12 tháng 6 2024 - BBC
Ông Tô Lâm tiếp ông Hùng Ba tại Phủ Chủ tịch trong bối cảnh Việt Nam-Trung Quốc tiến tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm tới
Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm hôm 11/6 nói với Đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội, ông Hùng Ba, rằng điều quan trọng là các tranh chấp trên biển phải được giải quyết và lợi ích của mỗi quốc gia được tôn trọng, theo Văn phòng Chủ tịch nước.
Cuộc tiếp đón diễn ra tại Phủ Chủ tịch, Hà Nội trong bối cảnh hai nước hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm tới.
Trong cuộc gặp, ông Tô Lâm nhắc lại tình láng giềng “núi liền núi, sông liền sông”, “vừa là đồng chí, vừa là anh em” giữa hai nước, theo báo điện tử Chính phủ.
Hai ông cũng nhắc lại các chuyến thăm nhau mang tính “lịch sử” của ông Nguyễn Phú Trọng và ông Tập Cận Bình trong các năm 2022 và 2023 – khi hai bên nhất trí cùng xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, nhưng hai nước láng giềng do đảng cộng sản lãnh đạo đã bị lôi kéo vào cuộc tranh chấp hàng hải kéo dài nhiều năm ở Biển Đông, bài viết trên Reuters bình luận.
Ông Tô Lâm nói tại cuộc gặp ở Hà Nội rằng các nước cần tôn trọng lợi ích hợp pháp của nhau.
Hai bên cần “tích cực tìm kiếm các giải pháp thỏa đáng, phù hợp với luật pháp quốc tế”, ông Tô Lâm nói.
Hôm 6/6, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về sự hiện diện của tàu khảo sát Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hoạt động “khảo sát trái phép” này.
Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc nói việc triển khai hoạt động của tàu này là để góp phần bảo vệ các rạn san hô và phát triển các cấu trúc đảo của nước này trong khu vực.
Trong cuộc gặp hôm 11/6, ông Tô Lâm cho biết phát triển tình hữu nghị và hợp tác với Trung Quốc là lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Việt Nam và Trung Quốc đã ký hàng chục thỏa thuận hợp tác, bao gồm cả về đường sắt, trong chuyến thăm Hà Nội của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 12/2023.
Ông Tô Lâm nhắc lại sự cần thiết phải tăng cường kết nối đường sắt giữa hai nước trong cuộc gặp với Đại sứ Hùng Ba và yêu cầu Trung Quốc mở cửa hơn nữa thị trường cho nông sản Việt Nam.
Theo một số nhà quan sát, những “rạn nứt” trong hàng ngũ lãnh đạo Việt Nam thời gian qua có thể làm suy yếu đi khả năng đoàn kết trong đảng để đối phó với Trung Quốc liên quan đến tranh chấp Biển Đông và các vấn đề khác.
Từ đó, Bắc Kinh có thể hưởng lợi từ những cải tổ chính trị Việt Nam, theo một bài viết ngày 5/6 trên báo South China Morning Post (SCMP).
Cũng trong bài viết nói trên của SCMP, Tiến sĩ Bill Hayton từ Viện Nghiên cứu Chatham House (Anh) cho rằng việc Trung Quốc quá cứng rắn với những yêu sách trên Biển Đông đang gây tổn hại tới niềm tin vào năng lực lãnh đạo của Đảng Cộng sản ở Việt Nam.
Theo ông, "nếu Trung Quốc khôn ngoan, họ sẽ tìm cách thỏa hiệp với Việt Nam [về các vấn đề trên Biển Đông], điều đó sẽ củng cố vị thế cho những người bạn của họ ở Hà Nội".
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Hayton nhận định rằng Việt Nam dường như đang đi theo “đường lối chính trị hướng nội” của Trung Quốc.
Theo ông, Việt Nam đang tập trung nhiều hơn vào “an ninh chính trị và sự tồn vong của chế độ hơn là phát triển kinh tế”.
Phó Giáo sư Jonathan London từng nêu ý kiến tương đồng trong một bài viết ngày 9/5 trên trang Fulcrum của Viện nghiên cứu ISEAS (Singapore).
Theo Phó Giáo sư London, việc bắt giữ hàng loạt quan chức trong nỗ lực chống tham nhũng đang gây ra “tình trạng tê liệt chính trị trên toàn hệ thống và đặc biệt là sự suy giảm nghiêm trọng trong đầu tư công”.
Trong bài viết ngày 22/5 trên Nikkei Asia, Giáo sư Ryuichi Ushiyama từ Đại học Keiai (Nhật Bản) cũng đề cập tới khía cạnh này. Ông cho rằng Trung Quốc sẽ để ý hơn tới việc gia tăng quan hệ, cũng như tăng cường hỗ trợ cho các chính trị gia thân Trung Quốc ở Việt Nam.
Bài viết ngày 1/6 trên SCMP trích lời Tiến sĩ Huỳnh Tâm Sáng từ Quỹ Taiwan NextGen Foundation (Đài Loan) bình luận về vai trò của ông Tô Lâm trong duy trì mối quan hệ với Trung Quốc:
“Quan chức Trung Quốc biết rằng họ luôn có thể tin tưởng ông Tô Lâm vì tình đồng chí cộng sinh với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người luôn nỗ lực duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.”
Ông Sáng cũng nói thêm rằng, vào tháng 1/2024, ông Tô Lâm đã hỏi xin lời khuyên từ các nhà lãnh đạo an ninh Trung Quốc về cách duy trì sự “kiểm soát và lãnh đạo toàn diện” của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trước và sau khi ông Tô Lâm chính thức nhậm chức chủ tịch nước, đã có nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam ngày càng mang đậm dấu ấn của một nhà nước “công an trị”.
Trong bài diễn văn nhậm chức hôm 22/5, ông Tô Lâm cũng đề cập tới những mục tiêu như nâng cao năng lực cầm quyền và lãnh đạo của Đảng, cam kết “chống tham nhũng, tiêu cực, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa”.
Theo ông Trương Minh Lượng, Phó Giáo sư chuyên về Đông Nam Á và Biển Đông tại Đại học Kỵ Nam (Quảng Châu), phát biểu nhậm chức của ông Tô Lâm thể hiện rõ mục tiêu ổn định chính trị của Việt Nam, điều mà ông Trương cho rằng chỉ có thể đạt được bằng việc hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc.
12 tháng 6 2024 - BBC
Nhiều nhà hoạt động, quan chức đã bị bắt giữ "theo tinh thần Chỉ thị 24". Từ trái qua: ông Nguyễn Văn Bình, ông Vũ Minh Tiến, ông Đặng Đình Bách, bà Hoàng Thị Minh Hồng, bà Ngô Thị Tố Nhiên
Nhóm Tư vấn Nội địa Liên minh châu Âu (DAG EU) công bố báo cáo bày tỏ quan ngại sâu sắc về Chỉ thị mật 24 liên quan đến an ninh quốc gia của Việt Nam.
Nhóm DAG EU được thành lập theo cam kết trong Chương 13 về Thương mại và Phát triển bền vững (TSD) của Hiệp định Thương mại Tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam (EVFTA).
Báo cáo của DAG EU được đưa ra sau cuộc họp của nhóm này với các đại diện doanh nghiệp, người lao động và các tổ chức phi chính phủ tại Brussels (Bỉ).
Chỉ thị 24-CT/TW do Bộ Chính trị ban hành ngày 13/7/2023 về "Bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng", đóng dấu "Mật", được Dự án 88 (một tổ chức phi chính phủ quốc tế về vận động nhân quyền cho Việt Nam) tiết lộ hồi tháng Ba.
Chỉ thị này yêu cầu các thành viên ĐCSVN ngăn chặn việc hình thành các tổ chức chính trị độc lập, kiểm soát quyền tự do ngôn luận và kiểm soát việc phổ biến các tài liệu chỉ trích đảng cầm quyền hoặc phủ nhận quyền tự do hội họp, tăng cường giám sát công dân và kiểm soát các công đoàn độc lập.
Nhóm DAG EU cho rằng chỉ thị này đi ngược lại các cam kết trong Chương 13 về Thương mại và Phát triển bền vững của EVFTA.
Trong đó, có việc thực hiện các công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và đặc biệt là lời hứa của Việt Nam về việc sẽ phê chuẩn Công ước ILO số 87 (Tự do Hiệp hội và Bảo vệ quyền lợi của người tổ chức hiệp hội).
Mặc dù cam kết sẽ ký Công ước 87, nhưng trong Chỉ thị 24, chính phủ Việt Nam đề cập việc chỉ "thí điểm" thành lập một số công đoàn trong các doanh nghiệp, bên cạnh đó tiếp tục xây dựng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - tổ chức công đoàn cấp quốc gia duy nhất tồn tại ở nước này – "vững mạnh".
Việt Nam đã hai lần hoãn ký Công ước 97.
DAG EU khuyến khích Ủy ban châu Âu tìm kiếm thêm thông tin về vấn đề này và chia sẻ thông tin đó với DAG.
DAG EU cũng nhắc lại mối quan ngại sâu sắc của mình trước tình trạng đàn áp đang diễn ra đối với xã hội dân sự và bắt giữ những người bảo vệ nhân quyền.
Nhóm DAG EU lên án việc ba nhà bảo vệ quyền môi trường vẫn đang thụ án tại Việt Nam với các cáo buộc mà nhóm này gọi là “bịa đặt”.
Ba nhà hoạt động nói trên là bà Hoàng Thị Minh Hồng, ông Đặng Đình Bách và ông Bạch Hùng Dương.
EU DAG hiện đang lo ngại về hai vụ bắt giữ mới nhất.
Hồi tháng Năm, Việt Nam đã bắt giữ hai nhà cải cách công đoàn và quyền người lao động là ông Nguyễn Văn Bình và ông Vũ Minh Tiến.
Ông Nguyễn Văn Bình là Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và là đối tác đàm phán chính của EU về cải cách lao động (bao gồm cả việc phê chuẩn Công ước ILO số 87).
Chính quyền Việt Nam chỉ công khai việc bắt giữ ông sau khi tổ chức Dự án 88 ra báo cáo về vụ việc.
Ông Vũ Minh Tiến là Trưởng phòng Chính sách, Pháp luật của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (VGCL) kiêm Giám đốc Viện Công nhân và Công đoàn (IWTU) – tổ chức sau này là thành viên của DAG Việt Nam.
Giống như ông Bình, trước khi bị bắt, ông Tiến đang thúc đẩy các nỗ lực đưa luật về lao động của Việt Nam phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.
Trong vai trò của mình tại VGCL, ông Tiến được giao nhiệm vụ sửa đổi Luật Công đoàn, dự kiến được thông qua vào cuối năm nay.
Việt Nam hiện vẫn chưa chính thức thông báo về việc bắt ông Tiến. Tuy nhiên, thông tin của ông đã biến mất nhiều ngày nay khỏi trang web của VGCL và một số nguồn tin của Dự án 88 đã xác nhận việc ông bị bắt giữ.
EU DAG lên án những hành vi vi phạm EVFTA nghiêm trọng và có hệ thống này.
Trong trường hợp này, nhóm nhắc lại mối quan ngại của mình về khả năng hoạt động hiệu quả của DAG Việt Nam.
Chỉ thị mật 24 bị rò rỉ: Đảm bảo an ninh quốc gia hay bảo vệ Đảng? Video ▶️
Các nhóm tư vấn trong nước (DAG) có vai trò tư vấn cho các bên tham gia các hiệp định thương mại, trên cơ sở thông tin nhóm thu được từ các thành viên hoặc tổ chức đối tác ở các quốc gia liên quan, nhằm giúp cải thiện việc thực hiện các hiệp định.
Tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã cho ban hành Quyết định số 1972/QĐ-BCT ngày 17/8/2021 về việc thành lập Nhóm tư vấn trong nước (DAG) Việt Nam.
Chức năng và nhiệm vụ của DAG Việt Nam là tập hợp, đưa khuyến nghị, tư vấn về việc thực thi Chương Thương mại và Phát triển bền vững của EVFTA, phù hợp với cam kết tại Hiệp định.
Nhóm DAG Việt Nam bao gồm không quá 15 thành viên, chia làm 3 phân nhóm là kinh tế, xã hội và môi trường.
Tuy nhiên, một số thành viên tích cực của DAG Việt Nam, có tiếng nói phản biện, độc lập, đã bị bắt và bỏ tù trong thời gian qua.
Trong hai năm 2021, 2022, công an Việt Nam đã bắt giữ các nhà hoạt động, khép họ vào tội trốn thuế, gồm Mai Phan Lợi và Đặng Đình Bách, Bạch Hồng Dương, Ngụy Thị Khanh - đều là những nhà lãnh đạo tích cực muốn đóng góp cho DAG Việt Nam.
Tiếp sau đó là các vụ bắt giữ đối với các nhà hoạt động và các quan chức đã đề cập ở đầu bài viết này.
Những vụ bắt giữ này xảy ra ngay sau khi Việt Nam ký xong EVFTA vào năm 2020.
Ông Robertson, cựu Phó Giám đốc khu vực châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), từng nói với BBC hồi 2023 rằng "EU tuyên bố Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) năm 2020 sẽ khuyến khích Việt Nam cải thiện thành tích nhân quyền, nhưng điều ngược lại đã xảy ra".
Sau khi bỏ tù một số thành viên như đã nói ở trên, chính phủ Việt Nam chấp thuận bảy thành viên khác tham gia DAG Việt Nam - là những người thân chính phủ.
Trong đó, có ít nhất bốn thành viên là đảng viên cấp cao thuộc các tổ chức có liên hệ chặt chẽ với Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền, theo báo cáo của HRW gửi EU năm 2023.
9 tháng 6 2024 - BBC
Nhiều quốc gia đã ghi nhận những trường hợp công dân Việt Nam kết hôn giả để đổi lấy quốc tịch. GETTY IMAGES
Từ cuối năm 2023 đến nay, quốc tịch Việt Nam nhiều lần được nêu trong những vụ kết hôn giả để lấy thẻ nhập cư hoặc được mời chào như một quốc gia mà đàn ông ngoại quốc có thể bỏ tiền mua vợ.
Ngày 7/6, Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Singapore (ICA) đăng thông báo sáu phụ nữ Việt Nam và bảy đàn ông Singapore tuổi từ 22-32 đã bị bắt giữ với cáo buộc kết hôn giả.
Cụ thể, nhóm 13 người đã bị bắt hôm 5/6 trong một chiến dịch khi nhà chức trách đồng loạt khám xét các tòa nhà công cộng và nhà riêng trên khắp Singapore.
Ngoài việc điều tra các hành vi phạm tội liên quan đến đường dây môi giới kết hôn giả, nhà chức trách cũng đang xem xét tội danh khai báo gian dối có thể liên quan đến các đơn xin cấp thẻ thăm thân của những người bị tình nghi.
Nhật báo The Straits Times của Singapore nêu tên sáu phụ nữ Việt Nam bao gồm: Ngo Thi Thanh (28 tuổi), Ho Gia Phan (30 tuổi), Nguyen Thi Thuy Quyen (30 tuổi), Tran Ngoc Phuong Thao (31 tuổi), Nguyen Thi Minh Trang (32 tuổi) và Nguyen Thu Giang (32 tuổi).
Trong số những người đàn ông Singapore bị bắt, bốn người được cho là đã nhận từ 8.000 đến 18.000 SGD (khoảng 150 triệu - 340 triệu đồng) để tham gia vào các cuộc hôn nhân giả gồm Noel Teo Junwei (23 tuổi), Gan Jun Wei (25 tuổi), Melvin Tan Soon Kang (27 tuổi) và Lim Kian Keong (32 tuổi).
Người thứ năm có tên Jonathan Kwek Zi Hao (32 tuổi) bị cáo buộc là đã được nhận “tiền trả công” nhưng không rõ là bao nhiêu. Người thứ sáu, Teo Wei Jie (27 tuổi) bị nghi được hứa hẹn một khoản tiền mặt chưa tiết lộ.
Riêng người đàn ông thứ bảy có tên Javier Ang Kun Teng (26 tuổi) được cho là đã sắp xếp ít nhất ba vụ kết hôn giả liên quan đến những người nêu trên, đồng thời giúp ba phụ nữ Việt Nam lấy được thẻ thông hành thăm thân.
Tại Singapore, người bị kết tội hôn nhân giả có thể bị phạt tiền lên đến 10.000 SGD (gần 190 triệu đồng) và/hoặc bị phạt tù lên đến 10 năm.
ICA cho biết họ sẽ tiếp tục cứng rắn với những người đang tìm cách lách luật bằng cách tham gia hoặc làm trung gian, sắp xếp kết hôn giả để các cá nhân có được cơ sở nhập cư tại Singapore, đồng thời khuyến khích người dân tại Singapore trình báo các trường hợp hôn nhân giả hoặc các vi phạm liên quan đến nhập cư.
Website Bộ Tư pháp Mỹ thông báo vụ án kết hôn giả hồi năm 2022. CHỤP MÀN HÌNH
Một số quốc gia như Mỹ, Úc, Hàn Quốc… đã ghi nhận những trường hợp công dân Việt Nam kết hôn giả để đổi lấy quốc tịch.
Tháng 3/2024, Trang thống kê quốc gia Hàn Quốc (KOSIS) cho biết có một "làn sóng" phụ nữ Việt ly hôn với đàn ông Hàn Quốc sau khi nhập tịch để tái hôn với đàn ông Việt Nam.
KOSIS cho biết có 792 phụ nữ Hàn Quốc kết hôn với đàn ông Việt Nam trong năm 2022, tăng 35,2% so với 586 người vào năm 2021.
Điều đáng nói là trong số này, có 482 phụ nữ là người Hàn Quốc nhập tịch. Tất cả họ đều là người Việt Nam và đã có được quốc tịch Hàn Quốc thông qua việc kết hôn với đàn ông Hàn Quốc rồi ly hôn.
Thống kê này làm dấy lên lo ngại rằng một số phụ nữ Việt Nam có thể muốn kết hôn với đàn ông Hàn Quốc chỉ để có được quốc tịch.
Cư dân mạng hay thấy đàn ông Hàn Quốc phàn nàn về việc vợ Việt bỏ họ và hơn 300 trường hợp đã trình báo lên trung tâm nghiên cứu liên quan đến phụ nữ Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc để nhập tịch rồi tái hôn với người yêu cũ, theo một bài viết trên tờ Chosun đăng hồi cuối tháng Ba.
Còn tại Mỹ, năm 2022, một tòa án đã kết án 10 năm tù đối với bà Ashley Yen Nguyen vì cầm đầu một trong những đường dây kết hôn giả lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Chính quyền liên bang cho biết bản thân bà Ashley Yen Nguyen đã nhập cảnh vào Mỹ thông qua một cuộc hôn nhân giả mạo, sau đó đã tổ chức hơn 500 cuộc hôn nhân giả và thu về số tiền hơn 15 triệu USD từ hoạt động này.
Để để kiếm vợ hoặc chồng là người Mỹ, người Việt Nam trả từ 50.000 đến 70.000 USD trong khi mỗi công dân Mỹ tham gia kết hôn giả được hứa trả góp từ 15.000 đến 20.000 USD nhưng hiếm khi nhận được toàn bộ số tiền.
Tạp chí Outlook ở Ấn Độ hôm 6/6 đăng một bài giới thiệu các trang web chứa thông tin về những phụ nữ Việt Nam đăng quảng cáo về bản thân để tìm chồng nước ngoài.
Bài viết hướng dẫn cách tìm “cô dâu đặt hàng qua mạng” (mail-order bride – những cô dâu giới thiệu bản thân qua trung gian như cơ sở mai mối, trang web… để cánh đàn ông lựa chọn).
Theo bài viết này, đàn ông Ấn Độ cần chuẩn bị 16.000 USD để kiếm được vợ Việt, bao gồm:
Tạp chí của Ấn Độ khuyên rằng “nếu bạn muốn ‘mua’ một người vợ từ Việt Nam, bạn cần cân nhắc cẩn thận những ưu điểm, nhược điểm của việc đi đến hôn nhân với các cô gái bản địa”.
Bên cạnh những ưu điểm được nêu như chồng ngoại là "trung tâm của vũ trụ", thường trẻ hơn chồng và giữ được vẻ bề ngoài trẻ trung trong nhiều năm, khi hẹn hò qua mạng thường mong kết hôn ngay và có độ chung thủy cao, phụ nữ Việt cũng được cho là có một số điểm trừ.
Những yếu tố khiến đàn ông nước ngoài lo lắng được cho là khó tìm hiểu đối phương kỹ trên mạng, tốn nhiều công sức để nhập tịch cho cô dâu Việt và những rào cản khác biệt văn hóa.
Nhiều phụ nữ Việt Nam giới thiệu bản thân qua trung gian như cơ sở mai mối, trang web… để đàn ông ngoại quốc lựa chọn làm vợ
Những người đàn ông ngoại quốc lớn tuổi hơn, không rành về công nghệ thường có xu hướng tìm đến những trung tâm mai mối kết hôn có địa chỉ cụ thể.
BBC News Tiếng Việt hồi năm ngoái từng trao đổi với ông mai bà mối cũng như những người tìm vợ Việt tại Singapore.
Nhiều người trong số đó gặp khó khăn để kết hôn với phụ nữ địa phương vì tuổi tác, ngoại hình hay thu nhập, nên tìm vợ trẻ đẹp ở những nước lân cận, và phụ nữ Việt Nam là sự lựa chọn vì “học vấn không quá cao, cũng không yêu cầu quá nhiều”.
Chỉ cần bỏ ra số tiền 10.000 SGD, họ được cam kết sẽ lấy được vợ Việt. Trong quá trình gặp được đối tượng ưng ý, họ phải trả thêm 4.000 SGD (khoảng 75 triệu đồng) cho mỗi tour sang Việt Nam kén vợ ngắn ngày.
“Đầu tiên, mỗi vị khách sẽ được gặp 30 cô gái. Họ thích cô nào thì giữ lại, không thích cô nào thì để cô đó đi, đơn giản vậy thôi,” Mark Lin, chủ cơ sở mai mối True Love Vietnam, nói với BBC.
"Vòng một họ chọn ra năm cô, vòng hai chọn ra ba cô. Sau đó từ Top 3 sẽ chọn ra một người, giống như thi Hoa hậu Thế giới vậy,” ông mai này ví von.
Thông thường mất hai ngày để vị khách chọn ra cô gái "trúng tuyển", rồi sau đó một tháng là tiến tới hôn nhân luôn, ông Lin nói.
Mai mối cô dâu Việt ở Singapore: Đổi đời hay vỡ mộng? - Video ▶️
Theo thống kê của Bộ Công an Việt Nam, từ năm 2008 – 2018, mỗi năm có khoảng 18.000 công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài. Trong đó, 72% là nữ, chủ yếu kết hôn với người Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ…
Có 78% số phụ nữ kết hôn với người nước ngoài có hoàn cảnh gia đình nghèo khó, trình độ học vấn thấp và thất nghiệp, sống tại TP HCM và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Hoàn cảnh gia đình khó khăn được cho là nguyên nhân chính thúc đẩy phụ nữ Việt Nam muốn dùng hôn nhân di cư để thoát nghèo.
Nhiều cuộc hôn nhân xuyên biên giới của cô dâu Việt đã thành công và họ sống hạnh phúc, nhưng cũng nhiều người đang sống trong hôn nhân bạo hành.
“Thậm chí có những cô dâu Việt có thể duy trì cuộc hôn nhân bạo hành cả chục năm để con cái họ lớn lên. Họ chịu mọi hình thức bạo hành cho đến khi không thể chịu đựng được nữa thì mới bỏ trốn hoặc cảnh sát mới vào cuộc," bà June Lim, Giám đốc điều hành Công ty luật Focus Law Asia có trụ sở tại Singapore, nói với BBC News Tiếng Việt.
Là một trong những người đại diện giúp cô dâu Việt lấy chồng Singapore làm thủ tục ly hôn miễn phí, bà Lim cho biết những người phụ nữ này phải đối diện với khó khăn về nhập cư, công việc và rào cản ngôn ngữ.
Nữ luật sư cho biết nhìn chung, những phụ nữ Việt qua Singapore kết hôn thường không có học vấn cao, mạng lưới quan hệ xã hội của họ bị hạn chế ở Singapore.
Trong trường hợp ly hôn, họ phải tìm được chỗ ở và công việc mới, điều đó không dễ dàng vì chi phí sinh hoạt ở Singapore rất đắt đỏ. Theo bà Lim, những khó khăn này khiến họ do dự trong việc trình báo bất chấp bị bạo hành về thể chất, tinh thần, tài chính.
Chỉ khi đến nhà tạm lánh, họ mới được nhân viên xã hội giúp đỡ và cho họ thấy rằng họ có nhiều cơ hội, hay có nhiều cách để giải quyết vấn đề.
11 tháng 6 2024, 14:41 +07 - BBC
Chủ tịch nước Tô Lâm chúc mừng Bộ trưởng Lương Tam Quang được Bộ Chính trị chỉ định giữ chức Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, nhiệm kỳ 2020 - 2025, thay cho ông. CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bộ Chính trị chỉ định Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công an, giữ chức Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Buổi lễ công bố quyết định trên diễn ra vào sáng 11/6, với sự tham gia của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, cựu Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, cựu Bộ trưởng Bộ Công an và Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng và một số thành phần khác.
Về phía Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an có Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương và Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an, các ủy viên trong Đảng ủy Công an Trung ương, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc bộ này.
Thường trực Ban Bí thư Lương Cường thay mặt Bộ Chính trị trao quyết định cho Bộ trưởng Lương Tam Quang.
Thường trực Ban Bí thư Lương Cường (phải) trao Quyết định của Bộ Chính trị chỉ định Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đối với Bộ trưởng Lương Tam Quang. CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo ông Lương Cường, trải qua hơn 40 năm công tác trong lực lượng Công an nhân dân, hơn 26 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Lương Tam Quang là cán bộ trưởng thành từ cơ sở, trải qua nhiều cương vị công tác, được giao nhiều trọng trách quan trọng của ngành công an.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lương Tam Quang nói:
"Nhận nhiệm vụ Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, tôi nhận thức sâu sắc rằng, đây không chỉ là vinh dự của cá nhân, cao hơn đó là sự khẳng định, ghi nhận tinh thần đoàn kết, thống nhất, luôn gương mẫu, đi đầu trong thực hiện các nghị quyết của Đảng đối với Đảng ủy Công an Trung ương; cũng cho thấy tính khẩn trương, yêu cầu cấp bách trong lãnh đạo lực lượng Công an nhân dân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới."
Ông Lương Tam Quang cũng là bí thư Đảng ủy Công an có tính ngoại lệ khi không phải là ủy viên Bộ Chính trị, trong khi Ban Thường vụ Đảng ủy Công an gồm 10 người, trong đó có hai ủy viên là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Phạm Minh Chính đều là ủy viên Bộ Chính trị.
Ông Võ Văn Thưởng trước khi thôi chức chủ tịch nước cũng đã có mặt trong Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương còn ông Trọng là tổng bí thư đầu tiên làm ủy viên của Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương.
Bộ trưởng Lương Tam Quang phát biểu tại buổi lễ nhận chỉ định của Bộ Chính trị. CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Xét các đời bộ trưởng Bộ Công an từ sau 1975 tới nay thì có một đặc thù là tất cả những nhân vật này đều đã được bầu vào Bộ Chính trị trước, sau đó mới lên làm bộ trưởng Công an.
Nhưng khi Bộ Chính trị bổ sung thêm bốn thành viên tại hội nghị Trung ương 9 vừa qua, ông Quang đã không có tên trong danh sách và hiện ông chưa phải là ủy viên Bộ Chính trị.
Điều này cho thấy đã có những tính toán mới tại nhóm quyền lực nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Một nhà quan sát chính trị giấu tên nhận định với BBC rằng, việc ông Lương Tam Quang thay ông Tô Lâm khi chưa là ủy viên Bộ Chính trị là một "ngoại lệ chưa từng có" kể từ năm 1975.
Bộ trưởng Bộ Công an là chức danh quyền lực, nếu không có chân trong Bộ Chính trị thì sẽ không thể tham gia các cuộc họp quan trọng của nhóm lãnh đạo cao nhất của Đảng.
Chẳng hạn khi Bộ Chính trị họp bàn về các đại án, các án trọng điểm mà thiếu vắng bộ trưởng Bộ Công an là điều bất tiện. Chưa kể, việc cơ cấu đại diện của Bộ Công an (thuộc lĩnh vực trọng yếu) vào Bộ Chính trị và Trung ương Đảng là điều đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý khi chuẩn bị cho Đại hội khóa 13.
Hiện nay, Bộ Chính trị với 16 ủy viên không có đại diện nào từ Bộ Công an kể từ khi ông Tô Lâm nhận nhiệm vụ mới, dù có nhiều người xuất thân từ ngành công an.
Ông Carl Thayer, giáo sư danh dự về chính trị tại Đại học New South Wales, dự đoán với BBC vào ngày 6/6 rằng, ông Lương Tam Quang sẽ sớm vào Bộ Chính trị:
"Bộ trưởng Bộ Công an luôn là thành viên của Bộ Chính trị, nếu không vào Bộ Chính trị thì quyền lực của ông Quang sẽ bị giảm đi."
Bộ trưởng Công an nằm trong Bộ Chính trị là một điểm mà Việt Nam khác biệt so với Trung Quốc.
"Việt Nam đang duy trì một thể chế tương đồng với Trung Quốc. Việt Nam nên học Trung Quốc ở những điều họ đúng: Bộ trưởng công an không phải là ủy viên bộ chính trị. Có lẽ Đảng Cộng sản Trung Quốc coi công an là công cụ của bộ chính trị chứ không để bộ chính trị trở thành con tin của công an."
Tân Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang chưa đủ tiêu chuẩn vào Bộ Chính trị. BỘ CÔNG AN
Nếu xét Quy định 214 năm 2020 của Bộ Chính trị thì ông Lương Tam Quang thiếu một số tiêu chuẩn để được vào nhóm những nhân vật quyền lực nhất này.
Cụ thể, để trở thành ủy viên Bộ Chính trị thì cá nhân cần phải là ủy viên chính thức của Ban Chấp hành Trung ương Đảng trọn một nhiệm kỳ trở lên, đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở các chức vụ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh hoặc trưởng các ban, bộ, ngành.
Trong khi đó, ông Quang chưa làm trọn một nhiệm kỳ ủy viên Trung ương Đảng và cũng chưa kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở cương vị lãnh đạo cấp tỉnh, như bí thư tỉnh ủy, chủ tịch HĐND, UBND hoặc trưởng các ban, bộ, ngành như bộ trưởng, chủ nhiệm ủy ban trực thuộc Chính phủ.
Tuy nhiên, một số nhà quan sát chính trị lâu năm nói với BBC rằng, Quy định 214 có thể được điều chỉnh thông qua Ban Chấp hành Trung ương.
"Việc ông Lương Tam Quang trở thành trường hợp ngoại lệ là điều có thể xảy ra, bởi lẽ nếu không vào Bộ Chính trị thì vào tháng 1/2026, ông sẽ quá tuổi tái ứng cử Ban Chấp hành Trung ương khóa 14," nhà quan sát chính trị từ Hà Nội nói với BBC.
Ông Lương Tam Quang sinh năm 1965, ông sẽ 61 tuổi vào năm 2026. Trong khi đó, quy định của Đảng về công tác nhân sự khóa 13 nêu rõ, ủy viên Ban chấp hành Trung ương tái cử không quá 60 tuổi.
Nếu Đại hội 14 không điều chỉnh về quy định độ tuổi, ông Quang sẽ không thể tái ứng cử vào Trung ương Đảng và sẽ không thể vào Bộ Chính trị. Khi không tiếp tục ở trong Trung ương Đảng thì sự nghiệp chính trị của ông coi như chấm dứt.
"Tôi nghĩ ông Quang sẽ cố làm tốt nhất để Đại hội 14 sẽ bầu ông ấy vào Bộ chính trị. Có thể trước Đại hội 14, ông ấy sẽ được bầu vào Ban Bí thư, để dọn đường vào Bộ chính trị ở Đại hội 14. Kịch bản này có tính khả thi không nhỏ," nhà quan sát chính trị từ Hà Nội nói.
Còn Giáo sư Carl Thayer dự đoán với BBC rằng, ông Lương Tam Quang có thể sẽ được bầu vào Bộ Chính trị vào Hội nghị Trung ương 10 vào tháng 10 tới đây.
Tất nhiên là để thực hiện điều này - ông Quang vào Bộ Chính trị trước Đại hội 14 - thì cần sửa quy định của Đảng trước.
9 tháng 6 2024 - BBC
Bà Trương Mỹ Lan là người duy nhất bị đề nghị tử hình trong phiên sơ thẩm xét xử giai đoạn 1 của vụ án Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB. GETTY IMAGES
Theo kết luận điều tra, bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã phát hành 25 gói trái phiếu khống, không có tài sản đảm bảo. Tổng giá trị 25 gói trái phiếu này đến nay còn dư nợ hơn 30.081 tỉ đồng của hơn 35.000 nhà đầu tư.
Theo kết luận điều tra vụ án Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB ở giai đoạn 2 của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) Bộ Công an, bà Trương Mỹ Lan có khả năng đối mặt với ba nhóm tội: "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Rửa tiền" và "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới".
Trong đó, tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" liên quan đến việc người dân mua trái phiếu của các công ty có liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tại SCB.
Bộ Công an xác định những trái chủ sở hữu 25 mã trái phiếu của bốn pháp nhân gồm Công ty Bất động sản An Đông, Công ty Đầu tư An Thuận, Công ty Sunny World và Công ty Dịch vụ Thương Mại TP HCM là bị hại của vụ án.
Kết luận điều tra của Bộ Công an dẫn lời khai của bà Trương Mỹ Lan rằng, trong một bữa cơm trưa tại trụ sở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vào năm 2018, bà Lan đã mời những nhân vật chủ chốt để bàn bạc về kế hoạch phát hành trái phiếu nhằm xử lý các khoản nợ của Ngân hàng SCB.
Những nhân vật này gồm: Đinh Văn Thành, Chủ tịch HĐQT SCB; Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng Giám đốc SCB; Nguyễn Phương Hồng, Phó Tổng Giám đốc SCB; Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán TVSI và Hồ Bửu Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Cuộc họp này nhằm vạch ra kế hoạch dùng Công ty An Đông và các công ty khác phát hành trái phiếu riêng lẻ, huy động tiền từ người dân để xử lý khó khăn tài chính cho Ngân hàng SCB.
Sau đó, các nhân sự chủ chốt của Ngân hàng SCB, Công ty Chứng khoán Tân Việt TVSI, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cùng các công ty tổ chức phát hành trái phiếu đã họp bàn, lên phương án tạo lập trái phiếu.
Theo đó sẽ thông qua Công ty Chứng khoán TVSI và Ngân hàng SCB phát hành và chào bán trái phiếu cho người dân với lãi suất cao hơn lãi suất gửi tiết kiệm tại hệ thống Ngân hàng SCB.
Bà Trương Mỹ Lan có thể đối mặt với ba nhóm tội danh trong giai đoạn 2 của vụ án Vạn Thịnh Phát
Qua thảo luận sơ bộ, bà Trương Mỹ Lan muốn huy động khoảng 10.000 tỷ đồng và lựa chọn Công ty An Đông là công ty đầu tiên của tập đoàn phát hành trái phiếu.
Theo ông Hồ Bửu Phương, lựa chọn công ty An Đông vì nó gắn liền với uy tín của bà Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Đây cũng là công ty có hoạt động kinh doanh thực tế và bà Lan cũng đảm bảo về việc thu xếp nguồn thanh toán trả nợ trái phiếu. Trong bốn pháp nhân phát hành trái phiếu thì công ty An Đông cũng là nguồn huy động tiền từ trái phiếu chiếm đa số.
Phương thức thực hiện như sau: một số nhân vật chủ chốt của Ngân hàng SCB, Công ty Chứng khoánTVSI và các Công ty thuộc Tập đoàn VTP đã lợi dụng quy định tại Nghị định 90/2011/NĐ-CP để hợp thức mục đích phát hành trái phiếu và tạo các giao dịch ảo giữa cá nhân và doanh nghiệp trong hệ thống Ngân hàng SCB nhằm tạo lập trái chủ sơ cấp gồm một số công ty: WMC, VIPD, VN GROL, Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát và DUC.
Bản chất các công ty này đều thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và không có đủ nguồn tiền để mua trái phiếu của các công ty là An Đông, Quang Thuận, Sunny World. Tuy nhiên, các công ty này vẫn mua gần 250 triệu trái phiếu của Công ty An Đông với tổng trị giá gần 25.000 tỷ đồng, sau đó bán cho nhà đầu tư thông qua TVSI và SCB để thu tiền và chiếm đoạt.
Sau khi Công ty Chứng khoán TVSI chuyển tiền về, các đối tượng đã thực hiện giao dịch rút tiền để sử dụng tại Ngân hàng SCB Chi nhánh Sài Gòn, Bến Thành bằng hai hình thức rút tiền mặt trực tiếp và cho các cá nhân được thuê đứng tên ký chứng từ rút tiền mặt, nộp tiền mặt vào các tài khoản chỉ định. Sau đó, tiếp tục đi lệnh chuyển tiền vào các tài khoản để sử dụng cho các mục đích.
Theo đó, phương án đi lệnh cụ thể: Cá nhân nộp tiền mặt vào tài khoản trái chủ sơ cấp để vay, góp vốn => Trái chủ sơ cấp chuyển tiền đến Tổ chức phát hành để mua sơ cấp toàn bộ hơn 308 triệu trái phiếu => Tổ chức phát hành chuyển tiền đến công ty đối tác để đầu tư thực hiện Dự án sinh lời => Công ty đối tác chuyển tiền cho các cá nhân theo Hợp đồng “hứa chuyển nhượng cổ phần” => Các cá nhân ký chứng từ rút tiền, hoàn tất dòng tiền khống.
Bộ Công an kết luận, từ năm 2018 đến năm 2020, Công ty Chứng khoán TVSI, Ngân hàng SCB và Tập đoàn VTP đã sử dụng bốn công ty phát hành 25 mã trái phiếu “khống”, không có tài sản đảm bảo, gồm:
Tổng khối lượng trái phiếu là 308.691.388, thu về 30.869.138.800.000 đồng của các trái chủ.
C03 kết luận, tiền thu được từ hoạt động bán trái phiếu không được sử dụng đúng mục đích phát hành trái phiếu là đầu tư vào các dự án kinh tế để sinh lời, đảm bảo nghĩa vụ hoàn trả gốc và lãi cho các trái chủ.
Thay vào đó, bà Lan và đồng phạm đã rút tiền và sử dụng toàn bộ số tiền huy động được từ bán trái phiếu cho các mục đích khác dẫn đến không có đủ nguồn tiền để đảm bảo chi trả gốc và lãi đến hạn cho các trái chủ.
Ngoài bà Trương Mỹ Lan bị tuyên tử hình trong phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án ở giai đoạn 1 thì ông Đinh Văn Thành (đang bị truy nã) và ông Võ Tấn Hoàng Văn bị tuyên chung thân. Ông Hồ Bửu Phương lãnh án 20 năm tù. Bà Nguyễn Phương Hồng và ông Nguyễn Tiến Thành đã qua đời ngay sau khi bà Lan bị bắt giữ tháng 10/2022.
Thông báo về việc ông Nguyễn Tiến Thành qua đời "đột ngột" của Ủy ban chứng khoán Hà Nội. ỦY BAN CHỨNG KHOÁN HÀ NỘI
Kết luận điều tra cho thấy, ông Võ Tấn Hoàng Văn với vai trò là tổng giám đốc điều hành SCB đã phê duyệt việc hợp tác với Công ty chứng khoán Tân Việt TVSI để triển khai giới thiệu sản phẩm trái phiếu tại 239 chi nhánh Ngân hàng SCB.
Để thúc đẩy việc mua trái phiếu, SCB còn tiến hành hình thức đào tạo tập trung với gần 2.500 nhân viên gồm chuyên viên tư vấn, giao dịch viên, kiểm soát viên, phó giám đốc, giám đốc chi nhánh.
Trong số này, giao dịch viên - những nhân viên tại quầy giao dịch và chuyên viên tư vấn chiếm phần lớn - tổng cộng 2.000 người. Điều này khớp với lời kể của các nạn nhân của trái phiếu với BBC rằng, họ được các giao dịch viên chào mời sản phẩm trái phiếu nhưng lại dùng lối nói lập lờ là "gói tiết kiệm linh hoạt 31 ngày".
Từ vùng, đơn vị kinh doanh tới các nhân viên đều được quảng bá về cơ chế phân bổ hoa hồng khi giới thiệu trái phiếu.
Theo kết luận điều tra, SCB sẽ nhận được phí giới thiệu từ các hoạt động chào mời khách hàng mua trái phiếu. Đơn cử, phí giới thiệu trái phiếu Công ty An Đông là 0,083% trên số dư mà nhà đầu tư do Ngân hàng SCB giới thiệu nắm giữ trái phiếu Công ty An Đông tại cuối ngày 25 hàng tháng trong năm.
Ngoài phản ánh từ những trái chủ bị hại, BBC còn phỏng vấn được một nhân viên Ngân hàng SCB đã nghỉ việc. Người này thừa nhận rằng, việc đào tạo của ngân hàng về trái phiếu đều có kịch bản sẵn các tình huống, hướng dẫn nhân viên tư vấn xoáy vào lãi suất cao và mang tính an toàn.
Chụp lại video, Vạn Thịnh Phát: Những bí bật hé lộ tại tòa ▶️
Theo kết luận điều tra của Bộ Công an, trước thời điểm ngày 7/10/2022, Hội sở Ngân hàng SCB chưa tiếp nhận bất kỳ phản ánh nào từ khách hàng và các đơn vị kinh doanh về việc cán bộ nhân viên nào làm sai quy trình, nội dung đã được hướng dẫn, đào tạo để đẩy nhanh việc giới thiệu trái phiếu nhằm chạy theo doanh số, tiền thưởng hoa hồng.
Dữ liệu thống kê phản ánh ý kiến của khách hàng qua các kênh tiếp nhận cho thấy đa phần khách hàng than phiền về việc thanh toán lãi trái phiếu chậm, các vấn đề phát sinh khi bán trái phiếu trước hạn, thời gian nhận được tiền bán trái phiếu chậm.
Đáng chú ý, Ngân hàng SCB có nhận được một vài phản ánh của khách hàng bị nhầm lẫn trái phiếu doanh nghiệp là sản phẩm tiết kiệm. Tuy nhiên, theo Bộ Công an, các trường hợp này đã được Ngân hàng SCB liên hệ để giải quyết triệt để và thỏa đáng cho khách hàng.
Bên cạnh đó, ngày 15/12/2020, Ngân hàng SCB đã ban hành Thông báo số 13855/TB-TGĐ.20.00 về việc chấn chỉnh công tác giới thiệu khách hàng tham gia sản phẩm đầu tư trái phiếu đảm bảo đúng quy trình.
Đã về hưu được gần sáu năm, bà Nga có một số tiền dành dụm được sau nhiều năm làm lụng cũng như được con cháu, chị em cho và gửi nhờ, tổng cộng số tiền là khoảng 500 triệu. Bà lâu nay vẫn thường gửi tiết kiệm tại ngân hàng SCB gần nhà nên cũng tiếp tục bỏ số tiền đó vào tài khoản tiết kiệm của mình.
Nhưng khoảng tháng 8/2022, bà Nga được nhân viên của SCB chi nhánh số 44 Ngô Thì Nhậm, Hai Bà Trưng, Hà Nội tư vấn rằng ngân hàng mới ra mắt gói tiết kiệm linh hoạt, rút tiền và nhận lãi suất cao hơn gửi có kỳ hạn.
Cũng như bao nhiêu nạn nhân "sập bẫy" trong vụ mua trái phiếu của An Đông, Quang Thuận, bà Nga không hề hay biết mình đã đặt bút ký ủy nhiệm chi để mua trái phiếu, chứ không phải là gửi tiết kiệm.
"Tôi không hiểu trái phiếu An Đông là gì cả. Nhân viên nói với tôi rằng gói gửi tiết kiệm lãi suất cao là sản phẩm của SCB và có thể rút tiền sau 31 ngày mà vẫn có lãi. Tôi tin tưởng SCB là ngân hàng top 10 uy tín Việt Nam nên đồng ý gửi. Họ cho tôi ký vào rất nhiều giấy tờ, nhiều hơn thường lệ, nhưng chỉ đưa phần cuối mỗi tờ, chỗ ký tên và bảo mình ký chỗ họ đánh dấu," bà Nga thuật lại với BBC.
"Sau đó, tôi nhận được hợp đồng thì lại thấy bên nhận tiền là Công ty CP chứng khoáng Tân Việt, tôi mới hỏi cậu tư vấn viên thì họ vẫn nói là sản phẩm của SCB, tôi cũng nghĩ có hợp đồng trong tay thì cất đi thôi, không còn lo nghĩ gì," bà Nga nhớ lại.
Khách hàng đến đòi tiền tại chi nhánh ngân hàng SCB tại địa chỉ 256 đường Trần Phú, thành phố Đà Nẵng. NHUNG DA NANG
Ngày 7/10/2022, khi Chủ tịch Chứng khoán Tân Việt, thành viên HĐQT độc lập SCB là ông Nguyễn Tiến Thành đột ngột qua đời thì bà Nga nhận được điện thoại từ các tư vấn viên của chi nhánh SCB ở Ngô Thì Nhậm nói trên.
"Cậu tư vấn viên gọi và nói tôi rằng ông Thành bị đột tử và hiện có nhiều tin đồn tiêu cực về SCB, kêu tôi đừng nghe. Tới hôm sau, tôi ra SCB thì được phát tờ thông báo của Ngân hàng Nhà nước kêu gọi người dân yên tâm, bình tĩnh nên tôi cũng đi về.
"Sau đó, sự việc vỡ lỡ ra, người ta kéo đến SCB và nói việc gửi tiết kiệm nhưng thực chất là mua trái phiếu thì cậu tư vấn viên lúc ấy mới bảo để cậu ấy xem hồ sơ của tôi. Xong cậu ấy bảo đây không phải sản phẩm SCB mà là trái phiếu An Đông mà, tôi mới nói rằng chính nhân viên ngân hàng tư vấn gói tiết kiệm linh hoạt của SCB chứ tôi làm gì biết An Đông nào.
"Họ mới mở hợp đồng ra và chỉ cho tôi chữ viết tắt ADC gì đó, tôi hỏi tiếp sao cháu nói với cô rằng đây là gửi tiết kiệm mà thành ra trái phiếu là thế nào. Cậu này mới bảo tôi cứ bình tĩnh, rằng sẽ chịu trách nhiệm nhưng tôi nói chỉ muốn lấy lại tiền mà thôi. Cậu tư vấn viên ấy bảo vậy thì cháu bán thử xem có ai mua thì cô lấy lại tiền được không," bà Nga kể lại với BBC.
Tháng 10/2023, bà Nga đã đến cơ quan công an để làm đơn khiếu nại và nhận được giấy xác nhận rằng đơn của bà đã được tiếp nhận. "Họ nói tôi cứ về nhà, chờ đến khi công an gọi lên lấy lời khai thì đem theo tất cả chứng từ, hợp đồng lên."
Tổng cộng số tiền mà bà Nga gửi tiết kiệm nhưng biến thành trái phiếu An Đông là 500 triệu đồng với mã HD 185-003389/FLEX.ADC-2019.1/HĐMB. Đây là một trong những mã trái phiếu mà trái chủ đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định là bị hại trong vụ án.
Một số người dân biểu tình đòi SCB trả lại tiền. NHÂN VẬT CUNG CẤP
Bà Bảo Ngọc ở Hải Phòng cũng có trải nghiệm tương tự. Bà nói với BBC rằng, cho tới khi ông Nguyễn Tiến Thành đột tử và bà Trương Mỹ Lan bị bắt thì mới "té ngửa" rằng số tiền gần 1,5 tỷ đồng bà bỏ vào SCB là trái phiếu chứ không phải khoản tiết kiệm.
Những video bà Ngọc cho BBC xem đều cho thấy mọi giao dịch đều diễn ra tại ngân hàng, do nhân viên SCB phụ trách và không có bên thứ ba là công ty An Đông hay Quang Thuận.
"Nhân viên nói rằng đây là sản phẩm tiết kiệm gửi linh hoạt, 31 ngày là có thể rút được tiền mà không bị mất lãi, giống như gửi tiết kiệm có kỳ hạn. Họ nói rằng đây là hệ sinh thái của ngân hàng, là sản phẩm như tiết kiệm không rủi ro gì. Rồi mình ủy nhiệm chi cho họ làm hợp đồng. Nếu tôi biết là trái phiếu thì từ đầu sẽ không tham gia," bà Ngọc nói với BBC.
7 tháng 6 2024, 09:39 +07 - BBC
Tân Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang chưa đủ tiêu chuẩn vào Bộ Chính trị. BỘ CÔNG AN
Việc ông Lương Tam Quang chưa vào Bộ Chính trị mà đã thăng tiến lên làm bộ trưởng Công an là điều chưa từng có từ sau 1975. Điều này sẽ khiến ông đối mặt với nhiều thách thức.
BBC đã đưa tin trước đó, chiều 6/6, Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, đã trở thành tân bộ trưởng Bộ Công an nhiệm kỳ 2021-2026.
Một nhà quan sát chính trị bình luận với BBC rằng, cũng có thể đã có một vài ủy viên Bộ Chính trị cũng được xem xét để đề bạt, nhưng do chưa đủ điều kiện nên Bộ Chính trị chọn ông Lương Tam Quang.
Ông Carl Thayer, giáo sư danh dự về chính trị tại Đại học New South Wales, dự đoán với BBC vào ngày 6/6 rằng, ông Lương Tam Quang sẽ sớm vào Bộ Chính trị:
"Bộ trưởng Bộ Công an luôn là thành viên của Bộ Chính trị, nếu không vào Bộ Chính trị thì quyền lực của ông Quang sẽ bị giảm đi."
Xét các đời bộ trưởng Bộ Công an từ sau 1975 tới nay thì có một đặc thù là tất cả những nhân vật này đều đã được bầu vào Bộ Chính trị trước, sau đó mới lên làm bộ trưởng Công an.
Nhưng khi Bộ Chính trị bổ sung thêm bốn thành viên tại hội nghị Trung ương 9 vừa qua, ông Quang đã không có tên trong danh sách nên hiện ông không phải là ủy viên Bộ Chính trị.
Điều này cho thấy đã có những tính toán mới tại nhóm quyền lực nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam. Một nhà quan sát chính trị giấu tên nhận định với BBC rằng, việc ông Lương Tam Quang thay ông Tô Lâm khi chưa là ủy viên Bộ Chính trị là một "ngoại lệ chưa từng có" kể từ năm 1975.
Bộ trưởng Bộ Công an là chức danh quyền lực, nếu không có chân trong Bộ Chính trị thì sẽ không thể tham gia các cuộc họp quan trọng của nhóm lãnh đạo cao nhất của Đảng.
Chẳng hạn khi Bộ Chính trị họp bàn về các đại án, các án trọng điểm mà thiếu vắng bộ trưởng Bộ Công an là điều bất tiện. Chưa kể, việc cơ cấu đại diện của Bộ Công an (thuộc lĩnh vực trọng yếu) vào Bộ Chính trị và Trung ương Đảng là điều đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý khi chuẩn bị cho Đại hội khóa 13.
Hiện nay Bộ Chính trị với 16 ủy viên không có đại diện nào từ Bộ Công an kể từ khi ông Tô Lâm nhận nhiệm vụ mới, dù có nhiều người xuất thân từ ngành công an.
Nhà quan sát chính trị từ Hà Nội bình luận với điều kiện ẩn danh rằng, có khả năng khi Bộ Chính trị, Ban Bí thư họp về vấn đề mà cần có mặt Bộ Công an, có thể vẫn mời Ủy viên Trung ương Đảng Lương Tam Quang vào họp:
"Nguyên bộ trưởng, người đã nhận chức vụ mới là chủ tịch nước, cũng có thể cho ý kiến thêm, vì ông ấy đang là ủy viên Bộ Chính trị".
Ngoài ông Lương Tam Quang, một trường hợp được xem là phá vỡ thông lệ khác là Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc.
Từ trái qua: Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Đại tướng Tô Lâm, Thượng tướng Lương Tam Quang đều cùng quê Hưng Yên. BỘ CÔNG AN
Vào ngày 3/6, Thứ trưởng Bộ Công an, Ủy viên Trung ương Đảng Nguyễn Duy Ngọc đã được Bộ Chính trị phân công làm Chánh Văn phòng Trung ương Đảng khi chưa là ủy viên Ban Bí thư.
Theo thông lệ, người đảm trách chức vụ này thường nằm trong Ban Bí thư vì tính chất đòi hỏi của công việc.
Chánh Văn phòng Trung ương Đảng là đầu mối phối hợp chương trình công tác, các cuộc làm việc của những nhân vật chủ chốt trong Đảng, gồm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường và một số ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Chưa kể, vị trí này còn có nhiệm vụ giúp thường trực Ban Bí thư xử lý công việc hằng ngày của Đảng.
Vì vậy, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc không nằm trong Ban Ban Bí thư mà được phân công nhiệm vụ này cho thấy đây là điều "phá vỡ thông lệ", giống như Thượng tướng Lương Tam Quang chưa vào Bộ Chính trị đã thành Bộ trưởng Công an.
Một số ý kiến cho rằng, ông Nguyễn Duy Ngọc sẽ sớm được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Ban Bí thư và sự nghiệp ông sẽ tiếp tục thăng tiến.
Đáng chú ý, cả hai thượng tướng công an này đều là đồng hương Hưng Yên với ông Tô Lâm.
Theo Quy định 214 năm 2020 của Bộ Chính trị, để trở thành ủy viên Bộ Chính trị thì cá nhân cần phải là ủy viên chính thức của Ban Chấp hành Trung ương Đảng trọn một nhiệm kỳ trở lên, đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở các chức vụ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh hoặc trưởng các ban, bộ, ngành.
Đây là những tiêu chuẩn mà ông Lương Tam Quang còn thiếu, vì ông chưa làm trọn một nhiệm kỳ ủy viên Trung ương Đảng.
Ông cũng chưa kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở cương vị lãnh đạo cấp tỉnh, như bí thư tỉnh ủy, chủ tịch HĐND, UBND hoặc trưởng các ban, bộ, ngành như bộ trưởng, chủ nhiệm ủy ban trực thuộc Chính phủ.
Do đó, ông Lương Tam Quang sẽ khó vào Bộ Chính trị trước khi Đại hội Đảng 14 diễn ra, dự kiến vào đầu năm 2026.
Tuy nhiên, một số nhà quan sát chính trị lâu năm nói với BBC rằng, Quy định 214 có thể được điều chỉnh thông qua Ban Chấp hành Trung ương và từ đó tạo ra ngoại lệ.
"Việc ông Lương Tam Quang trở thành trường hợp ngoại lệ là điều có thể xảy ra, bởi lẽ nếu không vào Bộ Chính trị thì vào tháng 1/2026, ông sẽ quá tuổi tái ứng cử Ban Chấp hành Trung ương khóa 14," nhà quan sát chính trị từ Hà Nội nói với BBC.
Ông Lương Tam Quang sinh năm 1965, ông sẽ 61 tuổi vào năm 2026. Trong khi đó, quy định của Đảng về công tác nhân sự khóa 13 nêu rõ, ủy viên Ban chấp hành Trung ương tái cử không quá 60 tuổi.
Nếu Đại hội 14 không điều chỉnh về quy định độ tuổi, ông Quang sẽ không thể tái ứng cử vào Trung ương Đảng và sẽ không thể vào Bộ Chính trị. Khi không tiếp tục ở trong Trung ương Đảng thì sự nghiệp chính trị của ông coi như chấm dứt.
"Tôi nghĩ ông Quang sẽ cố làm tốt nhất để Đại hội 14 sẽ bầu ông ấy vào Bộ chính trị. Có thể trước Đại hội 14, ông ấy sẽ được bầu vào Ban Bí thư, để dọn đường vào Bộ chính trị ở đại hội 14. Kịch bản này có tính khả thi không nhỏ," nhà quan sát chính trị từ Hà Nội nói.
Còn Giáo sư Carl Thayer dự đoán với BBC rằng, ông Lương Tam Quang có thể sẽ được bầu vào Bộ Chính trị vào Hội nghị Trung ương 10 vào tháng 10 tới đây.
Tất nhiên là để thực hiện điều này - ông Quang vào Bộ Chính trị trước Đại hội 14 - thì cần sửa quy định của Đảng trước.
Bộ Quốc Phòng Vs Bộ Công An: Cán Cân Quyền Lực Chính Trị ▶️
Bộ Công an đã có tân bộ trưởng và có ba vị tướng rời Bộ Công an (ông Tô Lâm, ông Nguyễn Duy Ngọc và ông Tô Ân Xô) để nhận nhiệm vụ mới, dẫn đến những chuyển biến nhân sự đáng chú ý trong bộ đầy quyền lực này.
Đáng chú ý là việc Đại tướng Tô Lâm rời bộ này để làm chủ tịch nước, một trong "Tứ Trụ".
Người thay ông Tô Lâm ở ghế bộ trưởng là Thượng tướng Lương Tam Quang. Ở cương vị mới này, ông Quang sẽ điều hành trực tiếp bộ máy điều tra khổng lồ, vốn là công cụ chính của chiến dịch “đốt lò” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tiếp đến là Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc. Như đã đề cập ở trên, ông Ngọc được Bộ Chính trị phân công làm chánh Văn phòng Trung ương Đảng. Một số ý kiến cho rằng, đây là một cơ hội để ông có thể thăng tiến xa hơn.
Trước ông Ngọc, một số nhân vật giữ chức vụ này là ông Lê Minh Hưng (2020-2024), ông Nguyễn Văn Nên (2016-2020) và ông Trần Quốc Vượng (2011-2016). Những người này sau đó đều vào Bộ Chính trị.
Tuy nhiên, tương tự ông Lương Tam Quang, ông Nguyễn Duy Ngọc, sinh năm 1964 sẽ vấp phải quy định về tuổi và khó để ông thăng tiến vào Bộ Chính trị như những người tiền nhiệm của mình.
Ngày 1/6, Bộ Công an thông báo rằng do yêu cầu, nhận nhiệm vụ mới nên trước mắt, Trung tướng Tô Ân Xô sẽ tạm dừng nhiệm vụ là người phát ngôn của bộ này.
Tuổi Trẻ Online dẫn lời ông Tô Ân Xô xác nhận thông tin này và cho biết nhiệm vụ mới của ông là làm việc tại Văn phòng Chủ tịch nước.
Ông Tô Ân Xô từng là trợ lý của Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm và đảm nhiệm nhiệm vụ người phát ngôn Bộ Công an. Như vậy, với vị trí mới ở Văn phòng Chủ tịch nước, ông sẽ tiếp tục phục vụ thủ trưởng (trước đây tại Bộ Công an) là ông Tô Lâm, nay là chủ tịch nước.
Đại tướng Tô Lâm làm Chủ tịch nước – Dọn đường cho chức Tổng bí thư? ▶️
2024-06-07 - BBC
Nhà báo Huy Đức thường được biết đến với biệt danh Osin, cũng là bút danh ông sử dụng trên mạng xã hội
Nhà báo Huy Đức, tên thật là Trương Huy San, đã bị khởi tố và bắt tạm giam, sau nhiều ngày ông 'biến mất'. Ông là tác giả bộ sách Bên thắng cuộc và còn được biết đến với bút danh Osin.
Hôm nay ngày 7/6, Bộ Công an Việt Nam cho biết Cơ quan An ninh điều tra thuộc bộ này đã ra quyết định khởi tố vụ án "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" xảy ra tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố.
Trong vụ án này, nhà báo Huy Đức đã bị khởi tố để điều tra về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo Điều 331 Bộ luật Hình sự.
Cùng vụ án, Cơ quan An ninh cũng đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Trần Đình Triển, Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội với cùng tội danh.
Bộ Công an thông báo, kết quả điều tra ban đầu xác định ông Trương Huy San và ông Trần Đình Triển đã có hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng các quyền tự do dân chủ, đăng tải các bài viết trên mạng xã hội Facebook xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Trước khi bị bắt, Facebook mang tên Truong Huy San với hơn 370.000 người theo dõi đã có một số bài phản biện về hệ thống chính trị Việt Nam, đặc biệt là nói đến vai trò của Đại tướng Tô Lâm (hiện là chủ tịch nước) và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Theo thông tin từ Cơ quan An ninh điều tra, bước đầu tại cơ quan điều tra ông Trương Huy San và ông Trần Đình Triển đã thành khẩn khai báo, chấp hành các quy định tại nơi giam giữ.
Cơ quan điều tra cũng đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam, khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với ông Trương Huy San và Trần Đình Triển.
Nhà báo Huy Đức (trái) và luật sư Trần Đình Triển
Trước khi có tin tức về việc bị khởi tố, bắt giam thì nhà báo Huy Đức đã mất tích nhiều ngày, muộn nhất là sáng sớm ngày 1/6. Bạn bè, người thân đều không liên lạc được với nhà báo Huy Đức và ông cũng vắng mặt trong một sự kiện mà ông làm diễn giả chính.
Trang Facebook mang tên Truong Huy San, sở hữu hơn 370.000 người theo dõi, đã đóng vào ngày 2/6.
Một người bạn của ông Huy Đức nói với BBC hôm 4/6 rằng gia đình và bạn bè không có thêm thông tin gì về việc ông đã đi đâu.
"Anh Huy Đức đã chuyển hẳn ra Hà Nội ở mấy năm nay và sống ở khu Long Biên. Họ bắt và khám nhà ở tại nơi ở. Nhà cũ trong TP HCM cũng bị khám. Anh ấy ở một mình và chắc là cũng đã chuẩn bị cho ngày này," người bạn giấu tên của ông Huy Đức nói với BBC ngày 4/6.
Ngoài ra, người này còn thông tin thêm rằng, gia đình của ông Huy Đức đang ở Việt Nam nhưng không ai nhận được tin gì và không biết chuyện gì xảy ra với người thân của mình, chỉ có thể "bình tĩnh chờ đợi".
Ngày 1/6, nhà văn Trần Thanh Cảnh - bạn của ông Huy Đức - nói với BBC rằng chương trình Cà phê thứ Bảy tại Hà Nội đã được "chốt lịch" từ trước và nhà báo Huy Đức là diễn giả.
"Tôi và nhà báo Huy Đức có nhận lời mời của những người chủ trì Cà phê thứ Bảy làm một chương trình tọa đàm. Chương trình diễn ra vào lúc 3 giờ chiều thứ Bảy ngày 1/6/2024.
"Nhưng đến sáng hôm thứ Bảy, tôi không liên lạc được với Huy Đức, cả điện thoại và mạng xã hội. Tôi cố gắng liên lạc ngay với vài người thân bên cạnh anh ấy và hiểu điều gì đang diễn ra," nhà văn Trần Thanh Cảnh thuật lại với BBC hôm 2/6.
Chương trình Cà phê thứ Bảy với khách mời là nhà báo Huy Đức diễn ra vào ngày 1/6 nhưng ông Huy Đức đã không có mặt
Sau khi chương trình Cà phê thứ Bảy kết thúc, nhà văn Trần Thanh Cảnh lại một lần nữa liên lạc với người bạn của mình nhưng đầu dây bên kia vẫn không nhấc máy.
Ông cũng nói thêm rằng, trong nhiều cuộc nói chuyện trước đây giữa hai người, cả hai đều đã trao đổi và lường trước khả năng ông Huy Đức "có thể sẽ bị bắt" và cho biết thêm:
"Lần gặp cuối cùng của tôi với Huy Đức là tại nhà riêng của tôi, khi chúng tôi cùng vài người bạn tổ chức uống rượu và ngắm hoa (tối thứ Tư tuần vừa rồi, ngày 29/5). Lúc chia tay chúng tôi có hẹn lại gặp lại nhau vào chiều thứ Bảy nhưng sáng sớm hôm qua tôi nhắn tin và gọi điện thoại đã không liên lạc được rồi," ông Cảnh kể lại.
Theo Điều 331 Bộ luật Hình sự (2015), “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” được quy định như sau:
Báo Tuổi Trẻ dẫn nguồn tin từ Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cho biết ông Trương Huy San và ông Trần Đình Triển bị khởi tố theo Khoản 2, Điều 331. Khoản 2 có khung hình phạt tối đa là 7 năm tù.
Cơ quan An ninh cũng cho biết đang tiếp tục mở rộng điều tra, giải quyết vụ án theo quy định pháp luật và khuyến cáo người dân không nghe theo, chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng.
Trước ông Trương Huy San và ông Trần Đình Triển, nhiều nhà báo, luật sư, blogger, doanh nhân, nhà hoạt động từng bị điều tra, khởi tố theo Điều 331 chỉ vì những gì mà họ viết hoặc nói trên mạng xã hội.
Mới đây nhất, vào tháng 2/2024, nhà hoạt động, blogger Nguyễn Chí Tuyến, hay còn được biết đến với tên gọi Anh Chí, đã bị công an Việt Nam bắt theo Điều 331.
Một số cây viết như nhà báo Hàn Ni và nhóm Báo Sạch cũng đã bị truy tố theo điều luật này.
Nhóm ba luật sư từng tham gia bào chữa vụ "Tịnh thất Bồng Lai" cũng đã bị Công an tỉnh Long An truy tìm để điều tra theo Điều 331. Hiện ba luật sư này gồm ông Đặng Đình Mạnh, ông Nguyễn Văn Miếng và ông Đào Kim Lân đã tị nạn tại Mỹ.
Nữ doanh nhân nổi tiếng bị tuyên ba năm theo Điều 331 là Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam - bà Nguyễn Phương Hằng.
Vợ chồng ông Nguyễn Thái Hưng và bà Vũ Kim Hoàng - chủ kênh YouTube 'Nói bằng thực TV' - cũng lãnh án tù theo Điều 331.
Tại Việt Nam cũng đã có nhiều ý kiến từ luật sư đề nghị sửa đổi hoặc bãi bỏ Điều 331 vì những bất cập của điều khoản này.
Luật sư Ngô Anh Tuấn từng nói với BBC năm 2020, thời điểm nhà báo Trương Châu Hữu Danh của nhóm Báo Sạch bị khởi tố, rằng "những yếu tố cấu thành tội này rất mơ hồ".
"Cụ thể hai nội dung chính đều mơ hồ, không chứng minh được. Thứ nhất, về 'Lợi dụng quyền tự do dân chủ' , thì phải xem là ta đã dân chủ đến mức độ nào rồi và việc lợi dụng quyền này cụ thể là như thế nào."
"Thứ hai là về hậu quả 'xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước' , thì quyền và lợi ích hợp pháp đó là gì?"
"Với các tội phạm liên quan đến kinh tế thì còn đo đếm được qua mức thiệt hại từ hành vi mà bị can, bị cáo gây ra, còn những trường hợp như thế này người ta gần như không đo đếm được mà chỉ đưa ra nhận định chủ yếu dựa trên cảm quan cá nhân."
"Do đó, đa số những người bị bắt với cáo buộc vi phạm Điều 331 và một số điều khác liên quan đến an ninh quốc gia, thực tế chỉ do việc họ 'gõ bàn phím' , chứ không có hành vi nào thực sự gây nguy hại cho an ninh quốc gia như cáo buộc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền."
Năm 2022, bảy tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam và 79 trí thức đã đồng soạn thảo một kiến nghị yêu cầu bãi bỏ ba điều luật trong Bộ luật Hình sự năm 2015, gồm các điều 109, 117 và 331.
Trước khi "biến mất", trên Facebook mang tên Truong Huy San có đăng tải bài viết “Những suy nghĩ không rời rạc” vào ngày 28/5, trong đó ông bình luận về các vấn đề pháp quyền tại Việt Nam và viết rằng việc tái lập các ban Đảng thời ông Nguyễn Phú Trọng là "một bước lùi về chính trị".
Bài viết này có đoạn:
"Tuy cảm phục mức độ liêm chính, về mặt vật chất của ông Nguyễn Phú Trọng, dân chúng vẫn chưa thấy các dấu hiệu chứng tỏ sẽ có 'Đổi mới II' trong nhiệm kỳ cuối của ông. Nếu cho đến ngày nghỉ hưu, ông không đưa ra được một lộ trình chính trị để đất nước dân chủ hơn, sự sạch sẽ của ông sẽ là vô nghĩa."
Đại tướng Tô Lâm làm Chủ tịch nước – Dọn đường cho chức Tổng bí thư?
Một bài viết khác gần đây có nhan đề "Một quốc gia không thể phát triển dựa trên sự sợ hãi" trên Facebook Truong Huy San nói về quyền lực của Bộ Công an trong hệ thống chính trị và điều hành nhà nước:
"Việt Nam đang duy trì một thể chế tương đồng với Trung Quốc. Việt Nam nên học Trung Quốc ở những điều họ đúng: Bộ trưởng công an không phải là ủy viên bộ chính trị. Có lẽ Đảng Cộng sản Trung Quốc coi công an là công cụ của bộ chính trị chứ không để bộ chính trị trở thành con tin của công an."
"Bộ Công an cũng không nên cấu trúc như hiện nay mà nên tách chức năng điều tra khỏi lực lượng cảnh sát..."
"Không có quốc gia nào có thể phát bền vững dựa trên sự sợ hãi. Tôi tin là giờ đây, Đại tướng Tô Lâm sẽ tư duy như một nguyên thủ chứ không phải tư duy như một người nắm chắc Bộ Công an, đặt quyền lợi quốc gia lên trên lợi ích của ngành," bài viết nêu.
Vào ngày 19/5, trước thềm họp thường kỳ Quốc hội khóa 15, Facebook Truong Huy San cũng có bài viết, trong đó lập luận rằng một người vừa làm chủ tịch nước vừa làm bộ trưởng Công an là trái với Hiến pháp.
Lúc bấy giờ, ông Tô Lâm đã được Đảng Cộng sản Việt Nam giới thiệu để Quốc hội bầu chủ tịch nước, trong khi ông vẫn chưa được miễn nhiệm chức bộ trưởng Công an và trong chương trình làm việc được công bố lúc bấy giờ của Quốc hội cũng không có nội dung miễn nhiệm này.
Tới ngày 21/5, Quốc hội mới thống nhất bổ sung vào chương trình nghị sự nội dung miễn nhiệm chức vụ bộ trưởng Công an đối với Chủ tịch nước Tô Lâm.
Bên cạnh những bài viết nói trên, Facebook Truong Huy San cũng nói đến rất nhiều các vấn đề khác như các cuộc chiến mà lịch sử chính thống Việt Nam ít nhắc đến hoặc nhắc không đầy đủ như Chiến tranh Biên giới 1979, Gạc Ma 1988, những bất cập của hệ thống nhà nước, pháp luật, chính sách của Việt Nam...
Nhà báo Huy Đức khi còn làm báo và cả sau này là cây bút chính luận hàng đầu Việt Nam.
Ông tên thật là Trương Huy San, sinh 1962, quê quán tại Hà Tĩnh.
Ông từng tham gia trong quân đội với hơn 3 năm ở Campuchia trong giai đoạn chiến tranh giữa Việt Nam với chính quyền Khmer Đỏ.
Ông từng là phóng viên của báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Thời báo Kinh tế Sài Gòn.
Bút danh Huy Đức được công chúng biết đến nhiều trong thời gian ông làm báo Tuổi Trẻ.
Ông cũng từng làm cho tờ Sài Gòn Tiếp Thị và bị sa thải vào năm 2009 vì bài viết "Bức tường Berlin" mà ông đăng trên blog cá nhân.
Sau khi rời các cơ quan báo chí nhà nước, ông trở thành một cây viết chính trị-xã hội nổi tiếng trên mạng xã hội với bút danh Osin.
Năm 2012, ông nhận học bổng một năm của chương trình Nieman trao cho một số phóng viên tu nghiệp và nghiên cứu tại Viện Đại học Harvard.
Là tác giả sách, ông được biết đến với bộ sách Bên thắng cuộc ra mắt độc giả vào năm 2012. Tác phẩm gồm hai cuốn là Giải phóng và Quyền bính, với trọng tâm là những diễn biến chính trị tại Việt Nam từ những năm 1950, đặc biệt là từ năm 1975 đến cuối những năm 1990.
Nhà báo Huy Đức là tác giả bộ sách Bên thắng cuộc
Vào năm 2022, kỷ niệm 10 năm sách Bên thắng cuộc ra mắt, Ben Kerkvliet, một giáo sư hưu trí của Đại học Quốc gia Úc, viết cho BBC và khen ngợi rằng Bên thắng cuộc "tự nó là một thành tựu đáng khâm phục và sẽ vẫn là một đóng góp vô giá cho học thuật trong thời gian dài".
Nhà văn Trần Thanh Cảnh nói với BBC rằng bộ sách Bên thắng cuộc đã "bất tử cùng với lịch sử hiện đại của nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam".
"Những đóng góp của Huy Đức là vô giá cho văn hóa, lịch sử, văn học Việt Nam," ông chia sẻ với BBC News Tiếng Việt.
Bên cạnh sự nghiệp viết, ông Trương Huy San cũng được biết đến với nhiều hoạt động xã hội.
Ông tham gia điều hành chương trình Nhịp cầu Hoàng Sa nhằm hỗ trợ các gia đình tử sĩ, thương phế binh Hải chiến Hoàng Sa năm 1974 và các gia đình liệt sĩ, các cựu chiến binh, thương binh Trường Sa.
Gần đây, ông tham gia một số hoạt động trồng cây bảo vệ môi trường.
2024-06-06 - BBC
Thượng tướng Lương Tam Quang, tân Bộ trưởng Công an. VGP
Chiều 6/6, Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, đã trở thành tân bộ trưởng Bộ Công an nhiệm kỳ 2021-2026.
Vào buổi sáng cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trình Quốc hội danh sách đề nghị Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm bộ trưởng Bộ Công an nhiệm kỳ 2021-2026.
Nhân sự được Thủ tướng đề nghị là Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an.
Với tuyệt đại đa số đại biểu Quốc hội có mặt biểu quyết tán thành, Thượng tướng Lương Tam Quang đã trở thành tân bộ trưởng Bộ Công an nhiệm kỳ 2021-2026.
Trước đó, vào ngày 22/5, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc bầu Đại tướng Tô Lâm làm chủ tịch nước. Quốc hội cũng đã thông qua nghị quyết phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ bộ trưởng Bộ Công an đối với Đại tướng Tô Lâm.
Trước khi ông Lương Tam Quang trở thành bộ trưởng, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng thường trực Bộ Công an, đã được phân công điều hành bộ này.
Quy trình bổ nhiệm bộ trưởng được thực hiện theo trình tự: Thủ tướng Chính phủ đề xuất nhân sự, Quốc hội phê chuẩn.
Trên thực tế, sự sắp xếp của Bộ Chính trị mang tính quyết định.
Sự đề xuất của Thủ tướng Chính phủ cũng như việc phê chuẩn của Quốc hội là các bước thủ tục để hoàn thiện sự sắp xếp ấy của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Việc chọn Thượng tướng Lương Tam Quang, người chưa làm trọn một nhiệm kỳ ủy viên Trung ương Đảng và do đó chưa đủ tiêu chuẩn vào Bộ Chính trị, cho thấy đã có những tính toán mới tại nhóm quyền lực nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Theo Quy định 214 năm 2020 của Bộ Chính trị, để trở thành ủy viên Bộ Chính trị thì cá nhân cần phải là ủy viên chính thức của Ban Chấp hành Trung ương Đảng trọn một nhiệm kỳ trở lên, đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở các chức vụ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh hoặc trưởng các ban, bộ, ngành.
Đây là những tiêu chuẩn mà ông Lương Tam Quang còn thiếu, vì ông chưa làm trọn một nhiệm kỳ ủy viên Trung ương Đảng, chưa kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở cương vị lãnh đạo cấp tỉnh, như bí thư tỉnh ủy, chủ tịch HĐND, UBND hoặc trưởng các ban, bộ, ngành như bộ trưởng, chủ nhiệm ủy ban trực thuộc Chính phủ.
Do đó, có thể thấy là ông Lương Tam Quang sẽ không thể vào Bộ Chính trị trước khi Đại hội Đảng 14 diễn ra, dự kiến vào đầu năm 2026.
Trong trường hợp này, ông Quang sẽ là một bộ trưởng Công an không phải là ủy viên Bộ Chính trị.
Việc không có chân trong Bộ Chính trị khiến người đứng đầu Bộ Công an không được tham gia các cuộc họp quan trọng của nhóm quyền lực nhất nước. Đây có thể được coi là một điểm bất lợi cho tân Bộ trưởng Lương Tam Quang.
Thông tin về các ứng viên cho chức bộ trưởng Công an đã được bàn tán từ nhiều ngày qua, nhưng chỉ sau khi Đảng Cộng sản lựa chọn xong và Quốc hội phê chuẩn thì người dân mới biết. GETTY IMAGES
Thượng tướng Lương Tam Quang sinh năm 1965 tại xã Hiệp Cường, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên.
Ông là đồng hương của cựu Bộ trưởng Tô Lâm, người hiện đang là chủ tịch nước.
Ông được kết nạp đảng vào năm 1998.
Ông hiện là ủy viên Trung ương Đảng khóa 13.
Trước khi được phê chuẩn chức bộ trưởng, ông là ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương.
Ông có trình độ lý luận chính trị cao cấp, trình độ chuyên môn là cử nhân ngành điều tra tội phạm.
Sau thời gian công tác ở các vị trí cấp thấp trong ngành công an, ông Lương Tam Quang bắt đầu vươn lên các vị trí quyền lực hơn tại bộ này.
Năm 2012, ông trở thành trợ lý thứ trưởng Bộ Công an. Cùng năm, ông được bổ nhiệm phó chánh Văn phòng Bộ Công an.
Tới năm 2015, ông được thăng cấp bậc thiếu tướng.
Vào năm 2017, ông được bổ nhiệm chánh văn phòng Bộ Công an, kiêm người phát ngôn của bộ này.
Năm 2019, ông Lương Tam Quang được phong cấp hàm trung tướng. Tới tháng 8 cùng năm, ông được bổ nhiệm làm thứ trưởng Bộ Công an.
Tháng 5/2020, ông được phân công kiêm nhiệm chức thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an.
Tại Đại hội Đảng 13 vào tháng 1 năm 2021, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2021-2026.
Vào năm 2022, ông được thăng cấp hàm thượng tướng và tiếp tục cương vị thứ trưởng Bộ Công an.
Ngày 6/6/2024, ông được Quốc hội phê chuẩn chức danh bộ trưởng Bộ Công an.
Sau khi làm bộ trưởng, ông Lương Tam Quang dự kiến sẽ là bí thư Đảng ủy Công an Trung ương.
Theo thông lệ thì ông cũng sẽ sớm được thăng hàm đại tướng.
Bộ Công an có một lực lượng khổng lồ. Ảnh: Công an đang làm nhiệm vụ trong một trận bóng đá ở sân vận động Mỹ Đình, Hà Nội vào năm 2021. MINH HOANG/GETTY IMAGES
Về nhân lực, Bộ Công an chưa bao giờ công bố con số chính xác lực lượng chính quy.
Tuy nhiên, vào năm 2017, Giáo Sư Carl Thayer, nhà quan sát chính trị Việt Nam lâu năm, đăng trên blog của mình con số ước lượng công an ở Việt Nam là khoảng 6,7 triệu người vào năm 2013.
Con số này bao gồm công an có thẻ ngành và các lực lượng bán quân sự trực thuộc sự chỉ huy và điều động của Bộ Công an.
Trong số đó, có 1,2 triệu công an chính quy.
Nhân lực Bộ Công an sẽ càng phình to vào ngày 1/7/2024, khi Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chính thức có hiệu lực.
Luật này được Quốc hội khóa 15 thông qua vào tháng 11/2023, sáp nhập các lực lượng tham gia bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách và đội trưởng, đội phó dân phòng vào thành lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, được coi là "cánh tay nối dài" của Bộ Công an.
Ước tính, Bộ Công an sẽ có thêm khoảng 300.000 nhân viên từ lực lượng này.
Công an là cánh tay đắc lực của Đảng Cộng sản Việt Nam, với phương châm "chỉ biết còn Đảng, còn mình". GETTY IMAGES
Dưới sự lãnh đạo của ông Tô Lâm trong tám năm qua, Bộ Công an Việt Nam đang ngày càng được củng cố và mở rộng với mức chi từ ngân sách trung ương ngày càng tăng.
Nghị quyết về Dự toán ngân sách 2024 được Quốc hội thông qua vào ngày 10/11/2023 cho thấy Bộ Công an sẽ được phân bổ ngân sách hơn 113.000 tỷ đồng, tăng từ mức hơn 99.000 tỷ đồng của năm 2023.
Như vậy, ngân sách cho ngành công an chỉ đứng thứ hai, sau ngân sách quốc phòng (hơn 207.000 tỷ đồng) và gấp đôi ngân sách dành cho ngành giáo dục và y tế cộng lại.
Một trong những lý do khiến Bộ Công an được rót thêm ngân sách được giới quan sát cho là do Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở nói trên.
Bên cạnh quân đội, Đảng Cộng sản Việt Nam coi Bộ Công an là cánh tay đắc lực của mình với nhiệm vụ: đảm bảo sự tồn tại của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trước mọi phe đối lập, trong và ngoài nước, theo nhận định của nghiên cứu sinh tiến sĩ Khang Vũ đăng ngày 5/4/2024 trên trang TheDiplomat.
Bộ Công an Việt Nam dưới thời ông Tô Lâm đang hiện đại hóa lực lượng để sẵn sàng đối phó "các hình thức lật đổ mới".
Bộ Chính trị Việt Nam đã thông qua Nghị quyết 12-NQ/TW vào tháng 3/2022 về việc hiện đại hóa lực lượng công an để đáp ứng tốt hơn yêu cầu và thực hiện nhiệm vụ “trong tình hình mới”.
Vào tháng 6/2022, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Cảnh sát Cơ động, một lần nữa khẳng định rằng lực lượng này có thẩm quyền sử dụng vũ lực để trấn áp tình trạng bất ổn trong nước và khủng bố. Luật này cũng mở đường cho việc mua sắm vũ khí, trang thiết bị hiện đại.
Hôm 11/3/2024, Reuters đưa tin rằng một số công ty Hoa Kỳ do Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN dẫn đầu đã đến thăm Hà Nội để môi giới một thỏa thuận nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp thiết bị cho cảnh sát Việt Nam.
Đảng Cộng sản Việt Nam lo lắng rằng khi đất nước ngày càng mở cửa với thế giới, các “thế lực thù địch” có thể lợi dụng sơ hở để làm suy yếu quyền lực của Đảng và nhiệm vụ đảm bảo an ninh nội bộ càng trở nên quan trọng hơn, theo nhận định của ông Khang Vũ.
Cảnh sát cơ động Việt Nam bảo vệ cuộc gặp thượng đỉnh Donald Trump - Kim Jong-un tại Hà Nội vào năm 2019. YE AUNG THU/AFP/GETTY IMAGES
Vụ Trịnh Xuân Thanh
Bộ Công an dưới thời Bộ trưởng Tô Lâm bị Đức cáo buộc đã tổ chức bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh từ Berlin về Việt Nam vào năm 2017.
Vụ việc đã gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Việt Nam với Đức và Slovakia, mặc dù Hà Nội luôn phủ nhận vụ bắt cóc và nói rằng ông Thanh tự nguyện về nước đầu thú.
Đức sau đó đã điều tra việc phái đoàn do ông Tô Lâm dẫn đầu, nhân chuyến thăm Slovakia, đã mượn nước này một chiếc máy bay và sử dụng để chở ông Trịnh Xuân Thanh.
Một bức ảnh đăng trên Facebook cá nhân của ông Lê Thanh Hải, cựu cán bộ an ninh tại Đại sứ quán Việt Nam ở Berlin, vào ngày 7/7/2020 khoe ông nhận được Huân chương Chiến công hạng Ba do Chủ tịch nước ký vì “có thành tích xuất sắc tham gia kế hoạch VT17”. Cùng nhận thưởng với ông có 11 cán bộ công an Việt Nam khác.
Tất cả 12 người nói trên đều đã đến Slovakia chỉ vài ngày trước khi ông Thanh bị đưa về nước.
Vụ việc liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh đã gây ra căng thẳng ngoại giao giữa Việt Nam và Đức. GETTY IMAGES
Luật An ninh mạng
Luật An ninh mạng gây tranh cãi do Bộ Công an soạn thảo được thông qua năm 2018.
Luật này trao cho chính quyền nhiều quyền hạn mới, cho phép họ yêu cầu các công ty công nghệ và nhà cung cấp dịch vụ phải chia sẻ dữ liệu máy tính, bao gồm thông tin cá nhân, hoặc phải từ chối dịch vụ và kiểm duyệt bài đăng của người sử dụng mà không cần có sự xem xét của nhánh tư pháp.
Cơ quan nhân quyền của Liên Hợp Quốc quan ngại rằng luật này có thể được sử dụng để trấn áp tiếng nói bất đồng ở Việt Nam.
Cục Dân chủ, Nhân quyền và Lao động của Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra tuyên bố “bày tỏ sự thất vọng” về việc Quốc hội Việt Nam thông qua luật an ninh mạng.
Tổ chức Ân xá Quốc tế nói luật này “có nguy cơ gây hậu quả tàn khốc cho tự do ngôn luận ở Việt Nam” và với việc luật này có hiệu lực, “hiện nay ở Việt Nam không còn chỗ an toàn nào để mọi người tự do thảo luận".
Vụ Đồng Tâm
Rạng sáng ngày 9/1/2020, hơn 3.000 cảnh sát vũ trang được huy động đổ bộ vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.
Cuộc đụng độ giữa lực lượng cảnh sát và người dân, xuất phát từ tranh chấp đất đai kéo dài nhiều năm, đã khiến bốn người thiệt mạng, gồm một dân thường và ba cảnh sát.
Ba công an thiệt mạng sau đó được phong liệt sĩ.
Khoảng 30 người dân Đồng Tâm đã hầu tòa, với hai án tử hình và một án chung thân được tuyên.
Dân làng tại Đồng Tâm dùng đất chặn đường trong cuộc tranh chấp đất đai. GETTY IMAGES
Trả lời BBC Tiếng Việt hồi tháng 8/2020, luật sư Lê Văn Hòa – người hỗ trợ pháp lý cho bốn người dân Đồng Tâm trong vụ án này - nói: “Đây là một vụ án để lại một nỗi đau cho dân tộc Việt Nam, xuất phát từ việc tranh chấp đất đai."
Liên minh Nhân quyền Quốc tế (FIDH) ra thông cáo báo chí trong đó viết: "Nhiều vi phạm nhân quyền ở Việt Nam được thực hiện trong bối cảnh tranh chấp đất đai."
Thông cáo còn cho rằng "chính quyền Việt Nam đã liên tục áp dụng cách tiếp cận độc ác và bạo lực để giải quyết các tranh chấp này".
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) sau thời điểm xảy ra vụ việc cũng thúc giục EU kêu gọi chính phủ Việt Nam "khởi động một cuộc điều tra công bằng và minh bạch về vụ đụng độ ở Đồng Tâm ngày 9/1 và buộc những người sử dụng bạo lực phải chịu trách nhiệm".
Hơn một năm sau, ông Tô Lâm, lúc bấy giờ là bộ trưởng Bộ Công an, đã điểm lại vụ Đồng Tâm trong lúc nói về “kết quả nổi bật” mà lực lượng công an đạt được trong năm 2020.
6 tháng 6 2024, 08:25 +07 - BBC
Việt Nam được đánh giá rằng đang tập trung nhiều hơn vào “an ninh chính trị và sự tồn vong của chế độ hơn là phát triển kinh tế”
Biến động lớn trên chính trường Việt Nam trong những tháng vừa qua liệu có ảnh hưởng tới quan hệ Việt Nam-Trung Quốc?
Theo một bài viết ngày 5/6 trên báo South China Morning Post (SCMP), ông Trương Minh Lượng, phó giáo sư chuyên về Đông Nam Á và Biển Đông tại Đại học Kỵ Nam (Quảng Châu), cho rằng Bắc Kinh có thể hưởng lợi từ những cải tổ chính trị Việt Nam.
Theo ông Trương, những “rạn nứt” trong hàng ngũ lãnh đạo Việt Nam có thể làm suy yếu đi khả năng đoàn kết trong Đảng để đối phó với Trung Quốc liên quan đến tranh chấp Biển Đông và các vấn đề khác.
Một bài viết ngày 9/4 trên trang The Strategist của Viện Nghiên cứu Chính sách Chiến lược Úc (ASPI) cũng đã nhắc tới sự phân lập quan điểm của lãnh đạo cấp cao Việt Nam.
Theo bài viết, có ý kiến cho rằng các lãnh đạo bên Đảng sẽ thân Trung Quốc, còn các lãnh đạo bên chính phủ sẽ thân với Mỹ hơn.
Tuy nhiên, nếu căng thẳng đi quá trớn, đặc biệt là trong các vấn đề liên quan tới Biển Đông, mối quan hệ Việt-Trung có thể biến chuyển xấu đi, ông Trương nhận định.
Cũng trong bài viết nói trên của SCMP, Tiến sĩ Bill Hayton từ Viện Nghiên cứu Chatham House (Anh) cho rằng việc Trung Quốc quá cứng rắn với những yêu sách trên Biển Đông đang gây tổn hại tới niềm tin vào năng lực lãnh đạo của Đảng Cộng sản ở Việt Nam.
Theo ông, "nếu Trung Quốc khôn ngoan, họ sẽ tìm cách thỏa hiệp với Việt Nam [về các vấn đề trên Biển Đông], điều đó sẽ củng cố vị thế cho những người bạn của họ ở Hà Nội".
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Hayton nhận định rằng Việt Nam dường như đang đi theo “đường lối chính trị hướng nội” của Trung Quốc.
Theo ông, Việt Nam đang tập trung nhiều hơn vào “an ninh chính trị và sự tồn vong của chế độ hơn là phát triển kinh tế”.
Phó Giáo sư Jonathan London từng nêu ý kiến tương đồng trong một bài viết ngày 9/5 trên trang Fulcrum của Viện nghiên cứu ISEAS (Singapore).
Theo Phó Giáo sư London, việc bắt giữ hàng loạt quan chức trong nỗ lực chống tham nhũng đang gây ra “tình trạng tê liệt chính trị trên toàn hệ thống và đặc biệt là sự suy giảm nghiêm trọng trong đầu tư công”.
Bài viết ngày 22/5 trên Nikkei Asia cũng đề cập tới khía cạnh này.
Trong bài viết, Giáo sư Ryuichi Ushiyama từ Đại học Keiai (Nhật Bản) cho rằng Trung Quốc sẽ để ý hơn tới việc gia tăng quan hệ, cũng như tăng cường hỗ trợ cho các chính trị gia thân Trung Quốc ở Việt Nam.
Ngày 22/5, trong lời chúc gửi tới tân Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình ba lần nhắc tới “Cộng đồng chia sẻ tương lai”.
Ông Tập nhấn mạnh Trung Quốc và Việt Nam là hai nước láng giềng hữu nghị xã hội chủ nghĩa, núi sông liền một dải.
Có thể thấy là Trung Quốc mong muốn rằng, dù có những thay đổi về nhân sự lãnh đạo, Việt Nam sẽ vẫn đi theo lộ trình hợp tác mà hai nước đã nhất trí.
Tiến sĩ Huỳnh Tâm Sáng chia sẻ trong bài viết ngày 1/6 trên SCMP như sau:
“Quan chức Trung Quốc biết rằng họ luôn có thể tin tưởng ông Tô Lâm vì tình đồng chí cộng sinh với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người luôn nỗ lực duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.”
Ông Sáng cũng nói thêm rằng, vào tháng 1/2024, ông Tô Lâm đã hỏi xin lời khuyên từ các nhà lãnh đạo an ninh Trung Quốc về cách duy trì sự “kiểm soát và lãnh đạo toàn diện” của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trước và sau khi ông Tô Lâm chính thức nhậm chức chủ tịch nước, đã có nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam ngày càng mang đậm dấu ấn của một nhà nước “công an trị”.
Trong bài diễn văn nhậm chức hôm 22/5, ông Tô Lâm cũng đề cập tới những mục tiêu như nâng cao năng lực cầm quyền và lãnh đạo của Đảng, cam kết “chống tham nhũng, tiêu cực, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa”.
Theo Giáo sư Trương, phát biểu của ông Tô Lâm thể hiện rõ mục tiêu ổn định chính trị của Việt Nam, điều mà ông Trương cho rằng chỉ có thể đạt được bằng việc hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc.
Trong khi đó, trả lời SCMP, Giáo sư Carl Thayer, nhà nghiên cứu chính trị Việt Nam và bang giao quốc tế, đánh giá rằng sự bất ổn ở bộ máy lãnh đạo cấp cao khó có thể ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của Việt Nam, trong việc cân bằng mối quan hệ với Trung Quốc và Mỹ.
"Một dấu hiệu cho thấy chiến lược cân bằng của Việt Nam là việc trong khi kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ giảm, thì kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ lại tăng do sự gia tăng xuất khẩu của Trung Quốc sang Việt Nam."
Sau khi gia tăng thuế quan và giảm trao đổi thương mại với Trung Quốc, Mỹ đã gia tăng nhập khẩu từ Việt Nam.
Việc này được cho là có thể mang lại rủi ro cho kinh tế Việt Nam.
Darren Tay, chuyên gia kinh tế tại công ty nghiên cứu BMI, phát biểu với Reuters:
"Sự gia tăng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam trùng hợp với sự gia tăng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ có thể được phía Mỹ coi là các công ty Trung Quốc đang sử dụng Việt Nam để né tránh các khoản thuế bổ sung áp đặt lên hàng hóa của họ."
Hiểu một cách đơn giản là Trung Quốc đã sử dụng Việt Nam như một “trạm trung chuyển” để thay đổi “nguồn gốc xuất xứ hàng hóa” trước khi xuất khẩu sang Mỹ.
Theo ông Tay, điều này có thể dẫn đến việc áp thuế lên hàng hóa Việt Nam sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11.
"Sau cuộc bầu cử [Mỹ], bất cứ người nào thắng cũng có khả năng sẽ thay đổi chính sách đối với Việt Nam," ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) chi nhánh Việt Nam, nêu đánh giá.
Bên cạnh đó, việc Nga và Trung Quốc ngày càng xích lại gần nhau cũng được đánh giá là sẽ gây ra những khó khăn cho chính sách ngoại giao “cây tre” của Việt Nam.
Theo một bài viết hồi tháng 9/2023 của Viện Nghiên cứu An ninh Hoa Kỳ (American Security Project - ASP), Việt Nam cần dần hạn chế quan hệ đối tác chiến lược với Nga để bảo toàn vị thế cân bằng trước ba cường quốc Mỹ, Nga và Trung Quốc.
Tuy nhiên, gần đây đã có thông tin cho thấy Việt Nam đang có ý muốn tham gia khối BRICS, một nhóm quốc gia mà Trung Quốc và Nga đóng vai trò chủ chốt.
Tổng thống Putin đã có chuyến thăm kéo dài hai ngày tới Trung Quốc vào giữa tháng 5/2024. GETTY IMAGES
Cũng trong bài viết ngày 1/6 trên SCMP, Giáo sư Zachary Abuza từ trường National War College, Đại học National Defense (Mỹ) cho rằng các nhà lãnh đạo Việt Nam có thế giới quan tương tự với các nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông cho rằng điều này sẽ không tác động tới sự cân bằng trong chính sách ngoại giao của Việt Nam. Trong bối cảnh gặp phải nhiều vấn đề như nguồn cung điện và cơ sở hạ tầng yếu kém, ông Abuza cho rằng Việt Nam cần cả Mỹ và Trung Quốc để có thể phát triển kinh tế.
"Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào việc hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu và cũng đã hưởng lợi rất lớn từ các chiến lược giảm rủi ro của các tập đoàn."
Theo một bài viết ngày 3/6 trên báo Financial Times, chính các nhà đầu tư Trung Quốc cũng đang ưu ái đầu tư vào Việt Nam do sự leo thang căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington.
Việt Nam hiện đã vượt qua Mỹ để trở thành điểm đến hàng đầu cho các dự án sản xuất và hậu cần của Trung Quốc.
Trả lời Financial Times, bà Audrey Liang, đại diện bán hàng của nhà sản xuất dao và dụng cụ Summit Enterprise, cho biết doanh nghiệp này đang xây dựng một nhà máy tại Việt Nam.
Trước khi thực hiện bước đi này, Summit Enterprise chỉ có một nhà máy duy nhất ở Quảng Đông suốt 26 năm qua.
Theo bà, một số khách hàng đã yêu cầu Summit Enterprise xem xét đặt nhà máy ở Việt Nam do mức thuế thấp và những “lý do chính trị”.
Năm 2023, Trung Quốc và Hong Kong đã vượt mặt Hàn Quốc về tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, theo số liệu công bố trên trang web của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam.
Tuy nhiên, vẫn còn đó những lo ngại về sự trì trệ trong bộ máy hành chính của Việt Nam.
Trong kỳ họp Quốc hội lần này, cũng đã có nhiều đại biểu phản ánh tình trạng các quan chức sợ trách nhiệm, không dám ra quyết định ngày càng phổ biến, trở thành một "nạn dịch".
Tình trạng giải ngân vốn đâu tư công bốn tháng đầu năm 2024 của Việt Nam đã tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái nhưng được đánh giá là vẫn ở mức khiêm tốn.
2024-06-01 - BBC
Ông Nguyễn Văn Hậu (Hậu Pháo) - Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn; ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Tập đoàn Thuận An, từ trái qua. BỘ CÔNG AN
Bộ Công an Việt Nam vừa cho biết đã thu hồi số lượng tài sản, tang vật lớn trong quá trình điều tra các vụ án xảy ra tại Tập đoàn Thuận An và Tập đoàn Phúc Sơn, đưa hàng loạt cán bộ “vào lò”.
Đây là thông tin do Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó chánh văn phòng Bộ Công an, công bố tại họp báo Chính phủ thường kì ngày 1/6, khi được hỏi về các đại án được dư luận quan tâm.
Theo đại diện Bộ Công an, trên 300 tỷ đồng, gần 2 triệu USD, trên 500 lượng vàng và hơn 1.000 sổ đỏ đã được thu giữ, trong khi có 23 bị can đã bị khởi tố, bắt tạm giam trong vụ án liên quan đến Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, do ông Nguyễn Văn Hậu (tức Hậu Pháo) làm Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Còn với vụ án liên quan Tập đoàn Thuận An, ông Hoàng Anh Tuyên cho hay đã khởi tố 8 bị can, thu hồi hơn 40 tỷ đồng. Hiện cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đang mở rộng điều tra làm rõ dấu hiệu sai phạm trong việc đấu thầu, triển khai các dự án của tập đoàn này; đồng thời thu hồi triệt để tài sản cho nhà nước.
Trước đó, hôm 30/5, Bộ Công an cho biết hai vụ án này đã được Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực thống nhất đưa vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Phúc Sơn có xuất phát điểm là một công ty xây dựng nhỏ được thành lập vào năm 2004 tại tỉnh Vĩnh Phúc.
Đến năm 2009, Tập đoàn Phúc Sơn ra đời, có trụ sở chính ở huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, xây dựng.
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Hậu, quê Vĩnh Phúc, là người đại diện của tập đoàn.
Doanh nghiệp này được phê duyệt và giao nhiều gói thầu lớn với quỹ đất lên đến hàng trăm héc ta nhưng chậm tiến độ, "đắp chiếu" trên nhiều tỉnh thành khắp Việt Nam.
Ở Vĩnh Phúc, tập đoàn Phúc Sơn có một số dự án chậm tiến độ bao gồm:
Ở Quảng Ngãi, tập đoàn này có một số dự án vẫn chưa hoàn thành, dính sai phạm như:
Ở Khánh Hoà, có hai dự án của tập đoàn được phê duyệt từ năm 2014, tới nay đã "treo" trong 10 năm, và ba dự án "chưa hoàn thành đúng cam kết" bao gồm:
Từ trái qua: ông Lê Duy Thành, bà Hoàng Thị Thúy Lan, ông Nguyễn Văn Hậu (Hậu Pháo). BỘ CÔNG AN
Cáo buộc sai phạm tại tập đoàn này được cho là đã diễn ra nhiều năm nhưng chỉ được biết đến rộng rãi khi UBND tỉnh Khánh Hòa chuyển hồ sơ vụ án về Trung ương vào cuối năm 2023.
Đến ngày 26/2/2024, vụ án chính thức được Bộ Công an Việt Nam khởi tố.
Trang Xây dựng chính sách, pháp luật của Chính phủ Việt Nam cho biết khi mở rộng điều tra vụ án Tập đoàn Phúc Sơn, có ba tỉnh là Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi và Vĩnh Long được xác định là có liên quan.
Cho đến nay, 23 bị can đã bị khởi tố với các tội “Nhận hối lộ”, “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”.
Nhiều quan chức cấp tỉnh đã rơi vào vòng lao lý, bao gồm:
Ông Võ Văn Thưởng xin thôi chức khi phải chịu "trách nhiệm người đứng đầu"
Ngoài mức độ nghiêm trọng, đại án Phúc Sơn còn được dư luận quan tâm vì có những nhận định cho rằng có mối dây liên kết giữa vụ việc và sự kiện Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng bị miễn nhiệm hồi tháng 3/2024.
Theo cáo buộc, một số sai phạm của tập đoàn Phúc Sơn tại Quảng Ngãi diễn ra thời ông Võ Văn Thưởng làm bí thư tỉnh này từ năm 2011 tới năm 2014.
Trong khi đó, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long là quê hương của ông Thưởng.
Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang, trong cuộc phỏng vấn với BBC News Tiếng Việt ngày 20/3, cũng nhắc tới việc những sai phạm khiến ông Thưởng bị miễn nhiệm được cho là xảy ra vào giai đoạn ông đang làm Bí thư tỉnh Quảng Ngãi.
Một số trang tin của chính quyền cấp địa phương hồi cuối tháng 3/2024 cũng có đăng bài viết “Đừng thấy ‘sóng cả’ mà ngã niềm tin”, trong đó nêu:
“Các báo cáo của Trung ương và đơn của đồng chí Võ Văn Thưởng nêu rõ, thời gian đồng chí Thưởng làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã không kiểm soát chặt chẽ, đề cán bộ dưới quyền vi phạm pháp luật, để một doanh nghiệp mượn danh đảm nhận nhiều dự án, can thiệp công tác cán bộ, làm mất lòng tin trong nhân dân.”
Trong cuộc phỏng vấn với BBC News Tiếng Việt tối ngày 20/3, Giáo sư Carl Thayer, nhà nghiên cứu chính trị Việt Nam và bang giao quốc tế, cũng có đánh giá tương tự khi nói về những sai phạm khiến ông Thưởng phải từ chức.
Tập đoàn Thuận An, tiền thân là Công ty Cổ phần Phát triển Xây dựng và Thương mại Thuận An, được thành lập vào tháng 8/2004, do ông Nguyễn Duy Hưng sáng lập và làm Chủ tịch HĐQT.
Vốn điều lệ của Thuận An ở thời điểm tháng 8/2020 là 300 tỷ đồng và tăng lên 800 tỷ đồng vào năm 2021.
Tập đoàn này nổi tiếng trong lĩnh vực đầu tư và xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, kinh doanh mua bán điện và năng lượng tái tạo, cũng như đầu tư vào bất động sản.
Từ tháng 2/2014 đến tháng 12/2023, Tập đoàn Thuận An đã, trực tiếp hoặc liên danh, tham gia đấu thầu và trúng 32 gói thầu tại 16 tỉnh, thành phố với tổng giá trị hơn 23.000 tỷ đồng.
Đặc biệt trong 2 năm 2022-2023, tập đoàn này trúng nhiều gói thầu với tổng giá trị 18.000 tỷ đồng, bao gồm những gói thầu có nguồn vốn thuộc Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau Covid-19.
Thuận An liên tục trúng hàng chục gói thầu xây lắp, trong đó có những gói thầu quy mô lớn như: cầu Sông Rút, cầu Cửa Hội, cầu Đồng Việt, cầu Máy Chai, cầu Kỳ Lộ, cầu Rạch Miễu 2...
Ngoài ra, tập đoàn này đã tham gia dự án tại nhiều địa phương như Hà Nội, TP HCM, Ninh Thuận, Quảng Nam, Cần Thơ, Thái Nguyên, Bình Dương, An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Hà Giang, Tuyên Quang...
Chủ tịch Tập đoàn Thuận An, ông Nguyễn Duy Hưng, bị bắt kéo theo hàng loạt dự án của tập đoàn này bị rà soát
Ngày 15/4/2024, ông Nguyễn Duy Hưng khởi tố, tạm giam về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và "Đưa hối lộ" khi Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) điều tra những sai phạm ở Tập đoàn Thuận An.
Một số quan chức trong Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp, tỉnh Bắc Giang cũng bị cơ quan điều tra bắt khởi tố, tạm giam gồm: Nguyễn Văn Thạo - Giám đốc ban, Đàm Văn Cường - Phó Giám đốc ban và ông Hoàng Thế Du, Trưởng phòng ban.
Đặc biệt, một nhân vật trong một cơ quan trung ương cũng đã "vào lò" trong vụ này là ông Phạm Thái Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khi đó.
Sau đó, ông Vương Đình Huệ đã bị miễn nhiệm chức danh Chủ tịch Quốc hội, đồng thời cho thôi làm đại biểu Quốc hội vào hôm 2/5.
Mặc dù Đảng Cộng sản Việt Nam không nêu cụ thể ông Vương Đình Huệ đã vi phạm những gì, nhưng vụ miễn nhiệm ông Huệ xảy ra sau vụ thuộc cấp thân tín của ông là Phạm Thái Hà bị bắt hôm 21/4.
Khi ông Phạm Thái Hà bị bắt, ông Vương Đình Huệ bị đặt câu hỏi về "trách nhiệm người đứng đầu"
Sáng 30/5/2024, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã tổ chức cuộc họp tại Hà Nội để thảo luận, cho ý kiến đối với kết quả chỉ đạo xử lý một số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực từ đầu năm đến nay.
Theo thông cáo báo chí cuộc họp, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh quyết liệt theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là: “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.
Trong thời gian tới, Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu tập trung điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc liên quan đến tập đoàn FLC, Công ty AIC, tập đoàn Vạn Thịnh Phát, dự án Sài Gòn - Đại Ninh (Lâm Đồng)… đồng thời truy bắt, dẫn độ bằng được những bị can, bị cáo bỏ trốn ra nước ngoài về nước để thi hành án.
Liên quan tới sai phạm tại dự án Đại Ninh ở Lâm Đồng, ngày 28/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký quyết định phê chuẩn kết quả bãi nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Trần Văn Hiệp, người đã bị bắt trước đó.
Còn liên quan đến vụ AIC, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Việt Nam hôm 24/5 đã truy tố 14 bị can trong vụ vi phạm đấu thầu xảy ra tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM, Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (Công ty AIC) và Trung tâm Công nghệ sinh học TP HCM.
Đến nay, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng 3 bị can khác là Trần Mạnh Hà, Trần Đăng Tấn, Đỗ Vân Trường (đều là nhân viên AIC) đang bỏ trốn.
31 tháng 5 2024, 10:23 +07 - BBC
Trên mạng, hành trình tu tập của Thích Minh Tuệ và “tăng đoàn” được cập nhật từng ngày.
Hằng ngày lên mạng theo dõi hành trình của Thích Minh Tuệ có lẽ đã trở thành thói quen của không ít người Việt. Một phiên livestream về ông có 1 vạn người xem trực tiếp là bình thường.
Trên mạng, hành trình tu tập của Thích Minh Tuệ và “tăng đoàn” được cập nhật từng ngày. Xem ra không kém phần kịch tính. Mỗi ngày lại có một vài “biến” bõ công đại chúng dõi theo và bàn tán.
Hằng ngày lên mạng theo dõi hành trình của sư Thích Minh Tuệ có lẽ đã trở thành thói quen của không ít người Việt.
Với việc quanh mình lúc nào cũng có vài trăm khán giả hiếu kỳ, vài chục đại diện truyền thông mạng và đặc biệt trên dưới 30 “đệ tử” kề cận 24/7, rõ ràng đã hình thành một tăng đoàn và sư Thích Minh Tuệ bất đắc dĩ phải nhận vai “trụ trì” ngôi chùa di động. Trước đây, có clip ghi lại quan điểm của ông cho rằng đã làm trụ trì thì đừng mong giải thoát. Đúng là “ghét” của nào nhận ngay của ấy.
Việc tu của ông từ đó cũng khó khăn gấp bội. Trước đây chỉ có một mình, ông dễ dàng tìm nơi nghỉ ngơi và tu tập hằng đêm, nay phải kiếm chỗ nào đủ rộng để mọi người cùng được an vị. Đi khất thực có khi ông cũng phải nhận thêm đồ ăn đựng trong các túi lúc lỉu như mẹ đi chợ mua thực phẩm cho đàn con thơ dại đang chờ, vây quanh nơi ông ngồi thường có hàng chục chai nước tinh khiết. Để ngăn những con mắt tọc mạch hằng đêm, một số địa phương phải căng bạt cho ông và cả đoàn ngồi.
Trước đây, nhiều người (đặc biệt là các Phật tử nữ) bày tỏ sự thương xót khi thấy ông Minh Tuệ đầu trần, chân đất, ngủ ngồi hoặc một thân một mình nơi hoang lạnh… Nghĩa là họ lấy thước đo của bản thân đem áp cho người tu. Mà không biết hoặc không để ý nếu ông Minh Tuệ không tìm thấy sự an lạc trong những hành động đó thì ông đã lăn ra ốm, phải đi cấp cứu từ lâu. Sự khổ đáng kể hơn là phải đối diện đám đông hỗn tạp như lúc này. Có thể thấy tạm thời ông kém tươi hơn và có lúc phải xưng “chúng tôi” thay vì “con” khi muốn giải tán đám đông trong vô vọng.
Ai thực sự hướng Phật sẽ hồi hộp thay cho đường tu đương đại của một hành giả. Còn dân thường thì đã có vô số chủ đề bày ra hằng ngày để kháo nhau như hôm nay “sư” nào bị mời về, có nhóm nào đi theo để phá “thầy”, người nhà nào đi theo níu kéo, nghĩa trang nào đã từ chối “thầy”... Một số thuyết âm mưu cũng được đưa ra, như có người được cài vào tăng đoàn để theo dõi và phá hoại hay các xích mích, phân cấp không tránh khỏi khi một tập thể hình thành. Có ý kiến cho rằng sau khi giải quyết xong những nan đề trên thì ông Minh Tuệ chứng đắc là vừa.
Đây là những áp lực chưa từng có đối với một tu sĩ. Chưa ai tu dưới sự quan sát tới chân tơ kẽ tóc của đại chúng như vậy. Các kênh thông tin mạng xã hội đi sâu vào lý giải thầy đi vệ sinh thế nào, kiểu gì; sao hai tuần mới tắm một lần mà vẫn tỏa hương thơm tự nhiên… Nói chung cũng là một cuộc thi đua tự giác tìm hiểu Phật học sâu rộng trong quần chúng.
Thích Minh Tuệ đang trên đường học theo hạnh Phật đã được tường thuật trực tiếp om sòm, không biết tới lúc đắc đạo, chứng quả… còn rầm rộ cỡ nào. Đây không chỉ là xu hướng dài hơi nhất mà cũng khó đoán diễn biến nhất trên mạng xã hội.
Sư Thích Minh Tuệ đã trở thành một hiện tượng tu hành tại Việt Nam
Người thường nếu tạo được xu hướng như Thích Minh Tuệ hẳn đã giàu to. Khi sở hữu nhân hiệu mà không tận dụng, tức khắc sẽ có nhiều đối tượng lao vào khai thác. Người ta ước tính mỗi ngày các YouTuber, TikToker có thể thu về hàng chục triệu đồng từ các sản phẩm xoay quanh hành trình Thích Minh Tuệ. Đó là lý do vì sao họ bám theo “nhà máy in tiền” đầy nhiệt huyết như vậy.
Tất nhiên, các “đồ đệ” cũng sẽ ngay lập tức được hưởng hào quang từ Thích Minh Tuệ. Dù trước đó họ là ai thì sau khi được chấp nhận vào đoàn của Thích Minh Tuệ lập tức có danh, được tôn xưng và thậm chí được đảnh lễ. Trong khi họ thường chỉ tuyên bố đi theo để học hỏi và bảo vệ “thầy” chứ không đặt mục tiêu đi đến chết, đi để đạt giải thoát… như Thích Minh Tuệ. Nhưng so với dân chúng, họ được xếp vào dạng “dám nghĩ dám làm” nên cũng được cổ vũ, coi như đi được ngày nào tốt ngày đấy.
Một số thương hiệu thời trang đưa ra các mẫu quần áo cho cả nam lẫn nữ phối màu theo phong cách Minh Tuệ. Gần đây, một nữ ca sĩ đã khoe mua chiếc váy như thế với giá 2,5 triệu. Tranh tượng, ca khúc, thơ… về Thích Minh Tuệ cũng được mùa. Thậm chí thấy bảo ông Minh Tuệ nhắc đến cuốn kinh nào thì chủ kênh cũng dẫn link bán kinh luôn. Có người tính ra mỗi khi ông đi qua địa phương nào sẽ thu hút người từ khắp nơi, kể cả nước ngoài đổ về. Coi như cú hích du lịch hiệu quả. Mà chi phí mỗi ngày cho đội quân của “đại sứ du lịch” chỉ là mấy chục bữa chay, lại do dân tình nguyện tài trợ.
Một lực lượng đông đảo với đủ thành phần luôn theo sát nhà sư Thích Minh Tuệ
Bằng quy định mới đến tận nhà dân khất thực, ông Minh Tuệ đã hãm lại sự nhiệt tình thái quá thành lãng phí của người dân khi họ thường mang đồ ăn nước uống đến chất đống tại mỗi nơi đoàn dừng chân.
Nhiều người vui mừng vì sư Minh Tuệ và lối tu dường như ai cũng có thể chứng thực là báo hiệu cho sự trở lại của đạo pháp chân chính, làm lu mờ những “pháp tu” mê mị dân chúng chủ yếu để thu tiền cúng thời gian gần đây. Nhưng quan sát rộng ra có thể thấy sự tái xuất của pháp tu hạnh đầu đà có nhân duyên sâu rộng hơn. Xã hội rõ ràng phát triển về vật chất. Nhà nào cũng sẵn vài lõi nồi cơm điện dùng không hết. Và giờ đây nó bỗng trở thành biểu tượng của sự giải thoát, được đưa vào tủ kính trưng bày hoặc làm thành trang sức đeo cổ.
Nhiều tỉnh thành chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự khi có đoàn đi qua. Ảnh chụp đoàn đi qua tỉnh Quảng Trị hôm 29/5.
Tiện nghi vật chất ngày càng tiện lợi hơn, hàng hóa rẻ hơn, quảng cáo thông minh hơn khiến người tiêu dùng rơi vào vòng xoáy mua sắm không ngừng.
Đây là một trong những nguyên nhân gây biến đổi khí hậu, khiến Trái Đất tăng nhiệt độ đến mức không thể đảo ngược.
Thực phẩm cũng ê hề nhưng an toàn vệ sinh thì… không biết thế nào. Con người có thể hình thành miễn dịch với COVID nhưng ung thư thì không. Và nó đang lan tràn không kém gì bệnh dịch.
Có thể thấy nhân loại đang đi đến ngõ cụt nhưng theo quán tính cứ thế lao tới.
Con người bất lực nên càng tìm đến bám víu vào tôn giáo nhiều hơn. Các chùa được xây dựng với quy mô ngày càng hoành tráng với “doanh thu” khổng lồ. Đâu đó có công nghiệp showbiz thu lợi nhuận khủng thì Việt Nam có “công nghiệp cúng dường”.
Dù không coi đạo Phật là quốc giáo nhưng Việt Nam tự hào sở hữu những tượng Phật, những chùa to nhất khu vực, thậm chí thế giới.
Và sẵn sàng hy sinh danh lam thắng cảnh hay diện tích đất nông nghiệp để có được những kỷ lục đó. Kể cả số tiền đầu tư xây chùa có thể dùng vào nhiều việc khác có ích cho xã hội.
Trong hình dung của nhiều người “có tầm” thì đầu tư vào chùa lúc này là an tâm nhất.
Sư Thích Minh Tuệ luôn ở giữa đám đông
Trong tình thế đó, sự xuất hiện của Thích Minh Tuệ vô tình là một chiếc phanh hãm, một sự cảnh tỉnh về mặt tinh thần.
Giải pháp không phải là tất cả nên ôm ruột nồi cơm điện ra đường mà là cần thực hành tiết kiệm, “thiểu dục tri túc”. Và cũng nên tỉnh táo trước những lời “đường mật” dù là của thầy tu.
Quan điểm của ông Minh Tuệ là không rao giảng nhưng chính cách tu của ông là một bài giảng hùng hồn.
Ngày nay các chùa, các sư phải đầu tư tổ chức những pháp hội lớn mong thu hút dân chúng tới nghe giảng.
Đằng này, Thích Minh Tuệ chỉ ra đường và đi, không tốn tiền đã tạo nên một “pháp hội” (dù có vô tổ chức tí) rộng khắp.
Mỗi sư thầy sẽ có một phong cách hoằng pháp thu hút từng đối tượng riêng.
Còn Thích Minh Tuệ vì không dùng lời, khỏi cắt nghĩa nên càng dễ thu phục rộng rãi quần chúng.
Thậm chí không ít tín đồ Công giáo cũng cảm nhận được sự “khao khát tâm linh”, “khao khát Nước Trời” nơi Thích Minh Tuệ và dành cho ông những lời ca tụng.
Nồi cơm điện mà ông mang theo để khách thực đã trở thành "xu hướng"
Do sư Thích Minh Đạo trót có lời tán thán Thích Minh Tuệ (nguyên văn: “Nhân đây cũng xin đại diện cho Phật giáo tỏ lòng thương mến một nhà sư lặng lẽ một mình đi hành đạo đã làm cho Phật giáo Việt Nam sống lại trong lòng của Phật tử năm châu”) nên bị Giáo hội quở phạt. Do đó mà linh mục đã gọi điện vấn an sư.
Trong lời dạy Phật tử, sư Thích Minh Đạo cũng nhắc đến Tổ sư của phái khất sĩ ở miền Nam là Minh Đăng Quang (1923- 1954) - người đã bị mất tích mà Thích Minh Đạo nói luôn là bị giết.
Và từ phân tích của ông mà suy ra thì cái cung cách mà dân chúng đang đối xử với Thích Minh Tuệ như hiện nay cũng nguy hiểm không kém… một tổ chức ám sát nào đó.
Vì khi quá ngưỡng chịu đựng sự xoi mói của người đời, ông Minh Tuệ sẽ lánh vào rừng sâu để ẩn tu hoàn toàn.
Ở đó, không còn cơ hội khất thực nên rất có thể ông sẽ nhập diệt trước hạn.
Khả năng đó xem ra còn dễ xảy đến hơn việc ông được thong dong tự tại đi trên khắp những nẻo đường Việt Nam mà không bị quấy rầy. Hơn ai hết Thích Minh Tuệ cảm nhận rõ cái giá của sự nổi tiếng.
Vì các ngôi sao hết sô diễn có thể về nhà. Còn ông - cả cuộc đời bày ra cho thiên hạ ngó.
Hiện ông không phải vị đầu đà duy nhất đang du tu trên đất Việt nhưng lại có số phải nổi tiếng.
Nhưng biết đâu ông được chọn vì đã sẵn đủ những phẩm hạnh để vượt qua sóng gió này?!
---
* Bài viết được tác giả nhà báo Nguyễn Mạnh Hà từ Hà Nội gửi tới BBC.