logo-vuot
acrobat  📂  🏠   

DongPhungViet - 1

GHPG Việt Nam ngộ nạn chỉ vì... ‘sao y bản chánh’?

Thứ Tư, 05/29/2024 - 09:22 — DongPhungViet

Ảnh của DongPhungViet

Thiện cảm của công chúng và niềm tin của Phật tử đối với Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam, tổ chức tôn giáo thề vun trồng “đạo pháp” cùng với “chủ nghĩa xã hội” tiếp tục rơi tự do. Có thể thấy điều đó qua mạng xã hội và qua một số hành động như văn bản mà ông Nguyễn Văn Toàn – Giám đốc Công ty TNHH TMDV Tuấn Minh – gửi toàn thể cán bộ, nhân viên (CBNV) công ty hôm 27/5/2024, xác định: Sẽ ngừng đi chùa cúng dường vào ngày mùng một Âm lịch hàng tháng như mong muốn của toàn thể CBNV và việc cúng dường của công ty sẽ thay đổi sang phương thức hiến máu nhân đạo, hoặc hỗ trợ bữa ăn cho các bệnh nhân ung thư tại các bệnh viện K trên địa bàn Hà Nội (1)...

Trận bão dư luận do Hội đồng Trị sự (HĐTS) của GHPG Việt Nam khuấy động cách nay hai tuần qua công văn số 151/HĐTS-VP1 vì tuyên bố: Người đàn ông mang hình dáng nhà sư bộ hành dọc tuyến đường từ Khánh Hòa ra Hà Giang và ngược lại không phải là tu sĩ Phật giáo, không tu tập và không là nhân sự của bất cứ ngôi chùa, cơ sở tự viện nào của GHPG VN và đề nghị Ban Trị sự (BTS) GHPG VN các tỉnh, thành phố... “liên hệ với chính quyền địa phương có biện pháp ngăn chặn hành vi sử dụng mạng xã hội tạo làn sóng dư luận xúc phạm Giáo hội Phật giáo Việt Nam” (2) chưa tan thì GHPG Việt Nam lại gây thêm một trận bão dư luận mới...

Thượng tọa Thích Minh Đạo vừa bị GHPG Việt Nam tổ chức “kiểm điểm” và giữa đợt kiểm điểm, sau khi “trình bày đôi điều tận lòng với Giáo hội” ông xin... “dừng việc làm trong Giáo hội ở các chức vụ: Ủy viên Thường trực của Ban Trị sự tỉnh, Phó Ban Trị sự thị xã Phú Mỹ cũng như Chánh đại diện Phật giáo liên xã Tân Hòa - Tân Hải” (3).

Công chúng bao gồm cả tu sĩ một số tôn giáo khác biết đến Thượng tọa Thích Minh Đạo sau khi một video clip ghi lại buổi thuyết pháp của ông được đưa lên mạng xã hội. Khác với những tu sĩ cao cấp trong GHPG VN, trong video clip dài khoảng 12 phút 30 giây ấy, Thượng tọa Thích Minh Đạo đề cao phương thức tu tập của sư Minh Tuệ, xem đó là một cách tu chân chính nhưng khuyên Phật tử nên chừng mực đừng quấy rầy việc tu tập của sư Minh Tuệ.

Ông khuyên Phật tử: Nếu thật tình quý kinh sư Minh Tuệ, cho rằng sư chính là hiện tượng đem lại hạnh phúc, hòa bình, lấy lại những gì mà Đức Phật đã trao truyền cho chúng sanh mà đã bị mai một, mất dần trong thế giới mạt pháp thì yên lặng đứng hai bên đường, chắp tay chào sư trong chánh niệm, không cần chạy theo sư. Chúng ta không có khả năng đi theo sư đâu. Đó là một người đã tu nhiều đời, nhiều kiếp, có rất nhiều đời, nhiều kiếp thực hành hạnh đầu đà thì mới có khả năng đi như sư Minh Tuệ (4)...

Nhận định của Thượng tọa Thích Minh Đạo khác hẳn với “chủ trương” của GHPG Việt Nam. Đó là lý do, ngày 17/5/2024, Ban Trị sự GHPG Việt Nam thị xã Phú Mỹ tổ chức một cuộc họp theo “chỉ đạo gấp” của BTS GHPG Việt Nam tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu (BRVT) để xử lý “phát ngôn của Thượng tọa Thích Minh Đạo”. Trong Báo cáo Số 34 BC-BTS đề ngày 18/5/2024 gửi BTS GHPG Việt Nam tỉnh BRVT, BTS GHPG Việt Nam thị xã Phú Mỹ cho biết, các tu sĩ tham gia “kiểm điểm” Thượng tọa Thích Minh Đạo đã kết luận: “Thượng tọa phát biểu đại diện cho Phật giáo là sai. Thượng tọa là người trong tổ chức, có chức sắc chức việc, trong lúc việc chưa rõ mà phát biểu đưa tin tức lên cộng đồng tạo luồng dư luận không hay”.

Cũng theo báo cáo, Thường trực BTS GHPG Việt Nam thị xã Phú Mỹ đã “đề nghị Thượng tọa phải viết bản kiểm điểm nộp cho Ban Trị sự để báo cáo về cho Ban Trị sự tỉnh, mong rằng qua việc này đề nghị Thượng tọa nghiêm túc thực hiện và từ nay về sau không có tình trạng như vậy nữa”.

Khi đưa thông tin về cuộc họp “kiểm điểm” Thượng tọa Thích Minh Đạo lên website của GHPG Việt Nam tỉnh BRVT, bộ phận điều hành trang web cho biết “phiên họp kết thúc lúc 15h30 trong sự hoan hỷ của Chúng Tỳ kheo” (5) nhưng thực tế cho thấy, GHPG Việt Nam chưa muốn ngừng ở đó. Thượng tọa Thích Minh Đạo còn phải dự một cuộc “kiểm điểm” khác do BTS GHPG Việt Nam tỉnh BRVT tổ chức vào ngày 25/5/2024. Thậm chí, sau cuộc “kiểm điểm” lần hai, dù Thượng tọa Thích Minh Đạo đã tự nguyện xin từ bỏ tất cả các chức vụ trong GHPG Việt Nam ở BTS GHPG Việt Nam tỉnh BRVT và BTS GHPG Việt Nam thị xã Phú Mỹ nhưng GHPG Việt Nam chưa chịu thôi.

Thiên hạ đang chuyển cho nhau xem Thư mời do Văn phòng 2 của GHPG Việt Nam phát hành ngày 27/5/2024. Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Ban Thường trực HĐTS GHPG Việt Nam, Văn phòng 2 GHPG Việt Nam mời: Tu sĩ Thích Minh Đạo đến... “trao đổi công tác Phật sự có liên quan đến việc thuyết giảng thiếu chuẩn mực của Tu sĩ Thích Nhuận Đức và Tu sĩ Thích Minh Đạo” tại Thiền viện Quảng Đức, quận 3, TP.HCM vào lúc 7 giờ 30 ngày 4/6/2024, cùng với Ban Thường trực HĐTS và đại diện các Ban Tăng sự TƯ, Ban Kiểm soát TƯ, Ban Hoằng pháp TƯ, lãnh đạo Văn phòng 2, đại diện hệ phái Khất sĩ, Ban Thường trực BTS GHPG Việt Nam của tỉnh BRVT và thị xã Phú Mỹ (6).

***

Nếu theo dõi dư luận hẳn sẽ nhận ra, vì yêu mến Phật giáo, công chúng và đặc biệt là các Phật tử mới bất bình với GHPG Việt Nam, đặc biệt là chỉ trích kịch liệt một số tăng sĩ đang là “rường cột” của GHPG Việt Nam vì dung dưỡng sự tham lam và cách hành xử cho thấy dường như họ không tu tâm mà cũng chẳng tu thân!

Chẳng hạn công chúng nhắc lại sự kiện Thượng tọa Thích Đức Thiện – người thay mặt HĐTS phát hành công văn số 151/HĐTS-VP1, phủ nhận sư Thích Minh Tuệ là “tu sĩ Phật giáo” cũng là người năm 2013 bỏ ra mười tỉ để mua đất ở Bắc Ninh và bị một doanh nhân bất lương lừa (7).

Tuy tu hành nhưng Thượng tọa Thích Đức Thiện (Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký HĐTS GHPG Việt Nam cũng nhẹ dạ, hám lợi rồi trở thành nạn nhân của các thương vụ đầu tư chẳng khác gì bà Nguyễn Thị Giang Hương, Chủ tịch huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai – nhân vật tháng trước khiến dư luận ồn ào vì chỉ là “công bộc” mà có tới hơn 100 tỉ và bị kẻ gian lừa, lấy hết (8). Đáng lưu ý là bà Hương đang bị điều tra cả về nguồn gốc tài sản, lẫn việc kê khai tài sản trong suốt thời gian làm “công bộc” nhưng đến giờ, chưa có tăng sĩ nào phải giải trình về tài sản cá nhân dù có không ít tăng sĩ chỉ tu tập nhưng sinh hoạt rất xa hoa và công chúng tố cáo họ có rất nhiều tài sản!

Đó có thể là “ưu điểm” của việc đem “đạo pháp” hòa vào “chủ nghĩa xã hội”. Có thể tiếp tục dùng Thượng tọa Thích Đức Thiện làm ví dụ. Là tu sĩ nhưng ông có “trình độ lý luận chính trị” ở mức “trung cấp”. Ông không chỉ là tăng sĩ cao cấp của GHPG Việt Nam mà còn là Ủy viên Ủy ban Trưng ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là đại biểu quốc hội khóa này (9). Có thể vì vừa tu tập, vừa tham gia chính trị nên nội dung công văn số 151/HĐTS-VP1 mà ông ký chẳng khác gì văn bản của một cơ quan công quyền.

Sự hòa quyện giữa “đạo pháp” và “chủ nghĩa xã hội” đã đến mức GHPG Việt Nam trở thành bản sao của đảng CSVN. Cứ dùng google để search về các sinh hoạt chính thức của GHPG Việt Nam tự nhiên sẽ thấy điều đó. Ví dụ đảng có “đại hội đại biểu” thì GHPG Việt Nam cũng thế! Trên website của GHPG Việt Nam tỉnh BRVT, tin tường thuật về “Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh BRVT lần thứ bảy, nhiệm kỳ 2022 – 2027” có những nội dung như thế này... “Trong năm năm qua dưới ánh sáng nghị quyết của Trung ương Giáo hội cùng sự chỉ đạo của Ban Thường trực HĐTS GHPG Việt Nam”... Rồi... “Trưởng ban Tổ chức Đại hội đã thay mặt Tiểu ban nhân sự trình danh sách dự kiến giới thiệu tham gia Ban Trị sự Phật giáo tỉnh BRVT nhiệm kỳ 7”... Hay... “Toàn thể đại biểu nhất trí thông qua danh sách nhân sự Ban Trị sự Phật giáo tỉnh BRVT nhiệm kỳ 7” (10)...

GHPG Việt Nam là Phật giáo? Dùng Phật giáo dắt thiên hạ đến CNXH sẽ là như thế?

Chú thích

[1] https://congthuong.vn/tu-hien-tuong-thich-minh-tue-mot-cong-ty-tuyen-bo-ngung-di-chua-cung-duong-323006.html

[2] https://vov.vn/xa-hoi/giao-hoi-phat-giao-khang-dinh-su-thich-minh-tue-khong-phai-la-tu-si-phat-giao-post1095620.vov

[3] https://www.facebook.com/groups/572348384121798/posts/1226260148730615/

[4] https://www.facebook.com/100059910855657/videos/478001964664976/

[5] https://phatgiaobariavungtau.org.vn/2024/05/18/thuong-truc-ban-tri-su-thi-xa-phu-my-hop-giai-quyet-ve-phat-ngon-cua-tt-thich-minh-dao/

[6] https://www.facebook.com/photo?fbid=465277462714307&set=a.100545285854195

[7] https://dangcongsan.vn/phap-luat/lua-dao-22-ty-dong-tong-giam-doc-linh-an-30-nam-tu-203299.html

[8] https://tuoitre.vn/chu-tich-huyen-nhon-trach-bi-lua-hon-100-ti-dong-dieu-tra-cac-dong-tien-trong-tai-khoan-20240324085431115.htm

[9] https://baucuquochoi.vn/nhan-su/nguyen-tien-thien-2163.vnp

[10] https://chutichghpgvn.vn/ba-ria-vung-tau-don-vi-cuoi-cung-to-chuc-thanh-cong-dai-hoi-phat-giao-nhiem-ky-2022-2027/

🔝

Đại tự lâm nguy - Phần 2

Chủ Nhật, 05/26/2024 - 09:22 — DongPhungViet

Ảnh của DongPhungViet

Phần 2

Thực trạng mà Thượng tọa Thích Giác Nguyên khái quát (1), đại ý: Bá tánh “quá chán”, thậm chí “quá bất mãn” và “quá thù” cảnh “mặc tăng y mà xài bạc triệu, xài đồ sang, xe sang, chùa sang, chỗ ở sang”, nên chỉ một “thằng cha cầm nồi cơm điện” cũng “hút cả triệu người đi theo” nhằm “giải tỏa ẩn ức” đang làm “cả trăm triệu nổi điên” chỉ là hậu quả có tính tất yếu. “Nồi cơm điện” có thể “tàn sát Phật giáo” cho thấy, GHPG Việt Nam đã lạc lối khi dấn bước theo tiêu chí “đạo pháp, dân tộc, chủ nghĩa xã hội”...

***

Nỗ lực kết hợp “đạo pháp” với “chủ nghĩa xã hội” đã biến “dân tộc” thành công cụ cho cả đảng và GHPG Việt Nam “phát triển sự nghiệp” mỗi bên. Nếu GHPG Việt Nam không cúi đầu khuất phục, tự nguyện phụng sự thế quyền, không chỉ cho phép mà còn khuyến khích chư tăng mưu tìm danh lợi từ đó thì sẽ không có chuyện GHPG Việt Nam đồng tâm, nhất trí chấp nhận “tâm linh” trở thành một thứ công cụ để chính quyền và doanh nghiệp phát triển “du lịch”, tạo thành các “dự án du lịch tâm linh”.

Không khiển được GHPG Việt Nam thì sẽ không có chuyện năm 2015, chính quyền Việt Nam công bố “Quy hoạch Tuyến du lịch tâm linh khu vực đồng bằng sông Hồng” (2) nhằm phát triển các khu du lịch với những đại tự có quy mô chưa từng thấy thành… “tuyến”. Tuyến ấy bắt đầu từ Hà Nội, băng qua Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, vừa gắn chính quyền các địa phương với doanh nghiệp, vừa gắn các doanh nghiệp với nhau (3).

Không có “đạo pháp, dân tộc, chủ nghĩa xã hội” sẽ không có Tập đoàn Xuân Trường nổi như cồn, lớn nhanh như thổi với các dự án du lịch tâm linh như Tràng An – Bái Đính ở Ninh Bình, Tam Chúc – Ba Sao ở Hà Nam. Thay vì băn khoăn khi công cuộc hoằng pháp được đem ra dùng vào việc thu hồi đất để giao cho Tập đoàn Xuân Trường sử dụng mà không phải trả bất kỳ khoản tiền nào, để chính quyền các cấp rút vài ngàn tỉ từ công quỹ đổ vào việc mở rộng, xây mới các quốc lộ, tỉnh lộ dẫn vào những “dự án du lịch tâm linh” nhằm hỗ trợ công cuộc kinh doanh của Tập đoàn Xuân Trường, rồi phật sự được dùng vào việc giúp Tập đoàn Xuân Trường thu về và hưởng 90% doanh thu (4),... thì GHPG Việt Nam lại tỏ ra hết sức hoan hỉ bởi được Tập đoàn Xuân Trường “đài thọ mọi chi phí” cho “400 cán bộ, công nhân viên” (5) và có các đại tự mang những yếu tố không “nhất thế giới”, “nhất Đông Nam Á” thì cũng… “nhất Việt Nam” để tổ chức Đại lễ Vesak (kỷ niệm cùng lúc ba sự kiện: Phật Đản, Phật Thành đạo và Phật nhập Niết bàn)!

GHPG Việt Nam tỏ ra rất rạch ròi trong việc minh định “người được mạng xã hội gọi là ‘sư Thích Minh Tuệ’ không phải tu sĩ Phật giáo” và rất nhạy cảm khi việc ông bộ hành có thể bị lợi dụng để “xuyên tạc đời sống tu hành của tăng ni, phật tử GHPG Việt Nam” nhưng lại rất vô tư khi một số cá nhân, không ít doanh nghiệp đem Phật giáo gắn vào các dự án để thủ lợi. Đâu chỉ có Sun Group, Xuân Trường,... mang Phật giáo ra bán còn có ông Trần Bắc Hà (cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BIDV, đột tử khi bị tam giam năm 2019). Không những không phản đối, GHPG Việt Nam còn tỏ ra hoan hỉ khi ông Hà và gia đình thực hiện Dự án Tâm linh Phật pháp Linh Phong với tượng Phật ngồi được quảng cáo là “cao nhất Đông Nam Á”, lập Trung tâm Thuyết pháp Phật giáo, Hành lang La Hán, Thư viện Phật giáo, Bảo tàng Xá Lợi Phật,... để kinh doanh du lịch tâm linh ngay bên cạnh cổ tự có người gọi là chùa Ông Núi, có người gọi là Linh Phong Thiền tự (6)...

GHPG Việt Nam cũng rất vô tư khi từ trên xuống dưới cùng gửi văn bản cho các cơ quan tư pháp xin giảm hình phạt cho Cư sĩ Từ Vân, thế danh là Phạm Nhật Vũ. Ông Vũ là Chủ tịch HĐQT của An Viên Group (AVG). Tuy là cư sĩ nhưng ông Vũ cố tình bịa đặt về việc có một doanh nghiệp nước ngoài muốn mua AVG với giá 700 triệu Mỹ kim và đã đặt cọc 10 triệu Mỹ kim rồi cùng các viên chức hữu trách của Việt Nam bơm giá trị 95% của AVG lên 8.700 tỉ (chênh lệch so với giá trị thực khoảng 7.000 tỉ). Theo GHPG Việt Nam thì cần giảm hình phạt cho Cư sĩ Từ Vân Phạm Nhật Vũ vì ông ta đã cung hiến 1.300 tỷ cho các dự án an sinh xã hội về y tế, giáo dục và “công tác hoằng dương Phật pháp” (7). Còn gì báng bổ Phật pháp hơn việc đem “công tác hoằng dương” gắn vào một người tuy tu tại gia nhưng vẫn sắp đặt để chiếm đoạt 7.000 tỉ là mô hôi, nước mắt của bá tánh và lẽ ra phải được dùng vào việc “cứu khổ, cứu nạn” lê dân? Lấy 7.000 tỉ và chi ra 1.3000 tỉ vẫn là “công đức vô lượng”? Những ai thật sự được hưởng “công đức” ấy?

Còn gì báng bổ Phật pháp hơn khi cúng dường, giải nghiệp, tạo phúc khiến tham quan, ô lại thêm vững tâm, sau khi thẳng tay cướp đoạt phúc lợi của các giới, trấn lột dân lành thì chi một ít làm “công đức” là có thể thảnh thơi “ăn no, ngủ kỹ”. Những câu chuyện như ông Nguyễn Thanh Hóa, Thiếu tướng Cục trưởng Cảnh sát Phòng chống tội phạm công nghệ cao vừa bảo kê để nhận 20% trong hàng ngàn tỉ lợi nhuận của nhóm tội phạm chuyên tổ chức đánh bạc, vừa cúng chùa Thiên Hưng ở huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định một đại hồng chung (8), hay chuyện vợ chồng ông Lê Văn Minh (Thiếu tướng, Tư lệnh Cảnh sát biển Vùng 4) vừa nhận vài tỷ hối lộ, vừa yêu cầu người đưa hối lộ góp thêm vài trăm triệu để đúc chuông cúng chùa và làm “công đức” tại các chùa (9),... tự nhiên sẽ khiến thiên hạ nổi giận với kiểu thuyết pháp cúng tiền lẻ là mất phước!

Khi GHPG Việt Nam ghi công kẻ gian, trấn an kẻ ác thì đại tự lâm nguy là tất nhiên bởi Phật giáo đâu phải là như thế, dân trí và dân khí càng không tầm thường như “chư tăng” vẫn tưởng!

Chú thích

(1) https://www.facebook.com/photo?fbid=8478321558848679&set=pcb.8478383965509105

(2) https://nhandan.com.vn/nation_news/item/27845102-tim-huong-phat-trien-tuyen-du-lich-tam-linh-dong-bang-song-hong.html

(3) http://khcnmt-bvhttdl.vn/article/details/2123

(4) https://nhandan.vn/phan-dinh-ro-loi-ich-trach-nhiem-quan-ly-tai-chua-bai-dinh-va-khu-du-lich-trang-an-post196053.html

(5) http://vanhienplus.vn/chua-bai-dinh-thieu-tien-hoat-dong-nen-doanh-nghiep-phai-dai-tho/15093/

(6) https://nld.com.vn/thoi-su/tuong-phat-trong-du-an-tam-linh-cua-ong-tran-bac-ha-hut-khach-20180311153715123.htm

(7) https://phatgiao.org.vn/cu-si-pham-nhat-vu-da-chi-hon-1300-ty-dong-lam-viec-thien-d38703.html

(8) https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/tuong-cong-trong-duong-day-danh-bac-trieu-cung-tien-chuong-chua/

(9) https://dantri.com.vn/phap-luat/trum-buon-lau-khai-tang-cuu-tu-lenh-vung-canh-sat-bien-tien-duc-chuong-20220713182634009.htm

🔝

Đại tự lâm nguy - Phần 1

Chủ Nhật, 05/26/2024 - 09:14 — DongPhungViet

Ảnh của DongPhungViet

Phần 1

Từ sau Tết âm lịch đến nay, lượng người đến các chùa, đặc biệt là đến những đại tự giảm dần đều. Cũng do vậy... “Vì đâu ra nỗi này? Chùa dạo này vắng quá!” mới trở thành một trong những đề tài chính trên tờ Giác Ngộ số 1242, phát hành hồi thượng tuần tháng 3/2024 (1). Cảnh chùa càng ngày càng vắng vẻ không chỉ được cơ quan ngôn luận thuộc Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam cảnh báo mà còn được nhiều người sử dụng mạng xã hội ghi nhận (2). Sự tịch mịch của những đại tự dường như trở thành trầm trọng hơn lúc chuyện bộ hành dọc đường thiên lý của nhà sư Thích Minh Tuệ thu hút sự chú ý của hàng triệu người, khiến họ ngẫm nghĩ, thảo luận sôi nổi...

Trong vài ngày vừa qua, một số người sử dụng mạng xã hội đã giới thiệu ý kiến được nêu trên trang facebook có tên là Bếp Chay Tre (nhà hàng chuyên kinh doanh đồ chay ở thành phố Phan Thiết, Bình Thuận) (3), người viết - một đệ tử của ông Thích Chân Quang (trụ trì chùa Thiền tôn Phật Quang ở Bà Rịa Vũng Tàu) khẳng định:

“Những ai ủng hộ Minh Tuệ là đang đưa đạo Phật tới chỗ diệt vong”. Theo khuyến cáo của người viết status ấy thì: “Giặc đang tẩy não mọi người ác cảm với các từ ‘cúng dường, chùa to Phật lớn’. Làm cho xã hội không còn cảm tình với các nhà sư chân chính tu tập trong các ngôi chùa. Lâu dần mọi người sẽ thay đổi quan niệm, tu là phải vô gia cư, lang thang ra đường ăn xin, ăn mặc rách rưới bẩn thỉu, ngủ ở ngoài đường xó chợ, biến Đạo Phật thành phái Cái bang. Nếu đợt truyền thông bẩn này thành công, chúng ta sẽ thấy sắp tới các chùa chiền sẽ dần vắng bóng phật tử tới lui, các sư thầy khốn đốn về kinh tế. Mọi công tác phật sự sẽ đình trệ, chùa không mang lại lợi ích gì cho xã hội nữa. Cuối cùng Phật giáo sẽ rẽ sang hai lối: Những vị thầy chân chính sẽ phải gồng mình chống chọi nghịch cảnh. Những vị thầy vì nghịch cảnh ép buộc đành buông tay theo giặc để có cái mà ăn qua ngày”. Người viết status ấy kêu gọi hành động bởi: “Nếu chúng ta im lặng trước tà kiến đang lan tràn cũng là một cái tội” (4).

Ngoài những Phật tử như nhân vật điều hành trang facebook Bếp Chay Tre, người sử dụng mạng xã hội còn có cơ hội xem một số tăng công kích kịch liệt việc tu hành mà ... không chịu nhận gì của bá tánh, khiến nhiều tăng khác lâm vào thế kẹt, tương lai nhiều đại tự bị đe dọa. Mới nhất là clip thuyết pháp của Thượng tọa Thích Giác Nguyên, vừa cảnh báo, vừa giải thích nguyên nhân từ đâu, đại ý: ‘Thằng cha cầm nồi cơm điện’ hút cả triệu người vì những người đi theo không được học giáo lý. Họ quá chán với cảnh mặc tăng y mà xài bạc triệu. Người ta quá thù cái đó, quá bất mãn cho nên thấy cái nồi cơm điện thì giống như được giải tỏa ẩn ức. Ẩn ức ở đâu ra? Đó do thầy chùa mình xài đồ sang, xe sang, chùa sang, chỗ ở sang,... khiến cả trăm triệu nổi điên. Bây giờ quất một cái mền thời bao cấp, thêm một cái nồi cơm điện nữa là nó tàn sát Phật giáo. Một nồi cơm điện thôi là như Ronaldo, như Messi cày nát sân cỏ. Đừng có trách! Đó là do mình. Chưa đâu, mình sẽ còn thấy hai, ba cái nồi cơm điện nữa (5)...

Dẫu chuyện chư tăng... “xài đồ sang, xe sang, chùa sang, chỗ ở sang,... khiến cả trăm triệu nổi điên” là sự thật nhưng quy trách cho nhà sư Thích Minh Tuệ “tàn sát Phật giáo” là vô lối. Nhà sư Thích Minh Tuệ không có lỗi khi chọn tu tập theo kiểu bộ hành. Lối tu tập của ông chỉ là “giọt nước” làm tràn ly nhận thức. Bá tánh có cơ sở để đối chiếu và nhận ra, tu tâm, tu thân theo giáo lý Phật giáo không nhất thiết phải tìm đến những đại tự có cái này “lớn nhất Đông Nam Á”, có cái kia “lớn nhất Việt Nam” để cúng dường, giải nghiệp, tích phúc. Khi bá tánh từ chối nghĩa vụ vỗ béo giới tăng lữ, quay lưng với tổ chức tôn giáo đem “chủ nghĩa xã hội” dán vào “đạo pháp”, giới tăng lữ của GHPG Việt Nam tìm đâu ra tiền để duy trì hoạt động của các đại tự, bảo trì chùa to, tổ chức các đại lễ? “Nghịch cảnh” không chỉ hiển hiện mà còn càng lúc càng lớn, Nỗi lo “nồi cơm điện” tạo ra thảm trạng “những vị thầy” phải “buông tay theo giặc để có cái mà ăn qua ngày” tuy khôi hài (tu hành chỉ để có cái mà ăn) nhưng có... cơ sở để... quay quắt!

***

Không giống như các tôn giáo khác tại Việt Nam, kể cả Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (tuy là tổ chức Phật giáo chính thống ở miền Nam Việt Nam nhưng sau tháng 4/1975 bị chính quyền CSVN đẩy ra ngoài vòng pháp luật), GHPG Việt Nam được tạo điều kiện để phát triển tối đa vừa vì tự nguyện hỗ trợ đảng CSVN xây dựng... CNXH, vừa do tạo ra vô số cơ hội để hai bên... cùng có lợi. Đảng CSVN được GHPG Việt Nam hỗ trợ tận tình trong việc kiểm soát, ru ngủ quần chúng chấp nhận bất công, đinh ninh đói khổ là.. “nghiệp”, còn giới tăng lữ được đảng tạo điều kiện để “ăn trắng, mặc trơn” và cùng với đảng “ăn trên, ngồi trốc”. Nếu chịu khó ngẫm nghĩ, việc cho phép phá rừng ở khắp nơi để giới tăng lữ thực hiện “chùa to, Phật lớn” hoàn toàn không phải vì “hoằng dương Phật pháp”.

Nhờ vin vào “Địa Ngục tự”, tập đoàn Sun Group mới “đột” được vào Vườn Quốc gia Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Nhờ sự ngưỡng mộ và ủng hộ của phật tử, trong đó có những phật tử là viên chức nhiều cấp, Đại đức Thích Thanh Toàn, trụ trì chùa Nga Hoàng ở Tam Đảo mới trở thành “đối tác hàng đầu” của Sun Group, mới có khối tài sản trị giá vài trăm tỷ (6) và được chư tăng bày tỏ... sự đồng cảm sâu sắc khi xin thủ đắc khối tài sản này lúc buộc phải xả giới, hoàn tục do tai tiếng quá mức (7). Cần nhớ, không có chùa, Sun Group cũng không thể đột vào Rừng quốc gia Hoàng Liên Sơn, Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà – Núi Chúa. Không có “Cửu Long Sơn Tự”, đỉnh Chín Khúc ở Khánh Hòa không bị băm nát. Không có chùa, những tập đoàn như Xuân Trường không thể dòm ngó Cái Tráp ở Hải Phòng, hồ Núi Cốc ở Thái Nguyên và không có doanh nghiệp hậu thuẫn, nhà sư Thích Trúc Thái Minh không thể lập căn cứ tại chùa Ba Vàng ở Quảng Ninh như đã biết và toan vói tay đến Quảng Nam để làm “Khu Du lịch – Tâm linh Thiền Trúc Lâm” (8).

(còn tiếp)

Tham khảo

(1) https://giacngo.vn/bao-giac-ngo-so-1242-vi-dau-ra-noi-nay-chua-dao-nay-vang-qua-post70692.html

(2) https://www.facebook.com/kimvanchinh/posts/pfbid0kcMZ5YG3HfqEvQfqQfZNHPADGQHR8zfvJDrtWtivYHpT9cP8hcMcJahwNfgcDCcl

(3) https://www.facebook.com/bepchayTRE

(4) https://www.facebook.com/photo?fbid=8478321558848679&set=pcb.8478383965509105

(5) https://www.facebook.com/nguyenchanhtrung180576/posts/pfbid06zYNTsKwrVejfCLKyZkf5kx1uA31EF2pDAYDTJxMxGYjc4GUDszviRea38YpSY1Al

(6) https://znews.vn/biet-phu-trang-trai-duoc-su-toan-xay-dung-ben-canh-chua-nga-hoang-post1001245.html

(7) https://dantri.com.vn/xa-hoi/vu-su-thay-ga-tinh-xin-hoan-tuc-nhung-muon-giu-lai-trang-trai-tai-san-20191006105340159.htm

(8) https://thuvienhoasen.org/a32727/viet-nam-nhan-danh-xay-chua-de-pha-rung

🔝

Chính trị sẽ... ổn định? Phần 1

Chủ Nhật, 05/19/2024 - 09:13 — DongPhungViet

Ảnh của DongPhungViet

Phần 1

Văn phòng Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) đảng CSVN vừa loan báo kết quả hội nghị lần thứ chín của BCH TƯ đảng CSVN nhiệm kỳ 13. Theo đó, các thành viên trong BCH TƯ đảng nhiệm kỳ này “thống nhất rất cao” về việc “giới thiệu” để các đại biểu Quốc hội khóa 15 “bầu” ông Tô Lâm (Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng Bộ trưởng Công an) làm Chủ tịch chính thức thứ 12 của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (1).

Từ 1976 (thời điểm đảng CSVN quyết định đổi quốc hiệu Việt Nam thành Cộng hòa XHCN Việt Nam), có 14 cá nhân đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Nhà nước (CTNN), trong đó có ba người chỉ giữ vai trò này theo kiểu... tạm điền vào chỗ trống: Người thứ nhất là ông Nguyễn Hữu Thọ - làm Quyền CTNN một năm và 96 ngày sau khi ông Tôn Đức Thắng (CTNN đầu tiên) qua đời và bị thay thế bởi ông Trường Chinh (CTNN thứ hai).

Người thứ hai giữ vai trò CTNN theo kiểu tạm điền vào chỗ trống là bà Đặng Thị Ngọc Thịnh – làm Quyền CTNN 32... ngày sau khi ông Trần Đại Quang (CTNN thứ tám qua đời) và bị thay thế bởi ông Nguyễn Phú Trọng (CTNN thứ chín). Người thứ ba giữ vai trò CTNN theo kiểu tạm điền vào chỗ trống là bà Võ Thị Ánh Xuân. Bà Xuân có tới hai lần phải “thế thân”. Lần đầu bà Xuân làm Quyền CTNN trong 43... ngày sau khi ông Nguyễn Xuân Phúc (CTNN thứ mười “từ chức”) và trong vòng chưa đầy sáu tuần bị thay thế bởi ông Võ Văn Thưởng (CTNN thứ 11). Lần sau, bà Xuân làm Quyền CTNN trong 58 ngày và sẽ bị thay thế bởi ông Tô Lâm (CTNN thứ 12). Giới lãnh đạo Việt Nam vẫn thường vỗ ngực tự hào vì chính trị... “ổn định” nhưng cứ nhìn vào vị trí CTNN trong tám năm vừa qua thì tự nhiên sẽ thấy chính trị Việt Nam “ổn định” tới mức nào...

Bốn mươi năm sau khi Cộng hòa XHCN Việt Nam trình làng, từ 2016 tới nay, việc thay đổi CTNN diễn ra như thiên hạ thay áo. Ông Quang – CTNN thứ tám - chỉ tại nhiệm hai năm 172 ngày rồi đột tử. Bà Thịnh làm Quyền CTNN chỉ 43... ngày và được thay thế bởi ông Trọng. Tuy nhiên ông Trọng – CTNN thứ chín chỉ tại nhiệm hai năm 164 ngày rồi thôi. Thời gian tại nhiệm của ông Phúc – CTNN thứ mười – còn ngắn hơn (chỉ một năm 288 ngày). Giống như bà Thịnh, khi đảm nhiệm vai trò Quyền CTNN thay ông Phúc “từ chức”, bà Xuân chỉ tại vị 43... ngày. Thời gian tại vị của ông Võ Văn Thưởng - CTNN thứ 11 – còn ngắn hơn nữa (một năm 18 ngày) nên bà Xuân mới bị đẩy ra “thế thân” lần hai. Chẳng ai dám chắc sau khi Việt Nam có CTNN thứ 12, bà Xuân có bị đẩy đến chỗ phải “thế thân” lần ba hay không!

***

Ai cũng thấy chính quyền Việt Nam phải đổi CTNN xòanh xoạch bởi “dường như” các CTNN đã bảo kê cho một số doanh nghiệp thuộc loại thân hữu. Nếu ông Trần Đại Quang không đột tử, có lẽ ông Phan Văn Anh Vũ (Vũ “Nhôm”) vẫn còn “chọc Trời, khuấy nước”. Việc điều tra – xét xử hàng loạt vụ án liên quan tới ông Phan Văn Anh Vũ cho thấy, may mà CTNN thứ tám đột tử chứ không thì ít nhất ông cũng phải “từ chức” như ông Nguyễn Xuân Phúc (CTNN thứ mười), ông Võ Văn Thưởng (CTNN thứ 11). Dẫu nguyên nhân dẫn đến viêc ông Phúc, ông Thưởng “tự nguyện” xin “thôi giữ tất cả các chức vụ trong đảng và chính quyền” không được thông báo cụ thể nhưng việc họ “tự nguyện” thoái lui đã xác nhận tất cả “tin đồn” về việc họ đỡ cả... đầu lẫn... đuôi cho một số doanh nghiệp, khiến những doanh nghiệp này lớn nhanh như... thổi là hoàn toàn chính xác. Đó cũng là lý do không thể đoan chắc chính trị sẽ “ổn định”...

Khác với ông Quang, ông Phúc và ông Thưởng – trở thành CTNN giữa làn sóng về “tin đồn”, sau đó “sự nghiệp chính trị” mới tan tành, phải tự kết liệu “sinh mạng chính trị” vì “dường như” tin đồn hoàn toàn chính xác - ít nhất có một “tin chính thức” về trách nhiệm của ông Tô Lâm trong việc thổi doanh nghiệp thành “Thánh Gióng” nhưng ông vẫn được BCH TƯ đảng khóa 13 “thống nhất rất cao” để giới thiệu làm CTNN thứ 12...

Năm 2018, theo đề nghị của Thanh tra chính phủ (TTCP), công an Việt Nam khởi tố vụ án “đưa hối lộ, nhận hối lộ, vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra khi Mobifone (một doanh nghiệp nhà nước) mua 95% cổ phần của An Viên Group (AVG – doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thông tin, truyền thông do ông Phạm Nhật Vũ, em ông Phạm Nhật Vượng là Chủ tịch Hội đồng Quản trị). Thương vụ ấy trở thành “đại án” vì giá trị 95% cổ phần của AVG chỉ chừng 1.900 tỉ nhưng được thổi lên thành... 8.900 tỉ, khiến công quỹ thiệt hại khoảng... 7.000 tỉ. Vụ án vừa đề cập có nhiều điểm ly kỳ, chẳng hạn, hai năm sau khi thương vụ hoàn tất, AVG đột nhiên “tự nguyện” hoàn trả 8.900 tỉ đã nhận của Mobifone. Chẳng hạn TTCP chỉ công bố Kết luận thanh tra (KLTT) sau khi hai bên (Mobifone và AVG) hoàn tất việc hủy “thỏa thuận chuyện nhượng cổ phần” một... ngày, nhờ vậy, ông Vũ người “đưa hối lộ” chỉ bị phạt ba năm tù, còn ông Nguyễn Bắc Son (cựu Ủy viên BCH TƯ đảng, cựu Bộ trưởng Thông tin Truyền thông – TTTT) bị phạt tù chung thân, Ông Lê Nam Trà (Chủ tịch Hội đồng thành viên Mobifone bị phạt 23 năm tù), ông Trương Minh Tuấn (Ủy viên BCH TƯ đảng, Bộ trưởng TTTT tại nhiệm) bị phạt 14 năm tù...

Song đáng chú ý nhất là Mobifone không thể trả hớ cho AVG khoản tiền lên tới... 7.000 tỉ nếu như Bộ Công an không nhân danh “an ninh quốc gia”, khuyến cáo Bộ TTTT nên chỉ đạo Mobifone mua lại 95% cổ phần của AVG, không đề nghị Bộ TTTT chỉ đạo các bên có liên quan và báo chí xếp thương vụ này vào loại “Mật” để cấm thông tin và bình luận, thậm chí Bộ Công an còn khẳng định, khoản tiền 8.900 tỉ mà Mobifone bỏ ra để mua 95% cổ phần của AVG là... “thấp hơn so với định giá của các đơn vị định giá”, bởi vậy, bất chấp đơn tố cáo bay như bươm bướm đến các cá nhân, cơ quan hữu trách, thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG vẫn hoàn tất. Cũng vì vậy, trong KLTT, TTCP mới xác định, ba công văn của Bộ Công an (Công văn số 4352/BCA-A81 ngày 08/12/2014, Công văn số 418/BCA-TCAN ngày 9/3/2015, Công văn số 2889/BCA-A61 ngày 21/12/2015) “không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền theo quy định” và đề nghị “Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật các tổ chức, cá nhân thuộc Bộ Công an trong việc tham mưu ban hành ba văn bản tham gia ý kiến với Bộ TTTT mà TTCP đã nêu tại Điểm 6, Mục 2 của KLTT” (2).

Cả ba công văn mà TTCP đề cập đều do ông Tô Lâm - khi ấy là Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an ký. Có thể xem cả ba công văn này trên website của tờ Tiếng Dân (3) và nếu chịu khó tham khảo sẽ thấy ông Tô Lâm hết sức nhiệt tình trong việc thúc đẩy thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG sớm hoàn tất. Liệu CTNN thứ 12 có tiếp tục “bình an vô sự” hay sẽ phải ngậm ngùi giã biệt chính trường như CTNN thứ 11?

(còn tiếp)

Tham khảo

(1) https://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/trung-uong-gioi-thieu-dong-chi-to-lam-lam-chu-tich-nuoc-dong-chi-tran-thanh-man-lam-chu-tich-quoc-hoi-665380.html

(2) https://thanhtra.com.vn/thanh-tra/hoat-dong-nganh/Thanh-tra-Chinh-phu-cong-bo-ket-luan-thuong-vu-MobiFone-mua-AVG-131455.html

(3) https://baotiengdan.com/2022/12/27/su-nghiep-cua-hai-pho-thu-tuong-pham-binh-minh-va-vu-duc-dam-cham-dut-phan-2/

🔝

Chính trị sẽ... ổn định? Phần 2

Chủ Nhật, 05/19/2024 - 12:03 — DongPhungViet

Ảnh của DongPhungViet

Phần 2

Bên cạnh “tin chính thức” cho thấy ông Tô Lâm vẫn “bình an, vô sự” trong vụ Mobifone trả hớ 7.000 tỉ đồng khi mua 95% cổ phần của An Viên Group (AVG) là “chuyện khó tin nhưng có thật”, còn có một số “tin đồn” về Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Xuân Cầu (Xuân Cầu Holdings), có trụ sở chính tại phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội do các em, các cháu của ông Tô Lâm điều hành.

Theo đó, từ một doanh nghiệp chuyên kinh doanh xe hai bánh gắn máy nhãn hiệu Piaggio, Xuân Cầu Holdings đã trở thành chủ đầu tư nhiều dự án bất động sản cao cấp (nhà vườn, biệt thự) ở Hòa Bình, Hưng Yên, Hà Nội, Hải Phòng, Bình Định,... Những dự án này có diện tích từ vài chục đến vài trăm héc ta và vốn đầu tư từ hàng trăm đến hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn tỉ. Xuân Cầu Holdings còn là chủ nhiều tổ hợp trung tâm thương mại – khách sạn, resort, sân golf,... và vói tay vào lĩnh vực năng lượng bằng cách liên kết với một số tập đoàn ngoại quốc để xây dựng hoặc chuẩn bị xây dựng các nhà máy điện mặt trời ở Tây Ninh, Sóc Trăng, Bình Thuận, Quảng Trị,...

“Tin đồn” nhấn mạnh chuyện thân nhân ông Tô Lâm chính là chủ Xuân Cầu Holdings, trong đó ông Tô Dũng (em trai Tô Lâm) nắm giữ 61,76% vốn điều lệ, bà Tô Thị Thu Hiền (em gái Tô Lâm) nắm giữ 16,15% vốn điều lệ, ông Tô Duy (con trai Tô Dũng) nắm giữ 11,1% vốn điều lệ, bà Tô Hồ Thu (con gái Tô Dũng) nắm giữ 7,77% vốn điều lệ,... và nếu không có ông Tô Lâm chống lưng, Xuân Cầu không thể lớn mạnh như vậy (1).

Dẫu “tin đồn” luôn có trước và hiếm khi sai, thậm chí khiến công chúng có cảm giác “tin đồn”... định hướng cho hoạt động của cả Ủy ban Kiểm tra thuộc BCH TƯ đảng lẫn các quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và toàn thể BCH TƯ đảng, thậm chí “tin đồn” là nguồn duy nhất thỏa mãn quyền được biết của công chúng nhưng phải lưu ý, “tin đồn” vẫn chỉ là tin đồn, cần chờ thực chứng.

***

Thử tìm kiếm thông tin về Xuân Cầu Holdings trên Internet thì đúng là sự nghiệp kinh doanh của Xuân Cầu Holdings rất đáng nể (2). Hiếm có doanh nghiệp tư nhân nào tại Việt Nam nuôi tham vọng trồng đủ thứ (lúa, bắp và các loại cây có hạt khác, cây lấy củ có chất bột, rau đậu các loại, hoa và cây cảnh, gia vị và dược liệu, cây giống, rừng, dịch vụ trồng trọt), nuôi đủ thứ (trâu, bò heo, gia cầm, chăn nuôi khác, thủy sản nội địa, dịch vụ chăn nuôi), khai thác đủ thứ (quặng sắt, quặng kim loại khác không chứa sắt, đá, cát, sỏi, đất sét, khoáng hoá chất và khoáng phân bón, lâm sản), xây dựng không chừa thứ gì (nhà để ở, nhà không để ở, công trình đường sắt, công trình đường bộ, công trình cấp thoát nước, công trình viễn thông và thông tin liên lạc, phá dỡ, chuẩn bị mặt bằng), bán đủ thứ (xe hai bánh gắn máy và phụ tùng, đồ ăn, đồ uống, thuốc lá. thuốc lào, bất động sản), muốn cung cấp đủ loại dịch vụ (vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, lưu trú, nhà hàng, du lịch, tư vấn quản lý, tư vấn kỹ thuật, vui chơi giải trí, cho thuê máy móc thiết bị, đào tạo) như... Xuân Cầu Holdings (3) và đến giờ dường như không những không gặp bất kỳ rắc rối nào từ thuế, thanh tra, chính quyền địa phương, chính quyền trung ương mà còn được ưu ái đặc biệt.

Chẳng hạn hồi tháng 9/2019, khi Công ty Cổ phần Năng lượng Dầu Tiếng Tây Ninh tổ chức khánh thành cụm nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng DT1 và DT2, ngoài ông Nguyễn Minh Triết, cựu CTNN, còn có “Trưởng ban Kinh tế trung ương Nguyễn Văn Bình, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cùng nhiều lãnh đạo các các tỉnh, thành phía Nam” cùng tìm đến chúc mừng. Báo chí Việt Nam cho biết, Công ty Cổ phần Năng lượng Dầu Tiếng Tây Ninh là “liên doanh giữa Công ty TNHH Xuân Cầu (Việt Nam) và Công ty TNHH B. Grimm Power Public (Thái Lan) với số vốn đầu tư hơn 9.100 tỉ đồng” (4). Cho dù trên Internet có nhiều thông tin ấn tượng như chỉ tính riêng giá trị khối tài sản trong lĩnh vực bất động sản của Xuân Cầu Holdings đã là hàng tỷ USD (5), tính đến tháng 10/2023, vốn điều lệ của Xuân Cầu Holdings là 8.800 tỷ đồng (5) nhưng Xuân Cầu Holding vẫn được xếp vào loại “kín tiếng”. Sau 15 năm hoạt động (2000 – 2015), vốn điều lệ của Xuân Cầu Holdings nằm ở mức 150 tỷ đồng nhưng bảy năm sau (2022), con số này tăng lên, thành 4.580 tỷ đồng và thêm một năm nữa (2023) thì là 8.800 tỷ. Năm 2016, Thượng tướng Tô Lâm đặt chân vào BCH TƯ đảng, được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Công an. Năm 2019, tướng Tô Lâm là Đại tướng và được bầu vào Bộ Chính trị.

***

Cứ như những gì đã biết và đang thấy, “tin đồn” có thể không tạo ra hậu quả nào cụ thể cho đến ngày... xấu trời, các đương sự vốn là đối tượng của những “tin đồn” ngậm ngùi xin “thôi tất cả chức vụ trong đảng và chính quyền”. Ông Võ Văn Thưởng - CTNN thứ 11 – đột nhiên “nhận thức rõ trách nhiệm trước đảng, nhà nước và nhân dân” vì những “vi phạm, khuyết điểm gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của đảng, nhà nước” cách nay... hơn một thập niên chính là ví dụ mới nhất! Ngày.... xấu trời ấy hoàn toàn có thể xảy ra với ông Tô Lâm bởi ngoài những “tin đồn”, còn có “tin chính thức” về trách nhiệm (không trực tiếp thì cũng là gián tiếp) của ông trong việc bơm...7.000 tỉ công quỹ vào AVG. Chắc chắn không phải ngẫu nhiên mà ông Tô Lâm vừa làm Chủ tịch Nhà nước, vừa kiêm nhiệm vai trò Bộ trưởng Công an, buộc ông Bùi Văn Cường – Tổng Thư ký Quốc hội, ấp úng: “Trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 chưa giới thiệu chức danh Bộ trưởng Bộ Công an. Vì thế tại Kỳ họp lần thứ bảy này, Quốc hội chưa phê chuẩn hoặc miễn nhiệm chức danh Bộ trưởng Bộ Công an” (7). Khi BCH TƯ đảng CSVN bất chấp điều lệ đảng của chính mình, nhất trí trong việc để ông Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí thư nhiệm kỳ thứ ba (8) thì việc bất kể Hiến pháp, “thống nhất rất cao” để CTNN kiêm nhiệm Bộ trưởng Công an là chuyện chẳng có gì đáng ngạc nhiên!

Tuy nhiên thực tế cho thấy, “thống nhất rất cao” vẫn không thể loại trừ vĩnh viễn... tai nạn chính trị. Tổ chức đã từng “thống nhất rất cao” trong việc đưa ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Võ Văn Thưởng, ông Vương Đình Huệ vào Bộ Chính trị, rồi “thống nhất rất cao” với đề nghị giới thiệu họ làm CTNN, Chủ tịch Quốc hội cũng đổi ý rất sớm và tiếp tục “thống nhất rất cao” trong việc gây áp lực để các ông này “tự nguyện” từ bỏ mọi thứ.

“Tin đồn” từ đâu mà ra? Chắc chắn không phải từ dân lại càng không phải từ “các thế lực thù địch, phản động”. Dân và “các thế lực thù địch, phản động” đâu có thạo tin và rành rẽ ngọn ngành đến mức đáng ngạc nhiên như vậy. “Tin đồn” đều từ “ruột gan” mà ra và “tin đồn” là tin báo cuồng phong. Cứ cho là ông Tô Lâm có thể kiêm nhiệm Bộ trưởng Công an đến hết nhiệm kỳ này nhưng sau đó thì sao? Chính trị sẽ.... ổn định? Ai tin?

Tham khảo

(1) https://baotiengdan.com/2024/05/12/tap-doan-xuan-cau-va-cac-dai-du-an-hang-chuc-ngan-ty/

(2) https://xuancau.com.vn/project-category/du-an-vi/

(3) https://masothue.com/0107821619-cong-ty-tnhh-thuong-mai-va-dich-vu-xuan-cau

(4) https://tuoitre.vn/khanh-thanh-cum-nang-luong-mat-troi-dau-tieng-lon-nhat-dong-nam-a-20190907153217999.htm

(5) https://vietstock.vn/2024/05/lien-danh-xuan-cau-holdings-citylandgop-tien-mat-gan-830-ty-lam-du-an-hon-55-ngan-ty-tai-hoa-binh-4222-1187649.htm

(6) https://nhipsongkinhte.toquoc.vn/lo-dien-3-nha-dau-tu-xay-khu-do-thi-gan-5000-ty-dong-o-binh-dinh-42021328921740.htm

(7) https://laodong.vn/thoi-su/quoc-hoi-chua-phe-chuan-hoac-mien-nhiem-chuc-danh-bo-truong-bo-cong-an-1341846.ldo

(8) https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/dieu-le-dang/dieu-le-dang-do-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xi-cua-dang-thong-qua-3431

🔝

“Nhân văn, nhân ái” và bất cận... nhân tình!

Thứ Hai, 04/29/2024 - 06:07 DongPhungViet

Ảnh của DongPhungViet

Chuyện BCH TƯ đảng khóa 13 nhất trí cho ông Vương Đình Huệ “thôi chức Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương đảng khóa 13, Chủ tịch Quốc hội khóa 15, theo nguyện vọng cá nhân” (1), cho thấy giới lãnh đạo đảng không còn chút liêm sỉ nào.

Một tổ chức chính trị ra rả “nâng cao ý thức pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức”, khẳng định đó là “một trong những điều kiện tiên quyết của việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (2) nhưng vừa thản nhiên thừa nhận ông Huệ “vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm”, phải “chịu trách nhiệm người đứng đầu theo các quy định của đảng và pháp luật của nhà nước” (3), vừa khẳng định chắc nịch rằng ông Huệ có thể “hạ cánh an toàn” (đồng ý cho thôi chức theo nguyện vọng cá nhân), rồi trước ông Huệ là ông Võ Văn Thưởng (Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương đảng khóa 13, Chủ tịch thứ 12 của Cộng hòa XHCN Việt Nam), trước ông Thưởng là ông Trần Tuấn Anh (Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương đảng khóa 13, Trưởng ban Kinh tế của BCH TƯ đảng), trước ông Anh là ông Nguyễn Xuân Phúc (Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương đảng khóa 13, Chủ tịch thứ 11 của Cộng hòa XHCN Việt Nam) cũng... y hệt như vậy. Kiểu hành xử ấy có khác gì vừa tự khoe sạch sẽ vì “học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, tác phong Hồ Chí Minh”, nỗ lực “giữ gìn vệ sinh thật tốt”, vừa bôi tro, trát trấu vào mặt và bảo đó là điểm “ưu việt” của “nhà nước dân chủ kiểu mới”!

Một trong những lý do dẫn tới việc bốn Ủy viên Bộ Chính trị vừa kể phải “tự nguyện” xin “thôi giữ các chức vụ” và được BCH TƯ đảng nhất trí đáp ứng là không thể thoái thác “trách nhiệm chính trị của người đứng đầu”. Nếu đúng là “người đứng đầu” không thể né tránh “trách nhiệm chính trị” vì “để xảy ra nhiều vi phạm khiến nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật, bị xử lý hình sự, xử lý kỷ luật đảng, hành chính” thì tại sao ông Nguyễn Phú Trọng chưa tự xử hoặc BCH TƯ đảng khóa 13 không ngồi lại để xem xét, xử lý Tổng bí thư? Nên xếp ông Trọng vào loại nào khi ông thường xuyên răn dạy các đồng chí phải “tự soi lại mình, tự gột rửa” (3), gọi hiện tượng “chân mình còn lấm bê bê, lại cầm bó đuốc đi rê chân người” là bệnh, lớn tiếng cảnh báo căn bệnh này vừa là nguyên nhân dẫn tới, vừa là biểu hiện của “tự diễn biến, tự chuyển hóa” (4) nhưng vẫn không xin thôi làm Tổng Bí thư, cho dù Bộ Chính trị mất năm Ủy viên trong vòng chưa đầy 18 tháng, chưa kể khi đảm nhận vai trò lãnh đạo tiểu ban chuẩn bị nhân sự cho BCH TƯ đảng khóa 13, ông Trọng còn chọn nhầm, giới thiệu sai nên BCH TƯ khóa này mất thêm hơn một chục Ủy viên nữa bởi từng có đủ thứ “vi phạm, khuyết điểm” trước khi được tiến cử vào BCH TƯ đảng khóa này?

***

Bởi thiếu liêm sỉ nên bất chấp thực trạng thế nào, đầu năm 2021, lúc Đại hội 13 của đảng CSVN kết thúc, bất chấp Điều lệ đảng không cho phép một cá nhân đảm nhiệm vai trò Tổng bí thư quá hai nhiệm kỳ (5), sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba, ông Trọng mới dõng dạc tuyên bố: “Đại hội đã tiến hành nghiêm túc, đúng Điều lệ Đảng, sáng suốt lựa chọn và bầu các đồng chí đủ tiêu chuẩn, xứng đáng vào Ban Chấp hành Trung ương đảng khóa 13” (6)...

Tổng bí thư như thế thì đồng đảng cũng thế. Không ít cá nhân phụ họa như ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương: “Chúng ta chuẩn bị rất kỹ lưỡng về chất lượng chứ không chỉ có điều kiện, tiêu chuẩn... Qua công tác nhân sự tại đại hội lần này thấy được niềm tin của nhân dân với đảng, đây là nét rất mới, mang lại thành công lớn của đại hội” (7). May là ông Thắng tán... láo. Ông mà đúng, sau scandal Vương Đình Huệ, sẽ có bao nhiêu triệu dân vì thất vọng mà... tự tử?

***

Mười năm trước, ông Trọng định hướng thế này cho công cuộc chống tham nhũng: “Chúng ta làm rất kiên quyết nhưng phải tỉnh táo, làm lâu dài, giữ cho được ổn định đất nước để phát triển chứ giũ tung tất cả, tạo sự mất niềm tin, nghi kỵ lẫn nhau, rối loạn sẽ rất nguy hiểm... Phải khôn ngoan, có con mắt chiến lược. Bác Hồ dạy rồi, cha ông ta dạy rồi, đánh con chuột đừng để vỡ bình, làm sao diệt được chuột mà bảo vệ được bình hoa. Tức là phải giữ cho được cái ổn định” (8).

“Sự khôn ngoan”, “con mắt chiến lược” nhằm “bảo vệ được bình hoa” là lý do khiến ông Trọng và đảng của ông khẳng định, vừa điều hành công cuộc chống tham nhũng theo hướng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, vì sự nghiệp chung bất kể đó là ai” (9), vừa bảo đảm “nhân văn, nhân ái, nhân tình” vì “răn đe, giáo dục, ngăn ngừa là chính, nếu phải xử lý thì nghiêm minh, đúng pháp luật và phù hợp với lương tâm, tình cảm của con người” (10).

Phải rất thiếu liêm sỉ mới thản nhiên biện luận về việc đặt định những yêu cầu mâu thuẫn, chẳng nơi nào, thời nào trong lịch sử nhân loại dám dùng trong ngăn ngừa “tham quan ô lại”. Thực trạng kinh tế - xã hội càng ngày càng thê thảm chứng minh “nhân văn, nhân ái, nhân tình”, chỉ kích thích các đồng đảng nhũng lạm táo tợn hơn, không những không “răn đe, giáo dục, ngăn ngừa” được ai mà còn là nguyên nhân khiến các đồng đảng “giũ tung tất cả” nhằm giành phần lớn hơn và cuối cùng vẫn là dân lành lãnh hết hậu quả.

Chú thích

(1) https://vnexpress.net/trung-uong-dong-y-ong-vuong-dinh-hue-thoi-chuc-chu-tich-quoc-hoi-4735654.html

(2) https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/quan-triet-va-thuc-hien-nghi-quyet-dai-hoi-xiii-cua-dang/-/2018/824718/nang-cao-y-thuc-phap-luat-cua-can-bo-cong-chuc-vien-chuc-dap-ung-yeu-cau-xay-dung-nha-nuoc-phap-quyen-xa-hoi-chu-nghia-viet-nam.aspx

(3) https://nld.com.vn/thoi-su/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-moi-can-bo-dang-vien-tu-soi-lai-minh-tu-got-rua-tu-sua-minh...

(4) https://www.qdnd.vn/phong-chong-tu-dien-bien-tu-chuyen-hoa/truoc-het-phai-tu-phe-binh-738951

(5) https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/dieu-le-dang/dieu-le-dang-do-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xi-cua-dang-thong-qua-3431

(6) https://www.vietnamplus.vn/dien-van-be-mac-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xiii-cua-dang-...

(7) https://thanhnien.vn/cong-tac-nhan-su-cua-dai-hoi-xiii-da-duoc-chuan-bi-ky-luong-ve-moi-mat

(8) https://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/chong-tham-nhung-danh-chuot-dung-vo-lo...

(9) https://vnews.gov.vn/video/khong-co-vung-cam-khong-co-ngoai-le-vi-su-nghiep-chung-bat-ke-do-la-ai...

(10) https://tienphong.vn/chong-tham-nhung-nhan-van-nhung-du-ran-de-ngan-ngua-...

🔝

Vingroup và công an chỉ “cột dây giày trong ruộng dưa”?

Thứ Hai, 04/29/2024 - 10:59 — DongPhungViet

Ảnh của DongPhungViet

Vinfast làm thinh - Báo Việt Nam không được đăng

Gia đình bốn nguời chết hết vì đi xe Vinfast đụng vào cây sồi bốc cháy khoảng 9:00 tối Thứ Tư 24/4 ở Pleasanton, Bắc California. Tốc độ cho phép lái trên đường Stoneridge Drive của thành phố này là 40 dặm một giờ, có nghĩa là tốc độ tương đối chậm, có thể thắng kịp khi gặp sự cố. Cảnh sát cho biết việc xe chạy quá tốc độ có góp một phần vào tai nạn và không có chỉ dấu gì là do rượu, ma túy hay giằng co, gây gổ. Xe va vào trụ lề đường rồi lạc tay lái đụng vào cây, bốc cháy dữ dội ngay sau đó và ông Larry Lai, sống gần đó cho biết, ông đang ở bên ngoài thì nghe thấy tiếng nổ vào thời điểm xảy ra tai nạn. Ông nói: “Cứ năm đến mười giây lại có một tiếng nổ lớn, có thể khoảng năm đến tám lần. Ba nguời chết đã được nhận diện là: Tarun Cherukara George, 41 tuổi. Rowan George, 13 tuổi, Aaron George, 9 tuổi. Nguời thứ tư do bị cháy quá tệ nên chưa thể nhận diện sớm được, chỉ biết là phái nữ.

VinFast từ chối sự tiếp xúc để xin ý kiến của hãng tin NBC Bay Area. Cho tới thời điểm này, Vinfast vẫn còn làm thinh về tai nạn. Trong nước các báo loan tin thì bị gỡ bài. Vinfast không thể và không nên ứng xử thờ ơ trước một tai nạn kinh khủng như vậy ở Mỹ, không nên đem cung cách ứng xử với nguời tiêu dùng ở Việt Nam để áp dụng ở Mỹ, vì sẽ thất bại ê chề!

Việc xe chạy quá tốc độ cho phép, vẫn còn chưa rõ là lỗi từ nguời lái - một kỹ sư làm việc cho Google và được láng giềng quý mến - hay từ phần mềm. Dù cuộc điều tra đang tiến hành để biết chính xác nguyên nhân xảy ra tai nạn nhưng cháy và nổ liên tục khi xe vừa đụng vào cây cho thấy nguời trong xe không có những phút giây cần thiết để tẩu thoát, nguời cứu nạn không có thời gian và điều kiện để tiếp cận giải cứu - đây là những điều mà Tesla đã cẩn thận làm và test tới test lui trước khi đưa ra thị trường.

Vinfast bán xe nhưng nên hiểu là mạng nguời không rẻ rúng (1).

***

Thật ra đã có rất nhiều người trích dịch tin tức từ các cơ quan truyền thông ở Mỹ, trong đó có cả những cơ quan truyền thông hướng đến độc giả người Việt như RFA về vụ tai nạn thảm khốc này (2). Người viết bài chọn giới thiệu lược thuật của ông Lê Minh Nguyên về tai nạn liên quan tới sản phẩm của Vinfast vì vài lý do: Có một số thông tin mới. Chừng mực. Đặc biệt, ông Nguyên cũng là người Việt nhưng chắc chắn không cần phải... đào tẩu và... xin tị nạn như... Sonnie Tran vì ông ở bên ngoài Việt Nam!

Sonnie Trần tên thật là Trần Mai Sơn, 38 tuổi, cũng là người Việt như ông Lê Minh Nguyên nhưng sống ở Việt Nam. Sonnie Tran nổi tiếng vì chuyên chắt lọc, tổng hợp thông tin từ các cáo bạch của Vingroup, đối chiếu với những tài liệu của các doanh nghiệp ngoại quốc như Tata, LongChuan,... để phân tích, nhận định về Vingroup và Vinfast - một trong những sản phẩm nổi tiếng của Vingroup – trên mạng xã hội. Những phân tích của Sonnie Tran được thiên hạ chú ý vì chúng thuộc dạng... điền thế (cung cấp các thông tin, ý kiến về Vingroup hay Vinfast mà thiên hạ quan tâm nhưng không thể tìm thấy trên hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam).

Tuy nhiên đó cũng là lý do Sonnie Tran gặp rắc rối. Từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay, Sonnie Tran liên tục bị công an Việt Nam triệu tập để lấy lời khai vì các sản phẩm thông tin mà theo công an là có dấu hiệu “lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Việc Sonnie Tran bị sách nhiễu đã khiến một số cơ quan truyền thông quốc tế ngạc nhiên và nêu ra như một hiện tượng vừa kỳ dị, vừa đáng ngại ở Cộng hòa XHCN Việt Nam. Tuy nhiên điều đó không giúp giảm áp lực mà Sonnie Tran phải gánh chịu. Áp lực gia tăng đến mức Sonnie Tran phải trốn khỏi Việt Nam, tìm cách được hưởng quy chế tị nạn chính trị,...

Tin Sonnie Tran đào tẩu xuất hiện gần như cùng lúc với tin về vụ tai nạn thảm khốc ở Pleasanton. Gọi là đào tẩu vì theo Sonnie Tran, ông đã bị cấm xuất cảnh và rắc rối xuất hiện, áp lực càng ngày càng gia tăng bởi công an Việt Nam thực hiện yêu cầu của Vingroup (3). Vingroup đã từng làm như thế với nhiều người. Một trong những vụ từng khuấy động dư luận là chuyện ông Trần Văn Hoàng dám sử dụng YouTube để phàn nàn về những khiếm khuyết của chiếc Vinfast mà ông đã mua rồi bị công an triệu tập...

***

Thiên hạ ở cả trong lẫn ngoài Việt Nam đã từng và có lẽ sẽ còn tiếp tục bàn tán rất nhiều về việc tại sao hệ thống truyền thông chính thức ở Việt Nam lại chọn phương thức hành xử theo kiểu “mũ ni che tai” trước những thông tin, sự kiện mà về mặt nghề nghiệp vốn dĩ không thể bỏ qua nhưng lại cương quyết không màng tới chỉ vì không có lợi cho sự nghiệp của Vingroup. Thiên hạ cũng không thể lý giải tại sao công an Việt Nam lại quan tâm và bảo vệ Vingroup tận tình như vậy?

Ông Tô Lâm – nhân vật lãnh đạo Bộ Công an - có biết hiện tượng hết sức bất thường này không? Đặc biệt là khi hiện tượng hết sức bất thường này trở thành “sự kiện và vấn đề” trên hệ thống truyền thông quốc tế, gây tổn hại cho nỗ lực vận động thiên hạ công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh – vấn đề có tính chất sống còn đối với sự ổn định và phát triển của kinh tế, xã hội Việt Nam – chẳng lẽ hiện tượng hết sức bất thường đó nằm ngoài phạm trù an ninh kinh tế?

Trong quá khứ, ông Tô Lâm từng dính dáng đến chủ một thực thể vốn gần gũi với người đang nắm giữ quyền điều hành Vingroup. Thực thể đó là Công ty Nghe nhìn toàn cầu (AVG). AVG nằm trong tay của ông Phạm Nhật Vũ – bào đệ của ông Phạm Nhật Vượng. Năm 2014, ông Phạm Nhật Vũ quyết định bán 95% cổ phần cho Mobifone (doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực thông tin truyền thông – TTTT). Giá trị thực của số cổ phần này chỉ có 1.900 tỉ nhưng Mobifone lại mua với giá 8.900 tỉ. Sự việc vỡ lở, một Ủy viên BCH TƯ đảng đồng thời là cựu Bộ trưởng TTTT bị phạt tù chung thân (Nguyễn Bắc Son), một Ủy viên BCH TƯ đảng kiêm Bộ trưởng TTTT lúc đó bị phạt 14 năm tù (Trương Minh Tuấn), Chủ tịch Hội đồng thành viên Mobifone bị phạt 23 năm tù (Lê Nam Trà),... nhưng ông Phạm Nhật Vũ chỉ bị phạt ba năm tù vì hai... ngày trước khi Thanh tra của chính phủ (TTCP) công bố Kết luận Thanh tra (KLTT) đã chủ động đề nghị hủy thương vụ, trả lại toàn bộ tiền cho Mobifone.

Tuy TTCP khẳng định trong KLTT rằng Bộ Công an đã phát hành ba công văn “trái quy định về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền”, đồng thời đề nghị “Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật các tổ chức, cá nhân thuộc Bộ Công an trong việc tham mưu ban hành ba văn bản tham gia ý kiến với Bộ TTTT” (4) nhưng ông Tô Lâm khi ấy là Thượng tướng, Thứ trưởng Công an - người ký cả ba văn bản vẫn vô sự.

Phiên xử vụ án Mobifone – AVG cho thấy, cả ba văn bản mà ông Tô Lâm đã ký không chỉ dọn đường để Mobifone mua cổ phần của AVG với giá trên trời mà việc tùy tiện xếp thương vụ vào diện “Mật” hoặc “Tối mật” đã ngăn chặn tất cả mọi người tiếp cận, đề cập đến thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG. Sự việc vỡ lở chỉ vì một số thành viên của Mobifone kiên trì tố cáo không ngưng nghỉ cả bằng đơn, thư gửi đi khắp nơi lẫn bày ra những khuất tất trên mạng xã hội và tương quan thế lực ở thượng tầng thay đổi.

Một trong ba công văn (CV số 418/BCA-TCAN ngày 9/3/2015) đề nghị Bộ TTTT “chỉ đạo hai doanh nghiệp không công khai, tuyên truyền sự việc, quản lý chặt chẽ các thông tin, tài liệu liên quan đến việc chuyển nhượng vì đây là bí mật kinh doanh của doanh nghiệp”. Đồng thời Thượng tướng Tô Lâm còn “đề nghị Bộ Thông tin Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí không đưa tin, bài viết bình luận về hoạt động chuyển nhượng giữa hai doanh nghiệp” (5). Xem lại công văn này ắt thấy, “biện pháp nghiệp vụ” vừa kể đã được dùng nhiều lần, với nhiều đối tượng và đã dùng ắt vấn đề không nhỏ.

Chưa có bằng chứng nào về việc Bộ công an nói chung và lực lượng an ninh thuộc Bộ Công an nói riêng bảo kê cho Vingroup. Cũng chưa có bằng chứng nào về việc Vingroup dùng Bộ Công an song chẳng lẽ tất cả đều là ngẫu nhiên? Ngạn ngữ có câu “trong ruộng dưa đừng cột dây giày, dưới gốc mận đừng sửa mũ”, hàm ý người tử tế nên tránh gây ngộ nhận. Cả Vingroup lẫn Bộ Công an dưới quyền điều hành của ông Tô Lâm chưa chú ý để tránh ngộ nhận và trong tương lai có muốn tránh chăng?

Chú thích

(1) https://www.facebook.com/LeMinh...

(2) https://www.rfa.org... vinfast-car-crash-4-deaths-04292024060743.html

(3) https://www.voatiengviet.com/a/sonnie-tran-xin-ti-nan-to-cong-an-sach-nhieu-ham-doa-do-ong-phan-tich-vinfast-vingroup/7587298.html

(4) https://thanhtra.com.vn... Thanh-tra-Chinh-phu-cong-bo-ket-luan-thuong-vu-MobiFone-mua-AVG-131455.html

(5) https://baotiengdan.com...su-nghiep-cua-hai-pho-thu-tuong-pham-binh-minh-va-vu-duc-dam-cham-dut-phan-2/

🔝