chiếm hơn 1% GDP Việt Nam năm 2023.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, nếu nhà nước tiếp tục bơm tiền vào để trả thì khách hàng tiền gửi của SCB may mắn.
Nhưng nếu nhà nước, vì lý do nào đó, ngưng bơm tiền, thì số phận 6 tỷ USD tiền gửi này “rất mong manh”.
“Dự trữ ngoại hối quốc gia của chúng ta có đâu đó 100 tỷ thôi. Và bây giờ phải dùng 6 tỷ USD để thanh toán cho tiền gửi của SCB.
Mặc dù không dùng ngoại tệ để mà thanh toán, nhưng số tiền mà chúng ta phải thanh toán lên đến 6% trên tổng dự trữ ngoại hối của nhà nước,” Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu phân tích khi được hỏi về việc NHNN có thể bơm tiền cho SCB đến khi nào.
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính-ngân hàng
Trong trường hợp ngân sách cạn kiệt hoặc vì lý do nào đó nhà nước phải ngừng bơm tiền cho SCB, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng có ba kịch bản chính.
Một là nhà nước có thể in thêm tiền để tiếp tục bơm cho SCB. Trong trường hợp này, dòng tiền đi vào lưu thông sẽ gây lạm phát, nợ công cao.
Thứ hai, chính phủ Việt Nam sẽ phải làm "việc chẳng đặng đừng" là đưa SCB ra tòa để mở thủ tục phá sản. Như vậy, ngoài khoản bảo hiểm tiền gửi mà mỗi khách hàng có thể nhận được là 125 triệu đồng, khách sẽ phải đợi tòa phán quyết về số phận ngân hàng này.
Nếu tòa tuyên SCB phá sản và yêu cầu SCB trả nợ các chủ nợ theo thứ tự ưu tiên thì khách gửi tiền mới có cơ hội được trả lại tiền, còn nếu không, hoặc mất trắng, hoặc phải đợi cho đến khi nào tất cả tài sản của SCB được thanh lý.
“SCB cũng chẳng còn bao nhiêu tài sản để thanh lý. Do đó, ngoài bảo hiểm tiền gửi là khoản 125 triệu đồng thì tôi nghĩ khả năng khách hàng nhận được phần tiền gửi còn lại là rất thấp,” Tiến sĩ Hiếu nhận định.
Nguồn hình ảnh, NHAC NGUYEN/AFP/Getty Images
Ngân hàng Nhà nước đang cố gắng cứu SCB để tránh một vụ sụp đổ tác động tới toàn hệ thống
Việc này, Tiến sĩ Hiếu nói với BBC, làm ông “thực sự đau lòng”, vì “rất nhiều người gửi tiền tại SCB là những người về hưu, gia đình thu nhập thấp và các doanh nghiệp”.
Trong trường hợp SCB không làm thủ tục phá sản, kịch bản thứ ba là NHNN có thể chỉ định chuyển giao SCB cho một ngân hàng thương mại tại Việt Nam, sau khi kết thúc giai đoạn kiểm soát đặc biệt, theo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Nhưng việc này diễn ra như thế nào thì phải đợi tới ngày 1/7/2024, khi luật này có hiệu lực.
“Vấn đề nằm ở chỗ, với số nợ khổng lồ và nợ xấu tới 97% của SCB, hiện không có ngân hàng nào sẵn sàng tiếp quản. Trong trường hợp bắt buộc phải chuyển giao, thì tương lai của cả ngân hàng nhận chuyển giao và ngân hàng bị chuyển giao là SCB có lẽ không sáng sủa lắm.
“Vì ngân hàng được chuyển giao thường không có khả năng trả nợ nên sẽ gây ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh, gây thiệt hại cho các ngân hàng được chỉ định tiếp nhận.”
“Ngoài ra, nó cũng ảnh hưởng tới toàn xã hội, vì các ngân hàng lớn có số lượng khách hàng rất lớn và tổng tài sản lớn. Ví dụ bốn ngân hàng Vietcombank, Citibank, BIDV và Agribank chiếm 40% tổng tài sản của cả hệ thống ngân hàng tại Việt Nam. Như vậy khi các ngân hàng này chịu thiệt hại do phải gánh thêm ngân hàng thua lỗ thì sẽ ảnh hưởng tới cả hệ thống ngân hàng và toàn bộ nền kinh tế Việt Nam,” Tiến sĩ Hiếu nói.
Thời điểm này, Tiến sĩ Hiếu cho rằng chính phủ Việt Nam không muốn để SCB phá sản, do có nguy cơ xảy ra tình trạng khách hàng tháo chạy khỏi các ngân hàng, đưa cả hệ thống ngân hàng Việt Nam vào khủng hoảng.
Do đó, khả năng cao là chính phủ Việt Nam sẽ chọn cách chuyển giao bắt buộc SCB cho một ngân hàng lớn được chỉ định.
Là một chuyên gia tài chính-ngân hàng nhiều kinh nghiệm, Tiến sĩ Hiếu nói ông thấy đây là một trường hợp "vô tiền khoáng hậu" mà sau 15 năm từ Mỹ về Việt Nam làm việc, ông chưa từng thấy.
“Chúng ta cần phải can đảm rút kinh nghiệm từ trường hợp của bà Trường Mỹ Lan, vụ Vạn Thịnh Phát và SCB. Với tôi, đây là một bài học rất lớn.
“Có rất nhiều vụ kiện, nhiều đại án trong ngành ngân hàng trong khoảng chục năm qua, nhưng tôi chưa thấy trường hợp nào lớn như vụ này, kéo dài cả chục năm như vụ này. Chúng ta phải nhìn thấy một điều là chúng ta đã nhắm mắt là ngơ cho một tình trạng như vậy kéo dài rất lâu, ở một mức độ rất lớn,” Tiến sĩ Hiếu nói.
Ông Hiếu cho rằng cần minh bạch ai là người chịu trách nhiệm trong việc để một vụ việc như vậy kéo dài.
Ông cũng nhấn mạnh mối nguy hiểm của "lợi ích nhóm", trong đó các đại gia bất động sản như bà Trương Mỹ Lan thường nắm những vị trí quan trọng trong hệ thống ngân hàng, sau đó dùng quyền lực để thao túng và lũng đoạn.
“Nếu nền tài chính Việt Nam, nếu hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn còn bị tác động bởi lợi ích nhóm, trong đó có lợi ích nhóm bất động sản, thì tôi e rằng có thể chúng ta sẽ có một SCB khác trong tương lai.
"Tôi mong rằng đây là thông điệp mà tôi muốn gửi cho Đảng, Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính,” Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nói với BBC.
19.4.2024 - BBC
Ông Đào Ngọc Dung bị Đảng kỷ luật với hình thức cảnh cáo
Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã bị Bộ Chính trị thi hành kỷ luật với hình thức khiển trách.
Ông Đào Ngọc Dung là ủy viên Trung ương Đảng, bí thư Ban cán sự đảng. Ông Dung được xác định là đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, quy chế làm việc.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhận thấy ông Dung đã "buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, để bộ và một số tập thể, cá nhân thuộc bộ có nhiều vi phạm, khuyết điểm, nguy cơ thất thoát, lãng phí rất lớn ngân sách nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng, khó khắc phục, dư luận xấu, làm giảm uy tín của tổ chức đảng và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội".
Người tiền nhiệm của ông Dung, bà Phạm Thị Hải Chuyền, hiện đã về hưu, cũng bị kỷ luật nhưng với hình thức (nặng hơn) cảnh cáo vì đã "vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, quy chế làm việc".
Ông Huỳnh Văn Tí, cựu Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, cũng chịu hình thức cảnh cáo vì đã "vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, quy chế làm việc, gây hậu quả nghiêm trọng, nguy cơ thất thoát, lãng phí rất lớn ngân sách nhà nước, gây dư luận xấu, làm giảm uy tín của tổ chức đảng và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội".
Ông Dung và hai cựu lãnh đạo nói trên bị cáo buộc liên quan đến "gói thầu do Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC) và các doanh nghiệp trong hệ sinh thái AIC thực hiện".
Các quyết định này được Bộ Chính trị đưa ra tại cuộc họp ở trụ sở Trung ương Đảng ngày 19/4.
Các hình thức kỷ luật đối với đảng viên chính thức bao gồm (từ nhẹ đến nặng): khiển trách, cảnh cáo, cách chức (nếu có chức vụ), khai trừ.
Theo quy định của Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, hình thức kỷ luật có hiệu lực tính từ ngày ký quyết định kỷ luật.
Trong thời hạn 12 tháng, các đảng viên bị kỷ luật khiển trách, cảnh cáo thì không phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử vào chức vụ cao hơn chức vụ khi bị kỷ luật (tính từ ngày ký quyết định kỷ luật).
Đảng viên bị cảnh cáo sau 12 tháng sẽ được xóa kỷ luật nếu không có khiếu nại, không tái phạm cũng như không mắc vi phạm mới đến mức độ bị kỷ luật. Như vậy, hình thức khiển trách và cảnh cáo không mang nhiều ý nghĩa theo hướng răn đe bằng hình thức cách chức hay khai trừ khỏi Đảng.
Hiện chưa rõ sai phạm của ông Đào Ngọc Dung liên quan đến AIC là gì nhưng nhiều quan chức khác cũng đã bị kỷ luật, thậm chí bị truy tố hình vì liên quan đến AIC.
Mới nhất, vào tháng 1/2024, cựu Bí thư, cựu Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến đã bị bắt với cáo buộc "nhận hối lộ" liên quan đến công ty AIC.
Tính đến tháng 1/2024, đã có 4 cựu bí thư, cựu chủ tịch tỉnh bị cáo buộc có sai phạm liên quan đến công ty AIC.
Hàng loạt quan chức cấp cao bị khai trừ khỏi đảng
Ông Đào Ngọc Dung đi lên từ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Ông nhậm chức Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội hồi tháng 4/2016.
Trong thời gian làm bộ trưởng, ông Dung có nhiều phát ngôn gây chú ý trước nghị trường.
Tháng 10/2023, ông Dung nói về cải cách mức lương. Ông dẫn lương của một kỹ sư ra trường là 3,5 triệu đồng, thấp hơn mức thấp của lương tối thiểu vùng của khu vực tư nhân (4 triệu đồng).
"Hiện thang bảng lương ba năm một lần tăng, bà tạp vụ có khi lương cao hơn kỹ sư ra trường. Thế thì sống làm sao?".
Ông Dung cũng có những lời mạnh mẽ về tình trạng phân cấp, phân quyền: “Dưới chờ trên, trên bảo dưới cứ làm đi nhưng dưới sợ”.
Ngoài ra, ông Dung cũng nói về vấn đề hộ nghèo như:
"Không ai sinh ra và lớn lên mà muốn mình nghèo, không ai muốn không thoát nghèo nhưng chỉ vì chưa có khả năng thoát nghèo".
Trước khi trở thành Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội, ông Đào Ngọc Dung từng giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái.
Năm 2006, ông Đào Ngọc Dung, khi đó là ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, đã gây ồn ào sau khi bị lập biên bản vì vi phạm quy chế thi tuyển sinh sau đại học.
Ông bị lập biên bản vì khi dự thi môn hành chính công vào ngày 27/5/2006, kỳ thi tuyển nghiên cứu sinh, ông đã “sử dụng giấy nháp không có chữ ký của giám thị”, có thể được hiểu là ông đã sử dụng tài liệu.
Tuy nhiên, nhiều tờ báo cho biết ông Đào Ngọc Dung đã biện bạch rằng ông đã sơ suất dẫn đến vi phạm không cố ý. Ông cũng cho rằng mình bị xử lý quá nặng và đã gửi đơn khiếu nại.
Cựu Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng là trường hợp lãnh đạo cấp cao nhất bị đưa vào "lò" trong thời gian gần đây.
Chiến dịch "đốt lò" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục "nóng" với việc liên tiếp các cán bộ từ cấp địa phương đến trung ương, thậm chí là ủy viên Bộ Chính trị bị kỷ luật.
Trong phiên họp thứ 25 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hồi đầu năm nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tiến hành kỷ luật 19 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội 13 đến nay đã có 105 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 22 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng bị kỷ luật.
Bộ Chính trị khóa 13 hiện chỉ còn 14 người, trong khi vào đầu khóa, con số này là 18 người.
Cựu Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, cựu Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh và Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh là bốn ủy viên Bộ Chính trị khóa 13 được Đảng đồng ý cho thôi các chức vụ trước thời hạn. Về bản chất, đây là hình thức cách chức theo "đặc thù chính trị Việt Nam".
Bên cạnh đó, nguyên Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng bị Bộ Chính trị kỷ luật với các cấp độ khác nhau.
Ông Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh bị khởi tố, tạm giam, khám nhà ▶️
Giữa chiến dịch "đốt lò" của vị tổng bí thư, nhiều cán bộ, quan chức trở nên sợ hãi và hiện giờ bệnh sợ trách nhiệm đang lan tràn. Đây chính là thừa nhận của nhiều lãnh đạo địa phương trong thời gian qua.
Tại hội nghị cung cấp thông tin thường kỳ quý 1/2024 cho báo chí, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, ông Phạm Văn Thiều, đã nói:
"Hiện giờ bệnh sợ trách nhiệm đang lan tràn. Việc bắt bớ nhiều quá họ sợ lắm. Mà làm sai pháp luật thì phải bắt. Cho nên chúng ta phải làm thận trọng. Tôi thường xuyên nói với anh em cơ quan chuyên môn là chúng ta cứ làm vì dân, vì nước, vì cái chung, đừng có tiêu cực thì đâu có sợ gì.”
Hồi tháng 6/2023, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đã nói rằng vụ việc liên quan đến Ngân hàng SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát "tác động đến kinh tế - xã hội thành phố rất lớn và cũng tác động khiến một bộ phận cán bộ e dè, sợ sai không dám làm".
Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang trước đó nói với BBC rằng, nhìn vào bối cảnh chính trị Việt Nam, câu chuyện một cán bộ công chức, viên chức mắc sai phạm là "điều gần như không thể tránh khỏi", đặc biệt là với những người có thâm niên, làm công tác lâu năm.
"Tôi nghĩ đó là vấn đề mà Đảng cần cân nhắc kỹ, rõ ràng là khi đẩy mạnh công cuộc chống tham nhũng thì nó phải cân bằng lại là chống tham nhũng ở mức nào để đảm bảo hệ thống, bộ máy quan liêu vận hành một cách hiệu quả.
"Một bộ máy đang gặp rất nhiều vấn đề, đặc biệt là việc sợ hãi đưa ra quyết định trong bối cảnh công cuộc chống tham nhũng đang diễn ra và tôi nghĩ đó là câu chuyện mà Đảng có lẽ sẽ phải cân nhắc nhiều hơn trong thời gian sắp tới," ông Giang nói.
Từ năm 2020-2022 có gần 40.000 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc.
Chiến dịch "đốt lò" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được dự báo sẽ tiếp diễn trong thời gian tới, đặc biệt là trước Đại hội Đảng 14 (dự kiến đầu năm 2026), khi các "phe nhóm" tranh giành quyền lực trong giai đoạn chuẩn bị nhân sự của Đảng Cộng sản Việt Nam.
19 tháng 4 2024, 06:54 +07 - BBC
Sau phiên tòa xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát, thông tin Chính phủ Việt Nam bơm 24 tỷ USD cứu SCB tiếp tục gây chấn động dư luận
Câu hỏi được nhiều người đặt ra trong vụ án Vạn Thịnh Phát là tiền của người dân ở SCB sẽ được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bảo lãnh ra sao, sau khi có thông tin 24 tỷ USD đã được chi để cứu ngân hàng này.
Tin độc quyền từ Reuters cho biết chính quyền tại Việt Nam đã tiến hành một cuộc giải cứu “chưa từng có” đối với Ngân hàng SCB.
Theo đó, tính đến đầu tháng 4/2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã bơm gần 24 tỷ USD (khoảng 600.000 tỷ đồng) dưới dạng "khoản vay đặc biệt" vào SCB, theo một trong những tài liệu mà Reuters đã xem.
Theo tài liệu này, việc bơm tiền đã chậm lại một chút nhưng đạt trung bình hơn 900 triệu USD mỗi tháng trong năm tháng qua.
Bình luận với BBC News Tiếng Việt, Tiến sĩ Giang Phùng, nhà nghiên cứu và giảng viên tại Trường Kinh doanh ISC Paris (Pháp), nói rằng vì Reuters ghi số liệu mà họ có được là "từ nguồn tin không được tiết lộ công khai do tính nhạy cảm" nên NHNN cũng có thể phủ nhận sự chính xác của con số.
"Tuy nhiên, theo những con số công khai và cả lời của Viện Kiểm sát trước tòa thì NHNN đang rất chật vật với việc xử lý các nghĩa vụ nợ của SCB. Theo lịch sử gần đây, trong xử lý các ngân hàng yếu kém thì NHNN sẽ không muốn để SCB phá sản hoàn toàn," TS Giang Phùng đánh giá.
Tháng 10/2022, khi bà Trương Mỹ Lan bị bắt giữ, NHNN đã đặt Ngân hàng SCB vào diện giám sát và ra thông cáo để ngăn tình trạng người gửi ồ ạt rút tiền khỏi ngân hàng này.
Bà Trương Mỹ Lan tiết lộ về tướng công an đã chết ▶️
Tiến sĩ Giang Phùng nhận định với BBC rằng có thể số tiền mà NHNN cần huy động để xử lý vụ việc sẽ lớn hơn con số cần trả cho người gửi tiền tại SCB.
"Điều này có thể là để giải quyết cho cả người mua trái phiếu, dù chưa có tiền lệ hay quy định nào là mua trái phiếu sẽ được bảo vệ như gửi tiền vào ngân hàng."
Cần lưu ý rằng, đứng trước làn sóng kiện về việc bị lừa mua trái phiếu tại SCB, SCB nói rằng họ chỉ thực hiện việc giới thiệu khách hàng cho các công ty chứng khoán, chứ không ký kết hợp đồng hay thỏa thuận nào với các khách hàng liên quan đến việc mua/bán trái phiếu doanh nghiệp.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu từng nhận định với BBC rằng hình như SCB chỉ bảo lãnh phân phối chứ không phải bảo lãnh thanh toán.
Khi SCB bảo lãnh phân phối thì đối tượng hưởng lợi là Vạn Thịnh Phát và các công ty con trong hệ sinh thái của tập đoàn này chứ không phải trái chủ.
"Còn bảo lãnh thanh toán là hình thức có lợi cho các nhà đầu tư, nghĩa là trong trường hợp Vạn Thịnh Phát không có khả năng trả nợ thì ngân hàng đứng ra trả nợ thay cho Vạn Thịnh Phát," ông giải thích.
Việt Nam: Chuyên gia nhận định về trái phiếu công ty An Đông ▶️
Bà Giang Phùng nhận xét thêm với BBC rằng, NHNN có thể yêu cầu các ngân hàng trong hệ thống chung tay "cứu" SCB để tránh rủi ro cũng như lấy lại niềm tin của người gửi tiền. Một khả năng nữa là các ngân hàng khác có thể phải nhận sáp nhập một phần hoặc toàn bộ ngân hàng yếu kém, như vậy khoản lỗ của SCB sẽ ăn vào lãi của các ngân hàng thực hiện việc sáp nhập.
Trong quá trình xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát vừa qua, báo chí Việt Nam đã dẫn thông tin từ Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cho biết Ngân hàng Nhà nước đang gồng mình cho SCB vay khoản tiền khổng lồ để chi trả dần, ổn định tình hình tài chính, không biết khi nào thu hồi đủ.
Số tiền này không được công khai. Tuy nhiên, Reuters cho biết họ tiếp cận được tài liệu cho thấy NHNN đã chi 24 tỷ USD.
Con số 24 tỷ USD (hơn 600.000 tỷ đồng) chiếm khoảng 3/4 ngân quỹ của Kho bạc Nhà nước (hơn 800.000 tỷ đồng).
Thời điểm khởi tố vụ án, trên hệ thống sổ sách của SCB thể hiện tổng số tiền mà ngân hàng huy động của người dân và vay của các cơ quan tổ chức khác là 673.586 tỷ đồng gồm:
Như vậy, phần lớn tiền trong ngân hàng SCB là tiền gửi của khách hàng và một phần tiền từ các giấy tờ có giá (có thể bao gồm trái phiếu) và tiền vay từ NHNN.
Những diễn biến tại tòa cho thấy SCB huy động tiền từ người dân gửi với lãi suất cao nhất để cho Vạn Thịnh Phát vay.
Tiến sĩ Giang Phùng cho rằng con số thiệt hại và số tiền phải trả cho các bên liên quan, chủ yếu là người gửi tiền, là rất lớn khi so sánh với những con số như GDP Việt Nam hay ngân quỹ nhà nước "nhưng chắc chắn không có chuyện NHNN sử dụng tới cạn ngân quỹ để xử lý vụ này".
Vào thời bà Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm bị bắt vào tháng 10/2022, nhóm khách hàng của bà Trương Mỹ Lan ở SCB còn 1.284 khoản vay với tổng dư nợ là 677.286 tỷ đồng (gồm 483.971 nợ gốc và 193.315 nợ lãi).
Số tiền này được xác định là không thể thu hồi.
Vì tính chất phức tạp nên vụ án Vạn Thịnh Phát được chia làm hai giai đoạn.
Ở giai đoạn 1, hôm 11/4, Tòa án Nhân dân TP HCM đã tuyên bà Trương Mỹ Lan mức án tử hình tổng hợp ba tội danh tham ô tài sản, đưa hối lộ và vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Ở giai đoạn 2, cơ quan chức năng sẽ điều tra, truy tố, xét xử các sai phạm liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp. Ở vụ này, Bộ Công an đã xác định Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã lừa đảo 30.000 tỷ đồng của 42.000 nhà đầu tư, thông qua gian dối trong phát hành trái phiếu.
Bà Trương Mỹ Lan sẽ phải đối mặt với thêm hai tội danh là "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" liên quan đến trái phiếu và "Rửa tiền" xảy ra tại Vạn Thịnh Phát.
Đối với các vấn đề liên quan đến trái phiếu, trong đó có việc các khách hàng của SCB gửi tiền tiết kiệm sau đó bị chuyển đổi thành trái phiếu, báo Pháp luật TP HCM dẫn lời đại diện Tòa án Nhân dân TP HCM nói rằng tất cả sẽ được xem xét trong giai đoạn 2 của vụ án.
"Trong giai đoạn 2 này, các cơ quan tố tụng tập trung điều tra, truy tố và xét xử về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền. Do vậy, quyền lợi của người dân khi mua trái phiếu sẽ được giải quyết trong giai đoạn 2 của vụ án này," báo Pháp luật TP HCM cho biết.
Khách hàng đến đòi tiền tại một số chi nhánh Ngân hàng SCB ở khắp cả nước trong thời gian qua
Đáng lưu ý, lượng tiền mặt "khủng" mà bà Lan bị cáo buộc rút khỏi SCB được xác định là có liên quan đến trái phiếu.
Từ tháng 2/2-19 đến tháng 9/2022, bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc chỉ đạo lái xe của mình là Bùi Văn Dũng đến Ngân hàng SCB nhận tiền.
Bà Thái Thị Thanh Thảo, Giám đốc Phòng dịch vụ khách Wholesale của Ngân hàng SCB (Chi nhánh Sài Gòn), chỉ đạo cho bà Trần Thị Thúy Ái, Kiểm soát viên ngân quỹ của SCB Chi nhánh Sài Gòn, xuất tiền mặt giao cho ông Dũng.
Sau đó, ông Dũng chở tiền về nhà cho bà Lan và giao cho Trần Thị Hoàng Uyên (trợ lý của bà Lan).
Theo điều tra, tổng số tiền mặt rút khỏi SCB là hơn 108.000 tỷ đồng và 14 triệu USD.
Số tiền này được xác định là từ khoản vay tín dụng của Ngân hàng SCB và nguồn phát hành trái phiếu.
Kết luận điều tra của Bộ Công an cũng thông tin rằng những người có liên quan đến quy trình rút tiền mặt theo chỉ đạo của bà Trương Mỹ Lan gồm Bùi Văn Dũng, Thái Thị Thanh Thảo, Trần Thị Thúy Ái, Trần Thị Hoàng Uyên đều đã bị khởi tố bị can về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Vạn Thịnh Phát: Những bí bật hé lộ tại tòa ▶️
Trả lời BBC News Tiếng Việt, Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Luật Thế Giới Luật Pháp từ TP HCM, nhận định rằng do giai đoạn 2 truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên có thể hiểu, số tiền mặt 108.000 tỷ đồng mà bà Lan rút ra là gồm có tiền từ việc phát hành trái phiếu.
"Ta cần phải làm rõ trách nhiệm của SCB: SCB tham gia với tư cách là đơn vị bảo lãnh phát hành hay bảo lãnh thanh toán hay cả hai."
"Ngay cả khi SCB chỉ là đơn vị bảo lãnh phát hành thì cũng phải làm rõ SCB đã làm đầy đủ trách nhiệm của đơn vị bảo lãnh phát hành hay không. Nếu không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của đơn vị bảo lãnh phát hành, có những hành vi, tư vấn sai hoặc gây nhầm lẫn cho người gửi tiền thì SCB vẫn phải liên đới chịu trách nhiệm," ông Sơn nhận định.
Từ việc hàng ngàn bị hại đều có lời khai giống nhau nên ông Sơn cho rằng có thể đó là chủ trương của SCB chứ không phải trường hợp cá biệt.
Luật sư Phùng Thanh Sơn còn cho biết chính bản thân ông khi giao dịch tại SCB cũng từng được tư vấn mua trái phiếu như những bị hại khác. Tuy nhiên, là một luật sư, ông Sơn hiểu bản chất trái phiếu là gì nên ông không mua trái phiếu theo tư vấn của nhân viên SCB.
Với phiên xử Vạn Thịnh Phát diễn ra hơn một tháng và kết thúc là bản án tử hình đối với bà Trương Mỹ Lan, vụ án này được coi là "gây chấn động cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam" và là điểm nhấn trong chiến dịch chống tham nhũng, hay còn gọi là "đốt lò", của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng.
Nhiều nhà quan sát, chuyên gia cho rằng đại án này sẽ phủ bóng lên nền kinh tế Việt Nam, cả lĩnh vực ngân hàng, đầu tư nước ngoài lẫn lẫn trái phiếu. Đặc biệt, vụ bê bối còn gây mất niềm tin của người dân vào hệ thống ngân hàng.
Nguồn tin mới của Reuters cho biết, thời điểm tháng 12/2023, tổng số tiền gửi ở SCB đã giảm 80%, xuống còn khoảng 6 tỷ USD.
Hồi tháng 6/2023, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã nói rằng vụ việc liên quan đến Ngân hàng SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát "tác động đến kinh tế - xã hội thành phố rất lớn và cũng tác động khiến một bộ phận cán bộ e dè, sợ sai không dám làm".
Tiến sĩ Giang Phùng cho rằng dù là vụ án kinh tế lớn nhưng xét đến những phản ứng hiện tại của thị trường, vụ SCB không nhất thiết báo hiệu một cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam.
"Nhìn chung, vụ bê bối SCB bộc lộ những điểm yếu trong quản lý ngân hàng của Việt Nam. Tuy nhiên, phản ứng của chính phủ và những cải cách tiềm năng mang lại cơ hội củng cố hệ thống."
"Những tháng và năm tới sẽ rất quan trọng trong việc thể hiện cam kết của chính phủ về củng cố hệ thống ngân hàng và lấy lại niềm tin của công chúng," bà Giang Phùng nói.
Đại án Vạn Thịnh Phát: Giải mã những con số kỷ lục ▶️
Bà cũng nói rằng những vụ bê bối về tham nhũng quy mô lớn, khiến thế giới quan tâm như vụ Vạn Thịnh Phát thường gây ra lo ngại sẽ có tác động tiêu cực đến các nhà đầu tư, làm giảm đầu tư nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, theo bà Giang Phùng, thống kê lại cho thấy xu hướng ngược lại.
"Gần đây, CEO Apple đến thăm Việt Nam cũng hứa hẹn khả năng tăng cường đầu tư. Nguyên nhân có thể là việc các nhà đầu tư tìm địa điểm mới ngoài Trung Quốc để tránh ảnh hưởng của thương chiến Mỹ-Trung (và xu hướng này chắc chắn còn tiếp diễn), giá nhân công Trung Quốc dần tăng cao," bà Giang Phùng đánh giá.
Tuy nhiên, bà cũng lưu ý rằng không chắc chắn Việt Nam thu hút được những nguồn FDI này do các tập đoàn có thể lựa chọn các quốc gia Đông Nam Á khác.
Việc xét xử bà Trương Mỹ Lan và Vạn Thịnh Phát, theo Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp từ Viện ISEAS, cũng được xem là một hồi chuông cảnh tỉnh cho những ngân hàng thương mại khác và các doanh nhân khác, để họ ngưng những cách kinh doanh phạm pháp của mình.
"Nếu chính phủ có thể dùng vụ án này như một đòn roi để cảnh cáo những người khác, để thay đổi cách làm ăn, để thị trường ngày một minh bạch và rõ ràng hơn thì điều này sẽ tốt cho nền kinh tế hơn.
"Việt Nam muốn đạt được mục tiêu 2045 thành nước phát triển, thu nhập cao. Để làm được, phải chịu nỗi đau ngắn hạn mới có thể trụ được cuộc chơi dài," ông Hiệp phân tích.
2024-04-18 - BBC
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Để giảm rủi ro trong chuỗi cung ứng từ Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp quốc tế đã chọn Việt Nam, nơi được coi là có sự ổn định. Tuy nhiên, sau thông tin chính phủ Việt Nam bơm 24 tỷ USD cứu Ngân hàng SCB, ấn tượng về sự ổn định có thể lung lay.
Thông tin mà hãng tin Reuters tiếp cận được cho biết Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đến nay đã bơm 24 tỷ USD trong nỗ lực cứu Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB).
Cuộc giải cứu này được đánh giá là "vô tiền khoáng hậu".
Con số trên không thấp hơn bao nhiêu so với mức chi trung bình của chính phủ các nước giàu để giải cứu các ngân hàng trong cuộc khủng khoảng tài chính toàn cầu.
Hệ quả từ cuộc giải cứu SCB sẽ tác động đến quyết định của các ban lãnh đạo công ty trên khắp thế giới.
Chính phủ Việt Nam dường như đã không thể ngăn chặn được việc người gửi tiền tháo chạy khỏi SBC, mặc dù đã đặt ngân hàng này dưới sự giám sát đặc biệt từ 18 tháng trước.
Thông thường, sự can thiệp trực tiếp như vậy là đủ để khôi phục niềm tin vào các thị trường mới nổi và cận biên.
Nhưng tình hình không như vậy ở Việt Nam, một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, nơi chính phủ đã đặt mục tiêu tăng trưởng 6%-6,5% cho năm nay, bài báo trên Reuters nhận định.
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Vụ án Trương Mỹ Lan đã gây chấn động xã hội và tác động sâu sắc đến nền kinh tế Việt Nam
Đó là lời cảnh tỉnh đối với những ai đã bỏ qua hoạt động chống tham nhũng gần đây tại Việt Nam. Đó cũng là lời nhắc nhở đối với những người từng nghĩ rằng khoản đầu tư của họ sẽ hưởng lợi nếu mối quan hệ thân thiết giữa các tập đoàn lớn và nhà nước bị chặt đứt.
Chiến dịch “đốt lò” của ĐCSVN đã gây ra cuộc khủng hoảng bất động sản tại nước này, với nhiều nhân vật cộm cán bị xử: bà Trương Mỹ Lan - trùm bất động sản đứng đằng sau SCB – bị tuyên án tử hình hôm 11/4 vì đóng vai trò trong vụ rút ruột 12,5 tỷ USD từ SCB, đồng thời kiểm soát ngân hàng này một cách triệt để thông qua các bên ủy quyền. Việt Nam cũng thay hai chủ tịch nước trong chỉ hơn một năm.
Kết quả cuối cùng?
Việt Nam ngày càng có vẻ bất ổn ngay cả khi tầm quan trọng của nước này trong chuỗi cung ứng toàn cầu ngày càng tăng. Điện thoại thông minh Samsung Electronics của Hàn Quốc sản xuất tại Việt Nam ước tính chiếm khoảng một nửa lượng điện thoại hãng này sản xuất toàn cầu.
Kể từ năm 2019, Apple đã chi 16 tỷ USD cho Việt Nam thông qua các nhà cung cấp. Giám đốc điều hành của Apple, ông Tim Cook, đã tới Hà Nội trong tuần này để xem xét các cơ hội đầu tư nhiều hơn.
Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam tăng lên 37 tỷ USD vào năm 2023 so với năm trước, mặc dù FDI toàn cầu giảm.
Các nhà đầu tư tài chính, trong đó có công ty cổ phần tư nhân KKR của Mỹ cũng đã đầu tư lớn vào Việt Nam.
Cho đến nay, hoạt động đầu tư toàn cầu tại Việt Nam chưa bị gián đoạn, nhưng cuộc giải cứu ngân hàng SCB cho thấy nỗ lực chống tham nhũng của Việt Nam có thể gây ra nhiều hậu quả bất ngờ hơn.
Các công ty quyết tâm khai thác lao động giá rẻ ở Việt Nam sẽ cần phải có thần kinh thép.
Các nhận định trên của Reuters được đưa ra sau khi hãng tin này công bố thông tin chính phủ Việt Nam đã chi ít nhất 24 tỷ USD để giải cứu SCB, ngân hàng hiện đang chìm trong vụ lừa đảo tài chính lớn nhất cả nước.
Khoản tiền bơm này chiếm tới 5,6% GDP và chiếm 1/4 dự trữ ngoại hối của Việt Nam.
Bà Trương Mỹ Lan bị bắt vào tháng 10/2022. Vụ bắt giữ này đã gây ra làn sóng tháo chạy khỏi ngân hàng SCB.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sau đó đã đặt SCB dưới sự giám sát để ngăn chặn tình trạng này.
Tuy nhiên, tiền gửi của SCB đã giảm 80% xuống còn khoảng 6 tỷ USD vào thời điểm tháng 12/2023.
SCB có thể hết tiền gửi vào giữa năm với tốc độ hiện tại và nợ xấu đã tăng lên 97,08% dư nợ tín dụng của SCB tính đến tháng 10.
2024-04-18 - BBC
Hơn 50.000 binh sĩ Nga đã thiệt mạng trong cuộc chiến tại Ukraine, BBC kiểm chứng và xác định.
Trong năm thứ hai của cuộc chiến, khi Moscow đẩy mạnh chiến thuật được gọi là “cối xay thịt”, chúng tôi phát hiện thấy rằng số người chết cao hơn 25% so với năm đầu tiên.
BBC Tiếng Nga cùng cơ quan truyền thông độc lập MediaZona và các tình nguyện viên đã bắt đầu đếm số binh sĩ thiệt mạng từ tháng 2/2022.
Những ngôi mộ mới trong nghĩa trang giúp cung cấp tên của rất nhiều binh sĩ.
Chúng tôi cũng thực hiện rà soát thông tin công khai từ các báo cáo chính thức, từ báo chí và mạng xã hội.
Theo phát hiện của chúng tôi, đã có hơn 27.300 binh lính Nga thiệt mạng trong năm giao tranh thứ hai.
Điều này phản ánh cái giá rất lớn về sinh lực mà Nga phải trả cho việc giành được lãnh thổ.
Phản hồi báo cáo của BBC, phía Nga nói rằng chỉ Bộ Quốc phòng ở Moscow mới có thể cung cấp thông tin về thương vong.
Thuật ngữ “cối xay thịt” được sử dụng để mô tả cách Moscow liên tục điều quân tiến công nhằm bào mòn lực lượng Ukraine và đồng thời xác định vị trí của binh lính đối phương cho pháo binh Nga.
Con số hơn 50.000 binh sĩ thiệt mạng cao gấp tám lần con số thương vong chính thức duy nhất mà Moscow từng công bố vào tháng 9/2022.
Số binh lính Nga thiệt mạng thực tế có thể còn cao hơn nhiều.
Phân tích của chúng tôi không bao gồm số quân thiệt mạng ở hai tỉnh Donetsk và Luhansk thuộc miền đông Ukraine mà Nga đang chiếm đóng.
Số lính thiệt mạng sẽ còn cao hơn nếu tính thêm cả những khu vực này.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết việc cung cấp thông tin liên quan tới thương vong là "thuộc thẩm quyền của Bộ Quốc phòng", được quy định trong các luật về bí mật quốc gia và việc phổ biến thông tin trong "chiến dịch quân sự đặc biệt" - cụm từ Nga sử dụng để gọi cuộc chiến ở Ukraine.
Trong khi đó, Ukraine hiếm khi bình luận về mức độ thương vong của họ trên chiến trường.
Tháng 2/2024, Tổng thống Volodymyr Zelensky từng cho biết 31.000 lính Ukraine đã thiệt mạng.
Tuy nhiên, những ước tính dựa trên thông tin từ tình báo Mỹ cho thấy con số tổn thất lớn hơn.
Danh sách binh lính tử trận mới nhất của BBC và MediaZona cho thấy cái giá về người mà Nga phải trả khi thay đổi chiến thuật trên tiền tuyến.
Biểu đồ phía dưới chỉ ra sự gia tăng đột biến con số tử vong của quân đội Nga vào tháng 1/2023 - thời điểm Nga khởi động cuộc tấn công quy mô lớn vào vùng Donetsk của Ukraine.
Khi cố chiếm thành phố Vuhledar, việc Nga lựa chọn sử dụng chiến thuật “tấn công trực diện bằng làn sóng người là không hiệu quả”, theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW)
Theo ISW, “địa hình hiểm trở, cùng việc thiếu hụt hỏa lực và thất bại trong việc gây bất ngờ cho quân Ukraine” là những yếu tố dẫn tới số thương vong cao của quân đội Nga trong khi thắng lợi thì không được bao nhiêu.
Một đợt tăng đột biến khác xuất hiện vào mùa xuân năm 2023 – thời điểm diễn ra trận chiến giành Bakhmut, khi nhóm lính đánh thuê Wagner giúp Nga chiếm thành phố này.
Khi đó, Thủ lĩnh Wagner Yevgeny Prigozhin ước tính tổn thất của Wagner là khoảng 22.000 người.
Chiến dịch chiếm thành phố Avdiivka ở miền đông Ukraine vào mùa Thu năm 2023 cũng làm tăng đáng kể số quân lính Nga thiệt mạng.
Kể từ khi chiến tranh bắt đầu, những tình nguyện viên hợp tác với BBC và MediaZona đã đếm số lượng mộ của binh lính Nga tại 70 nghĩa trang trên khắp đất nước.
Theo không ảnh, các nghĩa trang đã được mở rộng một cách đáng kể.
Ví dụ, những bức ảnh của nghĩa trang Bogorodskoye ở tỉnh Ryazan, nằm về phía đông nam Moscow, cho thấy một phân khu hoàn toàn mới đã xuất hiện.
Hình ảnh và video từ thực địa cho thấy hầu hết những ngôi mộ mới này chôn binh lính và sĩ quan thiệt mạng ở Ukraine.
Có thêm phân khu mới ở nghĩa trang Bogorodskoye ở tỉnh Ryazan, Nga
Theo ước tính của BBC, cứ 5 binh sĩ Nga thiệt mạng thì có ít nhất 2 người chưa từng dính dáng tới quân đội trước khi Nga xâm lược Ukraine.
Nhà Phân tích Quốc phòng Samuel Cranny-Evans thuộc Viện Royal United Services Institute giải thích rằng vào thời điểm bắt đầu xâm lược Ukraine hồi năm 2022, Nga vẫn còn có thể sử dụng quân đội chính quy để tiến hành các hoạt động quân sự phức tạp.
Nhưng theo ông, nhiều binh lính dày dạn kinh nghiệm đã chết hoặc bị thương và được thay thế bởi những người có ít kinh nghiệm quân sự và chưa trải qua quá trình huấn luyện kỹ lưỡng - chẳng hạn như tình nguyện viên, dân thường và tù nhân.
Những người này không thể làm những điều binh lính chính quy có thể làm, ông Cranny-Evans giải thích.
"Điều này có nghĩa là họ phải thực hiện những nhiệm vụ đơn giản hơn rất nhiều, xét về mặt tác chiến – đại khái như tấn công trực diện vào vị trí của quân Ukraine với sự yểm trợ của pháo binh."
Việc chiêu mộ tù nhân đóng vai trò quan trọng trong sự thành công của chiến thuật "cối xay thịt". Và theo phân tích của chúng tôi, nhóm người này hiện đang bị giết nhanh hơn trên chiến trường.
Moscow đã cho phép thủ lĩnh Wagner Yevgeny Prigozhin bắt đầu chiêu mộ tù nhân từ tháng 6/2022.
Sau khi được huấn luyện, các tù nhân sẽ chiến đấu như một phần của lực lượng quân đội tư nhân phục vụ chính phủ Nga.
Tập đoàn Wagner nổi tiếng tàn bạo với chiến thuật chiến đấu không khoan nhượng và kỷ luật nội bộ sắt đá. Bất kỳ binh sĩ nào rút lui khi chưa có lệnh đều có thể bị xử tử ngay tại chỗ.
Wagner tiếp tục tuyển mộ tù nhân tới tháng 2/2023, khi mối quan hệ của họ với Moscow xấu đi. Từ đó, Bộ Quốc phòng Nga tiếp nối áp dụng chính sách tương tự.
Prigozhin đã tổ chức một cuộc nổi dậy bất thành chống lại lực lượng vũ trang Nga vào tháng 6/2023, nhưng đã cố tiến về Moscow trước khi chấp nhận quay đầu.
Tháng 8/2023, Prigozhin thiệt mạng trong một tai nạn máy bay.
Phân tích mới nhất của chúng tôi tập trung vào tên của 9.000 tù nhân Nga hiện đã thiệt mạng trên chiến trường.
Chúng tôi đã xác định được ngày bắt đầu hợp đồng quân sự và ngày thiệt mạng của hơn 1.000 người trong số đó.
Chúng tôi đã phát hiện rằng những cựu tù nhân này sống sót trung bình khoảng ba tháng khi hoạt động trong đội ngũ Wagner.
Tuy nhiên, như có thể thấy từ biểu đồ, những người được Bộ Quốc phòng Nga tuyển dụng chỉ sống sót trung bình khoảng hai tháng.
Bộ Quốc phòng Nga đã thành lập các đơn vị quân đội, thường gọi là các Tiểu đoàn Storm (Bão táp), với đa số thành viên là tù nhân.
Tương tự như các đơn vị tù nhân của Wagner, những nhóm này thường được coi là có thể thay thế dễ dàng và bị ném vào chiến trường một cách không thương tiếc.
“Lính Storm chỉ là những miếng thịt”, một binh sĩ từng chiến đấu cùng binh lính Storm nói với Reuters vào năm ngoái.
Gần đây, binh lính Storm đã đóng vai trò quan trọng trong trận chiến kéo dài nhiều tháng nhằm chiếm giữ thành phố Avdiivka.
Tám tuần trước, Avdiivka thất thủ trước Nga. Đây được coi là chiến thắng lớn nhất về mặt chiến lược và là thắng lợi mang tính biểu tượng của Tổng thống Putin kể từ trận chiến giành Bakhmut.
Khi hoạt động trong đội ngũ Wagner, tù nhân chỉ được huấn luyện quân sự trong hai tuần trước khi ra chiến trường.
Để so sánh, chúng tôi phát hiện một số tân binh của Bộ Quốc phòng Nga đã thiệt mạng ở tiền tuyến trong hai tuần đầu tiên của hợp đồng.
BBC đã phỏng vấn gia đình các binh sĩ tù nhân, của cả những người còn sống và đã chết.
Các gia đình cho biết quy trình huấn luyện quân sự do Bộ Quốc phòng cung cấp cho tân binh từ các nhà tù là không đủ.
Một góa phụ cho biết chồng bà đã ký hợp đồng với Bộ Quốc phòng khi ở trong tù vào ngày 8/4/2023.
Chỉ ba ngày sau, ông ta đã chiến đấu ở tiền tuyến.
“Tôi từng đinh ninh rằng sẽ có vài tuần huấn luyện như họ nói. Thế là tạm yên tâm cho tới ít nhất là cuối tháng Tư.”
Bà nói rằng mình đã đợi tin từ chồng, rồi bất ngờ nhận tin ông đã tử trận vào ngày 21/4/2023.
Mộ binh lính tại nghĩa trang Bakinskaya ở miền nam nước Nga
Một người phụ nữ khác cho biết chỉ hay tin chồng mình đã bị đưa thẳng từ nhà tù ra chiến trường khi tìm cách liên lạc với ông để báo tin con trai đã tử trận.
Người phụ nữ mà chúng tôi gọi là Alfiya này cho biết người con trai 25 tuổi của bà tên Vadim là cha của một cặp sinh đôi và chưa bao giờ cầm súng trước khi được huy động.
Bà kể rằng không thể báo cho chồng mình là Alexander về cái chết của con trai do ông đã bị “bắt đi” chiến đấu.
Bà chỉ biết ông đã ra trận qua cuộc điện thoại từ một tù nhân khác.
Alexander trưởng thành và có gia đình ở Ukraine, bà Alfiya kể.
Theo bà, ông này biết việc Nga nói rằng cuộc xâm lược Ukraine là để chống lại chủ nghĩa phát xít là “một lời nói dối”.
Khi những người tuyển quân lần đầu đến nhà tù, "anh ấy đã gạt phắt đi", bà hồi tưởng.
Khoảng bảy tháng sau khi con trai qua đời, Alfiya hay tin ông Alexander cũng đã chết.
Khi hoạt động trong đội ngũ Wagner, tù nhân thường ký hợp đồng sáu tháng. Nếu sống sót khi hết thời hạn, họ sẽ được trả tự do.
Tuy nhiên, từ tháng 9/2023, dưới sự chỉ huy của Bộ Quốc phòng Nga, tù nhân phải chiến đấu đến chết hoặc tới khi chiến tranh kết thúc, phụ thuộc vào điều nào đến trước.
Gần đây, BBC đã nghe những câu chuyện về việc tù nhân nhờ người thân mua giúp giày và quân phục thích hợp.
Cũng có những thông tin về việc tù nhân bị đưa ra chiến trường mà không có trang bị và vật tư y tế tiêu chuẩn, hay thậm chí là súng trường Kalashnikov.
"Rất nhiều binh sĩ được trang bị súng trường không phù hợp cho chiến đấu,” Vladimir Grubnik, một blogger ủng hộ chiến tranh của Nga, viết trên kênh Telegram của ông ta.
“Một lính bộ binh nên làm gì ở tiền tuyến khi không có đồ sơ cứu, chẳng có xẻng để đào và trong tay chỉ có khẩu súng trường hỏng? Thật là một điều bí ẩn!”
Grubnik, một người đóng quân ở miền đông Ukraine do Nga chiếm đóng, kể lại rằng khi chỉ huy phát hiện một số súng đã "hỏng hoàn toàn ", họ chỉ nói rằng "không thể" thay thế chúng.
"Súng trường đã được phân cho cá nhân. Hệ thống quân sự quan liêu và hà khắc chẳng thay đổi được gì."
Các cựu tù nhân cũng kể lại cái giá mà đồng đội của họ phải trả.
“Nếu ai đăng ký tham gia bây giờ thì hãy chuẩn bị tinh thần để chết," một người đàn ông tên Sergei viết trong một nhóm chat dành cho binh lính Storm và các gia đình.
Người này tự nhận mình là một cựu tù nhân tham chiến trong đơn vị Storm từ tháng 10/2023.
Một thành viên khác trên diễn đàn cho biết đã gia nhập một tiểu đoàn Storm gồm 100 binh sĩ từ năm tháng trước. Hiện người này là một trong số 38 người sống sót.
"Mỗi trận đánh như một canh bạc sinh tử vậy.”
Nguồn hình ảnh, Reuters
Yevgeny Prigozhin, thủ lĩnh đã chết của Wagner
18 tháng 4 2024, 09:29 +07 - BBC
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Hình ảnh ông Trump trong phòng xét xử ngày 16/4
Phiên tòa xét xử ông Trump đang gặp khó khăn trong việc tìm đủ người cho bồi thẩm đoàn.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đang trong quá trình bị xét xử với cáo buộc ông chi tiền để bịt miệng ngôi sao khiêu dâm Stormy Daniels.
Tới thứ Ba (16/4), một ngày sau khi phiên tòa bắt đầu, mới chỉ có bảy bồi thẩm viên được chọn tham gia phiên tòa.
Hiện phiên tòa vẫn đang trong quá trình lựa chọn để có đủ 12 người thường trực và sáu người dự bị. Quy trình lựa chọn bồi thẩm viên có thể kéo dài tới hai tuần.
Thẩm phán từng cảnh báo các luật sư của ông Trump rằng sẽ không dung thứ bất kỳ nỗ lực nào nhắm tới việc đe dọa bồi thẩm đoàn, sau khi cho hay ông Trump đã lầm bầm thành tiếng khi một bồi thẩm viên tiềm năng đang trả lời câu hỏi của thẩm phán.
Các công tố viên và luật sư của ông Trump đều công nhận tại tòa rằng gần như không thể tìm được một người Mỹ, đặc biệt là người New York, không có thiên kiến về ông Trump.
Tòa có thể phải sàng lọc hàng trăm người để tìm được một người phù hợp.
Dù danh tính của các bồi thẩm viên không được tiết lộ công khai do tính chất của vụ án, đội ngũ luật sư của ông Trump và các công tố viên sẽ biết những người này là ai.
Hôm thứ Hai 15/4, tại phiên tòa của ông Donald Trump ở New York, 60 trong số 96 bồi thẩm viên tiềm năng nhanh chóng cho biết họ không thể đưa ra đánh giá khách quan.
“Đơn giản là tôi không thể làm được,” một bồi thẩm viên tiềm năng nói sau khi bà rời tòa án.
Những người còn lại phải trả lời 42 câu hỏi về thói quen đọc tin tức hoặc liệu họ đã từng tham dự bất kỳ cuộc vận động hay và đọc bất cứ cuốn sách nào của cựu Tổng thống Trump hay chưa.
Một phụ nữ đã được hỏi: "Bà có ý kiến hay niềm tin mạnh mẽ nào về cựu Tổng thống Donald Trump, hoặc việc ông ấy đang tranh cử hay không? Liệu điều này có gây khó khăn cho bà trong việc trở thành một bồi thẩm viên khách quan và không thiên vị không?"
Bà trả lời một từ “có” và bị loại, dù ban đầu nhóm của ông Trump đã phản đối việc loại bà mà không giải thích lý do.
Những điều này cho thấy những thách thức của việc tìm kiếm một nhóm 12 bồi thẩm viên khách quan cho một vụ án đặc biệt như vậy. Nó liên quan đến bê bối tình ái của một cựu tổng thống đang tái tranh cử.
Ông Trump đối mặt với 34 trọng tội liên quan tới tội làm giả hồ sơ kinh doanh để che giấu khoản tiền bịt miệng trả cho ngôi sao phim khiêu dâm Stormy Daniels không lâu trước cuộc bầu cử Mỹ 2016.
Bà Daniels cho biết hai người đã quan hệ tình dục một lần vào khoảng một thập kỷ trước.
Văn phòng Công tố Viên Manhattan cáo buộc ông Trump chỉ đạo luật sư cũ của mình là Michael Cohen trả cho bà Stormy Daniels 130.000 USD để đổi lấy sự im lặng của bà.
Theo các công tố viên, ông Trump làm vậy để “tác động trái pháp luật” vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016.
Ông Trump hiện vẫn đang tuyên bố mình vô tội.
Theo luật thì ông Trump sẽ phải có mặt ở tòa. Ông cũng từng thề rằng sẽ ở tòa vào ban ngày và vận động tranh cử vào ban đêm.
Điều này không giống cách mà ông Trump trước nay vốn làm.
Tại các phiên tòa dân sự vừa kết thúc gần đây của ông, vị cựu tổng thống thỉnh thoảng mới xuất hiện và ra vào phòng xử án một cách tự do.
Tuy nhiên, lần này ông Trump là bị cáo trong một vụ án hình sự và sẽ không có được quyền tương tự.
Trả lời BBC, các chuyên gia nói rằng ông Trump sẽ phải có mặt tại tất cả các ngày của phiên tòa. Nếu ông vắng mặt, tòa có thể ban hành một lệnh bắt giữ.
Phiên tòa xét xử ông Trump, kéo dài từ sáu đến tám tuần, được cho là sẽ khiến chiến dịch tranh cử của ông bị phân tán nguồn lực và ảnh hưởng tới khả năng thách thức đối thủ của ông là Tổng thống Joe Biden.
Các chi phí pháp lý đồng thời cũng sẽ bào mòn quỹ tranh cử của ông.
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Ông Trump tuyên bố mình không có tội
Thẩm phán Tòa án Tối cao ở Manhattan, ông Juan Merchan, đã được chỉ định làm chủ tọa.
Ông có hơn 16 năm kinh nghiệm và chính là người đã giám sát phiên tòa về vi phạm thuế của Trump Organization diễn ra vào năm 2023.
Phiên tòa hình sự xét xử ông Trump lần này sẽ là vụ án quan trọng, thu hút sự chú ý của dư luận nhất mà ông Merchan thụ lý với tư cách thẩm phán.
Ông Trump trước đó từng cáo buộc rằng Thẩm phán Merchan “ghét” ông và do đó nên rời khỏi vụ án. Dù vậy, ông Merchan đã phủ nhận cáo buộc này.
Vị cựu tổng thống đã thuê một đội ngũ gồm hàng loạt luật sư cho các vụ án của mình. Đội ngũ đại diện ông ở phiên lần này do bà Susan Necheles và ông Todd Blanche dẫn dắt.
Công tố viên quận Manhattan Alvin Bragg, người đầu tiên buộc tội ông Trump, đã thuê một đội ngũ gồm tám luật sư tranh tụng có kinh nghiệm cho bên nguyên.
Các công tố viên đã thông báo với tòa rằng họ sẽ cần tối thiểu từ 15 đến 17 ngày để trình bày lập luận và bằng chứng của mình. Trường hợp hai bên không đồng thuận về một số điều khoản cụ thể, các công tố viên cho biết sẽ cần thêm thời gian.
Ông Cohen dự kiến sẽ là nhân chứng chủ chốt của bên nguyên. Do đó, khả năng cao là ông sẽ bị xét hỏi gắt gao về quá khứ đầy tranh cãi của mình.
Trong khi đó, cựu tổng thống được cho là sẽ lập luận rằng các cáo buộc nhằm vào ông là "vô căn cứ" và bị "chính trị hóa".
Ông đã nói điều tương tự về hàng loạt những phiên tòa xét xử ông dù không hề cung cấp bằng chứng bổ trợ các khẳng định này.
New York là một trong ba khu vực ở Mỹ cấm gần như tất cả việc ghi âm và ghi hình trong các phiên tòa, dù đã từng mở ngoại lệ cho phép ghi âm trong thời gian đại dịch.
Thẩm phán có quyền cho phép đặt máy quay trong phòng xử án và chúng ta thực sự đã có cái nhìn thoáng qua về phiên tòa xử ông Trump với cáo buộc gian lận dân dự.
Tuy nhiên, ông Merchan không cho phép đặt máy quay trong các phiên toà sơ thẩm và có vẻ không thay đổi quyết định này khi phiên tòa bắt đầu.
Điều đó có nghĩa, dù rất thu hút dư luận, chỉ số ít người dân và báo chí sẽ có mặt trong tòa án Manhattan để theo dõi phiên xét xử ông Trump.
Những người khác sẽ phải dựa vào thông cáo báo chí, các bản vẽ tay trong phòng xử và có lẽ là cả những bài đăng trực tuyến của ông Trump để mường tượng nốt diễn biến phiên tòa.
2024-04-17 - BBC
Chủ tịch Tập đoàn Thuận An, ông Nguyễn Duy Hưng, bị bắt kéo theo hàng loạt dự án của tập đoàn này bị rà soát. Một số quan chức tỉnh Bắc Giang cũng vướng vòng lao lý với cáo buộc liên quan đến Thuận An.
Ông Nguyễn Duy Hưng bị bắt, khởi tố vào ngày 15/4 về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và "Đưa hối lộ" khi Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) điều tra những sai phạm ở Tập đoàn Thuận An.
Ông Nguyễn Khắc Mẫn, Phó Tổng giám đốc của tập đoàn này, cũng bị bắt, khởi tố với cùng hai tội danh.
Còn ông Trần Anh Quang, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An, bị khởi tố, bắt giam về tội "Đưa hối lộ".
Cơ quan điều tra cũng khởi tố, bắt tạm giam ba bị can là lãnh đạo, cán bộ quản lý Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp, tỉnh Bắc Giang gồm: Nguyễn Văn Thạo - Giám đốc ban, Đàm Văn Cường - Phó Giám đốc ban và ông Hoàng Thế Du, Trưởng phòng ban.
Ba người này đều bị điều tra về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", riêng ông Thạo bị điều tra thêm tội "Nhận hối lộ".
Nguồn hình ảnh, Bộ Công an
6 bị can bị khởi tố, bắt tạm giam có liên quan đến Tập đoàn Thuận An
Trong diễn biến mới nhất, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Phú Yên hôm 16/4 đã yêu cầu UBND tỉnh này rà soát, báo cáo các dự án, gói thầu mà Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An thực hiện trên địa bàn tỉnh.
Tới ngày 17/4, kết quả rà soát cho thấy Phú Yên có một dự án có sự tham gia của Tập đoàn Thuận An với vai trò là nhà thầu phụ.
Đó là dự án nút giao thông khác mức đường số 2 khu đô thị Nam TP Tuy Hòa - đường Nguyễn Văn Linh (TP Tuy Hòa), có tổng mức đầu tư hơn 556 tỉ đồng.
Dự án này được đưa vào sử dụng từ cuối tháng 4/2022 và Thuận An là một trong ba nhà thầu đảm trách công trình, với khối lượng thi công trị giá 114 tỷ đồng, theo báo Tuổi Trẻ.
Ngoài ra, hiện ở Phú Yên, Tập đoàn Thuận An đang là nhà thầu thi công cầu Kỳ Lộ, trụ T9 đến T26, thuộc gói thầu số 13-XL dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía đông, đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh.
Dự án này có thời gian thi công hơn 1.020 ngày tính từ ngày khởi công (1/3/2023), do Ban quản lý dự án 85 (Bộ Giao thông vận tải) làm đại diện chủ đầu tư.
Ở Đắk Lắk, ngày 16/4, UBND tỉnh thông báo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Bộ Công an đã có văn bản đề nghị tỉnh cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến gói thầu của Công ty CP Tập đoàn Thuận An tại Đắk Lắk.
Cụ thể là thông tin liên quan đến gói thầu số 3 thi công xây dựng với chi phí hơn 481 tỷ đồng , thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Đông TP Buôn Ma Thuột và Thuận An là thành viên liên danh với giá trị hợp đồng mà doanh nghiệp này đảm nhận là khoảng 100 tỷ đồng.
Cũng trong ngày 16/4, tỉnh Quảng Nam đã tiến hành rà soát các công trình, dự án đầu tư trên địa bàn, có liên quan đến Tập đoàn Thuận An.
Đáng chú ý, báo Tuổi Trẻ dẫn nguồn tin cho biết việc Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Phú Yên đề nghị UBND tỉnh này rà soát các dự án của Thuận An là nhận chỉ đạo từ ngành dọc.
Có thể hiểu là Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam là bên đưa ra chỉ đạo về việc rà soát các dự án có liên quan đến Tập đoàn Thuận An.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương là cơ quan kiểm tra, giám sát chuyên trách của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (BCHTW), có nhiệm vụ tham mưu cho BCHTW, Bộ Chính trị và Ban Bí thư về nhiều mặt, có cả công tác nhân sự.
Các vụ kỷ luật quan chức cấp cao, có cả ủy viên Bộ Chính trị, cũng là do ủy ban này đề nghị. Đơn cử, ủy viên Bộ Chính trị khóa 13 là ông Trần Tuấn Anh, các ủy viên Bộ Chính trị khóa 12 gồm Nguyễn Văn Bình, Hoàng Trung Hải và nổi bật nhất là ông Đinh La Thăng cũng đều bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật trước khi chịu hình thức kỷ luật từ Trung ương Đảng.
Trong vụ án của Tập đoàn Phúc Sơn mới đây, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị kỷ luật các lãnh đạo, cựu lãnh đạo hai tỉnh Vĩnh Phúc và Quảng Ngãi gồm bà Hoàng Thị Thúy Lan (Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc), ông Lê Duy Thành (Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc), ông Đặng Văn Minh (Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi) và ông Cao Khoa (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi).
Như vậy, việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương "vào cuộc" cho thấy Tập đoàn Thuận An là vụ án nghiêm trọng, có thể liên quan đến cán bộ đảng viên cấp cao "thuộc diện Trung ương quản lý".
Ngày 15/4, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, cho biết hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an "đang tập trung lực lượng, mở rộng điều tra, làm rõ hành vi vi phạm của các bị can, sai phạm tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An và các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và thu hồi triệt để tài sản".
Tập đoàn Thuận An, tiền thân Công ty Cổ phần Phát triển Xây dựng và Thương mại Thuận An, được thành lập vào tháng 8/2004.
Vốn điều lệ của Thuận An tính đến tháng 8/2020 là 300 tỷ đồng và tăng lên 800 tỷ đồng vào năm 2021.
Tập đoàn này nổi tiếng trong lĩnh vực đầu tư và xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, kinh doanh mua bán điện và năng lượng tái tạo, cũng như đầu tư vào bất động sản.
Nhiều năm gần đây, Thuận An liên tục trúng hàng chục gói thầu xây lắp, trong đó có những gói thầu quy mô lớn như: cầu Sông Rút, cầu Cửa Hội, cầu Đồng Việt, cầu Máy Chai, cầu Kỳ Lộ, cầu Rạch Miễu 2...
Nguồn hình ảnh, Cổng thông tin tỉnh Bắc Giang
Lễ khánh thành cầu Đồng Sơn có sự góp mặt của các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang và ông Nguyễn Văn Thạo, Giám đốc Ban Quản lý dự án tỉnh Bắc Giang vào ngày 2/2/2024
Tại Bắc Giang, doanh nghiệp này đã trúng hai gói thầu xây dựng với tổng giá trị lên tới cả ngàn tỷ đồng. Trong đó, gói thầu thi công xây dựng dự án cầu Đồng Việt và đường dẫn lên cầu tại huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang là dự án khiến ông Hưng và các cán bộ tỉnh dính vào vòng lao lý.
Dự án cầu Đồng Việt có tổng mức đầu tư gần 1.500 tỉ đồng, trích từ nguồn ngân sách tỉnh và trái phiếu chính quyền địa phương. Đây là cầu dây văng đầu tiên và lớn nhất tỉnh Bắc Giang, nối Bắc Giang và Hải Dương.
Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh Bắc Giang làm chủ đầu tư.
Hồi tháng 6/2022, ông Nguyễn Văn Thạo, Giám đốc Ban quản lý dự án, đã ký quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu và ký hợp đồng với Liên danh: Thuận An - 168 Việt Nam - Trung Chính - đây cũng là nhà thầu duy nhất.
Ông Thạo đã bị khởi tố, tạm giam hôm 15/4/2024.
Ngoài ra, Thuận An đã tham gia dự án tại nhiều địa phương như Hà Nội, TP HCM, Ninh Thuận, Quảng Nam, Cần Thơ, Thái Nguyên, Bình Dương, An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Hà Giang, Tuyên Quang...
Đơn vị này đăng ký tham gia 51 gói thầu, trúng 39 gói, trượt 8 gói, 4 gói chưa có kết quả, với tổng giá trị trúng thầu là hơn 22.600 tỉ đồng.
Theo một số đánh giá, vụ án liên quan đến Tập đoàn Thuận An còn lớn hơn vụ án liên quan tới Tập đoàn Phúc Sơn mới đây.
2024-04-17 - BBC
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Một phụ nữ Việt Nam mang thai được cáng đi khi chiếc thuyền chở bà cùng 60 người khác đang tìm cách vượt eo biển Manche từ thành phố cảng Calais của Pháp để đến Anh vào ngày 1/4/2021
Chính phủ Anh đang nỗ lực thông qua Dự luật Rwanda để đưa người nhập cư trái phép sang Rwanda – một quốc gia ở Trung Phi.
Nỗ lực này đang được tái khởi động sau khi con số người tị nạn vượt biển vào Anh tăng đột biến trong ba tháng đầu năm 2024, trong đó người Việt chiếm số lượng đông nhất.
Bất kỳ ai “vào Vương quốc Anh bất hợp pháp” sau ngày 1/1/2022 đều có thể bị đưa đến Rwanda, không giới hạn số lượng.
Câu hỏi được đặt ra là di dân bất hợp pháp người Việt và các nước khác có thật sự đối diện nguy cơ bị đưa đến Rwanda hay không và khi nào?
Hồi năm 2022, một người Việt đang trú tại một khách sạn được Bộ Nội vụ Anh thuê tại Bournemouth nói với cộng tác viên của BBC Tiếng Việt rằng anh ta "đang vô cùng lo lắng".
Chính phủ Anh đã thảo ra một thỏa thuận 5 năm với Rwanda - một quốc gia nhỏ không giáp biển ở khu vực Trung Phi - cách Vương quốc Anh 6.500 km.
Theo đó, người tị nạn trái phép vào Anh sẽ được đưa đến Rwanda và Anh sẽ trả các khoản tiền lớn cho quốc gia châu Phi.
Đơn xin tị nạn của di dân sẽ được xử lý tại Rwanda.
Nếu được duyệt, họ có thể được cấp quy chế tị nạn và được phép ở lại Rwanda.
Nếu không, họ có thể nộp đơn xin định cư ở Rwanda với lý do khác hoặc xin tị nạn ở một "nước thứ ba an toàn" khác.
Không một người xin tị nạn nào có thể nộp đơn xin quay trở lại Vương quốc Anh.
Chưa có người xin tị nạn nào được đưa đến Rwanda.
Chuyến bay đầu tiên dự kiến khởi hành vào tháng 6/2022 nhưng đã bị hủy vì những vấn đề pháp lý.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã nhiều lần cho biết các chuyến bay sẽ cất cánh vào mùa xuân năm nay (tháng 3, 4, 5) nhưng không nêu rõ ngày cụ thể.
Nguồn hình ảnh, Reuters
Các vụ kiện khiến chuyến bay đầu tiên đưa di dân đến Rwanda đã bị hủy vào phút chót hồi tháng 6/2022
Tháng 11/2023, Tòa án Tối cao Vương quốc Anh đã ra phán quyết rằng kế hoạch Rwanda là bất hợp pháp.
Tòa lập luận rằng kế hoạch này có thể đặt những người thực sự cần/muốn tị nạn vào nguy cơ bị trục xuất về nước, nơi họ có thể phải đối mặt với sự bức hại.
Điều này vi phạm Công ước châu Âu về Nhân quyền (ECHR), trong đó cấm tra tấn và đối xử vô nhân đạo. Vương quốc Anh là một bên ký kết ECHR.
Phán quyết cũng viện dẫn những lo ngại về hồ sơ nhân quyền kém cỏi của Rwanda và cách đối xử nước này đối với người tị nạn.
Các thẩm phán cho biết vào năm 2021, chính phủ Anh chỉ trích Rwanda về "các vụ giết người phi pháp, tử vong khi bị giam giữ, cưỡng bức mất tích và tra tấn".
Các thẩm phán cũng nhấn mạnh một sự việc xảy ra vào năm 2018, khi cảnh sát Rwanda nổ súng vào những người tị nạn biểu tình.
Nguồn hình ảnh, TATO/AFP/Getty Images
Người dân Rwanda đang cầu nguyện tại thủ đô Kigali
Sau phán quyết của Tòa án Tối cao, Chính phủ Anh đã đưa ra một dự luật nhằm nêu rõ trong luật pháp Anh rằng Rwanda là một quốc gia an toàn.
Dự luật Rwanda - phải được cả hai viện của Quốc hội thông qua – yêu cầu các tòa án bỏ qua các phần quan trọng của Đạo luật Nhân quyền, một bước đi nhằm tránh né phán quyết của Tòa án Tối cao.
Dự luật này cũng buộc các tòa án phải bỏ qua các luật khác của Anh hoặc các quy tắc quốc tế - chẳng hạn Công ước về người tị nạn quốc tế - vốn cản trở việc trục xuất tới Rwanda.
Một số nghị sĩ chỉ trích dự luật này, cho rằng nó vi phạm luật pháp quốc tế. Những người khác lại cho rằng nó chưa đủ răn đe.
Dự luật đã được Hạ viện thông qua vào ngày 17/1, bất chấp sự phản đối của một số nghị sĩ Đảng Bảo thủ.
Dự luật được kỳ vọng sẽ được thông qua trong tuần này - với đa số phiếu đủ để có thể lật ngược các sửa đổi của Thượng viện.
Các tổ chức từ thiện hỗ trợ người xin tị nạn có kế hoạch khởi động các vụ kiện chống lại kế hoạch của chính phủ "càng nhanh càng tốt".
Chính phủ Anh cũng đã ký một hiệp ước di cư mới với Rwanda.
Bộ trưởng Nội vụ James Cleverley cho biết hiệp ước này đảm bảo rằng bất kỳ ai được đưa đến Rwanda đều sẽ không có nguy cơ bị trả về quê hương.
Hiệp ước nêu rõ rằng một ủy ban giám sát độc lập mới sẽ đảm bảo Rwanda tuân thủ các nghĩa vụ của mình và các thẩm phán Anh sẽ được đưa vào quy trình kháng cáo mới.
Kế hoạch Rwanda sẽ tốn bao nhiêu tiền?
Chính phủ Anh đã trả 240 triệu bảng (khoảng 7.600 tỷ đồng) cho Rwanda vào cuối năm 2023.
Tuy nhiên, tổng số tiền thanh toán ít nhất là 370 triệu bảng (11.730 tỷ) trong vòng 5 năm, theo Văn phòng Kiểm toán Quốc gia.
Nếu hơn 300 người được chuyển đến Rwanda, Vương quốc Anh sẽ trả một khoản tiền 120 triệu bảng (3.800 tỷ) để giúp thúc đẩy nền kinh tế nước này, với khoản thanh toán thêm là 20.000 bảng (634 triệu đồng) với mỗi cá nhân bị chuyển đến.
Ngoài ra, mỗi người được đưa đến Rwanda sẽ được trả tới 150.000 bảng Anh (4,8 tỷ đồng).
Những con số này sẽ không được trả đối với bất kỳ ai chọn đến Rwanda một cách tự nguyện.
Các số liệu chính thức được công bố trước đây cho thấy việc đưa mỗi cá nhân sang nước thứ ba sẽ tốn kém hơn 63.000 bảng Anh (2 tỷ đồng) so với việc giữ họ ở Anh.
Thủ tướng Rishi Sunak tuyên bố rằng kế hoạch của Rwanda sẽ "tiết kiệm cho chúng ta hàng tỷ bảng Anh về lâu dài theo đúng nghĩa đen," nhưng không giải thích các con số.
Hệ thống tị nạn của Vương quốc Anh tiêu tốn gần 4 tỷ bảng (127.000 tỷ đồng) mỗi năm, bao gồm tiền lưu trú khoảng 8 triệu bảng (253 tỷ đồng) mỗi ngày.
Tổng thống Rwanda Paul Kagame đã đề nghị trả lại số tiền mà Anh đã chuyển nếu không có người xin tị nạn nào được đưa đến đây.
17 tháng 4 2024, 12:08 +07 - BBC
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Ngân hàng SCB đứng trước nguy cơ sụp đổ sau khi bà Trương Mỹ Lan bị bắt
Việt Nam đã tiến hành một cuộc giải cứu “chưa từng có” đối với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) hiện đang chìm trong vụ lừa đảo tài chính lớn nhất nước, theo thông tin độc quyền của Reuters.
“Nếu không cho vay, SCB sẽ sụp đổ”, theo thông tin mà Reuters mới được cung cấp. “Nếu tiếp tục cho vay, kho bạc quốc gia sẽ dần cạn kiệt.”
Reuters không nêu cụ thể danh tính nguồn tin do tính nhạy cảm của vấn đề.
Tình huống này được mô tả là “chưa từng có” do khối lượng tiền mặt khổng lồ được bơm vào, sự phức tạp của hoạt động cũng như quy mô thiệt hại hiện tại và tiềm ẩn đối với hệ thống tài chính Việt Nam.
Reuters không thể xác định liệu các quan chức khác hiện đang tham gia giám sát SCB cùng có chung nhận định như trên về tác động đối với kho bạc nhà nước hay không.
Nợ công của Việt Nam năm ngoái ổn định ở mức 37% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), trong khi thâm hụt ngân sách tăng nhẹ lên 4,4% GDP. Theo Ngân hàng Nhà nước, dự trữ ngoại hối đạt khoảng 100 tỷ USD vào cuối năm nay. Con số này tăng từ khoảng 90 tỷ USD vào cuối tháng 10/2023, theo Văn phòng Nghiên cứu và Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 - cơ quan giám sát độc lập khu vực.
Tính đến đầu tháng Tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã bơm 24 tỷ USD "khoản vay đặc biệt" vào SCB, theo một trong những tài liệu mà Reuters đã xem. Tài liệu này cung cấp thông tin cập nhật hằng ngày kể từ ngày 29/3 về tổng số tiền bơm từ Ngân hàng Nhà nước.
Theo tài liệu này, việc bơm tiền đã chậm lại một chút nhưng đạt trung bình hơn 900 triệu USD mỗi tháng trong năm tháng qua.
Ngân hàng Nhà nước và SCB không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters. Một quan chức SCB từ chối bình luận khi Reuters liên lạc qua điện thoại.
Nguồn hình ảnh, EPA
Bà Trương Mỹ Lan trong phiên tòa sơ thẩm kết thúc ngày 11/4/2024
Các khoản tiền mặt mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trước đây âm thầm bơm cho SCB chiếm tới 5,6% tổng sản lượng kinh tế hằng năm của nước này, hay khoảng 1/4 dự trữ ngoại hối của Việt Nam. Các khoản bơm này chưa từng được báo chí đưa tin.
Ngân hàng Nhà nước đặt SCB dưới sự giám sát của mình để ngăn chặn tình trạng ồ ạt rút tiền sau vụ bắt giữ trùm bất động sản Trương Mỹ Lan vào tháng 10/2022.
Kể từ đó, SCB đã sử dụng số tiền được bơm để chi trả cho việc rút tiền mặt, theo một trong những tài liệu mà SCB đã gửi cho Ngân hàng Nhà nước vào tháng 11 để giải thích cho việc sử dụng các khoản vay.
Theo nguồn tin chính thức, sau khi Ngân hàng Nhà nước vào cuộc, tiền gửi của SCB đã giảm 80% xuống còn khoảng 6 tỷ USD vào tháng 12/2023.
SCB có thể hết tiền gửi vào giữa năm với tốc độ hiện tại và nợ xấu đã tăng lên 97,08% dư nợ tín dụng của SCB tính đến tháng 10.
Bà Trương Mỹ Lan bị bắt vào tháng 10/2022 đã gây ra vụ tháo chạy khỏi ngân hàng SCB.
Bà Lan đã bị kết án tử hình hôm 11/4 sau khi bị kết tội tham ô tài sản. Bà không nhận tội.
Bà Lan, trước đây là một nhân vật nổi bật trong làng tài chính Việt Nam, sẽ kháng cáo bản án của Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, một trong những luật sư của bà cho biết.
Bà Trương Mỹ Lan tiết lộ về tướng công an đã chết ▶️
Theo thông tin mới, bất chấp sự hỗ trợ chính thức từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 12, SCB vẫn tiếp tục gặp vấn đề về thanh khoản và đôi khi phải vật lộn để giải quyết các khoản thanh toán đúng hạn khi khách hàng chuyển tiền sang các ngân hàng khác và xử lý thanh toán qua hệ thống thanh toán chính của Việt Nam. Điều này ảnh hưởng đến “tâm lý” khách hàng và tạo ra rủi ro cho toàn bộ hệ thống tài chính ngân hàng.
Ngân hàng Nhà nước đã cung cấp cho SCB – từng là một trong những tổ chức cho vay thương mại lớn nhất nước tính theo lượng tiền gửi - 592.700 tỷ đồng (23,72 tỷ USD) dưới dạng "khoản vay đặc biệt" tính đến ngày 2/4, theo một tài liệu của ngân hàng mà Reuters được cung cấp.
Con số này tăng so với mức 478.000 tỷ đồng được bơm vào cuối tháng 10.
Việc này cho thấy thấy lượng tiềm bơm vào là 23.000 tỷ đồng (910 triệu USD) mỗi tháng kể từ tháng 11/2023.
Con số này đã giảm xuống so với mức bơm ban đầu là 3,7 tỷ USD mỗi tháng, trong khoảng tháng 10 và tháng 11/2022 và tốc độ hằng tháng là gần 1,2 tỷ USD từ đó đến tháng 10/2023.
Vạn Thịnh Phát: Những bí bật hé lộ tại tòa ▶️
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Vụ án bà Trương Mỹ Lan đã tác động lớn đến nền kinh tế Việt Nam
Ngành ngân hàng Việt Nam hiện đang phải đối mặt với rủi ro ngày càng cao do tình trạng bất ổn kéo dài trong lĩnh vực bất động sản.
Việc truy cứu trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức trong lĩnh vực tài chính là một phần trong chiến dịch “đốt lò” của chính quyền, gây ra cuộc khủng hoảng bất động sản, đè nặng lên nền kinh tế và phủ bóng lên triển vọng của các ngân hàng, Reuters bình luận.
Truyền thông Việt Nam cho biết Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ đã nhiều lần tìm kiếm sự giúp đỡ cho SCB từ khu vực tư nhân, đặc biệt là kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài, dù quy định hiện hành có giới hạn trần 30% về tổng sở hữu nước ngoài trong các ngân hàng Việt Nam.
Cuối năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước đã giao cho công ty bất động sản tư nhân Sungroup xây dựng kế hoạch tái cơ cấu SCB.
Sungroup đã không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.
Reuters không thể xác định liệu kế hoạch của Sungroup có được thông qua hay không.
Bất kỳ kế hoạch tái cơ cấu nào cũng sẽ xoay quanh việc đánh giá tài sản bất động sản mà bà Lan và các công ty của bà sử dụng làm tài sản thế chấp cho các khoản vay, nhưng tình trạng pháp lý của những tài sản đó thường không rõ ràng, vì nhiều tài sản vẫn đang chờ cấp phép trong khi một số tài sản khác vi phạm các quy định về đất công hoặc giấy phép xây dựng.
Một số tài sản bao gồm bất động sản có giá trị nằm tại các quận cao cấp ở TP HCM nhưng phần lớn là những dự án chưa hoàn thiện.
Tài sản của gia đình bà Lan ước tính 30 tỷ USD, một đại diện của gia đình nói với Reuters trong tháng này, trong khi công ty thẩm định thị trường Hoàng Quân, được ngân hàng trung ương thuê để định giá, định giá tài sản của bà khoảng 12 tỷ USD.
Reuters đưa tin hồi đầu tháng này rằng một số đối tác kinh doanh ở Hong Kong của bà Lan đã bày tỏ sự quan tâm đến các tài sản này.
Họ không trả lời yêu cầu bình luận thêm về lợi ích của họ đối với các tài sản này sau khi khi tòa ra phán quyết với bà Lan.
15 tháng 4 2024, 08:56 +07 - BBC
Nguồn hình ảnh, Võ Ngọc Ánh
Học sinh học Việt ngữ cuối tuần
Niềm mong ước con cháu có thể nói, nghe và hiểu được tiếng Việt là mối quan tâm của đa số người Việt ở hải ngoại. Tuy nhiên, cũng có nhiều người Việt tại Mỹ lại không chấp nhận chữ Việt mà gần 100 triệu người trong nước hiện đang sử dụng hằng ngày.
Cuộc nội chiến Quốc gia – Cộng Sản đã kết thúc gần nửa thế kỷ, nhưng sự hơn thua trong việc sử dụng tiếng Việt vẫn chưa thể kết thúc.
Con tôi năm nay bảy tuổi, đang học lớp 1 trong hệ thống giáo dục ở Mỹ. Vào cuối tuần, tôi cho con đi học tiếng Việt. Mỗi buổi học hơn hai giờ. Bé theo học tiếng Việt đã được 2 năm.
Sách học tiếng Việt con tôi đang học là cuốn Chúng em học tiếng Việt, do Trung tâm Việt ngữ Văn Lang, ở San Jose, California xuất bản. Trong sách này, để dạy ráp vần, phụ âm với nguyên âm và dấu (thanh sắc), tôi thấy nhiều từ, chẳng hạn như phị, hẽ, dỉ, xõ… Đây là những từ vốn dĩ không có nghĩa trong tiếng Việt, không còn được sử dụng, hoặc xa lạ trong thực tế hiện nay.
Tôi nghĩ, với trẻ mới bắt đầu học tiếng Việt, chúng ta nên dạy các từ đơn giản, được sử dụng rộng rãi mới là điều quan trọng. Không nên dạy các cháu những từ vô nghĩa, hoặc những từ đã không còn nhiều người sử dụng.
Giáo viên sẽ trả lời học sinh thế nào khi các em thắc mắc: “What does it mean?” - Từ này có nghĩa là gì?
Một giáo viên dạy Việt ngữ tại Mỹ nhiều năm chia sẻ, có khi gặp những từ khó hiểu các em hỏi mình không biết, phải hẹn lần sau. Về tìm hiểu không thấy nghĩa, nên khi gặp lại phải giả lơ cho qua. Bởi thật không hay chút nào khi nói với các em, cô không hiểu, hoặc từ đó không có nghĩa.
Với kinh nghiệm dạy Việt ngữ tại hải ngoại hơn 45 năm qua, và cũng là giảng viên dạy tiếng Việt tại khoa Ngôn ngữ và Văn hóa châu Á, tại Đại học California ở Los Angeles (UCLA), giáo sư Quyên Di cho rằng việc dạy tiếng Việt tại hải ngoại nên cập nhật từ vựng, tránh dùng từ không có nghĩa, hoặc từ hiện nay không còn mấy ai dùng.
Cũng như nhiều ngôn ngữ khác trên thế giới, tiếng Việt luôn có sự thay đổi để thích nghi. Một số từ sẽ bị mai một và mất đi, nhưng nhiều từ mới xuất hiện và thay thế sao cho thích hợp với hoàn cảnh và cuộc sống hiện tại.
Từ điển của một ngôn ngữ sống luôn cần phải cập nhật, dù đó là từ điển của Oxford hay tiếng Việt.
Thế nhưng, một số sách dạy Việt ngữ ở hải ngoại áp dụng cuốn từ điển “Việt Nam Tự Điển” do hội Khai trí Tiến Đức xuất bản năm 1931 tại Hà Nội, không hề được cập nhật. Với lý do cho rằng, cuốn sách này chuẩn mực. Điều này e rằng có vẻ không nên.
Trong 100 năm qua chữ Quốc ngữ đầy biến động, từ loại chữ hạng hai, đến được thừa nhận là ngôn ngữ chính thức, cùng các yếu tố của lịch sử. Cuốn từ điển được in gần một thế kỷ trước, nên dùng để nghiên cứu, đối chiếu hơn là áp dụng để dạy cho người mới học tiếng Việt hiện nay.
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Các em nhỏ gốc Việt trong một hoạt động tôn giáo tại Garden Grove, California vào năm 2023
Đơn cử, vì áp dụng cuốn từ điển trên nên sách dạy tiếng Việt có kiểu quy định y dài (y) và i ngắn (i) đa phần ngược với thực tế số đông đang sử dụng hiện nay. Cách viết phổ biến của tiếng Việt hiện nay là lợn ỉ, lý do, địa lý, một tỷ đô… Thế nhưng, trong sách dạy Việt ngữ mà một số trung tâm Việt ngữ ở hải ngoại biên soạn lại dạy viết lợn ỷ, lí do, địa lí, một tỉ đô…
Có quá nhiều ưu việt trong dùng ký tự Latin (chữ Quốc ngữ) để ghi âm tiếng Việt. Vì thế chữ Quốc ngữ đã thay thế chữ Hán, chữ Nôm và trở thành chữ viết chính thức của dân tộc. Nó trở thành ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực, từ giáo dục, đến hành chính, báo chí và sáng tác.
Dù chưa thể đưa ra quy tắc nghiêm ngặt cho chữ y dài (y) và i ngắn (i), nhưng hiện nay trong sáng tác, trên báo chí tiếng Việt ở trong nước lẫn hải ngoại, người ta cơ bản đã đồng thuận được với nhau khi nào thì dùng y dài và khi nào thì dùng i ngắn.
Nói về vấn đề này, giáo sư Quyên Di phân tích, việc không thống nhất được về cách viết được I ngắn, Y dài có lịch sử từ những năm đầu thập kỷ 30 của thế kỷ trước. Các nhà chuyên môn cũng cố gắng đưa ra quy tắc cho việc sử dụng Y dài, I ngắn khi nào, nhưng lại không thống nhất với nhau và hoàn toàn đúng để áp dụng như một công thức. Do đó, cần sử dụng cả quy tắc và thói quen dùng chữ I ngắn hay Y dài trong tiếng Việt. Để người Việt dù học tiếng Việt trong nước, hay ở hải ngoại dễ dàng hiểu nhau.
Người viết bài này thấy rằng, dạy tiếng Việt theo cách ở miền Nam trước đây, với nhiều từ khác biệt so với những từ đang được sử dụng rộng rãi và phổ biến hiện nay, sẽ tạo ra những khó khăn không cần thiết cho con em ở hải ngoại khi chúng tiếp xúc với cách viết khác biệt trong sách vở và báo chí đang dùng. Điều này chỉ tạo ra sự rối rắm không đáng có, cản trở trong việc tiếp nhận và hiểu tiếng Việt, dẫn đến việc yêu mến tiếng cha ông mà người Việt ở hải ngoại muốn gìn giữ gặp thêm khó khăn.
Là một người dạy ngôn ngữ, giáo sư Quyên Di cởi mở khi nói rằng: “Với tiếng Việt chữ nào đúng thì dùng, không nên phân biệt trong nước với hải ngoại. Ngay cả trong nước hiện nay cũng có nhiều từ được dùng không ổn cũng cần phải sửa.”
Trước năm 1975, tiếng Việt tại miền Nam và cả miền Bắc sử dụng rất nhiều từ có gốc Hán-Việt. Điều này do chữ Quốc ngữ được sử dụng như cách viết chính thức của một dân tộc chưa lâu, đã quen với ảnh hưởng hàng ngàn năm trong việc sử dụng chữ Hán, giai thoại, điển tích có gốc gác từ Trung Quốc là điều dễ hiểu.
Ở miền Nam trước năm 1975, việc phiên âm các tên riêng nước ngoài qua trung gian chữ Hán như New York được gọi là Nữu Ước, thủ đô Washington gọi là Hoa Thịnh Đốn, Australia gọi là Úc Đại Lợi, Canada gọi là Gia Nã Đại… giờ thì nghe lạ tai và khó hiểu.
Điều này còn có thể tại miền Nam trước năm 1975 để phản ứng lại sự ảnh hưởng nhanh chóng, rộng khắp của văn hóa phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ, nên nhiều trí thức đã phản ứng lại bằng cách dùng nhiều từ gốc Hán trong chữ Quốc Ngữ như giữ lại lề thói của cha ông.
Nguồn hình ảnh, Võ Ngọc Ánh
Một cuốn sách học tiếng Việt tại Mỹ
Việc nhiều người Việt ở hải ngoại đã học và đã sinh sống ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975 còn tình cảm với cách sử dụng chữ Quốc ngữ thời đó lẽ dĩ nhiên là điều nên được tôn trọng.
Tuy nhiên, chữ Quốc ngữ sử dụng trước năm 1975 với hiện nay đã có quá nhiều thay đổi. Đừng vì lý do tình cảm, hay yếu tố chính trị mà dạy cho con trẻ ở hải ngoại sử dụng tiếng Việt ở miền Nam trước năm 1975 và cho đây mới là tiếng Việt đúng và cần phải bảo tồn.
Tôi có thể nói, tiếng Việt trước năm 1975 ở miền Nam, giờ đã là ngôn ngữ không có tương lai. Không còn cơ quan công quyền nào sử dụng nó, không mấy ai dùng nó để sáng tác, và số người dùng nó ngày một ít đi.
Tại Mỹ bây giờ, việc dịch tiếng Anh ra tiếng Việt trong các tài liệu của cơ quan chính quyền, trường học, bệnh viện… cũng được dịch theo cách tiếng Việt trong nước đang dùng.
Do dó, tiếng Việt được thể hiện như thế nào sẽ do người Việt trong nước quyết định chứ không phải vài triệu người ở hải ngoại đang loay hoay trong việc giáo dục với hi vọng chúng hiểu được tiếng của cha ông.
Bởi thực tế con cháu tại hải ngoại học tiếng Việt thường là do cha mẹ, ông bà ép thúc chứ không phải là sự tự nguyện, hoặc ưa thích. Ngay cả con tôi cũng không thích các lớp học tiếng Việt, vì nó không vui như học ở trường.
Tại hải ngoại, khi thế hệ đầu sử đụng tiếng Việt trước 1975 ngày một ít đi, thì đến đời con, cháu,… việc sử dụng tiếng Việt lại càng khó khăn nếu không muốn nói là hiếm hoi hơn.
Đành rằng tiếng Việt của gần 100 triệu người trong nước đang sử dụng có nhiều từ xa lạ với người miền Nam trước năm 1975, vốn do thực tế của xã hội ảnh hưởng và chi phối, nhưng không thể vì thế mà “mặc” cho tiếng Việt ở trên chính quê hương của nó là chữ “Việt Cộng”, hay tiếng Việt trong nước là sai, chỉ có tiếng Việt ở hải ngoại mới đúng.
Điều lớn nhất của người Việt ở hải ngoại lo lắng là con cháu có nói, đọc, viết được tiếng của tổ tiên, cha ông hay không chứ không phải là chữ Việt Cộng hay Cộng hòa.
Tâm huyết dạy, học và gìn giữ tiếng Việt ở hải ngoại là điều đáng trân trọng. Các cá nhân, tổ chức soạn thảo rõ ràng đã đầu tư, cố gắng hoàn thiện. Nhưng dạy một ngôn ngữ cần phải cập nhật, chứ không nên dựng những rào cản chỉ để bảo tồn.
Để con cháu có thể nói được tiếng Việt thì cộng đồng, các trung tâm Việt ngữ, giáo viên, phụ huynh cần thống nhất với nhau về ngôn ngữ được sử dụng (trong) ở thực tế.
Mong rằng chuyện chính trị chi phối việc tiếp cận tiếng Việt rồi sẽ qua đi… để chỉ còn người Việt với nhau trong ngôn ngữ của cha ông, cái nền tảng quan trọng nhất để nhận biết cùng một dân tộc.
23 tháng 2 2017 - BBC
Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên với báo chí Việt Nam do nhà báo Cam Ly thực hiện và được in trong nước gần đây, nhà văn Nguyễn Thanh Việt (Viet Thanh Nguyen, giải thưởng Pulitzer năm 2016) đã nói:
Nguồn hình ảnh, vietnguyen.info
Nhà văn Nguyễn Thanh Việt
"Tôi đến Mỹ với tư cách là người tị nạn năm 4 tuổi. Ký ức của tôi bắt đầu từ lúc bị tách ra khỏi gia đình để 'nhập gia' với gia đình đỡ đầu là những người da trắng. Tôi lớn lên cùng với người Mỹ thuộc mọi nguồn gốc, và giữa những người tị nạn Việt Nam buồn bã."
Có lẽ nỗi buồn từ thời thơ ấu đã thấm đẫm vào từng trang văn của Nguyễn Thanh Việt, để giờ đây, cầm trên tay tập truyện ngắn The Refugees (tạm dịch Những người tị nạn), lòng tôi cũng nặng trĩu nỗi buồn. Buồn vì chiến tranh đã lùi xa bốn mươi hai năm nhưng những vết thương của nó vẫn còn rỉ máu. Buồn vì sự chia cắt trong lòng chính những người Việt với nhau vẫn còn sâu hoắm. Buồn vì những xung đột trên khắp thế giới vẫn đang biến hàng triệu người thành những người tị nạn, đẩy họ khỏi quê hương bản xứ, để rồi họ phải lang thang vào tương lai mờ mịt nơi xứ người.
Mở quyển sách, truyện ngắn đầu tiên Black-Eyed Women (tạm dịch Những người phụ nữ mắt đen) như một con thuyền đưa tôi trôi ngược về quá khứ. Bấp bênh trên những ngọn sóng hiện tại đan cài vào dĩ vãng, trên con thuyền ấy là một người mẹ và hai người con. Trong khi người con gái đang sống cùng người mẹ tại Mỹ, người con trai là một hồn ma - anh đã chết trong chuyến vượt biển của cả gia đình. Nỗi đau ký ức dai dẳng đến nỗi dù đã qua đời, anh vẫn hiện về bên mẹ và em gái trong bộ quần áo ướt lướt thướt. Và qua cuộc trò chuyện giữa hai anh em, tôi nhận ra sự thật khủng khiếp đằng sau cái chết của người anh, sự sâu thẳm của tình ruột thịt, và lý do tại sao người mẹ và người em gái đang sống dật dờ như đã chết. Dù chỉ mô tả thoáng qua chuyến vượt biển của những người tị nạn Việt Nam, Black-Eyed Women đã ám ảnh tôi đến nỗi vào buổi đêm sau đó, tôi đã mơ thấy những hồn ma. Họ đã nhìn xoáy vào tôi câu hỏi: 'Tại sao?'
Tại sao chiến tranh lại xảy ra? Tại sao con người lại tiếp tục chia rẽ con người? Sự chia rẽ đó không chỉ tồn tại trong hoặc ngay sau cuộc chiến, mà hậu quả của nó còn kéo dài trong rất nhiều thập kỷ, như trong truyện ngắn I'd Love You to Want Me (tạm dịch Em muốn anh khao khát em). Trong truyện ngắn này, quá khứ - với những đường viền ảo mờ là chiến tranh và loạn lạc - có nguy cơ chia rẽ vợ và chồng. Bà Khanh - người phụ nữ phải hy sinh công việc mà bà yêu thích để có thể chăm sóc chồng - dần nhận ra rằng chồng bà đang nhầm lẫn bà với một người phụ nữ khác. Người phụ nữ đó là ai và có vai trò thế nào trong thời gian chồng bà còn sống ở Việt Nam? Liệu việc bà và chồng đã cùng sống sót chuyến hành trình vượt đại dương, đã cùng vượt qua những ngày đầu ở California - nơi họ đã phải ăn đồ ăn mua bằng phiếu thực phẩm, mặc quần áo cũ do người khác bố thí - có đủ níu họ lại với nhau?
Với một bút pháp tài tình đan xen hiện tại và quá khứ, Nguyễn Thanh Việt khiến người đọc phải nhập thân vào những người tị nạn, bất kể họ là nam hay nữ, trẻ hay già. Một trong những người tị nạn đó là Liêm, một chàng trai mười tám tuổi đã chạy thoát khỏi những ngày cuối cùng của chiến tranh Việt Nam, chuyến hành trình khốc liệt đến nỗi khi đã đến trại tị nạn, 'khi nằm trên giường và lắng nghe những đứa trẻ chơi nhắm mắt chạy trốn ở lối đi giữa những chiếc lều, anh cố gắng quên đi những người đã bám vào không khí khi rơi xuống sông, một số người bị đánh ngã trong sự hỗn loạn, một số bị những người lính đang tuyệt vọng tìm đường tháo chạy bắn vào lưng '. Đến được San Francisco, tưởng như cuộc sống sẽ dễ dàng hơn. Nhưng Liêm đã phải tiếp tục đối diện với quá khứ bằng việc phải trả lời những câu hỏi, làm việc ở quán rượu, và sống cùng với người bảo trợ của anh - một người đồng tính. Từng sởn gai ốc khi bị những người đàn ông khác vô tình hoặc cố ý chạm vào người, liệu Liêm sẽ bị người khác giới tính cám dỗ? Hoặc chính anh sẽ là người cám dỗ?
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chiến tranh Việt Nam vẫn để lại những hậu quả
Trong số tám truyện ngắn hợp thành The Refugees, có lẽ War Years (tạm dịch Những năm chiến tranh) gần gũi với những trải nghiệm thời thơ ấu của nhà văn Nguyễn Thanh Việt nhất. Nhân vật chính trong truyện là một cậu bé có cha mẹ là chủ cửa hàng tạp hoá New Saigon Market (Sài Gòn Mới), giống như cha mẹ của Nguyễn Thanh Việt. Xoay quanh những hoạt động tại cửa hàng, sự quan sát trẻ thơ của cậu bé khiến mùi thơm gia vị, tiếng người lao xao trả giá và cuộc sống của cộng đồng Việt Nam tại San Jose hiện lên sinh động trên những trang sách. Trung tâm của câu chuyện ban đầu là cha mẹ cậu bé: những người tần tảo kiếm sống, thắt lưng buộc bụng lo cho con ăn học, tiết kiệm, và giúp đỡ họ hàng còn lại ở quê nhà. Và giữa cuộc sống tưởng như thanh bình đó, hiện lên một nhân vật đanh đá và sắc sảo - bà Hoa. Bà đang dốc sức vận động quyên góp tài trợ cho một nhóm du kích đang hoạt động tại Thái Lan. Mẹ cậu bé có nhiều lý do để từ chối ủng hộ cuộc vận động ấy, nhưng vì lo sợ công việc kinh doanh sẽ bị cộng đồng người Việt tẩy chay, quyết định đối diện với bà Hoa. Cậu bé đi cùng mẹ, để rồi cậu - người đã ngây thơ tưởng tượng "du kích là những người không cạo râu ria, bị muỗi cắn đầy mình, tóc bết lại, mệt mỏi trong những thứ quần áo rằn ri tơi tả, sống nhờ nước mưa, lợn rừng và rệp rừng, rèn kỹ năng đánh giáp lá cà bằng việc đâm lưỡi lê qua những quả mít" sẽ khám phá ra điều gì về cuộc chiến tranh mà cậu chưa từng trải nghiệm, khi cùng mẹ xộc vào nhà bà Hoa mà không hề báo trước?
Là một nhà văn tài năng có khả năng dẫn dắt người đọc vào những thế giới khác nhau của sự tưởng tượng, Nguyễn Thanh Việt hoàn toàn có thể viết về các chủ đề khác. Nhưng không. Trong ba quyển sách mà anh đã liên tục xuất bản trong thời gian gần đây, The Sympathizer (Cảm tình viên), The Refugees (Những người tị nạn), và Nothing Ever Dies: Vietnam and the Memories of War (Không có gì chết đi, Việt Nam và những ký ức chiến tranh), anh đã tạo dựng nên những thế giới đa chiều xoay quanh một trục chính: chiến tranh Việt Nam và những câu chuyện về người Việt, dù họ ở trong nước hay ở nước ngoài. Cũng trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Cam Ly, Nguyễn Thanh Việt đã nói: '…Các tác phẩm của tôi, mặc dù chủ yếu nói về người Việt và cuộc chiến tranh Việt Nam, nói cho cùng là để hướng tới những chủ đề to lớn hơn - chiến tranh và ký ức, quyền lực và lạm dụng quyền lực, loại trừ và dung nạp, bất công và đấu tranh giành lại công lý. Lịch sử của bản thân tôi - với tư cách là người tị nạn mà cả hai đất nước đều không muốn đón nhận - đã khiến tôi trở thành một người viết luôn ngờ vực chủ nghĩa dân tộc, chiến tranh, và những tác phẩm viết ra không vì mục đích tạo nên sự thay đổi.'
Khi đọc các câu chuyện trong The Refugees, người ta không thể không nhận ra sự thay đổi của từng nhân vật khi họ trải qua hành trình mà những người tị nạn buộc phải trải qua. Truyện ngắn The Americans (Những người Mỹ) được kể dưới con mắt của một cựu phi công - người đã từng điều khiển máy bay B-52 và ném bom xuống Việt Nam. Chưa từng đặt chân lên dải đất hình chữ S, ông đã chỉ nhìn dải đất đó từ độ cao hơn mười hai nghìn mét. Và ở trong buồng lái chật chội, trên con chim sắt khổng lồ mang trên mình ba mươi tấn bom, ông đã bay lên và cảm thấy mình tự do hơn tất cả. Ông tin rằng mình phải tấn công kẻ thù từ trên cao, để cứu mạng những người lính Mỹ trên mặt đất. Dường như ông chưa bao giờ có mặc cảm tội lỗi về hàng ngàn, hoặc hàng chục ngàn mạng người vô tội đã bị ông giết chết, ngoại trừ việc ông gặp ác mộng khi ngủ. Nhưng rồi khi vợ và con ông thuyết phục ông đến thăm Việt Nam, ông nhận thấy đất nước này nghèo hơn với những gì ông tưởng tượng. Và ông đã phải đối diện với hậu quả của chiến tranh, qua những bộ phận thân thể bị mất đi của những người thanh niên mà ông giáp mặt. Chưa từng hài lòng về con gái, giờ đây ông sẽ làm gì khi con ông muốn ở lại Việt Nam để chuộc tội thay cho cha mình? Có thể nói, với truyện ngắn này, Nguyễn Thanh Việt đã mở rộng định nghĩa về người tị nạn. Tị nạn để trốn chạy khỏi ký ức, khỏi mặc cảm tội lỗi, khỏi nỗi đau, khỏi sự day dứt của quá khứ.
Di sản mà những người tị nạn chiến tranh thừa hưởng từ cha mẹ mình thường bao gồm sự nghèo đói, hoặc sự bơ vơ lạc lõng trên đất khách quê người. Thay bằng việc mô tả những di sản thường gặp đó, Nguyễn Thanh Việt đảm nhiệm một công việc khó khăn hơn. Ngòi bút của anh bám rễ vào thế giới nội tâm của những người tị nạn để cất lên tiếng nói về di chứng tâm lý hậu chiến tranh. Trong truyện ngắn Someone Else Besides You (tạm dịch Một người khác ngoài bạn), người cha - người đã từng nhảy ra khỏi máy bay và chỉ huy một tiểu đoàn lính nhảy dù - sau bao năm vẫn dựng những đứa con trai dậy vào sáng sớm, bắt chúng tập luyện những bài tập thể hình. Để rồi sự chấn thương tâm lý của ông đã được người con trai thừa kế: anh dễ dàng bật khóc, suy sụp vì không thể cứu vãn cuộc hôn nhân với người vợ của mình.
Dẫu mang quốc tịch Mỹ, Nguyễn Thanh Việt đã luôn gắn bó với Việt Nam bằng sự trở về. Anh đã trở về bằng các chuyến đi, bằng ngòi bút, và bằng cả việc luôn tìm đọc các tác phẩm của các nhà văn Việt Nam trong nước. Anh đã trải lòng: '…tôi cố gắng đọc được càng nhiều sách càng tốt, qua các bản dịch. Dĩ nhiên những tác phẩm mà tôi được đọc giúp tôi cảm nhận thế nào là người Việt Nam - với tất cả sự đa dạng và những mâu thuẫn trong đó. Tôi cũng coi các tác phẩm của người Mỹ gốc Việt là một phần của nền văn chương và học thuật Mỹ và Việt Nam, và tôi hy vọng độc giả Việt Nam cũng nhìn nhận như thế. Cộng đồng Việt Nam hải ngoại là một phần của cộng đồng người Việt - ta không thể đơn giản hóa cộng đồng này chỉ bằng một định nghĩa duy nhất thế nào là người Việt Nam được. Đó chính là lý do chúng ta nên hướng tới sự đa dạng của các tác phẩm, để tránh rơi vào cách nhìn nhận sơ sài về bản sắc, dân tộc, và văn hóa.'
Trên con thuyền mang tên The Refugees, các nhân vật của Nguyễn Thanh Việt cũng trở về Việt Nam, qua các chuyến đi thực tế hoặc trong ký ức. Cuộc trở về được mô tả cặn kẽ nhất trong quyển sách là chuyến đi của Vivien, một người được sinh ra ở Việt Nam nhưng đã rời khỏi quê cha đất tổ cùng mẹ và hai em trên một chiếc thuyền. Sẽ dễ dàng hơn nếu Nguyễn Thanh Việt mô tả cuộc trở về đó qua chính đôi mắt của anh - một người Mỹ gốc Việt. Nhưng không, anh đã vào vai của Phương - một cô gái, người em cùng cha khác mẹ với Vivien. Tốt nghiệp ngành sinh học và không tìm được việc làm, Phương đành phải khom người làm công việc bồi bàn tại nhà hàng Nam Kha trên đường Đồng Khởi. Cô đã đón chào Vivien bằng sự vui mừng khấp khởi thường thấy của những người Việt trong nước khi có người thân từ nước ngoài trở về. Nhưng rồi, Phương đã dần bóc tách được vỏ bọc cuộc sống dường như thành công mỹ mãn của chị cô, để chạm tới một bí mật sâu thẳm. Bí mật đó đã dẫn đến một hành động hết sức bất ngờ của Phương, và khi tro tàn của điều cô làm bay lên, cô chợt nhận ra rằng bầu trời Sài Gòn trong vắt và đẹp xiết bao.
Ở trang đầu tiên của The Refugees, Nguyễn Thanh Việt đã đề tặng tác phẩm cho những người tị nạn ở khắp mọi nơi. Với tập truyện ngắn này, có thể nói Nguyễn Thanh Việt đang tiếp thêm cho những người tị nạn sức mạnh của hy vọng. Đó là hy vọng của về mối quan hệ tốt hơn với các thành viên trong gia đình, về sự khởi nguồn của cuộc sống mới, về sự đồng cảm của cộng đồng và về những giây phút bình yên.
Vốn yêu thích The Sympathizer, tôi ngạc nhiên khi The Refugees không mang dáng dấp hoặc bị ảnh hưởng chút nào bởi giọng văn hài hước, mỉa mai và cay đắng vốn hiện hữu trong The Sympathizer. Vừa trĩu nặng nỗi buồn nhưng cũng vừa lấp lánh vẻ đẹp của tình nhân ái và sự hy vọng, The Refugees vừa mới ra mắt vào tháng hai năm nay nhưng đang được bạn đọc khắp thế giới nhiệt liệt đón nhận. Quyển sách đã được các tờ báo hàng đầu như Guardian, New York Times, Washington Post đánh giá cao. Dù viết về người Việt, những câu chuyện của Nguyễn Thanh Việt không chỉ dành cho người Việt. Anh là một trong những tác giả hiếm hoi được vinh danh với các giải thưởng văn học uy tín, ở cả thể loại hư cấu và phi hư cấu.
Với The Refugees, Nguyễn Thanh Việt tiếp tục khẳng định anh không phải là một ngọn gió thoảng qua trên diễn đàn văn học thế giới, mà là một tác nhân thay đổi diễn đàn văn học đó.
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả, hiện đang nghiên cứu tiến sĩ (đề tài hậu quả chiến tranh Việt Nam) với trường Đại học Lancaster và là tác giả của chín quyển sách thơ, hư cấu và phi hư cấu, bao gồm tập thơ song ngữ Việt Anh The Secret of Hoa Sen (Bí mật của hoa sen, NXB BOA Editions, New York).