VuotQuaViet_Kp_DarkGreen_Logo_318x120
acrobat  📂  🏠   

BBC - 3

Việt Nam tưng bừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, 'lần đầu mời Pháp tham dự'

5.5.2024 - BBC


PhotoQuest/Getty Images
Hình ảnh các tư lệnh quân đội Pháp thất trận, đầu hàng trước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và rời khỏi tập đoàn cứ điểm quân sự Điện Biên Phủ vào năm 1954

Việt Nam đã lần đầu tiên mời Pháp tham dự lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, một sự kiện lịch sử được xem là quan trọng bậc nhất trong lịch sử Việt Nam hiện đại.

Bộ trưởng Bộ Quân đội Pháp Sébastien Lecornu sẽ đại diện Pháp tham dự lễ kỷ niệm vào ngày 7/5 tới đây, đánh dấu 70 năm quân đội viễn chinh Pháp bị quân Việt Nam đánh bại ở Điện Biên Phủ.

Việt Nam sẽ tổ chức trọng thể lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ vào ngày 7/5 tới đây tại sân vận động tỉnh Điện Biên với sự tham gia của hơn 12.000 người.

Đây là lần đầu tiên một vị bộ trưởng của nước Pháp chính thức tham dự sự kiện kỷ niệm này của Việt Nam.

"Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam mời Pháp tham gia sự kiện tưởng niệm này, một chỉ dấu cho thấy mong muốn của Việt Nam trong việc tạo lập mối quan hệ tương lai," đài RFI hôm 3/5 dẫn thông báo từ Bộ Quân đội Pháp.

"Hai bên cùng mong muốn nhìn về lịch sử Chiến tranh Đông Dương một cách minh bạch và rộng mở," cũng theo Bộ Quân đội Pháp.

Ngày Chủ nhật 5/5, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, đã tiếp Bộ trưởng Sébastien Lecornu, gọi đây là chuyến đi "có ý nghĩa rất quan trọng", mang tinh thần “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai tốt đẹp”.

Vào ngày thứ Hai 6/5, dự kiến ông Sébastien Lecornu sẽ có cuộc gặp với Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính.

Ông Lecornu theo dự kiến sẽ đến viếng Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ.

Hồi tháng 3, Bộ Quân đội Pháp cho biết Pháp có kế hoạch hồi hương từ Việt Nam thi thể của 6 binh sĩ Pháp tử trận trong trận chiến này, trong đó 5 người được chôn trong những ngôi mộ vô danh.

Đài France 24 dẫn thông báo từ Bộ Quân đội Pháp vào ngày 29/3 cho biết 6 thi thể binh sĩ Pháp tử trận "được chôn ở ba địa điểm khác nhau" và chính quyền Việt Nam cũng đã chấp thuận việc hồi hương các thi thể này vào ngày 25/3.

Một ngày sau đó, tức 26/3, các thi thể này đã được khai quật và sẽ đưa về Pháp để giám định, theo đài France 24.

Hợp tác về an ninh và quốc phòng cũng nằm trong chương trình nghị sự trong chuyến đi lần này của ông Sébastien Lecornu.


MIGUEL MEDINA/AFP/Getty Images
Bộ trưởng Bộ Quân đội Pháp Sébastien Lecornu là quan chức cấp cao thứ ba của Pháp đến thăm Điện Biên Phủ, nhưng lại là người đầu tiên đến dự kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ

Ông Sébastien Lecornu là quan chức cấp cao thứ ba của Pháp đến thăm Điện Biên Phủ, nhưng lại là người đầu tiên đến dự lễ kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ.

Trước đó, cố Tổng thống Pháp François Mitterrand đã đến thăm Việt Nam vào tháng 2/1993.

Việt Nam và Pháp thiết lập quan hệ ngoại giao cấp đại sứ vào ngày 12/4/1973.

Ông François Mitterrand đã trở thành lãnh đạo Phương Tây đầu tiên thăm Việt Nam sau năm 1975.

Tháng 11/2018, Thủ tướng Pháp khi đó là ông Édouard Philippe cũng đến thăm Việt Nam và đến thăm các địa điểm lịch sử tại Điện Biên Phủ.

Ông Édouard Philippe đã đặt vòng hoa trước đài tưởng niệm chiến sĩ Pháp và Việt Nam tại Điện Biên Phủ vào ngày 3/11/2018.

Theo tường thuật từ đài RFI vào ngày 3/11/2018, ông Philippe đã nói: "Việt Nam luôn có một chỗ đứng đặc biệt trong tâm tưởng người Pháp. Bởi vì chúng ta có một lịch sử chung, vừa vinh quang vừa bi thảm. Bởi vì trong rất nhiều gia đình người Pháp, người ta vẫn nhớ lại về một thời kỳ, về mối quan hệ hết sức gần gũi và mãnh liệt."

Pháp hiện đang muốn gia tăng hợp tác với Việt Nam trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Năm 2023, Việt Nam và Pháp đã kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm ngày nâng cấp lên mối quan hệ đối tác chiến lược.

Hồi tháng 3/2024, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết Pháp lần đầu tiên vượt Nga để trở thành nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ 2 thế giới, chiếm 11% tỷ trọng thị trường vũ khí toàn cầu, với các sản phẩm tối tân, có thể kể đến như chiến đấu cơ Rafale.

Cũng theo dữ liệu do SIPRI công bố hôm 11/3, lượng nhập khẩu vũ khí của Việt Nam năm 2023 giảm xuống mức nhỏ giọt giữa lúc nước này đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc vào Nga.

Số liệu của SIPRI cho thấy Nga - nhà cung cấp vũ khí hàng đầu của Việt Nam trong nhiều thập kỷ - có lượng xuất khẩu vũ khí toàn cầu sụt giảm đáng kể vào năm ngoái.

Chiến thắng Điện Biên Phủ


VNA/AFP via Getty Images
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (áo đen) vào tháng 3/1954, khi chuẩn bị đánh trận Điện Biên Phủ, sự kiện sẽ chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương

Năm 1954, quân Pháp ở Đông Dương lên đến 55.000 người.

“Ngài có muốn hai quả bom nguyên tử không?” Ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles hỏi Ngoại trưởng Pháp Georges Bidault hồi tháng 4 năm 1954, theo hồi ức của một nhà ngoại giao cấp cao Pháp.

Bối cảnh của lời đề nghị này là tình cảnh tuyệt vọng của quân Pháp trong cuộc chiến với các lực lượng của ông Hồ Chí Minh ở Điện Biên Phủ.

Vào cuối năm 1953, tư lệnh Pháp là Tướng Navarre đã quyết định xây dựng một cứ điểm chắc chắn ở lòng chảo Điện Biên Phủ.

Lòng chảo này được bao quanh bởi các ngọn núi và ngọn đồi có cây cối. Đây là vị trí có thể phòng vệ được miễn là người Pháp có thể giữ được những ngọn đồi bên trong và được tiếp viện bằng không vận.

Điều mà người Pháp không nghĩ đến là khả năng quân Việt Minh tập trung pháo lên gần các ngọn đồi này. Hàng ngàn dân công, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em, đã tham gia kéo pháo. Họ đã kéo pháo qua hàng trăm dặm xuyên rừng, cả ngày lẫn đêm.

Vào ngày 13/3 năm 1954, quân Việt Minh khai hỏa ồ ạt và trong vòng hai ngày, hai trong số các ngọn đồi đã bị chiếm giữ và đường băng tiếp vận bị tê liệt. Lính Pháp phòng vệ ở Điện Biên Phủ bị cô lập và thòng lọng đã siết chặt xung quanh họ.

Ngày 13/3 năm 1954, đại đoàn 312 của Việt Minh tấn công cứ điểm Him Lam, mở màn chiến dịch Điên Biên Phủ.

Cuối cùng, vào ngày 7/5 năm 1954, sau 56 ngày đêm bị bao vây, quân đội Pháp đã đầu hàng.

Về phía Pháp, có 1.142 người chết, 1.606 người mất tích, 4.500 người bị thương. Về phía Việt Minh, con số thiệt mạng lên đến 22.000 người.

Ngày 21/7/1954, Hiệp định Genève về Đông Dương được 5 nước ký kết, trong đó có Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Pháp.

Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, còn được gọi là Kháng chiến chống Pháp, kết thúc.

Chiến thắng tại Điện Biên Phủ đánh dấu sự kết thúc gần 100 năm Việt Nam là thuộc địa của Pháp, đồng thời báo hiệu sự tàn lụi của đế chế Pháp trên phạm vi toàn cầu, khi khích lệ cho các phong trào giải phóng dân tộc khác trên thế giới.

Không hề trùng hợp khi một vài tuần sau đó người dân tại một thuộc địa khác của Pháp ở châu Phi là Algeria đã nổi dậy – bắt đầu một cuộc chiến đẫm máu và đau thương khác kéo dài 8 năm.

Hai năm sau, 1956, Tunisia và Morroco giành độc lập từ tay Pháp, trong lúc Paris sa lầy trong chiến tranh ở Algeria.

Có người đã so sánh trận Điên Biên Phủ có tầm quan trọng như chiến thắng của người Nhật trước quân Nga vào năm 1905 hoặc không kém gì trận Stalingrad trong Thế chiến II.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp được xem là linh hồn cho chiến thắng Điện Biên Phủ. Ông cũng là vị tướng châu Á được các sử gia và nhà bình luận quân sự phương Tây nhắc đến nhiều nhất từ sau Thế chiến II.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, một nhà báo tại Paris, từng nhận định về Tướng Giáp hồi năm 2013 như sau:

"Khi nhắc tới Võ Nguyên Giáp, các chuyên gia quân sự phương Tây thường nhắc tới một vị tướng không có chiến lược chiến đấu nhưng lại thắng tất cả mọi trận chiến.

Các chiến lược gia Pháp không ngờ phe Việt Minh đã có khả năng huy động một lực lượng dân công hùng hậu (hàng chục ngàn người) từ các vùng đồng bằng lân cận lên vùng Điện Biện cách đó hàng trăm cây số.

Kinh ngạc nhất là sáng kiến tháo gỡ đại bác và súng ống hạng nặng thành các bộ phận rời nhau để vận chuyển bằng các phương tiện thô sơ như xe thồ (xe đạp), xe bò, gồng gánh các loại vũ khí và đạn dược, ngày đêm băng rừng, vượt suối và leo núi để mang lên các đỉnh đồi chung quanh Điện Biên Phủ, lắp ráp và tấn công quân Pháp.

Phương Tây coi Tướng Giáp có vai trò lớn trong cả cuộc chiến với Mỹ dù cách đánh giá từ Việt Nam có khác

Những sự kiện vừa kể vượt ra ngoài tưởng tượng của những chiến lược gia quân sự danh tiếng của Pháp thời đó, và họ đã tốn rất nhiều giấy mực để diễn tả sự kinh ngạc này, với tất cả sự thán phục."


Jean-Claude LABBE/Gamma-Rapho/Getty Images.
Hình ảnh lính phòng không Việt Minh trong trận Điện Biên Phủ vào tháng 5/1954

Hồi tháng 5/2020, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, Tổng Trưởng Kế Hoạch Việt Nam Cộng hòa từ năm 1973 đến 1975 và là phụ tá về Tái Thiết của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, đánh giá về chiến dịch Điện Biên Phủ như sau:

"Như vậy, xét cho cùng thì lý do thất bại không phải là quân sự mà là chính trị. Đó là vì nhân dân và lãnh đạo Pháp đã nản lòng, thối chí.

Biến cố này xác định một lần nữa bài học cho những nhà lãnh đạo, những người chỉ huy các cuộc chiến, rằng: 'Quân sự là chính trị theo một phương tiện khác.'

Trong nhiều tình huống, chỉ cần một chiến thắng - hay được dư luận coi như là một chiến thắng: đánh một trận vào đúng lúc, đúng chỗ, đúng mục tiêu là có thể kết thúc được cuộc chiến.

Lúc ấy, dư luận cho rằng Pháp đã thất trận ở Paris chứ không phải ở Điện Biên Phủ, cũng như sau này, biến cố Mậu Thân được coi là Điện Biên Phủ của Tổng thống Lyndon Johnson, và Mỹ đã thất bại ở Washington chứ không phải ở Sài Gòn."

Vấn đề gây tranh cãi còn là mức độ trợ giúp và vai trò của Trung Quốc trong chiến thắng này.

Trung Quốc đã từng công bố tư liệu nói rằng nhiều cố vấn của họ đã đóng vai trò không kém Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Điện Biên Phủ.

Giới nghiên cứu Việt Nam cũng đã đưa ra nhiều bằng chứng để phản ứng lại cách thông tin của Trung Quốc.

🔝

Bắt ông Mai Tiến Dũng, cựu bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ

2024-05-04 - BBC


VGP. Ông Mai Tiến Dũng, cựu bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an Việt Nam đã khởi tố, bắt tạm giam ông Mai Tiến Dũng, cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Tại họp báo Chính phủ chiều 4/5, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, cho biết mở rộng điều tra vụ án "Đưa hối lộ, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại tỉnh Lâm Đồng và một số địa phương liên quan, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt bị can để tạm giam đối với ông Mai Tiến Dũng, cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Việc khởi tố, tạm giam đã được tiến hành vào ngày 30/4.

Ông Dũng bị khởi tố về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" được quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự.

Sau khi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn các quyết định và lệnh trên, Bộ Công an phối hợp các bên liên quan đã thực hiện thủ tục tố tụng theo quy định.

Trung tướng Xô cho biết thêm: “Khi lãnh đạo Ban chuyên án báo cáo Tổng Bí thư về một số vụ án do Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo, Tổng Bí thư đã khen ngợi Bộ Công an quyết tâm, quyết liệt trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Tổng Bí thư cũng yêu cầu Bộ Công an tiếp tục quyết tâm, quyết liệt hơn theo tinh thần thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.”

Vụ bắt giữ ông Mai Tiến Dũng cho thấy chiến dịch "đốt lò" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nóng, như nhận định của các chuyên gia với BBC News Tiếng Việt gần đây.

Cả bí thư, chủ tịch tỉnh Lâm Đồng cùng bị khởi tố


VGP. Ông Trần Đức Quận (trái), Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng; và ông Trần Văn Hiệp, chủ tịch tỉnh Lâm Đồng, đã bị khởi tố liên quan vụ án Đại Ninh

Việc khởi tố, bắt giữ cựu Bộ trưởng Mai Tiến Dũng là diễn biến mới nhất của vụ án "Đưa hối lộ, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại tỉnh Lâm Đồng và một số địa phương liên quan.

Vụ án này đã đưa nhiều quan chức vào vòng lao lý, trong đó có ông Trần Đức Quận, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng và ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng.

Đây được coi là một vụ án chấn động trong chiến dịch “đốt lò” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Cuối năm 2010, UBND tỉnh Lâm Đồng đã cấp giấy chứng nhận cho Công ty Sài Gòn-Đại Ninh do ông Nguyễn Cao Trí là người đại diện pháp luật để thực hiện dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh.

Dự án có tổng vốn đầu tư 25.243 tỉ đồng, diện tích đất sử dụng gần 3.600 ha, trải rộng trên địa bàn 4 xã Phú Hội, Ninh Gia, Tà Hine và Ninh Loan của huyện Đức Trọng.

Tuy nhiên, trong quá trình được tỉnh Lâm Đồng giao đất, giao rừng để thực hiện dự án, chủ đầu tư đã để mất trên 368 ha, trong đó bị phá mất 257 ha, và người dân lấn chiếm 111 ha.

Đến tháng 6/2020, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận thanh tra chỉ ra nhiều sai phạm tại dự án và đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chấm dứt hoạt động, thu hồi dự án này.

Vào ngày 2/1/2024, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, cho biết Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Trần Văn Hiệp - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng.

Theo cơ quan điều tra, hành vi của ông Trần Văn Hiệp phạm vào tội "Nhận hối lộ".

Tiếp đó, vào ngày 24/1/2024, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Trần Đức Quận, khi đó là bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng.

Ông Trần Đức Quận bị điều tra về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Cơ quan điều tra xác định ông Trần Đức Quận đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định của pháp luật khi tham gia chỉ đạo giải quyết các công việc liên quan đến dự án Đại Ninh.

Hành vi của ông Quận bị cáo buộc gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Trước đó, vào ngày 15/1/2023, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt ông Nguyễn Cao Trí, chủ đầu tư dự án. Mới đây, trong vụ án Vạn Thịnh Phát (vụ án khác), ông Trí đã lãnh án 8 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” khi được xác định đã chiếm đoạt của bà Trương Mỹ Lan 1.000 tỷ đồng.

Tháng 3/2023, cơ quan điều tra đã thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Nguyễn Ngọc Ánh, Chánh Thanh tra tỉnh Lâm Đồng, để điều tra về tội "Nhận hối lộ".

Tháng 8/2023, bà Trần Bích Ngọc, Vụ trưởng Theo dõi công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Vụ I) của Văn phòng Chính phủ, đã bị khởi tố để điều tra về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Tháng 12/2023, cơ quan điều tra tiếp tục triệu tập nhiều lãnh đạo, cán bộ của tỉnh Lâm Đồng để làm rõ một số vấn đề liên quan đến siêu dự án nêu trên.

Giờ đây, đến lượt ông Mai Tiến Dũng bị bắt.

Ông Mai Tiến Dũng là ai?


LUONG THAI LINH/AFP/Getty Images. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng (trái) và thủ trưởng của ông là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong một cuộc họp vào năm 2018. Ông Phúc đã bị mất chức chủ tịch nước vào năm 2023 do "chịu trách nhiệm người đứng đầu", giờ đến lượt ông Dũng bị bắt.

Ông Mai Tiến Dũng sinh ngày 8/1/1959, quê quán tại xã Văn Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.

Ông từng học Đại học Ngoại thương và Đại học Luật, có học vị tiến sĩ kinh tế, cử nhân luật, trình độ cao cấp lý luận chính trị, bằng C tiếng Anh.

Ông Mai Tiến Dũng vào Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1980 (chính thức năm 1981).

Từ đầu thập niên 1980 đến đầu thập niên 1990, ông là cán bộ trong công ty nhà nước và các cơ quan chính quyền ở huyện Lý Nhân, trở thành huyện ủy viên năm 1989.

Vào năm 1998, ông trở thành cán bộ cấp tỉnh, làm việc tại Văn phòng UBND tỉnh Hà Nam.

Từ năm 2002-2008, ông là tỉnh ủy viên, chánh văn phòng UBND tỉnh Hà Nam.

Sau đó, ông thăng tiến dần trong hệ thống chính quyền và đảng ở tỉnh này.

Năm 2010, ông làm phó bí thư Tỉnh ủy.

Năm 2011, ông trở thành ủy viên Trung ương Đảng (Đại hội 11), giữ chức phó bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam.

Từ tháng 11/2014, ông là ủy viên Trung ương Đảng, bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nam.

Năm 2016, ông tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Đại hội 12).

Từ tháng 4/2016 - 4/2021, ông Mai Tiến Dũng là ủy viên Trung ương Đảng, ủy viên Ban Cán sự đảng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ dưới thời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Vào ngày 7/4/2021, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa 14 phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ của ông Mai Tiến Dũng.

Vào ngày 13/1/2023, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng do vi phạm liên quan tới các chuyến bay giải cứu đưa công dân về nước trong đại dịch Covid-19.

Tháng 3/2023, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang thay mặt Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Mai Tiến Dũng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Khi còn làm bộ trưởng, ông Mai Tiến Dũng từng nói: “Nếu chính quyền sai thì nhận lỗi trước dân. Nếu dân sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.”

Bối cảnh phát ngôn được báo chí mô tả là “trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến hướng giải quyết vụ việc tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội” vào chiều 4/5/2017.

Đồng Tâm là vụ án liên quan đến tranh chấp, khiếu nại đất đai căng thẳng xảy ra trong nhiều năm, với đỉnh điểm là vụ đụng độ sáng sớm ngày 9/1/2020 khiến ba cán bộ công an và ông Lê Đình Kình tử vong.

'Đốt lò' đến bao giờ?


LILLIAN SUWANRUMPHA/AFP/Getty Images. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và một số thành viên trong chính phủ do ông đứng đầu tại Bangkok, Thái Lan vào tháng 11/2019. Từ trái qua (hàng đầu): Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Tất cả năm ông này đều đã bị “xử lý” với nhiều mức độ khác nhau, nặng nhất là ông Mai Tiến Dũng bị khởi tố, nhẹ nhất là ông Đào Ngọc Dung bị kỷ luật khiển trách. Những ông còn lại bị mất chức ủy viên Bộ Chính trị và các chức vụ trong chính quyền.

Chiến dịch chống tham nhũng mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trương, thường được biết đến với tên gọi “đốt lò”, đã khiến hàng loạt quan chức bị xử lý.

Không ít nhân vật cấp cao trong nhóm “Tứ Trụ”, Bộ Chính trị, cũng phải chịu các hình thức khác nhau, nhẹ thì khiển trách, cảnh cáo, mất chức, nặng thì truy tố hình sự.

Theo Tạp chí Tổ chức Nhà nước của Bộ Nội vụ, trong giai đoạn 2012-2022, đã có 167.700 cán bộ, đảng viên bị kỷ luật, nhiều người bị xử lý hình sự. Con số này nếu tính tới thời điểm hiện nay (2024) chắc hẳn còn cao hơn nữa.

Hiệu ứng của chiến dịch này là khoảng 60.000 người từ chức trong giai đoạn 2021-2023 trong khi số cán bộ của khu vực công chỉ có khoảng 2,5 triệu.

Chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ khóa 13 đến giữa tháng 3/2024, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật gần 100 cán bộ cấp cao "thuộc diện Trung ương quản lý".

Tính tới nay, đã có năm ủy viên Bộ Chính trị khóa 13 gồm Vương Đình Huệ, Võ Văn Thưởng, Trần Tuấn Anh, Nguyễn Xuân Phúc và Phạm Bình Minh bị thôi chức, miễn nhiệm theo Quy định 41 năm 2021. Trong số này, có đến ba người bị buộc phải rời Bộ Chính trị trong năm 2024.

Nhiều người cho rằng chiến dịch "đốt lò" là không có vùng cấm, giúp làm trong sạch bộ máy của Đảng, của chính quyền. Tuy nhiên, không ít nhà phân tích chính trị chia sẻ với BBC rằng cách chống tham nhũng này không giải quyết được căn cơ vấn đề mang tính đặc thù của thể chế.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà quan sát chính trị và bất đồng chính kiến nổi tiếng tại Việt Nam, vấn đề là “phải bắt trúng bệnh gốc”.

“Chứ không phải bắt một, hai hay 100 người, bỏ tù một ông ủy viên trung ương, 10 ông tướng quân đội, hay bảy, tám ông tướng công an, xử lý hết ông nọ đến ông kia."

“Đó không phải là cách làm bài bản, không đánh vào nguyên nhân cốt lõi. Cốt lõi là chính bản chất của hệ thống này."

Ông Quang A chỉ ra rằng Việt Nam cần phải trở thành một nhà nước pháp quyền, nơi điều tra, công tố và tòa án hoạt động động lập với nhau và theo luật, chứ không theo chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bên cạnh đó, cần các cơ quan giám sát độc lập các hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam và nhà nước.

Việt Nam hiện hiện không có yếu tố nào trong số những yếu tố kể trên “thì làm sao chống được tham nhũng”, ông Nguyễn Quang A nói.

Bên cạnh đó, công cuộc đốt lò của ông Trọng đã gây ra "một cuộc di cư hàng loạt của công chức" trong "nỗi lo sợ ngày càng tăng của những người còn lại về việc bị bắt", "dẫn đến tình trạng miễn cưỡng thực hiện trách nhiệm của mình trên diện rộng," theo ông Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu viên Chương trình Nghiên cứu Việt Nam của ISEAS – Viện Yusof Ishak (Singapore), trong một bài viết trên trang Fulcrum.

Hậu quả là "làm trầm trọng thêm những thách thức mà bộ máy quan liêu vốn đã quá tải phải đối mặt, biểu hiện ở tình trạng quá tải bệnh viện công, thiếu giáo viên và bác sĩ trầm trọng, chậm trễ phê duyệt dự án và xếp hàng dài để đăng ký phương tiện. Quan trọng nhất, nó đã làm giảm hiệu quả hoạt động của chính phủ vào thời điểm Việt Nam cần nhất".

🔝

Sinh viên Mỹ biểu tình phản chiến kiểu Chiến tranh Việt Nam: nguyên nhân, mục đích và tác động

4.5.2024 - BBC


Getty Images. Một sinh viên bị bắt trong cuộc biểu tình ủng hộ Palestine tại Đại học Texas ở Austin vào ngày 24/4

Hàng ngàn sinh viên tại hơn 130 trường đại học và cao đẳng ở Mỹ đã biểu tình phản đối cuộc chiến ở Gaza bằng việc diễu hành và cắm trại.

Đã có hơn 2.000 người biểu tình bị bắt, nhưng các cuộc biểu tình vẫn chưa cho thấy dấu hiệu sẽ sớm dừng lại, ngay cả khi các trường đại học đang chuẩn bị tổ chức lễ tốt nghiệp sau vài ngày nữa.

Vì sao biểu tình?

Kể từ vụ tấn công của Hamas ngày 7/10/2023 và các chiến dịch tấn công trả đũa của Israel, sinh viên Mỹ đã tổ chức nhiều cuộc diễu hành, biểu tình ôn hòa, tuyệt thực và gần đây nhất là lập trại để phản đối chiến tranh.

Họ yêu cầu các trường đại học, nhiều trường có những quỹ tài trợ khổng lồ, phải thoái vốn khỏi Israel.

Đối với nhiều người biểu tình, thoái vốn tức là cắt đứt quan hệ giữa các quỹ này và các công ty Israel hoặc các công ty có kinh doanh với Israel.

Nhiều người muốn các trường đại học chấm dứt cả các mối quan hệ học thuật với các tổ chức Israel.

Các nhà hoạt động sinh viên cho rằng các doanh nghiệp làm ăn ở Israel hoặc hợp tác kinh doanh với các tổ chức Israel đang tiếp tay cho cuộc chiến ở Gaza - và các trường đại học có đầu tư vào các doanh nghiệp nói trên cũng thế.

Quỹ tài trợ của các trường đại học tài trợ cho gần như mọi thứ, từ phòng thí nghiệm đến các quỹ học bổng.

Nguồn cung chủ yếu của các quỹ này là lợi nhuận từ hàng triệu, hàng tỷ USD tiền đầu tư.

Các cuộc biểu tình bắt đầu thế nào?

Việc lập trại bắt đầu vào tháng trước (tháng 4/2024), khi hàng chục sinh viên tại đại học Columbia dựng lều trên bãi cỏ trong khuôn viên trường.

Sự việc diễn ra trong khi chủ tịch trường đại học này đang giải trình với Hạ viện Mỹ về chủ nghĩa bài Do Thái.

Chỉ một ngày sau đó, cảnh sát đã tới và bắt những người biểu tình, châm ngòi cho làn sóng hành động tại các đại học khác khắp nước Mỹ.

Các nhà hoạt động sau đó đã nhanh chóng lập lại khu trại tại Đại học Columbia và cuối cùng chuyển vào trong một tòa nhà của trường.

Cảnh sát sau đó lại được gọi tới do có hành vi phá hoại và có nguy cơ mất an toàn cho cộng đồng, theo thông tin từ đại học này.

Tổng cộng có hơn 100 người đã bị bắt giữ khi tòa nhà và khu trại bị giải tán.

Sinh viên biểu tình ở những đâu?


Reuters. Biểu tình tại Đại học Michigan

Cuộc khủng hoảng ngày càng tăng ở Đại học Columbia truyền cảm ứng cho nhiều cuộc biểu tình và lập trại tương tự trên khắp nước Mỹ, bao gồm ở các đại học như Yale, Harvard, Princeton, MIT, UC Berkeley…

BBC đã đếm được hơn 130 trường đại học và cao đẳng ở Mỹ có xảy ra các vụ biểu tình và lập trại trong vài tuần qua.

Các cuộc biểu tình diễn ra ở thủ đô Washington DC và 45 bang khác của Mỹ.

Tuần trước, những người ủng hộ Palestine cũng đã tập trung tại các đại học ở Úc, Canada, Pháp, Ý và Anh.

Các trường đại học xử lý thế nào?


Getty Images. Một người cầm tấm bảng kêu gọi chấm dứt các hành động bài Do Thái trong các cuộc biểu tình

Một số trường đang điều đình với học sinh, số khác đã ra tối hậu thư mà kết quả là việc gọi cảnh sát tới xử lý.

Một thỏa thuận về giới hạn quy mô của khu trại đã được lập ra giữa Đại học Northwestern (Đại học Tây Bắc, gần thành phố Chicago) và người biểu tình.

Một thỏa thuận khác được lập ra giữa Đại học Brown và sinh viên của mình.

Để đổi lại việc sinh viên dẹp khu trại, đại học này đã đồng ý tổ chức một cuộc bỏ phiếu về việc thoái vốn vào tháng 10.

Các chính trị gia đã yêu cầu các trường đại học phải làm nhiều hơn thế.

Họ nhấn mạnh vào các vụ việc bài Do Thái ở một số cuộc biểu tình.

Sinh viên Do Thái tại một số trường đại học đã kể với BBC về những sự cố khiến họ cảm thấy không thoải mái và sợ hãi.

Những vụ việc này bao gồm khẩu hiệu và biểu ngữ ủng hộ Hamas, một tổ chức bị chính quyền coi là khủng bố, va chạm thể chất và những sự đe dọa họ cảm nhận được.

Bao nhiêu người đã bị bắt?


Getty Images. Các vụ bắt giữ tại Đại học Columbia đã châm ngòi cho hàng loạt cuộc biểu tình của sinh viên trên khắp nước Mỹ

Theo một thống kê của AP, hơn 2.000 người đã bị bắt tại các cuộc biểu tình trên khắp nước Mỹ.

Chỉ trong hai ngày đầu tiên của tháng Năm, hàng trăm người đã bị bắt giữ tại nhiều trường đại học, bao gồm Yale, Dartmouth, Stony Brook, Portland State, Đại học Wisconsin và Đại học Texas tại Dallas.

Tại Đại học California tại Los Angeles, 210 người đã bị bắt giữ sau khi cảnh sát tiến hành giải tán một khu trại ủng hộ Palestine.

Đầu tuần này ở New York, 282 người đã bị bắt sau khi cảnh sát dọn dẹp tòa nhà Hamilton Hall của Đại học Columbia và khu cắm trại trong khuôn viên.

Tòa nhà Hamilton Hall trước đó đã bị người biểu tình chiếm đóng.

Con số 282 người này tính cả những người bị bắt tại trường Đại học Thành phố New York ở gần đó.

Biểu tình có kết quả không?

Nhiều năm qua, các nhóm sinh viên ủng hộ Palestine đã kêu gọi các cơ sở giáo dục hỗ trợ phong trào Tẩy chay, Thoái vốn, Cấm vận (Boycott, Divestment and Sanctions – BDS), như một cách để đẩy lùi Israel.

Dù một số đã cắt đứt quan hệ tài chính với Israel, không có trường đại học nào ở Mỹ từng cam kết thực hiện BDS.

Dù việc thoái vốn sẽ có ít hoặc không có tác động tới cuộc chiến ở Gaza, người biểu tình cho rằng việc này sẽ giúp nhận diện rõ những kẻ hưởng lợi từ chiến tranh và nâng cao nhận thức về vấn đề này.

Đáp lại, hiện Israel đã cấm một số nhóm ủng hộ BDS vào đất nước này.

Vì sao sinh viên nhắc tới các cuộc biểu tình chống Chiến tranh Việt Nam?


Stuart Lutz/Gado/Getty Images. Sinh viên biểu tình phản chiến tại Đại học Bang Bắc Carolina State ở Raleigh, Bắc Carolina vào năm 1970

Các nhà hoạt động tại Columbia và nhiều nơi khác đã nhắc tới các cuộc biểu tình phản đối sự tham gia của Mỹ vào Chiến tranh Việt Nam thời điểm cuối thập niên 1960.

Khi đó, hàng ngàn người đã bị bắt và hàng loạt các cuộc va chạm bạo lực với cảnh sát đã xảy ra.

Năm 1970, bốn sinh viên tại Ohio đã thiệt mạng sau khi Vệ binh Quốc gia Hoa Kỳ nổ súng.

Cái chết của họ đã châm ngòi cho nhiều cuộc biểu tình trên khắp nước Mỹ và buộc nhiều trường đại học phải đóng cửa.

Hiện Vệ binh Quốc gia không được điều động tới các cuộc biểu tình chống cuộc chiến ở Gaza.

Lễ tốt nghiệp có bị ảnh hưởng?

Cuối tuần này, lễ tốt nghiệp sẽ được tổ chức trên khắp nước Mỹ.

Các cuộc biểu tình cũng được cho là sẽ tiếp diễn, bao gồm tại Đại học Indiana và Đại học Michigan.

Đại học Michigan đã hướng dẫn tình nguyện viên cách giảm thiểu thiệt hại nếu có sự cố - một sự thay đổi so với nhiệm vụ hướng dẫn khách tham quan khuôn viên trường mà họ thường đảm nhiệm.

Hiện vẫn chưa biết chính xác các cuộc biểu tình tại lễ tốt nghiệp sẽ diễn ra thế nào.

Tại Đại học Nam California, lễ tốt nghiệp đã bị hủy bỏ do những tác động tiềm ẩn của các cuộc biểu tình.

Hôm thứ Sáu 3/5, trường đã thông báo sẽ tổ chức một sự kiện vinh danh sinh viên tốt nghiệp tại sân vận động LA Memorial Coliseum.

Tin liên quan

🔝

Địa chấn chính trị Việt Nam: Dồn dập đến bao giờ?

3 tháng 5 2024, 16:28 +07 - BBC


Chiến dịch "đốt lò" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khiến hàng loạt quan chức cấp cao bị mất chức

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng rời ghế. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp bước. Ủy viên Bộ Chính trị Trần Anh Tuấn mất chức. Hàng loạt quan chức cấp tỉnh, bộ ngành vướng vòng lao lý. Những tháng đầu năm 2024, chính trường Việt Nam đang rung lắc dữ dội.

Công cuộc "đốt lò" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã càn quét sâu rộng từ trung ương xuống địa phương và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Trong những ngày qua, trước các thay đổi về nhân sự được coi là chưa có tiền lệ, nhiều nhà quan sát mà BBC phỏng vấn đã chỉ ra những hạn chế trong công cuộc chống tham nhũng của ông Trọng, rằng nó "không hiệu quả", thậm chí "thất bại" khi chỉ giải quyết phần ngọn trong khi cội rễ của tham nhũng nằm ngay chính trong nội tại ĐCSVN.

Bất chấp những nhận định về sự yếu kém trong khâu tổ chức cán bộ hay mối lo "ném chuột vỡ bình", "chiếc lò" của ông Trọng được dự đoán sẽ tiếp tục "cháy" mạnh ít nhất từ nay cho tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 14 vào năm 2026.

Cuộc ‘đốt lò’ ở thượng tầng

Tính tới nay, đã có năm ủy viên Bộ Chính trị khóa 13 gồm Vương Đình Huệ, Võ Văn Thưởng, Trần Tuấn Anh, Nguyễn Xuân Phúc Phạm Bình Minh bị miễn nhiệm theo Quy định 41. Trong số này, có đến ba người bị buộc phải rời Bộ Chính trị trong năm 2024.

Cụ thể, ông Vương Đình Huệ đã chính thức bị miễn nhiệm chức chủ tịch Quốc hội hôm 2/5, không lâu sau khi ông Võ Văn Thưởng chính thức mất chức Chủ tịch nước hôm 21/3.

Điều này khiến "Tứ Trụ" hiện chỉ còn hai "trụ" và Bộ Chính trị khóa 13 giảm xuống còn 13 ủy viên, so với con số 18 người vào đầu khóa hồi năm 2021. Sự hao hụt nhân sự ở nhóm quyền lực nhất đất nước được coi là chưa có tiền lệ.

Hiện hai ghế chủ tịch Quốc hội và chủ tịch nước đều đang bỏ trống.

Ông Huệ mất chức do phải chịu trách nhiệm người đứng đầu, có lẽ liên quan đến thuộc cấp của ông là Phạm Thái Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Ông Hà, cũng là trợ lý của ông Vương Đình Huệ, đã bị khởi tố, tạm giam ngày 21/4 với cáo buộc liên quan đến vụ án Tập đoàn Thuận An.

Một ủy viên Bộ Chính trị khác là ông Trần Tuấn Anh, cựu Bộ trưởng Bộ Công thương, cũng đã bị cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa 15 hôm 5/2/2024. Trước đó, về mặt đảng, ông đã được "cho thôi các chức vụ" Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương vào ngày 31/1/2024 “theo nguyện vọng cá nhân”.

Ông Nguyễn Xuân Phúc, người tiền nhiệm của ông Võ Văn Thưởng, trong tháng 1/2023 cũng đã phải "chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có hai đồng chí phó thủ tướng, ba bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng; hai phó thủ tướng đã xin thôi giữ các chức vụ, hai bộ trưởng và nhiều cán bộ bị xử lý hình sự", theo Tạp chí Xây dựng Đảng.

Hai phó thủ tướng nói trên là ông Phạm Bình Minh và ông Vũ Đức Đam. Hai ông bị miễn nhiệm trong tháng 1/2023.

Hai bộ trưởng bị xử lý hình sự là ông Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế và ông Chu Ngọc Anh, cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

Cả hai ông đều bị xử lý liên quan đến vụ Việt Á.

Vào tháng 1/2024, ông Nguyễn Thanh Long đã bị Tòa án nhân dân TP Hà Nội tuyên phạt 18 năm tù về tội "Nhận hối lộ". Ông Chu Ngọc Anh, cựu Bộ trưởng Bộ KH-CN, lãnh án 3 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Cuộc ‘oanh tạc’ cán bộ cấp tỉnh


BÀ TRƯƠNG THỊ MAI THAY ÔNG VƯƠNG ĐÌNH HUỆ? - Video ▶️

Lửa từ chiếc lò chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng không ngừng lan rộng tới các tỉnh thành. Hàng loạt lãnh đạo cấp tỉnh, trong đó có nhiều người thuộc diện "Trung ương quản lý", đã bị xử lý theo nhiều mức độ khác nhau, nhẹ thì có kỷ luật về mặt đảng, nặng thì khởi tố hình sự.

Mới đây nhất, tại kỳ họp bất thường hôm 2/5, Quốc hội Việt Nam đã bãi nhiệm đại biểu Quốc hội khóa 15 đối với ông Dương Văn Thái, thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang và là Bí thư Tỉnh ủy của tỉnh này.

Trước đó, hôm 26/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1046/NQ-UBTVQH15 đồng ý đề nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao về việc khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Dương Văn Thái; đồng thời tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đối với ông này kể từ ngày có quyết định khởi tố bị can.

Ông Dương Văn Thái bị đề nghị khởi tố liên quan đến vụ án tại Tập đoàn Thuận An.

Liên quan tới tập đoàn Thuận An, nhiều người khác đã "vào lò".

Chủ tịch Tập đoàn Thuận An, ông Nguyễn Duy Hưng, đã bị bắt và khởi tố hôm 15/4 kéo theo hàng loạt dự án của tập đoàn này bị rà soát. Một số quan chức tỉnh Bắc Giang cũng vướng vòng lao lý với cáo buộc liên quan đến Thuận An.

Ông Nguyễn Văn Thạo - Giám đốc BQL dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp, tỉnh Bắc Giang; ông Đàm Văn Cường - Phó Giám đốc ban; và ông Hoàng Thế Du, Trưởng phòng ban đã bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", riêng ông Thạo bị điều tra thêm tội "Nhận hối lộ".

Tại Vĩnh Phúc, bí thư Tỉnh ủy tỉnh này là bà Hoàng Thị Thúy Lan đã bị khởi tố, tạm giam hôm 20/3 về tội "Nhận hối lộ" liên quan đến vụ án tại Tập đoàn Phúc Sơn.

Bà Lan, là ủy viên Trung ương Đảng khóa 13, cũng đã bị Trung ương Đảng kỷ luật bằng hình thức khai trừ đảng và Quốc hội bãi nhiệm tư cách đại biểu.

Ở Lâm Đồng, ngày 2/1, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) - Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh, để điều tra hành vi nhận hối lộ.

Mở rộng điều tra, C03 bắt giữ ông Trần Đức Quận, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, để điều tra hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Trên đây chỉ là một số gương mặt nổi bật trong danh sách rất dài các cán bộ, lãnh đạo cấp cao bị xử lý kỷ luật và khởi tố hình sự cho tới nay. Và danh sách này hẳn sẽ còn dài hơn trong thời gian tới, khi mà công cuộc "đốt lò" vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

'Lò' cháy đến đâu và bao giờ?


ÔNG VƯƠNG ĐÌNH HUỆ MẤT CHỨC: CHIẾN DỊCH ‘ĐỐT LÒ’ CỦA ÔNG TRỌNG THẤT BẠI? - Video ▶️

“Lò nóng lên rồi thì củi tươi cũng phải cháy,” Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh như vậy trong một cuộc họp của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng hồi năm 2017.

Tính từ sau Đại hội Đảng lần thứ 13 vào đầu năm 2021, con số cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương Đảng quản lý bị kỷ luật đã lên tới khoảng gần 100 người. Con số này được chính Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ hồi tháng 3/2024.

Khái niệm cán bộ “thuộc diện Trung ương quản lý” được dùng để chỉ những cán bộ do Bộ Chính trị hoặc Ban Bí thư quản lý. Danh sách này rất dài, cơ bản bao gồm cán bộ từ cấp chủ tịch UBND tỉnh, bí thư tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc trung ương, thủ trưởng cấp bộ hoặc tương đương, cho đến ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Bộ Chính trị, các thành viên “Tứ Trụ”.

Trong giai đoạn 2012-2022, đã có gần 200.000 cán bộ, đảng viên bị kỷ luật, nhiều người bị xử lý hình sự, theo Tạp chí Tổ chức Nhà nước của Bộ Nội vụ. Con số này nếu tính tới thời điểm hiện nay (2024) chắc hẳn còn cao hơn nữa.

Hiệu ứng của chiến dịch này là khoảng 60.000 người từ chức chỉ trong khoảng thời gian 2021-2023, trong khi số cán bộ của khu vực công chỉ có khoảng 2,5 triệu.

Như vậy có nghĩa những người còn lại phải "trong sạch như tuyết", "không chút tì vết”, theo GS Carl Thayer từ ĐH New South Wales, Úc.

Điều này liệu có khả thi?

Chưa nói tới việc họ có thực sự liêm chính, GS Carl Thayer chia sẻ với BBC nhận định của ông rằng các phe phái trong đảng sẽ luôn tìm ra "tì vết" của nhau, hoặc ít ra cũng tìm ra "tì vết" thuộc cấp của họ.

Nghĩa là sẽ không có ai có khả năng trở thành một tấm gương sáng mẫu mực trong hệ thống ĐCSVN.

Về vấn đề này, TS Nguyễn Quang A, một nhà bất đồng chính kiến và người đã có hàng chục năm quan sát chính trị Việt Nam, nói với BBC rằng vấn đề là phải “bắt trúng bệnh gốc” chứ không phải “bắt hết ông nọ đến ông kia.”

“Đó không phải là cách làm bài bản, không đánh vào nguyên nhân cốt lõi. Cốt lõi là chính bản chất của hệ thống này,” TS Quang A nói.

Ông Quang A chỉ ra rằng Việt Nam cần phải trở thành một nhà nước pháp quyền, nơi điều tra, công tố và tòa án hoạt động động lập với nhau và theo luật, chứ không theo chỉ đạo của ĐCSVN.

Bên cạnh đó, cần các cơ quan giám sát độc lập các hoạt động của ĐCSVN và nhà nước. Việt Nam hiện hiện không có yếu tố nào trong số những yếu tố kể trên “thì làm sao chống được tham nhũng”, ông Nguyễn Quang A nói.

Không chỉ có vậy, công cuộc đốt lò của ông Trọng đã gây ra "một cuộc di cư hàng loạt của công chức" trong "nỗi lo sợ ngày càng tăng của những người còn lại về việc bị bắt", "dẫn đến tình trạng miễn cưỡng thực hiện trách nhiệm của mình trên diện rộng," theo ông Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu viên Chương trình Nghiên cứu Việt Nam của ISEAS – Viện Yusof Ishak (Singapore), trong một bài viết trên trang Fulcrum.

Hậu quả là "làm trầm trọng thêm những thách thức mà bộ máy quan liêu vốn đã quá tải phải đối mặt, biểu hiện ở tình trạng quá tải bệnh viện công, thiếu giáo viên và bác sĩ trầm trọng, chậm trễ phê duyệt dự án và xếp hàng dài để đăng ký phương tiện. Quan trọng nhất, nó đã làm giảm hiệu quả hoạt động của chính phủ vào thời điểm Việt Nam cần nhất".

🔝

Tranh chấp lao động: Một bản án bất lợi cho người lao động trở thành 'án lệ'

3 tháng 5 2024, 12:42 +07 - BBC


Một cuộc đình công của người lao động ở Bình Dương

Án lệ phải thể hiện tính khách quan và công bằng, phải là một tiền lệ hay mẫu mực giúp các thẩm phán có thể noi theo áp dụng trong các trường hợp tương tự sau đó. Tuy nhiên, đã có án lệ tại Việt Nam cần được xem xét lại.

Án lệ (case law, legal precedent) là những lập luận, phán quyết đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố thành án lệ.

Án lệ được hiểu là đường lối giải thích luật pháp để đưa ra phán quyết trong những trường hợp mà các luật không dự liệu cụ thể. Đường lối này được coi như một tiền lệ hay mẫu mực giúp các thẩm phán có thể noi theo áp dụng trong các trường hợp tương tự sau đó.

'Án lệ' là gì?


Getty Images. Việt Nam hiện vẫn chưa có công đoàn độc lập

Trên nguyên tắc, án lệ phải thể hiện tính khách quan và công bằng.

Tuy nhiên, có án lệ mà ta phải nghi ngờ tính khách quan và công bằng như trường hợp sau đây:

Án lệ số 70/2023/AL, số văn bản 364/QĐ-TANDTC, ngày 01/10/2023 về tranh chấp lao động

Nội dung vụ án có thể xem ở đây.

Tóm tắt như sau: Người lao động, ông Vương Quốc A được Công ty TNHH K. Việt Nam, mà theo tên gọi có lẽ là một công ty có vốn nước ngoài, nhận vào làm việc từ tháng 3/2015 với hợp đồng thời hạn 12 tháng, sau đó gia hạn tới ngày 25/11/2016. Trong thời gian này, ông A được bầu làm Chủ tịch Ban Chấp hành lâm thời của Công đoàn cơ sở (CĐCS). Sau khi tiến hành đại hội công đoàn, ông A được bầu chính thức làm Chủ tịch Ban Chấp hành, một tháng trước khi hợp đồng làm việc của ông hết hạn vào ngày 25/11/2016.

Công ty K quyết định không tái ký hợp đồng lao động với ông A. Ông A cho rằng việc bị chấm dứt hợp đồng là không đúng, nên khởi kiện Công ty K. Ông A lập luận rằng với cương vị là đương kim chủ tịch CĐCS, công ty phải gia hạn hợp đồng làm việc cho tới hết nhiệm kỳ, như quy định của pháp luật.

Ngày 21/11/2019, Tòa án sơ thẩm thành phố Biên Hòa quyết định không chấp nhận đơn kiện của ông Vương Quốc A. Sau đó, ông A kháng cáo.

Ngày 30/7/2020, Tòa án phúc thẩm tỉnh Đồng Nai chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông A, sửa toàn bộ bản án sơ thẩm, buộc Công ty K phải bồi thường hơn 216 triệu đồng, ngoài ra truy đóng các bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp cho ông A, đồng thời phải trả án phí.

Công ty K kháng cáo, yêu cầu xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm.

Ngày 22/4/2022, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao tại TP HCM kháng nghị bản án phúc thẩm của Tòa án Nhân dân tỉnh Đồng Nai, giữ nguyên bản án sơ thẩm của tòa án tại Biên Hòa. Tòa giám đốc thẩm không công nhận tư cách chủ tịch CĐCS của ông A, xử ông A thua kiện.

Vụ án này sau đó được chọn làm án lệ mang số thứ tự 70/2023/AL.

Thấy gì từ vụ án này?


Getty Images. Hiện Việt Nam chỉ có duy nhất một tổ chức công đoàn là Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam

1. Chủ doanh nghiệp trù dập cán bộ công đoàn

Cán bộ công đoàn không chuyên trách vẫn là người lao động ăn lương của chủ doanh nghiệp, nhưng được sử dụng một số giờ làm việc (theo luật định) để lo liệu công việc của công đoàn.

Dưới cái nhìn của chủ doanh nghiệp, những người này không được ưa chuộng bởi họ làm việc ít hơn cho doanh nghiệp mà vẫn được trả lương đầy đủ và có thể gây rắc rối cho doanh nghiệp trong quan hệ lao động.

Do đó nhiều doanh nghiệp tìm cách gây khó khăn cho công đoàn, trong đó có đuổi việc, không gia hạn hợp đồng làm việc cho những nhân viên này.

2. Tòa giám đốc thẩm bỏ qua các chuẩn mực quốc tế

Trong vụ án kể trên, tòa giám đốc thẩm bác bỏ tư cách của ông A là Chủ tịch CĐCS, từ đó phán quyết rằng Công ty K đuổi việc ông A là hợp pháp.

Tuy nhiên, theo Điều 3 của Công ước 87 của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO thì “các tổ chức của người lao động… có quyền lập ra điều lệ, những quy tắc quản lý, tự do bầu các đại diện, tổ chức việc điều hành… Các cơ quan có thẩm quyền phải tránh mọi sự can thiệp có tính chất hạn chế quyền đó, hoặc cản trở việc thi hành hợp pháp quyền đó".

Như vậy, theo những chuẩn mực quốc tế, tòa án không có quyền can thiệp vào nội bộ công đoàn, không được bác bỏ tư cách Chủ tịch CĐCS của ông A, phải tôn trọng kết quả bầu cử của công đoàn, đã bầu ông A làm chủ tịch CĐCS theo đúng quy định.

3. Tòa giám đốc thẩm không công bằng khi tùy tiện sử dụng chứng từ

Trong khi Tòa phúc thẩm tỉnh Đồng Nai công nhận tư cách chủ tịch CĐCS của ông A và phán quyết thắng kiện cho ông, thì lập luận chính yếu của Tòa giám đốc thẩm xử ông A thua kiện ngày 26/9/2022 là dựa vào Hướng dẫn số 398/HD-TLĐ ngày 28/3/2012 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là: “Về tái cử ban chấp hành: có đủ tuổi công tác để đảm nhiệm ít nhất 1/2 nhiệm kỳ." Từ đó, tòa ra phán quyết việc bầu ông A làm chủ tịch là không hợp lệ vì "tuổi công tác" của ông ta chỉ còn 1 tháng.

Tuy nhiên, tòa án không trích dẫn phần tiếp theo của Hướng dẫn 398 là: “Những trường hợp còn thời gian công tác dưới 1/2 nhiệm kỳ sẽ do công đoàn cấp trên và cấp ủy cùng cấp xem xét quyết định cụ thể."

Quan trọng hơn nữa, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam còn có Hướng dẫn quy trình giới thiệu nhân sự số 28/HD-TLĐ, ban hành ngày 14/6/2021. Trong hướng dẫn này, điều kiện để ủy viên ban chấp hành tái cử là còn thời gian công tác ít nhất bằng 1/2 nhiệm kỳ cũng được nêu lên, song – khác với Hướng dẫn 398 của năm 2012 - điều kiện này chỉ áp dụng với cán bộ chuyên trách, không áp dụng với cán bộ công đoàn không chuyên trách.

Đây chính là mấu chốt của vấn đề, bởi ông A là cán bộ không chuyên trách nên không cần đáp ứng điều kiện còn thời gian công tác bằng 1/2 nhiệm kỳ. Ông chỉ cần có ý kiến giới thiệu tín nhiệm của đoàn viên theo như Mục II, Điều I.2 của Hướng dẫn số 28/HD-TLĐ năm 2021 nêu trên.

Nếu dựa vào Hướng dẫn 28/HD-TLĐ năm 2021 thì việc ông A đắc cử chủ tịch CĐCS phải được xem là hợp lệ. Từ đó, lẽ ra phải xử cho ông ta thắng kiện, nhưng Tòa giám đốc thẩm đã bỏ qua văn bản này để xử ông A thua kiện.

Hiện tượng pháp luật Việt Nam nhiều khi chồng chéo, mâu thuẫn là không mới. Vụ tranh chấp về lao động này cũng chỉ minh chứng thêm cho điều này. Nhưng quan trọng nhất là vụ án này được nâng lên hàng "án lệ", nghĩa là trong tương lai, khi có những vụ án tương tự xảy ra, các thẩm phán sẽ phải dựa vào bản án này để cho ra những phán quyết, mà phần bất lợi cho những tổ chức lao động đã được định sẵn.

* Bài viết của tác giả T.K. TRAN, một nhà nghiên cứu về công đoàn và quyền của người lao động hiện sống ở Stuttgart, Đức.

🔝

Ông Trần Thanh Mẫn, người được phân công điều hành Quốc hội, là ai?

2.5.2024 - BBC


Ông Trần Thanh Mẫn trưởng thành từ hệ thống Đoàn và Đảng

Sau khi ông Vương Đình Huệ bị miễn nhiệm chức chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch thường trực Trần Thanh Mẫn đã được phân công điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.

Chiều 2/5, ngay sau kỳ họp bất thường miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đã có thông báo về việc phân công điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội Việt Nam.

Theo đó, ông Trần Thanh Mẫn – Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội - sẽ điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội Việt Nam cho đến khi kiện toàn được chức danh Chủ tịch Quốc hội khóa 15 theo quy định.

Việc phân công ông Mẫn diễn ra ngay sau khi Quốc hội miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026, phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Hội đồng Quốc phòng-An ninh nhiệm kỳ 2021-2026 và cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa 15 đối với ông Vương Đình Huệ.

Bình luận với BBC News Tiếng Việt hôm 26/4, sau khi Đảng đồng ý để ông Vương Đình Huệ thôi chức Chủ tịch Quốc hội trong một sự kiện được cho là chấn động chính trường Việt Nam, GS Carl Thayer (Úc) nhận định rằng ông Trần Thanh Mẫn sẽ lên làm chủ tịch Quốc hội thay ông Huệ.

Dựa trên Quy định 214-QĐ/TW 2020 về khung tiêu chuẩn cho các chức danh thì một trong những điều kiện để trở thành chủ tịch Quốc hội là phải tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên. Ông Mẫn tham gia Bộ Chính trị chưa đủ một nhiệm kỳ, nên chưa đủ tiêu chuẩn. Tuy nhiên, Đảng Cộng sản Việt Nam có thể áp dụng trường hợp ngoại lệ nếu họ muốn chọn người chưa hội đủ tất cả các tiêu chuẩn theo quy định trên. Trong bối cảnh "thiếu người" như hiện nay, việc áp dụng ngoại lệ là có thể xảy ra.

Giáo sư Thayer chia sẻ: "Ban đầu tôi nghĩ Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị Trần Thanh Mẫn sẽ lên [làm chủ tịch Quốc hội]. Tuy nhiên, nguồn tin của tôi, tất nhiên chỉ là tin đồn, nói với tôi rằng bà Trương Thị Mai sẽ được bổ nhiệm làm người đứng đầu Quốc hội. Và điều đó an toàn vì bà ấy từng cho biết mình muốn nghỉ hưu (vào năm 2026)."

GS Carl Thayer nói rằng nếu bà Trương Thị Mai làm chủ tịch Quốc hội thì có khả năng ông Mẫn sẽ làm chủ tịch nước. Đây được coi là những giải pháp trước mắt để chờ tới Đại hội Đảng lần thứ 14 vào đầu năm 2026.

Do trong kỳ họp bất thường lần này, Quốc hội không tiến hành bầu ra người thay thế ông Vương Đình Huệ và ông Võ Văn Thưởng – người mất chức Chủ tịch nước chỉ trước ông Huệ hơn một tháng – có khả năng quốc hội sẽ bầu hai vị trí này trong kỳ họp thường kỳ sắp tới, khai mạc vào ngày 20/5, bế mạc ngày 28/6.


Việc ông Vương Đình Hụê mất chức được coi là một cơn địa chấn chính trị

Ông Trần Thanh Mẫn là ai?

Ông Trần Thanh Mẫn sinh năm 1962, quê ở Hậu Giang, là tiến sĩ kinh tế, cử nhân chính trị.

Ông là ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng khóa 10; ủy viên Trung ương Đảng khóa 11, 12, 13; bí thư Trung ương Đảng khóa 12; ủy viên Bộ Chính trị khóa 13 và là đại biểu Quốc hội các khóa 13, 14, 15.

Ông Trần Thanh Mẫn từng có thời gian dài làm công tác Đoàn Thanh niên tại các tỉnh Hậu Giang và Cần Thơ.

Từ tháng 7/1994, ông Trần Thanh Mẫn làm chánh văn phòng UBND tỉnh, sau đó làm phó chủ tịch UBND tỉnh Cần Thơ.

Từ năm 2008-2011, ông làm phó bí thư Thành ủy, chủ tịch UBND TP Cần Thơ.

Từ năm 2011-2015, ông Trần Thanh Mẫn làm bí thư Thành ủy Cần Thơ, trước khi giữ cương vị phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ông được bầu làm phó chủ tịch thường trực Quốc hội vào ngày 1/4/2021, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa 14.

Tháng 7/2021, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 15, ông tiếp tục được bầu giữ chức phó chủ tịch Quốc hội và tiếp tục đảm nhiệm vai trò phó chủ tịch thường trực Quốc hội khóa 15.

Tháng 1/2021, tại Đại hội Đảng lần thứ 13, ông Mẫn được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng. Tại Hội nghị lần thứ nhất Trung ương Đảng khóa 13, ông được bầu vào Bộ Chính trị.

🔝

Kênh đào Phù Nam Techo: Tác giả Campuchia chỉ trích Việt Nam ‘tưởng tượng’ về chiến tranh với Trung Quốc

1 tháng 5 2024, 10:48 +07 - BBC

Dự án Kênh đào Phù Nam Techo tiếp tục là chủ đề gây căng thẳng giữa Việt Nam và Campuchia, với việc hai bên chỉ trích qua lại lẫn nhau ngày càng gay gắt. Một bài viết trên báo Campuchia thậm chí còn chỉ trích các nhà nghiên cứu Việt Nam là đã “tưởng tượng” ra cuộc chiến với Trung Quốc.

Phát biểu trong cuộc gặp gỡ hơn 5.000 đại diện của khu vực kinh tế phi chính thức tại Phnom Penh hôm Chủ nhật (28/4), ông Hun Manet, Thủ tướng Campuchia, nói rằng dự án kênh đào Phù Nam Techo “không phải vì lợi ích của gia đình ‘Hun’ mà nhằm mục đích nâng cao phúc lợi của tất cả người dân Campuchia.”

Ông Manet cũng nói rằng việc xây dựng kênh đào này “không phải xin phép nước nào” trừ việc gửi các thông tin cần thiết tới Ủy hội sông Mekong.

'Không thương lượng gì thêm'


Getty Images. Thủ tướng Campuchia Hun Manet gặp Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tại Hà Nội hôm 11/12/2023

Trước đó, hôm 26/4, Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen đã mạnh mẽ gửi đi thông điệp: "Không thương lượng gì thêm về việc đào kênh Phù Nam Techo".

Những thông điệp từ các lãnh đạo Campuchia được đưa ra sau khi Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng “đề nghị phía Campuchia phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và Ủy hội sông Mekong, cộng đồng quốc tế về việc chia sẻ thông tin về công trình này.”

Khi được một hãng thông tấn nước ngoài hỏi về kênh đào Funan Techo (Phù Nam Techo) ở Campuchia trong họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao ngày 11/4, ông Đoàn Khắc Việt, phó phát ngôn Bộ Ngoại giao VIệt Nam, nói: "Việt Nam ủng hộ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của các quốc gia ven sông Mekong."

Tuy nhiên, cũng theo ông Việt, Việt Nam đồng thời "coi trọng việc tăng cường hợp tác để quản lý, sử dụng khách quan và bảo vệ nguồn nước sông Mekong vì sự phát triển bền vững của khu vực, lợi ích của các quốc gia trong khu vực, tương lai của thế hệ mai sau và tình đoàn kết giữa các quốc gia ven sông Mekong".

Đại diện Bộ Ngoại giao cho biết phía Việt Nam rất quan tâm đến dự án kênh đào Phù Nam Techo:

"Việt Nam cũng đã đề nghị phía Campuchia phối hợp chặt chẽ với Việt Nam, Ủy hội sông Mekong trong việc chia sẻ thông tin và đánh giá tác động của công trình này đối với tài nguyên nước và môi trường sinh thái của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đảm bảo hài hòa lợi ích của các quốc gia ven sông và người dân sinh sống trong khu vực."

Đây là lần đầu tiên Bộ Ngoại giao Việt Nam chính thức lên tiếng về vấn đề dự án kênh đào Phù Nam Techo, cho thấy mức độ quan ngại từ Hà Nội đang tăng cao.

Trước đó, có thể đã có những trao đổi chính thức nhưng nội dung chi tiết không được công khai giữa lãnh đạo hai nước. Vào tháng 12/2023, khi Thủ tướng Hun Manet đi thăm Việt Nam, ông đã trấn an Thủ tướng Phạm Minh Chính của nước chủ nhà rằng kênh đào này sẽ không ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường.

Tiếp sau sự lên tiếng của Bộ Ngoại giao ở Hà Nội, Việt Nam đã lần đầu tiên tổ chức một hội nghị về dự án kênh đào Phù Nam Techo tại TP Cần Thơ vào ngày 23/4. Tại đây, các chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo rằng việc đào kênh có thể đe dọa Đồng bằng sông Cửu Long vì lượng nước sông Mekong đổ về sẽ giảm mạnh.

Vào tháng 3/2024, Tạp chí Phương Đông của Việt Nam đã đăng bài Dự án kênh đào Funan Techo: lợi ích và hệ lụy của hai tác giả Nguyễn Đình Thiện và Hoàng Thanh Minh, trong đó nêu khả năng Phù Nam Techo được sử dụng cho mục đích quân sự.

Bài viết nêu: "Nhiều chuyên gia quân sự đặt ra khả năng khi các cửa cống trên Kênh đào Funan Techo đóng lại có thể tạo độ sâu cần thiết, đủ để cho tàu quân sự đi từ Vịnh Thái Lan, hay từ căn cứ Ream, vào sâu trong nội địa Campuchia và tiến đến gần về phía biên giới nước này."

Có thể thấy, những phản ứng gay gắt từ ông Hun Sen và con trai Hun Manet là nhằm đáp trả lại những động thái từ phía Việt Nam, cả từ phía chính phủ lẫn từ các cơ quan báo chí, tổ chức nghiên cứu đang truyền đi thông điệp quan ngại của Việt Nam theo nhiều kênh và nhiều cách khác nhau.

‘Tưởng tượng chiến tranh’

Giữa lúc Việt Nam đang quan ngại, báo Khmer Times thân chính phủ Campuchia hôm 18/4 đã đăng một bài viết với nhan đề Cuộc chiến tưởng tượng giữa Trung Quốc và Việt Nam với cái giá phải trả của Campuchia, trong đó chỉ trích dữ dội bài báo của Tạp chí Phương Đông đã đề cập ở trên, cho rằng các tác giả đã tung ra "lý thuyết chiến tranh".

Theo bài báo của tác giả Leap Chanthavy trên Khmer Times, hai tác giả Nguyễn Đình Thiện và Hoàng Thanh Minh đã cáo buộc Phnom Penh có kế hoạch dùng kênh Phù Nam Techo và căn cứ hải quân Ream để cho Trung Quốc huy động quân đội trong trường hợp xảy ra chiến tranh với Việt Nam.

“Hai nhà nghiên cứu này có vấn đề gì vậy?” tác giả Leap Chanthavy đặt câu hỏi trong bài báo của ông đăng trên trang Khmer Times.

Ông Leap Chanthavy viết rằng Đảng Nhân dân Campuchia và Đảng Cộng sản Việt có một tình hữu nghị dài lâu và bền chặt, đồng thời lập luận về khả năng gần như "không thể" của việc Trung Quốc đặt căn cứ quân sự ở Campuchia, hoặc dùng kênh Phù Nam Techo để chuyển quân ở Campuchia.

Tác giả Campuchia đã dẫn ra các cuộc chiến giữa Việt Nam và Trung Quốc trong lịch sử, như Chiến tranh biên giới năm 1979, Hải chiến Hoàng Sa 1974, và kết luận Trung Quốc chưa bao giờ tiến hành chiến tranh với Việt Nam từ một nước thứ ba.

Tác giả Leap Chanthavy viết: "Năm 1979, Trung Quốc và Việt Nam đã đánh nhau trong một cuộc chiến ngắn mà Trung Quốc mô tả là ‘dạy cho Việt Nam một bài học’ sau khi Việt Nam chiếm đóng Campuchia vào năm 1978. Trung Quốc đã huy động 600.000 lính ở các tỉnh Vân Nam và Quảng Tây, miền nam Trung Quốc. Xung đột kéo dài khoảng một tháng, cuối cùng Trung Quốc rút quân vào tháng 3 năm 1979 và chiến tranh kết thúc với tổn thất nặng nề về nhân mạng cho cả hai bên."

Ông cũng viết rằng "Trung Quốc không thể huy động hàng ngàn quân qua Lào, sang Campuchia bằng đường hàng không, đường biển hoặc đường bộ mà không bị hệ thống vệ tinh hiện đại phát hiện".

"Kể cả trong trường hợp Trung Quốc muốn dùng tàu ngầm để bí mật huy động quân ở Campuchia thì tàu ngầm này cũng không thể đi qua vùng nước nông. Và ngay cả tàu ngầm lớn nhất thế giới là lớp Typhoon cũng chỉ chở được tối đa 160 người."

Ông Chanthavy nhắc lại việc Campuchia "chưa bao giờ" muốn hay chấp nhận nước ngoài đặt căn cứ quân sự hay huy động quân ở nước mình.

Cùng ngày 18/4, Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) công bố hình ảnh vệ tinh, hai tàu chiến của Hải quân Trung Quốc đã có mặt tại Căn cứ Hải quân Ream của Campuchia trong phần lớn thời gian của hơn bốn tháng qua.

Những xung đột lịch sử


Getty Images. Hình ông Hun Sen và bản đồ phác họa dự án kênh đào Phù Nam Techo

Việt Nam và Campuchia đã trải qua mối quan hệ đầy biến động trong nhiều thế kỷ.

Dù luôn nhấn mạnh tình anh em láng giềng và những năm gần đây tăng cường hợp tác nhiều mặt, nhưng dường như vẫn có những cơn sóng ngầm của nghi kỵ, vừa muốn bỏ quên quá khứ nhưng lại không thể nào rũ bỏ được, trong mối tình Campuchia-Việt Nam, theo các nhà nghiên cứu.

Trong bài viết trên BBC mới đây, nhà nghiên cứu Phật học ứng dụng Bửu Nguyễn đã chỉ ra mầm mống căng thẳng được gieo từ thế kỷ thứ 7 khi Đế quốc Chân Lạp và Đế quốc Đại Việt tranh giành sức ảnh hưởng trong khu vực. Nhiều thế kỷ xung đột và trao đổi lãnh thổ diễn ra sau đó, hình thành nên một bối cảnh địa chính trị mong manh.

Thế kỷ 19 chứng kiến sự trỗi dậy của triều Nguyễn, việc mở rộng về phía nam đã sáp nhập lãnh thổ mà một số người Campuchia vẫn coi là “Kampuchea Krom” (Thủy Chân Lạp). Đây là một vết thương vẫn tiếp tục mưng mủ đến ngày nay.

Sự kiện tàn khốc và gần đây nhất trong quan hệ hai bên diễn ra trong giai đoạn 1978–1989.

Việt Nam đã can thiệp, lật đổ chính phủ diệt chủng Khmer Đỏ. Nhưng sự hiện diện của quân đội Việt Nam tại Campuchia đã để lại di sản là sự ngờ vực và oán giận sâu sắc, rằng Hà Nội có ý định "xâm lược" Phnom Penh.

Chính bài viết của tác giả Leap Chanthavy đã được đề cập ở trên cũng đã nêu ra việc “Việt Nam chiếm đóng Campuchia” là nguyên nhân dẫn tới việc Trung Quốc tấn công biên giới phía bắc của Việt Nam.

Chủ nghĩa dân tộc Campuchia cùng với quá khứ thân Việt Nam của Hun Sen đã dẫn tới sự chống đối từ các phe phái đối lập, dẫn đầu là Sam Rainsy, cáo buộc Hun Sen đã tạo điều kiện cấp phép chuyển nhượng đất đai cho các công ty Việt Nam.

Khi mà phe đối lập càng muốn kích động tinh thần chống Việt Nam cũng như dán nhãn Đảng Nhân dân Campuchia là thân Việt Nam, thì cha con ông Hun Sen càng trở nên giữ khoảng cách với Việt Nam, cùng lúc không ngừng xích lại gần Trung Quốc. Và điều này đã gây nên nhiều quan ngại, chính thức và không chính thức, từ phía Việt Nam.

Bên cạnh đó, vẫn còn đó ba vấn đề nổi cộm bao gồm đường biên giới chưa cắm mốc hoàn chỉnh, hàng chục ngàn người gốc Việt tại Campuchia sinh sống trong tình trạng không được thừa nhận và vẫn còn quan điểm khác nhau về Việt Nam xâm lược hay giải phóng Campuchia.

Với nhiều người Campuchia dân tộc chủ nghĩa, đảo Phú Quốc, mà họ gọi là Koh Tral, là của họ.

Mâu thuẫn lợi ích hiện tại


Siêu dự án Phù Nam Techo khiến Campuchia rời xa Việt Nam, ngả hơn vào Trung Quốc - Video ▶️

Với việc ông Hun Manet lên làm thủ tướng của Campuchia, đã có nhiều hy vọng về việc các mâu thuẫn giữa hai nước sẽ sớm được giải quyết.

Tuy nhiên, dự án kênh đào Phù Nam Techo đầy tham vọng lại làm nảy sinh mâu thuẫn mới, trên nền những mâu thuẫn cũ còn trầm tích và chưa được hóa giải.

Phía Campuchia nhiều lần sử dụng các kênh truyền thông chính thống thân chính phủ để đăng phát biểu của cựu Thủ tướng Hunsen và Thủ tướng Hun Manet, khẳng định dự án này không ảnh hưởng gì tới các nước vùng sông Mekong, đồng thời không có "ý đồ chính trị" nào.

Cuối năm 2023, ông Hun Manet đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam. Trong chuyến thăm này, ông đã tìm cách trấn an Thủ tướng Phạm Minh Chính về dự án kênh đào Phù Nam Techo.

Tuy vậy, các thông tin chưa rõ ràng về dự án tiếp tục khiến các nhà khoa học Việt Nam và thế giới tiếp tục lo ngại về nguy cơ tiềm ẩn mà kênh đào này gây ra đối với môi trường và hệ sinh thái dòng Mekong, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, nơi có tới khoảng 21 triệu dân sinh sống.

Các nhà quan sát cũng không bỏ qua các nguy cơ về kinh tế, an ninh, quốc phòng và sự tham gia của Trung Quốc vào dự án này.

Trước khi Bộ Ngoại giao Việt Nam chính thức lên tiếng hồi tháng 3, Việt Nam đã từng bày tỏ quan ngại qua nhiều kênh khác nhau, đặc biệt là thông qua báo chí, các viện nghiên cứu, các chuyên gia.

Mối quan ngại lớn nhất mà Việt Nam công khai bày tỏ vẫn là vấn đề môi trường, tác động về nguồn nước đổ về Đồng bằng sông Cửu Long.

Tuy nhiên, theo các phân tích độc lập, tác động về kinh tế-chính trị cũng khiến chính phủ Việt Nam quan ngại, khi Campuchia sẽ trở nên bớt phụ thuộc vào tuyến đường thủy từ Phnom Penh xuôi xuống dòng Mekong để đến các cảng lớn tại Việt Nam, từ đó xuất khẩu hàng hóa tới các điểm đến trên thế giới.

Hiệp định Vận tải thủy Việt Nam–Campuchia có hiệu lực từ tháng 1/2011. Từ đó, khoảng 20 triệu tấn hàng hóa và chừng 1,3 triệu lượt hành khách đã lưu thông qua đường thủy nội địa giữa hai nước, theo thống kê vào tháng 5/2023.

Giới quan sát cho rằng kênh đào Phù Nam khi xây dựng xong sẽ thiết lập tuyến kết nối giữa cảng Phnom Penh và Sihanoukville, giúp nhiều hàng hóa di chuyển qua các cảng ở Campuchia thay vì thông qua Việt Nam như hiện nay, và Việt Nam có thể mất nguồn lợi từ việc này.

Với kênh đào Phù Nam Techo, Campuchia sẽ “thở bằng mũi của mình” (như lời ông Hun Manet nói), có nghĩa là nước này sẽ bớt phụ thuộc vào Việt Nam.

🔝

Có gì trong báo cáo nhân quyền của LHQ khiến Việt Nam phản ứng?

30 tháng 4 2024, 10:44 +07 - BBC


Các nhà hoạt động nhân quyền và blogger hiện đang bị chính quyền Việt Nam giam giữ. Hàng trên từ trái sang phải: Hoàng Thị Minh Hồng, Trần Huỳnh Duy Thức, Phạm Đoan Trang. Hàng dưới: Phạm Chí Dũng, Cấn Thị Thêu, Nguyễn Lân Thắng

Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc vừa công bố báo cáo mới nhất về tình hình nhân quyền tại Việt Nam trong giai đoạn bốn năm qua.

Báo cáo này là bản tổng hợp dựa trên các báo cáo đệ trình từ những bên có liên quan khác (gồm cả các tổ chức xã hội dân sự) trước kỳ kiểm điểm nhân quyền phổ quát (UPR) chu kỳ 4 đối với Việt Nam vào ngày 7/5/2024 tại Geneva.

Trước đó, hôm 11/4, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã "bày tỏ sự thất vọng vì báo cáo riêng của các cơ quan Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Việt Nam theo cơ chế UPR chu kỳ 4 có nhiều nội dung sai sự thật, không kiểm chứng".

Tuy nhiên, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam không nói cụ thể những nội dung đó là gì.

Báo cáo của LHQ nói gì?


Getty Images
Tình hình nhân quyền Việt Nam năm qua được giới bảo vệ nhân quyền quốc tế nhận định là "u ám"

Một số nội dung chính trong báo cáo của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc về tình hình nhân quyền của Việt Nam trong thời gian qua:

Chuyên gia nhân quyền quốc tế nói gì?

Phil Robertson

Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc khu vực châu Á của HRW

Trước phản ứng của Việt Nam, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc khu vực châu Á của Tổ chức Nhân quyền Quốc tế (HRW), nói rằng ông “hoàn toàn không ngạc nhiên”.

“Toàn bộ phản ứng của Hà Nội đối với UPR có thể tóm gọn trong một từ, đó là phủ nhận. Ở mỗi bước của quá trình này, chính phủ Việt Nam đều phủ nhận những hành vi lạm dụng, tấn công những người chỉ trích và làm các vấn đề nhân quyền trong nước trở nên u ám."

“Chính phủ Việt Nam rõ ràng tin rằng họ có thể làm giảm sức mạnh các chỉ trích từ Liên Hợp Quốc bằng sự kết hợp giữa sự kiêu căng và phản bác, vì vậy có thể thấy rằng phản ứng này là một phản ứng cố ý, mang tính chiến lược của các nhà lãnh đạo tại Hà Nội nhằm làm dịu những chỉ trích mà họ, rốt cuộc, sẽ nghe tại Geneva,” ông Robertson cho hay.

Ông Robertson nói rằng sẽ có rất nhiều vấn đề nhân quyền được đề cập tại phiên họp UPR với Việt Nam tại Geneva.

Ông khuyến nghị chính phủ các nước nên tập trung sự chú ý vào “những nỗ lực có hệ thống của Hà Nội nhằm bóp nghẹt các quyền tự do dân sự và chính trị, như tự do ngôn luận, lập hội và biểu tình ôn hòa”.

Theo ông, những điều này mâu thuẫn trực tiếp với nghĩa vụ của chính phủ Việt Nam với tư cách là quốc gia phê chuẩn Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị.

Ông nhận định rằng chính phủ Việt Nam đã ưu tiên bắt giữ và bỏ tù những người chỉ trích, với hàng chục trường hợp các nhà hoạt động và bất đồng chính kiến bị đưa vào tù trong bốn năm qua kể từ phiên họp UPR gần đây nhất về Việt Nam.

“Nói thẳng ra, thực sự không có diễn biến tích cực nào về nhân quyền ở Việt Nam trong năm qua. Thay vào đó, ngày càng có nhiều sự đe dọa và bắt giữ những người chỉ trích, luật pháp hà khắc hơn và một cuộc truy quét rộng rãi hơn đối với các nhà hoạt động môi trường và các nhóm xã hội dân sự."

“Chính phủ Việt Nam thực sự đã tập trung vào việc đối phó với các chỉ trích trên mạng về các chính sách và hoạt động của họ, vì vậy việc đăng bài trên Facebook thậm chí cũng trở nên nguy hiểm. Tóm lại, năm nay đã là một năm rất tồi tệ đối với nhân quyền tại Việt Nam,” ông Phil Robertson nói với BBC News Tiếng Việt.

Cơ chế kiểm điểm Định kỳ Phổ quát là gì?


Bốn nhà hoạt động (từ trái qua): Mai Phan Lợi, Đặng Đình Bách, Bạch Hùng Dương, Ngụy Thị Khanh cùng chịu án tù. Trong số này, bà Khanh và ông Lợi đã được trả tự do.

Theo Ủy ban Luật gia Quốc tế, thông qua một cơ chế gọi là Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát, Hội đồng Nhân quyền LHQ kiểm điểm, trên cơ sở định kỳ, việc mỗi thành viên trong số 193 quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc thực thi các nghĩa vụ và cam kết nhân quyền của họ.

Bản kiểm điểm một nhà nước căn cứ vào ba tài liệu: một báo cáo quốc gia do Nhà nước bị kiểm điểm nộp; một hồ sơ thông tin của Liên Hợp Quốc về nhà nước đó, do Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (OHCHR) soạn thảo; và một bản tóm tắt các thông tin được nộp từ những bên có liên quan khác (gồm cả những người hoạt động xã hội dân sự), cũng được OHCHR chuẩn bị.

Bản thân cuộc kiểm điểm diễn ra tại Geneva trong một phiên họp của Nhóm Làm việc về UPR, bao gồm 47 quốc gia thành viên của Hội đồng Nhân quyền.

Kiểm điểm có hình thức một cuộc đối thoại tương tác kéo dài ba tiếng rưỡi giữa nhà nước được kiểm điểm và các nước thành viên, quan sát viên của Hội đồng.

Một vài ngày sau buổi đối thoại tương tác, Nhóm Làm việc sẽ thông qua bản báo cáo của cơ chế này.

Một hồ sơ đầu ra cuối cùng, chứa báo cáo của nhóm làm việc và quan điểm của quốc gia bị kiểm điểm về các khuyến nghị được đưa ra, sẽ được thông qua vào phiên họp toàn thể tiếp sau đó của Hội đồng Nhân quyền, vài tháng sau kỳ kiểm điểm.

Tại phiên họp định kỳ, tiếp sau việc Hội đồng Nhân quyền thông qua hồ sơ đầu ra UPR là đến phiên thảo luận chung về kỳ Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát. Đôi khi, các nhà nước được kiểm điểm theo cơ chế UPR sẽ cung cấp thông tin cập nhật về tiến bộ họ đạt được trong việc thực hiện các cam kết mà họ từng đưa ra và những khuyến nghị mà họ từng chấp thuận trong quá trình bị kiểm điểm theo cơ chế UPR.

Mỗi kỳ UPR được tiến hành sau mỗi 4 năm.

🔝

Vụ ông Vương Đình Huệ từ chức dưới góc nhìn quốc tế

28 tháng 4 2024 - BBC


Chiến dịch "đốt lò" đã khiến 5 ủy viên Bộ Chính trị khóa 13 "thôi chức"

Vụ việc Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ “thôi chức” một lần nữa cho thấy những xáo trộn ở thượng tầng Việt Nam. Nhiều chuyên gia và báo chí quốc tế đã lại đặt lên câu hỏi về tính ổn định chính trị.

“Bất ổn chính trị” lại một lần nữa là cụm từ được nhiều tờ báo quốc tế sử dụng khi nói về Việt Nam. Chiến dịch chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng bị đặt dấu hỏi.

Nhìn vào tình hình chính trị Việt Nam hiện tại, Giáo sư Carl Thayer, nhà nghiên cứu chính trị Việt Nam và bang giao quốc tế, nhận định với BBC rằng “các nhà đầu tư nước ngoài sẽ thấy lo lắng mỗi ngày”.

Tờ New York Time có đánh giá tương tự, cho rằng việc ông Huệ thôi chức sẽ gây ra lo lắng cho các nhà đầu tư nước ngoài vừa tới Việt Nam vài năm gần đây.

Trong khi đó, Bloomberg cho rằng những biến chuyển này “không ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế của Việt Nam hay thay đổi các chính sách của chính phủ”.

Ông Vương Đình Huệ xin thôi chức vào ngày 26/4, vài ngày sau khi trợ lý của ông là ông Phạm Thái Hà bị bắt và chỉ hơn một tháng sau khi Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng bị miễn nhiệm.

Trong thông báo của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về trường hợp Vương Đình Huệ, những cụm từ quen thuộc lại xuất hiện, như “chịu trách nhiệm người đứng đầu” và “vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm”.

‘Xáo trộn chính trị chưa từng có’

Tính từ tháng 12/2022, đã có hai chủ tịch nước, hai phó thủ tướng, một trưởng ban Kinh tế Trung ương và bây giờ là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thôi chức.

Tức là đã có sáu lãnh đạo cấp cao, trong đó có 5 ủy viên Bộ Chính trị, thôi chức trong vòng 17 tháng.

Đánh giá về việc này với BBC News Tiếng Việt, Giáo sư Zachary Abuza từ trường National War College, Đại học National Defense (Mỹ), nhận định rằng Việt Nam đang ở trong “một thời kỳ xáo trộn chính trị chưa từng có”.

"Trong 30 năm theo dõi chính trị Việt Nam, tôi chưa từng thấy thời kỳ nào mà đấu đá nội bộ lại mạnh và quy mô rộng khắp như thế này. Tôi chưa từng thấy nhiều người bị xử lý đến như vậy," Giáo sư Abuza nói.

Hôm 26/4, sau khi có tin ông Huệ từ chức, AP News đã có bài viết về sự kiện này.

Trong bài viết, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu viên khách mời thuộc Viện ISEAS (Singapore), nhận định việc ông Huệ từ chức “cho thấy rõ sự bất ổn cực độ trong một môi trường chính trị thường tự hào về sự ổn định”.

Ông Giang cho rằng sự ra đi của ông Huệ sẽ “khiến cuộc khủng hoảng kế nhiệm ở Việt Nam càng trở nên trầm trọng”.

Tương tự, tờ New York Times viết rằng việc ông Huệ từ chức “rất có thể sẽ gây thêm nhiều lo lắng cho quan chức ở Việt Nam về một cuộc đấu đá quyền lực ngày càng gay gắt trước cuộc chuyển giao lãnh đạo sắp tới vào năm 2026”.

Tháng 1/2026, Đại hội Đảng lần thứ 14 sẽ diễn ra. Hiện nay, công tác nhân sự cho khóa tới đang được triển khai.

“Vẫn còn nhiều thời gian cho cạnh tranh và đấu đá nội bộ. Và mọi việc đang ngày một trở nên tồi tệ,” Giáo sư Abuza nói khi nhắc tới thời điểm diễn ra Đại hội Đảng 14.

Công cuộc xây dựng Đảng ‘thất bại’


Ông Vương Đình Huệ từng là ứng cử viên sáng giá cho vị trí chủ tịch nước sau khi ông Võ Văn Thưởng từ chức

Theo Reuters, các nhà ngoại giao, quan chức và giới quan sát cho rằng những cuộc cải tổ nhân sự mạnh mẽ tại Việt Nam hiện nay nằm trong nỗ lực chuẩn bị người kế nhiệm cho “vị lãnh đạo già nua” Nguyễn Phú Trọng.

Đánh giá tình hình hiện tại, Giáo sư Carl Thayer cho rằng công cuộc xây dựng đảng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “đã thất bại”.

“Rõ ràng là ông Trọng không thể chọn được người kế nhiệm khi các bè phái đấu đá. Ông Huệ đáng lẽ ra đã có thể giữ chức vì phe của ông ấy sẽ bảo vệ ông Trọng,” ông nói.

Một số nhà quan sát chính trị từng đánh giá với BBC rằng ông Thưởng và ông Huệ là hai ứng cử viên sáng giá kế nhiệm vị trí tổng bí thư.

Theo Giáo sư Thayer, ông Trọng hiện không còn nhiều sức ảnh hưởng và sẽ nghỉ hưu vào cuối nhiệm kỳ.

Ngày 23/3, ngay sau khi ông Thưởng bị miễn nhiệm, BBC đã có cuộc trò chuyện với giáo sư Carl Thayer.

Khi đó, ông nhận định rằng việc ông Thưởng bị miễn nhiệm một lần nữa cho thấy sự không hiệu quả của công tác xây dựng đảng qua ba nhiệm kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

"Sẽ rất khó giải thích việc số lượng ủy viên Bộ Chính trị giảm từ 18 xuống còn 14 trong vòng hai năm. Bởi vậy, người lãnh đạo cấp cao nhất sẽ phải chịu một phần trách nhiệm về việc này," ông nói.

Giờ đây, với sự ra đi của ông Huệ, số lượng ủy viên Bộ Chính trị chỉ còn 13 người.

Nhiều người có thể bất ngờ với sự ra đi của ông Vương Đình Huệ.

Hồi tháng 10/2023, ông Vương Đình Huệ từng đạt mức phiếu “tín nhiệm cao” thứ nhì trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn.

Cụ thể, ông Huệ nhận được 437 phiếu “tín nhiệm cao” (gần 90,04%), cao hơn nhiều so với 373 phiếu (khoảng 77%) của Thủ tướng Phạm Minh Chính và 329 phiếu (khoảng 68%) của Bộ trưởng Công an Tô Lâm.

Số phiếu “tín nhiệm cao” của ông Huệ chỉ đứng sau Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang (93,14%).

‘Công an đang dần nắm quyền’


HOANG DINH NAM/AFP via Getty Images
Ảnh chụp năm 2016 khi ông Tô Lâm (áo trắng) mới được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị

Theo Quy định 214-QĐ/TW năm 2020 của Bộ Chính trị, Đại tướng Tô Lâm là một trong số rất ít thành viên Bộ Chính trị đủ tiêu chuẩn để nắm giữ một chức vụ trong “Tứ Trụ”.

Đánh giá về ông Tô Lâm, Giáo sư Abuza cho rằng vị bộ trưởng Công an này đang “lợi dụng chiến dịch chống tham nhũng và biến nó thành vũ khí để lần lượt hạ bệ các đối thủ của mình”.

“Đối với ông Lâm, cách phòng thủ tốt nhất chính là tấn công và rõ ràng là ông ấy đã tham gia vào chiến dịch ‘đốt lò’ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

“Ông ta đã hạ gục hết nhà lãnh đạo này tới nhà lãnh đạo khác, hết doanh nhân này nối tiếp doanh nhân khác. Ông ta thực sự đang ở một vị trí bất khả xâm phạm,” Giáo sư Abuza nói với BBC.

Về vấn đề này, ông David Hutt nhà nghiên cứu từ Viện Trung Âu về Nghiên cứu châu Á (CEIAS) nhận định với BBC vào hôm 26/4 như sau:

"Công an đang dần nắm quyền. Đây không phải là một điều tốt đẹp cho người dân Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp và sự kiềm chế lẫn nhau trong nội bộ Đảng Cộng sản.

“Quan ngại của tôi là về những gì sẽ diễn ra sau Đại hội Đảng năm 2026 nếu các cuộc thanh trừng vẫn còn tiếp diễn. Chính những người có thể leo lên đỉnh cao quyền lực như ông Tô Lâm lại tự thân chẳng hề trong sạch.”

Theo Tổ chức ổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International), chỉ số nhận thức tham nhũng của Việt Nam năm 2023 là 41/100 – xếp hạng 83/180 quốc gia.

‘Đốt lò’ là nỗ lực vô vọng

Chiến dịch “đốt lò” là chương trình hành động trọng tâm của ông Nguyễn Phú Trọng.

Tuy nhiên, với cơ chế độc đảng, với việc Đảng Cộng sản Việt Nam không chịu sự giám sát, không có trách nhiệm giải trình, với một quy trình tuyển chọn nhân sự thiếu minh bạch và chỉ tập trung trong nội bộ đảng, nhiều chuyên gia cho rằng chiến dịch “đốt lò” hay những lời kêu gọi kiểu quan chức tham nhũng “phải biết xấu hổ” của ông Trọng là vô vọng. Tức là, những vụ bắt giữ, những chiến dịch hạ bệ, những lời đe dọa, những lời kêu gọi không thể giúp khắc phục được lỗi mang tính hệ thống, lỗi về thiết kế hệ thống được.

Nhận định về tương lai của chiến dịch chống tham nhũng, ông David Hutt đặt vấn đề:

“Liệu chiến dịch ‘đốt lò’ có khiến Đảng Cộng sản sụp đổ? Liệu ném chuột có làm chiếc bình bị vỡ? Hay liệu rằng chiến dịch chống tham nhũng này sẽ chững lại và khiến nhiều quan chức tham nhũng thoát tội?”

Giáo sư Thayer cho rằng sẽ có hai phe hình thành, một phe của ông Tô Lâm ủng hộ chiến dịch “đốt lò” và một phe muốn chiến dịch này giảm bớt quy mô và sự quyết liệt.

Cũng theo ông Thayer, mục tiêu của chiến dịch “đốt lò” không còn chỉ là loại bỏ nạn tham nhũng mà còn là để tìm ra người ngồi vào chiếc ghế tổng bí thư.

“Hiện tại, những ủy viên Bộ Chính trị chỉ cần có ý nghĩ muốn trở thành tổng bí thư sẽ bị đưa vào tầm ngắm và xem xét đánh giá tiêu chuẩn. [Khi đó], việc điều tra sẽ không bị giới hạn bởi bất kỳ quy chế nào,” ông nói.

‘Bộ máy quan liêu trì trệ’

Những diễn biến trên chính trường Việt Nam có thể khiến các nhà đầu tư nước ngoài lo lắng.

“Chúng ta đã thấy trong quá khứ, mỗi khi Đại hội Đảng đến gần, bộ máy quan liêu càng trở nên cứng nhắc và bảo thủ.

“Đây không phải điều mà các nhà đầu tư nước ngoài mong muốn. Đấy cũng không phải thời điểm mà họ sẵn sàng đầu tư. Họ muốn các quy trình vận hành suôn sẻ để họ đầu tư và triển khai dự án một cách nhanh chóng. Do đó, Việt Nam đang tự đặt mình vào một thế khó,” Giáo sư Carl Thayer đánh giá.

Về sự ra đi của ông Huệ, bài viết trên Nikkei Asia nhắc tới những lo lắng mới về tính ổn định chính trị của Việt Nam – quốc gia phụ thuộc lớn vào vốn đầu tư nước ngoài và thương mại.

Bài viết nhắc tới việc ông Huệ là tiến sĩ kinh tế, từng làm phó thủ tướng và trưởng ban kinh tế trung ương.

Viết về môi trường đầu tư của Việt Nam sau khi ông Huệ thôi chức, các báo nước ngoài thường nhắc lại vụ án Vạn Thịnh Phát và bà Trương Mỹ Lan.

Trong khi vụ việc của ông Huệ, và trước đó là ông Thưởng, cho thấy sự bất ổn ở cấp cao nhất, thì vụ án Vạn Thịnh Phát cho thấy sự vô năng của cơ quan quản lý nhà nước khi để sai phạm xảy ra trong một thời gian dài. Các vụ việc này có tác động rất lớn vào chính trường, vào nền kinh tế, vào bộ máy hành chính, khiến các nhà đầu tư lo ngại.

Quay trở lại thời điểm ông Thưởng thôi chức chủ tịch nước, đã có nhiều bài báo đề cập tới “sự trì trệ của bộ máy quan liêu” ở Việt Nam.

Khi đó, Reuter đã dẫn lời các chuyên gia cho rằng việc ông Thưởng thôi chức chỉ sau hơn một năm cho thấy chuyển biến khó lường của chính trị Việt Nam, có thể làm giảm uy tín Đảng Cộng sản và khiến bộ máy quan liêu cồng kềnh ngày càng trở nên trì trệ.

Reuters dẫn lời ông Florian Feyerabend, trưởng đại diện tại Việt Nam của Viện KAS (Konrad-Adenauer-Stiftung), nhận định rằng diễn biến gần đây trên chính trường Việt Nam đặt ra câu hỏi về "tính có thể lường trước được, về độ tin cậy và hoạt động nội bộ của hệ thống", những yếu tố quan trọng đối với các quyết định đầu tư.

Ngày 26/3, chưa tới một tuần sau khi Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng từ chức, Bộ trưởng Ngoại Giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn đã phải trấn an Mỹ về “ổn định chính trị”.

Sau một tháng, Việt Nam lại mất thêm một “trụ” nữa trong “Tứ Trụ”.

🔝

Ngày 30/4: Người trẻ có tin vào hòa giải?

29 tháng 4 2024 - BBC


Emily Nguyen (trái) và Nguyễn Thành Minh Tâm (phải)

Tìm cách giải thích cuộc chiến khác đi, mỗi người trẻ trong bài viết này đang đi tìm chân dung cuộc chiến khác với cách nhìn ở hai ngả xung đột mà cha mẹ và ông bà họ trải qua.

Khái niệm “hòa giải” thường vấp phải sự hồ nghi, dưới dạng thức của thái độ "nói vậy như không phải vậy" hoặc hòa giải không thể xảy ra với nợ máu và thù cũ.

Năm 2022 và 2023, nhiều tờ báo ở Việt Nam chạy hàng loạt bài viết "hòa giải" khi dịp 30/4 đến, và vấp phải sự phản đối dữ dội khi có nhiều ý kiến chỉ ra rằng sự hòa giải này là "không thật lòng" từ chính quyền Việt Nam ở trong nước và chỉ là lời nói trên truyền thông khi thông điệp "gác lại quá khứ" được dùng làm minh họa cho ý tưởng này.

Vì sao chính quyền Việt Nam e ngại các biểu tượng VNCH?

VNCH - VN Cộng sản: Mỗi cuộc chiến phải nhiều lần chảy máu

Tuy nhiên, Sổ tay Hòa giải sau Xung đột của Viện Quốc tế về Dân chủ và Trợ giúp Tuyển cử (The International Institute for Democracy and Electoral Assistance, IDEA) ở Thụy Sĩ nhìn hòa giải là "tìm cách để có thể sống bên cạnh kẻ thù cũ - không nhất thiết phải yêu quý, tha thứ hay quên đi quá khứ theo bất cứ cách nào, mà là cùng tồn tại bên cạnh, cùng phát triển sự hợp tác đến cần thiết để chia sẻ xã hội của ta với họ, để chúng ta có thể sống tốt hơn cùng nhau thay vì tách biệt".

Người viết bài này tìm đến những người trẻ sống ở Việt Nam, ở Mỹ và ở cả Việt Nam và Mỹ, ở khoảng tuổi gần tương đương nhau từ 24-30 tuổi với sự quan tâm rất khác về cuộc chiến, và đặt câu hỏi về quá trình chung sống với quá khứ mà họ lớn lên.

Đứt gãy ký ức

Emily Nguyen sống ở Placentia, California. Cô là hế hệ người Việt trẻ thứ hai sinh ra ở Mỹ, hoàn toàn không gánh vác cuộc chiến mà hơn một triệu người Việt thuyền nhân trải qua trong thập niên 70-80.

Cô nhớ lại: "Cha mẹ tôi không bao giờ kể về cuộc chiến. Tất cả những gì họ nói với tôi là ‘nhà mình ra đi vì chiến tranh’."

Cha Emily Nguyen sinh năm 1964, mẹ cô sinh năm 1967. Cha cô vượt biên khi mới học lớp 5. Mẹ của cô đến Mỹ khi bà vừa tròn 20 tuổi. Như với nhiều gia đình Việt Nam trải qua hành trình vượt biển đầy bạo lực, họ không muốn nhắc lại câu chuyện.

Người Việt trẻ 'vượt rào cản' để nhìn lại sự kiện 30/4/1975

30/4: ‘Đỏ’, ‘Vàng’ và sự phân cực giữa giới trẻ Việt Nam

Emily kể: "Mẹ tôi chỉ kể hồi xưa ở quê mẹ nấu ăn, hái trái cây, sống với anh chị em thế nào, lúc nào kể mẹ cũng nói ‘bằng tuổi con mẹ đã biết làm việc này rồi’, để so sánh với con gái, lớn lên ở Mỹ và chưa biết tự xoay xở nhiều việc.” Chiến tranh ở Việt Nam trong những gì cô được biết có hai phần, phần “trước khi cha mẹ đi” và “sau khi đến Mỹ”. Những phần này được kể thành chuyện về kỹ năng sống nhiều hơn là kỷ niệm mà cha mẹ không muốn truyền lại cho cô:

“Hỏi về chiến tranh là chuyện cấm kỵ, giống như ngọn lửa âm ỉ nằm trong ngực tôi, dù tôi không cảm thấy nóng trên da thịt mình, tim tôi đau và có một nỗi buồn mà tôi không thể lý giải.”

Khi Emily xuất hiện ở một chương trình học về kể chuyện chiến tranh mà tôi gặp, cô không biết nói tiếng Việt. Ngôn ngữ Tiếng Việt để gắn bó về cảm xúc cuộc chiến đã mất đi hoặc giảm sự quan trọng chỉ sau chưa đầy hai thế hệ.


Getty Images
Dinh Độc Lập trong ảnh chụp ngày 3/5/1975

Chiến tranh Việt Nam, theo người lớn dặn Emily suốt thời niên thiếu của cô, là: "Con được ở Mỹ, con phải tận dụng cơ hội dành cho con." Đây là cuộc chiến cho cô "cơ hội", khác với cuộc trường kỳ ra đi của hàng triệu thuyền nhân Việt Nam trên biển để đến bến bờ của tự do mà họ tìm kiếm.

Cách Emily Nguyên nửa vòng trái đất, Nguyễn Thành Minh Tâm (24 tuổi, ở thời điểm phỏng vấn) gọi lịch sử là "con vi mạch cài vào cơ thể" vì mọi câu chuyện về chiến tranh Tâm được biết đều qua những người kể chuyện thứ cấp. Là một người thực hành viết và nghiên cứu lịch sử nghệ thuật, Tâm chia sẻ: “Tôi cực kỳ chú ý đến cách người trẻ suy nghĩ về lịch sử, đặc biệt là với cách kể chuyện chính thống khiến người ta cảm thấy đau thương và gợi ra cảm xúc nhất định về phần lịch sử mà họ không hề có mặt hay tham dự... ví dụ như cách người trẻ chia sẻ cảm xúc 30/4 trên mạng những ngày này.”

Tương tự Emily, Tâm nhớ lại: “Chiến tranh là chuyện tôi chỉ nghe cha mẹ kể lại. Cha mẹ tôi đều là trẻ sinh ra trong chiến tranh.” Tâm được đào tạo về nghiên cứu lịch sử nghệ thuật Việt Nam và Đông Nam Á ở Đại học Fulbright Việt Nam. “Nhưng càng học nhiều về chiến tranh và cách ký ức cộng đồng được tạo ra trong thời hậu chiến, tôi càng cảm thấy mình như rời khỏi câu chuyện. Nhiều chuyện trước đây tôi nghĩ thuộc về thế hệ mình dần trở nên xa lạ.”

Trân Trần (29 tuổi), sống ở Sài Gòn, kể về thời gian cô đi du học đại học ở Mỹ: “Một người bạn Mỹ gốc Việt dặn em làm gì thì làm, ở đây đừng mang cờ đỏ sao vàng ra treo hay khoe, đặc biệt nếu có đến khu nhiều người gốc Việt ở. Em cũng có nghe là người Mỹ gốc Việt bên này có khi không ưa người Việt.”

Cũng ở năm nhất đại học tại Mỹ, Trân biết về “thuyền nhân” và những cuộc vượt biên, một khái niệm cô chỉ được nghe mơ hồ khi còn ở Việt Nam và mọi người nhắc tới một cách chung chung và không có ai kể lại. “Trước đó gần như em không quan tâm và đặt câu hỏi về những gì xảy ra trong quá khứ, chỉ biết là ba mẹ mình đã sống trong chiến tranh và chịu cảnh đói nghèo.” Trân bắt đầu hỏi cha mẹ nhiều hơn, và cô được biết bên ngoại có người “theo ngụy”, cũng có người định vượt biên nhưng rồi không đi, có người đi và không về nữa, có người đã đến được Mỹ và xây dựng cuộc sống mới.

Lịch sử đã đi tìm Trân và bắt đầu tự ghép lại chính nó trong cuộc sống của cô, như cô chia sẻ là như "Hansel và Gretel đi theo những mẩu vụn bánh mì tìm về nhà - nhà ở đây là những mảng kí ức vỡ vụn từ nhiều người trong gia đình, mỗi người một câu chuyện, một trải nghiệm, nhưng đều có một sợi dây xuyên suốt về mất mát – mất người thân, mất nhà, mất nước – một sợi đau buồn qua nhiều thế hệ đã được truyền lại cho em."

‘Còn rất xa mới có thể hòa giải’

Nguyễn Thành Minh Tâm dùng cả tiếng Anh và Việt để lắng nghe cách chiến tranh được “tạo hình” trong suốt quá trình lớn lên và khi làm nghiên cứu lịch sử nghệ thuật. Cậu ngờ vực khi nghĩ về hòa giải: “Chúng ta vẫn còn ở rất xa điểm có thể hòa giải, vì ngày 30/4 vẫn là thời điểm mà nỗi đau và sự thù hận bị nhầm lẫn với nhau từ tất cả tất cả các phía của cuộc chiến.”

Minh Tâm làm một so sánh về cách người trẻ ở tuổi của cậu nhìn ngày 30/4 với ngày 11/9 [ngày khủng bố tòa tháp đôi ở Mỹ]: “Đã 49 năm trôi qua từ khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc, và 22 năm sau cuộc khủng bố 11/9/2001. Với [cuộc chiến], nhiều chi tiết đã bị rơi rớt qua nhiều lượt kể chuyện, và trở thành bóng ma ẩn hiện, thì [cuộc khủng bố] vẫn còn rất rõ nét. Nhiều người trẻ Việt biết rành về 11/9 hơn hẳn, ví dụ như khi họ chế meme trên mạng về lịch sử.”

Sự đứt gãy cảm nhận về chiến tranh này khiến Minh Tâm quan ngại thông tin tràn ngập sẽ khiến người ta càng cảm thấy khó mà thấu hiểu được nỗi đau của người khác, nhưng lại rất tiện lợi cho những kẻ cần tuyên truyền và gieo ý tưởng vào đầu công chúng.

“Tôi vẫn giữ hi vọng đến ngày nào đó chúng ta sẽ có hòa giải thực sự. Nhưng bây giờ, những gì ta có thể làm là chữa lành vết thương chiến tranh ở nhiều không gian khác nhau, từ chính trị, nghệ thuật, nghiên cứu; nhiệm vụ này không hề dễ dàng.”


Nguồn hình ảnh, Getty Images
Cổng Dinh Độc Lập bị húc đổ vào ngày 30/4/1975

Họ hàng bên cha của Emily Nguyen đã định cư ở Mỹ sau chiến tranh, nhưng gia đình của mẹ vẫn ở Việt Nam. Emily nhớ lại cách cha mẹ nhìn cuộc chiến: “Mẹ tôi ghét cộng sản và những gì họ gây ra, nhưng tôi không hiểu lắm. Câu chuyện quen thuộc nhất với tôi là chiến tranh đầy sự chia rẽ, hủy hoại và cái giá phải trả là quá lớn. Ở trường, tôi được học là người Mỹ đã rất bất mãn với chiến tranh Việt Nam. Người Mỹ không ủng hộ sự can thiệp của Mỹ, và đây cũng là quan điểm gần với cách nhìn của tôi nhất.”

“Còn quan điểm của người Việt ở Việt Nam và người Mỹ gốc Việt thuộc thế hệ trước, cả hai quan điểm đều xứng đáng tồn tại. Đây không phải kiểu bên này đúng thì bên kia nhất định phải bị chối bỏ. Những cách nhìn này đến từ người có thể ở lại và người buộc phải ra đi. Ngay cả với thế hệ của tôi, chúng tôi phải lắng nghe để hiểu chính xác chiến tranh đã ảnh hưởng đến chính mình thế nào. Dù sao thì tất cả chúng ta đều là người Việt, ai cũng có một gia đình.”

Không quan tâm đến 30/4?

“Em không quan tâm đến việc ghi nhớ ngày 30/4, vì với cá nhân em thấy là dù ‘thắng’ hay ‘thua’, ai ở trong chiến tranh cũng thua, ai cũng mang trong mình nhiều tổn thương.” Trân Trần quan sát cách chiến tranh dịch chuyển trong cô sau nhiều năm đi học và trò chuyện với những người cô gặp.

“Người Việt ở Việt Nam, với cái danh của kẻ thắng cuộc, lại dễ bị bỏ quên những nỗi đau của mình, như mẹ em hay nói ‘không muốn nhắc đến nữa vì thời đó khổ quá’. Còn nếu có đau thương thì những mất mát đó lại được tuyên truyền như một thứ vỏ bọc vinh quang, hi sinh vì nước.”

“Còn người Mỹ gốc Việt mà em gặp lại khó quên được quá khứ đó, họ mắc kẹt trong cách suy nghĩ là ‘bên thua cuộc’ và mắc kẹt trong cách xã hội Mỹ nhìn họ.”

Trân tự nhận mình là đứa con của cha mẹ sinh ra từ chiến tranh. Cô nhìn sự hòa giải là “hiểu những tàn tích chiến tranh đang sống trong mình, truyền lại từ những thế hệ đi qua chiến tranh trước đó, nhìn từ những hạt giống tâm thức, như cảm giác bị bỏ rơi vì người thân ra đi, luôn sống dè xẻn lo cho sự sinh tồn. Em muốn học cách thấu hiểu những hạt giống này, nhìn nó với thật nhiều yêu thương và để chuyển hóa thành cảm xúc tích cực, như lòng biết ơn, học cách biết ơn với mọi người ở tất cả các bên trong cuộc chiến đó”.


Nguồn hình ảnh, Getty Images
Cảnh một gia đình thuyền nhân Việt Nam tại trại tị nạn Songkhla (miền nam Thái Lan) vào tháng 10/1981

Emily chia sẻ cách nhìn của Trân, cô nói: “Thế hệ trước khó mà tha thứ được vì họ mang theo ký ức phải bỏ nước ra đi và mất người thân yêu. Nhưng tôi sinh ra và lớn lên ở Mỹ, tôi chỉ có thể cố gắng tưởng tượng về mất mát khi phải từ bỏ gốc rễ quê nhà mình và mắc kẹt ở nơi xa lạ. Nhưng tôi khó mà có thể lấy sự căm hận đó làm của mình, vì đã rất nhiều năm trôi qua và rào cản ngôn ngữ không cho phép tôi tham dự vào những đối thoại như vậy với ông bà mình.”

“Nhưng tôi muốn hiểu hơn nữa về chiến tranh Việt Nam và những cảm xúc còn chờn vờn ở cả hai phe. Tôi muốn hiểu cha mẹ và biết họ nghĩ gì khi buộc phải tháo chạy khỏi quê hương, dù rằng tôi không biết đặt câu hỏi thế nào cả.” Emily kể cô luôn muốn được hỏi ông nội của cô, một giáo viên lịch sử: “Ông ơi, lịch sử mà ông từng dạy là gì? Khi nào ông biết mình phải ra đi? Chiến tranh đã lấy mất gì của ông; ông đã bỏ lại ai ở quê nhà?” Cô nói đó là những câu hỏi từ bé cô luôn thắc mắc nhưng không bao giờ hỏi được. Cô đã không còn nói tiếng Việt.

Trong một đợt tham dự nghiên cứu và sáng tác ở Thụy Sĩ đầu năm 2024, Minh Tâm được mời đến ăn ở một nhà hàng Việt Nam tại Morges. Cậu kể lại: “Tất cả nhân viên trong quán, từ chủ tiệm, đầu bếp, bồi bàn đều là người Việt tị nạn. Họ đã xây dựng một cộng đồng hải ngoại khắp nơi ở Thụy Sĩ, họ tự hào có thể giúp đỡ và hỗ trợ nhau khi xa quê hương. Lúc đó đã gần 30/4, nhưng không ai nói gì về nỗi đau hay sự tàn khốc của chiến tranh, mà họ chỉ buôn chuyện làm ăn, đời sống của người gốc Việt ở Morges.”

“Trong khoảnh khắc đó, tôi nhận ra họ đã rời xa bóng ma chiến tranh. Họ sống tiếp,” Tâm nhớ lại.

***

Bài viết của tác giả Khải Đơn, một nhà thơ, nhà văn Việt Nam.

🔝

Đại tướng Tô Lâm: nhân vật trung tâm sau khi ông Vương Đình Huệ mất chức

27 tháng 4 2024, 07:50 +07 - BBC


Nguồn hình ảnh, HOANG DINH NAM/AFP via Getty Images
Ảnh chụp năm 2016 khi ông Tô Lâm (áo trắng) mới được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị

Chính trường Việt Nam đang chứng kiến một thời kỳ xáo trộn khi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ được Trung ương Đảng Cộng sản cho thôi chức, chỉ hơn một tháng sau khi cựu Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng bị miễn nhiệm.

Trong bối cảnh này, một số nhà phân tích cho rằng công cuộc đấu đá nội bộ trước Đại hội Đảng lần thứ 14 (dự kiến diễn ra vào tháng 1/2026) sẽ ngày càng tăng nhiệt, trong đó Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã trở nên quyền lực hơn.

Việc ông Vương Đình Huệ bị mất chức đã khiến khả năng Bộ trưởng Công an Tô Lâm trở thành Tổng Bí thư càng cao hơn. Ông ta đã nhanh chóng sử dụng sức mạnh của Bộ Công An để nhắm vào các đối thủ chính trị của mình,” Giáo sư Zachary Abuza từ trường National War College, Đại học National Defense (Mỹ) nhận định với BBC News Tiếng Việt ngày 26/4.

Giữ chức Bộ trưởng Bộ Công an từ năm 2016, ông Tô Lâm, 66 tuổi, là người thực thi chính trong chiến dịch chống tham nhũng sâu rộng của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, 80 tuổi.

Chỉ tính riêng năm ngoái đã có ít nhất 459 đảng viên bị kỷ luật vì tham nhũng.

Tháng trước, ông Võ Văn Thưởng đã trở thành chủ tịch nước thứ hai từ chức trong vòng chưa đầy một năm sau khi người tiền nhiệm Nguyễn Xuân Phúc nhận “trách nhiệm chính trị” về “những vi phạm và thiếu sót” liên quan đến hai vụ án tham nhũng.

Không lâu sau khi ông Thưởng từ chức, ông Lâm đã kêu gọi các cơ quan “tăng cường” điều tra các vụ tham nhũng lớn và tiếp tục giảm 5% tội phạm “trật tự xã hội”.

“Mọi ánh mắt đều đổ dồn vào ông Lâm. Điều ông ta có mà các đối thủ không có là quyền điều tra rộng lớn của Bộ Công an.”

“Ông ta có thể đào sâu vào các giao dịch kinh doanh của bất kì ai, mà tất cả các lãnh đạo cấp cao đều có giao dịch kinh doanh. Ông ta có thể nhìn vào cuộc sống cá nhân của họ,” Giáo sư Abuza giải thích.

Ứng viên sáng giá?

Một bài phân tích mới đây của Bloomberg cho rằng ông Tô Lâm được đánh giá là ứng cử viên sáng giá kế nhiệm cho vị trí của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đang có vấn đề về sức khỏe.

Tên của Đại tướng Tô Lâm cũng một lần nữa được nhắc đến như một khả năng cho chức vụ Chủ tịch nước sau khi ông Võ Văn Thưởng từ chức vào tháng trước vì những vi phạm không xác định, dù không rõ ông Lâm có muốn đảm nhận chức vụ chủ yếu mang tính nghi thức này hay không.

Trả lời BBC, ông Carl Thayer, giáo sư danh dự của Đại học New South Wales (Úc), nhận định nếu ông Tô Lâm được bầu làm Chủ tịch nước, "một cánh cổng số hai sẽ phải mở ra, để ông ấy tiếp tục phục vụ thêm một nhiệm kì 5 năm nữa”.

“Trong cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội, số phiếu bầu tín nhiệm cao cho ông Tô Lâm nếu so với những người nhận nhiều phiếu nhất trong gần 500 thành viên Quốc hội thì kém 100 phiếu. Và nếu xét những người nhận nhiều phiếu tín nhiệm thấp nhất, ông Tô Lâm xếp thứ 43,” ông dẫn chứng.

Theo chuyên gia này, kết quả phiếu bầu cho thấy có những người thực sự lo ngại về ông Tô Lâm, nên ông này là một ứng viên gây chia rẽ.

“Đảng Cộng sản Việt Nam thường muốn hướng tới sự ổn định và đồng thuận, điều này gây bất lợi cho ông ta,” Giáo sư Thayer nhận định.

Theo nhà quan sát lâu năm về chính trị Việt Nam, khả năng cao là Thường trực Ban bí thư Trương Thị Mai sẽ ngồi vào chiếc ghế chủ tịch nước thay ông Thưởng, phục vụ đến tháng 5/2026 rồi nghỉ hưu.


Nguồn hình ảnh, Bộ Công an Việt Nam
Bộ trưởng Tô Lâm trong một cuộc họp Hội nghị Giao ban tháng 4/2024 của Bộ Công an Việt Nam

Giáo sư Abuza cho rằng ông Tô Lâm “không sạch sẽ hơn các nhà lãnh đạo khác”.

Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam cũng từng dính vào vụ bê bối khi video ông ăn bò dát vàng do đích thân bếp nổi tiếng "Thánh rắc muối" Salt Bae phục vụ tại nhà hàng ở London (Anh) vào năm 2021.

Theo công bố của Chính phủ Việt Nam, lương bộ trưởng Công an tính tới năm 2020 là 16,64 triệu đồng/tháng, trong khi mỗi phần bò này có giá hơn 850 bảng Anh (gần 27 triệu đồng), chưa tính 15% phí phục vụ và các món ăn kèm. Cả ông Tô Lâm và Chính phủ Việt Nam đều chưa từng bình luận về video này.

Video: Bộ trưởng Tô Lâm và tiệc steak dát vàng 'vang danh' thế giới - ▶️

“Cách phòng thủ tốt nhất của ông ta là tấn công và rõ ràng là ông ta đã tham gia vào chiến dịch đốt lò của ông Trọng. Ông ấy đã hạ gục hết nhà lãnh đạo này tới nhà lãnh đạo khác, doanh nhân này nối tiếp doanh nhân khác, và ông ta thực sự đang ở một vị trí không thể bị tấn công,” Giáo sư Abuza nói với BBC.

Tuy nhiên, cũng theo Giáo sư Abuza, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hiện nay vẫn là người có quyền lực và ảnh hưởng đáng kể. Nếu Ủy ban Kiểm tra Trung ương bắt đầu cuộc điều tra về ông Tô Lâm thì bản thân ông cũng không thể ngăn cản việc đó. Mặc dù vậy, chuyên gia này cho rằng một cuộc điều tra ông Lâm sẽ không xảy ra vào lúc này.

Trong một diễn biến khác, vào năm 2017, ông Tô Lâm từng có chuyến công du tới Slovakia. Bộ Nội vụ nước này sau đó đã quan ngại việc chuyến thăm có thể bị "lợi dụng" cho những mục đích vượt ra ngoài phạm vi hợp tác và hữu nghị song phương.

Vụ việc diễn ra sau khi truyền thông Đức nói rằng Slovakia "có thể đã có dính líu" vào vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh hồi 7/2017 tại Berlin.

Chính phủ Đức khẳng định, sau 11 tháng đến Đức xin tỵ nạn, ông Trịnh Xuân Thanh đã bị bắt cóc tại Berlin vào ngày 23/7/2017 để đưa về Việt Nam.

Theo tài liệu của tòa án Đức, ông Thanh sau đó đã được đưa sang Slovakia, và đi cùng ông trên chiếc máy bay đang chờ là Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam, một ngôi sao đang lên trong Đảng Cộng sản cầm quyền: Tô Lâm.

Ông Lâm chưa công khai thừa nhận có liên quan đến vụ việc. Nhà chức trách Việt Nam thì luôn khẳng định rằng ông Trịnh Xuân Thanh đã chủ động về "đầu thú" tại Việt Nam.

Sau khi bị đưa về Việt Nam, ông Trịnh Xuân Thanh đã nhiều lần phải ra tòa và lãnh hai án chung thân.

Vụ bắt cóc đã gây ra căng thẳng ngoại giao, khi Đức tạm thời đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với quốc gia Đông Nam Á, gọi vụ bắt cóc là “sự vi phạm trắng trợn và chưa từng có” đối với luật pháp Đức và quốc tế.

Slovakia cũng được cho là đã đe dọa đóng băng quan hệ với Việt Nam một thời gian vì vụ việc này.

Đại tướng Tô Lâm là ai?

Ông Tô Lâm sinh ngày 10/7/1957 tại Xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.

Sự nghiệp của ông Lâm trong ngành công an Việt Nam đến nay đã kéo dài 5 thập niên.

Ban đầu, ông là học viên của Học viên Đại học An ninh nhân dân vào năm 1974 rồi trở thành cán bộ Cục Bảo vệ Chính trị I, Bộ Công an vào năm 1979.

Ông Lâm chính thức được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1982, thăng tiến qua các cấp bậc để trở thành ủy viên Bộ Chính trị vào năm 2016, và tiếp tục thêm một nhiệm kỳ ủy viên Bộ Chính trị nữa vào năm 2021.

Tháng 4/2016, ông giữ chức Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam cho đến nay.

Ông Lâm được thăng cấp đại tướng vào năm 2019 khi Tổng Bí thư Trọng kiêm thêm chức chủ tịch nước sau cái chết của Chủ tịch nước Trần Đại Quang vào năm 2018.

Năm 2017, ông Lâm xuất bản cuốn sách 471 trang nhan đề: Quần chúng nhân dân - Nhân tố quyết định thắng lợi cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh, trật tự, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường hợp tác kinh tế quốc tế và áp dụng các bài học về mô hình an ninh quốc gia của Trung Quốc như phương tiện bảo vệ chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Năm 2021, ông Tô Lâm trở thành Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Trong cùng năm, video quay cảnh ông Lâm ăn món bò dát vàng xa hoa do đích thân đầu bếp nổi tiếng "Thánh rắc muối" Salt Bae phục vụ đã khiến dư luận trong nước sục sôi.

Trong quá trình ông Lâm làm Bộ trưởng Công an, thứ hạng của Việt Nam về Chỉ số nhận thức tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế đã được nâng lên từ vị trí thứ 113 năm 2016 lên vị trí thứ 83 vào năm 2023.

Bộ của ông cũng soạn thảo một nghị định an ninh mạng gây tranh cãi, khi yêu cầu các công ty nước ngoài lưu trữ dữ liệu và mở văn phòng ở Việt Nam để nắm chủ quyền trên dữ liệu của người Việt Nam và có quyền tài phán đối với các công ty này.

Dưới thời ông Lâm đứng đầu ngành công an, nhiều nhà hoạt động dân chủ, môi trường đã bị bắt. Hoạt động của các tổ chức phi chính phủ được đánh giá là bị siết chặt.

🔝

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từ chức: thêm một cơn địa chấn chính trị

27.4.2024 - BBC


Bộ Chính trị khóa 13 đầu khóa có 18 người, nay thêm sự ra đi của ông Vương Đình Huệ, con số này chỉ còn 13

Trong vòng 17 tháng qua, Việt Nam đã có hai phó thủ tướng, hai chủ tịch nước, một trưởng ban Kinh tế Trung ương và một chủ tịch Quốc hội bị mất chức.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã trở thành ủy viên thứ 5 trong Bộ Chính trị bị mất chức kể từ tháng 12/2022.

Hôm 26/4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đồng ý cho Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13, Chủ tịch Quốc hội khóa 15, nhiệm kỳ 2021-2026.

Cũng như ông Võ Văn Thưởng, thông báo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng sau cuộc họp ngày 26/4 không cho biết ông Huệ “chịu trách nhiệm người đứng đầu” do sai phạm nào và của ai.

Cả ông Võ Văn Thưởng và ông Vương Đình Huệ trước đó đều được một số nhà quan sát chính trị nói với BBC là hai ứng viên sáng giá cho vị trí tổng bí thư kế nhiệm ông Nguyễn Phú Trọng sau Đại hội Đảng lần thứ 14.

Như vậy, "Tứ Trụ" đã trở thành "Nhị Trụ" với hai vị trí trống là chủ tịch nước và chủ tịch quốc hội.

Bộ Chính trị khóa 13 đầu khóa có 18 người, nay thêm sự ra đi của ông Huệ, con số này chỉ còn 13, hao hụt mất năm người.

'Chưa từng có tiền lệ'

Giáo sư Zachary Abuza từ trường National War College, Đại học National Defense (Mỹ), đánh giá với BBC News Tiếng Việt vào ngày 26/4 rằng chính trường Việt Nam chứng kiến một thời kỳ xáo trộn chính trị "chưa từng có tiền lệ".

"Trong 30 năm theo dõi chính trị Việt Nam, tôi chưa từng thấy thời kỳ nào mà đấu đá nội bộ lại mạnh và quy mô rộng khắp như thế này. Tôi chưa từng thấy nhiều người bị xử lý đến như vậy."

Trước đó, những đồn đoán về việc ông Huệ từ chức đã râm ran trên mạng xã hội trong những tuần qua từ khi Tập đoàn Thuận An bị điều tra và bùng phát mạnh nhất khi trợ lý thân tín của ông Huệ là ông Phạm Thái Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, bị bắt giữ hôm 22/4.

BBC News Tiếng Việt đã có bài viết phân tích Quy định 41 năm 2021 của Bộ Chính trị, trong đó nêu rõ trách nhiệm người đứng đầu của ông Huệ khi có thuộc cấp bị khởi tố.

Bình luận với BBC vào ngày 26/4, Tiến sĩ Nguyễn Quang A từ Hà Nội đánh giá có thể những tin đồn thời gian qua là "chủ ý của một bên nào đó" và cũng phần nào xuất phát từ "tính không minh bạch của Đảng Cộng sản Việt Nam".

Ông nói:

"Trước kia cũng có những cuộc cạnh tranh, đấu đá nội bộ như thế, nhưng vì mọi thứ được giấu kín và không được lan truyền nhanh như khi có mạng xã hội như bây giờ. Khi đó người dân chỉ có nguồn duy nhất là Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam. Đảng nói như thế nào thì họ chỉ biết như vậy. Nay tin đồn nảy sinh ra không biết từ đâu, có thể là chủ ý của một bên nào đó. Tin đồn không có lửa làm sao có khói."

"Vì quy trình người kế nhiệm của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam không minh bạch, nên ai cũng muốn leo lên vị trí đó. Việc cạnh tranh là tốt, lành mạnh, không có gì đáng chê, nhưng nếu cạnh tranh theo quy trình lành mạnh, chứng minh được tôi thỏa mãn các tiêu chí đó, thì đó là một quy trình làm cho việc kế vị rõ ràng, minh bạch, và người dân thấy rõ lúc đó không có chuyện đồn đoán. Tiếc là vài năm trở lại đây chuyện này nở rộ. Vì bây giờ công nghệ cho phép sự đồn đoán này lan ra nhanh chóng," Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận định.

Bầu chủ tịch Quốc hội hay chủ tịch nước trước?


Ông Huệ (trái) có lẽ đã phải chịu trách nhiệm của người đứng đầu sau khi trợ lý của ông là Phạm Thái Hà bị bắt

Quy định 214-QĐ/TW năm 2020 của Bộ Chính trị nêu tiêu chuẩn làm chủ tịch Quốc hội: "Đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương; tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên; trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định."

Giáo sư Zachary Abuza và Tiến sĩ Nguyễn Quang A đều nhận định Thường trực Ban Bí thư, bà Trương Thị Mai, rất có thể trở thành tân chủ tịch Quốc hội.

"Đủ tiêu chuẩn nhất để vào ghế chủ tịch Quốc hội là bà Trương Thị Mai. Theo tôi nên loại trừ những ông bên quốc phòng và công an vì vào Quốc hội thì danh nghĩa là được lên 'Tứ Trụ' nhưng quyền lực thì không bằng bên ngoài," Tiến sĩ Nguyễn Quang A đánh giá.

Từ năm 2007 đến 2016, bà Trương Thị Mai là ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa 12, 13.

"Bà Trương Thị Mai hầu như chắc chắn sẽ trở thành tân chủ tịch Quốc hội. Vị trí chủ tịch Quốc hội quan trọng và cần có người thay thế, trong khi vị trí chủ tịch nước thì ít quan trọng hơn," Giáo sư Zachary Abuza đánh giá.

Trước câu hỏi về việc sẽ bầu chủ tịch nước hay chủ tịch Quốc hội trước, Giáo sư Zachary Abuza nhận định Việt Nam sẽ cần bầu Chủ tịch Quốc hội trước.

"Vị trí chủ tịch Quốc hội rất quan trọng đối với tính chính danh của Đảng Cộng sản Việt Nam, quan trọng đối với cộng đồng kinh doanh và nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi chủ tịch nước đóng vai trò nghi thức, trên giấy tờ, không phải vị trí rất quyền lực."

Kỳ họp thường kỳ sắp tới của Quốc hội khóa 15 là kỳ họp thứ 7, được ấn định vào ngày 20/5.

Nhiều nhà quan sát đã nhận định với BBC rằng chức danh chủ tịch nước có thể chính thức được đưa ra để Quốc hội Việt Nam xem xét trong kỳ họp này nếu không có cuộc họp bất thường nào khác diễn ra trước thời điểm 20/5.

Sau khi ông Huệ từ chức thì các ứng cử viên hàng đầu cho vị trí chủ tịch nước được cho là Bộ trưởng Công an Tô Lâm, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang.

Cũng có ý kiến cho rằng ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP HCM, Ủy viên Bộ Chính trị, là một ứng viên cho chức chủ tịch nước. Tuy nhiên, ông Nên không phải là đại biểu Quốc hội, mà theo quy định thì Quốc hội sẽ bầu một đại biểu Quốc hội làm chủ tịch nước. Cũng cần lưu ý rằng, tất cả các sắp xếp này đều do Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng Bộ trưởng Công An Tô Lâm là một ứng viên cho ghế chủ tịch nước, nhưng có thể ông Lâm không muốn ngồi vào chiếc ghế có "dớp" này.

"Có thể ông Tô Lâm không muốn vị trí chủ tịch nước. Bà Mai hoặc những người khác có thể có khả năng hơn. Các vị ấy có thể ngại ngồi vào vị trí chủ tịch nước vì thấy có ‘dớp’," ông đánh giá.

Bộ trưởng Tô Lâm 'không có đối thủ' để trở thành tổng bí thư?


Nguồn hình ảnh, VGP
Bộ trưởng Công an, Đại tướng Tô Lâm đang là một trong những ứng viên sáng giá cho cả chức vụ chủ tịch nước và tổng bí thư

Giáo sư Zachary Abuza cho rằng ông Vương Đình Huệ đã được đo ni đóng giày cho vị trí tổng bí thư, sau khi đã nắm giữ các chức vụ Tổng Kiểm toán Nhà nước, Bộ trưởng Tài chính, Phó Thủ tướng, Bí thư Thành ủy Hà Nội và Chủ tịch Quốc hội.

"Việc ông Huệ bị mất chức đã khiến chuyện Bộ trưởng Công an Tô Lâm trở thành tổng bí thư càng thêm có khả năng hơn," Giáo sư Zachary đánh giá.

Ngoài ông Tô Lâm thì theo Giáo sư Zachary Abuza, còn hai ứng viên có khả năng khác trở thành tổng bí thư là bà Trương Thị Mai, người cũng có thể trở thành tân Chủ tịch Quốc hội, và Thủ tướng Phạm Minh Chính.

"Cả bà Mai và ông Chính đều có những lợi thế nhất định, nhưng cả hai cũng có điểm yếu và ông Tô Lâm đã nhanh chóng sử dụng sức mạnh của Bộ Công An để nhắm vào các đối thủ chính trị của mình," Giáo sư Zachary Abuza nói.

Nếu tính ông Tô Lâm và ông Phạm Minh Chính, thì trong số 13 ủy viên Bộ Chính trị hiện nay thì có đến 4 người đã hoặc đang là quan chức Bộ Công an.

Cụ thể, ngoài ông Tô Lâm và ông Phạm Minh Chính, còn có ông Phan Đình Trạc, cựu Giám đốc Công an Nghệ An và ông Nguyễn Hòa Bình, cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm tham nhũng, Bộ Công an.

Với viễn cảnh ông Tô Lâm làm chủ tịch nước hoặc tổng bí thư, ấn tượng về nhà nước "công an trị" càng nổi bật hơn, theo một số nhà quan sát.

David Hutt, nhà nghiên cứu từ Viện Trung Âu về Nghiên cứu châu Á (CEIAS) và cây bút cho trang The Diplomat, hôm 26/4 nhận định với BBC như sau:

"Giới công an đang thâu tóm quyền lực. Đây không phải là một điều gì tốt đẹp cho người dân Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp và cơ chế kiểm soát và cân bằng quyền lực trong nội bộ Đảng Cộng sản. Quan ngại của tôi là về chuyện xảy ra sau Đại hội Đảng năm 2026 nếu cuộc thanh trừng cứ tiếp diễn. Chính những người như ông Tô Lâm, những người sẽ lên đỉnh cao quyền lực, bản thân cũng không phải trong sạch. Liệu cuộc thanh trừng này có khiến Đảng Cộng sản Việt Nam tự diệt chính mình - liệu chiếc bình sẽ bị vỡ khi ném chuột - hay chiến dịch chống tham nhũng sẽ bị khựng lại, đồng nghĩa nhiều quan chức tham nhũng có thể thoát tội."

Trong khi đó, ngày 27/4, bình luận với BBC News Tiếng Việt, Giáo sư Alexander L Vuving từ Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye (Daniel K. Inouye Asia-Pacific Center for Security Studies) thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đánh giá:

"Sự xáo trộn lớn ở thượng tầng chính trị Việt Nam hẳn sẽ không gây một tác động lớn nào đến chính sách đối ngoại và kinh tế của Việt Nam. Không thấy có điểm thay đổi lớn nào trong chương trình nghị sự của các ứng viên cho vị trí lãnh đạo cao nhất. Sự thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại và kinh tế của Việt Nam sẽ hầu như có thể xuất phát từ mối quan hệ với các quốc gia láng giềng. Một bước ngoặt như vậy có thể được kích hoạt khi Trung Quốc vượt qua lằn ranh đỏ ở Biển Đông, hoặc mối quan hệ Việt Nam và Campuchia bị xấu đi nhanh chóng."

Cuộc chiến giành ghế tổng bí thư tiếp tục 'nóng'


Nguồn hình ảnh, NHAC NGUYEN/AFP/Getty Images
Việt Nam đang ra sức trấn an các nước và làm nhẹ sự nghi ngại của các nhà đầu tư nước ngoài về sự bất ổn chính trị khi chỉ trong hơn một năm đã có hai chủ tịch nước, một chủ tịch quốc hội bị mất chức. Ảnh ông Nguyễn Phú Trọng trong phiên họp khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 15 vào ngày 23/10/2023.

Trả lời BBC, Tiến sĩ Nguyễn Quang A từ Hà Nội cho rằng quy trình chọn người kế nhiệm trong quốc gia độc đảng như Việt Nam luôn gay cấn vì tính chất "không minh bạch".

"Có thể nói chính sách kế thừa của người đứng đầu Đảng Cộng sản đã hoàn toàn thất bại. Đáng tiếc là Đảng Cộng sản đã không tạo ra một quy trình minh bạch, chí ít là trong nội bộ đảng. Nói là đảng cầm quyền, của dân, do dân, vì dân, thì phải minh bạch cho bàn dân thiên hạ rõ. Rất tiếc là không có quy trình này."

Giáo sư Zachary Abuza cho rằng "cuộc đấu đá nội bộ" từ nay đến Đại hội Đảng lần thứ 14 vào tháng 1/2026 sẽ ngày càng tăng nhiệt

"Công tác quy hoạch cán bộ chính thức cho đại hội đảng đã bắt đầu, với hai cuộc họp về nhân sự và văn kiện đã được tổ chức.

"Nhưng Ban Chấp hành Trung ương Đảng hầu như gặp thế bế tắc liên quan đến vấn đề nhân sự. Chỉ còn 19 tháng nữa và cuộc nội đấu này dường như ngày càng dữ dội hơn."

Tiến sĩ Nguyễn Quang A nêu các kịch bản trong thời gian sắp tới:

"Trong kịch bản thứ nhất, đấu đá tiếp diễn, nền chính trị càng mất sự ổn định, người dân càng ngày càng mất niềm tin vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Hoặc tệ hơn là hậu quả vượt khỏi tầm kiểm soát, tiềm ẩn mối nguy hại rất lớn trong nền kinh tế vốn phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn FDI như Việt Nam."

Kịch bản thứ hai, mà ông gọi là "nửa vời", là nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ có sự tự thỏa hiệp, chỉ "giật gấu vá vai", để đợi đến năm 2026 có được sự thay đổi nào đó. Ông đánh giá kịch bản này không tốt cho đất nước và nhân dân Việt Nam.

Kịch bản tốt nhất cho dân và đất nước, theo ông, là Đảng sẽ thay đổi, tuy nhiên xác suất không cao.

'Đốt lò' thất bại?


Năm 2014, ông Nguyễn Phú Trọng từng nói về chiến dịch chống tham nhũng: "Phải bình tĩnh tĩnh táo, rất khôn ngoan, có con mắt chiến lược. Bác Hồ dạy rồi, cha ông ta dạy rồi, đánh con chuột đừng để vỡ bình, làm sao diệt được chuột mà bảo vệ được bình hoa. Tức là phải giữ cho được cái ổn định."

Trong 13 năm làm tổng bí thư tính đến nay, ông Nguyễn Phú Trọng đã đặt cuộc dịch chống tham nhũng ở trung tâm chương trình hành động của mình.

Giáo sư Zachary Abuza nhận xét chiến dịch "đốt lò" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho đến nay "là một thất bại".

"Đại dịch tham nhũng vẫn hoành hành. Không có báo chí tự do và cơ chế giám sát thì sẽ luôn xảy ra tham nhũng trong một hệ thống mà phần lớn nền kinh tế nằm dưới sự kiểm soát không bị giám sát của nhà nước. Đất đai, nguồn vốn và trợ cấp của nhà nước đều chủ yếu do đảng và nhà nước kiểm soát. Chiến dịch khiến hàng ngàn quan chức bị xử lý nhưng không chấm dứt được nạn tham nhũng."

"Quan trọng hơn, những gì đã thực hiện rõ ràng là để củng cố tính chính danh của Đảng Cộng sản vốn đang ngập trong tham nhũng. Tuy nhiên, điều này chỉ càng khiến đảng mất tính chính danh trong mắt người dân, khi họ chứng kiến tham nhũng ở cấp lãnh đạo cao nhất."

"Cuối cùng, đấu đá chính trị nội bộ có thể dẫn đến sự tê liệt về chính sách," chuyên gia khoa học chính trị từ Hoa Kỳ đưa ra cảnh báo.

Việt Nam đang ra sức trấn an các nước và làm nhẹ sự nghi ngại của các nhà đầu tư nước ngoài về sự bất ổn chính trị khi chỉ trong hơn một năm đã có hai chủ tịch nước, một chủ tịch Quốc hội bị mất chức. Gần đây, sức hấp dẫn của Việt Nam còn bị lung lay thêm khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bơm 24 tỷ USD trong nỗ lực cứu Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) sau đại án Vạn Thịnh Phát.

Trong năm 2023, đóng góp của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào GDP Việt Nam chiếm khoảng 22%, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê.

Vài ngày sau khi ông Võ Văn Thưởng từ chức thì Việt Nam đã ra sức trấn an Mỹ về việc những biến động nhận sự sẽ không gây ảnh hưởng tới chính sách kinh tế và đối ngoại của Việt Nam và đề cập tới hệ thống lãnh đạo và hoạch định chính sách mang tính tập thể.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A cũng có quan điểm khá tương tự về công cuộc mà ông gọi là "đốt lò quá tay" của ông Nguyễn Phú Trọng

"Nhà đầu tư nước ngoài không quan tâm lắm đến chính trị nội bộ, miễn là ổn định, và họ đầu tư có lời. Trong khi đó, những diễn biến cấp tập trong hơn một năm trở lại đây, với chiến dịch đốt lò của ông Nguyễn Phú Trọng, động đến đâu ta thấy bê bối đến đó. Từ chuyến bay giải cứu đến test kit Việt Á, vụ Vạn Thịnh Phát, Hậu Pháo, Tập đoàn Phúc Sơn."

"Tôi nghĩ để khôi phục lòng tin của các nhà đầu tư thì Đảng Cộng sản Việt Nam phải có các chính sách dứt khoát và tốt nhất là có những chính sách cởi mở hơn, minh bạch hơn."

"Đốt lò quá tay, quá xa. Tôi cho rằng "đốt lò" thất bại hoàn toàn. Ý định chống tham nhũng là rất tốt nhưng cách làm là hoàn toàn sai. Phải là bắt trúng vào bệnh gốc của nó, chứ không phải bắt 1, 2 hay 100 người, bỏ tù 1 ông ủy viên trung ương, 10 ông tướng quân đội, 7 hay 8 ông tướng công an, hạ bệ hết ông nọ đến ông kia..."

"Vì sao hệ thống này sinh ra tham nhũng? Vì không có hệ thống pháp quyền. Nhiều người, nhiều tổ chức ngồi xổm trên pháp luật. Cần phải có một nền báo chí độc lập, nhất là báo chí điều tra. Nhân dân phải có các tổ chức hoạt động động lập, các tổ chức do nhà nước lập ra, ăn ngân sách nhà nước, nhưng không phụ thuộc vào chính phủ, chỉ hoạt động theo quy định của pháp luật."

🔝