VuotQuaViet_Kp_DarkGreen_Logo_318x120
acrobat  📂  🏠   

BBC - 4

Chính trị Việt Nam xáo động, tại sao Trung Quốc được nhắc tới?

12 tháng 5 2024, 11:02 +07 - BBC


Chụp lại hình ảnh, Những tháng đầu năm 2024, chính trường Việt Nam đang rung lắc dữ dội.

Quan sát những biến động chính trị từ trong vài tháng đầu năm ở Hà Nội, nhiều nhà phân tích quốc tế đưa ra các nhận định và câu hỏi lớn về tương lai của Việt Nam.

Bài viết của tác giả Bill Hayton được đăng tải trên trang web của Chatham House (Viện nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh) tập trung nhiều hơn tới sự ảnh hưởng của chính trị tới chính sách ngoại giao của Việt Nam.

Theo Tiến sĩ Hayton, tình hình chính trị của Việt Nam cho thấy việc Hà Nội đang dần rời xa phương Tây và nghiêng dần về phía Trung Quốc.

Trong khi đó, Bloomberg, một lần nữa, tiếp tục xoáy vào tác động của “bất ổn chính trị” tới nền kinh tế Việt Nam.

Nhìn lại những biến động vài tháng gần đây trong chính trường Việt Nam, có một số sự kiện đáng chú ý sau:

‘Nghiêng dần về phía Trung Quốc’

Dù từng hưởng lợi nhiều từ việc phương Tây đa dạng hóa đầu tư và rời khỏi Trung Quốc, Việt Nam đang ngày càng trở thành một lựa chọn “rủi ro cho các nhà đầu tư”, theo Tiến sĩ Bill Hayton trong bài viết đã đề cập ở trên.

Không lâu sau khi ông Thưởng từ chức, trong bài bình luận trên tờ Bloomberg, bà Karishma Vaswani cũng đánh giá rằng Việt Nam đang trên bờ vực mất đi sức hút từ chiến lược “Trung Quốc + 1” do sẽ xuất hiện những lo ngại từ Mỹ về tính hình chính trị của Việt Nam.

Hiện trong Bộ Chính trị, chỉ có 4 người đạt đủ tiêu chuẩn nắm giữ chức vụ thuộc “Tứ Trụ”, gồm:

Trong bối cảnh thiếu hụt nhân sự, các nhân vật khác trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư có thể được xét “ngoại lệ” để giới thiệu cho hai vị trí còn khuyết sau sự ra đi của ông Thưởng và ông Huệ.

Với việc cả ông Chính lẫn ông Tô Lâm đều đi lên từ ngành công an, Tiến sĩ Hayton cho rằng Việt Nam đang càng mang đậm dấu ấn của một nhà nước “công an trị”. Theo ông Hayton, điều này sẽ khiến các quốc gia dân chủ gặp khó khăn trong việc hợp tác với Việt Nam.

“Tuy những cuộc tranh giành quyền lực này không liên quan đến chính sách đối ngoại, nó sẽ khiến [Việt Nam] nghiêng dần về phía Trung Quốc và rời xa phương Tây.”

“Lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam có thể tìm thấy sự chấp thuận nhiều hơn từ phía Nga và Trung Quốc,” ông viết.


Chụp lại hình ảnh, Chỉ còn 4 người trong Bộ Chính trị đủ tiêu chuẩn nắm giữ chức vụ thuộc “Tứ Trụ”

Dù vẫn còn đó những bất đồng về chủ quyền trên Biển Đông, Trung Quốc vẫn là đối tác lâu đời của Việt Nam trên nhiều phương diện.

Việt Nam và Trung Quốc đã thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện từ năm 2008, tới nay đã hơn 15 năm, và vào cuối năm ngoái đã nhất trí cùng nhau xây dựng cộng đồng “chia sẻ tương lai”.

Lãnh đạo hai nước thường xuyên có các cuộc gặp mặt để tăng cường nhận thức chung của hai Đảng Cộng sản và chia sẻ kinh nghiệm quản lý đất nước.

Ông Hayton đánh giá rằng “Việt Nam có vẻ sẽ bắt chước xu hướng chính trị của Trung Quốc”.

Chỉ vài ngày trước khi khi ông Võ Văn Thưởng mất chức chủ tịch nước, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Hoài Trung đã lên đường đến thăm Trung Quốc.

Có thể trong chuyến thăm này, đoàn của Đảng Cộng sản Việt Nam đã cập nhật cho “đảng bạn” những diễn biến chính trị gần đây ở trong nước.

Khoảng hai tuần trước khi mất chức chủ tịch Quốc hội, ông Vương Đình Huệ đã có chuyến thăm kéo dài năm ngày tới Trung Quốc.

Trong một diễn biến khác, hôm 9/5, đã có thông tin Việt Nam trì hoãn cuộc gặp với Liên minh châu Âu (EU) để chuẩn bị cho chuyến thăm có thể sắp diễn ra của Tổng thống Nga Putin đến Hà Nội.

Gần đây, tài khoản X (Twitter) của BRICS đã đăng thông tin Việt Nam nộp đơn xin gia nhập tổ chức này trong năm 2024.

Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao chiều 9/5, Người phát ngôn Phạm Thu Hằng không hề phủ nhận thông tin này. Thay vào đó, bà Hằng cho biết Việt Nam “quan tâm theo dõi tiến trình thảo luận về mở rộng thành viên của nhóm BRICS".

BRICS là nhóm ban đầu bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.

‘Biến thành một tỉnh của Trung Quốc’

Trong bài viết mới đây trên trang Bloomberg, chuyên gia tài chính Shuli Ren nhận định rằng chiến dịch chống tham nhũng, hay còn gọi là “đốt lò”, của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một yếu tố khiến xu hướng đầu tư vào Việt Nam dần tập trung về các tỉnh và thành phố miền Bắc, như Hà Nội, Hải Phòng và đặc biệt là Quảng Ninh.

Về xu hướng này, bà Ren nhận định rằng các nhà đầu tư, đặc biệt là từ Trung Quốc, sẽ ưu tiên “lợi ích của giới tinh hoa chính trị [Việt Nam]” - điều mà theo bà là “không nằm ở miền Nam Việt Nam”.

Những chuyển động bên trong chính trường Việt Nam đang dần “biến miền Bắc Việt Nam thành một tỉnh của Trung Quốc”, bà Ren đánh giá.

Ông David Brown, một cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ có nhiều năm kinh nghiệm tại Việt Nam, cũng có đánh giá tương đồng.

Sau khi bà Trương Mỹ Lan bị kết án tử hình trong vụ án tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, ông Brown cho rằng đó là một nỗ lực tái khẳng định quyền lực của Đảng Cộng sản đối với văn hóa kinh doanh tự do tại miền Nam.

“Điều mà ông Nguyễn Phú Trọng và các đồng minh trong đảng của ông ta đang cố gắng làm là giành lại quyền kiểm soát Sài Gòn, hoặc ít nhất là ngăn chặn nó tuột khỏi tầm tay,” ông nói.


Chụp lại video, Ông Lê Thanh Hải đang bị đề nghị kỷ luật do liên quan tới sai phạm của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát - video ▶️

Nói thêm về Quảng Ninh, bà Ren đánh giá rằng tỉnh này có lợi thế thu hút các nhà máy sản xuất do vị trí địa lý gần với Trung Quốc, đặc biệt nếu tình trạng thiếu điện diễn ra.

Tháng 5/2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã phải mua điện từ Công ty Lưới điện Phương Nam Trung Quốc.

Theo VnExpress, toàn bộ thành phố Móng Cái và huyện Hải Hà (Quảng Ninh) đã sử dụng điện do Công ty Lưới điện Quảng Tây (Trung Quốc) cung cấp từ tháng 5-7/2023.

Cần lưu ý rằng tỉnh Quảng Ninh có 132 km đường biên giới giáp với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).

Việc mua bán điện tương tự sẽ “bất khả thi” nếu các nhà máy được đặt ở miền Nam Việt Nam, bà Ren đánh giá.

Bộ máy hành chính ‘trì trệ’

Việt Nam vẫn đang gặp khó khăn trong việc giải ngân vốn đầu tư công.

Theo thông tin do Bộ Tài chính công bố, giải ngân vốn đầu tư công bốn tháng đầu năm 2024 đạt 16,41% tổng kế hoạch và đạt 17,46% kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ giao. So với cùng kỳ năm 2023 (giải ngân đạt 14,66% tổng kế hoạch và 15,65% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao) thì giải ngân năm nay có tăng, nhưng vẫn khiêm tốn.

Bà Ren cho rằng chiến dịch “đốt lò” khiến các quan chức quá sợ hãi nên không dám đưa ra bất kỳ quyết định nào, vì sợ sẽ gặp rủi ro.

Sau khi ông Võ Văn Thưởng bị miễn nhiệm, cũng đã có những nhận định tương tự từ nhiều nhà phân tích quốc tế. Họ cho rằng “bộ máy hành chính quan liêu” của Việt Nam sẽ ngày càng trở nên “trì trệ”.

Nhiều trong số các nhận định này được đưa ra trước cả khi ông Vương Đình Huệ mất chức, ông Phạm Thái Hà hay ông Mai Tiến Dũng bị bắt và trước khi ông Lê Thanh Hải bị đề nghị kỷ luật.

Nguyên nhân khiến ông Võ Văn Thưởng mất chức được cho là liên quan tới những sai phạm tại Tập đoàn Phúc Sơn.

Tương tự, việc ông Vương Đình Huệ mất chức và trợ lý Phạm Thái Hà bị bắt được cho là liên quan tới sai phạm tại Tập đoàn Thuận An.

Ông Mai Tiến Dũng bị khởi tố thì liên quan tới dự án ở Lâm Đồng của Công ty Sài Gòn Đại Ninh.

Còn ông Lê Thanh Hải đang bị đề nghị kỷ luật liên quan tới các sai phạm tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC).

Có thể thấy được rằng hàng loạt những xáo trộn trong chính trị Việt Nam đều liên quan tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.

Ngày 9/5, trong báo cáo gửi Quốc hội, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao nhận định rằng trong nhiều vụ án tham nhũng, “có sự cấu kết chặt chẽ giữa cán bộ nhà nước với doanh nghiệp tư nhân”.

Đánh đổi bằng sự phát triển của đất nước

Trên trang Fulcrum của Viện nghiên cứu Iseas (Singapore), Phó Giáo sư Jonathan London, nhà quan sát chính trị đương đại Việt Nam, đánh giá rằng chiến dịch “đốt lò” của Việt Nam không giải quyết được cốt lõi vấn đề.

Theo Phó Giáo sư London, việc bắt giữ hàng loạt quan chức trong nỗ lực chống tham nhũng đang gây ra “tình trạng tê liệt chính trị trên toàn hệ thống và đặc biệt là sự suy giảm nghiêm trọng trong đầu tư công”.

Với cơ chế độc đảng, Đảng Cộng sản Việt Nam không chịu sự giám sát, không có trách nhiệm giải trình, với một quy trình tuyển chọn nhân sự thiếu minh bạch và chỉ tập trung trong nội bộ đảng.

Tức là, những vụ bắt giữ, những chiến dịch hạ bệ, những lời đe dọa, những lời kêu gọi không thể giúp khắc phục được lỗi mang tính hệ thống, lỗi về thiết kế hệ thống được.

Chia sẻ với BBC vào tháng 7/2023 nhân phiên tòa “Chuyến bay giải cứu”, ông David Hutt, nhà nghiên cứu từ Viện Trung Âu về Nghiên cứu châu Á (CEIAS), đánh giá rằng vụ án này cho thấy chiến dịch “đốt lò” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là chưa đủ để ngăn chặn nạn tham nhũng.

"Điều này cho thấy bất kỳ chiến dịch chống tham nhũng nào do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo cũng sẽ thất bại nếu không giải quyết một vấn đề thật sự - đó là tình trạng ở một quốc gia độc đảng, các quan chức chỉ bị quan chức cấp cao hơn sờ gáy. Chỉ có thay đổi về hệ thống chính trị mới giải quyết hiệu quả được nạn tham nhũng," ông David Hutt nhận xét.

Nhận định về tương lai của chiến dịch chống tham nhũng, ông đặt vấn đề:

“Liệu chiến dịch ‘đốt lò’ có khiến Đảng Cộng sản sụp đổ? Liệu ném chuột có làm chiếc bình bị vỡ? Hay chiến dịch chống tham nhũng này sẽ chững lại và nhiều quan chức tham nhũng thoát tội?”

Trong bài viết đã đề cập ở trên, tác giả Jonathan London nhận định thêm rằng lực lượng an ninh Việt Nam đang sử dụng chiến dịch “đốt lò” làm vỏ bọc cho một cuộc thanh trừng chính trị.

Giáo sư Zachary Abuza từ trường National War College, Đại học National Defense (Mỹ), cũng từng có đánh giá tương tự với BBC trong cuộc phỏng vấn ngày 26/4.

Theo quan sát của Giáo sư Abuza, ông Tô Lâm đang “lợi dụng chiến dịch chống tham nhũng và biến nó thành vũ khí để lần lượt hạ bệ các đối thủ của mình”.


Chụp lại hình ảnh, Chỉ thị 24-CT/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 13/7/2023 về "Bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng" và được đóng dấu "Mật"

Cuối bài viết, ông London nhắc tới Chỉ thị 24 vừa bị rò rỉ của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nội dung chỉ thị này đã gây ra những ý kiến khác nhau trong giới quan sát về khả năng Đảng Cộng sản Việt Nam gia tăng đàn áp các cá nhân, tổ chức và hoạt động được cho là gây nguy hiểm cho sự toàn trị của đảng này.

Nhận xét về Chỉ thị 24, ông London cho rằng nó có nguy cơ “làm suy yếu hợp tác quốc tế và khả năng của Việt Nam trong việc giải quyết các thách thức phát triển quan trọng”.

Tiến sĩ Bill Hayton, trong bài viết trên trang web của Chatham House, cũng đánh giá Chỉ thị 24 “sẽ gây ra tác động xấu tới nhiều lĩnh vực và đặc biệt sẽ làm suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế”.

Hôm 9/5, Ông Nguyễn Văn Bình, Vụ trưởng Vụ pháp chế thuộc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (MOLISA), đã bị bắt với cáo buộc làm lộ bí mật nhà nước.

Ông Bình được biết đến là người thúc đẩy nhiều cải cách về quyền của người lao động tại Việt Nam, vận động Việt Nam tham gia các cam kết quốc tế về công đoàn độc lập.

Việc bắt giữ ông Bình, theo đánh giá của tổ chức vận động nhân quyền Dự án 88 là có liên quan tới Chỉ thị 24 và điều này càng khiến Việt Nam bị đánh giá là không thực tâm trong các cam kết quốc tế về công đoàn độc lập, về quyền của người lao động.

🔝

Họp Quốc hội: Bầu chủ tịch nước và chủ tịch Quốc hội cho đủ ‘Tứ Trụ’?

9 tháng 5 2024, 11:07 +07 - BBC


Chụp lại hình ảnh, Sau sự ra đi của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, vẫn chưa có ai chính thức ngồi vào những chiếc ghế trống mà họ để lại.

Ngày 20/5, Quốc hội Việt Nam khóa 15 sẽ khai mạc kỳ họp thứ 7 trong bối cảnh “Tứ Trụ” đang thiếu mất hai ghế: chủ tịch nước và chủ tịch Quốc hội.

Đã có nhiều nhà quan sát nhận định với BBC rằng chức danh chủ tịch nước và chủ tịch Quốc hội sẽ chính thức được đưa ra để Quốc hội Việt Nam xem xét trong kỳ họp này.

Sau sự ra đi của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, vẫn chưa có ai chính thức ngồi vào những chiếc ghế trống mà họ để lại.

Và với quy trình chọn lãnh đạo của Việt Nam – Đảng quyết trước rồi mới đến Quốc hội làm thủ tục, dự kiến Ban Chấp hành Trung ương Đảng sẽ họp trước để giới thiệu nhân sự, sau đó Quốc hội sẽ bỏ phiếu.

Sau khi ông Võ Văn Thưởng mất chức chủ tịch nước, nhiều tờ báo quốc tế nói rằng Việt Nam đang dần mất đi sự hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, viện dẫn những “bất ổn chính trị” đang xảy ra.

Tiếp đó là sự ra đi của ông Vương Đình Huệ. Không có chủ tịch Quốc hội, “rất khó để đất nước vận hành khi mà luật và các quy định cần được thông qua”, Giáo sư Zachary Abuza từ Đại học National War College (Mỹ) nhận định với BBC vào ngày 26/4.

“Việc không có chủ tịch Quốc hội sẽ gửi một tín hiệu rất xấu đến các nhà đầu tư nước ngoài,” ông thêm.

Chính vì thế, việc kiện toàn các chức danh lãnh đạo này được coi là ưu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hiện bà Nguyễn Thị Ánh Xuân đang đảm nhiệm quyền chủ tịch nước còn ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội, đang được phân công điều hành cơ quan này.

Quốc hội họp 'nhiều nội dung quan trọng'

Kỳ họp Quốc hội lần này sẽ bắt đầu ngày 20/5 và kết thúc 28/6 tại Hà Nội, chia làm hai đợt. Đợt một từ ngày 20/5 đến ngày 8/6; đợt hai từ ngày 17/6 đến ngày 28/6.

Ngày 9/5, phát biểu trong cuộc họp giao ban của lãnh đạo Quốc hội và các ủy ban của Quốc hội, ông Trần Thanh Mẫn cho biết kỳ họp Quốc hội sắp tới có nhiều nội dung quan trọng.

Theo dự kiến, kỳ họp lần này sẽ thông qua 10 dự thảo luật, 3 dự thảo nghị quyết, 10 dự án luật bàn lần đầu để cho ý kiến.

Tới nay, Quốc hội khóa 15 của Việt Nam đã trải qua sáu kỳ họp thường kỳ và bảy kỳ họp bất thường.

Hai kỳ họp bất thường gần nhất vào ngày 21/3 và 2/5 có nội dung chính là miễn nhiệm chủ tịch nước và chủ tịch Quốc hội.

Bên cạnh các nội dung trên, bầu chủ tịch nước và chủ tịch Quốc hội có thể là hai nội dung quan trọng nữa của kỳ họp sắp tới đây.

Ít lựa chọn


Chụp lại hình ảnh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (thứ hai từ trái) và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng (bìa phải) là hai nhân vật trong "Tứ Trụ" bị mất chức trong năm 2024

Hiện không có quá nhiều sự lựa chọn cho hai vị trí thuộc “Tứ Trụ”.

Theo Quy định 214-QĐ/TW của Bộ Chính trị, để đạt tiêu chuẩn làm chủ tịch nước và/hoặc chủ tịch Quốc hội, cá nhân cần tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên.

Đạt đủ tiêu chuẩn này trong Bộ Chính trị hiện nay chỉ có 4 người, gồm:

Do ông Trọng đang làm tổng bí thư, và sức khỏe yếu, nên khó có khả năng ông sẽ đảm nhiệm thêm một chức vụ nữa, như cách mà ông đã tiếp quản ghế chủ tịch nước sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời hồi năm 2018.

Còn Thủ tướng Phạm Minh Chính đang điều hành chính phủ, một vị trí khó có thể thay đổi vào lúc này vì nếu thay đổi sẽ tạo ra các tác động, xáo trộn lớn.

Do đó, trong nhóm bốn nhân vật kể trên, còn lại chỉ có bà Trương Thị Mai và ông Tô Lâm.

Trong đó, theo các nhà quan sát mà BBC từng phỏng vấn, khả năng ông Tô Lâm sẽ ưu tiên ghế tổng bí thư, thay vì chủ tịch nước hoặc chủ tịch Quốc hội, những vị trí ít thực quyền. Do đó, các nhận định đều dồn vào bà Mai.

Theo Hiến pháp 2013, người làm chủ tịch nước hoặc chủ tịch Quốc hội đều phải là đại biểu Quốc hội.

Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức Quốc hội 2014 quy định, chức danh Chủ tịch Quốc hội do Quốc hội bầu trong số các đại biểu Quốc hội theo danh sách đề cử của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Các tiêu chuẩn được quy định trong hiến pháp hoặc luật là quy định "cứng", nhưng các tiêu chuẩn trong quy định của Đảng thì có thể mở ra ngoại lệ, chẳng hạn người chưa đủ một nhiệm kỳ trong Bộ Chính trị vẫn có thể được chọn vào “Tứ Trụ”, trong trường hợp thiếu nhân sự hội đủ tất cả các tiêu chuẩn.

Có một điều cần lưu ý nữa là về độ tuổi. Bốn người kể trên đều đã quá 65 tuổi vào thời điểm hiện tại.

Phần lớn những người còn lại lại trong Bộ Chính trị cũng sẽ quá 65 tuổi vào tháng 1/2026 – thời điểm diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 14.

Vào tháng 1/2026, chỉ có 3 người trong Bộ Chính trị hiện tại không quá 65 tuổi, gồm:

Điều này đặt ra thách thức lớn cho Tiểu ban Nhân sự Đại hội 14 - nhóm phụ trách cơ cấu nhân sự cho khóa 14.


Chụp lại hình ảnh, 3 người trong Bộ Chính trị không quá 65 tuổi vào tháng 1/2026, lần lượt từ trái qua là ông Trần Thanh Mẫn, ông Đinh Tiến Dũng và ông Trần Cẩm Tú.

Theo giáo sư Carl Thayer, nhà quan sát chính trị Việt Nam lâu năm, điều này cho thấy công cuộc xây dựng đảng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “đã thất bại”.

“Tại sao các chỗ trống trong Bộ Chính trị vẫn chưa được lấp đầy? Tại sao ông Trọng đã làm tới ba nhiệm kỳ? Tại sao lại có nhiều thành viên trong Bộ Chính trị sẽ trên 65 tuổi vào năm 2026 đến vậy?"

“Có thể thấy công tác nhân sự rất yếu kém," GS Thayer bình luận.

Trong thời gian gần đây, đã có hai trường hợp ngoại lệ (quá tuổi) khi bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa 13, là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (bị miễn nhiệm vào tháng 1/2023). Thậm chí ông Nguyễn Phú Trọng đã hơn một lần sử dụng ngoại lệ “trường hợp đặc biệt” để tiếp tục ngồi ghế Ủy viên Bộ Chính trị và Tổng Bí thư.

Trong bài viết Phản bác luận điệu xuyên tạc về cuốn sách của Tổng Bí thư về chống tham nhũng, tiêu cực đăng trên báo Bình Phước hồi tháng 2/2024, hai tác giả Hồng Phúc và Quyết Thắng viết: “Còn nhớ, tại Đại hội 11 của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã 67 tuổi, ông đã thuộc trường hợp ‘đặc biệt’ theo quy định về độ tuổi của Đảng. Đến Đại hội 12, ông trở thành trường hợp ‘đặc biệt’ của ‘đặc biệt’ và đến Đại hội 13 thì ông là ‘đặc biệt’ của ‘đặc biệt’ của ‘đặc biệt’, 3 lần ‘đặc biệt’.”

Có thể thấy, quy định của Đảng vẫn chừa cho các ngoại lệ.

Quy trình bầu chủ tịch nước và chủ tịch Quốc hội

Quy trình bầu chủ tịch Quốc hội và chủ tịch nước được quy định lần lượt tại Điều 32 và Điều 33 trong Nghị quyết 71/2022 của Quốc hội.

Đối với chức vụ Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa trước trình danh sách đề cử.

Từ danh sách này, Quốc hội sẽ thực hiện bầu chủ tịch Quốc hội, phó chủ tịch Quốc hội, ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội qua hình thức bỏ phiếu kín.

Ngoài ra, đại biểu Quốc hội có quyền giới thiệu thêm hoặc tự ứng cử vào các chức danh nói trên.

Một quy trình tương tự được áp dụng cho việc bầu chủ tịch nước: Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình danh sách đề cử, Quốc hội bầu chủ tịch nước qua hình thức bỏ phiếu kín.

Ngoài danh sách đề cử, đại biểu Quốc hội có quyền giới thiệu thêm/tự đề cử chức danh chủ tịch nước.

Đảng quyết, Quốc hội bầu


Chụp lại hình ảnh, Quy trình vào "Tứ Trụ" của ông Thưởng và ông Huệ cho thấy rõ thực tế Đảng quyết, Quốc hội bầu

Trên thực tế, các sắp xếp trong Đảng Cộng sản Việt Nam được coi là quyết định và việc bỏ phiếu tại Quốc hội là bước hợp thức hóa sự sắp xếp ấy của Đảng.

Xét quy trình ông Võ Văn Thưởng và ông Vương Đình Huệ vào “Tứ Trụ” có thể thấy rõ thực tế Đảng quyết, Quốc hội bầu.

Đầu tiên là về ông Võ Văn Thưởng.

Vào ngày 1/3/2023, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 đã họp để xem xét và cho ý kiến về công tác cán bộ.

Tại cuộc họp này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định giới thiệu nhân sự để bầu giữ chức chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026.

Ngày 2/3/2023, ông Võ Văn Thưởng đã chính thức tuyên thệ sau khi được Quốc hội bầu trong kỳ họp bất thường.

Ông Thưởng nhận được 487/488 phiếu tán thành từ các đại biểu Quốc hội.

Trường hợp ông Vương Đình Huệ nhậm chức Chủ tịch Quốc hội cũng có sự tương đồng.

Tại Đại hội Đảng lần thứ 13 vào tháng 1/2021, các đại biểu dự Đại hội Đảng đã được thông báo:

Tới ngày 31/3/2021, ông Vương Đình Huệ nhậm chức Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia thay bà Nguyễn Thị Kim Ngân.

Ông Huệ nhận được 100% phiếu của các đại biểu Quốc hội có mặt (473 đại biểu) tán thành và chính thức trở thành Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia.

Khi ông Thưởng, ông Huệ mất chức thì cũng theo quy trình tương tự. Trung ương Đảng tổ chức hội nghị, “đồng ý cho thôi chức”, sau đó Quốc hội bỏ phiếu miễn nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu.

Bà Trương Thị Mai sáng giá

Trong bối cảnh Việt Nam cố gắng đảm bảo tỷ lệ nữ giới trong bộ máy quyền lực, bà Trương Thị Mai được đánh giá là ứng cử viên số một cho vị trí chủ tịch Quốc hội.

Ngày 26/4, ngay sau khi có tin ông Đảng đồng ý cho ông Vương Đình Huệ thôi chức, Giáo sư Carl Thayer nói với BBC rằng nguồn tin của ông cho biết bà Mai sẽ được bầu làm chủ tịch Quốc hội.

"Điều đó an toàn vì bà ấy từng cho biết mình muốn nghỉ hưu (vào năm 2026)," ông Thayer nói. Điều này có nghĩa là bà Mai sẽ không tranh đua vị trí tổng bí thư.

Giáo sư Zachary Abuza đánh giá bà Mai là người “phù hợp nhất” cho vị trí này do bà ấy có “kinh nghiệm đa dạng trong nhiều lĩnh vực”.

Sau khi ông Thưởng mất chức, đã có những ý kiến cho rằng bà Mai sẽ trở thành ứng cử viên sáng giá cho vị trí chủ tịch nước.

Lý do đến từ chính điểm yếu của bà: bà không có nhiều quyền lực và có vẻ không quá tham vọng quyền lực.

Thường trực Ban Bí thư là một vị trí đầy quyền lực, về mặt đảng thì chỉ xếp sau Tổng Bí thư. Một số nhân vật quyền lực từng nắm giữ chức vụ này có thể kể đến là ông Trương Tấn Sang, ông Nguyễn Phú Trọng và ông Đinh Thế Huynh.

Hai thường trực Ban Bí thư gần đây là ông Võ Văn Thưởng và bà Trương Thị Mai không quá nổi bật, bên cạnh một Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đầy quyền lực.

Ông Tô Lâm ‘không mặn mà’


Chụp lại hình ảnh, Ông Tô Lâm đang càng được chú ý sau khi "Tứ Trụ" khuyết một nửa

Ngược lại với những dự đoán rằng bà Mai sẽ tham gia” Tứ Trụ”, nhiều chuyên gia nhận định rằng ông Tô Lâm “không mặn mà” lắm với cả hai vị trí đang trống.

Lý do các chuyên gia đưa ra là các chức vụ chủ tịch nước và chủ tịch Quốc hội có ít thực quyền, trong khi vị trí bộ trưởng Công an mà ông Lâm đang nắm giữ vốn đã có nhiều quyền lực rồi.

Bên cạnh đó, ông Tô Lâm có vẻ cũng không được lòng đại biểu Quốc hội.

Tháng 10/2023, ông Tô Lâm nhận được 329 phiếu “tín nhiệm cao” (khoảng 68%) và 43 phiếu “tín nhiệm thấp” (khoảng 8,94%) trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn.

Để so sánh, ông Vương Đình Huệ khi đó nhận được 437 phiếu “tín nhiệm cao” (khoảng 90,04%) và 11 phiếu “tín nhiệm thấp” (khoảng 2,29%).

Hiện ông Tô Lâm được đánh giá là đang nhắm đến chức vụ tổng bí thư.

Giáo sư Abuza nhận định ông Tô Lâm, với chức vụ Bộ trưởng Công an hiện tại, “có quyền lực điều tra khổng lồ” - điều mà các đối thủ của ông không có.

Giáo sư Abuza cũng đánh giá: “Việc ông Huệ mất chức khiến khả năng Bộ trưởng Công an Tô Lâm trở thành tổng bí thư càng tăng cao.”

Điều này có thể khiến ông Tô Lâm càng không muốn ngồi vào vị trí chủ tịch nước hay chủ tịch Quốc hội.

Ngược lại, Giáo sư Thayer lại cho rằng ông Tô Lâm không dễ để trở thành tổng bí thư, viện dẫn cuộc bỏ phiếu tín nhiệm hồi tháng 10/2023 nói trên.

Ông Thayer cho rằng điều này cho thấy “có những người thực sự lo ngại về ông Tô Lâm, nên ông ấy là một ứng viên gây chia rẽ”

“Đảng Cộng sản Việt Nam thường muốn hướng tới sự ổn định và đồng thuận, điều này gây bất lợi cho ông ta.”

🔝

Vụ trưởng Nguyễn Văn Bình là ai mà bị bắt trước phiên điều trần của Mỹ với Việt Nam?

9 tháng 5 2024, 09:31 +07 - BBC


Chụp lại hình ảnh, Ông Nguyễn Văn Bình, Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (MOLISA), vừa bị chính quyền Việt Nam bắt với cáo buộc vi phạm điều 337 Bộ luật Hình sự về tiết lộ tài liệu mật.

Ông Nguyễn Văn Bình, Vụ trưởng Vụ pháp chế thuộc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (MOLISA), đã bị bắt với cáo buộc làm lộ bí mật nhà nước.

Ngày 9/5, Công an TP Hà Nội cho biết Cơ quan an ninh điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với ông Nguyễn Văn Bình.

Ông Bình bị khởi tố theo Điều 337 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) về “Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước”. Tội danh này có khung hình phạt từ 2 tới 15 năm tù.

Trước khi bị bắt, ông Bình, 51 tuổi, trú tại quận Cầu Giấy, là vụ trưởng Vụ Pháp chế thuộc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.

Số điện thoại ông Bình đã không thể liên lạc được từ nhiều ngày qua.

BBC đã liên lạc theo số điện thoại được cho là của ông Bình hôm 7/5, nhưng không có tín hiệu.

Theo tin từ Dự án 88 – một tổ chức phi chính phủ vận động nhân quyền cho Việt Nam - số điện thoại của ông Bình không còn hoạt động kể từ ngày 15/4/2024.

Vào ngày 6/5, BBC truy cập vào website MOLISA thì thấy trong trang của Vụ Pháp chế, ở mục Lãnh đạo đơn vị, chỉ còn hình ảnh và thông tin của ba vụ phó.

Trên một số website của các tổ chức quốc tế mà ông Bình từng hợp tác, BBC Tiếng Việt ghi nhận vẫn còn thông tin và hình ảnh của ông Nguyễn Văn Bình trên cương vị Vụ trưởng Vụ Pháp chế của MOLISA.

Chẳng hạn trên website của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), trong phần tiểu sử cho hay ông Bình có “lịch sử và kinh nghiệm làm việc lâu dài và phong phú trong lĩnh vực luật lao động”.

Tổ chức này viết rằng trong thời gian làm việc cho MOLISA, ông là người chủ trì đề xuất ban hành Bộ luật Lao động 2019 của Việt Nam, phê chuẩn một số công ước cốt lõi của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), trong đó có Công ước số 98 về Quyền Tổ chức và Thương lượng tập thể, Công ước số 105 về Bãi bỏ Lao động Cưỡng bức.

Trong cương vị Vụ trưởng Vụ Pháp chế, ông Bình cũng được ghi nhận là đã nỗ lực thúc đẩy quyền của người lao động Việt Nam.

Nỗ lực thành lập công đoàn độc lập và Chỉ thị mật 24

Theo Dự án 88, vụ bắt giữ ông Nguyễn Văn Bình có liên quan đến Chỉ thị 24, chỉ thị mật về bảo đảm an ninh quốc gia của Bộ Chính trị vừa bị rò rỉ.

Theo chỉ thị này, các lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam đã ra lệnh cho chính phủ thắt chặt kiểm soát xã hội dân sự, nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức phi chính phủ và thậm chí cả công dân đi du lịch nước ngoài.

Chỉ thị 24 yêu cầu chính phủ thí điểm thành lập một số công đoàn độc lập nhưng lại bảo đảm rằng mọi tổ chức công đoàn đều do nhà nước kiểm soát.

Dự án 88 cho hay thời điểm bị bắt, ông Bình đang dẫn đầu nỗ lực phê chuẩn Công ước 87 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) để trình Quốc hội.

Công ước này nếu được thông qua sẽ đảm bảo cho người lao động Việt Nam quyền thành lập công đoàn độc lập mà không cần sự cho phép trước.

Theo Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam, Việt Nam đã đồng ý phê chuẩn công ước vào năm 2023, nhưng chính phủ Việt Nam sau đó đã ít nhất hai lần trì hoãn.

Hiện Việt Nam chỉ có một tổ chức công đoàn là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nằm dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Dự án 88 nhận định rằng chính phủ Việt Nam muốn “trông ra vẻ tuân thủ Công ước ILO 87, nhưng trên thực tế Chỉ thị 24 cho thấy họ coi các công đoàn lao động độc lập là mối đe dọa an ninh quốc gia, và việc bắt giữ Bình rõ ràng là một nỗ lực nhằm vô hiệu hóa mối đe dọa được cho là đó".

Sự tham gia sâu rộng của ông Bình với các chính phủ nước ngoài và các tổ chức quốc tế về cải cách lao động trái ngược với quan điểm cứng rắn của giới lãnh đạo trong nước, vốn rất dè chừng ảnh hưởng của nước ngoài trong các hoạt động cải cách lập pháp và hoạch định chính sách, theo nội dung của Chỉ thị 24 do Dự án 88 công bố.

Dự án 88 cho hay một nguồn tin tiết lộ rằng ông Bình ngày càng bị cô lập tại MOLISA sau khi các đồng minh quyền lực và các nhà cải cách từ chức trong những năm gần đây.

‘Coi các nhà cải cách là mối nguy’


Chụp lại video, Chỉ thị mật 24 bị rò rỉ: Đảm bảo an ninh quốc gia hay bảo vệ Đảng?

Chỉ thị 24 cũng kêu gọi chính quyền Việt Nam ngăn chặn các khuynh hướng cải cách, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa" trong giới quan chức chính phủ, lo ngại việc này sẽ dẫn đến “làm suy yếu chế độ từ bên trong và đe dọa lợi ích quốc gia, nhân dân và sự tồn vong của chế độ”.

Theo Dự án 88, việc bắt giữ ông Bình càng cho thấy chính phủ coi các nhà cải cách như ông là mối đe dọa với ai ninh quốc gia.

Tháng 9 năm ngoái, Việt Nam đã bắt giữ bà Ngô Thị Tố Nhiên, Giám đốc Tổ chức Sáng kiến Doanh nghiệp xã hội chuyển đổi năng lượng Việt Nam (VIETSE).

Giống trường hợp ông Bình, bà Nhiên cũng bị bắt với cáo buộc chia sẻ thông tin mật và họ đều bị bắt sau khi Chỉ thị 24 được ban hành.

Trong kỳ họp thứ 37 từ ngày 6-8/3 tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã nêu lên các dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng MOLISA, nơi ông Bình làm việc.

Theo đó, ban này đã “vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để Bộ và một số tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong tham mưu, thực hiện cơ chế, chính sách về lĩnh vực đào tạo dạy nghề; trong thực hiện các gói thầu do Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và các doanh nghiệp trong hệ sinh thái AIC thực hiện”.

Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng MOLISA, ủy viên Trung ương Đảng, đã bị đề nghị kỷ luật.

Hàng loạt cán bộ khác của MOLISA bị nêu tên dịp này, nhưng không có tên ông Bình.

Nỗ lực của Việt Nam để thoát ‘nền kinh tế phi thị trường’


Chụp lại hình ảnh, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo

Vụ bắt giữ ông Nguyễn Văn Bình được cho là diễn ra trước thềm phiên điều trần của Việt Nam trước Bộ Thương mại Mỹ hôm 8/5/2024 về khả năng đưa Việt Nam thoát khỏi danh sách "nền kinh tế phi thị trường".

Bộ Thương mại Mỹ sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về vấn đề này trước ngày 26/ 7/2024.

Hoa Kỳ liệt kê Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường vào năm 2002 trong cuộc điều tra chống bán phá giá đối với xuất khẩu cá da trơn của Việt Nam. Tình trạng này gây bất lợi cho Việt Nam trong thương mại với Mỹ.

Hiện chỉ có 12 quốc gia được Mỹ xác định là có nền kinh tế phi thị trường,

Trong 21 năm qua, Hoa Kỳ đã áp dụng thuế chống bán phá giá đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có các sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp.

Việt Nam hiện đang ráo riết vận động hành lang để quốc hội Mỹ sớm thông qua việc nâng cấp nước này lên thành nền kinh tế thị trường trước kỳ bầu cử Mỹ vào tháng 11/2024.

Bản đăng ký bổ sung của Đạo luật Đăng ký Đại diện cho Nước ngoài (FARA) đệ trình lên Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cho thấy Việt Nam đã thuê Công ty Steptoe có trụ sở tại Washington hỗ trợ việc này.

Nhưng chiến dịch vận động của Việt Nam cũng vấp phải sự phản đối từ bên trong Hoa Kỳ.

Hơn 30 nhà lập pháp Mỹ vào tháng Một đã gửi thư chung cho Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo kêu gọi chính quyền Biden không cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam. Họ cho rằng Việt Nam không đáp ứng các yêu cầu về thủ tục thay đổi quy chế và việc đáp ứng mong muốn của Hà Nội sẽ là “sai lầm nghiêm trọng”.

Một quốc gia phải đáp ứng sáu tiêu chí để Bộ Thương mại Mỹ chỉ định là nền kinh tế thị trường, trong đó có một tiêu chí là mức lương ở nước này được xác định bằng sự thương lượng tự do giữa người lao động và cấp quản lý.

Mới đây, vào ngày 8/4/2024, trong văn bản phản hồi yêu cầu của Bộ Thương mại Mỹ về các nội dung trong Chỉ thị 24, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã thừa nhận sự tồn tại của chỉ thị này và lập luận rằng công đoàn nhà nước “luôn ủng hộ quyền lợi của người lao động” (trang7).

Tuy nhiên, việc chỉ có một tổ chức công đoàn duy nhất là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nằm dưới sự quản lý của ĐCSVN, được xem là không phù hợp với các quy định quốc tế về quyền người lao động, theo các chuyên gia trong lĩnh vực này.

Nhà nước Việt Nam trên thực tế luôn công khai phản đối công đoàn độc lập.

Cụ thể, Chỉ thị 24 yêu cầu chỉ "thí điểm" thành lập một số công đoàn trong các doanh nghiệp, bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng tổ chức công đoàn duy nhất ở nước này "vững mạnh".

Một bài viết trên An Ninh TV vào ngày 27/11/2023 nhan đề Cảnh giác trước cái gọi là ‘Công đoàn độc lập’ có đoạn: “Không ai có thể phủ nhận sự cần thiết, không thể thiếu với vai trò, uy tín của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng như tổ chức công đoàn các cấp hiện nay. Còn cái gọi là 'công đoàn độc lập', hay 'nghiệp đoàn độc lập' không hề và không thể đại diện cho quyền, lợi ích của công nhân, người lao động mà chỉ lợi dụng để thực hiện mưu đồ chính trị.”

Trong báo cáo phân tích vụ bắt giữ ông Nguyễn Văn Bình, Dự án 88 nhận định rằng “đây chưa phải là lúc Việt Nam thoát khỏi ‘nền kinh tế phi thị trường'".

"Việt Nam không đáp ứng được tiêu chuẩn của Bộ Thương mại Mỹ và việc bắt giữ Nguyễn Văn Bình, người đang nỗ lực đưa luật lao động của Việt Nam phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, cho thấy điều này."

Ông Nguyễn Văn Bình là ai?


Chụp lại hình ảnh, Ông Nguyễn Văn Bình

Ngoài những thông tin nói trên, ông Nguyễn Văn Bình còn được biết đến với thành công trong việc thúc đẩy chính phủ phê chuẩn các công ước của ILO về thương lượng tập thể và lao động cưỡng bức.

Trước khi làm việc cho MOLISA, ông Bình từng làm việc cho Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).

Ông Bình cũng lần đầu tiên xuất bản văn bản của tất cả các công ước cốt lõi của ILO bằng tiếng Việt.

Ông Nguyễn Văn Bình được ghi nhận là có khuynh hướng ủng hộ nữ quyền.

Năm 2015, ông soạn thảo bộ quy tắc ứng xử đầu tiên về quấy rối tình dục tại nơi làm việc tại Việt Nam.

Sau khi cập nhật bộ quy tắc vào năm 2022 để phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, ông Bình tuyên bố: "Không phân biệt đối xử là một tiêu chuẩn quốc tế mà Việt Nam đã cam kết và đây là cam kết nằm trong một thế hệ hiệp định thương mại tự do mới."

Ông Nguyễn Văn Bình là tiến sĩ luật và thông thạo tiếng Anh.

🔝

Vì sao Việt Nam ráo riết vận động hành lang để Mỹ cho ra khỏi danh sách ‘nền kinh tế phi thị trường’?

2024-05-09 - BBC


Chụp lại hình ảnh, Việt Nam vẫn bị Mỹ xếp vào nhóm "nền kinh tế phi thị trường"

Bộ Thương mại Mỹ hôm 8/5/2024 đã có phiên điều trần với Việt Nam nhằm xem xét khả năng đưa Việt Nam ra khỏi danh sách "nền kinh tế phi thị trường" và nâng cấp lên thành “nền kinh tế thị trường”.

Quyết định cuối cùng có thể được Bộ Thương mại Mỹ đưa ra trước ngày 26/7/2024.

Việt Nam hiện đang ráo riết vận động hành lang để thuyết phục Quốc hội Mỹ thông qua việc bãi bỏ quy chế "nền kinh tế phi thị trường".

Không chỉ chính thức đề nghị Washington trong các cuộc gặp cấp cao giữa hai nước, chính phủ Việt Nam còn thuê hẳn một công ty của Mỹ để giúp cho quá trình này.

Bản đăng ký bổ sung của Đạo luật Đăng ký Đại diện cho Nước ngoài (FARA) đệ trình lên Bộ Tư pháp Mỹ cho thấy Việt Nam đã thuê Công ty Steptoe có trụ sở tại Washington để hỗ trợ việc này.

Ráo riết trước kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ

Việt Nam được cho là đang nỗ lực hết sức để đảm bảo việc nâng cấp trước cuộc bầu cử tháng 11 ở Mỹ, sự kiện có thể đưa ông Trump trở lại Nhà Trắng.

Trong nhiệm kỳ tổng thống trước đây, ông Donal Trump đã đe dọa sẽ tăng thuế đối với Việt Nam vì nước này có thặng dư thương mại lớn với Hoa Kỳ.

Dưới thời chính quyền Trump, Bộ Tài chính Mỹ cũng đưa Việt Nam vào danh sách thao túng tiền tệ.

Ông Trump được cho là đã bắt đầu điều tra việc bán phá giá của Việt Nam ngay trước khi kết thúc nhiệm kỳ vào đầu năm 2021. Và khả năng ông Trump sẽ tái khởi động tiến trình này nếu đắc cử tổng thống trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm nay.

Mỹ liệt kê Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường vào năm 2002 trong cuộc điều tra chống bán phá giá đối với xuất khẩu cá da trơn của Việt Nam. Tình trạng này gây bất lợi cho Việt Nam trong thương mại với Mỹ.

Hiện chỉ có 12 quốc gia được Mỹ xác định là có nền kinh tế phi thị trường,

Trong 21 năm qua, Hoa Kỳ đã áp dụng thuế chống bán phá giá đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có các sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp.

Việt Nam hiện đang ráo riết vận động hành lang để quốc hội Mỹ sớm thông qua việc nâng cấp lên thành nền kinh tế thị trường trước kỳ bầu cử Mỹ vào tháng 11/2024.

“Tất nhiên, chúng tôi muốn Việt Nam được loại khỏi danh sách các nước có nền kinh tế phi thị trường của Hoa Kỳ,” Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng nói với Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Washington, theo tường thuật của Reuters.

“Quý vị có thể hình dung, với những gì chúng tôi đã làm, những gì chúng tôi đang cố gắng và nhìn vào mối quan hệ giữa hai nước chúng ta, liệu Việt Nam có thể chấp nhận được việc nằm trong số 12 nước… tệ nhất thế giới không?"

“Như vậy là không thể chấp nhận được,” ông Dũng nói. "Thế nên nếu Bộ Thương mại Mỹ từ chối, tôi nghĩ điều đó sẽ rất, rất tệ cho cả hai nước.”

Năm ngoái, Hoa Kỳ và Việt Nam đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện trong chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Joe Biden.

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính năm ngoái cũng đã kêu gọi Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen chấm dứt quy chế "nền kinh tế phi thị trường" đối với Việt Nam.

Sự phản đối từ Mỹ


Chụp lại hình ảnh, Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren chủ trương thúc đẩy chính sách thương mại có lợi cho người lao động, nhà sản xuất và ngành công nghiệp Mỹ

Chiến dịch vận động của Việt Nam đang vấp phải sự phản đối từ bên trong nước Mỹ và các tổ chức nhân quyền.

Đã có 31 nhà lập pháp Mỹ, trong đó đại diện là Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, vào tháng Một đã gửi thư chung cho Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo kêu gọi chính quyền Biden không cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam. Họ cho rằng Việt Nam không đáp ứng các yêu cầu về thủ tục thay đổi quy chế và việc đáp ứng mong muốn của Hà Nội sẽ là “sai lầm nghiêm trọng”.

Theo 31 nhà lập pháp này, việc trao quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam có thể đe dọa người lao động và nhà sản xuất Mỹ, trong khi thúc đẩy kinh tế Trung Quốc.

“Chúng tôi đề nghị bà (Gina Raimondo) và cơ quan của bà xem xét kỹ lưỡng các điều kiện kinh tế và lao động ở Việt Nam khi tiến hành đánh giá tình trạng nền kinh tế thị trường của Việt Nam và chúng tôi tin rằng các bằng chứng đã đưa tới một kết luận: Việt Nam không đáp ứng các yêu cầu để được hưởng quy chế kinh tế thị trường theo thương mại của luật pháp Hoa Kỳ," thư của các nghị sĩ nêu rõ.

“Việc Bộ Thương mại xem xét lại quy chế kinh tế phi thị trường của Việt Nam là quá sớm và sẽ đe dọa tính liêm chính của các luật thực thi thương mại của chúng ta,” Chủ tịch Nghiệp đoàn Thống nhất Công nhân ngành thép David McCall lên tiếng.

Các nhà lập pháp Mỹ cũng kêu gọi Bộ Thương mại Mỹ xem xét mối quan hệ kinh tế chặt chẽ của Việt Nam với Trung Quốc.

Lĩnh vực sản xuất của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, khiến ngành này “dễ bị xảy ra tình trạng lao động cưỡng bức”.

Hơn nữa, chính Bộ Thương mại Mỹ cũng đã đưa ra cảnh báo về việc Trung Quốc sử dụng Việt Nam để lách thuế chống bán phá giá của Mỹ đối với các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất.

Các nhà lập pháp cũng lưu ý Bộ Thương mại phải xem xét các vấn đề lao động nghiêm trọng ở Việt Nam, như lao động trẻ em, lao động cưỡng bức, gần 80% lao động Việt Nam làm việc trong nền kinh tế phi chính thức, có ít hoặc không có bảo hộ lao động.

Việt Nam có đáp ứng tiêu chí của Mỹ?


Chụp lại hình ảnh, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo

Để xác định xem có nên phân loại một quốc gia là nền kinh tế phi thị trường hay không, luật pháp Hoa Kỳ yêu cầu xem xét các yếu tố, bao gồm mức độ kiểm soát chặt chẽ của chính phủ đối với tài nguyên thiên nhiên, giá cả, tỷ giá hối đoái và các yếu tố khác, trong đó có “mức lương được xác định bằng sự thương lượng tự do giữa người lao động và người quản lý.”

Tuy nhiên, yếu tố "thương lượng tự do về mức lương" được cho là không diễn ra ở Việt Nam, nơi chỉ có một tổ chức công đoàn là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nằm dưới sự lãnh đạo của ĐCSVN.

Việc này được xem là không phù hợp với các quy định quốc tế về quyền người lao động, theo các chuyên gia trong lĩnh vực này.

Về mặt luật pháp và thực tiễn, Việt Nam không cho phép các công đoàn độc lập đại diện cho người lao động.

Chương 13 của Bộ luật Lao động năm 2021 của Việt Nam quy định về “tổ chức người lao động cấp doanh nghiệp” và Luật Công đoàn quy định về “công đoàn” cũng như “tổ chức đại diện người lao động”.

Tuy nhiên, Luật Công đoàn của Việt Nam chỉ cho phép các “công đoàn” do chính phủ kiểm soát.

Bộ luật Lao động vẫn yêu cầu ban hành các quy định hướng dẫn thi hành để luật có hiệu lực. Và không có tổ chức đại diện người lao động cấp doanh nghiệp nào tồn tại ở Việt Nam.

Nhà nước Việt Nam luôn công khai phản đối công đoàn độc lập.

Mới đây, Chỉ thị mật số 24 của Bộ Chính trị bị rò rỉ cho thấy ĐCSVN yêu cầu chính phủ chỉ "thí điểm" thành lập một số công đoàn trong các doanh nghiệp, bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng tổ chức công đoàn duy nhất ở nước này "vững mạnh".

Một bài viết trên An Ninh TV vào ngày 27/11/2023 nhan đề Cảnh giác trước cái gọi là ‘Công đoàn độc lập’ có đoạn:

“Không ai có thể phủ nhận sự cần thiết, không thể thiếu với vai trò, uy tín của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng như tổ chức công đoàn các cấp hiện nay."

"Còn cái gọi là 'công đoàn độc lập', hay 'nghiệp đoàn độc lập' không hề và không thể đại diện cho quyền, lợi ích của công nhân, người lao động mà chỉ lợi dụng để thực hiện mưu đồ chính trị.”

Các tổ chức nhân quyền nói gì?


Chụp lại hình ảnh, Ông Nguyễn Văn Bình bị bắt với cáo buộc tiết lộ thông tin mật theo điều 337 Bộ luật Hình sự Việt Nam

Bộ Thương mại Mỹ xem xét đưa Việt Nam ra khỏi danh sách "nền kinh tế phi thị trường" trong bối cảnh Hà Nội cho bắt giữ một nhà cải cách, ông Nguyễn Văn Bình, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (MOLISA) với cáo buộc ông tiết lộ thông tin mật.

Trước khi bị bắt, ông Bình đã nỗ lực làm việc với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) nhằm thúc đẩy chính phủ Việt Nam phê chuẩn Công ước 87 của ILO.

Công ước này nếu được thông qua sẽ đảm bảo cho người lao động Việt Nam quyền thành lập công đoàn độc lập mà không cần sự cho phép trước.

Trong báo cáo phân tích vụ bắt giữ ông Nguyễn Văn Bình, Dự án 88 - một tổ chức phi chính phủ quốc tế về vận động nhân quyền cho Việt Nam - nhận định rằng “đây chưa phải là lúc Việt Nam thoát khỏi 'nền kinh tế phi thị trường'".

"Việt Nam không đáp ứng được tiêu chuẩn của Bộ Thương mại Mỹ và việc bắt giữ Nguyễn Văn Bình, người đang nỗ lực đưa luật lao động của Việt Nam phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, cho thấy điều này."

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) hôm 9/5 cho rằng nay Việt Nam đang cung cấp thông tin sai lệch hoặc gây nhầm lẫn cho Hoa Kỳ và các đối tác kinh tế khác để đảm bảo hoặc duy trì các ưu đãi thương mại.

Ông John Sifton, Giám đốc vận động khu vực châu Á của HRW, nói: “Sẽ hoàn toàn sai lầm khi cho rằng công nhân Việt Nam có thể tổ chức công đoàn hoặc tiền lương của họ là kết quả của sự thương lượng tự do giữa người lao động và cấp quản lý”.

“Không có một công đoàn độc lập nào tồn tại ở Việt Nam và không có khuôn khổ pháp lý nào cho phép thành lập công đoàn hoặc cho người lao động thực thi quyền lao động.”

Ông Sifton của HRW nói: “Tuyên bố tôn trọng quyền lao động của Việt Nam dựa trên những lời nói và lời hứa suông, luật pháp và quy định không liên quan gì đến thực tế tình hình quyền lao động thực tế của nước này”.

🔝

Cây xanh Công Minh bị điều tra, hé lộ vụ án 'đặc biệt nghiêm trọng'?

2024-05-08 - BBC


Chụp lại hình ảnh, Bộ Công an, dưới sự lãnh đạo của Bộ trưởng Tô Lâm, đang yêu cầu các tỉnh, thành rà soát dự án của Công ty Cây xanh Công Minh

Cơ quan An ninh điều tra thuộc Bộ Công an Việt Nam đã yêu cầu hàng loạt các tỉnh, thành phố rà soát, cung cấp tài liệu, dự án liên quan đến Công ty TNHH Cây xanh Công Minh. Có gì đáng chú ý?

Đã có gần 20 tỉnh, thành được yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu các dự án trồng, chăm sóc cây xanh, chỉnh trang đô thị từ năm 2019 – 2023 liên quan đến Công ty TNHH Cây xanh Công Minh.

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đang xác minh, làm rõ vụ việc có "dấu hiệu vi phạm pháp luật của công ty Công Minh và các cá nhân, tổ chức liên quan".

Việc Cơ quan An ninh là bên xử lý vụ án cho thấy dấu hiệu đây có thể là vụ án nghiêm trọng.

Tỷ lệ trúng thầu 'vô địch'

Cây xanh Công Minh được biết đến nhờ khả năng trúng thầu “vô địch”.

Dữ liệu chính thức cho thấy công ty này đã tham gia 228 gói thầu, trong đó trúng 172 gói, trượt 37 gói, 14 gói chưa có kết quả và 5 gói đã bị hủy. Tổng giá trị trúng thầu của doanh nghiệp này ước tính lên tới 1.991 tỷ đồng.

Loại trừ các gói bị hủy và chưa có kết quả, tỉ lệ trúng thầu của Công Minh rất cao, với 172/209 gói thầu, tương đương hơn 82%, theo báo Vietnamnet.

Cho tới nay, có khoảng 20 tỉnh thành được yêu cầu cung cấp chứng cứ, đồ vật, tài liệu liên quan tới Công ty Công Minh, bao gồm: quy trình thực hiện dự án từ khi xin chủ trương, duyệt cấp kinh phí đến khi mời thầu, lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng và tổ chức thực hiện, nghiệm thu, quyết toán.

Ngoài ra, các tỉnh thành này còn phải cung cấp toàn bộ hồ sơ về đấu thầu các dự án trồng và chăm sóc cây xanh; danh sách các nhà thầu dự, trúng thầu và thi công dự án; việc cấp và sử dụng ngân sách cho từng dự án; việc sử dụng nguồn ngân sách này như thế nào, có đúng quy định không...

Trang Xây dựng chính sách, pháp luật của Chính phủ Việt Nam viết rằng Công ty TNHH Cây xanh Công Minh "đã tham gia đấu và trúng nhiều gói thầu bất thường ở nhiều tỉnh thành trên cả nước".

Trong số các tỉnh thành được yêu cầu cung cấp hồ sơ cho Bộ Công an có: Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Đắk Nông, Quảng Ngãi, Lâm Đồng, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương, Trà Vinh, Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cà Mau, Bạc Liêu,…

Theo báo Pháp Luật TP HCM, tại Trà Vinh, Công ty Công Minh Cây Xanh đã trúng nhiều gói thầu chăm sóc cây xanh trị giá hàng tỉ đồng như: bảo dưỡng cây cổ thụ các tuyến đường nội ô TP Trà Vinh năm 2022; chăm sóc cây xanh, cảnh quan trên địa bàn huyện Càng Long; thi công chăm sóc cây xanh khuôn viên trụ sở làm việc trung tâm hành chính huyện Duyên Hải…


Chụp lại hình ảnh, Một số gói thầu ở Trà Vinh mà Công ty Cây xanh Công Minh trúng thầu vào năm 2022

Báo Xây dựng (cơ quan chủ quản là Bộ Xây dựng) dẫn lời cơ quan chức năng cho biết khi kiểm tra các gói thầu tại Trà Vinh đã phát hiện "có nhiều bất ngờ, bởi doanh nghiệp này trúng gói thầu tỷ lệ tiết kiệm rất thấp".

Như vậy, "dấu hiệu vi phạm pháp luật" của Công ty Cây xanh Công Minh mà Bộ Công an nói đến có khả năng liên quan đến các gói thầu mà công ty này trúng trên nhiều tỉnh thành.

Công ty Cây xanh Công Minh được thành lập năm 1993, Chủ tịch HĐQT là Nguyễn Công Minh. Ông này từng được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba vào năm 2019.

Công ty Cây xanh Công Minh có trụ sở giao dịch ở TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước và hoạt động trong nhiều lĩnh vực như thi công, chăm sóc công trình cây xanh đô thị, khu công nghiệp, cơ quan, nhà riêng; sản xuất và cung cấp cây giống nông, lâm, công nghiệp.

Theo thông tin công bố dịp kỷ niệm 25 năm hình thành và phát triển (năm 2019), Công ty TNHH Cây xanh Công Minh có 1.600 cán bộ, nhân viên với 63 văn phòng đại diện ở 52 tỉnh, thành trong cả nước.

Vụ án 'đặc biệt nghiêm trọng'?

Liên quan tới đấu thầu, thời gian qua, một số tập đoàn như Thuận An và Phúc Sơn cũng bị Bộ Công an điều tra và những dự án của hai tập đoàn này bị rà soát hàng loạt.

Việc các tập đoàn Thuận AnPhúc Sơn bị điều tra đã dẫn đến một số vụ bắt giữ các quan chức, lãnh đạo cấp tỉnh và cả ủy viên Trung ương Đảng.

Vụ Thuận An có ông Phạm Thái Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội, bị khởi tố, bắt giam về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi".

Việc ông Hà bị bắt, nếu chiếu theo Quy định 41 của Bộ Chính trị, có thể đã khiến ông Vương Đình Huệ phải "chịu trách nhiệm người đứng đầu", dẫn đến việc ông Huệ xin thôi các chức vụ trong Đảng và Nhà nước vừa qua.

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái là ủy viên Trung ương Đảng khóa 13, Đại biểu Quốc hội khóa 15 cũng đã bị khởi tố cùng tội danh với ông Hà trong vụ án Thuận An.


Chụp lại video, Bắt ông Phạm Thái Hà: Vụ án Tập đoàn Thuận An tại sao gây chấn động?

Còn vụ án Phúc Sơn đã khiến bà Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Ủy viên Trung ương Đảng khóa 13, Đại biểu Quốc hội khóa 15, bị khởi tố, bắt giam.

Bên cạnh đó, một số quan chức khác như Chủ tịch UBND Vĩnh Phúc Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi là ông Đặng Văn Minh và cựu Chủ tịch UBND tỉnh này là ông Cao Khoa, cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi là ông Lê Viết Chữ cũng đã bị khởi tố, bắt giam.

Vụ án Phúc Sơn còn được cho là có liên quan đến cựu Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khiến ông bị mất chức, cụ thể là ông Thưởng đã có những sai phạm trong thời gian làm Bí thư tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011-2014.

Tuy nhiên, điểm khác biệt là các vụ Thuận An và Phúc Sơn là do Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03), tức Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu phụ trách. Còn vụ Công ty Cây xanh Công Minh lại là bên Cơ quan An ninh điều tra thụ lý.

Theo Điều 16 của Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự, một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an là "điều tra vụ án hình sự về các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương", "kiểm tra hoạt động điều tra xử lý của cơ quan an ninh điều tra công an cấp tỉnh".

Bên cạnh đó, Cơ quan An ninh điều tra còn đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội nói chung, điều tra, xử lý các đối tượng xâm phạm an ninh quốc gia nói riêng.

Ngoài ra, Cơ quan An ninh điều tra còn tiến hành điều tra các vụ án hình sự về tội phạm khác theo thẩm quyền được giao. Cần lưu ý, trong trường hợp C03 "quá tải" thì lãnh đạo Bộ Công an có quyền yêu cầu bên Cơ quan An ninh điều tra làm án, đặc biệt là một số vụ việc lớn.

Đơn cử, đại án Chuyến bay giải cứu được đánh giá là "vụ án đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra tại nhiều bộ ngành" và Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an là bên khởi tố vụ án đưa và nhận hối lộ, khởi tố hàng loạt quan chức, cán bộ.


Chụp lại hình ảnh, Trong vụ Chuyến bay giải cứu, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an là bên khởi tố vụ án đưa và nhận hối lộ, khởi tố nhiều quan chức. Từ trái qua: Chử Xuân Dũng, cựu Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội; Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự; Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; Nguyễn Quang Linh, cựu Trợ lý Phó Thủ tướng; Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế

Những người này bao gồm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng, trợ lý Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh - ông Nguyễn Quang Linh và các lãnh đạo, chuyên viên Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao, Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an và Vụ Hợp tác quốc tế - Văn phòng Chính phủ...

Với việc Cơ quan An ninh điều tra, chứ không phải C03, là bên yêu cầu gần 20 tỉnh thành trực thuộc trung ương cung cấp hồ sơ về Công ty Cây xanh Công Minh thì vụ việc tại công ty này có yếu tố "vụ án hình sự về các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương".

Như vậy, vụ án Công ty Cây xanh Công Minh có thể là vụ án "đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp", cụ thể là liên quan đến các gói thầu "bất thường" mà công ty này trúng thầu. Không loại trừ khả năng vụ này liên quan tới nhân vật lớn, như đã từng xảy ra với trường hợp của các tập đoàn Phúc Sơn và Thuận An.


Chụp lại video, ÔNG VƯƠNG ĐÌNH HUỆ MẤT CHỨC: CHIẾN DỊCH ‘ĐỐT LÒ’ CỦA ÔNG TRỌNG THẤT BẠI?

🔝

Ông Lê Thanh Hải bị báo Đảng gọi tên: Tại sao và có ý nghĩa gì?

2024-05-08 - BBC


Chụp lại hình ảnh, Năm 2020, ông Lê Thanh Hải bị Bộ Chính trị cách chức Bí thư Thành ủy TP HCM nhiệm kỳ 2010-2015.

Cựu Bí thư Thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải và những vi phạm trong dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm đã được nhắc tới trong một video trên kênh Truyền hình Nhân Dân. Tại sao?

Những vi phạm này của ông Hải đã xảy ra từ nhiều năm trước.

Với những vi phạm ấy, ông Hải đã bị Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam kỷ luật với hình thức cách chức Bí thư Thành ủy TP HCM một nhiệm kỳ.

“Xóa bỏ lịch sử công tác” là một hình thức kỷ luật được áp dụng khá nhiều dưới thời ông Nguyễn Phú Trọng làm tổng bí thư.

Qua nhiều năm, vụ việc tưởng chừng đã trôi vào quên lãng, giờ đây ông Lê Thanh Hải đột nhiên bị nhắc tên trong video.

Một điều cần lưu ý là Truyền hình Nhân Dân là bộ phận báo hình của báo Nhân Dân - cơ quan trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Việc ông Hải, một cựu quan chức cấp cao của TP HCM, bị nhắc tên do những sai phạm từ nhiều năm trước, trong bối cảnh chiến dịch “đốt lò” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang quyết liệt là điều đáng chú ý.

Các vi phạm, “khuyết điểm” của ông Lê Thanh Hải liên quan đến dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm dù đã bị xem xét và xử lý về mặt đảng, nhưng từ trước đến nay vẫn có nhiều ý kiến cho rằng trách nhiệm của ông Hải có thể còn lớn hơn nữa và kỷ luật trong nội bộ Đảng là chưa đủ.

‘Cần xử nghiêm’


Chụp lại hình ảnh, Người dân Thủ Thiêm căng biểu ngữ đòi đất hồi năm 2018

Trong video có nhan đề “Kiểm soát quyền lực, ngăn chặn vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ” của Truyền hình Nhân Dân đăng tải ngày 20/4, sai phạm của ông Lê Thanh Hải đã được lấy ra làm ví dụ cho “sự lạm dụng chế độ thủ trưởng trong các cơ quan hành chính nhà nước” dẫn tới vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ.

Những sai phạm này của ông Hải xảy ra trong quá trình thực hiện dự án đầu tư khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Sau khi kiểm tra, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã kết luận: “Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc.”

Vào tháng 3/2020, Bộ Chính trị đã quyết định kỷ luật bằng hình thức cách chức Bí thư Thành ủy TP HCM nhiệm kỳ 2010 - 2015 đối với ông Lê Thanh Hải do sai phạm liên quan tới dự án khu đô thị Thủ Thiêm.

“Đối với ông Lê Thanh Hải, trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ và Thường trực Thành ủy nhiệm kỳ 2010 - 2015 đối với việc lãnh đạo, chỉ đạo đầu tư khu đô thị mới Thủ Thiêm,” báo Thanh Niên viết vào tháng 3/2020, thời điểm ông Hải bị kỷ luật.

Theo báo Tiền phong, ông Hải được xem là người “khởi nguồn” cho những sai phạm nghiêm trọng trong quá trình triển khai thực hiện dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đặc biệt, ông Hải là người đã chỉ đạo “xé nát” 160 ha đất tại định cư của người dân bị giải tỏa.

Vài ngày sau khi ông Hải bị cách chức, Đài Tiếng nói Việt Nam có bài viết về sự việc này, tác giả là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc, cựu Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, đã viết rằng qua theo dõi lịch sử Đảng, ông chưa từng thấy có cán bộ cấp cao thuộc diện do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý nào mà bị xử lý kỷ luật như ông Lê Thanh Hải.


Chụp lại video, ÔNG LÊ THANH HẢI: BÁO ĐẢNG NHẮC TÊN, VÌ SAO?

Ông Phúc cho rằng đây là cách Đảng thể hiện rằng cán bộ cấp cao mắc sai phạm dù đã nghỉ hưu cũng sẽ bị xử lý chứ không có chuyện “hạ cánh an toàn”.

Cũng cần lưu ý, khi bị cách chức thì ông Hải đã về hưu, nghĩa là ông bị xóa bỏ tư cách trong quá khứ, không phải chức vụ đang nắm giữ.

Cụ thể, tháng 3/2020, khoảng bốn năm sau khi nghỉ hưu, ông Hải bị Bộ Chính trị kỷ luật với hình thức “cách chức Bí thư Thành ủy TP HCM nhiệm kỳ 2010 - 2015".

Do từng giữ chức vụ này hai nhiệm kỳ (2005-2010 và 2010-2015) và chỉ bị cách chức một nhiệm kỳ, ông Hải vẫn là cựu Bí thư Thành ủy TP HCM nhiệm kỳ 2005-2010.

Tháng 5/2020, trong cuộc gặp với Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM Trần Lưu Quang, một số cử tri TP HCM đã đề nghị xử lý ông Lê Thanh Hải không chỉ về mặt đảng.

Nói về sai phạm của ông Lê Thanh Hải, ông Nguyễn Hữu Châu, cử tri quận 3, TP HCM, đánh giá rằng “sai phạm này rất nghiêm trọng nên nhân dân đề nghị xử lý cả về mặt chính quyền”.

Vào tháng 3/2021, cử tri tỉnh Long An cũng cho rằng một số vụ án tham nhũng có liên quan đến cán bộ cấp cao chưa được xử lý nghiêm minh, quyết liệt, đơn cử như vụ ông Lê Thanh Hải.

Trong bài viết Ông Lê Thanh Hải chỉ bị cách chức nguyên Bí thư Thành ủy là chưa 'nghiêm minh, quyết liệt', báo Thanh Niên dẫn kiến nghị của một số cử tri tại tỉnh Long An: “Đề nghị Trung ương Đảng xử lý quyết liệt hơn trong công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới, đáp ứng được lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.”


Chụp lại hình ảnh, Hàng trăm dân Thủ Thiêm không được vào buổi gặp lãnh đạo TP HCM vào ngày 18/10/2018

Nhiều năm trôi qua, đến nay, ông Lê Thanh Hải lại trở thành đề tài được quan tâm sau video mới đây của Truyền hình Nhân Dân. Ở phần bình luận dưới video trên YouTube, nhiều người cho rằng ông Hải cần phải bị xử lý và trừng trị hơn nữa.

Một khán giả viết: "Tôi sống tại Sài Gòn và TP HCM đã 60 năm, qua bao nhiêu năm theo dõi, tôi thấy nếu không xử lý ông LTH [Lê Thanh Hải] thì không tồn tại pháp luật.”

Cần lưu ý, báo chí Việt Nam kiểm duyệt rất chặt chẽ, kể cả đối với phần bình luận trên mạng xã hội. Việc kênh YouTube của Truyền hình Nhân Dân để các bình luận gay gắt nhằm vào ông Lê Thanh Hải không phải là điều ngẫu nhiên. Tuy nhiên, vào ngày 8/5/2024, video này đã khóa chức năng bình luận và xóa hết các bình luận cũ.

Ngoài ông Hải, nhiều lãnh đạo từng là cấp dưới của ông Hải ở TP HCM cũng đã bị xử lý với nhiều hình thức khác nhau do vi phạm trong quá trình thực hiện dự án Thủ Thiêm.

Ông Lê Hoàng Quân, cựu Phó Bí thư Thành ủy, cựu Chủ tịch UBND TP HCM, bị Ban Bí thư kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo.

Ông Nguyễn Văn Đua, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; và ông Vũ Hùng Việt, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP HCM, được xác định là vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách.

Tuy nhiên, hai ông này đã không bị kỷ luật do đã hết thời hiệu xử lý kỷ luật theo quy định của Đảng.

Bà Nguyễn Thị Hồng, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP HCM, bị kỷ luật khiển trách.

Vụ việc tại khu đô thị mới Thủ Thiêm đã gây ra nhiều tranh chấp giữa người dân có đất đai bị giải tỏa với chính quyền. Đây là một vụ việc có tác động lớn đến chính trị, ảnh hưởng sâu sắc đến uy tín của chính quyền địa phương và trung ương.

Vụ án Vạn Thịnh Phát


Chụp lại hình ảnh, Bà Trương Mỹ Lan bị tuyên án tử hình ngày 11/4

Bên cạnh vụ dự án Thủ Thiêm, có những ý kiến cho rằng ông Lê Thanh Hải có thể phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra những sai phạm của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Bà Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đã có những vi phạm trong nhiều năm ở TP HCM, trong thời gian ông Lê Thanh Hải giữ chức Bí thư Thành ủy.

Sự phát triển thăng hoa của tập đoàn này cũng trùng với thời gian ông Hải nắm quyền ở thành phố.

Trả lời BBC News Tiếng Việt, ông Carl Thayer, giáo sư danh dự về chính trị tại Đại học New South Wales (Úc), có ý kiến:

“Lê Thanh Hải và mạng lưới của ông ta rất có thể đã tạo điều kiện cho bà Lan thăng tiến. Tại sao ông Hải không bị kỷ luật vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ. Có lẽ đó là trường hợp ‘im lặng là vàng’.”

Ông David Brown, một cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ có nhiều năm kinh nghiệm tại Việt Nam, nhận định với BBC rằng bà Lan có lẽ được những nhân vật quyền lực bảo trợ, những người chi phối kinh tế và chính trị ở TP HCM trong nhiều thập kỷ.

Ông nhìn nhận những gì đang xảy ra là một nỗ lực tái khẳng định quyền lực của Đảng Cộng sản đối với văn hóa kinh doanh tự do tại miền Nam.

“Điều mà ông Nguyễn Phú Trọng và các đồng minh trong đảng của ông ta đang cố gắng làm là giành lại quyền kiểm soát Sài Gòn, hoặc ít nhất là ngăn chặn nó tuột khỏi tầm tay.”

Sau khi bà Trương Mỹ Lan bị tuyên án tử hình vào ngày 11/4, vụ án Vạn Thịnh Phát đã được báo chí quốc tế chú ý.

Viết về vụ việc, tạp chí Time cho rằng bà Lan ắt phải có móc nối hoặc nhận sự bảo trợ từ những nhân vật có quyền lực để có thể xây dựng một đế chế bất động sản ở Việt Nam, nơi mà đất đai đều thuộc quyền sở hữu của nhà nước.

Time sau đó đã nhắc lại việc ông Lê Thanh Hải và ông Lê Hoàng Quân, cựu Chủ tịch UBND TP HCM, bị kỷ luật do những cáo buộc vi phạm nghiêm trọng liên quan đến dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Sự nghiệp của ông Lê Thanh Hải

Ông Lê Thanh Hải sinh ngày 20/2/1950 tại xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, thành phố Mỹ Tho, nay là tỉnh Tiền Giang.

Ông có biệt danh là Hai Nhựt.

Từ năm 1966 đến năm 2006, ông Hải kinh qua nhiều chức vụ trong Đoàn Thanh niên Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ông từng là ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ TP HCM, ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP HCM.

Năm 2006, ông Lê Thanh Hải trở thành ủy viên Bộ Chính trị khóa 10.

Ông tiếp tục là ủy viên Bộ Chính trị khóa 11.

Ông giữ chức Bí thư Thành ủy TP HCM nhiệm kỳ 2005 – 2010 và nhiệm kỳ 2010-2015.

Sau Đại hội Đảng 12 năm 2016, ông Lê Thanh Hải nghỉ hưu.

Tới ngày 20/3/2020, ông bị Bộ Chính Trị kỷ luật với hình thức “cách chức bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2010 - 2015" do những vi phạm liên quan tới dự án khu đô thị Thủ Thiêm.

Do chỉ bị cách chức nhiệm kỳ 2010 – 2015, có thể hiểu là ông Hải vẫn là nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM khóa 2005-2010.

Tương tự, chức vụ ủy viên Bộ Chính trị khóa 10 và khóa 11 của ông coi như vẫn còn nguyên.

🔝

Đảng Cộng sản Việt Nam: công tác nhân sự đã thất bại?

7 tháng 5 2024, 09:54 +07 - BBC


Chụp lại hình ảnh, Bộ Chính trị khóa 13 có 5 ủy viên bị cho "thôi chức" khi chưa hoàn thành hết nhiệm kỳ

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội 12, 13 và cả khóa 14 sắp tới. Nhưng việc khóa 12 và 13 có tổng cộng tám ủy viên Bộ Chính trị bị kỷ luật, cho thôi chức; hàng loạt ủy viên Trung ương Đảng bị kỷ luật, bị xử lý hình sự đã làm dấy lên câu hỏi về tính hiệu quả của công tác nhân sự do ông Trọng đứng đầu.

Chính trường Việt Nam đang có những diễn biến khó lường nhất là sau sự ra đi lần lượt của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Hai ông không chỉ là ủy viên Bộ Chính trị - nhóm quyền lực nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam - mà còn nằm trong "Tứ Trụ".

Sau khi ông Vương Đình Huệ "xin thôi" và được "Đảng đồng ý", nhiều nhà quan sát, trong đó có Giáo sư Zachary Abuza từ trường National War College, Đại học National Defense (Mỹ), nhận định với BBC rằng, dựa vào những diễn biến nhân sự thượng tầng gần đây, từ giờ cho đến Đại hội 14 sẽ còn nhiều "cạnh tranh và đấu đá nội bộ" nữa.

Hiện Việt Nam đang thiếu hai "chân" trong "Tứ Trụ" và những ủy viên Bộ Chính trị hiện tại chỉ có bốn người hội đủ tiêu chuẩn để vào "Tứ Trụ" và những người này đều đã trên 65 tuổi.

Những người còn lại, rất nhiều người sẽ hơn 65 tuổi vào năm 2026 – thời điểm diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 14. Điều này đặt ra thách thức lớn cho Tiểu ban Nhân sự Đại hội 14 - nhóm phụ trách cơ cấu nhân sự cho khóa 14.


Chụp lại video, BÀ TRƯƠNG THỊ MAI THAY ÔNG VƯƠNG ĐÌNH HUỆ?

Người cầm trịch Tiểu ban Nhân sự Đại hội 12, 13, 14

Tại Hội nghị lần thứ 8 (tháng 10/2023), Ban Chấp hành Trung ương Đảng 13 đã quyết định thành lập 5 tiểu ban chuẩn bị Đại hội 14 của Đảng gồm: Tiểu ban Văn kiện, Tiểu ban Nhân sự, Tiểu ban Kinh tế - Xã hội, Tiểu ban Điều lệ Đảng và Tiểu ban Tổ chức phục vụ Đại hội.

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các kỳ đại hội Đảng thường có nhiều nội dung, nhưng có hai vấn đề quan trọng nhất là văn kiện và công tác nhân sự. Ông Trọng là người đứng đầu cả hai tiểu ban này cho Đại hội Đảng 14.

Ông cũng là người chủ trì cả hai tiểu ban nhân sự và văn kiện của hai khóa trước, tức Đại hội 12 và 13.

Ông Vương Đình Huệ và ông Võ Văn Thưởng đều là ủy viên của cả hai tiểu ban nói trên.

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp khách mời từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas, Singapore), nói với BBC ngày 6/5 rằng, ông Thưởng và ông Huệ đã “làm đơn xin nghỉ”, nên tới đây, hai người được bầu làm chủ tịch quốc hội và chủ tịch nước, sẽ được bổ sung vào tiểu ban nhân sự này.

Theo diễn giải của Đảng, Tiểu ban Nhân sự Đại hội 14 có nhiệm vụ xây dựng phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương; kế hoạch giới thiệu nhân sự Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng - ở đây là vị trí "Tứ Trụ".

Có thể hiểu, Tiểu ban Nhân sự có trách nhiệm giới thiệu, kiểm tra, chốt hạ - nôm na là thống nhất trước khi trình ra tập thể đại hội, cả nhân sự cấp chiến lược gồm Tứ trụ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trưởng các ban đảng, trưởng bộ ngành, bí thư 63 tỉnh, thành....


Chụp lại video, ÔNG VƯƠNG ĐÌNH HUỆ MẤT CHỨC: CHIẾN DỊCH ‘ĐỐT LÒ’ CỦA ÔNG TRỌNG THẤT BẠI?

Một nhà quan sát chính trị Việt Nam chia sẻ với BBC với điều kiện ẩn danh là Tiểu ban Nhân sự quyết định quy trình lựa chọn cán bộ chiến lược trước mỗi kỳ đại hội, để đảm bảo tính kế thừa và ổn định của bộ máy nhân sự cấp cao, đặc biệt là Bộ Chính trị và Trung ương Đảng.

“Tiểu ban Nhân sự quyết định cơ cấu, số lượng, tiêu chuẩn của các vị trí chủ chốt, nên về cơ bản, Tiểu ban Nhân sự là cửa soát vé quan trọng nhất của Trung ương về vấn đề nhân sự trước đại hội,” người này nói.

Theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người đứng đầu tiểu ban này, trách nhiệm của ông là điều phối công việc của tiểu ban, tiểu ban làm việc theo nguyên tắc tập thể.

"Ông Trọng có thể giới thiệu nhân sự tổng bí thư, nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư… và các ủy viên khác của tiểu ban cũng có quyền giới thiệu, lựa chọn và tất cả cùng đánh giá.

"Cuối cùng, Tiểu ban Nhân sự sẽ lên một danh sách nhân sự gồm các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ủy viên Trung ương và các chức danh chủ chốt của Đảng và Nhà nước cho khóa 14. Quyết định về nhân sự là quyết định tập thể," ông Hợp nói với BBC.

Cũng cần lưu ý rằng, phương án nhân sự các chức vụ tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng được xếp vào dạng "Tuyệt mật".

Ngày 13/3/2024, một tuần trước khi Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng xin thôi chức, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội 14 của Đảng.

Ông Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh Đại hội 14 của Đảng là một sự kiện chính trị rất quan trọng và công tác cán bộ nói chung lẫn công tác nhân sự đại hội nói riêng có ý nghĩa "đặc biệt quan trọng".

Cũng tại buổi họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết: "Gần như đi đến đâu, ở chỗ nào, cũng thấy cán bộ, đảng viên và nhân dân tỏ ra quan tâm theo dõi và có phần băn khoăn, lo lắng, đặt câu hỏi: Đảng sắp tới dự định lựa chọn, bố trí đội ngũ cán bộ lãnh đạo, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là cán bộ chủ chốt thế nào để đủ sức gánh vác nhiệm vụ cách mạng to lớn mà lịch sử giao phó?".

Như vậy có thể thấy, tầm quan trọng của Tiểu ban Nhân sự mà ông Trọng là người đứng đầu và mức độ quan tâm đối với nhân sự Đảng khóa 14 phủ sóng không chỉ đối với các cán bộ, đảng viên mà kể cả người dân.


Chụp lại hình ảnh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (ngoài cùng bên trái) và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng (ngoài cùng bên phải) là hai nhân vật trong "Tứ Trụ" bị mất chức trong khóa 13

Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc diễn ra ngày 23/4/2020, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi đó kiêm nhiệm vị trí chủ tịch nước và là Trưởng Tiểu ban nhân sự Đại hội 13 đã phát biểu rằng:

"Đúng người thì nhân dân được nhờ, Cách mạng được nhờ và đất nước phát triển. Còn chọn sai người thì không biết sẽ sao."

Công tác nhân sự luôn được ông Trọng nhấn mạnh là nhiệm vụ “then chốt của then chốt” và "liên quan đến vận mệnh của Đảng và tiền đồ phát triển của đất nước".

Thế nhưng, tính tới nay, nhân sự Đảng cả hai khóa 12, 13 đã có tổng cộng tám ủy viên Bộ Chính trị bị "xử lý", nhiều ủy viên Trung ương Đảng phải đi tù.


Chụp lại hình ảnh, Danh sách các ủy viên Trung ương Đảng bị mất chức trong khóa 13 tính đến nay

Công tác nhân sự Đảng 'thất bại'?

Dù Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dùng ngôn ngữ mạnh mẽ để nói rõ tầm quan trọng của công tác nhân sự nhưng cho đến nay, một số chuyên gia cho rằng, công tác nhân sự khóa 13 do ông Trọng dẫn dắt đã "thất bại".

Vào giữa tháng 3, trong buổi họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội 14, vị tổng bí thư cho biết chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ khóa 13 (tới thời điểm phát ngôn), Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã phải thi hành kỷ luật "gần 100 cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý".

Báo chí Việt Nam dẫn lời ông Trọng rằng: "Tình hình trên cho thấy nhiệm vụ của toàn Đảng sắp tới là rất nặng nề."

Sau khi ông Thưởng và ông Huệ xin thôi chức, Bộ Chính trị khóa 13 từ con số 18 người đầu khóa hiện chỉ còn 13 người.

Giáo sư Carl Thayer, nhà quan sát chính trị Việt Nam lâu năm nhận định với BBC rằng hiện ông Nguyễn Phú Trọng đang có vấn đề về sức khỏe. Do đó, chuyện kế vị ông hẳn là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng.

Với tình trạng sức khỏe hiện nay, cùng với vấn đề tuổi tác, ông Trọng đã không thể chọn được người kế vị do tranh chấp giữa các phe phái.

Theo tính toán, những ủy viên Bộ Chính trị còn lại, rất nhiều người sẽ quá 65 tuổi vào năm 2026 – thời điểm diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 14.

GS Carl Thayer đã đặt ra hàng loạt câu hỏi khi ông đề cập tới sự thất bại của công tác xây dựng Đảng:

“Tại sao các chỗ trống trong Bộ Chính trị vẫn chưa được lấp đầy? Tại sao ông Trọng đã làm tới ba nhiệm kỳ? Tại sao lại có nhiều thành viên trong Bộ Chính trị sẽ trên 65 tuổi vào năm 2026 đến vậy?"

“Có thể thấy công tác nhân sự rất yếu kém," GS Thayer bình luận.

GS Carl Thayer cho hay, vào tháng 11 năm ngoái, khi đi công tác tại Việt Nam, ông được cho biết Việt Nam sẽ thay đổi Điều lệ Đảng và nâng độ tuổi tham gia Bộ Chính trị lên 70 hoặc 71 tuổi.

“Vậy là sẽ có những người già hơn. Đây là sự quản lý yếu kém. Và đây không phải là cách để một đất nước phát triển,” GS Carl Thayer nói với BBC News Tiếng Việt.

Giáo sư Thayer cũng đặt ra vấn đề trách nhiệm đối với người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam: "Tôi đã làm việc với quân đội từ xưa đến nay. Khi có chuyện tồi tệ như thế, phải khẳng định rằng người chỉ huy phải chịu trách nhiệm."


Chụp lại hình ảnh, Ông Nguyễn Thanh Long và ông Chu Ngọc Anh nằm trong số nhiều ủy viên Trung ương Đảng khóa 13 bị xử lý hình sự

Bên cạnh các ủy viên Bộ Chính trị, hàng loạt ủy viên Trung ương Đảng khóa 13 cũng bị kỷ luật, thậm chí có nhiều người vướng vào lao lý gồm: Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long (18 năm tù) và Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh (3 năm tù) liên quan đến test kit Việt Á; Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan bị khởi tố liên quan đến vụ án tại Tập đoàn Phúc Sơn; Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái bị khởi tố vì liên quan đến vụ án tại Tập đoàn Thuận An; Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận bị bắt, khởi tố vì liên quan tới Dự án Đại Ninh...

Không chỉ có khóa 13, trong nhiệm kỳ Đại hội khóa 12, hơn 110 cán bộ diện Trung ương quản lý đã bị kỷ luật, trong đó có 27 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương và bốn ủy viên, nguyên ủy viên Bộ Chính trị.

Bốn ủy viên Bộ Chính trị bị kỷ luật gồm: ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng Ban kinh tế Trung ương, ông Hoàng Trung Hải - Bí thư Thành ủy Hà Nội và ông Đinh La Thăng - Bí thư Thành ủy TP HCM. Riêng ông Đinh La Thăng là đương kim ủy viên Bộ Chính trị đầu tiên và duy nhất cho tới nay vướng vào lao lý trong chiến dịch "đốt lò", với mức án tổng cộng 30 năm tù.

Ông Lê Thanh Hải là cựu ủy viên Bộ Chính trị khóa 10, 11 cũng bị Trung ương khóa 12 kỷ luật.

Các ủy viên Trung ương Đảng khóa 12 bị xử lý hình sự, lãnh án tù còn có Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung (8 năm tù); cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn (6 năm tù) và người tiền nhiệm của ông ta là Nguyễn Bắc Son (16 năm tù); Phó Bí thư Thành ủy TP HCM Tất Thành Cang (6 năm tù)...


Chụp lại hình ảnh, Sáu ủy viên, cựu ủy viên Trung ương Đảng, ủy viên Bộ Chính trị bị xử hình sự (từ trái qua): Tất Thành Cang, Đinh La Thăng, Vũ Huy Hoàng, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Nguyễn Đức Chung

Như vậy có thể thấy cả hai khóa 12, 13 đều có những đảng viên, quan chức cấp cao bị xử lý về mặt Đảng lẫn chịu trách nhiệm hình sự, dù trước đó, công tác nhân sự Đại hội 12, 13 được cho là "thành công", được Đảng "chuẩn bị kỹ lưỡng", "hết sức công phu từ dưới cơ sở lên".

Với thực tế hai khóa 12, 13, câu hỏi về công tác nhân sự khóa 14, đặc biệt là vai trò của Tiểu ban nhân sự do ông Nguyễn Phú Trọng đứng đầu, đã được đặt ra.

Tiến sĩ Hợp nói rằng Bộ Chính trị, Ban Bí thư luôn nói công việc của Tiểu ban Nhân sự là "có hiệu quả, khi lựa chọn nhân sự, thì các nhân sự cụ thể là những người có đầy đủ tiêu chuẩn, phẩm chất, tài năng, kinh nghiệm; còn về sau họ bị kỷ luật là do khuyết điểm phát sinh trong khi làm việc, hoặc có khuyết điểm từ trước nhưng khi được chọn, thì chưa phát hiện ra".

"Chắc chắn lần này, Tiểu ban Nhân sự Đại hội 14 sẽ thận trọng hơn, khách quan hơn, làm việc kỹ lưỡng hơn để chọn được nhân sự sao cho thời gian sau này, hy vọng nhân sự được chọn không mắc khuyết điểm, sai lầm để rồi bị kỷ luật," ông Hợp nêu ý kiến.

Tuy nhiên, thực tế có quá nhiều người quá tuổi theo quy định cùng với việc hàng loạt ủy viên Trung ương Đảng bị cho “thôi chức”, chịu các hình thức kỷ luật của Đảng và nhà nước, thậm chí bị xử lý hình sự, tiếp tục đặt ra câu hỏi lớn về quy trình lựa chọn nhân sự “khép kín” của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Chia sẻ với BBC Tiếng Việt, một số nhà quan sát đánh giá rằng công tác nhân sự của Đảng Cộng sản Việt Nam "sai từ quy trình", hay nói đúng hơn là nằm trong "lỗi hệ thống".

🔝

Kênh Phù Nam Techo: Việt Nam 'rất quan tâm', Campuchia tuyên bố đanh thép

7 tháng 5 2024, 12:19 +07 - BBC


BBC/Getty Images
Trong hai tuyên bố vào ngày 11/4 và 5/5, Việt Nam đều nói "rất quan tâm" đến siêu dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia

Liên tiếp đưa ra những phát ngôn quyết liệt, cựu Thủ tướng Hun Sen và Thủ tướng Hun Manet khẳng định Campuchia sẽ thực hiện dự án Phù Nam Techo vào quý 4 năm nay.

Hai nhà lãnh đạo Campuchia nhấn mạnh con kênh chỉ thuần túy mang lợi ích kinh tế cho 1,6 triệu người dân địa phương sống ven kênh, bác bỏ những tác động tiêu cực có thể có đối với Đồng bằng sông Cửu Long, vùng hạ lưu cuối cùng của sông Mekong.

Tuy nhiên, không rõ lý do gì mà những thông tin chi tiết về dự án vẫn "vắng bóng", ngoài 14 trang tài liệu ngắn gọn mà Campuchia đã gửi cho Ủy hội sông Mekong từ tháng 8/2023 cho đến nay.

Trong hai tuyên bố gần đây, Việt Nam đều nói "rất quan tâm" đến siêu dự án của Campuchia.

"Chúng tôi mong rằng Campuchia tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và các nước trong Ủy hội sông Mekong chia sẻ thông tin, đánh giá đầy đủ tác động của dự án này đối với nguồn nước, tài nguyên nước và môi trường sinh thái của khu vực tiểu vùng sông Mekong cùng các biện pháp quản lý phù hợp nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của các quốc gia ven sông, quản lý, sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn nước và tài nguyên nước sông Mekong, vì sự phát triển bền vững của lưu vực, tình đoàn kết gắn bó giữa các quốc gia ven sông và tương lai của các thế hệ mai sau," người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nói hôm Chủ nhật ngày 5/5.

Lần đầu tiên Bộ Ngoại giao Việt Nam chính thức lên tiếng về dự án này là vào tháng 4.

Ông Đoàn Khắc Việt, phó phát ngôn Bộ Ngoại giao, vào ngày 11/4 cho biết Việt Nam “đã đề nghị phía Campuchia phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và Ủy hội sông Mekong quốc tế trong việc chia sẻ thông tin và đánh giá tác động của công trình này đối với tài nguyên nước và môi trường sinh thái của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long”.

Sáng ngày thứ Ba 6/5, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã tiếp Phó Thủ tướng Campuchia Neth Savoeun tại Hà Nội.

Ông Neth Savoeun đến Việt Nam trong khuôn khổ chuyến đi dự Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Không rõ nội dung kênh đào Phù Nam Techo có được đề cập trong cuộc gặp này hay không.

Ủy hội sông Mekong nói gì?

Ông Sophearin Chea, trưởng bộ phận quy hoạch lưu vực sông Mekong của Ủy hội sông Mekong (MRC), vào ngày 5/5 cho BBC News Tiếng Việt biết MRC đã liên lạc với Campuchia và đang chờ được cung cấp thêm thông tin.

Các thông tin mà phía MRC yêu cầu Campuchia cung cấp thêm bao gồm nghiên cứu khả thi dự án, báo cáo tác động môi trường.

Tuy nhiên, theo MRC, không rõ thời hạn để Campuchia gửi là khi nào.

"Đây là những tài liệu quan trọng mà chúng tôi muốn có được từ phía Campuchia. Chúng tôi cũng có liên lạc với Bộ Giao thông Công chánh Campuchia theo đầu mối liên lạc được nêu trong tài liệu thông báo và được thông báo rằng họ đang làm việc nội bộ về bản báo cáo này để gửi lại cho chúng tôi. Nhưng không đưa ra thời hạn cụ thể."

"Campuchia cho biết đang có cải tổ nhân sự bên trong Bộ Giao thông Công chánh. Đó là lý do tại sao phải mất thêm thời gian để tài liệu này được gửi lại cho chúng tôi."

"Họ cũng không cho chúng tôi thời gian cụ thể khi nào sẽ gửi. Nhưng chúng tôi đang tiếp tục liên lạc với họ," ông Sophearin Chea cho biết.

BBC News Tiếng Việt đã email đến Bộ Giao thông Công chánh Campuchia vào ngày 8/3, nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi.

Ngày 8/8/2023, Campuchia đã gửi thông báo cho MRC về dự án đường thủy nội địa Phù Nam Techo.

Theo đó, Ủy ban sông Mekong của Campuchia chỉ mới gửi cho Ủy hội vùng sông Mekong quốc tế tài liệu gồm 14 trang, trong đó chỉ có 12 trang nói về dự án, 2 trang đầu là thư.

Trong 12 trang này, có nội dung nói đây là dự án là giao thông thủy nội địa, không đề cập vấn đề canh tác nông nghiệp, hay cấp nước sinh hoạt, không cung cấp đầy đủ thông số vận hành của con kênh. Do đó, một số chuyên gia trả lời BBC rằng rất khó dùng tài liệu này để đánh giá đầy đủ tác động dự án.

Nhận xét về tài liệu này, ông Sophearin cho biết:

"Thông tin không đầy đủ để chúng tôi đưa ra thẩm định chuẩn. Tôi nghĩ tài liệu đánh giá khả thi là một trong những báo cáo chính mà chúng tôi cần có để xem xét."

"Trong 14 trang tài liệu của thông báo, chỉ có các phân tích rất sơ lược về đánh giá tác động môi trường, nhưng thông tin rất ngắn. Ví dụ, trong mục 10.3, Campuchia đề cập đến tác động của nguồn nước hiện có, với kết luận là không có tác động quan trọng nào."

Ra đời năm 2003, Thủ tục Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận (PNPCA) là một trong 5 bộ quy tắc mang tính thủ tục của Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC).

"Tôi không nghĩ là chúng tôi có quyền ngăn chặn một dự án, bởi vì Thủ tục Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận (PNPCA) là nhằm để tránh, giảm thiểu tác động của dự án được đề xuất, và về hợp tác (chia sẻ thông tin và đối thoại), không phải về chuyện phủ quyết."

"Và tôi nghĩ là điều này cũng giống với các tổ chức sông ngòi quốc tế trên thế giới. Thật sự không chỉ có mình chúng tôi như vậy," ông Sophearin Chea nói thêm.

Ý kiến khác nhau giữa các nhà khoa học Việt Nam

Sông Bassac là một phân nhánh của sông Mekong chảy qua địa phận Campuchia.

Từ thủ đô Phnom Penh chảy xuống Việt Nam, sông Mekong tách thành hai nhánh là Bassac River (sông Hậu) và Trans-Bassac River (sông Tiền) rồi chảy vào Việt Nam.

Trình bày nhanh về dự án Phù Nam Techo trong cuộc họp tham vấn chuyên gia của Việt Nam vào ngày 23/4, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Giảng viên trường Đại học Cần Thơ, đưa ra ước tính rằng vào mùa khô, sau khi có kênh Phù Nam Techo, nếu toàn bộ vùng đất trồng lúa ở các tỉnh mà con kênh đi qua đều được tưới, thì có thể sẽ có thời điểm "nước trên sông Tiền và sông Hậu, hai phân lưu của sông Mekong, về đến Đồng bằng sông Cửu Long giảm hơn 50%".

Ông nhấn mạnh con số 50% được ước tính vào thời điểm bất lợi nhất cho vận hành tưới lúa.

"Những năm khô hạn như 2016 hay 2024, sự thiếu hụt sẽ tăng trầm trọng hơn. Đây là điều đáng suy nghĩ cho tương lai dòng chảy trên sông Hậu mùa khô, chứ không thể xem là không đáng kể. Chắc chắn là với mực suy giảm theo ước tính như thế này thì khả năng xâm nhập mặn sâu hơn, có thể ảnh hưởng trên một nửa diện tích canh tác vùng châu thổ trong tương lai vào mùa khô và trong các giai đoạn triều cường."

Trong báo cáo, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cũng lưu ý các đánh giá hiện tại được đưa ra chỉ mang tính định hướng nhiều hơn định lượng, với lý do sau:

"Các số liệu cung cấp còn rất hạn chế và thông tin còn mơ hồ, hồ sơ không có báo cáo dự kiến quy trình vận hành hệ thống kinh, trong khi có những bản vẽ kỹ thuật chi tiết không cần thiết so với các thông tin căn bản về nguồn nước, không có báo cáo đánh giá tác động môi trường, báo cáo gởi cho MRC chỉ đề cập đến chức năng kinh như một thủy lộ hay kinh giao thông thủy, không có những khẳng định chức năng khác của con kinh có phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp, lấy nước cho sinh hoạt và cung ứng cho hoạt động sản xuất công nghiệp hay không và ở mức độ khai thác như thế nào[...]".

Trong khi đó, trong bài viết Kênh đào Funan Techo Campuchia và bài học hợp tác khai thác sông Mê Kông đăng trên báo Nông nghiệp Việt Nam ngày 25/4, Tiến sĩ Tô Văn Trường, cựu Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, nêu:

"Theo tính toán thủy lực và kinh nghiệm của tôi về lưu vực sông Mê Kông, thông qua tìm hiểu địa hình, các khu vực canh tác phía Tây Nam của Campuchia, thì diện tích có thể lấy nước tưới từ tuyến kênh Funan đạt khoảng 60.000 đến 80.000 ha, tương đương với lưu lượng tưới gia tăng ước khoảng 50 - 70 m3/s.

Vì thế, đối chiếu với lượng dòng chảy của sông Mê Kông, những người có chuyên môn về thủy văn và thủy lực nghe thông tin bình luận đào kênh Funan Techo sẽ lấy mất khoảng 50% lượng nước của sông Mekong về phía Việt Nam và đảo lộn hệ sinh thái miền Tây là hoàn toàn 'võ đoán'."

Tuy nhiên, cả Tiến sĩ Lê Anh Tuấn và Tiến sĩ Tô Văn Trường đều có những quan điểm chung, đó là cần phải có đánh giá tác động đầy đủ, thành lập nhóm nghiên cứu chung giữa Ủy hội sông Mekong (MRC), Việt Nam và Campuchia.

Các nhà khoa học về sông Mekong mà BBC News Tiếng Việt trao đổi thời gian qua đều nhận định khả năng kênh đào Phù Nam không chỉ thuần túy phục vụ mục đích giao thông thủy mà còn để tưới tiêu.

Một thông tin đáng chú trên Khmer Times hôm 29/4 có nội dung kênh đào Phù Nam sẽ mang lại 4 lợi ích chính, trong đó bao gồm "cải thiện hệ thống thủy lợi".

GS Chung Hoàng Chương, một nhà nghiên cứu độc lập về sông Mekong và đang tham gia cùng với Viện nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ, nêu quan ngại của ông với BBC News Tiếng Việt hôm 22/4:

"Theo tính toán của tôi, khi vận hành kênh Phù Nam Techo, sông Hậu sẽ ít nước hơn. Có hai tình huống mà tôi đương lo.

Một tình huống là [kênh] dùng để vận chuyển, thì phải có nước đều đặn hàng ngày để tàu đi. Thì có những âu tàu (cổng khóa nước) để đưa nước lên, nước xuống. Nếu như con kênh này dùng để tưới tiêu, thì nguồn nước sẽ bị suy giảm rất nhiều, tùy theo cánh đồng, thửa ruộng mà họ sẽ khai thác.

Nếu họ xây thêm hồ chứa, thì lấy thêm nước của sông Hậu. Lúc đó những hoạt động trên sông như làng cá bè sẽ bị ảnh hưởng thế nào. Hiện tại thì chưa biết."

Campuchia cứng rắn


BBC/Getty Images
Liên tục đưa ra những phát ngôn đanh thép gần đây, cựu Thủ tướng Campuchia Hun Sen và Thủ tướng Hun Manet khẳng định Campuchia sẽ thực hiện dự án Phù Nam Techo vào quý 4 năm nay.

Trong thời gian gần đây, Chủ tịch Thượng viện Hun Sen và Thủ tướng Hun Manet liên tiếp đưa ra những tuyên bố đanh thép.

Một bài báo trên Khmer Times hôm 29/4 có nội dung ông Hun Sen yêu cầu chính phủ Việt Nam tôn trọng lợi ích quốc gia và nhân dân Campuchia khi con kênh đào này hoàn thành.

Ông Hun Sen cũng nói Campuchia "không thấp kém hơn" Việt Nam và cho biết sẽ cứng rắn trong việc thương lượng với các bên khác về việc làm kênh đào Phù Nam Techo.

“Campuchia không thấp kém hơn Việt Nam… Hun Sen chưa bao giờ quyết định sai trong 47 năm qua. Campuchia không hạ mình để cho phép binh sĩ Trung Quốc sử dụng lãnh thổ của mình và Campuchia biết cách bảo vệ lợi ích của mình. Việt Nam không cần phải quan tâm," ông Hun Sen tuyên bố.

“Tôi sẽ không nhượng bộ trong vấn đề này và tôi muốn chân thành nhấn mạnh không cần thiết phải thương lượng. Đừng cố gắng buộc Campuchia ngồi vào bàn đàm phán.”

Thủ tướng Hun Manet ngày 28/4 tuyên bố, theo Hiệp định sông Mekong 1995, Campuchia không cần có sự chấp thuận từ quốc gia nào.

“Các quốc gia khác đang tiến hành các dự án kênh đào tương tự, xây đập, và phát triển đập thủy điện. Campuchia không phải là một ngoại lệ. Phải thực hiện kênh đào này vì lợi ích kinh tế-xã hội của Campuchia”.

Từ trước đến nay, hàng hóa trong nội địa Campuchia được tập kết tại cảng Phnom Penh, sau đó xuôi theo dòng Mekong để đến các cảng biển khu vực TP HCM và Cái Mép-Thị Vải (tỉnh Bà Rịa–Vũng Tàu), trước khi đi tới các điểm đến trên thế giới..

Giới quan sát cho rằng kênh đào Phù Nam Techo khi xây dựng xong sẽ thiết lập tuyến kết nối giữa cảng Phnom Penh và Sihanoukville, giúp nhiều hàng hóa di chuyển qua các cảng ở Campuchia hơn là thông qua Việt Nam như hiện nay. Việt Nam sẽ mất đi nguồn lợi từ việc quá cảnh của hàng hóa Campuchia.

Vào ngày 26/4, ông Hun Sen nêu rõ: “Chúng ta không cần phải trả thêm phí như đã trả cho Việt Nam. Trong quá khứ, chúng ta bị buộc phải sử dụng các cảng của Việt Nam cho bất kỳ loại hàng hóa nào phải quá cảnh quốc tế và phải trả phí. Họ chỉ hỗ trợ khi phù hợp với họ, và điều đó không thuận lợi cho chúng ta. Vấn đề này còn xuất phát từ bối cảnh lịch sử từ thời cố Quốc vương Norodom Sihanouk. Quốc vương đã tìm cách xây dựng một cảng ở Sihanoukville, nhưng vấp phải những thách thức và bất đồng, khiến Campuchia rơi vào một tình huống khó khăn.”

Ngày 27/4, ông Hun Sen kêu gọi Campuchia và Việt Nam cùng tránh xung đột không đáng có và cân nhắc lợi ích chung của dự án này.

Campuchia kỳ vọng sẽ thu được 88 triệu USD từ phí vận chuyển mỗi năm nhờ dự án kênh đào Phù Nam Techo, con số đó sẽ tăng lên 570 triệu USD mỗi năm vào năm 2050.

Với Việt Nam, việc thất thu từ hoạt động quá cảnh hàng hóa của Campuchia chỉ là một phần. Phần còn lại, rất quan trọng, đó là Campuchia sẽ bớt phụ thuộc vào Việt Nam khi họ có con kênh Phù Nam Techo, mà như ông Hun Manet nói thì người Campuchia sẽ "thở bằng mũi của mình".

BBC-04-01
Getty Image

Quy mô kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia

Nguồn: Thông tấn xã Campuchia (APK)

🔝

Biển Đông: 'Trung Quốc âm mưu chia rẽ, Việt Nam và Philippines nên đoàn kết'

6.5.2024 - BBC News Tiếng Việt


Chụp lại hình ảnh, Các tàu cảnh sát biển Trung Quốc bám theo tàu Philippines trên Biển Đông

Philippines và Việt Nam nên củng cố hợp tác nhằm bảo vệ lợi ích chung trước những "hoạt động cưỡng ép" của Trung Quốc ở Biển Đông, tờ Inquirer của Philippines tường thuật lại nhận định của các học giả tại một viện nghiên cứu thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ.

Cả Philippines và Việt Nam đều có tranh chấp gay gắt với Bắc Kinh liên quan đến yêu sách chủ quyền ở Biển Đông.

Vào tháng 1/2024, trong chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên trong năm, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã đến Việt Nam và ký kết một thỏa thuận hợp tác an ninh hàng hải.

Tiến sĩ Lori Forman từ Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á - Thái Bình Dương Daniel K. Inouye (DKI APCSS, Mỹ) nói rằng sự hợp tác giữa Philippines và Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa.

"Cho dù tồn tại những khác biệt về ngôn ngữ và hệ thống chính trị, hai quốc gia có chung những lợi ích cốt lõi, tạo nền tảng vững chắc cho sự hợp tác," Inquirer trích lời bà Forman.

Giáo sư Alexander L Vuving từ DKI APCSS nhận xét Việt Nam và Philippines là hai quốc gia dễ bị tổn thương bởi chính sách "chia để trị" của Trung Quốc.

"Là những quốc gia nhỏ hơn, Philippines và Việt Nam nên hợp tác để giảm bớt sự chênh lệch quyền lực với Trung Quốc. Hai nước có thể chia sẻ kinh nghiệm và các cách thức hiệu quả nhất để chống lại hành động cưỡng ép," ông Vuving nói.

“Theo tôi nhận định thì cho đến nay, lợi ích của Trung Quốc là không có chiến tranh ở Biển Đông. Vì 40% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Trung Quốc đi qua con đường hàng hải trên Biển Đông. Hậu quả cuộc chiến tranh trên Biển Đông là khôn lường, không đơn thuần là xung đột Việt Nam với Trung Quốc hay Philippines với Trung Quốc. Đám lửa có thể bùng lên tới mức không ai kiểm soát được.”

“Do đó, chiến lược tốt nhất của Trung Quốc là ‘tằm ăn dâu’, tức là dần dần đẩy đuổi Việt Nam và Philippines… rồi biến thành điều gọi là ‘bình thường mới’, và dần dần ép các nước chấp nhận thực tế mới của Trung Quốc. Đây là chiến lược tương đối hữu hiệu của Trung Quốc.”

“Và trong chiến lược này, Trung Quốc đã sử dụng mọi lực lượng. Đi trên tuyến đầu là hải cảnh (cảnh sát biển), rồi dân quân biển, các loại tàu chấp pháp khác. Hải quân thì ở xa hơn, nằm ở các căn cứ.”

'Mưu đồ chia rẽ' từ Trung Quốc


Chụp lại hình ảnh, Va chạm giữa tàu Philippines và tàu cảnh sát biển Trung Quốc tại Bãi Cỏ Mây (Second Thomas) vào đầu tháng 3/2024

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro và Cố vấn An ninh Quốc gia Eduardo Ano vào hôm 5/5 đã lên tiếng bác bỏ tuyên bố từ Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila về "mô hình mới" nhằm quản lý tình hình Bãi Cỏ Mây (Second Thomas).

Cả hai khẳng định đây là "mưu đồ chia rẽ Philippines" và để lôi kéo sự quan tâm của công chúng khỏi hành động khiêu khích mới nhất mà Bắc Kinh nhằm vào các tàu Philippines.

Trước đó, vào ngày 18/4, một người phát ngôn tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Manila cho biết hai bên đã thống nhất về một "mô hình mới" để quản lý căng thẳng tại Bãi Cỏ Mây vào đầu năm 2024, nhưng không cung cấp thêm chi tiết.

Phía Philippines vào cuối tháng 4/2024 đã bác bỏ tuyên bố của Đại sứ quán Trung Quốc, theo Reuters.

Ông Teodoro khẳng định Bộ Quốc phòng Philippines "không biết và cũng không tham gia vào bất kỳ thỏa thuận nội bộ nào với Trung Quốc" đồng thời nhấn mạnh quan chức bộ này không trao đổi với bất kỳ quan chức Trung Quốc nào kể từ năm 2023.

"Bất kỳ sự ám chỉ nào cho rằng Bộ Quốc phòng Philippines tham gia vào 'mô hình mới' là một mưu đồ quỷ quyệt của Trung Quốc thông qua đại sứ quán của họ tại Manila," Inquirer dẫn tuyên bố của vị bộ trưởng quốc phòng.

Ông Eduardo Ano khẳng định ông "chưa nói chuyện trực tiếp hay gián tiếp với bất kỳ quan chức nào của Đại sứ quán Trung Quốc về bất kỳ vấn đề nào" ngoài việc thảo luận về các hoạt động tiếp tế hợp pháp của Philippines ở Bãi Cỏ Mây.

Bộ Ngoại giao Philippines đã lên án việc Trung Quốc lan truyền "thông tin sai lệch và những lời bóng gió" nhằm vào các quan chức Philippines, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh ngừng hành động này và quay trở lại đối thoại về Biển Đông.

Bộ Ngoại giao Philippines cho biết những hành động của Trung Quốc "tạo ra sự hoang mang trong công chúng Philippines và đánh lạc hướng sự chú ý khỏi các vấn đề thực sự do các tuyên bố vô căn cứ cũng như các hành động bất hợp pháp và hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông, vi phạm chủ quyền và quyền tài phán của Philippines."

"Đây là một hành động thao túng tinh vi," Inquire dẫn lời Ngoại trưởng Enrique Manalo.

Động thái gần đây của Trung Quốc


Chụp lại hình ảnh, Ngư dân tiếp cận tàu để nhận viện trợ từ Tuần duyên Philippines

Hôm 30/4, phóng viên BBC đã có mặt trên con tàu BRP Bagacay của Tuần duyên Philippines khi tàu này bị các tàu của Trung Quốc áp sát.

Trong lúc tàu BRP Bagacay đang tiến về bãi cạn Scarborough, một đảo san hô nhỏ cách bờ biển Philippines 220 km về phía tây mà Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền, thì bị đội tàu cảnh sát biển Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công.

Một con tàu khác trong đoàn tàu chở hàng tiếp tế cho ngư dân Philippines cũng bị hư hỏng nặng sau khi hứng chịu 10 trận phun nước trực tiếp từ vòi rồng.

Những cuộc chạm trán này đã trở nên thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn kể từ khi Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. ủy quyền cho lực lượng tuần duyên thách thức sự hiện diện của Trung Quốc tại các khu vực tranh chấp một cách mạnh mẽ hơn nhiều so với trước đây.

Ngày 7/4, Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam bộ của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã tổ chức một cuộc tuần tra trên biển và trên không tại Biển Đông, cùng ngày mà Mỹ, Philippines, Nhật Bản và Úc diễn tập "hoạt động phối hợp trên biển" cũng tại khu vực này.

Trước đó không lâu, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn tại tỉnh Quảng Tây vào hôm 4/4.

Tại đây, ông Vương Nghị đã kêu gọi phía Việt Nam quản lý đúng đắn những khác biệt, thúc đẩy hợp tác hàng hải và tham vấn về Bộ quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông để giải quyết xung đột.

Đồng thời ngoại trưởng Trung Quốc cảnh báo người đồng cấp rằng Việt Nam phải cảnh giác để không tham gia vào các "bè phái" nhằm phá hoại hòa bình và ổn định trong khu vực.

Lời ông Vương Nghị được đưa ra trong bối cảnh Việt Nam và Philippines vừa có thỏa thuận hợp tác giữa lực lượng cảnh sát biển hai nước, cũng như có “giao thiệp” và hợp tác với các cường quốc khác về các vấn đề liên quan đến Biển Đông.

Trong những năm qua, Bắc Kinh đã triển khai hàng trăm tàu cảnh sát biển trên khắp Biển Đông để tuần tra những nơi họ tuyên bố chủ quyền, bất chấp Tòa án Trọng tài Thường trực năm 2016 đã khẳng định rõ ràng rằng yêu sách của Trung Quốc không có cơ sở theo luật pháp quốc tế.

🔝

Siêu dự án Đại Ninh hơn 25.000 tỷ đồng là gì mà khiến nhiều 'quan to vào lò'?

6.5.2024 - BBC News Tiếng Việt


Chụp lại hình ảnh, Từ trái sang: Cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận.

Siêu dự án Đại Ninh tại địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã khiến nhiều lãnh đạo, quan chức rơi vào vòng lao lý, với trường hợp mới nhất là ông Mai Tiến Dũng - cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Lại thêm một sự kiện chấn động chính trường và xã hội Việt Nam.

Ông Mai Tiến Dũng, cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Việt Nam, bị Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố bị can, bắt tạm giam vào hôm 30/4.

Thông tin do người phát ngôn Bộ Công an là Trung tướng Tô Ân Xô thông báo hôm 4/5 ngay lập tức trở thành tâm điểm của dư luận.

Theo ông Tô Ân Xô, cựu Bộ trưởng Mai Tiến Dũng bị khởi tố liên quan đến vụ án “Đưa và nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại tỉnh Lâm Đồng và một số địa phương liên quan.

Đây chính là vụ án liên quan đến dự án của Công ty Sài Gòn-Đại Ninh.

Đến nay, đã gần 14 năm sau ngày khởi công, dự án Đại Ninh vẫn chỉ là một vùng đất bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Xung quanh khu vực đã được người dân dùng để thả bò, phơi nông sản.


Chụp lại hình ảnh, Ông Mai Tiến Dũng bị khởi tố về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" được quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự

Đại dự án Đại Ninh

Dự án có tên đầy đủ là Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh, có diện tích lên đến gần 3.600 ha, với tổng vốn đầu tư là 25.243 tỷ đồng.

Địa điểm thực hiện dự án trải rộng trên địa bàn 4 xã Phú Hội, Ninh Gia, Tà Hine và Ninh Loan của huyện Đức Trọng.

Cuối năm 2010, UBND tỉnh Lâm Đồng đã cấp giấy chứng nhận cho Công ty Sài Gòn-Đại Ninh để tiến hành xây dựng khu đô thị này.

Khu đô thị Đại Ninh là dự án duy nhất của Công ty Sài Gòn-Đại Ninh.

Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật của công ty này khi đó là bà Phan Thị Hoa.

Sài Gòn-Đại Ninh được thành lập vào năm 2010 với vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Bảy năm sau, con số này được nâng lên mức 2.000 tỷ đồng.

Năm 2021, Sài Gòn-Đại Ninh cho biết công ty đã đầu tư vào dự án đô thị này 2.000 tỷ đồng.

Công ty cũng đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng cho phép điều chỉnh tổng vốn đầu tư dự án lên hơn 30.200 tỷ đồng do chi phí tăng.

Tháng 6/2020, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Kết luận số 929 về kết quả thanh tra việc quản lý, sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Kết luận có đề xuất chấm dứt hoạt động và thu hồi đất dự án của Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch Sài Gòn-Đại Ninh.

Tuy nhiên, đến tháng 7/2021, Thanh tra Chính phủ đã có thông báo sửa đổi một số nội dung trong Kết luận số 929.

Theo đó, thay vì đề xuất chấm dứt hoạt động và thu hồi đất, Thanh tra Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng “căn cứ thẩm quyền, hướng dẫn công ty thực hiện thủ tục giãn tiến độ, điều chỉnh dự án theo Luật Đầu tư năm 2014, gia hạn sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 2013, yêu cầu hoàn thành dự án theo đúng cam kết, khẩn trương triển khai đầu tư theo quy mô đã được duyệt..."

Đáng chú ý, giữa giai đoạn này, cụ thể vào khoảng cuối 2020 - đầu 2021, ông Nguyễn Cao Trí đã trả 1.530 tỷ đồng để mua lại 51% vốn điều lệ Công ty Sài Gòn-Đại Ninh.

Vào tháng 1/2021, Công ty Sài Gòn-Đại Ninh đăng ký đổi người đại diện pháp luật từ bà Phan Thị Hoa sang ông Trí.

Tháng 9/2022, ông Trí nhờ em mình là Nguyễn Cao Đức đứng tên để mua 7% vốn điều lệ của cá nhân bà Hoa tại Sài Gòn-Đại Ninh với giá 700 tỷ đồng, qua đó nắm tổng cộng 58% vốn điều lệ công ty.

Sau khi nắm phần lớn vốn điều lệ Sài Gòn-Đại Ninh, ông Nguyễn Cao Trí đồng ý bán 100% vốn điều lệ doanh nghiệp này với giá 3.000 tỷ đồng cho bà Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Vào đầu năm 2022, UBND tỉnh Lâm Đồng đã đưa ra quyết định gia hạn thêm 24 tháng tiến độ triển khai cho dự án Khu đô thị Đại Ninh. Đồng thời, UBND tỉnh cũng yêu cầu chủ đầu tư dự án tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thi công.

Tháng 10/2023, UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu các cơ quan chức năng liên quan tập hợp đầy đủ hồ sơ pháp lý của dự án Khu đô thị Đại Ninh. Báo cáo tiến độ dự án không đề cập đến kế hoạch cụ thể về công tác đầu tư và xây dựng.

Theo cơ quan chức năng, trong giai đoạn từ tháng 6/2021 đến tháng 9/2023, đã xảy ra tổng cộng 24 vụ vi phạm tại dự án dự án Đại Ninh, bao gồm 4 vụ phá rừng với diện tích 3.522m2 và 20 vụ lấn chiếm đất rừng trái phép rộng 37.620m2.

Trong quá trình được tỉnh Lâm Đồng giao đất, giao rừng để thực hiện dự án, chủ đầu tư đã để mất trên 368 ha, trong đó bị phá mất 257 ha, và người dân lấn chiếm 111 ha.

Nhiều lãnh đạo ‘vào lò’


Chụp lại hình ảnh, Ông Trần Đức Quận (trái), Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng; và ông Trần Văn Hiệp, chủ tịch tỉnh Lâm Đồng, đã bị khởi tố liên quan vụ án Đại Ninh

Việc khởi tố, bắt giữ cựu Bộ trưởng Mai Tiến Dũng là diễn biến mới nhất của vụ án "Đưa hối lộ, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại tỉnh Lâm Đồng và một số địa phương liên quan.

Ông Dũng bị khởi tố về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" được quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự.

Vụ án này đã đưa nhiều quan chức vào vòng lao lý, trong đó có ông Trần Đức Quận, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng và ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng.

Đây được coi là một vụ án chấn động trong chiến dịch “đốt lò” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Vào ngày 2/1/2024, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, cho biết Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng.

Theo cơ quan điều tra, hành vi của ông Trần Văn Hiệp phạm vào tội "Nhận hối lộ".

Tiếp đó, vào ngày 24/1/2024, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Trần Đức Quận, khi đó là bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng.

Ông Trần Đức Quận bị điều tra về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Cơ quan điều tra xác định ông Trần Đức Quận đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định của pháp luật khi tham gia chỉ đạo giải quyết các công việc liên quan đến dự án Đại Ninh.

Hành vi của ông Quận bị cáo buộc gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Trước đó, vào ngày 15/1/2023, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt ông Nguyễn Cao Trí về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo khoản 4 Điều 175 Bộ luật Hình sự trong vụ án liên quan tới Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Vào tháng 4/2024, ông Trí đã lãnh án 8 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” khi được xác định đã chiếm đoạt của bà Trương Mỹ Lan 1.000 tỷ đồng.

Ở đây cần lưu ý là ông Trí bị bắt và bị kết án là trong vụ án Vạn Thịnh Phát. Tuy nhiên, do ông Trí là chủ đầu tư của dự án Đại Ninh nên chúng tôi đề cập đến trong bài viết này.

Tháng 3/2023, cơ quan điều tra đã thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Nguyễn Ngọc Ánh, Chánh Thanh tra tỉnh Lâm Đồng, để điều tra về tội "Nhận hối lộ".

Tháng 8/2023, bà Trần Bích Ngọc, Vụ trưởng Theo dõi công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Vụ I) của Văn phòng Chính phủ, đã bị khởi tố để điều tra về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Tháng 12/2023, cơ quan điều tra tiếp tục triệu tập nhiều lãnh đạo, cán bộ của tỉnh Lâm Đồng để làm rõ một số vấn đề liên quan đến siêu dự án nêu trên.

Đến nay, vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được làm sáng tỏ trong vụ án tại dự án Đại Ninh.

Một trong những “uẩn khúc” là việc Thanh tra Chính phủ đã ban hành Kết luận số 929 vào tháng 6/2020, đề xuất chấm dứt hoạt động và thu hồi dự án. Tuy nhiên, sau đó một năm Thanh tra Chính phủ lại sửa đổi kết luận này, cho phép gia hạn sử dụng đất. Việc thay đổi này có đúng quy định và hợp lý? Đã có những tác động nào dẫn tới việc thay đổi này?

Vụ việc dự án được “sang lại” cho ông Nguyễn Cao Trí, và sau đó dự tính bán cho bà Trương Mỹ Lan, cũng rất đáng chú ý.

Giờ đây, việc bắt giữ ông Mai Tiến Dũng, một quan chức cấp cao trong chính phủ thời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, là một bước quan trọng trong quá trình điều tra, làm rõ vụ án này.

🔝