VuotQuaViet_Kp_DarkGreen_Logo_318x120
acrobat  📂  🏠   

BBC - 5

Việt Nam: giờ làm cao, năng suất có cao?

27 tháng 5 2024, 09:45 +07 BBC

GETTY IMAGES. So với các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam có năng suất lao động thấp. Trong khi đó, số giờ làm việc của người Việt Nam ở mức cao.

Năng suất lao động của Việt Nam nằm trong nhóm thấp trong khi số giờ làm việc thì thuộc nhóm cao. Trong bối cảnh đó, giảm giờ làm có hợp lý?

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự Diễn đàn “Nâng cao năng suất lao động Quốc gia năm 2024” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức ở Hà Nội vào sáng 26/5. Tại đây, thành viên công đoàn đã kiến nghị chính phủ xây dựng lộ trình giảm thời gian làm việc từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần và 40 giờ/tuần.

Ông Đặng Tuấn Tú, Chủ tịch công đoàn cơ sở Công ty Changshin Việt Nam - doanh nghiệp 100% vốn đầu tư Hàn Quốc - đã đề nghị chính phủ lên kế hoạch giảm giờ làm như trên để "phù hợp và theo kịp các nước cùng khu vực đồng thời tạo điều kiện cho người lao động có thời gian nghỉ ngơi dài hơn để tái tạo sức khỏe và chăm sóc hạnh phúc gia đình".

Bên cạnh đó, ông Tú đề nghị chính phủ hoàn thiện hệ thống pháp luật một cách đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giảm thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị hiện đại, đồng thời đơn giản hóa và linh hoạt hóa quy trình nhập khẩu.

Ông cũng mong chính phủ và Quốc hội tiếp tục ủng hộ việc trích nộp kinh phí 2% từ doanh nghiệp nhằm chăm lo cho người lao động.

Hiện nay, Điều 105 Bộ luật Lao động 2019 quy định người sử dụng lao động phải đảm bảo số giờ làm bình thường của người lao động không quá 8 giờ/ngày và không quá 48 giờ/tuần đối với thời giờ làm việc bình thường.

Trường hợp làm việc theo tuần, thời gian làm việc bình thường không quá 10 giờ/ngày và không quá 48 giờ/tuần.

Thời gian làm việc tiêu chuẩn của khối nhà nước là 40 giờ/tuần.

Cựu Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân từng nói tại diễn đàn Quốc hội về Bộ luật Lao động sửa đổi vào tháng 10/2019:

Ông Nhân cũng nhận định, muốn tăng năng suất lao động thì nguồn gốc phải đổi mới công nghệ và giảm giờ làm.

Ông cũng khẳng định việc thúc đẩy người lao động làm nhiều hơn nữa, bất kể những vấn đề về sức khỏe, gia đình, sẽ mang lại những tác động tiêu cực.

Trong một chia sẻ khác đến BBC News Tiếng Việt vào tháng 3/2023, chuyên gia về hoạt động nghiệp đoàn T.K. Trần nhấn mạnh:

VGP. Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Diễn đàn “Nâng cao năng suất lao động Quốc gia năm 2024”

Trở lại với “Nâng cao năng suất lao động Quốc gia năm 2024”, đồng tình với ông Đặng Tuấn Tú, bà Phùng Thị Hạnh, công nhân Xí nghiệp Sơ mi Hà Nội thuộc Tổng Công ty May 10, cũng cho rằng giảm giờ làm là cần thiết để chăm sóc gia đình, con cái cũng như tái tạo sức lao động.

Cũng trong diễn đàn hôm 26/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị cộng đồng doanh nghiệp "tăng năng suất lao động, tăng giá trị chứ không phải tăng thời gian làm việc của người lao động".

Năng suất và giờ làm của Việt Nam so với các nước lân cận

HOANG DINH NAM/AFP/GETTY IMAGES. Công nhân đang may quần áo ở Tổng Công ty May 10

Vậy năng suất lao động và số giờ làm của Việt Nam đang ở mức nào so với các nước trong khu vực?

Theo Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB), trong giai đoạn 2021 - 2022, mức tăng năng suất lao động bình quân ở Việt Nam là 4%/năm tính theo sức mua tương đương (PPP), gấp đôi mức bình quân chung của thế giới.

Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam chỉ xếp sau mức tăng 5,8% của Singapore.

Tuy nhiên, ông Phạm Minh Chính thừa nhận dù có cải thiện nhưng năng suất lao động Việt Nam vẫn ở mức thấp. Tỉ lệ tăng trong giai đoạn 2021 - 2023 thấp hơn so với mục tiêu 5,5%/năm.

Bên cạnh đó, năng suất lao động Việt Nam còn thấp so với các quốc gia lân cận khi tính theo giá trị tuyệt đối.

Cụ thể, chỉ số này năm 2022 chỉ tương đương 11,4% của Singapore, 24,7% của Hàn Quốc, 26,3% của Nhật Bản, 35,4% của Malaysia, 64,8% của Thái Lan, 79% của Indonesia, 94,5% của Philippines.

Ngược lại với năng suất lao động, theo khảo sát của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) năm 2019, Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia có thời gian làm việc cao nhất thế giới và khu vực.

Cụ thể, không tính thời gian nghỉ lễ, tổng thời gian làm việc mỗi năm tại Việt Nam lên đến 2.320 giờ, vượt xa các quốc gia láng giềng như Indonesia (thấp hơn Việt Nam 440 giờ), Campuchia (184 giờ) và Singapore (176 giờ).

Số giờ làm việc trung bình của người lao động trong các doanh nghiệp nhà nước thấp nhất, khoảng 42 giờ/tuần, trong khi con số này ở khu vực FDI lại cao nhất, lên đến 51 giờ/tuần.

Số ngày nghỉ phép khởi điểm ở Việt Nam ở mức trung bình, với 12 ngày, xếp sau Lào, Campuchia và Indonesia nhưng cao hơn Malaysia, Singapore, Thái Lan và Philippines.

Về số ngày nghỉ lễ tết hiện hành, Việt Nam có 11 ngày, tương đương với Singapore và thuộc nhóm thấp nhất khu vực Đông Nam Á.

Vào năm 2019, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cảnh báo rằng việc giảm giờ làm việc từ 48 giờ xuống 44 giờ mỗi tuần có thể ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế Việt Nam, bao gồm giảm xuất khẩu 20 tỷ USD/năm, giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế 0,5% và suy giảm năng lực cạnh tranh quốc gia.

Một số doanh nghiệp cũng cho rằng đề xuất giảm giờ làm nên được xem xét kỹ lưỡng, tránh khiến gia tăng chi phí sản xuất, giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 - vào năm 2019 đã đánh giá rằng Việt Nam nên giữ nguyên tổng giờ làm việc trong tuần ở mức 48 giờ và đợi đến khi nền kinh tế phát triển hơn mới xem xét giảm xuống 44 giờ/tuần.

Có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng làm việc ít giờ hơn mỗi tuần khiến mọi người làm việc hiệu quả hơn. Một nghiên cứu năm 2014 của Đại học Stanford cho thấy năng suất giảm mạnh sau khi tăng thời gian làm việc lên mức 50 giờ mỗi tuần. Một số chuyên gia cho rằng 35 giờ/tuần là lượng thời gian làm việc tối ưu.

“Năng lượng của bạn không thể duy trì được trong tám giờ liền. Rất khó để dồn sự tập trung trong một khoảng thời gian dài. Do đó, điều này khiến bạn làm việc kém hiệu quả," John Trougakos - giảng viên chuyên về hành vi tổ chức tại Đại học Toronto (Canada) - trả lời BBC.

🔝

Chủ tịch nước Tô Lâm: Ghế tổng bí thư có dễ dàng?

25.5.2024 - BBC

"Tứ Trụ" hiện tại của Việt Nam

Sau khi ông Tô Lâm bước vào “Tứ Trụ”, nhiều nhà quan sát quốc tế quan tâm về khả năng kế nhiệm chức vụ tổng bí thư của ông.

Theo nhiều nhà quan sát, Chủ tịch nước Tô Lâm đang trên đường hướng tới chiếc ghế tổng bí thư tại Đại hội Đảng 14 vào đầu năm 2026. Tuy nhiên, đó là một lộ trình gập ghềnh.

Cũng có một số ý kiến đánh giá rằng ông Tô Lâm sẽ đối mặt với những khó khăn trên cương vị chủ tịch nước.

Sau những biến động và sắp xếp vừa qua, “Tứ Trụ” hiện tại gồm: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Các khả năng kế nhiệm tổng bí thư

Trong bài viết đăng tải ngày 21/5 trên trang Fulcrum của Viện nghiên cứu ISEAS (Singapore), Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp cho rằng Đại tướng Tô Lâm là một “ứng cử viên nổi bật”.

Giải thích cho đánh giá này, ông Hiệp nhắc tới sự nghiệp trong ngành công an của ông Tô Lâm:

“Vị trí bộ trưởng Công an trước đó của ông Tô Lâm đã khiến ông có sức ảnh hưởng đáng kể tới các quan chức cấp cao khác, bao gồm cả ủy viên Trung ương Đảng.”

“Tuy nhiên, sự thăng tiến của ông [Tô Lâm] còn phụ thuộc vào người kế nhiệm [chức bộ trưởng Công an].”

Trong bài viết ngày 22/5 trên NikkeiAsia, bà Futaba Ishizuka, nhà nghiên cứu tại Viện Kinh tế Phát triển JETRO (Nhật Bản), đã nhắc tới mối quan hệ của ông Tô Lâm và Bộ Công an.

Hiện vẫn chưa có ai ngồi vào chiếc ghế bộ trưởng Công an còn trống.

Thứ trưởng thường trực Trần Quốc Tỏ đang được phân công điều hành hoạt động của bộ này.

Trong một bài viết trên website của đài Al Jazeera vào ngày 22/5, Giáo sư Zachary Abuza từ Đại học National War College (Mỹ) cho rằng sau khi rời ghế bộ trưởng Công an, ông Lâm “khó có thể hạ được ông Phạm Minh Chính”.

Ngoài ông Tô Lâm, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp cho rằng Thường trực Ban Bí thư Lương Cường cũng sẽ là một ứng cử viên đáng chú ý cho chức vụ tổng bí thư, đặc biệt là khi ông này được “lịch sử ủng hộ”.

Ở đây ông Hiệp đang nói trường hợp cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Năm 1997, ông Lê Khả Phiêu đã nhậm chức tổng bí thư từ vị trí Thường trực Bộ Chính trị - một vị trí tương đồng với thường trực ban bí thư bây giờ.

Ông Lê Khả Phiêu cũng là tướng quân đội như ông Cường và đến nay thì ông Phiêu là tổng bí thư duy nhất xuất thân từ quân đội.

Cũng cần lưu ý rằng ông Lê Khả Phiêu được bầu vào giữa nhiệm kỳ để thay Tổng Bí thư Đỗ Mười, người từ chức vào năm 1997.

Việt Nam đến nay chưa có vị tổng bí thư nào xuất thân từ ngành công an.

Theo ông Hiệp, chính xuất thân từ ngành công an có thể là một điểm bất lợi cho ông Tô Lâm, bởi khi đó các lãnh đạo khác, bao gồm cả ông Trọng, có thể sẽ ngần ngại trong việc ủng hộ ông Tô Lâm kế nhiệm chức tổng bí thư.

Còn Giáo sư Carl Thayer, một nhà quan sát chính trị Việt Nam lâu năm, đánh giá với BBC rằng tham vọng trở thành tổng bí thư của ông Tô Lâm không hoàn toàn thuận lợi, vì có vẻ ông không giành được sự ủng hộ cao từ các đồng chí của mình.

Bằng chứng là trong cuộc bỏ phiếu đối với 44 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn hồi năm ngoái, ông Lâm có số phiếu “tín nhiệm cao” khá thấp (kém người đứng đầu là Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang tới 119 phiếu), trong khi nhận được nhiều phiếu “tín nhiệm thấp”.

Theo Giáo sư Thayer thì Đảng Cộng sản Việt Nam ưu tiên sự đồng thuận nội bộ, mà ông Lâm lại là một ứng viên gây chia rẽ nên tiền đồ chính trị sẽ không thuận lợi.

Chụp lại video, Bộ trưởng Tô Lâm và tiệc steak dát vàng 'vang danh' thế giới

Ông Tô Lâm cũng có một số vụ việc mà các đối thủ chính trị có thể khoét sâu vào.

Hồi năm 2021, trong chuyến công tác tới Anh, ông từng có mặt tại bữa tiệc thịt bò dát vàng của đầu bếp Salt Bae tại London. Vụ việc này gây chú ý cả trong nước lẫn quốc tế trong bối cảnh đất nước đang chống dịch Covid-19.

Vụ thứ hai là vai trò của ông trong vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh hồi năm 2017. Cơ quan điều tra, tòa án và nhiều chính trị gia tại Đức, cũng như báo chí nước này và báo chí Slovakia đã đề cập đến khả năng ông Lâm là người chỉ đạo trực tiếp.

Gần đây, đã có nhiều ý kiến đánh giá rằng Việt Nam càng ngày càng củng cố hình ảnh “nhà nước công an trị”.

Trong một bài viết ngày 22/5 trên AP News, ông Ben Swanton, đồng giám đốc của Dự án 88, một tổ chức phi chính phủ hoạt động vận động nhân quyền cho Việt Nam, đánh giá:

Ông Swanton dự báo rằng tình trạng đàn áp và kiểm duyệt thông tin sẽ ngày càng trở nên tồi tệ.

Có thể đây cũng sẽ là một điểm nữa khiến Đảng Cộng sản Việt Nam phải cân nhắc kỹ trường hợp của ông Tô Lâm cho vai trò tổng bí thư.

Trong bối cảnh đó và nhất là sau khi bà Trương Thị Mai mất chức thường trực Ban Bí thư, khả năng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam lại được đề cập.

Giáo sư Alexander L Vuving từ Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye (Hoa Kỳ) mới đây đánh giá với BBC News Tiếng Việt rằng có thể ông Trọng sẽ làm nhiệm kỳ thứ tư.

Sau khi bà Mai mất chức, Giáo sư Vuving nói: "Hiện chỉ còn hai người đủ tiêu chuẩn trên giấy tờ để kế nhiệm ông Trọng: Đại tướng Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính, cả hai đều có nền tảng từ Bộ Công an. Điều này sẽ làm tăng cơ hội để ông Trọng làm nhiệm kỳ tổng bí thư thứ tư liên tiếp, chưa từng có tiền lệ, nếu ông còn sống.”

Tại sao báo Đức và Slovakia nhắc lại vụ Trịnh Xuân Thanh?


VIETNAM NEWS AGENCY/AFP/GETTY IMAGES
Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đã khiến quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức trở nên căng thẳng

Sau khi Chủ tịch nước Tô Lâm nhậm chức vào ngày 22/5, trang web của DW, một kênh truyền thông nổi tiếng của Đức, đã nhắc lại vụ ông Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc tại Berlin (Đức) vào năm 2017.

Truyền thông Đức khi đó đã gọi vụ bắt giữ ông Thanh là “vụ bắt cóc ở Berlin” và đặt câu hỏi liệu Slovakia có đóng vai trò trung gian trong sự việc này.

Theo hồ sơ của cơ quan điều tra và tòa án tại Đức, ông Trịnh Xuân Thanh đã bị bắt cóc và được chở bằng xe hơi từ Đức sang Slovakia. Sau đó, ông ta bị đưa lên một chiếc máy bay rồi bay qua Moscow (Nga). Có thông tin là cùng đi trên máy bay có Bộ trưởng Công an Tô Lâm.

Sau khi vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh bị điều tra và tòa án tại Đức đưa ra xét xử, Bộ Nội vụ Slovakia đã lên tiếng bày tỏ quan ngại rằng chuyến thăm của Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm vào tháng 3/2017 tới Slovakia có thể đã bị “lợi dụng” cho những mục đích vượt ra ngoài phạm vi hợp tác và hữu nghị song phương.

Theo bài viết ngày 23/5/2024 trên The Diplomat, nghi phạm trong vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh được xác định là “Ahn T.L.” (theo luật bảo vệ quyền riêng tư của Đức).

Người này đã bị kết án vào năm 2023 về tội cố ý giúp đỡ hành vi bắt cóc trên danh nghĩa đặc vụ nước ngoài và bị kết án 5 năm tù giam.

Thời điểm đó, tòa án ở Đức đã nói rằng “hành vi phạm tội này cho tới nay vẫn gây ảnh hưởng tới quan hệ giữa Đức và Việt Nam.”

Vào ngày 23/5/2024, báo SME lớn nhất Slovakia khi đăng tin ông Tô Lâm nhậm chức chủ tịch nước cũng đã tường thuật lại vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh vào năm 2017, trong đó có đặt ra vấn đề vai trò của Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm.

Nhiều tờ báo khác của Slovakia cũng nhắc tới kỳ án năm 2017 khi đưa tin về tân chủ tịch nước Việt Nam.

Đến nay, thông tin chính thức từ phía chính quyền Việt Nam là ông Trịnh Xuân Thanh đã chủ động về đầu thú.

Trong một bài viết đăng tải ngày 22/5 trên Financial Times, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu viên khách mời thuộc Viện ISEAS (Singapore), cho rằng ông Tô Lâm có thể sẽ gặp khó khăn khi làm chủ tịch nước.

Bài viết này dùng cụm từ “lãng phí” khi nhắc tới bê bối ông Tô Lâm gặp phải khi ăn bò dát vàng tại một nhà hàng ở London (Anh) vào năm 2021.

Bên cạnh việc chưa bao giờ nắm giữ chức vụ ngoài ngành công an, những bê bối được quốc tế biết tới có thể gây ra những bất cập nhất định cho ông Tô Lâm trong công tác đối ngoại trên cương vị chủ tịch nước.

Chính trị ổn định trở lại?

Về việc “Tứ Trụ” đã có đủ người, Giáo sư Carl Thayer, một nhà quan sát chính trị Việt Nam lâu năm, nói với Al Jazeera rằng điều này có thể giúp chính trị Việt Nam ổn định hơn một chút.

Tuy nhiên, ông Florian Feyerabend, trưởng đại diện tại Việt Nam của Viện Nghiên cứu KAS (Konrad-Adenauer-Stiftung), lại có ý kiến khác.

Theo ông Feyerabend, đấu đá nội bộ là phương thức hoạt động chính trị của bộ máy Đảng Cộng sản và mọi chuyện vẫn sẽ tiếp diễn như vậy tới khi người kế vị Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được chọn.

Quay về vấn đề phát triển kinh tế, lâu nay vẫn có những đánh giá rằng bất ổn chính trị Việt Nam có tác động tiêu cực tới nền kinh tế, đặc biệt là gây ra những lo ngại cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Do lo ngại về chiến dịch chống tham nhũng, bộ máy hành chính ở Việt Nam được cho là ngày càng trở nên “trì trệ”.


MAIKA ELAN/BLOOMBERG/GETTY IMAGES
Bất ổn trong bộ máy lãnh đạo được cho là có ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế của Việt Nam, đặc biệt là gây quan ngại cho giới đầu tư nước ngoài

Bài viết ngày 22/5 trên NikkeiAsia cũng đề cập tới việc này.

Theo bài viết, các công ty Hàn Quốc và Nhật Bản, vốn đang gia tăng đầu tư vào Việt Nam, đã bắt đầu lên tiếng bày tỏ lo ngại.

Bài viết dẫn lời nhận định của Giáo sư Ryuichi Ushiyama từ Đại học Keiai (Nhật Bản):

“Dù đã có những thay đổi chính trị, hệ thống chính quyền cộng sản khả năng cao là sẽ không có gì thay đổi.”

Trong bối cảnh “bất ổn chính trị” của Việt Nam, Giáo sư Ushiyama cho rằng Trung Quốc sẽ để ý hơn tới việc gia tăng quan hệ, cũng như tăng cường hỗ trợ cho các chính trị gia thân Trung Quốc ở Việt Nam.

Theo báo chí trong nước, sau khi nhậm chức chủ tịch nước, ông Tô Lâm đã nhận được lời chúc mừng từ một số quốc gia, tổ chức, tiêu biểu gồm: Liên Hợp Quốc, Trung Quốc, Nga, Campuchia, Lào, Palestine…

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình ba lần nhắc tới “Cộng đồng chia sẻ tương lai” trong lời chúc gửi tới tân Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm hôm 22/5.

Ông Tập nhấn mạnh Trung Quốc và Việt Nam là hai nước láng giềng hữu nghị xã hội chủ nghĩa, núi sông liền một dải.

Ông Tập Cận Bình khẳng định hết sức coi trọng quan hệ Trung - Việt, sẵn sàng cùng Chủ tịch nước Tô Lâm duy trì trao đổi chiến lược, dẫn dắt việc xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc - Việt Nam đi vào chiều sâu, thiết thực, mang lại nhiều lợi ích hơn cho nhân dân hai nước.

🔝

Trung Quốc tập trận 'trừng phạt' Đài Loan: Bắc Kinh thù ghét tân Tổng thống Lại Thanh Đức

24 tháng 5 2024, 13:29 +07 - BBC


REUTERS. Máy bay Đài Loan chuẩn bị cất cánh đáp trả cuộc tập trận của Trung Quốc

Vừa tổ chức tập trận quân sự trên bầu trời và vùng biển xung quanh Đài Loan, Trung Quốc vừa tung ra chỉ trích nhằm vào người mà họ cho rằng đã châm ngòi cho cuộc tập trận này: tân Tổng thống Lại Thanh Đức.

Từ đài truyền hình nhà nước CCTV rồi các bài xã luận trên Thời báo Hoàn Cầu, cho đến người phát ngôn của Bộ Ngoại giao, điệp khúc lên án Tổng thống Lại Thanh Đức của Trung Quốc rõ ràng là gay gắt.

Thời báo Hoàn Cầu nói ông Lại “kiêu ngạo” và “liều lĩnh”, còn CCTV viết rằng ông “chắc chắn sẽ bị đóng đinh vào chiếc cột ô nhục” và chỉ trích ông về việc “tuyên truyền học thuyết hai quốc gia”.

Tờ báo này cũng cảnh báo rằng nếu ông Lại Thanh Đức và Đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) của ông “duy trì con đường độc lập cho Đài Loan, cuối cùng họ sẽ sụp đổ và cháy rụi”.

Nguyên nhân khiến Tổng thống Lại bị cáo buộc như trên là trong bài trong bài phát biểu nhậm chức hôm 20/5, ông đã dùng từ Trung Quốc (中國) khi mô tả Trung Quốc, Bắc Kinh nói rằng khi làm như vậy ông Lại đã bộc lộ suy nghĩ thực sự của mình rằng Đài Loan không phải là Trung Quốc và họ là hai quốc gia khác nhau. Trong mắt chính quyền Tập Cận Bình, đó là sự thừa nhận hệ tư tưởng “ly khai” của ông.

Đối với người ngoài cuộc, điều này nghe có vẻ vô lý. Nhưng trong nhiều thập niên, Bắc Kinh và Đài Bắc đã gây bối rối khi đưa ra định nghĩa của họ về Trung Quốc, cũng như việc liệu Đài Loan có phải là một phần của Trung Quốc hay không. Ngay cả cựu Tổng thống Thái Anh Văn cũng cẩn thận khi đề cập đến Trung Quốc bằng những thuật ngữ uyển chuyển như “bên kia eo biển” hay “chính quyền Bắc Kinh”.

Một số học giả ở Đài Loan sẽ nói với bạn rằng ngôn ngữ như vậy rất quan trọng và ông Lại đã vượt qua ranh giới nguy hiểm. Những người khác cho rằng việc Bắc Kinh không ưa ông đã được định sẵn và bài phát biểu của ông chỉ là lời biện minh cho đợt đe dọa khoa trương mới nhất.

Hầu hết chuyên gia đều đồng ý rằng điều này không thay đổi sự thật cơ bản rằng ông Tập Cận Bình muốn Trung Quốc kiểm soát Đài Loan, còn người dân Đài Loan thì dứt khoát không muốn như vậy.

Nhưng không người nào ở Đài Loan tỏ ra đặc biệt ngạc nhiên. Đối với họ, Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP) khá dễ đoán. Khi đảng DPP của ông Lại giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống lần thứ ba liên tiếp vào đầu tháng 1/2024, nhiều người đã tự hỏi Bắc Kinh sẽ phản ứng như thế nào và vào thời điểm nào.

Giả định rõ ràng là điều đó sẽ diễn ra sau khi nhiệm kỳ của ông Lại bắt đầu với bài phát biểu nhậm chức tổng thống của ông. Vì vậy, như chúng ta đang thấy, ba ngày sau lễ nhậm chức của Tổng thống Lại Thanh Đức, Bắc Kinh đã đưa ra phản ứng.

Công tác chuẩn bị cho cuộc tập trận này cho thấy đây không phải là phản ứng bột phát tức thời. Không có quân đội nào, kể cả Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), có thể huy động một cuộc tập trận quy mô như vậy chỉ trong vài ngày. Thật khó để nói chính xác điều gì đang diễn ra, nhưng từ những gì Bắc Kinh công khai, có thể thấy các khu vực mà các cuộc tập trận này bao quát có lẽ là lớn nhất mà chúng ta từng thấy, bao gồm phần lớn eo biển Đài Loan, eo biển Ba Sĩ (giữa Đài Loan và Philippines) và những vùng rộng lớn ở Thái Bình Dương dọc theo bờ biển phía đông của Đài Loan.

Một điều cũng đáng chú ý là lần đầu tiên các hòn đảo xa xôi của Đài Loan nằm rải rác gần bờ biển Trung Quốc cũng được đưa vào. PLA đã đánh dấu các khu vực này là bị lực lượng Trung Quốc “bao vây”. Trên CCTV, chuyên gia quân sự Trung Quốc Trương Chí cho biết cuộc tập trận thể hiện “khả năng của PLA trong việc giành quyền kiểm soát cơ sở hạ tầng quan trọng của Đài Loan”.

Chuyên gia quân sự Đài Loan Yết Trọng đánh giá cuộc tập trận này giống như mô phỏng một cuộc tấn công toàn diện vào hòn đảo, chỉ thiếu việc binh lính đổ bộ. Ông cho rằng việc đưa tất cả các đảo ngoài khơi của Đài Loan vào khu vực tập trận thể hiện kế hoạch của Trung Quốc nhằm loại bỏ các cơ sở có thể tiến hành một cuộc phản công chống lại PLA. Ông Yết Trọng cũng cho rằng cuộc tập trận kéo dài hai ngày này sẽ không phải là cuộc tập trận cuối cùng mà Đài Loan phải đối mặt trong năm nay – xét từ tên gọi “Liên Kiếm - 2024-A”.

Trên đường phố Đài Bắc, phản ứng đối với cuộc tập trận là việc nhún vai tập thể. Nhiều người sẽ nói với bạn rằng họ không lo lắng. Nhưng điều đó không hoàn toàn đúng. Sống cạnh Trung Quốc giống như sống trong vùng động đất. Mối đe dọa luôn ở đó và các cuộc tập trận ngày càng lớn hơn và nguy hiểm hơn, vì vậy bạn cần phải chuẩn bị. Nhưng bạn cũng cần phải tiếp tục cuộc sống của mình.

Bất chấp mối quan hệ căng thẳng giữa đảng DPP cầm quyền của Đài Loan và phe đối lập – hai bên đã tranh cãi tại quốc hội vào tuần trước – thì các cuộc tập trận của Trung Quốc đã gắn kết tất cả họ lại với nhau. Phe đối lập Quốc Dân Đảng, vốn được coi là thân Trung Quốc, đã kêu gọi Bắc Kinh thể hiện sự kiềm chế. Đây không phải là lúc họ muốn bị coi là thân thiện với Bắc Kinh.

Có một điều trớ trêu kỳ lạ ở đây - một điều cho thấy các nhà lãnh đạo cộng sản Trung Quốc hiểu về Đài Loan và người dân ở đây ít đến mức nào.

Hôm nay, Bắc Kinh tuyên bố rằng các hoạt động quân sự chỉ tập trung vào việc “răn đe và đánh bại các lực lượng độc lập”.

Họ nói ông Lại là người tồi tệ nhất trong số những nhà lãnh đạo Đài Loan đã thách thức Bắc Kinh. “Lại Thanh Đức đã vượt qua Lý Đăng Huy, Trần Thủy Biển và Thái Anh Văn trong việc thúc đẩy độc lập cho Đài Loan,” một bài bình luận trên CCTV viết. Những cựu tổng thống này, do người dân Đài Loan bầu chọn, đã tạo nên nhóm “những người ly khai” Trung Quốc. Ba trong số họ đến từ đảng DPP.

Mỗi khi Trung Quốc thực hiện hành động đe dọa quân sự, sự ủng hộ dành cho DPP có xu hướng tăng lên, còn sự ủng hộ dành cho Quốc Dân Đảng “thân thiện với Trung Quốc” lại giảm xuống. Một trường hợp gần đây hơn là: các cuộc tập trận quân sự diễn ra nhiều tháng trước cuộc bầu cử vào tháng 1 đã đưa ông Lại lên vị trí đứng đầu.

Nếu mục đích của các cuộc tập trận là khiến người dân Đài Loan sợ hãi quay lưng lại với các đảng và các nhà lãnh đạo thách thức Bắc Kinh thì cho đến nay dường như chúng đang có tác dụng ngược lại.

🔝

Từ hiện tượng sư Thích Minh Tuệ: Thế nào mới là tu?

24 tháng 5 2024, 10:05 +07 - BBC


TƯ LIỆU. Một chặng đường đi qua của nhà sư Thích Minh Tuệ đều có nhiều người đi theo

Sư Thích Minh Tuệ, người thực hiện cuộc đi bộ khất thực khắp Việt Nam, đang trở thành một hiện tượng thu hút sự chú ý của đông đảo dư luận.

Hình ảnh sư Thích Minh Tuệ chân đất, trên người khoác một bộ y làm từ các mảnh vải vụn chắp vá, tay cắp lõi một chiếc nồi cơm điện, lang thang trên các nẻo đường để "tu học" khiến nhiều người xúc động, gọi ông là "bậc chân tu".

Nhận định về sư Thích Minh Tụê, sư Thích Đồng Long thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất nói với BBC rằng "đây là một trường hợp hiếm có".

Trong nhiều video trên mạng xã hội, có thể thấy hàng trăm người dân đã đổ ra đường để được tận mắt chứng kiến "hiện tượng" sư Minh Tuệ.

Trong một video được quay tại TP Thanh Hóa mới đây, nhiều người dân đã tổ chức quét đường để chờ sư đi qua.

Một video khác quay cảnh hàng chục YouTuber, TikToker quây quanh sư Tuệ để quay phim, chụp ảnh nhất cử nhất động của ông.

Rất nhanh chóng, tiểu sử của sư Minh Tuệ cùng con đường tu học của ông tràn ngập trên mạng xã hội.

Theo các mô tả được phổ biến đến nay, sư Minh Tuệ từng là lớp trưởng thời phổ thông. Ông bắt đầu con đường tu hành từ năm 2015. Thoạt tiên ông tu tại gia, sau đó xuất gia. Đến năm 2018, ông rời chùa, khởi sự tu 13 hạnh đầu đà và bộ hành khất thực từ nam chí bắc.

Trong các video trên mạng xã hội, sư Minh Tuệ luôn xuất hiện với nụ cười hiền lành và dáng vẻ, cách nói chuyện khiêm nhường.

Ông nói ông không phải là sư, không tu ở bất cứ chùa nào, ông đi bộ để rèn luyện sức khỏe và làm theo lời Phật dạy.

“Con là người Việt Nam đi tập học theo lời Phật dạy, không nhận tiền bạc của ai dưới bất kỳ hình thức nào, họ cho ngày một bữa vào buổi sớm rồi thì con không nhận nữa.

Khi có người hỏi tại sao ông không tu ở một chùa nhất định nào đó, ông Minh Tuệ trả lời:

“Có người đang ở nhà yên lành thì bỏ nhà đi vào chùa. Có người vào chùa rồi thì lại bỏ chùa mà đi, không còn mê đắm gì nữa…"

Không thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam


GODONG/UNIVERSAL IMAGES GROUP/GETTY IMAGES.
Một buổi sinh hoạt của các Phật tử ở Lâm Đồng

Sự cuốn hút của sư Thích Minh Tuệ đã khiến các hội đoàn Phật giáo do nhà nước quản lý lên tiếng.

Ngày 16/5, thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đã gửi công văn đến ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở các tỉnh, thành phố.

Công văn viết:

“Trong những ngày vừa qua, trên mạng xã hội TikTok, Facebook, YouTube, Instagram, Twitter xuất hiện nhiều hình ảnh, clip về người đàn ông mang hình dáng nhà sư đi bộ hành dọc tuyến đường từ Khánh Hòa ra Hà Giang và ngược lại.

“Qua tìm hiểu xác minh, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định người đàn ông này không phải là tu sĩ Phật giáo, không tu tập và không là nhân sự của bất cứ ngôi chùa, cơ sở tự viện nào của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.”

Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam cũng ra thông báo: “Ông Thích Minh Tuệ không phải là tu sĩ Phật giáo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam.”

Đây là hai phản ứng chính thức của một giáo hội Phật giáo do nhà nước quản lý và một cơ quan nhà nước phụ trách tôn giáo về trường hợp nhà sư Thích Minh Tuệ.

Công văn của thượng tọa Thích Đức Thiện đã vấp phải sự phê phán của nhiều người.

Một trong số những câu hỏi được đặt ra là: Liệu Giáo hội Phật giáo Việt Nam có quyền và có tư cách để công nhận một ai đó là tu sĩ Phật giáo hay không?

Thế nào mới là tu?

Trả lời BBC từ Sài Gòn, tu sĩ Thích Đồng Long, một thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất không thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam và không được nhà nước Việt Nam công nhận, chia sẻ:

Việc Giáo hội Phật giáo Việt Nam ban hành văn bản nói trên, sư Thích Đồng Long nhận định rằng "có phần không thiện cảm và hơi ác ý đối với vị sư Minh Tuệ".

Theo sư Thích Đồng Long, sư Minh Tuệ chỉ đang tự tu học chứ hoàn toàn không xâm phạm đến những lợi ích của giáo hội Phật giáo Việt Nam, cũng không tự đề cao mình, không tư lợi gì.

Phật giáo Việt Nam đang ở đâu?

Sau ngày thống nhất đất nước năm 1975, chính phủ Việt Nam đã cho thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, là tổ chức Phật giáo duy nhất được coi là đại diện hợp pháp cho Phật giáo tại Việt Nam, là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Tổ chức này hiện có gần 5 triệu thành viên Phật tử, theo thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ.

Nhiều nhà sư thuộc tổ chức này có "chân" trong chính quyền Việt Nam, là thành viên của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Chẳng hạn, sư Thích Quảng Phục ở chùa Long Khánh (Phú Yên) được mô tả là người có "47 tuổi đời, 25 tuổi đạo" và là "một đảng viên gương mẫu".

Sư Quảng Phục được báo chí của chính quyền Việt Nam ca ngợi là đã "nỗ lực tích cực tuyên truyền phổ biến sâu rộng chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước đến các tín đồ, góp phần đấu tranh ngăn chặn những âm mưu diễn biến hòa bình, lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để xuyên tạc, kích động phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc", theo báo Công an Nhân dân vào tháng 2/2024.


KAO NGUYEN/AFP/GETTY IMAGES.
Các nhà sư tại chùa Vĩnh Nghiêm ở TP HCM cầu nguyện cho cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang, người qua đời vào năm 2018

Báo chí cũng nhiều lần đưa tin các nhà sư được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, tích cực trong hoạt động tuyên truyền đường lối của Đảng, chẳng hạn trường hợp hòa thượng Thạch Huôn 64 tuổi vào năm 2009. Hòa thượng Thích Thanh Sam khi viên tịch vào năm 2018 được chứng nhận có "50 năm tuổi đảng".

Phật Giáo "chính thống", tức Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trong những năm qua, kể từ sau thống nhất đất nước năm 1975, đã phát triển mạnh về hình thức và quy mô.

Chùa chiền đồ sộ được xây dựng tại nhiều tỉnh thành. Nhiều chùa có doanh thu khổng lồ, như chùa Ba Vàng của sư Thích Trúc Thái Minh thu tới 4,1 tỷ đồng/tháng tiền công đức.

Với sự phát triển của mạng xã hội, nhiều chùa và sư có các kênh truyền thông riêng, quảng bá hình ảnh rất chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng Phật giáo Việt Nam đang khủng hoảng, thậm chí suy thoái.

Trong một bài viết trên Thư viện Hoa sen tháng 4/2022, TS Nguyễn Hữu Liêm viết:

Một số nhà nghiên cứu tôn giáo cho rằng thời hưng thịnh của Phật giáo Việt Nam là từ trước 1975, khi Phật giáo luôn có một tầm ảnh hưởng chính trị nhất định.

Tác giả Nguyễn Khoa cho rằng "Sự hồi phục của Phật giáo Việt Nam chấm dứt với chiến thắng của những người cộng sản vào ngày 30/4/1975", theo một bài viết của ông trên Việt Studies vào tháng 8/2022

Đứng bên ngoài giáo hội chính thống


NGUỒN HÌNH ẢNH, GETTY IMAGES

Song song với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, vẫn tồn tại các tổ chức tôn giáo độc lập khác, bất chấp việc không được chính phủ Việt Nam thừa nhận.

Là thành viên Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất - một tổ chức tôn giáo thành lập năm 1964 và được chính phủ Việt Nam Cộng hòa công nhận nhưng không được nhà nước Việt Nam hiện nay công nhận - sư Thích Đồng Long chia sẻ với BBC rằng tổ chức của ông gặp rất nhiều rắc rối với chính quyền.

Ông nói: "Thực ra thì chính sách tôn giáo của Việt Nam rất là khắt khe và độc tài.

BBC từng đưa tin về các vụ việc thành viên các tổ chức tôn giáo độc lập bị chính quyền gây khó dễ, thập chí bắt bớ.

Chẳng hạn các thành viên Đạo Tràng Út Trung (thuộc Phật giáo Hòa Hảo) từng bị bắt và bị tù nhiều năm.

Dân biểu Quốc hội Liên bang Đức, ông Martin Patzelt, nay đã nghỉ hưu, từng bảo trợ và giúp đỡ trường hợp của cha con ông Bùi Văn Trung của Đạo Tràng Út Trung khi cả hai còn ngồi tù, nói với BBC Tiếng Việt hồi tháng 7/2023 rằng "có một sự sợ hãi lớn của những nhà cầm quyền độc tài đối với những người có suy nghĩ khác biệt, trong trường hợp này là những người theo đạo Phật".

BBC Tiếng Việt cũng liên hệ với một nhà sư thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam – một người từng đăng video trên YouTube chia sẻ suy nghĩ của ông về hiện tượng sư Thích Minh Tuệ - để hỏi ý kiến của ông về tình hình Phật giáo Việt Nam hiện nay.

Tuy nhiên vị sư này từ chối trả lời với lý do ông không muốn gây căng thẳng trong nội bộ giáo hội – nơi vừa có văn bản về ông Tuệ.

13 hạnh đầu đà là gì?


TƯ LIỆU. Sư Thích Minh Tuệ trên đường "tu học" đang thu hút sự quan tâm chưa từng có

Trong hàng đệ tử Phật, tôn giả Đại Ca Diếp đã trọn đời giữ hạnh đầu đà.

Theo tài liệu đạo Phật, pháp hạnh đầu đà là một trong những phương pháp tu khổ hạnh để tôi luyện thân tâm, trừ bỏ phiền não, với 13 hạnh đầu đà bao gồm:

  1. Hạnh mặc y phấn tảo: nghĩa là vải may y nhặt ở lề đường, nghĩa địa, đống rác...
  2. Hạnh ba y: nghĩa là sử dụng những miếng vải chắp vá lại thành y. Chỉ dùng ba y không nhận thêm y thứ tư.
  3. Hạnh khất thực: nghĩa là dùng thức ăn bằng cách đi xin. Xin ngày nào ăn ngày đó không để dành.
  4. Hạnh khất thực từng nhà: nghĩa là đi khất thực theo thứ tự, không phân biệt giàu nghèo.
  5. Hạnh nhất tọa thực: nghĩa là ngồi ăn chỉ một lần, khi đã đứng lên rồi thì không ngồi xuống ăn lại. Hoặc không ăn nhiều lần trong ngày.
  6. Hạnh ăn bằng bát: Chỉ ăn những thức ăn xin được trong bình bát, không nhận bát thứ hai.
  7. Hạnh không để dành đồ ăn: không nhận đồ ăn sau khi đã ăn xong.
  8. Hạnh ở rừng: nghĩa là chỉ ở rừng không ở làng xóm.
  9. Hạnh sống bên gốc cây: nghĩa là chỉ ở gốc cây, không sống ở nhà.
  10. Hạnh ở giữa trời: nghĩa là chỉ ở ngoài trời không sống trong nhà, dưới tán cây.
  11. Hạnh ở nghĩa địa: nghĩa là chỉ sống ở nghĩa địa.
  12. Hạnh nghỉ chỗ nào cũng được.
  13. Hạnh ngồi không nằm: nghĩa là chỉ ngồi không nằm, khi ngủ cũng trong tư thế ngồi.

🔝

Đại tướng Tô Lâm làm chủ tịch nước, hứa 'đoàn kết' trong ban lãnh đạo Đảng

22 tháng 5 2024, 09:23 +07 - BBC


DANG ANH/AFP/GETTY IMAGES
Ông Tô Lâm tuyên thệ nhậm chức chủ tịch nước

Sáng 22/5, Bộ trưởng Công an, Đại tướng Tô Lâm đã được Quốc hội bầu làm chủ tịch nước tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 15.

Nghị quyết bầu ông Tô Lâm làm chủ tịch nước được Quốc hội thông qua với 472/473 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành. Trước đó, Quốc hội đã bỏ phiếu kín để quyết định việc bầu ông Tô Lâm làm chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026.

Thực ra, ghế chủ tịch nước của ông Tô Lâm đã được Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định từ trước. Hôm 18/5, ông đã được Trung ương Đảng giới thiệu để Quốc hội bầu cho vị trí chủ tịch nước.

Đáng chú ý, lúc bấy giờ Quốc hội cho biết sẽ không thực hiện quy trình miễn nhiệm chức danh bộ trưởng Công an đối với ông Tô Lâm, đồng thời cũng chưa phê chuẩn nhân sự bộ trưởng Công an thay thế ông tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 15.

Cụ thể, hôm 19/5, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Quốc hội Bùi Văn Cường đã thông báo rằng, tại Hội nghị Trung ương 9 khóa 13 (diễn ra từ ngày 16 đến 18/5), Trung ương Đảng "chưa giới thiệu nhân sự để bổ nhiệm bộ trưởng Công an", do đó Quốc hội không đưa nội dung miễn nhiệm Bộ trưởng Công an Tô Lâm và phê chuẩn bộ trưởng mới vào kỳ họp lần này.

Thông tin trên đã làm dấy lên tranh luận về tính hợp hiến của việc một người làm chủ tịch nước mà vẫn giữ chức bộ trưởng Công an.

Mãi đến chiều 21/5, khi kỳ họp Quốc hội đã diễn ra được một ngày, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường mới trình bày tờ trình điều chỉnh chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 15 để thêm nội dung miễn nhiệm chức vụ bộ trưởng Bộ Công an đối với ông Tô Lâm, người được Trung ương giới thiệu để Quốc hội bầu chủ tịch nước.

Trước khi ông Tô Lâm chính thức trở thành chủ tịch nước, Tiến sĩ Bill Hayton đã viết trên trang web của Chatham House (Viện nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh) rằng Việt Nam sẽ càng tô đậm ấn tượng về một nhà nước “công an trị”.

Khi đó “Tứ Trụ” sẽ có hai người đi lên từ ngành công an là ông Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Tính cả ông Chính và ông Lâm thì Bộ Chính trị có năm nhân vật xuất thân từ công an.

Sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết, tân Chủ tịch nước Tô Lâm đã bắt đầu thực hiện nghi lễ tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước.

Ông Tô Lâm đặt tay trái lên Hiến pháp, tay phải giơ cao, tuyên thệ:

"Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước, tôi, Chủ tịch nước nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó."

Trong phát biểu nhậm chức, tân Chủ tịch nước Tô Lâm cảm ơn Quốc hội tín nhiệm bầu và giao cho ông trọng trách chủ tịch nước, cảm ơn Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyên Phú Trọng đã giới thiệu ông cho cương vị chủ tịch nước.

Ông Tô Lâm cũng khẳng định ông ý thức sâu sắc “đây là trọng trách cao cả và nguyện sẽ dốc toàn bộ tâm sức, trí lực để phát triển đất nước theo con đường mà Đảng, Bác Hồ lựa chọn”.

Tân Chủ tịch nước Tô Lâm nói: "Tôi xin hứa thực hiện nghiêm túc đầy đủ, nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước đã được hiến định."

"Tôi xin hứa, đoàn kết thống nhất trong tập thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các lãnh đạo chủ chốt, không ngừng rèn luyện, trau dồi phẩm chất đạo đức cách mạng, đề cao trách nhiệm nêu gương, ra sức phấn đấu, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ," tân Chủ tịch nước Tô Lâm nói.

Trong vòng ba năm qua, người dân Việt Nam đã chứng kiến ba lần tuyên thệ nhậm chức của ba chủ tịch nước khác nhau. Trong đó, hai người đã bị miễn nhiệm trước khi kết thúc nhiệm kỳ do liên quan đến sai phạm, đó là các ông Nguyễn Xuân Phúc và Võ Văn Thưởng.


Chụp lại video, 'Tứ Trụ' Việt Nam: Vị trí nào cho đại tướng Tô Lâm?

'Bàn đạp' để lên chức tổng bí thư?

Một số nhà quan sát nói với BBC rằng, trở thành chủ tịch nước là "bàn đạp" để ông Tô Lâm có thể củng cố quyền lực, từ đó tiến tới ghế tổng bí thư trong tương lai.

Trước khi ngồi vào vị trí chủ tịch nước, ông Tô Lâm không phải là "Tứ Trụ" cũng như không là thường trực Ban Bí thư.

Nếu ông Tô Lâm từ bộ trưởng công an lên thẳng chức tổng bí thư vào năm 2026, đó sẽ là một sự "vượt cấp", điều chưa từng xảy ra trong lịch sử chính trường Việt Nam, theo nhận định của một nhà quan sát giấu tên từ Hà Nội.

Nếu không vào "Tứ Trụ", ông Tô Lâm sẽ phải về hưu vào 2026, sau khi đã làm hai nhiệm kỳ bộ trưởng Công an.

Nhưng một khi đã ở trong 'Tứ Trụ' thì Quy định 214 của Bộ Chính trị có xét "trường hợp đặc biệt".

Giờ đây, khi đã vào “Tứ Trụ”, ông có thể sẽ có suất đặc biệt tại Đại hội 14 để kéo dài sự nghiệp chính trị của mình vào Đại hội Đảng 14, khi ông đã quá 65 tuổi.

Xét các đời tổng bí thư từ sau Đổi mới tới nay, có thể thấy một thông lệ rằng các vị này đều đã nắm chức vụ trong "Tứ Trụ" hoặc là thường trực Ban Bí thư (trường hợp Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và Lê Khả Phiêu).

Thách thức đối với ông Tô Lâm


NHAC NGUYEN/AFP/GETTY IMAGES
Chính trường Việt Nam đang trải qua một thời kỳ biến động chưa từng có

Giáo sư Thayer đánh giá với BBC rằng tham vọng trở thành tổng bí thư của ông Tô Lâm không hoàn toàn thuận lợi, vì có vẻ ông không giành được sự ủng hộ cao từ các đồng chí của mình.

Bằng chứng là trong cuộc bỏ phiếu đối với 44 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn hồi năm ngoái, ông Lâm có số phiếu “tín nhiệm cao” khá thấp (kém người đứng đầu là Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang tới 119 phiếu), trong khi nhận được nhiều phiếu “tín nhiệm thấp”.

Theo chuyên gia này, kết quả phiếu bầu nói trên cho thấy có những người thực sự lo ngại về ông Tô Lâm, nên ông này là một ứng viên gây chia rẽ.

“Đảng Cộng sản Việt Nam thường muốn hướng tới sự ổn định và đồng thuận, điều này gây bất lợi cho ông ta,” Giáo sư Thayer nhận định.

Một điều mà các nhà phân tích cũng chia sẻ, đó là quyền lực của ông Tô Lâm sẽ không được duy trì một khi ông rời Bộ Công an. Đây có thể là một bất lợi của ông mà các đối thủ chính trị có thể tận dụng.

Ông Tô Lâm còn có một số vụ việc mà các đối thủ chính trị có thể khoét sâu vào.

Hồi năm 2021, trong chuyến công tác tới Anh, ông từng có mặt tại bữa tiệc thịt bò dát vàng của đầu bếp Salt Bae tại London, sự kiện gây chú ý cả trong nước lẫn quốc tế trong bối cảnh đất nước đang chống dịch Covid-19.

Vụ này không được truyền thông trong nước đưa tin, cũng như ông Tô Lâm không phải chịu bất kỳ kỷ luật, phê bình công khai nào về mặt đảng và chính quyền. Tuy nhiên, một số nhà quan sát đánh giá rằng danh tiếng và hình ảnh ông có thể đã bị ảnh hưởng.

Thêm vào đó, nhiều nhà quan sát độc lập và chính trị gia nước ngoài cho rằng ông Tô Lâm có vai trò trong vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh tại Đức hồi năm 2017, vụ việc đã gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao cho Việt Nam.

Ở cương vị bộ trưởng Bộ Công an, công việc của Tô Lâm không liên quan nhiều đến đối ngoại. Tuy nhiên, trên cương vị chủ tịch nước, ông sẽ đại diện nhà nước Việt Nam trong công tác đối ngoại, chẳng hạn đón các nguyên thủ quốc gia hoặc thực hiện các chuyến công du cấp nhà nước đến các quốc gia khác.

Những vụ việc trên sẽ khiến ông bất lợi trong quan hệ đối ngoại khi ông nắm giữ cương vị chủ tịch nước.

Giữ chức Bộ trưởng Bộ Công an từ năm 2016, ông Tô Lâm, 66 tuổi, là người thực thi chính trong chiến dịch chống tham nhũng sâu rộng của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, 80 tuổi.

Giáo sư Zachary Abuza từ Đại học National War College (Mỹ) nhận định với BBC News Tiếng Việt rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã "trao cho ông Tô Lâm quyền lực để chống tham nhũng và ông Tô Lâm đã sử dụng quyền lực đó để hạ tới 5 hoặc 6 ủy viên Bộ Chính trị".

Việc bổ nhiệm chức vụ chủ tịch nước diễn ra trong bối cảnh chiến dịch chống tham nhũng hay còn gọi là "đốt lò" ngày một mở rộng.

Chỉ hơn một tháng sau khi ông Thưởng mất chức, ông Vương Đình Huệ cũng bị miễn nhiệm chức Chủ tịch Quốc hội trong một diễn biến được cho là 'chấn động' chính trường Việt Nam.

Chủ tịch nước ở Việt Nam là một trong "Tứ Trụ" của Việt Nam, bên cạnh vị trí tổng bí thư đảng cộng sản, thủ tướng và chủ tịch Quốc hội.

Ông Tô Lâm là ai?

Ông Tô Lâm sinh ngày 10/7/1957 tại Xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.

Sự nghiệp của ông Lâm trong ngành công an Việt Nam đến nay đã kéo dài 5 thập niên.

Ban đầu, ông là học viên của Học viên Đại học An ninh nhân dân vào năm 1974 rồi trở thành cán bộ Cục Bảo vệ Chính trị I, Bộ Công an vào năm 1979.

Ông Lâm chính thức được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1982, thăng tiến qua các cấp bậc để trở thành ủy viên Bộ Chính trị vào năm 2016, và tiếp tục thêm một nhiệm kỳ ủy viên Bộ Chính trị nữa vào năm 2021.

Tháng 4/2016, ông giữ chức Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam cho đến nay.

Ông Lâm được thăng cấp đại tướng vào năm 2019 khi Tổng Bí thư Trọng kiêm thêm chức chủ tịch nước sau cái chết của Chủ tịch nước Trần Đại Quang vào năm 2018.

Năm 2021, ông Tô Lâm trở thành Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Vào ngày 22/5/2024, ông Tô Lâm được Quốc hội bầu làm chủ tịch nước.


Chụp lại video, Bộ trưởng Tô Lâm và tiệc steak dát vàng

Trong quá trình ông Lâm làm Bộ trưởng Công an, thứ hạng của Việt Nam về Chỉ số nhận thức tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế đã được nâng lên từ vị trí thứ 113 năm 2016 lên vị trí thứ 83 vào năm 2023.

Dưới thời ông Lâm đứng đầu ngành công an, nhiều nhà hoạt động dân chủ, môi trường đã bị bắt. Hoạt động của các tổ chức phi chính phủ được đánh giá là bị siết chặt.

Ông Tô Lâm được báo Việt Nam mô tả là đã biên soạn và xuất bản "những cuốn sách có ý nghĩa vô cùng to lớn", bao gồm:

Tư tưởng Hồ Chí Minh về Công an nhân dân, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia (2015)

Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ Công an nhân dân, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia (2017)

Quần chúng nhân dân – nhân tố quyết định thắng lợi cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh, trật tự, Nhà xuất bản Công an Nhân dân (2017)

Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự, Nhà xuất bản Công an Nhân dân (2017)

Công an nhân dân Việt Nam với tác phẩm tư cách người công an cách mệnh của Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật (2017)

Chủ tịch nước có quyền gì?


GETTY IMAGES
Ông Võ Văn Thưởng (thứ hai từ phải) bị miễn nhiệm chức chủ tịch nước hôm 21/3/2024

Nhiệm vụ và quyền hạn của chủ tịch nước được quy định tại Điều 88 Hiến pháp 2013, bao gồm một vài điểm chính như sau:

Bên cạnh đó, chủ tịch nước là người ký các quyết định đặc xá, ân xá cho tù nhân.

Tháng 8/2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã ký các quyết định: đặc xá cho 2.438 người; ân giảm án tử hình xuống tù chung thân cho 10 bị án.

Tháng 12/2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã ký quyết định ân giảm hình phạt tử hình xuống tù chung thân cho 18 bị án có đơn xin ân giảm gửi chủ tịch nước.

Vị trí này chính thức được coi là nguyên thủ quốc gia. Tuy nhiên, trên thực tế gần đây thì người đóng vai trò “nguyên thủ quốc gia” trong nhiều hoạt động ngoại giao quan trọng, chẳng hạn như đối thoại và tiếp các nguyên thủ quốc gia nước ngoài, là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.


Tiểu sử tân Chủ tịch nước Tô Lâm

🔝

Quốc hội miễn nhiệm Bộ trưởng Công an Tô Lâm, ai sẽ thay?

2024-05-21 - BBC


NHAC NGUYEN / AFP. Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm, người được đề cử làm tân chủ tịch nước, có mặt trong phiên khai mạc cuộc họp thường kỳ thứ 7 của Quốc hội ngày 20/5

Sau đề nghị của thủ tướng, Quốc hội sẽ phê chuẩn miễn nhiệm Bộ trưởng Công an Tô Lâm, để mở đường cho việc bầu ông Tô Lâm làm chủ tịch nước.

Báo chí Việt Nam đưa tin, đầu giờ chiều nay 21/5, với 468/469 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã đồng ý bổ sung thêm một nội dung nữa vào chương trình kỳ họp 7 Quốc hội 15.

Theo chương trình mới được điều chỉnh, vào cuối giờ chiều 21/5, Quốc hội bắt đầu thực hiện các quy trình phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ bộ trưởng Công an và bầu chủ tịch nước với ông Tô Lâm.

Việc bỏ phiếu kín, thông qua nghị quyết của Quốc hội và nghi lễ tuyên thệ nhậm chức chủ tịch nước thì sẽ được tiến hành vào sáng ngày 22/5.

Như vậy, ông Tô Lâm sẽ rời ghế bộ trưởng Công an trước khi vào "Tứ Trụ".

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường thông báo rằng, việc thêm vào lịch trình khâu miễn nhiệm chức danh Bộ trưởng Công an là ý kiến của cơ quan có thẩm quyền và đề nghị của Thủ tướng Chính phủ.

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép bổ sung nội dung phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng về việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Công an và dự kiến bố trí Quốc hội tiến hành nội dung này cùng với nội dung về công tác nhân sự tại phiên họp chiều 21/5 và sáng 22/5,” ông Cường báo cáo Quốc hội.

Khác với trước đó, vào ngày 19/5, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết Quốc hội sẽ không thực hiện quy trình miễn nhiệm chức danh bộ trưởng Công an đối với ông Tô Lâm trong kỳ họp này.

Những thay đổi đột ngột nói trên dường như gợi ý rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc bố trí nhân sự, hoặc có sự bất đồng ở nhóm lãnh đạo cấp cao. Bởi lẽ, chương trình họp Quốc hội vốn đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chốt nội dung từ trước.

Ai sẽ thay ông Tô Lâm?

So với thông báo vào trước khi khai mạc kỳ họp, thì nay Quốc hội chỉ bổ sung duy nhất nội dung miễn nhiệm chức danh bộ trưởng của ông Tô Lâm, còn việc xem xét nhân sự để bổ nhiệm bộ trưởng Công an không thấy thêm vào chương trình họp.

Như vậy, có thể hiểu vị trí bộ trưởng Công an vẫn chưa được giới thiệu Quốc hội phê chuẩn.

Và có thể sẽ phải "vẫn chờ cơ quan có thẩm quyền, Bộ Chính trị xem xét, quyết định" như lời ông Bùi Văn Cường nói ngày 19/5.

Hiện Quốc hội đã tán thành việc miễn nhiệm đối với ông Tô Lâm nhưng chưa xem xét nhân sự bộ trưởng Công an, như vậy, có khả năng thủ tướng sẽ chỉ định người làm quyền bộ trưởng hoặc làm thứ trưởng phụ trách bộ này, theo Điều 28 Luật tổ chức chính phủ.

Tình huống tạm thời này cho thấy có nhiều vấn đề trong công tác nhân sự.


Quốc hội sẽ tiến hành miễn nhiệm với ông Tô Lâm về chức danh bộ trưởng Công an

Theo các chuyên gia, việc bà Trương Thị Mai từ chức đã tạo thêm áp lực lên Đại tướng Tô Lâm theo hướng ông rời bộ Công an để làm chủ tịch nước.

Nhưng việc Đảng Cộng sản chưa chọn được người thay thế ông Tô Lâm ở vị trí bộ trưởng Công an mà đã giới thiệu ông để bầu chủ tịch nước cho thấy nhiều khả năng.

Một là có thể Đảng đang lúng túng trong vấn đề chọn nhân sự, nhất là khi Bộ Chính trị khóa 13 đã có sáu người bị loại khỏi hàng ngũ. Hai trong số đó là hai chức danh trong "Tứ Trụ" - chủ tịch nước và chủ tịch Quốc hội.

Hai là có thể ông Tô Lâm không muốn rời chức vụ bộ trưởng bộ Công an, một vị trí có thực quyền, có thẩm quyền điều tra sâu rộng - để giữ chức chủ tịch nước, một vị trí mang tính lễ nghi nhiều hơn là thực quyền.

Cụ thể, một khi làm chủ tịch nước thì ông Tô Lâm không còn nắm bộ Công an nữa, cũng có nghĩa là ông sẽ mất quyền điều hành trực tiếp bộ máy điều tra khổng lồ, vốn là công cụ chính của chiến dịch “đốt lò”. Đây hẳn là điều ông Tô Lâm ít mong muốn nhất.

Trong trường hợp giải pháp thay thế tạm thời, tức làm quyền bộ trưởng hoặc "thứ trưởng phụ trách bộ" thì một số nhân vật có thể đảm đương trọng trách là các thứ trưởng.

Bộ Công an có sáu thứ trưởng gồm: ba thượng tướng là ông Trần Quốc Tỏ, ông Lương Tam Quang, ông Nguyễn Duy Ngọc; ba trung tướng là ông Lê Quốc Hùng, ông Nguyễn Văn Long và ông Lê Văn Tuyến.

Ở đây, nếu xét theo cấp bậc hàm thì ba thượng tướng nói trên "có suất" hơn.


ĐẠI HỘI ĐẢNG 13. Từ trái qua: Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thượng tướng Lương Tam Quang, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc

Cả ba vị thượng tướng đều là ủy viên Trung ương Đảng, đủ tiêu chuẩn cho vị trí bộ trưởng, theo Quy định 214 QĐ/TW năm 2020 của Bộ Chính trị.

Thượng tướng Trần Quốc Tỏ sinh năm 1962, quê ở Ninh Bình, ông là ủy viên Trung ương Đảng hai khóa 12, 13 và là đại biểu Quốc hội khóa 14, 15.

Có nhiều ý kiến từng cho rằng ông Tỏ có thể trở thành bộ trưởng Công an chính thức thay thế ông Tô Lâm nếu được bầu vào Bộ Chính trị vì ông là thượng tướng duy nhất có trên một nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng, một điều kiện cần để trở thành ủy viên Bộ Chính trị.

Ông Tỏ cũng là thứ trưởng thường trực và là phó bí thư Đảng ủy Công an Trung ương (ông Tô Lâm làm bí thư) nên khả năng ông làm quyền bộ trưởng là rất cao.

Hai vị thượng tướng còn lại là ông Lương Tam Quang và ông Nguyễn Duy Ngọc. Đáng chú ý, cả hai đều quê quán ở tỉnh Hưng Yên, là đồng hương của Đại tướng Tô Lâm.

Ông Lương Tam Quang trở thành thứ trưởng bộ Công an vào tháng 8/2019. Tới tháng 5/2020, ông Quang kiêm chức thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an và được thăng hàm thượng tướng vào năm 2022.

Ông Nguyễn Duy Ngọc được thăng hàm thượng tướng vào tháng 12/2023. Khi là phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an, ông Ngọc là người ký ban hành kết luận điều tra và đề nghị truy tố ông Đinh La Thăng.

Bên cạnh đó, có thể chức vụ bộ trưởng Công an sẽ tạm để trống cho đến khi Bộ Chính trị chọn được nhân sự.

Xét các đời bộ trưởng bộ Công an từ sau 1975 tới nay thì có một đặc thù là tất cả những nhân vật này đều đã được bầu vào Bộ Chính trị trước, rồi sau đó mới lên làm bộ trưởng Công an.

Bộ trưởng Bộ Công an là chức danh quyền lực, nếu không có chân trong Bộ Chính trị thì cũng sẽ không thể tham gia các cuộc họp vốn đưa ra những quyết định trọng đại đối với nội bộ của Đảng và của đất nước.

Ngành công an được coi là lĩnh vực trọng yếu nên việc bộ trưởng Bộ Công an phải có chân trong Bộ Chính trị còn để thực hiện các nhiệm vụ an ninh quốc gia.

Vì vậy, nếu bầu bộ trưởng Công an chính thức, khả năng cao Đảng sẽ chọn người trong Bộ Chính trị.

Trong Bộ Chính trị khóa 13, ngoài ông Tô Lâm và ông Phạm Minh Chính thì còn có một số ủy viên khác có xuất thân từ ngành công an, gồm: ông Phan Đình Trạc, cựu Giám đốc Công an Nghệ An; ông Nguyễn Hòa Bình, cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm tham nhũng thuộc Bộ Công an và ông Nguyễn Văn Nên - người từng là cán bộ công an cấp huyện.


ĐẠI HỘI ĐẢNG 13. Từ trái qua: Nguyễn Hòa Bình, Phan Đình Trạc, Nguyễn Văn Nên

Ông Phan Đình Trạc, sinh năm 1958, quê ở Nghệ An, từng làm giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, với cấp hàm đại tá. Ông cũng có chân trong Ban Bí thư và hiện là Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng.

Một số ý kiến cho rằng nếu ông Tô Lâm vào “Tứ Trụ", khả năng cao ông Trạc sẽ là người thay thế ở vị trí Bộ trưởng Bộ Công an. Nếu ông Trạc vào vị trí bộ trưởng Công an, dự kiến chiến dịch đốt lò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục "nóng".

Bộ trưởng Công thường là cấp đại tướng, còn ông Trạc chỉ mới cấp đại tá. Tuy nhiên, xét tiền lệ trước đó thì có ông Lê Hồng Anh - người được phong thẳng lên đại tướng sau khi ông được bổ nhiệm làm bộ trưởng Công an.

Ông Nguyễn Hòa Bình sinh năm 1958, quê ở Quảng Ngãi. Hiện ông giữ chức Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao. Ông tốt nghiệp trường Đại học An ninh Nhân dân và từng kinh qua các chức vụ trong Bộ Công an từ năm 1992 đến năm 2008.

Trong thời gian này, ông Bình làm Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát kiêm Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra án tham nhũng. Ông cũng là Phó thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an và mang hàm thiếu tướng.

Ông Nguyễn Văn Nên sinh năm 1957, quê ở Tây Ninh. Trước khi vào Trung ương Đảng vào năm 2011, ông Nên từng là chủ tịch Ủy ban Nhân dân và bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh. Ông từng là Trưởng Công an huyện Gò Dầu từ năm 1989 - 199.

Ông Nên được nhận định là một cán bộ mẫn cán, gần gũi dân. Trong đại dịch Covid 19, ông từng phát biểu “xin nhân dân lượng thứ” cho những lúng túng của chính quyền thành phố. Câu nói này của ông được nhiều người khen ngợi là chân thành.


ĐẠI HỘI ĐẢNG 13. Ông Trần Cẩm Tú

Nhắc lại trường hợp của Đại tướng Lê Hồng Anh thì Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú cũng có thể là ứng cử viên thay ông Tô Lâm.

Trước khi giữ chức bộ trưởng Bộ Công an, ông Lê Hồng Anh không hoạt động trong ngành công an mà làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Ông Trần Cẩm Tú cũng đang giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ông sinh năm 1961 và có lợi thế về tuổi tác khi là một trong ba ủy viên Bộ Chính trị sẽ chưa quá 65 tuổi vào thời điểm Đại hội 14. Ông cũng là người có chân trong Ban Bí thư.

Ông Trần Cẩm Tú quê ở Hà Tĩnh. Ông là ủy viên Trung ương Đảng khóa 11,12 và 13. Tháng 5/2018, ông được bầu làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa 12 và được bầu bổ sung vào Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa 12.

Vì sao chủ tịch nước không thể làm bộ trưởng?

Sau phát biểu của ông Bùi Văn Cường về việc chưa miễn nhiệm chức danh bộ trưởng mà tiến hành bầu chủ tịch nước với ông Tô Lâm, một số câu hỏi đã được đặt ra.

Bởi lẽ, nếu chưa miễn nhiệm bộ trưởng mà đã được bầu lên chủ tịch nước thì ông Tô Lâm sẽ kiêm nhiệm cả hai chức vụ.

Điều này dẫn đến "sự xung đột thẩm quyền và vi phạm nguyên tắc phân công, phân nhiệm, phân quyền trong bộ máy nhà nước", theo chuyên gia phân tích với BBC.

Trả lời BBC News Tiếng Việt ngày 19/5, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp khách mời từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS, Singapore), phân tích:

"Theo quy định hiện hành, trường hợp chủ tịch nước kiêm nhiệm chức vụ bộ trưởng Công an là không thể xảy ra trong hệ thống chính trị Việt Nam," ông Hợp nói.

Tiến sĩ Hợp cũng nhấn mạnh thêm rằng các chức vụ lãnh đạo quan trọng này đều phải được tách bạch và bổ nhiệm cho các cá nhân khác nhau để đảm bảo nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước.

Do chức chủ tịch nước độc lập với chính phủ nên trường hợp ông Tô Lâm kiêm nhiệm sẽ dẫn đến sự "tréo ngoe" trong việc điều hành bộ máy nhà nước và chính phủ.


NHAC NGUYEN/AFP
Phiên họp thường kỳ thứ 7 của Quốc hội khóa 15

Điều 88 Hiến pháp quy định chủ tịch nước có nhiệm vụ và quyền hạn là "đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm phó chủ tịch nước, thủ tướng chính phủ".

Như vậy, với cương vị là nguyên thủ quốc gia, ông Tô Lâm có quyền miễn nhiệm, bãi nhiệm chức vụ của thủ tướng là ông Phạm Minh Chính.

Nhưng đồng thời, với cương vị bộ trưởng thì ông Tô Lâm lại dưới quyền Thủ tướng Chính. Ông Tô Lâm chịu trách nhiệm trước Quốc hội và ông Chính về lĩnh vực được phân công phụ trách.

Đáng chú ý, Hiến pháp cũng cho chủ tịch nước quyền đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm phó chủ tịch nước, thủ tướng; phó thủ tướng, bộ trưởng và thành viên khác của chính phủ;

Như vậy, nếu ông Tô Lâm chính thức trở thành chủ tịch nước và không muốn rời ghế bộ trưởng Bộ Công an, ông chỉ cần không đề nghị Quốc hội miễn nhiệm chính mình.

Một nhà quan sát khác thì nói với BBC rằng, việc Quốc hội bổ sung nội dung miễn nhiệm chức danh Bộ trưởng Công an thể hiện rằng đã có những ý kiến phản ánh trong nội bộ về vấn đề ông Tô Lâm kiêm nhiệm hai chức vụ.


Chụp lại video, Đại tướng Tô Lâm làm Chủ tịch nước – Dọn đường cho chức Tổng bí thư? ▶️

🔝

Việt Nam bắt thêm một nhà cải cách công đoàn, ông Vũ Minh Tiến?

21 tháng 5 2024, 10:23 +07 - BBC


Ông Vũ Minh Tiến là nhà cải cách công đoàn thứ hai bị bắt, chưa đầy một tháng sau vụ bắt giữ ông Nguyễn Văn Bình, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội

Công an Hà Nội đã bắt giữ ông Vũ Minh Tiến, Trưởng phòng Chính sách, Pháp luật của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (VGCL) kiêm Giám đốc Viện Công nhân và Công đoàn (IWTU), theo xác minh và tuyên bố của Dự án 88.

Công an Việt Nam chưa công bố việc bắt giữ cũng như cáo buộc với ông Tiến.

Dự án 88 - một tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực vận động nhân quyền cho Việt Nam - hôm 20/5 cho hay một nguồn tin tiết lộ ông Tiến đang bị Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội tạm giam theo Điều 337 Bộ luật Hình sự.

Điều 337 hình sự hóa hành vi "cố ý làm lộ bí mật nhà nước, chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước".

Tội danh này có khung hình phạt từ 2 tới 15 năm tù.

BBC đã gọi điện thoại tới số di động được cho là của ông Tiến hôm 20/5 nhưng không có tín hiệu.

BBC cũng đã gọi điện cho cấp phó của ông Bình là ông Lê Đình Quảng hôm 18/5.

Ông Quảng nghe máy và cho biết rằng ông đang ở trong một cuộc họp.

Khi được hỏi về ông Tiến, ông Quảng nói ông không thể cung cấp thông tin gì và nếu báo chí hỏi gì thì cần thông qua cơ quan.

Tên của ông Vũ Minh Tiến đã bị xóa khỏi mục nhân sự Phòng Chính sách, Pháp luật trên website của VGCL.

Hiện chỉ còn tên và số điện thoại của hai cấp phó.

Lần cuối cùng người ta nhìn thấy ông Tiến trước công chúng là vào ngày 21/3 tại một hội thảo ở TP HCM, theo Dự án 88.

Số điện thoại được cho là của ông Tiến trên Viber cho thấy lần cuối ông sử dụng ứng dụng này là vào ngày 20/4/2024.

Trên trang YouTube được cho là của ông Tiến, có một số video đăng cách đây ba năm, trong đó có các nội dung như "Các hành vi không công bằng trong lao động", "Người lao động làm gì khi quyền lợi bị xâm phạm".

'Làn sóng đàn áp mới nhằm vào các nhà cải cách' công đoàn?


MOLISA
Ông Nguyễn Văn Bình

Vụ "mất tích" của ông Tiến khá giống với trường hợp của ông Nguyễn Văn Bình – Vụ trưởng Vụ Pháp chế của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (MOLISA).

BBC nhận được tin ông Bình bị bắt một tuần trước khi công an chính thức công bố vụ việc hôm 9/3/2024.

Trước đó, thông tin của ông Bình cũng đã biến mất khỏi website của Vụ Pháp chế và BBC đã gọi vào số điện thoại được cho là của ông nhưng không thể liên lạc được.

Công an Việt Nam chỉ công bố thông tin bắt giữ ông Bình một ngày sau khi Dự án 88 xuất bản báo cáo về vụ việc, trong đó chỉ ra một "làn sóng đàn áp mới nhằm vào các nhà cải cách".

Ông Bình cũng bị khởi tố theo Điều 337 Bộ luật Hình sự.

Ông Tiến, giống như ông Bình, đang dẫn đầu các nỗ lực đưa luật về lao động của Việt Nam phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

Trong vai trò của mình tại VGCL, ông Tiến được giao nhiệm vụ sửa đổi Luật Công đoàn, dự kiến được Quốc hội ký thành luật vào cuối năm nay.

Trong khi đó, trước thời điểm bị bắt, ông Bình đang dẫn đầu nỗ lực đưa Công ước 87 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) trình Quốc hội.

Công ước này nếu được thông qua sẽ đảm bảo cho người lao động Việt Nam quyền thành lập công đoàn độc lập mà không cần sự cho phép trước - điều mà chính phủ Việt Nam không muốn.

Nhà nước Việt Nam trên thực tế luôn công khai phản đối công đoàn độc lập.

Một bài viết trên An Ninh TV vào ngày 27/11/2023 nhan đề Cảnh giác trước cái gọi là ‘Công đoàn độc lập’ có đoạn:

“Không ai có thể phủ nhận sự cần thiết, không thể thiếu với vai trò, uy tín của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng như tổ chức công đoàn các cấp hiện nay.

"Còn cái gọi là 'công đoàn độc lập', hay 'nghiệp đoàn độc lập' không hề và không thể đại diện cho quyền, lợi ích của công nhân, người lao động mà chỉ lợi dụng để thực hiện mưu đồ chính trị.”

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là liên đoàn công đoàn duy nhất tại Việt Nam và nằm dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Việt Nam.

IWTU là cơ quan tiến hành nghiên cứu các vấn đề lao động và cung cấp tư vấn chính sách cho chính phủ Việt Nam.

IWTU cũng là thành viên của Nhóm Tư vấn Trong nước (DAG) của Việt Nam.

Theo các điều khoản của Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA), cả EU và Việt Nam đều phải cho phép các tổ chức xã hội dân sự độc lập thành lập DAG để giám sát việc tuân thủ các cam kết lao động và bền vững của họ.

Việc thực thi EVFTA không hề suôn sẻ.

Năm 2021, hai nhà hoạt động xã hội dân sự Việt Nam cố gắng thành lập một nhóm giám sát độc lập đã bị bắt và sau đó bị tuyên án về hành vi trốn thuế, bản án mà giới nhân quyền quốc tế phê phán là "tùy tiện".

Sau đó, chính phủ Việt Nam đã cho xây dựng mạng lưới Nhóm Tư vấn Trong nước với các thành viên là các tổ chức thân chính phủ.

Vào tháng 12/2023, EU DAG đã đưa ra tuyên bố bày tỏ cảnh báo về tình trạng vi phạm nhân quyền, đồng thời kêu gọi Việt Nam phê chuẩn Công ước 87 của ILO ngay lập tức.

Chính phủ Việt Nam đã ít nhất hai lần trì hoãn việc này.

Gần đây hơn, một liên minh các nhóm xã hội dân sự Việt Nam đã đệ đơn khiếu nại lên EU với cáo buộc Hà Nội vi phạm quyền của người lao động.

Sau đó, vào tháng 4/2024, Việt Nam đã bắt giữ ông Nguyễn Văn Bình, người đang thúc đẩy chính phủ phê chuẩn Công ước 87 của ILO.

Giờ đây, việc bắt giữ Vũ Minh Tiến đồng nghĩa giám đốc một tổ chức có đại diện tại DAG của Việt Nam cũng bị bắt.

"Bất chấp thành tích tồi tệ này, EU vẫn chưa thực hiện bất kỳ biện pháp cụ thể nào để trừng phạt Việt Nam vì vi phạm các điều khoản của hiệp định," Dự án 88 cho hay.

Vào tháng 11/2023, IWTU báo cáo rằng tại cuộc họp song phương giữa DAG của EU và DAG của Việt Nam, các tổ chức xã hội dân sự châu Âu đã chỉ trích việc chính phủ Việt Nam vi phạm nhân quyền, bao gồm cả việc bắt giữ các nhà hoạt động và việc không đảm bảo quyền tham gia của người lao động trong các hoạt động thương lượng tập thể.

"Có thể quan chức IWTU đã chia sẻ thông tin với EU DAG và điều này được lấy làm cớ để bắt ông Tiến," Dự án 88 nhận định.

Ông Ben Swanton, đồng giám đốc của Dự án 88, nói: “Những vụ bắt giữ này là một ví dụ nữa về sự thất bại của các tổ chức quốc tế trong việc lên tiếng vì những nhà cải cách mà họ rất muốn bảo vệ cho đến khi những người này phải vào tù”.

Chỉ thị mật 24

Việc bắt giữ ông Tiến và ông Bình diễn ra trong bối cảnh một làn sóng đàn áp mới đang lan rộng khắp Việt Nam, theo Dự án 88.

Năm ngoái, Bộ Chính trị Việt Nam đã ban hành Chỉ thị 24, một chỉ thị mật về an ninh quốc gia.

Cũng giống trường hợp ông Nguyễn Văn Bình, có mối liên hệ trực tiếp giữa Chỉ thị 24 và việc bắt giữ ông Vũ Minh Tiến, theo Dự án 88.

Chỉ thị 24 xác định việc thành lập các công đoàn độc lập là một vấn đề an ninh quốc gia.

Chỉ thị 24 yêu cầu chỉ "thí điểm" thành lập một số công đoàn trong các doanh nghiệp, bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng tổ chức công đoàn duy nhất (tức Tổng Liên đoàn Lao động) "vững mạnh".

Dự án 88 đánh giá rằng chính phủ Việt Nam muốn “trông ra vẻ tuân thủ Công ước ILO 87, nhưng trên thực tế Chỉ thị 24 cho thấy họ coi các công đoàn lao động độc lập là mối đe dọa an ninh quốc gia và việc bắt giữ Bình rõ ràng là một nỗ lực nhằm vô hiệu hóa điều mà họ cho là mối đe dọa đó".

Chỉ thị 24 cũng kêu gọi chính phủ Việt Nam ngăn chặn xu hướng cải cách trong giới quan chức “làm suy yếu chế độ của chúng ta từ bên trong và đe dọa lợi ích của quốc gia, nhân dân và của đất nước và sự sống còn của chế độ”.

Vụ bắt giữ ông Tiến và ông Bình được cho là vụ bắt giữ các nhà cải cách chủ chốt đầu tiên trong những năm gần đây, cho thấy mệnh lệnh của Chỉ thị 24 đang được nhà nước thực hiện, theo Dự án 88.

🔝

Xe VinFast gặp tai nạn 4 người chết, Mỹ tiến hành điều tra

2024-05-21 - BBC


APU GOMES/AFP/GETTY IMAGES
Bên trong mẫu xe điện VF8 của VinFast tại một phòng trưng bày ở thành phố Santa Monica, bang California (Mỹ)

Các nhà điều tra về an toàn ô tô của Mỹ cho biết họ đang tiến hành điều tra vụ tai nạn giao thông xảy ra vào tháng 4/2024 tại thành phố Pleasanton (bang California). Chiếc xe trong vụ tai nạn thuộc dòng VF8 của hãng xe điện VinFast.

Theo một bản tin ngày ngày 21/5 của Reuters, Cục An toàn Giao thông Cao tốc Quốc gia Mỹ (NHTFA) đã mở cuộc điều tra về hoàn cảnh của vụ tai nạn cũng như vụ cháy xe sau đó. Cục này nhận được khiếu nại vào ngày 29/4, trong đó cho rằng hệ thống lái có thể là nguyên nhân của vụ tai nạn khiến một cặp vợ chồng cùng hai người con tử vong.

NHTFA đã tiến hành hơn 100 cuộc điều tra về tai nạn đặc biệt mỗi năm liên quan đến các công nghệ mới nổi và các vấn đề an toàn ô tô tiềm ẩn khác.

Đài CBS thông tin rằng hiện còn có 11 khiếu nại khác trên trang web của NHTFA khác về dòng xe VF8, trong đó có một số khiếu nại liên quan tới hệ thống lái và việc chệch làn đường.

Trang TechCrunch chuyên về công nghệ cho hay có một khiếu nại đề cập sự cố hệ thống hỗ trợ lái bất ngờ quay bánh xe.

Vào cuối tháng 4/2024, đài CBS đã thông tin rằng vụ tai nạn xảy ra vào 9 giờ tối ngày 24/4. Chiếc xe điện đang chạy thì đã va vào một cột điện rồi đâm vào cây sồi lớn.

Cảnh sát Pleasanton cho rằng người lái xe dường như đã mất lái và tốc độ cũng có thể góp phần dẫn đến sự va chạm. Họ chia sẻ với truyền thông rằng nạn nhân không sở hữu chiếc xe này.

Cảnh sát Pleasanton xác nhận phương tiện gây tai nạn là dòng VF8 của VinFast.

CBS ngày 20/5 đưa tin chủ nhân chiếc xe là đồng nghiệp của nạn nhân, người không có trong xe vào hôm xảy ra tai nạn. Người này từng gặp phải rắc rối đối với vô lăng và nghĩ rằng đó có thể là nguyên nhân dẫn đến va chạm.

Vào đầu tháng 5/2024, theo tờ báo địa phương Pleasanton Weekly, nhà sản xuất xe điện của Việt Nam xác nhận họ đã biết thông tin về vụ tai nạn.

Tờ này cho biết thêm:

“Các cơ quan chức năng hiện đang điều tra nguyên nhân vụ tai nạn và sẽ công khai những phát hiện của họ khi việc này hoàn tất."


CHRISTOPHER PIKE/BLOOMBERG/GETTY IMAGES
Mẫu xe VF8 của VinFast, ảnh chụp vào tháng 10/2023

Vụ tai nạn trên kéo dài chuỗi rắc rối của VinFast tại thị trường Mỹ trong thời gian gần đây.

Nhà sản xuất xe điện Việt Nam bắt đầu đưa những chiếc xe SUV VF8 sang Mỹ để bán vào đầu năm 2023, nhưng hành trình chinh phục thị trường này đương đầu nhiều thử thách.

TechCrunch cho biết những người trải nghiệm xe chuyên nghiệp thường xuyên chê công ty xe điện của tỷ phú Phạm Nhật Vượng có sản phẩm chất lượng kém.

Tháng 5/2023, công ty quyết định thu hồi toàn bộ lô xe điện đầu tiên xuất khẩu sang Mỹ vào năm 2022. Động thái này diễn ra sau khi NHTSA cho biết 999 xe VF8 của VinFast đã gặp lỗi phần mềm trên màn hình bảng điều khiển khiến thông tin an toàn quan trọng không được hiển thị và “có thể làm tăng nguy cơ tai nạn”.

VinFast từng thông báo khởi công nhà máy sản xuất xe điện tại bang Bắc Carolina vào ngày 28/7/2023. Tuy nhiên, tiến độ xây dựng có vẻ chậm trễ và quy mô cũng đã được điều chỉnh theo hướng giảm xuống.

VinFast cũng đang gặp khó tại Mỹ khi đang đối mặt các vụ kiện với các cáo buộc cung cấp thông tin sai sự thật, bỏ qua các thông tin quan trọng trong các hồ sơ của mình, dẫn đến thiệt hại cho nhà đầu tư, theo thông tin vào ngày 12/4.

Còn có một vụ kiện khác nữa liên quan đến cáo buộc vi phạm bản quyền thép với nguyên đơn là ArcelorMittal, một trong những tập đoàn sản xuất thép đa quốc gia lớn nhất trên thế giới.

ArcelorMittal cáo buộc "VinFast đã chế tạo, sử dụng, chào bán, bán và/hoặc nhập khẩu vào Mỹ" các loại sản phẩm bị cáo buộc vi phạm một hoặc hơn bằng độc quyền sáng chế do tập đoàn này sở hữu.

Ngày 21/5, Reuters thông tin rằng Ủy Ban Thương mại Quốc tế Mỹ (USITC) đang mở cuộc điều tra đối với đơn khiếu nại của ArcelorMittal.

VinFast mới đây đã công bố báo cáo chưa qua kiểm toán về tình hình kinh doanh trong quý 1/2024. Theo đó, công ty lỗ ròng 618,3 triệu USD, mức lỗ này tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2023 và giảm 12,3% so với quý 4 năm 2023.

Trong một bài viết vào tháng 4/2024, hãng tin Reuters cho hay VinFast đã lỗ tổng cộng 5,7 tỷ USD trong ba năm qua và tình trạng này làm gia tăng áp lực lên Vingroup, khiến các nhà đầu tư vào Vingroup lo ngại.

Trong một nỗ lực vượt qua khó khăn, mới đây VinFast đã giới thiệu mẫu xe điện nhỏ gọn giá rẻ VF3. Họ cho biết chỉ sau 66 giờ mở cọc tại Việt Nam, công ty đã nhận được hơn 27.000 đơn đặt cọc xe. Một số đánh giá lạc quan cho rằng đây có thể là nước đi giúp VinFast lật ngược tình thế, nhưng bản thương mại của mẫu xe này vẫn chưa có mặt trên thị trường.

🔝

Bà Trương Thị Mai mất chức, chính trường nhiễu động, từ góc nhìn quốc tế

19 tháng 5 2024, 12:13 +07 - BBC


Từng được đánh giá là nhân vật có nhiều triển vọng, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai đã phải chấm dứt sự nghiệp chính trị vào ngày 16/5

Bà Trương Thị Mai mất chức, Bộ Chính trị bổ sung ủy viên, ông Tô Lâm được giới thiệu làm chủ tịch nước. Những diễn biến kinh thiên động địa trên chính trường Việt Nam tiếp tục thu hút sự quan tâm của báo chí và giới quan sát quốc tế.

Từng được đánh giá là ứng cử viên sáng giá cho vị trí chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai đã phải chấm dứt sự nghiệp chính trị của mình vào ngày 16/5 sau khi Trung ương Đảng kết luận bà có nhiều vi phạm.

Trong một bài viết ngày 17/5 trên The Diplomat, tác giả Sebastian Strangio cho rằng bà Mai mất chức là do chiến dịch chống tham nhũng, còn gọi là “đốt lò”, của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Bình luận về sự kiện này, báo Nikkei Asia đã viết rằng bà Mai “bị buộc thôi chức” chứ không phải “xin thôi” như báo chí Việt Nam đưa tin.

Giáo sư Abuza từ Đại học National War College (Mỹ) nhận định với BBC News Tiếng Việt rằng bà Mai “bị nhắm đến” do bà là một trong ba người đủ tiêu chuẩn để kế nhiệm chức vụ tổng bí thư.

Hiện tại, có hai người đạt đủ các tiêu chuẩn để kế nhiệm chức vụ đứng đầu đảng là Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Công an Tô Lâm.

Ngoài ra, còn khả năng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm tiếp nhiệm kỳ thứ tư.

Trả lời BBC News Tiếng Việt hôm 17/5, Giáo sư Alexander L Vuving từ Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương Daniel K. Inouye cũng đề cập đến các khả năng trên.

“Sự kiện bà Trương Thị Mai từ chức bó hẹp lựa chọn người kế vị cho vị trí đứng đầu Đảng hiện nay là ông Nguyễn Phú Trọng. Hiện chỉ còn hai người đủ tiêu chuẩn trên giấy tờ để kế nhiệm ông Trọng: Đại tướng Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính, cả hai đều có nền tảng từ Bộ Công an,” Giáo sư Vuving nói.

Theo ông, việc chỉ còn hai người kế nhiệm sẽ nâng cao khả năng ông Trọng giữ ghế, làm tiếp nhiệm kỳ thứ tư vô tiền khoáng hậu.

Về khuyết điểm của bà Mai, theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong thời gian giữ cương vị ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Trung ương Đảng, trưởng Ban Dân vận Trung ương, bà đã có một số vi phạm, khuyết điểm trong việc thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và cá nhân.

Điều đáng chú ý ở đây là nội dung báo cáo đã nêu rõ những vi phạm, khuyết điểm của bà Mai xảy ra khi bà nắm giữ cương vị ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Trung ương Đảng, trưởng Ban Dân vận Trung ương, tức từ khoảng năm 2016 đến năm 2021.

Thông báo không đề cập đến giai đoạn bà Mai nắm giữ hai chức vụ quan trọng trong Đảng, là thường trực Ban Bí thư và trưởng Ban Tổ chức Trung ương trong nhiệm kỳ khóa 13.

Việc nêu rõ giai đoạn “mắc khuyết điểm” có phần khác với các thông báo về vi phạm dẫn đến mất chức của ông Võ Văn Thưởng và ông Vương Đình Huệ.

Nhân sự cho hai chức danh trên sẽ đưa quyết định tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa 15 khai mạc vào thứ Hai ngày 20/5.

Thế của ông Tô Lâm


Đại tướng Tô Lâm có thể làm chủ tịch nước kiêm bộ trưởng Công an

“Việc bà Trương Thị Mai từ chức đã tạo thêm áp lực khiến Đại tướng Tô Lâm phải rời Bộ Công an để làm chủ tịch nước,” Giáo sư Vuving nhận định hôm 17/5.

Nhận định này của Giáo sư Vuving đã khớp với diễn biến sau đó, khi Trung ương Đảng chính thức giới thiệu ông Tô Lâm cho vị trí này vào hôm 18/5.

Đánh giá với BBC Tiếng Việt trong thời gian gần đây, một số nhà quan sát cho rằng việc giữ chức chủ tịch nước từ nay cho đến Đại hội 14 (đầu năm 2026) sẽ tạo bước đệm để Đại tướng Tô Lâm có thể tiếp quản ghế tổng bí thư.

Bởi lẽ, khi đã vào “Tứ Trụ”, ông sẽ có suất đặc biệt tại Đại hội 14 để tái cử.

Tuy nhiên, có một điểm mà các nhà quan sát cũng đánh giá với BBC, đó là một khi làm chủ tịch nước, ông Tô Lâm có thể được miễn nhiệm chức danh bộ trưởng Bộ Công an.

Có nghĩa rằng, về cơ bản ông sẽ không có quyền điều hành các hoạt động điều tra như trước đây nữa và điều này sẽ gây bất lợi cho ông, trong bối cảnh chính trường ngày càng nóng bỏng ở giai đoạn tiền Đại hội 14.

Đây chính là thế lưỡng nan của Đại tướng Tô Lâm. Và có lẽ đây chính là điều đã khiến cho việc tìm người kế nhiệm ông Tô Lâm ở vị trí bộ trưởng Bộ Công an chưa được “thông suốt”.

Vào sáng 19/5, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết tại kỳ họp 7 (diễn ra từ ngày 20/5), Quốc hội sẽ bầu chức danh chủ tịch nước đối với ông Tô Lâm. Tuy nhiên, Quốc hội sẽ không thực hiện quy trình miễn nhiệm chức danh bộ trưởng Công an đối với ông và cũng chưa phê chuẩn nhân sự bộ trưởng Công an thay thế ông Tô Lâm.

Như vậy, theo lời ông Cường, Việt Nam sẽ có một chủ tịch nước kiêm bộ trưởng Công an, ít nhất là trong thời gian trước mắt.

Đó sẽ là một vị trí siêu quyền lực của vị đại tướng công an, và điều này, dù trong ngắn hạn hay dài hạn, sẽ càng củng cố hình ảnh “nhà nước công an trị” như đánh giá của các nhà phân tích nước ngoài.

Cán cân quyền lực


Nhiều nhà quan sát đánh giá rằng chỉ có quân đội mới có thể làm đối trọng để kiểm soát quyền lực của Bộ Công an

Sau khi bà Trương Thị Mai thôi chức, ông Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, được phân công làm thường trực Ban Bí thư.

Ông Lương Cường cũng là Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương - cơ quan lãnh đạo mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với quân đội.

Ông Lương Cường có trình độ chuyên môn là cử nhân xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước và từng có thời gian học bồi dưỡng cán bộ cấp cao tại Trung Quốc (12/2011 và 11/2013).

Việc ông Lương Cường nắm giữ chức vụ thường trực Ban Bí thư - một vị trí mà nếu xét quyền lực về mặt đảng thì chỉ xếp sau tổng bí thư - được đánh giá sẽ cân bằng lại cán cân quyền lực giữa lực lượng công an và lực lượng quân đội.

“Việc thăng cấp thường trực Ban Bí thư cho Đại tướng Lương Cường giúp điều chỉnh lại cán cân quyền lực trong nhóm lãnh đạo cao nhất của Đảng, đặc biệt là giữa hai lực lượng vũ trang của Đảng – đó là công an và quân đội,” Giáo sư Vuving bình luận với BBC.

Giáo sư Abuza có ý kiến tương tự:

“Tôi không nghĩ rằng ông Trọng có thể kiểm soát được tình hình vào lúc này. Hiện chỉ còn một đối trọng đối với Bộ Công an là quân đội.”

Trong bài viết ngày 17/5 trên The Diplomat, ông Sebastian Strangio bình luận:

“Việc bổ nhiệm ông Cường cho thấy dàn lãnh đạo càng bị thống trị bởi quân đội và Bộ Công an, cơ quan được giao trách nhiệm chính trong công cuộc chống tham nhũng.”

Giáo sư Abuza cũng đã nhiều lần nhắc tới thẩm quyền điều tra của Bộ Công an và ông Tô Lâm. Giáo sư cho rằng ông Tô Lâm đã tận dụng điều này, cũng như sử dụng chiến dịch đốt lò, để hạ bệ các đối thủ chính trị.

Sau khi Đại tướng Lương Cường nhận chức vụ mới, ông Abuza đặt ra một vấn đề mới:

“Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng có hệ thống điều tra, xét xử và chống tham nhũng riêng.”

“Chúng ta không biết liệu Bộ Quốc phòng có sử dụng bộ máy điều tra đó để điều tra Bộ Trưởng Tô Lâm và gia đình ông ta hay không nếu tình hình diễn biến xấu đi và người ta thấy rằng cần kiểm soát ông Tô Lâm.”

Nói về vị tân thường trực Ban Bí thư, Giáo sư Carl Thayer, một nhà quan sát chính trị Việt Nam lâu năm, đề cập tới một khía cạnh khác.

“Trong khi các nhà quan sát nước ngoài đánh giá rằng Việt Nam ngày càng nghiêng về phía Trung Quốc, không ai nói tới Bộ Quốc phòng Việt Nam cả.”

“Xét tới điều này là vô cùng quan trọng. Nhân sự của Bộ Quốc phòng trong Ban Chấp hành Trung ương lớn hơn so với nhân sự của Bộ Công an.”

“Khả năng cao là họ sẽ không ủng hộ những động thái có thể gây thêm bất ổn vào lúc này.”

Ở đây ông Thayer đang nói tới các ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Cụ thể, Bộ Quốc phòng có 23 ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trong đó có hai ủy viên Bộ Chính trị. Bộ Công an có 6 ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trong đó có một ủy viên Bộ Chính trị.

Ở đây chỉ xét những người đang công tác trong các lực lượng vũ trang, không kể những người đã chuyển ngành.

Cán cân trên phần nào cho thấy tầm quan trọng của Bộ Quốc phòng trong cấu trúc quyền lực của Việt Nam.

Nỗi lo của Đảng

Sau khi bà Mai thôi chức, số lượng ủy viên Bộ Chính trị giảm từ 13 xuống 12 người.

Tại Hội nghị Trung ương 9 diễn ra từ ngày 16 đến 18/5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 đã bầu bổ sung 4 ủy viên Bộ Chính trị, gồm:

Ông Lê Minh Hưng, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng;

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương;

Bà Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương;

Ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Nhìn vào những thay đổi này, ông Sebastian Strangio nêu nhận định trong bài viết trên The Diplomat:

“Mức độ thay đổi [nhân sự] chưa từng có ở thượng tầng Đảng Cộng sản Việt Nam báo hiệu rằng ban lãnh đạo được bầu ra tại Đại hội Đảng 14 sẽ rất khác so với nhóm lãnh đạo nhậm chức vào năm 2021 [thời điểm diễn ra Đại hội Đảng 13].”


Bốn nhận sự mới của Bộ Chính trị, từ trái qua lần lượt là: ông Nguyễn Trọng Nghĩa, bà Bùi Thị Minh Hoài, ông Lê Minh Hưng và ông Đỗ Văn Chiến.

Giáo sư Thayer nhận xét rằng điều này có thể giúp mang lại những tiếng nói và quan điểm mới tới Bộ Chính trị.

Trong khi đó, Giáo sư Abuza cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy Đảng đang rất lo lắng “về công tác huy động quần chúng và sự kiểm soát của Đảng”.

“Nếu nhìn vào bốn thành viên mới, bạn sẽ thấy Đảng đang thực sự quan ngại về công tác huy động quần chúng và sự kiểm soát của Đảng.”

“Thế là họ đưa người đứng đầu Ban Dân vận Trung ương vào, họ đưa người đứng đầu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vào, rồi họ đưa trưởng ban Tuyên giáo Trung ương vào. Bản thân trưởng ban Tuyên giáo là một cựu sĩ quan quân đội từ Tổng cục Chính trị,” ông Abuza bình luận với BBC.

Tức là có ba trong số bốn người (ngoại trừ ông Lê Minh Hưng) là từ Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận và Mặt trận Tổ quốc.

Ông Abuza cho rằng ba người này đều không có nhiều kinh nghiệm trong quản lý nhà nước hay trong lĩnh vực kinh tế.

Do được bổ nhiệm vào giữa nhiệm kỳ, bốn người nói trên đều không đạt yêu cầu của Quy Định 214-QĐ/TW để nắm giữ những chức vụ trong “Tứ trụ” khi nhiệm kỳ hiện tại kết thúc.

“Họ chỉ có thể hi vọng rằng mình sẽ được bầu vào Bộ Chính trị một lần nữa,” Giáo sư Carl Thayer nhận xét.

Hành chính trì trệ, ngoại giao trục trặc


Có những đánh giá cho rằng tình hình chính trị Việt Nam đang gây ảnh hưởng tới nền kinh tế và hoạt động ngoại giao

Ông David Hutt, nhà nghiên cứu từ Viện Trung Âu về Nghiên cứu châu Á (CEIAS), có một bài viết đăng tải ngày 17/5 trên The Diplomat, trong đó cho rằng chiến dịch chống tham nhũng là một cách để Đảng chứng minh tính chính danh.

“Đối với ông Trọng, cũng như ông Hồ Chí Minh, Đảng phải là lực lượng ‘có đạo đức’, phải được người dân tôn trọng vì những lý do khác ngoài lợi ích kinh tế.”

Tuy nhiên, chiến dịch “đốt lò” có thể đã gây những ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế. Ông Hutt viết:

“Vấn đề bây giờ là liệu điều này [chiến dịch đốt lò] có làm suy yếu nền kinh tế hay không. Nhiều người nói là có.

“Quan chức bây giờ đang trì hoãn các quyết định quan trọng vì sợ bị khiển trách về việc làm thất thoát tiền nhà nước.”

Mới đây, Reuters đã trích dẫn một bức thư của Liên Hợp Quốc, Ngân hàng Thế giới và các nhà tài trợ phương Tây gửi tới chính phủ Việt Nam.

Bức thư nêu rõ Việt Nam đã bỏ lỡ ít nhất 2,5 tỷ USD viện trợ nước ngoài trong ba năm qua và có thể mất thêm 1 tỷ USD nữa do những trì trệ của bộ máy hành chính.

Nội dung bức thư cho thấy sự thất vọng của các nhà đầu tư nước ngoài với những rào cản pháp lý và các thủ tục phê duyệt kéo dài ở Việt Nam.

"Khoảng 1 tỷ USD tiền tài trợ cho phát triển đang chờ được phê duyệt, 2,5 tỷ USD đã được hoàn trả do hết hạn tài trợ,” bức thư viết.

Theo hai quan chức nước ngoài được Reuters phỏng vấn, những yếu tố trên liên quan trực tiếp tới chiến dịch “đốt lò” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Đánh giá này tương đồng với ý kiến của của một số chuyên gia mà BBC đã phỏng vấn trong thời gian gần đây, sau một loạt các vụ từ chức của lãnh đạo cấp cao tại Việt Nam.

Về vấn đề này, văn phòng Thủ tướng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam hiện chưa phản hồi yêu cầu bình luận của Reuters.

Bất ổn chính trị ở Việt Nam cũng được cho là đã có tác động tới các hoạt động ngoại giao.

Hôm 15/5, Tiến sĩ Ian Storey, học giả của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) đặt tại Singapore, nhận định với BBC News Tiếng Việt rằng:

“Tôi cho rằng với tình hình chính trị bất ổn ở Việt Nam hiện nay, Hà Nội sẽ nói với Moscow rằng đây không phải là thời điểm thích hợp để ông Putin ghé thăm.

Trong tháng 5, chuyến thăm dự kiến của một quan chức EU cũng đã bị hoãn.

Còn hồi tháng 3, nhà nước Việt Nam đã đột ngột hủy chuyến thăm của Vua và Hoàng hậu Hà Lan, chỉ vài ngày trước khi chuyến thăm dự kiến diễn ra. Phía Việt Nam chỉ nêu hoãn vì “lý do nội bộ”, nhưng sau đó hóa ra chuyện nội bộ này là sự kiện Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng mất chức.

🔝

Đại tướng Tô Lâm và ông Trần Thanh Mẫn được Đảng chốt vào 'Tứ Trụ'

2024-05-18 - BBC

BBC-05-01
Ông Trần Thanh Mẫn và Đại tướng Tô Lâm được Ban Chấp hành Trung ương giới thiệu vào "Tứ Trụ"

Hội nghị lần 9 của Trung ương Đảng đã quyết định giới thiệu nhân sự để bầu chủ tịch nước và chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021 - 2026, thay cho ông Võ Văn Thưởng và ông Vương Đình Huệ. Hai ông Tô Lâm và Trần Thanh Mẫn đã được chọn.

Sau khi ông Võ Văn Thưởng rời ghế chủ tịch nước vào tháng 3 thì bà Võ Thị Ánh Xuân giữ quyền chủ tịch nước.

Còn đối với Quốc hội, sau khi ông Vương Đình Huệ xin thôi chức vào khoảng cuối tháng 4 thì Phó Chủ tịch thường trực Trần Thanh Mẫn được phân công điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.

Tại Hội nghị Trung ương 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã cho ra hai cái tên:

Theo Luật Tổ chức Quốc hội 2014, Quốc hội là cơ quan bầu ra nhiều vị trí trong bộ máy nhà nước, trong đó có ba chức danh trong "Tứ Trụ":

Quốc hội cũng phê chuẩn các chức danh trong chính phủ (chẳng hạn bộ trưởng) theo đề xuất của thủ tướng.

Sau khi Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã được giới thiệu để làm chủ tịch nước, thì vị trí bộ trưởng mà ông để lại cũng cần Quốc hội phê chuẩn.

Trên thực tế, với cơ chế Đảng lãnh đạo toàn diện, các sắp xếp trong Đảng Cộng sản Việt Nam được coi là quyết định và việc bỏ phiếu tại Quốc hội là bước hợp thức hóa sự sắp xếp ấy của Đảng, bao gồm cả việc bầu hay miễn nhiệm các chức vụ.

Như vậy, trong cuộc họp thường kỳ lần 7 của Quốc hội khóa 15 sẽ khai mạc vào 20/5, hầu như chắc chắn ông Tô Lâm và ông Trần Thanh Mẫn sẽ chính thức được bầu vào "Tứ Trụ", đồng thời có khả năng công bố người thay thế ông Tô Lâm ở vị trí bộ trưởng Công an.

Đại tướng Tô Lâm


Nhiều nhà quan sát cho rằng Đại tướng Tô Lâm có tham vọng trở thành tổng bí thư, nhưng để làm được điều này, ông cần phải vào "Tứ Trụ" trước

Theo các chuyên gia, việc bà Trương Thị Mai từ chức đã tạo thêm áp lực lên Đại tướng Tô Lâm theo hướng ông sẽ rời Bộ Công an để làm chủ tịch nước.

Giáo sư Alexander L Vuving, Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye (Hoa Kỳ), nói với BBC News Tiếng Việt rằng việc bà Trương Thị Mai được Đảng cho thôi khiến việc chọn người kế nhiệm chức tổng bí thư bị bó hẹp.

"Hiện chỉ còn hai người đủ tiêu chuẩn trên giấy tờ để kế nhiệm ông Trọng: Đại tướng Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính, cả hai đều có nền tảng từ Bộ Công an. Điều này sẽ làm tăng cơ hội để ông Trọng làm nhiệm kỳ tổng bí thư thứ tư liên tiếp, chưa từng có tiền lệ, nếu ông còn sống.

"Việc thăng cấp thường trực Ban Bí thư cho Đại tướng Lương Cường giúp điều chỉnh lại cán cân quyền lực trong nhóm lãnh đạo cao nhất của Đảng, đặc biệt là giữa hai lực lượng vũ trang của Đảng – đó là công an và quân đội," theo GS Vuving.

Về việc ông Tô Lâm trở thành chủ tịch nước, Tiến sĩ Bill Hayton trên trang web của Chatham House (Viện nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh) viết rằng Việt Nam sẽ càng tô đậm ấn tượng về một nhà nước “công an trị”.

Bởi lẽ, khi đó “Tứ Trụ” sẽ có hai người đi lên từ ngành công an là ông Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Tính cả ông Chính và ông Lâm thì Bộ Chính trị có 5 nhân vật xuất thân từ công an.

Một số nhà quan sát nói với BBC rằng, trở thành chủ tịch nước là "bàn đạp" để ông Tô Lâm có thể củng cố quyền lực để trở thành tổng bí thư trong tương lai.

Ông Tô Lâm hiện đã giữ chức bộ trưởng Công an hai nhiệm kỳ và không thể tiếp tục thêm một nhiệm kỳ nữa, theo Điều 41 Nghị định 138/2020/NĐ-CP.

Nếu không vào "Tứ Trụ", ông Tô Lâm sẽ phải về hưu vào 2026, nhưng Quy định 214 của Bộ Chính trị có xét "trường hợp đặc biệt" đối với các chức danh "Tứ Trụ".

Chưa kể, xét các đời tổng bí thư từ sau Đổi mới tới nay, có thể thấy một thông lệ rằng các vị này đều đã nắm chức vụ trong "Tứ Trụ" hoặc là thường trực Ban Bí thư (trường hợp Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và Lê Khả Phiêu).

Giáo sư Carl Thayer từng thông tin rằng, vào năm 2023, khi Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc từ chức, ông Tô Lâm đã từng ứng cử vào chức vụ này, nhưng ông Võ Văn Thưởng là người được bầu.

Hiện ông Tô Lâm không phải là "Tứ Trụ" cũng như không là thường trực Ban Bí thư. Vì vậy, nếu ông Tô Lâm trở thành tổng bí thư vào năm 2026 là một sự "vượt cấp", theo nhận định của một nhà quan sát giấu tên từ Hà Nội.

Chính vì vậy, một khi Đại tướng Tô Lâm làm chủ tịch nước, ông sẽ có cơ hội cao hơn để kéo dài sự nghiệp chính trị của mình vào Đại hội Đảng 14, khi ông đã quá 65 tuổi.

Giáo sư Thayer đánh giá với BBC rằng tham vọng trở thành tổng bí thư của ông Tô Lâm không hoàn toàn thuận lợi, vì có vẻ ông không giành được sự ủng hộ cao từ các đồng chí của mình.

Bằng chứng là trong cuộc bỏ phiếu đối với 44 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn hồi năm ngoái, ông Lâm có số phiếu “tín nhiệm cao” khá thấp (kém người đứng đầu là Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang tới hơn 100 phiếu), trong khi nhận được nhiều phiếu “tín nhiệm thấp”.


Đại tướng Tô Lâm dính bê bối khi tham dự bữa tiệc thịt bò dát vàng của đầu bếp Salt Bae tại London trong bối cảnh đất nước đang chống dịch Covid năm 2021

Ông Tô Lâm có một số vụ việc mà các đối thủ chính trị có thể khoét sâu vào.

Hồi năm 2021, trong chuyến công tác tới Anh, ông từng có mặt tại bữa tiệc thịt bò dát vàng của đầu bếp Salt Bae tại London, sự kiện gây chú ý cả trong nước lẫn quốc tế trong bối cảnh đất nước đang chống dịch Covid-19.

Vụ này không được truyền thông trong nước đưa tin, cũng như ông Tô Lâm không phải chịu bất kỳ kỷ luật, phê bình công khai nào về mặt đảng và chính quyền. Tuy nhiên, một số nhà quan sát đánh giá rằng danh tiếng và hình ảnh ông có thể đã bị ảnh hưởng.

Ở cương vị bộ trưởng Bộ Công an, công việc của Tô Lâm không phải đối ngoại nhiều nhưng nếu trở thành chủ tịch nước, ông sẽ đại diện nhà nước Việt Nam trong công tác đối ngoại, chẳng hạn đón các nguyên thủ quốc gia hoặc thực hiện các chuyến công du cấp nhà nước đến các quốc gia khác.

Nhiều nhà quan sát độc lập và chính trị gia nước ngoài cho rằng ông Tô Lâm có vai trò trong vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh tại Đức hồi năm 2017, vụ việc đã gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao cho Việt Nam.

Điều này sẽ khiến ông bất lợi trong quan hệ đối ngoại khi ông nắm giữ cương vị chủ tịch nước.


Chụp lại video, 'Tứ Trụ' Việt Nam: Vị trí nào cho đại tướng Tô Lâm? ▶️

Ông Trần Thanh Mẫn là trường hợp ngoại lệ

Về các chức danh trong "Tứ Trụ", theo Quy định 214-QĐ/TW của Bộ Chính trị, để đạt tiêu chuẩn làm chủ tịch nước và/hoặc chủ tịch Quốc hội, cá nhân cần tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên.

Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức Quốc hội 2014 thì quy định chủ tịch nước và chủ tịch Quốc hội đều phải là đại biểu Quốc hội.

Ông Trần Thanh Mẫn thỏa mãn điều kiện của luật và hiến pháp nhưng ông chưa tham gia trọn một nhiệm kỳ Bộ Chính trị. Vì vậy, việc ông được Đảng giới thiệu vào chức danh chủ tịch Quốc hội cho thấy ông là "trường hợp đặc biệt".

Quy định 214 nêu rằng Ban Chấp hành Trung ương có thể xem xét trường hợp đặc biệt đối với các chức danh trong "Tứ Trụ".

Theo đánh giá của Giáo sư Carl Thayer, một nhà quan sát chính trị Việt Nam lâu năm, việc ông Mẫn làm chủ tịch Quốc hội được coi là giải pháp trước mắt để chờ tới Đại hội Đảng lần thứ 14 vào đầu năm 2026.

Về vùng miền, ông Mẫn là một trong ba ủy viên Bộ Chính trị hiếm hoi từ miền Nam. Vì vậy, nếu ông Mẫn vào "Tứ Trụ" thì có thể cơ cấu vùng miền sẽ được đảm bảo.


Ông Trần Thanh Mẫn đi lên từ hệ thống Đoàn và Đảng, là chính khách hiếm hoi từ miền Nam trong Bộ Chính trị

Sau khi chọn ông Mẫn cho vị trí chủ tịch Quốc hội, Quốc hội Việt Nam cần bầu thêm phó chủ tịch Quốc hội thường trực thay cho ông.

Ông Trần Thanh Mẫn sinh năm 1962, quê ở Hậu Giang, là tiến sĩ kinh tế, cử nhân chính trị.

Ông là ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng khóa 10; ủy viên Trung ương Đảng khóa 11, 12 và 13; bí thư Trung ương Đảng khóa 12; đại biểu Quốc hội các khóa 13, 14 và 15.

Ông Mẫn vào Bộ Chính trị vào tháng 1/2021 và được bầu làm phó chủ tịch thường trực Quốc hội vào 4 cùng năm tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa 14.

Đầu tháng 5/2024, ông được phân công điều hành Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội sau khi ông Vương Đình Huệ bị miễn nhiệm.

Chủ tịch nước có quyền gì?

Nhiệm vụ và quyền hạn của chủ tịch nước được quy định tại Điều 88 Hiến pháp 2013, bao gồm một vài điểm chính như sau:

Bên cạnh đó, chủ tịch nước là người ký các quyết định đặc xá, ân xá cho tù nhân.

Tháng 8/2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã ký các quyết định: đặc xá cho 2.438 người; ân giảm án tử hình xuống tù chung thân cho 10 bị án.

Tháng 12/2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã ký quyết định ân giảm hình phạt tử hình xuống tù chung thân cho 18 bị án có đơn xin ân giảm gửi chủ tịch nước.

Vị trí này chính thức được coi là nguyên thủ quốc gia, dù trên thực tế gần đây thì người đóng vai trò “nguyên thủ quốc gia” trong nhiều hoạt động ngoại giao quan trọng, chẳng hạn như đối thoại và tiếp các nguyên thủ quốc gia nước ngoài, là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.


Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tham dự lễ đón do Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng chủ trì tại Hà Nội vào ngày 10 tháng 9 năm 2023

Chủ tịch Quốc hội có quyền gì?

Nhiệm vụ và quyền hạn của chủ tịch Quốc hội được quy định tại Điều 72 Hiến pháp 2023 và nêu chi tiết tại Điều 64 Luật Tổ chức Quốc hội 2014, bao gồm một vài điểm chính như sau:

Tuy không thể nói rằng chức vụ chủ tịch Quốc hội là không quan trọng, chức vụ này cơ bản xoay quanh việc “chủ tọa”, “tổ chức” và “chứng thực” các hoạt động/nghị quyết của Quốc hội.

Khác với thủ tướng là thủ trưởng của các lãnh đạo bộ ngành, cơ quan thuộc chính phủ, chủ tịch Quốc hội không phải là thủ trưởng của các đại biểu Quốc hội.

🔝

Vì sao ông Putin thay Bộ trưởng Quốc phòng ‘trung thành’ bằng một nhà kinh tế?

2024-05-14 - BBC


Tổng thống Nga Vladimir Putin đã quyết định đưa ông Sergei Shoigu (phải), người được coi là thân cận lâu năm, rời khỏi ghế Bộ trưởng Quốc phòng

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 13/5 đã bất ngờ thay Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu, vài ngày sau khi tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ năm.

Ngồi vào chiếc ghế của ông Shoigu là Phó thủ tướng thứ nhất Andrei Belousov, trợ lý cho tổng thống Nga về các vấn đề kinh tế và chịu trách nhiệm chủ yếu về lĩnh vực dân sự.

Cải tổ nội các là một phần công việc khi tổng thống bắt đầu nhiệm kì mới, nhưng việc ông Shoigu, người chỉ huy cuộc chiến ở Ukraine, đồng thời cũng là một người bạn thân của Tổng thống Vladimir Putin rời ghế đã khiến giới quan sát quốc tế ngạc nhiên.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nói việc ông Putin thay Bộ trưởng Quốc phòng cho thấy lãnh đạo Nga "tuyệt vọng" vì phải trả giá đắt cho cuộc chiến ở Ukraine.

Trong khi đó, Điện Kremlin lý giải rằng chiến trường hiện nay cần "những người cởi mở hơn với những đổi mới và sẵn sàng đổi mới theo cách nhanh nhất có thể".

Cuộc cải tổ nội các

Biên tập viên Steve Rosenberg của BBC News Tiếng Nga cho rằng việc ông Sergei Shoigu rời chức Bộ trưởng Quốc phòng đáng chú ý ở nhiều khía cạnh hơn nữa.

Thứ nhất, bất kể ai ngồi vào bàn nội các của Nga thì chỉ có một người đưa ra những quyết định then chốt về đất nước - Tổng thống Putin.

Ở nước Nga hiện đại, toàn bộ hệ thống chính trị được xây dựng xoay quanh ông Putin. Điều này đáng để lưu ý khi xem xét ai sẽ nắm quyền và ai sẽ rời chức vụ trong chính phủ Nga. Chính sách trung ương khó có khả năng thay đổi.

Thứ hai, xét cho cùng, cải tổ là một điều hiếm thấy ở Nga, ít nhất là đối với những chính trị gia nổi bật nhất.

Hãy lấy ông Sergei Lavrov, ngoại trưởng kỳ cựu của Nga làm ví dụ. Ông Lavrov đã làm Bộ trưởng Ngoại giao được 20 năm, còn ông ông Sergei Shoigu đã giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng được 12 năm (trong thời gian đó, Vương quốc Anh đã có tới 6 Bộ trưởng Quốc phòng).

Thứ ba, ông Shoigu được coi là nhân vật thân cận của Tổng thống Putin.

Thân với ông Putin, đi câu cá, đi săn, thậm chí còn đi hái nấm cùng nhau, nhưng không việc nào trong số đó đảm bảo ông Shoigu giữ được chiếc ghế của mình.

Dù không còn giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng, ông Shoigu cũng không bị coi là người thừa. Ông sẽ đứng đầu Hội đồng An ninh Nga thay cho ông Nikolai Patrushev có tư tưởng diều hâu.

Nhưng sự kiện này trông không có vẻ như một màn thăng chức.


Ông Putin và ông Shoigu từng đi câu cá cùng nhau trong khoảng thời gian chưa nhiều rối ren. AFP

Nhưng nó không hoàn toàn gây ngạc nhiên.

Có rất nhiều tin đồn rằng ông Sergei Shoigu có thể bị gạt ra rìa. Một trong những cấp phó của ông, Timur Ivanov, gần đây đã bị bắt vì tội tham nhũng.

Hơn nữa, việc thay ông Shoigu bằng một nhà kinh tế là điều hợp lý nếu xét đến số tiền khổng lồ mà chính quyền Nga đã đổ vào cuộc chiến ở Ukraine.

Chi tiêu quốc phòng ở Nga đã tăng lên tới khoảng 7% GDP. Càng ngày càng có cảm giác là nền kinh tế Nga đang bị đặt vào tình trạng chiến tranh.

Cho nên có một người Bộ trưởng Quốc phòng hiểu biết về tài chính, lập kế hoạch kinh tế hiệu quả - và cũng không liên quan đến các cáo buộc tham nhũng đang bị điều tra hiện tại - là hợp lý.

Nhưng điều thú vị là ông Putin đã chọn thời điểm này để thực hiện sự thay đổi. Ông Putin đã đứng về phía ông Shoigu năm 2022 khi Nga đang gặp thất bại trên chiến trường Ukraine.

Nhà lãnh đạo Nga cũng đứng về phía ông Shoigu năm 2023 trong khi ông này có mâu thuẫn công khai với cố chỉ huy tập đoàn lính đánh thuê Wagner, Yevgeny Prigozhin, người đã cáo buộc ông Shoigu tham nhũng và yêu cầu sa thải ông.

Giờ đây, khi Nga tuyên bố đã nắm thế chủ động trên chiến trường thì người đứng đầu Điện Kremlin lại thay thế Bộ trưởng Quốc phòng. Điều đó một lần nữa cho thấy Tổng thống Vladimir Putin không thích hành động áp lực. Ông Putin đưa ra quyết định vào thời điểm ông ta lựa chọn.


Ông Putin nhậm chức tại Điện Kremlin vào ngày 7/5, đánh dấu nhiệm kỳ thứ 5 ông lãnh đạo nước Nga

Vì sao ông Putin đang quyền lực hơn bao giờ hết?

Tổng thống Putin đã bước vào được nhiệm kỳ tổng thống thứ năm với tỷ lệ phiếu bầu kỷ lục 87% trong cuộc bầu cử hồi tháng Ba, mở đường cho ông lãnh đạo đất nước ít nhất cho đến năm 2030.

Trong bài phát biểu sau khi có kết quả bầu cử, ông Putin nói rằng chiến thắng của mình sẽ tạo điều kiện để nước Nga thịnh vượng bằng cách trở nên "mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn".

Ông Putin, 71 tuổi, người lần đầu tiên trở thành tổng thống vào năm 1999 - là nhà lãnh đạo tại nhiệm lâu nhất của Nga kể từ thời Joseph Stalin, và giờ đây có thể vượt qua kỷ lục của nhà độc tài Liên Xô này.

Mặc dù rất nhiều binh lính Nga đã chết trong cuộc chiến hiện đã bước sang năm thứ ba ở Ukraine và Nga bị phương Tây cô lập, có ba lý do khiến Putin được cho là quyền lực hơn bao giờ hết.

“Ông Putin biết cách ngăn chặn mọi hình thức thảo luận chính trị trong nước, và đã loại bỏ được các đối thủ chính trị của mình”, Andrei Soldatov, một nhà báo người Nga đang sống lưu vong ở London giải thích.

Những mối đe dọa thực sự đối với vị trí của Tổng thống Putin đã bị bỏ tù, bị tiêu diệt hoặc bị loại bỏ theo một cách nào đó, mặc dù Điện Kremlin phủ nhận mọi liên quan.

Chỉ một tháng trước khi cuộc bầu cử 2024 bắt đầu, đối thủ mạnh nhất của ông Putin, Alexei Navalny, 47 tuổi, đã chết trong trại giam nằm gần Vành đai Bắc Cực.

Năm ngoái, thủ lĩnh của tập đoàn đánh thuê tư nhân Wagner, Yevgeny Prigozhin, đã chết trong một vụ tai nạn máy bay chỉ vài tháng sau một âm mưu "nổi loạn" kịch tính.

Năm 2015, một nhà phê bình và chính trị gia cứng rắn, Boris Nemtsov, đã bị bắn chết trên một cây cầu gần Điện Kremlin.

Năm 2006, một nhà báo chỉ trích kịch liệt cuộc chiến ở Chechnya, Anna Politkovskaya, được phát hiện bị bắn chết trong một căn hộ ở Moscow.

“Thật đáng sợ khi sống ở một đất nước nơi có các nhà báo bị giết, các chính trị gia và nhà hoạt động bị giết và bỏ tù”, ông Soldatov nói.

Ông Putin cũng đã cố kiểm soát việc bất đồng quan điểm trong dân chúng. Kể từ năm 2022, sau cuộc xâm lược Ukraine, Điện Kremlin đã đưa ra luật kiểm duyệt mới nhằm trấn áp tư tưởng chống chính phủ, với những tội danh mới như "làm mất uy tín của quân đội Nga" có thể bị phạt tới 5 năm tù.


Được coi là người chỉ trích Tổng thống Vladimir Putin gay gắt nhất, ông Alexei Navalny, đã chết đột ngột trong nhà tù ở Vành đai Bắc Cực hồi tháng 2/2024

Trong cuộc họp báo sau khi tái đắc cử, Tổng thống Putin tuyên bố sẽ tiếp tục tấn công Ukraine.

Hiện đã bước sang năm thứ ba, cuộc chiến này không còn là một chiến thắng nhanh như nhiều người ở Nga mong đợi, nhưng Tiến sĩ Ekaterina Schulmann, một nhà khoa học chính trị người Nga tại Berlin, cho rằng ông Putin đang lợi dụng cuộc chiến để làm lợi cho mình.

“Khi bắt đầu, dự kiến cuộc chiến sẽ diến ra giống như mô hình Crimea với quy mô lớn hơn, nhưng rõ ràng cái điện Kremlin gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” không ngắn hay không đổ máu, mà nó ảnh hưởng đến cách người Nga nhìn nhận về bản thân họ, về thế giới bên ngoài và nhà lãnh đạo của mình,” bà nói.

Nhà báo Soldatov đồng tình và tin rằng với sự ủng hộ cho cuộc chiến ở Nga đang giảm sút, Putin đã thay đổi giọng điệu.

“Bây giờ đây không còn là cuộc chiến với Ukraine mà thay vào đó là cuộc chiến với phương Tây, và điều này khiến nhiều người Nga cảm thấy tự hào vì quân đội của họ không chỉ tấn công một nước nhỏ mà thay vào đó vẫn trong cuộc chiến chống lại một đối thủ lớn hơn nhiều," ông phân tích.

Trong bài phát biểu thường niên trước người dân vào ngày 29/2, ông Putin cảnh báo phương Tây không nên gửi quân tới Ukraine và nói rằng Nga cần tăng cường phòng thủ khi Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO.


Cuộc chiến Ukraine-Nga đã bước sang năm thứ ba

Bất chấp mức độ trừng phạt chưa từng có đối với Nga sau khi nước này xâm lược Ukraine, quốc gia này đã khiến nhiều nhà kinh tế choáng váng khi trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở châu Âu.

Phóng viên kinh doanh của BBC Tiếng Nga, Alexey Kalmykov, cho biết: “Nền kinh tế đang vận hành tốt, xét trên mọi khía cạnh, và đã khiến ông Putin được lòng dân vì một lần nữa ông thể hiện mình là người đã thách thức phương Tây trong cuộc tấn công lớn vào nền kinh tế Nga”.

Thay vì rơi vào suy thoái như nhiều người dự đoán, nền kinh tế Nga đã tăng trưởng 2,6% theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây, bao gồm việc đóng băng khối tài sản trị giá 300 tỷ USD.

Nhưng những biện pháp trừng phạt này chưa được áp dụng trên toàn cầu, khiến Nga có thể giao thương tự do với các nước như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil trong khi các quốc gia láng giềng, bao gồm Kazakhstan và Armenia, đang giúp Nga lách các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Tiến sĩ Schulmann cho biết mặc dù hàng hóa “có giá cao gấp bốn lần” so với trước đây nhưng luôn sẵn có, điều mà bà đánh giá là quan trọng hơn.

"Người Nga đã quen với việc giá cả tăng cao. Nỗi lo sợ chính của người Nga không phải là lạm phát mà là thâm hụt. Thiếu hàng hóa trên kệ là nỗi kinh hoàng cuối thời Xô Viết".


Kinh tế Nga đang phát triển ổn định dù chịu áp lực từ các lệnh trừng phạt và ngày càng ít phụ thuộc vào xuất khẩu dầu và khí đốt

Mặc dù ông Putin dường như quyền lực hơn bao giờ hết nhưng Tiến sĩ Schulmann cảnh báo rằng điều này cuối cùng cũng phải chấm dứt.

Nhờ sửa đổi hiến pháp Nga năm 2020 trong cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc, ông Putin được phép phục vụ ít nhất hai nhiệm kỳ sáu năm nữa, điều này có thể khiến ông trở thành tổng thống cho đến năm 2036 - khi đó ông sẽ 83 tuổi.

“Tôi không nghĩ rằng khả năng ông Putin nghỉ hưu là có thể xảy ra”, bà nói. “Lý tưởng nhất là ông ấy cần phải qua đời trong lúc tại vị và được kế nhiệm bởi những người có cùng tư duy chuyên quyền”.

Nhưng bà cũng cho rằng kịch bản đó có thể không xảy ra. Chuyên gia này nói rằng hệ thống của Nga đang "lão hóa" và "được lãnh đạo bởi một người không ngày càng trẻ hơn, mạnh mẽ hơn hay kiên cường hơn", đồng thời kết luận tất cả "sự ổn định tập trung vào một người" mà "không thể sống mãi".

Chuyến thăm Việt Nam

Reuters cuối tuần rồi đưa tin Bộ Ngoại giao Việt Nam đã hoãn cuộc họp vào tuần tới với một quan chức hàng đầu của EU, làm gia tăng thêm nhận định về khả năng Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể đến Hà Nội trong những ngày sắp tới.

Chuyến đi của ông David O'Sullivan, đặc phái viên chuyên về các lệnh trừng phạt của EU đến Việt Nam vào các ngày 13-14/5 đã bị hoãn với lý do "các nhà lãnh đạo [Việt Nam] quá bận để gặp ông".

Các nguồn tin ngoại giao nói với Reuters rằng sự trì hoãn này có thể liên quan đến việc chuẩn bị cho chuyến thăm có thể sắp diễn ra của Tổng thống Nga Putin đến Hà Nội.

Điện Kremlin và Bộ Ngoại giao Trung Quốc vừa thông tin về việc Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm Bắc Kinh vào ngày 16-17/5.

Hiện đã có nhận định cho rằng ông Putin có thể đến Việt Nam nhân chuyến đi Trung Quốc trong tuần sau.

Chuyến thăm Trung Quốc sẽ là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của nhà lãnh đạo Nga sau khi nhậm chức nhiệm kỳ mới.

Trong chưa đầy một năm qua, Việt Nam đã hai lần mời ông Putin, mới đây là lời mời từ Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và trước đó là ông Võ Văn Thưởng khi còn làm chủ tịch nước hồi tháng 10/2023.

Trong cả hai lần ông Putin đều "vui vẻ nhận lời" và "sớm đến thăm Việt Nam".


Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại thành phố Sochi (Nga) năm 2014. GETTY IMAGES

Ông Putin bị Tòa án Hình sự Quốc tế (International Criminal Court - ICC) phát lệnh truy nã vào tháng 3/2023 vì liên quan đến các tội ác chiến tranh, bao gồm cả việc bắt nhiều trẻ em từ Ukraine đưa về Nga.

Từ thời điểm đó, ông Putin đã công du đến các nước không phải là thành viên của ICC.

Việt Nam hiện không phải là thành viên của ICC, nên ông Putin sẽ không bị bắt theo lệnh truy nã của ICC nếu công du đến đây.

Vị tổng thống Nga từng công du Việt Nam vào các năm 2001, 2006, 2013, 2017.

Việt Nam nằm trong số ít quốc gia bao gồm Bắc Hàn, Trung Quốc... có lãnh đạo "nhiệt liệt chúc mừng" ông Putin tái đắc cử để bước vào nhiệm kỳ 5 tổng thống Nga trong cuộc bầu cử bị phương Tây chỉ trích là "giả hiệu".

🔝

Tàu chiến Ấn Độ cập quân cảng Cam Ranh, tăng cường quan hệ quốc phòng

2024-05-13 - BBC


Chiến hạm INS Kiltan thuộc đội tàu gồm 3 tàu chiến trong sứ mệnh hoạt động trên Biển Đông của Hạm đội Miền Đông

Hộ tống hạm săn ngầm INS Kiltan của Hải quân Ấn Độ đã cập quân cảng Cam Ranh ở tỉnh Khánh Hòa hôm Chủ nhật 12/5 và lưu tại đây đến ngày 15/5.

Hải quân Ấn Độ đã cử một đội gồm 3 tàu chiến - INS Delhi, INS Shakti và INS Kiltan - thực hiện sứ mệnh trên Biển Đông.

Đây là một hoạt động của Hạm đội Miền Đông thuộc Hải quân Ấn Độ.

Trong nhóm tàu này, hai tàu chiến đã cập cảng ở Malaysia và một tàu chiến đến Việt Nam.

Chuyến thăm của tàu INS Kiltan sẽ kết thúc với cuộc diễn tập diễn tập phối hợp trên biển với Hải quân Nhân dân Việt Nam.

INS Kiltan là một trong 4 tàu hộ tống săn ngầm trong Dự án P28 (lớp tàu Kamorta) do Ấn Độ thiết kế.

Các tàu chiến Ấn Độ đã cập cảng Cam Ranh trong thời gian qua có tàu đổ bộ Airavat hồi tháng 7/2023, tàu khu trục INS Kolkata vào năm 2019, tàu hộ vệ mang tên lửa INS Satpura và khinh hạm tên lửa INS Kirch hồi năm 2016.

Trong đợt công tác hiện tại, hai tàu chiến INS Delhi and INS Shakti đã cập cảng Kota Kinabalu của Malaysia.

Tại Malaysia, hải quân hai nước sẽ có diễn tập để tăng cường khả năng phối hợp.

Gần đây Ấn Độ và Malaysia đã hoàn tất hai cuộc tập trận quân sự chung là MILAN 2024 và Ex Samudra Lakshmana 2024.

Quan hệ quốc phòng Việt - Ấn trong 'thế kỷ của đại dương'


Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang trong chuyến thăm Ấn Độ vào ngày 19/6/2023

Trong một bài viết ngày 10/5 trên chuyên trang The Diplomat, nghiên cứu sinh tiến sĩ Nguyễn Thế Phương từ Đại học New South Wales (Úc) đánh giá Việt Nam thời gian qua đã có chuyển biến chiến lược quốc phòng quan trọng khi chuyển hướng ra biển nhiều hơn thay vì chỉ chú trọng đất liền.

Năm 2015, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định trong Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 9/2/2007 “Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” như sau:

“Thế kỷ 21 được thế giới xem là 'thế kỷ của đại dương'. Các quốc gia có biển đều rất quan tâm đến biển và coi trọng việc xây dựng chiến lược biển. Khu vực Biển Đông, trong đó có vùng biển Việt Nam, có vị trí địa kinh tế và địa chính trị rất quan trọng,… với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng, ngày nay biển càng có vai trò to lớn hơn đối với sự nghiệp phát triển đất nước” .

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13 cũng đã xác định lộ trình hiện đại hóa Quân đội Nhân dân Việt Nam đến năm 2030.

Theo tác giả Nguyễn Thế Phương, Việt Nam đang đối mặt với những mối đe dọa tiềm tàng và đáng kể từ biển, từ chiến lược vùng xám của Trung Quốc cho đến xung đột trên biển với giả định là xảy ra hải chiến, đánh chặn.

Ông cũng cho rằng các kịch bản chiến tranh biên giới quy mô lớn trên đất liền như từng đã xảy ra như Chiến tranh biên giới Tây Nam vào năm 1978, Chiến tranh biên giới Việt-Trung hồi năm 1979 là có khả năng cao sẽ không xảy ra, mặc dù không thể loại trừ hoàn toàn khả năng này.

Ấn Độ là một trong 7 nước mà Việt Nam đã xác lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện cho đến nay.

Hai nước đã nâng cấp mối quan hệ lên mức cao nhất trong thang bậc ngoại giao của Việt Nam vào năm 2016.

Mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Ấn Độ và Việt Nam cho đến nay nhìn chung vẫn tốt đẹp và hợp tác quốc phòng, an ninh là trụ cột quan trọng.

Hai nước đã cho thấy những hợp tác quan trọng trong lĩnh vực hàng hải và quốc phòng như chuyển giao tàu chiến hải quân, tàu tuần tra cao tốc tên lửa hành trình, huấn luyện hải quân cho Việt Nam, chương trình đào tạo và diễn tập song phương, hợp tác thăm dò dầu khí...

Các tàu hải quân Ấn Độ INS Sahyadri và INS Kadmatt đã cập cảng Nhà Rồng ở TP HCM hồi tháng 6/2022.

Trước đó, vào tháng 2/2022, tàu hộ vệ tên lửa 016 Quang Trung của Hải quân Nhân dân Việt Nam đã đến Ấn Độ để tham gia Cuộc tập trận hải quân đa phương MILAN.

Ấn Độ lần đầu tiên tặng một tàu hộ vệ tên lửa lớp Khukri cho Việt Nam là hồi tháng 6/2023.

Với công nghệ quốc phòng phát triển, Ấn Độ cũng là một trong các nhà cung cấp tiềm năng trong chiến lược đa dạng hóa kho vũ khí của Việt Nam.

Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã ký Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ đối tác quốc phòng đến năm 2030.

Ấn Độ vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh "Chính sách Hành động Hướng Đông" và điều này được đánh giá là đã và sẽ mang lại nhiều lợi ích về quốc phòng cho Việt Nam.

Tiền thân của chính sách này là "Chính sách Hướng Đông" được Thủ tướng Narasimha Rao khởi xướng vào năm 1992 nhằm tăng cường quan hệ với các nước Đông Nam Á về kinh tế, ngoại giao.

Năm 2014, Thủ tướng Narenda Modi chính thức tuyên bố “nâng cấp” LEP thành "Chính sách Hành động hướng Đông", nhấn mạnh hội nhập cả về kinh tế và an ninh với ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc.

Cho đến nay, quan hệ ngoại giao giữa Ấn Độ với khối ASEAN là một trụ cột trong "Chính sách hành động hướng Đông" với lập trường của Ấn Độ ngày càng rõ rệt liên quan đến vấn đề Biển Đông.

Ấn Độ cũng đang là thành viên trong Bộ tứ QUAD, còn gọi là Bộ tứ Kim cương (Quadrilateral Security Dialogue), ra đời từ năm 2007 cùng với Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Bộ tứ QUAD ngày càng đóng vai trò là một cơ chế hợp tác đa phương, đảm bảo một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, mở với trật tự dựa theo luật pháp, nhằm tạo thế đối trọng với một Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ trên Biển Đông.

🔝