logo-vuot
acrobat  📂  🏠   

BBC - 2

Ông Vương Đình Huệ xin thôi chức, Đảng đồng ý

26.4.2024 - BBC


Ông Vương Đình Huệ (bìa trái) đã được Đảng Cộng sản Việt Nam cho thôi chức

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã được Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đồng ý cho thôi chức. Quyết định chấn động này vừa được đưa ra trong cuộc họp bất thường vào hôm nay (26/4).

Theo đó, ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, đã được Đảng đồng ý cho thôi tất cả các chức vụ về mặt đảng và nhà nước.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đồng ý cho Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13, Chủ tịch Quốc hội khóa 15, nhiệm kỳ 2021-2026.

Theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, ông Vương Đình Huệ đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và chịu trách nhiệm người đứng đầu theo các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Thông báo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng sau cuộc họp ngày 26/4 đăng trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ nêu rõ: “Đồng chí Vương Đình Huệ là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, được đào tạo cơ bản, trưởng thành từ cơ sở; được phân công giữ nhiều chức vụ lãnh đạo quan trọng của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, theo báo cáo của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, Đồng chí đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và chịu trách nhiệm người đứng đầu theo các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Những vi phạm, khuyết điểm của đồng chí Vương Đình Huệ đã gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân Đồng chí. Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, Đồng chí đã có Đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công và nghỉ công tác.

"Căn cứ quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước và xem xét nguyện vọng của đồng chí Vương Đình Huệ, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để đồng chí Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ: Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.”

Thông báo không cho biết ông Huệ “chịu trách nhiệm người đứng đầu” do sai phạm nào và của ai.

Tuy nhiên, mới đây, vào ngày 21/4, ông Phạm Thái Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý của của ông Huệ, đã bị bắt, khởi tố về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” có liên quan đến vụ án tại Tập đoàn Thuận An.

Khoảng một tháng trước, cựu Chủ Tịch nước Võ Văn Thưởng cũng đã bị miễn nhiệm. Khi đó, ông Huệ là một trong số ít ủy viên Bộ Chính trị đủ tiêu chuẩn theo Quy định 214-QĐ/TW cho vị trí chủ tịch nước kế nhiệm.

Nhưng hơn một tháng sau đó, ông Huệ cũng “nối gót" ông Thưởng khi “xin thôi" các chức vụ. Bộ Chính trị khóa 13 đầu khóa có 18 người, nay thêm sự ra đi của ông Huệ, con số này chỉ còn 13.

Trước đó, BBC đã đưa tin về việc có khả năng ông Vương Đình Huệ mất chức theo Quy định 41 của Bộ Chính trị.


Ông Vương Đình Huệ từng là một ứng cử viên sáng giá cho vị trí chủ tịch nước sau khi ông Võ Văn Thưởng từ chức

Nguyên nhân từ chức?

Việc ông Phạm Thái Hà, trợ lý thân cận của ông Huệ bị bắt, khởi tố có thể là một trong những nguyên nhân khiến ông Huệ phải “xin thôi".

Tới đây, cùng mối quan hệ giữa ông Huệ và ông Hà - người được cho là thân tín của ông Huệ.

Trước khi làm trợ lý cho ông Vương Đình Huệ tại Quốc hội, ông Phạm Thái Hà từng theo ông Huệ qua nhiều cơ quan.

Theo thông tin của VOV, trong thời gian ông Vương Đình Huệ làm Tổng kiểm toán Nhà nước từ năm 2006 đến 2011, ông Phạm Thái Hà đã là trợ lý của ông.

Sau đó, khi ông Huệ trải qua các chức vụ quan trọng như Bộ trưởng Tài chính giai đoạn 2011-2012, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương giai đoạn 2012-2016, Phó Thủ tướng giai đoạn 2016-2020, ông Phạm Thái Hà vẫn là người trợ lý thân cận của ông Huệ.

Kể cả khi ông Vương Đình Huệ chuyển sang làm Bí thư Thành ủy Hà Nội (2020-2021), ông Phạm Thái Hà vẫn theo chân ông.

Tháng 4/2021, ông Huệ trở thành Chủ tịch Quốc hội, một trong “Tứ Trụ” của Việt Nam, ông Hà cũng chuyển sang làm trợ lý Chủ tịch Quốc hội.

Và chỉ sau đó hơn một năm, vào tháng 5/2022, ông Phạm Thái Hà chính thức được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Như vậy, mối quan hệ gần gũi giữa ông Vương Đình Huệ và ông Phạm Thái Hà là rất rõ ràng và chính thức, chứ không phải là chuyện nhận định hay đồn thổi..


Ông Vương Đình Huệ và ông Phạm Thái Hà có mối quan hệ gần gũi trong nhiều năm

Nếu chiếu theo Quy định số 41-QĐ/TW năm 2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ, ông Vương Đình Huệ có thể đã bị xử lý do những sai phạm của ông Phạm Thái Hà.

Điều 7 của quy định này nêu rõ:

1. Miễn nhiệm đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng.

2. Người đứng đầu lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực thì tuỳ tính chất, mức độ sai phạm để xem xét cho từ chức.

3. Cho từ chức đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng.

Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Luật Thế Giới Luật Pháp, phân tích với BBC rằng, về bản chất, tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” mà ông Hà bị khởi tố thuộc nhóm các tội tham nhũng.

"Do đó, căn cứ vào Khoản 1 Điều 7 Quy định 41-QĐ/TW ngày 3/11/2021 của Bộ Chính Trị là miễn nhiệm đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng, thì đủ điều kiện để xem xét miễn nhiệm đối với ông Vương Đình Huệ," luật sư đánh giá.

Theo Luật sư Phùng Thanh Sơn, ngay cả khi cho rằng tội danh mà ông Hà bị khởi tố không phải là tội danh thuộc nhóm các tội danh tham nhũng thì cũng đủ điều kiện để xem xét miễn nhiệm đối với ông Vương Đình Huệ.

Bởi lẽ, Khoản 1 Điều 7 này không quy định phải xảy ra đồng thời tham nhũng và tiêu cực rất nghiêm trọng thì mới bị xem xét miễn nhiệm.

Tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” có khung hình phạt lên đến mức chung thân, được xếp vào nhóm “đặc biệt nghiêm trọng”, theo Luật sư Sơn.

Như vậy, có khả năng, ông Huệ đã thôi chức khi chịu trách nhiệm người đứng đầu vì sai phạm của cấp dưới là ông Phạm Thái Hà.

Những tiền lệ ‘chịu trách nhiệm người đứng đầu'

Trước ông Vương Đình Huệ, đã có hàng loạt cán bộ cấp cao ở Việt Nam xin thôi chức với lý do "trách nhiệm người đứng đầu".

Ngày 20/3, ông Võ Văn Thưởng đã xin thôi giữ các chức vụ trong đảng và nhà nước vì đã có "những vi phạm, khuyết điểm gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân ông".

Đầu năm nay, ngày 31/1/2024, ông Trần Tuấn Anh đã bị cho thôi các chức vụ ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

Tháng 1/2023, ông Nguyễn Xuân Phúc, người tiền nhiệm của ông Thưởng, đã phải thôi chức khi "chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có 2 đồng chí phó thủ tướng, 3 bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng".

Hai phó thủ tướng nói trên là ông Phạm Bình Minh và ông Vũ Đức Đam.

Trong một bài viết trên trang VOV có nhan đề Từ chức, miễn nhiệm theo Quy định 41: Giá trị của đạo làm quan, tên của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và hai Phó Thủ tướng là Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam đã được nêu ra làm ví dụ.


Trước ông Vương Đình Huệ, đã có bốn ủy viên Bộ Chính trị của khóa hiện tại, gồm (từ trái qua) Phạm Bình Minh, Trần Tuấn Anh, Võ Văn Thưởng, Nguyễn Xuân Phúc mất chức. Có thể những người này đã bị miễn nhiệm theo Quy định 41.

Với trường hợp ông Phạm Bình Minh, vào tháng 9/2022, cựu trợ lý của ông Minh là ông Nguyễn Quang Linh đã bị cơ quan an ninh điều tra khởi tố, bắt giam về tội nhận hối lộ hơn 4,2 tỷ đồng trong đại án “chuyến bay giải cứu”.

Ông Nguyễn Quang Linh được bổ nhiệm làm trợ lý cho Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh gần 10 năm, từ ngày 31/12/2013 cho đến khi bị bắt. Vào tháng 4/2023, ông Linh đã bị tuyên 7 năm tù.

Thời điểm truy tố và tuyên án ông Nguyễn Quang Linh xảy ra sau thời điểm ông Phạm Bình Minh bị miễn nhiệm (1/2023).

Tuy nhiên, ngay sau khi ông Linh bị khởi tố, bắt tạm giam với tội danh “Nhận hối lộ”, là một trong tội phạm thuộc về nhóm tội tham nhũng, thì về mặt Đảng, đã có thể đưa vấn đề trách nhiệm người đứng đầu ra xem xét rồi.

Do đó, lãnh đạo trực tiếp của ông Linh là Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh có thể đã bị xem xét kỷ luật theo Khoản 3 Điều 7 của Quy định 41, dù Đảng Cộng sản Việt Nam chưa từng công bố rõ ràng điều này.

Từ các phân tích trên, có thể thấy thực chất thì trước ông Vương Đình Huệ, đã có bốn ủy viên Bộ Chính trị của khóa hiện tại gồm Võ Văn Thưởng, Trần Tuấn Anh, Nguyễn Xuân Phúc và Phạm Bình Minh bị miễn nhiệm theo Quy định 41, dù thông báo của Trung ương Đảng không đề cập đến Quy định này.

Sự nghiệp ông Vương Đình Huệ

Ông Vương Đình Huệ sinh năm 1957 tại xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Ông là Ủy viên Bộ Chính trị khóa 12, 13 và là Chủ tịch Quốc hội khóa 15 từ ngày 20/7/2021.

Ông có học hàm, học vị giáo sư, tiến sĩ kinh tế, từng là nghiên cứu sinh tại Đại học Kinh tế Bratislava, Cộng hòa Slovakia.

Ông từng là giảng viên, rồi phó trưởng khoa, trưởng khoa Kế toán, rồi phó hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính-Kế toán Hà Nội.

Từ năm 2001 đến 2013, ông Huệ đảm nhận các chức vụ: Phó Tổng Kiểm toán, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Bộ trưởng Tài chính.

Ông Huệ là Trưởng Ban Kinh tế Trung ương giai đoạn 2012 - 2016.

Tại Đại hội Đảng 12 vào tháng 1 năm 2016, ông được bầu vào Bộ Chính trị, nhóm các nhân vật quyền lực nhất của Việt Nam.

Sau đó, vào tháng 4/2016 ông Vương Đình Huệ trở thành Phó Thủ tướng Chính phủ dưới thời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Tháng 2/2020, sau khi ông Hoàng Trung Hải bị kỷ luật, Bộ Chính trị đã đưa ông Huệ về làm Bí thư Thành ủy Hà Nội.

Tại Đại hội Đảng 13, ông Huệ tiếp tục vào Ban chấp hành Trung ương khóa 13 và Bộ Chính trị.

Tới ngày 31/3/2021, ông Vương Đình Huệ chính thức trở thành Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia thay bà Nguyễn Thị Kim Ngân.

Hồi năm 2011, khi ông Huệ trở thành Bộ trưởng Tài chính, một số tờ báo tại Việt Nam đã kể câu chuyện rằng: Thuở nhỏ, những lần đèn cạn dầu, ông Huệ từng bắt đom đóm bỏ vào quả cà rỗng để học bài.

Báo chí cũng từng viết câu chuyện tương tự về ông Trần Đại Quang khi ông này làm chủ tịch nước.

Nói đến ông Vương Đình Huệ, công chúng còn nhớ câu nói lúc còn làm Bộ trưởng Tài chính khi phê bình báo Sài Gòn Tiếp Thị rằng: “Vì sao báo tiếp thị mà lại đi viết chuyện chính trị?”

Chuyến công du cuối cùng

Hoạt động nổi bật gần đây của ông Huệ là chuyến công du kéo dài năm ngày tới Trung Quốc, từ ngày 7/4 tới ngày 12/4.

Do chuyến thăm diễn ra chỉ khoảng nửa tháng sau khi ông Võ Văn Thưởng bị miễn nhiệm chức vụ chủ tịch nước và Việt Nam bị đánh giá là “bất ổn chính trị”, chuyến đi của ông Huệ đã trở thành tâm điểm chú ý.

Về chuyến đi này, báo chí Việt Nam và Trung Quốc đã có cách tường thuật khác biệt.

Theo Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), ông Huệ khẳng định “Việt Nam kiên quyết thực hiện chính sách ‘Một Trung Quốc’, tin rằng Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc và kiên quyết phản đối mọi hình thức của các hoạt động ly khai ‘Đài Loan độc lập’.”

CCTV còn dẫn lời ông Huệ rằng “vấn đề Hong Kong, Tân Cương và Tây Tạng cũng là vấn đề nội bộ của Trung Quốc và Trung Quốc chắc chắn sẽ duy trì ổn định và thịnh vượng dài lâu”.

Trong khi đó, cổng thông tin điện tử của Chính phủ Việt Nam chỉ thuật lại chỗ này bằng một câu ngắn gọn rằng ông Vương Đình Huệ khẳng định Việt Nam nhất quán thực hiện chính sách “Một Trung Quốc”.

Các trang báo chính thống tại Việt Nam cũng có nội dung đồng nhất như vậy, có thể hiểu là đã có một sự “quán triệt” về cách đưa tin.

Đây không phải là lần đầu tiên cách truyền thông của nhà nước Trung Quốc và Việt Nam có độ vênh rõ rệt về ngôn ngữ.

Ông Phạm Thái Hà đã tháp tùng ông Vương Đình Huệ trong chuyến công du trên. Sau khi về Việt Nam, ông Phạm Thái Hà đã bị “công an hỏi thăm”, trước khi thông tin ông bị khởi tố được công bố vào ngày 22/4.

🔝

Những dấu hiệu lạ sau vụ bắt ông Phạm Thái Hà, trợ lý của ông Vương Đình Huệ

25.4.2024 - BBC

Trang Thông tin Chính phủ trên Facebook đột ngột biến mất trong hai ngày 24 và 25/4. Cổng thông tin điện tử Quốc hội Việt Nam đang trong tình trạng bảo trì vào chiều 25/4 giữa những đồn đoán về thay đổi nhân sự cấp cao.

Lịch làm việc mới được cập nhật của một ủy viên Trung ương Đảng cho thấy người này sẽ đi công tác vào ngày 26/4 tại Hà Nội.

Hơn một tháng trước, vào ngày 20/3, Trung ương Đảng đã họp bất thường để quyết định cho ông Võ Văn Thưởng thôi chức chủ tịch nước. Cuộc họp này không hề được thông báo ra bên ngoài. Tuy nhiên, lúc bấy giờ, BBC News Tiếng Việt đã dựa vào lịch họp của một số quan chức cấp tỉnh và cấp bộ là ủy viên Trung ương Đảng để xác định vào buổi chiều hôm đó, tại trụ sở Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ có cuộc họp.

Đúng như thông tin mà chúng tôi đã đưa, Trung ương Đảng đã họp vào buổi chiều 20/3 và đồng ý cho ông Thưởng “thôi chức”.

Giờ đây, sau vụ bắt giữ ông Phạm Thái Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội, trách nhiệm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã được đặt ra.

Trong bài viết trước, BBC News Tiếng Việt đã chỉ rõ quy định của Đảng Cộng sản Việt Nam (Quy định 41-QĐ/TW 2021) về việc lãnh đạo phải từ chức hoặc bị miễn nhiệm trong trường hợp để xảy ra sai phạm, tiêu cực trong cơ quan do mình lãnh đạo.

Nhắc lại, vào ngày 22/4, Bộ Công an thông báo đã khởi tố, bắt giam ông Phạm Thái Hà về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" theo quy định tại Khoản 4, Điều 358, Bộ Luật Hình sự.

Ông Phạm Thái Hà là nhân vật thân cận với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, là nhân viên thuộc quyền quản lý của ông Vương Đình Huệ tại Quốc hội, nên việc đặt ra trách nhiệm của ông Huệ là cần thiết và đúng với quy định của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Chuyển biến lạ trên mạng

Trang Thông tin Chính phủ trên Facebook đột nhiên biến mất khỏi nền tảng này từ ngày 24/4.

Tới ngày 25/4, Cổng thông tin Điện tử Quốc hội thông báo đang bảo trì, không thể cập nhật. Vào cuối buổi chiều, một phần trang này đã được khôi phục, nhưng hoạt động không ổn định.

Về lịch làm việc của cán bộ là ủy viên Trung ương Đảng, chúng tôi nhận thấy ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư tỉnh ủy Hậu Giang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng (BCHTW), có lịch "đi công tác tại Hà Nội" vào thứ Sáu ngày 26/4/2024.

Cụ thể, lịch làm việc trên Cổng thông tin Tỉnh ủy Hậu Giang và Cổng thông tin UBND tỉnh Hậu Giang ở mục ngày 26/4 có ghi:

"Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đi công tác Hà Nội."

Tháng 3 vừa rồi, BCHTW cũng có cuộc họp bất thường để miễn nhiệm Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng vào ngày 20/3, Cổng thông tin Tỉnh ủy Hậu Giang cũng thông báo lịch làm việc:

"Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy dự Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Điểm tại Trụ sở Trung ương Đảng, số 1 Hùng Vương, Ba Đình Hà Nội."

Lúc bấy giờ, sau khi BBC đưa tin về việc Trung ương Đảng họp bất thường, Cổng thông tin của chính quyền tỉnh Hậu Giang đã chỉnh sửa nội dung thành "Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đi công tác Hà Nội".

Giờ đây, việc ông Nghiêm Xuân Thành có lịch công tác tại Hà Nội vào ngày 26/4 cũng đang làm dấy lên nhận định Trung ương Đảng sẽ có cuộc họp bất thường vào ngày này.


Lịch làm việc ngày 20/3 của Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang được chỉnh sửa sau khi BBC đưa tin về BCHTW có hội nghị bất thường


Lịch làm việc của Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang vào ngày 26/4 có sự tương đồng với ngày 20/3 khi Trung ương Đảng có hội nghị bất thường

Hồi tháng 3, Cổng thông tin điện tử Ủy ban Dân tộc từng đăng lịch làm việc cho thấy Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Hầu A Lềnh (ủy viên Trung ương Đảng) và Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr (ủy viên dự khuyết) có lịch dự hội nghị Trung ương Đảng, trùng với lịch của ông Nghiêm Xuân Thành.

Tuy nhiên, vào chiều 24/4, khi BBC vào lại trang này thì gặp được thông báo về việc "bảo vệ bí mật Nhà nước" nên "dừng cập nhật Lịch công tác của Lãnh đạo Ủy ban trên Cổng thông tin điện tử". Chủ trương này bắt đầu triển khai từ tuần làm việc 14 (từ ngày 1/4/2024).

Với lý do "bảo vệ bí mật Nhà nước" như vậy, người dân khó có thể tiếp cận những thông tin về lịch làm việc vốn dĩ nên công khai.

Hình thức hoạt động của BCHTW là hội nghị. Các hội nghị được tổ chức theo chương trình toàn khóa này và ngoài ra còn có chương trình hằng năm do Bộ Chính trị triệu tập.

Thông thường, BCHTW họp trực tiếp định kỳ 6 tháng một lần.

Lần gần nhất Trung ương Đảng có cuộc họp bất thường là vào ngày 20/3 để cho ý kiến về việc cho thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác đối với ông Võ Văn Thưởng.

Kết quả, ông Thưởng “chịu trách nhiệm người đứng đầu theo các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.” Trung ương Đảng đã đồng ý để ông Võ Văn Thưởng thôi giữ các chức vụ trong Đảng và Nhà nước.

Sau khi ông Thưởng từ chức, Bộ Chính trị khóa 13 chỉ còn 14 người, trong khi đầu khóa, con số này là 18.

Việc BCHTW có thể sắp họp bất thường cho thấy khả năng nhân sự Đảng có biến chuyển.

Vì sao Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bị nêu tên?

Ông Vương Đình Huệ là Ủy viên Bộ Chính trị khóa 13, Chủ tịch Quốc hội khóa 15 (nhiệm kỳ 2021-2026).

Trợ lý thân cận của ông Vương Đình Huệ là ông Phạm Thái Hà vừa bị khởi tố, bắt giam về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" liên quan đến vụ án Thuận An.

Theo báo chí, ông Phạm Thái Hà "đã trải qua nhiều cương vị công tác với thời gian dài gắn bó, tham mưu, phục vụ Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại các cơ quan Kiểm toán Nhà nước, Bộ Tài chính, Ban Kinh tế Trung ương, Chính phủ, Thành ủy Hà Nội và Quốc hội."

Nghĩa là khi ông Huệ đảm nhận chức vụ Tổng kiểm toán Nhà nước từ năm 2006 đến 2011, ông Phạm Thái Hà đã là trợ lý của ông Huệ.

Sau đó, khi ông Huệ trải qua các chức vụ quan trọng như Bộ trưởng Tài chính giai đoạn 2011-2012, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương giai đoạn 2012-2016, Phó Thủ tướng giai đoạn 2016-2020, ông Phạm Thái Hà vẫn là người trợ lý thân cận của ông Huệ.

Kể cả khi ông Vương Đình Huệ chuyển sang làm Bí thư Thành ủy Hà Nội (2020-2021), ông Phạm Thái Hà vẫn theo chân ông.

Đến tháng 4/2021, ông Huệ trở thành Chủ tịch Quốc hội, một trong “Tứ Trụ” của Việt Nam. Ông Hà tiếp tục theo làm trợ lý Chủ tịch Quốc hội, trước khi được bổ nhiệm thêm chức Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội vào năm 2022.

Như vậy, có thể nói trong quá trình công tác nhiều năm, ông Vương Đình Huệ và ông Phạm Thái Hà luôn như hình với bóng.

Giờ đây, khi ông Hà vướng vào lao lý, câu hỏi về "trách nhiệm người đứng đầu" cần được đặt ra.


Khi ông Phạm Thái Hà bị bắt, ông Vương Đình Huệ bị đặt câu hỏi về "chịu trách nhiệm người đứng đầu"

Điều 7, Quy định 41-QĐ/TW 2021 ghi:

1. Miễn nhiệm đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng.

2. Người đứng đầu lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực thì tuỳ tính chất, mức độ sai phạm để xem xét cho từ chức.

3. Cho từ chức đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng.

Tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" mà ông Phạm Thái Hà là tội danh thuộc nhóm các tội tham nhũng và thuộc loại tội phạm "đặc biệt nghiêm trọng" khi có khung hình phạt lên đến mức chung thân.

Như vậy, theo quy định, ông Vương Đình Huệ sẽ phải "chịu trách nhiệm người đứng đầu" khi để cấp dưới của mình là ông Phạm Thái Hà xảy ra tiêu cực nghiêm trọng.

Hồi tháng 1/2023, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đã phải "chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có 2 đồng chí phó thủ tướng, 3 bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng; 2 phó thủ tướng đã xin thôi giữ các chức vụ, 2 bộ trưởng và nhiều cán bộ bị xử lý hình sự".

Hai phó thủ tướng nói trên là ông Phạm Bình Minh và ông Vũ Đức Đam. Trong đó, ông Minh cũng là Ủy viên Bộ Chính trị khóa 13.


Từ trái qua: các ủy viên Bộ Chính trị khóa 13 Phạm Bình Minh, Trần Tuấn Anh, Võ Văn Thưởng, Nguyễn Xuân Phúc

Tháng 1/2023, Phó Thủ tướng, Ủy viên Bộ Chính trị khóa 13 ông Phạm Bình Minh đã bị miễn nhiệm các chức vụ.

Đáng lưu ý, vào tháng 9/2022, cựu trợ lý của ông Phạm Bình Minh - ông Nguyễn Quang Linh - bị cơ quan an ninh điều tra khởi tố, bắt giam về tội nhận hối lộ hơn 4,2 tỷ đồng trong đại án “chuyến bay giải cứu”.

Ông Nguyễn Quang Linh được bổ nhiệm làm trợ lý cho Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh gần 10 năm, từ ngày 31/12/2013 cho đến khi bị bắt. Vào tháng 4/2023, ông Linh đã bị tuyên 7 năm tù.

Trong cuộc họp báo của Quốc hội ngày 9/1/2023, báo Thanh Niên đã đặt câu hỏi:

"Vậy có thể xem ông Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam từ chức hay không? Quy định 41 về từ chức, miễn nhiệm quy định nhiều căn cứ từ chức, vậy các ông Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam từ chức vì lý do gì?"

Trả lời, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho hay các quyết định đều dựa trên quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy trình được tuân thủ theo đúng quy định pháp luật. Ông Nguyễn Tuấn Anh nói thêm rằng Quốc hội phê chuẩn miễn nhiệm các ông Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam là dựa trên cơ sở nguyện vọng cá nhân.

Câu trả lời chính thức vẫn không rõ ràng, nhưng có thể hiểu ông Phạm Bình Minh cũng bị miễn nhiệm theo Quy định 41 dù không rõ là theo điều nào, khoản nào.

Đầu năm nay, một ủy viên Bộ Chính trị khóa 13 là ông Trần Tuấn Anh cũng phải "chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để xảy ra nhiều vi phạm tại Bộ Công Thương, nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật, bị xử lý hình sự, xử lý kỷ luật Đảng, hành chính".

Như vậy, khi xâu chuỗi những thông tin trên, có thể thấy có bốn ủy viên Bộ Chính trị khóa 13 gồm Võ Văn Thưởng, Nguyễn Xuân Phúc và Phạm Bình Minh và Trần Tuấn Anh "xin thôi" chức và được "miễn nhiệm" theo Quy định 41.


Ông Vương Đình Huệ từng được coi là ứng cử viên cho vị trí chủ tịch nước

Ủy viên Bộ Chính trị là những nhân vật quyền lực nhất trong Đảng, việc những ủy viên này "xin thôi" có thể thấy Đảng đã cho phép những người này "hạ cánh an toàn", tức không chịu bất kỳ hình thức kỷ luật Đảng dù là khiển trách, cảnh cáo, cách chức hay khai trừ.

Quan trọng hơn, những người này cũng tránh được việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thời điểm ông Thưởng "xin thôi", Tiến sĩ khoa học chính trị Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu viên khách mời thuộc Viện ISEAS (Singapore), lý giải với BBC rằng, tất cả những ngôn ngữ nói về sai phạm của ông Thưởng, hay trước đó là ông Phúc, đều chung chung, mơ hồ.

"Việc không đưa ra sai phạm ở đâu, vị trí nào là để tránh việc khi đưa ra thông tin ấy, thì người gắn liền với thông tin ấy không chỉ chịu xử lý về mặt Đảng mà còn về hình sự. Nó sẽ khiến cho Đảng rơi vào tình thế rất lưỡng nan: đã là lãnh đạo cấp cao, tới cấp 'Tứ Trụ', mà bị xử lý thì ảnh hưởng rất nhiều uy tín của Đảng," ông Giang nhận xét.

Theo Quy định 214 Đảng, ông Vương Đình Huệ là một trong những người có đủ điều kiện cho vị trí chủ tịch nước, bên cạnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Công an Tô Lâm và Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai. Ông Huệ cũng từng là người được đánh giá có tiềm năng trở thành tổng bí thư.

🔝

Quy định 41 của Bộ Chính trị giúp cán bộ cấp cao 'hạ cánh an toàn'?

25 tháng 4 2024, 07:51 +07 - BBC


Các ủy viên Bộ Chính trị "thôi chức" trong thời gian gần đây (từ trái qua): Trần Tuấn Anh, Phạm Bình Minh, Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng

Nhiều lãnh đạo cấp cao, có cả ủy viên Bộ Chính trị, dường như được Đảng Cộng sản Việt Nam cho phép "hạ cánh an toàn" bằng cách chủ động xin thôi chức khi mắc sai phạm.

Từ khi có Quy định số 41-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có những thay đổi trong việc kỷ luật cán bộ cấp cao.

Quy định 41 do Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành ngày 3/11/2021.

Có một chi tiết đáng lưu ý: Ông Thưởng là người đã ký Quy định 41 (thay mặt Bộ Chính Trị) vào ngày 3/11/2021, thì 2 năm 5 tháng sau (ngày 20/3/2024), chính ông đã mất chức bởi quy định này.

Ngoài ông Thưởng, ba ủy viên Bộ Chính trị khóa 13 cùng một số ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng 13 đã phải kết thúc sự nghiệp chính trị bởi Quy định 41.

Quy trình 'xin thôi'

Từ khi có Quy định 41, không ít Đảng viên cấp cao khi mắc sai phạm đã có đơn "xin thôi" và được "Đảng đồng ý".

Đây là điểm thay đổi quan trọng trong cách thức xử lý các cán bộ, quan chức bị coi là đã "nhúng chàm".

Quy trình "xin thôi" hay còn gọi là "hạ cánh an toàn" này giúp Đảng giữ hình ảnh trong mắt công chúng và giúp các đảng viên cấp cao mắc sai phạm thoát khỏi khả năng bị truy tố hình sự.

Tháng 1/2023, ông Nguyễn Xuân Phúc đã phải "chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có 2 đồng chí phó thủ tướng, 3 bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng; 2 phó thủ tướng đã xin thôi giữ các chức vụ, 2 bộ trưởng và nhiều cán bộ bị xử lý hình sự".

Hai phó thủ tướng nói trên là ông Phạm Bình Minh và ông Vũ Đức Đam.

Ông Phúc, ông Minh và ông Đam có lẽ là những lãnh đạo cấp cao đầu tiên được áp dụng quy trình “xin thôi”.


Từ trái qua: Cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng hai Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam được coi là những lãnh đạo đầu tiên được Đảng cho "hạ cánh an toàn"

Đầu năm nay, một ủy viên Bộ Chính trị khóa 13 là ông Trần Tuấn Anh cũng phải "chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để xảy ra nhiều vi phạm tại Bộ Công Thương, nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật, bị xử lý hình sự, xử lý kỷ luật Đảng, hành chính".

Theo thông báo chính thức của Đảng Cộng sản Việt Nam, "nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, ông đã có đơn xin thôi".

Trường hợp mới nhất gây nên một trận "địa chấn chính trị" là việc ông Võ Văn Thưởng "xin thôi" các chức vụ trong Đảng và Nhà nước.

Như vậy, hiện Bộ Chính trị khóa 13 chỉ còn 14 người, trong khi vào đầu khóa, con số này là 18 người.

Bốn ủy viên Bộ Chính trị khóa 13 được áp dụng quy trình "xin thôi" là Võ Văn Thưởng, Trần Tuấn Anh, Nguyễn Xuân Phúc và Phạm Bình Minh.

Quy trình này được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn giải trong một cuộc tiếp xúc cử tri vào tháng 5/2023 và được coi là "một điểm mới", với việc Đảng khuyến khích cán bộ, kể cả cấp cao, xin thôi chức.

"Nếu đã vi phạm, thấy tay nhúng chàm rồi, tốt nhất xin thôi."

"Đã không xứng đáng thì thôi từ chức đi, đó là nhân đạo, nhân ái, nhân tình. Rút lui trong danh dự là tốt nhất. Gần đây rất nhiều trường hợp và còn nữa, các đồng chí cứ chờ xem," Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

"Rút lui trong danh dự" ở đây có thể hiểu rằng các quan chức này vẫn được hưởng các quyền lợi theo cấp bậc của một cựu cán bộ lãnh đạo và quan trọng là không bị xử lý hình sự.

Với trường hợp của ông Võ Văn Thưởng và người tiền nhiệm Nguyễn Xuân Phúc, cả hai ông đều được cho là có liên quan đến các đại án tham nhũng, nhưng thông cáo về việc miễn nhiệm của hai ông đều không nêu chi tiết sai phạm.

Thời điểm ông Thưởng "xin thôi", Tiến sĩ khoa học chính trị Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu viên khách mời thuộc Viện ISEAS (Singapore), lý giải với BBC rằng, tất cả những ngôn ngữ nói về sai phạm của ông Thưởng, hay trước đó là ông Phúc, đều chung chung, mơ hồ.

"Việc không đưa ra sai phạm ở đâu, vị trí nào là để tránh việc khi đưa ra thông tin ấy, thì người gắn liền với thông tin ấy không chỉ chịu xử lý về mặt Đảng mà còn về hình sự. Nó sẽ khiến cho Đảng rơi vào tình thế rất lưỡng nan về câu chuyện: đã là lãnh đạo cấp cao, tới cấp 'Tứ Trụ', mà bị xử lý thì ảnh hưởng rất nhiều uy tín của Đảng," ông Giang nhận xét.

Cũng có một logic nữa, đó là nếu phơi bày sai phạm của ông Võ Văn Thưởng thì theo Quy định 41, "chịu trách nhiệm người đứng đầu" sẽ là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

'Hạ cánh an toàn'

Dù thông báo của Trung ương Đảng không nêu cụ thể sai phạm của ông Thưởng là gì nhưng nhiều nhà quan sát độc lập nhận định rằng ông Võ Văn Thưởng bị kỷ luật với cáo buộc mắc sai phạm liên quan tới Tập đoàn Phúc Sơn trong thời kỳ ông làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi từ năm 2011 đến năm 2014.

Trong số các lãnh đạo Quảng Ngãi bị bắt với tội danh "nhận hối lộ" trong vụ án Tập đoàn Phúc Sơn, có ông Cao Khoa là chủ tịch UBND tỉnh này từ năm 2011 đến năm 2014, trùng với thời gian ông Thưởng làm bí thư tỉnh ủy tại đây.

Một số kênh truyền thông chính thức của chính quyền cấp địa phương tại Việt Nam đã nêu chi tiết: “Các báo cáo của Trung ương và đơn của đồng chí Võ Văn Thưởng nêu rõ, thời gian đồng chí Thưởng làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã không kiểm soát chặt chẽ, đề cán bộ dưới quyền vi phạm pháp luật, để một doanh nghiệp mượn danh đảm nhận nhiều dự án, can thiệp công tác cán bộ, làm mất lòng tin trong nhân dân.”

Đối với trường hợp Nguyễn Xuân Phúc, đã có nhiều đồn đoán chính vợ và gia đình ông có dính líu đến vụ án Việt Á nên sự nghiệp chính trị của ông phải chấm dứt.

Trong buổi lễ bàn giao công tác trước khi rời nhiệm sở ngày 4/2/2023, ông Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu: "Gia đình tôi, vợ, các con tôi không tư lợi, tham nhũng liên quan đến Việt Á."

Tuy nhiên, câu nói này của ông Phúc sau đó đã bị báo chí Việt Nam đục bỏ.

Đây được coi là lần hiếm hoi một trong "Tứ Trụ" lên tiếng về tin đồn xung quanh việc thôi chức vụ của mình.


Báo Quảng Nam đăng phát ngôn của cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhưng sau đó đã gỡ bỏ đoạn này

Đối với trường hợp "xin thôi" của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, trong cuộc họp báo của Quốc hội ngày 9/1/2023, báo Thanh Niên đã đặt câu hỏi:

"Vậy có thể xem ông Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam từ chức hay không? Quy định 41 về từ chức, miễn nhiệm quy định nhiều căn cứ từ chức, vậy các ông Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam từ chức vì lý do gì?"

Trả lời, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho hay các quyết định đều dựa trên quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy trình được tuân thủ theo đúng quy định pháp luật. Ông Nguyễn Tuấn Anh nói thêm rằng Quốc hội phê chuẩn miễn nhiệm các ông Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam là dựa trên cơ sở nguyện vọng cá nhân.

Câu trả lời chính thức vẫn không rõ ràng, nhưng có thể hiểu ông Phạm Bình Minh cũng bị miễn nhiệm theo Quy định 41 dù không rõ là theo điều nào, khoản nào.

Có một điều đáng lưu ý là ông Nguyễn Quang Linh - cựu trợ lý của ông Phạm Bình Minh - bị cơ quan an ninh điều tra xác định đã nhận hối lộ hơn 4,2 tỉ đồng trong đại án “chuyến bay giải cứu”.

Ông Nguyễn Quang Linh được bổ nhiệm làm trợ lý cho Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh từ ngày 31/12/2013 cho đến khi bị bắt vào tháng 9/2022. Ông Linh đã bị tuyên 7 năm tù.

Khoản 3 Điều 7 của Quy định 41 nêu rõ: "Cho từ chức đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng."

Khoản 2 Điều 76 Nghị định 59/2019 nêu rõ: "Vụ việc tham nhũng nghiêm trọng là vụ việc mà người có hành vi tham nhũng bị xử lý bằng hình thức phạt tù từ trên 03 năm đến 07 năm."

Thời điểm truy tố và tuyên án ông Nguyễn Quang Linh xảy ra sau thời điểm ông Phạm Bình Minh bị miễn nhiệm (1/2023). Tuy nhiên, ngay sau khi ông Linh bị khởi tố, bắt tạm giam (9/2022) với tội danh “Nhận hối lộ” quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự, tội danh vốn có khung hình phạt đến tử hình, thì về mặt Đảng, đã có thể đưa vấn đề trách nhiệm người đứng đầu ra xem xét rồi.

Do đó, lãnh đạo trực tiếp của ông là Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh có thể đã bị xem xét kỷ luật theo Khoản 3 Điều 7 của Quy định 41, dù Đảng Cộng sản Việt Nam chưa từng công bố rõ ràng điều này.

Như vậy, khi xâu chuỗi những thông tin trên, có thể thấy có bốn ủy viên Bộ Chính trị khóa 13 gồm Võ Văn Thưởng, Trần Tuấn Anh, Nguyễn Xuân Phúc và Phạm Bình Minh được "xin thôi" theo Quy định 41.

Trước khi có Quy định 41 thì ba ủy viên Bộ Chính trị khóa 12 đã chịu kỷ luật Đảng.

Trong đó, ông Nguyễn Văn Bình và ông Hoàng Trung Hải bị Đảng kỷ luật với hình thức cảnh cáo.

Nặng nhất là ông Đinh La Thăng, bị khai trừ khỏi Đảng.

Ông Thăng sau đó trở thành đương kim ủy viên Bộ Chính trị đầu tiên trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam bị truy tố hình sự và lãnh án 30 năm tù.

🔝

Cựu tổng thống Mỹ và diễn viên khiêu dâm: Stormy Daniels là ai và ông Trump đã làm gì?

25 tháng 4 2024, 10:57 +07 - BBC


Nguồn hình ảnh, Getty Images
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump phủ nhận các cáo buộc từ phía Stormy Daniels

Ông Donald Trump đang bị xét xử vì các cáo buộc liên quan đến việc trả tiền bịt miệng cho nữ diễn viên phim người lớn Stormy Daniels.

Ông là cựu tổng thống Mỹ đầu tiên phải hầu tòa hình sự - trong vụ án tập trung vào việc ông bị cáo buộc làm sai lệch hồ sơ kinh doanh để thực hiện các khoản thanh toán.

Bà Daniels khẳng định bà từng quan hệ tình dục với ông Trump và vị luật sư cũ của ông đã đưa bà 130.000 USD trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 để giữ im lặng về mối quan hệ này.

Michael Cohen, tên của vị luật sư, đã phải ngồi tù cho nhiều tội danh khác nhau.

Kể từ khi các cáo buộc nổi lên vào năm 2018, ông Trump đã phủ nhận mọi liên quan đến việc quan hệ tình dục với bà Daniels.

Stormy Daniels là ai?

Bà Daniels, 45 tuổi, tên thật Stephanie Clifford, là diễn viên, đạo diễn phim người lớn và từng thắng nhiều giải thưởng cho các tác phẩm của mình.

Ngoài ra, bà còn xuất hiện trong các bộ phim Hollywood, bao gồm các bộ phim hài những năm 2000 như "The 40-Year Old Virgin" và "Knocked Up".

Bà cũng lấn sân sang chính trị và trước đó từng tuyên bố theo Đảng Cộng hòa, đảng của ông Trump.

Cáo buộc của bà Daniels

Bà Daniels thông tin với báo giới rằng bà đã gặp ông Trump tại một giải đấu golf từ thiện vào tháng 7/2006.

Bà nói rằng mình và vị cựu tổng thống Mỹ đã quan hệ tình dục tại một phòng khách sạn ở hồ Tahoe, một khu vực nghỉ dưỡng giữa bang California và bang Nevada, Mỹ. Luật sư của ông Trump khi đó đã "kịch liệt" phủ nhận điều này.

"Ông ta dường như chẳng lo lắng về điều đó. Ông ta có phần kiêu căng," bà Daniels trả lời khi phóng viên hỏi liệu ông Trump có bảo bà im lặng về đêm mà họ bên nhau hay không.

Vợ vị cựu tổng thống Mỹ, bà Melanie Trump, khi đó không tham dự giải golf và vừa mới sinh con.

Những lời đe dọa và khoản tiền để giữ im lặng

Bà Daniels kể rằng ông Cohen đã đưa cho bà 130.000 USD tiền "bịt miệng" để bà giữ im lặng về vụ ngoại tình của ông Trump, chỉ vài ngày trước cuộc bầu cử năm 2016 - cuộc bầu cử mà ông Trump đã giành chiến thắng.

Bà thừa nhận đã lấy số tiền đó vì lo lắng cho sự an toàn của gia đình mình. Stormy Daniels cho hay bà còn bị đe dọa về mặt thể chất lẫn pháp lý nhằm giữ im lặng.

Năm 2018, bà kể rằng có một người đàn ông lạ mặt đã tiếp cận bà và con gái sơ sinh vào năm 2011 ở một bãi đậu xe tại thành phố Las Vegas (Mỹ) và bảo bà "để Trump yên".

Bà cho biết điều này xảy ra ngay sau khi bà đồng ý trả lời phỏng vấn tạp chí In Touch về cáo buộc ngoại tình.

"Cô bé thật dễ thương. Thật đáng tiếc nếu mẹ cô bé gặp chuyện nhỉ," bà kể lại lời người lạ mặt nói với mình khi trả lời phỏng vấn cho chương trình 60 Minutes của đài CBS.

Trước khi bài phỏng vấn được phát sóng, một công ty ma có liên kết với ông Cohen đe dọa bà Daniels bằng một vụ kiện trị giá 20 triệu USD, cho rằng bà đã vi phạm thỏa thuận không tiết lộ thông tin (NDA) hoặc "thỏa thuận im lặng" của họ.

Bà Daniels nói với CBS rằng bà có nguy cơ mất hàng triệu USD khi phát biểu trên truyền hình quốc gia, nhưng điều quan trọng là bà có thể bảo vệ bản thân mình.

Bài phỏng vấn của bà với In Touch đã không được đăng tải đầy đủ cho đến năm 2018, ba tháng trước khi bài phỏng vấn với 60 Minutes lên sóng.


Nguồn hình ảnh, Getty Images
Michael Cohen, cựu luật sư riêng của ông Trump, trên đường đến tòa án liên bang tại New York (Mỹ) vào tháng 12/2023

Việc trả tiền bịt miệng có vi phạm pháp luật không?

Việc trả tiền bồi thường cho ai đó để đổi lấy thỏa thuận NDA không bất hợp pháp.

Tuy nhiên, các công tố viên hiện tập trung vào việc khoản tiền này đã được ghi vào hồ sơ của ông Trump như thế nào. Ông bị buộc tội làm sai lệch hồ sơ kinh doanh khi phân loại khoản tiền đó vào mục chi phí pháp lý.

Việc chuyển khoản diễn ra chỉ vài ngày trước cuộc bầu cử tổng thống. Công tố viên quận Manhattan Alvin Bragg cáo buộc ông Trump cố gắng "che đậy các hành vi phạm tội có chứa thông tin ảnh hưởng đến cử tri".

Vào tháng 8/2018, ông Cohen bị tuyên án tù sau khi thừa nhận hành vi trốn thuế và vi phạm các quy tắc tài chính cho việc tranh cử, một phần trong đó liên quan đến bà Daniels và một người khác được cho là người tình của ông Trump.

Mặc dù ban đầu nói rằng ông Trump không liên quan gì đến các khoản thanh toán, ông Cohen sau đó đã tuyên thệ làm chứng rằng ông Trump đã chỉ đạo ông thực hiện khoản tiền bịt miệng 130.000 USD.

Cohen cũng khẳng định vị cựu tổng thống Mỹ đã hoàn tiền cho ông.

Ông Trump đã nói gì?

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phủ nhận 34 tội danh làm giả hồ sơ kinh doanh tại tòa án hình sự Manhattan.

Ông bị truy tố vì những khoản thanh toán cho bà Daniels.

Ông Trump cũng đang bị điều tra về việc trả tiền cho một cựu người mẫu Playboy để giữ im lặng về những cáo buộc quan hệ tình dục giữa ông và người này.

Đăng tải trên nền tảng mạng xã hội Truth Social của mình trước khi bắt đầu phiên tòa, ông Trump gọi đây là một "cuộc săn phù thủy" do Đảng Dân chủ lãnh đạo.


Nguồn hình ảnh, Getty Images
Ông Donald Trump đã phủ nhận 34 tội danh làm giả hồ sơ kinh doanh tại tòa án hình sự Manhattan

Vì sao vấn đề này quan trọng?

Những người ủng hộ ông Trump, bao gồm cả những người cánh hữu theo Thiên Chúa giáo, hầu như phủ nhận các hành vi trong quá khứ của vị cựu tổng thống Mỹ cũng như các cáo buộc của những người phụ nữ chống lại ông.

Nhưng vụ Manhattan đang được xét xử trong năm bầu cử và nó có thể khiến ứng cử viên tổng thống đang dẫn đầu của đảng Cộng hòa phải thường xuyên rời chiến dịch tranh cử khi phiên tòa dự kiến kéo dài đến sáu tuần.

Ông Trump trước đó tuyên bố mình sẽ ra tòa vào ban ngày và vận động tranh cử vào ban đêm. Với tư cách là một bị cáo hình sự, về mặt pháp lý, ông phải có mặt tại tòa. Thẩm phán Juan Mercan đã đe dọa sẽ ban hành lệnh bắt giữ nếu ông Trump vắng mặt, và điều này khiến các kế hoạch tranh cử của vị cựu tổng thống Mỹ thêm phần phức tạp.

Tuy nhiên theo phóng viên BBC Bắc Mỹ Anthony Zurcher, gay cả một bản án hình sự cũng không ngăn cản ông Trump tiếp tục chiến dịch tranh cử tổng thống.

“Trên thực tế, không có điều gì trong luật pháp Mỹ ngăn cản một ứng cử viên bị kết tội, hay thậm chí đang ngồi tù, tham gia vận động tranh cử và giữ chức vụ tổng thống," ông Zurcher nói.

🔝

Nhập cư lậu vào Anh: 10 người Việt mông lung, 5 người khác mất mạng

2024-04-24 - BBC


Nguồn hình ảnh, Léa Guedj
Hai nhóm người nhập cư chen nhau lên thuyền sáng ngày 23/4 tại bờ biền Manche

Dạt tới một khu rừng ở thành phố Calais thuộc miền bắc nước Pháp, một nhóm 10 người Việt vẫn đang mơ hồ không rõ mình sẽ đi đâu, chỉ biết mình đang nợ tiền và cần phải chạy trốn.

Phóng viên BBC đã có cơ hội nói chuyện với nhóm người này.

Qua trò chuyện, chúng tôi biết được những người này đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau như Hà Nội, Quảng Bình, Hà Tĩnh…

Theo lời một người đàn ông trong nhóm, họ đã vay nợ những kẻ côn đồ ở quê nhà và bây giờ cần phải chạy trốn. Ông cho biết mình nợ đến “cả tỷ đồng”.

Để chạy trốn, những người trong nhóm đã trả khoảng 150 triệu đồng cho những kẻ môi giới mà theo lời ông là người phương Tây và nói tiếng Anh.

Những kẻ này đã đưa ông và mọi người từ Việt Nam qua Trung Quốc, Mông Cổ, Nga và cuối cùng là tới châu Âu. Ông kể rằng đôi khi nhóm cứ đi thôi chứ cũng không biết mình đang ở đâu vì chẳng gặp ai khác cả.

Hiện nhóm đã di chuyển được gần hai tháng. Phương tiện đi lại bao gồm xe buýt, xe van và đã có lúc họ phải đi bộ qua nhiều cánh rừng.

Người đàn ông này cho biết nhóm mình có điện thoại di động nhưng không có SIM, do đó không thể truy cập Internet hay gọi điện. Thỉnh thoảng, những kẻ môi giới sẽ cho họ mượn điện thoại để liên lạc nhanh với gia đình ở Việt Nam.

Sau khi tìm hiểu thêm, BBC biết được nhóm này đang nghe theo sự chỉ đạo của những kẻ buôn người tộc Kurd. Những kẻ này đã hứa sẽ đưa họ vượt eo biển Manche và tìm việc cho họ tại Anh.

Giờ đây, họ đang phụ thuộc hoàn toàn vào những lời hứa hẹn của những kẻ môi giới.

Theo Đại tá Mathilde Potel, người điều phối các hoạt động của cảnh sát ở bên biển phía bắc nước Pháp, lượng người di cư chực chờ ở gần bờ biển Mache đã tăng mạnh - một phần là do sự gia tăng đột biến của dòng người từ Việt Nam.

Theo thống kê, lượng người Việt Nam vượt eo biển Manche vào năm 2023 đã tăng gấp đôi so với năm 2022, từ 505 lên 1.323 người.

Trong ba tháng đầu năm 2024, người Việt đứng đầu về số lượng người vượt biển trái phép vào Anh.

Vật lộn rồi chết

Trong khi đó, hai nhóm người di cư khác cũng đang tìm cách vượt biển trong đêm tối, từ một bờ biển tại Pháp.

Mọi chuyện bắt đầu khi một tiếng hét vang lên trong màn đêm.

Một cảnh sát Pháp phát hiện một đám đông đang di chuyển trên những đụn cát nhìn ra eo biển Manche, gần thị trấn Wimereux, miền bắc nước Pháp.

Chỉ vài giây sau, cả bãi biển dường như chìm trong hỗn loạn.

Hơn chục cảnh sát chạy tới bờ biển, hy vọng chặn được hai nhóm người di cư lậu vừa mới xuất hiện dưới ánh trăng.

Chúng tôi thấy một toán thanh niên đang kéo một chiếc thuyền bơm hơi xuống biển.

Bên cạnh là vài người phụ nữ đang vật lộn tìm cách leo lên thuyền, rồi bật khóc nức nở khi nhận ra rằng mình sẽ bị cảnh sát bắt giữ.

Khi hai nhóm nhập cư tụ tập ở mép nước, bạo lực thình lình bùng lên.

Một vài người đàn ông ném pháo sáng về phía cảnh sát.

Xô xát diễn ra cùng những tiếng nổ lớn. Khói trắng mịt mù phủ khắp bãi biển.

Đám đông chen chúc xung quanh chiếc thuyền hơi và cố gắng che chắn nó khỏi cảnh sát.

Có ít nhất hai người đàn ông chạy xung quanh nhóm, vung vẩy những cây gây hoặc những thanh kim loại lớn, có vẻ như là để đe dọa cảnh sát.

Chưa đầy hai phút sau, chiếc thuyền đã xuống tới vùng nước nông. Mọi người bắt đầu trèo lên thuyền.

“Tôi làm được gì nữa đây?” một người cảnh sát nói.

“Chúng tôi không được phép [theo họ] xuống biển. Và như anh thấy đó, họ có gậy. Có cả trẻ con trong đám nữa. Nên chúng tôi phải hết sức cẩn trọng.”


Nguồn hình ảnh, Paul Pradier
Khi những người di cư xuống tới biến, cảnh sát sẽ ngừng can thiệp

Cảnh sát sau đó đã bắt giữ một người bị tình nghi là kẻ buôn người.

Một vài người khác quay trở lại bờ do không tìm được chỗ trên thuyền.

Ở trên thuyền, đã chớm có những dấu hiệu của sự rối loạn. Chúng tôi có thể nghe thấy những tiếng hét và xô đẩy.

Một đứa trẻ mặc áo khoác hồng ngồi trên vai một người đang đứng ở giữa thuyền. Rõ ràng là có quá nhiều người đã cố gắng chen lên chiếc thuyền này.

Một số khác đang cố bám vào mép thuyền.

Thông thường, số người tối đa cố chen lên một con thuyền như vậy là khoảng 60 người.

Tuy nhiên, do có tới hai nhóm người di cư ở đây, con số hiện đã vượt quá 100.

Tôi muốn đến Anh và gặp gia đình mình,” một người đàn ông Iraq đứng cùng hai người phụ nữ, nói một cách tuyệt vọng khi phải quay lại bờ biển, từ bỏ hy vọng lên thuyền.

Chầm chậm, con thuyền dần trôi ra biển, trong thoáng chốc trông như đã mắc cạn trên một cồn cát.

Cảnh sát và những người không lên được thuyền bắt đầu quay lại phía các đụn cát và bãi đỗ xe gần đó.

Xa xa, bình minh dần ló, những đám mây ở phía đông dần nhuộm trong sắc hồng.

Lúc này, không ai trên bờ biết rõ tình hình trên thuyền đã trở nên tồi tệ tới mức nào.

Thỉnh thoảng, chúng tôi lại nghe thấy tiếng la hét.

Một vài chiếc áo phao trôi nổi trên mặt nước, nhưng không có cách nào biết được rằng liệu những người này đã chết hay đang chới với.


Nguồn hình ảnh, BBC News
Chiếc thuyền bơm hơi quá tải đang hướng ra eo biển Manche

Khoảng nửa giờ trôi qua, một vài xuồng cứu hộ được cử đi từ một tàu cứu hộ lớn của Pháp đang tình cờ tuần tra ngang bãi biển.

Dường như lực lượng cứu hộ đang tìm cách thuyết phục những kẻ buôn người, cùng chiếc thuyền quá tải, từ bỏ hành trình và quay trở lại bờ biển.

Lát sau, một vài người có vẻ đang được chuyển từ chiếc thuyền bơm hơi sang các xuồng cứu hộ.

Một tiếng sau, cảnh sát Pháp tiết lộ rằng đã có năm người chết.

Họ đã chết khi chúng tôi đứng đằng xa quan sát chiếc thuyền được đẩy xuống vùng nước nông.

Hai người chết đuối, ba người dường như bị giẫm đạp đến chết.

Trong số đó có một đứa trẻ mới bảy tuổi.

Tin tức nhanh chóng lan truyền giữa những người di cư khác.

Họ đã thất bại trong việc vượt biển đêm qua và đang trở lại các lán trại quanh thành phố Calais và một vài nơi khác.

Một số cho hay những cái chết khiến họ do dự, nhưng rất nhiều người khác cho biết vẫn sẽ tiếp tục kiên trì vượt biển để vào Anh.

Nhiều người gạt phăng đi những ý kiến cho rằng họ sẽ bị ngăn chặn bởi kế hoạch của chính phủ Anh - trục xuất những người vượt biển sang Rwanda.

“Không gì có thể ngăn được tôi,” một học sinh người Sudan kiên quyết nói khi đang đợi tới lượt sạc điện thoại ở thành phố Calais.

“Tôi đã thử sang Anh 15 lần rồi. Bây giờ tôi không từ bỏ đâu. Đây là cơ hội cuối cùng của tôi,” Idris, một chàng trai 24 tuổi từ Afghanistan, chia sẻ.

Cảnh tượng bạo lực mà chúng tôi chứng kiến chẳng còn xa lạ với cảnh sát Pháp.

Đã nhiều tuần qua họ cảnh báo việc đang phải đối mặt với các cuộc tấn công ngày càng dữ dội từ các băng nhóm buôn lậu và người di cư, những người thường xuyên mang theo đá để ném vào lực lượng cảnh sát.

“Mới tuần trước, đã có 10 cảnh sát bị thương và 7 xe cảnh sát bị hư hại. Bạo lực leo thang rõ rệt và lực lượng cảnh sát thường đụng độ với các nhóm đông người. Chúng tôi cần thêm trang thiết bị và nhân lực. Chỉ can đảm thôi thì không đủ,” Đại tá Mathilde Potel cho biết.

🔝

Trợ lý Phạm Thái Hà bị bắt, ông Vương Đình Huệ có 'chịu trách nhiệm người đứng đầu'?

23 tháng 4 2024, 13:28 +07 - BBC


Ông Phạm Thái Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội kiêm Trợ lý Chủ tịch Quốc hội, bị khởi tố, bắt tạm giam với cáo buộc liên quan đến vụ án tại Tập đoàn Thuận An

Ông Phạm Thái Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, vừa bị bắt với cáo buộc liên quan đến vụ án Tập đoàn Thuận An. Một câu hỏi được đặt ra trong vụ này: Trách nhiệm của người đứng đầu được quy định như thế nào?

Theo các quy định của Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Phạm Thái Hà bị cáo buộc sai phạm, ông Vương Đình Huệ ít nhất phải chịu trách nhiệm của người đứng đầu. Điều này đã được quy định cụ thể.

Chính quy định này đã khiến hàng loạt quan chức cấp cao trong Đảng, bao gồm cả ủy viên Bộ Chính trị, bị kỷ luật theo nhiều hình thức khác nhau, đa phần là bị miễn nhiệm, "cho thôi chức".

Trường hợp gần đây nhất là cựu Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Ông Thưởng đã "được cho thôi chức" chủ tịch nước khi phải chịu trách nhiệm người đứng đầu.

Tội danh của ông Phạm Thái Hà

Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bổ sung vụ án hình sự, khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét đối với ông Phạm Thái Hà - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội - về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" theo quy định tại Khoản 4, Điều 358, Bộ Luật Hình sự 2015.

Trong vụ án tại Tập đoàn Thuận An, vào ngày 15/4, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Duy Hưng và Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Khắc Mẫn của tập đoàn này đều đã bị khởi tố, tạm giam về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và "Đưa hối lộ".

Còn ông Trần Anh Quang, Tổng Giám đốc, bị khởi tố, tạm giam về tội "Đưa hối lộ".

Cơ quan điều tra cũng khởi tố, bắt tạm giam ba bị can là lãnh đạo, cán bộ quản lý thuộc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp, tỉnh Bắc Giang gồm: Giám đốc ban, ông Nguyễn Văn Thạo; Phó Giám đốc ban, ông Đàm Văn Cường và Trưởng phòng ban, ông Hoàng Thế Du.

Ba cán bộ này đều bị điều tra về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".

Riêng ông Nguyễn Văn Thạo, người ký quyết định phê duyệt gói thầu Dự án cầu Đồng Việt mà Tập đoàn Thuận An liên danh trúng thầu, còn bị điều tra thêm tội "Nhận hối lộ".


Nguồn hình ảnh, BỘ CÔNG AN
Sáu bị can bị khởi tố, bắt tạm giam có liên quan đến Tập đoàn Thuận An

Sau khi các lãnh đạo Tập đoàn Thuận An và một số cán bộ tỉnh Bắc Giang bị khởi tố, bắt giam, nhiều tỉnh thành trên cả nước đã tiến hành rà soát các dự án, gói thầu mà tập đoàn này tham gia.

Đáng chú ý, báo Tuổi Trẻ dẫn nguồn tin cho biết việc Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Phú Yên đề nghị UBND tỉnh này rà soát các dự án của Thuận An là "nhận chỉ đạo từ ngành dọc".

Theo thuật ngữ trong hệ thống chính trị Việt Nam, cấp trên theo "ngành dọc" ở đây là Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng.

Do đó, có thể hiểu là có cán bộ do "trung ương quản lý" liên quan tới cáo buộc sai phạm tại Tập đoàn Thuận An.

Giờ đây, với việc ông Phạm Thái Hà bị bắt, điều này đang dần được khẳng định.

Trách nhiệm của người đứng đầu

Việc ông Phạm Thái Hà bị khởi tố, bắt tạm giam thì cấp trên của ông Hà là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có thể sẽ bị xử lý theo Quy định số 41-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ do Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành ngày 3/11/2021.

Điều 7 của quy định này nêu rõ:

1. Miễn nhiệm đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng.

2. Người đứng đầu lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực thì tuỳ tính chất, mức độ sai phạm để xem xét cho từ chức.

3. Cho từ chức đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng.

Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Luật Thế Giới Luật Pháp, phân tích với BBC rằng, về bản chất, tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” mà ông Hà bị khởi tố là tội danh thuộc nhóm các tội tham nhũng.

"Do đó, căn cứ vào Khoản 1 Điều 7 Quy định 41-QĐ/TW ngày 3/11/2021 của Bộ Chính Trị là miễn nhiệm đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng, thì đủ điều kiện để xem xét miễn nhiệm đối với ông Vương Đình Huệ," luật sư đánh giá.


Nguồn hình ảnh, TRUYỀN HÌNH QUỐC HỘI
Ông Phạm Thái Hà tháp tùng ông Vương Đình Huệ thăm và làm việc tại khu thí điểm mậu dịch tự do Thượng Hải sáng ngày 11/4, trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 7-12/4

Theo Luật sư Phùng Thanh Sơn, ngay cả khi cho rằng tội danh mà ông Hà bị khởi tố không phải là tội danh thuộc nhóm các tội danh tham nhũng thì cũng đủ điều kiện để xem xét miễn nhiệm đối với ông Vương Đình Huệ.

Bởi lẽ, Khoản 1 Điều 7 này không quy định phải xảy ra đồng thời tham nhũng và tiêu cực rất nghiêm trọng thì mới bị xem xét miễn nhiệm, nên không cần phải truy tố ông Phạm Thái Hà liên quan đến các tội danh tham nhũng thì mới phải xem xét miễn nhiệm đối với ông Vương Đình Huệ.

Tội danh mà ông Phạm Thái Hà bị khởi tố, bắt tạm giam là “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, theo khoản 4, Điều 358 Bộ luật Hình sự”.

Khung hình phạt của tội danh này lên đến mức chung thân nên theo quy định thì đây thuộc loại tội phạm "đặc biệt nghiêm trọng".

"Vi phạm của ông Hà phải được xem là đặc biệt nghiêm trọng chứ không thể xem là rất nghiêm trọng hay nghiêm trọng hoặc ít nghiêm trọng được," luật sư Phùng Thanh Sơn giải thích.

Mối quan hệ với ông Vương Đình Huệ

Ông Phạm Thái Hà sinh năm 1976, quê tại huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.

Ông có học vị tiến sĩ kinh tế, là kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (CPA) chuyên về lĩnh vực tài chính, ngân hàng.

Vào thời điểm bị bắt giữ, ông Phạm Thái Hà đang là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ông Hà được bổ nhiệm chức vụ này vào ngày 5/5/2022.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã dự Lễ công bố và trao quyết định bổ nhiệm trên.

Đưa tin về việc bổ nhiệm này, trang mạng của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) viết: “Ông Phạm Thái Hà là cán bộ trẻ, được đào tạo bài bản, đã trải qua nhiều cương vị công tác với thời gian dài gắn bó, tham mưu, phục vụ Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại các cơ quan Kiểm toán Nhà nước, Bộ Tài chính, Ban Kinh tế Trung ương, Chính phủ, Thành ủy Hà Nội và Quốc hội.”


Nguồn hình ảnh, Quốc hội Việt Nam
Ông Phạm Thái Hà được ông Trần Thanh Mẫn trao quyết định bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội vào ngày 5/5/2022

Thông tin từ báo chí nhà nước cho thấy ông Phạm Thái Hà đã là trợ lý của ông Vương Đình Huệ trước khi giữ chức Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Trong quá trình công tác, ông Phạm Thái Hà đã theo chân ông Huệ qua nhiều cơ quan suốt nhiều năm trời.

Theo thông tin nói trên của VOV thì trong thời gian ông Vương Đình Huệ làm Tổng kiểm toán Nhà nước từ năm 2006 đến 2011, ông Phạm Thái Hà đã là trợ lý của ông.

Sau đó, khi ông Huệ trải qua các chức vụ quan trọng như Bộ trưởng Tài chính giai đoạn 2011-2012, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương giai đoạn 2012-2016, Phó Thủ tướng giai đoạn 2016-2020, ông Phạm Thái Hà vẫn là người trợ lý thân cận của ông Huệ.

Kể cả khi ông Vương Đình Huệ chuyển sang làm Bí thư Thành ủy Hà Nội (2020-2021), ông Phạm Thái Hà vẫn theo chân ông.


Nguồn hình ảnh, Quốc hội Việt Nam
Ông Phạm Thái Hà là Trợ lý Chủ tịch Quốc hội trước khi nhậm chức Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và kiêm nhiệm hai chức vụ cho tới khi bị bắt

Đến tháng 4/2021, ông Huệ trở thành Chủ tịch Quốc hội, một trong “Tứ Trụ” của Việt Nam. Ông Hà đã chuyển sang làm trợ lý Chủ tịch Quốc hội.

Và chỉ sau đó hơn một năm (tháng 5/2022), ông Phạm Thái Hà chính thức được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Báo điện tử Chính phủ lúc bấy giờ đưa tin: “Phát biểu chúc mừng ông Phạm Thái Hà tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá đồng chí Phạm Thái Hà là cán bộ được đào tạo bài bản, đã trải qua nhiều cương vị công tác với thời gian dài gắn bó, tham mưu, phục vụ Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.”

"Trong thời gian vừa qua, với vai trò Trợ lý Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, ông Phạm Thái Hà luôn thể hiện tinh thần chủ động, đổi mới sáng tạo, có nhiều đề xuất cải tiến về công tác phối hợp tham mưu, phục vụ các hoạt động của lãnh đạo Quốc hội nói chung và Chủ tịch Quốc hội nói riêng."

Theo báo điện tử Chính phủ, ông Mẫn tin rằng ông Hà sẽ "không chỉ luôn giữ vững phẩm chất chính trị, bản lĩnh vững vàng, gương mẫu, nêu cao tinh thần trách nhiệm hơn nữa, mà còn không ngừng nỗ lực phấn đấu, rèn luyện, trau dồi kiến thức nghiệp vụ và kỹ năng quản lý, đoàn kết nhất trí trong tập thể để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao".

Có thể thấy trong quá trình công tác nhiều năm qua, ông Phạm Thái Hà với ông Vương Đình Huệ luôn như hình với bóng.

Các tiền lệ 'chịu trách nhiệm người đứng đầu'

Quy định 41 của Bộ Chính trị còn được xem là cách để các cán bộ, quan chức "hạ cánh an toàn" hay còn gọi là "xin thôi" trong danh dự.

Quy trình này được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn giải trong một cuộc tiếp xúc cử tri vào tháng 5/2023 và được coi là "một điểm mới" khi Đảng đã cho rất nhiều cán bộ, kể cả cấp cao thôi chức và khuyến khích xin thôi.

"Nếu đã vi phạm, thấy tay nhúng chàm rồi, tốt nhất xin thôi."

"Đã không xứng đáng thì thôi từ chức đi, đó là nhân đạo, nhân ái, nhân tình. Rút lui trong danh dự là tốt nhất. Gần đây rất nhiều trường hợp và còn nữa, các đồng chí cứ chờ xem," Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Quy định 41 nói trên đã khiến không ít ủy viên Bộ Chính trị khóa 13 - những nhân vật quyền lực nhất trong Đảng - phải từ chức khi phải "chịu trách nhiệm người đứng đầu". Trường hợp mới nhất là cựu Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.

Vào ngày 20/3, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để ông Võ Văn Thưởng thôi giữ các chức vụ trong đảng và nhà nước vì đã có "những vi phạm, khuyết điểm gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân ông".

Kết luận từ cuộc họp kỷ luật ông Thưởng nêu: "Đồng chí đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và chịu trách nhiệm người đứng đầu theo các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước."

Dù thông báo của Trung ương Đảng không nêu cụ thể sai phạm của ông Thưởng là gì nhưng nhiều nhà quan sát độc lập nhận định rằng ông Võ Văn Thưởng bị kỷ luật với cáo buộc mắc sai phạm liên quan tới Tập đoàn Phúc Sơn trong thời kỳ ông làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi từ năm 2011 đến năm 2014.

Một số kênh truyền thông chính thức của chính quyền cấp địa phương tại Việt Nam cũng nêu chi tiết: “Các báo cáo của Trung ương và đơn của đồng chí Võ Văn Thưởng nêu rõ, thời gian đồng chí Thưởng làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã không kiểm soát chặt chẽ, đề cán bộ dưới quyền vi phạm pháp luật, để một doanh nghiệp mượn danh đảm nhận nhiều dự án, can thiệp công tác cán bộ, làm mất lòng tin trong nhân dân.”


Ông Võ Văn Thưởng xin thôi chức khi phải chịu "trách nhiệm người đứng đầu"

Đầu năm nay, ngày 31/1/2024, ông Trần Tuấn Anh đã bị cho thôi các chức vụ ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

Theo thông cáo, cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh "chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để xảy ra nhiều vi phạm tại Bộ Công thương, nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật, bị xử lý hình sự, xử lý kỷ luật Đảng, hành chính".

Tháng 1/2023, ông Nguyễn Xuân Phúc, người tiền nhiệm của ông Thưởng, cũng đã phải "chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có 2 đồng chí phó thủ tướng, 3 bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng; 2 phó thủ tướng đã xin thôi giữ các chức vụ, 2 bộ trưởng và nhiều cán bộ bị xử lý hình sự".

Hai phó thủ tướng nói trên là ông Phạm Bình Minh và ông Vũ Đức Đam.

Hai bộ trưởng bị xử lý hình sự là ông Nguyễn Thanh Long và ông Chu Ngọc Anh.

Trong buổi lễ bàn giao công tác trước khi rời nhiệm sở ngày 4/2/2023, ông Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu rằng: "Gia đình tôi, vợ, các con tôi không tư lợi, tham nhũng liên quan đến Việt Á."

Tuy nhiên, câu nói này của ông Phúc sau đó đã bị gỡ khỏi báo chí Việt Nam.


Nguồn hình ảnh, Getty Images
Từ trái qua: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đều mất chức khi để xảy ra tiêu cực trong cơ quan do mình quản lý

Cũng trong tháng 1/2023, ông Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị hai nhiệm kỳ 12, 13 đã xin từ chức. Ông Minh sau đó bị miễn nhiệm trên cơ sở nguyện vọng cá nhân.

Trong cuộc họp báo của Quốc hội ngày 9/1/2023, báo Thanh Niên đã đặt câu hỏi: "Vậy có thể xem ông Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam từ chức hay không? Quy định 41 về từ chức, miễn nhiệm quy định nhiều căn cứ từ chức, vậy các ông Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam từ chức vì lý do gì?"

Trả lời, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho hay các quyết định này dựa trên quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, các quy trình được tuân thủ theo đúng quy định pháp luật. Ông Nguyễn Tuấn Anh nói thêm rằng Quốc hội phê chuẩn miễn nhiệm các ông Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam là dựa trên cơ sở nguyện vọng cá nhân.

"Nội dung này được cơ quan có thẩm quyền xem xét thận trọng và tính toán nhiều mặt. Đồng thời, Trung ương Đảng cũng có Nghị quyết 32 đồng ý cho thôi giữ chức vụ và trình Quốc hội phê chuẩn miễn nhiệm chức danh phó thủ tướng với hai ông," ông Nguyễn Tuấn Anh nói.

Câu trả lời chính thức vẫn không rõ ràng, nhưng có thể hiểu ông Phạm Bình Minh cũng bị miễn nhiệm theo Quy định 41 dù không rõ là theo điều nào, khoản nào.

Trong một bài viết trên trang VOV có nhan đề Từ chức, miễn nhiệm theo Quy định 41: Giá trị của đạo làm quan, tên của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và hai Phó Thủ tướng là Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam đã được nêu ra làm ví dụ.

Bộ Chính trị khóa 13 hiện chỉ còn 14 người, trong khi vào đầu khóa, con số này là 18 người.

Xâu chuỗi những thông tin trên, có thể khẳng định đã có bốn ủy viên Bộ Chính trị khóa 13 gồm Võ Văn Thưởng, Trần Tuấn Anh, Nguyễn Xuân Phúc và Phạm Bình Minh bị miễn nhiệm theo Quy định 41.


Ông Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh bị khởi tố, tạm giam, khám nhà ▶️

🔝

Bắt Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà, trợ lý của ông Vương Đình Huệ

22 tháng 4 2024, 11:38 +07 - BBC


Nguồn hình ảnh, Bộ Công an Việt Nam

Ông Phạm Thái Hà là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý của Chủ tịch Quốc hội. Thông tin ông Hà bị bắt đã được lan truyền không chính thức từ vài ngày trước. Tuy nhiên, đến hôm nay thì mới có thông tin chính thức.

Ngày 22/4, Trung tướng Tô Ân Xô - người phát ngôn Bộ Công an Việt Nam - cho biết Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang mở rộng điều tra vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, Đưa hối lộ, Nhận hối lộ" xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An và các đơn vị, tổ chức liên quan.

Trước đó một ngày (21/4), Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bổ sung vụ án hình sự, khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét với ông Phạm Thái Hà - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội - về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" theo quy định tại Khoản 4, Điều 358, Bộ Luật Hình sự 2015.

Ông Phạm Thái Hà là một người thân cận của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Ông Hà đã có mặt trong Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đi thăm Trung Quốc từ ngày 7-12/4 do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu.

Ông Phạm Thái Hà từng kinh qua các vị trí là Thư ký Tổng kiểm toán Nhà nước; Thư ký Bộ trưởng Bộ Tài chính; Hàm vụ trưởng, Thư ký của Trưởng ban Kinh tế T.Ư; Trợ lý Phó Thủ tướng Chính phủ; Trợ lý Bí thư Thành ủy Hà Nội.


Nguồn hình ảnh, Truyền hình Quốc hội
Ông Phạm Thái Hà tháp tùng ông Vương Đình Huệ thăm và làm việc tại khu thí điểm mậu dịch tự do Thượng Hải, Trung Quốc sáng ngày 11/4

Trong vụ Thuận An, vào ngày 15/4, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Duy Hưng và ông Nguyễn Khắc Mẫn, Phó Tổng Giám đốc của tập đoàn này, đều đã bị bắt, khởi tố về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và "Đưa hối lộ".

Còn ông Trần Anh Quang, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An, thì bị khởi tố, bắt giam về tội "Đưa hối lộ".

Bên cạnh đó, cơ quan điều tra cũng khởi tố, bắt tạm giam ba bị can là lãnh đạo, cán bộ quản lý thuộc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp, tỉnh Bắc Giang gồm:

Ba cán bộ này đều bị điều tra về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".

Riêng ông Nguyễn Văn Thạo, người ký quyết định phê duyệt gói thầu Dự án cầu Đồng Việt mà Tập đoàn Thuận An liên danh trúng thầu, còn bị điều tra thêm tội "Nhận hối lộ".

Đến ngày 21/4 thì ông Phạm Thái Hà bị bắt.

Vụ án do 'Trung ương Đảng' chỉ đạo?

Sau khi các lãnh đạo Tập đoàn Thuận An và một số cán bộ tỉnh Bắc Giang bị khởi tố, bắt giam, nhiều tỉnh thành trên cả nước đã tiến hành rà soát các dự án, gói thầu mà tập đoàn này tham gia.

Đáng chú ý, báo Tuổi Trẻ dẫn nguồn tin cho biết việc Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Phú Yên đề nghị UBND tỉnh này rà soát các dự án của Thuận An là "nhận chỉ đạo từ ngành dọc".

Có thể hiểu là Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa ra chỉ đạo về việc rà soát các dự án có liên quan đến Tập đoàn Thuận An.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương là cơ quan kiểm tra, giám sát chuyên trách của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (BCHTW), có nhiệm vụ tham mưu cho BCHTW, Bộ Chính trị và Ban Bí thư về nhiều mặt, có cả công tác nhân sự.

Các vụ kỷ luật quan chức cấp cao, có cả ủy viên Bộ Chính trị, cũng là do ủy ban này đề nghị. Ví dụ, ủy viên Bộ Chính trị khóa 13 là ông Trần Tuấn Anh, các ủy viên Bộ Chính trị khóa 12 gồm Nguyễn Văn Bình, Hoàng Trung Hải và nổi bật nhất là ông Đinh La Thăng cũng đều bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật trước khi chịu hình thức kỷ luật từ Trung ương Đảng.

Các trường hợp mới đây, gồm các Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng, các Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam cũng tương tự.


Nguồn hình ảnh, BỘ CÔNG AN
Một số bị can bị khởi tố, bắt tạm giam trong vụ án liên quan đến Tập đoàn Thuận An

Trong vụ án của Tập đoàn Phúc Sơn mới đây, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị kỷ luật các lãnh đạo, cựu lãnh đạo hai tỉnh Vĩnh Phúc và Quảng Ngãi gồm bà Hoàng Thị Thúy Lan (Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc), ông Lê Duy Thành (Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc), ông Đặng Văn Minh (Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi) và ông Cao Khoa (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi).

Như vậy, việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương "vào cuộc" cho thấy Tập đoàn Thuận An là vụ án nghiêm trọng, có thể liên quan đến cán bộ đảng viên cấp cao "thuộc diện trung ương quản lý".

Khái niệm cán bộ “thuộc diện trung ương quản lý” được dùng để chỉ những cán bộ do Bộ Chính trị hoặc Ban Bí thư quản lý. Danh sách này rất dài, cơ bản bao gồm cán bộ từ cấp chủ tịch UBND tỉnh, bí thư tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc trung ương, thủ trưởng cấp bộ hoặc tương đương, cho đến bí thư Ban Bí thư, ủy viên Bộ Chính trị, các thành viên “Tứ Trụ”.

Ngày 15/4, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, cho biết hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an "đang tập trung lực lượng, mở rộng điều tra, làm rõ hành vi vi phạm của các bị can, sai phạm tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An và các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và thu hồi triệt để tài sản".

Chưa rõ sau vụ bắt giữ ông Phạm Thái Hà thì còn có vụ bắt giữ hoặc kỷ luật cán bộ cấp cao nào nữa không.

Thân cận với ông Vương Đình Huệ


Nguồn hình ảnh, Quốc hội VN
Ông Phạm Thái Hà đi cùng ông Vương Đình Huệ trong buổi gặp Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam (Trung Quốc) Vương Ninh chiều ngày 11/4

Tới đây, có nhiều câu hỏi được đặt ra: Ông Phạm Thái Hà là ai? Quan hệ giữa ông và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ như thế nào?

Vào ngày 5/5/2022, ông Phạm Thái Hà được bổ nhiệm giữ chức Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã dự Lễ công bố và trao quyết định bổ nhiệm.

Thông tin từ báo chí nhà nước cho thấy ông Phạm Thái Hà đã là trợ lý của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trước khi được bổ nhiệm chức Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Đưa tin về việc bổ nhiệm này, trang mạng của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) viết: “Ông Phạm Thái Hà là cán bộ trẻ, được đào tạo bài bản, đã trải qua nhiều cương vị công tác với thời gian dài gắn bó, tham mưu, phục vụ Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại các cơ quan Kiểm toán Nhà nước, Bộ Tài chính, Ban Kinh tế Trung ương, Chính phủ, Thành ủy Hà Nội và Quốc hội.”

Ông Phạm Thái Hà sinh năm 1976, quê tại huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.

Ông có học vị tiến sĩ kinh tế, là kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (CPA) chuyên về lĩnh vực tài chính, ngân hàng.

Trước khi làm trợ lý cho ông Vương Đình Huệ tại Quốc hội, ông Phạm Thái Hà từng theo ông Huệ qua nhiều cơ quan.

Theo thông tin nói trên của VOV thì trong thời gian ông Vương Đình Huệ làm Tổng kiểm toán Nhà nước từ năm 2006 đến 2011, ông Phạm Thái Hà đã là trợ lý của ông.

Sau đó, khi ông Huệ trải qua các chức vụ quan trọng như Bộ trưởng Tài chính giai đoạn 2011-2012, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương giai đoạn 2012-2016, Phó Thủ tướng giai đoạn 2016-2020, ông Phạm Thái Hà vẫn là người trợ lý thân cận của ông Huệ.

Kể cả khi ông Vương Đình Huệ chuyển sang làm Bí thư Thành ủy Hà Nội (2020-2021), ông Phạm Thái Hà vẫn theo chân ông.

Đến tháng 4/2021, ông Huệ trở thành Chủ tịch Quốc hội, một trong “Tứ Trụ” của Việt Nam. Ông Hà cũng chuyển sang làm trợ lý Chủ tịch Quốc hội.

Và chỉ sau đó hơn một năm (tháng 5/2022), ông Phạm Thái Hà chính thức được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Báo điện tử Chính phủ lúc bấy giờ đưa tin: “Phát biểu chúc mừng ông Phạm Thái Hà tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá đồng chí Phạm Thái Hà là cán bộ được đào tạo bài bản, đã trải qua nhiều cương vị công tác với thời gian dài gắn bó, tham mưu, phục vụ Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.”

"Trong thời gian vừa qua, với vai trò Trợ lý Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, ông Phạm Thái Hà luôn thể hiện tinh thần chủ động, đổi mới sáng tạo, có nhiều đề xuất cải tiến về công tác phối hợp tham mưu, phục vụ các hoạt động của lãnh đạo Quốc hội nói chung và Chủ tịch Quốc hội nói riêng."

Theo báo điện tử Chính phủ, ông Mẫn tin rằng ông Hà sẽ "không chỉ luôn giữ vững phẩm chất chính trị, bản lĩnh vững vàng, gương mẫu, nêu cao tinh thần trách nhiệm hơn nữa, mà còn không ngừng nỗ lực phấn đấu, rèn luyện, trau dồi kiến thức nghiệp vụ và kỹ năng quản lý, đoàn kết nhất trí trong tập thể để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao".

Trong vai trò Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội, ông Phạm Thái Hà đã lại sát cánh cùng ông Vương Đình Huệ.

Có thể thấy trong quá trình công tác nhiều năm qua, ông Phạm Thái Hà với ông Vương Đình Huệ luôn như hình với bóng.

Địa chấn chính trị?


"Tứ Trụ" hiện chỉ còn ba người sau khi ông Võ Văn Thưởng mất chức

Cách đây một tháng, sự kiện Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng mất chức đã gây ra một cơn địa chấn chính trị.

Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam không nêu rõ sai phạm cụ thể của ông Thưởng là gì. Thông báo từ cuộc họp bất thường của Trung ương Đảng vào chiều 20/3 chỉ cho biết ông Thưởng chịu trách nhiệm của người đứng đầu và vi phạm Quy định những điều đảng viên không được làm.

Tuy nhiên, các quan sát viên độc lập nhận định rằng ông Võ Văn Thưởng bị kỷ luật với cáo buộc mắc sai phạm liên quan tới Tập đoàn Phúc Sơn trong thời kỳ ông Thưởng làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi từ năm 2011 đến năm 2014.

Một số kênh truyền thông chính thức của chính quyền cấp địa phương tại Việt Nam cũng nêu chi tiết: “Các báo cáo của Trung ương và đơn của đồng chí Võ Văn Thưởng nêu rõ, thời gian đồng chí Thưởng làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã không kiểm soát chặt chẽ, đề cán bộ dưới quyền vi phạm pháp luật, để một doanh nghiệp mượn danh đảm nhận nhiều dự án, can thiệp công tác cán bộ, làm mất lòng tin trong nhân dân.”

Nhắc lại, vụ án Tập đoàn Phúc Sơn đã kéo theo hàng loạt lãnh đạo, cựu lãnh đạo cấp tỉnh vào vòng lao lý, có người là ủy viên Trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội. Ông Thưởng là nhân vật cấp cao nhất bị kỷ luật, với nhận định là có liên quan đến sai phạm tại tập đoàn này.

Giờ đây, với việc khởi tố vụ án Tập đoàn Thuận An, cũng có nhiều nhận định rằng sẽ có một kịch bản tương tự vụ Tập đoàn Phúc Sơn, tức là sẽ có nhân vật cấp cao hơn nữa trong chính quyền phải chịu trách nhiệm.

Mối quan hệ công việc giữa Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với ông Phạm Thái Hà là rất rõ ràng và chính thức. Theo các nguyên tắc và quy định của Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Phạm Thái Hà bị cáo buộc sai phạm, ông Vương Đình Huệ ít nhất phải chịu trách nhiệm của người đứng đầu.

Quy định số 41-QĐ/TW của Bộ Chính trị (ban hành năm 2021) có quy định (tại Điều 7): "Miễn nhiệm đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng" và "Cho từ chức đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng".

Đây cũng là điều đã khiến hàng loạt nhân vật cấp cao như Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mất chức trong thời gian qua.

🔝